Thông tư 24/2018/TT-BGTVT xây dựng biểu đồ chạy tàu, điều hành giao thông vận tải đường sắt

thuộc tính Thông tư 24/2018/TT-BGTVT

Thông tư 24/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tải
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:24/2018/TT-BGTVT
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Nguyễn Ngọc Đông
Ngày ban hành:07/05/2018
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giao thông

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung cơ bản của biểu đồ chạy tàu

Quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Thông tư 24/2018/TT-BGTVT ngày 07/05/2018, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

Theo đó, biểu đồ chạy tàu gồm các nội dung cơ bản sau: Tổng số đôi tàu khách, tàu hàng, thành phần đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu chạy, loại đầu máy kéo tàu trên các khu đoạn, các tuyến đường sắt trong một ngày đêm; Ga đỗ, thời gian đỗ để cắt, nối toa xe hàng…; Thời gian đi, đến, thông qua các ga, thời gian chạy trên từng khu gian của từng đoàn tàu;

Ngoài ra biểu đồ tàu chạy còn thể hiện các quy định khác liên quan đến việc lập tàu, bảo đảm an toàn chạy tàu, bảo đảm tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn, triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.

Thêm vào đó, Thông tư quy định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư theo hình thức tối đa theo từng tuyến đường. Bộ Giao thông vận tải quyết định giá tối đa trên từng tuyến đường sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.

Thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 11/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Từ ngày 01/12/2020, Thông tư này bị sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 24/2020/TT-BGTVT.

Xem chi tiết Thông tư24/2018/TT-BGTVT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

Số: 24/2018/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ ĐIỀU HÀNH
GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT

Căn cứ Luật Đường sắt s 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về xây dựng biu đchạy tàu và Điều hành giao thông vận tải đường sắt.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
Thông tư này quy định việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; Điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.
Điều 2. Đối tượng áp dụng biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia; Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng, giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư.
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt: Là khả năng thông qua của kết cấu hạ tầng được xác định bởi các yếu tố tải trọng trục, tải trọng rải đều, tốc độ chạy tàu lớn nhất (Vmax) trên một đoạn tuyến đường sắt; năng lực thông qua của tuyến đường sắt, của nhà ga, của hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
2. Tác nghiệp kỹ thuật: Là các tác nghiệp phục vụ cho đoàn tàu chạy an toàn và đảm bảo chất lượng phục vụ.
3. Thời gian chạy tàu lữ hành: Là thời gian chạy tàu tính từ ga xuất phát đến ga cuối cùng, bao gồm cả thời gian chạy trên đường và thời gian dừng để tránh vượt, làm tác nghiệp kỹ thuật, tác nghiệp hành khách, hàng hóa.
Chương II
XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ TỔ CHỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU
Mục 1. XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU
Điều 4. Quy định chung
1. Cơ sở của công tác tổ chức chạy tàu là biểu đồ chạy tàu. Biểu đồ chạy tàu là mệnh lệnh đối với tất cả nhân viên đường sắt và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Khi có chạy tàu từ đường sắt quốc gia vào đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và ngược lại thì phải được sự thỏa thuận và thống nhất giữa doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia về hành trình và các biện pháp đảm bảo an toàn.
Điều 5. Biểu đồ chạy tàu phải đạt được các yêu cầu sau
1. Bảo đảm an toàn trong tổ chức chạy tàu.
2. Đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa.
3. Mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt.
4. Sử dụng có hiệu quả phương tiện giao thông đường sắt.
5. Dành được Khoảng trống thời gian không chạy tàu trên một số khu gian, khu đoạn để phục vụ thi công, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.
6. Bảo đảm thứ tự ưu tiên các nhóm tàu quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
7. Chỉ huy Điều hành dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ.
8. Bảo đảm thời gian và hành trình hợp lý trên các khu gian.
9. Có đủ thời gian dừng, đỗ tàu để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật hành khách, hàng hóa theo quy định tại các ga dừng, đỗ tàu.
Điều 6. Loại tàu và thứ tự ưu tiên của các loại tàu trong xây dựng biểu đồ chạy tàu và Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Tàu chạy trên đường sắt bao gồm các loại tàu sau đây:
a) Tàu cứu viện là tàu được tổ chức chạy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
b) Tàu đặc biệt là tàu được tổ chức chạy đột xuất nhằm phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền không có hành trình quy định trong biểu đồ chạy tàu;
c) Tàu khách liên vận quốc tế là tàu có kéo đoàn toa xe hoặc cụm toa xe khách liên vận quốc tế;
d) Tàu khách nhanh chạy suốt là tàu khách chạy suốt liên tuyến, trên một tuyến hoặc một số khu đoạn mà có thời gian chạy tàu lữ hành ngắn và số ga đỗ đón, trả khách ít hơn so với các loại tàu khách khác trên tuyến;
đ) Tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn là tàu khách có thời gian chạy tàu lữ hành ngắn và có số ga đỗ đón, trả khách ít hơn so với các loại tàu khách khác chạy trên khu đoạn;
e) Tàu khách thường là tàu khách chạy trên một hoặc một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến, dừng để tác nghiệp tại tất cả các ga, trạm, có số ga, trạm dừng để tác nghiệp nhiều hơn các loại tàu khác;
g) Tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân là tàu khách thường có kéo thêm từ 3 xe hàng trở lên, hoặc là tàu chuyên chở công nhân đi làm;
h) Tàu hàng nhanh chạy suốt là tàu hàng chạy suốt trên một số khu đoạn, một tuyến hoặc liên tuyến có thời gian chạy tàu lữ hành ngắn và số ga dừng để tác nghiệp ít hơn so với các loại tàu hàng khác trên tuyến;
i) Tàu hàng trong khu đoạn là tàu hàng chạy trong một khu đoạn bao gồm tàu hàng khu đoạn chạy nhanh, tàu hàng khu đoạn thường, tàu hàng có cắt móc toa xe trong khu đoạn;
k) Tàu hàng đường ngắn, tàu thoi là tàu hàng chỉ chuyên chạy trong một cung, chặng trong một khu đoạn mà dọc đường có dừng cắt móc, dồn tàu;
l) Tàu chuyên dùng là tàu sử dụng các phương tiện, thiết bị chuyên dùng chạy trên đường sắt.
2. Các loại tàu chạy trên đường sắt tuân theo thứ tự ưu tiên theo các nhóm tàu sau đây:
a) Nhóm số 1: Tàu cứu viện;
b) Nhóm số 2: Tàu đặc biệt;
c) Nhóm số 3 gồm tàu khách liên vận quốc tế; tàu khách nhanh chạy suốt; tàu khách nhanh chạy trong khu đoạn; tàu hàng nhanh chạy suốt;
d) Nhóm số 4 gồm tàu khách thường; tàu quân dụng, tàu hỗn hợp, tàu chở công nhân; tàu hàng trong khu đoạn; tàu hàng đường ngắn, thoi; tàu chuyên dùng.
3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng căn cứ vào thứ tự các nhóm tàu quy định tại Khoản 2 Điều này để xác định thứ tự ưu tiên các tàu chạy trên đường sắt quốc gia, chạy trên đường sắt chuyên dùng trong phạm vi quản lý.
Điều 7. Số hiệu các loại tàu
Mỗi đoàn tàu chạy trên đường sắt phải có số hiệu. Việc đánh số hiệu tàu thực hiện theo quy định sau:
1. Các đoàn tàu chạy trên các tuyến không có số hiệu trùng nhau.
2. Các đoàn tàu chạy theo hướng từ Thủ đô Hà Nội đi các tuyến mang số hiệu lẻ, các đoàn tàu chạy theo hướng từ các tuyến về Thủ đô Hà Nội mang số hiệu chẵn.
3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng quy định cụ thể việc đánh số hiệu các loại tàu chạy trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng trong phạm vi quản lý.
Điều 8. Nội dung cơ bản của biểu đồ chạy tàu
Biểu đồ chạy tàu bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
1. Tổng số đôi tàu khách, tàu hàng (bao gồm cả tàu chính thức và tàu dự bị), thành Phần đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu chạy, loại đầu máy kéo tàu trên các khu đoạn, các tuyến đường sắt trong một ngày đêm.
2. Ga đỗ và thời gian đỗ làm tác nghiệp cắt, nối toa xe hàng, tác nghiệp hành khách, tác nghiệp tránh, vượt tàu và tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe đối với từng đoàn tàu.
3. Thời gian đi, đến, thông qua các ga, thời gian chạy trên từng khu gian của từng đoàn tàu.
4. Các quy định cần thiết khác có liên quan đến việc lập tàu, bảo đảm an toàn chạy tàu, bảo đảm tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.
Điều 9. Trình tự xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia
Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định sau đây:
1. Xây dựng biểu đồ chạy tàu:
a) Trước 80 ngày so với ngày dự kiến công bố biểu đồ chạy tàu, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc xây dựng biểu đồ chạy tàu tới các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
b) Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được quy định tại điểm a của Khoản này, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải gửi yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu trên các tuyến đường sắt bằng văn bản tới doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
c) Căn cứ vào năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt, năng lực đầu máy, toa xe, yêu cầu của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, nội dung của công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi các doanh nghiệp nêu trên để tham gia ý kiến trước 40 ngày so với ngày dự kiến công bố biểu đồ chạy tàu;
d) Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo biểu đồ chạy tàu, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải có ý kiến đóng góp bằng văn bản đối với dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia;
đ) Trên cơ sở ý kiến tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo biểu đồ chạy tàu để ban hành và công bố; gửi thông báo bằng văn bản đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về khả năng đáp ứng của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đối với yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu, mời các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tham gia vận chuyển đối với các tuyến đường sắt còn dư thừa năng lực chạy tàu.
2. Công bố biểu đồ chạy tàu:
a) Sau khi hoàn chỉnh biểu đồ chạy tàu, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách nhiệm gửi biểu đồ chạy tàu tới tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và các tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện, gửi Cục Đường sắt Việt Nam để giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất là 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có hiệu lực thi hành;
b) Sau khi thực hiện quy định tại điểm a, Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp các nội dung sau: Các đôi tàu tổ chức chạy, loại tàu, thành Phần đoàn tàu chạy trên các tuyến đường sắt; ga xuất phát, ga cuối cùng của các đoàn tàu; thời gian chạy tàu lữ hành của các đoàn tàu; ga đỗ nhận khách, thời gian đỗ nhận khách; ga đỗ và thời gian đỗ tác nghiệp cắt nối toa xe hàng;
c) Sau khi nhận được biểu đồ chạy tàu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu của các đôi tàu đăng ký chạy tại ga đường sắt có tác nghiệp hành khách, hàng hóa. Nội dung công bố biểu đồ chạy tàu tại các ga bao gồm các nội dung công bố của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại điểm b Khoản này và các nội dung sau: Thời gian đi, đến tại các ga của các đoàn tàu trên tuyến; các quy định cần thiết khác có liên quan đến việc lập tàu, đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.
3. Sau khi công bố biểu đồ chạy tàu mà còn có ý kiến khác nhau về quyền được tham gia tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chủ trì việc đàm phán để thỏa thuận giải quyết.
4. Trường hợp có từ 02 doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trở lên cùng đăng ký một hành trình chạy tàu trong biểu đồ chạy tàu thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cao nhất sẽ được phân bổ hành trình chạy tàu theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Điều 10. Trình tự xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia
Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia do chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng thực hiện trên đoạn đường sắt chuyên dùng do mình quản lý và được thực hiện như đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
Điều 11. Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm tàu trên đường sắt
1. Trường hợp Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu có liên quan đến việc rút ngắn hành trình chạy tàu so với hành trình đã công bố: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia tiến hành Điều chỉnh và gửi báo cáo giải trình lý do rút ngắn hành trình chạy tàu và biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh tới Cục Đường sắt Việt Nam trước khi công bố để Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát việc Điều chỉnh, công bố và thực hiện biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh.
2. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, tai nạn, sự cố, trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải Điều chỉnh ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chủ động Điều chỉnh để đảm bảo khôi phục nhanh nhất việc chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu đã công bố.
3. Việc Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều này (Điều chỉnh cục bộ hành trình chạy tàu): Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia tiến hành Điều chỉnh, công bố biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh và sau đó gửi biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh cho Cục Đường sắt Việt Nam trước 05 ngày so với ngày dự kiến thực hiện biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh.
4. Việc Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 của Điều này phải tuân theo các quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
5. Việc công bố biểu đồ chạy tàu Điều chỉnh quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này phải thực hiện đúng quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
Mục 2. KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU
Điều 12. Nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu
1. Kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu.
2. Kiểm tra, giám sát sự phù hợp của biểu đồ chạy tàu với công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng của kết cấu hạ tầng đường sắt đã công bố, với đặc tính kỹ thuật của đầu máy, toa xe vận dụng trên từng khu đoạn, từng tuyến và toàn mạng lưới đường sắt.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguyên tắc và nội dung của Điều hành giao thông vận tải đường sắt, trách nhiệm thực hiện Điều hành giao thông vận tải đường sắt.
4. Khi kiểm tra phát hiện ra các sai phạm thì yêu cầu các chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện các biện pháp khắc phục ngay các sai phạm trong việc xây dựng, Điều chỉnh, công bố, thực hiện biểu đồ chạy tàu. Trường hợp các doanh nghiệp nói trên không thực hiện các biện pháp khắc phục các sai phạm, uy hiếp đến an toàn chạy tàu thì được yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng chạy tàu cho đến khi khắc phục xong các sai phạm.
Điều 13. Cơ quan kiểm tra giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu
Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng, công bố, Điều chỉnh, thực hiện biểu đồ chạy tàu do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia xây dựng, công bố.
Chương III
ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT, GIÁ ĐIỀU HÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT
Điều 14. Nguyên tắc của Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Tập trung, thống nhất, tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố bao gồm:
a) Tàu chạy trên kết cấu hạ tầng của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó chịu trách nhiệm chỉ huy, Điều hành tàu chạy;
b) Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải tuân thủ biểu đồ chạy tàu đã công bố, không tự ý Điều hành giao thông vận tải đường sắt không đúng với biểu đồ chạy tàu đã công bố khi chưa được Thủ trưởng doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đồng ý.
2. Bảo đảm giao thông vận tải đường sắt an toàn thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu bao gồm:
a) Không để xảy ra tai nạn, sự cố giao thông đường sắt do chủ quan của công tác Điều hành giao thông vận tải đường sắt;
b) Tuân theo các quy định về chỉ huy chạy tàu được quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Đường sắt.
3. Bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt bao gồm:
a) Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải đảm bảo thứ tự ưu tiên các nhóm tàu theo quy định tại Thông tư này;
b) Khi Điều hành cần phải thay đổi thứ tự ưu tiên các nhóm tàu hoặc các tàu trong nhóm thì phải có lý do và được Thủ trưởng của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng đồng ý;
c) Khi có thiên tai, tai nạn, sự cố, trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải Điều chỉnh ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến thì việc Điều hành giao thông vận tải đường sắt phải đảm bảo việc Điều chỉnh hành trình chạy tàu của các đoàn tàu theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.
Điều 15. Nội dung của Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Lập, phân bổ và công bố biểu đồ chạy tàu bao gồm các nội dung sau đây:
a) Xây dựng, phân bổ và công bố biểu đồ chạy tàu theo quy định tại Thông tư này;
b) Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu khi cần thiết phải tuân theo các quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức chạy tàu thống nhất, tập trung, bảo đảm an toàn, thông suốt theo đúng biểu đồ chạy tàu đã công bố, quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và mệnh lệnh chạy tàu bao gồm:
a) Tổ chức đón, gửi tàu, giải thể, lập tàu, dồn tàu;
c) Tổ chức dồn phục vụ xếp dỡ hàng hóa;
d) Tổ chức chạy tàu, dồn tàu phục vụ thi công sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;
e) Phối hợp chặt chẽ giữa đường sắt quốc gia với đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia trong việc tổ chức Điều hành giao thông vận tải đường sắt.
3. Chỉ huy giải quyết các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt bao gồm:
a) Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và tổ chức chạy tàu, dồn tàu để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên đường sắt khi xảy ra tai nạn, sự cố giao thông đường sắt;
b) Điều chỉnh hành trình chạy tàu trên từng khu đoạn, từng tuyến đường sắt để khôi phục biểu đồ chạy tàu nhanh nhất sau các vụ tai nạn, sự cố;
c) Tham gia phân tích, xác định nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục các vụ tai nạn, sự cố giao thông đường sắt;
d) Tạm đình chỉ chạy tàu khi phát hiện có nguy cơ mất an toàn chạy tàu.
4. Thu nhận và tổng hợp thông tin liên quan đến công tác Điều hành giao thông vận tải đường sắt gồm các thông tin sau:
a) Các thông tin về hành khách, hàng hóa, tai nạn, sự cố, thi công, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt;
b) Các thông tin về hành trình chạy tàu thực tế trên tuyến;
c) Các thông tin về vận dụng đầu máy, toa xe.
5. Phối hợp Điều hành giao thông vận tải đường sắt với các tổ chức đường sắt quốc tế bao gồm:
a) Chủ trì và phối hợp trong việc Điều hành giao thông vận tải đường sắt về tổ chức chạy tàu trong liên vận đường sắt quốc tế tại các khu gian và ga biên giới thuộc phạm vi quản lý của đường sắt Việt Nam;
b) Chủ trì và phối hợp Điều hành giao thông vận tải đường sắt khi các lực lượng và phương tiện giao thông đường sắt của nước ngoài vào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam.
6. Lưu trữ dữ liệu liên quan đến công tác Điều hành theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Trách nhiệm thực hiện Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chịu trách nhiệm Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố.
2. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt chuyên dùng do mình quản lý theo biểu đồ chạy tàu đã được công bố.
Điều 17. Giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Nhà nước định giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư theo hình thức giá tối đa theo từng tuyến đường.
2. Thẩm quyền định giá: Bộ Giao thông vận tải quyết định giá tối đa trên từng tuyến đường sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
Điều 18. Nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế, hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng thị trường và chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ.
2. Không tính khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư phục vụ công tác Điều hành.
3. Không tính giá trị lợi thế thương mại của từng tuyến đường.
Điều 19. Phương pháp xây dựng giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Phương pháp định giá: Phương pháp chi phí.
2. Kỳ áp dụng: Năm.
3. Đơn vị tính: Đoàn tàu.Km.
Điều 20. Phê duyệt phương án giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Hồ sơ phê duyệt, thời hạn thẩm định phương án giá và quyết định giá thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giá.
2. Trình, thẩm định và quyết định giá: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng phương án giá trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định; Bộ Giao thông vận tải quyết định giá tối đa theo từng tuyến đường sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
Điều 21. Điều chỉnh giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt
1. Khi các yếu tố hình thành giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt có biến động ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống thì doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia xây dựng phương án Điều chỉnh giá trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định; Bộ Giao thông vận tải quyết định giá tối đa Điều chỉnh sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.
2. Việc lập hồ sơ trình, thẩm định, phê duyệt giá Điều chỉnh theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Thông tư này.
3. Khuyến mại, giảm giá dịch vụ: Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được quyền khuyến mại giảm giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt. Việc khuyến mại giảm giá dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 22. Trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam
1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu theo các nội dung quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức thẩm định và trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt tối đa cho từng tuyến đường sắt.
3. Tổng hợp kết quả công tác kiểm tra, giám sát trong năm, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư để báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Điều 23. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
1. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, Điều hành giao thông vận tải đường sắt, xây dựng phương án giá, phương án Điều chỉnh giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia quy định tại Thông tư này; cung cấp các số liệu liên quan làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ chạy tàu như: Trọng lượng đoàn tàu, công lệnh sức kéo; thời gian tác nghiệp kỹ thuật, hành khách, hàng hóa ở các ga; nhu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
3. Phối hợp với chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia trong việc Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm tàu quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi tai nạn, sự cố giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
4. Định kỳ ngày 20 tháng 12 hàng năm, tổng hợp báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam các nội dung sau:
a) Công tác xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và kết quả thực hiện trong năm;
b) Kế hoạch, biện pháp thực hiện trong năm tới;
c) Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này và các kiến nghị bổ sung, sửa đổi.
5. Thực hiện các yêu cầu của Cục Đường sắt Việt Nam trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu Điều hành giao thông vận tải đường sắt; xây dựng phương án, Điều chỉnh giá dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt quy định tại Thông tư này.
Điều 24. Trách nhiệm của chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng
1. Thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, Điều hành giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt chuyên dùng quy định tại Thông tư này; chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia có trách nhiệm cung cấp các số liệu liên quan làm cơ sở cho việc xây dựng biểu đồ chạy tàu như: Trọng lượng đoàn tàu, công lệnh sức kéo; thời gian tác nghiệp kỹ thuật, hành khách, hàng hóa ở các ga; nhu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt cho Cục Đường sắt Việt Nam.
2. Chỉ đạo, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
3. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong việc Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm tàu quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi tai nạn, sự cố giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
4. Định kỳ ngày 20 tháng 12 hàng năm, tổng hợp báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam các nội dung sau:
a) Công tác xây dựng, công bố, Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trên đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia và kết quả thực hiện trong năm;
b) Kế hoạch, biện pháp thực hiện trong năm tới;
c) Các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này và các kiến nghị bổ sung, sửa đổi.
5. Thực hiện các yêu cầu của Cục Đường sắt Việt Nam trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu, Điều hành giao thông vận tải đường sắt quy định tại Thông tư này.
Điều 25. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải phục vụ cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng để phục vụ cho việc xây dựng, công bố và Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, Điều hành giao thông vận tải đường sắt.
2. Đảm bảo phương tiện giao thông đường sắt luôn phù hợp với kết cấu hạ tầng đường sắt do các doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng công bố.
3. Thực hiện chạy tàu an toàn, đúng hành trình đã được phân bổ trong biểu đồ chạy tàu.
4. Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia trong việc Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu và chạy thêm tàu quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này khi tai nạn, sự cố giao thông đường sắt xảy ra trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, khi có yêu cầu.
5. Kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi quản lý thực hiện các quy định liên quan tại Thông tư này.
6. Thực hiện các yêu cầu của Cục Đường sắt Việt Nam trong việc tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu, Điều hành giao thông vận tải đường sắt quy định tại Thông tư này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Thông tư số 78/2015/TT-BGTVT ngày 9 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Điều 27. Quy định chuyển tiếp
Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ Điều hành giao thông vận tải đường sắt đã được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định đến hết thời hạn của hợp đồng ký kết. Trường hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng ký kết kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Điều 28. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 28;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, V.Tải.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông

nhay
Biểu mức giá tối đa dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt được bổ sung bởi quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 11/2019/TT-BGTVT.
nhay
Bổ sung
nhay
Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT được bổ sung bởi Phụ lục 2 và Phụ lục 3 Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT theo quy định tại Khoản 2 Điều 5.
nhay
Bổ sung
Bổ sung

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem Nội dung MIX.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất