Chỉ thị 08/CT-BCT 2019 về tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Chỉ thị 08/CT-BCT
Cơ quan ban hành: | Bộ Công Thương |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 08/CT-BCT |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Người ký: | Trần Tuấn Anh |
Ngày ban hành: | 15/07/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, Tài nguyên-Môi trường |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 15/7/2019, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Công Thương triển khai các nội dung sau:
Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương có trách nhiệm phổ biển thông tin, vận động cán bộ, công chức, người lao động hưởng ứng phong trào “ Chống rác thải nhựa”, hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; Vụ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, Vụ Thị trường trong nước có nhiệm vụ đánh giá hiện trạng sử dụng túi nilon khó phân hủy tại các chợ, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”; Văn phòng Bộ phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện “ Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…
Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp theo dõi, đôn đốc, định kỳ hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ.
Xem chi tiết Chỉ thị08/CT-BCT tại đây
tải Chỉ thị 08/CT-BCT
BỘ CÔNG THƯƠNG ----------------- Số: 08/CT-BCT | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2019 |
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành Công Thương
--------------
Chất thải nhựa đã và tiếp tục là vấn đề môi trường nóng, có tính toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng từ 30 đến 40 kg nhựa/năm, đồng thời là một trong bốn quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng ở Việt Nam dẫn đến lượng thải bỏ tăng dần theo từng năm trong khi tỷ lệ chất thải bao bì và túi nilon không được tái sử dụng, phải chôn lấp chiếm khoảng từ 5 - 8%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tấn/năm.
Lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành Công Thương có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, trong khi các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Để tránh các tác hại của chất thải nhựa, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu việc phát thải chất thải nhựa từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng. Tuy nhiên, chất thải nhựa vẫn đang là thách thức rất lớn, cần tiếp tục có những hành động hết sức tích cực trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư.
Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư ngỏ tới các cơ quan, đơn vị có liên quan và đồng chí, đồng bào cả nước đề nghị thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề chất thải nhựa.
Ngày 09 tháng 6 năm 2019, trong Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu “phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Công Thương triển khai các nội dung sau:
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp ngành Công Thương
- Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; có hành động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
- Nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải trong đơn vị.
2. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quy định về quản lý chất thải rắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Công Thương, thống nhất và tăng cường quản lý nhà nước về xả thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường theo cam kết của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu về giải quyết rác thải nhựa.
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa tại các doanh nghiệp ngành Công Thương, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường.
- Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
3. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững
- Rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung, nhiệm vụ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong các hoạt động của ngành Công Thương trong các Chương trình, Đề án đang triển khai thực hiện do Bộ chủ trì về phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn.
- Nghiên cứu, xây dựng các nội dung ưu tiên về quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Vụ Khoa học và Công nghệ
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao các công nghệ sản xuất sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường, tự phân hủy thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy.
- Đánh giá, đề xuất triển khai, nghiên cứu ứng dụng các mô hình, công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, bền vững.
5. Vụ Thị trường trong nước
- Đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong các Chương trình đang triển khai thực hiện.
6. Cục Công nghiệp
- Xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa (chủng loại sản phẩm, năng lực, công nghệ sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy); đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng phát triển bền vững.
7. Văn phòng Bộ
- Xây dựng quy chế về hạn chế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động tại cơ quan, nơi làm việc, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.
- Phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp từng bước xây dựng và hướng dẫn triển khai mô hình Văn phòng xanh cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, tập trung vào việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng các chất thải phát sinh trong hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ.
- Phát động phong trào mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.
8. Các đơn vị báo chí, truyền hình trực thuộc Bộ
- Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon sử dụng một lần nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa, nilon không thân thiện môi trường;
- Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp ngành Công Thương thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
9. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đoàn thể tại địa bàn) thực hiện các giải pháp và hoạt động nhằm thúc đẩy giảm phát thải chất thải nhựa tại địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích phân loại rác tại nguồn để phục vụ thu gom và xử lý theo quy định.
- Nghiên cứu xây dựng, phát động phong trào chống chất thải rắn, chất thải nhựa trong ngành công thương tại địa phương, vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ký cam kết tuyên bố hành động chống rác thải nhựa.
10. Tổ chức thực hiện
Giao Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này.
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời báo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục (nếu có) về Bộ Công Thương qua Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp để kịp tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ./.
Nơi nhận: - Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c); - Văn phòng Chính phủ; - Các Bộ: TNMT, KHCN (để phối hợp); - Lãnh đạo Bộ; - Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các Vụ: KHCN; TNNL&PTBV; TTTN; VP - Tổng cục QLTT, Cục: ATMT, CN; - Doanh nghiệp thuộc Bộ; - Các đơn vị truyền thông thuộc Bộ; - Lưu: VT, KHCN (02)
| BỘ TRƯỞNG
Trần Tuấn Anh |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây