Quyết định 2052/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020

thuộc tính Quyết định 2052/QĐ-TTg

Quyết định 2052/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:2052/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:10/11/2010
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Quy hoạch Dung Quất theo mô hình Thành phố công nghiệp mở
Ngày 10/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2052/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.
Điều đáng chú ý trong Quy hoạch lần này là việc Chính phủ chủ trương quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, đưa diện tích 10.300 hiện nay lên 45.332 ha, để hình thành Thành phố công nghiệp mở, Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia (công suất 10 triệu tấn/năm) gắn với cảng nước sâu Dung Quất II, sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ va trò quan trọng về quốc phòng của toàn Miền Trung và Tây Nguyên trong tương lai.
Khu kinh tế Dung Quất được áp dụng thể chế đặc biệt về hành chính và kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại, thực hiện các thể chế hành chính quốc tế, làm nền tảng hình thành tuyến hành lang Duyên hải Trung Bộ Chân Mây – Đà Nẵng –Dung Quất…
Bên cạnh đó, toàn Tỉnh Quãng Ngãi chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp thép, chế biến nông lâm thủy sản và các ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tạo đột phá trong phát triển có khả năng mang lại hiệu quả lớn.
Từ nay đến năm 2020, toàn Tỉnh ưu tiên nghiên cứu đầu tư vào các dự án như: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cảng Bến Đình – Lý Sơn, cơ sở hạ tầng Dung Quất mở rộng, hạ tầng Thành phố Quảng Ngãi, nhà máy cao su tổng hợp 40.000 tấn/năm, nhà máy than đen (Carbon black) 350.000 tấn/năm, Khu du lịch đảo Lý Sơn… từ các nguồn vốn của Bộ, ngành đầu tư trên địa bàn Tỉnh; các dự án do Tỉnh làm chủ đầu tư; các dự án kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư.
Phấn đấu Quảng Ngãi đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 14% trong giai đoạn 2011 - 2015; và khoảng 12 - 13% giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người của tỉnh theo giá năm 2007 đạt khoảng 2.000 - 2.200 USD/người vào năm 2015 và 4.300 - 4.500 USD/người vào năm 2020…

Xem chi tiết Quyết định2052/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------------------
Số: 2052/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------------
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2010
 
 
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2020
-----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi,
 
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung vào các ngành then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời không ngừng hoàn thiện thể chế và cơ chế điều hành, thực hiện mục tiêu phát triển hướng ngoại, mở cửa, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế trước hết với các tỉnh Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên và Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
2. Phấn đấu duy trì mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu chất lượng hợp lý theo ngành và lãnh thổ.
3. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp thép, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và các ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tạo những đột phá trong phát triển có khả năng mang lại hiệu quả lớn, hình thành cơ cấu kinh tế tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Đồng thời đặc biệt chú trọng việc hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội cho các huyện phía Tây của tỉnh và nhân dân vùng ngập lũ, vùng hải đảo.
4. Phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đảm bảo yêu cầu phát triển trước hết là các ngành công nghiệp then chốt như dầu khí, luyện kim, đóng tàu, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng nông thôn miền núi.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp lồng ghép quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư với các yêu cầu bảo vệ môi trường theo hướng bền vững về mặt sinh thái. Đầu tư đúng mức cho công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp và đô thị, đảm bảo môi trường lao động an toàn.
5. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh củng cố, xây dựng vững chắc hệ thống chính trị theo hướng không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ cơ bản liên hoàn vững chắc. Đảm bảo thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân, giữ gìn trật tự và ổn định xã hội, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Mở rộng quan hệ hợp tác, kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đầu tư có trọng tâm vào các ngành có lợi thế so sánh cao nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tạo nền tảng để trở thành Tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2020.
Tạo đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ và nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với việc tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến, giải quyết việc làm cho người lao động; giảm nhanh số hộ nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đưa Quảng Ngãi lên vị trí cao về phát triển trong số các Tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung vào năm 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 14% giai đoạn 2011 - 2015; và khoảng 12 - 13% giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người của tỉnh tính theo giá năm 2007 đạt khoảng 2.000 - 2.200 USD/người vào năm 2015 và 4.300 - 4.500 USD/người vào năm 2020.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 85 - 90% vào năm 2015 và trên 90% năm 2020.
- Hình thành một Trung tâm thương mại lớn tại thành phố Quảng Ngãi và hệ thống siêu thị tại các trung tâm kinh tế lớn của Tỉnh. Đến năm 2020 tỷ trọng dịch vụ trong GDP của tỉnh Quảng Ngãi đạt 32 - 35%.
- Thực hiện các biện pháp tăng nguồn thu và sử dụng hiệu quả vốn thu ngân sách trên địa bàn nhằm nâng tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP từ 13,2% năm 2008 lên 18% vào năm 2020.
b) Về xã hội
- Phấn đấu đến năm 2020 có 99% học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi; có trên 50% trường mầm non, 70% trường tiểu học và 70% các trường trung học đạt chuẩn quốc gia; 99% các đối tượng trong độ tuổi đều đạt phổ cập trung học cơ sở, 35% trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ, 85% cháu trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo, 99% trẻ 5 tuổi được học một năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1. Phấn đấu đạt chỉ số phát triển con người (HDI) bằng mức bình quân cả nước.
- Hàng năm giải quyết khoảng 35 - 38 ngàn chỗ làm việc thời kỳ 2011 - 2015 và 38 - 42 ngàn chỗ cho thời kỳ 2016 - 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 35% vào năm 2015 và 42% vào năm 2020; lao động nông nghiệp vào các năm tương ứng giảm còn 47% và 40%.
- Nâng thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh lên khoảng 1,2 lần so với trung bình toàn quốc vào năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo tiêu chí mới hiện nay xuống dưới 8% năm 2015 và khoảng 6% vào năm 2020.
- Đến năm 2020 có 100% đường giao thông đến các xã và được nhựa hóa, 20 - 30% đường đến các thôn bản được kiên cố hóa. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội trên địa bàn, đảm bảo đến năm 2020 có 100% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia, 98% dân cư được dùng nước sạch hợp vệ sinh, 100% dân cư được chăm sóc sức khỏe ban đầu, tỷ lệ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn dưới 5%.
- Thực hiện tốt công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, phấn đấu đạt mức tăng dân số bình quân 0,9%/năm thời kỳ 2011 - 2015 và 0,87%/năm thời kỳ 2016 - 2020.
- Phấn đấu đạt 100% xã, phường, thị trấn có làng văn hóa, khu phố văn hóa. Thực hiện bình đẳng giới, phát triển hệ thống an sinh xã hội và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
c) Về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh.
Thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng an ninh, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống và đảm bảo trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Tiềm lực kinh tế, quốc phòng an ninh được tăng cường, củng cố vững chắc hệ thống chính trị giữ vững trật tự an toàn xã hội. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế. Xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên đất liền và trên biển đảo.
d) Về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
- Khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý, an toàn về lương thực và bền vững về sinh thái.
- Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên 50%, thu gom và xử lý 95% rác thải sinh hoạt ở đô thị và 65% rác thải sinh hoạt ở nông thôn; 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế; thu gom và xử lý khoảng 65% nước thải.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC
1. Công nghiệp: Khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế so sánh của Tỉnh để phát triển công nghiệp với nhịp độ cao, đặc biệt là những lợi thế có được từ Khu kinh tế Dung Quất; tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Phấn đấu nâng tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng lên 60% vào năm 2020.
- Công nghiệp lọc hóa dầu:
Giai đoạn 2011 - 2015: Phát triển ngành công nghiệp hóa dầu và các sản phẩm từ dầu như khí hóa lỏng (250 ngàn tấn/năm), N-parafin (65 ngàn tấn/năm); sản xuất nhựa polystylen (60 ngàn tấn/năm), sản xuất than đen (50 ngàn tấn/năm); sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp (80 ngàn tấn/năm) với tổng đầu tư khoảng 250 triệu USD. Triển khai các dự án LAB, Carbon Black, lốp cao su Radian, sản xuất nhựa PVC, PE. Mở rộng quy mô nhà máy lọc dầu hiện nay đạt công suất 10 triệu tấn và chuẩn bị điều kiện để phát triển mới tổ hợp lọc hóa dầu tại Dung Quất.
Giai đoạn 2016 - 2020: Phát triển tổ hợp lọc dầu mới, nâng tổng giá trị các sản phẩm hóa dầu lên 1,5 - 2,0 lần so với năm 2015 và giá trị gia tăng của phân ngành lên 3 lần so với năm 2015.
- Công nghiệp gia công kim loại, đóng tàu và điện tử tin học:
Đầu tư sản xuất các trang thiết bị cơ khí điện và điện tử cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; gia công các thiết bị phi tiêu chuẩn phục vụ xây dựng KKT Dung Quất, thành phố Vạn Tường và các KCN khác trong vùng.
Phát triển công nghiệp điện tử tin học theo hướng gia công phần mềm, tích hợp hệ thống nhằm hỗ trợ cho việc phát triển các sản phẩm máy móc thiết bị cơ khí, điện tử, dây chuyền sản xuất của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản:    
Hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chế biến thủy sản, lâm sản, súc sản xuất khẩu. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm đạt 14% giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh vào năm 2020.
- Công nghiệp vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh:
Đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến phụ gia; nhà máy nghiền clinke; nhà máy sản xuất gạch, xây dựng nhà máy sản xuất tôn với công suất 1,5 triệu m2/năm; nhà máy bê tông ly tâm, công suất 100m ống bê tông/ngày. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất phân ngành lên 6,2% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh vào năm 2020.
- Công nghiệp khai khoáng:
Đầu tư mới các mỏ đá và mở rộng công suất khai thác đá khu vực phía tây Dốc Sỏi (Bình Chánh, Bình Nguyên) huyện Bình Sơn; khu vực Bình Mỹ, đông huyện Trà Bồng (Trà Sơn, Trà Phú) và Tịnh Hiệp; khu vực Phổ Phong huyện Đức Phổ và Ba Động huyện Ba Tơ (dọc Quốc lộ 24); khu vực Nam Đức Phổ (Phổ Hòa, Phổ Khánh và Phổ Thạch).
Đầu tư cơ sở sản xuất nước khoáng tại Bình Đông (xã Trà Bình, huyện Trà Bồng), khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước khoáng Nghĩa Thuận và Thạch Trụ, nước khoáng Thạch Bích. Đầu tư khai thác, chế biến các khoáng sản khác có giá trị trên địa bàn như sắt, ti tan, thiếc, đất hiếm,…
- Công nghiệp dệt may - da giầy:
Mở rộng công suất các nhà máy may thêm 3 - 3,5 triệu SP/năm. Xây dựng nhà máy giầy thể thao công suất 1 triệu đôi/năm; nhà máy sản xuất sợi PE, công suất 200 ngàn tấn/năm.
- Công nghiệp điện, sản xuất và phân phối nước:
Tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện theo quy hoạch điện lực của tỉnh (15 nhà máy), chú trọng trước hết vào các công trình trên sông Trà Khúc với tổng công suất 40 MW; thủy điện Nước Trong (16 MW); cụm thủy điện Dakring (170 MW).
Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống cấp nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố Quảng Ngãi lên 45.000 m3/ngày đêm; hoàn chỉnh giai đoạn II nhà máy nước Dung Quất lên 100.000 m3/ngày đêm. Đầu tư nhà máy nước phục vụ công nghiệp luyện thép với công suất 33.000 m3/ngày đêm.
- Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề:
Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Du nhập và phát triển các ngành nghề mới: trồng nấm, cây cảnh, sinh vật cảnh, làm hoa, thêu ren và sản xuất hàng mỹ nghệ.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp:
Phát triển các khu công nghiệp của Tỉnh gắn với Khu kinh tế Dung Quất theo hướng hiện đại, đồng bộ. Phấn đấu lấp đầy Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú vào năm 2015, đạt tăng trưởng chung của các khu công nghiệp trên 3,0%/năm. Sau 2010 mở rộng diện tích Khu công nghiệp Tịnh Phong thêm 209 ha, xây dựng khu dân cư của các khu công nghiệp này.
Quy hoạch các Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tại các huyện với tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 560 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động. Trong đó: Tại huyện Đức Phổ quy hoạch 04 CCN-TTCN là Sa Huỳnh (05 ha), Phổ Phong (10 ha), Gò Hội (05 ha) và CCN Phổ Khánh (5 ha); tại huyện Tư Nghĩa quy hoạch CCN La Hà (50 ha) các điểm công nghiệp ở Cổ Lũy và Nghĩa Thuận; tại huyện Nghĩa Hành mở rộng CCN Đồng Dinh từ 10 ha lên 30 ha và hình thành thêm CCN núi Đá Hai tại xã Hành Phước với quy mô 05 ha; tại huyện Bình Sơn phát triển 04 CCN Bình Nguyên (20 ha), CCN Bình Khương (15 ha), CCN Đông TT. Châu Ổ (10 ha); CCN Bình Hiệp (20 ha); tại huyện Mộ Đức dự kiến hoàn thiện CCN Quán Lát và nâng quy mô lên 20 ha sau 2010, hình thành CCN Thạch Trụ (20 ha) và xem xét hình thành KCN phía Tây Mộ Đức giai đoạn sau 2015; tại huyện Sơn Tịnh hoàn thiện CCN Tịnh Ấn Tây và Điểm công nghiệp - làng nghề thị trấn Sơn Tịnh. Mở rộng điểm CN - làng nghề An Hải tại huyện đảo Lý Sơn từ 1 ha lên 2 ha.
2. Dịch vụ: Phát triển nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ, nâng tỷ trọng dịch vụ trong GDP lên 30,8% vào năm 2015 và trên 32,4% vào năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 400 - 410 triệu USD vào năm 2020.
- Thương mại:
Phấn đấu đạt tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội thời kỳ 2011 - 2015 là 16 - 18%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 là 16%/năm.
Giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành xây dựng 189 chợ; ưu tiên trước mắt cho các chợ Dung Quất, chợ đầu mối nông sản Thành phố Quảng Ngãi, chợ Đức Phổ.
Giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng mới chợ nông sản tổng hợp Nghĩa Chánh (thành phố Quảng Ngãi), chợ nông sản tổng hợp Sơn Tịnh. Xây dựng các siêu thị kinh doanh tổng hợp tại thành phố Quảng Ngãi, KKT Dung Quất, Dốc Sỏi, Đức Phổ. Xây dựng 2 khu vực kho bãi xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cảng biển Sa Kỳ, Cảng Dung Quất và 1 - 2 khu vực kho bãi phục vụ lưu thông hàng hóa nội địa tại ngoại vi thành phố Quảng Ngãi và thành phố Vạn Tường. Xây dựng mới kho cảng Dung Quất dự kiến kho có sức chứa 60.000 m3, cầu cảng tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 DWT. Hình thành các sàn giao dịch, trung tâm đấu giá, siêu thị trên mạng, phát triển thương mại điện tử, …
- Du lịch:
Phát triển nhanh, ổn định và bền vững ngành du lịch theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, lễ hội và cảnh quan môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao gắn liền với việc đầu tư bảo vệ tôn tạo cảnh quan môi trường, phát huy truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc.
Quy hoạch phát triển thành 5 khu du lịch chính là khu du lịch Trung tâm (thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận), khu du lịch Đông Bắc (khu Vạn Tường và vùng phụ cận), khu du lịch phía Nam (Bãi biển Sa Huỳnh và phụ cận), khu du lịch Tây Nam (Ba Tơ và phụ cận), khu du lịch Tây Bắc (Trà Bồng và vùng phụ cận); các điểm du lịch chính là Thiên Đàng (Khe Hai), Vạn Tường, Ba Làng An, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Nước Trong - Cà Đam. Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh và khai thác tốt các tuyến du lịch liên tỉnh. Kết hợp khai thác hiệu quả các điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống tại các huyện miền núi.
- Du lịch vận tải:
Đầu tư, nâng cấp cảng Sa Kỳ và phương tiện vận tải ra đảo Lý Sơn.
Triển khai xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch vận tải nội tỉnh và tổ chức mở các tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh. Trước hết khuyến khích mở thêm một số tuyến xe khách chất lượng cao, phát triển từng bước hệ thống xe tắc xi, các tuyến xe buýt từ thành phố Quảng Ngãi đi các huyện.
- Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm:
Tăng cường công tác huy động vốn tại địa phương của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, mở rộng đầu tư vốn cho các thành phần kinh tế, đảm bảo tín dụng tăng trưởng ổn định, an toàn bền vững và hiệu quả.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo hiểm (nhân thọ, phi nhân thọ) và các dịch vụ tài chính khác (cho thuê tài chính, dịch vụ thẻ tín dụng, tư vấn tài chính…) gắn với sự phát triển của KKT Dung Quất.
Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ…
3. Nông, lâm, thủy sản
Phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa bền vững về sinh thái, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Phát triển mạnh chăn nuôi, thủy sản và các dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi. Kết hợp phát triển sản xuất nông sản hàng hóa với đảm bảo chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng năm 2015 và 55 triệu đồng năm 2020. Sản lượng lương thực bình quân đầu người tương ứng là 332 kg và 307 kg vào các năm 2015 và 2020. Sản lượng thịt hơi các loại 81.000 tấn năm 2015 và 130.000 tấn năm 2020.
Hình thành những vùng chuyên canh như vùng lúa chất lượng cao, vùng thâm canh rau sạch áp dụng quy trình, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, tăng giá trị đầu tư/ha đất canh tác. Áp dụng công nghệ tiên tiến sau thu hoạch gắn với việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Tạo việc làm phi nông nghiệp để giảm lao động trong nông nghiệp xuống 40% trong tổng lao động vào năm 2020.
- Đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng đẩy mạnh công tác trồng rừng, kết hợp với khoanh nuôi phục hồi và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47-48% năm 2015 và trên 50% vào năm 2020.
- Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thủy sản, trước hết là cảng cá Sa Huỳnh, cảng cá Sa Cần, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; nạo, vét cửa Cửa Đại (Nghĩa Phú),… Chuẩn bị và triển khai xây dựng cảng cá Mỹ Á, Cửa Đại - Cổ Lũy. Sau 2015 lập quy hoạch tiếp tục xây dựng, mở vũng neo đậu tàu thuyền và trung tâm dịch vụ nghề cá Lý Sơn tầm cỡ khu vực miền Trung.
4. Các lĩnh vực xã hội
- Về phát triển dân số và nguồn nhân lực
Dân số tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015 khoảng 1.4 triệu người và năm 2020 khoảng trên 1,5 triệu người. Dự kiến đến năm 2020 lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 40,4% tổng lao động xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 có 42% lao động qua đào tạo và 35 - 37% có nghề.
Từ năm 2015, 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã thuộc huyện đồng bằng có trình độ đại học, cao đẳng; 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt các xã thuộc huyện miền núi, hải đảo có trình độ trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ trở lên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật, văn hóa - nghệ thuật, công chức, viên chức bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, đủ năng lực đảm nhiệm nhiệm vụ được giao.
Phấn đấu hàng năm tạo việc làm mới và thêm việc làm từ 38 - 42 nghìn lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi dưới 5% vào năm 2010 và dưới 3,5% vào năm 2020.
- Về giáo dục và đào tạo
Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phấn đấu 50% trường mầm non, 70% số trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở và 70% trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Đảm bảo 90% học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia các chương trình, hoạt động hướng nghiệp. Triệt để xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho người lao động đến 35 tuổi, thí điểm mở các lớp đào tạo từ xa theo đúng quy chế.
Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi, Trường Trung cấp nghề Đức Phổ, Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật cao Dung Quất, định hướng nâng cấp thành trường dạy nghề kỹ thuật cao khi có đủ điều kiện. Xây dựng các cơ sở đào tạo nghề quy mô vùng và thành lập thêm các trung tâm dạy nghề ở 6 huyện miền núi.
Phối hợp với Bộ Tài chính thành lập trường Đại học Tài chính - Kế toán trên cơ sở trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán hiện nay. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại cho trường Đại học Phạm Văn Đồng, phân hiệu Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.
- Về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ y tế về chuyên môn, y đức, quản lý và sử dụng trang thiết bị hiện đại.
Tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến năm 2015 thành lập Bệnh viện nội tiết, bệnh viện mắt. Sau năm 2015 xây dựng bệnh viện ung bướu của tỉnh. Mở rộng quy mô và nâng cấp trường Trung học y tế thành trường Cao đẳng y tế.
- Về văn hóa, thể dục, thể thao
Phấn đấu đến năm 2015 có 90 - 95% gia đình, 80 - 85% thôn, tổ dân phố; trên 95% cơ quan, trường học đạt chuẩn văn hóa; 100% đài truyền thanh huyện, xã được củng cố và nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại; 100% các huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao, thư viện, sân bãi thể thao, nhà truyền thống và khu vui chơi giải trí, đội thông tin lưu động; 100% các nhà văn hóa huyện, thành phố được đầu tư sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin.
Đến năm 2020 có 70% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% thị trấn, xã phường có làng văn hóa, khu phố văn hóa; 100% gia đình, 90 - 95% thôn, tổ dân phố và 100% cơ quan, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.
- Về khoa học và công nghệ
Thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển khoa học - công nghệ để đến năm 2020, khoa học công nghệ của Quảng Ngãi phải thực sự là lực lượng sản xuất của kinh tế địa phương. Hình thành một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông, lâm, thủy hải sản.
Đẩy mạnh phổ cập tin học, kết nối rộng rãi mạng internet và các mạng nội bộ khác. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật như đo lường, thẩm định công nghệ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đăng ký sản phẩm, chống làm hàng giả. Tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp) cho các sản phẩm sản xuất ở trong Tỉnh.
- Về chính sách xã hội và xóa đói giảm nghèo
Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo; tăng cường các nguồn lực theo hướng xã hội hóa, đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo; tập trung cho 6 huyện nghèo miền núi; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình chính sách và hộ nghèo; đẩy mạnh phát triển sản xuất, từng bước nâng cao mức sống của dân cư trong các xã nghèo. Xây dựng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách xã hội và công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
- Về phát thanh, truyền hình.
Phấn đấu đưa sóng PTQ lên vệ tinh phủ sóng PT-TH 100% các vùng trong Tỉnh, kể cả vùng biển Đông của Tỉnh, 100% số hộ được nghe đài, 99% số hộ được xem truyền hình, 80% số hộ được xem truyền hình qua vệ tinh. Xây dựng Đài phát thanh - truyền hình tỉnh đồng bộ và hiện đại.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
a) Giao thông
- Đường bộ: Đầu tư nâng cấp hệ thống các trục dọc chính (7 tuyến), trục ngang chính (3 tuyến) của tỉnh, tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, đối với miền núi đảm bảo cấp IV, đường nội thị 100% bê-tông nhựa hoặc bê-tông xi măng; đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V; đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V. Đường vào các trung tâm thôn, xóm đạt loại A, B.
Nâng cấp đường tỉnh chủ yếu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV. Riêng đường ĐT623, đường ĐT625 (đoạn km4 - km26+800) từ 2011 - 2020 nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III. Quy hoạch nâng cấp tỉnh lộ thành quốc lộ tuyến Dung Quất - Trà Bồng - Trà Thanh - Trà My - Tăc Pỏ - đường Hồ Chí Minh.
Đầu tư nâng cấp rải nhựa và bê tông xi măng khoảng 90% chiều dài đường huyện, 70% chiều dài đường xã, phường, thị trấn, đường liên thôn. Quy hoạch nâng cấp đường trung tâm huyện lỵ Ba Tơ - Ba Trang - Phổ Ninh - QL 1A thành tỉnh lộ sau năm 2010.
Nâng cấp các tuyến đường đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị cấp khu vực của đô thị loại 3 sau năm 2010. Đến năm 2020 đạt tiêu chuẩn đường đô thị từ cấp khu vực trở lên của đô thị loại II.
Xây dựng 01 bến xe trung tâm của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi đạt tiêu chuẩn loại I; xây dựng mới bến xe Sơn Tịnh (Bến xe Bắc Quảng Ngãi) đạt tiêu chuẩn loại III; 12 bến xe tại trung tâm huyện lỵ tại các huyện đạt tiêu chuẩn loại 4 và các điểm đón trả khách tại các Trung tâm cụm xã của các huyện miền núi trong Tỉnh. Hình thành mạng lưới giao thông công cộng.
- Đường thủy: Nâng cấp cải tạo tuyến Châu Ổ - Sa Cần đến thủy điện Cà Đú (S. Trà Bồng); từ Cửa Đại đến đập thủy lợi Thạch Nham (Sông Trà Khúc). Đưa vào khai thác theo quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa thuộc các sông Kinh Giang, sông Vệ, sông Trà Câu, sông Thoa và tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn.
Hoàn thiện cảng Dung Quất là cảng chuyên dùng và tổng hợp container đầu mối của khu vực theo quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch cảng nước sâu Dung Quất II nhận tàu công suất đến 26 vạn DWT; công suất cảng đến năm 2020 là 30 triệu tấn/năm; Cảng Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ): năng lực thiết kế đến năm 2020 là tàu cỡ 2000 DWT và công suất 0,3 - 0,4 triệu tấn/năm. Quy hoạch các bến cảng nhỏ của địa phương: Cổ Lũy (tổng hợp), Lý Sơn (cảng cá), Sa Huỳnh (cảng cá), bến cập quân sự Lý Sơn (bến cập tàu), cảng Mỹ Á (cảng tổng hợp) đầu tư hạ tầng kỹ thuật vũng neo đậu trú bão tàu thuyền Lý Sơn giai đoạn II.
- Đường sắt: Xây dựng mới đường sắt nối vào cảng Dung Quất khổ đường 1435 mm, lấy ga Trị Bình làm ga cập tàu để chuyển đường sắt Bắc - Nam sang đường sắt vào cảng Dung Quất. Nâng cấp mở rộng các ga Bình Sơn, Đức Phổ nâng lên 4 đường đón tiễn; ga Quảng Ngãi thành nhà ga khu vực 6 đường đón tiễn.
- Đường không: Nâng cấp sân bay quân sự Quảng Ngãi thành sân bay lưỡng dụng và đầu tư thành sân bay taxi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh. Đầu tư khôi phục sân bay Lý Sơn, Quảng Ngãi để cho máy bay trực thăng hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp quốc phòng - an ninh.
b) Cung cấp điện
Duy trì nguồn điện và đảm bảo chất lượng mạng lưới cấp điện đáp ứng nhu cầu dùng điện của Tỉnh. Đồng thời, tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên xây dựng một số thủy điện vừa và nhỏ hoặc tận dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời để cấp điện cho vùng sâu vùng xa và các xã đảo những nơi không có điện quốc gia. Nghiên cứu lắp đặt các pin mặt trời và xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 8 MW tại đảo Lý Sơn.
c) Thông tin - truyền thông
Phát triển thêm khoảng 30 đại lý bưu điện tại các khu công nghiệp, khu dân cư mới; 4 đại lý bưu điện tại KCN Phổ Phong; 5 điểm phục vụ ở hai KCN Tịnh Phong và Quảng Phú. Xây dựng mới 129 điểm bưu điện văn hóa xã tại các xã chưa được phổ cập. Mở rộng phạm vi phủ sóng đến từng xã, phổ cập dịch vụ điện thoại và Internet. Đến năm 2015 đạt 114 máy/100 dân và năm 2020 đạt 130 máy/100 dân.
Thời kỳ 2011 - 2015 xây dựng trên 250km cáp quang, lắp đặt thêm 159 trạm BTS; thời kỳ 2016 - 2020 hoàn thành việc ngầm hóa đến khu vực dân cư, cụm dân cư, KCN và cáp quang hóa đến cấp xã. Phấn đấu 100% số xã, 100% số trường THPT và cơ sở y tế có điểm truy cập Internet, 25 - 30% dân số sử dụng Internet. Triển khai thành công các dịch vụ cơ bản của Chính phủ điện tử, các dịch vụ điện tử G2B, G2C, G2G, B2B, B2C.
d) Cấp, thoát nước và xử lý nước thải
Cải tạo hệ thống cấp nước và nâng công suất của nhà máy nước tại thành phố Quảng Ngãi lên 45.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Dung Quất lên 100.000 m3/ngày đêm và xây dựng nhà máy nước phục vụ công nghiệp luyện thép với công suất 33.000 m3/ngày đêm. Đồng thời điều tra bổ sung và quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước tại các đô thị mới và các khu công nghiệp.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thành các hồ chứa lớn để hoàn chỉnh hệ thống nguồn tưới và cắt lũ cơ bản Thạch Nham cùng hồ chứa Nước Trong hỗ trợ cho Thạch Nham; triển khai công trình thủy lợi hồ Chóp Vung, quy hoạch xây dựng đê biển (dự án đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang) kết hợp với giao thông ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh.
Soát xét lại quy hoạch kiểm soát lũ toàn vùng theo hướng phòng và tránh lũ là chính, bố trí vốn xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi lớn ở thượng nguồn. Xây dựng quy hoạch tổng hợp sử dụng nước của các hệ thống sông chính, có kế hoạch chi tiết xử lý bằng biện pháp công trình tình trạng thiên tai liên quan đến nước tại một số khu vực trọng điểm của Tỉnh.
Đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng xử lý nước thải tại các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đô thị và địa bàn tập trung dân cư. Đảm bảo đến năm 2015 xử lý được 65% và năm 2020 xử lý 75% nước thải công nghiệp đảm bảo chất lượng được phép xả thải hiện hành.
IV. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ
1. Phát triển mạng lưới đô thị
Mở rộng thành phố Quảng Ngãi về phía huyện Sơn Tịnh bao gồm 06 xã và thị trấn Sơn Tịnh thuộc huyện Sơn Tịnh và 02 xã của huyện Tư Nghĩa là xã Nghĩa Hà và Nghĩa Phú; phía đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, đến năm 2020 hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị thành thành phố biển hiện đại của khu vực Miền Trung. Phát triển thành phố Vạn Tường thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch ven biển là đô thị trung tâm của KKT Dung Quất mở rộng, có kiến trúc cảnh quan đẹp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại ngang tầm với các đô thị lớn của Miền Trung. Thị trấn Đức Phổ phát triển thành thị xã thuộc Tỉnh vào năm 2015, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng phía Nam Quảng Ngãi. Phát triển đô thị Dốc Sỏi đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn của đô thị loại IV. Năm 2020 thị trấn Châu Ô đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV.
Phát triển và hình thành các thị trấn mới thuộc huyện là Sơn Tịnh, Trà Câu, Thạch Trụ, Sa Huỳnh. Đến năm 2020 hình thành thị trấn Nam Sông Vệ, thị trấn Phổ Phong.
2. Phát triển các lãnh thổ động lực
- Khu kinh tế Dung Quất và huyện Bình Sơn
Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Dung Quất, đưa diện tích 10.300 ha hiện nay lên 45.332 ha, để hình thành Thành phố công nghiệp mở, Trung tâm lọc hóa dầu quốc gia (công suất 10 triệu tấn/năm), gắn với cảng nước sâu Dung Quất II, sân bay Quốc tế Chu Lai, là trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và giữ vai trò quan trọng về quốc phòng của toàn Miền Trung và Tây Nguyên trong tương lai.
- Thành phố Quảng Ngãi
Thành phố Quảng Ngãi với kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch và tài chính hiện đại sẽ là một trong những đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm kinh tế của khu vực Miền Trung về thương mại, dịch vụ du lịch, là hậu phương quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển KKT Dung Quất.
- Trục Thạch Trụ - Sa Huỳnh của Mộ Đức và Đức Phổ
Phát triển với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; công nghiệp vật liệu xây dựng, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du lịch đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử liên tỉnh hòa nhập với các tuyến du lịch Miền Trung và Tây Nguyên.
- Trung tâm kinh tế - xã hội miền núi tại Sơn Hà
Phát triển đô thị Sơn Hà lên cấp IV vào năm 2020 làm lãnh thổ kinh tế hạt nhân của cả 6 huyện trong vùng miền núi trên cơ sở phát huy tốt những lợi thế do các hành lang kinh tế - kỹ thuật miền núi mang lại cho miền tây Quảng Ngãi. Từng bước hình thành hệ thống các cơ sở công nghiệp chế biến quy mô vừa và khá, các ngành tiểu thủ công nghiệp, các nghề truyền thống, tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người dân miền núi lên mức trung bình khá so với các Tỉnh trong vùng miền núi của Miền Trung.
3. Phát triển kinh tế - xã hội theo các tiểu vùng
- Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án 30a về xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn 6 huyện miền núi, từng bước thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn vùng phía tây của Tỉnh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% vào năm 2015, dưới 8% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 60% vào năm 2015 và còn khoảng 50% vào năm 2020 trong tổng lao động xã hội. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 40% vào năm 2015 và trên 50% năm 2020. Tất cả các xã và phần lớn thôn bản được đảm bảo giao thông bốn mùa, điện sinh hoạt và các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa.
Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở toàn vùng vào năm 2015; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đến năm 2015 dưới 16%, năm 2020 dưới 13%. Độ che phủ rừng của vùng đạt 58% vào năm 2015 (toàn tỉnh đạt 47-48%), năm 2020 trên 63% (toàn tỉnh 50%).
- Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và các huyện ven biển đóng góp trên 80% GDP của cả Tỉnh, đóng góp 85-90% giá trị kim ngạch xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người của các huyện ven biển hải đảo cao gấp đôi so với thu nhập bình quân chung cả Tỉnh.
- Phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo mô hình Thành phố công nghiệp mở với thể chế đặc biệt về hành chính và kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với các dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại, thực hiện các thể chế hành chính quốc tế, làm nền tảng hình thành tuyến hành lang Duyên hải Trung Bộ Chân Mây - Đà Nẵng - Dung Quất…
- Đến năm 2015 phát triển Khu du lịch - kinh tế - văn hóa Sa Huỳnh với Trung tâm văn hóa - nghiên cứu - khảo cổ của tỉnh và quốc gia, Trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp và khu phim trường quy mô cấp quốc tế, cụm CN-TTCN với các ngành đóng tàu thuyền, chế biến thủy sản…
- Phát triển hành lang kinh tế ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giáp KKT mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ KKT Dung Quất chạy dọc ven biển trên toàn tuyến 110 km về phía nam tỉnh, nối với Bình Định tại Tam Quan tạo mối liên hết kinh tế biển của khu vực và cả nước.
- Phát triển các khu du lịch biển KDLSTB Thiên Đàng, Vạn Tường, Ba Làng An, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Lý Sơn và các điểm du lịch ven biển như chứng tích Sơn Mỹ, Cổ Lũy - Cô Thôn, Chùa Ông…
- Xây dựng cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sông Trà Bồng, Sa Huỳnh và Tịnh Kỳ. Lập quy hoạch bến cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tư Nghĩa. Đầu tư xây dựng vũng neo đậu tàu thuyền và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn.
- Quy hoạch phát triển huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch xanh sạch đẹp kết hợp với khai thác hải sản. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên đảo với việc xây dựng trạm cảnh báo cứu hộ thiên tai, vũng neo đậu tàu thuyền, sân bay quân sự hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ  
(Phụ lục kèm theo)
VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Huy động vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 khoảng 158.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 279.000 tỷ đồng;
Để huy động được các nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch, Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương ngay từ khâu xây dựng quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo các công trình, dự án trọng điểm của Tỉnh, nhất là các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, quốc phòng, an ninh được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển gắn với kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án.
Thực hiện đa dạng hóa đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; xây dựng các cơ chế, chính sách hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các dự án đang hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất.
Thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động từ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đảm bảo vốn tín dụng và liên doanh, liên kết với các địa phương khác và huy động trong dân so với tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đáp ứng được 31,5% thời kỳ 2011 - 2015 và 35,2% tổng nhu cầu vốn thời kỳ 2016 - 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến khoảng 15% tổng đầu tư trên địa bàn thời kỳ 2011 - 2015 và 42% thời kỳ 2016 - 2020 với tổng đầu tư khoảng trên 113 ngàn tỷ đồng tương đương 7,2 tỷ USD.
Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BT, BOT, BTO và các hình thức đầu tư khác để thu hút mạnh vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu và chương trình quốc gia trên từng địa bàn, ưu tiên vốn của các chương trình này cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc, vùng căn cứ cách mạng.
Có giải pháp sử dụng có hiệu quả vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia sẽ tập trung cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh theo đối tượng ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thuộc các lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
2. Giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Tiếp tục thực hiện chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ giỏi làm việc trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cán bộ công tác tại các huyện miền núi, hải đảo. Trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về kinh phí đào tạo đào tạo doanh nhân, dạy nghề ngắn hạn, kinh phí cho tuyển dụng lao động.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao. Tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế, nâng cao y đức, mở rộng diện bảo hiểm y tế tự nguyện. Hình thành, phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội, tiến tới thực thi bảo hiểm thất nghiệp.
3. Giải pháp về phát triển hạ tầng
Tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của KKT Dung Quất, các KCN, hạ tầng đô thị Vạn Tường, Quảng Ngãi, Đức Phổ và các đô thị ven biển…
Chú trọng các công trình giao thông, thủy lợi đầu mối có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất, hạ tầng du lịch, hạ tầng KKT Dung Quất, hạ tầng các khu đô thị và các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung trên cơ sở liên kết các nguồn vốn của nhà nước, vốn tín dụng, vốn ứng trước của nhà đầu tư, vốn liên doanh liên kết với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng. Xây dựng kế hoạch cụ thể về đầu tư các công trình hạ tầng môi trường kết hợp với dự án xây đê biển Quảng Ngãi - Kiên Giang của Chính phủ.
4. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Cải thiện môi trường cho phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường mới, nhất là thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu, đẩy mạnh hoạt động của KKT, phổ biến kịp thời các thông tin kinh tế, nhất là về cơ chế, chính sách. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận trên địa bàn.
Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các khu vực động lực về kinh tế, phát triển dịch vụ, du lịch, tài chính, đào tạo nhân lực,…
Triển khai quy hoạch chi tiết sử dụng đất trên cơ sở đảm bảo sử dụng hợp lý quỹ đất cho các mục tiêu kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng theo tiêu chí bền vững về môi trường sinh thái, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
5. Giải pháp về khoa học - công nghệ, môi trường
Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa, doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác về khoa học công nghệ giữa tỉnh với các cơ quan khoa học và công nghệ.
Thực hiện giao khoán rừng và đất rừng phải gắn với quy hoạch, định canh, định cư, lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển vườn rừng, kinh tế trang trại. Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các quy hoạch, các dự án đầu tư quy mô lớn, giám sát nghiêm quy trình xử lý nước thải, rác thải, bụi, tiếng ồn… ở các KCN, bệnh viện, khu đô thị.
6. Giải pháp phối hợp phát triển với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên
Phối hợp trong phát triển kết cấu hạ tầng như xây dựng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Nha Trang; tuyến đường Đông Trường Sơn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi; phối hợp với các tỉnh vùng Tây Nguyên nâng cấp các QL 24, với Quảng Nam nâng cấp tuyến đường Dung Quất - Trà Bồng - Trà My. Phối hợp sử dụng chung hạ tầng kinh tế và xã hội các KKT trong vùng KTTĐ Miền Trung như cảng biển, sân bay, hệ thống cấp điện,…
Hợp tác xây dựng các tuyến du lịch, trong xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trong lĩnh vực đào tạo - nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trong phát triển y tế, khám chữa bệnh. Phối hợp nâng cao năng lực khai thác hệ thống thủy nông trên địa bàn.
7. Giải pháp về bảo đảm quốc phòng - an ninh
- Xây dựng một số công trình quốc phòng: Sở chỉ huy cơ bản tỉnh và các huyện, thành phố, hệ thống đường cơ động vào sở chỉ huy cơ bản của tỉnh và các huyện, thành phố kết hợp với phát triển kinh tế vùng dân cư lân cận,…
- Xây dựng các công trình phòng thủ trên địa bàn huyện Lý Sơn thuộc chương trình Biển Đông - Hải đảo như: sân bay, cảng quân sự, kho tàng, đường cơ động kết hợp với kè bảo vệ, một số công trình quan trọng khác.
- Xây dựng các công trình phòng thủ tuyến ven biển (các tuyến đường cơ động, căn cứ hậu cần kỹ thuật), các công trình chiến đấu của tỉnh và các huyện, thành phố kết hợp quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế của vùng dân cư lân cận.
8. Tổ chức và chỉ đạo điều hành và quản lý phát triển kinh tế - xã hội
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, cần công khai hóa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, tiến hành rà soát, xây dựng mới quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực, các quy hoạch chi tiết. Chi tiết hóa quy hoạch trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, trong sạch, có đủ phẩm chất và năng lực phục vụ nhân dân.
Tăng cường liên kết giữa các ngành, các địa phương và các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự can thiệp đúng mức và hiệu quả của Nhà nước đối với các hoạt động phát triển.
VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Tổ chức công bố, phổ biến quy hoạch
- Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh.
- Tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế, các chương trình, dự án ưu tiên cho các nhà đầu tư.
2. Xây dựng chương trình hành động
- Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, trên cơ sở mục tiêu của Quy hoạch, Tỉnh xây dựng chương trình hành động để thực hiện Quy hoạch.
- Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả.
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong Quy hoạch, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện và các đơn vị liên quan; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển tổng thể, đồng bộ.
2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để đầu tư tập trung, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh và pháp luật của Nhà nước trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
4. Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch này kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và cả nước trong từng giai đoạn Quy hoạch.
Điều 3. Giao các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu lập các quy hoạch cụ thể; nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu trong Quy hoạch.
2. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan đã được dự kiến nêu trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Hỗ trợ Tỉnh trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE PRIME MINISTER
-------

No. 2052/QD-TTg

SOCIALISTREPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

Hanoi, November 10, 2010

 

DECISION

APPROVING THE MASTER PLAN ON SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT OF QUANG NGAI PROVINCE THROUGH 2020

THE PRIME MINISTER

 

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the Government s Decree No. 92/ 2006/ND-CP of September 7, 2006, on the formulation, approval and management of socioeconomic development master plans; and Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006;

At the proposal of the People s Committee of Quang Ngai province,

DECIDES:

Article 1.To approve the master plan on socio-economic development of Quang Ngai province through 2020, with the following principal contents:

I. DEVELOPMENT VIEWPOINTS

1. To bring into the fullest play local potential and advantages; to effectively utilize all resources, focusing on key sectors for socioeconomic development while further improving administration institutions and mechanisms so as to realize the objective of developing an externally oriented and open economy, taking the initiative in integrating into and expanding economic relations, first of all, with central coastal and Central Highlands provinces and provinces in the Vietnam-Laos-Cambodia development triangle.

2. To strive for the target of fast and sustainable economic development, aiming at hunger eradication and poverty alleviation, to improve people s material and spiritual life and develop a properly structured and high quality human resource for each sector and territorial area.

3. To strongly push forward the process of economic restructuring toward industrialization and modernization; to focus on key sectors with a competitive edge such as the petrochemical industry, steel industry, agricultural, forest and fisheries product processing and services with a high scientific and technological content so as to create development breakthroughs capable of bringing about high effectiveness and forming an industry-service-agriculture economy. To attach special importance to supporting the development of economic and social infrastructure facilities for the province s western districts, inundated areas and islands.

4. To associate economic development with effective settlement of burning social issues, and improvement of people s material and cultural life. To develop high-quality human resources to primarily meet development requirements of key industries such as petrochemical, metallurgy and shipbuilding, and high-quality services. To pay attention to cultural development, education and training and human resource development in rural and mountainous areas.

To synchronously implement solutions for incorporating environmental protection requirements into industrial and urban development plans and plans on development of infrastructure facilities in industrial parks and residential areas so as to assure ecological sustainability. To make proper investment in forest protection and improvement, protection of the eco-environment, prevention of industrial and urban pollution and assurance of a safe labor environment.

5. To closely combine economic development with security and defense maintenance; to build and consolidate a firm political system by further increasing the defense potential and building interrelated basic defense areas. To assure an entire-people security and defense disposition, maintain social order and stability, especially in important geographical areas.

II. DEVELOPMENT OBJECTIVES

1. General objectives

To increase external cooperative and economic relations, expand domestic and overseas markets and make intensive investment in sectors of a high competitive edge for fast, effective and sustainable economic growth while carrying out economic restructuring along the line of industrialization for Quang Ngai to become an industrial-service province by 2020.

To create a breakthrough in the development of basic industries creating a high added value and of high-quality services and eco-agriculture. To invest in the development of human resources, especially high-quality ones, in combination with the increased application of advanced technologies and creation of jobs; to quickly reduce poor households and improve the people s material and spiritual life.

To closely combine socio-economic development with firm maintenance of defense and security and protection of the eco-environment. To strive to develop Quang Ngai into a developed province in the central key economic region by 2020.

2. Specific objectives a/ Economic targets:

- To strive to reach an annual average economic growth rate of 14% during 2011-2015 and about 12-13% during 2016-2020. The province s per-capita GDP calculated at 2007 prices will be USD 2,000-2,200 by 2015, and USD 4,300-4,500 by 2020;

- To carry out economic restructuring towards increasing the share of the industrial and service sector while gradually reducing that of agriculture- The industrial and service sector will account for 85- 90% of GDP by 2015, and over 90% by 2020;

- To form a large commercial center in Quang Ngai city and a system of supermarkets in the province s major economic centers. By 2020, the service sector s contribution will account for 32-35% of the province s GDP;

- To implement measures to increase and effectively use local budget revenues so as to increase the percentage of budget revenues in GDP from 13.2% in 2008 to 18% by 2020.

b/ Social targets:

- To strive for the targets that by 2020, 99% of children of eligible age groups will attend primary and lower secondary schools; 70% of primary schools and 70% of secondary schools will reach national standards; 99% of children of eligible age will complete lower secondary education and 35% of children of eligible age GDP to 60% by 2020.

- Petrochemical and refinery:

During 2011-2015: To develop the petrochemical industry and oil products such as liquefied gas (250,000/tons/year) and N-parafin (65,000/tons/year), polystylene plastic (60,000 tons/year), carbon black (50,000 tons/year) and industrial detergents (80,000 tons/year), with a total investment of about USD 250 million. To implement LAB, carbon black, radian rubber tire and PVC and PE plastic projects. To expand the existing oil refinery to reach an output of 10 million tons and prepare conditions for the development of a new petrochemical refinery complex in Dung Quat.

During 2016-2020: To develop a new petrochemical refinery complex and increase the total value of petrochemical products by 1.5-2 times that of 2015 and the sector s added value by 3 times the 2015 s figures.

- Metal processing, metallurgy, shipbuilding and electro-informatics:

To invest in the manufacture of high-class electric-mechanical and electronic equipment to meet export and domestic consumption demands; to process non-standard equipment for the construction of Dung Quat Economic Zone, Van Tuong city and other industrial parks in the region.

To develop the electro-informatics industry along the line of software processing and system integration, aiming to support the development of mechanical and electronic products, equipment and machinery and production lines for local production establishments.

- Agricultural, forestry and fishery product processing:

To modernize production equipment and devices so as to turn out high-quality fishery, forest and husbandry products up to food safety and hygiene standards for export. To strive for the target that the production value of the agricultural, forest and fishery product processing industry wilt account for 14% of the province s industrial production value by 2020.

- Construction materials, ceramics, porcelain and glass:

To make investment to increase the output of the additive processing plant, clinker grinding plant and brick manufacturing plant and build a corrugated iron plant with an output of 1.5 million m2/year and a centrifugal concrete plant of an output of 100 m of concrete pipe/day. To increase the proportion of the sub-sector s production value to 6.2% of the province s total industrial value by 2020.

- Mining:

To invest in new quarries and expand the capacity of quarries in the western area of Doc Soi (Binh Chanh and Binh Nguyen) in Binh Son district; Binh My area, the eastern area of Tra Bong (Tra Son and Tra Phu) and Tinh Hiep; Pho Phong area of Duc Pho district, and Ba Dong area of Ba To district (along national highway 24); and the southern area of Duc Pho (Pho Hoa, Pho Khanh and Pho Thach).

To invest in building a mineral water plant in Binh Dong (Tra Binh commune, Tra Bong district), exploiting Nghia Thuan, Thach Tru and Thach Bich mineral water sources. To invest in the exploitation and processing of other valuable minerals in the locality such as iron, titanium, zinc and rare earth.

- Textiles-garment and footwear:

To increase the output of garment plants by 3-3.5 million products/year. To build a sports shoe plant with an output of 1 million pairs/year and a PE fiber plant with an output of 200,000 tons/year.

- Electricity and water production and distribution:

To invest in building and operating 15 hydropower plants under the province s power plan, paying attention to plants built on Tra Khuc river with a total capacity of 40 MW; Nuoc Trong hydropower plant (16 MW) and Dakring hydropower complex (170 MW).

To further invest in renovating the water supply system and increasing the capacity of the Quang Ngai city s water plant to 45,000 m3/ day; to complete phase-II construction of Dung Quat water plant with a capacity of up to 100,000 m3/day. To invest in building a water plant with a capacity of 33,000 m3/day to serve steel mills.

- Cottage industries and craft villages:

To restore and develop traditional craft villages and improve product quality in order to meet increasing market demands. To adopt and develop new trades such as mushroom growing, bonsai planting, ornamental animal raising, fake flower making, embroidery and lace and making of fine-art articles.

- Development of industrial parks and clusters:

To synchronously develop the province s industrial parks linked with Dung Quat Economic Zone. To fill up Tinh Phong and Quang Phu industrial parks by 2015, and attain an annual growth rate of over 30% for all industrial parks. After 2010, to expand Tinh Phong industrial park by 209 hectares and build a residential quarter for these industrial parks.

To plan the building of industry-cottage industry and craft village clusters on a total area of 560 hectares in different districts to generate some 45.000 jobs. Of these, 4 clusters, namely Sa Huynh (5 hectares), Pho Phong (10 hectares) and Go Hoi (5 hectares) industry and cottage industry clusters and Pho Khanh industrial cluster (5 hectares), will be built in Duc Pho district. In Tu Nghia district, La Ha industrial cluster (50 hectares) and some industrial points will be built in Co Luy and Nghia Thuan. In Nghia Hanh district, Dong Dinh industrial cluster will be expanded from 10 to 30 hectares while a new Da Hai Mount industrial cluster of 5 hectares will be formed in Hanh Phuoc commune. In Binh Son district, 4 industrial clusters, namely Binh Nguyen (20 hectares), Binh Khuong (15 hectares), East Chau O township (10 hectares) and Binh Hiep (20 hectares), will be developed. In Mo Duc district, Quan Lat industrial cluster will be completed and have its area expanded to 20 hectares after 2015. In Son Tinh district, Tinh An Tay industrial cluster and Son Tinh township industrial and craft village cluster will be completed. To expand An Hai industry-craft village cluster on Ly Son island from 1 to 2 hectares.

2. Services: To quickly develop and diversity types of services, increase the share of services in GDP to 30.8% by 2015, and over 32.4% by 2020. Export turnover of goods and services will reach USD 400- 410 million by 2020.

- Trade:

To strive to reach a social retail growth rate of 16-18% during 2011-2015 and 16% during 2016-2020.

During 2011-2015, to complete the building of 189 markets, giving priority to Dung Quat market, Quang Ngai city farm produce wholesale market and Duc Pho market.

During 2016-2020, to build Nghia Chanh farm produce market (in Quang Ngai city) and Son Tinh farm produce market. To build department stores in Quang Ngai city, Dung Quat Economic Zone and Doc Soi and Duc Pho areas. To build 2 import and export depots in Sa Ky seaport and Dung Quat port and 1 - 2 storing yards in the outskirts of Quang Ngai and Van Tuong cities to serve goods circulation in the domestic market. To build a new storehouse of 60,000 m3 and a pier capable of receiving ships of up to 30,000 DWT for Dung Quat port. To build online exchanges, auction centers and supermarkets and develop e-commerce.

- Tourism:

To quickly, stably and sutainably develop cultural-historical tourism, eco-tourism, festival tourism and sightseeing tours so as to attain high economic benefits while investing in the protection and embellishment of the environment and landscape and promotion of cultural traditions and national identities.

To plan the development of 5 major tourism areas, including the central tourism area (Quang Ngai city and surrounding areas), the northeastern tourism area (Van Tuong city and surrounding areas), the southern tourism area (Sa Huynh beach and surrounding areas), southwestern tourism area (Ba To and surrounding areas) and the northwestern tourism area (Tra Bong and surrounding areas), with major tourism attractions being Thien Dang (Khe Hai), Van Tuong, Ba Lang An, My Khe, Sa Huynh and Nuoc Trong-Ca Dam. To develop intra-provincial tours while effectively exploiting inter-provincial tours in combination with eco-tourism resorts and craft villages in mountainous districts.

- Transport:

To invest in and upgrade Sa Ky port and improve transport means to Ly Son island.

To formulate and manage the implementation of a plan on intra-provincial transport and open inter-provincial passenger transport routes. For the immediate future, to encourage the provision of high-quality passenger transport services in a number of routes and, step by step, develop taxi and bus networks from Quang Ngai city to different districts,

- Financial, banking and insurance services:

To intensify the raising of local capital by banks and other credit institutions and increase investment capital for all economic sectors to assure sustainable, secure and effective credit growth.

To promote insurance operations (life and non-life) and other financial services (financial leasing, credit card and financial consultancy services) in association with the development of Dung Quat Economic Zone.

To quickly develop other services such as training, counseling and technology transfer services.

3. Agriculture, forestry and fisheries

To develop agriculture, forestry and fisheries along the line of industrialization, modernization and eco-sustainability so as to supply clean agricultural products competitive on domestic and export markets.

To strongly develop husbandry, aquaculture and husbandry technical services. To combine the development of agricultural production with the assurance of food quality, hygiene and safety. To strive for the target that the agricultural production value per hectare of cultivation land will reach VND 50 million by 2015, and 55 million by 2020. The average food production per person will reach 332 kg by 2015, and 307 kg by 2020. The total living cattle weight will reach 81,000 tons and 130,000 tons by 2015 and 2020, respectively.

To form specialized farming areas such as high-quality rice and clean vegetable growing areas with the application of modem production processes and techniques so as to increase the value of investment per hectare of cultivation land. To apply advanced post-harvest technologies in combination with purchasing goods for farmers. To create more non-agricultural jobs so as to reduce agricultural labor to 40% by 2020.

- To invest in forest development through accelerating afforestation and zoning of forests for regeneration and protection, especially headwater forests. To increase forest coverage to 47-48% by 2015, and over 50% by 2020.

- To invest in building an aquacultural infrastructure system, first of all, Sa Huynh and Sa Can fishing ports and Sa Ky fishing logistics service center; to dredge Cua Dai estuary (Nghia Phu) and prepare and build My A and Cua Dai-Co Luy fishing ports. To plan the building and expansion of Ly Son roadstead and fishing service center up to regional level after 2015.

4. Social affairs

- Population and human resource development

The population of Quang Ngai province will reach about 1.4 million by 2015, and above 1.5 million by 2020. It is estimated that by 2020, agricultural labor will account for only 40.4% of the total workforce. To strive for the target that by 2020, the rates of trained labor and skilled labor will reach 42% and 35-37%, respectively.

From 2015, all key leaders of communes of lowland districts will possess a collegial or university degree while those in communes of mountainous and island districts will acquire an intermediate or higher degree. Leading and managing officials, scientific-technical and cultural-art personnel, public servants and employees will satisfy prescribed criteria and be capable of accomplishing their assigned tasks.

To create 3 8.000-42,000 new jobs every year. To reduce the unemployment rate among people of working age to below 5% by 2010, and below 3.5% by 2020.

- Education and training

To maintain and improve the quality of primary education universalization among children of eligible age. To strive to attain the target that 50% of preschools, 70% of primary schools, 70% of lower secondary schools and 70% of upper secondary schools will, reach national standards.

To ensure that 90% of lower and upper secondary pupils will participate in vocational programs and activities. To resolutely eradicate illiteracy and carry out primary education universalization among laborers aged up to 35 and open distance training courses on a pilot basis according to regulations.

To complete the building of Vietnam-South Korea-Quang Ngai vocational college, Duc Pho vocational secondary school and Dung Quat high-tech job-training center which will be upgraded into a job-training school when conditions permit. To build regional-level vocational establishments and job-training centers in 6 mountainous districts.

To coordinate with the Ministry of Finance in establishing the Finance-Accounting University on the basis of the existing Finance-Accounting College. To increase investment in upgrading the physical foundations of Pham Van Dong University and Ho Chi Minn City Industrial University branch.

- Health and public healthcare services

To train and re-train health workers so as to improve their professional qualifications and ethics as well as the capacity of managing and using modern equipment and facilities.

To further develop intensive techniques in provincial-level hospitals. By 2115, an endocrine hospital and an ophthalmic hospital will be built while a provincial oncological hospital will be built after 2015. To expand and upgrade the Medical Secondary School into a medical college.

- Culture, physical training and sports

To strive for the target that by 2015, 90% of families, 80-85% of villages and street quarters and 95% of offices and schools will reach cultural standards; all district- and commune-level radio stations will be consolidated, updated and equipped with modern devices; all districts and cities will have cultural and sports centers, libraries, sports grounds, tradition houses and recreation centers and mobile information teams; all cultural houses in districts and cities will be repaired and upgraded to meet the requirements of cultural and information activities.

By 2020, 70% of villages and street quarters will have cultural houses; all townships, communes and wards will have cultured villages or street quarters; all families, 90-95% villages and street quarters and all offices and schools will reach cultural standards.

- Science and technology

To raise investment capital from all economic sectors for science and technology development for the target that by 2020, science and technology will actually become a productive force of the local economy. To build a number of research and application centers to serve socio­economic development, first of all, a center for research into and application of agricultural, forestry and fishery techniques.

To promote information technology universalization, expand connection to the Internet and other local-area networks. To develop such technical services as measurement and technology appraisal and increase the state management of product registration and combat against fake goods. To increase intellectual property protection (protection of trademarks and industrial designs) for products manufactured in the province.

- On social policies and hunger eradication and poverty alleviation

To synchronously, comprehensively and effectively implement hunger eradication and poverty alleviation programs and projects; to increase resodrces through raising funds from all economic sectors and accelerate hunger eradication and poverty alleviation; to concentrate investment for 6 poor mountainous districts; to provide housing support for households of social policy beneficiaries and poor households: to boost production development and step by step improve the living standards of people in poor communes. To build and develop a social welfare network, further implement social policies and combat social evils.

- On radio and television broadcasting

To strive to expand the province s radio and television broadcasting coverage via satellite to every comer of the province, including the East Sea area, so that all households will have access to radio while 90% and 80% of households can watch terrestrial television and satellite television, respectively. To synchronously develop and modernize the province s radio and television station.

5. Infrastructure development

a/ Transport:

Roads: To invest in the upgrading of the province s main longitudinal routes (7 roads) and latitudinal routes (3 roads) up to at least g Trade-III standards or grade-IV standards, for mountainous areas. AII urban roads will be covered with asphalt or cement concrete; district roads will reach grade-IV or -V standards while commune roads will reach grade-V standards. Roads to village centers will reach grade-A or -B standards,

To upgrade provincial roads up to grade-IV standards. Particularly, provincial roads 623 and 625 (the section from km 4 to km 26 + 800) will be upgraded to grade-III standards during 2011-2020. To plan the upgrading of the provincial road running from Dung Quat through Tra Bong, Tra Thanh, Tra My and Tac Po to Ho Chi Minh Road into a national highway.

To make investment to attain the target that 90% of district roads, 70% of commune and inter-village roads will be covered with asphalt or cement concrete. To plan the upgrading of the road running from the district capital of Ba To through Ba Trang and Pho Ninh to national highway 1A into a provincial road after 2010.

To upgrade urban roads up to regional roads of grade-III urban centers after 2010 and of grade-IV urban centers by 2020.

To build one provincial coach station up to grade-I standards in Quang Ngai city, Son Tinh coach station (North Quang Ngai coach station) up to grade-HI standards, 12 coach, stations up to grade-IV standards in district capitals and bus stops in mountainous districts inter-commune centers. To form a mass transit network.

- Waterways: To upgrade and renovate the waterway routes from Chau O-Sa Can to Ca Du hydropower plant (Tra Bong river) and from Cua Dai to Thach Nham irrigation dam "(Tra Khuc river). To exploit inland waterway routes along Kinh Giang, Ve and Tra Cau rivers and Sa Ky-Ly Son route as planned.

To build Dung Quat port into a regional special-use port and container depot as planned and, at the same time, study and plan the building of Dung Quat II deepwater port capable of receiving ships of up to 26,000 DWTand with a capacity of 30 million tons/year by 2020 and Sa Ky port (Tinh Ky commune) with a designed capacity of receiving ship of up to 2,000 DWT and with a capacity of 300.000-400,000 tons/year by 2020. To plan the building of small-sized wharves such as Co Luy (multi-purpose wharf), Ly Son (fishing port), Sa Huynh (fishing port), Ly Son military wharf (docking wharf), My A port (multi-purpose port) and invest in the phase-II building of technical infrastructure facilities of Ly Son storm shelter.

- Railway: To build a 1,435 mm-gauge railway route to Dung Quat port, taking Tri Binh station as a transitional station or connecting the North-South railway to the railway to Dung Quat port. To upgrade and expand Binh Son and Duc Pho stations with 4 platforms and Quang Ngai station into a regional station with 6 platforms.

- Airway: To upgrade Quang Ngai military airfield into a dual-purpose airfield which will also be used for taxi flights to serve socio­economic development activities. To invest in the restoration of Ly Son airport to accommodate helicopters for socio-economic development as well as defense and security purposes.

b/ Power supply

To maintain electricity sources and ensure the quality of electricity networks to meet the province s power demand. To take the use of natural advantages to build some medium- and small-sized hydropower plants or make use of wind power and solar power to supply electricity for deep-lying and remote areas and island communes not covered by the national power grid. To study and install solar panels and build a 8-MW thermopower plant on Ly Son island;

c/ Information and communications

To develop 30 new post agents in new industrial parks and residential quarters; 4 post agents in Pho Phong industrial park and 5 service points in Tinh Phong and Quang Phu industrial parks. To build 129 new commune post-culture points in communes without these facilities. To expand the mobile phone coverage to every commune and make universal telephone and Internet services. The telephone density will be 114 phone sets/100 persons by 2015, and 130 phone sets/100 persons by 2020.

During 2011-2015, to build over 250 km of optical fiber cables and install 159 more base receiver stations; during 2016-2020, to complete the building of an underground cable network in replacement of overhead cables in residential area and clusters and industrial parks while all communes will have optical fiber cables. All communes, upper secondary schools and health establishments will have access to internet services, 25-30% of the population will use Internet and basic e-government services, G2B, G2C, G2G B2B and B2C services will be successfully provided.

d/ Water supply and drainage and wastewater treatment:

To renovate the water supply system and increase the capacity of Quang Ngai city s water plant to 45,000 M3/day and Dung Quat water plant to 100,000 M3/day and build a water plant of a capacity of 33,000 m3/day to serve the iron processing industry. To conduct additional surveys and plan the development of water supply systems in new urban centers and industrial parks.

To further build large reservoirs so as to complete Thach Nham irrigation and flood mitigation system and Nuoc Trong reservoir in support of Thach Nham system. To build Chop Vung irrigation reservoir and plan the building of sea dikes (Quang Ngai-Kien Giang sea dikes) along Dung Quat-Sa Huynh coastline which will also serve transport.

To review regional flood control plans, focusing on flood prevention, and allocate capital for the construction and upgrading of major upstream irrigation works. To elaborate plans on the use of water from major river systems and work out detailed plans on response to water-related disasters by building anti-disaster facilities in some key areas.

To invest in the construction and operation of wastewater treatment systems in industrial parks, industrial clusters, industrial production establishments, urban centers and populous areas. To ensure that by 2015 and 2020, 65% and 75% of industrial wastewater will be treated up to current prescribed standards.

IV. ORIENTATIONS FOR TERRITORY-BASED DEVELOPMENT

1. Development of urban networks

To expand Quang Ngai city toward Son Tinh district, covering 6 communes and Son Tinh township of Son Tinh district and 2 communes of Nghia Ha and Nghia Phui in Tu Nghia district. The city will border on the East Sea to the east and on Da Nang-Quang Ngai expressway to the west.

By 2015, Quang Ngai city will reach grade-II urban standards and by 2020, its infrastructure facilities will be completed while its urban landscape will be embellished into a modern coastal city in Central Vietnam.

To develop Van Tuong city into a coastal industrial-service-tourism urban center, the center of the expanded Dung Quat Economic Zone with beautiful landscape, modern architecture imbued with national traits and synchronous and modern infrastructure on par with other major urban centers in Central Vietnam. Duc Pho township will be developed into a town by 2015, serving as an economic, cultural and tourism hub of the province s southern area. Doc Soi township will become a grade-IV urban center by 2015, while Chau O township will reach some fundamental criteria of grade-lV urban centers by 2020.

To form and develop the new district townships of Son Tinh, Tra Cau. Thach Tru and Sa Huynh. By 2020. to establish Nam Song Ve and Pho Phong townships.

2. Development of motive territorial areas

- Dung Quat Economic Zone and Binh Son district

To plan the expansion of Dung Quat Economic Zone, increasing its land area from the current 10,300 hectares to 45,332 hectares so as to form an open industrial city and a national petrochemical and oil refinery center (with an output of 10 million tons/year) in close association with Dung Quat II deepwater port, Chu Lai international airport. Dung Quat Economic Zone will be an economic center of Quang Ngai province within the central key economic region and play an important defense role in Central Vietnam and the Central Highlands in the future.

- Quang Ngai city

Quang Ngai city, with modern commercial, tourism and financial infrastructure facilities, will become an important transport hub and economic center of Central Vietnam in trade, services and tourism, serving as a major logistics center for the formation and development of Dung Quat Economic Zone.

- Thach Tru-Sa Huynh route of Mo Duc and Duc Pho districts

To be developed with farm produce and food processing, aquaculture, construction materials, cottage industries, craft villages and tourism as key sectors, paying special attention to inter-provincial cultural and historical tourism in combination with tourism routes in Central Vietnam and the Central Highlands.

- Son Ha mountainous socio-economic center

To develop Son Ha urban center up to grade-IV standards by 2020 to become a core economic territory of 6 mountainous districts on the basis of bringing into full play the advantages of mountainous econo-technical corridors in the province s western area. To step by step form a system of medium- and fairly large-sized processing establishments, cottage industries and traditional trades so as to create jobs and increase incomes for mountainous people up to the average level of mountainous central provinces.

3. Socio-economic development of sub-areas

- To effectively achieve objectives identified in Project 30a on sustainable hunger eradication and poverty alleviation in 6 mountainous districts, step by step improving the economic conditions of the whole western area of the province. To reduce the rate of poor household to below 10% by 2015, and below 8% by 2020. To reduce the rate of agricultural labor to below 60% by 2015, and about 50% by 2020. The percentage of trained labor will surpass 40% by 2015, and 50% by 2020. Ail communes and a majority of villages and hamlets will be accessible all year round and have electricity for daily-life activities, education, healthcare and cultural services.

To universalize lower secondary education by 2015; to reduce the child malnutrition rate to below 16% by 2015 and 13% by 2020. The area s forest coverage rate will reach 58% by 2015 (the whole province s figure will be 47-48%) and over 63% by 2020 (the whole province s figure will be 50%).

- To strive for the target that by 2020, contributions from the marine economy and coastal districts will account for over 80% of the province s GDP and 85- 90% of export turnover. The average per-capita income of coastal and island districts will be twofold the province s figure.

- To develop Dung Quat Economic Zone into an open industrial city with special administrative and economic institutions so as to attract foreign investors with large-sized projects and modern technologies and, at the same time, apply international administrative institutions to lay a foundation for the formation of a central coastal corridor from Chan May to Da Nang and Dung Quat.

- By 2015, Sa Huynh tourism-economic-cultural center will be developed into a provincial and national cultural research and archeological center, a trade-service-tourism center with an international film studio and a cluster of industries and cottage industries with such sectors as shipbuilding and seafood processing.

- To develop Dung Quat-Sa Huynh coastal economic corridor which is adjacent to Chu Lai Economic Zone in Quang Nam province. The 110 km-long corridor will, from the starting point at Dung Quat Economic Zone, run southward along the coastline to Binh Dinh province at Tam Quan, thus linking the regional and national marine economies.

- To develop Thien Dang, Van Tuong, Ba Lang An, My Khe, Sa Huynh and Ly Son marine eco-tourism resorts and coastal tourist sites such as Son My relic, Co Luy-Co Thon site and Ong

pagoda.

- To build Tra Bong river, Sa Huynh and Tinh Ky fishing ports and fishing service centers. To elaborate a plan on the building of Tu Nghia fishing wharf and fishing service center. To build Ly Son roadstead and fishing service center.

- To plan the development of Ly Son island into a green, clean and beautiful tourist island with fishing activities. To build on the island complete infrastructure facilities together with a natural disaster warning and rescue station, a roadstead and a military airfield to serve defense and security tasks.

V. PROGRAMS AND PROJECTS PRIORIZED FOR INVESTMENT

(See attached appendix)

VI. MAJOR SOLUTIONS FOR IMPLEMENTING THE MASTER PLAN

1. Raising of investment capital

The total investment capital demands of the 2010-2015 and 2016-2020 periods will be about VND 158 trillion and VND 279 trillion, respectively.

To raise investment capital for the implementation of the master plan, the province should closely coordinate with ministries and central branches right at the stage of planning so as to ensure that the province s key works and projects, especially those related to transport, irrigation, defense and security, will be fully included in development plans associated with capital plans for relevant programs and projects.

To diversify forms of investment; to further step up administrative procedure reforms for an open investment environment; to adopt attractive mechanisms and policies and boost investment promotion and create favorable conditions to attract foreign direct investment projects and all economic sectors to invest in production and business development and, at the same time, encourage operational projects to expand their production scale.

To implement measures to encourage investment in export production; to raise capital from the land fund and effectively utilized raised capital for the building of socio-economic infrastructure works. To strive for the target that credit capital, joint-venture capital and association capital raised from other localities and the population will meet 31% and 35.2% of the total capital demands of the 2011-2015 and 2016-2020, respectively. Foreign direct investment capital is projected to account for 15% and 42% of total investment capital during 2011-2015 and 2016-2020, respectively, with a total investment of over VND 113 trillion, equivalent to USD 7.2 billion.

Apart from state budget capital, to encourage enterprises to make investment in BT, BOT, BTO and other forms so as to lure investment capital for infrastructure development and, at same time, integrate target programs and national programs carried out in each area, prioritizing capital of these programs for difficulty-stricken areas, ethnic minority areas and former revolution bases.

To work out solutions for effectively using long-term investment capital while reserving credit capital from the national investment support fund for some priority production and business establishments, especially profitable enterprises in priority sectors.

2. Human resource training and development solutions

To continue implementing proper incentive policies for qualified cadres working in the province and its mountainous and island districts. To support the training of human resources for small- and medium-sized enterprises through funding entrepreneur training and short-term job training and paying recruitment costs.

To raise more funds from all economic sectors for healthcare, education and training, job-training, cultural and sports activities. To improve physical foundations for the health sector, improve medical ethics and expand the coverage of voluntary health insurance. To form, develop and expand social insurance and then implement unemployment insurance.

3. Infrastructure development solutions

To make intensive investment in important infrastructure facilities of Dung Quat Economic Zone, industrial parks, Van Tuong, Quang Ngai, Duc Pho and coastal urban centers.

To attach importance to building transport and irrigation works important to production, tourism infrastructure, Dung Quat Economic Zone infrastructure and infrastructure facilities in industrial parks and populous residential areas with a combination of state budget capital, credit capital, advance capital of investors and joint-venture and contributed capital of commercial infrastructure operators. To make specific plans on investment in environmental infrastructure facilities in association with the Government s project on building Quang Ngai-Kien Giang sea dike.

4. Mechanisms and policies

To improve the production and business environment, develop new markets, especially import and export markets, boost operations of the economic zone and timely disseminate economic information, especially those on mechanisms and policies. To increase market inspection and control and combat smuggling, fake goods production and trading and trade frauds in the locality.

To increase and diversify investment promotion activities, propose mechanisms and policies for the development of motive economic areas, services, tourism, finance and human resource training.

To implement detailed land use plans on the basis of rationally utilizing land funds for economic, social and defense and security purposes while assuring sustainable eco-environ-ment, social safety and security and defense.

5. Science-technology and environment solutions

To elaborate and implement a program on supporting enterprises in modernization and technology renewal. To diversify partners and forms of scientific and technological cooperation between the province and science and technology agencies.

To assign forests and forest land under plans for sedentarization purposes and integrate these plans with programs on hunger eradication and poverty alleviation and development of forestry farms and farm economy. To pay attention to environmental protection requirements in master plans and large-sized investment projects, supervise the process of wastewater, garbage, dust and noise treatment in industrial parks, hospitals and urban centers.

6. Coordination with provinces in the central key economic region and the Central Highlands

To coordinate with other provinces in infrastructure development such as in the building of Da Nang-Quang Ngai and Quang Ngai-Nha Trang expressways and the Dong Truong Son Road s section running through the province; to coordinate with Central Highlands provinces in upgrading national highway 24 and with Quang Nam province in upgrading Dung Quat-Tra Bong-Tra My road. To coordinate with other provinces in using economic and social infrastructure facilities of the economic zones in the central key economic region such as seaports, airports and electricity supply systems.

To cooperate in developing tourism routes, building product introduction centers, carrying out trade promotion activities, in training and technology research and transfer and in healthcare and medical examination and treatment. To coordinate with other provinces in improving the capacity of exploiting the system of irrigation works in the locality.

7. Solutions for defense and security assurance

- To build a number of defense works, including provincial- and district-level military headquarters and the systems of roads to these military headquarters which will also facilitate economic development in adjacent areas.

- To build defense works in Ly Son district under the East Sea-island program. These works include a military airfield and port, storehouses, roads and protection embankments and other important works.

- To build coastal defense works (roads and technical logistic bases) and provincial- and district-level combat facilities for defense and security purposes in association with economic development in surrounding areas.

8. Organizing and directing the administration and management of socio-economic development

To publicize and disseminate the master plan after it is approved; to review and elaborate branch and sectoral plans and detailed plans. To concretize the master plan into five-year and annual socio-economic development plans. To supervise and inspect the implementation of development investment under planning.

To further promote administrative reforms so as to develop a neatly structured and non-corrupt administrative staff capable of serving people.

To enhance association among branches, localities and investors in achieving socio­economic development targets, ensuring proper and effective state intervention in development activities.

VII. ORGANIZATION AND SUPERVISION OF THE IMPLEMENTATATION OF THE MASTER PLAN

1. Publicization and dissemination of the master plan

- To publicize and disseminate the master plan on socio-economic development of Quang Ngai province through 2020 to Party committees and administrations of all levels, branches, associations, enterprises and people in the province.

- To widely introduce the province s potential, advantages and prioritized programs and projects to investors.

2. Elaboration of action programs

- After the master plan is approved by the Prime Minister, the province shall elaborate an action program for the implementation of the master plan,

- To concretize objectives identified in the master plan into five-year and annual plans for effective implementation of the master plan.

- Authorities, branches, socio-economic organizations and people shall inspect and supervise the implementation of the Master Plan.

Article 2.To assign the People s Committee of Quang Ngai province to base itself on socio­economic development objectives, tasks and orientations set in the master plan, assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned ministries and branches in, directing the elaboration, submission for approval and implementation of the following documents:

1. Master plans on socio-economic development of districts and concerned units; a plan on development of a system of urban centers and residential areas, a construction plan; a land use plan; a plan on development of sectors to ensure comprehensive and coordinated development;

2. Long-term, medium-term and short-term plans; key socio-economic development programs; specific projects for concentrated and prioritized investment in a rational manner;

3. To study, elaborate and promulgate according to its competence or submit to competent state agencies for promulgation mechanisms and policies in conformity with the province s development requirements and laws in each period so as to attract and raise funds for the implementation of the master plan.

4. Propose the Prime Minister to consider and decide on modifications to the master plan in conformity with the socio-economic development situation of the province and the country in each planning period.

Article 3.To assign concerned ministries and central agencies within the scope of their functions, tasks and powers:

1. To assist the People s Committee of Quang Ngai province in studying and making specific plans; study the elaboration and submission to competent authorities for promulgation of mechanisms and policies in conformity with the province s development requirements in each period so as to effectively utilize its resources; to encourage and attract investment in line with socio-economic development objectives and tasks set in the master plan.

2. To study, review and adjust branch development plans and plans on investment in works and projects stated in the approved master plan. To support Quang Ngai province in allocating and raising domestic and overseas capital for the implementation of the master plan.

Article 4.This Decision takes effect on the date of its signing.

Article 5.The chairperson of the People s Committee of Quang Ngai province, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies shall implement this Decision.

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

APPENDIX

LIST OF QUANG NGAI PROVINCE S PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY DURING 2010-2020
(Issued together with the Prime Minister s Decision No. 2052/QD-TTg of November 11, 2010)

No.

Project names

A

PROJECTS INVESTED BY MINISTRIES OR CENTRAL BRANCHES IN QUANG NGAI PROVINCE

1

Da Nang-Quang Ngai expressway project

2

Project on upgrading national highway 24 (Quang Ngai- Kon Turn)

3

La Ha township - Tu Nghia detour project

4

Chau O township - Binh Son detour project

5

Quang Ngai Finance and Accounting University project

B

PROJECTS INVESTED BY THE PROVINCE

I

Projects funded with central budget capital

1

Project on flood drainage on Thoa river

2

Dung Quat-Sa Huynh coastal road project

3

Project on western rescue roads

4

Project on provincial road 623 ( Son Tinh-Son Tay)

5

Project on defense roads on Ly Son island, phase 2

6

Project on Ben Dinh port, Ly Son district

7

Project on sea dikes from Binh Son to Duc Pho

8

Ly Son island storm shelter project

9

Dung Quat Economic Zone fire brigade center project

10

Project on Cua Dai bridge which links with Dung Quat-Sa Huynh coastal road

11

Project on disposal of bombs, mines and explosives

12

Project on Pham Van Dong Memorial site (phase 2)

13

Project on Tri Binh-Dung Quat port road (the trunk road of Dung Quat Economic Zone)

14

Project on Vo Van Kiet road (phase 2) (Dung Quat Economic Zone)

15

Project on the traditional medicine hospital and provincial-level specialized hospitals

16

Project on building residential areas for resettlement and ground clearance for Dung Quat Economic Zone

II

Projects funded with central and local budgets

1

Project on infrastructure of expanded Dung Quat Economic Zone

2

Project on socio-economic infrastructure on Ly Son island to serve economic development and defense and security maintenance

3

Project on My Khe tourism resort and Dang Thuy Tram tourism resort infrastructure facilities

4

Provincial student dormitory projects

5

Project on building 15 roads to commune centers

6

Project on irrigation works and reservoirs in districts

7

Project on building Sa Huynh, Sa Ky, My A and Co Luy fishing ports

8

Project on soil erosion embankments in urban centers and residential areas along Tra Bong, Tra Khuc, Ve and Tra Cau rivers

9

Tinh Phong industrial park infrastructure project

10

Quang Phu industrial park infrastructure project

11

Project on building 72 residential areas prone to storms, floods and soil erosion up to new-countryside criteria

III

Projects funded with local capital

1

Tra Khuc river dam project

2

Quang Ngai city infrastructure project

3

Duc Pho town infrastructure project

4

Quang Ngai-Thach Nham road (provincial road 623B) project

5

Quang Ngai-Minh Long road project

6

Quang Ngai-Co Luy road project

7

Quan Lat-Da Lat road project

8

Project on the northern and southern banks of Tra Khuc river

9

Provincial sports and physical training complex project

10

Provincial administrative center project

11

Provincial youth and youngster center project

12

Industrial cluster infrastructure projects

13

Project on infrastructure of markets in 14 districts and cities

14

Project on continued education centers and job-training centers of districts and cities

C

PROJECTS CALLING FOR INVESTMENT FROM ALL ECONOMIC SECTORS

I

Industrial park infrastructure

1

Pho Phong industrial park infrastructure project

2

Project on building infrastructure works, residential areas and real estate business in Van Tuong city, Dung Quat Economic Zone

II

Industrial sector

1

Project on expanding Dung Quat oil refinery up to 10 million tons/year

2

Project on building a synthetic rubber plant of 40,000 tons/year

3

Project on building a carbon black plant of 350,000 tons/year

4

Project on building an industrial detergent (LAB) plant of 80,000 tons/year

5

Project on building a polyester fiber plant of 45,000 tons/year

6

Project on building a styrene monomer plant of 210,000 tons/year

7

Project on building a grease plant of 50,000 tons/year

8

Project on building a plant for manufacturing 30-50 horsepower (with 2,3 or 4 cylinders) dies el engines

9

Project on building a plant for manufacturing cranes for extra-long and extra-heavy cargoes

10

Project on building a organic fiber-reinforced roofing tile plant of 10 million m2/year

11

Project on building electronic, information and bio-agricultural plants

III

Services and tourism

1

Duc Pho trade center project

2

Van Tuong trade center project

3

Quang Ngai exhibition and fair center project

4

Ca Dam-Nuoc Trong reservoir eco-tourism resort project

5

Nghia Thuan eco-tourism and mud bathing center project

6

Ly Son island tourism project

7

Transport and logistic services for imports and exports

8

Vina-Universal-Dang Thuy Tram tourism resort and film studio project

* Notes: The locations, land areas and total investment levels of the above projects shall be calculated, selected and specified during the elaboration and approval of investment projects, depending on capital needs and capital raising capacity in each period.

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decision 2052/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2612/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Quyết định 2010/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2024 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ kế hoạch và đầu tư thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính sách

Quyết định 2633/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

văn bản mới nhất