Nghị quyết 01/NQ-CP giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước 2021

thuộc tính Nghị quyết 01/NQ-CP

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:01/NQ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyết
Người ký:Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành:01/01/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Phấn đấu tăng GDP bình quân lên 3.700USD/người trong 2021

Ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, phấn đấu trong năm 2021, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 91%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 66%; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42%; GDP bình quân đầu người khoảng 3.700USD; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 6,5% (vượt Kế hoạch 0,5%); tỷ lệ tăng năng suất lao động đạt khoảng 4,8%...

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, thu hẹp các ngành, lĩnh vực kinh doanh do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp công đủ điều kiện. Ngoài ra, việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả cũng được tập trung thực hiện.

Mặt khác, nhằm phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện kiểm soát nhập cảnh, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch... Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển vắc-xin, cố gắng để người dân được tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.

Xem chi tiết Nghị quyết01/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ

_____

Số: 01/NQ-CP

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_____________________

Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2021

 

 

NGHỊ QUYẾT
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

____________

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: số 124/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực, thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới và khu vực, trong khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên. Niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, góp phần tô đậm thành tựu của cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa một số quốc gia, đối tác trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải hàng không. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và được kế thừa những thành tựu quan trọng của 35 năm đổi mới, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu cho đầu tư phát triển, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ... vừa là thời cơ, vừa là thách thức, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

I. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG VÀ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ

Kế thừa những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, với niềm tin, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành như sau:

1. Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ.

2. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tảng trưởng; đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

3. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Huy động, sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường. Nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

5. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, trí tuệ con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược. Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là về giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh, đồng bộ hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án liên kết vùng, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

7. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

8. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội

a) Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác phục vụ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

b) Xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

c) Xây dựng, triển khai quyết liệt, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, các kế hoạch 5 năm trên các lĩnh vực, trong đó có cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính, đầu tư công.

2. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới

a) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới. Kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc-xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc-xin phòng dịch Covid-19 sớm nhất.

b) Chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng, tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí...) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không...

3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế

a) Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 83-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Tăng cường kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với thực thi nghiêm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản có quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, chế độ báo cáo, kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật mới ban hành, bảo đảm chất lượng và giảm thiếu số lượng văn bản ban hành.

b) Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường... để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải phóng các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực.

c) Tập trung hoàn thiện quy định pháp luật, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công.

d) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; phát huy hiệu quả tín dụng chính sách; triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế tín dụng đen và cho vay nặng lãi.

đ) Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước và tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế. Hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử. Ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

e) Công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, nhất là trong dịp Lễ, Tết. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả; có các giải pháp đồng bộ, kịp thời để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

g) Thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn. Triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi; tiếp tục đàm phán, ký kết các FTA với các đối tác. Tăng cường các biện pháp phòng vệ, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

h) Chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam. Nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối thông qua các Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát triển đa dạng, phù hợp các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế và tạo thuận lợi phát triển mạnh thương mại điện tử, tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

a) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan toả.

b) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng miền gắn với phát triển kinh tế nông thôn và bảo đảm đời sống của nông dân, người làm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm hiệu quả và an ninh lương thực vững chắc; đẩy mạnh tái đàn lợn, mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường. Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, thiên tai để chủ động có các biện pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn; nâng cao hiệu quả và tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp. Đầu tư hạ tầng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh nuôi biển, khai thác thủy sản xa bờ gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định và thông lệ quốc tế. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải theo hướng tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức; nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Phát triển thị trường thông tin và truyền thông bền vững; tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

d) Tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án quy mô lớn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

đ) Tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém; củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

e) Tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án ngành công thương.

g) Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật. Từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nền tảng, cốt lõi của Chính phủ điện tử; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, xử lý công việc trên môi trường mạng và họp trực tuyến; triển khai các chế độ báo cáo, chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, kết nối với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Khẩn trương triển khai việc kết nối chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các cơ quan quản lý nhà nước để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành các cấp.

h) Phát triển mạnh và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, có quy mô phù hợp, hiệu quả. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác thị trường nội địa và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

5. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; phát triển manh kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng; phát huy vai trò các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

a) Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, chú trọng phát huy nội lực của nền kinh tế, đồng thời tiếp tục huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

b) Tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; đẩy nhanh thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; tập trung đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư, mở rộng các cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển cả nước. Tiếp tục phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm; đầu tư hạ tầng các khu kinh tế ven biển được xác định ưu tiên phát triển. Phát triển phù hợp hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng khó khăn để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

c) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, tuyệt đối không để thiếu điện. Bảo đảm tăng trưởng điện phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Thực hiện các giải pháp nhằm giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả điện trong sản xuất, truyền tải và phân phối. Rà soát các thủy điện nhỏ và vừa, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các nguồn điện gắn với vấn đề bảo vệ môi trường.

d) Đẩy nhanh việc lập và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn giai đoạn 2021- 2030. Bảo đảm mặt bằng cho thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, hội nhập quốc tế, khai thác chức năng đặc thù các vùng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị lớn. Phát triển mạnh kinh tế biển, bảo đảm cuộc sống người dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

đ) Tăng cường quản lý phát triển đô thị, xử lý hiệu quả các vấn đề giao thông, ngập úng, môi trường và rác thải đô thị. Tiếp tục rà soát, cập nhật hoàn thiện cơ sở dữ liệu đô thị.

e) Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn lực phù hợp cho xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

6. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ

a) Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn. Có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ mới.

b) Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên; bảo đảm an toàn trường học. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước và thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác quản trị nhà trường; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo.

c) Triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường các hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình khởi sự, khởi nghiệp, xúc tiến việc làm cho học sinh, sinh viên.

d) Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ. Cơ cấu lại và tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia. Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, sự tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, phát huy vai trò hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các nguồn lực khoa học công nghệ cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới.

7. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế

a) Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị Trung ương 9 khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ưu tiên nguồn lực cho trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân... Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tăng cường giải pháp quản lý và cung cấp dịch vụ công về gia đình.

b) Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện thể dục, thể thao ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao, nâng cao trình độ, thành tích của thể thao thành tích cao; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tốt việc đăng cai SeaGames 31 và ASEAN Para Games 11.

c) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung theo dõi, quản lý sức khỏe người dân, tăng cường khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng; nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng, chống và điều trị dịch, bệnh. Bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Nâng cao chất lượng tiêm chủng, khám, chữa bệnh, đổi mới đào tạo nhân lực y tế, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế, tăng mức hài lòng của người dân. Kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường phân cấp, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và bà mẹ, trẻ em.

d) Triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm bình đẳng về cơ hội tiếp cận. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, chính sách hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Hỗ trợ tạo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc cho lao động trong khu vực phi chính thức, nhóm lao động yếu thế. Tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; bảo đảm an toàn lao động. Nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

đ) Hoàn thiện phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều gắn với các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Tăng cường vận động, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo theo hướng bền vững, bao trùm, tăng khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

e) Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm thanh toán chi trả thuận lợi, an toàn, khuyến khích chi trả thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ và nghĩa trang liệt sỹ. Đẩy mạnh các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động nguồn lực trong xã hội cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chăm sóc tốt hơn đời sống của người có công với cách mạng, nhất là hỗ trợ về nhà ở.

g) Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, chi trả chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội cho người dân. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở thương mại giá thấp.

h) Thực hiện tốt quyền trẻ em, các Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn. Tăng cường truyền thông về thực hiện quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm mạnh tỷ lệ trẻ em bị đuối nước. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em từ trung ương đến địa phương. Tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thanh niên năm 2020. Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử. Đa dạng hóa truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình.

i) Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc; triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các nhiệm vụ về công tác dân tộc trong tình hình mới.

k) Làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là ở cấp cơ sở; nghiên cứu chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, phát triển kinh tế, xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại tôn giáo. Bảo đảm an ninh trong tôn giáo, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch.

l) Tiếp tục xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát động và thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội.

8. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

a) Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các quy định, trình tự, thủ tục chưa rõ ràng, chồng chéo, bảo đảm đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, nhất là trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, nước, tài nguyên thiên nhiên. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai, thực hiện kết nối liên thông với cơ quan thuế. Đẩy mạnh giải quyết, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Tăng cường công tác điều tra và đánh giá rừng và tài nguyên nước. Quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao độ che phủ và chất lượng rừng. Tăng cường hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước gắn với chiến lược an ninh nguồn nước; bảo đảm cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho nhân dân, nhất là người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

b) Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Kiểm soát chặt chẽ môi trường các khu công nghiệp, làng nghề. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Thúc đẩy, thu hút đầu tư, xử lý tái chế rác thải bằng công nghệ chế biến, công nghệ sinh học thay cho chôn lấp trực tiếp. Khôi phục môi trường các lưu vực sông; cải thiện môi trường không khí ở đô thị; bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đặc hữu.

c) Tích cực triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu xây dựng giải pháp tổng thể phòng, chống thiên tai ở các vùng chịu nhiều rủi ro thiên tai; tập trung nguồn lực cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng bản đồ cảnh báo vùng có nguy cơ trượt lở, sụt lún ở tỷ lệ lớn. Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; tăng cường truyền thông và nhận thức cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hoàn thiện công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; tổ chức có hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo

a) Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước phù hợp theo ngành và lĩnh vực bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương. Rà soát, kiện toàn các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ việc sắp xếp, điều chỉnh, thành lập mới và phân loại đơn vị hành chính các cấp.

b) Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai Đề án cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước, Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng bồi dưỡng công chức theo các ngạch, bậc, tiêu chuẩn chức danh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển và thi nâng ngạch công chức, bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

c) Tiếp tục chú trọng cải cách thủ tục hành chính; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Đẩy nhanh tiến độ và triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 của Chính phủ. Tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng tập trung đầu mối, phân định rõ thẩm quyền, chuyển mạnh từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

d) Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác thi hành án dân sự, hành chính. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài. Tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó tập trung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.

đ) Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp, bảo đảm khách quan, đúng quy định. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Tăng cường phối hợp, hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.

e) Đẩy mạnh, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị; cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền... Đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng. Tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của các bộ, ngành, địa phương.

g) Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

h) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

10. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước

a) Chủ động làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược; nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách và xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, biên giới, biển đảo, an ninh chính trị; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tăng cường các nguồn lực thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân đội; bảo đảm quốc phòng, an ninh kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trên các tuyến biên giới, biển đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm. Duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, các địa bàn trọng điểm và không gian mạng; bảo vệ an toàn hoạt động vùng kinh tế biển; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm - cứu nạn. Đẩy mạnh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm; tăng cường phòng chống cháy nổ, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. Triển khai có hiệu quả Luật Cư trú sửa đổi; sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn với việc chuyển đổi phương thức quản lý cư trú bằng hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử. Sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

b) Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước, trọng tâm là bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

c) Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển đất nước. Thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước và các đối tác, nâng tầm đối ngoại đa phương. Tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc. Phát huy tốt vai trò tích cực, đi đầu trong ASEAN, tham gia chủ động, có trách nhiệm trên các diễn đàn quốc tế, khu vực khác. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân. Tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19. Đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh của Việt Nam, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội đối với hoạt động hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

11. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân

a) Tập trung thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên, có tác động lan tỏa tích cực, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước. Thực hiện nghiêm cơ chế phát ngôn, tăng cường kỷ cương hoạt động báo chí, kịp thời phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, không để đối tượng thù địch lợi dụng. Đấu tranh ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, vi phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

b) Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; thực hiện tốt công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở, thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Quán triệt phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và khẩn trương khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Kết luận Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, các Nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình.

b) Trước ngày 20 tháng 01 năm 2021, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này và các phụ lục kèm theo; trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ (bao gồm nhiệm vụ chủ trì và nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện), tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2021.

c) Các bộ, cơ quan ngang Bộ theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có các giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; định kỳ hàng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cập nhật kịch bản tăng trưởng chung của quốc gia.

d) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện những chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn xảy ra trong năm.

đ) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tại Phụ lục số 1 và Phụ lục số 3, các nhiệm vụ tại Phụ lục số 4, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

e) Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 11 năm 2021 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 12 năm 2021.

2. Các bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết này.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- UB Giám sát tài chính QG;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nạm;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;

- Lưu: Văn thư, KTTH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

 

 

 

Phụ lục số 1

CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

 

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ

Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá

1

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

Khoảng 6

Khoảng 6,5

Bộ KHĐT

2

GDP bình quân đầu người

USD

Khoảng 3.700

Khoảng 3.700

Bộ KHĐT

3

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân

%

Khoảng 4

Khoảng 4

Bộ KHĐT

4

Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng

%

Khoảng 45-47

Khoảng 45-47

Bộ KHĐT

5

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội

%

Khoảng 4,8

Khoảng 4,8

Bộ KHĐT

6

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

Khoảng 66

Khoảng 66

Bộ LĐTBXH

- Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ

%

Khoảng 25,5

Khoảng 25,5

7

Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế

%

Khoảng 91

Khoảng 91

Bộ YT

8

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Điểm %

1 - 1,5

1 - 1,5

Bộ LĐTBXH

9

Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung

%

Trên 90

Trên 90

Bộ XD

10

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị

%

Trên 87

Trên 87

Bộ TNMT

11

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

Khoảng 91

Khoảng 91

Bộ KHĐT

12

Tỷ lệ che phủ rừng

%

Khoảng 42

Khoảng 42

Bộ NNPTNT

 
 

Phụ lục số 2

KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC (GDP) NĂM 2021 THEO GIÁ SO SÁNH 2010

(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

 

Đơn vị: %

TT

 

Ngành kinh tế

Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021

Quý I

Quý II

6 tháng

Quý III

9 tháng

Quý IV

Cả năm

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

5,12

7,11

6,22

6,71

6,43

6,67

6,50

1

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

2,95

3,52

3,34

2,34

2,98

2,35

2,78

2

Công nghiệp và xây dựng

7,11

9,75

8,56

8,97

8,77

10,08

9,00

a)

Công nghiệp

7,53

10,25

8,91

8,97

8,93

10,55

9,45

-

Khai khoáng

-4,44

-2,35

-3,28

-3,46

-3,34

-3,96

-3,56

-

Công nghiệp chế biến, chế tạo

8,60

11,56

10,21

10,27

10,23

12,92

11,06

-

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

9,17

13,40

11,30

9,81

10,74

10,33

10,60

-

Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải

8,15

13,83

11,22

9,10

10,41

10,24

10,36

b)

Xây dựng

5,74

7,23

6,63

6,29

6,49

7,78

7,00

3

Dịch vụ

4,27

6,31

5,33

4,86

5,15

6,15

5,48

-

Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

4,00

7,66

5,83

4,85

5,45

5,11

5,33

-

Vận tải, kho bãi

3,01

10,96

7,08

4,03

5,86

5,43

5,72

-

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

2,76

3,17

2,96

1,97

2,57

2,72

2,62

-

Thông tin và truyền thông

4,31

4,38

4,35

4,42

4,37

7,73

5,44

-

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

5,37

6,54

6,04

7,00

6,53

8,33

7,24

4

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

3,48

6,06

4,85

6,04

5,28

6,94

5,80

 
 

Phụ lục số 3

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC NĂM 2021

(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

 

TT

CHỈ TIÊU

Đơn vị

Chỉ tiêu phấn đấu năm 2021

Co' quan chủ trì theo dõi, đánh giá

I

Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô

 

 

 

1

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng

%

< 3

NHNNVN

2

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

%

< 5

NHNNVN

3

Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước

%

15,5

Bộ TC

4

Tỷ lệ nợ đọng thuế

%

< 5

Bộ TC

5

Tăng thu so với dự toán ngân sách nhà nước

%

3

Bộ TC

6

Tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế)

%

61,5

Bộ TC

7

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển

%

28,3

Bộ TC

8

Bội chi ngân sách nhà nước so GDP

%

4

Bộ TC

9

Dư nợ công trên GDP

%

46,1

Bộ TC

10

Nợ Chính phủ trên GDP

%

41,9

Bộ TC

11

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

4-5

Bộ CT

12

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP

%

Khoảng 34,5

Bộ KHĐT

II

Một số chỉ tiêu về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng

 

 

 

13

Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá

%

Tối thiểu 50

Bộ KHCN

14

Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia

Thứ hạng

Trong nhóm 03 quốc gia dẫn đầu của ASEAN

Bộ KHCN

15

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

%

8

Bộ CT

16

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

%

8

Bộ CT

17

Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C

%

20-22

Bộ CT

18

Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử

%

55

Bộ CT

III

Một số chỉ tiêu về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng

 

 

 

19

Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia

Tỷ Kwh

262-269

Bộ CT

 

Tốc độ tăng

%

5,2-8,0

 

20

Điện thương phẩm toàn hệ thống

Tỷ Kwh

226-232

Bộ CT

 

Tốc độ tăng

%

5,6-8,3

 

21

Diện tích nhà ở bình quân cả nước

m2 sàn/người

25

Bộ XD

22

Tỷ lệ đô thị hóa

%

40,5-41,5

Bộ XD

23

Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân

Thuê bao

18

Bộ TTTT

24

Số thuê bao băng rộng di động trên 100 dân

Thuê bao

82

Bộ TTTT

25

Tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh trên số người sử dụng điện thoại di động

%

Trên 90

Bộ TTTT

26

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang

%

60

Bộ TTTT

27

Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động hoặc internet

%

100

Bộ TTTT

28

Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ

%

100

Bộ TTTT

29

Tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận kênh truyền hình thiết yếu qua môi trường mạng

%

Trên 80

Bộ TTTT

30

Tỷ lệ sách xuất bản điện tử

%

10

Bộ TTTT

31

Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 thiết bị thông minh

%

Trên 95

Bộ TTTT

32

Tỷ lệ người sử dụng Internet

%

71

Bộ TTTT

33

Số doanh nghiệp công nghệ số trên một nghìn dân

Doanh nghiệp

0,7

Bộ TTTT

IV

Một số chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội

 

 

 

34

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Người

90.000

Bộ LĐTBXH

35

Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội

%

35

Bộ LĐTBXH

36

Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo thất nghiệp

%

28

Bộ LĐTBXH

37

Tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe

%

60

Bộ YT

38

Tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh)

Tuổi

73,8

Bộ YT

39

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh

Số bé trai/100 bé gái

111,4

Bộ YT

40

Số giường bệnh viện trên 10.000 dân

Giường

28,5

Bộ YT

41

Số bác sỹ trên 10.000 dân

Bác sỹ

9,2

Bộ YT

42

Số dược sỹ đại học trên 10.000 dân

Người

3,0

Bộ YT

43

Số điều dưỡng trên 10.000 dân

Người

13,0

Bộ YT

44

Tỷ số tử vong mẹ trên một trăm nghìn trẻ đẻ sống

Người

45,5

Bộ YT

45

Tỷ suất tử vong trẻ em < 1 tuổi (trên 1.000 trẻ đẻ sống)

13,7

Bộ YT

46

Tỷ suất tử vống của trẻ em < 5 tuổi (trên 1.000 trẻ đẻ sống)

20,4

Bộ YT

47

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi)

%

11,7

Bộ YT

48

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi)

%

21

Bộ YT

49

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng đầy đủ các loại vắc xin

%

>95

Bộ YT

50

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2021-2030

%

50

Bộ YT

51

Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc

%

93

Bộ YT

52

Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế

%

>80

Bộ YT

53

Tỷ lệ người lao động có nguy cơ được quản lý và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

%

25

Bộ YT

54

Tỷ lệ chất thải y tế của bệnh viện được xử lý đạt quy chuẩn

%

91

Bộ YT

55

Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ

%

30

Bộ GDĐT

56

Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo

%

92

Bộ GDĐT

57

Số đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2

số tỉnh

63

Bộ GDĐT

58

Số đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3

Số tỉnh

21

Bộ GDĐT

59

Số đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tỉnh đạt chuẩn mức độ 1)

Sổ tỉnh

50

Bộ GDĐT

60

Số đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tỉnh đạt chuẩn mức độ 2)

Số tỉnh

37

Bộ GDĐT

61

Số đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tỉnh đạt chuẩn mức độ 3)

Số tỉnh

13

Bộ GDĐT

62

Tỷ lệ lượt người được tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục thường xuyên

%

45

Bộ GDĐT

63

Kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ (tỉnh đạt chuẩn mức độ 1)

Số tỉnh

40

Bộ GDĐT

64

Kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ (tỉnh đạt chuẩn mức độ 2)

Số tỉnh

60

Bộ GDĐT

65

Tỷ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sỹ

%

28

Bộ GDĐT

66

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

%

91

Bộ NNPTNT

67

Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới

%

68

Bộ NNPTNT

68

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

%

75

Bộ NNPTNT

69

Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Đơn vị

193

Bộ NNPTNT

70

Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội

%

85-90

Bộ TTTT

V

Một số chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

 

 

 

71

Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ bình quân cả nước (Par-Index)

%

85,5

Bộ NV

72

Chỉ số cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bình quân cả nước (Par-Index)

%

82

Bộ NV

73

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước bình quân cả nước (SIPAS)

%

86

Bộ NV

74

Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước

%

giảm ít nhất là 10% so với số biên chế công chức được giao năm 2015 (của khối Chính phủ quản lý)

Bộ NV

75

Tỷ lệ tinh giản biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước

%

giảm ít nhất là 10% so với số lượng người làm việc được giao năm 2015 (của khối Chính phủ quản lý)

BỘNV

76

Tỷ lệ các bộ, ngành, địa phương triển khai đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính

%

30

VPCP

77

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lên cổng Dịch vụ công quốc gia tăng thêm so với năm 2020.

%

20

VPCP

78

Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công.

%

25

VPCP

79

Tỷ lệ thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

%

50

VPCP

80

Tỷ lệ cung cấp thanh toán trực tuyến đối với các khoản thuế nội địa trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

%

100

VPCP

81

Tỷ lệ các bệnh viện từ hạng 2 trở lên cung cấp thanh toán viện phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

%

50

VPCP

82

Tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cung cấp thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

%

30

VPCP

83

Tỷ lệ đơn vị cấp xã cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính

%

35

VPCP

84

Tỷ lệ bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ đầy đủ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính

%

100

VPCP

85

Tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

%

100

VPCP

86

Tỷ lệ hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ trạng thái trên cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ việc theo dõi, giám sát, đánh giá.

%

100

VPCP

87

Tỷ lệ Hệ thống thông tin báo cáo và phần mềm các chế độ báo cáo của bộ, ngành, địa phương được xây dựng, triển khai và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

%

100

VPCP

88

Tỷ lệ các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

%

50

VPCP

89

Tỷ lệ các chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương không phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương.

%

50

VPCP

90

Tỷ lệ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh kết nối, tích hợp với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

%

100

VPCP

91

Tỷ lệ các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 cung cấp, tích hợp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

%

100

VPCP

92

Tỷ lệ các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng

%

 

VPCP

 

Đối với các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

%

100

VPCP

 

Đối với các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

%

100

VPCP

 

Đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện.

%

80

VPCP

93

Tỷ lệ các địa phương triển khai Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của HĐND và UBND cấp tỉnh.

%

50

VPCP

94

Tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định; chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31 tháng 5 năm 2020

%

10-15

VPCP

95

Tỷ lệ về số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng1

%

70

Bộ KHĐT

96

Tỷ lệ về giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng2

%

35

Bộ KHĐT

_______________________________

1 Tính trên tổng số lượng gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi đủ điều kiện áp dụng đấu thầu qua mạng.

2 Tính trên tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi đủ điều kiện áp dụng đấu thầu qua mạng.

 

Phụ lục số 4

MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC NĂM 2021
(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ)

 

TT

NHIỆM VỤ

Thời hạn trình CP, TTgCP

Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá

I

Nhóm nhiệm vụ về công tác xây dựng, thi hành hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế

 

 

1

Nghị định ban hành quy chế làm việc của Chính phủ (sửa đổi)

Năm 2021

VPCP

2

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ, cơ quan ngang Bộ

Lần 1: Trước 31/5/2021; Lần 2: Trước 30/9/2021

VPCP

3

Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hàn chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP)

Tháng 6

Bộ TP

4

Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm

Tháng 11

Bộ TP

5

Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Tháng 3

NHNNVN

6

Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng

Quý IV

NHNNVN

7

Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Quý IV

NHNNVN

8

Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước

Tháng 3

Bộ TC

9

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

Tháng 6

Bộ TC

10

Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước

Tháng 6

Bộ TC

11

Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu

Tháng 6

Bộ TC

12

Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước

Quý l

Bộ TC

13

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan

Tháng 9

Bộ TC

14

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí

Tháng 7

Bộ TC

15

Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia

Tháng 12

Bộ TC

16

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino

Tháng 12

Bộ TC

17

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế

Tháng 12

Bộ TC

18

Nghị định thay thế Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Tháng 12

Bộ TC

19

Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công

Tháng 3

Bộ TC

20

Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 10/2018/QĐ-TTg về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam

Tháng 1

Bộ TC

21

Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp

Tháng 12

Bộ TC

22

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 7

Bộ TC

23

Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022

Tháng 7

Bộ TC

24

Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 10

Bộ TC

25

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn mới (thay thế Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 trong giai đoạn 2017-2020)

Tháng 7

Bộ TC

26

Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công

Tháng 12

Bộ TC

27

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài sản cụ thể phải mua bảo hiểm cho rủi ro bão, lũ, lụt và lộ trình thực hiện

Tháng 12

Bộ TC

28

Đề án sửa đổi cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Quý IV

Bộ TC

29

Đề án định hướng cải thiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia thời kỳ 2021 - 2025

Tháng 11

Bộ TC

30

Nghị định quy định về việc cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Tháng 1

Bộ TC

31

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (theo quy trình rút gọn)

Tháng 6

Bộ KHĐT

32

Đánh giá định lượng về tác động của EVFTA sau đại dịch Covid đối với các mặt kinh tế - xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp

Quý IV

Bộ KHĐT

33

Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 -2030                b

Tháng 8

Bộ KHĐT

34

 

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24/8/2020 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Quý III

Bộ KHĐT

35

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Quý III

Bộ KHĐT

36

Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Quý l

Bộ CT

37

Nghị định "Sản xuất tại Việt Nam"

Quý IV

Bộ CT

38

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Quý IV

Bộ CT

39

Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Quý III

Bộ CT

40

Nghị định của Chính phủ về quản lý nhập khẩu hàng hóa tân trang theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Quý IV

Bộ CT

41

Nghị định sửa đổi Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản

Tháng 9

Bộ XD

42

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở

Tháng 6

Bộ XD

43

Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in

Quý IV

Bộ TTTT

44

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật bưu chính

Quý IV

Bộ TTTT

45

Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng

Quý IV

Bộ TTTT

46

Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Tháng 5

Bộ YT

47

Hồ sơ Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tháng 10

Bộ YT

48

Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tháng 6

Bộ KHCN

49

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27/2019/NĐ-CP ngày 13/03/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật đo đạc và bản đồ

Tháng 6

Bộ TNMT

50

Hồ sơ Dự án Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi)

Tháng 4

Bộ NV

51

Nghị định của Chính phủ về hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và cơ chế hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí việc làm được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập

Quý IV

Bộ NV

52

Đề án Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành nội vụ giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030

Tháng 12

Bộ NV

53

Hồ sơ Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tháng 5

Thanh tra Chính phủ

54

Nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

Tháng 8

Thanh tra Chính phủ

II

Nhóm nhiệm vụ về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế

 

 

55

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 6

NHNNVN

56

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 9

NHNNVN

57

Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Tháng 4

Bộ KHĐT

58

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 5

Bộ KHĐT

59

Xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam

Tháng 9

Bộ KHĐT

60

Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Quý l

Bộ KHĐT

61

Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2021 -2025

Tháng 5

Bộ KHĐT

62

Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 9

Bộ KHĐT

63

Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quý IV

Bộ KHĐT

64

Đề án Phát triển giống cây lâm nghiệp

Quý IV

Bộ NNPTNT

65

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Quý II

Bộ NNPTNT

66

Đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản

Quý I

Bộ NNPTNT

67

Đề án Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quý l

Bộ NNPTNT

68

Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Quý IV

Bộ NNPTNT

69

Đề án "Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2031 định hướng đến năm 2045"

Quý IV

Bộ NNPTNT

70

Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản

Quý III

Bộ NNPTNT

71

Đề án chuẩn hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và gia tăng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

72

Đề án Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quý IV

Bộ NNPTNT

73

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

74

Nghị quyết của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Quý IV

Bộ NNPTNT

75

Đề án phát triển ngành chế biến rau, củ, quả giai đoạn 2021 - 2030

Quý II

Bộ NNPTNT

76

Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025

Quý II

Bộ NNPTNT

77

Chương trình triển khai chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Năm 2021

Bộ NNPTNT

78

Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030

Quý IV

Bộ CT

79

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quý IV

Bộ CT

80

Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035

Quý IV

Bộ CT

81

Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Quý IV

Bộ TTTT

82

Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quý IV

Bộ TTTT

III

Nhóm nhiệm vụ về huy động và sử dụng các nguồn lực, xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội trọng điểm, tăng cường liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, phát triển đô thị và nông thôn

 

 

83

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 5

Bộ KHĐT

84

Đề án về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW

Tháng 9

Bộ KHĐT

85

Báo cáo về nghiên cứu giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA

Quý IV

Bộ KHĐT

86

Đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quý IV

Bộ KHĐT

87

Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030

Tháng 12

Bộ KHĐT

88

Báo cáo nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng "vốn mỏng", đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng"

Tháng 12

Bộ KHĐT

89

Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

90

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

91

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

92

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

93

Đề án về tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

94

Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030

Quý IV

Bộ NNPTNT

95

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ NNPTNT

96

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Năm 2021

Bộ NNPTNT

97

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có xét đến năm 2045

Tháng 1

Bộ CT

98

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quý l

Bộ CT

99

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quý IV

Bộ CT

100

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tàm nhìn đến năm 2035

Tháng 10

Bộ XD

101

Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ

Tháng 12

Bộ XD

102

Quyết định phê duyệt Định hướng Kiến trúc Việt Nam

Tháng 6

Bộ XD

103

Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quý IV

Bộ TTTT

104

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quý IV

Bộ TTTT

105

Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến Bắc - Nam

Năm 2021

Bộ GTVT

106

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tháng 11

Bộ YT

107

Nghị định của Chính phủ quy định về vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, thuê tài sản, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số

Quý l

Bộ YT

108

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm

Tháng 12

Bộ GDĐT

109

Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quý IV

Bộ KHCN

110

Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập

Qúy IV

Bộ KHCN

111

Quy hoạch mạng lưới trạm Khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tháng 12

Bộ TNMT

112

Quy hoạch Tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tháng 12

Bộ TNMT

113

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Nội vụ

Quý IV

Bộ NV

114

Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không

Quý l

Bộ GTVT

IV

Nhóm nhiệm vụ về nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ

 

 

115

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Tháng 12

Bộ KHĐT

116

Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn

Quý IV

Bộ NNPTNT

117

Đề án nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quý IV

Bộ TTTT

118

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030

Quý IV

Bộ KHCN

119

Đề án "Kế hoạch phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030"

Quý IV

Bộ KHCN

V

Nhóm nhiệm vụ về phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội

 

 

120

Nghị quyết của Quốc hội về giảm nghèo bao trùm đến năm 2030

Quý IV

Bộ LĐTBXH

121

Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 -2025

Quý IV

Bộ LĐTBXH

122

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí huyện nghèo và tiêu chí xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025

Quý IV

Bộ LĐTBXH

123

Đề án liên kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đào tạo, chuẩn bị nguồn lao động

Năm 2021

Bộ LĐTBXH

124

Đề án đưa lao động kỹ thuật, lao động qua đào tạo nghề đi làm việc theo hợp đồng ở các thị trường nước ngoài có thu nhập cao

Năm 2021

Bộ LĐTBXH

125

Đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp

Tháng 12

Bộ LĐTBXH

126

Đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở

Tháng 12

Bộ LĐTBXH

127

Đề án thí điểm đào tạo nâng cao kỹ năng nghề của người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Tháng 12

Bộ LĐTBXH

128

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Năm 2021

Bộ LĐTBXH

129

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển vắc xin phong COVID-19

Tháng 6

Bộ YT

130

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040

Tháng 12

Bộ YT

131

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng

Tháng 9

Bộ YT

132

Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn giai đoạn 2021 - 2030

Quý l

Bộ YT

133

Đề án phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 - 2030

Tháng 11

Bộ GDĐT

134

Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

Tháng 7

Bộ GDĐT

135

Đề án nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông

Tháng 12

Bộ GDĐT

136

Đề án Xây dựng "Xã hội học tập" giai đoạn 2021 - 2030

Quý II

Bộ GDĐT

137

Báo cáo việc tiếp tục triển khai Quyết định số 174/QĐ-TTg, ngày 09/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2017 - 2020

Tháng 3

Bộ NV

138

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

Tháng 3

Bộ NV

139

Báo cáo kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và kiến nghị, đề xuất

Tháng 8

Bộ NV

140

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025

Tháng 3

Ủy ban Dân tộc

141

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030

Tháng 12

Ủy ban Dân tộc

142

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Tháng 6

Ủy ban Dân tộc

143

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Tháng 6

Ủy ban Dân tộc

144

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 6

Ủy ban Dân tộc

VI

Nhóm nhiệm vụ về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đối khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

 

 

145

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030

Tháng 6

Bộ KHĐT

146

Đề án Thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu

Quý IV

Bộ NNPTNT

147

Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Quý IV

Bộ NNPTNT

148

Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam

Quý IV

Bộ NNPTNT

149

Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030

Quý IV

Bộ NNPTNT

150

Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quý II

Bộ NNPTNT

151

Chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045

Quý II

Bộ NNPTNT

152

Chương trình tổng thể Phòng, chống thiên tai quốc gia

Quý II

Bộ NNPTNT

153

Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Năm 2021

Bộ NNPTNT

154

Kế hoạch hành động quốc gia về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

Tháng 5

Bộ TNMT

155

Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040

Tháng 10

Bộ TNMT

156

Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2040

Tháng 10

Bộ TNMT

157

Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tháng 11

Bộ TNMT

158

Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương

Tháng 6

Bộ TNMT

159

Quyết định thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai

Tháng 3

Bộ TNMT

160

Quyết định thay thế Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai

Tháng 3

Bộ TNMT

161

Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025

Tháng 10

Bộ TNMT

162

Đề án Điều tra, đánh giá, lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam

Tháng 11

Bộ TNMT

163

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu.

Tháng 10

Bộ TNMT

164

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Tháng 11

Bộ TNMT

165

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hỗ trợ thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam

Tháng 12

Bộ TNMT

VII

Nhóm nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo

 

 

166

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia

Tháng 3

VPCP

167

Quyết định sửa đổi, bổ sung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

Tháng 5

Bộ TP

168

Quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025

Tháng 9

Bộ TC

169

Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Tháng 9

Bộ KHĐT

170

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước

Quý IV

Bộ TTTT

171

Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước

Quý IV

Bộ TTTT

172

Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

Quý IV

Bộ TTTT

173

Báo cáo Tổng kết thực hiện Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Năm 2021

Bộ NV

174

Chương trình tổng thể Cải cách hành chính

Năm 2021

Bộ NV

175

Nghị định thay thế Nghị định số 90/2012/NĐ-CP ngày 05/11/2012 của Chính phủ về tổ chức các hoạt động thanh tra ngành Nội vụ

Quý IV

Bộ NV

176

Đề án Đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã tại chỗ, kết hợp tăng cường tri thức trẻ trong phát triển bền vững khu vực biên giới

Tháng 11

Bộ NV

177

Đề án Cơ sở dữ liệu của ngành nội vụ

Tháng 11

Bộ NV

178

Đề án Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia giai đoạn II (2021 - 2030)

Tháng 10

Bộ NV

179

Đề án Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước

Tháng 11

Bộ NV

180

Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước lĩnh vực văn thư, lưu trữ đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung thống nhất tài liệu lưu trữ điện tử của các cơ quan nhà nước

Tháng 5

Bộ NV

181

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

Tháng 9

Thanh tra Chính phủ

182

Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030

Tháng 12

Thanh tra Chính phủ

VIII

Nhóm nhiệm vụ về bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế

 

 

183

Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025

Năm 2021

Bộ CA

184

Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Quý IV

Bộ CA

185

Đề án xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam

Quý IV

Bộ CA

IX

Nhóm nhiệm vụ về thông tin, truyền thông tạo niềm tin, đồng thuận xã hội

 

 

186

Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù cho người khuyết tật

Tháng 9

Bộ TP

187

Đề án tổ chức thông tin, phổ biến về chính sách quan trọng trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội

Tháng 12

Bộ TP

188

Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030

Tháng 9

Bộ LĐTBXH

 

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

_______

No. 01/NQ-CP

 

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

_________________________

Hanoi, January 01, 2021



RESOLUTION

On major tasks and solutions guiding the realization of the socio-economic development plan and the State budget estimate in 2021

________________

THE GOVERNMENT

 

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the National Assembly’s Resolutions No. 124/2020/QH14 dated November 11, 2020 on the socio-economic development plan in 202; 128/2020/QH14 dated November 12, 2020 on the State budget estimate in 2021,

 

RESOLVES:

In 2020, in the context of many difficulties and challenges, especially the serious impacts and effects of the Covid-19 pandemic and natural disasters, storms and floods, but thanks to the active participation and high determination of the whole political system, the drastic, timely and effective direction and administration of the Government, the Prime Minister and the efforts of all levels, sectors, people and enterprises under the leadership of the Party, Vietnam has achieved impressive and comprehensive results in all fields, successfully implementing the "dual goal" in both preventing and controlling the Covid-19 pandemic, and for socio-economic recovery and development, ensuring the social security and people's life and health. Our economic growth has reached 2.91%, which is one of the few economies with positive growth in the world and the region, while maintaining macroeconomic stability, controlling inflation, ensuring the major economy. Defense and security are strengthened; social safety and order are guaranteed; Vietnam’s position and prestige in the international arena continued to be raised. The people's belief in the Party and State has been strengthened, creating an atmosphere of excitement in the whole society. The year 2020 is considered a more successful year than 2019 and is the most successful year in the past 5 years with exceptional results and achievements, contributing to highlight the achievements of the entire 2016-2020 term.

The year 2021 has special important implications for Vietnam. It is the year that the XIIIth National Party Congress, the XVth National Assembly election and the People’s Councils election at all levels are held. It also is the first year of implementing the ten-year socio-economic development strategy for the 2021 - 2030 period and the five-year socio-economic development plan for the 2021 - 2025 period according to the Resolution of the Party and National Assembly. It is forecasted that the international and regional situation will continue to develop complicatedly and unpredictably, strategic competition between a number of countries and partners in the world and in the region. The Covid-19 pandemic may not end soon, the negative impacts may last long, affecting many industries and fields, especially investment, trade, services, tourism, and air transport. For Vietnam, in addition to the opportunities, advantages and inheritance of important achievements of 35 years of innovation, impacts of epidemics, climate change, natural disasters, droughts, saltwater intrusion continue to be complicated; the requirements for investment development, prevention and control of natural disasters, epidemics, response to climate change, ensuring social security and strengthening national defense and security are great while resources are limited. New trends in investment, trade, digital transformation, along with rapid changes in business models, production methods, consumption, social communication, science and technology, etc. is both an opportunity and a challenge, which requires us to be absolutely non-subjective, continue to innovate our development mindset, act more drastically and effectively, turn challenges into opportunities with high determination to successfully comprehensively implement the goals and tasks of the plan for 2021, reinforce the confidence of people and enterprises, create a solid foundation for the country to develop rapidly and sustainably in the coming time according to the Resolutions of the Party and National Assembly.

I. GOVERNMENT’S ACTION MOTTO AND KEY DIRECTIONS

Inheriting the important and comprehensive results achieved, promoting the spirit of solidarity and unanimity of the entire political system, with confidence, strong aspirations, determination to overcome difficulties challenges, makes good use of opportunities, strives to exceed the tasks, goals and targets of the socio-economic development plan and the State budget estimate for 2021, creating a solid foundation for the successful implementation of the 5-year socio-economic development plan for the period of 2021-2025, the Government determines that 2021’s action motto is Solidarity, discipline, renovation, creativity and aspiration for development” with 08 key directions as follows:

1. Conduct thorough preparations for successful organization of the 13th National Party Congress, the 15th National Assembly election and the People’s Councils election at all levels for the 2021-2026 term. Act resolutely, with specific action plans and agendas right in the first year of the term to realize the objectives, tasks and solutions laid out in the 5-year Socio-economic development plan (2021-2025 period) and the 10-year Socio-economic development strategy (2021-2030 period).

2. Continue to resolutely, flexibly and effectively pursue the “dual goal” of COVID-19 pandemic containment and recovery in the new normal. Closely, synchronously, effectively coordinate different fiscal, monetary and other policies to appropriately stimulate aggregate demand, remove obstacles in production and sales to foster growth; while maintaining macroeconomic stability, with inflation kept under control and macroeconomic balances secured. Step up the restructuring of the economy in conjunction with renovating the growth model. Closely monitor developments in the domestic and international situation, timely forecast and prepare plans, scenarios, measures and countermeasures with problems and developments that newly arise.

3. Continue to refine and improve the quality of the comprehensive, synchronous, modern and integrated socialist-oriented market economic institutions; effectively handle the relationships between the State, the market and the society, between economic growth and cultural development, social progress, maintenance of social equality and environmental protection. Mobilize and put to use resources according to market mechanisms. Enhance discipline and effectiveness in the process of building and refining the legal system in conjunction with strictly enforcing the law. Renovate and modernize national administration. Build a lean and effective socialist ruled-by-law State apparatus. Improve the effectiveness of the anti-corruption, anti-wastefulness work as well as the handling of appeals and denunciations.

4. Resolutely pursue public administration reform, with a focus on public administrative procedures, ensuring effectiveness and substantiality in conjunction with promoting national digital transformation, the provision of public services to the people and enterprises, the creation of an open and favorable business environment, the vigorous attraction of investment and the promotion of innovative start-up enterprises.

5. Vigorously promote the cultural values and the intellect of the Vietnamese people; igniting the aspiration for national development, the will of self-reliance and national pride. Fundamentally and comprehensively renovate education and training with an emphasis on developing high quality human resources; promote the attraction and the retention of talents. Vigorously develop science and technology, renovate, innovate and digitally transform to create breakthroughs in terms of productivity, quality, efficiency and the economy’s competitiveness. Promote the application and transfer of technology; master some of the new and strategically important technologies. Focus on ensuring the provision of social welfare and the improvement of the people’s living standards. Strengthen management of natural resources, protect the environment, prevent and control natural disasters as well as epidemics and respond to climate change.

6. Continue to refine the system of socio-economic infrastructure, especially with regard to transportation and energy while adapting to climate change; strongly and synchronously develop digital infrastructure, creating a foundation for the development of digital economy and digital society. Accelerate the progress of key national projects and regional connectivity projects, ensuring water security as well as dams and reservoirs’ safety; increase the effectiveness of regional linkages, bringing into play the role of key economic areas and large metropolises.

7. Consolidate national defense and security; promote diplomacy and international integration; maintain independence, sovereignty, territorial integrity and peaceful and stable environment for quick and sustainable development; enhance the prestige of our country in the international arena.

8. Effectively conduct communication work, timely report on and spread information about positive agents to contribute to consolidating faith and creating consensus throughout society. Increase the effectiveness of coordination between different organs of the political system, bring into play the power of the great national solidarity bloc for accomplishment of socio-economic development objectives and tasks that have been set.

II. MAJOR TASKS AND SOLUTIONS

1. Effectively carry out tasks related to organization of the National Party Congress, the elections for the National Assembly and the People’s Councils at all levels; promulgate action plans to promptly implement Resolutions of the Party and the National Assembly

a) Synchronously, timely and effectively carry out the working plans and agendas that serve the purpose of organizing the 13th National Party Congress, the 15th National Assembly election and the People’s Councils election at all levels for the 2021-2026 term.

b) Promptly develop and promulgate action plans and working agendas to carry out the 13th National Party Congress’ Resolution as well as other conclusions or resolutions of the Party and the National Assembly.

c) Develop and then resolutely and effectively realize a number of key tasks and solutions, which includes restructuring the economy, the financial system and public investments.

2. Continue to flexibly and effectively pursue “dual goal” of COVID-19 containment and recovery in new normal

a) Strengthen leadership and step up propagation to raise awareness about pandemic prevention and control; continue to reinforce the state of new normal. Control border and effectively deter external sources of infection. Consider resumption of international commercial flights when the conditions are suitable, ensuring that this meets the requirements of the COVID-19 prevention and control requirement. Accelerate the process of research and international cooperation in developing vaccine and devise a solution so that the people could be vaccinated as soon as possible.

b) Proactively allocate resources to carry out appropriate and timely solutions (which includes solutions regarding credit, finance, state budget, tax, fees …) to remove obstacles and support enterprises as well as workers that have lost their jobs due to the COVID-19 pandemic, especially  in such fields like tourism and aviation transport, etc.

3. Continue to refine socialist-oriented market economy institutions, creating a favorable environment for recovery, fast and sustainable growth through maintaining macroeconomic stability and enhancing resilience of the economy

a) Seriously and effectively realize the Politburo’s Conclusion No. 83-KL/TW dated July 29, 2020 on reviewing the implementation of the 9th Politburo’s Resolution No. 48-NQ/TW on the strategy for building and refining the Vietnamese legal system until 2010, with an orientation towards 2020. Strengthen discipline and increase effectiveness in the process of building and refining the legal system in conjunction with strictly enforcing the law. Closely supervise the promulgation of legal documents, especially documents regarding investment and business conditions, public administrative procedures, the regime of specialized reports and inspection, standards and protocols. Timely promulgate legal documents on detailed implementation of newly-adopted Laws with quality ensured.

b) Review, amend and supplement legal provisions, mechanisms and policies, especially in fields such as state budgets, tax, land, natural resources, environment, investment, construction, commerce, market surveillance … in order to ensure the consistency of the legal system, free up resources for development, creating an open and favorable environment for investments and businesses. Accelerate the development of financial, securities and insurance markets; further manage the enterprises’ bonds market. Develop the labor market in the direction of transparency, competitiveness and integration, with diversity in the methods of linking the labor supply with labor demand, effectively and reasonably putting to use human resources.

c) Focus on refining legal provisions, accelerate the process of implementing the autonomy mechanism and raise the quality as well as the efficiency of public service delivery units. Promulgate the index of public service delivery units that use the state budgets, and of economic-technological quotas to serve as the basis to determine the prices of public services.

d) Proactively and flexibly administer the monetary policies, ensuring systemic safety; closely coordinating them with fiscal and other policies in order to remove obstacles in production and sales, aid economic recovery and growth in alignment with the goal of controlling inflation and maintaining macroeconomic stability. Reasonably administer credit growth in conjunction with raising credit quality, with a focus on prioritized fields; bring into play the effectiveness of social policies credit; carry out solutions to help overcome the consequences of natural disasters and epidemics; closely supervise and control credit in fields with many potential risks. Develop a variety of banking credit services, playing a part in curbing usury.

dd) Bolster the restructuring of the state budget and enhance financial – budgetary discipline, preventing the loss of revenue, transfer pricing and tax evasion, reducing the rate of tax arrears. Modernize the system of taxes, customs and state treasuries, extend the implementation of electronic invoices. Prioritize the allocation of resource towards development; radically cut down on expenditures that are not urgently needed, especially frequent expenditures, reduce expenditures on conferences, domestic and international work trips to a minimum. Review, restructure and renovate the operating mechanisms of state financial funds. Continue to implement the special financial mechanisms for certain administrative organs of the state until salary reform is implemented according to Resolution 27-NQ/TW dated May 21, 2018 of the Party Central Committee. Raise the efficiency in the management and usage of public debts, not letting them affect the national credit ratings.

e) Openly and transparently administer electricity prices, petrol prices as well as other essential goods and services that can affect the people’s production, sales and consumption. Ensure the balance between the supply and the demand of essential goods, stabilizing market prices, especially around holidays and New Year celebrations. Further inspect and strictly handle acts of prices hiking, hoarding goods for speculation, market manipulation and counterfeiting goods; devise synchronous and timely solutions to combat smuggling, commercial frauds and origin frauds, not letting them affect national trade, appropriately protect domestic production and consumption.

g) Promote the expansion and diversification of export and import markets to reduce dependence on a single market. Further promote trade in conjunction with constructing brands for Vietnamese goods. Proactively maintain harmonious trade relations with large partners. Support business networking through digital platforms and exports through large e-commerce platforms. Effectively implement Free Trade Agreements (FTAs) that have been signed; timely support enterprises, especially small and medium sized enterprises to take advantage of incentives; continue to negotiate and sign FTA with partners. Step up the safeguarding measures, build and effectively operate the Early warning system for trade remedies in a manner that aligns with international commitments in order to protect domestic production and support enterprises in dealing with foreign trade remedy litigations.

h) Focus on developing domestic market, stimulating the circulation and consumption of Vietnamese products. Increase the connectivity between production and the market, develop distribution system. Diversify forms of trade infrastructure, harmoniously combining traditional trade infrastructure with modern trade infrastructure. Focus on institutional refinement and create a favorable environment for the vigorous development of e-commerce, step up the management of cross-border e-commerce; timely detect and strictly handle violations in e-commerce activities as well as the sale of e-commerce platforms.

4. Foster economic restructuring in conjunction with transforming growth model and increasing the productivity, quality, efficiency, self-reliance and competitiveness of the economy based on scientific and technological innovation

a) Promote the shift in the industrial composition in the direction of expanding the processing and manufacturing industries while narrowing down the role of manual assembly; focus on developing certain strategic industries, new technologies, high tech industrial production and supporting industries, etc. Focus on strongly developing processing and manufacturing industries along with smart technologies and digital transformation to raise productivity, quality, efficiency and competitiveness. Accelerate the progress of large industrial projects with spillover effects.

b) Restructure the agricultural industry in a manner that is regionally appropriate in conjunction with developing the rural economy and securing the livelihood of agricultural laborers; promote large scale agricultural production in accordance with the needs of the market, increase added value and develop sustainably, apply advanced technologies in conjunction with preservation, processing and consumption that follows the value chain. Encourage the development of green and clean agriculture, ecological agriculture, organic agriculture along with smart and high-tech agriculture, responding to climate change. Appropriately transform the composition of crops and livestock, firmly ensuring efficiency and food security; step up the restructuring of pig herds, promote the practice of implementing the VietGAP agricultural procedure in livestock breeding, ensuring that the breeding process is safe from epidemics, biologically safe and environmentally-friendly. Closely monitor the developments of epidemics and natural disasters so that prevention and damage control measures can be proactively and effectively devised. Promote zoning to regenerate forests and the planting of new forests, prioritizing the planting of large wooden forests; increase the efficiency and growth of the forestry sector. Invest in aquacultural infrastructure, diversify aquatic species and aquaculture methods; promote offshore aquaculture in conjunction with protecting and developing aquatic resources following international regulations and norms. Build the national target program on new rural development for the 2021-2025 period then synchronously and effectively carry out the program once it has been approved by the authorized level of government.

c) Continue to restructure the transportation services industry towards increasing the market share of waterway vehicles and railways; focus on developing multimodal transportation; raise the capabilities and decrease the costs of logistics services. Synchronously and flexibly implement policies to stimulate demand and recover domestic tourism; raise the service quality and develop smart tourism eco-systems. Develop sustainable information and communications market; focus on developing digital technologies enterprises.

d) Build mid-term public investment plans in the direction of raising quality and effectiveness along with concentrating resources in order to accelerate the process of economic restructuring and growth model renovation. Focus on completing and improving the quality of the investment preparation efforts, especially with regards to large projects. Resolutely implement measures right from the beginning of the year to step up disbursement in association with raising the efficiency of public investment capital management and usage; regularly supervise and urge, turning disbursement outcomes into the responsibilities of leaders in organs and units; resolutely cut down on or transfer state budget-funded investment capital held by ministries, branches, localities and projects that disburse slowly to ministries, branches, localities and projects with better disbursement capabilities.

dd) Continue to direct the restructuring of credit organizations, especially those that perform poorly; reinforce and rectify the system of people’s credit funds; increase control over credit quality and limit the incurrence of bad debts, especially in the midst of the COVID-19 pandemic’s complicated developments. Further inspect and supervise credit organizations’ activities, especially when it comes to fields with potentially high risks.

e) Continue to review and appropriately narrow down the range of industries and fields that the State holds 100% of capital. Refine mechanisms and policies, step up the process of restructuring, equitizing and divesting state capital from enterprises as well as equitizing public service delivery units that could meet the conditions. Build and implement management frameworks that follow international standards in state-owned economic groups, corporations and enterprises. Strictly maintain discipline with regards to the management and usage of state investment capital and state-owned properties at enterprises, ensuring openness and transparency. Increase effectiveness in the coordination between the Commission for the Management of State Capital at Enterprises (CMSC) and relevant ministries, branches or organs. Focus on thoroughly handling inefficient, loss-making projects, especially projects in the field of industry and commerce.

g) Promote comprehensive digital transformation, build and refine the legal framework for new forms of businesses, the digital economy and the provision of public services. Promulgate regulatory sandboxes for new products, solutions, services, business models and technologies, such as: the sharing economy, the night time economy, smart metropolises, etc. timely meeting the developmental needs of the economy. Accelerate and comprehensively carry out the program to support the digital transformation of Vietnamese enterprises, with a focus on small and medium-sized enterprises. Build the infrastructure for the digital economy and digital society along with the infrastructure for smart connectivity, the development of artificial intelligence and internet of things. Gradually create the infrastructure for the 5G network. Increase the usage of the digital technology - communications shared infrastructure as well as shared platforms.

Accelerate the process of E-Government development, with an orientation towards a digital Government, a digital economy and a digital society in conjunction with refining institutions, restructuring professional procedures and safeguarding cybersecurity. Develop and refine information systems along with core and foundational databases for the E-Government; foster data connection, integration and sharing. Increase the usage of electronic documents and digital signatures, promote the practice of handling work in the online environment and hosting online meetings; deploy the National Information Reporting System for reports and socio-economic indicators, connecting it to the Government Operations Center. Continue to restructure procedures in order to integrate and provide public services leveled 3 to 4 online; step up the integration of payment services on the National Public Service Portal. Urgently carry out the sharing of public administrative data between management organs of the state in order to formulate a national system for statistical information with the purpose of aiding the administrative work at all levels. 

h) Vigorously develop and increase the efficiency of the collective economy, with the core being cooperatives. Select and replicate exemplary models of cooperatives with suitable scale and efficiency. Vigorously develop the private economy, harmoniously combining economic efficiency with social responsibilities and environmental protection, promote the link between domestic enterprises and FDI enterprises. Encourage the development of medium and large-scaled private enterprises and enhance the branding of Vietnamese enterprises; promote start-ups and innovation, support small and medium-sized enterprises in order to take advantage of the domestic market and participate in the global value chain.

5. Further mobilize and effectively use resources; accelerate the process of creating and approving planning schemes as well as the progress of key socio-economic infrastructure projects; vigorously develop marine economy; increase regional connectivity; bring into play the role of key economic zones and large metropolises; step up new rural development

a) Further mobilize and effectively use investment resources with a focus on bringing into play the economy’s internal strengths, while also continuing to mobilize ODA capital and preferential loans from sponsors, selectively attract external investment resources, especially the regional and global shifting currents of FDI capital. Promote investments in the form of public-private partnership.

b) Concentrate resources for key transportation infrastructure projects such as the Eastern North-South highway, the Bien Hoa – Vung Tau expressway and some key transregional transportation projects in the North, especially in the North West region; accelerate the process of implementing the electronic toll collection (ETC) method in road user charges collection; concentrate investments on phase 01 of Long Thanh International Airport and invest into the expansion the following international airports: Tan Son Nhat, Noi Bai, Da Nang. Accelerate the process of constructing and upgrading regional-linking coastal roads, coastal economic zones and coastal metropolises throughout the country. Continue to develop the system of national ports and international gateway ports in key economic zones; with investments in the infrastructure of coastal economic zones prioritized. Appropriately develop the socio-economic infrastructure of rural areas, mountainous areas and disadvantageous areas in order to create a foundation to promote development in these regions.

c) Concentrate on removing obstacles in key projects of the electricity industry, maximally mobilize resources to ensure the sufficient provision of electricity for production and consumption, as it is imperative to avoid an electricity shortage. Ensure that electricity growth matches economic growth. Encourage the vigorous participation of the non-state economic sector and diversify the development of electricity supply, ensuring efficiency and sustainability. Implement measures to reduce energy loss, save and efficiently use electricity in production, transmission as well as distribution. Review small and medium-sized hydroelectric facilities, ensure the reasonable composition of energy sources in conjunction with the protection of the environment.

d)  Accelerate the process of devising and approving national, regional, provincial, urban and rural master plans for the 2021-2030 period. Ensure sufficient land for the attraction of investments and expansion of production. Bolster intraregional and transregional connectivity and international integration, taking advantage of the specialized functions of different regions, bringing into play the role of key economic zones and large metropolises. Vigorously develop the marine economy, ensuring the people’s livelihood in conjunction with protecting the sovereignty in the islands and the seas.

dd) Strengthen the management of metropolises, effectively handling transportation issues, floods, environmental and waste issues in urban areas. Continue to review and update the urban database.

e) Review and refine the legal framework, mechanisms and support polices regarding new rural development; appropriately allocate resources towards new rural development. Raise the quality of the “The entire country joins hands for new rural development in conjunction with restructuring the agriculture industry” emulation movement.

6. Effectively use and raise the quality of human resources in conjunction with accelerating innovation, application and development of technologies

a) Synchronously implement mechanisms, policies and solutions to develop human resources, especially high-quality human resources; raise the quality of human resources in conjunction with the quick shift in the work force composition, especially in rural areas. Devise appropriate mechanisms to attract, retain and nurture talents, building the intelligentsia in the new era.

b) Continue fundamental and comprehensive reform of education and training. Review and develop the network of educational and training facilities throughout the country; standardize and raise the quality of teachers, lecturers and education management cadres at all levels. Assure quality in the process of renovating the general education curriculum and textbooks in accordance with the National Assembly’s Resolution 88/2014/QH13 and Resolution 51/2017/QH14, while also ensuring that the process stays on schedule. Continue to effectively implement the new general education curriculum. Raise the quality of foreign languages teaching; further educate students on moral values, lifestyle and skills; ensure school safety. Step up decentralization in state management and entrust self-management rights to educational institutions. Step up the school management work as well as the application of information technologies in education and training.

c) Effectively implement mechanisms and policies to develop vocational education. Renovate methods of training with an orientation towards modernity and the application of information technologies. Focus on developing human resources equipped with vocational skills, train and re-train laborers so that they can adapt to the 4th Industrial Revolution. Step up vocational training for ethnic minorities, people with disabilities and other disadvantaged social groups; devise and carry out start-up or job promotion programs for students.

d) Continue to effectively carry out research tasks to aid production and other aspects of life, most notably the prevention and control of the COVID-19 pandemic along with vaccine research and production. Raise the scientific and technological potential. Restructure and effectively implement National science and technology programs. Renovate management and financial mechanisms with regard to scientific and technological tasks, creating a favorable environment for scientists and the participation of enterprises; refine the autonomy mechanism of public scientific and technological organizations. Promote the national eco-system of start-ups and innovation, step up the cooperation between universities, research institutions and the industrial sector (or more broadly, enterprises), bringing into play the role of the innovation centers system. Devise mechanisms and policies to vigorously attract high-tech resources from world leading corporations.

7. Associate cultural and social development, social progress and social equality harmoniously with economic development

a) Continue to effectively realize the Politburo’s Conclusion No. 76-KL/TW dated June 04, 2020 of the Politburo and Resolution No. 33-NQ/TW dated June 9, 2014 of the 11th-tenure Party Central Committee’s 9th Plenum on building and developing Vietnamese culture and people to meet the demands for sustainable national development. Prioritize resources in order to restore and bring into play the national cultural heritage. Create a healthy cultural environment, practice a civilized lifestyle in festivals, promote the “The entire people unitedly build a cultural life” movement. Step up the socialization of cultural and artistic creative activities in order to raise the people’s level of cultural enjoyment… Build a database on families; step up the implementation of solutions regarding the management and provision of public services related to families.

b) Raise the quality of the “The entire people exercise following the example of great Uncle Ho” movement; diversify the forms of exercising at the grassroots level; renovating the content and methods of organizing mass sports activities. Further nurture and train sports talents, raise the capabilities and achievements in high performance sports; prepare all necessary conditions and successfully organize SeaGames 31 as well as ASEAN Para Games 11.

c) Continue to implement Resolution No. 20-NQ/TW of the 12th-tenure Party Central Committee on enhancing the people’s health protection, improvement and care in the new situation, as well as Resolution No. 21-NQ/TW of the 12th-tenure Party Central Committee on the population work in the new situation. Develop the network of grassroots healthcare facilities in order to meet the demands and fulfill the tasks of the new situation. Concentrate on monitoring and managing the people’s health, increase the use of tele-treatment and technological transfer to lower tiered facilities. Raise the capabilities of the preventive healthcare system; research, produce, test and accredit vaccines, bio-products as well as medical equipment to ensure proactiveness in the prevention, control and treatment of diseases and epidemics. Ensure healthcare security and food safety. Raise the quality of immunization as well as diseases diagnosis and treatment, renovate the training of healthcare human resources, promote the researching and application of technologies along with the digital transformation process in the field of healthcare, raising the people’s satisfaction. Closely combine traditional medicine with modern medicine. Continue to implement the roadmap towards accurate and cost-accounted prices for healthcare services, in conjunction with the roadmap towards universal healthcare insurance; increase decentralization, autonomy in conjunction with accountability, ensuring openness and transparency. Firmly maintain the replacement fertility rate throughout the country and reduce the sex ratio imbalance at birth. Raise the accessibility of elderly, maternal and children healthcare services.

d) Implement the Politburo’s Conclusion no. 92-KL/TW dated November 05, 2020 on the continued implementation of the Resolution of the 11th Party Central Committee’s 5th Plenum on several issues regarding social polices in the 2012-2020 period. Develop a comprehensive, inclusive system of social policies, ensuring equality in terms of accessibility. Continue to synchronously and effectively implement policies, programs and schemes to create jobs, implement public job policies and polices to aid the youth’s start-ups. Aid the creation of jobs, improve working conditions in the informal sector and for disadvantaged groups of workers. Continue to expand the coverage of social insurance, unemployment insurance, labor accidents insurance and the insurance for occupational diseases. Build harmonious, stable and progressive labor relations in the new situation; ensuring labor safety. Raise the awareness of workers and employers about the implementation of policies regarding wages, social insurance, unemployment insurance, labor accidents insurance and the insurance for occupational diseases.

dd) Refine the multi-dimensional approach to poverty measurement in conjunction with sustainable development goals in the 2021-2025 period. Replicate effective models of poverty reduction and bring into play the community-based poverty reduction initiatives. Further mobilize and ignite the will to advance and actively escape poverty. Synchronously and effectively implement poverty reduction policies, programs and schemes with an orientation towards sustainability and inclusivity, increasing the beneficiaries’ accessibility as well as the poor’s participation.

e) Fully, effectively, openly and transparently implement preferential policies for people with meritorious services to the revolution, ensuring convenience and safety in payment, encouraging payment through public postal organizations. Effectively provide healthcare for people with meritorious services to the revolution. Continue to implement the Scheme to identify the remains of martyrs with insufficient information; complete the database on martyrs, the relatives of martyrs, the martyrs’ tombs and cemeteries. Promote the Showing Gratitude and the “When drinking water, think of its source” movements, mobilize resources throughout society along with the aid policies of the State in order to better care for the lives of people with meritorious services to the revolution, especially regarding housing.

g) Effectively implement regular and extraordinary aid policies for disadvantaged social groups. Develop community-based care models for people with special circumstances, encourage the participation of the private sector in the deployment of care models for the elderly, orphans and people with disabilities. Increase the use of information technologies in the payment of social insurance and welfare benefits to the people. Step up the development of social housing in metropolises, housing for workers in industrial zones, rental housing, housing for low-income people and low-priced commercial housing.

h) Effectively actualize children rights and International Conventions on children's rights that Viet Nam has ratified. Increase media coverage on children's rights, child protection and the prevention of violence and child abuse; reduce the rate of drowning children. Develop a database on children from the central level to the local levels. Further assess, check and inspect the implementation of legal policies on the prevention of child abuse. Effectively organize the implementation of the 2020 Youth Law. Effectively implement policies to promote gender equality and the advancement of women; increase women's participation in management positions and elected organs. Diversify communication efforts to raise awareness about gender equality and the prevention of domestic violence.

i) Firmly grasp the Party’s stance and guideline on the issues of ethnicities and national unity; implement the overall scheme on socio-economic development in ethnic minority communities and mountainous areas (2021-2030 period), the National Target Program on socio-economic development in ethnic minority communities and mountainous areas (2021-2030 period) and fulfill tasks related to ethnic affairs.

k) Effectively conduct the state’s management of religion, especially at the grassroots level; mull over development of policies with an aim of creating favorable conditions for religious organizations to participate in the mobilization for socio-economic development along with the practicing of a cultured and civilized lifestyle. Effectively organize religious external affairs activities. Ensure security regarding religion and combat against the slanderous claims of hostile forces.

l) Continue to deal with currently existing and potential traffic accident blackspots; improve quality in the training and testing of drivers, the issuance of driver licenses and the accreditation of vehicles; strengthen the management of transportation businesses and control the load of vehicles. Step up communication and education efforts on the mass media, launch and put into practice the movement for the participation of the whole people in preventing and combatting social evils.

8) Efficiently and sustainably manage, exploit and use natural resources, protecting the environment; proactively and effectively respond to climate change; step up natural disaster prevention, control and mitigation

a) Synchronously refine mechanisms, policies and laws on natural resource management, environmental protection and climate change adaptation. Remove obstacles, especially in public administrative procedures; amend and supplement provisions, sequences and procedures that are ambiguous or overlapping, ensuring consistency, feasibility, openness and transparency, especially in the management, exploitation and use of land, water and other natural resources. Focus on building information systems and databases on land, connecting them to tax organs. Beef up the handling and rearrangement of land originating from state-owned farms and forests. Further examine and assess forests and water resources. Strictly manage the existing natural forest area while improving forest cover and quality. Step up international cooperation, efficiently and sustainably use water resources. Build a national water resources database in conjunction with the water security strategy; ensuring the supply of clean and hygienic water to the people, especially people in rural areas and ethnic minorities. Strictly handle violations in the exploitation and usage of water resources as well as acts of polluting water sources.

b) Effectively implement the amended Law on Environmental Protection. Refine mechanisms to promote the circular economic model. Strictly control the environment of industrial parks and craft villages. Strengthen measures to prevent risks of environmental incidents. Promote and attract investments into waste treatment and recycling processes that use processing technologies or biotechnology instead of direct burial. Restore the environment in river basins; improve the urban air environment; conserve and develop endemic ecosystems.

c) Actively implement Directive No. 42-CT/TW dated March 24, 2020 of the Secretariat on the Scheme to strengthen the Party's leadership in natural disaster response; Resolution No. 120/NQ-CP dated November 17, 2017 of the Government on the sustainable and climate-resident development of the Mekong Delta. Mull over development of comprehensive solutions to prevent and control natural disasters in regions with high disaster risks; concentrate resources on developing the Mekong Delta and regions highly affected by climate change. Develop maps to provide warnings about areas where large scale landslides and subsidence may occur. Promote socialization, improve the hydrometeorological monitoring, forecasting and warning capabilities, with a focus on forecasting and providing warnings about natural disasters related to storms, tropical depressions, floods, flash floods, landslides and mudslides. Improve natural disaster prevention and control capabilities as well as search and rescue capabilities; enhance communication efforts and raise the community’s awareness, apply advanced technologies, refine tools that support the administration of natural disaster prevention and control efforts; effectively organize community-based disaster risk management.

9. Foster public administration reforms, improve the effectiveness and efficiency of state management as well as the quality of cadres, civil servants and public employees; build a public administration that serves the people; step up anti-corruption, practice thrift, fight wastefulness and handle complaints and denunciations

a) Beef up the decentralization of state management according to branch and field, ensuring consistency in management, and that the proactiveness, creativity and responsibilities of different levels, branches and localities are brought into play. Review and consolidate administrative organs of the state with an orientation towards leanness, effectiveness and efficiency. Closely manage the arrangement, adjustment, creation and classification of administrative units at all levels.

b) Streamline the state sector and restructure the system of cadres, civil servants and public employees. Deploy the Scheme for the development of the database on cadres, civil servants and public employees in state administrative organs, the Scheme for the rearrangement and reorganization of cadres, civil servants and public employees training facilities that are under the management of organs in the political system (until 2030) and the National Program on foreign languages learning for cadres, civil servants and public employees; focus on fostering training according to ranks, grades, standards and titles. Step up the application of information technologies in civil servants’ recruitment and rank promotion exams, ensuring openness and transparency. Enhance discipline in public administration, uphold the responsibilities of leaders in state organs at all levels. Build and refine the new payroll based on job positions, titles and leadership status; reorganize currently existing allowance regimes; refine the salary and income management mechanisms.  

c) Continue to focus on reforming public administrative procedures; renovate the implementation of the one-stop shop, single window mechanisms in the handling of public administrative procedures with an orientation towards raising the service quality, overcoming geographical - administrative boundaries, applying information technologies, saving costs and ensuring convenience for individuals as well as organizations. Accelerate and effectively implement the Government’s Program for the reduction and simplification of provisions related to business activities in the 2020-2025 period. Continue to renovate specialized inspection activities with an orientation towards centralization, clear definition of authorities and the vigorous shift from “pre-check” mechanisms to the “post-check” mechanisms.

d) Make fundamental, sustainable, and substantial changes to the enforcement of civil and administrative judgements. Focus on settling key cases as well as complicated and prolonged cases. Continue to synchronously implement legal support activities to aid enterprises, with a focus on providing legal support for small and medium-sized enterprises to remove difficulties and obstacles, especially for enterprises that have been severely affected by the COVID-19 pandemic. Strengthen the effectiveness and efficiency in state management, apply information technology in the fields of judicial support and judicial administration, ensuring that the needs of the people are better served; accelerate the implementation of the Scheme for the development of the electronic national civil status database.

dd) Further inspect the state management of important fields in all branches and levels, ensuring objectivity and compliance with regulations. Focus specialized inspection efforts on areas where negative issues, corruption, and other pressing social issues are likely to occur. Strengthen coordination to limit and promptly handle overlaps in inspection, examination and auditing activities, not letting them cause difficulties for enterprises' production and sales activities. Refrain from criminalizing civil and economic relations.

e) Step up synchronous implementation of the guidelines, policies and laws on anti-corruption and anti-wastefulness; protect the people who detect and report corruption and wastefulness; devise provisions on handling the responsibilities of leaders in organs and units where corruption occurs as well as mechanisms to keep power in check and fight against illegal lobbying for promotion… Renovate the forms and methods of anti-corruption communication. Further monitor and evaluate the anti-corruption and anti-wastefulness work of ministries, branches and localities.

g) Continue effective implementation of the Prime Minister’s Directive No. 10/CT-TTg dated April 22, 2019 on further handling and effectively preventing acts of harassing people and enterprises.

h) Continue to effectively implement the Law on Citizen Reception, the Law on Appeals, the Law on Denunciations, resolutions and directives issued by the Party Central Committee and the National Assembly’s along with the directives of the Government and the Prime Minister on the reception of citizens as well as the settlement of appeals and denunciations, especially the Politburo’s Regulation No. 11-QD/TW dated February 18, 2019 of the Politburo providing responsibilities of Party secretaries in the reception of citizens, the direct dialogues with the people and the handling of the people’s feedbacks and suggestions. Effectively conduct the settling of large, complicated and prolonged cases of appeals and denunciations.

10. Consolidate national defense and security, firmly maintain political security, social order and safety, improve effectiveness of diplomatic activities and international integration, firmly maintain a peaceful, stable and favorable environment for the country’s development

a) Actively and effectively conduct strategic research task; grasp, assess and correctly forecast situations, promptly advise the Party and the State to formulate polices and countermeasures, victoriously handling different scenarios, avoid being passive and taken by surprise, especially with regards to complicated and sensitive issues related to independence, sovereignty, national interests, borders, seas, islands and political security; firmly maintain a peaceful and stable environment for national development. Increase resources to actualize the goal of military modernization; ensure national defense and security in close combination with economic, cultural and social development, especially in border and island areas as well as strategic and key regions. Strictly maintain combat readiness, closely manage the airspace, the seas, the borders, inland areas, key areas and the cyberspace; protect the operational safety of marine economic zones; prevent, control and overcome the consequences of natural disasters and conduct search and rescue. Step up the prevention and repression of criminal activities; strengthen the prevention of fire accidents, ensure a peaceful life for the people and build an orderly, disciplined, secure, safe and healthy society. Effectively implement the amended Law on Residence; produce, issue and manage Citizen Identity Cards in conjunction with switching the method of residence management – from residence books to electronic management. Qcuikly complete the national database on residence.

b) Ensure absolute security and safety of important political, cultural and diplomatic events of the country, including the 13th Party National Congress, the 15th National Assembly election and the election of deputies to the People's Councils at all levels for the 2021-2026 term.

c) Step up international integration, contribute to the maintenance of a peaceful, stable and favorable environment for national development. Promote and deepen bilateral relations with countries and partners, raising the level of multilateral diplomacy. Continue undertaking the role as non-permanent member of the United Nations Security Council. Promote Viet Nam’s active and leading role in ASEAN, actively and responsibly participate in international and regional forums. Continue to pay attention to supporting the Vietnamese community abroad and effectively carry out the citizen protection work. Strengthen international cooperation in responding to the COVID-19 pandemic. Step up and renovate external communications, promote the image of Viet Nam, create a high level of consensus among the public with regards to international integration activities, improve the national prestige and status in the international arena.

11. Step up communication efforts to build trust and social consensus; improve the effectiveness of mass mobilization work, effectively implement grassroots democracy regulations, enhance coordination with the Viet Nam Fatherland Front, socio-political organizations and mass organizations

a) Focus on disseminating the Party’s guidelines and policies, the laws of the State and major events, especially the 13th National Party Congress and the elections for the National Assembly and the People’s Councils at all levels. Focus on propagation and encouragement of exemplary, ‘good people, good deeds’, role models as well as people who have risen above difficulties to spread positivity and ignite patriotism, national pride along with the aspirations for national development. Strictly implement the speech mechanism, strengthen the discipline of journalistic activities, promptly combat wrongful views and ideas. Effectively combat bad and malicious information; strictly handle cases in which the rights to freedom of speech are abused to violate the interests of the State as well as the legitimate rights and interests of organizations and citizens.

b) Continue to effectively promote coordination between organs in the political system, especially the role of the Viet Nam Fatherland Front, socio-political organizations and mass organizations; effectively conduct the mass mobilization work and implement the mechanisms of grassroots democracy, communicate to create social census, in order to contribute to successful realization of socio-economic development tasks and objectives that have been set in the Party and the National Assembly’s Resolutions.

III. ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

1. Ministers, Headers of ministerial-level agencies, Government-attached bodies, Chairpersons of the People’s Committees of provinces and centrally-run cities:

a) Firmly grasp the motto of bringing into full play the positive aspects and the results achieved in recent years while promptly overcoming the shortcomings; quickly, effectively, substantially and comprehensively carry out tasks and solutions set out in the Conclusion of the 13th Plenum of the 12th-tenure Party Central Committee, Resolution of the National Assembly on socio-economic development plan for 2021 and other Resolutions of the Party and National Assembly along with the tasks and solutions stated in this Resolution; proactively carry out their own tasks and specific solutions, promptly handle problems that arise, create substantial changes right from the beginning of the year and be completely accountable to the Government and the Prime Minister with regards to their performance.

b) Before January 20, 2021, devise and promulgate Programs, Action plans and specific documents to implement this Resolution and accompanying appendixes - in which tasks, solutions, implementation timeline, and assignments of each unit must be clearly and comprehensively determined, then send them to the Ministry of Planning and Investment for synthesis and report to the Government at its regular meeting in January 2021.

c) Ministries and ministerial-level agencies: closely monitor domestic and international developments, proactively analyze, assess and forecast in order to formulate timely, comprehensive and synchronous solutions, taking advantage of opportunities, minimizing the negative impact on the economy and the business activities of enterprises; regularly update on a quarterly basis the development scenarios of industries and fields that belong to one’s area of management, send them to the Ministry of Planning and Investment so that the general national development scenario can be reviewed and updated.

d) Mull over development or submit to the authorized level for promulgation and implementation of specific policies to remove obstacles and support enterprises as well as people who are severely affected by the COVID-19 pandemic in a manner that is appropriate to the actual developments in the year.

dd) Regularly monitor, evaluate and update the fulfillment progress and results of the assigned tasks; on a quarterly basis review and evaluate the fulfillment of tasks in Appendixes No. 1 and 3 as well as tasks in Appendix 4, then send them to the Ministry of Planning and Investment before the 20th of the quarter’s final month so that they can be reviewed and reported to the Government.

e) Review and evaluate the implementation of the Resolution, send reports to the Prime Minister and the Ministry of Investment and Planning before November 20, 2021 so that they can be reviewed by the Government at its regular meeting in December 2021.

2. Ministries and branches assigned with the task of monitoring macroeconomic fields are responsible for closely and effectively coordinating in putting forward specific solutions and measures, and timely reporting to the Government and the Prime Minister about arising problems. The Ministry of Investment and Planning shall assume the prime responsibility for; and coordinate with the Government’s Office as well as relevant organs in the process of urging and monitoring the implementation of this Resolution.

3. The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Central Commission for Propagation and Education, the news agencies, the ministries, agencies and localities in disseminating this Resolution./.

 

 

FOR THE GOVERNMENT

THE PRIME MINISTER

 

 

Nguyen Xuan Phuc

 

 

Appendix 1

MAJOR TARGETS OF THE SOCIO-ECONOMIC DEVELOPMENT PLAN IN 2021

(Attached to the Government's Resolution No. 01/NQ-CP dated January 1, 2021)

No

Targets

Unit

Plan in 2021 assigned by the National Assembly

Targets of the Government

M&E Leading Agency

Gross Domestic Product (GDP) growth rate

%

Approx. 6

Approx. 6.5

MPI

Per capita GDP

USD

Approx. 3,700

Approx. 3,700

MPI

Consumer Price Index (CPI) average growth rate

%

Approx. 4

Approx. 4

MPI

Total Factor Productivity (TFP) contribution to growth

%

Approx. 45-47

Approx. 45-47

MPI

Social Labor Productivity growth

%

Approx.  4.8

Approx.  4.8

MPI

Percentage of trained workers

%

Approx. 66

Approx. 66

MOLISA

- In which: Percentage of trained workers with degrees and certificates

%

Approx. 25.5

Approx. 25.5

Percentage of people with health insurance coverage

%

Approx. 91

Approx. 91

MOH

Rate of national multidimensional poverty reduction

% Point

1 - 1.5

1 - 1.5

MOLISA

Percentage of the urban population having access to clean water through centralized water supply systems

%

Over 90

Over 90

MOC

10 

Rate of urban daily-life solid waste collection and treatment

%

Over 87

Over 87

MOC

11 

Percentage of industrial parks and export processing zones in operation with centralized wastewater treatment system meeting environmental standards

%

Approx. 91

Approx. 91

MPI

12 

Forest coverage rate

%

Approx. 42

Approx. 42

MARD

 

 

 

 

 

Appendix 2

SCENARIO FOR GROSS DOMESTIC PRODUCT (GDP) GROWTH IN 2021 AT CONSTANT PRICES OF 2010

(Attached to the Government's Resolution No. 01/NQ-CP dated January 1, 2021)

Unit: %

No.

Sector

Scenario for GDP Growth in 2021

Quarter I

Quarter II

6 months

Quarter III

9 months

Quarter IV

Year

2021

 

Gross Domestic Product (GDP)

5.12

7.11

6.22

6.71

6.43

6.67

6.50

1

Agriculture, forestry, and fishing

2.95

3.52

3.34

2.34

2.98

2.35

2.78

2

Industry and construction

7.11

9.75

8.56

8.97

8.77

10.08

9.00

a)

Industry

7.33

10.25

8.91

8.97

8.93

10.55

9.45

-

Mining and quarrying

-4.44

-2.35

-3.28

-3.46

-3.34

-3.96

-3.56

-

Manufacturing

8.60

11.56

10.21

10.27

10.23

12.92

11.06

-

Electricity, gas, steam, and air conditioning production and supply

9.17

13.40

11.30

9.81

10.74

10.33

10.60

-

Water supply, sewerage, waste management and remediation activities

8.15

13.83

11.22

9.10

10.41

10.24

10.36

b)

Construction

5.74

7.23

6.63

6.29

6.49

7.78

7.00

3

Services

4.27

6.31

5.33

4.86

5.15

6.15

5.48

-

Wholesale and retail trade; repair of motor vehicles and motorcycles

4.00

7.66

5.83

4.85

5.45

5.11

5.33

-

Transportation and storage

3.01

10.96

7.08

4.03

5.86

5.43

5.72

-

Accommodation and food service activities

2.76

3.17

2.96

1.97

2.57

2.72

2.62

-

Information and communication

4.31

4.38

4.35

4.42

4.37

7.73

5.44

-

Financial, banking and insurance activities

5.37

6.54

6.04

7.00

6.53

8.33

7.24

4

Product tax minus product subsidies

3.48

6.06

4.85

6.04

5.28

6.94

5.80

 

 

 

 

Appendix 3

SOME SPECIFIC INDICATORS FOR SECTORS AND AREAS IN 2021

(Attached to the Government's Resolution No. 01/NQ-CP dated January 1, 2021)

No.

Targets

Unit

Target for 2021

M&E Leading Agency

I

Macroeconomic targets

     

Bad debts ratio

%

< 3

SBV

Ratio of bad debts, bad debts sold to the Viet Nam Asset Management Company (VAMC) and bad debts that have implemented debt classification methods (excluding bad debts of weak commercial banks, debts rescheduled for repayment term and maintaining debt group as prescribed in Circular No. 01/2020/TT-NHNN of the State Bank of Vietnam)

%

< 5

SBV

Mobilization rate for the state budget

%

15.5

MOF

Tax arrear rate

%

<5

MOF

Revenue increase compared to the state budget estimates

%

3

MOF

Share of recurrent expenditures (excluding spending on wage reforms and downsizing)

%

61.5

MOF

Share of development investments

%

28.3

MOF

State budget deficit as share of GDP

%

4

MOF

Outstanding public debt-to-GDP ratio

%

46.1

MOF

10 

Government debt-to-GDP ratio

%

41.9

MOF

11 

Total exports growth

%

4-5

MOIT

12 

Ratio of total social investment per GDP

%

Approx. 34.5

MPI

II

Targets on improvement science technology development and innovation, and growth promotion

     

13 

Percentage of high-technology exports out of total goods exports

%

At least 50

MOST

14 

National innovation index

Ranking

In the group of top 3 countries in ASEAN

MOST

15 

Index of Industrial Production (IIP)

%

8

MOIT

16 

Total retail sales of consumer goods and services

%

8

MOIT

17 

B2C e-commerce market growth

%

20-22

MOIT

18 

Percentage of businesses adopting e-commerce

%

55

MOIT

III

Targets on development of infrastructure systems

     

19 

Electricity outcomes and imports by the entire national electricity system

billion Kwh

262-269

MOIT

 

Growth rate

%

5.2-8.0

 

20 

Commercial electricity outcomes of the whole system

billion Kwh

226-232

MOIT

 

Growth rate

%

5.6-8.3

 

21 

Average housing floor area

m2 floor area/person

25

MOC

22 

Rate of urbanization

%

40.5-41.5

MOC

23 

Fixed broadband subscribers per 100 people

subscribers

18

MIC

24 

Mobile broadband subscribers per 100 people

subscribers

82

MIC

25 

Rate of smartphone users to the number of mobile phone users

%

Over 90

MIC

26 

Percentage of households using fiber optic cable

%

60

MIC

27 

Percentage of villages with mobile or internet coverage

%

100

MIC

28 

Percentage of communes with a postal service point with a valet

%

100

MIC

29 

Percentage of households accessing essential TV channels through the network environment

%

Over 80

MIC

30 

Percentage of electronic books published

%

10

MIC

31 

Percentage of households with at least 1 smart device

%

Over 95

MIC

32 

Percentage of internet users

%

71

MIC

33 

Number of digital technology enterprises per 1,000 people

enterprise

0.7

MIC

IV

Targets on cultural and arts development, implementation of social progress and equity, and environmental protection

     

34 

Workers sent for working abroad under contracts

Person

90,000

MOLISA

35 

Social insurance participation rate of the labor force

%

35

MOLISA

36 

Unemployment insurance participation rate of the labor force

%

28

MOLISA

37 

Percentage of the population under health management scheme

%

60

MOH

38 

Average life expectancy (from birth)

Age

73.8

MOH

39 

Sex ratio at birth

boys/100 girls

111.4

MOH

40 

Number of hospital beds per 10,000 people

Bed

28.5

MOH

41 

Number of doctors per 10,000 people

Doctor

9.2

MOH

42 

Number of university graduate pharmacists per 10,000 people

Person

3.0

MOH

43 

Number of nurses per 10,000 people

Person

13.0

MOH

44 

Maternal mortality rate per 100,000 live births

Person

45.5

MOH

45 

Infant mortality rate dying between birth and age 1 (per 1,000 live births)

13.7

MOH

46 

Mortality rate for <5-year-olds (per 1,000 live births)

20.4

MOH

47 

Underweight, malnutrition prevalence among children under 5 years of age (% weight-for-age)

%

11.7

MOH

48 

Stunting prevalence among children under 5 years of age (% height-for-age)

%

21

MOH

49 

Percentage of children under 1 year of age fully vaccinated

%

>95

MOH

50 

Percentage of communes meeting national criteria for healthcare in the 2021-2030 period

%

50

MOH

51 

Percentage of commune, ward, and township health stations with   doctor(s)

%

93

MOH

52 

Percentage of people's satisfaction with medical services

%

>80

MOH

53 

Percentage of workers at risk of occupational diseases under management and screening scheme(s)

%

25

MOH

54 

Percentage of hospital medical waste treated up to standards

%

91

MOH

55 

Enrolment rate of children at nursery

%

30

MOET

56 

Enrolment rate of pre-school children

%

92

MOET

57 

Number of provincial-level units meeting the standards of universal primary education level 2

province

63

MOET

58 

Number of provincial-level units meeting the standards of universal primary education level 3

province

21

MOET

59 

Number of provincial-level units meeting the standards of lower-secondary education (provinces meeting the standards of level 1)

province

50

MOET

60 

Number of provincial-level units meeting the standards of lower-secondary education (provinces meeting the standards of level 2)

province

37

MOET

61 

Number of provincial-level units meeting the standards of lower-secondary education (provinces meeting the standards of level 3)

province

13

MOET

62 

Percentage of people participating in training and retraining at continuing education establishments

%

45

MOET

63 

Results of reaching the literacy standards (provinces meeting the level-1 standard)

province

40

MOET

64 

Results of reaching the literacy standard (provinces meeting the level-2 standard)

province

60

MOET

65 

Percentage of university lecturers with doctorate degrees

%

28

MOET

66 

Percentage of rural population using hygienic water

%

91

MARD

67 

Percentage of communes meeting new rural standards

%

68

MARD

68 

Percentage of communes meeting environmental criteria in new rural construction

%

75

MARD

69 

Number of district-level units meeting standards/completing tasks on new rural construction

unit

193

MARD

70 

Strictly and promptly prevent and handle bad, malicious, or false information that can be detected and verified on social networks.

%

85-90

MIC

V

Targets on administrative reform and e-Government development, improvement of business and investment environment

     

71 

National average of administrative reform of Ministries and ministerial-level (Par-Index)

%

85.5

MOHA

72 

National average of administrative reform of provinces and centrally run cities national average (Par-Index)

%

82

MOHA

73 

National average of the Satisfaction Index of Public Administration Services (SIPAS)

%

86

MOHA

74 

Downsize rate of payrolls of public servants receiving salaries from the state budget

%

Decrease by at least 10% of the number of civil servants assigned in 2015 (managed by the Government)

MOHA

75 

Downsize rate of non-business payrolls with salaries from the state budget

%

decrease by at least 10% of the number of employees assigned in 2015 (managed by the Government)

MOHA

76 

Percentage of ministries, sectors and localities renovating the implementation of the interconnected one-door mechanism in handling administrative procedures to improve service quality, not based on administrative boundaries

%

30

Government Office

77 

Provision rate of online public services at levels 3 and 4 out of the total number of administrative procedures under the authority of ministries, sectors, and localities on the National Public Service Portal compared to 2020

%

20

Government Office

78 

Percentage of online payment transactions on the National Public Service Portal on total payment transactions of public services.

%

25

Government Office

79 

Percentage of administrative procedures with financial obligation paid online on the National Public Service Portal.

%

50

Government Office

80 

Percentage of online payment service provision for domestic taxes on the National Public Service Portal.

%

100

Government Office

81 

Percentage of tier-2 and higher hospitals that provide online hospital fee payment on the National Public Service Portal.

%

50

Government Office

82 

Percentage of universities, colleges and intermediate education establishments that provide online tuition payment services on the National Public Service Portal.

%

30

Government Office

83 

Percentage of communes providing online notarization services.

%

35

Government Office

84 

Percentage of ministries, sectors and localities fully implementing the results of administrative procedure processing.

%

100

Government Office

85 

Percentage of administrative procedure processing results of ministries, sectors and localities fully synchronized on the National Public Service Portal.

%

100

Government Office

86 

Percentage of documents of electronic one-door system of ministries, sectors and localities synchronized to serve monitoring, supervision, and evaluation

%

100

Government Office

87 

Percentage of Reporting Information System of Ministries, sectors and localities being deployed and linked to the Government Reporting Information System.

%

100

Government Office

88 

Percentage of reporting regimes under the management of ministries, sectors, and localities reported to the Government and the Prime Minister being deployed on the Reporting Information System of ministries, sectors, and localities and linked to the Government’s Reporting Information System.

%

50

Government Office

89 

Percentage of reporting regimes under the management of ministries, sectors, and localities not required for submission to the Government and the Prime Minister being deployed on the Reporting Information System of ministries, sectors, and localities.

%

50

Government Office

90 

Percentage of National and specialized information systems and databases, one-stop shops at ministerial and provincial levels being connected and integrated into the Reporting Information Center, and direction and management of the Government and the Prime Minister

%

100

Government Office

91 

Percentage of key targets of the 2021 Socio-Economic Development Plan provided and integrated on the Government Reporting Information System, the Information Center, direction and management of the Government and the Prime Minister.

%

100

Government Office

92 

Percentage of departments and equivalent agencies under ministries, ministerial-level agencies, and government agencies that handle documents and work records (except for confidential documents) online

%

 

Government Office

 

For departments and equivalent agencies under ministries, ministerial-level agencies, and government agencies.

%

100

Government Office

 

For departments, sectors, and equivalent agencies under the People's Committees of provinces and centrally-run cities.

%

100

Government Office

 

For divisions, departments, and equivalent agencies under the district People's Committee.

%

80

Government Office

93 

Percentage of localities implementing the Meeting Information System and handling work of Provincial People's Councils and People's Committees.

%

50

Government Office

94 

Rate of simplification and reduction of regulations and compliance costs related to business activities in effective documents by the end of May 31, 2020

%

10-15

Government Office

95 

Percentage of bidding packages auctioned online by number[1]

%

70

MPI

96 

Percentage of bidding packages auctioned online by value[2]

%

35

MPI

 

                                                   

 

 

Appendix 4

SPECIFIC TASKS FOR SECTORS AND AREAS IN 2021

(Attached to the Government's Resolution No. 01/NQ-CP dated January 1, 2021)

No.

TASKS

Deadline

M&E Leading Agency

I

Group of tasks on the development, monitoring and implementation of the legal system, creating an open and enabling investment and business environment that facilitates recovery and promotes rapid and sustainable growth on the basis of maintaining macroeconomic stability, controlling inflation, ensuring major balances, improving adaptation and resilience of the economy

   

Decree promulgating the working regulations of the Government (revised)

2021

Government Office

Plan to reduce and simplify regulations related to business activities of ministries and ministerial-level agencies

1st time: Before May 31, 2021; 2nd time: Before September 30, 2021

Government Office

Decree promulgating the application of administrative handling measures for education in communes, wards, and townships (replacing the Government's Decree No. 111/2013/ND-CP dated September 30, 2013 on the application of administrative handling measures for education in communes, wards and townships and the Government's Decree No. 56/2016/ND-CP dated June 29, 2016 amending and supplementing a number of articles of Decree No. 111/2013/ND-CP)

June

MOJ

Decree on registration of security measures

November

MOJ

Decree replacing Decree No. 101/2012/ND-CP dated November 22, 2012 on non-cash payment

March

SBV

Decree on a controlled testing mechanism for financial technology (Fintech) activities in the banking sector

Quarter IV

SBV

Promulgate a Government's Decree on preferential credit policies for the implementation of the National Target Program for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the 2021 - 2030 period

Quarter IV

SBV

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 32/2017/ND-CP dated March 31, 2017 on State investment credit.

March

MOF

Decree amending and supplementing Decree No. 96/2018/ND-CP detailing prices of irrigation products and services and financial subsidies for irrigation product and service fees

June

MOF

10 

Decree regulating the management and use of houses and land for diplomatic activities of the State

June

MOF

11 

Decree on management mechanisms, mode, order, and procedures for quality and food safety inspection of imported goods.

June

MOF

12 

Decree on management and use of revenues from the transformation of ownership of enterprises and public non-business units and transfer of state capital

Quarter I

MOF

13 

Decree amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 08/2015/ND-CP dated January 21, 2015 detailing and implementing the Law on Customs regarding customs procedures, customs inspection, and supervision

September

MOF

14 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 120/2016/ND-CP dated August 23, 2016 detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Fees and Charges

July

MOF

15 

Decree on the connection and sharing of information in the fields of export, import, exit, entry, transit of goods, people and means of transport under the national single-window mechanism.

December

MOF

16 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 03/2017/ND-CP dated January 16, 2017 on casino business

December

MOF

17 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 06/2017/ND-CP dated January 24, 2017 on betting on horse racing, dog racing and international football.

December

MOF

18 

Decree replacing the Government's Decree No. 86/2013/ND-CP dated July 29, 2013 on prize-winning electronic games for foreigners

December

MOF

19 

Decree on the management, payment and settlement of projects using public investment capital

March

MOF

20 

Decision amending and supplementing Decision No. 53/2013/QD-TTg and Decision No. 10/2018/QD-TTg on temporary import, re-export, destruction and transfer of cars and motorbikes of subjects enjoying privileges and immunities in Viet Nam

January

MOF

21 

Decision amending and supplementing the Prime Minister's Decision No. 22/2019/QD-TTg dated June 26, 2019 on the implementation of policies to support agricultural insurance.

December

MOF

22 

Assessment report on the implementation of the national 5-year financial plan for the 2016-2020 period and the orientation of the national 5-year financial plan for the 2021-2025 period

July

MOF

23 

Principles, criteria, and norms for allocating the state budget recurrent expenditure estimates in 2022

July

MOF

24 

5-year public loan and debt repayment plan for the 2021 - 2025 period

October

MOF

25 

Prime Minister's Decision on principles of targeted support from the central budget to the local budget for the implementation of social security policies in the new period (replacing Decision No. 579/QD- TTg dated April 28, 2017 in the 2017-2020 period)

July

MOF

26 

Project to promote the application of information technology in public debt management

December

MOF

27 

Prime Minister's Decision on a list of specific assets subject to insurance purchase against storm and flood risks and its implementation roadmap.

December

MOF

28 

Project to amend the decentralization mechanism for state budget management, ensuring the leading roles of the central budget and the initiative of the local budget, in line with the 5-year socio-economic development orientation of the 2021-2025 period

Quarter IV

MOF

29 

Project on orientations to improve the national credit rating for the 2021-2025 period

November

MOF

30 

Decree to allow enterprises to include corporates/organizations’ expenses to support and sponsor Covid-19 epidemic prevention and control activities in deductible expenses when determining taxable income

January

MOF

31 

Law amending and supplementing the Appendix - List of National Statistical Indicators of the Law on Statistics (according to the streamlined process)

June

MPI

32 

Quantitative assessment of the impacts of EVFTA after the Covid-19 pandemic on socio-economic aspects as well as specific sectors, recommendations on appropriate response measures

Quarter IV

MPI

33 

Decree on management mechanisms of National Target Programs for the 2021 - 2030 period

August

MPI

34 

Decree amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 95/2020/ND-CP dated August 24, 2020 guiding procurement bidding process under the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP)

Quarter III

MPI

35 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 82/2018/ND-CP dated May 22, 2018 on the management of industrial parks and economic zones

Quarter III

MPI

36 

Decree amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 52/2013/ND-CP dated May 16, 2013 on e-commerce.

Quarter I

MOIT

37 

Decree on "Made in Viet Nam"

Quarter IV

MOIT

38 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 111/2015/ND-CP dated November 3, 2015 on the development of supporting industries

Quarter IV

MOIT

39 

Decree promulgating functions, duties, and powers of the National Competition Commission

Quarter III

MOIT

40 

Decree on import control of refurbished goods under the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP)

Quarter IV

MOIT

41 

Decree amending Decree No. 76/2015/ND-CP dated September 10, 2015 detailing the implementation of a number of articles of the Law on real estate trading

September

MOC

42 

Decree amending and supplementing a number of articles of Decree No. 139/2017/ND-CP dated November 27, 2017 on penalties of administrative violations in activities on construction investment; exploiting, processing, and trading of minerals as building materials, manufacturing, and trading of construction materials; technical infrastructure project management; real estate trading, housing development, management and use of houses and offices

June

MOC

43 

Decree amending and supplementing the Government's Decrees No. 60/2014/ND-CP dated June 19, 2014 on printing activities, and No. 25/2018/ND-CP dated February 28, 2018 amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 60/2014/ND-CP dated June 19, 2014 on printing activities

Quarter IV

MIC

44 

Decree amending and supplementing some contents of the Government's Decree No. 47/2011/ND-CP dated June 17, 2011, detailing the implementation of a number of contents of the Law on Post

Quarter IV

MIC

45 

Decree amending Decree No. 72/2013/ND-CP and Decree No. 27/2018/NDCP of the Government on the management, provision and use of internet services and online information

Quarter IV

MIC

46 

Decree guiding the implementation of a number of articles of the Law amending and supplementing a number of articles of the Law on Prevention and Control of Human Immunodeficiency Virus (HIV/AIDS).

May

MOH

47 

Dossiers of the draft Law on Examination and Treatment (revised)

October

MOH

48 

Dossiers of the draft Law amending and supplementing a number of articles of the Law on Intellectual Property

October

MOST

49 

Decree amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 27/2019/ND-CP dated March 13, 2019 detailing the Law on measurement and mapping

June

MONRE

50 

Dossiers of the draft Law on Emulation and Reward (revised)

April

MOHA

51 

Decree on labor contracts in administrative agencies and labor contract mechanism for professional, specialized jobs for employment positions determined as public employees in public non-business units

Quarter IV

MOHA

52 

Project to improve the legal document system in the home affairs sector in the 2021 - 2025 period, with a vision to 2030

December

MOHA

53 

Dossiers of the draft Law on Inspection

May

Government Inspectorate

54 

Decree amending the Government's Decree No. 59/2019/ND-CP dated July 1, 2017 detailing a number of articles and measures to implement the Law on Anti-Corruption

August

Government Inspectorate

II

Group of tasks on restructuring industries and fields associated with transformation of the growth model, promoting industrialization, modernization, digital transformation, digital economy development, private economic development, collective economy, improving internal capacity, autonomy, and competitiveness of the economy

 

 

55 

Project to develop non-cash payment for the 2021 - 2025 period

June

SBV

56 

Project on restructuring the system of credit institutions associated with bad debt settlement in the 2021 - 2025 period

September

SBV

57 

Viet Nam Statistical Development Strategy for the 2021 - 2030 period with a vision to 2045

April

MPI

58 

Plan to restructure the economy in the 2021 - 2025

May

MPI

59 

Develop a Project on digital transformation for Vietnamese businesses

September

MPI

60 

Assessment Report of the implementation of the 5-year socio-economic development plan 2016 - 2020 and 5-year socio-economic development plan in 2021 - 2025

Quarter I

MPI

61 

Government's Action Program to implement the Socio-Economic Development Strategy 2021 - 2030 and the 5-year National Development Orientations and Tasks in the 2021 - 2025 period

May

MPI

62 

Resolution of the Government on business support and development for the 2021 - 2025 period

September

MPI

63 

Project to support digital transformation for small and medium enterprises by 2025, with a vision to 2030

Quarter IV

MPI

64 

Project on Forest Tree Variety Development

Quarter IV

MARD

65 

National Program to protect and develop aquatic resources

Quarter II

MARD

66 

Project to develop the seafood processing industry

Quarter I

MARD

67 

Project on Viet Nam Marine Aquaculture Development to 2030, with a vision to 2045

Quarter I

MARD

68 

Project to promote co-management in the protection and development of aquatic resources

Quarter IV

MARD

69 

Project on "Development of production and consumption of pangasius in the Mekong River Delta region to 2031 with orientation to 2045"

Quarter IV

MARD

70 

Project to promote the application of information technology in collecting information and forecasting the situation of the agricultural market

Quarter III

MARD

71 

Project to standardize food quality and safety and increase the supply chain of agriculture, forestry, and fisheries in the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MARD

72 

Project of Agricultural Cooperatives adapting to climate change in the Mekong Delta

Quarter IV

MARD

73 

Program on sustainable forestry development for the 2021-2025 period

Quarter IV

MARD

74 

Resolution of the Government on the development of agricultural cooperatives serving the restructuring of the agricultural sector and new rural construction.

Quarter IV

MARD

75 

Project to develop fruit and vegetable processing industry in the 2021 - 2030 period

Quarter II

MARD

76 

Project on sustainable and effective wood processing industry development for the 2021 - 2025 period

Quarter II

MARD

77 

Program to implement the plan of planting 1 billion trees in the next 5 years

Year 2021

MARD

78 

Project for restructuring the industry and trade sector in the 2021 – 2030 period

Quarter IV

MOIT

79 

Viet Nam Coal Industry Development Strategy to 2030, with a vision to 2045

Quarter IV

MOIT

80 

Viet Nam Textile and Footwear Industry Development Strategy to 2030, with a vision to 2035

Quarter IV

MOIT

81 

IT and Electronics - Telecommunications Industry Development Program to 2025, with a vision to 2030, actively participating in the Fourth Industrial Revolution.

Quarter IV

MIC

82 

Develop a Project to develop Viet Nam's digital economy to 2025, with a vision to 2030

Quarter IV

MIC

III

Group of tasks on mobilizing and using resources, planning, and developing key social infrastructure systems, strengthening regional connectivity, developing regional economy, marine economy, and urban and rural development

 

 

83 

Report on the implementation of the public investment plan in the 2016 - 2020 period and the public investment plan for the 2021 - 2025 period

May

MPI

84 

Project to build a synchronous infrastructure system in the 2021 – 2030 period to deploy strategic breakthroughs in the national socio-economic development in the spirit of Resolution No. 13-NQ/TW

September

MPI

85 

Research report on solutions to attract foreign direct investment in the context of EVFTA implementation

Quarter IV

MPI

86 

Project of the Government to submit to the Standing Committee of the National Assembly on a number of specific mechanisms and policies to build and develop Thanh Hoa province to 2030, with a vision to 2045

Quarter IV

MPI

87 

Project to develop clusters linking marine economic sectors in association with building strong marine economic centers by 2030

December

MPI

88 

Report on research and development of regulations to overcome the situation of "thin capitalization", unregistered investment, and “hiding” investment

December

MPI

89 

Project on conservation and development of craft villages for the 2021 – 2025 period

Quarter IV

MARD

90 

National Target Program for new countryside construction in the 2021 – 2025 period

Quarter IV

MARD

91 

A set of national criteria on new countryside at all levels (province, district, and commune) according to levels (standard, advanced, and model) in the 2021 – 2025 period

Quarter IV

MARD

92 

Science and Technology Program supporting new rural construction in the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MARD

93 

Program on strengthening rural environmental protection in new rural construction in the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MARD

94 

Program on One-Commune-One-Product in the 2021 - 2025 period with an orientation to 2030

Quarter IV

MARD

95 

Prime Minister’s Decision promulgating conditions, order, procedures, dossiers for consideration, recognition and announcement of localities meeting new rural standards; localities completing the task of new countryside construction in the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MARD

96 

Planning on natural disaster prevention and control and irrigation for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Year 2021

MARD

97 

Planning on National Electricity Development for the 2021 - 2030 period, with a consideration of 2045

January

MOIT

98 

Master Planning on National Energy for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Quarter I

MOIT

99 

Planning on exploration, exploitation, processing and use of minerals in the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Quarter IV

MOIT

100 

Prime Minister’s Decision approving the National Housing Development Strategy to 2030, with a vision to 2035

October

MOC

101 

Decision amending, supplementing, or replacing the Prime Minister's Decision No. 27/2015/QD-TTg dated July 10, 2015 on standards of official residences.

December

MOC

102 

Decision approving the development orientations for Vietnamese Architecture

June

MOC

103 

Planning on National Information and Communication Infrastructure for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Quarter IV

MIC

104 

Planning on development of the network of press, radio, television, electronic information agencies, and publishing establishments in the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Quarter IV

MIC

105 

Proposal of the Government to the Standing Committee of the National Assembly for consideration and approval of the investment policy of the remaining sections on the North-South route

Year 2021

MOT

106 

Prime Minister's Decision approving the Master Planning on the Network of Health Care Establishments for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2045.

November

MOH

107 

Decree on borrowing, capital mobilization, joint venture, partnership, asset lease, and service provider hiring for public non-business units in health and population sectors

Quarter I

MOH

108 

Prime Minister’s Decision approving a Planning of the network of higher education and pedagogical institutions

December

MOET

109 

Planning for development and application of atomic energy for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

Quarter IV

MOST

110 

Planning on a network of public science and technology organizations

Quarter IV

MOST

111 

Planning on the network of the national hydro-meteorological stations in the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

December

MONRE

112 

Planning on Water Resources for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2050

December

MONRE

113 

Planning on the network of public non-business units under the Ministry of Home Affairs

Quarter IV

MOHA

114 

Project on orientations to mobilize social resources for investment in aviation infrastructure

Year 2021

MOT

IV

Group of tasks on improving the quality and efficiently use human resources associated with promoting innovation, strong application and development of science and technology

 

 

115 

Project on Circular Economy Development in Viet Nam

December

MPI

116 

Project to renovate and improve the quality of rural vocational training

Quarter IV

MARD

117 

Project on raising awareness, training, and developing human resources for digital transformation by 2025, with a vision to 2030

Quarter IV

MIC

118 

Strategy to develop science, technology, and innovation for the 2021 - 2030 period

Quarter IV

MOST

119 

Project on a "Plan to develop Hoa Lac Hi-Tech Park in the 2021 - 2025 period, with an orientation to 2030"

Quarter IV

MOST

V

Group of tasks on cultural and social development, and implementation of social progress and justice

 

 

120 

Resolution of the National Assembly on inclusive poverty reduction by 2030

Quarter IV

MOLISA

121 

National Target Program on sustainable poverty reduction and social security for the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MOLISA

122 

Prime Minister’s Decision’s promulgating Criteria on poor districts and extremely difficult communes in coastal areas and islands in the 2021 - 2025 period

Quarter IV

MOLISA

123 

Project to link vocational training institutions with enterprises sending workers for overseas employment under contracts for labor resource training and preparation

Year 2021

MOLISA

124 

Project to send technical and vocational trained workers for employment under contracts in foreign high-income markets

Year 2021

MOLISA

125 

Project for digital transformation and online teaching in vocational education

December

MOLISA

126 

Pilot Project on providing vocational college training to junior high school graduates

December

MOLISA

127 

Pilot Project on training and improving occupational skills to meet the requirements of the Fourth Industrial Revolution

December

MOLISA

128 

Strategy for the development of vocational education, a Planning on the network of vocational training institutions, autonomy mechanisms of vocational education institutions

Year 2021

MOLISA

129 

Prime Minister's Decision approving the COVID-19 Vaccine Research and Development Project

June

MOH

130 

Prime Minister's Decision approving the National Strategy on Nutrition for the 2021 - 2030 period with a vision to 2040.

December

MOH

131 

Prime Minister's Decision on a number of policies for grassroots health workers and preventive medicine workers

September

MOH

132 

Project on human resource training for health sector in difficult areas in the 2021-2030 period

Quarter I

MOH

133 

Project to develop a system of education quality assurance and accreditation for pedagogical tertiary education establishments and colleges in the 2021 - 2030 period

November

MOET

134 

Project to enhance the application of information technology and digital transformation in the education and training sector in the 2021 - 2025 period, with an orientation to 2030.

July

MOET

135 

Project to improve the teaching quality of ethnic minority languages ​​in the general education program

December

MOET

136 

Project to build a "Learning Society" for the 2021 - 2030 period

Quarter II

MOET

137 

Report on the continued implementation of Decision No. 174/QD-TTg, dated February 9, 2017 of the Prime Minister approving the Project to build capacity of public servants for religious work in the 2017-2020 period

March

MOHA

138 

Vietnam’s Youth Development Strategy for the 2021 - 2030 period

March

MOHA

139 

Report on the results of 3-year implementation of the Law on Beliefs and Religions and the Government's Decree No. 162/2017/ND-CP dated December 30, 2017 detailing a number of articles and measures to implement the Law on Beliefs and Religions, recommendations and proposals

August

MOHA

140 

Prime Minister’s Decision approving the list of communes in region III, region II, region I of ethnic minority and mountainous areas in the 2021 - 2025 period

March

CEMA

141 

Prime Minister's Decision approving the Ethnic Work Strategy for the 2021 - 2030 period

December

CEMA

142 

Prime Minister’s Decision promulgating principles, criteria and norms for the allocation of public investment capital from the central budget to support the implementation of the National Target Program on socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas in the 2021-2030 period

June

CEMA

143 

Prime Minister's Decision approving the National Target Program for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the 2021-2030 period

June

CEMA

144 

Prime Minister's Decision on the list of ethnic groups facing diverse difficulties and specific difficulties for the 2021-2025 period

June

CEMA

VI

Group of tasks on effective and sustainable management, exploitation and use of natural resources, environmental protection, proactive and effective response to climate change, natural disaster prevention, combat, and reduction

 

 

145 

National Strategy on Green Growth for the 2021 - 2030 period

June

MPI

146 

Pilot Project on forest lease for medicinal plant cultivation and development

Quarter IV

MARD

147 

Project on strengthening the management capacity of the conservation area system by 2025, with a vision to 2030

Quarter IV

MARD

148 

Project to establish new marine protected areas, restore marine ecosystems by 2025, to ensure that the area of ​​marine and coastal protected areas reaches 3% of the total Viet Nam’s sea area.

Quarter IV

MARD

149 

Program on population allocation in regions confronting natural disasters, extreme difficulties, borders, islands, free migration, having special-use forests for the 2021 - 2025 period, with an orientation to 2030

Quarter IV

MARD

150 

Project on water source security and safety for dams and reservoirs for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2045

Quarter II

MARD

151 

National Strategy on rural water supply and sanitation to 2030, with a vision to 2045

Quarter II

MARD

152 

Master Program on National Disaster Prevention and Control

Quarter II

MARD

153 

National Plan for Natural Disaster Prevention and Mitigation in the 2021-2025 period

Year 2021

MARD

154 

National Action Plan for Conservation and Sustainable Use of Wetlands in Viet Nam for the 2021 - 2030 period

May

MONRE

155 

National Strategy on Biodiversity for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2040

October

MONRE

156 

Project on inventory, monitoring, reporting, and building a biodiversity database for the 2021 - 2030 period, with a vision to 2040

October

MONRE

157 

Strategy for sustainable exploitation and use of natural resources and protection of sea and island environment to 2030, with a vision to 2045

November

MONRE

158 

Project for Viet Nam to actively participate in negotiating and building a global agreement against marine plastic waste

June

MONRE

159 

Decision replacing the Prime Minister's Decision No. 44/2014/QD-TTg dated August 15, 2014, detailing levels of natural disaster risks

March

MONRE

160 

Decision replacing the Prime Minister's Decision No. 03/2020/QD-TTg dated January 13, 2020 on natural disaster forecast, warning, and communication

March

MONRE

161 

Project of national water resource inventory until 2025

October

MONRE

162 

Project on investigation, assessment, and mapping of water resources at the scale of 1:100,000 in Viet Nam's territory

November

MONRE

163 

Prime Minister’s Decision promulgating the Monitoring and Evaluation System on Climate Change Adaptation Activities

October

MONRE

164 

Prime Minister’s Decision approving the Carbon Market Development Project in Viet Nam.

November

MONRE

165 

Prime Minister's Decision approving Viet Nam's Nationally Determined Contribution (NDC) Support Program

December

MONRE

VII

Group of tasks on organizational apparatus, administrative reform, anti-corruption, thrift practice against waste, settlement of complaints and denunciations, emulation, and commendation

 

 

166 

Prime Minister's Decision approving the list of online public services prioritized for integration and provision on the National Public Service Portal

March

Government Office

167 

Decision amending and supplementing Decisions of the Prime Minister on the composition, tasks and powers of the Central Coordinating Council for Legal Dissemination and Education

May

MOJ

168 

Decision issuing the Government's Master Program on thrift practice and waste combat in the 2021 - 2025 period

September

MOF

169 

Decree replacing the Government's Decree No. 50/2016/ND-CP dated June 1, 2016 on penalties for administrative violations in the field of planning and investment.

September

MPI

170 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 43/2011/ND-CP on providing online public information and services on websites or web portals of state agencies

Quarter IV

MIC

171 

Decree amending and supplementing the Government's Decree No. 64/2007/ND-CP dated April 10, 2007, on IT application in state agencies' operations.

Quarter IV

MIC

172 

Develop a National Data Strategy for the 2021 - 2025 period, with a vision to 2030

Quarter IV

MIC

173 

Report on the implementation of the Prime Minister's Decision No. 2218/QD-TTg dated December 10, 2015 on the Government's plan to implement the Government's Resolution No. 39-NQ/TW dated April 17, 2015 on downsizing and restructuring the contingent of cadres, public servants and employees

Year 2021

MOHA

174 

Public Administration Reform Master Program

Year 2021

MOHA

175 

Decree replacing the Government's Decree No. 90/2012/ND-CP dated November 5, 2012 on the organization of inspection activities in the home affairs sector

Quarter IV

MOHA

176 

Project on-site training for communal cadres, combined with knowledge enhancement for the youth in sustainable development of border areas

November

MOHA

177 

Project on database of the home affairs sector

November

MOHA

178 

Project on insurance of national archived documents Phase II (2021 - 2030)

October

MOHA

179 

Project on National Archived Document Disclosure serving socio-economic development and national sovereignty protection

November

MOHA

180 

Project to consolidate the state management apparatus organization in the field of archives to meet the requirements of centralized and unified management of electronic archives of state agencies

May

MOHA

181 

Decision of the Prime Minister promulgating a Project on the National Database on control of assets and incomes of persons with positions and powers

September

Government Inspectorate

182 

Resolution of the Government promulgating the National Strategy on anti-corruption until 2030

December

Government Inspectorate

VIII

Group of tasks on national defense, security assurance and international integration

 

 

183 

National Program on drug control and prevention of crime and trafficking in the 2021 - 2025 period

Year 2021

MOPS

184 

National Cyber ​​Information Safety and Security Strategy in the 2021-2025 period, with a vision to 2030

Quarter IV

MOPS

185 

Project on the development of an industry on network safety and security

Quarter IV

MOPS

IX

Group of tasks on information and communication to create trust and social consensus

 

 

186 

Project to disseminate and promote education of specific regulations for people with disabilities

September

MOJ

187 

Project to organize information and dissemination of important policies in drafting legal documents to create a social consensus

December

MOJ

188 

Communication Program on gender equality until 2030

September

MOLISA

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Resolution 01/NQ-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất