Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Rumani
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Hiệp định Không số
Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ Rumani |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Hiệp định |
Người ký: | Đỗ Hữu Hào; Gheorghe Marin |
Ngày ban hành: | 23/06/2009 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Hiệp định Không số
HIỆP ĐỊNH
Về Hợp tác Kinh tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Rumani
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Rumani, dưới đây gọi là “hai Bên ký kết”,
- Mong muốn thúc đẩy quan hệ lâu dài và tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước,
- Với ý định phát triển và tăng cường hợp tác kinh tế, công nghiệp, khoa học và công nghệ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi,
- Tin tưởng rằng việc củng cố hơn nữa khuôn khổ hợp tác chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở phù hợp để tăng cường hợp tác,
- Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành và hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của hai nước,
Thỏa thuận các điều khoản dưới đây:
Điều 1. Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành của hai nước, hai Bên ký kết sẽ xúc tiến việc mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong mọi lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế và xã hội.
Điều 2. Hai Bên ký kết trên cơ sở xem xét tình hình hiện tại và triển vọng của quan hệ kinh tế, thống nhất cho rằng hai Bên có những điều kiện thuận lợi cho hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực sau:
1. Thăm dò và khai thác dầu khí trên đất liền.
2. Xây dựng và phát triển các cơ sở hóa dầu và lọc dầu.
3. Sửa chữa và chế tạo khoan thăm dò, các thiết bị địa chất và nguồn nước.
4. Xây dựng các nhà máy sản xuất xôda và nhà máy hóa chất.
5. Xây dựng các nhà máy xi măng với kỹ thuật mới.
6. Sửa chữa và mở rộng các cơ sở dưới mặt đất, hệ thống đường bộ và đường sắt.
7. Sửa chữa và chế tạo đầu máy, ôtô ray để phát triển đường sắt.
8. Xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy sửa chữa thiết bị thủy điện.
9. Xây dựng bến cảng để khai thác biển.
10. Xây dựng tầu điện ngầm, cầu nổi và ngầm cho giao thông thành thị.
11. Thông tin và truyền thông.
12. Nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm.
13. Sản xuất, kinh doanh dược phẩm, vac xin, sinh phẩm y tế.
14. Kỹ thuật khai thác than và các khoáng sản khác (kể cả sản xuất xe goòng, máy động lực cho xe goòng, máy phá đá và các loại khoáng sản).
15. Kỹ thuật đóng các loại tầu biển và tàu thủy.
16. Giáo dục - Văn hóa, thể thao.
17. Du lịch.
Điều 3.
1. Hai Bên ký kết sẽ nỗ lực mở rộng và tăng cường hợp tác bằng các biện pháp phù hợp dưới đây:
a) Xúc tiến liên kết và củng cố sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế, các tổ chức chính phủ, các tổ chức ngành nghề, các hiệp hội doanh nghiệp, các phòng thương mại, các tổ chức địa phương và khu vực, khuyến khích trao đổi thông tin kinh tế cùng có lợi, cũng như các cuộc viếng thăm của các đại diện và các đoàn kinh tế kỹ thuật;
b) Trao đổi thông tin về các ưu tiên phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân tham gia vào các dự án phát triển;
c) Khuyến khích thiết lập các mối quan hệ mới và mở rộng các quan hệ hiện có của cộng đồng kinh doanh hai nước, khuyến khích các cuộc viếng thăm, gặp gỡ và các hình thức giao lưu khác giữa các cá nhân và doanh nghiệp;
d) Trao đổi thông tin kinh doanh, khuyến khích tham gia các hội chợ và triển lãm, tổ chức các chương trình, hội thảo, diễn đàn, hội nghị doanh nghiệp;
e) Thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quan hệ kinh tế song phương;
f) Khuyến khích hợp tác trong việc cung cấp tư vấn, tiếp thị, cố vấn và dịch vụ chuyên gia trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm;
g) Khuyến khích các tổ chức tài chính và ngân hàng thiết lập quan hệ gần gũi hơn và tăng cường sự hợp tác tương ứng giữa các tổ chức này;
h) Khuyến khích các hoạt động đầu tư, thành lập các xí nghiệp liên doanh, thành lập các xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, thành lập các đại diện và chi nhánh công ty;
i) Thúc đẩy hợp tác liên khu vực và hợp tác quốc tế trong các vấn đề hai Bên cùng quan tâm;
j) Hợp tác tại thị trường thứ ba;
2. Hai Bên ký kết có thể ký hoặc tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác riêng cho các lĩnh vực cụ thể.
Điều 4. Sau khi Hiệp định này được ký kết, một “Ủy ban Hỗn hợp” sẽ được thành lập để thực hiện và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai Bên ký kết.
Thành phần của Ủy ban Hỗn hợp sẽ gồm đại diện của một số cơ quan Chính phủ và một số tổ chức có liên quan.
Ủy ban Hỗn hợp sẽ được triệu tập họp thường kỳ và theo đề nghị của từng Bên ký kết, khoảng 2 năm một lần, lần lượt tại Rumani và Việt Nam.
Nhiệm vụ của Ủy ban Hỗn hợp sẽ bao gồm những nội dung cụ thể như sau:
a) Thảo luận về việc phát triển quan hệ kinh tế song phương.
b) Xác định các khả năng mới của sự phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế trong tương lai.
c) Đề xuất các kiến nghị nhằm cải thiện quan hệ hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hai nước.
d) Đề xuất các biện pháp thực thi Hiệp định này.
Điều 5. Các khác biệt và bất đồng quan điểm giữa hai Bên ký kết về việc áp dụng và giải thích Hiệp định này được giải quyết thông qua thương lượng trong khuôn khổ Ủy ban Hỗn hợp.
Điều 6. Trong trường hợp cần thiết, Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo sự đồng thuận của hai Bên ký kết, bằng một Nghị định thư là một phần không thể tách rời của Hiệp định. Hai Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để các sửa đổi bổ sung nói trên có hiệu lực.
Điều 7. Việc áp dụng Hiệp định này không làm ảnh hưởng đến các nghĩa vụ phát sinh từ việc Rumani là thành viên của Liên minh châu Âu và là chủ thể của các nghĩa vụ này. Do đó, các điều khoản của Hiệp định này không được dùng để viện dẫn hoặc giải thích để làm mất hiệu lực hoặc gây ảnh hưởng tới các nghĩa vụ xuất phát từ việc Rumani gia nhập EU hoặc Hiệp định Hợp tác giữa Cộng đồng Châu Âu và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký tại Brusels ngày 17 tháng 7 năm 1995, cũng như Nghị định thư về mở rộng Hiệp định hợp tác giữa Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên ASEAN với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ký tại Singapore ngày 14/02/1997.
Điều 8.
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo cuối cùng theo đó, hai Bên ký kết thông báo cho nhau qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ để Hiệp định có hiệu lực.
2. Hiệp định sẽ có hiệu lực trong thời hạn năm (05) năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn từng ba (03) năm một, trừ trường hợp một Bên ký kết thông báo cho bên kia bằng văn bản về ý định không gia hạn Hiệp định ba tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
3. Việc chấm dứt hiệp định không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng được ký trong khuôn khổ Hiệp định này.
Được làm tại Bucaret vào ngày 23 tháng 6 năm 2009, thành hai bản, mỗi bản bằng bằng tiếng Việt, tiếng Rumani, và tiếng Anh; các văn bản có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Anh sẽ được sử dụng làm cơ sở./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây