Quyết định 24-TĐC/QĐ của Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng về việc ban hành Quy định về đăng ký chất lượng hàng hoá
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 24-TĐC/QĐ
Cơ quan ban hành: | Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 24-TĐC/QĐ |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Trọng Hiệp |
Ngày ban hành: | 22/01/1992 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Thương mại-Quảng cáo |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 24-TĐC/QĐ
QUYẾT ĐỊNH
SỐ
24-TĐC/QĐ NGÀY 22 THÁNG 1 NĂM 1992 CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN - ĐO
LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG BAN HÀNH
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN - ĐO LƯỜNG - CHẤT LƯỢNG
- Căn cứ vào Điều 15 của Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ngày 27 tháng 12 năm 1990;
- Căn cứ Nghị định số 327-HĐBT ngày 19-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định trong Nghị định số 22-HĐBT ngày 8-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về việc đăng ký chất lượng hàng hoá".
Điều 2. Các tổ chức hoặc cá nhân sản xuất thuộc các thành phần kinh tế có trách nhiệm đăng ký chất lượng hàng hoá theo Quy định này.
Điều 3. Các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực và các đơn vị khác của Tổng cục, các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn việc thực hiện bản Quy định này trong phạm vi quản lý của mình.
Điều 4. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định này.
QUY ĐỊNH
VỀ ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24-TĐC/QĐ
ngày 22-1-1992
của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng)
1. Quy định chung
1.1. Các tổ chức hoặc cá nhân (gọi tắt là các cơ sở) sản xuất các hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quy định đều phải đăng ký chất lượng theo bản quy định này.
Các cơ sở sản xuất những hàng hoá khác (ngoài danh mục những hàng hoá bắt buộc phải đăng ký) cũng có thể đăng ký chất lượng hàng hoá của mình.
Hàng hoá thuộc lĩnh vực bí mật quốc gia hoặc chỉ phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và an ninh, công trình xây dựng, hàng hoá là thuốc chữa bệnh và các phương tiện đo lường không thuộc đối tượng đăng ký theo bản quy định này.
1.2. Bản đăng ký chất lượng hàng hoá là văn bản pháp quy kỹ thuật để cơ sở sản xuất thực hiện trong sản xuất kinh doanh, đồng thời là cơ sở pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hoá, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hoá và các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở sản xuất với khách hàng.
Bản đăng ký chất lượng không có giá trị thay cho phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng, giấy chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cũng như phiếu xác nhận chất lượng của cơ sở giao cho khách hàng.
Bản đăng ký chất lượng có giá trị trong thời hạn đã được ghi trong bản đăng ký. Thời hạn đăng ký không quá 1 (một) năm đối với hàng hoá tiêu dùng và không quá 2 (hai) năm đối với hàng hoá là tư liệu sản xuất. Khi hết hạn phải đăng ký lại.
1.3. Các căn cứ để đăng ký chất lượng hàng hoá là:
a) Các TCVN bắt buộc áp dụng;
b) Các TCVN và các tiêu chuẩn khác (kể cả của nước ngoài) mà cơ sở đăng ký tự nguyện áp dụng;
c) Các tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy định về chất lượng do cơ sở tự xây dựng.
Các văn bản nói ở mục b và c phải có đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đối với từng loại hàng hoá do cơ quan cấp đăng ký hướng dẫn, đồng thời không trái với các TCVN bắt buộc áp dụng và những quy định khác về an toàn, vệ sinh và môi trường do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
1.4. Nhãn sản phẩm (ê-ti-két) là một nội dung bắt buộc trong bản đăng ký chất lượng.
Nhãn sản phẩm phải được gắn, in... lên sản phẩm hoặc bao bì của từng đơn vị bao gói hàng hoá.
Trên nhãn sản phẩm có thể in nhãn hiệu sản phẩm và nộp nhãn sản phẩm này không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá được quy định tại Nghị định 197-HĐBT ngày 14-12-1982 và Nghị định 84-HĐBT ngày 20-03-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.
1.5. Cơ quan cấp đăng ký chất lượng.
- Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực chịu trách nhiệm cấp đăng ký chất lượng hàng hoá cho các cơ sở sản xuất thuộc Trung ương quản lý và tất cả các xí nghiệp liên doanh được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời có thể uỷ quyền cho các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp đăng ký chất lượng cho một số hàng hoá của cơ sở sản xuất thuộc Trung ương quản lý đóng tại địa phương.
- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm cấp đăng ký chất lượng hàng hoá cho các cơ sở sản xuất thuộc địa phương quản lý và các cơ sở do các Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực uỷ quyền.
2. Nội dung và thủ tục đăng ký chất lượng hàng hoá
2.1. Hồ sơ đăng ký chất lượng hàng hoá được chia làm thành 3 bộ, mỗi bộ gồm:
a) Bản đăng ký chất lượng hàng hoá (theo mẫu ở phụ lục) do cơ sở tự kê khai;
b) Các tiêu chuẩn hoặc quy định về chất lượng (theo điểm 1.3);
c) Mẫu nhãn sản phẩm, có đóng dấu của cơ sở sản xuất;
d) Bản hướng dẫn sử dụng và bảo hành sản phẩm (nếu có).
2.2. Nội dung nhãn sản phẩm:
Nhãn sản phẩm cần thể hiện được các đặc tính, công dụng và nguồn gốc của hàng hoá như:
- Tên sản phẩm;
- Tên cơ sở sản xuất;
- Địa chỉ cơ sở sản xuất;
- Số đăng ký chất lượng;
- Các đặc tính của hàng hoá: quy cách, các chỉ tiêu và mức chất lượng chính, khối lượng, dung tích và số lượng hàng hoá trong một đơn vị bao gói;
- Thời hạn bảo hành (nếu có);
Thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng (đối với hàng hoá có thời hạn sử dụng nhất định).
2.3. Thủ tục xem xét và cấp đăng ký chất lượng:
Khi nhận được hồ sơ xin đăng ký chất lượng, cơ quan cấp đăng ký chất lượng theo quy định ở điểm 1.5 cần xem xét, đối chiếu nội dung hồ sơ đăng ký (đặc biệt là các chỉ tiêu và mức chất lượng) với các quy định tại điểm 1.3, 2.1 và 2.2 của bản quy định này.
Đối với một số hàng hoá có các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường và các yêu cầu quan trọng khác, cơ quan cấp đăng ký chất lượng có thể yêu cầu cơ sở xuất trình phiếu kiểm tra kết quả thử nghiệm chất lượng (của phòng kiểm nghiệm được công nhận hoặc chỉ định) hoặc tiến hành khảo sát ở cơ sở.
Cơ quan cấp đăng ký chất lượng, sau khi xem xét hồ sơ nếu thấy:
a) Đủ điều kiện, thì làm thủ tục bao gồm:
- Cấp số đăng ký chất lượng, đóng dấu cơ quan cấp đăng ký lên hồ sơ (kể cả mẫu nhãn sản phẩm);
- Vào sổ đăng ký và lưu trữ hồ sơ;
- Thu lệ phí đăng ký chất lượng;
- Trao một bộ hồ sơ đăng ký chất lượng đã cấp số đăng ký và đóng dấu cho cơ sở.
Cơ sở sản xuất sau khi được cấp đăng ký chất lượng, trong thời hạn 1 tháng phải nộp 3 (ba) nhãn sản phẩm chính thức lưu hành cho cơ quan cấp đăng ký chất lượng để lưu vào hồ sơ.
b) Không đủ điều kiện, thì cơ quan cấp đăng ký chất lượng thông báo rõ những vấn đề cần bổ sung cho cơ sở xin đăng ký biết trong thời hạn 7 ngày tính từ ngày nhận hồ sơ.
2.4. Số lượng đăng ký ghi trong bản đăng ký chất lượng được quy ước như sau:
- Số đăng ký gồm hai phần cách nhau bằng gạch chéo;
- Phần trước là ký hiệu mã hoá của cơ quan cấp đăng ký. Các số I, II và III tương ứng với các Trung tâm khu vực I, II, III; còn ký hiệu mã hoá của các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là ký hiệu quy ước tên các tỉnh, thành phố dùng trong các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng;
- Phần sau là số thứ tự của hàng hoá đã được cấp số đăng ký và năm đăng ký chất lượng;
Thí dụ:
a) I-007-91 là hàng hoá thứ bảy được cấp số đăng ký chất lượng tại Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực I năm 1991.
b) LC-009-91 là hàng hoá thứ 9 được cấp số đăng ký chất lượng tại Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh Lai Châu năm 1991.
3. Trách nhiệm thực hiện đăng ký chất lượng
3.1. Đối với các cơ sở sản xuất
a) Các cơ sở sản xuất chỉ được phép giao cho khách hàng những hàng hoá đạt mức chất lượng đã đăng ký. Trong trường hợp hàng hoá không thể đạt mức chất lượng đã đăng ký thì cơ sở phải báo cáo với cơ quan cấp đăng ký chất lượng và xin đăng ký lại, nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định đối với các chỉ tiêu trong TCVN bắt buộc áp dụng và các quy định khác về vệ sinh, an toàn và môi trường.
b) Khi thay đổi nhãn sản phẩm, các cơ sở sản xuất phải bổ sung đăng ký ở cơ quan đã cấp đăng ký chất lượng. Người chủ nhãn sản phẩm phải có trách nhiệm quản lý sản phẩm của mình trong việc in ấn và sử dụng.
c) Nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đăng ký chất lượng hoặc có các hành vi gian dối trong đăng ký chất lượng như sản xuất những hàng hoá có mức chất lượng thấp hơn mức đăng ký, vi phạm trong việc in ấn và sử dụng nhãn sản phẩm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 34 của Quy định về việc thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định 327-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và theo các Điều 11 và 12 tại Nghị định số 140-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định về kiểm tra và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.
3.2. Đối với các cơ quan cấp đăng ký.
Các cơ quan cấp đăng ký:
a) Có trách nhiệm tổ chức và thực hiện việc đăng ký chất lượng trong phạm vi quản lý của mình theo đúng quy định này.
b) Trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm về đăng ký và thực hiện đăng ký chất lượng hàng hoá theo các Điều 25, 26, 27, 33, 34, 36 và 42 của Chương VI và VII tại Quy định về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 327-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
c) Phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực với các nội dung sau đây:
- Danh mục những hàng hoá đã được đăng ký chất lượng kèm theo số đăng ký, số mã hàng hoá và tên cơ sở sản xuất;
- Việc thực hiện đăng ký chất lượng thuộc phạm vi quản lý;
- Việc thanh tra và xử lý vi phạm đăng ký chất lượng;
- Các vấn đề liên quan khác.
Phụ lục
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BẢN ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
Tên hàng hoá xin đăng ký:.................................................................................
Tên cơ sở sản xuất: ............................................................................................
Địa chỉ: .................................................................. Số điện thoại:.....................
Cơ quan quản lý cấp trên:...................................................................................
Sản lượng/năm (tháng):.......................................................................................
Mục đích sử dụng:..............................................................................................
Các chỉ tiêu và mức chất lượng hàng hoá được ghi trong bảng ở trang sau.
Xin cam đoan thực hiện đúng chất lượng đăng ký.
Ngày...... tháng....... năm.....
Thủ trưởng cơ sở xin đăng ký
(Ký tên, đóng dấu)
Phần chứng nhận của cơ quan cấp đăng ký
Bản đăng ký này có giá trị
Từ ngày.... tháng.... năm....
đến ngày.... tháng.... năm....
Số mã hoá hàng hoá............
Số đăng ký chất lượng.........
Thủ trưởng cơ quan cấp đăng ký chất lượng
(Ký tên, đóng dấu)
CHỈ TIÊU VÀ MỨC CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ
Tên chỉ tiêu chất lượng |
Đơn vị tính |
Mức chất lượng đăng ký |
Phương pháp thử |
|
|
|
|
Phải đính kèm theo tiêu chuẩn đăng ký áp dụng. Nếu áp dụng hoàn toàn theo Tiêu chuẩn Việt Nam thì chỉ cần ghi số hiệu quả tiêu chuẩn đó.
Ngày.... tháng.... năm...
Thủ trưởng cơ sở đăng ký
(Ký tên, đóng dấu)
Ghi chú: Bản đăng ký này không có giá trị thay thế phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng cũng như không thay thế cho giấy chứng nhận phù hợp TCVN và giấy xác nhận chất lượng của cơ sở giao cho khách hàng.
Nơi
dán nhãn sản phẩm (Chính thức hoặc bản thảo)
Ghi chú: Việc nộp nhãn sản phẩm này không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá theo Nghị định 197-HĐBT ngày 14-12-1982 và Nghị định 84-HĐBT ngày 20-3-1990.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây