QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 140/2007/QĐ-TTg NGÀY 24 THÁNG 8 NĂM 2007
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
QUY CHẾ
Hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh
(Ban hành kèm theo Quyết định số140/2007/QĐ-TTg
ngày24 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Điều 2.
1. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.
2. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có diện tích tự nhiên 21.292 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ranh giới địa lý được xác định như sau:
a) Phía Bắc giáp các xã Long Khánh, Long Giang, Long Chữ của huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông.
b) Phía Nam giáp tỉnh Long An.
c) Phía Đông giáp sông Vàm Cỏ Đông.
d) Phía Tây giáp Vương quốc Campuchia.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm các khu chức năng khác nhau được phân biệt theo các nguyên tắc nhất định để áp dụng các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường khuyến khích đầu tư, kinh doanh thuận lợi phù hợp với cơ chế thị trường, xu thế hội nhập và các quy định của pháp luật.
Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một đô thị cửa khẩu, một trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông Tây tạo động lực cho quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ.
2. Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, góp phần tạo ra động lực mới chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Tây Ninh trong thời kỳ mới, tạo ra khu vực thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng, phát triển kinh tế hướng ngoại, trở thành trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, phát triển sản xuất công nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái.
3. Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, đặc biệt khu vực biên giới và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường xã hội, môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, trật tự an ninh quốc phòng trên cơ sở tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực này với các vùng khác trong cả nước.
4. Là nơi tổ chức thực hiện thể chế, cơ chế chính sách đổi mới, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
5. Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Vương quốc Campuchia.
Điều 4. Chính phủ khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong các lĩnh vực: xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhà ở, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, ... theo quy định của pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Doanh nghiệp Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chịu sự điều chỉnh và được hưởng các ưu đãi tại Quy chế này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 6. Ngoài những quyền được hưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được hưởng các quyền sau:
1. Sử dụng các công trình kết cấu Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài do các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng kinh tế - xã hội cung cấp.
2. Được hưởng các ưu đãi quy định tại Quy chế này.
3. Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đã được đầu tư. Trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích đầu tư ban đầu của dự án thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và tại các tổ chức tín dụng nước ngoài theo các quy định của pháp luật.
Chương II
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI
Điều 8. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài bao gồm các khu thương mại công nghiệp, khu quản lý hành chính, khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu quốc tế, khu đô thị và dân cư, khu du lịch và dịch vụ và khu vực phát triển nông lâm nghiệp. Quy mô, vị trí từng khu được xác định trong quy hoạch chung và chi tiết Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Các quy định về Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong Quy chế này chỉ áp dụng cho các khu vực đã có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khu thương mại công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một phần của khu thương mại đô thị cửa khẩu Mộc Bài có quy mô theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt tại Quyết định số 576/2005/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt điều chỉnh mở rộng quy hoạch chi tiết khu thương mại đô thị cửa khẩu Mộc Bài và có các đặc điểm sau:
1. Có hàng rào cứng bảo đảm cách ly các hoạt động trong khu thương mại công nghiệp với các khu chức năng khác của khu kinh tế cửa khẩu.
2. Trong khu thương mại công nghiệp, không có dân cư (kể cả người nước ngoài) cư trú thường xuyên hoặc tạm trú.
3. Có trạm kiểm soát để giám sát, kiểm tra người, hàng hóa và các phương tiện vào và ra khu thương mại công nghiệp.
Điều 9. Xuất nhập cảnh và cư trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
1. Nhập cảnh/xuất cảnh của công dân Vương quốc Campuchia (gọi tắt là công dân Campuchia).
a) Công dân Campuchia được vào/ra Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài bằng hộ chiếu, được miễn thị thực nhập, xuất cảnh Việt Nam và được phép lưu trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời hạn không quá 15 ngày. Trường hợp muốn vào các địa điểm khác ngoài Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phải được cơ quan quản lý nhập cảnh, xuất cảnh xem xét cấp thị thực tại cửa khẩu.
b) Công dân Campuchia cư trú tại các tỉnh có biên giới với tỉnh Tây Ninh, được qua lại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài bằng chứng minh thư biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp. Thời hạn được phép tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không quá 15 ngày.
c) Công dân Campuchia vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong cùng một ngày chỉ cần có chứng minh thư do cơ quan thẩm quyền của Campuchia cấp.
d) Công dân Campuchia đi du lịch theo đoàn do các công ty du lịch Việt Nam tổ chức được cơ quan xuất nhập cảnh xem xét giải quyết thủ tục tại cửa khẩu.
2. Nhập cảnh/xuất cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
a) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài vào tìm hiểu thị trường, làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và các thành viên gia đình họ được cấp thị thực nhập cảnh, xuất cảnh có giá trị nhiều lần. Trường hợp vào làm việc đầu tư, kinh doanh sẽ được xem xét cấp thẻ tạm trú, thời hạn của thẻ tạm trú tối đa là 3 năm.
b) Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng hướng dẫn công an tỉnh Tây Ninh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh thực hiện việc quản lý nhập cảnh/xuất cảnh, lưu trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
3. Xuất cảnh/nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Công dân Việt Nam cư trú tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được phép sang Campuchia có thời hạn bằng giấy chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Điều 10. Thủ tục hải quan đối với các phương tiện vận tải vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
1. Các phương tiện vận tải đường bộ của Campuchia và các nước khác vào Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nếu có giấy phép liên vận quốc tế thì chỉ đóng dấu Hải quan, nếu không có giấy phép liên vận quốc tế thì phải làm thủ tục kê khai tạm nhập tái xuất.
2. Phương tiện vận tải của Campuchia và các nước khác vào và ra Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong cùng một ngày chỉ cần xác nhận của Hải quan tại trạm kiểm soát cửa khẩu và phải neo, đỗ ở bến, bãi quy định có sự quản lý của cơ quan chức năng liên quan
Chương III
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP
THUỘC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI
Điều 13. Quan hệ trao đổi hàng hóa và dịch vụ của khu thương mại công nghiệp
1. Khu thương mại công nghiệp là khu phi thuế quan. Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu và nội địa được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài và Việt Nam và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; phải thực hiện các thủ tục hải quan theo Luật Hải quan Việt Nam. Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa khu thương mại công nghiệp với nước ngoài và giữa các tổ chức kinh tế trong khu thương mại công nghiệp được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài với nước ngoài.
2. Các tổ chức kinh tế hoạt động trong khu thương mại công nghiệp được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài tất cả hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.
3. Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong khu kinh tế cửa khẩu và nội địa chỉ được nhập từ khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu, xuất khẩu vào khu thương mại công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu.
Điều 15. Đầu tư vào khu thương mại công nghiệp
Khoản 2 Điều 15 bị bãi bỏ bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 16/2010/QĐ-TTg, Khoản 1,3,4 Điều 15 bị bãi bỏ bởi Khoản 9 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg. Do đó, Điều 15 Quyết định này hết hiệu lực.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Những quy định khác liên quan đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 23. Các cơ chế chính sách ưu đãi theo Quy chế này kể từ ngày có hiệu lực cũng được phép áp dụng cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đã hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đối với phần thời gian còn lại./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng