Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 2019 giải pháp quản lý các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14
Cơ quan ban hành: | Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 792/NQ-UBTVQH14 |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 22/10/2019 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 22/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước.
Theo đó sẽ xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoạt động không hiệu quả và không đúng mục tiêu đề ra, đồng thời sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành thực hiện rà soát văn bản QPPL có liên quan trong quản lý và sử dụng quỹ. Đối với Quỹ BHXH, Quỹ BHYT và Quỹ BHTN, Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để đảm bảo phù hợp với tinh thần của Nghị Quyết 28-NQ/TW.
Các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, xử lý kém hiệu quả nguồn lực Nhà nước tại các quỹ.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 22/10/2019.
Xem chi tiết Nghị quyết792/NQ-UBTVQH14 tại đây
tải Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ----------------------- Số: 792/NQ-UBTVQH14 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------ Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
Về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật
về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước
------------------
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 538/2018/NQ-UBTVQH14 ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 và Nghị quyết số 575/NQ-UBTVQH14 ngày 13/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018”;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 463/BC-ĐGS ngày 22 tháng 10 năm 2019 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước
Cơ bản thống nhất với Báo cáo số 463/BC-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018 ”, cụ thể như sau:
Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được hình thành từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc thành lập và hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước đã được quan tâm, góp phần chấn chỉnh các sai phạm và tăng cường hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng của một số Quỹ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước quy định về nguồn tài chính hình thành, mô hình tổ chức, hoạt động của các quỹ còn phức tạp, thiếu thống nhất và chưa có một văn bản pháp luật mang tính khuôn khổ pháp lý chung để quản lý các quỹ một cách thống nhất. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý Quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong việc quản lý, sử dụng ở một số Quỹ. Nguồn tài chính hình thành một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước; nhiều Quỹ có nhiệm vụ chi trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; dư nguồn lớn tại nhiều quỹ ở cả trung ương và địa phương; quy định về tỷ lệ thu, mức thu và chi thực hiện nhiệm vụ ở một số quỹ chưa hợp lý. Một số chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Số lượng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước tại địa phương còn nhiều làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế; chi cho bộ máy quản lý còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi của một số quỹ. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước chưa được thường xuyên, việc đánh giá hiệu quả của các quỹ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ trương hình thành các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước là đúng đắn, song phạm vi, lĩnh vực, đối tượng áp dụng tại một số thời điểm chưa hợp lý, không bảo đảm cân đối giữa khả năng tài chính với chức năng, nhiệm vụ được thành lập. Việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật chưa kịp thời; chậm sửa đổi những bất cập, hạn chế trong hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng; còn thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Một số quy định pháp luật chưa đảm bảo tính hợp lý, chặt chẽ, thiếu thống nhất, có lúc chậm được sửa đổi hoặc có những nội dung thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước khi áp dụng văn bản pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1. Trên cơ sở Báo cáo số 463/BC-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước. Xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước. Báo cáo Quốc hội xem, xét quyết định đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
2. Sớm nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
3. Chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế và hệ thống pháp luật.
Đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Trung ương về chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội.
4. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và xem xét, sáp nhập để giảm đầu mối.
5. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao năng lực cán bộ nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực của các quỹ có hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch.
6. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn lực nhà nước tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nơi nhận: - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; - Thủ tướng Chính phủ; - Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ; - Ban Kinh tế Trung ương; - VPTW Đảng, VPCTN, VPQH, VPCP; - Thường trực HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; - UBTWMTTQVN, KTNN, TANDTC, VKSNDTC; - Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Thành viên Đoàn giám sát; - Các Vụ, đơn vị thuộc VPQH; - Lưu: HC, GS, TCNS; - E-pas: 87634 | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Nguyễn Thị Kim Ngân
|
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây