Quyết định 303/QĐ-LĐTBXH 2019 Kế hoạch thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 303/QĐ-LĐTBXH
Cơ quan ban hành: | Bộ Lao động Thương binh và Xã hội |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 303/QĐ-LĐTBXH |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Lê Quân |
Ngày ban hành: | 13/03/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách, Thương mại-Quảng cáo |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Quyết định 303/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 13/03/2019.
Theo đó, Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ chủ trì việc rà soát, đề xuất phương án cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp trình Bộ công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm 2018.
Giao cho các đơn vị quản lý Nhà nước thuộc Bộ: Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi, gửi kết quả về Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế, thời hạn trước ngày 01/06/2019 để tổng hợp, báo cáo Bộ trình Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký
Xem chi tiết Quyết định303/QĐ-LĐTBXH tại đây
tải Quyết định 303/QĐ-LĐTBXH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 303/QĐ-LĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 13 tháng 3 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ
------------
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 01/01/2019 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 303/QĐ-LĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động
- Tăng thứ hạng trên thế giới, phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4; nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
2. Yêu cầu
- Các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch đảm bảo đúng nội dung, hình thức, tiến độ theo quy định của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ.
- Nâng cao hiệu quả trong thực thi pháp luật về lao động, người có công và xã hội và công tác quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội; xây dựng tài liệu hướng dẫn để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo. Công khai tài liệu hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, thời hạn trong Quý I năm 2019.
- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan; kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ phát sinh để cải thiện các chỉ số được phân công.
- Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ ban ngành với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, doanh nghiệp, người dân trong việc tổ chức hoạt động triển khai.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Về nâng xếp hạng các chỉ số nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
a) Giao Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì, theo dõi việc cải thiện bộ chỉ số chất lượng đào tạo nghề. Cụ thể:
Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề theo mục tiêu Nghị quyết đề ra (điểm b, khoản 2 Mục II); nội dung Kế hoạch phải đề ra các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp, cách thức phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời hạn trong quý I năm 2019.
b) Giao Cục Việc làm chủ trì, theo dõi cải thiện chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức. Cụ thể:
Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Bộ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm nâng xếp hạng chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức theo mục tiêu Nghị quyết đề ra (điểm c, khoản 2 Mục II); nội dung Kế hoạch phải đề ra các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp, cách thức phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đảm bảo thời hạn trong quý I năm 2019.
2. Về tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018
a) Giao Văn phòng Bộ chủ trì việc rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp, trình Bộ công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm 2018.
b) Giao các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ: Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không rõ ràng, không khả thi, gửi kết quả về Văn phòng Bộ và Vụ Pháp chế, thời hạn trước ngày 01/6/2019 để tổng hợp, báo cáo Bộ trình Chính phủ; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
3. Về tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia:
a) Giao Trung tâm Thông tin chủ trì, phối hợp với Cục An toàn lao động và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
b) Giao Cục An toàn lao động:
- Tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (nếu cần) nhằm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: (i) áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; (ii) chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; (iii) minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí; (iv) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
- Rà soát, trình Bộ bãi bỏ các công văn hướng dẫn có quy định về thủ tục hành chính (nếu có), thời hạn trong quý I năm 2019.
- Phối hợp với các Bộ có liên quan công bố công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Trang thông tin điện tử của đơn vị danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm (kèm theo mã HS), thời hạn trong quý I năm 2019, lộ trình thực hiện đầy đủ đến năm 2020.
- Hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa, thời hạn trong năm 2019.
4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4
a) Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người hưởng nhận các khoản trợ cấp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ít nhất trên địa bàn đô thị đạt 10% đến hết năm 2019 và 30% đến hết năm 2020; phối hợp với Trung tâm Thông tin triển khai Hạ tầng thanh toán điện tử tại Bộ trong việc thực hiện các khoản trợ cấp thuộc phạm vi quản lý.
b) Các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan thuộc Bộ phối hợp với Trung tâm Thông tin nâng cấp, đảm bảo cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4 và đảm bảo kết nối với Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa liên thông của Bộ; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; tiếp tục đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và kết nối mạng thông tin liên lạc với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính công ích để phối hợp trong việc nhận, trả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
5. Về phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
- Giao Viện Khoa học Lao động và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp thuộc phạm vi quản lý của ngành nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo; tăng cường vai trò của các viện nghiên cứu, các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp Bộ.
- Giao Cục Quan hệ lao động và Tiền lương chủ trì, lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng hiệu quả quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; đề xuất phương án giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
6. Chế độ báo cáo: Định kỳ hàng quý (trước ngày 15 của tháng cuối quý), các đơn vị báo cáo Bộ (gửi qua Vụ Pháp chế) về tình hình, kết quả thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu trên.
Vụ Pháp chế là đầu mối tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây