Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Azerbaijan
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Hiệp định Không số
Cơ quan ban hành: | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính phủ Cộng hòa A-déc-bai-dan |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Hiệp định |
Người ký: | Phạm Bình Minh; Elmar Mammadyarov |
Ngày ban hành: | 19/05/2014 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, Thương mại-Quảng cáo |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Hiệp định Không số
HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA A-DÉC-BAI-GIAN VỀ HỢP TÁC KINH TẾ - THƯƠNG MẠI VÀ KHOA HỌC - KỸ THUẬT
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa A-déc-bai-gian (dưới đây gọi tắt là “hai Bên”),
Nhắc lại phát triển quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa A-déc-bai-gian,
Mong muốn tăng cường, củng cố và mở rộng hợp tác về kinh tế, khoa học và kỹ thuật, tăng cường và đa dạng hóa thương mại giữa hai Bên,
Phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và pháp luật quốc tế,
Đã thỏa thuận những điều sau đây:
Điều 1. Mục tiêu
1. Hai Bên, phù hợp với khuôn khổ luật pháp của mỗi nước, và có tính đến nghĩa vụ quốc tế của mình, sẽ phát triển, thúc đẩy và đa dạng hóa hợp tác về kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật trên cơ sở cùng có lợi trong tất cả các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.
2. Các hợp tác này đặc biệt tập trung vào:
a) Tăng cường và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế giữa hai Bên;
b) Khuyến khích hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp của hai Bên ở tất cả các cấp, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm thúc đẩy đầu tư, liên doanh và các hình thức hợp tác khác giữa các tổ chức và doanh nghiệp của hai Bên.
Điều 2. Phạm vi
1. Hợp tác được thỏa thuận trong Điều 1 của Hiệp định này sẽ được mở rộng giữa hai Bên, cụ thể trong các lĩnh vực sau:
a) Chính sách đầu tư;
b) Du lịch;
c) Công nghiệp;
d) Khoa học, công nghệ và đổi mới;
e) Vận tải và quá cảnh;
f) Công nghệ thông tin và truyền thông;
g) Phát triển vùng;
h) Nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, lâm nghiệp và thủy sản);
i) Bảo vệ môi trường;
j) Các lĩnh vực khác mà hai Bên cùng quan tâm nhằm thúc đẩy việc mở rộng hơn nữa hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghiệp, khoa học và kỹ thuật.
2. Hai Bên sẽ tham vấn lẫn nhau để xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên cũng như các lĩnh vực hợp tác mới sẽ được bổ sung về kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.
Điều 3. Các biện pháp hợp tác
Để đạt được những mục tiêu của Hiệp định này, hai Bên sẽ tạo điều kiện và thúc đẩy, bao gồm những hoạt động sau:
a) Thông tin liên lạc và hợp tác giữa các tổ chức Chính phủ;
b) Liên kết giữa các tổ chức nghề nghiệp, phòng và hiệp hội;
c) Các chuyến thăm, làm việc và các hoạt động kinh tế nhằm tăng cường hợp tác giữa các cá nhân, công chức và các tổ chức kinh tế;
d) Tổ chức các hội chợ và triển lãm, các hội thảo và hội nghị chuyên đề;
e) Thành lập các doanh nghiệp liên doanh và các hình thức khác của hoạt động kinh tế chung khác;
f) Sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các quan hệ kinh tế song phương;
g) Các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch.
Điều 4. Trao đổi thông tin
1. Hai Bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về thương mại, đầu tư, dịch vụ tài chính, khoa học và công nghệ cần thiết cho việc thúc đẩy và thuận lợi hóa cho hợp tác giữa hai Bên trong các lĩnh vực này.
2. Hai Bên công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Hai Bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về pháp luật và thủ tục quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước mình.
Điều 5. Ủy ban liên Chính phủ
1. Với mục đích thực hiện các nhiệm vụ đặt ra tại Điều 1 của Hiệp định này, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - A-déc-bai-gian về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (dưới đây gọi tắt là “Ủy ban liên Chính phủ”).
2. Ủy ban liên Chính phủ sẽ gồm các đại diện của các cơ quan Nhà nước của hai Bên dưới sự chủ trì của một lãnh đạo của Bộ và/hoặc cơ quan Chính phủ tương đương của mỗi Bên.
3. Ủy ban liên Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc họp khi cần thiết, nhưng không ít hơn một lần trong 2 năm, luân phiên tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa A-déc-bai-gian.
4. Ủy ban liên Chính phủ có thể mời các đại diện của giới kinh doanh tham gia công việc của Ủy ban liên Chính phủ.
5. Ủy ban liên Chính phủ có các nhiệm vụ và quyền hạn chính sau:
a) Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Hiệp định này và bất kỳ vấn đề có thể phát sinh trong việc thực hiện Hiệp định này;
b) Thảo luận các chương trình về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật trong các lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm;
c) Nghiên cứu những vấn đề có thể cản trở sự phát triển hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai Bên.
Điều 6. Giải quyết tranh chấp
Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai Bên phát sinh từ việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua các cuộc đàm phán và tham vấn giữa hai Bên.
Điều 7. Sửa đổi
1. Hiệp định này có thể được sửa đổi và bổ sung với sự đồng thuận của hai Bên.
2. Những sửa đổi và bổ sung sẽ được lập thành các Nghị định thư riêng và các Nghị định thư này là phần không thể tách rời của Hiệp định này, và sẽ có hiệu lực theo trình tự thủ tục được quy định tại Điều 8 của Hiệp định này.
Điều 8. Điều khoản cuối cùng
1. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày nhận được văn bản thông báo cuối cùng của hai Bên qua đường ngoại giao về việc đã hoàn thành các yêu cầu pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.
2. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này bằng một văn bản thông báo cho Bên kia. Việc chấm dứt Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ sáu sau ngày mà Bên kia nhận được thông báo như vậy.
Làm tại Hà Nội ngày 19 tháng 5 năm 2014 thành hai (02) bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng A-déc-bai-gian, và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về việc giải thích Hiệp định này, văn bản tiếng Anh sẽ được ưu tiên.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC |
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây