Hướng dẫn lập dự toán chi phí xây dựng

 

(LuatVietnam) Ngày 30/9/2010 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 17/2010/TT-BXD hướng dẫn việc xác định và quản lý chi phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị xác định theo định mức chi phí công bố tại Thông tư này là mức chi phí cần thiết để hoàn thành toàn bộ các nội dung công việc lập nhiệm vụ, lập đồ án, thẩm định đồ án, phê duyệt đồ án và quản lý nghiệp vụ lập đồ án quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Nội dung các công việc nói trên và các sản phẩm cần phải hoàn thành theo quy định của Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này.
 
Chi phí lập đồ án quy hoạch tính theo định mức chi phí công bố đã bao gồm các khoản chi phí như: chi phí thu thập các tài liệu có liên quan; chi phí văn phòng phẩm; chi phí chuyên gia; chi phí khấu hao máy, thiết bị; chi phí quản lý; chi phí hội nghị thông qua kết quả lập đồ án quy hoạch; chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và thu nhập chịu thuế tính trước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Khi xác định dự toán lập đồ án quy hoạch theo định mức được công bố cần bổ sung thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành.
 
Dự toán được xác định phải dựa trên cơ sở đề cương nhiệm vụ thực hiện công việc quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi phí thực hiện công việc quy hoạch là Người phê duyệt đồ án quy hoạch. Dự toán chi phí được xác định theo công thức sau: Ctv = Ccg + Cql + Ck + TN + VAT + Cdp. Trong đó: Ctv là chi phí của công việc quy hoạch cần lập dự toán; Ccg là chi phí chuyên gia; Cql là chi phí quản lý; Ck là chi phí khác; TN là thu nhập chịu thuế tính trước; VAT là thuế giá trị gia tăng; Cdp là chi phí dự phòng.
 
Chi phí chuyên gia (Ccg) được xác định theo số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia và tiền lương của chuyên gia. Việc dự kiến số lượng, loại chuyên gia và thời gian thực hiện của từng chuyên gia phải được thể hiện trong đề cương nhiệm vụ thực hiện công việc quy hoạch. Chi phí quản lý (Cql) là khoản chi phí liên quan đến tiền lương của bộ phận quản lý, chi phí duy trì hoạt động của tổ chức tư vấn, chi phí văn phòng làm việc và chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của chuyên gia tư vấn… chi phí quản lý xác định bằng khoảng từ 45% đến 55% của chi phí chuyên gia. Chi phí khác (Ck) gồm: Chi phí mua tài liệu, số liệu, bản đồ các loại, văn phòng phẩm (giấy, mực, bút …), phần mềm lập quy hoạch (nếu có); chi phí khấu hao thiết bị; chi phí đi lại của chuyên gia; chi phí hội nghị, hội thảo và các khoản chi phí khác (nếu có). Thu nhập chịu thuế tính trước (TN) được xác định bằng 6% của (Chi phí chuyên gia + Chi phí quản lý + Chi phí khác). Thuế giá trị gia tăng (VAT) được xác định theo quy định. Chi phí dự phòng (Cdp) là khoản chi phí cho những phát sinh trong quá trình thực hiện công việc quy hoạch. Chi phí dự phòng xác định tối đa không quá 10% so với toàn bộ các khoản mục chi phí nói trên.
 
Định mức chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng trong phạm vi ranh giới hành chính của một tỉnh, một thành phố trực thuộc trung ương (vùng tỉnh) và một huyện (vùng huyện) tỷ lệ nghịch với diện tích quy hoạch cụ thể với diện tích ≤ 20 km2 thì chi phí là 15,05 triệu đồng/km2; diện tích 50 km2 thì chi phí là 8,71 triệu đồng/km2; diện tích 100 km2 thì chi phí là 5,61 triệu đồng/km2 và định mức chi phí này giảm dần cho đến khi diện tích quy hoạch là 50.000 km2 thì chi phí chỉ còn 0,13 triệu đồng/km2.
 
Trường hợp lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng không thuộc ranh giới một tỉnh, một thành phố trực thuộc trung ương hoặc một huyện thì định mức chi phí được điều chỉnh với các hệ số K như sau: Định mức chi phí tại bảng số 1 quy định tương ứng với mật độ dân số của đồ án quy hoạch xây dựng vùng có mật độ dân số từ: 500 đến 1000 người/km2. Khi mật độ dân số của đồ án quy hoạch vùng khác với mật độ dân này thì định mức chi phí điều chỉnh với các hệ số K như sau: Mật độ dân số > 1500 người/km2 thì K = 1,2; Mật độ dân số > 1000 - 1500 người/km2 thì K = 1,1; Mật độ dân số > 200 đến < 500 người/km2 thì K = 0,8; Mật độ dân số ≤ 200 người/km2 tương đương với K = 0,6. Trường hợp thực hiện công tác quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị ở miền núi và vùng hải đảo thì chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị tính theo định mức công bố điều chỉnh theo hệ số K = 1,2.
 
Định mức chi phí quy hoạch chung khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu du lịch và đô thị có chức năng đặc biệt phụ thuộc vào diện tích quy hoạch, cụ thể là: 200 ha 3,69 thì định mức là triệu đồng/ha; 300 ha định mức là 2,95 triệu đồng/ha; 500 ha 2,22 triệu đồng/ha và cho đến khi 40.000 ha thì định mức là 0,15 triệu đồng/ha. Trường hợp phải lập đồ án quy hoạch chung xây dựng khu (cụm) công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì định mức chi phí lập đồ án quy hoạch xây dựng chung khu (cụm) công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được điều chỉnh với hệ số K = 0,55 so với định mức chi phí trên…
 
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2010 và thay thế các quy định tại Quyết định số 15/2008/QĐ-BXD ngày 17/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức chi phí quy hoạch xây dựng.
  • LuậtViệtnam 
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục