Căn cứ Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an và Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiên bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, các chủ xe cơ giới đường bộ (sau đây rút gọn là chủ xe cơ giới) khi làm thủ tục đăng ký xe; phát hiện, xử lý vi phạm các trường hợp không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát điều tra và các lực lượng Cảnh sát khác có liên quan trong việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thuộc Công an các đơn vị, địa phương; cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính; doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương
1.1. Phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
1.2. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt; Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi làm thủ tục cấp đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây viết gọn là xe cơ giới) phải yêu cầu chủ xe cơ giới xuất trình Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
1.3. Lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát khác có liên quan, khi tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện hoặc chủ xe cơ giới không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, thì phải lập biên bản và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008, Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, mức tiền phạt cụ thể như sau:
a) Phạt tiền 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
b) Phạt tiền 500.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.
1.4. Tuỳ từng vụ tai nạn giao thông cụ thể và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra có trách nhiệm thông báo, cung cấp một hoặc các tài liệu dưới đây có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đó cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường bảo hiểm :
- Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông;
- Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có);
- Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông;
- Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông;
- Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn giao thông (nếu có).
1.5. Sau khi kết thúc việc xử lý vi phạm, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra có trách nhiệm cung cấp Biên bản giải quyết tai nạn giao thông, trong đó ghi rõ lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông, các tài liệu khác có liên quan (nếu có) cho doanh nghiệp bảo hiểm để có căn cứ giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
1.6. Đối với những vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm mà người điều khiển xe cơ giới không có lỗi, sau khi khám nghiệm phương tiện xong phải trả ngay phương tiện giao thông đó cho người điều khiển hoặc chủ sở hữu.
1.7. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm.
1.8. Định kỳ 6 tháng 1 lần, chậm nhất là ngày 30 tháng 7 và ngày 31 tháng 1 năm sau (báo cáo số liệu năm trước), Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo gửi về Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tổng hợp, cung cấp bằng văn bản cho Bộ Tài chính tài liệu sau:
- Tổng số lượng xe ô tô, xe mô tô, xe máy đã được cấp đăng ký xe;
- Tổng số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại (về người, tài sản);
- Tổng số vụ vi phạm và tiền xử phạt hành vi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính
2.1. Trách nhiệm của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm
a) Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và các đơn vị có liên quan khác của Bộ Công an trong việc tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
b) Hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an trong việc kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi và gian lận bảo hiểm.
d) Cung cấp thông tin, tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để phối hợp thực hiện.
2.2. Trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm
a) Phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giải thích đầy đủ về nội dung, ý nghĩa, mục đích của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để các chủ xe hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của họ khi tham gia bảo hiểm.
b) Phát triển các kênh phân phối, hệ thống đại lý cung cấp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Xây dựng quy trình bán bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm rõ ràng, đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tham gia và giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
c) Thanh toán cho Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Cảnh sát khác có liên quan chi phí sao chụp hồ sơ, biên bản, tài liệu khác có liên quan và giữ bí mật các thông tin, tài liệu này trong quá trình điều tra.
d) Đóng góp kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để hỗ trợ hoạt động phối hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra và Cảnh sát khác có liên quan (áp dụng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).
3. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an và Bộ Tài chính
3.1. Mức kinh phí hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra và Cảnh sát khác có liên quan không vượt quá 20% tổng số tiền thực góp vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
3.2. Kinh phí hỗ trợ trên được sử dụng như sau:
a) Hỗ trợ khen thưởng thành tích; mua sắm phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính các chủ xe cơ giới trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; điều tra các vụ tai nạn giao thông.
b) Hỗ trợ công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Hội nghị sơ kết, tổng kết về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và an toàn giao thông.
3.3. Chậm nhất là ngày 31 tháng 01 hàng năm, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới thông báo cho Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) tổng số kinh phí dự kiến được trích từ Quỹ để hỗ trợ hoạt động phối hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra và Cảnh sát khác có liên quan và thực hiện các thủ tục chuyển kinh phí theo đúng quy định.
3.4. Tổng cục Cảnh sát tiếp nhận, quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí trên theo các nội dung quy định tại điểm 3.1, điểm 3.2 khoản 3 mục II của Thông tư này; đồng thời, có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (Cục quản lý, giám sát bảo hiểm) việc sử dụng nguồn kinh phí đã được cấp trong năm chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm sau.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BCA-BTC ngày 07 tháng 11 năm 2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn việc phối hợp thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
2. Các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát khác có liên quan và các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Bộ Tài chính, Bộ Công an tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp thực hiện các quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tổ chức khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và quy định của Thông tư này.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn đề nghị phản ánh kịp thời về Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) để chỉ đạo kịp thời./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN THỨ TRƯỞNG Trung tướng Trần Đại Quang
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Trần Xuân Hà
|