Nghị định 38/2013/NĐ-CP quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

thuộc tính Nghị định 38/2013/NĐ-CP

Nghị định 38/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:38/2013/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:23/04/2013
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Đầu tư, Tài chính-Ngân hàng

TÓM TẮT VĂN BẢN

Tư nhân được tiếp cận vốn ODA

Đây là nội dung mới được Chính phủ quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/04/2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Theo đó, nhằm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Chính phủ quy định một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng nguồn vốn này là phải tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn trên cơ sở chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc cung cấp nguồn vốn này.
Tư nhân có thể tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước thông qua các chương trình, dự án hạn mức tín dụng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; hoặc khi tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ… Để được tiếp cận nguồn vốn này, tư nhân phải đáp ứng điều kiện về năng lực tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án và được xác nhận bởi cơ quan chủ quản, cơ quan cho vay lại hoặc phải được thẩm định phù hợp với quy định hiện hành.
Cũng tại Nghị định này, Chính phủ quy định cụ thể 08 lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi gồm: Lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại như hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng công nghệ, năng lượng, thủy điện và đê điều; lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, dân số và phát triển; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ cao…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2013 và thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006.

Xem chi tiết Nghị định38/2013/NĐ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

 

CHÍNH PHỦ
----------

Số: 38/2013/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2013

 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)

 VÀ NGUỒN VỐN VAY ƯU ĐÃI CỦA CÁC NHÀ TÀI TRỢ 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật quản lý nợ công ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ,

 

 

Chương 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về công tác quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên Chính phủ hoặc liên quốc gia (sau đây gọi chung là nhà tài trợ) cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến các hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 3. Các hình thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi

1. ODA bao gồm ODA viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay:

a) ODA viện trợ không hoàn lại là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ;

b) ODA vốn vay là hình thức cung cấp ODA phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, bảo đảm yếu tố không hoàn lại đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc. Phương pháp tính yếu tố không hoàn lại nêu tại Phụ lục I của Nghị định này.

2. Vốn vay ưu đãi là hình thức cung cấp vốn vay có điều kiện ưu đãi hơn, so với vay thương mại, nhưng yếu tố không hoàn lại chưa đạt tiêu chuẩn của ODA vốn vay được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cơ quan chủ quản chương trình, dự án” (sau đây gọi tắt là “Cơ quan chủ quản”) là các cơ quan Trung ương của Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”), cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi (sau đây gọi tắt là “chương trình, dự án”).

2. “Chủ chương trình, dự án” (sau đây gọi tắt là “Chủ dự án”) là đơn vị được cơ quan chủ quản giao trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án.

3. “Ban quản lý dự án” là đơn vị được giao trách nhiệm giúp chủ dự án quản lý và thực hiện các chương trình, dự án.

4. “Ban chỉ đạo chương trình, dự án” (sau đây gọi tắt là “Ban chỉ đạo”) là Ban được thành lập gồm đại diện có thẩm quyền của cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan với nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giám sát và điều phối thực hiện chương trình, dự án. Trong một số trường hợp cần thiết, trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ, Ban chỉ đạo có thể bao gồm đại diện nhà tài trợ.

5. “Danh mục tài trợ” là danh mục gồm một hoặc nhiều chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án yêu cầu tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt và nhà tài trợ thống nhất tài trợ, làm cơ sở để cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ xây dựng văn kiện chương trình, dự án và viện trợ phi dự án.

6. “Dự án” là tập hợp các đề xuất có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu nhất định, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định và dựa trên những nguồn lực xác định. Dự án bao gồm dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật.

7. “Dự án đầu tư” là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Dự án đầu tư bao gồm hai loại:

a) “Dự án đầu tư xây dựng công trình” là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình nhằm mục đích phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong một thời hạn nhất định. Dự án đầu tư xây dựng công trình được phân loại theo dự án quan trọng quốc gia và các dự án thuộc Nhóm A, B, C theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình;

b) “Dự án đầu tư khác” là dự án đầu tư không thuộc loại Dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Điểm a Khoản này.

8. “Dự án hỗ trợ kỹ thuật” là dự án có mục tiêu hỗ trợ phát triển năng lực và thể chế hoặc cung cấp các yếu tố đầu vào kỹ thuật để chuẩn bị, thực hiện các chương trình, dự án thông qua các hoạt động như cung cấp chuyên gia, đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, tư liệu và tài liệu, tham quan khảo sát, hội thảo.

9. “Chương trình” là một tập hợp các hoạt động, các dự án có liên quan đến nhau và có thể liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một hoặc nhiều giai đoạn.

10. “Chương trình, dự án quan trọng quốc gia” là chương trình, dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

11. “Chương trình kèm theo khung chính sách” là chương trình kèm theo các điều kiện về chính sách, giải pháp cải cách kinh tế vĩ mô, ngành, lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện theo một lộ trình nhất định.

12. “Chương trình, dự án ô” là chương trình, dự án trong đó có một cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối chung và các cơ quan chủ quản của các dự án thành phần.

13. “Chương trình, dự án khu vực, toàn cầu” (sau đây gọi tắt là “Chương trình, dự án khu vực”) là chương trình, dự án được tài trợ bằng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho một nhóm nước thuộc một hay nhiều khu vực địa lý, trong đó có sự tham gia của Việt Nam, để thực hiện các hoạt động hợp tác nhằm đạt được những mục tiêu xác định vì lợi ích của các bên tham gia và lợi ích chung của khu vực hoặc toàn cầu.

14. “Văn kiện chương trình, dự án” là tài liệu trình bày bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, kết quả, các hoạt động chủ yếu, tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, các nguồn lực khác, cơ chế tài chính trong nước và hình thức tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án. Đối với các dự án đầu tư, văn kiện dự án là Báo cáo nghiên cứu khả thi.

15. “Viện trợ phi dự án” là phương thức cung cấp vốn ODA không theo các dự án cụ thể. Viện trợ phi dự án được cung cấp dưới dạng tiền, hiện vật, viện trợ mua sắm hàng hóa, chuyên gia.

16. “Hỗ trợ ngân sách” là phương thức cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi, theo đó các khoản hỗ trợ được chuyển trực tiếp vào ngân sách của Nhà nước; được quản lý, sử dụng theo các quy định, thủ tục ngân sách của Việt Nam và phù hợp với nội dung đã thỏa thuận với nhà tài trợ.

17. “Vay thương mại” là khoản vay theo điều kiện thị trường tương tự các điều kiện vay tín dụng xuất khẩu hoặc huy động trên thị trường vốn quốc tế.

18. “ODA và vốn vay ưu đãi không ràng buộc” là khoản ODA và vốn vay ưu đãi không kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến cung cấp, mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một số nhà cung cấp hoặc quốc gia nhất định theo quy định của nhà tài trợ.

19. “ODA và vốn vay ưu đãi có ràng buộc” là khoản ODA và vốn vay ưu đãi có kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến cung cấp, mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một số nhà cung cấp hoặc quốc gia nhất định theo quy định của nhà tài trợ.

20. “Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi” là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA và vốn vay ưu đãi. Điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi bao gồm:

a) “Điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi” là điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thể hiện cam kết về các nguyên tắc và điều kiện chung có nội dung liên quan tới chiến lược, chính sách, khung khổ hợp tác, phương hướng ưu tiên trong cung cấp và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; các lĩnh vực, các chương trình, dự án thỏa thuận tài trợ; điều kiện khung và cam kết ODA và vốn vay ưu đãi cho một năm hoặc nhiều năm đối với chương trình, dự án; những nguyên tắc về thể thức và kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình, dự án;

b) “Điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi” là điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thể hiện cam kết về việc tài trợ cho chương trình, dự án cụ thể hoặc hỗ trợ ngân sách, có nội dung liên quan tới mục tiêu, hoạt động, kết quả phải đạt được, kế hoạch thực hiện, điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên, các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ trong quản lý, thực hiện chương trình, dự án và điều kiện giải ngân, điều kiện trả nợ đối với khoản vay cho chương trình, dự án.

21. “Vốn đối ứng” là khoản đóng góp của phía Việt Nam bằng hiện vật hoặc tiền để chuẩn bị, thực hiện chương trình, dự án và được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn do chủ dự án tự bố trí, vốn đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn vốn đối ứng khác.

22. “Khu vực tư nhân” trong Nghị định này được hiểu là khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Điều 5. Các phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi

Phương thức cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi bao gồm:

1. Hỗ trợ ngân sách.

2. Hỗ trợ chương trình.

3. Hỗ trợ dự án.

4. Viện trợ phi dự án.

Điều 6. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi

1. ODA và vốn vay ưu đãi là nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước được sử dụng để thực hiện các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và được phản ánh trong ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

3. Việc thu hút, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi phải được xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, bền vững, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công bằng, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ và an toàn nợ công, trong đó ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi cho các chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

4. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi và trong việc sử dụng nguồn vốn này.

5. Tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa nhà nước và tư nhân.

6. Bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ về ODA và vốn vay ưu đãi.

7. Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà Chính phủ hoặc Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi với quy định của pháp luật Việt Nam về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Điều 7. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi

1. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại, bao gồm hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển và đường thủy nội bộ); hạ tầng, đô thị (giao thông đô thị, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, hạ tầng cấp điện đô thị); hạ tầng công nghệ - thông tin và truyền thông; hạ tầng năng lượng (ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới); hạ tầng thủy lợi và đê điều.

2. Phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, giảm nghèo, dân số và phát triển.

3. Phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ nguồn và phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, kinh tế tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao.

4. Phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

5. Tăng cường năng lực thể chế và cải cách hành chính.

6. Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

7. Hỗ trợ thúc đẩy thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, du lịch và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

8. Hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

9. Một số lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Quy trình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi

1. Xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ.

2. Chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án.

3. Ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Tổ chức thực hiện chương trình, dự án.

5. Giám sát và đánh giá chương trình, dự án.

Điều 9. Khu vực tư nhân tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi

1. Các hình thức tiếp cận vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân bao gồm:

a) Vay vốn từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước thông qua các chương trình, dự án hạn mức tín dụng hoặc hợp phần tín dụng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế về các nguồn vốn này và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng;

b) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại;

c) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án theo hình thức đối tác công tư, trong đó Chính phủ góp bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi;

d) Tham gia thực hiện các chương trình, dự án có mục tiêu hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản chương trình, dự án.

2. Các điều kiện tiếp nhận vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân:

a) Năng lực tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án của chủ dự án phải được cơ quan chủ quản chương trình, dự án hoặc cơ quan cho vay lại xác nhận;

b) Đối với trường hợp vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi: phương án tài chính của chương trình, dự án và năng lực tài chính của chủ dự án phải được thẩm định phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 10. Cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án như sau:

1. Ngân sách nhà nước cấp phát: áp dụng cho các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

2. Ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Các chương trình, dự án có khả năng thu hồi toàn bộ hoặc một phần vốn;

b) Các chương trình, dự án không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước;

c) Các chương trình, dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thuộc đối tượng phải vay lại vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

3. Trong từng trường hợp cụ thể, Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả vốn vay lại cho Chính phủ.

 

Chương 2. XÂY DỰNG VÀ PHÊ DUYỆT DANH MỤC TÀI TRỢ

 

Điều 11. Cơ sở vận động ODA và vốn vay ưu đãi

Vận động ODA và vốn vay ưu đãi được thực hiện trên cơ sở:

1. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, ngành, vùng và địa phương.

2. Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

3. Đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi trong từng thời kỳ.

4. Các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu của ngành, địa phương.

5. Chương trình, chiến lược và định hướng hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ.

Điều 12. Trách nhiệm vận động ODA và vốn vay ưu đãi

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổ chức vận động ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia, liên ngành, liên địa phương.

2. Các Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức vận động ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp ngành.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức vận động ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp địa phương.

4. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc đại diện của Việt Nam tại tổ chức quốc tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao tiến hành vận động ODA và vốn vay ưu đãi tại nước sở tại hoặc tại tổ chức quốc tế đó.

Điều 13. Xây dựng và phê duyệt Danh mục tài trợ

1. Căn cứ cơ sở vận động ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Điều 11 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan và từng nhà tài trợ xây dựng định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Trên cơ sở định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, nhu cầu huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của cơ quan chủ quản, các điều kiện cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công văn đề nghị tài trợ kèm theo đề xuất chương trình, dự án.

Căn cứ định hướng hợp tác với nhà trợ và các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan lựa chọn các đề xuất chương trình, dự án phù hợp và thông báo cho cơ quan chủ quản để xây dựng Đề cương chương trình, dự án. Chi phí xây dựng Đề cương chương trình, dự án được bố trí từ nguồn vốn của cơ quan chủ quản, vốn tự có của chủ dự án (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đối với các cơ quan được cấp phát từ ngân sách nhà nước thì chi phí xây dựng Đề cương chương trình, dự án được cấp từ ngân sách nhà nước hoặc hỗ trợ từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại.

3. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này:

a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công văn đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục tài trợ kèm theo Đề cương chương trình, dự án và văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ;

b) Căn cứ công văn đề nghị của cơ quan chủ quản, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan công văn đề nghị góp ý kiến cho Đề cương chương trình, dự án. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị góp ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về nguyên tắc cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại; Bộ Tài chính có ý kiến về nguyên tắc cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi;

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các cơ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ hoàn thiện Đề cương chương trình, dự án. Trên cơ sở Đề cương chương trình, dự án đã được hoàn thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Danh mục tài trợ.

Trong thời hạn 05 ngày sau khi nhận được Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản thông báo Danh mục tài trợ kèm theo Đề cương chương trình, dự án tới nhà tài trợ.

4. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định này:

a) Cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan công văn đề nghị góp ý kiến kèm theo Đề cương chương trình, dự án và văn bản, tài liệu về khả năng thu xếp nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của nhà tài trợ;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị góp ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan gửi ý kiến góp ý bằng văn bản về cơ quan chủ quản.

Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có ý kiến về cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với chương trình, dự án đề xuất;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản góp ý của các cơ quan, cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ hoàn thiện Đề cương chương trình, dự án và xem xét việc quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt Danh mục tài trợ, cơ quan chủ quản gửi Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ kèm theo Đề cương chương trình dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để theo dõi và tổng hợp chung; đồng thời gửi văn bản thông báo Danh mục tài trợ kèm theo Đề cương chương trình, dự án tới nhà tài trợ.

Điều 14. Thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục tài trợ đối với các trường hợp sau:

a) Các chương trình, dự án có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi; viện trợ phi dự án có sử dụng vốn vay ODA;

b) Các chương trình, dự án ô; các chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; các chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo;

c) Các khoản ODA viện trợ không hoàn lại có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 1 triệu đô la Mỹ trở lên;

d) Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi;

đ) Viện trợ mua sắm hàng hóa thuộc diện quản lý của Nhà nước.

2. Cơ quan chủ quản phê duyệt Danh mục tài trợ đối với các trường hợp không quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 15. Tham gia các chương trình, dự án khu vực

1. Cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo văn kiện, tài liệu chương trình, dự án khu vực, trong đó nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc Việt Nam tham gia.

2. Đối với trường hợp chưa xác định được cơ quan chủ quản của các chương trình, dự án khu vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc Việt Nam tham gia và cơ quan chủ quản của các chương trình, dự án này.

Điều 16. Đề cương chương trình, dự án và Đề cương khoản viện trợ phi dự án

1. Đề cương chương trình, dự án là tài liệu mô tả khái quát bối cảnh, sự cần thiết, mục tiêu, nội dung, kết quả, các hoạt động chủ yếu, dự kiến tổng vốn, nguồn và cơ cấu vốn, kiến nghị cơ chế tài chính trong nước, hình thức tổ chức quản lý thực hiện của chương trình, dự án. Mẫu Đề cương chương trình, dự án nêu tại Phụ lục IIa của Nghị định này.

2. Đề cương khoản viện trợ phi dự án là tài liệu mô tả khái quát khoản viện trợ không theo các dự án cụ thể, được cung cấp dưới dạng hiện vật, tiền hoặc chuyên gia. Mẫu Đề cương khoản viện trợ phi dự án nêu tại Phụ lục Ilb của Nghị định này.

Điều 17. Các hoạt động thực hiện trước

Trong trường hợp cần thiết và trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ, cơ quan chủ quản đề xuất các hoạt động thực hiện trước trong giai đoạn chuẩn bị, chuẩn bị thực hiện các chương trình, dự án, bao gồm:

1. Các hoạt động được phép thực hiện sau khi Đề cương chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

a) Thành lập Ban Quản lý dự án;

b) Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Khung chính sách tái định cư trong quá trình thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án;

c) Chuẩn bị kế hoạch đấu thầu, tài liệu đấu thầu, hồ sơ mời thầu.

2. Các hoạt động được phép thực hiện trong giai đoạn từ khi văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án có hiệu lực, bao gồm:

a) Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu, đàm phán hợp đồng đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp cho các hoạt động triển khai thực hiện trong 12 tháng đầu của chương trình, dự án và một số gói thầu tư vấn (tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát, tư vấn về tái định cư);

b) Các hợp đồng mua sắm hàng hóa, xây lắp và tư vấn của các gói thầu quy định tại Điểm a Khoản này chỉ được ký sau khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi của chương trình, dự án có hiệu lực.

Điều 18. Nội dung Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ

Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền gồm các nội dung chính sau:

1. Tên chương trình, dự án và nhà tài trợ, đồng tài trợ.

2. Tên cơ quan chủ quản, chủ dự án.

3. Mục tiêu và các kết quả chủ yếu của chương trình, dự án.

4. Thời gian tối đa thực hiện chương trình, dự án.

5. Hạn mức vốn của chương trình, dự án (ODA viện trợ không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng).

6. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.

7. Các hoạt động thực hiện trước (nếu có).

Điều 19. Sửa đổi, bổ sung nội dung Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ

Trong quá trình thẩm định, triển khai, thực hiện, nếu chương trình, dự án có nội dung thay đổi so với Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền (trừ nội dung quy định tại Khoản 7 Điều 18 Nghị định này):

1. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ và căn cứ đề nghị của cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các nội dung thay đổi.

2. Đối với Danh mục tài trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản: trên cơ sở thống nhất với nhà tài trợ, cơ quan chủ quản lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan trước khi xem xét, phê duyệt các nội dung thay đổi.

Trong trường hợp việc sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án dẫn đến vượt thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ, cơ quan chủ quản thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

 

Chương 3. CHUẨN BỊ, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

 

Điều 20. Nhiệm vụ của cơ quan chủ quản trong việc chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án

Sau khi có Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ và văn bản cam kết tài trợ của nhà tài trợ, cơ quan chủ quản có các nhiệm vụ sau:

1. Ban hành quyết định về chủ dự án.

2. Chỉ đạo chủ dự án thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.

3. Bố trí các nguồn lực theo thẩm quyền cho việc chuẩn bị chương trình, dự án.

4. Tổ chức thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 24; các Điều 25, 26 và 27 Nghị định này.

Điều 21. Nhiệm vụ của chủ dự án trong việc chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án

Chủ dự án có nhiệm vụ phối hợp với nhà tài trợ trong việc chuẩn bị, lập văn kiện chương trình, dự án theo quy định tại các Điều 22, 23 Nghị định này và hoàn tất hồ sơ để thực hiện các thủ tục về thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án theo quy định tại các Điều 25, 26 và 27 Nghị định này.

Điều 22. Nội dung văn kiện chương trình, dự án

1. Văn kiện chương trình, dự án được xây dựng trên cơ sở các nội dung của Đề cương chương trình, dự án thuộc Danh mục tài trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mẫu văn kiện dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) nêu tại Phụ lục Illa, văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nêu tại Phụ lục Illb, văn kiện chương trình nêu tại Phụ lục IIIc, văn kiện chương trình, dự án ô nêu tại Phụ lục Illd của Nghị định này.

Trong trường hợp văn kiện chương trình, dự án được xây dựng theo mẫu của nhà tài trợ, các nội dung nêu trên phải được chủ dự án tính đến trong quá trình phối hợp với nhà tài trợ lập văn kiện này, bảo đảm hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ.

Điều 23. Vốn chuẩn bị chương trình, dự án

1. Danh mục tài trợ là cơ sở để lập kế hoạch và bố trí vốn chuẩn bị chương trình, dự án. Vốn chuẩn bị chương trình, dự án bao gồm các khoản dưới đây:

a) Chi phí nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thu thập, phân tích và tổng hợp số liệu ban đầu;

b) Các chi phí lập, hoàn thiện văn kiện chương trình, dự án, bao gồm cả chi phí thuê tư vấn và chi phí dịch thuật;

c) Chi phí thẩm định văn kiện chương trình, dự án;

d) Chi phí đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nòng cốt về quản lý chương trình, dự án;

đ) Chi phí cho các hoạt động thực hiện trước trên cơ sở Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền.

2. Đối với chương trình, dự án thuộc diện được cấp phát từ ngân sách nhà nước: chủ dự án lập kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung hàng năm của cơ quan chủ quản. Quy trình phê duyệt, phân bổ vốn chuẩn bị chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hàng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn chuẩn bị chương trình, dự án đã được phân bổ; trong trường hợp không tự cân đối được nguồn vốn này, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét, quyết định việc bổ sung ngân sách.

3. Đối với các chương trình, dự án thuộc diện ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ hoặc cho vay lại một phần và cấp phát một phần: chủ dự án tự bố trí vốn chuẩn bị chương trình, dự án. Trong trường hợp không cân đối được nguồn vốn này, chủ dự án trình cơ quan chủ quản xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

4. Trong trường hợp nhà tài trợ hỗ trợ vốn để chuẩn bị chương trình, dự án, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan chủ quản để trình, duyệt theo quy định hiện hành và đưa vào kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án hàng năm của cơ quan chủ quản.

Điều 24. Thẩm quyền phê duyệt văn kiện chương trình, dự án

Thẩm quyền phê duyệt văn kiện chương trình, dự án (thẩm quyền quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư) quy định như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

a) Văn kiện chương trình, dự án quan trọng quốc gia;

b) Văn kiện chương trình kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo.

2. Thủ trưởng cơ quan chủ quản phê duyệt văn kiện chương trình, dự án đối với các trường hợp không quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 25. Thẩm định văn kiện chương trình, dự án

1. Đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

a) Chương trình, dự án quan trọng quốc gia: việc thẩm định thực hiện theo quy định hiện hành về chương trình, dự án quan trọng quốc gia;

b) Chương trình kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo: cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định văn kiện chương trình, dự án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan chủ quản: cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án.

3. Nội dung và quy trình thẩm định văn kiện chương trình, dự án:

a) Đối với dự án đầu tư, nội dung và quy trình thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Đối với chương trình, dự án khác không quy định tại Điểm a Khoản này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn về nội dung và quy trình thẩm định;

c) Đối với các chương trình, dự án vay lại nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, việc thẩm định phương án tài chính của chương trình, dự án và năng lực tài chính của chủ dự án thực hiện theo quy định tại Luật quản lý nợ công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Trong quá trình thẩm định, cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định phải lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, xem xét trình tự, thủ tục và tiến độ thẩm định của nhà tài trợ để đảm bảo sự phối hợp và hài hòa cần thiết, xem xét các nội dung đã thỏa thuận với nhà tài trợ, ý kiến thẩm định của nhà tài trợ hoặc đại diện của nhà tài trợ. Ý kiến đồng thuận hoặc ý kiến khác nhau giữa các bên phải được phản ánh trong báo cáo thẩm định.

5. Cơ quan, đơn vị đầu mối thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định văn kiện chương trình, dự án; các cơ quan tham gia thẩm định chịu trách nhiệm về nội dung văn kiện chương trình, dự án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Hồ sơ thẩm định văn kiện chương trình, dự án

Hồ sơ đề nghị thẩm định văn kiện chương trình, dự án bao gồm:

1. Tờ trình đề nghị thẩm định văn kiện chương trình, dự án của cơ quan chủ quản (đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc của chủ dự án (đối với văn kiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản).

2. Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền.

3. Văn kiện chương trình, dự án.

4. Trường hợp chương trình, dự án thuộc đối tượng vay lại, chủ dự án gửi kèm theo các tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án trả nợ và các tài liệu khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

5. Ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan, nhà tài trợ (nếu có) trong quá trình lập văn kiện chương trình, dự án.

6. Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.

Điều 27. Thời hạn thẩm định và phê duyệt văn kiện chương trình, dự án

1. Thời gian thẩm định văn kiện chương trình, dự án tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:

a) Đối với chương trình, dự án quan trọng quốc gia: không quá 90 ngày làm việc;

b) Đối với dự án đầu tư Nhóm A: không quá 40 ngày làm việc;

c) Đối với dự án đầu tư Nhóm B: không quá 30 ngày làm việc;

d) Đối với dự án đầu tư Nhóm C và các chương trình, dự án khác: không quá 20 ngày làm việc.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan, đơn vị được giao thẩm định, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản thông báo cho nhà tài trợ và chủ dự án kết quả phê duyệt, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quyết định phê duyệt (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) kèm theo văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản.

 

Chương 4. KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

 

Điều 28. Cơ sở đề xuất, ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi là kết quả vận động, chiến lược và chính sách hợp tác phát triển, lĩnh vực ưu tiên về ODA và vốn vay ưu đãi đã được thống nhất giữa Việt Nam và nhà tài trợ.

2. Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi là văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Việc ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Luật quản lý nợ công.

Điều 29. Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ về ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Báo cáo Chủ tịch nước trước khi đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về ODA và vốn vay ưu đãi có quy định phải phê chuẩn.

2. Quyết định cho tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước, Chính phủ.

3. Quyết định phê duyệt điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ.

4. Trình Chủ tịch nước xem xét, phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đối với trường hợp điều ước quốc tế ký kết nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ về ODA và vốn vay ưu đãi có quy định phải phê chuẩn.

Điều 30. Cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc cơ quan mình, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

2. Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, trừ vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Khoản 3 Điều này.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế khác mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi trong các trường hợp sau đây:

a) Điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi;

b) Điều ước quốc tế cụ thể về ODA viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án của cơ quan không quy định tại Khoản 1 Điều này, trừ ODA viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế khác quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 31. Trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Cơ quan đề xuất lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

2. Thủ tướng Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước và quyết định việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê chuẩn.

3. Cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì đàm phán tiến hành đàm phán với nhà tài trợ về dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Căn cứ kết quả đàm phán phù hợp với nội dung dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và ủy quyền ký, người được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền tiến hành ký điều ước quốc tế với đại diện của nhà tài trợ.

Trường hợp kết quả đàm phán có thay đổi so với nội dung dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cơ quan đề xuất lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký điều ước quốc tế đó.

5. Đối với trường hợp điều ước quốc tế sau khi ký phải được phê duyệt hoặc phê chuẩn, cơ quan đề xuất lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc trình Chủ tịch nước phê chuẩn.

Điều 32. Trình tự, thủ tục ủy quyền đàm phán, ký các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi với cùng một nhà tài trợ

1. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan và nhà tài trợ, cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ủy quyền cho một hoặc nhiều đại diện đàm phán, ký các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi với cùng một nhà tài trợ. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm các văn bản sau đây:

a) Tờ trình của cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ủy quyền cho một hoặc nhiều đại diện đàm phán, ký các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi với cùng một nhà tài trợ;

b) Bản sao điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký kết với cùng một nhà tài trợ, hoặc mẫu dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi với cùng một nhà tài trợ bao gồm các nội dung chính và phương án lựa chọn đối với vấn đề cụ thể (nếu có);

c) Ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, các cơ quan khác có liên quan và nhà tài trợ.

2. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền đàm phán, ký các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi với cùng nhà tài trợ.

Điều 33. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán, ký, phê duyệt điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi bao gồm các văn bản sau đây:

a) Tờ trình của cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi;

b) Văn kiện chương trình, dự án kèm theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

c) Dự thảo điều ước quốc tế, kèm theo bản dịch tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế đó chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;

d) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo điều ước quốc tế đó.

2. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký nhân danh Chính phủ bao gồm các văn bản sau đây:

a) Tờ trình của cơ quan đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký nhân danh Chính phủ với nhà tài trợ;

b) Bản sao điều ước quốc tế, kèm theo bản dịch tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế đó chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài;

c) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan;

d) Dự kiến kế hoạch thực hiện trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký không có quy định về nội dung này.

Điều 34. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Tờ trình của cơ quan đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã được ký với nhà tài trợ.

2. Dự thảo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế.

3. Bản sao điều ước quốc tế, kèm theo bản dịch tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài.

4. Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan.

5. Dự kiến kế hoạch thực hiện trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký không có quy định về nội dung này.

Điều 35. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi

1. Đối với sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi sau khi ký phải được phê chuẩn: thực hiện theo quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Luật quản lý nợ công.

2. Đối với sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này;

a) Trường hợp phải ký điều ước quốc tế mới nhân danh Chính phủ: cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 31 Nghị định này;

b) Trường hợp thông qua trao đổi thư, công hàm với nhà tài trợ:

Đối với sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Chính phủ làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ (như lãi suất, thời hạn vay, mức tiền vay, các khoản, phí) hoặc, thay đổi cam kết khác của Chính phủ so với trước đó, cơ quan đề xuất lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với sửa đổi, bổ sung không làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ (như lãi suất, thời hạn vay, mức tiền vay, các khoản phí) hoặc không thay đổi cam kết khác của Chính phủ so với trước đó, cơ quan đề xuất quyết định việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác có liên quan. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình. Trường hợp các cơ quan có ý kiến khác nhau, cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c) Cơ quan đề xuất thông báo với nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác có liên quan về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi. Trường hợp cần thông báo bằng công hàm của Bộ Ngoại giao, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao để Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục thông báo đối ngoại về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn này.

 

Chương 5. QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

 

Điều 36. Các hình thức quản lý chương trình, dự án

Cơ quan chủ quản quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý chương trình, dự án sau đây:

1. Cơ quan chủ quản với vai trò là chủ dự án trực tiếp quản lý chương trình, dự án.

2. Chủ dự án trực tiếp quản lý chương trình, dự án.

3. Chủ dự án thuê tổ chức tư vấn quản lý chương trình, dự án.

Điều 37. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án

1. Quyết định việc tổ chức bộ máy quản lý thực hiện chương trình, dự án.

2. Phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án; tổng hợp và phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn hàng năm của chương trình, dự án.

3. Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

4. Tổ chức giám sát và đánh giá tình hình thực hiện, đảm bảo chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và đạt mục tiêu đề ra.

5. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

6. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án.

Điều 38. Nhiệm vụ và quyền hạn của chủ dự án trong quản lý thực hiện các chương trình, dự án

1. Tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện chương trình, dự án trên cơ sở quyết định của cơ quan chủ quản.

2. Chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tài trợ cho chương trình, dự án từ khi chuẩn bị, thực hiện đến khi đưa chương trình, dự án vào khai thác sử dụng.

3. Lập và trình cơ quan chủ quản phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án; Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm để làm cơ sở phê duyệt kế hoạch phân bổ vốn hàng năm của cơ quan chủ quản.

Riêng đối với các trường hợp chương trình, dự án vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vốn đối ứng do chủ dự án tự bố trí thì chủ dự án chịu trách nhiệm về việc lập, phê duyệt kế hoạch vốn hàng năm.

4. Xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng quý, phục vụ cho công tác điều hành, giám sát và đánh giá chương trình, dự án.

5. Tổ chức thẩm định; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và dự toán các hạng mục công trình (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình).

6. Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.

7. Đàm phán, ký kết, giám sát việc thực hiện các hợp đồng và xử lý các vi phạm hợp đồng.

8. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình).

9. Thực hiện giám sát và đánh giá chương trình, dự án nhằm đảm bảo chương trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và đạt mục tiêu đề ra.

10. Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và các sai phạm thuộc thẩm quyền trong công tác tổ chức quản lý và thực hiện chương trình, dự án gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chung của chương trình, dự án.

11. Đối với các chương trình, dự án áp dụng cơ chế cho vay lại, chủ dự án có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ và kịp thời vốn vay lại theo các điều kiện vay lại đã thỏa thuận.

12. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án.

Điều 39. Thành lập Ban quản lý dự án

1. Trong trường hợp trực tiếp quản lý chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 36 Nghị định này, trong vòng 30 ngày làm việc sau khi chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ dự án ra quyết định thành lập Ban quản lý dự án.

2. Việc thành lập Ban quản lý dự án phải xem xét khả năng sử dụng các Ban quản lý dự án chuyên nghiệp hoặc các Ban quản lý dự án hiện có của chủ dự án để giảm chi phí quản lý và sử dụng năng lực, kinh nghiệm của các cán bộ quản lý dự án.

3. Đối với hoạt động thực hiện trước về thành lập Ban quản lý dự án: thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

4. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định thành lập Ban quản lý dự án, chủ dự án ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án. Trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án ký kết với nhà tài trợ có quy định cơ cấu tổ chức quản lý dự án, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý dự án, thì những quy định này phải được cụ thể hóa và thể hiện đầy đủ trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án.

Điều 40. Nhiệm vụ và quyền hạn Ban quản lý dự án

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý dự án do chủ dự án giao trên cơ sở quyết định thành lập Ban quản lý dự án.

Chủ dự án có thể ủy quyền cho Ban quản lý dự án quyết định hoặc ký kết các văn bản thuộc thẩm quyền của mình trong quá trình quản lý thực hiện. Việc ủy quyền này phải được quy định tại Quyết định thành lập Ban quản lý dự án hoặc tại các văn bản ủy quyền cụ thể của chủ dự án.

2. Ban quản lý dự án có thể được giao nhiệm vụ quản lý nhiều chương trình, dự án, nhưng phải được chủ dự án chấp thuận và phải đảm bảo nguyên tắc: từng chương trình, dự án không bị gián đoạn, được quản lý và quyết toán theo đúng quy định hiện hành của pháp luật. Trong trường hợp không có đủ điều kiện thực hiện một số phần việc về quản lý và giám sát, Ban quản lý dự án có thể thuê tư vấn thực hiện các công việc này với sự chấp thuận của chủ dự án.

3. Ban quản lý dự án có các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Hỗ trợ chủ dự án lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện chương trình, dự án;

b) Hỗ trợ chủ dự án trong công tác chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án;

c) Hỗ trợ chủ dự án thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng;

d) Hỗ trợ chủ dự án trong công tác giải ngân, quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án;

đ) Thực hiện công tác theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án;

e) Chuẩn bị để chủ dự án nghiệm thu và bàn giao các kết quả đầu ra của chương trình, dự án sau khi hoàn thành; hoàn tất công tác kiểm toán, bàn giao tài sản của chương trình, dự án; lập báo cáo kết thúc và báo cáo quyết toán chương trình, dự án;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác trong khuôn khổ chương trình, dự án do chủ dự án giao.

Điều 41. Thuê tư vấn quản lý dự án

1. Trường hợp chủ dự án thuê tư vấn quản lý chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Nghị định này, tổ chức tư vấn đó phải có đủ điều kiện, năng lực tổ chức quản lý phù hợp với quy mô, tính chất của chương trình, dự án. Trách nhiệm, quyền hạn của tư vấn quản lý dự án được thực hiện trên cơ sở hợp đồng thuê tư vấn. Tư vấn quản lý dự án được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn tham gia quản lý, nhưng phải được chủ dự án chấp thuận và phù hợp với hợp đồng thuê tư vấn đã ký.

2. Chủ dự án có trách nhiệm lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực tổ chức quản lý để giúp chủ dự án quản lý dự án. Khi áp dụng hình thức thuê tư vấn quản lý dự án, chủ dự án vẫn phải sử dụng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của mình hoặc chỉ định đầu mối để kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án.

3. Tổ chức tư vấn quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện các công việc và cam kết theo hợp đồng ký kết với chủ dự án và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.

Điều 42. Các trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án

Chủ dự án không cần thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, điều hành chương trình, dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để giúp quản lý, thực hiện chương trình, dự án trong các trường hợp sau:

1. Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại có tổng mức vốn (kể cả vốn đối ứng) dưới 200.000 đô la Mỹ.

2. Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại có tổng mức đầu tư (kể cả vốn đối ứng) dưới 350.000 đô la Mỹ.

3. Các chương trình, dự án khu vực, các chương trình ngành, hỗ trợ ngân sách, các khoản viện trợ phi dự án.

Điều 43. Vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án

1. Các chương trình, dự án phải được đảm bảo đủ vốn đối ứng để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án (bao gồm cả các hoạt động thực hiện trước, nếu có). Nguồn, mức vốn và cơ chế vốn đối ứng phải phù hợp với nội dung nêu trong văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án có thể bao gồm các khoản sau:

a) Chi phí hoạt động cho Ban quản lý chương trình, dự án (lương, thưởng, phụ cấp, văn phòng, phương tiện làm việc, chi phí hành chính);

b) Chi phí thẩm định thiết kế, duyệt tổng dự toán, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và thủ tục hành chính cần thiết khác;

c) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu;

d) Chi phí cho hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án;

đ) Chi phí tiếp nhận và phổ biến công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế;

e) Chi phí tuyên truyền, quảng cáo chương trình, dự án và các hoạt động cộng đồng;

g) Chi trả các loại thuế, phí hải quan, phí bảo hiểm theo quy định hiện hành;

h) Tiền trả lãi, tiền đặt cọc, phí cam kết và các loại phí liên quan khác phải trả cho phía nước ngoài;

i) Chi phí tiếp nhận thiết bị và vận chuyển nội địa (nếu có);

k) Chi phí kiểm toán;

l) Chi phí thực hiện một số hoạt động cơ bản của chương trình, dự án (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công; đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; xây dựng một số hạng mục công trình, mua sắm một số trang thiết bị);

m) Chi phí cho các hoạt động giám sát và đánh giá; giám sát và kiểm định chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán chương trình, dự án;

n) Chi phí dự phòng và các chi phí hợp lý khác.

3. Đối với các chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước: cơ quan chủ quản có trách nhiệm cân đối vốn đối ứng trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan chủ quản theo quy định của pháp luật hiện hành và phân định rõ theo nguồn vốn xây dựng cơ bản, hành chính sự nghiệp tương ứng với nội dung chi tiêu của chương trình, dự án; bảo đảm bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ quy định trong văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Đối với các chương trình, dự án vay lại từ ngân sách nhà nước và các chương trình, dự án một phần cấp phát, một phần vay lại: chủ dự án tự bố trí vốn đối ứng hoặc trình cơ quan chủ quản quyết định để bảo đảm đủ vốn đối ứng cho chương trình, dự án trước khi ký hợp đồng vay lại.

5. Đối với các chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước có thời điểm phê duyệt hoặc ký kết không trùng với kỳ lập dự toán ngân sách hàng năm, chưa được bố trí vốn đối ứng: cơ quan chủ quản có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào dự toán ngân sách hàng năm.

Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án được xem xét tài trợ không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hàng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn đã được phân bổ. Trong trường hợp không tự cân đối được, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét, quyết định việc tạm ứng vốn và sau đó khấu trừ vào kế hoạch năm tiếp theo.

6. Trong trường hợp vốn đối ứng đã được cấp phát từ ngân sách trung ương hàng năm cho các chương trình, dự án không sử dụng hết, cơ quan chủ quản có thể điều chuyển cho các chương trình, dự án khác có nhu cầu sau khi được cơ quan có thẩm quyền giao vốn phê duyệt theo quy định hiện hành.

Điều 44. Vốn ứng trước để thực hiện chương trình, dự án

Trường hợp có nhu cầu cấp thiết về vốn ứng trước để thực hiện một số hạng mục của chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước đã được cam kết tài trợ từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi và đã được ghi kế hoạch tài chính năm mà chưa rút được vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, quyết định tạm ứng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước trên cơ sở văn bản giải trình của cơ quan chủ quản và văn bản cam kết của nhà tài trợ về việc hồi tố các khoản vốn ứng trước này. Phần vốn này sẽ được Kho bạc nhà nước các cấp thu hồi lại khi giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi phân bổ cho các hạng mục đó.

Điều 45. Thuế và phí đối với các chương trình, dự án

Thuế và phí áp dụng đối với các chương trình, dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đó thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Điều 46. Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

1. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong các chương trình, dự án thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đó thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Hồ sơ trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của chương trình, dự án phải có cam kết chính thức bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về tiến độ, thời hạn hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư phù hợp với tiến độ thực hiện của từng gói thầu thuộc chương trình, dự án.

Điều 47. Đấu thầu

1. Việc đấu thầu để thực hiện chương trình, dự án phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đó thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Đối với các hoạt động thực hiện trước liên quan đến công tác đấu thầu quy định tại Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ: cơ quan chủ quản và chủ dự án tiến hành các hoạt động thực hiện trước liên quan đến công tác đấu thầu quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Điều 48. Sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án và sử dụng vốn dư trong quá trình thực hiện chương trình, dự án

1. Trường hợp sửa đổi, bổ sung dẫn đến thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ: cơ quan chủ quản thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Trên cơ sở ý kiến chấp thuận thay đổi về nội dung trong Quyết định phê duyệt Danh mục tài trợ của cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ quản tiến hành các thủ tục liên quan đến việc phê duyệt văn kiện chương trình, dự án sửa đổi và bổ sung.

2. Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án dẫn đến sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan đề xuất thực hiện quy định tại Điều 35 Nghị định này.

3. Việc sử dụng vốn dư (ODA và vốn vay ưu đãi) phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình, dự án bao gồm vốn dư sau đấu thầu, vốn dư do thay đổi tỷ giá, lãi suất, vốn dự phòng chưa phân bổ và các khoản vốn dư khác thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng vốn dư trong phạm vi chương trình, dự án: trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ, cơ quan chủ quản quyết định việc sử dụng vốn dư theo quy định hiện hành;

b) Đối với trường hợp sử dụng vốn dư để thực hiện chương trình, dự án mới theo hướng ưu tiên nhằm phát huy hiệu quả của chương trình, dự án đang thực hiện: trên cơ sở thỏa thuận với nhà tài trợ, cơ quan chủ quản có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Đề cương chương trình, dự án mới. Các bước tiếp theo liên quan đến việc phê duyệt Danh mục tài trợ thực hiện theo quy định tại các Khoản 3 và 4 Điều 13 Nghị định này.

Điều 49. Quản lý xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, kiểm toán, quyết toán

1. Đối với dự án đầu tư, việc thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng và tổng dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đó thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, sau khi hoàn thành, cơ quan chủ quản tổ chức nghiệm thu và tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục khai thác và phát huy kết quả đạt được cũng như thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án.

3. Việc kiểm toán, quyết toán chương trình, dự án phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật trong nước với điều ước quốc tế đó thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Điều 50. Xử lý tranh chấp hợp đồng

Trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được sự thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo quy định của hợp đồng hoặc các quy định của điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án, các thỏa thuận quốc tế và pháp luật có liên quan.

 

Chương 6. GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

 

Điều 51. Giám sát chương trình, dự án

Giám sát chương trình, dự án bao gồm các hoạt động theo dõi và kiểm tra quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu và hiệu quả của chương trình, dự án, trong đó:

1. Theo dõi chương trình, dự án bao gồm các hoạt động thường xuyên và định kỳ của các cấp quản lý để cập nhật toàn bộ các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện chương trình, dự án; phân loại và phân tích thông tin; kịp thời đề xuất các phương án xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng trong khuôn khổ các nguồn lực của chương trình, dự án.

2. Kiểm tra chương trình, dự án bao gồm: các hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, phát hiện kịp thời những sai sót, yếu kém trong việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và giám sát việc thực thi các biện pháp khắc phục.

Điều 52. Đánh giá chương trình, dự án

1. Đánh giá chương trình, dự án bao gồm các hoạt động định kỳ, xem xét toàn diện, có hệ thống và khách quan về tính phù hợp, hiệu quả, hiệu suất, tác động và mức độ bền vững của chương trình, dự án để có những điều chỉnh cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm áp dụng cho giai đoạn thực hiện tiếp theo và các chương trình, dự án khác.

2. Công tác đánh giá được tiến hành định kỳ và đột xuất (khi cần thiết). Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và theo thỏa thuận với nhà tài trợ, các giai đoạn đánh giá có thể bao gồm:

a) Đánh giá ban đầu: tiến hành ngay sau khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án nhằm xem xét những thay đổi trên thực tế so với văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt để có biện pháp xử lý;

b) Đánh giá giữa kỳ: tiến hành vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án nhằm xem xét tình hình thực hiện đến thời điểm đánh giá để có các điều chỉnh cần thiết;

c) Đánh giá kết thúc: tiến hành ngay sau kết thúc thực hiện chương trình, dự án để xem xét toàn bộ quá trình thực hiện, làm cơ sở để lập báo cáo kết thúc chương trình, dự án;

d) Đánh giá tác động: tiến hành trong vòng 3 năm, kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng để xem xét hiệu quả, tính bền vững và các tác động so với mục tiêu đặt ra ban đầu của chương trình, dự án.

3. Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công tác đánh giá phải được tiến hành bởi chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia, tư vấn độc lập được thuê tuyển theo các quy định hiện hành, có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết (trừ đánh giá ban đầu có thể do Ban quản lý dự án thực hiện). Chủ dự án phải phối hợp với nhà tài trợ xác định thời gian và kinh phí cho công tác đánh giá ngay từ giai đoạn xây dựng văn kiện chương trình, dự án.

4. Kế hoạch thực hiện công tác đánh giá phải được xây dựng trong văn kiện chương trình, dự án và phải phù hợp với tính chất của chương trình, dự án.

Điều 53. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong công tác giám sát và đánh giá

1. Tổ chức thiết lập, vận hành hệ thống giám sát và đánh giá chương trình, dự án ở cấp cơ quan chủ quản, tổ chức kiểm tra các chương trình, dự án này ít nhất mỗi năm một lần và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác giám sát và đánh giá.

2. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giám sát và đánh giá về các chương trình, dự án ở cấp quốc gia.

3. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Phản hồi đầy đủ và kịp thời các kiến nghị của chủ dự án nêu trong báo cáo tiến độ thực hiện và báo cáo kết quả đánh giá chương trình, dự án; phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan tiến hành đánh giá đột xuất trong trường hợp cần thiết.

5. Tổ chức đánh giá tác động các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền theo kế hoạch đánh giá tác động hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

6. Chia sẻ thông tin qua hệ thống giám sát, đánh giá chương trình, dự án ở cấp cơ quan chủ quản để đảm bảo tính minh bạch và tranh thủ sự giám sát của cộng đồng.

Điều 54. Trách nhiệm của chủ dự án trong công tác giám sát và đánh giá

1. Tổ chức thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp chủ dự án và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này; chỉ định bộ phận chịu trách nhiệm thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đối với chương trình, dự án của mình.

2. Tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong văn kiện chương trình, dự án.

3. Xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và các kiến nghị nêu trong các báo cáo đánh giá. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền, trình cơ quan chủ quản có biện pháp xử lý.

4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Thuê tư vấn tiến hành đánh giá trên cơ sở kế hoạch giám sát và đánh giá nêu trong văn kiện chương trình, dự án.

6. Chia sẻ thông tin qua hệ thống giám sát, đánh giá chương trình, dự án ở cấp chủ dự án để đảm bảo tính minh bạch và tranh thủ sự giám sát của cộng đồng.

Điều 55. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án trong công tác theo dõi và đánh giá

1. Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của chương trình, dự án, báo cáo của các nhà thầu, những thay đổi trong chính sách, luật pháp của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ liên quan đến công tác quản lý chương trình, dự án.

2. Lập báo cáo thực hiện theo quy định, cung cấp, chia sẻ thông tin thông qua hệ thống giám sát và đánh giá cấp ngành, địa phương và cấp quốc gia.

3. Hỗ trợ chủ dự án trong công tác giám sát và đánh giá chương trình, dự án.

Điều 56. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác giám sát và đánh giá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức thực hiện giám sát và đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia, có nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Tổ chức thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá ở cấp quốc gia và bố trí các nguồn lực cần thiết cho công tác này.

2. Chủ trì lập kế hoạch giám sát và đánh giá ODA và vốn vay ưu đãi hàng năm ở cấp quốc gia và phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương và nhà tài trợ tổ chức thực hiện kế hoạch này.

3. Xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền nêu trong báo cáo của chủ dự án, cơ quan chủ quản và nhà tài trợ; đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện tình hình thực hiện chương trình, dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan giám sát việc tuân thủ pháp luật và điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi, hiệu quả sử dụng các vốn của chương trình, dự án. Trong trường hợp cần thiết, thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản và chủ dự án về các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án để đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

5. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và nhà tài trợ lựa chọn các chương trình, dự án để đưa vào kế hoạch đánh giá tác động hàng năm.

6. Chia sẻ thông tin qua hệ thống giám sát, đánh giá chương trình, dự án ở cấp quốc gia để đảm bảo tính minh bạch và tranh thủ sự giám sát của cộng đồng.

Điều 57. Chế độ báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi

1. Cấp chủ dự án:

Chủ dự án lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ, bao gồm:

a) Báo cáo tháng, chậm nhất 10 ngày sau khi hết tháng (chỉ áp dụng đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các dự án đầu tư nhóm A);

b) Báo cáo quý, chậm nhất 15 ngày sau khi hết quý;

c) Báo cáo năm, chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm sau;

d) Báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc thực hiện chương trình, dự án;

đ) Báo cáo về những thay đổi (nếu có) so với các nội dung của điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết.

Các báo cáo cho nhà tài trợ được thực hiện theo thỏa thuận trong điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi về chương trình, dự án.

2. Cấp cơ quan chủ quản:

Chậm nhất 20 ngày sau mỗi quý, cơ quan chủ quản lập báo cáo tổng hợp về tình hình vận động, tiếp nhận và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, báo cáo đánh giá chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý và gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để tổng hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Cấp quốc gia:

Các cơ quan sau đây định kỳ 6 tháng và cả năm lập báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 31 tháng 7 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 31 tháng 01 của năm sau:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp quốc gia theo quy định tại Khoản 11 Điều 61 Nghị định này;

b) Bộ Tài chính lập báo cáo tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình vay nợ, thanh toán, trả nợ và giải ngân, rút vốn đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định tại Điểm i Khoản 5 Điều 62 Nghị định này.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo thống nhất về ODA và vốn vay ưu đãi, từng bước hài hòa hóa mẫu báo cáo với các nhà tài trợ; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo ODA và vốn vay ưu đãi ở các cấp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác này.

Điều 58. Chi phí giám sát và đánh giá việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi

1. Chi phí cho công tác giám sát và đánh giá chương trình, dự án ở cấp chủ dự án được bố trí từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hoặc từ nguồn vốn đối ứng được xác định trong văn kiện chương trình, dự án.

2. Chi phí cho công tác giám sát và đánh giá việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi ở cấp cơ quan chủ quản và cấp quốc gia được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Điều 59. Thanh tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi

Thanh tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

Chương 7. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI

 

Điều 60. Quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi 

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, bao gồm các nội dung sau:

1. Quyết định chiến lược, chính sách, quy hoạch, định hướng thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cho từng thời kỳ.

2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.

3. Điều hành vĩ mô công tác quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.

Điều 61. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Là cơ quan đầu mối trong việc vận động, điều phối, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ, quy hoạch thu hút, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.

3. Chủ trì việc chuẩn bị nội dung và tổ chức vận động, điều phối các nguồn ODA và vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.

4. Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục tài trợ theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 và Khoản 1 Điều 14 Nghị định này.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung về ODA và vốn vay ưu đãi và điều ước quốc tế cụ thể về ODA viện trợ không hoàn lại theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định này.

6. Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ của Thủ tướng Chính phủ; xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ của cơ quan chủ quản;

b) Tổng hợp và lập kế hoạch giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn chuẩn bị chương trình, dự án, vốn đối ứng nguồn xây dựng cơ bản để chuẩn bị thực hiện và thực hiện đối với các chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn hàng năm;

c) Xử lý nhu cầu bổ sung vốn trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 5 Điều 43 và Điều 44 Nghị định này.

8. Xây dựng, vận hành và hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá các chương trình, dự án ở cấp quốc gia; chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ, khai thác có hiệu quả hệ thống này.

9. Theo dõi, kiểm tra việc quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; đôn đốc, hỗ trợ việc thực hiện các chương trình, dự án.

10. Làm đầu mối giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án, những vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, ngành để đảm bảo tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý các vấn đề về ODA và vốn vay ưu đãi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Trong trường hợp cần thiết, chủ trì thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án và nhà tài trợ để xem xét, đánh giá và giải quyết kịp thời những vướng mắc theo thẩm quyền.

11. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và đột xuất về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án.

12. Chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi.

13. Biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về vận động, chuẩn bị, thẩm định, tổ chức quản lý thực hiện, giám sát và đánh giá chương trình, dự án; hỗ trợ công tác đào tạo quản lý chương trình, dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.

Điều 62. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính 

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, chính sách hợp tác phát triển với nhà tài trợ, quy hoạch thu hút, điều phối, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này.

2. Hướng dẫn chuẩn bị nội dung liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, quản lý tài chính của các chương trình, dự án.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định này.

4. Đại diện chính thức cho “bên vay” đối với các khoản vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ với nhà tài trợ, trừ các khoản vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đại diện cho Việt Nam và được ủy quyền ký kết điều ước quốc tế về khoản vay đó.

5. Quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về quản lý tài chính đối với chương trình, dự án;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ quản và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi trước khi ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi;

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ của Thủ tướng Chính phủ; xác định cơ chế tài chính trong nước áp dụng đối với các chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại thuộc thẩm quyền phê duyệt Danh mục tài trợ của cơ quan chủ quản;

d) Quy định cụ thể thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn của các chương trình, dự án trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi đã ký với nhà tài trợ;

đ) Chủ trì hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và phí đối với các chương trình, dự án; giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế và phí;

e) Bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để trả nợ các khoản vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi khi đến hạn;

g) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi;

h) Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước đối với các nguồn vốn này;

i) Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) số liệu giải ngân, rút vốn, thanh toán và trả nợ đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho các cơ quan liên quan;

k) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và lập kế hoạch giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; xử lý nhu cầu bổ sung vốn trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của chương trình, dự án theo quy định tại Khoản 5 Điều 43 và Điều 44 Nghị định này;

l) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng nguồn hành chính sự nghiệp để chuẩn bị thực hiện và thực hiện các chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch vốn hàng năm;

m) Tổ chức cho vay lại và thu hồi phần vốn cho vay lại của các chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách nhà nước cho vay lại.

Điều 63. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết các điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này.

2. Bàn giao hồ sơ và toàn bộ các thông tin liên quan đến chương trình, dự án cho Bộ Tài chính sau khi các điều ước quốc tế cụ thể về vốn ODA và vốn vay ưu đãi có hiệu lực, trừ thỏa thuận vay với Quỹ Tiền tệ quốc tế.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định và công bố danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, làm cơ sở để cơ quan chủ trì đàm phán điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi lựa chọn ngân hàng phục vụ cho chương trình, dự án.

4. Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về tình hình rút vốn và thanh toán thông qua hệ thống tài khoản của các chương trình, dự án mở tại các ngân hàng.

Điều 64. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp 

1. Thẩm định dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế.

2. Tham gia đàm phán, góp ý xây dựng nội dung dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

3. Tham gia ý kiến đối với đề cương chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật.

4. Thẩm định văn kiện chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

5. Có ý kiến pháp lý về các vấn đề pháp luật đối với dự thảo khung chính sách tái định cư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

6. Cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi hoặc các vấn đề pháp lý liên quan khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 65. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Ngoại giao 

1. Phối hợp với các cơ quan liên quan, trên cơ sở chính sách đối ngoại chung, xây dựng và thực hiện chủ trương, phương hướng vận động ODA và vốn vay ưu đãi, chính sách đối tác; tham gia vận động ODA và vốn vay ưu đãi.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài hoặc tại tổ chức quốc tế tiến hành vận động ODA và vốn vay ưu đãi, phù hợp với chủ trương, phương hướng vận động, quy hoạch, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong từng thời kỳ.

3. Kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi; tham gia đàm phán, góp ý kiến đối với dự thảo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

4. Thực hiện các thủ tục đối ngoại về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi; tổ chức lưu trữ, sao lục, công bố điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi.

5. Tham gia đánh giá các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

6. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế.

Điều 66. Nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng Chính phủ 

1. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi.

2. Tham gia ý kiến về nội dung trong quá trình chuẩn bị chương trình, dự án theo yêu cầu của cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án; thẩm tra và đề xuất, kiến nghị về chính sách, cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, dự án trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Điều 67. Nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ 

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch định hướng thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi thuộc lĩnh vực phụ trách.

2. Xây dựng Đề cương chương trình, dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đối với các chương trình, dự án do mình làm chủ quản theo quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 30 Nghị định này.

4. Đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó sau khi được ký kết.

5. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật.

6. Công khai minh bạch và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

Điều 68. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 

1. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2. Xây dựng Đề cương chương trình, dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

3. Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA và vốn vay ưu đãi đối với các chương trình, dự án do mình làm chủ quản quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 30 Nghị định này và thực hiện điều ước quốc tế đó sau khi được ký kết.

4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA viện trợ không hoàn lại quy định tại Nghị định này và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế đó sau khi được ký kết.

5. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

6. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Công khai minh bạch và chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

8. Bố trí vốn trả nợ ngân sách trung ương để trả nợ nước ngoài đối với các chương trình, dự án áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh vay lại nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Điều 69. Khen thưởng và xử lý vi phạm 

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định này được khen thưởng theo quy định của pháp luật về khen thưởng.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Chương 8.  ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 70. Tổ chức thực hiện 

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này về quản lý tài chính, chính sách thuế và phí đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo thẩm quyền.

Điều 71. Hiệu lực thi hành 

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 6 năm 2013 và thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
-------

No: 38/2013/ND-CP

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

Hanoi, April 23, 2013

 

DECREE

ON MANAGEMENT AND UTILIZATIONOF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE (ODA) AND CONCESSIONAL LOANS FROMDONORS

Pursuant to the Law on Government organization,of December 25, 2001;

Pursuant to the Law on State budget, of December 16, 2002;

Pursuant to the Law on Construction, of November 26, 2003;

Pursuant to the Lawon Conclusion, Accession to and Implementation ofinternational treaties, of June 14, 2005;

Pursuant to the Law on investment, of November 29, 2005;

Pursuant to the Procurement Law, of November 29, 2005;

Pursuant to the Lawon Public Debt Management, of June 17, 2009;

Pursuant to the Law amending and supplementing a number of articlesinthe lawsrelating to investment of capital construction, of June 19, 2009;

At the proposal of the Minister of Planning and Investment;

The Government promulgates the Decree on management and utilization of officialdevelopment assistance (ODA) and concessional loans from donors,

Chapter 1.

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Decreeregulates themanagement and utilization of official development assistance (ODA) and concessional loansprovided byforeign governments, international organizations and inter-state or inter-governmental organizations (below collectively referred to asdonors)to theState or Government of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 2.Entities of application

The entitiesof applicationare allagencies, organizations, individuals participating or involvingin theactivitiesunderscope ofgovernanceof this Decree.

Article 3.Forms ofprovision ofODA and concessional loans

1.ODAconsistsofODAnon-refundableaidand ODA loan:

a.ODAnon-refundableaidisaform of provisionofODAthat does not require refundingto the donor;

b. ODA loan isaform of provisionofODAthat requiresre-fund to the donorunder concessional conditionsin terms ofinterest rate, grace period anddebt-payment periodwith the non-refundable elementofat least 35%forthe value of tied loans or 25% forthe value of untied loans.The methodof calculatingnon-refundable element is specifiedin the Annex 1 of this Decree.

2.Concessional loan isaform of provisionofloan, the borrowing conditions of which ismore concessionalthancommercial loan, but the non-refundable elementdoes not satisfy the criteria forODA loanas stipulatedin point b clause 1 of this Article.

Article 4. Interpretation of terms

In this Decree, the following terms are construed as follows:

1."Line agencies ofODA program or project" (hereinafter abbreviated to “Line agencies”) meanthecentral agencies of theCommunistParty, the Supreme People s Procuracy, the Supreme People s Court, agenciesofNational Assembly, the State Audit,theOffice ofthePresident, Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, People s Committees of provincesandcentrally-run cities (hereinafter referred to as “Provincial People s Committees”), central agencies of social andpolitical organizations,ofsocial, political andprofessional organizations, social andprofessional organizationsthat haveprogramsandprojectsfunded by ODAand concessional loans (hereinafter abbreviated to “programsandprojects”).

2."Ownerofprogram or project" (hereinafter abbreviated to as “Project Owner") means theunit assigned by the Line agencythe responsibilityformanagementand utilization ofODA, concessional loans and counterpart funds for implementation ofprogram or project.

3.“Project management unit” means unit assigned the responsibility tosupport itsProject Ownertomanageand implement program(s)or project(s).

4.“The SteeingCommitteeofprogram or project” (hereinafter abbreviated to “The Steering committee”) means acommittee that constitutes with composition ofcompetent representatives fromthe Line agencyandotherrelevant agencies withits mandateofprovidingdirections, coordinating in supervision andgoverningimplementation of program or project.In some neccessary case, on the basis of agreement with the donor(s),theSteering Committee may includetherepresentative(s)fromdonor(s).

5.“Funding list" means a list ofone or manyprograms,projects and non-project financing amountsproposedfor financingfromODA and concessional loansthatis approved byVietnamesecompetent agencies,agreed to be funded bydonor(s), and serves as a basis for the Line agency to coordinate with donors in formulation of documentofprograms,projectsand non-project financing.

6."Project" means anaggregation of inter-related proposalswith the aimto achieve one or several specified objectives and carried out inspecific location(s) undera giventime frame by using definedresources. Projects include investment projects and technical support projects.

7."Investment project" means anaggregation of proposalsof medium or long-terminvestment forcarryingout investment activities inspecific location(s) undera given timeframe. Investment projectsconsistof two types below:

a.Construction investment projectmeans anaggregation of proposals relatingtomaking investmentfor new construction, expansion orrehabilitationof construction workswith the aimto develop,maintain, and improve the quality ofconstructionworks,products or servicesundera given time frame.The construction investment projects are classifiedby thenational important projects and projectsundergroups ofA, BandC as prescribed by law on investment in construction;

b. “Other investment project”is theinvestmentthat does not belong toconstruction investment projecttype as stipulatedin point a of this clause.

8."Technical assistance project" means anaggregationwith the aim ofsupporting developmentofcapacityandinstitutionsorprovidingtechnical inputsforpreparationand implementation ofprograms and projectsby providingexperts, training, supporting equipment,materialsanddocumentations, study toursand seminars.

9."Program" means anaggregation of activities or projectsthatrelate toeach other and may relate to one or more sectors,fields, geographical areas, various stakeholdersto achieve one or severaldefined objectives,whichis performed through one or many stages.

10."National important program or project" means a program or projectthatthe National Assemblydecidesinvestment policy.

11."Program accompanied with policy framework" means a programthat accompanieswith conditions on policies andmeasures to reform the macro-economy,sectorsorareas thatthe Government of the Socialist Republic of Vietnam commits to implementbased onaspecificroad map.

12.Jointprogram or project" means program or projectin which there isone Line agencytakingtheoverall coordinatingrole andthere are otherLine agenciesthat are responsible for componentprojects.

13.“Global or regional program or project” (hereinafter abbreviated to “regional program or project”) means a program or project funded by ODA and concessional loansfora group of countries in one or manygeographical areas, in which has participation of Vietnam,for carrying outcooperationactivitiesforachievingthedefined objectives in the shake ofpartiesbenefitsand thecommonregion orglobal benefits.

14.“Program or project document" means documentthat describesthe conditions, necessity, objectives, contents,outcomes,keyactivities, totalbudget, source andcomposition of capital, other sources, domestic financial mechanism andorganizational modality forimplementationandmanagement of program or project. For investment projects, project document is a feasibility study report.

15.“Non-projectaid" meansamethod ofprovision ofODAand concessional loans that is not in the form ofspecific project. Non-project aid is provided in-cash,in-kinds, aid for procurement of goods, and experts.

16.“Budgetsupport” meansamethodof aid provision whereODA and concessional loans are transferreddirectlyto theState budget; managed and utilizedin accordance with budget regulations and procedures of Vietnam and in conformity with the contentsagreed with the donors.

17.“Commercial loan” meansa loanborrowed withmarket conditionsthat are same asconditions of export creditsor mobilized in the international capital market.

18.UntiedODA and concessional loans" mean ODA and concessional loansthat are providedwithouttiedconditions related to the supply and procurement of goods and services froma restricted number of suppliers or countries under regulationsof donors.

19.TiedODA andconcessional loans" mean ODA and concessional loansthat are providedwithtiedconditions related to the supply and procurement of goods and services froma restricted number ofsuppliers orcountries under regulation of donors.

20.“Internationaltreatyon ODA and concessional loan" means a written agreement signed in the name of the State or the Government of the Socialist Republic of Vietnamwithone or many donors onissues relating toODA and concessional loans. Internationaltreaties on ODA and concessional loansinclude:

a."Framework international treatyon ODA and concessional loans" means an international agreement on ODA and concessional loans withcommitmentsto commonprinciples and conditions containing contents related to the strategies, policies, cooperation framework, priority orientations inproviding and utilizingODA and concessional loans;on the areas, programs and projectsthat are agreedto be financed;onframework conditions and commitmentson provision ofODA and concessional loantoprogramsandprojects for one or many years;on the proceduralprinciples,plans for the management and implementation of programs and projects;

b."Specific international treatyon ODA and concessional loans" means an international agreement on ODA and concessional loans with financialcommitmentstospecific programs and projects ortobudgetsupportand containing maincontents on objectives, activities and outcomes to be achieved, implementation plans, financing conditions, capital, capital structure, obligations, powers and responsibilities of each party, principles and standards to be complied with in the management and implementationofprograms andprojects, disbursement and payment conditions of loans for the programs andprojects.

21."Counterpart fund" means contribution made by the Vietnamese party in kinds and/or money for preparationand implementation ofprogramsandprojects andallocatedfrom centraland/orlocalStatebudget,self-arranged by the project owners, contributed bybeneficiaries and other counterpartresources.

22."The privatesector” in this Decree is construed as thenon-Stateeconomicsector.

Article 5.Modalities ofprovision ofODA and preferential loans

The modalitiesof provisionofODA and preferential loansinclude:

1.Budget support.

2.Program support

3. Project support.

4.Non-project aid.

Article 6.Basic principles ofmanagement and utilization of ODA and concessional loans

1.ODA and concessional loans constituteasource ofcapital inthe state budgetwhichare usedforthe implementation of prioritizedobjectives of socio-economic developmentof thecountry and are reflected in the State budget in accordance with law.

2.The Government performs the unifiedstate management of ODA and concessional loans on the basis ofdecentralizationinaccompanywith responsibilities, powers, management capacity andpro-activenessof sectorsandlevels; ensuring closecoordination inmanagement,inspection and supervision of relevant agencies.

3.Themobilization, management and utilization of ODA and concessional loans must be considered, balanced and selected in the overallfunds fordevelopment investmentforachievingthe highest socio-economic effectivenesswithsustainablemanner, ensure the principles ofequalityandfairness, capitalabsorptioncapacity,debt re-paymentcapability and the safety of public debts, in which prioritize to use concessional loans for programsandprojectsthat can refunddirectly.

4.Ensuring openness, transparency andaccountability inprovision of ODA and concessional loansandin utilizationof theseresources.

5. Creating favourable conditions forprivatesector to access toODA and concessional loans on the basis of sharingofbenefits and risks betweenthestate and theprivate sector.

6. Ensuring theconsistencyand synchronization among Vietnameselegal documents and the harmonization inprocess and procedureswithdonorsforODA and concessional loans.

7. Compliance withVietnamese existing laws and regulationsandinternationaltreaties on ODA and concessional loansthatthe Government orthe State ofSocialist Republic of Vietnam is amember.If there is a discrepancy between anyprovisionin the signed internationaltreaties andVietnamese laws and regulationsrelating toa same matter, the provisionsin such internationaltreaties shall take precedence.

Article 7.Priorityareas for utilization ofODA and concessional loans

1.Construction of synchronized,large-scale and modern economic infrastructuresystem, including transport infrastructure (roads, railways, airports, seaportsand internal waterways); urbaninfrastructure (urban transport, water supply and drainagesystems, environmentand sanitation,  powersupply infrastructure);information technology andcommunicationinfrastructure; energyinfrastructure (withpriority todevelopment of renewable and new energy); irrigation and dyke infrastructures.

2.Development ofsocial infrastructure,including culture, healthcare, education and training, vocational training, social security, poverty reduction, population and development.

3.Development of scienceand high technology,upstreamtechnologies; development ofscience and technology in some prioritizedandconcentratedareas,intellectualeconomyand high quality human resource.

4. Rural andagriculture Development, including the restructuring and developingagricultural economy, socio-economic ruralinfrastructure, building new rural areas.

5.Strengtheninginstitutional capacity and administrative reform.

6. Environmental protectionand natural resourcesconservation,mitigation of naturaldiaster, reponsetoclimate change, sustainable development and green growth.

7. Promoting trade andinvestment, banking and financing, tourismand severalsectors inproduction and business toenhancethe competitivenessof the economy.

8.Supporting theimplementation of nationaltargetprograms.

9. A number ofother priority sectors and areasunder decisions of the Prime Minister.

Article 8. The process of mobilization, management and utilization of ODA and concessional loans

1.Formulation and approvalof funding list.

2.Preparation, appraisal, approval of program or project documents.

3. Conclusion ofInternational treaties on ODA and concessional loans.

4.Organization ofimplementation of programs and projects.

5.Supervision andevaluation ofprogramsandprojects.

Article 9. Private sectortakes access toODA and concessional loans 

1.Private sectorshall take access toODA and concessional loans by the following modalities:

a. Borrowingloansfromthesystem of domestic financialandcredit organizations through programs and projects of which credit limits or credit componentsare fundedby ODA and concessional loanstoimplement activities in conformity with International treaties on thesefundsandin compliance tothe lendingprocedureof financialandcredit organizations;

b. Participating in implementation of programs and projects in thesectors and areas prioritizedin utilization of ODA and concessional loans of Goverment undertheform ofon-lendingfrom the State budget;

c. Participating in implementation of programs and projects undermodality ofpublic-private partner,towhich the Government contributesin the form ofODA and concessional loans;

d. Participating in plementation of programsandprojectshavingobjective of supportingprivate sectormanaged bythe Line agencies of programsandprojects.

2.Conditions for private sectoronreceivingODA and concessional loans:

a. Capacity for organization andmanagement of implementation of programs and projects of project owner must becertifiedby the Line agencies of programs and projects or bythe re-lendingagencies;

b.With regard tocase of re-borrowing the ODA and concessional loans: financial plan of programs andprojectsand financial capacity of the project ownersmust be appraised inaccordancewithregulations of existinglegislationsandguidanceof the Ministry of Finance.

Article 10.Domestic financial mechanismsfor utilization of ODA and concessional loans

Domestic financial mechanismsfor utilization of ODA and concessional loans of programs and projectsareimplementedas follows:

1. Granted fromthe State budget:This mechanismappliesto programs and projects on investment in infrastructure, social welfareandotherareasthat are not able to refunddirectly and belong to the expenditure tasksof the State budgetstipulatedin the State budget Law.

2. Totally or partially on-lended from the State budget: This mechanismappliesto the following cases:

a. Programs and projectsthose are abletorefund totally or partially;

b. Programs and projectsthat do notbelong to the expenditure tasksof the State budget;

c. Programs and projects ofthosethe Line agencies are provincial People’s Committeesthat aresubject toapplication of on-lending ofODA andconcessionalloans fromthe Government.

3.In each specific case, the Government shallon-lendODA and concessional loans to provincial People’s Committeeswithregardstoprograms and projectsthatfall in expenditure tasksof local budget, provincial People’s Committees shall arrange local budget to returntheir borrowingto the Government.

Chapter 2.

FORMULATION AND APPROVAL OF THE FUNDING LIST

Article 11.BasisofmobilizationofODA and concessional loan 

MobilizationofODA and concessional loans shall be carried outon the basis of:

1.The socio-economic development strategies, master plansandplans ofcountry,sectors, regions and localities.

2.The national strategies of public and foreign debts during 2011 – 2020 andvisiontill 2030.

3.Orientationoutlineonmobilization, management and utilization ofODAand concessional loansin eachgivenperiod.

4.National objective programs and objective programs ofsectors and localities.

5.Programs, strategies and orientations on cooperation between Vietnam and donors.

Article 12. Responsibility for mobilizationofODA and concessional loans

1.The Ministry of Planning and Investmentshall be responsible for organizingmobilizationofODAand concessional loansat national,cross-sector, inter-locallevels.

2.Ministries, sectors shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment andotherrelevant agenciesto organizemobilizationofODAand concessional loansat sectorallevel.

3.The provincial People’s Committees shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment andotherrelevant agenciesto organizemobilizationofODA and concessional loansat local level.

4.The representative agenciesor missionsof Vietnamin overseasoratinternational organizations shall coordinate with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Foreign Affairs incarrying outmobilizationofODA and concessional loans in thehostingcountries orat theinternational organizations.

Article 13. Formulation and approvalof the funding list

1.Based on thebasis formobilizationofODA and concessional loansspecified in Article 11 of this Decree, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance,otherrelevant agencies and each donor in formulation of coorperation orientations andareas prioritized for utilization of ODA and concessional loans, and report them to the Prime Minister.

2.On the basis of cooperation orientationsandareas prioritized for utilization of ODA and concessional loans, demandsof mobilizationofODA and concessional loansof the Line agencies, conditions for provision of ODA and concessional loans from donors, the Line agencies shall send Official Dispatch requesting forfunding togetherwith proposalson programs and projects, tothe Ministry of Planning and Investment.

Based on the cooperation orientationswith donors andareas prioritized for utilization of ODA and concessional loans of the Government, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance andotherrelevant agenciestoselect suitable proposals on programs and projects and notify the Line agencies in order to formulate the Outlines of programs and projects. Expenses for formulating Outlines of programs and projects are covered from funds of the Line agencies, own capital of the project owners (if any) and other lawfull funds. For agencies allocated from the State budget, expenses for formulating Outlines of programs and projects are allocated from the State budget or support from the ODA non-refundable aid.

3.For the funding list under approval competence of the Prime Minister specified in clause 1 Article 14 of this Decree:

a. The Line agencies shall send a official dispatch to the Ministry of Planning and Investment in order to submit to the Prime Minister for approval for the funding listtogetherwith Program and project Outline and documents on ability to arrange ODA and concessional loans from donors;

b. Based on the request official dispatch of the Line agency, within 05 working days, the Ministry of Planning and Investment shall send a official dispatch to consult the Ministry of Finance and relevant agencies for Program and project Outline. Within 15 working days after receiving official dispatch requesting for consulting of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies shall send written advices to the Ministry of Planning and Investment.

Based on provision in Article 10 of this Decree, the Ministry of Planning and Investment shall have opinion on the domestic financial mechanism principle applicable to programs and projects using the ODA non-refundable aid; the Ministry of Finance shall have opinion on the domestic financial mechanism principle applicable to programs and projects using the ODA and concessional loans;

c. Within 15 working days after receiving written advices of agencies, the Ministry of Planning and Investment shall notify the Line agencies to coordinate with donors in completing Program and project Outline. On the basis of completed program and project Outline, the Ministry of Planning and Investment shall submit to the Prime Minister for consideration and approval for the funding list.

Within 05 days after receiving Decision on approval of the funding list of the Prime Minister, the Ministry of Planning and Investment shall send a written notice on the funding list and enclosed with Program and project Outline to donors;

4.For the funding list under approval competence of the Line agencies specified in clause 2 Article 14 of this Decree:

a. The Line agencies shall send a official dispatch, enclosed with Program and project Outline and documents on ability to arrange ODA non-refundable aid of donors;

b. Within 10 working days after receiving official dispatch requesting for consulting, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies shall send written advices to the management agencies.

Based on provision in Article 10 of this Decree, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance to have opinion on the domestic financial mechanism applicable to the proposed programs and projects;

c. Within 10 working days after receiving written advices of agencies, the Line agencies shall coordinate with the Ministry of Planning and Investment and donors in completing Program and project Outline and consider to decide on approval of the funding list.

Within 05 working days after the funding list is approved, the Line agencies shall send Decision on approving the funding list and enclosed with Outline on project program to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies for monitoring and general summarization; and send a written notice on the funding list enclosed with the Program and project Outline to donors.

Article 14.Authorityof approvalforthe funding list

1.The Prime Minister shall approvethefunding list in the following cases:

a. Programs and projectsfunded byODA and concessional loans; non-project aidfunded byODA loans;

b. Thejointprograms and projects; programs and projectsthat accompanywithpolicy framework; programs and projects inareas ofsecurity,nationaldefense, religion;

c. The ODA non-refundable aid withthe size of fundingequivalentto 1 million USDonward;

d. The technicalassistance topreparation of programs and projectsfunded byODA and concessional loans;

e. Aid for procurement ofcommodities under themanagement of State.

2.The Line agencies shall approve the funding listwith regards to thecasesthat are not specified inclause 1 of this Article.

Article 15. Participation of regional programs and projects

1. The Line agencies shallsend a written requestto the Ministry of Planning and Investment,togetherwith documents of regional programs and projects, in which clearly state rights and obligations of participants. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies to submit to the Prime Minister for consideration and decision on Vietnam’s participation.

2. In the case wherethe Line agencies of regional programs and projectsare notdefined, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate withotherrelevant agencies to submit to the Prime Minister for consideration and decision on Vietnam’s participation andappointment ofthe Line agencies for these programs and projects.

Article 16.Programorproject Outline and non-project aidOutline

1. Programorproject Outlineis a documentthatdescribes generallythe conditions, necessity, objectives, contents,outcomes,majoractivities, estimated totalbudget, sourcesof funding,capital structure,proposalsfor domestic financial mechanismsandmodalitiesoforganization andmanagement of implementationofprogram or project. Theform of the outline of aprogramorproject isspecifiedin the Annex IIa of this Decree.

2.Non-project aid Outline is a documentthatdescribesgenerallythe aidthat isnotprovided in the form ofa specific project and provided in-kinds,in-cashorby provision ofexperts. The form of non-project aidoutlineis specifiedin the Annex IIb of this Decree.

Article 17. Advance activities

In necessary case and on the basis ofagreementwiththedonors, the Line agencies may propose  advance activities in theprocessof preparation, preparation forimplementation of programs and projects, including:

1.Activities allowed performing after the Program and project Outline is approved by competent agencies:

a. Establishment of the project management unit;

b. Formulation and submission to competent agencies for approval ofthe resettlement policy framework priorthe program or project documents areappraisedand approved;

c. Preparation of plans on bidding, bidding materials, bidding documents.

2.Activities allowed to perform inthe processsince the program or project document is approved by competent agencies untill specificinternational treatieson ODA and concessional loans of program and projects come into effect, including:

a. Approval of thebiddingplan,biddingdossier, organizing tender and approving the tender result, contract negotiation for bidding package of procurement of goods and construction and installment for activitiesto beperformedduring first12 months of programs and projects anda number ofbidding packagesofconsulting services(project managementconsultants, technical designconsultants, supervisionconsultants, resettlementconsultants);

b. Contracts of procurement of goods, construction and installment,consulting servicesof bidding packages specified in point aofthis clausecan only besigned afterspecific International treatieson ODA and concessional loans of programs and projects come into effect.

Article 18. Contentsof Decision on approval for the funding list

A decision on approval for the funding list of competent authorityshall consist ofthefollowing keycontents:

1.Name of program,project and donor, co-financing organization.

2.Name of Line agency, project owner.

3. Major objectives andoutcomes of programorproject.

4.The maximum implementationdurationof programorproject.

5.Thebudgetlimits of programorproject (ODA non-refundable aid, ODA loan, concessional loan and counterpart fund).

6. Fundingsourceand domestic financial mechanismof programorproject.

7. Advance activities (if any).

Article 19. Amending and supplementingcontent of decision on approval for the funding list

Inprocessof appraisal,preparation andimplementation, ifcontent ofprogramorprojecthaschangesin comparison with the Decision on approval for the funding list of competentagencies(exceptcontents that arespecified in clause 7 Article 18of this Decree):

1. With regards tothe funding list under approval competence of the Prime Minister: On the basis ofagreementwiththedonors and at proposal of the Line agencies, the Ministry of Planning and Investment shall consult the Ministry of Finance andotherrelevant agencies, submit to the Prime Minister for consideration and decision onchanges.

2. With regards tothe funding list under approval competence of the Line agencies: On the basis of consent with donors, the Line agencies shall consult the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance andotherrelevant agencies before considering and approvingchanges.

Inthecasewhereamendments and supplementations tocontents ofprogramorproject fall beyond theirapproval competence for the funding list, the Line agencies shallimplement as specified inclause 1 of this Article.

Chapter 3.

PREPARATION, APPRAISAL AND APPROVAL OF PROGRAM OR PROJECT DOCUMENTS

Article 20. Tasks of the Line agencies in preparation, appraisal and approval of program or project documents

After having Decision on approving the funding list and written aid commitment of donors, the Line agenciesshall undertakethe following tasks:

1.Issuing decision onappointment ofproject owner.

2. Giving instructions tothe project owner to performitsassigned tasks as prescribed in Article 21 of this Decree.

3.Allocatingresources under their competence for preparation of programs and projects.

4. Organizing theappraisal and approval of program or projectdocumentsunder their competenceasspecified in clause 2 Article 24; Articles25, 26 and 27 of this Decree.

Article 21. Tasks of project ownersin preparation, appraisal and approval of program or project documents

The project ownershavetask to coordinate withthedonors in preparation, formulation of program or project documentsas prescribed in Articles22, 23 of this Decree and completingdossiersto do procedures for appraisal and approval of program or project documentsas prescribed in Articles25, 26 and 27 of this Decree.

Article 22. Contentsof program or project documents

1.Program or project documentshall beformulated on the basis of content of Program and project Outlineofthe funding list approved by competentagency.

2.The form of investment project document (feasibility study report) is specifiedin the Annex IIIa; theform oftechnical support project document is specifiedin the Annex IIIa; theform ofprogram document is specifiedin the Annex IIIc; theform of jointprogram or project document is specifiedin the Annex IIId of this Decree.

In case the program and project document is formulated according to the form of donors, the project owner must count the above-mentioned contents duringthe course of coordination with donors to make this documenttoensure harmonizationof processesand procedures between Vietnam and donors.

Article 23.Fundfor preparation of programs andprojects

1.The funding list serves asthebasis for makingbudgetplan and arrangingfundfor preparation of programs andprojects.The budgetfor preparation of programs andprojectsincludes the followingexpenditure items:

a. Expenses forcarrying out researches, investigations, surveys, collection, analysisandconsolidationof initialdata;

b. Expenses for formulating,improvingthe program and project documents, including expenses for hiringconsultantsand translation services;

c. Expenses for appraisal of program or project documents;

d. Expenses for training and improvingthe capacityofstaffas the core in program or project managementteam;

e. Expenses for the advance activities on the basis of Decision on approval for the funding list of competentagencies.

2. With regards toprograms and projectsthatbelong to case to be allocated from the State budget: The project owner shall make abudgetplan for preparation of programorproject in order tointegrate intothe annual common budget plan of the Line agencies. The processesof approval and allocation ofbudgetfor preparation of programs and projects shall comply withlegal regulationson the State budget.

In casewhere thetimeof makingthe budgetplan for preparation ofaprogramorproject does not coincide with time of making the annual budget plan, the Line agency must balance in totalbudgetfor preparation of programs and projects which have been allocated; in case it fails to self-balance thisbudget, it shall send a written request to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance for consideration and decision on budgetsupplementation.

3. With regards toprograms and projects belong to case to belententirely or partly or allocated partly from the State budget: The project owner shallmake its own arrangement of budgetfor preparation of programs andprojects.In casewherethe project owner fails to self-balance thisbudget, it shall submit to its Line agency for consideration and decision under competence.

4.In casewheredonorprovide financialsupport for preparation ofaprogramorproject, the project owner shall report to its Line agency for submision and approvalin accordance with the existing regulationsandfor reflection of this financial support tothe annualbudgetplan for preparation of programs and projects of the Line agency.

Article 24. Competence to approve the program or project documents

Competence to approve the program or project document (competence to decide investment for investment projects) is stipulated as follows:

1.The Prime Minister shall approve:

a. Documentsof national important programsorprojects;

b. Documentsof programsin accompanywiththepolicy framework; programs and projects inareas ofsecurity,nationaldefenseandreligion.

2.Heads of the Line agencies shall approve program and project documents that arenot specified in clause 1 of this Article.

Article 25. Appraisal of program or project documents

1. With regards toprogram and project documentsunder the approval competence of the Prime Minister:

a. National important programs and projects: The appraisalshallcomplywithexisting laws andregulations on national important programs and projects;

b. Programsin accompany withpolicy framework; programs and projects in security,nationaldefenseandreligion: The Line agencies shall hold appraisal for program and project documentsand submit to the Prime Minister for consideration and approval.

2. With regards toprogram and project documentsunder the approval competence of headsof the Line agencies: The Line agencies shall hold appraisal and approval for program and project documents.

3.Contentsand processesof appraisal of program or project documents:

a.With regards toinvestment projects, contentsand processesofappraisalshall be implemented in pursuance to the existing laws andregulations;

b.With regards toother programs and projectsthat arenot specified in point a of this clause, the Ministry of Planning and Investment shallprovideguidance oncontentsand processesof appraisal;

c.With regards toprograms and projectsthat are re-lentfrom ODA and concessional loans, the appraisal of financial plan of programs and projects and financial capacity of project owners shall be implemented in pursuance to thePublic Debt ManagementLaw,other relevant legal documents and guides of the Ministry of Finance.

4.In the course of appraisal,the focal pointagenciesandunits must consult relevant agencies; consider the orders, procedures and progressesof appraisal of donors in order to ensure the neccesary coordination and harmonization, consider contentsthat areagreed with donorsandappraisal opinions of donors or their representatives. The consensus anddissenting  viewsofparties must be reflected in the appraisal report.

5. The focal pointagenciesandunitsof appraisal are responsible for the appraisal result of program or project documents; agencies participating in appraisal are responsible for contentsof program or project documentsrelated to their functions and tasks in accordance with law.

Article 26. Dossierofappraisalofprogram or project document

A dossier requesting forappraisal of program or project document includes:

1. Written request for appraisal of the program or project document, made by the Line agency (for programand projectdocuments underapprovalcompetence ofthe Prime Minister) or by the project owners (for program and projectdocuments underapprovalcompetence ofLine agencies);

2. Decision on approval for the funding list of competentagencies.

3. Program or projectdocuments.

4. With regards toprograms and projectsthat aresubjectofre-lending, the project owners shallenclose documentsthat give evidence oftheirfinancial capacity, plan on debt payment and other documents as guided by the Ministry of Finance.

5.Writtencomments given by the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, concerned agenciesanddonors (if any) in process of preparation forthe program or projectdocuments.

6.Documents in foreign language must be enclosed withtheirVietnameseversion.

Article 27. Time limit for appraisal and approval of the program or project documents

1.The time limit for appraisalofprogram and project documentsis counted from the dateof receiving full and valid dossier:

a. For national important programs and projects:not exceeding 90 working days;

b. For investment projectsof group A:not exceeding 40 working days;

c. For investment projects of group B:not exceeding 30 working days;

d. For investment projects of group C and other programs and projects:not exceeding 20 working days;

2.Within 10 working days, after receiving the appraisal report of agenciesandunits assigned appraisal, competent agencies shall consider andmakedecision onapproval of the program or project documents.

3.Within 5 working days after the program and project documents areapproved by competent agencies, the Line agencies shall notify to donors and project owners aboutthe approval results, conexistingly send the approval decision (original or authenticated copy) enclosed withtheapproved program and project documents that areaffixed with the Line agency’s integrity seal between pages to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and relevant agencies.

Chapter 4.

CONCLUSION OF INTERNATIONAL TREATIES ON ODA AND CONCESSIONAL LOANS

Article 28.Basis for proposal to signinternational treaties on ODAand concessional loans

1.Basis for proposal tosigntheframework internationaltreatieson ODA and concessional loans are resultsof mobilization, strategiesand policieson development cooperation, priority areas ofODA and concessional loansthat areunified between Vietnam andrespectivedonors.

2.Basis for proposal tosign specific internationaltreaties on ODA and concessional loans aretheprogramorproject documentsalready approved by competent agencies.

3.Theconclusionof International treaties on ODA and concessional loans shall comply with provisions of the Law onConclusion, Accession to and Implementation of Treaties and the Public Debt Management Law.

Article 29. Tasks and powers of the Prime Ministerinconclusion ofinternational treaties on ODA and concessional loans

The Prime Minister shall, on behalf of the Government, implement tasks and powers as follows:

1.Reporting thePresident before negotiating, signing International treaties in the name of State and the international treaties in the name of the Government relating to ODA and concessional loans which are required approval.

2.Deciding on carrying out negotiation,conclusion ofinternational treaties on ODA and concessional loans in the name oftheState or Government.

3.Deciding on approval for international treaties on ODA and concessional loans in the name of Government.

4.Submitting to thePresident for consideration and approval of international treaties relating to ODA and concessional loans in case they are concluded in the name of State and the international treaties in the name of the Government relating to ODA and concessional loans which are required approval.

Article 30. Agencies proposing forconclusionof international treaties on ODA and concessional loans

1.The Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy, Ministries, Ministerial-level agencies, agenciesdirectly under theGovernmentshall beagencies proposingtothe Prime Minister for theconclusionof specific International treaties on ODA non-refundable aid for programs and projectsunder the management oftheir agencies,exceptcases that arespecified in clause 3 of this Article.

2.The Ministry of Finance shall beagency proposing and submittingtothe Prime Minister for theconclusion ofspecific International treaties on ODA and concessional loans, exceptcases that arespecified in clause 3 of this Article.

3.The State bank of Vietnam shall beagency proposing and submittingtothe Prime Minister for theconclusion ofspecific International treaties on ODA and concessional loans with the World Bank, AsianDevelopment Bank, International Monetary fund and other international financialand monetary institutionsthatthe State bank of Vietnampresents for Vietnam.  

4.The Ministry of Planning and Investment shall be agency proposing and submittingtothe Prime Minister for theconclusion ofInternational treaties on ODA and concessional loans in the following cases:

a. Framework International treaties on ODA and concessional loans;

b. Specific International treaties on ODA non-refundable aid for programs and projects under management of line agenciesthat arenot specified in clause 1 of this Article, except ODA non-refundable aid of World Bank, AsianDevelopment Bank, International Monetary fund and other international financialand monetary institutionsspecified in clause 3 of this article.

Article 31. The order of and procedures forconclusion ofInternational treaties on ODA and concessional loans

1.The proposing agencies shallcollect the opinions ofrelevant agencies,theinspectionopinionof the Ministry of Foreign Affairs, the appraisal opinion of the Ministry of Justice, summarize and submitthemto the Prime Minister for consideration and decision on negotiation,conclusionof International treaties on ODA and concessional loans.

2.The Prime Minister shall report thePresident and decideonnegotiation andconclusionof international treaties regarding ODA and concessional loans in the name of State and international treaties in the name of the Government which are required approval.

3.Agencies assigned by the Prime Minister for taking main responsibility for negotiation and carrying out negotiation on draft International treaties on ODA and concessional loans with donors.

4.Based on the negotiation resultsin conformity with content of draft International treaties on ODA and concessional loans which have been accepted anddelegatedforsigningby the Prime Minister, the person who isdelegatedby the Prime Minister shallsignInternational treaties with representative of donor.

In case the negotiation result has changes in comparison to content of a draft International treaty on ODA and concessional loans which has been accepted by the Prime Minister, the proposing agency shall consult relevant agencies and submit to the Prime Minister for decision on theconclusionof that International treaty.

5. Foran International treatythatmust be approved or ratifiedafter signing, the proposing agency shall consult relevant agencies and submitthemto the Prime Minister for approval or to the State president for ratification.

Article 32. The order of and procedures fordelegationto negotiate and sign the specific International treaties on ODA and concessional loans with the same donor

1.On the basis of summarizing opinions of relevant agencies and donors, the proposing agencies shall submit to the Prime Ministeron delegationfor one or many representatives to negotiate and sign the specific International treaties on ODA and concessional loans with the same donors. Dossier to submit to the Prime Minister includes the following documents:

a.Report of the proposing agencytosubmittothe Prime Minister on delegationfor one or many representatives to negotiate and sign the specific International treaties on ODA and concessional loans with the same donors.

b.Copy of International treaties on ODA and concessional loans signed with the same donor or form of draft International treaties on ODA and concessional loans with the same donor including principal content and plan to selectforspecific matters(if any);

c. Written opinions of the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice, other relevant agencies and donors.

2.Based on decision of the Prime Minister, the Ministry of Foreign Affairs shall carry out the external procedures for granting writtendelegationfor negotiation andconclusion ofInternational treaties on ODA and concessional loans with the same donor.

Article 33. Dossierforsubmission tothe Prime Ministeronnegotiation,conclusion andapproval of international treaties on ODA and concessional loans

1.Dossier oftheproposing agencytosubmit to the Prime Minister for the negotiation andconclusion ofInternational treaties on ODA and concessional loans including the following documents:

a. Report of the proposing agencytosubmit to the Prime Minister for consideration and decision on the negotiation andconclusionof International treaties on ODA and concessional loans;

b. Program and project documentsenclosed with decisionson approval by competent agencies.

c. Draft International treaties, enclosed with Vietnameseversionin case those International treaties are signed only in foreign language;

d. Written opinions of relevant agencies, the inspection opinion of the Ministry of Foreign Affairs and the appraisal opinion of the Ministry of Justice regarding those draft International treaties.

2.Dossier oftheproposing agency tosubmit to the Prime Minister for the negotiation andconclusionof International treaties on ODA and concessional loans which have been signed in the name of the Government including the following documents:

a. Report oftheproposing agencytothe Prime Minister for consideration and approval of International treaties on ODA and concessional loans which have been signed in the name of the Government with donors;

b. Copy of International treaties, enclosed with Vietnameseversionin case those International treaties are signed only in foreign language;

c. Written opinions of relevant agencies;

d. Expected plans to perform in case the signed International treaties have no provisions on this content.

Article 34. Dossierforsubmission tothe Prime Minister for consideration and submissionto thePresident for ratification of international treaties on ODA and concessional loans

1.Report oftheproposing agencytothe Prime Minister for consideration and submission tothe State president for ratification of International treaties on ODA and concessional loans which have been signed with the donor.

2.Draft report of the Prime Minister onsubmissionto thePresident for ratification of international treaties.

3.Copy of International treaties, enclosed with Vietnameseversionin case those International treaties are signed only in foreign language.

4.Written opinions of relevant agencies.

5.Expected plans to perform in case the signed International treaties have no provisions on this content.

Article 35. Amendment, supplementationand extension ofInternational treaties on ODA and concessional loans

1. Amendment, supplementation and extension of International treaties on ODA and concessional loans which are required ratification after signingshall comply with regulations in the Law on Conclusion, Accession to and Implementation of Treaties and the Public Debt Management Law.

2.For amendment, supplementation and extension of international treaties on ODA and concessional loans in the name of Governmentthat arenot specified in clause 1 of this Article;

a. In case it is required to sign a new International treaty in the name of Government: The proposing agency shall submit to the Prime Minister for consideration and decision according to the orders and procedures specified in Article 31 of this Decree;

b. In case through exchanging letters,diplomatic noteswith the donors:

For the amendment, supplementation and extension of International treaties on ODA and concessional loans in the name of the Governmentthatincrease the obligation on foreign debt payment of the Government (such as interest, loan duration, loan level, charges) or, change other commitments of the Government in comparison with previous time, the proposing agency shall collect written opinions of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and other relevant agencies to summarize and submit the Prime Minister for consideration and decision.

For the amendments, supplementationsthat donot increase the obligation on foreign debt payment of the Government (such as interest, loan duration, loan level, charges) or, not change other commitments of the Government in comparison with previous time, the proposing agency shall decide amendments, supplementations on the basis of written opinions of the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Justice and other relevant agencies. The proposing agencies shall report on their decisions to the Prime Minister. In case agencies have different opinions, the proposing agencies shall submit to the Prime Minister for decsion.

c. The proposing agencies shall notify with the donors, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Foreign Affairs and other relevant agencies of amendments, supplementations or extension of International treaties on ODA and concessional loans. In case it is required for notification by diplomatic note by the Ministry of Foreign Affairs, the proposing agencies shall coordinate with the Ministry of Foreign Affairs for the Ministry of Foreign Affairs to finish procedures for the external notification regarding these amendments and supplementations or this extension.

Chapter 5.

MANAGEMENT OF IMPLEMENTATION OF PROGRAMS AND PROJECTS

Article 36.Modalities of program and project management

The Line agencies shall decide selection of one of the followingmodalities of program and project management:

1.The Line agenciesshall takeroleofthe project owneranddirectly manageprograms and projects.

2.The project owner shall directly manage programs and projects.

3.The project owner shall hire aconsultingorganization to manage programs and projects.

Article 37. Tasks and powers of the Line agencies in management of implementation of programs and projects

1. Makingdecisions onorganizingthe management apparatus for implementation of programs and projects.

2. Approvingthe master plan on performing programs and projects; summingup and approvingthe annual allocation plansof programs and projects.

3. Carrying outthe tender as prescribed bythe existing laws and regulationson tender.

4. Organizing thesupervisionandevaluation ofthe situation of implementation, ensuringprograms and projectsto be implemented onschedulewithquality andto achievetheir planned targets.

5.Takingresponsibility fortheloss, wastefulness, corruption andmisdeedsin the management and utilization of ODA and concessional loans under the management competenceof line agencies.

6. Implementingother tasks and powers as prescribed by law, International treaties on ODA and concessional loans of programs and projects.

Article 38. Tasks and powers of the project ownersin management of implementation of programs and projects

1. Organizingthemanagementapparatus forimplementationof programs and projects on the basis of decision of the Line agencies.

2.Takingresponsibility for effective management and utilizationofthe financial resources of programs and projects from the preparation,implementation tillthe programs and projects are put intoexploitation.

3. Preparingand submittingto the Line agencies for approval of the master plan on performing programs and projects; approvingthe annualimplementationplan of programs and projects in order to serve as basis forthe line agencies toapprovethe annualbudgetallocation plan of the Line agencies.

Especially for programs and projectsthat receiveODA and concessional loansin the form of on-lending mechanismfrom the Governmentwithcounterpart fundallocated on their own, the project owners shall beresponsible forpreparingand approving theannualbudgetplans.

4. Formulatingthequarterlyaction plan to serve for the administration, supervision andevaluation ofprograms and projects.

5. Organizingappraisalandapproval of technical design, total estimated budgetand estimated budgetof work items (for constructionandinvestment projects).

6. Carrying outthe tender as prescribed bythe existinglaw on tender.

7. Negotiating,signing, supervisingtheimplementationof contracts andresolvingviolations of contracts.

8. Coordinatingwith the local authorities toorganize implementation ofcompensation, assistance and resettlementin accordance withlaws, specific International treaties on ODA and concessional loans of programs and projects (for construction investment projects).

9. Supervisingandevaluatingprograms and projects,ensuringprograms and projectsto be implemented onschedulewithquality andto achieve their planned targets.

10.Under their management competence, to take responsibility fortheloss, wastefulness, corruption andmisdeedsin the management andimplementationof programs and projectsthatcause damages tothe society,economy andenvironment, influence to theoverallobjectivesand effeciencyof programs and projects.

11. With respect toprograms and projectsthat applytheon-lendingmechanism, the project ownersshall repayfully and timely theloans in line with the agreed on-lendingconditions.

12.Other task and powers as prescribed by laws,specificInternational treaties on ODA and concessional loans of programs and projects.

Article 39. Establishment of the project management unit

1.In case of direct management ofprograms and projects as prescribed in clauses 1 and 2 Article 36 of this Decree, within 30 working days after the programs andprojects areapproved by competentagencies, the project ownersshall issue a decision on establishment of the project management units.

2. Whenestablishingthe project management unit, the project ownersmust consider thepossibility of usingthe professional project management units ortheirexisting project management units for reducing managementexpenses andmakinguse of capacity and experiences of the project managingteam.

3.For the advance activities regarding establishment of the project management unit: shall comply with clause 1 Article 17 of this Decree.

4.Within 15 working days after having decision on establishment of project management unit, the project ownersshall issue a Regulation on organization and opertion of the project management unit. In casewhereInternational treaties on ODA and concessional loans for programs and projects signed with donors haveregulations on organizational structure of project management, tasks and powers of the project management unit, theseregulations  must be concretized and fullyreflectedin the Regulation on organization and operation of the project management units.

Article 40. Tasks and powers of the project management units

1.The project owner shall assign the tasks and powers to the project management unit on the basis of decision on establishment of the project management units.

The project owner maydelegateto the project management unitto makedecision or sign documentson their behalfin the management course of implementation. Thisdelegationmust be specified in the Decisionson establishment of the project management unitsor in the specificdelegationdocuments of the project owners.

2.The project management unitsmay be assigned task to managemore than oneprograms and projectsat the same time with permission oftheirproject ownersand ensuringthe principle:There in no interruption in process of implementation of each program or project,and each program or projectis subject to themanagementand finalizationof paymentin accordance with existing laws. In caseaproject management unit failsto qualify for implementation of several parts of project management and supervision, it may hireconsultantsto perform this work with the acceptance of the project owner.

3.The project management unit shall have the following specific tasks:

a.Supportingthe project ownersin making the master plan and the detailed annual plan onimplementationof programs and projects;

b.Supportingthe project ownersin preparation for implementation and implementation of programs and projects;

c.Supportingthe project ownersin implementation of tender and contract management activities;

d.Supportingthe project ownersin disbursement, financial and asset management of programs and projects;

dd.Followingup andevaluatingthe situation ofimplementationof programs and projects;

e.Preparingforthe project owners to carry out taking-receipt and hand-ofofoutcomes of programs and projects after completion; finish the audit work, handingof assets of programs and projects; makingthecompletionreport and financial reconciliation report of programs and projects;

g.Performingother tasksunderthe framework of programs and projects assigned by the project owners.

Article 41.Hiring project managementconsultants

1.In casewherethe project ownershireconsultantsfor management of programs and projects as prescribed in clause 3 Article 36 of this Decree, thatconsultingorganization must be eligible and havesufficient capacity inorganization and management in conformity with the sizeand nature of programs and projects. The tasks and powers of theseproject managementconsultantsshall be performed on the basis of contractsof hiringconsultant. The project managementconsultingorganization is entitled to hireconsulting institutions andindividuals to participate in managementwith acceptance ofthe project ownersand in conformity with the signedconsultingcontracts.

2.The project ownersshall select and sign contractswith a project managementconsultingorganizations that areeligible and havesufficientcapacity inorganization and management in order tosupportthe project ownersin project management. When applying forms of hiringconsultantsfor project management, the project ownersstill must use theirfunctional apparatus or appoint a focalpointunitfor checking, supervising the implementationof project managementconsultingcontracts.

3. Project managementconsultingorganizationshaveresponsibility for realization of affairs and commitments under the contractssigned with the project ownersandin compliance with the relevant existing regulations and laws.

Article 42. Cases not required for establishment of the project management units

The project owners are not required toestablish project management units but they canusetheirfunctional apparatus for managing and executingprograms and projects orthey canhire thespecialized and experiencedpersons to assist it in management andimplementationof programs and projects in the following cases:

1.The technicalassistanceprogramorprojectfunded byODA non-refundable aid with the totalbudget(includingcounterpart fund) of less than USD 200,000.

2.The programs and projectsfunded byODA non-refundable aid with the total investment level (includingcounterpart funds) of less than USD 350,000.

3. Regional programs and projects, sectoral orbudget support programs and non-project aid.

Article 43. Counterpart fund for the preparationof implementationandfor implementationof programs and projects

1.Counterpart funds must be ensuredfullyfor preparationof implementationandfor implementationof programs and projects (includingthe advance activities, if any). The source,amountand mechanism of counterpart fund must be suitable with contentsstated in the program or project documentsapproved by competent agencies.

2.Counterpart funds for preparationof implementationandfor implementationof programs and projects may include the followingexpenditure items:

a. Expenses for activities of the program and project managementunit(salary, bonus, allowance, office, workingfacilitiesandoverheadexpense);

b. Expenses for design appraisal, approval of total estimate, completion of investment, construction procedures and other necessary administrative procedures;

c. Expenses relating to selectionofcontractors;

d. Expenses for conferences,seminars, training and coaching the professional operations for management andimplementationof programs and projects;

dd. Expenses foracceptance  and  dissemination  of international  technologies, experiences and skills;

e. Expenses forcommunication andadvertisement of programs and projects andforcommunityparticipatoryactivities;

g. Paymentof taxesof all kinds, customsandinsurancechargesin accordance withexistingregulations;

h.Payment for interest, deposits, commitmentchargesand other relevantcharges madeto foreign parties;

i. Expenses foracceptance ofequipment andlocaltransportation(if any);

f. Expenses for auditing;

l. Expenses forimplementation ofseveral basic activities of programs and projects (survey, technical design, construction; compensation,siteclearance and resettlement; construction of several work items, procurement of several equipment);

m. Expenses for supervision andevaluationactivities; qualitycontroland testing, acceptance, hand-of and finalization of programs and projects;

n.Contingency and other resonable expenses.

3.For programs and projectsthat have fundsallocated from the State budget: The Line agencies shall balance counterpart funds in their annual budget estimates as prescribed by existing law and clearly delimitate according to thebudgetsource for fundamental construction, non-business administrative operations corresponding to the expenditure content of programs and projects; ensuringthe full and timely provision of counterpart funds in conformity with the progress prescribed in the program and project documentthat wasapproved by competent agencies,andin conformity with regulationsof State budgetLawand International treaties on ODA and concessional loans.

4.For programs and projectsof which mechanism is in the form of totally or partly on-lending and partly granted from the state budget: The project ownersshall allocate counterpart fundson their ownorthey cansubmit to the Line agencies for decisiononensuring adequatecounterpart funds for programs and projects before signingon-lendingcontracts.

5.For programs and projectsgrantedfrom the State budget with the time of approval orconclusionnot coincided with the term of making the annual budget estimates, andthereforecounterpart fundscan not beallocated: The Line agencies shallsenda written request to the Ministry of Planning and Investmentandthe Ministry of Financeto resolve this issueunder competence or submit to competent agencies forsupplementation of counterpart funds fromthe annual budget estimates.

In case timeof making counterpart fund plans for preparationandimplementation ofprograms and projects considered for aid does not coincide with the term of making the annual budget plan, the Line agenciesshall balance in the total allocatedbudget. In casewhere balancing of the funds is not possible,Line agenciesshallsenda writtenrequestto the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance for consideration and decision on advancement of counterpart funds that will then bedeductedin thebudgetplanof following year.

6.In casewherethe annual counterpart funds allocated from the central budget for programs and projects are not used up, the Line agencies mayre-allocate thesecounterpart fundstoother programs and projectsthat have demand for fundafterhaving approval ofthe agencies competent to allocatebudgetin accordance with existing regulations.

Article 44.Advancement of fundsforimplementationof programs and projects

In casewhere there is urgent need foradvancement of funds to implementseveral work items of programs and projectswhich issubject to be allocated from the State budget,andhave been alreadycommitted byODA and concessional loans andincludedin the annual financial plan butODA andconcessional loans have not yetbeenwithdrawn, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in consideration and decision on advancefundingfrom the State budget on the basis of the written explaination of the Line agenciesand written commitment of the donor for withdrawal of these advancefunds. State Treasuries of all levels shallcollectedthese fundsafter the ODA and concessional loans are disbursed to allocate for those work items.

Article 45. Taxes and charges for programs and projects

Taxes and charges applicable to programs and projects shall comply with existing regulations on taxes and charges, International treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party. In cases wherethere is a discrepancy between any provision in the signed international treaties and Vietnameselaws, such treatiesshall take precedence. The Ministry of Finance shall specifyguidance onthisissue.

Article 46. Compensation, assistance and resettlement

1.Compensation, assistance and resettlementforprograms and projects shall comply with existing regulations and International treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party. In cases where there isdiscrepancybetween provisions ofVietnameselaw andinternationaltreaties, suchinternationaltreaties shall take precedence.

2.Dossier to submit a plan on compensation, assistance and resettlementof a program or project must have officialwrittencommitment of a competent agency for progress, time limit to complete compensation, assistance and resettlement in conformity with the implementationscheduleof each bidding package of program or project.

Article 47. Tender

1.Tender for implementation of programs and projects shall comply with existing regulations and International treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party. In cases where there isdiscrepancybetween provisions ofVietnameselaw andinternationaltreaties, suchinternationaltreatiesshall take precedence.

2.For the advance activities related to tender work specified in the Decision on approval for the funding list: The Line agencies and project owners shallconductadvance activities relatingto the tender work specified in Article 17 of this Decree.

Article 48. Amendments and supplementations to contentsof programs and projects and useofresidualduring implementation of programs and projects

1. In casewhereamendments and supplementations makecontentsin Decision on approval for the funding list changed: The Line agencies shall comply with Article 19 of this Decree.

On the basis ofacceptanceon changes in contentsof Decision on approval of the funding list by competent agencies, the Line agencies shall carry out procedures relatingto the approval of documentsof amended and supplemented programs and projects.

2.In case amendments and supplementations to contentsof programs and projectscreateamendments,supplementations, extension of International treaties on ODA and concessional loans, the proposing agencies shall comply with provision in Article 35 of this Decree.

3.The use ofresidual(ODA and concessional loans)thatarisesduring implementation of programs and projectsand constitutes by residual fromtender,fromchangesinexchange rate, interestrate,from unallocatedprovisional budgetand othersshall comply as follows:

a. For cases of usingresidualin scope of programs and projects: on the basis of agreement with donors, the Line agencies shall decide use ofthis residualin accordance with existing regulations;

b. For case of usingresidualfor implementation of new programs and projectswithpriority aim toincrease theeffectiveness ofon-goingprograms and projects: On the basis of agreement with donors, the Line agencies shall send awritten requestto the Ministry of Planning and InvestmenttogetherwiththeOutline of new programs and projects. The next steps relating to the approval of the funding list shall comply with clauses 3 and 4 Article 13 of this Decree.

Article 49. Management of construction, acceptance, hand-over, auditingandpaymentfinalization

1.For investment projects, appraisalandapproval of construction designsand totalcostestimates,issuanceof construction permits, control ofconstructionquality, acceptance, hand-over, warranty,andinsurance of constructionworks shall comply with existing regulations on investment management and International treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.Ifthere isadiscrepancybetween any provision in the signed international treaties on ODA and concessional loansandVietnameselawsandregulations,theprovisionsinsuchinternational treaties shall take precedence.

2.For technicalassistanceprograms and projects,upon their completion, the Line agencies shall organize acceptance and carry out the necessary measures to furtherexploitand develop theachiever outcomesas well as comply with regulations of existing laws on financialand assetmanagement of programs and projects.

3. Auditing and paymentfinalizationforprograms and projects mustcomplywith existing regulations and International treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party or at the request of donors..Ifthereisadiscrepancy between any provision in the signed international treaties on ODA and concessionalloansandVietnameselawsandregulations,theprovisionsinthe international treaties shall take precedence.

Article 50. Handling of contract disputes

In case ofcontractdisputes during implementation of programs and projects,the relatedparties shallbe responsible fornegotiationfor settlement.Ifrelatedpartiescannotreachagreement, the disputes shall beresolved bymediationorarbitration or Courtin accordance withcontracts,regulations of International treaties on ODA and concessional loans of programs and projects, relevant international treaties and laws.

Chapter 6.

SUPERVISION AND AND EVALUATION OF PROGRAMS AND PROJECTS

Article 51. Supervision ofprograms and projects

Supervision ofprograms and projects includes activities of following up and checkingin processof implementation of programs and projectswith the aimto ensure theachivementof objectives, efficiencyand effectiveness of programs and projects, of which:

1.Following up programs and projects includes regular and periodic activitiesat variousmanagement levels to update all information related to situation of implementation of programs and projects;toclassify and analyzeinformation;to recommenttimely the handling plansin orderto ensure the implementation in accordance with objective, progress and quality in theresource framework of programs and projects.

2.Checking of program or project includes: The periodic activities under plans or thead hocactivities toexaminethe compliance of regulationsin management, timely detecting the misdeeds, weakness in implementation of Vietnamese regulationsandlaws and specific International treaties on ODA and concessional loans;recommendingto competent agenciesabouthandling ofmisdeedsand supervisingrealization ofcorrectingmeasures.

Article 52.Evaluationof programs and projects

1. Evaluationof programs and projects includesperiodical activitieswith the aim to review in a comprehensive, systematicand objectivemanner in terms ofsuitability, effectiveness, efficiency, impact and sustainabilityof programs and projects in order to have necessary adjustmentsanddrawexperienceswhich mayapply to thesubsequentimplementationstages and other programs and projects.

2. Evaluation can becarried outon aperiodicor ad hoc basis(in necessary case). Dependingon each specific circummstanceand under the agreement with donors, the stagesof evaluation caninclude:

a. Initial evaluation: Being carried out as soon as beginning implementation of programs and projects with the aim to consider practical changes in comparison with the approvedprogram and project documents forhavingmeasuresof handling;

b. Mid-termevaluation: Being carried out in the middle of period of program and project implementation with the aim to consider situation of implementationat thetime of evaluationforthe necessary adjustments;

c. Terminalevaluation: Being carried out as soon ascompletingprograms and projectswith the aim toconsiderentirecourse of implementation,providinga basis for making reporton completion ofprograms and projects;

d. Impact evaluation: Beingcarried outwithin 3 years, after the programs and projectswereput into operation and usewith the aimtoassesstheireffeciency, sustainability and impacts in comparison with their initialobjectives.

3.In order to assure the objectivityand transparency, the evaluation must beconductedby expertsor group of experts, independenceconsultantsrecruitedhired or recruitedin accordance with theexisting regulations, having sufficient qualification and necessary experiences (except the initial evaluationthat canbeconducted by the project management units). The project owners must coordinate with donors in defining time andbudgetfor the evaluation at the stage of formulation of the program and project document.

4. The evaluation plansmust be formulated in the program and project documentsand must be comformable with nature of programs and projects.

Article 53. Responsibility of the Line agencies in supervision and evaluation

1. Organizingtheestablishmentand operation of the supervision and evaluation system of programs and projects at their levels,organizingthe examination of these programs and projects at least once each year and allocatingthe necessaryresources for these activities.

2. Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment in supervision and evaluation of programs and projects at national level.

3. Implementingthe reportingregimesin accordance withtheexisting regulations and guidanceof the Ministry of Planning and Investment.

4. Providing adequateand timelyfeedbacks to recommendations of the project owners stated in reports onprogress andevaluation result of programs and projects;when necessary,coordinatingwith donors and relevant agencies to carry outad hocevaluations.

5. Organizingthe impact evaluations for programs and projects under their competencebased onthe annual impact evaluation plansof the Ministry of Planning and Investment.

6.Sharinginformation via the supervision and evaluation system of programs and projects at the level of Line agencies to ensure transparency and facilitating supervision by the community.

Article 54. Responsibility of the project owners in supervision and evaluation

1. Organizingtheestablishmentand operation of the supervision and evaluation system at the project owner level and allocatingthe necessaryresources for these activities; appointing a permanent unit to take responsibility inregular supervision and evaluation for their programs and projects.

2. Organizingtheimplementation ofsupervision and evaluationactivitiesin accordance with the plans already approved in the program and project documents.

3. Resolvingtimely difficulties or problems under their competence andrecommendations stated in the evaluation reports.In case of falling beyond their competence,the project owners reportto the Line agenciesfor the solvingmeasures.

4. Implementingthe reportingregimesin accordance withtheexisting regulations and guidanceof the Ministry of Planning and Investment.

5. Hiring consultantstoconductevaluationin line with thesupervision and evaluationplanstated in the program and project documents.

6. Sharinginformation via the supervision and evaluation system of programs and projects at the project owner level to ensure the transparency and facilitating supervision by the community.

Article 55. Responsibility of the project management unitsin monitoring and evaluation

1. Establishingan internal information system, collectingand storingfully information, data, dossiers, documents,accountbooksandvouchers of programs and projects, reports of contractors, changes inVietnamesepoliciesandlaws and regulations of donors relating to the management of programs and projects.

2. Preparingthe realization reports in accordance with regulations, supplying andsharinginformationthroughthe supervision and evaluation systematsectoral, local and national levels.

3. Supportingthe project owners in supervision and evaluation of programs and projects.

Article 56. Responsibility of the Ministry of Planning and Investment in supervision and evaluation

The Ministry of Planning and Investment shall be the focalpointagencythat supportsthe Prime Minister in organization of supervision and evaluation of ODA and concessional loans at the national level.The Ministry of Planning and Investment hasthe following specific tasks:

1. Organizingtheestablishmentand operation of thenationalsupervision and evaluation system andallocatingthe necessaryresources forthese activities.

2. Assumingthe prime responsibility for making the annual supervision and evaluation plan of ODA and concessional loans at the national level and coordinate with Ministries, sectors, localities and donors in implementation of this plan.

3. Resolvingtimely difficulties under its competence stated in reports of the project owners, Line agencies and donors;givingout solutions to improve situation of implementation of programs and projects andenhancethe effective utilization of ODA and concessional loans.

4. Assumingthe prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance and relevant agencies in supervision of the compliance with law and specific International treaties of ODA and concessional loans, the effective utilizationofbudgetfor programs and projects. In the necessary case,setting upan inter-sectormissionto directly work withthe Line agencies and the project ownerstosolve problemsarisingduring the implementation of programs and projects to ensure the progresson scheduleand effective investment. Forissuesthatfall beyond its competence,theMinistry of Planning and Investmentshall report tothe Prime Minister for consideration and decision.

5. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Line agencies and donors in selecting programs and projectsfor itsannual impact evaluation plans.

6. Sharinginformationthroughthe supervision and evaluation system of programs and projects at the national level to ensure the transparency and facilitating supervision by the community.

Article 57. Thereportingregime onsituation of receiptand utilization ofODA and concessional loan

1.The project owner level:

The project ownersshall make reports on situation of implementation of programs and projects and send them to theirLine agencies, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, Ministries managing relevant sectors, the provincial People’s Committees where programs and projectsare implementedandtodonors, including:

a. Monthlyreports, within 10 days aftertheendday of previousmonth (just apply to programs and projects under the approval competence of the Prime Minister and investment projectsof group A);

b. Quarterlyreports, within 15 days aftertheenddate of previousquarter;

c.Yearlyreports, not later than January 31 of thefollowingyear;

d. Thecompletionreports, within 6 months aftercompletionof programs and projects;

e. Reports on changes (if any) in comparison with contentsof specific International treaties on ODA and concessional loans already concluded.

Reports to donorsshall beperformed in accordance with agreements in specific International treaties on ODA and concessional loans of programs and projects.

2.The level of Line agencies:

Within 20 days after each quarter, the Line agencies shall make theconsolidatedreportson mobilization, receipt and utilization of ODA and concessional loans, assessment onprograms and projects under their management competence and sendthemto the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and the Ministry of Foreign Affairs for summarization under their assigned functions and tasks.

3.The national level:

The following agencies shall biannually and annually make the consolidated report toreportto the Prime Minister. The deadline for6-month reportsisbefore July 31of currentyear and thedeadline ofannual reportsisbefore January 31 of thefollowingyear.

a. The Ministry of Planning and Investment shallsendthe consolidated reportsto the Prime Ministeraboutthe situation of mobilization, management and utilization of ODA and concessional loans at the national level as prescribed in clause 11 Article 61 of this Decree;

b. The Ministry of Finance shallsendthe consolidated reportsto the Prime Ministeraboutthe situation of debts, debt payment,disbursement,fundwithdrawalof ODA and concessional loans as prescribed in point i clause 5 Article 62 of this Decree;

4.The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies in guidingonthe reportingregime and the unifiedreport forms on ODA and concessional loans, gradually performingharmonity of report forms with donors; supervisingthe compliance ofthereportingregime on ODA and concessional loans at all levels and periodically reportingthe situation ofimplementation of this work to the Prime Minister.

Article 58.Costsfor supervision and evaluation of the receipt, management and utilization of ODA and concessional loans

1.Expenses for supervision and evaluation of programs and projects at the level of project owners shall bealocatedbyODA and concessional loans orCounterpart fundsasdefined in program and project documents.

2.Expenses for supervision and evaluation of the receipt, management and utilization of ODA and concessional loans at level of thelineagencyand national levels shall beallocated in the annual State budget estimates.

Article 59. Inspection on receipt, management and utilization of ODA and concessional loans

Inspection on receipt, management and utilization of ODA and concessional loans shall comply withtheexisting regulations of law.

Chapter 7.

STATE MANAGEMENT ON ODA AND CONCESSIONAL LOANS

Article 60. State management on ODA and concessional loans

The Governmentshallperform theunifiedstate managementofODA and concessional loans in the following contents:

1. Makingdecisions onstrategies, policies, master plans, orientations onmobilization and utilization of ODAand concessional loansin each period.

2. Issuinglegal documents on management and utilization of ODA and concessional loans under its competence.

3. Executingmacro-levelmanagement and utilization of ODA and concessional loans.

Article 61. Tasks and powers of the Ministry of Planning and Investment

The Ministry of Planning and Investment shall assist the Government to performthe unifiedstate management ofODA and concessional loanswiththe following tasks and powers:

1. Acting asthe focalpointagency in mobilization,coordination, management and utilization of ODA and concessional loans;assumingthe prime responsibility for drafting strategies, policies on development cooperation with donors, master plans onmobilization, management and utilization of ODA and concessional loans; analyzingand assessingeffectiveness of using thesefunds.

2. Assumingthe prime responsibility for draftingandsubmissionfor issuanceor issuing the legal documents on management and utilization of ODA and concessional loans under its competence.

3. Assumingthe prime responsibility for preparation of content and mobilization,coordinationof ODA and concessional loans under its competence.

4. Summingup and submittingto the Prime Minister for approval of the funding list according to clause 3 Article 13 and clause 1 Article 14 of this Decree.

5. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith relevant agencies in submissionto the Prime Minister for conclusion of framwork International treaties on ODA and concessional loans and specific International treaties on ODA non-refundable aid as prescribed in clause 4 Article 30 of this Decree.

6. Coordinatingwith the Ministry of Finance in submissionto the Prime Minister for approval of the domestic financial regime applicable to programs and projects using ODA and concessional loans.

7. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Ministry of Finance in:

a. Submitting to the Prime Minister for approval of the domestic financial regime applicable to programs and projects using ODA non-refundable aid under competence to approve the funding list of the Prime Minister; defining the domestic financial mechnism applicable to programs and projects using ODA non-refundable aid under competence to approve the funding list of the Line agencies.

b.Summingup and makingplan on the disbursement of ODA and concessional loans, counterpart funds; fully and timely arrangingthe preparation capital for programs and projects, counterpart funds of fundamental construction source in order to prepare for implementation of and perform programs and projectssubject to be allocated from the central budget in the annual capital plans;

c. Handling demand on adding capital in the annual plans on budget estimate of programs and projects as prescribed in clause 5 Article 43 and Article 44 of this Decree.

8.Formulating, operating and completing the supervision and evaluation system of programs and projects at national level; sharing information with relevant agencies and donors, exploiting effectively this system.

9.Following up, checking the management of and organizing implementation of programs and projects; urging, assisting the implementation of programs and projects.

10. Acting asthe focalpointagencyinsolvingdifficulties during implementation of programs and projects; matters involving many Ministries, sectors in order to ensure the implementation progress and promote the disbursement of ODA and concessional loans; proposing the Prime Minister for decision onthehandling measures for matters on ODA and concessional loans under competence of the Prime Minister.

In the necessary case, assuming the prime responsibility for establishment of the inter-sector work delegation to directly work with the Line agencies, the project owners, the project management units and donors in order to consider, assess and timely solve difficulties under its competence.

11.Submitting the periodical (biannually, annually) andad hocconsolidated reports on the situation of mobilization, management and utilization of ODA and concessional loans to the Prime Minister; proposing solutions to remove difficulties during implementation of programs and projects.

12.Assuming the prime responsibility for implementation of synchronous measures with the aim to increase the effective management and utilization of ODA and concessional loans.

13.Compiling anddissemination ofdocuments guiding professional operations on mobilization, preparation, appraisal, managementofimplementation, supervision and evaluation of programs and projects;providing assistance inthe training on management of programs and projects in the professional and sustainable directions.

Article 62. Tasks and powers of the Ministry of Finance

1. Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment and relevant agencies informulatingstrategies, policies on development cooperation with donors, master plans on mobilization, regulation, management and utilization of ODA and concessional loans; analyzingand assessingeffectiveness of using thesefunds.

2. Providingguidance onpreparation of content involving conditions on usingfunds, financial management of programs and projects.

3. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith relevant agencies in submitting to the Prime Minister for theconclusionof specific International treaties on ODA and concessional loans as prescribed in clause 2 Article 30 of this Decree.

4. Officiallyrepresentingthe State or the Governmentas"the borrower" for ODA and preferential loans inrelationwith the donors, except loansforwhich the State bank of Vietnam ison behalf and delegatedto conclude in International treaties on such loans.

5. Executing financial management for programs and projects:

a.Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith relevant agencies in guiding on financial management for programs and projects;

b.Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment, the Line agencies and relevant agencies in submissionto the Prime Minister for approval of the domestic financial regime applicable to programs and projects using ODA and concessional loans beforeconclusion ofspecific International treaties on ODA and concessional loans;

c.Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment in submissionto the Prime Minister for approval of the domestic financial regime applicable to programs and projects using ODA non-refundable aid underthecompetence to approve the funding list of the Prime Minister; defining the domestic financial mechnism applicable to programs and projects using ODA non-refundable aid underthecompetence to approve the funding list of the Line agencies;

d.Specifyingthe procedures forfundwithdrawal and management offundwithdrawal of programs and projects on the basis of regulations of existing laws and regulations in International treaties on ODA and concessional loans already signed with donors;

dd.Assumingthe prime responsibility for guiding on implementation of policies on taxes and charges applicable to programs and projects; solvingproblems involving taxes and charges;

e.Allocating budgetfrom the State budget and otherfundingsourcesforpayment ofODA and concessional loans ona due course;

g.Coordinatingwith the State bank of Vietnam in defining and publishing the list of commercial banks eligible to perform the external payment transactions related to ODA and concessional loans;

h.Followingup and checkingthe financial management in utilization of ODA and concessional loans and organizingthe accounting of the State budget related to these funds;

i.Summingup periodically (biannually, annually)dataof disbursement, withdrawalof fundsand debt payment related to ODA and concessional loans in order to report to the Prime Minister and notify with relevant agencies;

k.Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment in summing up and making the plans on disbursement of ODA and concessional loans, counterpart funds; handlingdemand onsupplementation of fundsin the annual budget estimate plans of programs and projects as prescribed in clause 5 Article 43 and Article 44 of this Decree;

l.Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment in fully and timely arrangingcounterpart funds from the non-business and administrative source in order to prepare implementation and perform programs and projects subject to be allocated from the central budget in the annualfundingplans;

m.Organizing provision of on-lendingand withdrawal of fundsused foron-lendingof programs and projectsthat are subject totheon-lendingmechanism of the State budget.

Article 63. Tasks and powers of the State bank of Vietnam

1. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith relevant agencies in submitting to the Prime Minister for conclusion of specific International treaties on ODA and concessional loans with the internationalmonetaryand finance organizations as prescribed in clause 3 Article 30 of this Decree.

2. Handingoverdossier and all information involving programs and projects to the Ministry of Finance after the specific International treaties on ODA and concessional loans come into effect, except the loan agreementswith the international monetary fund.

3. Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Ministry of Finance in defining and publishing the list of commercial banks eligible to perform the external payment transactionforODA and concessional loans as basis for the Line agencies to negotiate the specific International treaties on ODA and concessional loans and to select banks serving for programs and projects.

4. Summingup periodically (biannually, annually) and notifyingthe Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment amd relevant agencies of situation offundwithdrawal and payment through the system ofbankaccounts of programs and projects;

Article 64. Tasks and powers of the Ministry of Justice

1. Appraisingthe draft International treaties on ODA and concessional loans as prescribed by law on international treaties.

2. Participatingin negotiation andproviding commentsin formulating contentsof draft International treaties on ODA and concessional loans.

3. Providing comments on program and project Outlines regardingcooperation with foreign partiesin legal sector.

4. Appraisingthe program and project documentson cooperation with foreign partiesin legal sectorunder the approval competence of the Prime Minister.

5. Providing commentsfrom legal aspectson the draft resettlement framewok policy before submissionto the Prime Minister for approval.

6. Providingthe legal opinionsrelated to International treaties on ODA and concessional loans or other relevant legalmatters at the request of competent agencies.

Article 65. Tasks and powers of the Ministry of Foreign Affairs

1.Coordinatingwith concerned agencies in elaborating and implementing guidelines and directions for ODA and concessional loan mobilization as well aspartnershippolicies on the basis of the general external relation policies; participating in mobilizationofODA and concessional loans.

2.Assumingthe prime responsibility for, and coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment and relevant agencies in, directing representative agencies of the Socialist Republic of Vietnam abroad or in international organizations to mobilize ODA and concessional loans in line with the guidelines and orientations on mobilization,master plansand plans onmobilizationand utilization of ODA and concessional loans in each period.

3. Checking, proposingfor negotiation,conclusion ofthe International treaties on ODA and concessional loans; joiningin negotiation,providing comments in draft International treaties on ODA and concessional loans.

4. Conductingexternal procedures on conclusion and implementation of International treaties on ODA and concessional loans; organizingstorage, copying from the original, announcingInternational treaties on ODA and concessional loans.

5. Participatingin evaluation of programs and projectsfunded byODA and concessional loans.

6. Followingup, checkingthe implementation of procedures for conclusion and implementation of International treaties on ODA and concessional loans as prescribed by law on International treaties.

Article 66. Tasks and powers of the Office of Goverment

1. Assistingthe Government and the Prime Minister in leading, directing and operating the uniform state management on ODA and concessional loans.

2. Providingopinions on contentsin the course of preparing the programs and projects at the request of the Line agencies or project owners; appraisingandmaking recommendationson policies, mechanisms, method of organizing implementation of programs and projects before submission tothe Goverment, the Prime Minister for consideration and decision.

3. Assistingthe Government and the Prime Minister for checking and urging implementation of this Decree.

Article 67. Tasks and powers of the Ministries, Ministerial-level agencies, Governmental agencies

1. Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment and relevant agencies in building strategies, master plans to orient themobilization and utilization ofODA and concessional loans; formulatingpolicies, methods of regulation and enhancing the effective utilization of ODA and concessional loans in the fields under their responsibilities.

2. FormulatingOutlines of programs and projects and submittingthem to competent agencies for approval or approve under their competence as prescribed in Article 13 of this Decree.

3. Coordinatingwith the Ministry of Finance, the State bank of Vietnam in submission to the Prime Minister relating to conclusion of specific International treaties on ODA and concessional loans for programs and projects managed by them as prescribed in clauses 2 and 3 Article 30 of this Decree.

4. Proposingto the Prime Minister for conclusion of specific International treaties on ODA non-refundable aid specified in this Decree and organizingimplementation of such International treaties after signing.

5. Executingthe functionsof state management of ODA and concessional loans according to sectors or fields under their responsibility in accordance with law.

6.Performingpublicly and transparently and takingresponsibility for the effective utilization of ODA and concessional loans for programs and projectsunder theirdirect management and implementation.

Article 68. Tasks and powers of the provincial People’s Committees

1.Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment, other ministries, branches and concerned agencies in formulating the strategiesand planningson mobilization and utilization ofODA and concessional loans; formulating policies and measures to coordinate andenhancethe effectivenessof the utilization of ODA and concessional loans in their respective provinces or cities.

2. FormulatingOutlines of programs and projects and submittingthem to competent agencies for approval or approvingunder their competence as prescribed in Article 13 of this Decree.

3. Coordinatingwith the Ministry of Finance, the State bank of Vietnam in submission to the Prime Minister relating to conclusion of specific International treaties on ODA and concessional loans for programs and projects managed by them specified in clauses 2 and 3 Article 30 of this Decree and perform such International treaties after signing.

4.Coordinatingwith the Ministry of Planning and Investment in submissionto the Prime Minister for conclusion of specific international treaties on ODA non-refundable aidspecified in this Decree and organize implementation of such International treaties after signing.

5.Takingresponsibility for directing and organizing the landacquisition, compensation andsiteclearance for programs and projects in their respective localities in accordance with law,International treaties on ODA and concessional loans to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

6. Executingthe functionsof state management of ODA and concessional loansin their respective localitiesin accordance with law.

7. Ensuringpublicity and transparencyand takingresponsibility for the effective utilization of ODA and concessional loans for programs and projectsundertheirdirect management and implementation.

8. Arranging funds topay debtstothe central budgetforforeign debtswith regards to the on-lendingprograms and projectsthatapplythe mechanism ofon-lending ofODA and concessional loansfromthe central budgettothe provincial-level budget.

Article 69.Commendation, handling of violations

1.Organizations and individuals thathaveoutstanding achievements in the implementation of this Decree shall be commended and rewarded in accordance with the law on commendation.

2.Organizations and individuals that violate the provisions of this Decree shall, depending on the nature and severity of their violations, be handled in accordance with law.

Chapter 8.

PROVISIONS OF IMPLEMENTATION

Article 70.Organizationfor implementation

1.The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with relevant agencies to promulgate a Circular guiding implementation of this Decree.

2.The Ministry of Finance shall issue documents guiding implementation of this Decree on financial management, policies on taxes, and charges for ODA and concessional loans under its competence.

Article 71. Effectiveness of implementation

1.This Decreeshall come into effectiveon June 06, 2013 and replace the Government’s Decree No. 131/2006/ND-CP, of November 09, 2006, on the management and utilization of official development assistance.

2.Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, thechairpersons of People’s Committees of central-affiliated cities and provinces, relevant organizations and individuals shall implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER





Nguyen Tan Dung

 

ANNEX 1

METHODS OF CALCULATING GRANT ELEMENT OF ODA AND CONCESSIONAL LOANS

(Issued with the Government’s Decree No 38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

Grant elements  are percentage of notional value   of loan reflecting concessional level of ODA and concessional loans. Grant elements are calculated by basing on groups of the following inputs:

1. Interest rate

2. Grace period

3. Maturity for debt payment

Formula calculating grant elements:

Of which:

GE       : Non-refundable component (%)

r           : Annual interest rate (%)

a          :  Times  of  repayment  made  annually  (in  line  with  the  terms  and conditions set by

the lending side)

d          : Discount rate of each period: d = (1 + d )1/a-1 (%)

d   : Discount rate of the year (as agreement between the agencies taking main responsibility for negotiation and the lending party) (%)

G  : Grace period (years)

M  : Repayment period (years)

ANNEX IIa

OUTLINE OF PROGRAM OR PROJECT

(Issued with the Government’s Decree No. 38/2012/ND-CP of April 23, 2013)

 I. Program of Project Title

II. Name of Donor, co-donor

III. Name of Line Agency, Project Owner (tentative)

IV. Duration of the Program or Project

V. Context and Necessity of the Program or Project:

1.  The necessity, the role and position of the program or project in the sectoral or provincial development master plan, plan that are relevant to the program or project contents.

2.  Brief  introduction  about  other  completed  and  on-going  programs  and projects  funded  by  different  sources (if any)  with  the  aim  to  support  the  program  or project proposing agency in solving its relevant issues.

3. The demand for financing from ODA and other concessional loans to the program or project.

VI. Basis for Proposing the Donor

The appropriateness of the program or project with the direction of cooperation and priority areas of the donor; the possibility of satisfying the donors’ conditions for the ODA and concessional loan provision from Vietnamese side.

VII. Objectives of the Program or Project

Description about overall and specific objectives of the program or project; the objectives of components (with regards to the programs).

VIII. Beneficiaries of the Program or Project

IX. Brief description about Major Outcomes of the Program or Project

Expected outcomes of the whole program or project, of respective components and items of the program or project.

X. Total Budget of the Program or Project

1.  ODA, concessional loans (in donor’s currency, equivalent to VND and USD).

2.  Counterpart fund and source of counterpart fund (in VND and equivalent to USD).

XI. Proposals of Domestic Financial Mechanism for the Program or Project

Recommendation for domestic financial mechanism applicable to ODA and concessional loans (With regards to the re-lending or on-lending programs or projects) the possibility and plan for debt payment shall be required to clearly state.

XII. Organization for Management and Implementation of the Program or Project

Proposing the modality of organization for the management and implementation of the program or project, in which giving a brief introduction about the working mechanism and relationship among the  concerned  parties: Line Agency, Project Owner, Project Management Unit, Donor and other parties involved in the management and implementation of the program or project.

XIII. Preliminary Analysis and Selection of Construction and Technology plan (with regards to Investment Project only)

XIV. Preliminary Analysis of the Efficiency, Impacts and Sustainability of the Program or Project

1. Economic and social efficiency of the program or project;

2.  Economic, environmental and social impacts to the sector, field and locality (with regards to investment project);

3. Sustainability of the program or project after completion.

XV. Advanced Activities

Upon agreement with the donor, proposing activities as specified in Article 17 in this Decree, in which   stating clearly estimated costs, timeframe, responsibilities of Vietnamese   agencies and the donor, mechanism for implementation of these activities.

ANNEX IIb

OUTLINE OF NON-PROJECT AID

(Issued with the Government’s Decree No. 38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

I. Non-Project Aid Title

II. Name of Donor, co-donor

III. Line Agency and Receiving Unit of Non-Project Aid (Tentative)

IV. Implementation duration of Non-Project Aid

V. Demand for Non-Project Aid

Describe the necessity and demand for non-project aid.

VI. Objectives and Contents of Non-Project Aid

VII. Total Budget of non-project aid

1. ODA loans (in donor’s currency and equivalent to VND and USD).

2.  Counterpart fund and source of counterpart fund (in VND and equivalent to USD).

VIII. Proposals of Domestic Financial Mechanism for non-project aid

Recommendation for domestic financial mechanism applicable for non-project aid. (With regards to the re-lending or on-lending non-project aid) the possibility and plan for debt payment shall be required to clearly state.

ANNEX IIIa

CONTENTS OF INVESTMENT PROJECT DOCUMENTS (FEASIBILITY STUDY REPORT)

(Issued with the Government’s Decree No. 38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

I. Basic Information of the Project

1. Project Title:

2. Name of Donor, co-donor:

3. Name of Line Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

4. Project Proposing Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

5. Project Owner:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

6. Tentative Duration of the Project implementation:

7. Project Location:

II. Background and Necessity of the Project

1. Appropriateness and contributions of the project to the national socio-economic development plan and strategy, sectoral, regional and local development master plans.

2. Relationship with other programs and projects that support to solve the relevant issues of project.

3.  The  necessity  of  the  project,  especially  the  issues  that  need  to  be addressed in the framework of the project.

III. Basis for Proposing the Donor

Stating clearly the appropriateness of the project to the direction of cooperation and priority areas of   the donor; conditions on provision of ODA and other concessional loans of the donor and the possibility of satisfying them from Vietnamese side:

1.  The appropriateness of the objectives of the project with the policies and priorities of the donor.

2.  Analysis  of  reasons  for  selection  and  advantages  of  donors  in  terms  of technology, management experiences, policy advice in the funded sectors, areas.

3.  The tied conditions in the donor’s regulations (if any) and the possibility of satisfying these conditions from Vietnamese side.

IV. Objectives of the Project

1.  Overall objectives

2.  Specific Objectives

3.  Long-term Objectives

4.  Short-term Objectives

V. Description of the Project

Clearly stating the scale of investment, components and activities of the project, analysis of selection of technical and technology plans.

VI. Beneficiaries of the Project

Indicate direct and indirect beneficiaries of the project.

VII. Major outcomes of the Project

Clearly stating expected outcomes of the project (by component, item if any).

VIII. Solution for Project Implementation

1.   General   solution   on   land   clearance, resettlement; and solution   on supporting technical infrastructure construction (if any).

2. Solution on designing and architecture with regards to the civil works in the urban areas and to the civil works having architecture requirements (if any).

3. Technical design options for technological system, machines and equipment (if any).

4. Solutions on exploitation and utilization of the outcomes of the project.

IX. Implementation, Monitoring and Evaluation plans of the Project

1. Implementation plan and advanced activities (if any).

2.  Overall implementation plan and detailed implementation plan of the project in the first year.

3. Monitoring and evaluation plan of the project.

X. Project Impact Assessment

1.  Economic-financial efficiencies and social efficiencies.

2.  Environmental impact assessment, risks and sustainability of the project after it completion.

3.  Monitoring and evaluation mechanism linked to the impacts of the project.

XI. Organization for Management and Implementation of the Project

Clearly  stating  the modality of organization for management and implementation; mechanism of coordination among the agencies involved in process of preparation, implementation and management of the project; capacity of project owner in project organization and management, including financial capacity.

XII. Total Project Budget

Detailed by components and items, budget line for development investment and recurrent expenditures, including:

1. ODA and concessional loans (donor’s currency and equivalent to USD).

2. Counterpart funds (in VND and equivalent to USD). Clearly stating the sources of counterpart fund (allocated from the central or provincial State budget) and in-kind contribution (if any).  Responsibility for allocation of the counterpart funds by different levels of budget agencies and the implementing   agencies and beneficiaries of the project (if any).

VIII. Domestic Financial Mechanism for project

Stating  clearly  the  modalities  of  domestic  financial  mechanism  (granted from the State budget, totally or partly on-lending and partly granted from the State budget). With regards to the on-lending or re-lending projects the justifications on the financial capacity and solutions for repayment shall be required.

1.  With regard to ODA and concessional loans:

- ODA: ………..…. in donor’s currency, equivalent to ………….VND and converted to USD

- Concessional loan:…..….in donor’s currency, equivalent to……..VND and converted to USD

In which:

-  Granted from the State budget for capital construction…………..  % of the total ODA and concessional loans

- Granted from the State budget for recurrent expenditures….……….. % of the total ODA and concessional loans

-  On-lending or re-lending………………………………………% of the total ODA and concessional loans

2.  With regard to counterpart Fund:

Counterpart fund: …………. VND,

Of which:

- In kind: Equivalent to……….. VND

- In cash: ………VND

- Granted from the central State Budget: …………VND (…%) of total counterpart fund.

-  Other sources (specifying clearly):  ………….VND (…%) of total counterpart fund.

XIV. Advanced Activities

Based on the advanced activities in the decision on approval of funding list, clearly stating advanced activities in details as specified in Article 17 of this Decree.

ANNEX IIIb

CONTENTS OF TECHNICAL ASSISTANCE PROJECT DOCUMENT

(Issued with the Government’s Decree No. 38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

I. Basic Information of the Project

1. Project Title:

2. Name of Donor, co-donor:

3. Name of Line Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

4. Project Proposing Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

5. Project Owner:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

6. Tentative Duration of the Project:

7. Project Location:

II. Background and Necessity of the Project

1. Appropriateness and contribution of the project to the national socio-economic development plan and strategy, sectoral, regional and local development master plans.

2.  Relationship with other programs and projects that support to solve the relevant issues of program or project.

3.  The necessity of the project, especially the issues that need to be addressed in the scope of the project.

4. Needs for technical assistance by ODA source.

III. Basis for Proposing the Donor

Stating clearly the appropriateness of the project to the direction of cooperation and priorities of the   donor; conditions on provision of ODA and other concessional loans of the donor and the possibility of satisfying them from Vietnamese side.

 IV. Objectives of the Project

1.  Overall Objectives

2.  Specific Objectives

3.  Long-term Objectives

4.  Short-term Objectives

V. Description of the Project

Components, major activities and results of technical assistance, assessment of possibility of application of the technical assistance in practice.

VI. Beneficiaries of the Project

Clearly indicate direct and indirect beneficiaries of the project.

VII. Implementation, Monitoring and Evaluation plans of the Project

1. Implementation plan and advanced activities (if any).

2.  Overall implementation plan and detailed implementation plan of the project in the first year.

3. Monitoring and evaluation plan of the project.

VII. Organization for Management and Implementation of the Project

Clearly stating the modality of organization for management and implementation; coordination mechanism of the agencies involved in process of preparation, implementation and management of the project; capacity of project owner in organization and management for project implementation.

IX. Total Project Budget

Classified by components and items, the budget line for development investment and recurrent expenditure, including:

1. ODA loans (donor’s currency and converted to USD).

2. Counterpart funds (in VND and converted to USD). Stating the sources of counterpart fund (allocated from the central or provincial State budget) and value of in-kind contribution (if any).  Responsibility for allocation of the counterpart funds by different levels of budget agencies, the implementing agencies and beneficiaries of the project (if any).

 X. Domestic Financial Mechanism for project

Stating clearly the modalities of domestic financial mechanism for technical support source (granted from the State budget, totally or partly on-lending and partly granted from the State budget). With regards to the on-lending or re-lending projects the justifications on the financial capacity and solutions for repayment shall be required.

1.  With regard to ODA and concessional loans:

- ODA: ………..…. in donor’s currency, equivalent to …………..VND and converted to USD

- Concessional loan:…..….in donor’s currency, equivalent to……..VND and converted to USD

In which:

-  Granted from the State budget for capital construction…………..  % of the total ODA and concessional loans.

- Granted from the State budget for recurrent expenditures….……….. % of the total ODA and concessional loans.

-  On-lending or re-lending………………………………………% of the total ODA and concessional loans.

2.  With regard to counterpart Fund:

Counterpart fund: …………. VND,

Of which:

- In kind: Equivalent to……….. VND.

- In cash: ………VND.

- Granted from the central State Budget: …………VND (…%) of total counterpart fund.

-  Other sources (specifying clearly):  ………….VND (…%) of total counterpart fund.

XIV. Advanced Activities

Based on the advanced activities in the decision on approval of funding list, clearly stating advanced activities in details as specified in Article 17 of this Decree.

ANNEX IIIc

CONTENTS OF PROGRAM DOCUMENT

(Issued with the Government’s Decree No.38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

I. Basic Information of the Program

1. Program Title:

2. Name of Donor, co-donor:

3. Name of Line Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

4. Program Proposing Agency:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

5. Project Owner:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

6. Tentative Duration of the Program:

7. Program Location:

II. Background and Necessity of the Program

1.  Appropriateness and contributions of the program to the national socio- economic development plan and strategy, sectoral, regional and local development master plans.

2. Relationship with other programs and projects that support to solve the relevant issues of the program.

3.  The necessity of the program, especially the issues that need to be addressed in the scope of the program.

III. Basis for Proposing the Donor

Stating clearly the appropriateness of the program to the direction of cooperation and priorities of the   donor, tentative co-donor; conditions on provision of ODA and other concessional loans (including policy framework, if any) and the possibility of satisfying them from Vietnamese side:

1.  The appropriateness of proposals for ODA aid with the policies and priorities of the donor.

2.  Analysis of reasons for selection and advantages of donors in terms of technology, management experiences, policy advice in the funded sector and area.

3.  The tied conditions in the donor’s regulations (if any) and the possibility of satisfying these conditions from Vietnamese side.

IV. Objectives of the Program

Clearly stating the overall and specific, long-term and short-term objectives of the program and its components (if any).

VI. Beneficiaries of the Program

Indicate direct and indirect beneficiaries of the program.

VI. Implementation, Monitoring and Evaluation plans of the Program

1. Implementation plan and advanced activities (if any).

2. Overall implementation plan and detailed implementation plan of the program in the first year.

3. Monitoring and evaluation plans of the project.

VII. Major Outcomes of the Program

VIII. Organization for Management and Implementation of the Project

Clearly stating the modality of organization for management and implementation; coordination mechanism of parties involved in process of preparation, implementation and management of the program; capacity of project owner in program organization and management, including financial capacity.

IX. Total Budget of Program

Classified by components, items, and the development investment and recurrent expenditure budget line, including:

1. ODA loans (donor’s currency and converted to USD).

2. Counterpart funds (in VND and converted to USD). Stating the sources of counterpart fund (allocated from the central or provincial State budget) and value of in-kind contribution (if any). Responsibility for allocation of the counterpart funds by different levels of budget agencies, implementing agencies and beneficiaries of the project (if any).

VIII. Domestic Financial Mechanism for program

Stating  clearly  the  modalities  of  domestic  financial  mechanism  (granted from the State budget, totally or partly on-lending and partly granted from the State budget). With regards  to  the  on-lending  or  re-lending  program  the  justifications on the financial capacity and solutions for repayment shall be required.

1.  With regard to ODA and concessional loans:

- ODA: ………..…. in donor’s currency, equivalent to …………..VND and converted to USD

- Concessional loan:…..….in donor’s currency, equivalent to……..VND and converted to USD

In which:

-  Granted from the State budget for capital construction…………..  % of the total ODA and concessional loans.

- Granted from the State budget for recurrent expenditures….……….. % of the total ODA and concessional loans.

-  On-lending or re-lending………………………………………% of the total ODA and concessional loans

2.  With regard to counterpart Fund:

Counterpart fund: …………. VND,

Of which:

- In kind: Equivalent to……….. VND

- In cash: ………VND

- Granted from the central State Budget: …………VND (…%) of total counterpart fund.

-  Other sources (specifying clearly):  ………….VND (…%) of total counterpart fund.

XIV. Advanced Activities

Based on the advanced activities in the decision on approval of funding list, clearly stating advanced activities in details as specified in Article 17 of this Decree.

ANNEX IIId

CONTENTS OF JOINT PROGRAM OR PROJECT DOCUMENT

(Issued with the Government’s Decree No. 38/2013/ND-CP, of April 23, 2013)

I. Basic Information of the Joint Program or Project

1. Joint Program or Project Title:

2. Name of Donor, co-donor:

3. Name of Line Agency that Proposes the Joint Program or Project:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

4.  Name of Line Agencies Participating in the Joint Program or Project:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

5. Owner of the Joint Program or Project:

a) Address:…………      b) Tel/Fax:……………

6. Tentative Duration of the Joint Program or Project:

7. Joint Program or Project Location:

II. Background and Necessity of the Joint Program or Project

1.  Appropriateness and contributions of the joint program or project to the national socio-economic development plan and strategy, sectoral, regional and local development master plans.

2. Relationship with other programs and projects that support to solve the relevant issues of the joint program or project.

3. The necessity of the joint program or project, especially the issues that need to be addressed in the scope of the program, project.

III. Basis for Proposing the Donor

Stating clearly the appropriateness of the joint program or project to the direction of cooperation and priorities of the donor; conditions on provision of ODA and other concessional loans of the donor and the possibility of satisfying them from Vietnamese side:

1. The appropriateness of the objectives of the joint program or project with the policies and priorities of the donor.

2. Analysis of reasons for selection and advantages of donors in terms of technology, management experiences, policy advice in the funded areas.

3. The tied conditions in the donor’s regulations (if any) and the possibility of satisfying these conditions from Vietnamese side.

IV. Objectives of the Joint Program or Project

Clearly stating overall and specific, long-term and short-term objectives of the joint program or project and its components or sub-projects.

1.  Overall objectives of the joint program or project.

2.  Overall objectives of components or sub-projects.

V. Description of the Joint Program or Project

Clearly stating the contents of activities and expected outcomes of the joint program or project and its component or sub- projects. Stating clearly the relationship among the component or sub-projects and their corresponding resources.

VI. Beneficiaries of the Joint Program or Project

Clearly stating the direct and indirect beneficiaries of the joint program or project and its component or sub-projects.

VII. Solution for Implementation of the Joint Program or Project

1. General   solution   on   land   clearance   and   resettlement;   solution   on supporting technical infrastructure construction (if any).

2. Solution on designing and architecture with regards to the civil works in the urban areas and to the civil works having architecture requirements (if any).

3. Solutions on exploitation and utilization of the outcomes of the joint program or project.

VIII. Implementation, Monitoring and Evaluation plans of the Joint Program or Project

1. Implementation plan and advanced activities (if any).

2. Overall implementation plan and detailed implementation plan of the joint program or project in the first year.

3. Monitoring and evaluation plans of the joint program or project.

 IX. Impact Assessment of the Joint Program or Project

1.  Social, economic and financial efficiencies; environment impacts, risks and sustainability of the joint program or project after its completion.

2.  Monitoring and evaluation mechanisms linked to the impacts of the joint program or project.

X. Organization  for Management and Implementation of the Joint Program or Project

Stating clearly organizational structure of management and implementation of the joint program or project; coordination mechanism of parties engaged in process of preparation for           implementation, implementation  and management of the joint program or project; organization and management capacity of the line agency and the owner of the joint program or project, the  Steering  Committee  of the joint program or project (if any), the  line agencies and project owners of the components or sub-projects, including financial capacity.

XI. Total Budget for Implementation of the Joint Program or Project and its components or sub-projects

Classified by components and items, development investment and recurrent expenditure budget line, plan on financial allocation for agencies participating in joint program or project, including:

1. ODA and concessional loans (donor’s currency and converted to VND and USD).

2. Counterpart funds (in VND and converted to USD). Stating the sources of counterpart fund (allocated from the central or provincial State budget) and value of in-kind contribution (if any). Responsibility for allocation of the counterpart funds by different levels of budget agencies, implementing agencies and beneficiaries of the project (if any).

XII. Domestic Financial Mechanism for joint program, project

Stating clearly the modalities of domestic financial mechanism (granted from the State budget, totally or partly on-lending and partly granted from the State budget). With regards to the on-lending or re-lending projects, the justifications on the financial capacity and solutions for repayment shall be required.

1.  With regard to ODA loans:

- ODA: ………..…. in donor’s currency, equivalent to ………….VND and converted to USD

- Concessional loan:…..….in donor’s currency, equivalent to……..VND and converted to USD

In which:

-  Granted from the State budget for capital construction…………..  % of the total ODA and concessional loans.

- Granted from the State budget for recurrent expenditures….……….. % of the total ODA and concessional loans.

-  On-lending or re-lending………………………………………% of the total ODA and concessional loans

8.  With regard to counterpart Fund:

Counterpart fund: …………. VND,

Of which:

- In kind: Equivalent to……….. VND

- In cash: ………VND

- Granted from the central State Budget: …………VND (…%) of total counterpart fund.

-  Other sources (specifying clearly):  ………….VND (…%) of total counterpart fund.

XIV. Advanced Activities

Based on the advanced activities in the decision on approval of funding list, clearly stating advanced activities in details as specified in Article 17 of this Decree.

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Công báo tiếng Anh
Decree 38/2013/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất