Thông tư 07/2020/TT-BTNMT chi tiết điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định 66/2019/NĐ-CP

thuộc tính Thông tư 07/2020/TT-BTNMT

Thông tư 07/2020/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Cơ quan ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:07/2020/TT-BTNMT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Võ Tuấn Nhân
Ngày ban hành:31/08/2020
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Đất đai-Nhà ở, Tài nguyên-Môi trường

TÓM TẮT VĂN BẢN

Thực hiện quan trắc vùng đất ngập nước quan trọng ít nhất 01 lần/năm

Ngày 31/8/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 07/2020/TT-BTNMT về việc quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Theo đó, căn cứ vào các yếu tố thủy văn, hải văn, địa hình, địa mạo, điều kiện thổ nhưỡng, mức độ tác động của con người và ảnh hưởng của các yếu tố biển, lục địa, các vùng đất ngập nước được chia thành 03 nhóm gồm: Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo; Vùng đất ngập nước nội địa; Vùng đất ngập nước nhân tạo.

Ngoài ra, quan trắc đa dạng sinh học và các mối đe dọa vùng đất ngập nước quan trọng thực hiện các nội dung sau: Đa dạng sinh học: quan trắc số lượng và thành phần các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, số cá thể loài được ưu tiên bảo vệ, số lượng cá thể các loài chim nước, chim di cư; Mối đe dọa: quan trắc số lượng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; số lượng các hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng đất ngập nước nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, diện tích, ranh giới của vùng đất ngập nước quan trọng và các kiểu đất ngập nước được quan trắc theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế với tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/10/2020.

Xem chi tiết Thông tư07/2020/TT-BTNMT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

_____________

Số: 07/2020/TT-BTNMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2020

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

________

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, bao gồm: phân loại, thống kê, kiểm kê đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước; tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến bảo tồn và sử dụng các vùng đất ngập nước trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Chương II
PHÂN LOẠI, THỐNG KÊ, KIỂM KÊ ĐẤT NGẬP NƯỚC, QUAN TRẮC CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG, XÂY DựNG BÁO CÁO VỀ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC
Điều 3. Phân loại đất ngập nước
1. Phân loại đất ngập nước là việc xác định các kiểu đất ngập nước phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
2. Căn cứ vào các yếu tố thủy văn, hải văn, địa hình, địa mạo, điều kiện thổ nhưỡng, mức độ tác động của con người và ảnh hưởng của các yếu tố biển, lục địa, các vùng đất ngập nước được chia thành 03 (ba) nhóm như sau:
a) Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo là những vùng đất ngập nước tự nhiên mặn, lợ ở ven biển, ven đảo (ký hiệu nhóm I);
b) Vùng đất ngập nước nội địa là những vùng đất ngập nước ngọt tự nhiên nằm trong lục địa hoặc nằm gần ven biển (ký hiệu nhóm II);
c) Vùng đất ngập nước nhân tạo là các vùng đất ngập nước được hình thành do tác động của con người (ký hiệu nhóm III).
3. Vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo được xác định gồm các vùng sau:
a) Vùng đất ngập nước tính từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến đường mép nước biển thấp nhất (ngấn thuỷ triều thấp nhất) trung bình trong nhiều năm;
b) Vùng đất ngập nước tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm trở ra phía biển đến độ sâu 06 mét so với mặt nước biển.
4. Vùng đất ngập nước không thuộc quy định tại khoản 3 Điều này là vùng đất ngập nước nội địa và ranh giới được xác định từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm trở vào đất liền.
5. Căn cứ vào điều kiện địa hình, địa mạo, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, thảm thực vật, yếu tố sinh vật, hiện trạng sử dụng đất và mặt nước, các vùng đất ngập nước thuộc 03 nhóm quy định tại khoản 2 Điều này được phân loại thành 26 kiểu đất ngập nước theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Thống kê, kiểm kê đất ngập nước
1. Việc thống kê, kiểm kê đất ngập nước đối với các nhóm quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, cụ thể:
a) Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện thống kê, kiểm kê đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý và gửi kết quả thống kê, kiểm kê về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 5. Quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng
1. Việc quan trắc chế độ thủy văn các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc thủy văn. Việc quan trắc chất lượng môi trường nước, trầm tích các vùng đất ngập nước quan trọng được thực hiện theo quy định về quan trắc môi trường.
2. Nội dung quan trắc đa dạng sinh học và các mối đe dọa vùng đất ngập nước quan trọng thực hiện như sau:
a) Đa dạng sinh học: quan trắc số lượng và thành phân các loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; số cá thể loài được ưu tiên bảo vệ; số lượng cá thể các loài chim nước, chim di cư;
b) Mối đe dọa: quan trắc số lượng các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; số lượng các hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng đất ngập nước quan trọng;
c) Các nội dung quan trắc quy định tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế. Tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.
3. Diện tích, ranh giới của vùng đất ngập nước quan trọng và các kiểu đất ngập nước được quan trắc theo phương pháp điều tra, khảo sát thực tế với tần suất quan trắc tối thiểu 01 lần/năm.
4. Kết quả quan trắc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này gửi đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Điều 6. Xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo:
a) Báo cáo được thực hiện bằng 01 trong 02 hình thức sau: báo cáo bằng văn bản giấy, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, đóng dấu theo quy định; báo cáo bằng văn bản điện tử, có chữ ký số của Thủ trưởng cơ quan, đóng dấu theo quy định;
b) Báo cáo được gửi tới nơi nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau đây: trực tiếp; dịch vụ bưu chính; hệ thống thư điện tử; hệ thống phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Thời gian chốt số liệu và thời hạn gửi báo cáo:
a) Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính đến ngày 15 tháng 11 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 11 của kỳ báo cáo;
b) Thời hạn gửi báo cáo: định kỳ 03 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo về các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 của kỳ báo cáo.
Chương III
TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH HỒ SƠ DỰ ÁN THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC
Điều 7. Thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập hội đồng thẩm định liên ngành dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Điều 8. Điều kiện tiến hành cuộc họp hội đồng thẩm định
Cuộc họp hội đồng thẩm định được tiến hành khi đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:
1. Có đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đối với khu bảo tồn cấp quốc gia và khoản 3 Điều 14 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đối với khu bảo tồn cấp tỉnh.
2. Có sự tham gia của Chủ tịch hội đồng; thành viên hội đồng là đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia; đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với hội đồng thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; và có trên hai phần ba (2/3) tổng số thành viên Hội đồng theo quyết định thành lập.
Điều 9. Nguyên tắc làm việc của hội đồng thẩm định
1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, biểu quyết và quyết định theo đa số.
2. Ý kiến của từng thành viên hội đồng và ý kiến của hội đồng được thể hiện trong biên bản họp hội đồng thẩm định.
3. Hội đồng kết luận theo 02 mức độ: đạt yêu cầu khi có từ hai phần ba (2/3) số thành viên hội đồng theo quyết định thành lập trở lên đánh giá đạt và đạt với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung; không đạt yêu cầu khi trên một phần ba (1/3) số thành viên hội đồng đánh giá không đạt yêu cầu.
4. Kết quả thẩm định là kết luận của Chủ tịch hội đồng thẩm định theo 02 mức độ quy định tại khoản 3 Điều này.
Trong trường hợp kết quả thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn không đạt yêu cầu, cơ quan được giao lập dự án hoàn thiện hồ sơ dự án theo kết luận của hội đồng và gửi cơ quan tổ chức thẩm định đề hội đồng họp thẩm định lại.
5. Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định
1. Trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch hội đồng:
a) Quyết định triệu tập cuộc họp hội đồng thẩm định;
b) Điều hành cuộc họp hội đồng thẩm định;
c) Xử lý các ý kiến được nêu trong cuộc họp hội đồng thẩm định; kết luận cuộc họp hội đồng và chịu trách nhiệm về các kết luận của hội đồng thẩm định;
d) Ký biên bản cuộc họp hội đồng thẩm định và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực của các nội dung ghi trong biên bản họp hội đồng thẩm định theo Mẫu số 3.3 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của thành viên hội đồng thẩm định quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của thành viên hội đồng thẩm định:
a) Xem xét nghiên cứu, đánh giá, góp ý hoàn thiện nội dung hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước;
b) Tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định, trường hợp không tham dự cuộc họp hội đồng, có trách nhiệm gửi bản nhận xét đối với hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cho cơ quan tổ chức thẩm định trước khi cuộc họp hội đồng thẩm định được tiến hành ít nhất 01 ngày làm việc;
c) Viết bản nhận xét về hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo Mẫu số 3.1 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này và trình bày bản nhận xét tại cuộc họp hội đồng thẩm định;
d) Điền phiếu thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước theo Mẫu số 3.2 quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Có ý kiến tại cuộc họp hội đồng thẩm định; bảo lưu ý kiến trong trường hợp có ý kiến khác với kết luận của hội đồng thẩm định;
e) Viết nhận xét về hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước đã được chỉnh sửa, bổ sung sau cuộc họp hội đồng thẩm định khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tổ chức thẩm định;
g) Tham gia các hoạt động có liên quan đến thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước khi Chủ tịch hội đồng hoặc cơ quan tổ chức thẩm định yêu cầu;
h) Có trách nhiệm trước cơ quan tổ chức thẩm định về các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và những nội dung công việc được phân công trong quá trình thẩm định; đảm bảo các quy định về bảo mật thông tin có trong hồ sơ, quá trình thẩm định theo quy định của pháp luật và nộp lại các tài liệu này khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC, VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG NẰM NGOÀI KHU BẢO TỒN
Điều 11. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước
1. Căn cứ vào quy mô diện tích, giá trị đa dạng sinh học, môi trường, quyền sử dụng đất của khu vực thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và điều kiện thực tiễn, cơ quan có thẩm quyền thành lập khu bảo tồn quyết định tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước đảm bảo các điều kiện phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; thực hiện kế hoạch quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được phê duyệt theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục IV và quy chế quản lý khu bảo tồn đất ngập nước được phê duyệt theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Tổ chức quản lý vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn
1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Quản lý nhà nước về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
b) Các nhiệm vụ quy định tại Điều 32 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động trên các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn có trách nhiệm thực hiện Quy chế phối hợp quản lý quy định tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư này.
Điều 13. Quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn
1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Nội dung quy chế phối hợp quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn được xây dựng và thực hiện theo Mẫu đề cương quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 10 năm 2020.
2. Thông tư số 18/2004/TT-BTNMT ngày 23 tháng 8 năm 2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ;

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;

- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;

- Lưu: VT, PC, TCMT (BTĐD).

KT. BỘ TRƯỞNG
 
THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Võ Tuấn Nhân

Phụ lục I

PHÂN LOẠI ĐẤT NGẬP NƯỚC

(Ban hành kèm theo Thông tư số ....../2020/TT-BTNMT ngày... tháng... năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

I. Mô tả các kiểu đất ngập nước ở Việt Nam

1. Các kiểu đất ngập nước thuộc nhóm I vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo (gồm có 9 kiểu):

a) Vùng biển nông ven bờ, bao gồm cả vũng, vịnh (Vbn) là vùng biển ven bờ, ven vũng, vịnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ hải văn, được giới hạn đến độ sâu 06 mét tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Trong đó, vũng, vịnh là một phần của biển lõm vào lục địa hoặc do đảo chắn tạo thành một vùng nước khép kín ở mức độ nhất định;

b) Thảm cỏ biển (Tcb) là thảm thực vật chiếm ưu thế bởi một hoặc một số loài cỏ biển, chủ yếu sống ngập chìm dưới nước biển. Cỏ biển phân bố ở các vùng biển nông ven bờ, ven đảo, ven vũng vịnh, đầm phá mặn, lợ và vùng cửa sông có độ trong cao;

c) Rạn san hô (Rsh) được thành tạo từ các thế hệ san hô tạo rạn với cấu tạo cơ thể chứa cacbonat canxi tiết ra và tích tụ lại thành cấu trúc đá vôi kin nâng đỡ san hô đang sống và làm nơi cư trú cho rất nhiều loài động, thực vật khác sống trong rạn;

d) Các vùng bờ biển có vách đá, kể cả vùng có vách đả ngoài khơi (Bvd) là nơi tiếp giáp giữa vùng nước biển và đất liền (hoặc đảo), có nền đáy được cấu thành bởi các tảng đá rắn chắc (chiếm trên 75% diện tích bề mặt) Và chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều và dòng chảy ven bờ;

đ) Bãi vùng gian triều, bao gồm cả bãi bùn sét, cát, sỏi, cuội, cồn cát (Bgt) là vùng bãi ven biển luân phiên phơi bãi và ngập nước khi thủy triều xuống và lên, được giới hạn phía trong là mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm, phía ngoài biển là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Thành phần trầm tích của bãi gian triều có thể là cát, bùn, sét, cuội, sỏi hoặc hỗn hợp giữa chúng, cồn cát chắn ngoài cửa sông, không hoặc chỉ có thực vật dạng cỏ, cây bụi;

e) Vùng nước cửa sông (Vcs) là vùng đất bị ngập nước bởi sự hòa trộn giữa nước sông và nước biển; ranh giới phía trong có độ muối vào mùa khô là 1‰ và ranh giới phía ngoài là đường đẳng mặn của nước biển vùng xung quanh;

g) Rừng ngập mặn (rừng tự nhiên hoặc rừng trồng) (Rnm) là rừng phát triển ở ven bờ biển và các cửa sông có nước triều mặn ngập thường xuyên hoặc định kỳ;

h) Đầm, phá ven biển (Dp) là kiểu thủy vực ven bờ biển có nước mặn, lợ hoặc rất mặn, được tách ra khỏi biển nhờ một dạng tích tụ như doi cát, rạn san hô chắn ngoài và ăn thông với biển qua một hay nhiều cửa;

i) Các-xtơ và hệ thổng thủy văn ngầm ven biển, ven đảo (bao gồm cả thung hoặc tùng, áng) (Cvb) là các dạng địa hình ngầm, rỗng trong khối đá các-xtơ phân bố ở vùng ven biển, ven đảo, được thành tạo do hoạt động của nước dưới đất và nước bề mặt hòa tan, rửa lũa các đá dễ hòa tan (đá vôi, đôlomit).

2. Các kiểu đất ngập nước thuộc nhóm II vùng đất ngập nước nội địa (gồm có 8 kiểu):

a) Sông, suối có nước thường xuyên (Stx): sông là dòng nước chảy thường xuyên, có nguồn cung cấp là nước mặt hay nước ngầm; suối là dòng nước chảy nhỏ và vừa quanh năm, thường là các phụ lưu của sông;

b) Sông, suối có nước theo mùa (Stm) là dòng chảy nhỏ, hẹp, có lưu lượng nước biến đổi mạnh theo mùa, có nước vào mùa mưa và cạn nước vào mùa khô;

c) Hồ tự nhiên (Htn) là vùng trũng sâu chứa nước, được hình thành tự nhiên, có chế độ thủy văn tương đối tĩnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp của các dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm, có phủ hoặc không có lớp phủ thực vật;

d) Vùng đất than bùn có rừng, cây bụi hoặc không có thực vật che phủ (Tb) là vùng đất có tầng than bùn được hình thành từ các thảm thực vật bị vùi lấp nhiều năm, tích tụ lại trong điều kiện ngập úng, hiện hữu rừng cây gỗ, cây bụi mọc ở trên hoặc không có thực vật che phủ;

đ) Vùng ngập nước có cây bụi chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa (Cb) là các vùng đất thấp, úng ngập tự nhiên; đầm lầy, phát triển ưu thế các loài cây bụi hoặc cây lá nổi với độ che phủ > 30%;

e) Vùng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa (Cg) là vùng đất thấp, ngập tự nhiên; đầm lầy, phát triển ưu thế các loài cây thân gỗ với độ che phủ > 30%, thường phân bố ở các đồng bằng ngập lũ vùng hạ lưu sông, chịu ảnh hưởng của nước lũ hoặc vùng đầm lầy nội địa và chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước ngầm;

g) Suối, điểm nước nóng, nước khoáng (Snn) là nơi có nước tự nhiên chảy ra từ lòng đất, luôn có nhiệt độ cao hoặc chứa một số khoáng chất có hoạt tính sinh học với nồng độ cao (ở dạng dòng chảy được gọi là suối, ở dạng mạch được gọi là điểm);

h) Hệ thống thủy văn ngầm các-xtơ và hang, động nội địa (Cnd) là các dạng địa hình ngầm, rỗng trong khối đá các-xtơ phân bố ở trong đất liền, được thành tạo do hoạt động của nước dưới đất và nước bề mặt hòa tan, rửa lũa các đá dễ hòa tan (đá vôi, đolomit).

3. Các kiểu đất ngập nước thuộc nhóm III vùng đất ngập nhân tạo (gồm có 9 kiểu):

a) Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ (Anm) là vùng trũng chứa nước mặn, lợ do con người tạo nên ở vùng triều ven bờ, cửa sông và trên bãi cát ven biển để nuôi trồng các loài thủy sản sống trong nước mặn, lợ;

b) Đồng cói (Dc) là vùng đất ngập nước ven biển được sử dụng để trồng cói;

c) Đồng muối (Dm) là vùng đất ven biển được con người cải tạo sử dụng để làm muối;

d) Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước ngọt (Ann) là vùng trùng chứa nước ngọt được con người đào để nuôi trồng các loài thủy sản nước ngọt;

đ) Đất canh tác nông nghiệp (Dnn) là các vùng đất được sử dụng để trồng lúa nước và các loại cây trồng sống trong điều kiện ngập nước hoặc bán ngập nước;

e) Hồ chứa nước nhân tạo (Hnt) do con người tạo ra từ xây đập ngăn dòng sông, suối để chứa nước, điều tiết dòng chảy phục vụ nhu cầu thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, cải thiện môi trường, du lịch;

g) Moong khai thác khoáng sản (Mks) gồm các vùng trũng, hố đào và vũng nước rửa được hình thành do quá trình khai thác khoáng sản lộ thiên;

h) Ao, hồ chứa và xử lý nước thải (Vxl) là các vùng trũng do con người tạo ra dùng để thu gom, chứa và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường xung quanh;

i) Sông đào, kênh, mương, rạch (Sd) là hệ thống dẫn nước do con người tạo ra nhằm phục vụ cho các hoạt động giao thông thủy, tưới, tiêu hoặc điều tiết nước phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp và thoát nước thải sinh hoạt.

II. Hệ thống phân loại đất ngập nước ở Việt Nam

Hệ thống phân loại đất ngập nước ở Việt Nam bao gồm 03 nhóm với 26 kiểu. Các kiểu đất ngập nước này được ký hiệu bởi những chữ cái tiếng Việt viết tắt cho kiểu (từ hai đến ba ký tự) Và tương ứng với các ký hiệu kiểu đất ngập nước theo phân loại các kiểu đất ngập nước của Công ước Ramsar. Cụ thể như sau:

Nhóm

Các kiểu đất ngập nước

Tên kiểu đất ngập nước

Kí hiệu của Việt Nam

Ký hiệu của Ramsar

Đất ngập nước ven biển, ven đảo (Nhóm I)

1. Vùng biển nông ven bờ, bao gồm cả vũng, vịnh

Vbn

A

2. Thảm cỏ biển

Tcb

B

3. Rạn san hô

Rsh

C

4. Các vùng bờ biển vách đá, kể cả vùng có vách đá ngoài khơi

Bvd

D

5. Bãi vùng gian triều, bao gồm cả bãi bùn sét, cát, sỏi, cuội, cồn cát

Bgt

E, G

6. Vùng nước cửa sông

Vcs

F

7. Rừng ngập mặn

Rnm

I

8. Đầm, phá ven biển

Dp

J

9. Các-xtơ và hệ thống thủy văn ngầm ven biển, ven đảo (bao gồm cả thung hoặc tùng, áng)

Cvb

Zk(a)

Đất ngập nước nội địa (Nhóm II)

1. Sông, suối có nước thường xuyên

Stx

M

2. Sông, suối có nước theo mùa

Stm

N

3. Hồ tự nhiên

Htn

O, P

4. Vùng đất than bùn có rừng, cây bụi hoặc không có thực vật che phủ

Tb

U, Xp

5. Vùng ngập nước có cây bụi chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa

Cb

W

6. Vùng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và ngập nước theo mùa

Cg

Xf

7. Suối, điểm nước nóng, nước khoáng

Snn

Y,Zg

8. Hệ thống thủy văn ngầm các-xtơ và hang, động nội địa

Cnd

Zk(b)

Đất ngập nước nhân tạo (Nhóm III)

1. Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ

Anm

1,2

2. Đồng cói

Dc

4

3. Đồng muối

Dm

5

4. Ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản nước ngọt

Ann

1,2

5. Đất canh tác nông nghiệp

Dnn

3

6. Hồ chứa nước nhân tạo

Hnt

6

7. Moong khai thác khoáng sản

Mks

7

8. Ao, hồ chứa và xử lý nước thải

Vxl

8

9. Sông đào, kênh, mương, rạch

Sd

9


 

Phụ lục II

MẪU ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO VỀ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

(Ban hành kèm theo Thông tư số............... /2020/TT-BTNMT ngày... tháng... năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

____________

Số: .........../BC-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

...... ngày.... tháng.... năm.....

 

 

        

BÁO CÁO VỀ CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC

 

1. Tình hình thực hiện quản lý, bảo tồn và sử dụng đất ngập nước

1.1. Hiện trạng các vùng đất ngập nước

a) Tổng quan các vùng đất ngập nước tại địa phương (nêu rõ các kiểu đất ngập nước, diện tích, phân bố, giá trị và vai trò của vùng đất ngập nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và văn hóa của địa phương);

b) Thực trạng các vùng đất ngập nước quan trọng (nêu cụ thể tên các vùng đất ngập nước quan trọng/khu bảo tồn đất ngập nước/khu Ramsar, tiêu chí đáp ứng vùng đất ngập nước quan trọng/khu bảo tồn đất ngập nước/khu Ramsar; các dịch vụ hệ sinh thái);

c) Hiện trạng bảo tồn, khai thác, sử dụng các vùng đất ngập nước/vùng đất ngập nước quan trọng.

1.2. Các mối đe dọa và xu hướng biến động

a) Các mối đe dọa (nêu rõ các mối đe dọa hiện nay đến vùng đất ngập nước như phát triển không theo quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi chế độ thủy văn, săn bắn và khai thác trái phếp, sinh vật ngoại lai xám hại, biến đổi khí hậu dẫn đến suy giảm diện tích, dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước);

b) Xu hướng biến động vùng đất ngập nước (nêu rõ dự báo các biến động diện tích, thành phần đa dạng sinh học, giá trị và chức năng, dịch vụ hệ sinh thái,...).

1.3. Tình hình quản lý các vùng đất ngập nước

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; thực hiện các quy định của Công ước Ramsar;

b) Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước tại địa phương;

c) Thống kê, kiểm kê; điều tra, đánh giá, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước; quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường và đa dạng sinh học của các vùng đất ngập nước quan trọng; lập, đề xuất việc điều chỉnh Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn;

d) Tổ chức lập, thẩm định, thành lập và quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh; đề cử công nhận và quản lý khu Ramsar; hướng dẫn quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn;

đ) Tổ chức việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;

e) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng của địa phương;

g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các bên liên quan, cộng đồng về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của địa phương;

h) Các nguồn tài chính cho quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước tại địa phương (nêu rõ các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư, hỗ trợ của tổ chức cá nhân trong nước, nước ngoài; nguồn thu được từ dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ tại vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật);

i) Công tác tổ chức quản lý vùng đất ngập nước (nêu rõ bộ máy quản lý, năng lực quản lý, vai trò của các bên liên quan trong quản lý vùng đất ngập nước);

k) Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý vùng đất ngập nước.

2. Kết quả đạt được (nêu các kết qua đạt được trong công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước).

3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

4. Phương hướng, nhiệm vụ (nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước tại địa phương trong 3 năm tiếp theo).

5. Đề xuất, kiến nghị

 

Nơi nhận:

- Bộ TN&MT;

- ......

- Lưu:...

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

 

(Chữ ký, dấu)

 

Họ và tên

 

 

 

Các phụ lục đính kèm báo cáo:

- Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng tại địa phương;

- Kết quả quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng;

- Danh mục các văn bản địa phương áp dụng và ban hành trong quản lý đất ngập nước, đa dạng sinh học;

- Danh mục các chương trình, dự án, đề tài trong nước và quốc tế liên quan đến bảo tồn và sử dụng đất ngập nước, đa dạng sinh học tại địa phương;

- Các phụ lục khác (nếu có).

Phụ lục III

BẢN NHẬN XÉT, PHIẾU THẨM ĐỊNH VÀ BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH HỒ SƠ DỰ ÁN THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

(Ban hành kèm theo Thông tư số............... /2020/TT-BTNMT ngày... tháng... năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

Mẫu số 3.1

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

 

 

BẢN NHẬN XÉT HỒ SƠ DỰ ÁN THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC ...(1)....

 

1. Họ và tên người nhận xét:

2. Học hàm, học vị, chức vụ công tác:

3. Nơi công tác (tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại, Fax, E-mail):

4. Tên dự án:

5. Nhận xét về tính phù hợp và những yêu cầu cần chỉnh sửa bổ sung của hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước ....... (1)........ theo các nội dung:

a) Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn;

b) Mức độ đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn;

c) Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn, các phân khu chức năng và vùng đệm của khu bảo tồn;

d) Kế hoạch quản lý khu bảo tồn;

đ) Tổ chức quàn lý khu bảo tồn;

e) Ý kiến của các bên liên quan (chính quyền địa phương nơi thành lập khu bảo tồn, cộng đồng dân cư sinh sống trong, tiếp giáp hoặc có hoạt động tại khu vực thành lập khu bảo tồn...).

6. Những nhận xét khác:

a) Về hồ sơ dự án (thành phần và chất lượng hồ sơ).

b) Về thông tin, số liệu sử dụng trong hồ sơ dự án.

c) Về cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, độ tin cậy, tính logic của các đánh giá, kết luận nêu trong dự án thành lập khu bảo tồn.

d) Các nhận xét khác theo nội dung hồ sơ dự án.

7Kết luận và đề nghị (nêu rõ 03 mức độ: đạt yêu cầu; đạt yêu cầu với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung; Không đạt yêu cầu và phải hoàn thiện hồ sơ để thẩm định lại).

 

....(2)..., ngày... tháng... năm...
NGƯỜI NHẬN XÉT
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

Ghi chú:

(1) Tên của khu bảo tồn đất ngập nước và địa chỉ ranh giới hành chính nơi thành lập khu bảo tồn;

(2) Địa danh nơi ghi nhận xét.

 

 

Mẫu số 3.2

 

...(1)...

______

(Được đóng dấu treo của cơ quan tổ chức thẩm định hoặc cơ quan được giao tổ chức thẩm
định(1))

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

 

 

 

PHIẾU THẨM ĐỊNH

HỒ SƠ DỰ ÁN THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC...(2)

 

1. Họ và tên:

2. Nơi công tác: tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại, Fax, E-mail

3. Lĩnh vực chuyên môn: chỉ ghi tối đa hai (02) lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm nhất và liên quan đến việc thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn

4. Chức danh trong hội đồng thẩm định:

5. Quyết định số....ngày ... tháng ... năm ... của ............................. về thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước ...

6. Tên dự án:

7. Ý kiến thẩm định về báo cáo dự án

TT

Nội dung thẩm định

Kết quả thẩm định

Yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung

Đạt

Không đạt

1

Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn

 

 

 

2

Mức độ đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn

 

 

 

3

Vị trí địa lý, ranh giới, diện tích khu bảo tồn, các phân khu chức năng và vùng đệm của khu bảo tồn

 

 

 

4

Kế hoạch quản lý khu bảo tồn

 

 

 

5

Tổ chức quản lý khu bảo tồn

 

 

 

6

Ý kiến của các bên liên quan (chính quyền địa phương nơi thành lập khu bảo tồn, cộng đồng dân cư sinh sống trong, tiếp giáp hoặc có hoạt động tại khu vực thành lập khu bảo tồn...)

 

 

 

 

 

8. Kết quả thẩm định: lựa chọn bằng cách chỉ đánh dấu x (vào một ô vuông) theo 01 trong 03 mức dưới đây và ký tên vào bên cạnh ô vuông được lựa chọn:

- Đạt yêu cầu: o ....................

- Đạt yêu cầu với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung: o ....................

- Không đạt yêu cầu: o ....................

9. Kiến nghị:

....(3)..., ngày... tháng... năm...

NGƯỜI VIẾT PHIẾU THẨM ĐỊNH

(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan tổ chức thẩm định.

(2) Tên của khu bảo tồn đất ngập nước.

(3) Địa danh nơi họp.

 

 

 
 
 

Mẫu số 3.3

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

 

 

BIÊN BẢN HỌP HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH HỒ SƠ DỰ ÁN THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC...(1)...

 

Tên cuộc họp: Họp hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước...(1)...

Quyết định số....ngày ... tháng ... năm ... của ...(2)................................. về thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước ...(1)

Thời gian họp: ngày ... tháng ... năm ...

Địa chỉ nơi họp: ...

1. Thành phần tham dự phiên họp:

1.1. Hội đồng thẩm định

- Thành viên có mặt: (chỉ nêu số lượng thành viên hội đồng có mặt trên tổng số thành viên trong quyết định thành lập hội đồng, ví dụ: 7/9);

- Thành viên vắng mặt: (ghi số lượng kèm theo họ tên, chức danh trong hội đồng của các thành viên vắng mặt, lý do vắng mặt).

1.2. Cơ quan xây dựng dự án: (ghi rõ họ, tên, chức vụ tất cả các thành viên của cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ dự án tham dự họp).

1.3. Đại biểu tham dự (nếu có):

2. Nội dung và diễn biến phiên họp: (yêu cầu ghi theo trình tự diễn biến của phiên họp hội đồng, ghi đầy đủ, trung thực các câu hỏi, trả lời, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các bên tham gia phiên họp hội đồng thẩm định): dự kiến bao gồm các nội dung sau:

2.1. Cơ quan tổ chức hội đồng thẩm định thông báo lý do cuộc họp và giới thiệu thành phần tham dự; chủ tịch hội đồng điều hành phiên họp.

2.2. Chủ tịch hội đồng đề cử thư ký hội đồng và thống nhất ý kiến trong hội đồng.

2.3. Cơ quan xây dựng dự án trình bày nội dung dự án thành lập khu bảo tồn: (ghi những nội dung chính được trình bày, đặc biệt chú trọng vào các nội dung trình bày khác so với hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước).

2.4. Thảo luận, trao đổi giữa thành viên hội đồng với đơn vị xây dựng hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn về nội dung của hồ sơ: (ghi chi tiết và đầy đủ các nội dung trao đổi).

2.5. Ý kiến nhận xét về báo cáo của các thành viên hội đồng.

2.6. Ý kiến của các đại biểu tham dự (nếu có).

2.7. Ý kiến phản hồi của đơn vị xây dựng hồ sơ dự án và đại diện của địa phương nơi thành lập khu bảo tồn.

3. Kết luận của hội đồng

3.1. Chủ tịch hội đồng công bố kết luận của hội đồng thẩm định: (được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định, trong đó tóm tắt ngắn gọn những ưu điểm nổi trội, những nội dung đạt yêu cầu của hồ sơ, những nội dung của báo cáo, hồ sơ cân phải được chỉnh sửa, bổ sung).

3.2. Ý kiến khác của các thành viên hội đồng thẩm định (nếu có):

3.3. Ý kiến đại diện của địa phương nơi thành lập khu bảo tồn về kết luận của hội đồng:

3.4. Kết quả kiểm phiếu thẩm định:

- Số phiếu đạt yêu cầu:

- Số phiếu đạt yêu cầu với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung:

- Số phiếu không đạt yêu cầu:

3.5. Kết luận của hội đồng

- Đạt yêu cầu: o

- Không đạt yêu cầu: o

Các yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung (nếu có):.............

Chủ tịch hội đồng tuyên bố kết thúc phiên họp vào lúc... giờ... phút, ngày.... tháng ... năm....

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG

(Ký, ghi họ tên)

THƯ KÝ HỘI ĐỒNG

(Ký, ghi họ tên)

 
 
 

Ghi chú: Chủ tịch hội đồng và thư ký hội đồng ký phía dưới của từng trang biên bản (trừ trang cuối).

(1) Tên khu bảo tồn đất ngập nước

(2) Tên, chức danh và cơ quan người ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định

Phụ lục IV

MẪU ĐỀ CƯƠNG KẾ HOẠCH QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

(Ban hành kèm theo Thông tư số............... /2020/TT-BTNMTngày ... tháng ... năm 2020 của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường)

 

MỞ ĐẦU

PHẦN 1. THÔNG TIN CHUNG VỀ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

1. Thông tin khu bảo tồn đất ngập nước (nêu rõ tên, cấp quản lý, tọa độ địa lý và ranh giới của khu bảo tồn đất ngập nước).

2. Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; đa dạng sinh học, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.

PHẦN 2. MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH QUẢN LÝ

1. Mục tiêu, phạm vi quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn đất ngập nước

2. Các phân khu chức năng của khu bảo tồn đất ngập nước

3. Các mối đe dọa đến khu bảo tồn đất ngập nước

4. Hoạt động quản lý bảo vệ, phát triển bền vững vùng đất ngập nước

5. Các chương trình về bảo tồn, sử dụng bền vững và phục hồi đa dạng sinh học; kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn đất ngập nước

6. Các đề tài, dự án ưu tiên và khái toán kinh phí vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư xây dựng khu bảo tồn đất ngập nước; kinh phí thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học.

PHẦN 3. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giải pháp thực hiện (nêu rõ giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch quản lý)

2. Tổ chức thực hiện (nêu rõ cách thức tổ chức quản lý, cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch và trách nhiệm của các bên liên quan; lộ trình thực hiện kế hoạch; thời gian điều chỉnh kế hoạch).

3. Kế hoạch giám sát, đánh giá.

PHỤ LỤC (nếu có)

Phụ lục V

MẪU ĐỀ CƯƠNG QUY CHẾ QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

(Ban hành kèm theo Thông tư số................. /2020/TT-BTNMT ngày... tháng ... năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

 

CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Điều 2. Giải thích từ ngừ (nếu có)

Điều 3. Ranh giới khu bảo tồn đất ngập nước và phân khu chức năng (ranh giới khu bảo tồn đất ngập nước, các phân khu chức năng; vùng đệm khu bảo tồn đất ngập nước,

CHƯƠNG II. QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 4. Các hoạt động trong từng phân khu chức năng khu bảo tồn đất ngập nước (đảm bảo theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2020 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước)

Điều 5. Các hoạt động trong vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước (đảm bảo theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2020 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước).

CHƯƠNG III. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ KHU BẢO TỒN ĐẤT NGẬP NƯỚC

Điều 6. Tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước

Điều 7. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành

Điều 8. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có ranh giới hoặc diện tích nằm trong khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước

Điều 9. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các hoạt động của khu bảo tồn đất ngập nước.

CHƯƠNG IV. NGUỒN LỰC VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY CHẾ

Điều 10. Nguồn lực thực hiện

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Điều 12. Hiệu lực thi hành.

Phụ lục VI

MẪU ĐỀ CƯƠNG QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC QUAN TRỌNG NẰM NGOÀI KHU BẢO TỒN

(Ban hành kèm theo Thông tư số............... /2020/TT-BTNMT ngày ... tháng ... năm 2020 của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường)

 

CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, phối hợp bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng

1. Nguyên tắc bảo tồn và sử dụng bền vững

2. Nguyên tắc phối hợp

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Điều 4. Ranh giới và diện tích vùng đất ngập nước quan trọng

Điều 5. Các mối đe doạ đến vùng đất ngập nước

Điều 6. Yêu cầu đối với các hoạt động trong vùng đất nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn (đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2020 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước).

CHƯƠNG II. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP QUẢN LÝ

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hoạt động trên vùng đất ngập nước

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp có địa bàn quản lý nằm trong hoặc giáp ranh với vùng đất ngập nước quan trọng

Điều 10. Trách nhiệm của các bên có liên quan đến vùng đất ngập nước quan trọng (các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, ...).

CHƯƠNG III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Nguồn lực tổ chức thực hiện

Điều 12. Tổ chức thi hành

1. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh về bảo vệ môi trường trong việc tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đánh giá và báo cáo

2. Trách nhiệm thi hành của các cơ quan khác (nếu có).

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất