Quy hoạch là gì? Phân loại quy hoạch hiện nay thế nào?

Quy hoạch là thuật ngữ được nhắc đến tương đối nhiều, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Trong bài viết dưới đây, LuatVietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Quy hoạch là gì và chi tiết về quy hoạch sử dụng đất.

1. Quy hoạch là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch 2017 giải thích quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định.

Theo đó, việc lập quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

Tại Điều 8 của Luật Quy hoạch 2017 cũng nêu rõ thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Trong đó:

- Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm;

- Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.

Quy hoạch là gì
Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, sử dụng tài nguyên (Ảnh minh họa)

2. Có những loại quy hoạch nào?

Bên cạnh việc tìm hiểu Quy hoạch là gì, phân loại quy hoạch cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo đó, tùy thuộc vào tiêu chí khác nhau để phân loại quy hoạch cụ thể.

2.1 Căn cứ theo đối tượng được quy hoạch

Quy hoạch được chia thành:

- Quy hoạch không gian biển:

Là việc phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

- Quy hoạch sử dụng đất:

Là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

- Quy hoạch ngành

Là quy hoạch theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Quy hoạch đô thị

Là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

2.2 Căn cứ vào phạm vi quy hoạch

Căn cứ Điều 3 Luật Quy hoạch 2017, quy hoạch được chia thành:

- Quy hoạch tổng thể quốc gia

Là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

- Quy hoạch vùng

Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.

- Quy hoạch tỉnh

Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

3. Nguyên tắc của hoạt động quy hoạch

Ngoài tìm hiểu về Quy hoạch là gì cũng cần nắm rõ về nguyên tắc của hoạt động quy hoạch. Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 nêu rõ, hoạt động quy hoạch cần tuân thủ theo các nguyên tắc dưới đây:

- Tuân theo quy định của Luật Quy hoạch, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

- Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

- Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới.

- Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.

- Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch.

- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

- Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.

Quy hoạch là gìNguyên tắc của hoạt động quy hoạch (Ảnh minh họa)

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quy hoạch

Điều 13 Luật Quy hoạch 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch gồm:

- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan.

- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.

- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.

- Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.

- Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch;

- Cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch, hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.

- Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.

- Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.

5. Chi tiết quy định về quy hoạch sử dụng đất hiện nay

Khi tìm hiểu Quy hoạch là gì và các loại quy hoạch hiện nay, quy hoạch sử dụng đất là một trong số quy hoạch được người dân đặc biệt quan tâm. Những nội dung dưới đấy giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về quy hoạch sử dụng đất.

Quy hoạch là gìQuy định về quy hoạch sử dụng đất hiện nay (Ảnh minh họa)

5.1 Các loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất và ý nghĩa

Ở phần trên, LuatVietnam đã đưa ra giải thích về quy hoạch sử dụng đất. Khi nhắc đến quy hoạch sử dụng đất không thể không nhắc đến bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện sự phân bổ các loại đất tại thời điểm cuối kỳ của quy hoạch đó”.

Các bản đồ quy hoạch có thể có tỷ lệ khác nhau phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của đồ án quy hoạch chung và loại quy hoạch phân khu hay chi tiết. Hiện nay có 3 loại bản đồ được sử dụng phổ biến nhất là:

- Bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000

Giúp xác định chức năng, định rõ mốc giới, định hướng các tuyến đường giao thông, các khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng cầu, đường, cây xanh, điện, trường học, hồ nước… Bản đồ 1/5.000 được sử dụng làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng và giải quyết các vấn đề phát sinh sau này như đền bù khi di dời dân cư, giải phóng mặt bằng…

- Bản đồ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000

Giúp phân chia, xác định chức năng sử dụng đất và mạng lưới các hạ tầng công trình nhằm cụ thể hóa nội dung của bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000. Nội dung chính của bản đồ gồm: phạm vi ranh giới, tính chất khu vực lập quy hoạch, diện tích, chỉ tiêu dự kiến về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dân số… và là cơ sở để giải quyết các tranh tụng.

- Bản đồ quy hoạch 1/500

Gồm tất cả các công trình trên đất, từ hạ tầng kỹ thuật, việc bố trí đến từng ranh giới lô đất. Đây chính là quy hoạch tổng thể của các dự án đầu tư xây dựng. Căn cứ vào bản đồ quy hoạch 1/500 có thể xác định vị trí công trình, thiết kế cơ sở, kỹ thuật xây dựng và thi công xây dựng.

5.2 Cách kiểm tra quy hoạch đất phổ biến

Việc kiểm tra quy hoạch sử dụng đất là việc làm cần thiết trước khi đầu tư xây dựng hay mua bán đất đai. Hiện nay, có thể kiểm tra quy hoạch sử dụng đất theo 03 cách dưới đây:

- Cách 1: Kiểm tra thông tin quy hoạch trên Sổ đỏ

Theo Điều 11 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT, thông tin quy hoạch sẽ được ghi trực tiếp tại phần Ghi chú trong Sổ đỏ, trong đó thể hiện rõ phần đất thuộc diện quy hoạch gì, khi bị thu hồi có được đền bù không…

- Cách 2: Liên hệ cơ quan Nhà nước có tẩm quyền để hỏi thông tin quy hoạch

Người dân có thể đến trực tiếp Phòng Tài nguyên và Môi trường quận/huyện nơi có đất để hỏi cụ thể về thông tin quy hoạch. Dựa trên thông tin nhà đất mà người dân cung cấp, cán bộ chức năng sẽ tra cứu bản đồ quy hoạch và giải đáp cho họ biết mảnh đất đó có nằm trong khu quy hoạch nào hay không.

Đây là cách kiểm tra quy hoạch đất an toàn và có độ chính xác cao, tuy nhiên sẽ hơi tốn thời gian và công sức, nhất là khi người dân không ở gần trung tâm hành chính.

- Cách 3: Tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến

Đây là cách kiểm tra quy hoạch đất online, người dân chỉ cần truy cập cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất và xem hướng dẫn được đăng tải.

Ví dụ, muốn tra cứu thông tin quy hoạch Hà Nội, người dân có thể truy cập vào "Cổng thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất" của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội theo địa chỉ: http://qhkhsdd.hanoi.gov.vn/datdai

Xem thêm: Hướng dẫn tra cứu Sổ đỏ online với 2 cách đơn giản

5.4 3 hành vi vi phạm về quy hoạch sử dụng đất

Theo khoản 2 Điều 97 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm:

- Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định;

- Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trên đây là giải đáp về Quy hoạch là gì? Phân loại quy hoạch hiện nay thế nào? Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Cao điểm du lịch, cẩn thận lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ qua mạng

Cao điểm du lịch, cẩn thận lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ qua mạng

Cao điểm du lịch, cẩn thận lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ qua mạng

Thời gian này đang là cao điểm du lịch, do đó nhu cầu đặt vé máy bay hành khách ngày càng tăng cao. Ham giá rẻ, muốn có vé nhanh, đã có không ít người dân bị mắc bẫy lừa đảo bán vé máy bay qua mang. Cùng đọc bài viết dưới đây của LuatVietnam để hiểu rõ hơn về chiêu thức lừa đảo này.