Nghị định 104/2012/NĐ-CP tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam

thuộc tính Nghị định 104/2012/NĐ-CP

Nghị định 104/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:104/2012/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:05/12/2012
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: An ninh quốc gia
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam phải đưa vũ khí về trạng thái bảo quản
Ngày 05/12/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2012/NĐ-CP quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định chỉ rõ, tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc như: phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chương trình hoạt động của tàu và thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, thì khi đến lãnh hải Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu sau: Các tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch; Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu; Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản; Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhậ cảnh; Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm cho an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký; Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang theo quy định.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định này, các tổ chức, cá nhân, phương tiện (trừ cán bộ, nhân viên và phương tiện  của các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, cảng quân sự đang thực hiện nhiệm vụ) ra vào, hoạt động trong khu vực tàu quân sự nước ngoài neo đậu, xuống tàu quân sự nước ngoài để làm việc…phải có giấy phép do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy phép này chỉ được cấp trong các hoạt động nằm trong chương trình hoạt động chính thức của tàu quân sự nước ngoài hoặc được Trưởng đoàn/Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài đề nghị, chấp thuận bằng văn bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2012 và thay thế Nghị định số 55/CP ngày 01/10/1996.

Xem chi tiết Nghị định104/2012/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-----------

Số: 104/2012/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI

ĐẾN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật an ninh quốc gia ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật biên giới quốc gia ngày 17 tháng 6 năm 2003;

Căn cứ Luật hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28 tháng 4 năm 2000;

Căn cứ Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 30 tháng 6 năm 2011;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam); thủ tục cấp phép; thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng; kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động có liên quan đến tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam và thành viên trên tàu, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
2. Các quy định của Nghị định này cũng được áp dụng đối với tàu thuyền công vụ được trang bị vũ khí quân dụng của một quốc gia, vùng lãnh thổ; tàu thuyền của một tổ chức quân sự quốc tế đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm, sửa chữa, thực hiện các hoạt động khác.
3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tàu quân sự nước ngoài là tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài thể hiện rõ quốc tịch của quốc gia đó, do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách sĩ quan hay trong một tài liệu tuơng đương; được điều hành bởi thủy thủ đoàn hoạt động theo các điều lệnh kỷ luật quân sự.
2. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam là các tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải, nội thủy và cảng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện các chuyến thăm, sửa chữa và thực hiện các hoạt động khác.
3. Tàu quân sự nước ngoài thăm chính thức Việt Nam là các tàu quân sự nước ngoài chở nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam theo lời mời của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai Nhà nước.
4. Tàu quân sự nước ngoài thăm xã giao Việt Nam là các tàu quân sự nước ngoài thăm Việt Nam với mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và lực lượng quân đội hai quốc gia.
5. Tàu quân sự nước ngoài thăm thông thường Việt Nam là các tàu quân sự nước ngoài thăm Việt Nam để phối hợp huấn luyện, diễn tập; cung cấp vật liệu kỹ thuật, trang thiết bị quân sự; tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm hoặc cho thủy thủ được nghỉ ngơi.
6. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa là các tàu quân sự nước ngoài vào sửa chữa tại các cảng biển Việt Nam theo hợp đồng với các doanh nghiệp có chức năng sửa chữa tàu biển của Việt Nam.
7. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác là các tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động nhân đạo; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; đo đạc, khảo sát và nghiên cứu biển; tìm kiếm hài cốt, tuần tra chung, chống cướp biển và một số hoạt động chuyên ngành khác theo thỏa thuận giữa Việt Nam với quốc gia có tàu.
8. Tàu thuyền công vụ là tàu thuyền chuyên dùng để thực hiện các công vụ của Nhà nước không vì mục đích thương mại.
9. Vũ khí quân dụng gồm:
a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 (một trăm) mi-li-mét (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 (hai mươi ba) mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
10. Hoạt động của tàu quân sự nước ngoài tại cảng biển là việc ra, vào, trú đậu, di chuyển từ vị trí neo đậu này đến vị trí neo đậu khác và thực hiện các hoạt động theo chương trình đã thống nhất trong thời gian đến thăm, sửa chữa tại cảng biển nơi tàu neo đậu.
11. Thành viên trên tàu quân sự nước ngoài là Trưởng đoàn (nếu có), Thuyền trưởng, thủy thủ và những người khác cùng đi trên tàu.
12. Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng và lắp đặt trang thiết bị cho tàu biển ra, vào hoạt động để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
Vùng đất cảng là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, các công trình phụ trợ khác và lắp đặt trang thiết bị.
Vùng nước cảng là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch; vùng để xây dựng luồng cảng biển và các công trình phụ trợ khác.
Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Bến cảng bao gồm cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, luồng vào bến cảng và các công trình phụ trợ khác, cầu cảng là kết cấu cố định thuộc bến cảng, được sử dụng cho tàu biển neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón, trả hành khách và thực hiện các dịch vụ khác.
13. Cảng quân sự là cảng do Bộ Quốc phòng quản lý và hoạt động theo quy chế cảng quân sự.
14. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển bao gồm Biên phòng cửa khẩu cảng; Hải quan cửa khẩu cảng; Cảng vụ hàng hải; Kiểm dịch y tế quốc tế; Kiểm dịch động vật, thực vật cửa khẩu cảng.
15. Người làm thủ tục là Thuyền trưởng/Trưởng đoàn hoặc người được ủy quyền.
16. Đưa vũ khí về tư thế quy không là đưa vũ khí về trạng thái không sử dụng chiến đấu ngay được (khóa tầm và hướng vũ khí, không cấp điện cho hệ thống vũ khí, không có đạn trên bệ hoặc trên dây băng, hộp tiếp đạn).
17. Vũ khí ở trạng thái bảo quản là vũ khí ở trạng thái có thể sử dụng được, nhưng không có đạn trên bệ hoặc trên dây băng, hộp tiếp đạn, để thực hiện công tác bảo quản.
Điều 4. Nguyên tắc chung đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam phải được phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Nghị định này.
2. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam phải tôn trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa quốc gia có tàu và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam qua đường ngoại giao trước khi tàu đến Việt Nam.
3. Chương trình hoạt động của tàu và các thành viên trên tàu phải thực hiện theo kế hoạch đã thỏa thuận, trường hợp có sự thay đổi, phát sinh phải được phép của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
4. Khi tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam để vào cảng:
a) Tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch, trừ trường hợp được phép của Chính phủ Việt Nam hoặc theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ;
b) Bên ngoài thân tàu phải ghi rõ số hiệu, tên tàu;
c) Đưa toàn bộ vũ khí về tư thế quy không hoặc ở trạng thái bảo quản;
d) Dừng lại ở vùng đón trả hoa tiêu để làm thủ tục nhập cảnh và theo hướng dẫn của cảng vụ, hoa tiêu Việt Nam;
đ) Chỉ được sử dụng các thiết bị cần thiết bảo đảm cho an toàn hàng hải và tần số liên lạc đã đăng ký;
e) Đến đúng cảng biển theo tuyến đường và hành lang quy định.
5. Tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của nước có tàu quân sự. Trường hợp tàu quân sự nước ngoài muốn treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình, Thuyền trưởng/Trưởng đoàn phải xin phép và được Cảng vụ hàng hải hoặc cấp có thẩm quyền tại cảng biển, cảng quân sự nơi tàu neo đậu chấp thuận.
6. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam muốn di chuyển từ cảng biển này sang cảng biển khác của Việt Nam (chuyển cảng) phải ghi rõ tại Công hàm đề nghị và Tờ khai (Mẫu 1 hoặc Mẫu 2) và được Bộ Quốc phòng chấp thuận bằng văn bản.
Điều 5. Các hoạt động tàu quân sự nước ngoài không được tiến hành khi đến Việt Nam
1. Tiến hành những hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiến hành các hoạt động thu thập tình báo và những hành vi khác, gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Vận chuyển vũ khí giết người hàng loạt, các chất phóng xạ, chất độc hóa học, chất độc sinh học, chất ma tuý.
4. Tuyên truyền, phát tán tài liệu, sách báo, phim ảnh, văn hóa phẩm mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
5. Tự ý tổ chức các hoạt động tài trợ, hỗ trợ nhân đạo mà chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
6. Đưa người, hàng hóa và phương tiện xuống hoặc rời tàu trái với quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh, xuất nhập khẩu trừ trường hợp cứu người bị nạn nhưng sau đó phải thông báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Việt Nam có thẩm quyền tại cảng biển.
7. Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu bất kỳ phương tiện bay hay khí tài quân sự mà chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
8. Tiến hành trái phép các hoạt động nghiên cứu, đo đạc, đánh bắt hải sản, trao đổi mua bán hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc, rađa cảnh giới, cản trở giao thông vận tải.
9. Gây ô nhiễm môi trường, làm hư hại các thiết bị, công trình trên biển và ở cảng biển.
10. Sử dụng thợ lặn hoặc các thiết bị lặn ngầm khác dưới nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.
11. Tự động di chuyển cập mạn tàu khác, đi vào khu vực cấm.
12. Quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh đồ ở khu vực cấm.
13. Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực thi nhiệm vụ của nhà chức trách Việt Nam.
14. Tiến hành các hoạt động huấn luyện, diễn tập, thao diễn và trình diễn với các loại vũ khí, phương tiện bay, khí tài quân sự mà chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
15. Có những hoạt động khác mà pháp luật Việt Nam cấm.
Điều 6. Cấp giấy phép, kiểm tra, giám sát đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Mọi tổ chức, cá nhân, phương tiện của Việt Nam, nước ngoài (trừ cán bộ, nhân viên, phương tiện của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, cảng quân sự đang thực hiện nhiệm vụ) ra vào, hoạt động trong khu vực tàu quân sự nước ngoài neo đậu; xuống tàu quân sự nước ngoài để làm việc, thực hiện các hoạt động khác, cập mạn tàu quân sự nước ngoài trong thời gian tàu neo đậu tại cảng biển, cảng quân sự, nội thủy, lãnh hải phải có giấy phép do các cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Tổ chức, cá nhân, phương tiện quy định tại Khoản 1 Điều này:
a) Chỉ được cấp giấy phép khi thực hiện các hoạt động nằm trong chương trình hoạt động chính thức của tàu quân sự nước ngoài hoặc được Trưởng đoàn/Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài đề nghị, chấp thuận bằng văn bản;
b) Phải tuân thủ sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, cảng quân sự và các lực lượng chức năng liên quan.
Điều 7. Nguyên tắc, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam vi phạm các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam được giải quyết qua đường ngoại giao trên cơ sở pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Thuyền trưởng/Trưởng đoàn tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam chịu trách nhiệm về những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật của các thành viên trên tàu gây ra trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.
3. Thành viên của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam (trừ người được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ về ngoại giao).
4. Thẩm quyền xử lý vi phạm thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 8. Nguyên tắc xử lý tai nạn đâm va hàng hải liên quan đến tàu quân sự nước ngoài
Việc xử lý tai nạn đâm va hàng hải có liên quan đến tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện theo quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam và được giải quyết qua đường ngoại giao.
Điều 9. Thông báo tàu quân sự nước ngoài đến cảng biển và sử dụng hoa tiêu hàng hải Việt Nam
1. Chậm nhất 24 (hai mươi bốn) giờ trước khi tàu quân sự nước ngoài dự kiến đến cảng biển Việt Nam, người làm thủ tục phải gửi cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến Thông báo tàu đến cảng (Mẫu 12).
2. Khi vào, rời cảng biển hoặc di chuyển trong vùng nước cảng biển Việt Nam, tàu quân sự nước ngoài phải sử dụng hoa tiêu hàng hải Việt Nam dẫn tàu và trả phí hoa tiêu theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chương 2.
TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM THỰC HIỆN CÁC CHUYẾN THĂM
MỤC 1. THỦ TỤC CẤP PHÉP; THỦ TỤC NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CHUYỂN CẢNG
Điều 10. Thủ tục cấp phép
1. Thủ tục cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức
a) Thẩm quyền cấp phép:
- Bộ Ngoại giao cấp phép cho các tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức. Trường hợp từ chối cấp phép phải nêu rõ lý do.
Việc thỏa thuận, thống nhất thời gian, nội dung, chương trình hoạt động liên quan đến chuyến thăm được thực hiện qua đường ngoại giao;
- Trước khi cấp phép, Bộ Ngoại giao lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi tàu đến. Trường hợp ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa thống nhất, Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Thời hạn cấp phép:
- Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, trước khi tàu quân sự dự kiến vào lãnh hải Việt Nam, quốc gia có nguyên thủ đến thăm Việt Nam gửi Công hàm đề nghị được thực hiện chuyến thăm bằng tàu quân sự kèm theo Tờ khai (Mẫu 1) đến Bộ Ngoại giao;
- Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được Công hàm, Tờ khai, Bộ Ngoại giao gửi Công hàm trả lời quốc gia có tàu quân sự đến thăm;
- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến phải có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao;
- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cấp phép hoặc từ chối cấp phép, Bộ Ngoại giao có văn bản thông báo cho các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến về việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức.
c) Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung đã cấp phép thì Bộ Ngoại giao gửi Công hàm trao đổi, thống nhất với quốc gia có tàu quân sự đến thăm.
2. Thủ tục cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm xã giao, thăm thông thường
a) Thẩm quyền cấp phép:
- Bộ Quốc phòng cấp phép cho các tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm xã giao, thăm thông thường. Trường hợp từ chối cấp phép phải nêu rõ lý do;
- Trước khi cấp phép, Bộ Quốc phòng lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến thăm. Trường hợp ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân câp tỉnh chưa thống nhất, Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Thời hạn cấp phép:
- Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày trước khi tàu dự kiến vào lãnh hải Việt Nam, quốc gia có tàu quân sự đến thăm phải gửi Công hàm đề nghị cho phép tàu đến thăm Việt Nam cùng Tờ khai (Mẫu 1) đến Bộ Quốc phòng. Trong trường hợp quốc gia có tàu quân sự đến thăm gửi Công hàm đề nghị cùng Tờ khai đến Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, chậm nhất 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được Công hàm, Tờ khai, Bộ Ngoại giao hoặc Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chuyển Công hàm, Tờ khai đến Bộ Quốc phòng;
- Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Công hàm, Tờ khai, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời quốc gia có tàu quân sự đến thăm qua đường ngoại giao;
- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm xã giao, thăm thông thường, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến phải có văn bản trả lời Bộ Quốc phòng;
- Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cấp phép hoặc từ chối cấp phép, Bộ Quốc phòng có văn bản thông báo cho các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến về việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm xã giao, thăm thông thường;
c) Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung đã cấp phép thì Bộ Quốc phòng gửi văn bản trao đổi, thống nhất với quốc gia có tàu quân sự đến thăm qua đường ngoại giao.
Điều 11. Thủ tục nhập cảnh
1. Thủ tục nhập cảnh cho tàu, thành viên trên tàu quân sự nước ngoài được thực hiện trực tiếp tại tàu, ngay sau khi tàu đến khu vực, vùng đón, trả hoa tiêu và kết thúc trước khi tàu vào vị trí neo đậu, cập cảng.
2. Thành phần đoàn liên hiệp kiểm tra làm thủ tục nhập cảnh bao gồm: Đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải quan cửa khẩu cảng, Cảng vụ hàng hải, Kiểm dịch y tế quốc tế và Kiểm dịch động vật, thực vật cửa khẩu cảng (nếu tàu phải thực hiện kiểm dịch động vật, thực vật) do đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng làm trưởng đoàn.
3. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục nhập cảnh
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6);
- 01 (một) bản chính Chương trình hoặc kế hoạch hoạt động.
b) Nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6).
c) Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai dự trữ của tàu (Mẫu 7);
- 01 (một) bản chính Bản khai hành lý thành viên (Mẫu 8);
- 01 (một) bản chính Bản kê khai hàng hóa (nếu có - Mẫu 5);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6).
d) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch y tế quốc tế:
- 01 (một) bản chính Giấy khai báo y tế hàng hải (Mẫu 9).
đ) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch thực vật cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có - Mẫu 10).
e) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có - Mẫu 11).
4. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh:
Xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng một trong các loại giấy tờ sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của các thành viên trên tàu;
b) Thẻ quân nhân hoặc Giấy chứng minh quân nhân của các thành viên trên tàu.
Điều 12. Thủ tục xuất cảnh
1. Thủ tục xuất cảnh cho tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu được thực hiện trực tiếp tại tàu, được kết thúc chậm nhất là ngay trước khi tàu rời cảng.
2. Thành phần đoàn liên hiệp kiểm tra làm thủ tục xuất cảnh bao gồm: Đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải quan cửa khẩu cảng, Cảng vụ hàng hải do đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng làm trưởng đoàn.
3. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục xuất cảnh
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6).
- Các loại giấy tờ do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho các thành viên trên tàu trong thời gian tàu neo đậu tại cảng (nếu có): Thẻ đi bờ, Giấy phép, Thị thực rời có giá trị một lần, Giấy phép tham quan du lịch.
b) Nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6).
c) Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai dự trữ của tàu (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 7);
- 01 (một) bản chính Bản khai hành lý thành viên (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 8);
- 01 (một) bản chính Bản kê khai về hàng hoá (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 5);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6).
4. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải xuất trình khi làm thủ tục xuất cảnh
Xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng một trong các loại giấy tờ sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của các thành viên trên tàu;
b) Thẻ quân nhân hoặc Giấy chứng minh quân nhân của các thành viên trên tàu.
Điều 13. Thủ tục chuyển cảng
1. Thủ tục chuyển cảng cho tàu quân sự nước ngoài được thực hiện trực tiếp tại tàu.
2. Thủ tục chuyển cảng đối với tàu đi cảng biển khác được kết thúc chậm nhất là ngay trước khi tàu rời cảng. Thủ tục chuyển cảng đối với tàu đến từ một cảng biển khác được thực hiện ngay sau khi tàu đến vùng đón, trả hoa tiêu và kết thúc trước khi tàu cập cảng.
3. Thành phần đoàn liên hiệp kiểm tra làm thủ tục chuyển cảng bao gồm: Đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải quan cửa khẩu cảng, Cảng vụ hàng hải do đại diện Biên phòng cửa khẩu cảng làm trưởng đoàn.
4. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp tại cảng đi
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) Chương trình hoặc kế hoạch hoạt động;
- Các loại giấy tờ do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho các thành viên trên tàu trong thời gian neo đậu tại cảng (nếu có): Thẻ đi bờ, Giấy phép.
b) Các loại giấy tờ phải nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4).
c) Các loại giấy tờ phải nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai dự trữ của tàu (Mẫu 7);
- 01 (một) bản chính Bản khai hành lý thành viên (Mẫu 8);
- 01 (một) bản chính Bản kê khai về hàng hóa (nếu có - Mẫu 5).
5. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp tại cảng đến
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng: Hồ sơ tàu chuyển cảng của Biên phòng cửa khẩu cảng đi.
b) Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng: Hồ sơ tàu chuyển cảng của Hải quan cửa khẩu cảng đi.
c) Nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- Giấy phép rời cảng của Cảng vụ hàng hải cảng đi;
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6).
MỤC 2. HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM THỰC HIỆN CÁC CHUYỂN THĂM VÀ ĐI BỜ CỦA THÀNH VIÊN TRÊN TÀU
Điều 14. Hoạt động tại cảng biển, cảng quân sự của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm
1. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm chỉ được neo đậu, hoạt động tại cảng biển, cảng quân sự được cấp phép; phải tuân thủ sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
2. Tàu quân sự của cùng một quốc gia được đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm 01 (một) lần trong 01 (một) năm, nhưng không được trú đậu quá 03 (ba) tàu tại cùng một cảng trong cùng một thời điểm, thời gian trú đậu không quá 07 (bảy) ngày, trừ trường hợp được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
Điều 15. Đi bờ đối với các thành viên trên tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm
1. Thành viên của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm chỉ được phép rời tàu đi bờ sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập cảnh, thủ tục chuyển cảng đến và phải trở lại tàu trước khi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện thủ tục xuất cảnh, thủ tục chuyển cảng đi cho tàu. Khi đi bờ, các thành viên trên tàu phải chấp hành hướng dẫn và chịu sự kiểm tra, giám sát của Biên phòng cửa khẩu cảng và lực lượng Công an địa phương nơi tàu neo đậu. Nếu mang theo hàng hóa, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về Hải quan, Y tế, Kiểm dịch.
2. Khi đi bờ theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm, các thành viên trên tàu phải đi theo đoàn, nhóm; không mang vũ khí, công cụ hỗ trợ; quân nhân phải mang mặc quân phục; người thuộc các tổ chức hoặc chuyên ngành khác, phải mang mặc đồng phục của tổ chức, chuyên ngành mình.
3. Khi đi bờ với mục đích cá nhân (tham quan du lịch, khám chữa bệnh, hồi hương, đi theo phương tiện tổ chức dịch vụ…), các thành viên trên tàu có thể đi theo đoàn, nhóm hoặc cá nhân; không mang vũ khí, công cụ hỗ trợ; quân nhân, người không phải quân nhân thuộc các tổ chức hoặc chuyên ngành được phép mang mặc thường phục.
4. Thành viên trên tàu đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu neo đậu:
a) Thành viên trên tàu đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu neo đậu không phải xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam;
b) Khi thành viên trên tàu có nhu cầu đi bờ, Trưởng đoàn/Thuyền trưởng phải có đơn xin phép cho thành viên của tàu đi bờ và được Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu neo đậu chấp thuận, cấp Thẻ đi bờ. Thời gian đi bờ từ 07h00 - 24h00 hàng ngày;
c) Trường hợp thành viên trên tàu có nhu cầu nghỉ qua đêm trên bờ, Trưởng đoàn/Thuyền trưởng phải có đơn xin phép và được Biên phòng cửa khẩu cảng chấp thuận, cấp Giấy phép;
d) Thủ tục cấp Thẻ đi bờ, Giấy phép nghỉ qua đêm trên bờ thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng;
đ) Lệ phí cấp Thẻ đi bờ, lệ phí cấp Giấy phép thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Thành viên trên tàu đi ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu neo đậu:
a) Thành viên trên tàu có nhu cầu đi ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu neo đậu phải xin cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam (trừ những trường hợp mang hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu thuộc diện được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam) và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh;
b) Trường hợp đi theo chương trình hoạt động chính thức của chuyến thăm, các thành viên trên tàu được miễn lệ phí thị thực (đối với những trường hợp không thuộc diện miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam);
c) Trường hợp đi với mục đích cá nhân (tham quan du lịch, khám chữa bệnh, hồi hương, đi theo phương tiện tổ chức dịch vụ...), thành viên trên tàu phải nộp lệ phí thị thực (đối với những trường hợp không thuộc diện miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam) theo quy định của Bộ Tài chính.
MỤC 3. CẤP GIẤY PHÉP; KIỂM TRA, GIÁM SÁT; ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI NƠI TÀU NEO ĐẬU
Điều 16. Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân, phương tiện Việt Nam, nước ngoài thực hiện các hoạt động liên quan đến tàu quân sự nước ngoài
1. Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài quy định tại Điều 6 Nghị định này.
2. Cảng vụ hàng hải nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu cấp giấy phép cho phương tiện cập mạn tàu quân sự nước ngoài quy định tại Điều 6 Nghị định này.
3. Thủ tục cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân, phương tiện Việt Nam, nước ngoài thực hiện các hoạt động liên quan đến tàu quân sự nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải.
Điều 17. Kiểm tra, giám sát; đảm bảo an ninh, an toàn đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Biên phòng cửa khẩu cảng là lực lượng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam; kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu đi bờ, người, phương tiện ra vào, hoạt động tại khu vực tàu quân sự nước ngoài neo đậu, người xuống tàu, phương tiện cập mạn tàu quân sự nước ngoài.
2. Khi thực hiện kiểm tra, giám sát, Biên phòng cửa khẩu cảng được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ sau:
a) Giám sát trực tiếp hành trình của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm từ khi tàu neo đậu tại vùng đón, trả hoa tiêu cho đến khi tàu cập cảng;
b) Kiểm tra giấy tờ đối với thành viên trên; tàu đi bờ; người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu, rời tàu; phương tiện cập mạn tàu;
c) Giám sát khu vực, vùng nước cảng, giám sát trực tiếp tại cổng cảng, trạm kiểm soát nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu;
d) Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật;
đ) Tuần tra, kiểm soát cơ động;
e) Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
MỤC 4. NGHI THỨC ĐÓN TIẾP VÀ HOẠT ĐỘNG LỄ TÂN
Điều 18. Nghi thức đón tiếp
Nghi thức đón tiếp và hoạt động lễ tân đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các chuyến thăm thực hiện theo quy định về lễ tân của Việt Nam.
Điều 19. Cơ quan chủ trì đón tiếp
1. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến thăm thực hiện nghi thức đón tiếp và hoạt động lễ tân.
2. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện chuyến thăm xã giao, thăm thông thường, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến thăm thực hiện nghi thức đón tiếp và hoạt động lễ tân.
3. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, vùng nội thủy, Bộ chủ quản chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến thực hiện nghi thức đón tiếp và hoạt động lễ tân theo chương trình đã thỏa thuận, thống nhất.
Chương 3.
TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM ĐỂ SỬA CHỮA
MỤC 1. THỦ TỤC CẤP PHÉP; THỦ TỤC NHẬP CẢNH, XUẤT CẢNH, CHUYỂN CẢNG
Điều 20. Thủ tục cấp phép
1. Trước khi tàu quân sự nước ngoài dự kiến đến Việt Nam để sửa chữa, doanh nghiệp Việt Nam có chức năng tiếp nhận, sửa chữa tàu quân sự nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp sửa chữa tàu) phải gửi hồ sơ đề nghị Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:
a) Văn bản của doanh nghiệp sửa chữa tàu đề nghị cho phép tiếp nhận tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa;
b) 01 (một) Tờ khai tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để sửa chữa (Mẫu 2);
c) 01 (một) Kế hoạch (hoặc chương trình) sửa chữa.
3. Thẩm quyền cấp phép:
a) Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phép và thực hiện cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa. Trường hợp từ chối cấp phép phải nêu rõ lý do;
b) Trước khi cấp phép, Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu vào sửa chữa. Trường hợp ý kiến của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa thống nhất, Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Thời hạn cấp phép:
a) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép hợp lệ, Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) có văn bản trả lời doanh nghiệp sửa chữa tàu về việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa;
b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa, các Bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến phải có văn bản trả lời Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu);
c) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cấp phép hoặc từ chối cấp phép, Bộ Quốc phòng (Bộ Tổng tham mưu) có văn bản thông báo cho các các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tàu đến sửa chữa về việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa.
5. Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung đã cấp phép thì Bộ Quốc phòng gửi văn bản thông báo cho doanh nghiệp sửa chữa tàu tiếp nhận tàu quân sự nước ngoài vào sửa chữa.
Điều 21. Thủ tục nhập cảnh
1. Địa điểm, thời hạn, thành phần thực hiện thủ tục nhập cảnh đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
2. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục nhập cảnh
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6);
- 01 (một) bản sao hợp đồng sửa chữa hoặc thoả thuận nguyên tắc sửa chữa.
b) Nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6);
- 01 (một) bản sao hợp đồng sửa chữa hoặc thoả thuận nguyên tắc sửa chữa.
c) Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai dự trữ của tàu (Mẫu 7);
- 01 (một) bản chính Bản khai hành lý thành viên (Mẫu 8);
- 01 (một) bản chính Bản kê khai hàng hóa (nếu có - Mẫu 5);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu 6);
- 01 (một) bản sao hợp đồng sửa chữa hoặc thỏa thuận nguyên tắc sửa chữa.
d) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch y tế quốc tế:
- 01 (một) bản chính Giấy khai báo y tế hàng hải (Mẫu 9).
đ) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch thực vật cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có - Mẫu 10).
e) Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có - Mẫu 11).
3. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh
Xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng một trong các loại giấy tờ sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của các thành viên trên tàu;
b) Thẻ quân nhân hoặc Giấy chứng minh quân nhân của các thành viên trên tàu.
Điều 22. Thủ tục xuất cảnh
1. Địa điểm, thời hạn, thành phần thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
2. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục xuất cảnh
a) Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6);
- Các loại giấy tờ do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho các thành viên trên tàu trong thời gian neo đậu tại cảng (nếu có): Thẻ đi bờ, Giấy phép, Thị thực rời có giá trị 01 (một) lần, Giấy phép tham quan du lịch.
b) Nộp cho Cảng vụ hàng hải:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6).
c) Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng:
- 01 (một) bản chính Bản khai chung (Mẫu 3);
- 01 (một) bản chính Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- 01 (một) bản chính Bản kê khai về hàng hóa (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 5);
- 01 (một) bản chính Bản khai dự trữ của tàu (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 9);
- 01 (một) bản chính Bản khai hành lý thành viên (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 10);
- 01 (một) bản chính Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh - Mẫu 6).
3. Các loại giấy tờ người làm thủ tục phải xuất trình khi làm thủ tục xuất cảnh.
Xuất trình cho Biên phòng cửa khẩu cảng một trong các loại giấy tờ sau:
a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của các thành viên trên tàu;
b) Thẻ quân nhân hoặc Giấy chứng minh quân nhân của các thành viên trên tàu.
Điều 23. Thủ tục chuyển cảng
Thủ tục chuyển cảng đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
MỤC 2. HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU, THÀNH VIÊN TRÊN TÀU; CẤP GIẤY PHÉP; KIỂM TRA, GIÁM SÁT; ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN NƠI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI NEO ĐẬU
Điều 24. Hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa
1. Sau khi được cấp phép đến Việt Nam để sửa chữa, 48 giờ trước khi tàu vào lãnh hải Việt Nam, Thuyền trưởng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo và giữ liên lạc với Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến.
Trường hợp trên tàu có sự thay đổi so với nội dung Tờ khai thì Thuyền trưởng, phải thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận sửa chữa tàu để phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết trước khi tàu vào sữa chữa.
2. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa chỉ được neo đậu sửa chữa tại các cơ sở sửa chữa tàu biển đã được cấp phép. Tàu quân sự của cùng một quốc gia đến Việt Nam để sửa chữa trong cùng một thời điểm không quá 05 (năm) tàu tại cùng một cơ sở sửa chữa, trừ trường hợp được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép.
3. Trong thời gian tàu ra vào, neo đậu, sửa chữa, tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu, doanh nghiệp sửa chữa tàu phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nội quy cảng biển, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.
4. Khi neo đậu sửa chữa, việc sử dụng các phương tiện khác trên tàu để đi lại, bảo dưỡng phương tiện phải được sự chấp thuận của Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Cảng vụ hàng hải.
5. Các hoạt động giao lưu, thăm tàu phải xin phép và được Bộ Quốc phòng chấp thuận.
6. Trường hợp phía tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa hoặc doanh nghiệp sửa chữa tàu có nhu cầu thuê dịch vụ bảo vệ trong thời gian tàu neo đậu sửa chữa:
a) Doanh nghiệp sửa chữa tàu phải gửi văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng cho phép doanh nghiệp Việt Nam có chức năng kinh doanh dịch vụ bảo vệ tàu quân sự nước ngoài (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo vệ) được làm dịch vụ bảo vệ tàu, kèm theo 01 (một) bản sao (có chứng thực) Giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp bảo vệ được thuê, 01 (một) bản sao (có chứng thực) Hợp đồng dịch vụ bảo vệ và 01 (một) bản chính danh sách có thông tin cơ bản về cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu;
b) Chậm nhất 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Quốc phòng cấp phép cho doanh nghiệp bảo vệ được thuê làm dịch vụ bảo vệ tàu thông qua doanh nghiệp sửa chữa tàu. Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Quốc phòng có văn bản gửi doanh nghiệp sửa chữa tàu nêu rõ lý do;
c) Doanh nghiệp bảo vệ chỉ được tiến hành các hoạt động theo đúng nội dung và phạm vi bảo vệ được Bộ Quốc phòng cấp phép. Cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tàu phải có giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu, sửa chữa cấp và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của lực lượng Biên phòng cửa khẩu cảng;
d) Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nội dung và phạm vi bảo vệ của doanh nghiệp bảo vệ đối với các tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa.
Điều 25. Đi bờ của các thành viên trên tàu; cấp giấy phép, kiểm tra, giám sát; đảm bảo an ninh, an toàn nơi tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa neo đậu
1. Việc đi bờ của các thành viên tàu quân sự nước ngoài đến sửa chữa tại cảng biển Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Cấp giấy phép; kiểm tra, giám sát; đảm bảo an ninh, an toàn đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để sửa chữa thực hiện theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này.
Chương 4.
TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM
THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC TẠI LÃNH HẢI, NỘI THỦY VÀ CẢNG BIỂN
Điều 26. Thủ tục cấp phép
1. Thủ tục cấp phép đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, nội thủy và cảng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Nghị định này.
2. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, khu vực nội thủy ngoài vùng nước cảng biển, trong văn bản chấp thuận, Bộ Quốc phòng quy định rõ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho tàu, thành viên trên tàu và giải quyết những vấn đề liên quan đến địa phương trong thời gian tàu hoạt động tại Việt Nam.
Điều 27. Hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác
1. Tàu quân sự nước ngoài đến lãnh hải, nội thủy và cảng biển của Việt Nam chỉ được thực hiện các hoạt động đã thỏa thuận, thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam và quốc gia có tàu, trong phạm vi hoạt động đã được Bộ Quốc phòng cấp phép.
2. Tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, khu vực nội thủy ngoài vùng nước cảng biển cần di chuyển ra ngoài phạm vi hoạt động đã được cấp phép phải xin phép và được Bộ Quốc phòng chấp thuận.
Trường hợp phải di chuyển khẩn cấp vì lý do bất khả kháng hoặc vì mục đích phải cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn, ngay sau khi đến vị trí neo đậu an toàn phải thông báo cho Bộ Quốc phòng, Bộ ngành chủ quản và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan.
Điều 28. Thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng
1. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại vùng nước cảng biển, cảng quân sự thuộc phạm vi quản lý của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng thực hiện theo quy định về thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định này.
2. Đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, khu vực nội thủy ngoài vùng nước cảng biển, thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh được quy định như sau:
a) Địa điểm thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho tàu, thành viên trên tàu tại trụ sở Cảng vụ hàng hải thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng;
b) Thời hạn thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho tàu, thành viên trên tàu được coi là kết thúc kể từ khi người làm thủ tục nộp đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định tại Khoản 3 Điều này cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định trong văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng.
3. Các loại giấy tờ (bản fax hoặc bản sao) người làm thủ tục phải nộp khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh
a) Các loại giấy tờ phải nộp khi làm thủ tục nhập cảnh:
- Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (Mẫu 4); 01 (một) Chương trình hoặc kế hoạch hoạt động;
- Nộp cho Cảng vụ hàng hải: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (Mẫu 4);
- Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch y tế quốc tế: 01 (một) Giấy khai báo y tế hàng hải (Mẫu 9);
- Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch thực vật cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có - Mẫu 10);
- Nộp cho Cơ quan Kiểm dịch động vật cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có - Mẫu 11).
b) Các loại giấy tờ phải nộp khi làm thủ tục xuất cảnh:
- Nộp cho Biên phòng cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- Nộp cho Cảng vụ hàng hải: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4);
- Nộp cho Hải quan cửa khẩu cảng: 01 (một) Bản khai chung (Mẫu 3); 01 (một) Danh sách thành viên (nếu có thay đổi so với khi nhập cảnh - Mẫu 4).
Điều 29. Cấp giấy phép
Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân, phương tiện Việt Nam, nước ngoài có các hoạt động liên quan đến tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác tại lãnh hải, nội thủy và cảng biển Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định này.
Điều 30. Kiểm tra, giám sát
1. Tại vùng nước cảng biển thuộc phạm vi quản lý của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Bộ đội Biên phòng là lực lượng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, an toàn khu vực cảng nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu; kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu đi bờ, người, phương tiện ra, vào hoạt động tại khu vực tàu quân sự nước ngoài neo đậu, người xuống tàu, rời tàu, phương tiện cập mạn tàu quân sự nước ngoài;
b) Khi thực hiện kiểm tra, giám sát, Bộ đội Biên phòng được áp dụng các biện pháp sau:
- Kiểm tra giấy tờ đối với thành viên trên tàu đi bờ, người Việt Nam, người nước ngoài xuống tàu, rời tàu, phương tiện cập mạn tàu;
- Giám sát khu vực nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu;
- Các biện pháp theo quy định tại Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Khoản 2, Điều 17 Nghị định này.
2. Tại lãnh hải, khu vực nội thủy ngoài vùng nước cảng biển:
a) Bộ Quốc phòng quy định lực lượng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, an toàn khu vực nơi tàu quân sự nước ngoài neo đậu; kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu, người, phương tiện có hoạt động liên quan;
b) Lực lượng kiểm tra, giám sát được áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
Điều 31. Đi bờ đối với thành viên trên tàu
1. Các quy định về việc đi bờ của thành viên trên tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam thực hiện các hoạt động khác thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
2. Trường hợp tàu neo đậu, hoạt động tại lãnh hải, khu vực nội thủy ngoài vùng nước cảng biển, người làm thủ tục phải ký hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp Việt Nam có chức năng để đưa đón các thành viên từ tàu vào bờ và ngược lại. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép cho phương tiện đưa đón thành viên tàu được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
Chương 5.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI ĐẾN VIỆT NAM
Điều 32. Nội dung quản lý nhà nước đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
2. Tiếp nhận thông tin, thỏa thuận, thống nhất nội dung, chương trình hoạt động của tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam với quốc gia có tàu quân sự; tổ chức đón tiếp theo nghi thức đón tiếp và hoạt động lễ tân.
3. Cấp phép, từ chối cấp phép hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung đã cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
4. Quản lý, kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng, di chuyển và các hoạt động khác của tàu và các thành viên trên tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam; đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam; kiểm tra, giám sát các hoạt động có liên quan đến tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
5. Xử lý vi phạm của tàu quân sự nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 33. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
2. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam.
Điều 34. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Thông báo lời mời của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với quốc gia có tàu quân sự đến thăm chính thức Việt Nam.
2. Tiếp nhận thông tin, tiến hành thỏa thuận, thống nhất nội dung, chương trình hoạt động của chuyến thăm với quốc gia có tàu quân sự đến thăm chính thức và trình Chính phủ quyết định việc đón tàu quân sự nước ngoài thực hiện chuyến thăm chính thức.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thực hiện đón tiếp phái đoàn từ tàu quân sự nước ngoài thực hiện chuyến thăm chính thức theo nghi thức ngoại giao.
Điều 35. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam. Tiếp nhận thông tin, thống nhất nội dung, chương trình hoạt động của chuyến thăm với quốc gia có tàu quân sự đến thăm xã giao, thăm thông thường.
2. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức đón tiếp theo nghi thức lễ tân đối với tàu quân sự nước ngoài thăm xã giao, thăm thông thường.
3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan quản lý tàu quân sự nước ngoài và thành viên trên tàu trong thời gian đến Việt Nam.
4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam; kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu quân sự nước ngoài, thành viên trên tàu và các hoạt động có liên quan đến tàu quân sự nước ngoài.
Điều 36. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Tham gia ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương nơi có tàu quân sự nước ngoài neo đậu; chỉ đạo Cơ quan quản lý nhập cảnh, xuất cảnh xem xét, cấp thị thực cho các thành viên trên tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam đi ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu neo đậu theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập cảnh, xuất cảnh.
Điều 37. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan
1. Tham gia ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong đón tàu quân sự nước ngoài thăm Việt Nam mà mục đích chuyến thăm có liên quan đến ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành mình phụ trách.
Điều 38. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tham gia ý kiến về việc cấp phép cho tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng.
2. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ, ngành liên quan trong hoạt động đón tiếp tàu quân sự nước ngoài thực hiện các chuyến thăm tại địa phương.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2013 và thay thế Nghị định số 55/CP ngày 01 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục gồm 12 mẫu khai báo đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 40. Hướng dẫn thực hiện
Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao căn cứ quy định tại Nghị định này xây dựng văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết theo thẩm quyền.
Điều 41. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

PHỤ LỤC

MẪU KHAI BÁO ĐỐI VỚI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI

 ĐẾN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 104/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ)

Mẫu 1

Tờ khai tàu quân sự nước ngoài đến thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mẫu 2

Tờ khai tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để sửa chữa.

Mẫu 3

Bản khai chung.

Mẫu 4

Danh sách thành viên.

Mẫu 5

Bản kê khai hàng hóa.

Mẫu 6

Bản khai hàng hóa nguy hiểm.

Mẫu 7

Bản khai dự trữ của tàu.

Mẫu 8

Bản khai hành lý thành viên.

Mẫu 9

Giấy khai báo y tế hàng hải.

Mẫu 10

Bản khai kiểm dịch thực vật.

Mẫu 11

Bản khai khai kiểm dịch động vật.

Mẫu 12

Thông báo tàu đến cảng.

Mẫu 1

TỜ KHAI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI

ĐẾN THĂM NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(Kèm theo Công hàm số ngày)
CLEARANCE FORM OF FOREIGN WARSHIP VISITING THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
(Enclosed with Note No. dated)

1. Tên tàu, loại tàu, số tàu/Name, type and registration number of the warship:..............................

.............................................................................................................................................. .

2. Nơi đăng ký/Place of registration:..........................................................................................

...............................................................................................................................................

3. Hô hiệu/Call sign:..................................................................................................................

4. Thông số kỹ thuật/Technical characteristics:

- Chiều dài lớn nhất/LOA:..........................................................................................................

- Chiều rộng/Breadth: ...............................................................................................................

- Chiều cao/Height:...................................................................................................................

- Tổng dung tích/Gross tonnage:................................................................................................

- Mã lực/horse power:...............................................................................................................

- Tốc độ tối đa/Maximum speed:...............................................................................................

- Mớn nước thực tế/Shown draft:...............................................................................................

- Lượng nước rẽ/Draught:.........................................................................................................

- Trọng lượng nước rẽ/Displacement:........................................................................................

5. Cảng/Vùng biển xuất phát/Last port/sea of call:......................................................................

6. Cảng đến thăm/Vùng biển đến tiến hành hoạt động/Port of destination:

...............................................................................................................................................

7. Cảng/Vùng biển tiếp theo/Next port of call:.............................................................................

8. Hình thức thăm/Mục đích đến tiến hành hoạt động/Purpose of visit:.........................................

9. Hình thức treo cờ/Flying of flag(s):.........................................................................................

10. Họ tên, cấp bậc, chức vụ của Trưởng đoàn/Thuyền trưởng/Name, rank, title of the Head of delegation/Captain:.

11. Thành viên trên tàu/Crews list:

- Số lượng sỹ quan/Number of Officers:.....................................................................................

- Số lượng hạ sỹ quan/Number of Non-commissioned officers:....................................................

- Số lượng binh sỹ/Number of Soldiers:.....................................................................................

- Những người khác cùng đi/Accompanying people:...................................................................

12. Phương tiện thông tin/Communication means:......................................................................

...............................................................................................................................................

13. Tần số liên lạc/ Contact line of Frequencies:..........................................................................

...............................................................................................................................................

14. Số lượng vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên tàu/Amount of weapons and other military equipments on board:

...............................................................................................................................................

15. Ngày giờ tàu dự kiến đến điểm đón trả hoa tiêu/Scheduled time of arrival at pilot station:........

16. Thời gian trú đậu/Time of anchorage:....................................................................................

17. Ngày dự kiến rời cảng/Scheduled date of departure:..............................................................

18. Chương trình hoạt động của tàu, thành viên trên tàu/Programme of activities for warship/crews/accompanying people:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

19. Hàng hóa trên tàu (nếu có)/Cargo on board (if any):...............................................................

...............................................................................................................................................

20. Đề nghị tiếp nhận nhiên liệu, lương thực, thực phẩm/ Request for supply of fuel or/and food:...

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

21. Đề nghị khác/Additional request:..........................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Làm tại                                       ngày      tháng      năm
Done at                                      on

(dấu/Seal)

Mẫu 2

TỜ KHAI TÀU QUÂN SỰ NƯỚC NGOÀI

ĐẾN NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỀ SỬA CHỮA
(Kèm theo Công văn số ngày)
CLEARANCE FORM OF FOREIGN WARSHIP ENTERING THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM FOR REPARATION
 

1. Tên tàu, loại tàu, số tàu/Name, type and registration number of the warship:..............................

.............................................................................................................................................. .

2. Nơi đăng ký/Place of registration:..........................................................................................

...............................................................................................................................................

3. Hô hiệu/Call sign:..................................................................................................................

4. Thông số kỹ thuật/Technical characteristics:

- Chiều dài lớn nhất/LOA:..........................................................................................................

- Chiều rộng/Breadth: ...............................................................................................................

- Chiều cao/Height:...................................................................................................................

- Tổng dung tích/Gross tonnage:................................................................................................

- Mã lực/horse power:...............................................................................................................

- Tốc độ tối đa/Maximum speed:...............................................................................................

- Mớn nước thực tế/Shown draft:...............................................................................................

- Lượng nước rẽ/Draught:.........................................................................................................

- Trọng lượng nước rẽ/Displacement:........................................................................................

5. Cảng xuất phát/Last port of call:............................................................................................

6. Cảng đến sữa chữa/Destination port for reparation:.................................................................

...............................................................................................................................................

7. Cảng tiếp theo/Next port of call:.............................................................................................

8. Hợp đồng hoặc thỏa thuận nguyên tắc sửa chữa số/Principal Contract/ Agreement for reparation No:    

9. Hạng mục sửa chữa chính/main items of reparation:...............................................................

10. Hình thức treo cờ/Flying of flag(s):.......................................................................................

11. Họ tên, cấp bậc, chức vụ của Trưởng đoàn/Thuyền trưởng/Name, rank, title of the Head of delegation/Captain:.

...............................................................................................................................................

12. Thành viên trên tàu/Crews list:

- Số lượng sỹ quan/Number of Officers:.....................................................................................

- Số lượng hạ sỹ quan/Number of Non-commissioned officers:....................................................

- Số lượng binh sỹ/Number of Soldiers:.....................................................................................

- Những người khác cùng đi/Accompanying people:...................................................................

...............................................................................................................................................

13. Phương tiện thông tin/Communication means:......................................................................

...............................................................................................................................................

14. Tần số liên lạc/ Contact line of Frequencies:..........................................................................

...............................................................................................................................................

15. Số lượng vũ khí và các thiết bị quân sự khác trên tàu/Amount of weapons and other military equipments on board:

...............................................................................................................................................

16. Ngày giờ tàu dự kiến đến điểm đón trả hoa tiêu/Scheduled time of arrival at pilot station:........

17. Ngày giờ tàu dự kiến vào cảng sữa chữa/Scheduled time of arrival at port for reparation:........

18. Thời gian dự kiến sửa chữa/Estimated period of time of reparation:........................................

19. Ngày dự kiến rời cảng/scheduled date of departure:..............................................................

20. Chương trình hoạt động của tàu, thành viên trên tàu/Programme of activities for warship/crews/accompanying people:

...............................................................................................................................................

21. Hàng hóa trên tàu (nếu có)/Cargo on board (if any):...............................................................

...............................................................................................................................................

22. Đề nghị tiếp nhận nhiên liệu, lương thực, thực phẩm/ Request for supply of fuel or/and food:...

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

23. Đề nghị khác/Additional request:..........................................................................................

...............................................................................................................................................

Làm tại                                       ngày      tháng      năm
Done at                                      on

(dấu/Seal)

Mẫu 3

BẢN KHAI CHUNG
GENERAL DECLARATION

 

 

Đến/Arrival

 

Rời/Departure

Tên và loại tàu:
Name and type of warship

Cảng đến/rời
Port of arrival/departure

Thời gian đến/rời cảng
Date - time of arrival/departure

Nơi đăng ký:
Place of registration

Hô hiệu, mã lực, tốc độ:
Call sign, horse power, maximum speed

Chiều dài lớn nhất:
LOA

Chiều rộng:
Breath

Dung tích:
Capacity

Quốc tịch tàu
Flag State of ship

Tên thuyền trưởng
Name of master

Cảng rời cuối cùng/cảng đích:
Last port of call/next port of call

Tên và địa chỉ liên lạc của đại lý:
Name and contact details of the ship agent

Vị trí tàu tại cảng:
Position of the ship in the port (berth or station)

Đặc điểm chính của chuyến đi (các cảng trước và các cảng sẽ đến)
Brief particulars of voyage (previous and subsequent port of call)

Mô tả tóm tắt về hàng hóa
Brief description of the cargo

Số thành viên trên tàu
Number of crew

Ghi chú:
Remarks

Tài liệu đính kèm (ghi rõ số bản)(*)
Attached documents (indicate number of copies)

Bản khai hàng hóa:
Cargo Declaration

Danh sách thành viên trên tàu
Crew List

Yêu cầu về phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải
The ship’s requirements in terms of waste and residue reception facilities

Giấy khai báo y tế hàng hải
Model of maritime declaration of health

             

 

…….…., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

(*) Mục này chỉ khai khi tàu đến cảng
only on arrival

Mẫu 4

DANH SÁCH THÀNH VIÊN
GREW LIST

 

 

Đến
Arrival

 

Rời
Departure

Trang số:
Page No

 

Tên tàu:
Name of warship

Cảng đến/rời:
Port of
arrival/departure

Ngày đến/rời:
Date of arrival/departure

Hô hiệu:
Call sign

Quốc tịch tàu:
Flag State of ship

Cảng rời cuối cùng:
Last port of call

Loại và số giấy tờ đi lại
Nature and No. of travel document

STT
No

Họ và tên
Family name, given name

Chức danh
Rank or rating

Quốc tịch
Nationality

Ngày và nơi sinh
Date and place of birth

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                       

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 5

BẢN KÊ KHAI HÀNG HÓA
CARGO DECLARATION

Vận đơn số* B/L No

 

 

Đến
Arrival

 

Rời
Departure

Trang số:
Page No

 

Tên tàu:
Name of warship

Cảng lập bản khai:
Port where report is made

Hô hiệu:
Call sign

Quốc tịch tàu:
Flag State of ship

Tên thuyền trưởng:
Name of master

Cảng bốc/dỡ hàng hóa:
Port of loading/Port of discharge

Ký hiệu và số hiệu hàng hóa
Marks and Nos.

Số và loại bao kiện; loại hàng hóa**
Number and kind of packages; description of goods, or, if available, the HS code

Tổng trọng lượng
Gross weight

Kích thước
Measurement

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                     

* Số Vận đơn: Khai cảng nhận hàng chính thức theo phương thức vận tải đa phương thức hoặc vận đơn suốt.
B/L No: Also state original port of shipment in respect of shipped on multimodal transport document or through Bill of Lading.

** Hàng nguy hiểm phải kèm theo “Tờ khai hàng hóa nguy hiểm”.
Dangerous goods attached to “Dangerous Goods Manifest”

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 6

BẢN KHAI HÀNG HÓA NGUY HIỂM
DANGEROUS GOODS MANIFEST

Tên tàu:
Name of warship

Số đăng ký:
registration number

Quốc tịch tàu:
Flag Sate of ship

Tên thuyền trưởng
Master’s name

Số chuyến:
Voyage reference

Cảng nhận hàng:
Port of loading

Cảng trả hàng:
Port of discharge

Đại lý tàu biển:
Shipping agent

Hô hiệu:
Call sign

Số vận đơn
Booking/ reference number

Ký hiệu và số kiện
Marks & numbers container ID. No (s) Vehicle reg. No (s)

Số và loại bao kiện
Number and kind of packages

Công ty vận chuyển
Proper
shipping
name

Loại hàng hóa
Class

Số UN
UN number

Nhóm hàng
Packing group

Nhóm phụ số
Subsidiary risk (s)

Điểm bốc cháy
Flash point (in °C,c.c.)

Ô nhiễm biển
Marine pollutant

Tổng khối lượng
Mass (kg) gross/net

EmS

Vị trí xếp hàng
Stowage position on board

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                               

Đại lý ký
Agent’s signature

Địa điểm, thời gian
Place and date

Thuyền trưởng
Master’s signature

Địa điểm, thời gian
Place and date

Mẫu 7

BẢN KHAI DỰ TRỮ CỦA TÀU
WARSHIP’S STORES DECLARATION

 

 

Đến
Arrival

 

Rời
Departure

Trang số:
Page No

 

Tên tàu:
Name of warship

Cảng đến/rời:
Port of
arrival/departure

Ngày đến/rời:
Date of arrival/departure

Hô hiệu:
Call sign

Quốc tịch tàu:
Flag State of Warship

Cảng rời cuối cùng/cảng đích
Last port of call/Next port of call

Số người trên tàu
Number of persons on board

Thời gian ở cảng
Period of stay

Nơi để vật tư:
Place of storage

Tên vật phẩm
Name of article

Số lượng
Quantity

Dành cho cơ quan quản lý nhà nước
Official use

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                     

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 8

BẢN KHAI HÀNH LÝ THÀNH VIÊN
CREW’S EFFECTS DECLARATION

 

Trang số:
Page No

 

Tên tàu:
Name of warship

Hành lý phải nộp thuế, bị cấm hoặc hạn chế(*)
Effects ineligible for relief from customs duties and taxes or subject to prohibitions or restrictions

Hô hiệu:
Call sign

Quốc tịch tàu:
Flag State of warship

TT
No

Họ và tên
Family name, given name

Chức danh
Rank or rating

 

 

 

 

Chữ ký
Signature

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                   

(*) Ví dụ: Rượu, cồn, thuốc lá bao, thuốc lá sợi v.v…
e.g. wines, spirits, cigarettes, tobaco, etc…

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 9

GIẤY KHAI BÁO Y TẾ HÀNG HẢI
MODEL OF MARITIME DECLARATION OF HEALTH

Thuyền trưởng của tàu đến từ các cảng nước ngoài phải hoàn chỉnh tờ khai và xuất trình cho cơ quan thẩm quyền/To be completed and submitted to the competent authorities by the masters of ships arriving from foreign ports.

Xuất trình tại cảng/Submitted at the port of.................................................................................

Ngày/Date................................................................................................................................

Tên tàu /Name of warship..........................................................................................................

Đăng ký/Registration.................................................................................................................

Đến từ/Arriving from..................................................................................................................

Nơi đến/Sailing to.....................................................................................................................

Quốc tịch/Flag State of warship.................................................................................................

Tên thuyền trưởng/Master’s name: ...........................................................................................

Trọng tải đăng ký (tàu)/Gross tonnage (ship)..............................................................................

Giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh/Xử lý vệ sinh còn giá trị? Valid Sanitation Control Exemption/Control Certificate carried on board?

Có/Yes £ Không/No £

Cấp tại/Issued at .....................................................................................................................

Ngày tháng/Date......................................................................................................................

Có phải kiểm tra lại hay không?/Re-inspection required?

Có/Yes £ Không/No £

Có đến vùng Tổ chức y tế thế giới khẳng định ảnh hưởng?/Has ship/vessel visited an affected area identified by the World Health Organization?

Có/Yes £ Không/No £

Tên cảng và ngày đến/Port and date of visit...............................................................................

Danh sách các cảng từ khi tàu bắt đầu hành trình, cả ngày tháng xuất phát, hoặc trong vòng 30 ngày qua, nêu tóm tắt/List ports of call from commencement of voyage with dates of departure, or within past thirty days, whichever is shorter

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tùy theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền tại cảng đến, lập danh sách thủy thủ, hành khách hoặc người cùng đi trên tàu kể từ khi bắt đầu hành trình hoặc trong 30 ngày trở lại (nêu tóm tắt), ghi rõ tên nước, tên cảng đã đi qua (kèm theo họ tên và lịch trình)/Upon request of the competent authority at the port of arrival, list crew members, passengers or other persons who have joined ship/vessel since international voyage began or within past thirty days, whichever is shorter, including all ports/countries visited in this period (add additional names to the attached schedule)

1. Họ tên/Name......................................................................................................... lên tàu từ/

joined from: (1)…………………………………(2)…………………………..(3).....................................

2. Họ tên/Name......................................................................................................... lên tàu từ/

joined from: (1)…………………………………(2)…………………………..(3).....................................

3. Họ tên/Name......................................................................................................... lên tàu từ/

joined from: (1)…………………………………(2)…………………………..(3).....................................

Số thủy thủ trên tàu/Number of crew members on board..............................................................

Số hành khách trên tàu/Number of passengers on board..............................................................

CÁC CÂU HỎI VỀ Y TẾ
Health Questions

1. Có người chết không phải do tai nạn trong hành trình?/Has any person died on board during the voyage otherwise than as a result of accident?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, phải có báo cáo chi tiết kèm theo/If yes, state particulars in attached schedule/Số tử vong/Total of deaths/           

2. Có trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm trên tàu hoặc trong quá trình hành trình hay không?/Is there on board or has there been during the international voyage any case of disease which you suspect to be of an infectious nature ?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, phải có báo cáo chi tiết theo mẫu kèm theo/If yes, state particulars in attached schedule.

...............................................................................................................................................

3. Có số hành khách bị ốm trong hành trình lớn hơn bình thường không?/Has the total number of ill passengers during the voyage been greater than normal/expected?

Có/Yes £ Không/No £

Bao nhiêu người?/How many ill persons? ..................................................................................

4. Hiện tại có người ốm trên tàu không?Is there any ill person on board now?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, báo cáo chi tiết theo mẫu kèm theo/If yes, state particulars in attached schedule.............

5. Có được nhân viên y tế can thiệp không?/Was medical practitioner consulted?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, nêu chi tiết biện pháp điều trị hoặc tư vấn y tế kèm theo/lf yes, state particulars of medical treatment or advice provided in attached schedule.

6. Bạn có biết điều gì có thể gây nhiễm hoặc lan truyền bệnh trên tàu không?/Are you aware of any condition on board which may lead to infection or spread of disease?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, phải có báo cáo chi tiết theo mẫu kèm theo/If yes, state particulars in attached schedule.

...............................................................................................................................................

7. Có biện pháp vệ sinh nào (như kiểm dịch, cách ly, tẩy trùng hoặc tẩy uế) được áp dụng trên tàu không? Has any sanitary measure (e.g. quarantine, isolation, disinfection or decontamination) been applied on board?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, nêu cụ thể loại, nơi và thời gian áp dụng/lf yes, specify type, place and date...................

8. Có người đi lậu vé trên tàu không?/Have any stowaways been found on board?

Có/Yes £ Không/No £

Nếu có, nơi họ lên tàu ở đâu (nếu biết)?/ If yes, where did they join the ship (if known)?................

9. Có động vật bị ốm hoặc động vật cảnh trên tàu không?/Is there a sick animal or pet on board?

Có/Yes £ Không/No £

Chú ý: Nếu không có bác sĩ, chủ tàu cần chú ý những triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm trên tàu như sau:
Note: In the absence of a surgeon, the master should regard the following symptoms as grounds for suspecting the existence of a disease of an infectious nature:

(a) sốt kéo dài một vài ngày hoặc kèm theo (i) mệt mỏi; (ii) kém tỉnh táo; (iii) nổi hạch; (iv) vàng da; (v) ho hoặc thở nông; (vi) chảy máu bất thường hoặc; (vii) liệt cục bộ/(a) fever, persisting for several days or accompanied by (i) prostration; (ii) decreased consciousness; (iii) glandular swelling; (iv) jaundice; (v) cough or shortness of breath; (vi) unusual bleeding; or (vii) paralysis

(b) có hoặc không có sốt: (i) phát ban cấp tính trên da; (ii) nôn dữ dội (không phải do say sóng); (iii) ỉa chảy dữ dội; hoặc (iv) co giật/(b) with or without fever: (i) any acute skin rash or eruption; (ii) severe vomiting (other than sea sickness); (iii) severe diarrhoea; or (iv) recurrent convulsions.

Tôi xin cam đoan những thông tin, những câu trả lời và các báo cáo chi tiết kèm theo là sự thật và đúng với sự hiểu biết và tin tưởng của tôi/I hereby declare that the particulars and answers to the questions given in this Declaration of Health (including the schedule) are true and correct to the best of my knowledge and belief

 

Ký tên/Signed/

……………………………….

Thuyền trưởng/Master

……………………………….

Ký xác nhận/Countersigned

……………………………….

Bác sĩ trên tàu (nếu có)/Ship’s Surgeon (if carried)

……………………………….

Ngày tháng/Date

……………………………….

MẪU TỜ KHAI Y TẾ HÀNG HẢI ĐÍNH KÈM
ATTACHMENT TO MODEL OF MARITIME DECLARATION OF HEALTH

Họ tên/ Name

Đối tượng/ Class or rating

Tuổi/ Age

Giới tính/ Sex

Quốc tịch/ Nationality

Tên cảng và ngày lên tàu/ Port, date joined ship/ vessel

Chẩn đoán/ Nature of illness

Ngày xuất hiện triệu chứng/
Date of onset of symptoms

Đã thông báo cho y tế cảng?/ Reported to a port medical officer?

Kết quả xử lý1/
Disposal of case2

Thuốc hoặc điều trị khác đã áp dụng/ Drugs, medicines or other treatment given to patient

Ghi chú/ Comments

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu 10

BẢN KHAI KIỂM DỊCH THỰC VẬT
DECLARATION FOR PLANT QUARANTINE

Tên tàu:………………………………………….
Name of ship

Quốc tịch tàu:…………………………………….
Flag State of ship

Tên thuyền trưởng:…………………………….
Name of master

Tên bác sỹ:……………………………………….
Name of doctor

Số thuyền viên:…………………………………
Number of crew

Số hành khách:…………………………………..
Number of passenger

Cảng rời cuối cùng:…………………………….
Last port of call

Cảng đến tiếp theo:………………………………
Next port of call

Cảng bốc hàng đầu tiên và ngày rời cảng đó:
The list port of loading and the date of departure

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tên, số lượng, khối lượng hàng thực vật nhận ở cảng đầu tiên:
Name, quantity and weight of plant goods loaded at the first port

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tên, số lượng, khối lượng hàng thực vật nhận ở các cảng trung gian và tên các cảng đó:
Name, quantity, weight of plant goods loaded at the intermediate ports and the names of these ports

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tên, số lượng và khối lượng hàng thực vật cần bốc ở cảng này:
Name, quantity and weight of plant goods to be discharged at this port:

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Thuỵền trưởng cam đoan những điều khai ở trên là đúng và chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật.
The Master guarantees the correctness of the above mentioned declarations and his responsibility for full compliance with the said regulations on plant quarantine.

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 11

BẢN KHAI KIỂM DỊCH ĐỘNG VẬT
DECLARATION FOR ANIMAL QUARANTINE

Tên tàu:………………………………………….
Name of warship

Quốc tịch tàu:…………………………………….
Flag State of warship

Tên thuyền viên:…………………………….
Name of crew

Tên hành khách:………………………………….
Name of passenger

Cảng rời cuối cùng:…………………………….
Last port of call

Cảng đến tiếp theo:………………………………
Next port of call

Tên hàng động vật và sản phẩm động vật nhận ở cảng đầu tiên:
Animal and animal products loaded at the first port

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tên hàng động vật và sản phẩm động vật dỡ ở các cảng trung gian và tên cảng đó:
Animal and animal products loaded at the intermediate ports and the name of the ports

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Tên hàng động vật và sản phẩm động vật dỡ ở cảng này:
Animal and animal products to be discharged at this port

...............................................................................................................................................

...............................................................................................................................................

Thuyền trưởng cam đoan những điều khai ở trên là đúng và chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định về kiểm dịch động vật.
The Master guarantees the correctness of the above mentioned declarations and his responsibility for full compliance with the said regulations on animal quarantine.

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

Mẫu 12

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Socialist Republic of Viet Nam
Independence - Freedom - Happiness
--------------
 

THÔNG BÁO TÀU ĐẾN CẢNG
NOTICE OF ARRIVAL OF VESSEL AT THE PORT

Tên và loại tàu:
Name and type of ship

Cảng đến
Port of arrival

Thời gian đến
Time of arrival

Hô hiệu:
Call sign

Quốc tịch tàu
Flag State of ship

Tên thuyền trưởng
Name of master

Cảng rời cuối cùng/cảng đích:
Last port of call/port of destination

Chiều dài lớn nhất
LOA

Chiều rộng
Breadth

Chiều cao tĩnh không
Clearance height

Mớn nước thực tế
Shown draft

Tổng dung tích
GT

Trọng tải toàn phần
DWT

Đại lý của chủ tàu tại Việt Nam (nếu có)
Name of the shipowners’ agents in Viet Nam (if any)

Mục đích đến cảng
Purpose of call

Số lượng và loại hàng hóa vận chuyển trên tàu
Quantity and types of cargoes on board

Số thuyền viên
(gồm cả thuyền trưởng):
Number of crew (incl. Master)

Những người khác trên tàu
Other persons on board

Ghi chú:
Remarks

 

………., ngày …. tháng ….. năm…..
Date ………………………
Thuyền trưởng (hoặc đại lý)
Master (or authorized agent)

1 Chú thích: (1) Người bệnh đã bình phục, còn ốm hoặc đã chết, (2) người bệnh vẫn ở trên tàu hay đã xuống (ghi rõ tên cảng hoặc sân bay xuống) hoặc đã được an táng trên biển/State: (1) whether the person recovered, is still ill or died; and (2) whether the person is still on board, was evacuated (including the name of the port or airport), or was buried at sea.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
-------

No. 104/2012/ND-CP

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

Hanoi, December 05, 2012

 

DECREE

ON FOREIGN NAVAL SHIPS MAKING VISITS TO THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

 

Pursuant to the Law on Government organization dated December 25th2001;

Pursuant to Vietnam Maritime Code dated June 14th2005;

Pursuant to the Law on Vietnamese sea dated June 21st2012;

Pursuant to the Law on National Security dated December 03rd2004;

Pursuant to the Law on National border June 17th2003;

Pursuant to the Law on Customs dated June 29th2001 and the Law on amending and supplementing a number of articles of the Law on Customs dated June 14th2005;

Pursuant to the Ordinance on the entry, exit, and residence of foreigners in Vietnam dated June 28th2000;

Pursuant to the Ordinance on the management and use of weapons, explosives and supportive gadget dated June 30th2011;

At the proposal of the Minister of National Defense

The Government issues ad Decree on the foreign naval ships making visits to the Socialist Republic of Vietnam

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Decree deals with the activities of foreign naval ships that visit the Socialist Republic of Vietnam (hereinafter referred to as foreign naval ships that visit Vietnam; the licensing, entry, exit, and transit procedures; the inspection and supervision of the activities related to the foreign naval ships that visit Vietnam.

Article 2. Subjects of application

1. This Decree is applicable to the foreign naval ships that visit Vietnam and the crew thereon, the Vietnamese State management agencies, the organizations and individuals relevant to the activities of the foreign naval ships that visit Vietnam.

2. The regulations of this Decree are also applicable to the public service ships equipped with military weapons of some countries, territories; ships of international military organizations that arrive at Vietnam for visiting, repairing, or doing other activities.

3. In case the regulations of this Decree contradict the International Agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory, such International agreements shall apply.

Article 3. Interpretation of terms

In this Decree, the terms below are construed as follows:

1. A foreign naval ship is a ship belonging to the armed force of a country and bear a sign that express its nationality, commanded by an naval officer that serves such country, and his name is in the list of officers or an equivalent documents; operated by a crew under military orders and discipline.

2. Foreign naval ships that visit Vietnam are foreign naval ships that arrive at the territorial sea, inland waters, and ports of the Socialist Republic of Vietnam for visiting, repairing, and doing other activities.

3. Foreign naval ships that make official visits to Vietnam are foreign naval ships that take heads of states to visit Vietnam at the invitation of the Socialist Republic of Vietnam in order to strengthen friendly relations among the States.

4. Foreign naval ships that make casual visits Vietnam are foreign naval ships that visit Vietnam for the purpose of strengthening the friendly relation between the people and the armed forces of the States.

5. Foreign naval ships that make usual visits to Vietnam are the foreign naval ships that visit Vietnam for cooperating in the training; providing technical materials and military equipment; resupply fuel and food, or giving the crew a break.

6. Foreign naval ships that come to Vietnam for repairing are foreign naval ships being repaired at Vietnamese ports under contracts with the Vietnamese enterprises licensed to repair ships.

7. Foreign naval ships that come to for other activities are the foreign naval ships that come to Vietnam for humanitarian activities; search and rescue activities, maritime metrology and survey activities; searching for remains; general patrol, pirate prevention, and some other professional activities according to the agreement between Vietnam and the countries that have such ships.

8. Public services ships are specialized ships used for fulfilling the public services of the State, not for commercial purposes.

9. Military weapons include:

a) Small firearms are weapons designed for personal use, including handguns, rifles, submachine guns, assault rifles, and other kinds of guns that have similar features and effects;

b) Light weapons include machine guns, mortars under 100mm, recoilless rifles, anti-aircraft guns under 23mm, grenade launchers, personal anti-tank rockets, anti-aircraft shoulder-launched missiles, and other light weapons that have similar features and effects;

c) Bombs, mines, grenades, bullets, torpedoes, naval mines, and firearms;

d) The weapons not in the list of weapons made by the products but have similar features and effects as military weapons.

10. Activities of foreign naval ships at ports are their entering, exiting, staying, and moving from one anchoring position to another, and doing the activities according to an agreed program during the visit or repair at the ports where they anchor.

11. The crew on a foreign naval ship are the chief commissioner (if any), the captain, the sailors, and other people on the ship.

12. A port is an area include the port land and port waters, having infrastructures and equipment for ships to enter, exit, load, unload, pick up and drop passengers, and provide other services.

Port land is a limited area of land for building piers, warehouses, depots, workshops, offices, service facilities, traffic system, communication system, electricity, water, other ancillary works, and equipment installation.

Port waters is a limited area of water in front of the piers for turning around, anchoring, transshipping, sheltering, piloting, quarantines, navigation channels, and other ancillary works.

A port has one of multiple wharfs. A wharf has one of multiple piers. A wharf includes piers, warehouses, depots, workshops, offices, service facilities, traffic system, communication system, electricity, water, other ancillary works. A pier is a fixed structure of the wharf, used for anchoring, loading, unloading goods, picking up and dropping passengers.

13. Naval ports are the ports managed by the Ministry of National Defense, and operated under the military regulation.

14. The specialized State management agencies at a port include the port borderguard, the port customs, the port authorities, international health quarantine agency, and the animal and plant quarantine agency

15. The person in charge of the procedure is the captain, the chief commissioner, or an authorized person.

16. Disengaging weapons is making weapons not ready to be used (locking the range and direction of weapons, cutting the power supply for the weapon system, removing the ammo from the platform, remove ammunition from the platform, the ammunition belts, and the magazines)

17. Weapons under storage are weapons that might be used but there is no ammunition on the ammunition belts and magazines.

Article 4. The overall rules for foreign naval ships that visit Vietnam

1. Foreign naval ships that visit Vietnam must be licensed by competent State management agencies of Vietnam prescribed in this Decree.

2. Foreign naval ships that visit Vietnam must comply with Vietnam’s laws and this Decree, unless otherwise agreed between the country that has the ships and the competent State management agencies of Vietnam in a diplomatic manner before the ship arrives at Vietnam.

3. The activity schedule of the ship and the crew thereon must be consistent with the agreed plan. The changes that arise must be permitted by competent State management agencies of Vietnam.

4. When foreign naval ships arrive at Vietnam’s territorial sea before entering a port:

a) Submarines and other underwater vehicles must emerge from the water and raise its national flag, unless otherwise permitted by the Vietnam’s Government or agreed between the Vietnam’s Government and the Government of the country of which the flag is raised by such ships;

b) The ship body must bear its name and number;

c) All weapons must be disengaged or in storage;

d) Stop at the pilot station for carrying out entry procedures and follow the instruction of the Vietnam’s port authority and pilots;

dd) Only use the equipment necessary for the maritime safety and the registered radio frequency;

e) Arrive at the correct port using the correct routes and corridors.

5. A foreign naval ship that arrives at the Vietnam’s territorial sea must raise the national flag of the Socialist Republic of Vietnam at the same level with that of the country that has such ship. When a foreign naval ship wishes to raise a ceremonial flag, mourning flag, or blow a whistle on their country s holidays, the captain or the chief commissioner must ask for the permission from the port authorities or competent authorities at the port or the naval port where it is anchoring.

6. A foreign naval ship in Vietnam that wishes to move from one port of Vietnam to another (transit) must specify that in the diplomatic note and the declaration (form 1 or form 2) and obtain the written approval from the Ministry of National Defense.

Article 5. The acts of foreign naval ships that are prohibited when visiting Vietnam

1. Commit the acts that infringe the independence, sovereignty, and territorial integrity of the Socialist Republic of Vietnam.

2. Collect intelligence and commit other acts that harm the national security and social order and safety of the Socialist Republic of Vietnam.

3. Transport mass destruction weapons, radioactive substances, chemical poisons, biological poisons, and drugs.

4. Disseminate and spread documents and materials without the permission from competent agencies of Vietnam.

5. Organize sponsorships and humanitarian aid without the permission from competent agencies of Vietnam.

6. Let people, goods, and vehicles of the ship inconsistently with Vietnam’s law on the entry, exit, export, and import, unless for the purpose of helping victims, but the competent State management agencies at the port must be notified right after that.

7. Launch, receive, or load any vehicle or military weapons without the permission from competent State management agencies of Vietnam.

8. Commit illegal acts of surveying, measuring, fishing, trading, interfering the communication system, radar, or obstructing the traffic.

9. Pollute the environment, damage the equipment and constructions on the sea and at the port.

10. Use divers or other underwater apparatuses before the permission from competent agencies of Vietnam.

11. Come alongside other ships or enter prohibited areas without permission.

12. shoot pictures, videos, draw plans in prohibited areas.

13. Disturb the public order, obstruct or oppose the jobs of Vietnam’s authorities.

14. Commit acts of training, maneuvers, rehearsals, and performances using weapons, flying vehicles or military apparatuses without the permission from competent State management agencies of Vietnam.

15. Commit other acts prohibited by Vietnam’s law.

Article 6. Licensing, inspecting, and supervising organizations and individuals relevant to the activities of foreign naval ships that visit Vietnam

1. All organizations, individuals, and vehicles of Vietnam and other countries (except for the officers, employees, and vehicles of State management agencies at the port or military port performing their duties) that enter, exit, and operate within the areas where foreign naval ships are anchoring; disembark from foreign naval ships for working or doing other activities, come alongside foreign naval ships while they are anchoring at the port, naval port, inland waters, or territorial sea, must be licensed by competent agencies.

2. The organizations, individuals, and vehicles prescribed in Clause 1 this Article:

a) Are only licensed when doing the activities in the official schedule of the foreign naval ship, or the captain/chief commissioner of the foreign naval ship asks or approves in writing.

b) Comply with the inspection and supervision carried out by specialized State management agencies at the port, naval port, and by other relevant functional forces.

Article 7. The rules and authority to handle violations committed by foreign naval ships that visit Vietnam

1. Foreign naval ships that visit Vietnam that visit this Decree and other regulations of Vietnam’s law shall be handled in a diplomatic manner based on Vietnam’s law or the International Agreements to which Vietnam is a signatory.

2. The captain/chief commissioner of the foreign naval ship that visits Vietnam shall be responsible for the consequences caused by the violations of law committed by their crew during the operation in Vietnam.

3. The crew of a foreign naval ship that visit Vietnam that violate Vietnam’s law shall be handled in accordance with Vietnam’s law (except for people eligible for diplomatic immunity)

4. The authority to handle the violations is prescribed in Vietnam’s law.

Article 8. The rules for settling nautical collisions related to foreign naval ships

The nautical collisions related to foreign naval ships that visit Vietnam shall be settled in accordance with the Maritime Code in a diplomatic manner.

Article 9. The notification of the arrival foreign naval ships arrives at ports and the use of Vietnamese maritime pilots

1. At least 24 hours before the anticipated arrival of the foreign naval ship at a Vietnamese port, the applicant must send a notification of the arrival of the ship at the port to the port authority (Form 12).

2. When entering or leaving the port, or when moving within the port waters, the foreign naval ship must employ a Vietnamese maritime pilot and pay the pilot fee as prescribed by Vietnam’s law.

Chapter 2.

FOREIGN NAVAL SHIPS MAKING VISITS TO VIETNAM

SECTION 1. THE PROCEDURES FOR LICENSING, ENTERING, LEAVING, AND GOING TO OTHER PORTS

Article 10. The licensing procedure

1. The procedure for licensing foreign naval ships to make official visits to Vietnam:

a) The authority to issue licenses:

- The Ministry of Foreign Affairs shall license the foreign naval ships to make official visits to Vietnam. The refusal to issue the license must be explained.

The time, content, and activity schedule relevant to the visit shall be agreed in a diplomatic manner;

- Before issuing the license, the Ministry of Foreign Affairs shall obtain the opinions from the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Transport, relevant Ministries, the People’s Committees of the central-affiliated city and province (hereinafter referred to as provincial People’s Committee) where the ships arrive. If the opinions from the Ministries and the provincial People’s Committee are not uniform, the Ministry of Foreign Affairs shall request the decision from the Prime Minister.

b) The licensing period:

- Within 30 days as before the anticipated date of arrival of the foreign naval ship at Vietnam’s territorial sea, the country of which the head makes a visit to Vietnam shall send a diplomatic note to ask for the permission for making a visit by naval ship, enclosed with a declaration (form 1) to the Ministry of Foreign Affairs;

- Within 20 days from the date on which the diplomatic note and the declaration are received, the Ministry of Foreign Affairs shall send a responding diplomatic note to the country that sends such naval ship.

- Within 05 working days as from the date on which the written requests for opinions about licensing the foreign naval ships to official visits to Vietnam are received, the relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives must send written response to the Ministry of Foreign Affairs;

- Within 03 working days as from the date on which the license is issued or refused, the Ministry of Foreign Affairs shall send written notifications to relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives of the issue of the license or the refusal to the license to make official visits to Vietnam to the foreign naval ships.

c) The amendments and supplementations of the license shall be discussed and agreed in the diplomatic note sent by the Ministry of Foreign Affairs to the country that sends the naval ship.

2. The procedure for licensing foreign naval ships to make casual and usual visits to Vietnam:

a) The authority to license:

- The Ministry of Foreign Affairs shall license the foreign naval ships to make casual and usual visits to Vietnam. The refusal to issue the license must be explained.

- Before issuing the license, the Ministry of Foreign Affairs shall obtain the opinions from the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Transport, relevant Ministries, and the provincial People’s Committee where the ships arrive. If the opinions from the Ministries and the provincial People’s Committee are not consistent, the Ministry of Foreign Affairs shall request the decision from the Prime Minister.

b) The licensing period:

- Within 30 days as before the anticipated date of arrival of the foreign naval ship at Vietnam’s territorial sea, the country that sends the ship to Vietnam shall send a diplomatic not to ask for the permission for the visit, enclosed with a declaration (form 1) to the Ministry of Foreign Affairs. In case the country of which the naval ship makes a visit sends a diplomatic note enclosed with the declaration to the Ministry of Foreign Affairs or a Vietnam’s diplomatic mission overseas, within 03 days as from the date on which the diplomatic note and the declaration are received, the Ministry of Foreign Affairs or the Vietnam’s diplomatic mission overseas shall send the diplomatic note and the declaration to the Ministry of National Defense;

- Within 20 days from the date on which the diplomatic note and the declaration are received, the Ministry of Foreign Affairs shall send a written response to the country that sends such naval ship in a diplomatic manner;

- Within 05 working days as from the date on which the written requests for opinions about licensing the foreign naval ships to make casual and usual visits to Vietnam are received, the relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives must send written response to the Ministry of Foreign Affairs;

- Within 03 working days as from the date on which the license is issued or refused, the Ministry of Foreign Affairs shall send written notifications to relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives of the issue of the license or the refusal to issue the license to make casual or usual visits to Vietnam to the foreign naval ships;

c) The Ministry of National Defense shall discuss in writing the amendments and supplementations of the license with the country that send the naval ship in a diplomatic manner.

Article 11. The entry procedure

1. The entry procedure for the foreign naval ship and crew thereof shall be carried out at the ship, right after the ship arrives at the pilot station, and finished before the ship reaches the anchoring or mooring position.

2. The commission that presides the entry procedure include: the representatives of the port borderguard, the customs, the port authorities, the international health quarantine agency, the animal and plant quarantine agency at the port (if the ship must undergo quarantine), the chief commissioner is the representative of the port borderguard.

3. The papers to be submitted during the entry procedure:

a) To the port borderguard:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6);

- 01 original of the Activity schedule or plan.

b) To the port authorities:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6).

c) To the port customs:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Warship’s stores declaration (Form 7);

- 01 original of the Crew’s effects declaration (Form 8);

- 01 original of the Cargo declaration (if any - Form 5);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6).

d) To the International health quarantine agency:

- 01 original of the Model of maritime declaration of health (Form 9).

c) To the plant quarantine agency at the port:

- 01 original of the Declaration for plant quarantine (if any - Form 10);

e) To the animal quarantine agency at the port:

- 01 original of the Declaration for animal quarantine (if any - Form 11);

4. The papers to be presented when carrying out the entry procedure:

Present the one of the following papers to the port borderguard:

a) The passports of the crew or the equivalents;

b) The soldier’s card or the military ID cards of the crew.

Article 12. The exit procedure

1. The exit procedure for the foreign naval ship and crew thereof shall be carried out at the ship, and finished right before the ship leaves the port at the latest.

2. The commission that presides the entry procedure include: the representatives of the port borderguard, the customs, and the port authorities; the chief commissioner is the representative of the port borderguard.

3. The papers to be submitted during the exit procedure

a) To the port borderguard:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compared to the entry - Form 6).

- The papers issued by the port borderguard to the crew while the ship is anchoring at the port (if any): disembarkation cards, permits, short-term visas, permits for sightseeing.

b) To the port authorities:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compared to the entry - Form 6).

c) To the port customs:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Warship’s stores declaration (if it is changed compared to the entry - Form 7);

- 01 original of the Crew’s effects declaration (if it is changed compared to the entry - Form 8);

- 01 original of the Cargo declaration (if it is changed compared to the entry - Form 5).

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compare to the entry - Form 6).

4. The papers to be presented during the exit procedure:

Present the one of the following papers to the port borderguard:

a) The passports of the crew or the equivalents;

b) The soldier’s card or the military ID cards of the crew.

Article 13. The transit procedure

1. The transit procedure shall be carried out at the foreign naval ship.

2. The transit procedure shall be finished right before the ship leaves the port at the latest. The transit procedure applicable to a ship coming from another port is carried out right after the ship arrives at the pilot station, and finished before the ship is moored.

3. The commission that presides the transit procedure includes: the representatives of the port borderguard, the customs, and the port authorities; the chief commissioner is the representative of the port borderguard.

4. The papers to be submitted at the port of departure

a) To the port borderguard:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Activity schedule or plan;

- The papers issued by the port borderguard to the crew while the ship is anchoring at the port (if any): disembarkation cards, permits.

b) To the port authorities:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

c) To the port customs:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Warship’s stores declaration (Form 7);

- 01 original of the Crew’s effects declaration (Form 8);

- 01 original of the Cargo declaration (if any - Form 5);

5. The papers to be submitted at the port of arrival

a) To the port borderguard:: The transit dossier of the borderguard of the port of departure.

a) To the port customs:: The transit dossier of the customs of the port of departure.

b) To the port authorities:

- The License for leaving issued by the port authority of the port of departure;

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6).

SECTION 2. ACTIVITIES OF FOREIGN NAVAL SHIPS THAT MAKE VISITS TO VIETNAM, AND THE DISEMBARKATION OF THEIR CREW

Article 14. The activities of foreign naval ship making visits to Vietnam at the ports or naval ports

1. The foreign naval ships making visits to Vietnam may only anchor and operate at the ports and naval ports that they are licensed to arrive, and must comply with the instruction of the specialized State management agencies at the ports.

2. The naval ships of the same country may make 01 visit to Vietnam per year. No more than 03 ships are allowed to stay in the same port at the same time. The ships must not stay longer than 03 days, unless otherwise permitted by the Government of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 15. The disembarkation of the crew on the foreign naval ships that visit to Vietnam

1. The crew on the foreign naval ships that visit Vietnam may only disembark after completing the entry procedure and arrival transit procedure, and must return to the ship before the specialized State management agencies at the port carry out the exit procedure and departure transit procedure. During the disembarkation, the crew must comply with the instruction and subject to the inspection and supervision of the port borderguard and the local police where the ship is anchoring. The personal effects must comply with the Vietnam’s laws on customs, health, and quarantine.

2. During the disembarkation according to the official schedule of the visit, the crew must go in groups; not take weapons and gadgets; soldiers and persons in specialized organizations must wear their uniforms.

3. During and disembarkation for personal purposes (sightseeing, medical treatment, going home, going with the vehicles of the service provider…), the crew may go in groups or on their own; must not take weapons and gadgets; soldiers and non-soldiers belonging to specialized organizations may wear casual clothes.

4. For the crew that disembarks within the central-affiliated city or province where the ship is anchoring:

a) The crew that disembarks within the central-affiliated city or province where the ship is anchoring is exempted from applying for the entry visa for Vietnam;

b) When the crew wishes to disembark, the captain/chief commissioner shall submit a written request for the disembarkation of the crew, and obtain the approval and the disembarkation cards from the port borderguard. The time for disembarkation is 07:00 – 24:00 every day;

b) When the crew wish to spend a night onshore, the captain/chief commissioner must submit a written request and obtain the approval and permits from the port borderguard;

d)The procedures for issuing the disembarkation card and license for spending a night onshore are prescribed by the Ministry of National Defense;

d)The fees for issuing the disembarkation card and the license are decided by the Ministry of National Defense.

5. For the crew that disembarks outside the central-affiliated city or province where the ship is anchoring:

a) The crew that wishes to go outside the central-affiliated city or province where the ship is anchoring must apply for the entry and exit visa for Vietnam (unless the passports or papers that substitute passports eligible for the exemption from the entry and exit visa are presented) and comply with Vietnam’s laws on the entry and exit;

b) If the trip is in the official schedule of the visit, the crew is exempted from the visa fees (applicable to the cases not eligible for the exemption from the entry and exit visa for Vietnam);

b) If the trip serves personal purposes (sightseeing, medical treatment, going home, going with the service provider’s vehicle…), the crew must pay visa fees (applicable to the cases not eligible for the exemption from the entry and exit visa for Vietnam) as prescribed by the Ministry of Finance.

SECTION 3. LICENSING, INSPECTING, AND SUPERVISING; ENSURING THE SECURITY AND SAFETY FOR THE ACTIVITIES RELEVANT TO FOREIGN NAVAL SHIPS

Article 16. Licensing Vietnamese and foreign organizations, individuals, and vehicles to do activities relevant to foreign naval ships

1. The port borderguard where the foreign naval ship is anchoring shall license the Vietnamese and foreign organizations and individuals prescribed in Article 6 of this Decree.

2. The port authorities where the foreign naval ship is anchoring shall license the vehicles to come alongside the foreign naval ship as prescribed in Article 6 of this Decree.

3. The procedure for licensing Vietnamese and foreign organizations, individuals, and vehicles to do activities relevant to foreign naval ships are prescribed by the Ministry of National Defense and the Ministry of Transport.

Article 14. Inspecting, supervising, and ensuring the security and safety for foreign naval ships that visit Vietnam

1. The port borderguard shall preside and cooperate with functional forces in ensuring the security and safety of foreign naval ships that visit Vietnam; inspecting and supervising the activities of the foreign naval ships, disembarking crew, people and vehicles that enter and exit the area where the foreign naval ships are anchoring; the people that disembark from the ships, and the vehicles that come alongside the foreign naval ships.

2. After carrying out inspection and supervision, the port borderguard may:

a) Directly supervise the travel of the foreign naval ships that make visits to Vietnam from the time they anchor at the pilot station until they are moored.

b) Inspect the papers of the disembarking crew; the Vietnamese and foreigners that disembark from the ship; the vehicles that come alongside the ship;

c) Supervise the port waters Decree water, directly supervise at the port gate and the control station where the foreign naval ships are anchoring;

d) Carry out supervisions using technical devices;

dd) Carry out patrols and irregular inspection;

e) Take other technical measures as prescribed by law.

SECTION 4. WELCOME CEREMONY AND RECEPTION ACTIVITIES

Article 18. Welcome ceremony

The welcome ceremony and reception activities for foreign naval ships making visits to Vietnam shall comply with the Vietnam’s regulations on reception.

Article 19. The agencies in charge of the welcome ceremony

1. The Ministry of Foreign Affairs shall preside and cooperate with the Ministry of National Defense, relevant Ministries, and the provincial People’s Committee where the ships visit in welcoming the foreign naval ships that make official visits to Vietnam.

2. The Ministry of National Defense shall preside and cooperate with the Ministry of National Defense, relevant Ministries, and the provincial People’s Committee where the ships visit in welcoming the foreign naval ships that make casual and usual visits to Vietnam.

3. For the foreign naval ships that comes to Vietnam to do other activities within the Vietnam’s territorial sea and inland waters, the Ministry in charge shall preside and cooperate with the relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives at in the welcome ceremony according to the agreed program.

Chapter 3.

FOREIGN NAVAL SHIPS THAT COME TO VIETNAM FOR REPAIR

SECTION 1. THE LICENSING, ENTRY, EXIT, AND TRANSIT PROCEDURES

Article 20. The licensing procedure

1. Before the foreign naval ship comes to Vietnam for repair, the Vietnamese enterprise licensed to repair foreign naval ships (hereinafter referred to as ship repairer) shall send a dossier of application for licensing the foreign naval ship to come to Vietnam for repair to the Ministry of National Defense (the General Staff).

2. The dossier of application includes:

a) The written application made by the ship repairer for licensing the foreign naval ship to come to Vietnam for repair;

b) 01 clearance form of foreign warship entering the Socialist Republic of Vietnam for repair (Form 2);

c) 01 repair plan (or program).

3. The authority to license:

a) The Ministry of National Defense (the General Staff) shall receive the dossier of application and license the foreign naval ship to come to Vietnam for repair. The refusal to issue the license must be explained.

b)Before issuing the license, the Ministry of National Defense (the General Staff) shall obtain the opinions from the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Public Security, the Ministry of Transport, the Ministry of Natural Resources and Environment, relevant Ministries, and the provincial People’s Committee where the ship comes for repair. If the opinions from the Ministries and the provincial People’s Committee are not consistent, the Ministry of National Defense (the General Staff) shall request the decision from the Prime Minister.

4. The licensing period:

a) Within 30 days as from the date on which the complete and valid dossier of application is received, the Ministry of National Defense (the General Staff) shall notify the ship repairer of the issue of the license or the refusal to issue the license to come to Vietnam for repair to the foreign naval ship;

b) Within 05 working days as from the date on which the written requests for opinions about licensing the foreign naval ship coming visits to Vietnam for repair are received, the relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives must send written response to the Ministry of National Defense;

c) Within 03 working days as from the date on which the license in issued or refused, the Ministry of National Defense (the General Staff) shall send written notifications to relevant Ministries and the provincial People’s Committee where the ship arrives of the issue of the license or the refusal to issue the license to come to Vietnam for repair to the foreign naval ship;

5. The Ministry of National Defense shall send written notifications of the amendments and supplementations to the ship repairer.

Article 21. The entry procedure

1. The location, time limit, and presiding officers of the entry procedure for a foreign naval ship to come to Vietnam for repair are prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 11 of this Decree.

2. The papers to be submitted during the entry procedure:

a) To the port borderguard:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6);

- 01 copy of the repair contract or the agreement on the repair rules.

b) To the port authorities:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6);

- 01 copy of the repair contract or the agreement on the repair rules.

c) To the port customs:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (Form 4);

- 01 original of the Warship’s stores declaration (Form 7);

- 01 original of the Crew’s effects declaration (Form 8);

- 01 original of the Cargo declaration (if any - Form 5);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if any - Form 6);

- 01 copy of the repair contract or the agreement on the repair rules.

d) To the International health quarantine agency:

- 01 original of the Model of maritime declaration of health (Form 9).

c) To the plant quarantine agency at the port:

- 01 original of the Declaration for plant quarantine (if any - Form 10);

e) To the animal quarantine agency at the port:

- 01 original of the Declaration for animal quarantine (if any - Form 11);

3. The papers to be presented during the entry procedure:

Present the one of the following papers to the port borderguard:

a) The passports of the crew or the equivalents;

b) The soldier’s card or the military ID cards of the crew.

Article 22. The exit procedure

1. The location, time limit, and presiding officers of the exit procedure for a foreign naval ship to come to Vietnam for repair are prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 12 of this Decree.

2. The papers to be submitted during the exit procedure

a) To the port borderguard:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compare to the entry - Form 6);

- The papers issued by the port borderguard to the crew while the ship is anchoring at the port (if any): disembarkation cards, permits, short-term visas, permits for sightseeing.

b) To the port authorities:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compare to the entry - Form 6).

c) To the port customs:

- 01 original of the general declaration (Form 3);

- 01 original of the Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- 01 original of the Cargo declaration (if it is changed compared to the entry - Form 5);

- 01 original of the Warship’s stores declaration (if it is changed compared to the entry - Form 9);

- 01 original of the Crew’s effects declaration (if it is changed compared to the entry - Form 10);

- 01 original of the Dangerous goods manifest (if it is changed compare to the entry - Form 6).

3. The papers to be presented during the exit procedure:

Present the one of the following papers to the port borderguard:

a) The passports of the crew or the equivalents;

b) The soldier’s card or the military ID cards of the crew.

Article 23. The transit procedure

The transit procedure applicable to foreign naval ships that come to Vietnam for repair is specified in Article 13 of this Decree.

SECTION 2. ACTIVITIES OF SHIPS AND THE CREW THEREON; THE LICENSE ISSUE; THE INSPECTION, SUSPERVISION, AND ASSURANCE OF SECURITY AND SAFETY FOR ANCHORING FOREIGN NAVAL SHIPS

Article 24. Activities of foreign naval ships coming to Vietnam for repair

1. After being licensed to come to Vietnam for repair, the captain of the foreign naval ship must send inform and keep in touch with the port authorities where the ship arrives 48 hours before the ship enters the Vietnam’s territorial sea.

In case there are changes on the ship compared to the declaration, the captain must notify them to the ship repair for settlement in cooperation with relevant functional agencies before the ship comes for repair.

2. The foreign naval ships coming to Vietnam for repair may only anchor at the licensed ship-repairing facility. No more than 5 naval ships of the same country are allowed to come to Vietnam for repair at the same repair facility, unless otherwise allowed by the Government of the Socialist Republic of Vietnam.

3. While the ship is entering, exiting, anchoring, or being repaired, it and the crew thereon and the ship repairer must comply with Vietnam’s law, the port’s regulation, and observe the instruction, inspection, and supervision of the specialized State management agencies at the port.

4. While anchoring for repair, the use of other vehicles on the ship for traveling and the vehicle maintenance must be approved by the functional agencies of the Ministry of National Defense and the port authority.

5. The exchanges and visit must be approved by the Ministry of National Defense.

6. When the foreign naval ship coming to Vietnam for repair, or the ship repairer wishes to use the security services while the ship is anchoring for repair:

a) The ship repairer shall send the Ministry of National Defense a written application for allowing a Vietnamese enterprise licensed to provide security services for foreign naval ships (hereinafter referred to as security enterprise) to provide the security services, enclosed with 01 authenticated copy of the Business license of the hired security enterprise, 01 authenticated copy of the security service contract, and 01 original list of the officers and employees of the hired security enterprise having their basic information;

b) Within 07 working days from the date on which the complete and valid dossier is received, the Ministry of National Defense shall license the security enterprise to provide security services via the ship repairer. If the license is refused, the Ministry of National Defense shall send a written explanation to the ship repairer;

c) The security enterprise shall perform the tasks in accordance with the content and range of protection licensed by the Ministry of National Defense. The officers and employees of the security enterprise that protect the ship must have the licenses issued by the borderguard of the port where the foreign naval ship is anchoring for repair, and subject to the inspection and supervision of the port borderguard;

d) The Ministry of National Defense shall specify the content and range of protection of the security enterprises applicable to the foreign naval ships coming to Vietnam for repair.

Article 25. The crew s disembarkation; the license issue; the inspection, supervision, and assurance of security and safety for the places where foreign naval ships coming to Vietnam for repair are anchoring

1. The disembarkation of the crew on the foreign naval ships coming to Vietnam’s ports for repair are prescribed in Article 15 of this Decree.

2. The license issue; the inspection, supervision, and assurance of security and safety foreign naval ships coming to Vietnam for repair are prescribed in Article 16 and Article 17 of this Decree.

Chapter 4.

FOREIGN NAVAL SHIPS COMING TO VIETNAM FOR OTHER ACTIVITIES

Article 26. The licensing procedure

1. The licensing procedure applicable to the foreign naval ships doing other activities in the territorial sea, inland waters and ports of the Socialist Republic of Vietnam are prescribed in Clause 2 Article 10 of this Decree.

2. For the foreign naval ships coming to Vietnam for doing other activities in the territorial sea or inland waters outside the port waters, the Ministry of National Defense must specify the central-affiliated city or province where the entry and exit procedures are carried out in the written approval, and settle the issues during the operation of them in Vietnam.

Article 27. Other activities of foreign naval ships that come to Vietnam

1. The foreign naval ships that come to the Vietnam’s territorial sea, inland waters, and ports may only engage in the activities agreed by the Ministries and local authorities of Vietnam and the country that send such ships, within the scope licensed by the Ministry of National Defense.

2. The foreign naval ships doing other activities in Vietnam’s territorial sea and inland waters outside the port waters that wishes to engage in other activities than the licensed ones must obtain the approval from the Ministry of National Defense.

If the ship must moves due to force majeure or for the purposes of rescuing, the Ministry of National Defense, the Ministry in charge, and the relevant provincial People’s Committees must be notified right after the ship is safely anchored.

Article 28. The entry, exit, and transit procedures

1. The entry, exit, and transit procedures applicable to the foreign naval ships coming to Vietnam for other activities in the waters of ports or naval ports under the management of a central-affiliated city or province are prescribed in Article 11, Article 12, and Article 13 of this Decree.

2. The entry, exit, and transit procedures applicable to the foreign naval ships coming to Vietnam for other activities in the territorial sea and inland waters outside the port waters:

a) The location for carrying out the entry and exit procedures for the ship and the crew thereon at the office of the port authorities in the central-affiliated cities and provinces are specified in the written approval of the Ministry of National Defense;

b) The deadline for the entry and exit procedures for the ship and the crew thereon is the date on which the applicant submits all the papers prescribed in Clause 3 this Article to the specialized State management agencies at the port in central-affiliated cities and provinces prescribed in the written approval of the Ministry of National Defense.;

3. The papers (faxes or copies)that shall be submitted during the entry and exit procedures

a)The papers to be submitted during the entry procedure:

- To the port borderguard: 01 general declaration (Form 3); 01 Crew list (Form 4); 01 Activity schedule or plan;

- To the port authorities: 01 General declaration (Form 3); 01 Crew list (Form 4);

- To the port customs: 01 General declaration (Form 3); 01 Crew list (Form 4);

- To the International Health Quarantine Agency: 01 Model of maritime declaration of health (Form 9);

- To the Plant quarantine agency at the port: 01 Declaration for plant quarantine (if any - Form 10);

- To the Animal quarantine agency at the port: 01 Declaration for animal quarantine (if any - Form 11);

b) The papers to be submitted during the exit procedure:

- To the port borderguard: 01 General declaration (Form 3); 01 Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- To the port authorities: 01 General declaration (Form 3); 01 Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4);

- To the port customs: 01 General declaration (Form 3); 01 Crew list (if it is changed compared to the entry - Form 4).

Article 29. The license issue

The issue of licenses to the Vietnamese and foreign organizations, individuals, and vehicles engaged in activities relevant to the foreign naval ships for other activities in the territorial sea and inland waters of Vietnam are prescribed in Article 16 of this Decree.

Article 30. Inspection and supervision

1. In the port waters under the management of a central-affiliated city or province:

a)The borderguard shall preside and cooperate with functional forces in ensuring the security and safety of the port where the foreign naval ships are anchoring; inspecting and supervising the activities of foreign naval ships, disembarking crew, people and vehicles that enter and exit the area where the foreign naval ships are anchoring; the people that disembark from the ships, and the vehicles that come alongside the foreign naval ships;

b) The borderguard may take the following measures during the inspection and supervision:

- Inspect the papers of the disembarking crew; the Vietnamese and foreigners that disembark from the ships; the vehicles that come alongside the ships;

- Supervise the area where the foreign naval ships are anchoring;

- Take other measures prescribed in Point d, Point dd, and Point e Clause 2 Article 17 of this Decree.

2. In the territorial sea and inland waters outside the port waters:

a) The Ministry of National Defense shall preside and cooperate with functional forces in ensuring the security and safety of the areas where the foreign naval ships are anchoring; inspecting and supervising the activities of foreign naval ships, their crew, people and vehicles engaged in relevant activities;

b) The inspecting and supervising forces may take the measures prescribed in Clause 2 Article 17 of this Decree.

Article 31. The disembarkation of the crew

1. The disembarkation of the crew on the foreign naval ships coming to for other activities are prescribed in Article 15 of this Decree.

2. If the ship is anchoring and operating in the territorial sea and inland waters outside the port waters, the applicant must sign a contract with a Vietnamese enterprise licensed to take the crew from the ship to the shore and vice versa. The authority and procedure for licensing the vehicles that pickup the crew are prescribed in Article 16 of this Decree.

Chapter 5.

THE STATE MANAGEMENT OF FOREIGN NAVAL SHIPS THAT VISIT VIETNAM

Article 32. The content of the state management of foreign naval ships that visit Vietnam

1. Formulate and issue d the law documents on foreign naval ships that visit Vietnam

2. Receive information, make agreements on the content and program of foreign naval ships that visit Vietnam with the countries that send them; organize the welcome ceremony and the reception activities.

3. Issue licenses, refuse to issue licenses, amend or supplement the licenses issued to foreign naval ships that visit Vietnam.

4. Manage and control the entry, exit, transit, travel, and other activities of the foreign naval ships that visit Vietnam and the crew thereon; ensure the security and safety for foreign naval ships that visit Vietnam; inspect and supervise the activities relevant to the foreign naval ships that visit Vietnam.

5. Handle the violations committed by the foreign naval ships as prescribed by Vietnamese laws and the International Agreements to which Vietnam is a signatory.

Article 33. The responsibility for the state management of foreign naval ships that visit Vietnam

1. The Government shall unify the state management of foreign naval ships that visit Vietnam.

2. The Ministry of National Defense is responsible before the Government for the state management of foreign naval ships that visit Vietnam.

Article 34. Responsibility of the Ministry of Foreign Affairs

1. Send the invitation from the State of the Socialist Republic of Vietnam to the countries of which the ships make official visits to Vietnam.

2. Receive information, make agreements on the content and program of the official visits with the countries that send them, and request the Government to decide the welcome ceremony to the foreign naval ships that make official visits.

3. Preside and cooperate with the Ministry of National Defense, other Ministries and relevant provincial People’s Committees in diplomatically welcoming the delegations from the foreign naval ships that make visits.

Article 35. Responsibility of the Ministry of National Defense

1. Issue, or cooperate with the Ministry of Foreign Affairs and relevant Ministries in issuing the law documents on foreign naval ships that visit Vietnam. Receive information, make agreements on the content and program of the casual and usual visits with the countries that send them.

2. Preside and cooperate with relevant Ministries, and the provincial People’s Committee in welcoming the foreign naval ships that make casual and usual visits to Vietnam.

3. Preside and cooperate with relevant Ministries, and the provincial People’s Committee in the management of foreign naval ships and their crew during their visits to Vietnam.

4. Direct the affiliated agencies to preside and cooperate with functional forces in ensuring the security and safety for the foreign naval ships that visit Vietnam; inspecting and supervising the activities of foreign naval ships, their crew, and the activities relevant to foreign naval ships.

Article 36. Responsibility of the Ministry of Public Security

1. Provide opinions about licensing foreign naval ships to visit Vietnam at the requests from the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of National Defense.

2. Direct the affiliated agencies, the police departments of central-affiliated cities and provinces to cooperate with the functional forces in ensuring the security and order at the localities where the foreign naval ships are anchoring; direct the entry and exit administration agencies to consider and issue visas to the crew that go outside the central-affiliated cities and provinces where the ships are anchoring in accordance with Vietnam’s laws on the entry and exit.

Article 37. Responsibility of the Ministry of Transport and relevant Ministries

1. Provide opinions about licensing foreign naval ships to visit Vietnam at the requests from the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of National Defense.

2. Preside and cooperate with the Ministry of National Defense in welcoming the foreign naval ships that making the visits to Vietnam that are relevant to the disciplines under their management.

Article 38. Responsibility of provincial People’s Committees

1. Provide opinions about licensing foreign naval ships to visit Vietnam at the requests from the Ministry of Foreign Affairs and the Ministry of National Defense.

2. Cooperate with the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of National Defense, and relevant Ministries in welcoming the foreign naval ships that make visits to their provinces or cities.

Chapter 6.

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 39. Effects

1. This Decree takes effect on January 20th2013, and supersedes the Government s Decree No. 55/CP dated October 01st1996 on the activities of foreign naval ships that make visits to the Socialist Republic of Vietnam.

2. Promulgated together with this Decree the Annex comprising 12 forms for foreign naval ships visiting the Socialist Republic of Vietnam.

Article 40. Implementation instruction

The Ministry of National Defense and the Ministry of Foreign Affairs shall formulate guiding documents and detailed regulations based on this Decree.

Article 41. Implementation responsibilities

The Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies. Presidents of the provincial People’s Committees, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree.

 

 

FOR THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 104/2012/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-KTNN-VKSNDTC-BCA-BQP của Kiểm toán Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong việc trao đổi, chuyển thông tin và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Kế toán-Kiểm toán, An ninh quốc gia

văn bản mới nhất