Nghị định 68/CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết việc thi hành Luật khoáng sản

thuộc tính Nghị định 68/CP

Nghị định 68/CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết việc thi hành Luật khoáng sản
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:68/CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Võ Văn Kiệt
Ngày ban hành:01/11/1996
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Nghị định 68/CP

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 68/CP NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT KHOÁNG SẢN

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp;

NGHỊ ĐỊNH:

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1.- Nghị định này quy định chi tiết việc thi hành Luật khoáng sản được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 3 năm 1996.

 

Điều 2.- Những quy định của Nghị định này được áp dụng đối với việc quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và mọi hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản) tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài.

 

CHƯƠNG II

THẨM QUYỀN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN

 

Điều 3.-

1/ Bộ Công nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước, có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

b) Tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trong phạm vi cả nước.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Chính phủ quyết định các chiến lược, quy hoạch, chính sách tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

c) Tổ chức thẩm định, xét duyệt các đề án, thăm dò khoáng sản, báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác, chế biến khoáng sản, thiết kế mỏ theo quy định của Nghị định này.

d) Cấp, gia hạn, thu hồi và cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản theo quy định của Nghị định này.

e) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra các ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật về khoáng sản; tổ chức thanh tra chuyên ngành về khoáng sản theo quy định tại các Điều 58, 59 và 60 của Luật khoáng sản; kiểm tra, thanh tra các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

g) Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hoạt động khoáng sản theo thẩm quyền quy định tại các Điều 57 và 62 của Luật khoáng sản.

h) Quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

i) Đăng ký, theo dõi, đánh giá, tổng hợp kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản, tình hình hoạt động khoáng sản trong phạm vi cả nước và định kỳ báo cáo Chính phủ.

k) Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành hữu quan trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

2/ Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất và khoáng sản của Bộ Công nghiệp Chính phủ có quy định riêng.

 

Điều 4.-

1/ Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ (dưới đây gọi chung là Bộ) theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản.

2/ Các Bộ có chức năng quản lý Nhà nước các ngành sản xuất, sử dụng và kinh doanh nguyên liệu khoáng có trách nhiệm:

a) Chủ động phối hợp với Bộ Công nghiệp, các Bộ, ngành hữu quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Chính phủ quyết định các chính sách tài nguyên khoáng sản, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp khai thác, chế biến, sử dụng và kinh doanh, kể cả xuất nhập khẩu khoáng sản liên quan đến chức năng quản lý ngành của Bộ.

b) Phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng, trình Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các quy định hướng dẫn việc khai thác, bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản liên quan đến chức năng quản lý ngành của Bộ.

c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch và pháp luật về khoáng sản đối với đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ.

d) Phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác về quản lý Nhà nước hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản liên quan đến chức năng quản lý ngành của Bộ.

Điều 5.- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Công nghiệp theo chức năng của mình, phối hợp và thống nhất chỉ đạo việc hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động khoáng sản. Bộ Công nghiệp chủ trì việc phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là cơ quan đầu mối về quản lý Nhà nước các hoạt động khoáng sản của tổ chức, cá nhân đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 

Điều 6.- Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản đặt tại Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường giúp Chính phủ trong việc thẩm định, xét duyệt trữ lượng các báo cáo thăm dò khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) để nghiên cứu khả thi về khai thác. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Chính phủ có quy định riêng.

 

Điều 7.-

1/ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Ban hành theo thẩm quyền các quy định hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ và của Bộ Công nghiệp về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý các hoạt động khoáng sản ở địa phương.

b) Chủ động phối hợp với Bộ Công nghiệp, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Nội vụ, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và phát triển nông thôn khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng, tham gia xây dựng các quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn lãnh thổ.

c) Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân, tài sản của Nhà nước và công dân.

d) Tổ chức thẩm định, phê duyệt các báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác, chế biến khoáng sản, thiết kế mỏ theo quy định của Nghị định này.

e) Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và giấy phép khai thác tận thu theo thẩm quyền quy định của Nghị định này; tham gia ý kiến về việc cấp các loại giấy phép khác về hoạt động khoáng sản tại địa phương; trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, giải quyết các điều kiện liên quan đến việc thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho các Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản tại địa phương. g) Tuyên truyền, giáo dục và giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về khoáng sản đối với mọi tổ chức, cá nhân ở địa phương.

h) Giải quyết hoặc tham gia giải quyết những vấn đề tranh chấp về hoạt động khoáng sản và xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản phát sinh tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Điều 57 của Luật khoáng sản và các quy định khác của pháp luật.

2/ Sở Công nghiệp có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản và Nghị định này. Nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về khoáng sản của Sở công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định.

Điều 8.- Uỷ ban nhân dân các cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, xã (dưới đây gọi chung là huyện, xã) theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiêm:

1/ Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ của nhân dân, tài sản của Nhà nước và công dân.

2/ Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình giải quyết các điều kiện liên quan đến việc thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3/ Tuyên truyền, giáo dục và giám sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản; tham gia giải quyết những vấn đề tranh chấp về hoạt động khoáng sản và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về khoáng sản phát sinh tại địa phương.

 

Điều 9.- Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản quy định như sau:

1/ Bộ Công nghiệp cấp các loại giấy phép sau đây:

- Giấy phép khảo sát khoáng sản;

- Giấy phép thăm dò khoáng sản;

- Giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản các loại, trừ giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định tại khoản 2 Điều này;

- Giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với khu vực ranh giới của hai hoặc nhiều tỉnh hoặc trong trường hợp cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh có bên nước ngoài.

2/ Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp các loại giấy phép sau đây đối với khu vực thuộc trách nhiệm quản lý hành chính của địa phương:

- Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản các loại đối với các khu vực đã được Bộ Công nghiệp khoanh định theo quy định tại Điều 66 của Nghị định này;- Giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn cho tổ chức, cá nhân trong nước, trừ giấy phép khai thác, giấy phép chế biến khoáng sản các loại thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này. 3/ Cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy phép hoạt động khoáng sản nào thì có quyền gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại loại giấy phép đó và có quyền cho phép chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản theo loại giấy phép đó.

 

CHƯƠNG III

ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

 

Điều 10.- Điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản bao gồm các hoạt động sau đây:

1/ Điều tra, phát hiện tiềm năng tài nguyên khoáng sản đồng thời với việc lập bản đồ địa chất khu vực và nghiên cứu chuyên đề về địa chất.

2/ Đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản theo loại hoặc nhóm khoáng sản và đối với các cấu trúc địa chất có triển vọng.

 

Điều 11.- Hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch Nhà nước.

Bộ Công nghiệp trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, Bộ Công nghiệp và Đầu tư thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp xây dựng Quy chế cấp phát, quản lý, thanh quyết toán vốn ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, trình Chính phủ ban hành.

 

Điều 12.- Các Tổ chức điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:

1/ Đăng ký nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động điều tra cơ bản địa chất theo quy định của Bộ Công nghiệp.

2/ Tiến hành các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản theo dự án đã được phê duyệt và kế hoạch được giao.

3/ Thực hiện quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật trong điều tra địa chất do Bộ Công nghiệp ban hành.

4/ Bảo đảm sự trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu thông tin về địa chất và khoáng sản; giữ gìn bí mật Nhà nước những thông tin về khoáng sản theo quy định của pháp luật.

5/ Bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên khác trong khi tiến hành các hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

6/ Nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản vào lưu trữ địa chất Nhà nước và các mẫu vật địa chất, khoáng sản vào bảo tàng địa chất theo quy định của Bộ Công nghiệp.

7/ Được Nhà nước khen thưởng khi có thành tích trong việc nghiên cứu, phát hiện mới về địa chất và tài nguyên khoáng sản.

8/Được phép gửi mẫu ra nước ngoài để phân tích, thử nghiệm theo quy định của Chính phủ.

 

Điều 13.- Mọi báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phải được đánh giá, đăng ký và nộp vào lưu trữ địa chất Nhà nước theo quy định của Bộ Công nghiệp.

Cơ quan lưu trữ địa chất Nhà nước có trách nhiệm giữ gìn bí mật Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân được phép sử dụng kết quả điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và các thông tin, tư liệu về khoáng sản theo quy định của Bộ Công nghiệp.

 

Điều 14.- Bộ Công nghiệp quy định chi tiết về nội dung dự án điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; về việc đăng ký Nhà nước nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, việc lưu trữ địa chất Nhà nước và bảo tàng địa chất, ban hành hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy, các định mức, đơn giá trong điều tra địa chất cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

 

Điều 15.- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản bao gồm:

1/ Các Tổ chức Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác mà mục đích thành lập có nội dung hoạt động khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập đăng ký hoặc công nhận.

2/ Các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 

Điều 16.- Tổ chức, cá nhân nói tại Điều 15 của Nghị định này muốn được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản phải có đủ vốn đầu tư (kể cả vốn vay) để thực hiện dự án. Vốn pháp định của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản không được ít hơn ba mươi phần trăm (30%) tổng dự toán vốn đầu tư của dự án xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

 

Điều 17.- Tổ chức, cá nhân hành nghề thăm dò khoáng sản phải có thiết bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ Công nghiệp.

 

Điều 18.- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành các hoạt động khai thác theo quy định trong giấy phép khi có Giám đốc điều hành mỏ có trình độ và năng lực quản lý về khai thác mỏ được công nhận theo quy định tại Điều 36 của Luật khoáng sản; trường hợp khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên hoặc khai thác tận thu Bộ Công nghiệp có quy định phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định tiêu chuẩn trình độ và năng lực của Giám đốc điều hành mỏ.

 

CHƯƠNG V

KHU VỰC, DIỆN TÍCH, THỜI HẠN HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

 

Điều 19.- Khu vực cấm hoạt động khoáng sản là các khu vực phải bảo vệ hoặc được dành riêng cho các mục đích quan trọng của Nhà nước hoặc xã hội theo quy định của pháp luật.

1/ Khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm các khu vực: - Có di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, đăng ký;

- Vườn rừng quốc gia, rừng phòng hộ; khu vực bảo tồn địa chất;

- Dành riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh;

- Thuộc phạm vi bảo vệ đê, kè, bờ sông, cầu, quốc lộ, tuyến đướng sắt;

- Dành riêng cho tôn giáo;

- Đô thị hoặc có công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.

2/ Các Bộ Quốc phòng, Nội vụ, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh xác định ranh giới các khu vực cấm hoạt động khoáng sản trong phạm vi quản lý hành chính của từng tỉnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ quyết định và thông báo bằng văn bản cho Bộ Công nghiệp về các khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

3/ Đối với các khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản vì bất kỳ lý do gì theo quy định của pháp luật thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý các khu vực đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Công nghiệp và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4/ Việc khai thác khoáng sản trong lòng đất thuộc phạm vi khu vực cấm hoạt động khoáng sản mà không sử dụng đất mặt cũng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý các khu vực đó thoả thuận bằng văn bản.

 

Điều 20.- Khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản là khu vực mà Nhà nước có chủ trương hạn chế dưới một hoặc các hình thức sau đây:

- Dành riêng cho một hoặc một số tổ chức nhất định của Nhà nước độc quyền hoạt động khoáng sản;

- Hạn chế sản lượng khai thác;

- Hạn chế xuất khẩu sản phẩm khai thác;

Khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản do Chính phủ quy định bằng văn bản riêng.

 

Điều 21.- Khu vực đấu thầu hoạt động khoáng sản bao gồm các khu vực sau đây:

- Khu vực có loại khoáng sản mà Chính phủ quy định phải đấu thầu thăm dò, khai thác;

- Khu vực hoặc mỏ khoáng đã được thăm dò bằng vốn Nhà nước, nay được đấu thầu hoặc chọn thầu khai thác.

 

Điều 22.-

1/ Diện tích khu vực khảo sát được cấp cho một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá hai nghìn kilômet vuông (2000 km2) khoanh định theo toạ độ ô vuông, không hạn chế loại khoáng sản được khảo sát có trong khu vực. Trường hợp đặc biệt cần có diện tích lớn hơn 2000 km2 Bộ Công nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép.

2/ Giấy phép khảo sát khoáng sản có thể được cấp cho một số tổ chức, cá nhân cùng hoạt động trong một khu vực. Tổ chức, cá nhân nộp đơn xin thăm dò, khai thác trước và đúng thủ tục theo quy định của pháp luật thì được xem xét trước.

 

Điều 23.-

1/ Thời hạn của một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá mười hai (12) tháng.

2/ Giấy phép khảo sát khoáng sản đối với khu vực có diện tích từ một trăm kilômét vuông (100 km2) trở lên có thể được gia hạn một lần không quá mười hai (12) tháng, với điều kiện tại thời điểm xin gia hạn:

- Chưa có tổ chức, cá nhân nào nộp đơn xin thăm dò ở đó;

- Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định trong giấy phép trước đó;

- Giấy phép khảo sát khoáng sản đang còn hiệu lực không ít hơn ba mười ngày;

- Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát khoáng sản phải nộp báo cáo kết quả khảo sát cho Bộ Công nghiệp làm rõ lý do xin gia hạn, chương trình tiếp tục khảo sát kèm theo đơn xin gia hạn giấy phép.

3/ Giấy phép khảo sát khoáng sản đối với khu vực có diện tích dưới một trăm kilômet vuông (100 km2) không được gia hạn.

 

Điều 24.-

1/ Diện tích khu vực thăm dò được cấp của một giấy phép thăm dò khoáng sản kim loại quý, đá quý không quá năm mươi kilômet vuông (50km2). Trường hợp đặc biệt cần diện tích lớn hơn 50 km2 Bộ Công nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép.

2/ Diện tích khu vực thăm dò được cấp của một giấy phép thăm dò than, khoáng sản kim loại (trừ kim loại quý), các khoáng sản không kim loại (trừ vật liệu xây dựng thông thường) ở vùng đất liền, có hoặc không có mặt nước, không quá một trăm kilômet vuông (100 km2). Trường hợp đặc biệt cần diện tích lớn hơn 100 km2 Bộ Công nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép.

3/ Diện tích khu vực thăm dò được cấp của một giấy phép thăm dò khoáng sản các loại ở vùng thềm lục địa không quá hai trăm kilômét vuông (200 km2). Trường hợp đặc biệt cần có diện tích lớn hơn 200 km2 Bộ Công nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép.

4/ Diện tích khu vực thăm dò được cấp của một giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ở vùng đất liền, có hoặc không có mặt nước, không quá hai kilômét vuông (2 km2).

5/ Diện tích khu vực thăm dò được cấp của một giấy phép thăm dò nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không quá một kilômet vuông (1 km2).

6/ Một tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Nghị định này có thể được cấp nhiều giấy phép thăm dò, nhưng không quá năm giấy phép và tổng diện tích thăm dò của các giấy phép đó không quá năm lần quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này.

 

Điều 25.- Thời hạn của một giấy phép thăm dò khoáng sản, kể cả thời gian làm báo cáo kết quả thăm dò, báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác, ít nhất là sáu (6) tháng, nhiều nhất không quá hai mươi bốn (24) tháng, được gia hạn theo các điều kiện sau đây:

1/ Tại thời điểm xin gia hạn tổ chức, cá nhân được phép thăm dò đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định trong giấy phép trước đó; giấy phép thăm dò đang còn hiệu lực không ít hơn ba mươi (30) ngày.

2/ Mỗi lần gia hạn phải trả lại ít nhất ba mươi phần trăm (30%) diện tích khu vực thăm dò theo giấy phép trước đó.

3/ Kèm theo đơn xin gia hạn gửi đến Bộ Công nghiệp phải có báo cáo kết quả thăm dò và chi phí thực tế, giải trình lý do xin gia hạn giấy phép, chương trình, kế hoạch và chi phí tiếp tục thăm dò.

4/ Giấy phép thăm dò khoáng sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 của Nghị định này được gia hạn nhiều nhất hai lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá hai mươi bốn (24) tháng; trong trường hợp giấy phép thăm dò đã được gia hạn, tổng thời gian thăm dò đã đủ bốn mươi tám (48) tháng, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò đã thực hiện đầy đủ hoặc vượt khối lượng công việc và chi phí theo đề án mà vẫn chưa đủ căn cứ để lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc cần thêm thời gian để nghiên cứu khả thi về khai thác thì giấy phép thăm dò được cấp lại, nếu tổ chức, cá nhân được phép thăm dò có đơn xin hợp lệ.

5/ Giấy phép thăm dò khoáng sản quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 24 của Nghị định này chỉ được gia hạn một lần và thời gian gia hạn không quá mười hai (12) tháng.

Điều 26.- Diện tích khu vực khai thác của một giấy phép khoáng sản được xác định trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản đã được thẩm định và chấp thuận theo quy định tại Điều 44 của Nghị định này.

 

Điều 27.- Thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản đã được thẩm định và chấp thuận theo quy định tại Điều 44 của Nghị định này, nhưng không quá ba mươi (30) năm, được gia hạn theo các điều kiện sau đây:

1/ Tại thời điểm xin gia hạn, tổ chức, cá nhân được phép khai thác đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của Luật khoáng sản và các quy định khác của pháp luật.

2/ Giấy phép khai thác đang còn hiệu lực không ít hơn ba (3) tháng.

3/ Kèm theo đơn xin gia hạn gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải có báo cáo tổng hợp kết quả khai thác đến thời điểm xin gia hạn, diện tích và trữ lượng khoáng sản chưa khai thác của mỏ, chương trình, kế hoạch tiếp tục khai thác...

4/ Giấy phép khai thác khoáng sản được gia hạn nhiều lần trên cơ sở kế hoạch khai thác tiếp tục, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá hai mươi (20) năm.

 

CHƯƠNG VI

MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH VÀ QUYỀN TÀI SẢN

 

Điều 28.- Lệ phí giấy phép là lệ phí cấp, gia hạn các loại giấy phép hoạt động khoáng sản.

Bộ Tài chính quy định mức, thủ tục thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại lệ phí giấy phép.

 

Điều 29.-

1/ Lệ phí độc quyền thăm dò được tính trên đơn vị diện tích khu vực thăm dò và thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định sau đây:

Năm thứ 1: 200.000 đồng/km2-năm hoặc 20 USD/km2-năm; Năm thứ 2: 300.000 đồng/km2-năm hoặc 30 USD/km2-năm; Năm thứ 3: 400.000 đồng/km2-năm hoặc 40 USD/km2-năm; Năm thứ 4 trở đi: 500.000 đồng/km2-năm hoặc 50 USD/km2-năm;

2/ Lệ phí độc quyền thăm dò không áp dụng đối với giấy phép thăm dò mà thời hạn có hiệu lực của giấy phép, kể cả thời gian được gia hạn ít hơn mười hai (12) tháng và không áp dụng đối với hoạt động thăm dò trong khu vực khai thác của tổ chức, cá nhân được phép khai thác.

Bộ Tài chính quy định thủ tục thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí độc quyền thăm dò.

 

Điều 30.- Việc nộp tiền đặt cọc đối với giấy phép thăm dò được thực hiện một lần khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản mà giấy phép đó có thời hạn hiệu lực từ sáu (6) tháng trở lên; không áp dụng đối với giấy phép thăm dò có thời hạn hiệu lực dưới sáu (6) tháng và không áp dụng đối với giấy phép được hoạt động bằng vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp.

Mức tiền đặt cọc bằng hai mươi lăm phần trăm (25%) giá trị dự toán chi phí thăm dò của năm thăm dò đầu tiên, được xác định trong đề án hoặc kế hoạch thăm dò đã được cơ quan cấp giấy phép chấp thuận.

Sau sáu (6) tháng, kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò không được tiến hành mà giấy phép bị chấm dứt hiệu lực thì tiền đặt cọc được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Sau sáu (6) tháng, kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản có hiệu lực, công việc thăm dò đã được tiến hành đúng kế hoạch thì tổ chức, cá nhân được phép thăm dò có quyền nhận lại tiền đặt cọc.

Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản có quyền sử dụng hình thức quỹ tại một Ngân hàng Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam thay cho hình thức nộp tiền đặt cọc. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục giao nộp, đăng ký, quản lý tiền đặt cọc hoặc ký quỹ đối với giấy phép thăm dò khoáng sản.

 

Điều 31.- Mức chi phí thăm dò tối thiểu tính bằng đơn vị đồng Việt Nam/km2-năm hoặc USD/km2-năm là chi phí tối thiếu để thực hiện các nhiệm vụ thi công kỹ thuật về thăm dò khoáng sản trên một đơn vị diện tích thăm dò một kilômét vuông (1 km2) trong một năm (12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực). Dự toán chi phí của đề án thăm dò không được thấp hơn mức chi phí thăm dò tối thiểu.

Bộ Công nghiệp quy định mức chi phí thăm dò tối thiếu đối với từng đề án thăm dò cụ thể khi cấp hoặc gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản.

 

Điều 32.- Đối với giấy phép thăm dò khoáng sản kim loại quý, đá quý không phân biệt diện tích và giấy phép thăm dò khoáng sản khác có diện tích thăm dò lớn từ một trăm kilômet vuông (100 km2) trở lên, thời hạn hiệu lực của giấy phép đến hai (2) năm (24 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực) mà chi phí thăm dò thực tế để thực hiện đề án trong một thời kỳ hai (2) năm thấp hơn chi phí dự toán tính theo mức tối thiểu do Bộ Công nghiệp quy định thì phần giá trị chênh lệch đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước, khi giấy phép thăm dò hết hạn hoặc được gia hạn.

 

Điều 33.- Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò phải thực hiện khối lượng công việc thăm dò và chi phí tương ứng theo đề án, kế hoạch thăm dò đã được Bộ Công nghiệp chấp thuận.

Trường hợp chi phí thăm dò thực tế của năm trước lớn hơn dự toán và kế hoạch thăm dò trong năm đó thì phần giá trị chi vượt được tính vào chi phí thực tế của năm kế sau.

Điều 34.-

1/ Tổ chức, cá nhân sử dụng số liệu thông tin của Nhà nước về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản phải trả tiền cho Nhà nước theo phương thức thanh toán gọn một lần hoặc trả dần theo sản lượng khai thác.

2/ Tổ chức, cá nhân đã hoàn tất việc trả tiền sử dụng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo phương thức thanh toán gọn một lần có toàn quyền sử dụng, chuyển nhượng các thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.

3/ Tổ chức, cá nhân được trả tiền sử dụng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo phương thức trả dần theo sản lượng khai thác có quyền sử dụng thông tin đó cho hoạt động khoáng sản của mình nhưng không được chuyển nhượng, bán hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác.

Bộ Tài chính và Bộ công nghiệp hướng dẫn phương pháp xác định giá trị, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước.

 

Điều 35.-

1/ Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có quyền sử dụng, chuyển nhượng những thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản do mình đầu tư toàn bộ vốn khảo sát, thăm dò.

2/ Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư của Nhà nước để khảo sát, thăm dò khoáng sản không có quyền cung cấp, chuyển nhượng thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp cung cấp những thông tin đó cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

3/ Sau sáu (6) tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép thăm dò không nộp đơn xin giấy phép khai thác hoặc sau sáu (6) tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn mà tổ chức, cá nhân được phép khai thác không nộp đơn xin gia hạn giấy phép khai thác thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác những thông tin về khoáng sản có liên quan đến các giấy phép đó.

 

Điều 36.- Khi được phép chuyển nhượng hoặc để thừa kế quyền thăm dò hoặc quyền khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản có quyền chuyển nhượng hoặc để thừa kế mọi tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình, kể cả số liệu thông tin, mẫu vật về địa chất và khoáng sản, các công trình và thiết bị đã được thi công, xây dựng, trang bị gắn liền với đất mỏ.

Khi quyền khai thác khoáng sản được phép chuyển nhượng thì Hợp đồng thuê đất được ký lại, không phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước đã giao cho tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản sử dụng tuân theo các quy định của pháp luật.

 

Điều 37.- Khi giấy phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì quyền sở hữu đối với những tài sản liên quan đến hoạt động thăm dò hoặc khai thác khoáng sản tuân theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 30 và các điểm b và c, khoản 2, Điều 40 của Luật khoáng sản.

Bộ Tài chính và Bộ công nghiệp hướng dẫn phương pháp xác định giá trị tài sản chuyển giao và thủ tục chuyển giao tài sản của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho Nhà nước trong trường hợp giấy phép chấm dứt hiệu lực theo quy định của Luật khoáng sản và các quy định khác của pháp luật.

 

Điều 38.- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ tại một Ngân hàng Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam một khoản tiền bảo đảm cho việc phục hồi môi trường và đất đai khi kết thúc hoạt động từng phần diện tích và khi đóng cửa mỏ.

Mức tiền phải ký quỹ để phục hồi môi trường và đất đai căn cứ vào quy trình, tiến độ khai thác, phục hồi và dự toán chi phí phục hồi xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế mỏ và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và chấp thuận.

Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định phương pháp xác định mức và hướng dẫn thủ tục đăng ký, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ để phục hồi môi trường, đất đai trong khai thác khoáng sản.

 

Điều 39.- Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành chế độ phân phối, sử dụng các khoản thu của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản để thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến theo quy định tại Điều 7 của Luật khoáng sản và để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

 

Điều 40.- Đối với những mỏ khoáng có vai trò chiến lược trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước mà việc thu hút vốn đầu tư từ các nguồn vốn khác khó khăn thì doanh nghiệp Nhà nước được vay vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn Nhà nước để đầu tư khảo sát, thăm dò khoáng sản; trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp vốn Nhà nước để đầu tư trực tiếp cho thăm dò. Vốn Nhà nước đầu tư thăm dò khoáng sản phải được thu hồi dần khi đưa mỏ vào khai thác, nếu gặp rủi ro được xem xét, miễn giảm thu hồi theo đề nghị của Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

 

CHƯƠNG VII

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN, BÁO CÁO
TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

 

Điều 41.- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có quyền tự mình thực hiện hoặc thuê các tổ chức, chuyên gia tư vấn về địa chất, khai thác mỏ có tư cách pháp lý lập hoặc thẩm định các đề án, dự án, thiết kế mỏ, đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản.

 

Điều 42.-

1/ Bộ Công nghiệp tổ chức thẩm định các đề án khảo sát, thăm dò khoáng sản trước khi quyết định cấp giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò.

2/ Nội dung thẩm định đề án gồm:

- Vị trí, ranh giới và diện tích;

- Cơ sở địa chất và các mục tiêu khảo sát, thăm dò (đối tượng khoáng sản, số lượng, mức độ nghiên cứu);

- Kỹ thuật và công nghệ;

- Tác động môi trường sinh thái, tài nguyên, công trình và tài sản khác;

- Thời hạn và tiến độ hoạt động;

- Dự toán chi phí.

3/ Bộ trưởng Bộ Công nghiệp căn cứ kết quả thẩm định để phê duyệt các đề án khảo sát, thăm dò sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước.

4/ Đối với đề án không sử dụng vốn Nhà nước thì nội dung chấp thuận đề án được xác định trong giấy phép khảo sát, giấy phép thăm dò khoáng sản.

 

Điều 43.-

1/ Mọi báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản sử dụng một phần hoặc toàn bộ vốn Nhà nước đều phải được thẩm định và phê duyệt trước khi nộp vào lưu trữ địa chất Nhà nước hoặc để nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản.

2/ Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản không sử dụng vốn Nhà nước nếu là tài liệu để nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản cũng phải được thẩm định bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

3/ Yêu cầu và nội dung thẩm định báo cáo thăm dò khoáng sản bao gồm:

- Độ tin cậy về số lượng, chất lượng khoáng sản kể cả khoáng sản đi kèm; phát hiện thiếu sót của việc thăm dò dẫn đến bỏ sót tài nguyên khoáng sản;

- Mức độ và chất lượng của việc xác định các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ liên quan đến việc lựa chọn công nghệ khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản;

- Kết quả thăm dò, hiệu quả đầu tư thăm dò (nếu sử dụng vốn Nhà nước) so với mục tiêu của đề án đã được thẩm định, chấp thuận hoặc phê duyệt.

4/ Bộ Công nghiệp thẩm định và phê duyệt các báo cáo thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được sử dụng để nghiên cứu khả thi về khai thác.

5/ Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản thẩm định và phê duyệt trữ lượng các báo cáo thăm dò được sử dụng để nghiên cứu khả thi về khai thác các loại khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

 

Điều 44.-

1/ Việc thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trong nước tuân theo quy định của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng do Chính phủ ban hành.

2/ Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi về khai thác khoáng sản thuộc các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài tuân theo quy định của Quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Chính phủ ban hành.

Điều 45.-

1/ Tổ chức, cá nhân thẩm định thiết kế mỏ phải là tổ chức, cá nhân độc lập về lợi ích đối với tổ chức, cá nhân lập thiết kế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định của mình.

2/ Thiết kế mỏ thuộc các dự án đầu tư khai thác khoáng sản bằng vốn Nhà nước đều phải được thẩm định và phê duyệt theo quy định sau đây:

a) Thiết kế mỏ dự án nhóm A do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phê duyệt;

b) Thiết kế mỏ các dự án còn lại do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

3/ Thiết kế mỏ dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thẩm định.

4/ Thiết kế mỏ dự án đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh do cơ quan chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản thẩm định.

5/ Bộ Công nghiệp hướng dẫn chi tiết nội dung thiết kế, thủ tục thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ.

 

Điều 46.- Bộ Công nghiệp quy định chế độ và nội dung báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản.

 

Điều 47.- Mọi đề án đóng cửa mỏ đều phải được thẩm định và phê duyệt nội dung, yêu cầu về đảm bảo an toàn, phục hồi môi trường, đất đai và các yêu cầu khác theo quy định tại các điểm b và d, khoản 2, Điều 40 của Luật khoáng sản.

Bộ Công nghiệp ban hành quy định chi tiết việc đóng cửa mỏ.

 

CHƯƠNG VIII

NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, CHUYỂN NHƯỢNG, ĐỂ THỪA KẾ QUYỀN THĂM DÒ, KHAI THÁC HOẶC CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

 

Điều 48.- Căn cứ chủ yếu để xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản bao gồm:

1/ Chiến lược của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là chiến lược phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến khoáng sản như năng lượng, luyện kim, vật liệu xây dựng, phân khoáng, hoá chất, giao thông và sản xuất kinh doanh nguyên liệu khoáng.

2/ Chính sách của Đảng và Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp khai khoáng ở từng tỉnh, vùng, miền và trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển các ngành công nghiệp trong từng thời kỳ.

3/ Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động khoáng sản cụ thể, gắn liền với các yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và các lợi ích công cộng khác theo quy định của pháp luật liên quan.

4/ Các điều kiện về tài chính, tư cách pháp lý của chủ đơn (chủ đầu tư) theo quy định của pháp luật và các điều kiện cụ thể khác theo quy định của Nghị định này.

 

Điều 49.- Ngoài những căn cứ chủ yếu theo quy định tại Điều 48 của Nghị định này, việc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản phải có ý kiến bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh về diện tích, ranh giới khu vực thăm dò, trong đó đã loại trừ khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

Trong trường hợp đặc biệt, có thể tiến hành thăm dò hoặc khai thác khoáng sản ở những khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này thì việc cấp giấy phép thăm dò ở đó phải có thoả thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý đối tượng phải bảo vệ ở khu vực đó về ranh giới khu vực thăm dò và các điều kiện thi công công trình thăm dò có liên quan đến yêu cầu bảo vệ các đối tượng đó.

 

Điều 50.- Việc cấp giấy phép khai thác hoặc chế biến khoáng sản căn cứ vào văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 44.

 

Điều 51.- Trước khi quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cơ quan tiếp nhận đơn, hồ sơ xin khai thác khoáng sản phải thu thập ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, quản lý các tài nguyên, tài sản khác có liên quan đến hoạt động khai thác, nếu trước khi cấp giấy phép thăm dò các cơ quan đó hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chưa có văn bản thoả thuận.

Chủ đơn (chủ đầu tư) có trách nhiệm tìm hiểu tình trạng đất đai đang sử dụng, hoa màu, tài sản gắn liền với đất đai, ý kiến của người sử dụng đất thuộc phạm vi xin khai thác khoáng sản và thông báo cho cơ quan tiếp nhận đơn xin khai thác khoáng sản.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận đơn xin khai thác khoáng sản có thể công bố đơn xin khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày cấp giấy phép khai thác không ít hơn hai mươi lăm (25) ngày để thu thập ý kiến, nếu có.

Các cơ quan được hỏi ý kiến theo thẩm quyền của mình có trách nhiệm trả lời cơ quan tiếp nhận đơn hoặc chủ đơn trong thời hạn chậm nhất là hai mươi lăm (25) ngày kể từ khi nhận được văn bản hỏi ý kiến.

 

Điều 52.-

1/ Khi nhận được đơn, hồ sơ hợp lệ về việc xin cấp giấy phép đầu tư khai thác hoặc chế biến khoáng sản bằng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp xem xét, thu thập ý kiến các cơ quan hữu quan, trình Chính phủ quyết định hoặc tự quyết định theo thẩm quyền sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Công nghiệp.

2/ Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài được cấp giấy phép thăm dò được hưởng một số ưu đãi của giấy phép đầu tư như được nhập miễn thuế vào Việt Nam các thiết bị thăm dò, thiết bị văn phòng, thiết bị phân tích thí nghiệm (nếu cần thiết) nhằm mục đích thực hiện việc thăm dò theo dự án đã được duyệt. Bộ kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể các quyền ưu đãi của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài đầu tư thăm dò khoáng sản sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan.

3/ Giấy phép khai thác hoặc chế biến khoáng sản được cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài cùng với giấy phép đầu tư hoặc sau khi có giấy phép đầu tư theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

4/ Một giấy phép đầu tư cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài để thực hiện một dự án khai thác khoáng sản có thể bao gồm cả hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

 

Điều 53.- Thời hạn để thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, kể cả thời gian thu thập ý kiến của các cơ quan hữu quan, nhiều nhất là sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân trong nước và nhiều nhất là chín mươi (90) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài.

Chậm nhất mười (10) ngày sau thời hạn trên, cơ quan có thẩm quyền phải hoàn tất việc cấp giấy phép hoặc trả lời chủ đơn xin cấp giấy phép bằng văn bản.

 

Điều 54.- Sau khi giấy phép hoạt động khoáng sản đã được cấp theo quy định của Nghị định này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng các điều kiện liên quan đến việc thuê đất, sử dụng cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản.

 

Điều 55.- Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản có quyền trả lại từng phần diện tích hoặc trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản với các điều kiện sau đây:

1/ Tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đến thời điểm xin trả lại giấy phép; phục hồi môi trường, đất đai, bảo đảm an toàn ở phần diện tích xin trả lại.

2/ Trong thời hạn không quá ba (3) tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò được trả lại, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 30 của Luật khoáng sản.

Trong thời hạn không quá sáu (6) tháng kể từ ngày giấy phép khai thác được trả lại, tổ chức, cá nhân được phép khai thác phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại các điểm b, c và d, khoản 2, Điều 40 của Luật khoáng sản.

3/ Được cơ quan có thẩm quyền cấp loại giấy phép đó cho phép trả lại bằng văn bản.

Điều 56.- Việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản phải tuân theo các quy định sau đây:

1/ Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác chỉ được chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác cho tổ chức, cá nhân khác để tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đã được quy định trong giấy phép và theo quy định của pháp luật.

2/ Tài sản, tài liệu và giá trị được chuyển nhượng cũng như nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác còn chưa hoàn thành, được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản phải được kiểm kê, đánh giá đầy đủ, trung thực và xác định rõ ràng trong hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên.

3/ Kèm theo hợp đồng và đơn xin chuyển nhượng quyền thăm dò hoặc quyền khai thác, tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác phải có báo cáo kết quả thăm dò, khai thác đến thời điểm xin chuyển nhượng.

4/ Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện pháp lý theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

5/ Trong trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài thì phải có giấy phép đầu tư do Bộ kế hoạch và Đầu tư cấp theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6/ Việc chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác khoáng sản phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đó cho phép và phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

 

Điều 57.- Quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản của cá nhân được phép thăm dò, khai thác được để thừa kế trong trường hợp người thừa kế tài sản hợp pháp của cá nhân đó có đủ điều kiện theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Nghị định này. Nếu người thừa kế tài sản hợp pháp của cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động theo quy định trong giấy phép thì có thể giải quyết như sau:

1/ Người thừa kế hợp pháp tài sản của cá nhân được phép thăm dò hoặc khai thác có thể chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản theo giấy phép nếu điều kiện thực tế phù hợp với các quy định tại Điều 56 của Nghị định này.

2/ Giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi, người thừa kế tài sản của cá nhân được phép thăm dò khoáng sản có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 30 của Luật khoáng sản; người thừa kế hợp pháp tài sản của cá nhân được phép khai thác khoáng sản có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại các điểm b, c, và d, khoản 2, Điều 40 của Luật khoáng sản.

 

Điều 58.- Giấy phép khảo sát khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại Điều 24 của Luật khoáng sản. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được phép khảo sát vi phạm một trong các quy định tại Điều 24 của Luật khoáng sản thì thời hạn cho phép để khắc phục không quá ba mươi (30) ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ công nghiệp có văn bản thông báo.

 

Điều 59.- Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại Điều 29 của Luật khoáng sản. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được phép thăm dò vi phạm một trong các quy định tại Điều 27 của Luật khoáng sản thì thời hạn cho phép để khắc phục không quá sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ Công nghiệp có văn bản thông báo.

 

Điều 60.- Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại Điều 39 của Luật khoáng sản. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được phép khai thác vi phạm một trong các quy định tại Điều 33 của Luật khoáng sản thì thời hạn cho phép để khắc phục không quá chín mươi (90) ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ Công nghiệp hoặc của Sở công nghiệp có văn bản thông báo theo thẩm quyền.

 

Điều 61.-

1/ Giấy phép chế biến khoáng sản được cấp cho tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản với các điều kiện sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân xin phép chế biến có đủ điều kiện theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Nghị định này.

b) Báo cáo nghiên cứu khả thi về chế biến khoáng sản kèm theo đơn xin, có phương án công nghệ được thẩm định, phê duyệt, chấp thuận theo quy định tại Điều 44 của Nghị định này.

c) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

2/ Thời hạn của giấy phép chế biến khoáng sản căn cứ theo báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng dự án và phù hợp với giấy phép đầu tư hoặc quyết định đầu tư.

3/ Giấy phép chế biến khoáng sản bị thu hồi khi tổ chức, cá nhân được phép chế biến khoáng sản vi phạm một trong các quy định về nghĩa vụ theo quy định tại Điều 45 của Luật khoáng sản.

4/ Việc chuyển nhượng, để thừa kế quyền chế biến khoáng sản tuân theo các quy định tương ứng tại các Điều 56 và 57 của Nghị định này.

 

Điều 62.- Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong các trường hợp sau đây, không phải xin giấy phép khai thác khoáng sản:

1/ Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khuôn khổ các dự án xây dựng công trình hạ tầng của Nhà nước như xây đập, đào kênh thuỷ điện, thuỷ lợi, san gạt nền đường, đào đường hầm, nạo vét sông, hồ, bến cảng, công trình ngầm quốc phòng và các công trình khác của Nhà nước có tính chất tương tự, mà không khai thác khoáng sản ở ngoài diện tích xây dựng, không bán sản phẩm khai thác, dự án đầu tư và thiết kế xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.

2/ Việc tận thu, chuyên chở và sử dụng đất bốc, đá thải của mỏ đang hoạt động mà sản phẩm chính của mỏ không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

3/ Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không nhằm mục đích kinh doanh trong phạm vi diện tích đất được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân sử dụng.

Điều 63.- Việc khai thác các loại đất nhằm mục đích cung cấp vật liệu san lấp trong xây dựng công trình, đô thị,... được phép hoạt động trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:

- Có tài liệu khảo sát địa chất vùng khai thác chứng minh không có khoáng sản khác có giá trị cao hơn, được Sở công nghiệp xác nhận bằng văn bản.

- Đất xin khai thác không phải là đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ.

- Hoạt động khai thác không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực, không làm hư hại các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, di tích văn hoá, lịch sử.

- Được Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép.

 

Điều 64.- Bộ Công nghiệp hướng dẫn chi tiết thủ tục cấp, gia hạn, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản, cho phép chuyển nhượng, để thừa kế quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và đăng ký các hoạt động khoáng sản để thống nhất thi hành trong phạm vi cả nước.

 

CHƯƠNG IX

KHAI THÁC TẬN THU

 

Điều 65.- Khai thác tận thu là hình thức hoạt động khoáng sản phù hợp với các điều kiện sau đây:

1/ Không bắt buộc tiến hành thăm dò toàn bộ diện tích khu vực được phép hoạt động trước khi bắt đầu khai thác.

2/ Khối lượng khai đào, bao gồm cả đất đá thải và khoáng sản đối với một giấy phép khai thác tận thu được cấp cho cá nhân (không phải là doanh nghiệp) không quá năm nghìn (5.000) tấn/năm, được cấp cho tổ chức không quá một trăm nghìn (100.000) tấn/năm.

3/ Công cụ và phương pháp hoạt động khai thác tận thu chủ yếu là thủ công, có thể sử dụng cơ giới nhỏ trong một số công đoạn; trong trường hợp có sử dụng vật liệu nổ thì phải có người sử dụng chuyên trách đã qua đào tạo, sát hạch và có chứng chỉ theo quy định của pháp luật; không sử dụng hoá chất độc.

4/ Trong trường hợp tổ chức là doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật để tổ chức cho cá nhân (không phải là doanh nghiệp) khai thác tận thu thông qua hình thức hợp đồng hoặc thẻ khai thác tận thu thì khối lượng khai đào hàng năm của từng hợp đồng hoặc thẻ khai thác tận thu áp dụng theo quy định đối với giấy phép khai thác tận thu được cấp cho cá nhân (không phải là doanh nghiệp).

5/ Mỗi cá nhân chỉ được cấp một giấy phép khai thác tận thu.

 

Điều 66.- Các khu vực được cấp giấy phép khai thác tận thu bao gồm:

1/ Khu vực có khoáng sản phân bố không tập trung, đầu tư khai thác quy mô công nghiệp không có hiệu quả kinh tế.

2/ Khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà các điều kiện về kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ không cho phép đầu tư khai thác quy mô công nghiệp.

3/ Khu vực khai thác mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ mà điều kiện để khai thác lại xét thấy đầu tư khai thác quy mô công nghiệp thì không có hiệu quả kinh tế.

 

Điều 67.- Bộ Công nghiệp khoanh định các khu vực có điều kiện phù hợp với quy định tại Điều 66, khi có yêu cầu của địa phương, bàn giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý và cấp giấy phép khai thác tận thu cho các tổ chức, cá nhân đối với mọi loại khoáng sản, trừ những khoáng sản và khu vực có quy định khác của Chính phủ; không cấp giấy phép khai thác tận thu đối với những khu vực chưa được Bộ Công nghiệp khoanh định và bàn giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

Điều 68.- Diện tích khu vực khai thác tận thu của một giấy phép cấp cho một tổ chức không quá hai mươi (20) hécta, cho một cá nhân (không phải là doanh nghiệp) không quá một (1) hécta.

 

Điều 69.- Thời hạn của một giấy phép khai thác tận thu không quá ba mươi sau (36) tháng, được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá hai mươi bốn (24) tháng với các điều kiện sau đây, tại thời điểm xin gia hạn:

1/ Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định tại Điều 52 của Luật khoáng sản.

2/ Khu vực xin gia hạn giấy phép còn phù hợp với hình thức khai thác tận thu theo quy định của Luật khoáng sản và các Điều 65 và 66 của Nghị định này.

3/ Giấy phép khai thác tận thu còn thời hiệu không ít hơn ba mươi (30) ngày.

 

Điều 70.- Giấy phép khai thác tận thu bị thu hồi theo quy định tại Điều 53 của Luật khoáng sản. Trong trường hợp có phát hiện mới về khoáng sản mà khu vực đang được phép khai thác tận thu không còn phù hợp với hình thức khai thác tận thu nữa thì giấy phép khai thác tận thu bị thu hồi và hậu quả được giải quyết theo quy định sau đây:

1/ Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình ra khỏi khu vực khai thác, phục hồi môi trường, đất đai và được tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản đối với khu vực bị thu hồi giấy phép khai thác tận thu bồi thường thiệt hại; trong trường hợp không có tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản đối với khu vực đó hoặc giấy phép khai thác tận thu bị thu hồi theo quy định tại khoản 2, Điều 14 của Luật khoáng sản thì thiệt hại của tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu được Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết thoả đáng.

2/ Nếu tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu có đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp hoạt động khoáng sản theo quy định tại các Điều 15 và 16 của Nghị định này thì được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản mới đối với khu vực bị thu hồi giấy phép khai thác tận thu.

Điều 71.- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu có thể yêu cầu các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ và các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản của Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ. Các tổ chức nói trên có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu hợp lý của tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu.

Điều 72.- Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ các quy định của Luật khoáng sản và Nghị định này quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và cấp giấy phép khai thác tận thu, phù hợp với điều kiện của địa phương sau khi thoả thuận với Bộ Công nghiệp.

 

CHƯƠNG X

THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ KHOÁNG SẢN

 

Điều 73.- Cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ Công nghiệp và Sở công nghiệp thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về khoáng sản (dưới đây gọi là thanh tra khoáng sản).

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra khoáng sản tuân theo quy định tại các Điều 59, 60 của Luật khoáng sản, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý khoáng sản, quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra khoáng sản.

 

Điều 74.- Thanh tra khoáng sản phải tuân theo các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường, chủ động phối hợp với thanh tra Nhà nước về lao động và thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thành tra về an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản, đặc biệt là đối với hoạt động khai thác khoáng sản; phối hợp với Thanh tra Nhà nước của các ngành, các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản.

 

Điều 75.- Bộ Công nghiệp ban hành quy chế tổ chức và hoạt động thanh tra khoáng sản sau khi thoả thuận với Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ, Thanh tra Nhà nước, Bộ lao động - Thương binh và xã hội, Bô y tế và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

 

CHƯƠNG XI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 76.- Nghị định này thay thế Nghị định 95/HĐBT ngày 25 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản.

Các quy định trước đây về quản lý, bảo vệ điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

Điều 77.- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thủ trưởng các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành các văn bản kèm theo Nghị định này và chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết, theo dõi kiểm tra việc thi hành.

 

Điều 78.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
----------
No. 68-CP
Hanoi ,Novermber 01, 1996
 
DECREE
PROVIDING DETAILS FOR THE IMPLEMENTATION OF THE MINERALS LAW
THE GOVERNMENT
Pursuant to the Law on Organization of the Government of September 30, 1992;
Pursuant to the Minerals Law of March 20, 1996;
At the proposal of the Minister of Industry;
DECREES:
Chapter I
GENERAL PROVISIONS
Article 1.- This Decrees provides details for the implementation of the Minerals Law adopted by the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam on March 20, 1996.
Article 2.- The provisions of this Decree are applicable to the management, protection, and basic geological survey of the mineral resources and all mineral activities (survey, prospection, exploitation and processing of minerals) in Vietnam by Vietnamese and foreign organizations and individuals.
Chapter II
MANAGERIAL COMPETENCE OF THE STATE ON MINERALS
Article 3.-
1. The Ministry of Industry performs the function of State management over minerals in the whole country and has the following tasks and powers:
a/ To elaborate and submit to the Government for promulgation, or to promulgate according to its competence, legal documents on the management, protection, basic geological survey of mineral resources and mineral activities.
b/ To organize and draw up the general plan and plan for development of basic geological survey of mineral resources in the whole country.
To assume the main responsibility and coordinate with the Ministries and branches concerned at the central level, the People’s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government in drawing up and submitting to the Government for decision the strategy, general plan and policies regarding the mineral resources and the development of the industry of exploiting and processing minerals.
c/ To organize the evaluation and approval of the projects on mineral prospection and the feasibility reports on the exploitation and processing of minerals and on designing the mines as prescribed in this Decree.
d/ To issue, extend, withdraw and allow the return of the permits for operation in mineral activities, to allow the assignment of the right to conduct mineral activities as prescribed in this Decree.
e/ To conduct the popularization, guidance and control among the branches and localities, organizations and individuals in the implementation of legislation on minerals; to organize specialized control and inspection in minerals as provided for in Articles 58,59 and 60 of the Minerals Law; to check and inspect the activities in basic geological survey in mineral resources.
g/ To settle the disputes, complaints and denunciations in mineral activities according to its competence defined in Articles 57 and 62 of the Minerals Law.
h/ To manage the activities of international cooperation in basic geological survey of mineral resources and in mineral activities.
i/ To register, monitor, evaluate and compound the results of the basic geological survey on mineral resources and the mineral activities in the whole country and report them periodically to the Government.
k/ To coordinate with the People�s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government and the Ministries and branches concerned in the protection of the unexploited mineral resources.
2. The Government shall issue a separate regulation on the system of organization, tasks and powers of the State managerial agencies in geology and mineral resources of the Ministry of Industry.
Article 4.-
1. The Ministries, ministerial-level Agencies, the Agencies attached to the Government (hereafter referred to as Ministries) shall, according to their functions, tasks and powers, have to coordinate with the Ministry of Industry in the management and protection of the mineral resources and mineral activities.
2. The Ministries having the State managerial function over the branches producing, using or trading in raw mineral materials have the following duties:
a/ To coordinate with the Ministry of Industry and the concerned Ministries and branches at the central level and the People’s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government in elaborating and submitting to the Government for decision the mineral resources policies, the strategy, general plan and plans for developing the industry of mining, processing, using and trading in minerals including the import and export of the minerals related to their respective managerial function.
b/ To coordinate with the Ministry of Industry in drawing up and submitting to the Government for issuing or to issue according to their competence, the regulations to guide the mining, protection and use of the mineral resources related to their respective managerial function.
c/ To direct and control the implementation of the strategy, policies, planning and legislation on minerals by the units under their direct management.
d/ To cooperate with the Ministry of Industry in the discharge of other duties concerning State management over the basic geological survey of mineral resources and mineral activities related to their respective managerial function.
Article 5.- The
Article 6.- The Council for Evaluation of Mineral Reserves which has its head office at the Ministry of Science, Technology and Environment shall assist the Government in the evaluation and approval of the reserves mentioned in the reports on mineral protection (except those minerals for use as common building materials) in order to study their feasibility for exploitation. Its organizations and activities shall be stipulated in a separate Government regulation.
Article 7.-
1/ The People’s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government (hereafter referred to as provinces) shall, according to their functions, tasks and powers :
a/ Issue according to their competence regulations to carry out the provisions of the Government and of the Ministry of Industry concerning the management and protection of the mineral resources and the management of the mineral activities in their localities.
b/ Take the initiative in cooperating with the Ministry of Industry, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Construction, the Ministry of Defense, the Ministry of the Interior, the Ministry of Culture and Information, the Ministry of Agriculture and Rural Development to zone off the areas banned from mineral activities; elaborate or take part in the elaboration of the plans for the development of the industry of mining and processing of minerals on their territories.
c/ To organize and direct the implementation of measures to protect the untapped mineral resources in the localities together with the protection of the environment and other natural resources, ensuring security and public order, protecting the lives and health of the people and the properties of the State and citizens.
d/ To organize the evaluation and ratification of the feasibility reports on the mining and processing of minerals and mine designing as provided for in this Decree.
e/ To issue, extend and withdraw the permits for the mining of minerals for use as common building materials and for their full exploitation according to the competence defined in this Decree; to provide consultancy on the issue of other kinds of permit for mineral activities in the locality; to settle within the ambit of their responsibility and powers the conditions concerning the renting of land, the use of infrastructure and other related conditions for the organizations and individuals that are allowed to conduct mineral activities and basic geological survey on mineral resources in the locality.
g/ To conduct popularization, education, supervision and control over the implementation of legislation on minerals by all organizations and individuals in the locality.
h/ To settle or take part in settling the disputes in mineral activities and the handling of law-breaking acts in mineral activities in the locality according to the competence defined in Article 57 of the Minerals Law and other provisions of law.
2. The provincial/municipal Industrial Service has the duty to assist the People�s Committee of the province in exerting the function of State management over minerals as provided for in the Minerals Law and this Decree. The State managerial tasks and powers of the provincial/municipal Industrial Service regarding minerals shall be defined by the Minister of Industry.
Article 8.- The People�s Committees of the districts and cities under the provinces, the towns, townships and communes (hereafter referred to as district and commune) shall, according to their function, tasks and powers, have the responsibility:
1. To take measures to protect the untapped mineral resources in the locality combined with the protection of the environment and other natural resources, to ensure public security and order, protect the lives and health of the population and the properties of the State and citizens.
2. To settle within its responsibilities and powers the conditions related to the renting of land, the use of the infrastructure and other related conditions for those organizations and individuals that are allowed to conduct mineral activities or basic geological survey on mineral resources in the locality as stipulated by law and under the guidance of the provincial People�s Committee.
3. To conduct the popularization, education and supervision of the implementation of the legislation on minerals; to take part in settling the disputes in mineral activities and handling according to their competence the violations of the legislation on minerals in the locality.
Article 9.- Competence to issue, extend, withdraw, allow the return of the operating permit in mineral activities and allow the assignment of the right to mineral activities :
1. The Ministry of Industry shall issue the following kinds of permit:
- Permit for mineral survey;
- Permit for mineral prospection;
- Permit for exploitation and permit for processing minerals of various kinds, except the permits for exploitation and permits for processing of minerals under the granting competence of the provincial People’s Committee defined in Clause 2 of this Article;
- Permits for exploitation, permits for processing minerals for use as common building materials in an area lying between two or several provinces or issued to a foreign organization or individual or a joint venture involving a foreign party.
2. The People�s Committee of a province shall issue the following kinds of permit in the area under local administrative jurisdiction:
- Permits for the full exploitation of minerals of various kinds in the areas already zoned off by the Ministry of Industry as provided for in Article 66 of this Decree;
- Permits for mining, permits for processing minerals used as common building materials and peat issued to organizations and individuals in the country, except permits to mine, and permits to process minerals of the categories under the issuing competence of the Ministry of Industry defined at Clause 1 of this Article.
3. The agency which has the competence to issue a kind of permit for mineral activities shall have the right to extend, withdraw or allow the return of that permit and to assign the right to mineral activities according to this kind of permit.
Chapter III
BASIC GEOLOGICAL INVESTIGATION OF MINERAL RESOURCES
Article 10.- Basic geological investigation of mineral resources comprises the following activities:
1. To investigate and discover the potential of mineral resources together with drawing the geological map of the area and conducting a specialized study on the geology of this area.
2. To evaluate the potential of mineral resources according to the kinds or groups of minerals and in the light of the prospect of the geological structure.
Article 11.- The activities in basic geological investigation of mineral resources shall be conducted according to the general plan and plans of the State.
The Ministry of Industry shall submit to the Government the general plan and plans for basic geological investigation of mineral resources and the Ministry of Planning and Investment shall evaluate and submit the plan to the Government for ratification.
The Ministry of Finance and the Ministry of Industry shall draw up the Regulation on the allocation, management and settlement of the State budget capital for the activities in basic geological investigation of mineral resources and submit it to the Government for promulgation.
Article 12.- The organizations conducting basic geological surveys of mineral resources have the following rights and duties:
1. To register their tasks and plan of operation in geological investigation as provided for by the Ministry of Industry;
2. To conduct activities of basic geological investigation of mineral resources according to the project already ratified and the assigned plan.
3. To abide by the process, rules and economic and technical norms for geological investigation issued by the Ministry of Industry.
4. To ensure the faithfulness and adequacy in the collection and compilation of the documents and information about the geology and minerals; to protect the State secrets concerning the information on minerals as prescribed by law.
5. To protect the environment, the mineral and other resources while conducting basic geological investigation.
6. To send the report on the results of the basic geological investigation on mineral recourses to the State geological archives and the samples of geology and minerals to the geology museum as prescribed by the Ministry of Industry.
7. To be commended and rewarded by the State when they have made meritorious accomplishments in geological research and the discovery of mineral resources.
8. To be allowed to send samples abroad for analyses and tests as prescribed by the Government.
Article 13.- All reports on the results of basic geological investigation of mineral resources must be evaluated, registered and submitted to the State geological archives as prescribed by the Ministry of Industry.
The State geological archives agency has to protect the State secrets on mineral resources and create favorable conditions for all organizations and individuals to use the results of the basic geological investigations of mineral resources and the information and documents on minerals as prescribed by the Ministry of Industry.
Article 14.- The Ministry of Industry shall provide details of the contents of the project of basic geological investigation on mineral resources; of the State registration of the tasks and plans for the activities in basic geological investigations of mineral resources, the State geological archives and geological museums, issue and guide the implementation of the regulatory documents, the norms and unit prices in basic geological investigations of mineral resources.
Chapter IV
ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS ENGAGED IN MINERAL ACTIVITIES
Article 15.- The organizations and individuals allowed to conduct mineral activities as prescribed by the Minerals Law shall include:
1. The Vietnamese organizations qualified under the legislation on State enterprises, private enterprises, stock companies and limited liabilities companies, cooperatives and other economic organizations whose founding objectives in mineral activities are allowed by the competent State agency which founds it, or allows its founding and registration or recognized it.
2. The foreign organizations or individuals or the joint ventures involving foreign parties operating in Vietnam according to the legislation on foreign investment in Vietnam.
Article 16.- The organizations and individuals mentioned in Article 15 of this Decree that wish to be granted an operating permit in mineral activities must have the necessary investment capital (including loans) in order to carry out the project. The prescribed capital of an organization or individual allowed to exploit minerals shall not be less than thirty per cent (30%) of the total estimated investment capital of the project applying for permission to exploit minerals.
Article 17.- The organization or individual conducting mineral prospection must have the necessary technical equipment and professional standard as prescribed by the Ministry of Industry.
Article 18.- An organization or individual allowed to exploit minerals shall conduct their exploitation activities as defined in the permit only if the executive director has the managerial standard and capacity in mining recognized under Article 36 of the Minerals Law; the Ministry of Industry shall issue an appropriate regulation concerning the exploitation of mineral water or natural hot water or full exploitation.
The Minister of Industry shall issue the criteria for the required standard and capacity of the executive director of a mine.
Chapter V
AREA, SCOPE AND DURATION OF MINERAL ACTIVITIES
Article 19.- The areas banned to mineral activities are areas which need protection or are specifically reserved for important objectives of the State or society as prescribed by law.
1. The areas banned to mineral activities comprise the following:
- Areas with historical and cultural relics already classified and registered;
- National preserves, protection forests, geological protection areas;
- Areas exclusively devoted to defense and security purposes;
- Areas within the corridor for the protection of dykes, embankments, river banks, bridges, national highways and railways;
- Areas exclusively reserved for religious practices;
- Urban areas or areas with important infrastructures.
2. The Ministry of Defense, the Ministry of the Interior, the Ministry of Culture and Information, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall, within their functions, tasks and powers, have to coordinate with the People’s Committees of the provinces to set the delineation between the areas banned to mineral activities within the scope of administrative jurisdiction of each province. The President of the People’s Committee of the province shall submit the report to the Government for decision and inform in writing the Ministry of Industry of the areas banned to mineral activities.
3. With regard to the areas temporarily banned to mineral activities for any reason as prescribed by law, the State agency with managerial competence over these areas shall have to inform by writing the Ministry of Industry and the provincial People�s Committee.
4. The exploitation of subsoil minerals within the areas banned to mineral activities without using the surface ground shall also have to get the written consent of the State agency with managerial competence over these areas.
Article 20.- The areas with restrictions to mineral activities are areas where the State decides to restrict such activities in one of the following forms:
- To give exclusive right to mineral activity to one or a number of organizations of the State;
- To limit the production output;
- To limit the export of products of the exploitation.
The areas with restrictions to mineral activities shall be prescribed in a separate document of the Government.
Article 21.- The areas submitted to bidding in mineral activities comprise the following:
- Areas where lie minerals which, under Government regulation, must be submitted for bidding in prospection and exploitation activities;
- Areas or mineral mines which have been explored with State capital and which are now submitted to bidding or to the selection of bidders for exploitation.
Article 22.-
1. The area to be surveyed and allotted to one mineral exploration permit shall not exceed two thousand square kilometers (2,000 km2) to be zoned off according to square coordinates without limitation as to the kinds of minerals to be surveyed in the area. In special cases where an area of more than 2,000 square kilometers is needed, the Ministry of Industry shall have to submit the project to the Prime Minister for consideration and decision before granting the permit.
2. The permit for mineral survey can be granted to a number of organizations or individuals operating in the same area. An organization or individual that is the first to apply for exploration and exploitation according to the procedures prescribed by law shall be given priority consideration.
Article 23. -
1. The term of a mineral survey permit shall not exceed twelve (12) months.
2. The permit for mineral survey in an area of one hundred square kilometers (100km2) and more may be extended once but for no more than twelve (12) months on the following conditions at the time of the application for extension:
- No other organization or individual has earlier applied for exploration in that area;
- The organization or individual that is allowed to conduct the survey has discharged all its duties as prescribed in the earlier permit;
- The permit for mineral survey shall remain effective for at least thirty days.
- The organization or individual that is allowed to survey for minerals has to file the report on the survey results to the Ministry of Industry explaining the reason for the application for extension of the permit and the program for continued survey attached to the application for extension of the permit.
3. No extension shall be granted to a permit for mineral survey in an area of less than one hundred square kilometers (100 km2).
Article 24.-
1. The area issued with a permit to prospect for minerals which are precious metals and gemstones shall not exceed fifty square kilometers (50km2). In special cases where an area larger than 50km2 is needed, the Ministry of Industry shall have to submit the project to the Prime Minister for consideration and decision before granting the permit.
2. The area issued with a permit to prospect for coal and metal minerals (excluding precious metals) and non-metal minerals (except common building materials) on the mainland with or without water surface shall not exceed one hundred square kilometers (100 km2). In special cases where an area larger than 100 km2 is needed, the Ministry of Industry shall have to submit the project to the Prime Minister for consideration and decision before granting the permit.
3. The area issued with a permit for prospection of minerals of all types on the continental shelf shall not exceed two hundred square kilometers (200 km2). In special cases where an area larger than 200 km2 is needed, the Ministry of Industry shall submit the project to the Prime Minister for consideration and decision before granting the permit.
4. The area issued with a permit for prospection of minerals for use as common building materials on the mainland, with or without water surface, shall not exceed two square kilometers (2 km2).
5. The area issued with a permit for prospection of mineral water and natural hot water shall not exceed one square kilometer (1km2).
6. An organization or individual that meets all the conditions prescribed in Articles 15 and 16 of this Decree may be granted many permits for prospection but not more than five permits and the total area of prospection of these permits shall not exceed five times the area prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this Article.
Article 25.- The term of a permit for mineral prospection, including the time for making the report on the results of the prospection and the feasibility report on prospection shall be at least six month (6) months and at most twenty four (24) months. Extension shall be granted on the following conditions:
1. At the time of the application for extension, the organization or individual that has been allowed to prospect for minerals has discharged all their duties prescribed in the earlier permit; the permit for exploration shall remain effective for at least thirty (30) days.
2. For each extension, the organization or individual has to return at least thirty per cent (30%) of the area of prospection under the earlier permit.
3. That organization or individual shall have to send to the Ministry of Industry attached to the application for extension of the permit a report on the results of the prospection and the real expenses, the explanation of the reason for the extension application, and the program, plan and expenses for the continued prospection.
4. A permit for mineral prospection defined in Clauses 1, 2 and 3 of Article 24 of this Decree shall be given at most two extensions, but the total duration of these extensions shall not exceed twenty four (24) months; in case the prospection permit has been extended and the total period of prospection is forty eight (48) full months and the organization or individual that has been allowed to prospect for minerals has fully achieved or exceeded the volume of work and expenses according to the plan without, however, gathering enough grounds to draw up the feasibility report or needs more time to study the feasibilities for exploitation, the prospection permit shall be renewed if that organization or individual files a valid application.
5. A permit for mineral prospection defined in Clauses 4 and 5 of Article 24 of this Decree shall be extended only once and the extension shall not exceed twelve (12) months.
Article 26.- The area of exploitation of minerals for a permit shall be determined on the basis of the feasibility report on mineral exploitation which has been evaluated and accepted as prescribed in Article 44 of this Decree.
Article 27.- The term of a permit for mineral exploitation shall be determined on the basis of the feasibility report on mineral exploitation which has been evaluated and accepted as prescribed in Article 44 of this Decree but shall not exceed thirty (30) years. Extension shall be granted on the following conditions:
1. At the time of the application for extension the organization or individual that is allowed to exploit minerals has discharged all their duties as prescribed by the Mineral Law and other provisions of law.
2. The permit for exploitation remains valid for at least three (3) months.
3. The application for extension sent to the agency with competence to grant the permit shall be attached with a report summing up the result of the exploitation up to the time of the application for extension, the area and reserve of the untapped minerals at the mine, together with the program and plan for continued exploitation...
4. A permit for mineral exploitation may be extended for several times on the basis of the continuation of the plan for prospection and the consent of the agency with competence to issue the permit, but the total extension shall not exceed twenty (20) years.
Chapter V
SOME REGULATIONS ON FINANCIAL MATTERS AND PROPERTY RIGHT
Article 28.- The permit fees are the fees levied on the granting and extension of various kinds of permits for mineral activities.
The Ministry of Finance shall provide for the levels and the procedures for collecting, remitting, managing and using various kinds of permit fees.
Article 29.-
1. The fee for exclusive right of prospection shall be calculated by the area units in the exploration area and the effective term of the mineral prospection permit according to the following regulations:
1st year: 200,000 Dong/km2/year or 20 USD/km2/year;
2nd year: 300,000 Dong/km2/year or 30 USD/km2/year;
3rd year: 400,000 Dong/km2/year or 40 USD/km2/year;
4th year onward: 500,000 Dong/km2/year or 50 USD/km2/year.
2. The fee for the exclusive right of prospection shall not apply to a prospection permit of which the effective term including extensions is less than twelve (12) months and also shall not apply to prospection activities in the area of exploitation by the allowed organization or individual.
The Ministry of Finance shall provide for the procedures for the collection, remittance, management and use of the fee for exclusive prospection right.
Article 30.- The remittance of advance money for a prospection permit shall be effected only once at the time of the granting of the mineral exploitation permit effective for six months and more; it shall not apply to a prospection permit effective for less than six (6) months and shall not apply to a permit directly funded by State investment capital.
The advance money shall represent twenty five per cent (25%) of the value of the estimated expenses on prospection for the first prospection year. It shall be written in the prospection project or plan already accepted by the permit issuing agency.
If six (6) months after the mineral prospection permit takes effect, the prospection cannot be undertaken while the permit is invalidated, the advance money shall be remitted to the State budget.
If six (6) months after the permit for mineral prospection takes effect the prospection is conducted according to plan, the organization and individual that has been granted the prospection permit may retrieve their advance money.
The organization and individual that is allowed to prospect for minerals is entitled to use the form of a deposit at a Vietnamese bank or a foreign bank which has been licensed to operate in Vietnam instead of making an advance payment.
The Ministry of Finance shall guide the filling of procedures for remitting, registering and managing the advance money or the deposit with regard to the permits for mineral prospection.
Article 31.- The minimum prospection cost calculated by Vietnam Dong/km2/year or USD/km2/year is the minimum expense to carry out the technical engineering services in mineral prospection on every square kilometer within a year (12 months after the permit takes effect). The projected cost of the prospection project must not be lower than the minimum cost of prospection.
The Ministry of Industry shall set the minimum prospection fee for each concrete prospection project when issuing or extending a mineral prospection permit.
Article 32.- With regard to a mineral prospection permit for precious metals and gemstones, irrespective of the area and a permit to prospect for other minerals over an area of from one hundred square kilometers (100 km2) upward, of which the effective term is up to two (2) years (24 months after the permit takes effect) and of which the actual prospection cost to carry out the project within a two (2) years period is lower than the projected minimum cost prescribed by the Ministry of Industry, the difference in value shall have to be remitted to the State budget when the prospection permit expired or is extended.
Article 33.- An organization or individual that is issued a prospection permit shall have to achieve a volume of prospection and expenses corresponding with the project and the prospection plan already accepted by the Ministry of Industry.
In case the actual prospection cost of the previous year is bigger than the estimate and the prospection plan in the year the excess expenses shall be accounted for in the actual cost of the following year.
Article 34.-
1. An organization or individual using the information data of the State on the results of mineral survey and prospection shall have to pay to the State according to the mode of package payment or installment payment according to the output of the exploitation.
2. An organization or individual that has completed the payment for the use of the information on the result of the mineral survey or prospection of the State according to the mode of package payment is fully entitled to use or assign this information to another organization or individual.
3. An organization or individual allowed to pay for the use of the information on the results of the mineral survey and prospection of the State under the mode of installment payment according to the output of exploitation is entitled to use this information for their mineral activities but is not allowed to assign, sell or disclose this information to another organization or individual.
The Ministry of Finance and the Ministry of Industry shall provide guidance for the method to determine the value, modalities and procedures of payment of the cost of using the data and information on the results of the mineral survey and prospection of the State.
Article 35.-
1. An organization or individual that is allowed to conduct mineral activities is entitled to use or assign the information on the results of the mineral survey and prospection in which they have invested in all survey and prospection activities.
2. An organization or individual that is allowed to conduct mineral activities, when using part or the whole of the State investment in the mineral survey and prospection, is not entitled to supply or assign the information on the results of the survey and prospection to another organization or individual, except when such information is supplied to the competent State agencies or agencies that have the responsibility of managing and using them as prescribed by law.
3. If six (6) months after the permit for mineral prospection expires the organization or individual that is allowed to conduct the prospection does not apply for exploitation, or if six (6) months after the mineral exploitation permit expires the organization or individual that is allowed to conduct the exploitation does not apply for extension of the permit, the competent State agency is entitled to supply the information on minerals related to these permits to other organizations or individuals.
Article 36.- When permitted to assign or legate the right to prospect or the right to exploit a mineral, an organization or individual that is allowed to conduct prospection or exploitation of this mineral is entitled to assign or legate all properties under their lawful ownership, including the data and information, geological and mineral samples and the constructions and equipment already built up and the furnishments associated with the mining land.
In case the right to mineral exploitation is eligible for assignment, the land lease contract shall be renewed without having to go through the procedure of assignment of the land use right.
The assignment of properties which come under State ownership and which have been assigned for use to an organization or individual allowed to conduct mineral prospection or exploitation shall comply with the provisions of law.
Article 37.- When the permit for mineral prospection or exploitation ceases to be valid, the ownership over the properties related to the mineral prospection or exploitation shall comply with the provisions in Point b, Clause 2 of Article 30 and Points b and c, Clause 2 of Article 40 of the Minerals Law.
The Ministry of Finance and the Ministry of Industry shall provide guidance for the method of determining the value of the assigned properties and the procedure of transferring the properties by the organization or individual that has been allowed to conduct mineral prospection or exploitation to the State in case the permit becomes invalid as prescribed by the Minerals Law and other provisions of law.
Article 38.- The organization or individual that is allowed to exploit minerals shall have to deposit at a Vietnamese bank or a foreign bank which is allowed to operate in Vietnam a sum to ensure the restoration of the environment and the land after the completion of the operation of each part of the area as well as when the mine is closed.
The amount of deposit for the restoration of the environment and the land shall be based on the process and tempo of exploitation and restoration and the estimated cost for restoration determined in the feasibility report, the mine design and the report on the evaluation of the impact on the environment already examined and accepted by the competent State agencies.
The Ministry of Finance and the Ministry of Industry, the Ministry of Science, Technology and Environment shall stipulate the method of determining the amount of deposit to restore the environment and the land in mineral exploitation and guide the filling of the procedure for its registration, management and use.
Article 39.- The Ministry of Finance shall elaborate and submit to the Government for promulgation the regime of distribution and use of the State revenues in the mineral activities in implementation of the policy of protecting the interests of the local population where the mineral is exploited and processed as provided for in Article 7 of the Minerals Law and protecting the untapped mineral resources.
Article 40.- With regard to the mines having a strategic role in the socio-economic development plans of the whole country but for which the raising of investment from other sources is meeting with difficulties, the State enterprise may borrow preferential credits from State capital in order to invest in mineral survey and prospection; in special cases, the Prime Minister shall decide the allocation of State capital to directly invest in prospection. The State investment in mineral prospection shall have to be recovered gradually after the mine begins operation. In case of incident, it shall be considered for reduction or exemption at the proposal of the Ministry of Industry, the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.
Chapter VII
EVALUATION AND RATIFICATION OF PROJECTS AND REPORTS IN MINERAL ACTIVITIES
Article 41.- An organization or individual that is allowed to conduct mineral activities may on its own or through its consultancy organizations or specialists in geology and mining with legal person status draw up or evaluate the projects and programs, mine designing and mine closure in mineral activities.
Article 42.-
1. The Ministry of Industry shall evaluate the project on mineral survey or prospection before deciding to grant permit for survey or prospection.
2. The evaluation of a project comprises the following:
- Location, boundary and area;
- Geological foundations and the objectives of the survey and prospection (the kind of mineral, quantity, extent of the study);
- Technique and technology;
- Impact on the environment and ecology, on the natural resources, constructions and other properties;
- Duration and tempo of operation;
- Estimated cost.
3. The Minister of Industry shall base himself/herself on the evaluation result to ratify the projects on survey and prospection partially or wholly funded by State capital.
4. With regard to the projects which do not use State capital, the contents of the ratification of the project are stated in the permit for survey and the permit for prospection.
Article 43.-
1. All reports on the results of mineral prospection partially or wholly financed by State capital shall have to be evaluated and ratified before they are sent to the State geology archives or for use in the feasibility study for mineral exploitation.
2. Even if it is used only as a document to study the feasibility for mineral exploitation, the report on the prospection result conducted without State funding shall have to be evaluated by a competent State agency stipulated in Clauses 4 and 5 of this Article.
3. Requirements and contents of the evaluation of a report on mineral prospection:
- Reliability of the quantity and quality of the mineral including the accompanying minerals; detection of defects in the prospection leading to the overlooking of mineral resources;
- The extent and quality of the determination of the hydrological geology, construction geology, the various conditions on technique and technology related to the selection of the technology of exploitation, processing and rational use of the mineral resource;
- The result of the prospection, effectiveness of the prospection investment (if State capital is used) compared to the objective of the project which has been evaluated, accepted or ratified.
4. The Ministry of Industry shall evaluate and ratify the reports on the prospection for minerals used as common building materials. Such reports shall be used as documents to study the feasibility of exploitation.
5. The Council for evaluation of mineral reserve shall evaluate and ratify the reserve in the reports on prospection used as documents to study the feasibility of exploitation of various minerals except those used as common building materials.
Article 44.-
1. The evaluation and ratification of the feasibility studies for mineral exploitation in the investment projects in the country shall comply with the provisions of the Statute on the Management of Investments and Construction promulgated by the Government.
2. The evaluation of a feasibility report on mineral exploitation in the projects of foreign direct investment shall comply with the provisions of the Statute on the Formation, Evaluation and Implementation of the Foreign Direct Investments issued by the Government.
Article 45.-
1. The organization or individual that evaluates a mining design must be an organization or individual whose interests are independent from the designing organization or individual and is answerable before law on the results of its evaluation.
2. A mine design in the investment projects for mineral exploitation using State capital shall have to be evaluated and ratified according to the following regulations:
a/ The design of a mine project in Group A shall be ratified by the Minister of Industry;
b/ The design of the remaining mining projects shall be ratified by the Head of the agency competent to decide the investment.
3. The design of a mining project directly invested by foreigners shall be evaluated by the Minister of Industry.
4. The design of a mining project of the non-State sectors shall be evaluated by the specialized agency of the agency with competence to issue the permit for mineral exploitation.
5. The Ministry of Industry shall provide for detailed guidance of the contents of the design and the procedures for evaluation and ratification of the mining designs.
Article 46.- The Ministry of Industry shall provide for the regime and contents of the periodical reports on mineral activities.
Article 47.- All projects to close a mine must be evaluated and ratified as to the contents and requirements for safety, restoration of the environment and land and other requirements stipulated in Points b and d, Clause 2, Article 40 of the Minerals Law.
The Ministry of Industry shall issue detailed regulations for the closure of a mine.
Chapter VIII
PRINCIPLES AND PROCEDURES FOR GRANTING PERMITS FOR MINERAL ACTIVITIES, ASSIGNING AND LEGATING THE RIGHT TO PROSPECTION, EXPLOITATION OR PROCESSING OF MINERALS
Article 48.- The main bases for considering the granting of permits for mineral activities are the following:
1. The State strategy for socio-economic development in general and particularly the strategy for the development of the industries related to minerals such as energy, metallurgy, building materials, fertilizers, chemicals, transport and the production and trading of mineral materials.
2. The Party and State policy on mineral resources and the strategy and planning on development of the mining industry in each province, region and area and in the whole country in conformity with the strategy for socio-economic development and the strategy for the development of various branches of industries in each period.
3. The social and economic efficiency of the concrete mineral activities associated with the requirements of ensuring security and defense, the protection of the ecological environment, the protection and rational use of natural resources in general and the protection of historical and cultural relics and the other public interests as provided for by related legislation.
4. The financial conditions, the legal qualification of the project owner (investor) as prescribed by law and other concrete conditions defined in this Decree.
Article 49.- Apart from the main bases defined in Article 48 of this Decree, the granting of permits for mineral prospection shall have to solicit the written comments of the provincial People�s Committee as regards the area and boundary of the prospection, excluding the areas already banned to mineral activities.
In special cases where prospection or exploitation of minerals may be conducted in the areas banned or temporarily banned to mineral activities as provided for in Article 19 of this Decree, the granting of prospection permits must have the written consent of the State agency with competence to manage the objects to be protected in the said area concerning the boundary of the prospection area and the conditions regarding the prospection work related to the protection of these objects.
Article 50.- The granting of permit for exploitation or processing of minerals shall be based on the documents evaluating and deciding to ratify the feasibility report of the agency with competence of evaluation defined in Article 44.
Article 51.- Before deciding to grant a permit for mineral exploitation, the application and dossier receiving agency shall have to solicit the opinions of the State agencies competent in land lease and in the management of other resources and resources related to mineral exploitation activities, if there have not been the written consent of these agencies or the provincial People�s Committee before the granting of the prospection permit.
The applicant (investor) shall have to investigate the state of the land in use, the crops and properties associated with the land, the opinions of the land users within the area applied for mineral exploitation and transmit these information to the application receiving agency.
In case of necessity, the application receiving agency may make public the application on the mass media at least twenty five (25) days before the granting of the exploitation permit in order to gather the related opinions, if any.
The consulted agencies shall, within their competence, have to reply to the application receiving agency or the applicant within twenty five (25) days at the latest after receiving the request for comments.
Article 52.-
1. Upon receipt of the valid application and dossier for the issue of permit of investment in mineral exploitation or processing with capital directly invested by a foreign country, the Ministry of Planning and Investment shall have to coordinate with the Ministry of Industry in considering and gathering the opinions of the concerned agencies and submit the matter to the Government for decision or decide itself by virtue of its own competence after getting the written consent of the Ministry of Industry.
2. A foreign organization or individual or a joint venture with a foreign party that has been granted a permit for prospection shall enjoy a number of privileges accorded to an investment permit, such as tax-free importation of prospection equipment' office and laboratory equipment (if needed) aimed at realizing the prospection plan already ratified. The Ministry of Planning and Investment shall provide for the detailed privileges of a foreign organization or individual or joint venture with a foreign partner willing to invest in mineral prospection after consulting the concerned agencies.
3. The permit for mineral exploitation or processing issued to a foreign organization or individual or a joint venture with a foreign partner issued together with or after the granting of the investment permit shall comply with the Law on Foreign Investment in Vietnam.
4. An investment permit granted to a foreign organization or individual or a joint venture with a foreign partner for the realization of a mineral exploitation project may also include activities in prospection, exploitation and processing of mineral.
Article 53.- The time limit for evaluating the dossier of application for a permit for mineral activities, including the time for collecting the opinions of the concerned agencies shall be at most sixty (60) days after receipt of the full valid papers of an organization or individual in the country and ninety (90) days after receipt of the full valid dossier of a foreign organization or individual of a joint venture with a foreign partner.
Ten (10) days at the latest after this time limit the competent agency shall have completed the issue of permit or sent a written answer to the applicant for the permit .
Article 54.- After the permit for mineral activity has been issued as provided for in this Decree, the competent State agencies at the central and local levels shall have the responsibility to settle expeditiously the conditions related to the renting of land, the use of the infrastructure and other related conditions so that the licensed organization or individual can begin their mineral activities.
Article 55.- The organization or individual allowed to conduct mineral activities is entitled to return part of the area or the permit for mineral activities on the following conditions:
1. They have discharged all their obligations as prescribed by law until the moment they apply to return the permit and have restored the environment, the land and ensure safety in the area which is to be returned.
2. Within three (3) months after the prospection permit is returned, the organization or individual that is allowed to conduct the prospection shall have to discharge all their duties stipulated in Point b, Clause 2, Article 30 of the Minerals Law.
Within no more than six (6) months after the exploitation permit is returned, that organization or individual must fully discharge their obligations prescribed in Points b, c and d, Clause 2, Article 40 of the Minerals Law.
3. The competent agency which has issued the permit shall give a written permission to return the permit.
Article 56.- The assignment of the right to prospection and exploitation of minerals must comply with the following regulations:
1. An organization or individual permitted to conduct mineral prospection or exploitation can only assign this right to another organization or individual for continued discharge of this right and obligation already defined in the permit and the provisions of law.
2. The assigned properties, documents and value as well as the financial obligations of the organization or individual permitted to conduct mineral prospection or exploitation which have not been completed and are now assigned together the assignment of the prospection and exploitation right must be inventorized fully and truthfully and clearly determined in the assignment contract between the parties.
3. Together with the contract and the application for assignment of the right to prospection or exploitation, the organization or individual permitted to conduct prospection or exploitation must send a report on the prospection or exploitation up to the time of the application for assignment.
4. The organization or individual that accepts the assignment of the right to mineral prospection or exploitation must meet all the legal conditions stipulated in Article 15 of this Decree.
5. If the organization or individual that accepts the assignment is a foreign organization or individual or a joint venture with a foreign partner, it must have an investment permit issued by the Ministry of Planning and Investment as provided for by the Law on Foreign Investment in Vietnam.
6. The assignment of the right to prospection or exploitation by an organization of individual permitted to conduct mineral prospection or exploitation must be permitted by the competent agency which has issued the permit and must pay tax as prescribed by law.
Article 57.- The right to mineral prospection and exploitation of an individual permitted to conduct prospection and exploitation activities may be legated if the lawful property inheritor of that individual fully meets the conditions stipulated in Articles 15 and 16 of this Decree. If the lawful property inheritor of an individual permitted to conduct mineral prospection or exploitation does not gather all the conditions to continue the activity as provided for in the permit, the following solutions may be applied:
1. The lawful property inheritor of the individual permitted to conduct prospection or exploitation may assign the right to mineral prospection or exploitation under the terms of the permit if the practical conditions do not contravene the provisions of Article 56 of this Decree.
2. If the permit for mineral prospection or exploitation is withdrawn, the property inheritor of the individual permitted to conduct mineral prospection has the right and obligation as stipulated in Point b, Clause 2, Article 30 of the Minerals Law; the lawful property inheritor of the individual permitted to conduct mineral exploitation has the rights and duties stipulated in Points b, c and d Clause 2, Article 40 of the Minerals Law.
Article 58.- A permit for mineral prospection shall be withdrawn under the terms of the provisions of Article 24 of the Minerals Law. In case the organization or individual permitted to conduct prospection violates one of the provisions of Article 23 of the Minerals Law, the time limit permitted for overcoming consequences shall not exceed thirty (30) days after the State minerals management agency of the Ministry of Industry issues a written notice.
Article 59.- A permit for mineral prospection shall be withdrawn according to the stipulations in Article 29 of the Minerals Law. In case the organization or individual permitted to conduct prospection violates one of the provisions in Article 27 of the Minerals Law, the time limit allowed for overcoming the consequences shall not exceed sixty (60) days after the State mineral management agency of the Ministry of Industry issues a written notice.
Article 60.- A permit for mineral exploitation shall be withdrawn under the provisions of Article 39 of the Minerals Law. In case an organization or individual permitted to conduct exploitation activities violates one of the provisions in Article 33 of the Minerals Law, the time limit allowed for overcoming the consequences shall not exceed ninety (90) days after the State mineral management agency of the Ministry of Industry or the Industrial Service issues a written notice under their jurisdiction.
Article 61.-
1. A permit for mineral processing shall be issued to an organization or individual that is not allowed to conduct mineral exploitation on the following conditions:
a/ The application meets all the conditions prescribed in Articles 15 and 16 of this Decree.
b/ The applicant must send a feasibility report on mineral processing attached to the application together with the technological plan already evaluated, ratified and accepted as prescribed in Article 44 of this Decree.
c/ There must be a report on the evaluation of the impact on the environment verified and ratified by the competent State agency.
2. The duration of a permit for mineral processing shall be based on the fesasibility report for each project and in accordance with the investment permit or investment decision.
3. A permit for mineral processing shall be withdrawn if the licensed organization or individual violates one of the provisions on obligations stipulated in Article 45 of the Minerals Law.
4. The assignment and legating of the right to mineral processing shall comply with the corresponding stipulations in Articles 56 and 57 of this Decree.
Article 62.- The exploitation of minerals for use as common building materials shall not need a permit in the following cases:
1. The exploitation of minerals for common building materials in the framework of projects of construction of State infrastructures such as dams, canals of hydro-electric power plants, irrigation works, leveling of road beds, tunneling, dredging of rivers and lakes, ports, underground defense works and other State projects of similar character, on condition that the mineral is not exploited outside the construction area, the projects are not sold and the investment projects and construction designs have been expertized and ratified as prescribed by law.
2. The full collection, transport and use of the land and rock fills of the operating mine of which the main product is not a mineral for use as common building material.
3. The exploitation of mineral for use as common building material within the area assigned by the State to the organizations and individuals for use.
Article 63.- The exploitation of different kinds of soil to supply materials for land fill in the construction of urban projects shall be allowed on the basis of ensuring the following requirements:
- There must be a geological survey documents about the exploitation area proving that there is no other mineral of higher value and such document is certified in writing by the Industrial Service.
- The land where exploitation is applied for is not agricultural land or protection forest land.
- The exploitation activities do not adversely affect the ecological environment or the landscape of the area or damage the public projects, infrastructures, historical and cultural relics.
- The exploitation has got permission from the provincial People�s Committee.
Article 64.- The Ministry of Industry shall provide detailed guidance about the procedure for the issue, extension and permission to return the permit for mineral activity, permission of assignment and legation of the right to prospection, exploitation and processing of mineral and the registration of the mineral activities for unified implementation throughout the country.
Chapter IX
FULL EXPLOITATION
Article 65.- Full exploitation is a form of mineral activity in accordance with the following conditions:
1. The survey of the whole area where operation is allowed before exploitation begins is not compulsory.
2. The volume of digging including stone and earth and mineral for a permit of full exploitation issued for an individual (not an enterprise) shall not exceed five thousand (5,000) tons/year and not exceed one hundred thousand (100,000) tons/year for an organization.
3. The tools and method used in the full exploitation activities must be primarily handicraft although small mechanized means may be used in some stages of the exploitation; in case explosive is used, it must be handled by specialized personnel who have gone through training and examination and provided with certificates as prescribed by law; no toxic chemicals are allowed.
4. In case the organization is an enterprise responsible before law to organize for an individual (not an enterprise) to conduct full exploitation in the form of contract or card of full exploitation, the annual exploitation output of each contract or card of full exploitation shall comply with the prescriptions for the permits for full exploitation issued to individuals (not enterprises).
5. Each individual shall be issued only one permit for full exploitation.
Article 66.- The areas eligible for a permit for full exploitation comprise the following:
1. Areas where the mineral is distributed unevenly and where investment for industrial-scale exploitation shall not be economically efficient.
2. Areas with only minerals for use as common building materials and where social and economic conditions as well as the demand for consumption do not justify investment for industrial scale exploitation.
3. A mining area where a decision has been issued to close the mine and where the conditions for exploitation does not justify economic efficiency of industrial exploitation investment.
Article 67.- The Ministry of Industry shall zone off the areas meeting the conditions stipulated in Article 66. When requested by the locality, it shall hand them over to the provincial People�s Committee for management, and shall issue permits to the eligible organizations or individuals for full exploitation of all kinds of mineral except the minerals and areas otherwise stipulated by the Government; no permit for full exploitation shall be issued to the areas not yet zoned off and handed over to the provincial People�s Committee by the Ministry of Industry.
Article 68.- The area for full exploitation by a permit issued to an organization shal not exceed twenty (20) hectares, and to an individual (not an enterprise) shall not exeed one (1) hectare.
Article 69.- The term of a full exploitation permit shall not exceed thirty (30) months. It can be extended many times but the total of extensions shall not exceed twenty four (24) months on the following conditions at the time of the application for extension:
1. The organization or individual that is issued with a permit for full exploitation has accomplished all their duties stipulated in Article 52 of the Minerals Law.
2. The area applying for extension still conforms with the mode of full exploitation as provided for by the Minerals Law and in Articles 65 and 66 of this Decree.
3. The statute of limitation of the exploitation permit remains valid for at leat thirty (30) days.
Article 70.- A permit for full exploitation shall be withdrawn according to stipulations in Article 53 of the Minerals Law. In case of a new discovery of mineral and the area under operation for full exploitation no longer conforms to the form of full exploitation, the permit for full exploitation shall be withdrawn and the consequence shall be settled according to the following regulations:
1. The organization or individual allowed to conduct full exploitation must move the whole of their properties out of the mining area, restore the environment and land and shall be paid compensation by the organization or individual that has been previously allowed to conduct mineral exploitation in the area where the permit for full exploitation has been withdrawn; in case no organization or individual is allowed to conduct mineral activities in that area or the permit for full exploitation is withdrawn as stipulated in Clause 2, Article 14 of the Minerals Law, the losses incurred by the organization or individual allowed to conduct full exploitation shall be appropriately settled by the provincial People’s Committee.
2. If the organization or individual that is allowed to conduct full exploitation is qualified to set up an enterprise for mineral activities as stipulated in Articles 15 and 16 of this Decree, they shall be granted a new permit for mineral activities in the area where the permit for full exploitation has been withdrawn.
Article 71.- The organization or individual that is allowed to conduct full exploitation may ask the State agencies, the scientific and technological organizations and the State enterprises conducting mineral activities to guide and help in technique and technology. These organizations shall have to meet the reasonable demands of the organization or individual allowed to conduct full exploitation.
Article 72.- Basing itself on the provisions of the Minerals Law and this Decree, the provincial People�s Committee shall stipulate in detail the management and the issue of permits for full exploitation in conformity with the local conditions after consulting the Ministry of Industry.
Chapter X
SPECIALIZED INSPECTION ON MINERALS
Article 73.- The State management agency on minerals of the Ministry of Industry and the provincial/municipal Industrial Service shall perform its function of specialized inspection on minerals (hereafter referred to as Mineral Inspectorate).
The tasks and powers of the Mineral Inspectorate shall comply with the stipulations in Articles 59 and 60 of the Minerals Law, the Government Decree on Sanctions Against Administrative Violations in the Management of Minerals and the Statute on the Organization and Activities of the Mineral Inspectorate.
Article 74.- The Mineral Inspectorate shall comply with the provisions of the legislation on labor safety, labor hygiene and environmental protection. It shall coordinate with the State Inspectorate on labor and the specialized inspectorate on environmental protection to perform its duty of controlling and inspecting labor safety and hygiene in mineral activities, especially in mineral exploitation activities; cooperate with the State Inspectorate of different branches and levels to settle complaints and denunciations by organizations or individuals in mineral activities.
Article 75.- The Ministry of Industry shall issue a Statute on the Organization and Activities of the Mineral Inspectorate after consulting the Government Commission on Organization and Personnel, the State Inspectorate, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Health and the Ministry of Science, Technology and Environment.
Chapter XI
IMPLEMENTATION PROVISIONS
Article 76.- This Decree replaces Decree No.95-HDBT of March 25, 1992 of the Council of Ministers on the implementation of the Ordinance on Mineral Resources.
The earlier regulations on the management, protection and basic investigation of mineral resources and mineral activities which are contrary to this Decree are now annulled.
Article 77.- The Ministers, the Heads of ministerial-level agencies, the Heads of the agencies attached to the Government, the Presidents of the People’s Committees of the provinces and cities directly under the Central Government shall have to implement this Decree.
The Minister of Industry, the Heads of the Ministries and branches concerned shall submit to the Government for promulgation documents attached to this Decree and shall have to provide detailed guidance and monitor and control the implementation of this Decree.
Article 78.- This Decree takes effect from the date of its signing.
 

 
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Vo Van Kiet
 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản tiếng việt
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 68/CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 3940/QĐ-BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Quyết định 4737/QĐ-BNN-TCLN ngày 02/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư không thuộc đối tượng quản lý như động vật hoang dã quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ

Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp

văn bản mới nhất