Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020

thuộc tính Quyết định 538/QĐ-TTg

Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:538/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:29/03/2013
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách, Bảo hiểm

TÓM TẮT VĂN BẢN

Đến năm 2015, hơn 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Ngày 29/03/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toán dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020.
Theo đó, Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 tỷ lệ này đạt trên 80%. Riêng những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đạt và vượt chỉ tiêu nay ngay từ năm 2012 thì tiếp tục duy trì và mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tùy thuộc điều kiện từng địa phương. Bên cạnh đó, từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020…
Để đạt được mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng đề ra là hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng khi tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể, hỗ trợ 100% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo trong cả nước; nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên lên tối thiếu 50% mức đóng…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định538/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------------

Số: 538/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2013

 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN LỘ TRÌNH TIẾN TỚI BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN

GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 VÀ 2020

--------------------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020 với các nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung:

Mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

b) Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế.

c) Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm cân đối thu - chi quỹ bảo hiểm y tế, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020.

3. Chỉ tiêu bao phủ của các địa phương

Trên cơ sở mục tiêu của Đề án, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định chỉ tiêu cụ thể từng năm, tổ chức thực hiện để đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 70% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020. Đối với các tỉnh, thành phố đã đạt và vượt chỉ tiêu này ngay từ năm 2012 thì tiếp tục duy trì và mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Các giải pháp của Đề án này thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015. Sau năm 2015, mục tiêu và các giải pháp sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tổng kết quá trình triển khai Đề án giai đoạn 2012 - 2015 và thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

1. Xây dựng và hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế

- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế trình Quốc hội năm 2014.

- Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, dược, trang thiết bị y tế, y tế dự phòng và viện phí, tự chủ tài chính, nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, xã hội hóa trong y tế; đồng thời với thúc đẩy xây dựng và triển khai các chương trình y tế, các đề án về giảm quá tải bệnh viện, đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đề án bác sĩ gia đình...

2. Cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của hệ thống chính trị

Thực hiện lộ trình bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân trong chính sách “bảo đảm an sinh xã hội” là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham gia bảo hiểm y tế là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân, đồng thời là trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, các đoàn thể phải xác định rõ nhiệm vụ và chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế.

Các cơ quan tham mưu của Đảng xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; đồng thời phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và đôn đốc cấp ủy Đảng triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo hiểm y tế.

Các cơ quan tham mưu của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm y tế, đánh giá kết quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, bộ, ngành và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Hàng năm, Hội đồng nhân dân các cấp cần xây dựng Nghị quyết về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại các địa phương, đưa chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế thành chỉ tiêu bắt buộc về kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, thực hiện nghiêm túc tiêu chí phát triển bảo hiểm y tế trong chương trình phát triển nông thôn mới; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật bảo hiểm y tế.

Các đoàn thể, các tổ chức xã hội theo chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, của mỗi cá nhân để hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo hiểm y tế.

3. Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

Đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế chính, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của bảo hiểm y tế, tổ chức các đại lý bảo hiểm y tế bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về bảo hiểm y tế và thuận lợi cho việc tham gia bảo hiểm y tế với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng như sau:

a) Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp

- Thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

- Xây dựng cơ chế thu đóng bảo hiểm y tế về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, củng cố cơ sở y tế trong các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

b) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo

- Quy định các thành viên phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

- Trình Chính phủ hỗ trợ 100% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo nhất trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ; người thuộc hộ gia đình đã thoát nghèo 5 năm đầu.

c) Học sinh, sinh viên

- Xác định trách nhiệm của nhà trường trong phối hợp thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế, quyền lợi về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; công tác chăm sóc sức khỏe học đường.

- Nghiên cứu việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế.

- Phát triển và nâng cao chất lượng y tế trường học: Xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn và nội dung công tác y tế trường học, chính sách về sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các nhà trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Bảo đảm tại phòng y tế các trường học có ít nhất 01 biên chế trình độ từ trung cấp y tế trở lên, sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các nhà trường đúng quy định, không sử dụng quỹ để trả lương cho cán bộ y tế.

- Xây dựng chương trình và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế trường học, cung cấp nguồn nhân lực cho các trường tuyển đủ cán bộ chuyên trách y tế trường học.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm các trường học đều có phòng y tế theo quy định, hoạt động hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên.

- Xây dựng kế hoạch phát triển bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường.

d) Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình

- Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế để người dân hiểu về quyền và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan liên quan trong tổ chức, hướng dẫn vận động tham gia bảo hiểm y tế.

- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chí quy định hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình hàng năm.

- Tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, áp dụng với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình và thực hiện giảm mức đóng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, Xây dựng cơ chế phối hợp và kế hoạch cụ thể và chỉ tiêu hàng năm về vận động các hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

đ) Nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế

- Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, quyền và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, quyền lợi về khám chữa bệnh, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế; vận động tham gia bảo hiểm y tế, hướng dẫn đăng ký tham gia bảo hiểm y tế.

- Hướng dẫn cách thức đăng ký tham gia bảo hiểm y tế và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan trong tổ chức thực hiện.

- Nghiên cứu đề xuất có cơ chế hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người lao động khu vực phi chính thức và cơ chế tham gia theo hình thức hộ gia đình.

e) Nhóm trẻ em dưới 6 tuổi

- Tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, quyền được cấp thẻ bảo hiểm y tế và quyền lợi về khám chữa bệnh của trẻ em dưới 6 tuổi, hướng dẫn cha mẹ, người giám hộ đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Điều chỉnh, bổ sung văn bản hướng dẫn lập danh sách, bàn giao danh sách trẻ dưới 6 tuổi giữa Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội.

4. Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế (Bộ Y tế xây dựng các đề án riêng theo từng lĩnh vực)

a) Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc triển khai chính sách bảo hiểm y tế phải thực hiện từng bước và đồng bộ với việc củng cố, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế ở cả hệ thống cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân:

- Chỉ đạo việc tổ chức khám chữa bệnh, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện làm cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Tăng cường chăm sóc toàn diện người bệnh. Nâng cao chất lượng điều trị, giảm số ngày điều trị một cách hợp lý.

- Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám chữa bệnh. Mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám chữa bệnh (bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình). Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Nghiên cứu xây dựng gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, sự ổn định của quỹ bảo hiểm y tế, hệ thống cung ứng dịch vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

- Xây dựng, bổ sung các chính sách cung cấp thuốc cho người bệnh bảo hiểm y tế theo hướng đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; xây dựng các cơ chế kiểm soát giá thuốc thanh toán bảo hiểm y tế.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình bác sỹ gia đình. Xây dựng cơ sở pháp lý thực hiện khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin (telemedicine).

b) Đầu tư trang thiết bị, xây dựng, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng

- Mạng lưới khám chữa bệnh

+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới khám chữa bệnh cả nước và từng địa phương; quy hoạch phát triển mạng lưới của các chuyên khoa để hoàn chỉnh mạng lưới bệnh viện, đảm bảo cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các chuyên khoa vào năm 2020.

+ Phát triển mạng lưới y tế dự phòng với sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ, ngành để giải quyết những vấn đề sức khỏe cấp bách của cộng đồng, sự gia tăng của các bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường..., các yếu tố nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe như thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường... nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, giảm chi phí khám chữa bệnh.

- Các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố lớn

+ Tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện; tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác y tế, đa dạng các hình thức tổ chức khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu và chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cao của nhân dân.

+ Nâng cấp, mở rộng và xây mới để tăng nhanh số giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và hai thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

- Hệ thống bệnh viện vệ tinh

+ Hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thuộc 5 nhóm chuyên khoa: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng giường bệnh cho các bệnh viện nhận làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện thuộc nhóm chuyên khoa trên.

+ Hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến tỉnh tại tuyến huyện. Nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các bệnh viện vệ tinh, từng bước giảm người bệnh chuyển lên tuyến trên.

- Tăng cường năng lực các tuyến khám chữa bệnh

Tăng cường trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cho các trạm y tế xã gắn với Chương trình nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 4 năm 2008 và Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện qua nguồn trái phiếu Chính phủ.

c) Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới

- Xây dựng và ban hành các quy định về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh, thuận lợi trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện để phát triển kỹ thuật ở tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, thực hiện hình thức chuyển giao kỹ thuật trọn gói từ tuyến trên cho tuyến dưới thông qua việc cử cán bộ tuyến trên xuống đào tạo cho tuyến dưới hoặc cán bộ tuyến dưới lên học ở tuyến trên hoặc gián tiếp thông qua hệ thống công nghệ thông tin để tăng cường năng lực cho tuyến dưới, hạn chế chuyển người bệnh lên tuyến trên.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình: Xây dựng Đề án phát triển mô hình bác sỹ gia đình, đưa mô hình bác sỹ gia đình lồng ghép với mạng lưới cơ sở y tế sẵn có để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho cá nhân, gia đình. Trước mắt thực hiện thí điểm hệ thống bác sỹ gia đình tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc trung ương khác.

- Nâng cao năng lực của trạm y tế xã

+ Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn và cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo đảm 100% số trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào năm 2015;

+ Tăng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, bảo đảm đến năm 2015 đạt 100% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc;

+ Đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Trạm y tế xã về quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm; có cơ chế khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại trạm y tế xã.

- Xây dựng cơ chế phù hợp để các cơ sở y tế tư nhân, bao gồm cả các phòng khám tư nhân có đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

d) Đảm bảo nguồn nhân lực

- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực cho y tế tuyến cơ sở, ưu tiên cho các bệnh viện vệ tinh, tuyến huyện, trạm y tế xã;

- Xây dựng chính sách quy định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ xã hội của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

5. Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu

- Phòng chống các bệnh truyền nhiễm: Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tiêm chủng, các giải pháp cộng đồng và cá nhân trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”.

- Phòng chống các bệnh không lây nhiễm: Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống một số bệnh không lây nhiễm, tập trung vào các hoạt động truyền thông, giáo dục thực hành thói quen, lối sống có lợi cho sức khỏe, tăng cường rèn luyện thể lực, cùng với các biện pháp chuyên môn y tế để quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

- Phòng chống suy dinh dưỡng: Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống suy dinh dưỡng và phòng ngừa tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em.

- Tiếp tục kiện toàn, củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường đầu tư ngân sách cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thực hiện “Mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em”.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế, như xây dựng Đề án riêng về công tác truyền thông, tuyên truyền.

- Hình thức, nội dung tuyên truyền

+ Đổi mới nội dung và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm y tế và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế.

+ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong nhân dân về chính sách bảo hiểm y tế, làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế trên các phương diện: Vai trò của bảo hiểm y tế trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; lợi ích của bảo hiểm y tế đối với mỗi người dân và với toàn xã hội; cách thức tham gia bảo hiểm y tế thông qua các đại lý bảo hiểm y tế, người hoặc tổ chức đại diện, hoặc tại cơ quan Bảo hiểm xã hội; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hợp lý; tiếp cận cơ sở y tế theo tuyến chuyên môn kỹ thuật.

- Công tác truyền thông, tuyên truyền cần được tiến hành với tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả các cấp chính quyền, đoàn thể, trường học, các chi bộ, đảng viên... và thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm các đối tượng của truyền thông tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách bảo hiểm y tế và cách thức tham gia.

- Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm dự toán kinh phí tuyên truyền hàng năm từ quỹ quản lý chuyển cho các địa phương nhằm thực hiện công tác tuyên truyền. Ngoài kinh phí Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự trù hàng năm, các địa phương chủ động hỗ trợ, bổ sung kinh phí tăng cường cho các hoạt động tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế tại các địa phương. Đồng thời khuyến khích việc huy động các nguồn lực xã hội theo hướng xã hội hóa hoạt động tuyên truyền bảo hiểm y tế.

7. Đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (Bộ Y tế có đề án riêng)

- Cơ cấu lại ngân sách y tế theo hướng Nhà nước bảo đảm phần ngân sách cơ bản, tối thiểu như kinh phí cho nghiên cứu khoa học, y tế dự phòng, một phần kinh phí xây dựng cơ bản, các chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ của bệnh viện sẽ được bảo đảm từ nguồn thu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

- Tiếp tục tiến trình thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp ngân sách nhà nước gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thực hiện chuyển hình thức cấp ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp cho đối tượng thụ hưởng thông qua hình thức bảo hiểm y tế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn

- Bảo đảm nguồn ngân sách nhà nuớc mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội khác và hỗ trợ mức đóng cho một số đối tượng như: Cận nghèo, học sinh sinh viên... Nghiên cứu, đề xuất tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí hàng năm đối với các địa phương vận động được nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.

- Sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành chi phí của dịch vụ.

- Đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh: Thay dần phương thức thanh toán theo phí dịch vụ bằng phương thức thanh toán theo định suất hoặc theo trường hợp bệnh. Đẩy nhanh việc xây dựng và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phương thức thanh toán theo ca bệnh, nhóm chẩn đoán, định suất.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích về tài chính hoặc mức hưởng bảo hiểm y tế (như giảm mức cùng chi trả đối với người nhiều năm liên tục không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh) để người có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường ý thức rèn luyện giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hợp lý.

- Nghiên cứu xây dựng gói quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời với việc đảm bảo cân đối quỹ và sự bền vững của chính sách bảo hiểm y tế.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

- Bộ Y tế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước.

- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt theo Nghị định số 92/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.

9. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế

a) Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý, tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và chất lượng phù hợp với điều kiện của Việt Nam về chính trị, kinh tế, xã hội.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, thành lập Phòng bảo hiểm y tế tại các Sở Y tế; củng cố, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện bảo hiểm y tế từ trung ương đến địa phương; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm y tế.

b) Công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

- Nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tăng cường hiệu quả, chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

- Nghiên cứu, đề xuất thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế, đảm bảo tính khách quan, công bằng và hiệu quả (về kiểm soát chi phí, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, quyền lợi của các bên liên quan).

- Đề xuất cán bộ chuyên trách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp xã, tổ chức các đại lý bảo hiểm y tế nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: Tiếp tục ký hợp đồng đại lý thu với Hiệu trưởng các trường học để làm nhiệm vụ đại lý thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên của trường; phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện việc vận động tuyên truyền và thu bảo hiểm y tế đối với những người tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế.

- Tiếp tục hỗ trợ chi phí phát hành thẻ bảo hiểm y tế đến tay đối tượng thụ hưởng đối với những đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng bảo hiểm y tế. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Đề xuất các giải pháp tăng khả năng tiếp cận của người dân với chính sách bảo hiểm y tế.

10. Cân đối và bảo toàn Quỹ bảo hiểm y tế

- Từng bước tăng mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với khả năng đóng góp của người dân, của ngân sách nhà nước trên cơ sở quy định của Luật bảo hiểm y tế để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm y tế.

- Sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để quỹ bảo hiểm y tế phát triển ổn định, bền vững theo hướng điều tiết nguồn quỹ bảo hiểm y tế kết dư theo tỷ lệ hợp lý, đảm bảo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

- Tăng cường công tác giám định bảo hiểm y tế cả về số lượng và chất lượng; đổi mới phương pháp giám định theo hướng giám định tập trung và mở rộng thực hiện giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo tỷ lệ; tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong giám định bảo hiểm y tế.

11. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý

Xây dựng hệ thống thông tin y tế đồng bộ và phù hợp. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; nâng cấp hệ thống phần mềm thông tin quản lý thu, chi, giám định bảo hiểm y tế, thống kê, báo cáo công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giảm thủ tục hành chính. Các giải pháp cụ thể gồm:

- Từ 2013, nghiên cứu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế dưới dạng thẻ thông minh hoặc thẻ bảo hiểm y tế có ảnh cho một số đối tượng ít thay đổi (như công chức, người nghỉ hưu, người dân tộc thiểu số,...) (Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng đề án riêng). Mã hóa các dịch vụ kỹ thuật, thuốc nhằm quản lý thống nhất và cung cấp cơ sở dữ liệu để xây dựng chính sách.

- Xây dựng phần mềm mã nguồn mở để áp dụng chung cho cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ thông tin giữa ngành bảo hiểm xã hội và y tế.

12. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

- Nghiên cứu đánh giá về tác động của bảo hiểm y tế với tài chính y tế, hiểu biết và tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, sự hài lòng của người bệnh bảo hiểm y tế, phân tích chi phí - hiệu quả các dịch vụ y tế, phục vụ cho xây dựng chính sách và cải thiện cách thức tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về: Các phương thức thanh toán, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, các loại hình bảo hiểm y tế khác, mô hình tổ chức hệ thống quản lý và thực hiện bảo hiểm y tế.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020” có tác động đến công tác chăm sóc sức khỏe của toàn dân, cơ chế tài chính y tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cần thiết phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong định hướng, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và có sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội.

1. Thành lập Ban Chỉ đạo ở Trung ương

- Bộ trưởng Bộ Y tế: Trưởng ban.

- Thứ trưởng Bộ Y tế: Phó Trưởng ban thường trực.

- Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Phó Trưởng ban.

- Các ủy viên, bao gồm: Lãnh đạo các Bộ, ngành như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông; các thành viên khác thuộc các tổ chức, đoàn thể xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam và các thành phần khác do Trưởng ban đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định khi cần thiết.

2. Thành lập Ban Chỉ đạo ở địa phương

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các cấp, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và các nội dung của đề án này, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là Trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố là Phó ban, các thành viên là đại diện các Sở, Ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể liên quan tại địa phương. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các Bộ, Ban, ngành có liên quan có trách nhiệm tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 ở Trung ương và hướng dẫn, chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình hoạt động cho Ban Chỉ đạo ở Trung ương và hướng dẫn tổ chức, hoạt động Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh.

Các Bộ, ngành, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

Các Bộ, ngành, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện Đề án.

a) Bộ Y tế

- Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các giải pháp của Đề án theo từng giai đoạn; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa chỉ tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào hệ thống chỉ tiêu, kế hoạch quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chỉ tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của địa phương trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế (Luật, Nghị định, Thông tư...); ban hành danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nghiên cứu, đề xuất thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế độc lập, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động giám định bảo hiểm y tế.

- Tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và các giải pháp về dự phòng, nâng cao sức khỏe.

- Triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ “Về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập”; sửa đổi, bổ sung giá thu một phần viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ; đổi mới, áp dụng phương pháp thanh toán chi trả phù hợp.

- Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ chế cấp ngân sách nhà nước gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, để thực hiện chuyển hình thức cấp ngân sách của nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang cấp cho đối tượng thụ hưởng thông qua hình thức bảo hiểm y tế, phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn phát triển.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng. Nghiên cứu, đề xuất tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí y tế hàng năm, bao gồm cả hỗ trợ cho tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đối với các địa phương vận động được nhiều người tham gia bảo hiểm y tế.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

- Xây dựng các đề án về giảm quá tải bệnh viện, đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình....

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế đối với tất cả các nhóm đối tượng, trên phạm vi toàn quốc.

b) Bảo hiểm xã hội Việt Nam

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế cụ thể của từng nhóm đối tượng. Theo dõi và thúc đẩy việc thực hiện các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế của từng địa phương. Trước mắt năm 2013, tập trung thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tại các địa phương có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp dưới 50% dân số.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế đối với tất cả các nhóm đối tượng, trên phạm vi toàn quốc.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính: Tổ chức đại lý thu - phát hành thẻ bảo hiểm y tế có tính chuyên nghiệp, thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, phù hợp điều kiện từng vùng; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác phát hành thẻ, thu phí, đăng ký khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ bảo hiểm y tế, đảm bảo thuận lợi, giảm phiền hà cho người tham gia bảo hiểm y tế.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp liên quan đến bảo hiểm y tế đối với các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng: Cận nghèo, học sinh sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp...

- Xây dựng kế hoạch củng cố tổ chức, bộ máy, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phục vụ.

- Xây dựng các đề án về: Tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế.

c) Bộ Tài chính

- Phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế hiện hành.

- Bố trí nguồn vốn đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí đóng bảo hiểm y tế và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp liên quan đến cơ chế thu, đóng bảo hiểm y tế; hỗ trợ mức đóng; kinh phí phát hành thẻ của các nhóm đối tượng.

- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành tiêu chí quy định hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình hàng năm.

- Đề xuất các giải pháp cụ thể về chính sách, cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện việc xác định đối tượng, lập danh sách, quản lý đối tượng (người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, trẻ em dưới 6 tuổi....), cơ chế thu, đóng bảo hiểm y tế, phát hành thẻ bảo hiểm y tế đối với các nhóm đối tượng.

đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp về phát triển, nâng cao chất lượng công tác y tế trường học và xây dựng tiêu chí kế hoạch phát triển bảo hiểm y tế tại mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến mở rộng bảo hiểm y tế đối với học sinh sinh viên theo quy định.

- Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong toàn quốc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật bảo hiểm y tế; đưa chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% là một tiêu chuẩn để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với các bậc học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và là một trong các tiêu chí thi đua đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường.

e) Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, đảm bảo công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, chất lượng tốt, đạt hiệu quả cao.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với các nhóm đối tượng theo quy định.

- Xây dựng cơ chế thực hiện tuyên truyền miễn phí đối với chính sách bảo hiểm y tế.

g) Bộ Nội vụ

Chủ trì và phối hợp các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế phù hợp, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao, phù hợp với mức độ mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế.

h) Bộ Quốc phòng

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Đề án. Xây dựng chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân quản lý theo lộ trình và bước đi thích hợp, phù hợp với đặc thù hoạt động của lực lượng vũ trang.

i) Bộ Công an

Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Đề án. Xây dựng chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc Công an nhân dân quản lý theo lộ trình và bước đi thích hợp, phù hợp với đặc thù hoạt động.

k) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án; xây dựng các Dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo hiểm y tế theo Đề án này, thẩm định các Dự án theo quy định.

- Thống nhất với Bộ Y tế đưa chỉ tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào hệ thống chỉ tiêu, kế hoạch quốc gia.

l) Thanh tra Chính phủ

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao: Tổ chức thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và thanh tra vụ việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

m) Kiểm toán

Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quy định tại Điều 10 Luật bảo hiểm y tế.

2. Trách nhiệm của các địa phương

a) Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Hàng năm xây dựng Nghị quyết về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại địa phương, coi đây là chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế và việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân của các cấp, các ngành trong địa phương.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế hàng năm tại địa phương. Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương để đạt mục tiêu đề ra. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.

- Đưa mục tiêu, kế hoạch, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là một chỉ tiêu trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và ngắn hạn của địa phương, triển khai thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trong chương trình nông thôn mới.

- Chủ trì thực hiện các giải pháp về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tập trung vào các nhiệm vụ: Rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ và hỗ trợ một phần mức đóng bảo hiểm y tế; lập danh sách thành viên hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình và xây dựng cơ chế phối hợp, kế hoạch và chỉ tiêu hàng năm trong vận động nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế.

- Đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chính sách tham gia bảo hiểm y tế theo quy định; đồng thời có trách nhiệm trong chỉ đạo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế tại địa phương.

- Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế tại địa phương, các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể:

a) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

- Phối hợp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia bảo hiểm y tế.

- Huy động các nguồn lực hỗ trợ việc tham gia bảo hiểm y tế của nhân dân.

- Phối hợp giám sát, đánh giá triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và việc triển khai đề án.

b) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

- Phối hợp tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đối với người lao động, người sử dụng lao động.

- Vận động người sử dụng lao động, người lao động tuân thủ các quy định về bảo hiểm y tế.

- Tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tham gia bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp và đề xuất các cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế đối với người lao động.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

- Phối hợp tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế, vận động các hội viên Hội phụ nữ các cấp và gia đình họ tích cực tham gia bảo hiểm y tế.

- Tham mưu đề xuất tham gia xây dựng các chính sách liên quan tới bảo hiểm y tế đối với phụ nữ trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe, gắn với mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.

- Phối hợp giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và việc triển khai đề án.

d) Hội Nông dân Việt Nam:

- Tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên hội nông dân các cấp về chính sách bảo hiểm y tế, vận động người nông dân và gia đình họ tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng tới hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông dân có mức sống trung bình đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.

- Vận động các nguồn lực hỗ trợ cho hộ gia đình nông dân tham gia bảo hiểm y tế.

- Phối hợp giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:

- Tuyên truyền, giáo dục cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên về chính sách bảo hiểm y tế.

- Vận động các đoàn viên, thanh niên tham gia bảo hiểm y tế.

e) Tổng hội Y học Việt Nam:

- Tham gia các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

- Tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, vận động hội viên và gia đình hội viên tham gia bảo hiểm y tế.

g) Các tổ chức khác

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, vận động, huy động, hỗ trợ các gia đình, các cá nhân trong cộng đồng tham gia bảo hiểm y tế.

V. KINH PHÍ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ một phần mức đóng cho các nhóm đối tượng

- Giai đoạn từ 2012 - 2015, dự kiến tỷ lệ % ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế so với tổng thu quỹ bảo hiểm y tế khoảng từ 40,6 - 45,5%. Dự toán ngân sách nhà nước tăng thêm theo các năm như sau: Năm 2013, khoảng 4.817 tỷ đồng; năm 2014, khoảng 6.448 tỷ đồng và năm 2015, khoảng 8.034 tỷ đồng để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong điều kiện mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi.

- Giai đoạn từ 2016 - 2020, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bảo hiểm y tế.

2. Kinh phí để thực hiện Đề án

Kinh phí để thực hiện các nội dung Đề án được lấy từ nguồn ngân sách chi thường xuyên và các nguồn huy động hợp pháp khác cho các hoạt động chủ yếu sau: Tuyên truyền; quản lý, lập danh sách và phát hành thẻ bảo hiểm y tế tới các đối tượng; kiểm tra, giám sát; nghiên cứu, đánh giá; hội thảo, hội nghị, tập huấn; đào tạo, nâng cao năng lực.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ưong Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b). KN.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE PRIME MINISTER

Decision No. 538/QD-TTg dated March 29, 2013 of the Prime Minister approving the Scheme for the implementation of the roadmap to all-people health insurance for 2012-2015 period and with the vision to 2020

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the November 14, 2008 Law on Health Insurance;

At the proposal of the Minister of Health,

DECIDES:

Article 1.To approve the Scheme for the implementation of the roadmap to all-people health insurance for 2012-2015 period and with the vision to 2020, with the following principal contents:

I. THE SCHEME’S OBJECTIVES

1. General objectives

Expanding the health insurance coverage in terms of the percentage of the population participating in health insurance, the scope of health services the insured can benefit from and reduction of the ratio of out-of-pocket payments for health services; guaranteeing the benefits of the insured; proceeding to all-people health insurance, contributing to creating stable financial sources for the people’s health care toward fairness, efficiency, quality and sustainable development.

2. Specific objectives

a/ Raising the percentage of the population participating in health insurance: continuing to maintain 100% of the current insured groups and expanding health insurance to other groups so as to achieve the target that over 70% of the population will be covered by health insurance by 2015 and over 80% by 2020.

b/ Improving the quality of health insurance- covered medical care, ensuring the benefits of the insured in accordance with law and satisfying their needs for medical care.

c/ Gradually renewing the financial mechanism towards direct investment for health service beneficiaries through supporting their participation in health insurance and ensuring the revenue-expenditure balance of the health insurance Expense, striving to reduce households’ out-of-pocket health expenditures to below 40% by 2020.

3. Coverage targets of localities

Based on the Scheme’s objectives, the provinces and centrally-affiliated cities will identify their annual specific targets and organize the implementation so as to achieve the rate of over 70% of the local population covered by health insurance by 2015 and over 80% by 2020. For the provinces or cities which have attained these targets since 2012 should continue to maintain them and expand the health insurance coverage, depending on their local practical conditions.

II. MAJOR SOLUTIONS

The Scheme’s solutions are applied for the period 2012-2015. After 2015, its objectives and solutions will be adjusted on the basis of reviewing its implementation during 2012 - 2015 and the implementation of new provisions of the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Health Insurance.

1. Formulation and completion of health insurance policies

- Studying and revising the Health Insurance Law for submission to the National Assembly in 2014.

- Studying and revising legal documents on health insurance and other relevant legal documents, ensuring synchronous implementation of health insurance policies, including legal documents on health examination and treatment, pharmacy, medical equipment, preventive medicine and hospital charges, financial autonomy and personnel in public non-business health units, socialization of health care; simultaneously stepping up the formulation and implementation of health programs and the scheme to reduce hospital overload, the scheme on improvement of the quality of medical care and the scheme on family doctors, etc.

2. Strong political commitment and participation of the political system

The implementation of the all-people health insurance roadmap under the “social security” policy is a strategic mission in national socio-economic development. Participating in health insurance is the interest and responsibility of every citizen and concurrently the responsibility of the State and the entire society. Party committees and administrations at all levels, agencies, organizations and mass organizations will clearly define their tasks and resolutely direct the implementation of the law on health insurance.

The Party’s advisory organs will formulate and submit to the Political Bureau for promulgation of resolutions and directives of the Political Bureau on health insurance associated with the health insurance with the target of all-people health insurance; at the same time coordinating with the Ministry of Health and Vietnam Social Security in intensifying the inspection, evaluation and urge of Party committees in the implementation of the Party’s resolutions and directives on health insurance.

The National Assembly’s advisory organs will coordinate with the Ministry of Health and Vietnam Social Security in overseeing the implementation of the State’s policies and law on health insurance, assessing the results and effectiveness of implementation of health insurance policies and law and the implementation of the all-people health insurance roadmap.

The Government will promulgate documents directing local administrations at all levels, ministries and sectors to inspect and urge the implementation of health insurance policies, regarding this as a key task in the implementation of social security policies and law.

Annually, People’s Councils at all levels will formulate Resolutions on the implementation of health insurance policies at their localities, including health insurance targets into compulsory socio-economic targets of their localities.

People’s Committees of provinces and centrally-affiliated cities will include the all-people health insurance objectives and implementation plans in their socio-economic development programs, strictly observe the health insurance development criteria in the new-countryside development programs; direct provincial- level departments, committees and sectors and district- and commune-level People’s Committees to strictly and fully implement the Law on Health Insurance within the scope of their tasks and powers.

Mass organizations and social organizations will, depending on their functions and tasks, advocate and mobilize their members to participate in health insurance while intensifying the mobilization of resources of the society and every individual to support the community’s participation in health insurance.

3. Expansion of health insurance coverage

For groups of people with coverage rates of over 90%, to continue maintaining these coverage rates and apply solutions to raise the quality of medical care, to increase the access to health services while continuing to apply measures to disseminate health insurance policies and law.

For groups of people with low coverage rates, in addition to applying general solutions such as disseminating health insurance policies and law, to mobilize their participation, increase the attractiveness of health insurance and organize health insurance agents to provide health insurance information for people with health insurance needs and facilitate participation in health insurance with the following specific solutions suitable to each group of people:

a/ Group of laborers in enterprises

- Inspecting and examining the implementation of health insurance policies and law at state and private enterprises and severely handling violating enterprises;

- Developing mechanisms for health insurance premium collection and payment with payment schedules (cycle) and forms of collection suitable to enterprises’ operations and submitting them to the competent authorities for approval.

- Studying and proposing a mechanism for use of health insurance-covered medical care Expenses, consolidating health units within agencies and enterprises to meet the laborers’ health care needs at their workplaces.

b/ Members of near-poor households

- Prescribing that the members must participate in family-based health insurance.

- Proposing the Government to support 100% of premium for members of near-poor households living in disadvantaged and specially disadvantaged areas in the northern mountainous and Central Highlands provinces according to regulations of the Prime Minister; the people in near-poor households in the 62 poorest districts throughout the country as stipulated in the Government’s Resolution No. 30a, and in specially disadvantaged communes specified by the Prime Minister’s Decision No. 135/1998/QD-TTg of July 31, 1998; and members of families that have escaped from poverty in the first five years.

c/ Pupils and students

- Defining the schools’ responsibility to join in the implementation of the law on health insurance, the benefits in medical care and health care, sanctions against administrative violations related to health insurance and school healthcare.

- Studying the increase of the state budget support to at least 50% of health insurance premium for pupils and students.

- Developing and improving the quality of school healthcare: Formulating and supplement school healthcare standards and contents as well as policies on the use of health insurance- covered medical care Expenses and submit them to competent state agencies for decision. Ensuring that each school clinic is staffed with at least one health worker who possesses an intermediate or higher degree in medicine, and using their medical care Expenses at schools in accordance with regulations, not for paying salaries to health workers.

- Working out a program on training school health workers, and supply adequate human resources for schools to recruit full-time health workers.

- Further investing in physical facilities to ensure that schools have their own health clinics which operate with efficiency and quality, meeting the requirements of primary health care for pupils and students.

- Drawing up plans for development of health insurance for pupils and students, and regarding the health insurance coverage rate as a criterion for assessment of provincial-level Services of Education and Training and schools.

d/ Agricultural, forestry, fishery and salt- making households with average living standards

- Disseminating health insurance policies and law so that people can understand their right and responsibility to participate in health insurance, insurance premium levels and payment responsibility, the State’s support policies for their participation in health insurance, and responsibilities of the People’s Committees at all levels and related agencies in organizing, guiding and campaigning for participation in health insurance.

- Formulating and submitting to the Government for annual promulgation the criteria of agricultural, forestry, fishery of salt-making households with average living standards.

- Participating in household-based health insurance applicable to all household members, and reducing the premium level under the Law on Health Insurance. Developing the coordination mechanism, specific plans and annual targets on mobilization of households to participate in health insurance.

dd/ Group of voluntary health insurance participants

- Disseminating health insurance policies and law, the right and responsibility to participate in health insurance, premium levels and payment responsibility, health care benefits, sanctions against administrative violations related to health insurance; mobilizing the participation in health insurance and guiding the registration for health insurance participation.

- Guiding the procedures for registering health insurance participation and the mechanism of coordination among agencies and organizations concerned in organizing the implementation.

- Studying and proposing health insurance premium support levels for laborers in informal sectors and mechanisms for household-based participation.

e/ Group of under-six children

- Disseminating health insurance policies and law, the right to be issued with health insurance cards and benefits of under-six children in medical care, guiding parents or guardians in the registration of primary health care places for their under-six children.

- Revising and supplementing documents guiding the making of lists and handover of lists of under-six children between communal- level People’s Committees and Labor, War Invalids and Social Affairs and Social Insurance agencies.

4. Raising of the quality and satisfaction of the demand for health insurance-covered medical care (under separate schemes prepared by the Ministry of Health for each field)

a/ Raising the quality of health insurance- covered medical care

The health insurance policies must be implemented step by step and in synchronism with the consolidation and improvement of the quality of health insurance-insured medical care, the reform of administrative procedures, the raising of professional sense, attitude and ethics to ensure service quality and the satisfaction of health insurance card holders at both state and private health facilities:

- Directing the organization of medical care and inspecting, examining and monitoring the full assurance of the interests of health insurance card holders as prescribed by law.

- Enhancing the management of hospital quality, formulating a set of hospital quality standards for use as a basis for examination and assessment of the quality of health services. Intensifying comprehensive care for patients. Raising the treatment quality and reasonably reducing the number of treatment days.

- Reforming administrative procedures in medical care and in the payment of medical care expenses, facilitating medical care for patients. Expanding forms of outpatient treatment and deploying a number of new service models in medical care (satellite hospitals and family doctors). Applying information technology to the management of hospitals and management of health insurance-covered medical care.

- Studying and formulating a primary health care service package with the scope of benefits and health insurance levels suitable to socio­economic conditions, the stability of the health insurance Expense, the service-providing system and health care demand.

- Formulating and supplementing policies on supply of medicines for health insurance card holders toward satisfying their health care demand and ensuring reasonable and safe use of medicines and the payment capability of the health insurance Expense; formulating mechanisms for control of prices of health insurance-covered medicines.

- Working out policies to support satellite hospitals and technical transfer to lower-level hospitals. Building and applying the model of family doctor. Establishing legal grounds for telemedicine.

b/ Investment in equipment and infrastructure construction, improvement and expansion

- Health care networks

+ Reviewing, amending and supplementing the master plan for development of national and local health care networks; master plans for development of specialized departments for completing the hospital networks, ensuring the appropriate structure and hospital-bed ratio between technical levels and specialized departments by 2020.

+ Developing the preventive medicine network with the participation of different ministries and sectors in order to address the urgent community health issues, the increase of such non-contagious diseases as cancer, cardio-vascular diseases, diabetes, and of such health risks as shortage of clean water and environmental pollution with a view to lessening the burden of diseases and reducing health care costs.

- Central hospitals and hospitals in major cities

+ Continue investing in the expansion of health care networks, meeting the requirements on health care and quality of medical care, especially grassroots health facilities, through the implementation of the scheme on reduction of hospital overload; intensifying the socialization of health care activities, diversifying forms of medical care so as to meet people’s increasing demand for and the quality of health insurance-covered medical care.

+ Upgrading, expanding and building new facilities so as to quickly increase the number of hospital beds for seriously overloaded central hospitals and hospitals of Hanoi and Ho Chi Minh City.

- Satellite hospitals

+ Forming a network of satellite hospitals of a number of central hospitals and highest- level hospitals of Hanoi and Ho Chi Minh City specializing in oncology, cardiovascular, plastic surgery, obstetrics and pediatrics at provincial-level general and specialized hospitals. Investing, upgrading and increasing hospital beds for these satellite hospitals.

+ Forming a network of satellite hospitals of provincial-level hospitals at district-level hospitals. Raising the medical care capability of satellite hospitals, incrementally reducing the number of patients transferred to hospitals of higher levels.

- Building capacity for health care establishments of different levels

Increasing medical equipment and facilities for commune health stations under the program on building of the new countryside. Further implementing the Prime Minister’s Decision No. 47/2008/QD-TTg of April 2. 2008, and Decision No. 930/QD-TTg of June 30, 2009 on investment in the construction and upgrading of provincial- and district- level hospitals with capital raised through government bonds.

c/ Raising health service-providing capability at lower levels

- Formulating and promulgate regulations on division of professional and technical levels and transfer among these levels suitable to professional capabilities of health facilities, ensuring convenient payment of health insurance-covered medical care expenses; intensifying the training and retraining and equipment investment to facilitate technical development at lower levels so as to raise the quality of medical care at the grassroots level.

- Increasing the direction, training and technical transfer, implementing package technical transfer from higher levels to lower levels through appointing health workers from higher levels to train those of lower levels or sending health workers from lower levels to study at higher levels or studying indirectly through the information technology system in order to build capacity for lower levels, restricting the transfer of patients to higher levels.

- Building and developing a network of family doctors: Formulating a scheme on development of the family doctor model, integrating it in the existing network of health facilities to manage and provide comprehensive health care services for individuals and families. In the immediate future, to experiment the family doctor system in Hanoi, Ho Chi Minh City and other centrally-affiliated cities.

- Building capacity for communal health stations

+ Establishing professionally technical standards and build physical facilities and procure equipment to satisfy the primary health care needs of the insured, ensuring that 100% of commune health stations provide health insurance-covered medical care by 2015;

+ Increasing the percentage of communal health stations staffed with physicians, ensuring that by 2015 all communal health stations will be staffed with physicians;

+ Stepping up primary health care activities, adding the functions and tasks of managing and treating a number of non-contagious diseases to communal health stations; working out a mechanism to encourage the insured to register their primary health care at communal health stations.

- Working out appropriate mechanisms to enable eligible private health facilities, including private clinics, participating in health insurance-covered medical care.

d/ Ensuring human resources

- Formulating policies to attract health workers for grassroots-level health facilities, giving priority to satellite hospitals and district-level hospitals and communal health stations;

- Formulating policies on defining the responsibility of health practitioners to perform their social obligation.

5. Promotion of preventive medicine and primary health care

- Preventing and controlling contagious diseases: Properly implementing national target programs, vaccination programs and community solutions and personal measures to prevent contagious diseases, drawing up specific plans for implementation of the movement “Patriotic sanitation to improve people’s health”.

- Preventing and combating non-contagious diseases: Effectively implementing the national target program on prevention and combat of a number of non-contagious diseases, focusing on communication and education on practice of healthful habits and lifestyle and increased physical exercise in addition to taking professional health measures so as to properly manage non- contagious diseases at health facilities and in the community.

- Preventing and combating malnutrition: Fully performing the tasks in the national target program on malnutrition prevention and combat and prevention of overweight and obesity among children.

- Further consolidating the reproductive health care, mother and child health care networks; increasing budget investments for mountainous, deep-lying and remote provinces for improving mothers’ and children’s health and achieving the millennium goal on reduction of maternal and infant mortality rate.

6. Intensified dissemination of the health insurance law

- Vietnam Social Security acts as the key organ primarily responsible for organizing health insurance policy dissemination activities, including the formulation of a separate scheme on communications and dissemination.

- Forms and contents of dissemination

+ Renewing the contents and intensify the communication, dissemination, mobilization and education activities in various forms so as to raise the awareness of Party committees and administrations at all levels, agencies, organizations, mass organizations and every citizen about the significance and importance of health insurance and citizens’ obligation to participate in health insurance and implement health insurance policies. Enhancing the responsibility of Party committees and administrations at all levels for leading, directing and organizing the implementation of health insurance policies and the Law on Health Insurance.

+ Stepping up communication, dissemination and mobilization among the people on health insurance policies, raising their understanding about health insurance policies and law in different aspects: the role of health insurance in socio-economic development and social security assurance; benefits of health insurance for every citizen and the entire society; methods of health insurance participation via health insurance agents, representative individuals or organizations, or at social insurance offices; proper use of health insurance cards and access to health facilities according to professionally technical levels.

- Carrying out communication and dissemination activities for all groups of people, including also administrations at all levels, mass organizations, schools, Party cells, Party members..., in a regular and continuous manner in different appropriate forms, ensuring their full access to information on health insurance policies and methods of participation.

- Vietnam Social Security will estimate annual communication Expenses from the management Expense and transfer them to localities for communication activities. In addition to the annual Expenses estimated by Vietnam Social Security, localities will take the initiative in providing support and additional Expenses for health insurance policy dissemination activities in their localities, at the same time encourage the mobilization of social resources in line with the socialization policy for health insurance communication activities.

7. Innovation of the financial mechanism and methods of payment of health insurance- covered medical care expenses (under a separate scheme prepared by the Ministry of Health)

- Restructuring the health budget in the direction that the State ensures the basic and minimum budget such as Expenses for scientific research, preventive medicine, part of capital construction Expenses; expenses for the provision of services by hospitals will be covered with health insurance-covered medical care revenues.

- Continuing with the process of changing the state budget allocation mechanism in line with the health service price adjustment roadmap, shifting from the allocation of state budget to service-providing establishments to the allocation to beneficiaries via health insurance in conformity with the socio­economic conditions of each period.

- Ensuring the state budget sources for the purchase of health insurance for the poor, ethnic minority people in disadvantaged areas, under-six children and other social policy beneficiaries and the provision of premium support for a number of groups such as near-poor people, pupils, students, etc. Studying and proposing the increase of the percentage of annual Expense allocations for localities that have mobilized a large numbers of people to participate in health insurance.

- Adjusting and supplementing medical care service prices toward correct and full coverage of components of service costs.

- Innovating methods of payment of medical care expenses: Gradually replacing the method of service charge-based payment with the method of ration-based payment or case-based payment. Speeding up the development of the method of payment based on cases, diagnosis groups and ration and encouraging health facilities to apply it.

- Applying financial incentives or health insurance benefit levels (such as reduction of levels of joint payment for persons who do not use health insurance cards in health examinations and treatment for many consecutive years) so that health insurance card holders can enhance the sense of physical training, health preservation and disease prevention and reasonably use their health insurance cards.

- Studying the introduction of a package of health insurance benefits matching the contributed health insurance premiums, meeting the people’s demand for health care and improvement and concurrently ensuring the balance of the health insurance Expense and the sustainability of health insurance policies.

8. Increased inspection and examination

- The Ministry of Health will perform the function of specialized health insurance inspection; inspect, examine and handle violations and settle complaints and denunciations related to health insurance nationwide.

- Provincial-level People’s Committees will inspect, examine and handle violations and settle complaints and denunciations related to health insurance at their localities.

- Ministries and People’s Committees at different levels will strictly apply sanctioning measures under the Government’s Decree No. 92/ 2011/ND-CP of October 17, 2011, on sanctioning of administrative violations related to health insurance.

9. Building of capacity of state management and the system of health insurance organizations

a/ Health insurance-related state management

- Studying and building a model of effective, efficient and quality management and organization of the implementation of health insurance in conformity with Vietnam’s political, economic and social conditions.

- Enhancing the health insurance-related state management capacity, establishing health insurance Divisions in Services of Health; consolidating and enhancing the capacity of the health insurance machine from central to local levels; increasing the training to raise the professional qualifications, quality and skills for health insurance officers.

b/ Organization of implementation of health insurance policies

- Studying and innovating the organizational model and operational mechanism of the Management Council of Vietnam Social Security in order to raise the efficiency and quality suitable to practical conditions.

- Studying and proposing the establishment of a health insurance assessment agency to ensure objectiveness, fairness and efficiency (regarding the control of expenses, medical care quality, and benefits of related parties).

- Recommending full-time and communal-level social insurance and health insurance officers and organizing health insurance agents, aiming to develop health insurance participants: Continuing to sign the premium collection agency contracts with school principals for collection of pupils and students’ health insurance premiums; coordinating with communal-level People’s Committees in mobilizing voluntary participation in health insurance and collection of premiums.

- Further supporting the issuance of health insurance cards directly to the beneficiaries who have their health insurance premiums fully paid from the state budget. Enhancing the responsibility of social insurance agencies for the protection of the benefits of the insured. Proposing the solutions to increase people’s access to health insurance policy.

10. Balancing and preserving the health insurance Expenses

- Step by step increasing the health insurance premium levels suitable to the payment capability of the people and the state budget in pursuance to the Law on Health Insurance in order to ensure the balance of the health insurance Expenses.

- Amending the regulations on management and use of the health insurance Expense so that the health insurance Expense can develop in a stable and sustainable manner toward regulating the balance of the health insurance Expenses at a reasonable ratio, ensuring higher quality of medical care and higher responsibility of localities for the efficient management and use of the health insurance Expenses.

- Intensifying health insurance assessment activities in quantity and quality; innovating the methods of assessment toward concentrated assessment and expanded assessment of records on ratio-based payment of health insurance-covered medical care expenses; intensifying the application of information technology to health insurance assessment.

11. Application of information technology to management

Building a synchronous and appropriate health information system. Enhancing the application of information technology to management and administration work; upgrading the information software system for unified management of health insurance revenue and expenditure, assessment, statistics and report on health insurance-covered medical care nationwide, contributing to improving management quality and reducing administrative procedures. Specific solutions include:

- From 2013, studying the use of smart cards for health insurance or cards with photos for a number of stable card holders (civil servants, pensioners, ethnic minority people, etc.) (Vietnam Social Security will formulate a separate scheme). Codifying technical services and medicines for unified management and creation of a database for policymaking.

- Establishing open-source software for joint application by social insurance agencies and health facilities; building a database for common use and information sharing between the social insurance and health sectors.

12. Scientific research and international cooperation

- Studying and assess in the impacts of health insurance on health finance, health insurance understanding and voluntary participation, satisfaction of insured patients, analyzing health service expense-efficiency, serving the policymaking and improving the way of health insurance implementation.

- Stepping up scientific research, enhancing the international cooperation and summarizing the practical experiences in way of payment, family-based health insurance, and other forms of health insurance, organizational model of health insurance management and implementation system.

III. IMPLEMENTATION ORGANIZATION

The Scheme on implementation of the roadmap toward all-people health insurance for the period 2012-2015 and by 2020 affects the healthcare for all people, the sustainable health finance mechanism and social security maintenance and requires the participation of the entire political system in orientation, direction and organization of implementation and the support and response of the entire society.

1. Setting up the Central Steering Committee with the Minister of Health as its chairperson, a Deputy Minister of Health as its permanent vice chairperson and the General Director of Vietnam Social Insurance as a vice chairperson.

Its members include leaders of such ministries or sectors as Vietnam Social Security, the Ministry of Finance, the Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Education and Training, the Ministry of Home Affairs, the Ministry of Information and

Communications; other members from mass organizations (Vietnam Fatherland Front, Vietnam General Confederation of Labor, Vietnam Chamber of Commerce and Industry, Vietnam Women’s Union, Vietnam Farmers’ Association, Ho Chi Minh Communist Youth Union Central Committee, Vietnam Young Health Workers Society), and other members as proposed by the Committee chairperson to the Prime Minister for decision when necessary.

2. Establishing local steering committees

Based on the functions and tasks of the People’s Committees at different levels, on the current legal provisions and the contents of this Scheme, localities will each establish a steering committee with the chairperson of the provincial-level People’s Committee as its head, the director of the provincial-level Department of Health and the director of the provincial-level Social Insurance Agency as its deputy heads, and representatives of provincial-level Departments, committees, sectors, organizations and mass organizations in the locality as its members. The local steering committees are tasked to draw up plans for implementation of the Scheme in conformity with the local socio-economic conditions.

IV. RESPONSIBILITY ASSIGNMENTS

The Ministry of Health and Vietnam Social Security will coordinate with related ministries, committees and sectors in advising on the establishment of the Central Steering Committee for implementation of the roadmap toward all-people health insurance during 2012- 2015 and guide and direct the establishment of provincial-level steering committees; formulate plans, contents and programs of activities for the Central Steering Committee and guide the organization and operation of provincial-level steering committees.

The ministries, sectors and organizations concerned will coordinate with the Ministry of Health and Vietnam Social Security in organizing the implementation of the Scheme.

1. Responsibilities of ministries and sectors

The ministries, sectors and organizations concerned will coordinate with the Ministry of Health and Vietnam Social Security in organizing the implementation of the Scheme.

a/ The Ministry of Health will

- Formulate programs and specific plans for application of solutions of the Scheme in each period; direct, guide, urge, inspect, examine and evaluate the implementation of the Scheme.

- Coordinate with the Ministry of Planning and Investment in including the all-people health insurance targets into the system of national targets and plans for submission to the Prime Minister for approval; guide provincial-level People’s Committees to submit to the People’s Councils of the same level for approval local all-people health insurance targets in their local annual and five-year socio-economic development targets.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with Vietnam Social Security and ministries and sectors concerned in studying, formulating, amending and supplementing legal documents on health insurance (law, decrees, circulars, etc.); issue lists of medicines, medical supplies and technical services in health insurance-covered medical care; study and propose the establishment of an independent health insurance assessment agency to ensure objectiveness, transparency and efficiency in health insurance assessment activities.

- Organize the application of solutions to raise the quality of medical care meeting the demand for health insurance-covered health examination and treatment, and solutions to preventive medicine and health improvement.

- Deploy and guide the implementation of the Government’s Decree No. 85/2012/ND- CP of October 15, 2012, on the operational mechanism and financial mechanism for public non-business health units and health service charges of public health facilities; adjust and supplement partially collected hospital charges toward correct and full coverage of expenses; renew and apply appropriate payment methods.

- Continue with the change of the state budget allocation mechanism in association with the health service charge adjustment roadmap in order to shift from the allocation of state budgets to service providers to the allocation to beneficiaries via health insurance in conformity with the practical conditions of each development period.

- Formulate policies on health insurance premium support levels for a number of groups of people. To study and propose the increase of annual health Expenses, including the support for further expansion of health insurance to other groups of people for localities which have mobilized large numbers of people to participate in health insurance.

- Organize the inspection and examination of the implementation of health insurance policies.

- Formulate schemes on reduction of hospital overload, improvement of medical care quality, satellite hospitals, family doctors, etc.

- Coordinate with Vietnam Social Security in planning and carrying out health insurance policy and law dissemination to all groups of people nationwide.

b/ Vietnam Social Security will

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health in, planning the implementation of the Scheme, guide localities in planning and organizing the achievement of the specific targets of health insurance development for each group of people. Monitor and boost the achievement of health insurance coverage targets of each locality. Immediately in 2013, concentrate on the attainment of the target of increasing the rate of the insured in localities having such rate of under 50% of the local population.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in disseminating health insurance policies and law to all groups of people nationwide.

- Speed up the administrative reform: Organize professional agents for premium collection and health insurance card distribution convenient for the insured and suitable to local conditions; apply technical advances to card distribution, premium collection, medical care registration, health insurance-covered medical care expense payment and health insurance management, ensuring convenience and reducing troubles for the insured.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries and sectors in, applying solutions related to health insurance for various groups of people, especially groups of near-poor people, pupils and students, and laborers in enterprises.

- Draw up plans for consolidation of the organization apparatus and raising of professional qualifications and development of human resources to meet the service requirements.

- Formulate schemes on health insurance policy and law dissemination and on application of information technology to health insurance management.

c/ The Ministry of Finance will

- Coordinate with the Ministry of Health in studying and proposing amendments to legal documents related to current health insurance policies.

- Arrange Expenses to ensure adequate and timely payment and support of health insurance premiums for different groups of people.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health and related ministries and sectors in, applying solutions related to health insurance premium collection and payment mechanism; premium support levels; Expense for distribution of health insurance cards to different groups of people.

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with Vietnam Social Security and related ministries and sectors in, inspecting and examining the management and use of the health insurance Expense.

d/ The Ministry of Labor, Invalids and Social Affairs will

- Formulate and submit to the Government for annual promulgation the criteria on agricultural, forestry, fishery and salt-making households with average living standards.

- Propose specific policy and mechanism solutions, methods of identifying eligible people, list and manage these people (poor and near-poor people, agricultural, forestry, fishery and salt-making households with average living standards, under-six children, etc.), health insurance premium collection and payment mechanism, issuance of health insurance cards to members of various groups.

e/ The Ministry of Education and Training will

- Assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health, Vietnam Social Security and other ministries and sectors in applying solutions to develop and increase the quality of school health insurance and set targets for development of health insurance at every education and training institution, organize the application of solutions related to the expansion of health insurance to pupils and students as prescribed.

- Direct provincial-level Departments of Education and Training, institutes, universities, colleges and professional secondary schools throughout the country to strictly and fully implement the Law on Health Insurance; make the target of 100% participation in health insurance a standard for recognition as a national-standard school for primary, lower secondary and higher secondary education levels and as an emulation criterion of provincial-level Departments of Education and Training and schools.

f) The Ministry of Information and Communications will

- Direct press agencies and radio and television stations to formulate annual plans on health insurance policy and law dissemination, ensuring that the dissemination is carried out regularly with good quality and high effectiveness.

- Coordinate with Vietnam Social Security, the Ministry of Health and related ministries and sectors in, performing the communication and dissemination tasks in various forms and with contents suitable to different groups of people as prescribed.

- Formulate a mechanism for health insurance policy dissemination free of charge.

g/ The Ministry of Home Affairs will assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in, building a proper system of health insurance organizations which are professional, highly specialized and suitable to the extent of health insurance expansion.

h/ The Ministry of National Defense will assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health and related ministries and sectors in, implementing the Scheme; formulate policies and direct the implementation of health insurance policies toward people managed by the People’s Army according to a proper roadmap with steps suitable to the peculiar activities of the armed forces.

i/ The Ministry of Public Security will assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Health and related ministries and sectors in, implementing the Scheme; formulate policies and direct the implementation of health insurance policies toward people managed by the People’s Public Security according to a proper roadmap with steps suitable to its peculiar activities.

j/ The Ministry of Planning and Investment will

- Coordinate with the Ministry of Health, Vietnam Social Security and related ministries and sectors in, implementing the Scheme; formulate investment projects in the field of health insurance under this Scheme, appraise projects according to regulations.

- Reach an agreement with the Ministry of Health on the inclusion of the all-people health insurance criterion into the system of national criteria and plans.

k/ The Government Inspectorate will, based on its functions and assigned tasks, organize the inspection of the implementation of health insurance policies and law and inspect other matters assigned by the Prime Minister.

l/ The Audit Office will perform the audit tasks as prescribed in Article 10 of the Law on Health Insurance.

2. Responsibilities of localities

a/ Provincial-level People’s Councils will annually formulate resolutions on the implementation of health insurance policies in the localities, considering this a local socio­economic target; intensify the supervision of the implementation of health insurance policies and the implementation of all-people health insurance by authorities of all levels and sectors in localities.

b/ Provincial-level People’s Committees will

- Take responsibility before the Government and the Prime Minister for the achievement of annual health insurance targets in their localities; formulate plans, direct and organize the implementation of the Scheme in their localities for achievement of the set objectives; annually report on the results of implementation of the Scheme to the Ministry of Health for reporting to the Prime Minister.

- Direct provincial-level functional agencies to perform the tasks of health insurance policy and law dissemination.

- Make the health insurance coverage objective, plan and rate a target in local long-term and short-term socio-economic development programs and plans, realizing the all-people health insurance objective in the program on building a new countryside.

- Assume the prime responsibility for application of solutions to the development of the insured, focusing on the tasks of examining and approving the lists of the insured entitled to full or partial premium supports from the state budget; make the lists of members of agricultural, forestry, fishery and salt-making households with average living standards and formulate coordination mechanisms, annual plans and targets in mobilizing this group of people to participate in health insurance.

- Ensure support Expenses for social beneficiaries to participate in health insurance as prescribed; and at the same time direct the management and efficient use of local health insurance Expenses.

- Direct the inspection, examination and handling of violations in the implementation of the health insurance law in localities and enterprises under their management.

3. Responsibilities of other organizations and mass organizations

a/ Vietnam Fatherland Front will

- Coordinate in the dissemination of health insurance policies and law and the mobilization of people and their members to participate in health insurance.

- Mobilize resources to support people’s participation in health insurance.

- Coordinate in supervising and evaluating the implementation of health insurance policies and law and the implementation of the Scheme.

b/ The Vietnam General Confederation of Labor will

- Coordinate in the dissemination of health insurance policies and law to employees and employers.

- Mobilize employers and employees to observe regulations on health insurance.

- Participate in supervising, inspecting and examining the health insurance participation at enterprises and propose health insurance mechanisms and policies toward laborers.

c/ Vietnam Women’s Union will

- Coordinate in the dissemination of health insurance policies, mobilize members of Women’s Unions at all levels and their families to actively participate in health insurance.

- Advise on, propose and participate in the formulation of policies related to health insurance for women in the implementation of health insurance policies and law and health care, linking them to the objectives of gender equality and women advancement.

- Coordinate in supervising and evaluating the implementation of health insurance policies and law and the implementation of the Scheme.

d/ Vietnam Fanners’ Association will

- Disseminate and educate about health insurance policies among cadres and members of the Association’s organizations at all levels, mobilize fanners and their families to participate in health insurance, attaching special importance to near-poor households and farmer households with the average living standards having enjoyed the health insurance premium support from the state budget.

- Mobilize various resources to support farmers’ participation in health insurance.

- Coordinate in supervising and evaluating the implementation of health insurance policies and law.

e/ The Ho Chi Minh Communist Youth Union Central Committee will

- Disseminate and educate about health insurance policies among union members, youths, pupils and students.

- Mobilize union members and youths to participate in health insurance.

f/ Vietnam Medical Association will

- Participate in studying and formulating health insurance policies and law, and raise the quality of medical care.

- Propagate and mobilize its members to strictly observe health insurance policies and law, mobilize its members and their families to participate in health insurance.

g/ Other organizations will, based on their respective functions and tasks, participate in dissemination, mobilization and support of families and individuals in the community to participate in health insurance.

V. EXPENSES FOR THE SCHEME IMPLEMENTATION

1. Expenses from the state budget allocation and partial premium support for groups of people

- For the period 2012- 2015, the state budget health insurance premium support is expected to account for about 40.6-45.5% of the total revenue of the health insurance Expense. The state budget allocation is estimated to increase as follows: About VND 4,817 billion in 2013; about VND 6,448 billion in 2014; around VND 8,034 billion in 2015 as health insurance premium support, provided that the health insurance premium level will not rise.

- During 2016-2020, the state budget health insurance premium support will comply with new provisions of the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Health Insurance.

2. Expense for implementation of the Scheme

The Expenses for implementation of the Scheme comes from the source of state budget regular expenditures and other lawful sources for the following major activities: dissemination, management, listing and issuance of health insurance cards; examination and supervision; research and evaluation; seminars, conferences; training and capacity building.

Article 2.This Decision takes effect on the signing date.

Article 3.Ministers, heads of ministerial- level agencies, heads of government- attached agencies, chairpersons of provincial-level People’s Committees, and heads of related agencies and units are liable to execute this Decision.-

The Prime Minister

Nguyen Tan Dung

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Decision 538/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2612/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Quyết định 2010/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2024 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ kế hoạch và đầu tư thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính sách

Quyết định 2633/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

văn bản mới nhất

Quyết định 3514/QĐ-BYT của Bộ Y tế bãi bỏ Quyết định 5086/QĐ-BYT ngày 04/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dùng chung mã hãng sản xuất vật tư y tế (Đợt 1) và nguyên tắc mã hóa vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và Quyết định 2807/QĐ-BYT ngày 13/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quyết định 5086/QĐ-BYT

Y tế-Sức khỏe