Quyết định 1134/QĐ-BNN-TCLN 2016 Quy hoạch phát triển cây Mắc ca đến 2020
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 1134/QĐ-BNN-TCLN
Cơ quan ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1134/QĐ-BNN-TCLN |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Hà Công Tuấn |
Ngày ban hành: | 05/04/2016 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp-Lâm nghiệp |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Quyết định 1134/QĐ-BNN-TCLN
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN Số: 1134/QĐ-BNN-TCLN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY MẮC CA VÙNG TÂY BẮC VÀ TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020, TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030”
-------------------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP, ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP, ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT, ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030” với những nội dung chính sau đây:
I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH
1. Mắc ca là cây trồng mới ở Việt Nam; các kết quả nghiên cứu khoa học về chọn giống, về đánh giá khả năng thích nghi, về kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến... đang hoàn thiện; thị trường tiêu thụ sản phẩm cần phát triển từng bước vững chắc để khẳng định về hiệu quả kinh tế, xã hội.
2. Quy hoạch phát triển Mắc ca trên cơ sở phát huy lợi thế về tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương; phù hợp với định hướng quy hoạch ngành và sản phẩm.
3. Phát triển Mắc ca gắn với tạo vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ mới từ khâu sản xuất giống đến gây trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh.
4. Phát triển Mắc ca trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực các thành phần kinh tế là chủ yếu, Nhà nước tạo cơ chế và bảo hộ sản xuất theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
Định hướng quy mô trồng và chế biến Mắc ca tại các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030, đảm bảo cây Mắc ca phát triển bền vững.
III. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH
1. Quy mô, địa điểm trồng Mắc ca
a) Giai đoạn đến năm 2020
Tổng diện tích trồng Mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên khoảng 9.940 ha, trong đó:
- Vùng trồng thuần tập trung khoảng 2.350 ha, dự kiến như sau:
+ Vùng Tây Bắc 1.800 ha: Tỉnh Sơn La 390 ha tại các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La; tỉnh Điện Biên 460 ha tại huyện Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên và TP Điện Biên Phủ; tỉnh Lai Châu 950 ha tại huyện Than Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè;
+ Vùng Tây Nguyên 550 ha: Tỉnh Kon Tum 170 ha tại huyện Kon Plông, Đắk Glei, Tu Mơ Rông; tỉnh Gia Lai 50 ha tại huyện K’Bang; tỉnh Đắk Lăk 60 ha tại huyện Ea Kar; tỉnh Đắk Nông 270 ha tại huyện Tuy Đức.
- Trồng xen với cây trồng khác khoảng 7.590 ha, chủ yếu là trồng xen trong diện tích cây cà phê, chè... như sau:
+ Vùng Tây Bắc 1.650 ha: Tỉnh Hòa Bình 200 ha tại huyện Lương Sơn, Lạc Thủy; tỉnh Sơn La 760 ha tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và TP Sơn La; tỉnh Điện Biên 610 ha tại huyện Tuần Giáo, Mường Ẳng, Điện Biên và TP Điện Biên Phủ; tỉnh Lai Châu 80 ha tại Thị xã Lai Châu.
+ Vùng Tây Nguyên 5.940 ha: Tỉnh Kon Tum 290 ha tại huyện Kon Plông, Đắk Glei, Tu Mơ Rông; tỉnh Gia Lai 550 ha tại huyện K’Bang; tỉnh Đắk Lăk 920 ha tại huyện Krông Năng, Ea Kar, Lăk, M’Drăk, Ea Hleo; tỉnh Đắk Nông 1.680 ha tại huyện Tuy Đức; tỉnh Lâm Đồng 2.500 ha tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà và TP Bảo Lộc.
b) Tiềm năng phát triển đến năm 2030
Tiềm năng phát triển diện tích Mắc ca đến năm 2030 khoảng 34.500 ha, gồm 7.000 ha trồng tập trung và 27.500 ha trồng xen; trong đó vùng Tây Bắc 4.800 ha trồng thuần và 3.250 ha trồng xen, vùng Tây Nguyên 2.200 ha trồng thuần và 24.250 ha trồng xen. Tuy nhiên, phải căn cứ vào kết quả tổng kết, đánh giá hiệu quả cây Mắc ca giai đoạn đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương định hướng quy mô sản xuất cho từng tỉnh cụ thể. Về thâm canh, khuyến khích người trồng mắc ca tập trung đầu tư theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao để cây Mắc ca phát triển bền vững.
2. Các cơ sở sơ chế, chế biến
a) Giai đoạn từ nay đến năm 2020
Ngoài các cơ sở sơ chế, chế biến hiện có tại các địa phương, quy hoạch 12 cơ sở sơ chế Mắc ca công suất từ 50-200 tấn/cơ sở tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, cụ thể:
- Vùng Tây Bắc 6 cơ sở: Tỉnh Hòa Bình và Sơn La, mỗi tỉnh 01 cơ sở; tỉnh Điện Biên và Lai Châu mỗi tỉnh 02 cơ sở;
- Vùng Tây Nguyên 6 cơ sở: Tỉnh Lâm Đồng 02 cơ sở; các tỉnh khác, mỗi tỉnh 01 cơ sở.
b) Tiềm năng phát triển đến năm 2030
Sau năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca phù hợp với vùng nguyên liệu Mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Dự kiến hai vùng có khoảng 30 cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca, trong đó vùng Tây Nguyên có 20 cơ sở, vùng Tây Bắc có 10 cơ sở.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về công tác quy hoạch
Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây Mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 tại Quyết định này, các tỉnh trong vùng lập quy hoạch chi tiết phát triển cây Mắc ca trên địa bàn.
2. Về khoa học công nghệ
- Về quản lý giống: Trước mắt, tiếp tục nhập nội, nghiên cứu chọn tạo các dòng, giống Mắc ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; đẩy nhanh các bước khảo nghiệm, đánh giá công nhận giống; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giống cây Mắc ca giai đoạn từ nay đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030.
- Về kỹ thuật canh tác: Hoàn thiện các gói kỹ thuật về thâm canh Mắc ca, đồng thời đẩy nhanh chuyển giao cho người trồng.
- Về chế biến sản phẩm: Tiếp tục nghiên cứu công nghệ và chế tạo dây chuyền thiết bị sơ chế, chế biến sản phẩm Mắc ca chuyển giao cho các cơ sở chế biến để tạo ra các sản phẩm, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cây giống, vườn cây đầu dòng, hạt, nhân và các sản phẩm chế biến từ Mắc ca.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan, cán bộ nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây Mắc ca.
3. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm
- Tập trung nghiên cứu nhu cầu các thị trường tiêu thụ sản phẩm Mắc ca trong nước và quốc tế, làm cơ sở để hoàn thiện phương án quy hoạch Mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tiềm năng phát triển đến năm 2030.
- Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua quả Mắc ca chế biến sản phẩm.
- Từng bước thực thi các biện pháp quảng cáo, tiếp thị, thiết lập mạng lưới phân phối sản phẩm Mắc ca trong nước và quốc tế; tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm Mắc ca của Việt Nam.
4. Về cơ chế chính sách
- Thực hiện có hiệu quả một số chính sách đã ban hành: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015); Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009); Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013); Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013); Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 06/9/2015)...
- Chính sách huy động các nguồn vốn hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển cây Mắc ca.
5. Về hợp tác quốc tế
- Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để nhập nội các giống Mắc ca mới, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới về thâm canh, thu hoạch, bảo quản và chế biến Mắc ca.
- Tăng cường hợp tác với Hiệp hội Mắc ca các nước và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm Mắc ca Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT
a) Tổng cục Lâm nghiệp: Là đơn vị đầu mối hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện phương án quy hoạch; hàng năm, tổng hợp kết quả sản xuất, chế biến Mắc ca báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.
b) Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai, thực hiện phương án quy hoạch.
2. Các Bộ, ngành Trung ương
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương kiểm tra, giám sát thực hiện phương án quy hoạch; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phát triển Mắc ca.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lập phương án quy hoạch phát triển Mắc ca trên địa bàn về quy mô diện tích trồng, các cơ sở sơ chế, chế biến Mắc ca trong quá trình lập đề án tái cơ cấu hoặc rà soát quy hoạch ngành lâm nghiệp tại địa phương; Chỉ đạo tổ chức thực hiện định hướng phát triển Mắc ca tại địa phương; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện để Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
4. Các doanh nghiệp chế biến Mắc ca
Tổ chức liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua chế biến sản phẩm theo cơ chế thị trường; đồng thời, đầu tư thiết bị và công nghệ chế biến sâu các sản phẩm Mắc ca nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây