Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?

Vừa qua, rất nhiều thông tin đã lan truyền rằng từ 15/11/2024, người dân sẽ không còn được giám sát CGST bằng thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên điều này là không chính xác. Vậy bãi bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình phải hiểu thế nào cho đúng?

1. Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm ghi hình
Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng? (Ảnh minh họa)

1.1 Tại sao lại bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình?

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi bổ sung Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA, trong đó có một điểm đáng chú ý là không còn quy định về việc giám sát cảnh sát giao thông (CSGT) bằng các hình thức ghi âm, ghi hình.

Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhiều người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình với mục đích quấy rối, cản trở việc thi hành công vụ, thậm chí còn nhằm mục đích xuyên tạc chống phá nhà nước, gây ảnh hưởng nhiều tới công tác thực thi pháp luật của lực lượng chức năng.

Hiện nay, quyền hình ảnh của cá nhân được quy định tại rất nhiều văn bản như Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Công an nhân dân, Nghị định 13/2023/NĐ-CP…, trong đó quy định việc sử dụng hình ảnh của người khác (đặc biệt là của các cán bộ chiến sĩ) phải đáp ứng được các điều kiện nhất định và áp dụng nhiều chế tài khi vi phạm.

Tuy nhiên, Thông tư 67/2019/TT-BCA vẫn còn quy định về vấn đề này quá chung chung, đồng thời cũng không có chế tài dẫn đến việc nhiều người vẫn còn lạm dụng để sử dụng cho mục đích xấu. Do đó, Bộ Công an đã loại bỏ nội dung này là có cơ sở.

1.2 Bỏ quy định không có nghĩa là pháp luật cấm làm

Người dân cần lưu ý rằng trong trường hợp này, Bộ Công an chỉ bỏ quy định được giám sát bằng ghi âm, ghi hình chứ không hề ghi rằng “Cấm không được giám sát bằng ghi âm, ghi hình”.

Nhấn mạnh quan điểm những gì luật không cấm thì người dân vẫn có thể làm, theo đó dù bỏ quy định nhưng vì không hề cấm nên người dân vẫn được quyền thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi cần thiết nhưng cần phải đảm bảo được các điều kiện:

- Không làm ảnh hưởng, lạm dụng để quấy rối, cản trở việc thi hành công vụ của các cán bộ, chiến sĩ.

- Không được vào khu vực thực thi công vụ trừ những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

- Tuân thủ các quy định có liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023/NĐ-CP…

Trên thực tế, có rất nhiều tình huống người dân buộc phải ghi lại để làm bằng chứng chứng minh mình không vi phạm, miễn sao không cản trở người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, việc ghi âm, ghi hình nếu nhằm phục vụ cho mục đích quốc gia, dân tộc, mục đích công cộng thì vẫn được thực hiện mà không cần sự đồng ý của người đó theo quy định tại Điều 32 Bộ Luật Dân sự.

Điều này giúp ích cho một số trường hợp như nếu người dân phát hiện hành vi nhận hối lộ, nhũng nhiễu, hạch sách hoặc hành vi có dấu hiệu vi phạm khác thì vẫn hoàn toàn có thể ghi hình để tố giác hành vi vi phạm mà không cần có sự đồng ý của người đó.

Vấn đề này Cục CSGT cũng đã có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Từ 15/11/2024, người dân được giám sát CSGT theo những hình thức nào?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA, người dân được giám sát CSGT thông qua 05 hình thức:

- Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;

- Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ;

- Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Lưu ý: Việc giám sát của người dân phải đảm bảo:

- Không làm ảnh hưởng việc thực thi công vụ.

- Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan

- Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm ghi hình
Gây nhiễu sự, cản trở CSGT thi hành công vụ bị phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Gây nhiễu sự, cản trở CSGT thi hành công vụ, phạt thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định, hành vi chống người thi hành công vụ bao gồm:

- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với người thi hành công vụ.

- Cố tình không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

- Có nhiều hành vi nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, việc gây nhiễu sự, cản trở CSGT thi hành công vụ sẽ bị phạt như sau:

(1) Xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt hành chính như sau:

- Phạt từ 01 - 04 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt từ 04 - 06 triệu đồng đối với 01 trong những hành vi sau:

  • Cản trở, không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật.

  • Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.

  • Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

* Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải xin lỗi công khai.

- Phạt từ 06 - 08 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau:

  • Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ.

  • Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.

  • Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

(2) Truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, mức phạt cao nhất của tội này khi gây cản trở người thi hành công vụ có thể lên tới 07 năm tù.

Trên đây là cập nhật của LuatVietnam về vấn đề "Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm ghi hình: Hiểu thế nào cho đúng?"

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục