Nghị quyết 01/NQ-CP 2020 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị quyết 01/NQ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 01/NQ-CP |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 01/01/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài chính-Ngân hàng, Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020.
Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; các ngân hàng thương mại Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tăng vốn kịp thời. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, ban ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các họat động tín dụng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; ban hành thể chế tài chính với các hoạt động công nghệ tài chính...
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan: Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ; hoàn thành công bố xác định giá trị khi thực hiện cổ phần hóa tại hơn 90 doanh nghiệp và thoái vốn Nhà nước trên hơn 100 doanh nghiệp đã theo kế hoạch. Mặt khác, việc tháo gỡ vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, công bố danh sách trắng về doanh nghiệp cũng đang được Chính phủ quan tâm đặc biệt.
Xem chi tiết Nghị quyết01/NQ-CP tại đây
tải Nghị quyết 01/NQ-CP
CHÍNH PHỦ ----------- Số: 01/NQ-CP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ------------------- Hà Nội, ngày 01 tháng 01 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020
-----------------
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội: số 85/2019/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2019 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; số 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020,
QUYẾT NGHỊ:
Năm 2019, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là năm thứ hai liên tiếp hoàn thành đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất lao động tăng 6,2%, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, xuất siêu năm thứ tư liên tiếp; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%; thể dục thể thao đạt nhiều thành tích, truyền cảm hứng mạnh mẽ để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống nhân dân trên mọi miền đất nước chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng giữ gìn môi trường hoà bình, khẳng định vai trò, vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối của nhiệm kỳ, của kế hoạch 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược 10 năm 2021-2030, là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội khóa XV.
Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ở trong nước, kế thừa thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của đất nước ta ngày càng lớn mạnh, tình hình chính trị, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân được củng cố; tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiêu khó khăn, thách thức. Độ mở của nền kinh tế lớn trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao. Tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, căng thẳng, khó lường. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống. Tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tinh thần khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm, hành động từ Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương cần phải được phát huy mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp cả nước.
I. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG VÀ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ
Kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, thành tựu tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành từ đầu nhiệm kỳ, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 10 năm 2011-2020, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.
2. Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
3. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực chất hơn gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
5. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
6. Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức tốt các sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2020
1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh
1.1. Thành lập Tổ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội.
1.2. Nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020; khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh. Tăng cường phân cấp, giao quyền, giải phóng nguồn lực, đất đai, tài nguyên phục vụ cho phát triển.
1.3. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật để phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ. Hoàn thiện các chuẩn mực tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và xếp hạng tín nhiệm phù hợp thông lệ quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
1.4. Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống, tăng tính thuận tiện trong hoạt động tiêu dùng của nhân dân.
1.5. Đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Tập trung hoàn thiện các dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua, tạo môi trường pháp lý thuận lợi huy động mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, thu hút có chọn lọc và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
1.6. Ban hành quy định về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội mới trong năm 2020. Sửa đổi, bổ sung quy định về tự chủ tài chính, vị trí việc làm và việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thiện cơ chế chính sách để chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước.
1.7. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quảng cáo, quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với thực tiễn.
2. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững
2.1. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Bảo đảm tăng trường tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen". Phê duyệt và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2.2. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, công khai minh bạch. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý ngân sách nhà nước. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu, quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao; ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức Đại hội đảng các cấp, các hoạt động năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA lần thứ 41; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công; nghiên cứu huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, bảo đảm thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020. Cân đối đủ nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương. Thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện và giá các dịch vụ công thiết yếu.
2.3. Duy trì cán cân thương mại tích cực, đóng góp cho tăng trưởng. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là hàng nông sản; phòng ngừa rủi ro do mất cân đối xuất khẩu, nhập khẩu ở một số địa bàn; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Thực hiện nghiêm Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ"; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước. Hoàn tất phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam - EU; tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; nghiên cứu, xây dựng kịch bản phù hợp tham gia các FTA mới.
2.4. Ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
2.5. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo và chất lượng của hệ thống thông tin, thống kê. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thống kê, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam, các Đề án lớn của ngành Thống kê, nhất là Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thống kê dân số, nhà ở, đánh giá quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến 2020 để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ đại hội Đảng các cấp. Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực; tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội thông qua trục liên thông quốc gia. Tăng cường kết hợp chế độ báo cáo thống kê với điều tra thống kê và khai thác dữ liệu thống kê.
3. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn
3.1. Khẩn trương triển khai Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020, đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn của các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai cho các dự án khác có khả năng giải ngân cao; có giải pháp sớm hoàn thành dự án, công trình chậm tiến độ. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quá trình theo dõi, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu về đầu tư, giải ngân. Đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng.
3.2. Thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Xử lý có kết quả cụ thể, rõ rệt các tổ chức tín dụng yếu kém, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu đến cuối năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II; kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
3.3. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ để kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP, 91/2015/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Hoàn thành chỉ tiêu nguồn thu từ cổ phần hóa thoái vốn cho đầu tư công theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Hoàn thành công bố xác định giá trị khi thực hiện cổ phần hoá tại hơn 90 doanh nghiệp; thoái vốn nhà nước tại trên 100 doanh nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng việc thực hiện công bố thông tin vê hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; cơ bản hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước theo hướng công khai, minh bạch. Xử lý vướng mắc về hợp đồng EPC và tái cơ cấu tài chính, tín dụng của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Trung ương để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, sớm công bố sách trắng về hợp tác xã. Phát huy vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường sự phối hợp và phân định rõ trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành, cơ quan chức năng.
3.4. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế; có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phấn đấu nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc; công bố sách trắng về doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, chất lượng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tiễn và dành nguồn lực thích đáng để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng tính liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020.
3.5. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành và nội ngành dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ.
Tập trung phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Cơ cấu lại thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, tăng cường kiểm soát, bảo đảm ổn định thị trường.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, thu nhập cao hơn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; ngăn chặn lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức tái đàn. Nghiên cứu, tập trung thực hiện các giải pháp để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với ngành thủy sản. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng; phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi nhanh hệ thống rừng ngập mặn ven biển.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, nhất là du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, từng bước tạo dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia. Phát triển dịch vụ bưu chính, chuyển phát ứng dụng công nghệ hiện đại. Cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics. Phát triển kinh tế biển, gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.
4. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn
4.1. Đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sớm quyết định đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tổ chức thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Làm tốt công tác quản lý, sửa chữa, duy tu, bảo trì thường xuyên hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt.
4.2. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải; kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo đảm môi trường, nhất là đối với điện mặt trời.
4.3. Phát huy vai trò đô thị lớn, tháo gỡ những điểm nghẽn, thu hút các nguồn lực cho phát triển đô thị hiện đại, gắn kết với phát triển khu vực nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện thực tế của vùng và của mỗi đô thị. Phát triển hạ tầng cấp nước, thoát nước, giao thông công cộng đồng bộ với phát triển nhà ở theo lộ trình hợp lý, đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân. Tiếp tục giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông và ngập úng tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác.
4.4. Đổi mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.
4.5. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá, nâng cao chất lượng quy hoạch để thúc đẩy mạnh mẽ các vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng. Thực hiện hiệu quả Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến quy hoạch, khẩn trương lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kịp thời điều chỉnh các quy hoạch hiện có đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện phân lại vùng làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng và quy hoạch vùng hợp lý, hiệu quả.
5. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện dại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lưọng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài
5.1. Tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo sự chuyển biến căn bản về giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Rà soát, sắp xểp mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tinh gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh tự chủ đại học; hỗ trợ có hiệu quả việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực thi hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ từ các nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín từ nước ngoài.
5.2. Có cơ chế, chính sách vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu lại và thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung phát triển công nghệ mới, nền tảng, chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Có chính sách đột phá phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu công nghệ, nhất là công nghệ đã qua sử dụng, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao.
6. Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân
6.1. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam; có chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp hơn nữa đối với việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế. Phát triển đời sống văn hóa, nghệ thuật, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa. Tập trung chuẩn bị và tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày Lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hoá gắn chặt với phát triển du lịch bền vững. Thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại. Thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao rộng khắp cả nước gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Quan tâm, đẩy mạnh thể dục, thể thao cộng đồng, thể thao cho người khuyết tật. Phát huy thành tích đạt được của thể thao Việt Nam trong những năm qua, chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự vòng loại và Olympic tại Nhật Bản, phấn đấu đạt thành tích cao nhất. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để tổ chức SEAgames 31 tại Việt Nam vào năm 2021.
6.2. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục rà soát, giải quyết và tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng, đảm bảo đúng đối tượng. Tăng cường vận động, hỗ trợ người có công về nhà ở. Phấn đấu đến hết năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
6.3. Tiếp tục đổi mới công tác trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, không bao cấp tràn lan. Thực hiện tốt trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, đặc biệt là người khuyết tật, người dân vùng bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh,... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát triển các hình thức trợ giúp dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng yếu thế, nhất là hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, tái hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp, bảo đảm an toàn nhà ở cho người dân ở vùng thường xuyên bị thiên tai. Đẩy nhanh việc cải tạo các chung cư, tập thể cũ xuống cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
6.4. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn,... tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
6.5. Thực hiện tốt chính sách, giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nâng cao chất lượng việc làm. Phát triển thị trường lao động đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và bền vững đi đối với tăng cường, nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, điều tiết cung - cầu trên thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tiếp tục mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu, điều chỉnh lương hưu phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi thực hiện chế độ tiền lương mới. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
6.6. Nâng cao chất lượng dân số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là vùng miền núi, khó khăn, giảm dân tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam. Đổi mới cơ chế tài chính, hoạt động của y tế xã, phường, thị trấn theo nguyên lý y học gia đình để thực hiện đúng vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm của người dân trên địa bàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc. Sớm hoàn thành các bệnh viện trung ương, tuyến cuối. Xây dựng, ban hành giá dịch vụ y tế bao gồm chi phí quản lý và khấu hao theo lộ trình. Hoàn thành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật. Từng bước thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ y tế các tuyến, đáp ứng sự hài lòng của người dân; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, triển khai rộng bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở y tế và tiếp tục sắp xếp các cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường quản lý chất lượng thuốc, đẩy mạnh đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc gia, bảo đảm đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế với giá hợp lý. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
6.7. Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh với trẻ em. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025. Tăng cường các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em. Đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; củng cố và phát triển Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em; hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi để từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và giữa các vùng, miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.
6.8. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
6.9. Chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo. Phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Tập trung, triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội thông qua gắn với phân định địa bàn vùng dân tộc, vùng miền núi theo trình độ phát triển.
6.10. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, mê tín, dị đoan, các biểu hiện, hành vi suy thoái đạo đức, thiếu văn hóa, gây phản cảm, ảnh hưởng xấu trong xã hội.
7. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai
7.1. Quản lý chặt việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phân cấp quản lý phù hợp, đẩy mạnh và thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước có khoáng sản. Giám sát hiệu quả việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt và cấp đủ cho nhân dân; theo dõi, đánh giá, dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nguồn nước; thúc đẩy cơ chế chia sẻ tài nguyên nước xuyên biên giới.
7.2. Nghiên cứu sửa đổi quy định, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường phù hợp chuẩn mực khu vực và quốc tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, địa điểm bố trí nhà máy xử lý, thu gom rác thải. Giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Thu gom, tái chế chất thải rắn. Khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường; từng bước nghiên cứu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
7.3. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, nhất là rác thải làng nghề, rác thải sinh hoạt nông thôn; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trong khai thác và sử dụng đất, khai thác cát, đá, sỏi,... và các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước,... Xử lý ô nhiễm môi trường, nước, không khí, nhất là ở thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn.
7.4. Tăng cường năng lực và làm tốt công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo cảnh báo sớm và đủ độ chi tiết đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
8.1. Kịp thời hướng dẫn, triển khai các chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015 - 2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW; cơ cấu lại, tinh giản biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương. Đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Phấn đấu hoàn thành sớm mục tiêu sắp xếp các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 trong năm 2020. Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức. Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
8.2. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả mô hình dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn, đặc thù. Tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách quy định hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách mạnh mẽ hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng xã hội hóa, chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang sau thông quan và thống nhất một đầu mối quản lý hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; cải cách thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; loại bỏ các chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
8.3. Đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xử lý vi phạm hành chính, hỗ trợ hoạt động tố tụng, truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định tình tiết tăng nặng tái phạm trong xử lý vi phạm hành chính, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của các hội nghề nghiệp. Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án, tập trung vào các vụ việc trọng điểm. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và xử lý các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư.
8.4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Tiếp nhận, giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh "điểm nóng" gây mất trật tự, an toàn xã hội.
8.5. Thực hiện nghiêm các Chi thị, Nghị quyết của Đảng, nhất là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; chống trục lợi chính sách, lợi ích nhóm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát. Kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
8.6. Triển khai thực hiện đúng thời hạn các nội dung tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015- 2020, Kế hoạch hành động quốc gia giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020. Tích cực cung cấp thông tin, tài liệu nhằm chứng minh tính hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố để phản hồi đối với những nhận xét, đánh giá của nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
9. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế
9.1. Chú động nắm bắt, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, tham mưu và thực hiện các giải pháp, kịp thời ứng phó, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Nắm chắc tình hình trong nước, kịp thời phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các địa bàn chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị cấp cao ASEAN, các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.
9.2. Tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến toàn diện về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chủ động, liên tục đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung vào tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm hình sự liên quan đến "tín dụng đen", "buôn người", di cư bất hợp pháp ra nước ngoài, cho vay lãi nặng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi truờng; tập trung thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông nghiêm trọng và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chừa cháy; bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân.
9.3. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền; xử lý tốt các vấn đề phát sinh trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc. Tiếp tục củng cố, làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ với các đối tác, tăng cường tin cậy và đan xen lợi ích, củng cố các cơ chế hợp tác, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đổi tác quan trọng. Chủ động tham gia, đóng góp có trách nhiệm và nâng cao vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Tranh thủ tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quảng bá quốc gia và thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Triển khai đồng bộ ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
10. Đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp
10.1. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ quan báo chí chủ lực đủ mạnh, thực hiện tốt chức năng thông tin tuyên truyền, chủ động, kịp thời cung cấp và tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, người dân; nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tranh thủ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực hiện tốt việc bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, Internet, xuất bản. Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
10.2. Tiếp tục duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ, gắn kết hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1.1. Quán triệt phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ, khẩn trương khắc phục hiệu quả các hạn chế, bất cập; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các Nghị quyết khác của Đảng, Quốc hội và các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo chuyển biến rõ nét ngay từ đầu năm; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình.
1.2. Trước ngày 20 tháng 01 năm 2020, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2020.
1.3. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ tại Phụ lục số 4, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
1.4. Thường xuyên theo dõi, đánh giá, cập nhật kịch bản tăng trưởng tại Phụ lục số 2; việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu tại Phụ lục số 1, các chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực tại Phụ lục số 3; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
1.5. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 11 năm 2020 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 12 năm 2020.
2. Các bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết này.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - UB Giám sát tài chính QG; - Kiểm toán Nhà nước; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc; - Lưu: Văn thư, KTTH (2b). |
TM. CHÍNH PHỦ
Nguyễn Xuân Phúc |
Phụ lục số 1
CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01_năm 2020 của Chính phủ)
TT |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Ước thực hiện năm 2019 |
Kế hoạch năm 2020 Quốc hội giao |
Mục tiêu phấn đấu năm 2020 của Chính phủ |
Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá |
|
1 |
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) |
% |
7,02 |
Khoảng 6,8 |
6,8 |
Bộ KHĐT |
|
2 |
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân |
% |
2,79 |
< 4% |
< 4% |
Bộ KHĐT |
|
3 |
Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu |
% |
8,1 |
Khoảng 7 |
Khoảng 8 |
Bộ CT |
|
4 |
Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu |
% |
Xuất siêu 3,77% |
< 3% |
< 2% |
Bộ CT |
|
5 |
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP |
% |
33,9 |
33-34 |
33-34 |
Bộ KHĐT |
|
6 |
Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều - Trong đó: Giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo |
%
% |
1-1,5 Trên 4 |
1 - 1,5 4 |
1 - 1,5 4 |
Bộ LĐTBXH |
|
7 |
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị |
% |
2,93 |
< 4% |
< 4% |
Bộ LĐTBXH |
|
8 |
Tỷ lệ lao động qua đào tạo - Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ |
%
% |
61-62 Khoảng 24 |
Khoảng 65 Khoảng 25 |
65 25 |
Bộ LĐTBXH |
|
9 |
Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) |
giường bệnh |
27,5 |
28 |
28 |
Bộ YT |
|
10 |
Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế |
% |
90 |
90,7 |
90,7 |
Bộ YT |
|
11 |
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường |
% |
89 |
90 |
90 |
Bộ KHĐT |
|
12 |
Tỷ lệ che phủ rừng |
% |
41,85 |
42 |
42 |
Bộ NNPTNT |
|
Phụ lục số 2
KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG TỔNG SẢN PHẨM TRONG NƯỚC (GDP) NĂM 2020 THEO GIÁ SO SÁNH 2010
(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ)
Đơn vị tính: %
TT |
Ngành kinh tế |
Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 |
||||||
Quý I |
Quý II |
6 tháng |
Quý III |
9 tháng |
Quý IV |
Cả năm |
||
|
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) |
6,52-6,77 |
6,65-6,87 |
6,59-6,83 |
7,11-7,37 |
6,79-7,03 |
6,81-6,93 |
6,8-7 |
1 |
Nông, lâm nghiệp và thủy sản |
2,55-2,84 |
2,63-2,99 |
2,61-2,94 |
2,99-3,12 |
2,74-3,01 |
3-3,3 |
2,91-3 |
2 |
Công nghiệp và xây dựng |
7,90 |
8,72 |
8,36 |
9,30 |
8,72 |
8,08 |
8,50 |
a) |
Công nghiệp |
8,11 |
8,86 |
8,52 |
9,52 |
8,89 |
7,70 |
8,51 |
|
- Khai khoáng |
-1,71 |
-0,42 |
-0,98 |
1,81 |
-0,04 |
-2,69 |
-1,00 |
|
- Chế biến, chế tạo |
10,47 |
11,21 |
10,88 |
11,17 |
10,99 |
11,03 |
11,00 |
b) |
Xây dựng |
6,58 |
8,04 |
7,45 |
8,30 |
7,81 |
9,46 |
8,46 |
3 |
Dịch vụ |
6,46-6,98 |
6,66-7,11 |
6,57-7,05 |
6,71-7,31 |
6,62-7,15 |
6,99-7,41 |
6,74-7,24 |
4 |
Thuế sản phẩm trừ Trợ cấp |
6,10 |
6,40 |
6,26 |
6,30 |
6,28 |
6,03 |
6,20 |
Phụ lục số 3
MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỤ THỂ CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC NĂM 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ)
TT |
CHỈ TIÊU |
Đơn vị |
Chỉ tiêu phấn đấu năm 2020 |
Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá |
I |
Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô |
|
|
|
1. |
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng |
% |
< 2 |
NHNNVN |
2. |
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) |
% |
< 3 |
NHNNVN |
3. |
Tỷ lệ động viên vào NSNN |
% |
22,2 |
Bộ TC |
4. |
Tỷ lệ nợ đọng thuế |
% |
< 5 |
Bộ TC |
5. |
Tăng thu so với dự toán NSNN |
% |
3 |
Bộ TC |
6. |
Tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) |
% |
60,5 |
Bộ TC |
7. |
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển |
% |
27-27,5 |
Bộ TC |
8. |
Bội chi NSNN so GDP |
% |
3,44 |
Bộ TC |
9. |
Dư nợ công trên GDP |
% |
54,3 |
Bộ TC |
10. |
Nợ Chính phủ trên GDP |
% |
48,5 |
Bộ TC |
11. |
Nợ nước ngoài trên GDP |
% |
45,5 |
Bộ TC |
II |
Một số chỉ tiêu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng |
|
|
|
12. |
Tỷ lệ về số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng1 |
% |
60 |
Bộ KHĐT |
13. |
Tỷ lệ về giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng2 |
% |
25 |
Bộ KHĐT |
14. |
Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên GDP |
% |
45 |
Bộ KHCN |
15. |
Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia |
Thứ hạng |
42/129 |
Bộ KHCN |
16. |
Thu hút khách du lịch quốc tế |
Triệu lượt khách |
20,5 |
Bộ VHTTDL |
17. |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) |
°/o |
9-10 |
Bộ CT |
18. |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng |
% |
Khoảng 12 |
Bộ CT |
19. |
Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C |
% |
25 |
Bộ CT |
20. |
Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử |
% |
50 |
Bộ CT |
III |
Một số chỉ tiêu về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công |
|
|
|
21. |
Điện sản xuất và mua năm 2020 |
Tỷ Kwh |
265,4 |
Bộ CT |
22. |
Diện tích nhà ở bình quân cả nước |
m2 sàn/người |
24 |
Bộ XD |
23. |
Tỷ lệ đô thị hóa |
% |
40 |
Bộ XD |
24. |
Tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân |
Thuê bao |
16,1 |
Bộ TTTT |
25. |
Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân |
Thuê bao |
70 |
Bộ TTTT |
26. |
Tỷ lệ người sử dụng Internet trên 100 dân |
Người dùng |
71,5 |
Bộ TTTT |
IV |
Một số chỉ tiêu về phát triển văn hóa, nghệ thuật, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường |
|
|
|
27. |
Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh |
Số bé trai/100 bé gái |
114,6 |
Bộ YT |
28. |
Số bác sỹ/1 vạn dân |
Bác sỹ |
9 |
Bộ YT |
29. |
Tỷ lệ tử vong trẻ em < 1 tuổi |
‰ |
14 |
Bộ YT |
30. |
Tỷ lệ tử vong của trẻ em < 5 tuổi |
‰ |
20,4 |
Bộ YT |
31. |
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) |
% |
12 |
Bộ YT |
32. |
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế |
% |
80 |
Bộ YT |
33. |
Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc |
% |
94 |
Bộ YT |
34. |
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội |
% |
33,5 |
Bộ LĐTBXH |
35. |
Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch |
% |
90 |
Bộ XD |
36. |
Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh |
% |
96 |
Bộ NNPTNT |
37. |
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị dược thu gom, xử lý |
% |
87 |
Bộ XD |
38. |
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới |
% |
70 |
Bộ NNPTNT |
39. |
Tỷ lệ huy động nhà trẻ |
% |
30 |
Bộ GDĐT |
40. |
Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi |
% |
92,3 |
Bộ GDĐT |
41. |
Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên3 |
% |
85 |
Bộ GDĐT |
42. |
Tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên4 |
% |
62 |
Bộ GDĐT |
43. |
Tỷ lệ giáo viên THCS đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên5 |
% |
77 |
Bộ GDĐT |
44. |
Tỷ lệ giáo viên THPT đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên |
% |
99,98 |
Bộ GDĐT |
45. |
Tỷ lệ số lượt người tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục thường xuyên |
% |
45 |
Bộ GDĐT |
46. |
Số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định trong nước |
Chương trình |
250 |
Bộ GDĐT |
47. |
Số lượng chương trình đào tạo của giáo dục đại học được kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định quốc tế |
Chương trình |
250 |
Bộ GDĐT |
48. |
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới |
% |
59 |
Bộ NNPTNT |
49. |
Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới |
Đơn vị |
> 121 |
Bộ NNPTNT |
50. |
Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội |
% |
33,5 |
Bộ YT |
V |
Một số chỉ tiêu về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử |
|
|
|
51. |
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đạt mức 4 |
% |
100 |
Bộ YT |
52. |
Tỷ lệ các bộ, ngành, địa phương kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. |
% |
90 |
Bộ TTTT |
53. |
Tinh giản biên chế công chức |
% |
2 |
Bộ NV |
54. |
Tinh giản biên chế viên chức (hưởng lương từ ngân sách nhà nước) |
% |
2,5 |
Bộ NV |
55. |
Tỷ lệ các vụ, cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuốc Chính phủ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng |
% |
80 |
VPCP |
56. |
Tỷ lệ các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý văn bản, hồ sơ công việc (ưừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng |
% |
60 |
VPCP |
57. |
Tỷ lệ các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng |
% |
30 |
VPCP |
58. |
Tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công quốc gia. |
% |
30 |
VPCP |
59. |
Tỷ lệ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền. |
% |
100 |
VPCP |
VI |
Một số chỉ tiêu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội |
|
|
|
60. |
Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội. |
% |
70-80 |
Bộ TTTT |
-----------------------------
1 Tính trên tổng số lượng gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi đủ điều kiện áp dụng đấu thầu qua mạng.
2 Tính trên tổng giá trị gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi đủ điều kiện áp dụng đấu thầu qua mạng.
3 Theo chuẩn trình độ mới.
4 Theo chuẩn trình độ mới.
5 Theo chuẩn trình độ mới.
Phụ lục số 4
MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ CHO CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC NĂM 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ)
TT |
NHIỆM VỤ |
Thời hạn hoàn thành |
Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá |
I. |
Nhóm nhiệm vụ về xây dựng hệ thống pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật |
|
|
1. |
Rà soát, hoàn thiện lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành các quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH |
Tháng 11/2020 |
Bộ GDĐT |
2. |
Đánh giá việc thực hiện Luật Thống kê và nghiên cứu, xây dựng các hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội phù hợp cho giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
3. |
Tổ chức xây dựng Kế hoạch đàu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
4. |
Ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu |
Tháng 02/2020 |
Bộ CT |
5. |
Sửa đổi Biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt |
Quý 1/2020 |
Bộ CT |
6. |
Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế. |
Tháng 01/2020 |
Bộ TC |
7. |
Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết Luật chứng khoản (sửa đổi). |
Năm 2020 |
Bộ TC |
8. |
Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dân thi hành một sô điều của Luật phí và lệ phí. |
Tháng 5/2020 |
Bộ TC |
9. |
Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. |
Tháng 6/2020 |
Bộ TC |
10. |
Nghị định về quản lý nguồn thu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. |
Tháng 3/2020 |
Bộ TC |
11. |
Nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. |
Tháng 6/2020 |
Bộ TC |
12. |
Nghị định thay thế Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước. |
Tháng 12/2020 |
Bộ TC |
13. |
Nghị định quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (thay thế Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015) |
Tháng 6/2020 |
Bộ TC |
14. |
Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải |
Năm 2020 |
Bộ TC |
15. |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu cho sản xuất điện. |
Năm 2020 |
Bộ TC |
16. |
Các văn bản QPPL để quy định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuê không còn khả năng nộp NSNN. |
Năm 2020 |
Bộ TC |
17. |
Tổ chức xây dựng Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ TC |
18. |
Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. |
Năm 2020 |
Bộ TP |
19. |
Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật" giai đoạn 2018 -2022. |
Năm 2020 |
Bộ TP |
20. |
Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các đề mục của Bộ Pháp điển; tuyên truyền rộng rãi để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển. Đăng tải Bộ pháp điển điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. |
Năm 2020 |
Bộ TP |
21. |
Rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển. |
Tháng 7/2020 |
Bộ TP |
22. |
Xử lý dứt điểm các văn bản có quy định trái pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương ban hành đã được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2017, 2018 và 2019. |
Tháng 11/2020 |
Bộ TP |
23. |
Nghiên cứu mô hình kinh tế số và đề xuất những lĩnh vực pháp lý có liên quan đến công nghệ số cần quy định trong thời gian tới. |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
24. |
Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử |
Tháng 11/2020 |
Bộ TTTT |
25. |
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. |
Tháng 06/2020 |
Bộ TTTT |
26. |
Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
27. |
Rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
28. |
Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP quy định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
29. |
Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
II |
Nhóm nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trường |
|
|
30. |
Xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
31. |
Ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
32. |
Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
33. |
Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết với WTO và ASEAN. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
34. |
Đánh giá mức tiêu hao năng lượng tính trên GDP để bảo đảm thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
35. |
Xây dựng Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
36. |
Xây dựng các quy định về Danh mục công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
37. |
Tái cơ cấu các Chương trình KH&CN Quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
38. |
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
39. |
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
40. |
Xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và thành lập Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
41. |
Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp. |
Năm 2020 |
Bộ KHCN |
42. |
Nghị quyết về Chương trình hành dộng của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế |
Quý 1/2020 |
Bộ KHĐT |
43. |
Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/CP-NQ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đề xuất định hướng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025. |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
44. |
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa ở Việt Nam. |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
45. |
Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
46. |
Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg và dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 1232/QĐ-TTg). |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
47. |
Ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016. |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
48. |
Rà soát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế tăng cường quản lý các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội. |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
49. |
Đề án xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
50. |
Đề án Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới |
Quý IV/2020 |
Bộ KHĐT |
51. |
Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị vê định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
52. |
Báo cáo xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
53. |
Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp để ứng dụng, phát triển mô hình "kinh tế ban đêm". |
Tháng 3/2020 |
Bộ KHĐT |
54. |
Nghiên cứu, đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế. |
Tháng 12/2020 |
Bộ KHĐT |
55. |
Hoàn thiện báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 để trình Đại hội XIII thông qua. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
56. |
Đánh giá, tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam và xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021- 2030. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
57. |
Đề án "Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" |
Tháng 9/2020 |
Bộ LĐTBXH |
58. |
Xây dựng các Hướng dẫn quốc gia triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái tại các địa phương theo định hướng phát triển bền vững. |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
59. |
Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
60. |
Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản giai doạn 2021-2030. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
61. |
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
62. |
Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp phù hợp với điều kiện vùng, miền và theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
63. |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
64. |
Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
65. |
Chương trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; sắp xếp dân cư vùng rủi ro thiên tai cao giai đoạn 2021-2025. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
66. |
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. |
Quý 11/2020 |
Bộ NNPTNT |
67. |
Xây dựng Đề án lộ trình dừng công nghệ 2G tại Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
68. |
Thương mại hóa công nghệ 5G có hiệu quả. |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
69. |
Hoàn thành việc xây dựng hệ thống mã địa chỉ (gắn với bản đồ số V-Map). |
Tháng 6/2020 |
Bộ TTTT |
70. |
Xây dựng chiến lược phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. |
Tháng 9/2020 |
Bộ TTTT |
71. |
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống công cụ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả các hoạt động đầu tư xây dựng. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
72. |
Khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng theo hướng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng. |
Năm 2020 |
NHNNVN |
73. |
Tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại do Nhà nước nẳm giữ trên 50% vốn điều lệ |
Năm 2020 |
NHNNVN |
74. |
Tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ TC |
75. |
Xử lý vướng mắc về hợp đồng EPC và tái cơ cấu tài chính, tín dụng của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, phấn đấu ít nhất có 01 dự án đưa ra khỏi danh mục. |
Năm 2020 |
UBQLVNN tại DN |
III. |
Nhóm nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội |
|
|
76. |
Triển khai lập quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2035, tầm nhìn đến năm 2050 |
Năm 2020 |
Bộ CT |
77. |
Hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. |
Năm 2020 |
Bộ CT |
78. |
Triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, hoàn thành báo cáo phân vùng, lập Quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 và tổ chức lập Quy hoạch các vùng |
Năm 2020 |
Bộ KHĐT |
79. |
Bốn Quy hoạch ngành cấp quốc gia về: Lâm nghiệp; Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Phòng, chống thiên tai và thủy lợi, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Năm 2020 |
Bộ NNPTNT |
80. |
Hoàn thiện Khung định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia giai đoạn 2021-2030, xây dựng các công cụ pháp lý về công tác quản lý phát triển đô thị. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
81. |
Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng khu vực đô thị gắn kết với khu vực nông thôn. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
82. |
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2021. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
83. |
Tổ chức lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
84. |
Tổng kết thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 và xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2030. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
85. |
Xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa |
Năm 2020 |
Bộ XD |
86. |
Xây dựng khung chính sách đối với công tác quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
87. |
Xây dựng, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021-2030. Lập các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
88. |
Hoàn thành các bệnh viện trung ương, tuyến cuối. |
Năm 2020 |
Bộ YT |
89. |
Xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030. |
Năm 2020 |
Bộ YT |
90. |
Tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. |
Năm 2020 |
Bộ YT |
91. |
Khởi công tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ. |
Năm 2020 |
Bộ GTVT |
92. |
Thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận. |
Năm 2020 |
UBND tỉnh Tiền Giang |
IV. |
Nhóm nhiệm vụ về phát triển văn hóa, nghệ thuật, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường |
|
|
93. |
Sơ kết 5 năm (2014-2019) thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa và xây dựng Kế hoạch tiếp tục triển khai Nghị quyết 88 giai đoạn 2020-2025. |
Tháng 01/2020 |
Bộ GDĐT |
94. |
Xây dựng phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025 |
Tháng 4/2020 |
Bộ GDĐT |
95. |
Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. |
Tháng 9/2020 |
Bộ LĐTBXH |
96. |
Đánh giá thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. |
Quý 11/2020 |
Bộ LĐTBXH |
97. |
Tổng kết đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững giai đoạn 2021-2025. |
Quý 11/2020 |
Bộ LĐTBXH |
98. |
Đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ. |
Tháng 3/2020 |
Bộ LĐTBXH |
99. |
Đề án đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội. |
Tháng 6/2020 |
Bộ LĐTBXH |
100. |
Báo cáo về xác định tiền lương tối thiểu theo giờ. |
Tháng 11/2020 |
Bộ LĐTBXH |
101. |
Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng lao động |
Tháng 9/2020 |
Bộ LĐTBXH |
102. |
Tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 -2025 |
Năm 2020 |
Bộ LĐTBXH |
103. |
Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các dòng sông lớn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. |
Năm 2020 |
Bộ TNMT |
104. |
Liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế, rút ngắn thời gian thực hiện chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất. |
Năm 2020 |
Bộ TNMT |
105. |
Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
106. |
Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất kỹ thuật, lực lượng để đăng cai thành công Sea Games 31 năm 2021 tại Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ VHTTDL |
107. |
Hoàn thiện giải pháp phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ VHTTDL |
108. |
Ban hành Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới. |
Năm 2020 |
Bộ VHTTDL |
109. |
Tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. |
Năm 2020 |
Bộ YT |
110. |
Nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
111. |
Tổng kết tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và Đề án tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
112. |
Xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội. |
Năm 2020 |
Bộ XD |
113. |
Nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 từ năm 2021 |
Năm 2020 |
UBDT |
V. |
Nhóm nhiệm vụ về cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử |
|
|
114. |
Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gắn với tổ chức thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. |
Năm 2020 |
Bộ TP |
115. |
Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, phấn đấu đưa vào vận hành từ năm 2021. |
Năm 2020 |
Bộ TP |
116. |
Xây dựng chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. |
Tháng 12/2020 |
Bộ TTTT |
117. |
Xây dựng Đề án xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025 |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
118. |
Phát triển và làm chủ Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. |
Tháng 12/2020 |
Bộ TTTT |
119. |
Xây dựng, trình Bộ Chính trị nội dung quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. |
Năm 2020 |
Bộ NV |
120. |
Nghị định điều chỉnh tiền lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang năm 2020. |
Năm 2020 |
Bộ NV |
121. |
Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004). |
Năm 2020 |
Bộ NV |
122. |
Đề án tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X |
Năm 2020 |
Bộ NV |
123. |
Đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. |
Tháng 6/2020 |
VPCP |
124. |
Xây dựng, vận hành thử nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. |
Tháng 3/2020 |
VPCP |
125. |
Xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo bộ, ngành, địa phương, đảm bảo kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. |
Tháng 6/2020 |
VPCP |
126. |
Triển khai báo cáo theo Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KT-XH phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. |
Tháng 10/2020 |
VPCP |
127. |
Triển khai phần mềm một cửa điện tử tiêu chuẩn. |
Tháng 4/2020 |
VPCP |
128. |
Triển khai/nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ hợp và xử lý công việc tại Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. |
Tháng 12/2020 |
VPCP |
129. |
Xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản QPPL. |
Tháng 10/2020 |
VPCP |
VI. |
Nhóm nhiệm vụ về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội |
|
|
130. |
Giải pháp để các trang mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. |
Năm 2020 |
Bộ TTTT |
131. |
Xây dựng Đề án hỗ trợ báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng |
Tháng 6/2020 |
Bộ TTTT |
VII. |
Nhóm nhiệm vụ về hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế |
|
|
132. |
Chuẩn bị, điều phối tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước năm 2020. |
Năm 2020 |
Bộ NG |
133. |
Chuẩn bị, tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và lần thứ 37; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan trong Năm ASEAN 2020 |
Năm 2020 |
Bộ NG |
134. |
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tranh thủ tối đa Năm ASEAN 2020 để đẩy mạnh quảng bá quốc gia, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, du lịch, công nghệ. |
Năm 2020 |
Bộ NG |
135. |
Xây dựng dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. |
Tháng 3/2020 |
Bộ NG |
136. |
Chủ trì điều phối, đôn đốc việc chuẩn bị, tổ chức Chương trình Tuần/Ngày Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a, Ăng-gô-la và Đức. |
Tháng 9/2020 |
Bộ NG |
137. |
Đề án phát triển, quản lý báo chí đối ngoại và Văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài. |
Tháng 11/2020 |
Bộ TTTT |
138. |
Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội |
Quý 1/2020 |
Bộ CA |
THE GOVERNMENT No. 01/NQ-CP | THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM Hanoi, January 01, 2020 |
RESOLUTION
Major tasks and solutions guiding the realization of the Socio-economic development Plan and State budget estimates for 2020
--------------------
GOVERNMENT
Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;
Pursuant to the National Assembly’s Resolutions: No. 85/2019/QH14 dated November 11, 2019 on socio-economic development plan for 2020, and No. 86/2019/QH14 dated November 12, 2019 on State budget estimates for 2020.
RESOLVES
In 2019, despite numerous difficulties and challenges, the socio-economic situation continued with positive developments, important and comprehensive achievements across fields. This is the second consecutive year all 12 socio-economic goals have been realized or outperformed. Macro-economy remained stable, inflation was put under control at low level; the economy expanded 7.02%, becoming one of the fastest-growing economies in the region and the world; the quality of growth and investment efficiency improved and labor productivity increased by 6.2%, total factor productivity (TFP) to the GDP growth reached 46.11%. Total export-import valued rose to US Dollar 517 billion, making 2019 the fourth consecutive year Viet Nam enjoyed trade surplus; disbursed volume of foreign direct investment broke new record of US Dollar 20.4 billion. Economic structure continued positive changes; industries and sectors recorded stable growth; national competitiveness ranking jumped by 10 places. Cultural and social aspects witnessed positive progress, about 1.6 million jobs were created; multidimensional poverty rate reduced by 1-1.5%; sports sector gained a lot of achievements, providing source of inspirations to economic, cultural and social development; living standards continued improvements. National defense and security were strengthened; social order and safety were maintained; diplomacy and international integration were enhanced, making significant contributions to the maintenance of a peaceful environment and reflecting the role and position of the country on the international arena.
The year 2020 is of significant importance as it is the final year of the Government’s current tenure and the last year of the implementation of the five-year socio-economic development plan (2016-2020). It is also the year to prepare for the next five-year development plan (2021-2025) and for the 10-year development strategy (2021-2030). In addition, it is also eventful year as the country will celebrate 90th founding anniversary of the Communist Party of Viet Nam, 75th founding anniversary of the Democratic Republic of Viet Nam, now the Socialist Republic of Viet Nam, 130th birthday anniversary of President Ho Chi Minh, 90th anniversary of the tradition day of the Viet Nam Fatherlands Front; organize Party congresses at all levels, the 13th National Party Congress, and elections for the local-level People’s Council and the 15th National Assembly.
The regional and global landscape is forecasted to continue with unexpected developments; global economic growth, trade and investment flows may continue to slow down; strategic competition, geopolitical tensions, trade conflicts between a number of countries and major economies as well as protectionism may continue to intensify. Domestically, achievements gained during the past over 30 years have made our country’s stronger while political and social stability and public trust have been increasingly consolidated. However, there remain shortcomings and limitations in our economy which will continue to face difficulties and challenges. The decree of economic openness is high while the quality, efficiency and competiveness of the economy is still low. The East Sea situation may continue to be complicated, tense and unexpected. Climate change, natural disasters, and epidemics may produce increasingly greater impacts on production and people’s life. The sense of responsibility of a number of cadres and civil servants remains limited, many shun or pass their responsibility. Prompt, drastic and responsible working attitude must be further promoted across the country.
I. MOTTO AND FOCUS OF ACTION
By inheriting the past achievements and promoting innovative and active spirit built since the beginning of the current Cabinet’s tenure, the Government identifies the motto of action as follows: “Discipline, Integrity, Action, Responsibility, Creativity, Effectiveness”, with a focus on the following 06 issues:
1. Continue to improve socialist-oriented market economy institutions, free up resources, create fair and open environment conducive to investment and business; increase the quality of law-making in association with improving the efficiency and effectiveness of administration and implementation of legislation.
2. Concentrate on macro-economic stabilization, inflation control, and improvement of productivity, quality, efficiency and competitiveness as well as internal capacity and resilience of the economy. Speed up restructuring of the economy in association with growth model transformation in a more practical and effective manner; accelerate the implementation of key national projects; further promote the role of key economic regions and mega urban areas.
3. Maintain fast and sustainable development in association with cultural and social development, environmental protection, and improvement of the quality of material and spiritual life. Promote high-quality human resource training in association with the development of science and technology and innovation. Strengthen management of land and natural resource, protect the environment, prevent and control natural disasters and epidemics, adapt to climate change.
4. Seriously reorganize and streamline the State apparatus, reform administration. Strengthen discipline and drastically combat corruption, wastefulness and wrongdoings.
5. Consolidate national defense and security, improve the effectiveness of diplomatic activities and international integration; firmly safeguard independence, sovereignty, and territorial integrity and peaceful environment for national development; heighten the country’s global prestige and position. Fruitfully implement and organize the implementation of the free trade agreements to which Viet Nam is a signatory; well fulfill the role as the ASEAN Chairmanship 2020, AIPA Chair, and non-permanent member of the United Nations Security Council for the 2020-2021 tenure.
6. Proactively carry out information and communication work in order to create social consensus and spread the aspiration for building a powerful Viet Nam; tighten coordination between agencies, Fatherland Font, and mass organizations at all levels; promote the patriotic and innovative spirit in all sectors and levels, well organize commemorative events.
II. MAJOR TASKS AND SOLUTIONS
1. Continue development and improvement of the synchronous, modern and feasible legal framework meeting requirements of innovation, development and international integration; seriously organize the implementation of legislation
1.1. Set up a working group responsible for reviewing legal documents and identifying obstacles, shortcomings and overlapping regulations, propose necessary amendments to free up all resources in favor of socio-economic development.
1.2. Raise the quality of legal documents to ensure comprehensiveness, unity and feasibility. Focus on developing and improving draft laws planned for 2020; promptly issue legal documents on detailed implementation of the laws and ordinances passed by the National Assembly and the National Assembly Standing Committee. Improve the effectiveness of legal dissemination and education and strictly organize the implementation of legislation. Enhance administrative decentralization and assignment of power, free up land and natural resources in favor of development.
1.3. Continue development and improvement of institutions and laws for full, comprehensive and effective advancement of markets, especially land use right market, capital market, labor market, science and technology market. Perfect financial, accounting, price evaluation, and credit ranking standards in line with international practices. Continue improving legal framework for payment, accelerate non-cash payment, including non-cash payment for public services.
1.4. Study and develop pilot legal framework, mechanisms and policies for the development of modern technological products and services, and products and services of digital and sharing economy, etc., toward facilitating application of new technologies and business models by enterprises as well as fair competition between new and traditional enterprises for the sake of consumers.
1.5. Innovate the mechanisms for mobilizing, allocating and using resources in favor of development. Focus on improving draft laws on investment, enterprises and public-private partnership for submission to the National Assembly for consideration and approval in order to create favorable legal environment for mobilizing private sector’s resources and for improving the quality and effectiveness of investment cooperation.
1.6. Issue regulations on new salary and social insurance regime in 2020. Amend and supplement regulations on financial autonomy, establishment-reorganization-dissolution of public non-business units in a bid to improve the performance of these units. Improve mechanisms and policies to transform public non-business units into joint stock companies in an open, transparent and effective manner, ensuring the State’s interests.
1.7. Review, amend and supplement regulations on advertisement, management, supply and use of broadcasting and television services in accordance with the reality
2. Consolidate macro-economic foundations, control inflation, and ensure macro balances for fast and sustainable development
2.1. Employ active, flexible, cautious monetary policy in association with fiscal policies and other policies to maintain macro-economic stability, control inflation, support production and business and accelerate economic growth. Regulate interest and exchange rates flexibly in line with market developments; increase foreign reserves if possible. Ensure proper credit growth in association with improving credit quality, steering credit to priority areas; strictly control credit flows to highly risky domains in a bid to meet people’s credit demand and prevent “black credit”. Approve and deploy a national comprehensive financial strategy through 2025, orientations to 2030.
2.2. Pursue strict and effective fiscal policy in a transparent manner. Strictly pursue thrift practice and combat wastefulness, heighten the responsibility for State budget management. Focus on improving the effectiveness of management of State budget collection; restructure budget revenue items, drastically counter budget revenue loss, transfer pricing and tax evasion; sufficiently, timely collect taxes, charges, fees and other revenues into the State budget.
To operate the state budget expenditures according to the assigned estimates; give priority for the allocation of funds to organize the Party Congress at all levels, activities in the years that Vietnam is ASEAN Chairperson, 41st AIPA President; ensure the ratio of budget spending on education, training, science and technology, environmental protection, and investment in cultural fields.
Effectively manage and use public assets; mobilize additional resources for development investment. Improve the effectiveness of public debt management, guarantee prompt debt payment in a bid to improve national credit ratings in 2020. Allocate enough resources for reforming salary and social insurance policies in line with the relevant Resolution adopted by the Party Central Committee. Implement proper market-based price roadmap for electricity and other essential public services.
3. Maintain positive trade balance. Boost exports, especially farm produce; prevent risks caused by imbalanced export-import in some markets; diversify and reduce dependence on some markets. Proactively harmonize trade relations with major partners. Utilize opportunities from free trade agreements to facilitate exports and penetrate new market. Seriously implement Project on enhancing State management on prevention of trade remedy evasion and origin fraud; effectively control imports and improve capacity of trade remedy, early warning, and settlement of international trade and investment disputes, properly protect domestic production. Complete ratification of the Viet Nam-EU free trade agreement (EVFT) and Viet Nam-EU investment protection agreement (EVIPA); actively prepare for effective implementation of new-generation free trade agreements; design proper plans for joining new free trade agreements.
2.4. Issue and effectively implement Strategy for domestic trade development, Overall plan for national e-commerce development for the period 2021-2025; speed up information technology application in trade activities, combining e-commerce and traditional commerce activities. Effectively implement measures to ensure supply-demand balance, foster linkages between production and distribution of goods, and strengthen value chain connectivity with a focus on agricultural products. Accelerate development of brand for Vietnamese products and the campaign “Vietnamese prioritize using Vietnamese products”.
2.5. Improve analysis and forecasting capacity and quality of statistic information system. Continue fruitful implementation of Law on Statistics, Viet Nam Statistics Development Strategy, and major statistics schemes, particularly the scheme on statistics of unobserved economic areas, population and housing statistics, and evaluation of GDP size. Formulate a system of early warnings and forecasting data for socio-economic development, sectors and fields that could be shareable. Step up exploitation of statistical data.
3. Accelerate restructuring of the economy in association with transforming growth model, improving productivity, quality, efficiency and competitiveness in a more substantial and effective manner
3.1 Quickly deploy the 2019 Law on Public Investment, 2020 public investment plan, speed up progress of allocation and disbursement of public investment capital. Resolutely and timely transfer capital from slowly implemented projects to quickly implemented ones; take measures to complete slowly implemented projects. Improve the effectiveness of using public investment capital, accelerate information technology application in monitoring and evaluating investment, integrate data on investment and disbursement. Foster online bidding to ensure openness and transparency.
3.2. Effectively implement the Law on amending and supplementing some articles of the Law on credit institutions, the National Assembly Resolution on pilot settlement of non-performing loans of credit institutions. Fruitfully settle weak credit institutions, finalize and approve plans to handle the worst banking institutions. Intensify inspection, examination and monitoring, especially in high risk areas. Issue regulatory sandbox for fintech activities in the fields of banking and non-cash payment. Strive to ensure commercial banks meeting minimum capital requirements under the Basel II; by the end of 2020; timely increase charter capital for commercial banks in which the State holds at least 50% of charter capital and for the Viet Nam Bank for Agriculture and Rural Development.
3.3. Continue drastic reforms so that State economy, collective economy and private economy play core role in developing an independent and self-reliant economy while pursuing social progress and equality. Promptly issue a Decree amending and supplementing Decrees No. 126/2017/ND-CP, No. 91/2015/ND-CP, and No. 32/2018/ND-CP in order to timely remove obstacles in equitizing and divesting capital from State-owned enterprises and to increase charter capital for commercial banks in which the State holds at least 50% of charter capital. Complete the target of revenue from equitization and divestment for public investment in accordance with the Resolution of the National Assembly. Complete and make public values of more than 90 State-owned enterprises planned to be equitized; withdraw capital from more than 100 enterprises as approved plans. Improve governance capacity and production efficiency of State-owned enterprises as well as quality of information on performance of State-owned enterprises; formulate a data system aimed at enhancing supervision of State-owned enterprises in the direction of openness and transparency. Settle obstacles related to EPC contracts and restructure financial and credit issues of slowly-implemented and inefficient projects of the industry and trade sector. Deploy conclusion of the Political Bureau and the Resolution of the Party Central Committee on reforming, developing and improving the effectiveness of collective economy and agriculture and forestry companies; make public a white book on cooperatives.
3.4. Focus on removing obstacles, improving business environment, sharpening national competitiveness and heightening rankings of global indexes; develop plans and concrete solutions to increase global competitiveness index by 10 places; make public a white book on enterprises. Increase the number, size and quality of enterprises; speed up restructuring of enterprises towards sustainability and innovation. Quickly implement policies to support small and medium-sized enterprises and allocate sufficient resources for implementation of programs on supporting small and medium-sized enterprises. Improve the competitiveness and linkages of the business community. Encourage the development of strong private economic corporations as well as their involvement in mega projects. Create favorable conditions for household businesses to transform into enterprises; develop plans and specific solutions to realize the goal of one million enterprises by the end of 2020.
3.5. Accelerate restructuring of sectors based on promoting comparative advantages and scientific and technological application
Focus on developing spearhead industries with huge potential, advantages and high added-values; raise proportion of manufacturing and processing. Continue developing some industries that could meet the economy’s demand for basic production materials. Promote development of supporting industries, strengthen partnership with foreign-invested enterprises; further increase participation in regional and global value chain. Restructure the real estate market in association with implementation of the National housing strategy while strengthening control to ensure the stability of the real estate market.
Accelerate the development of high-tech agriculture. Rice farming land may be flexibly switched to other crops or aquaculture for higher earnings. Drastically deploy measures to prevent spread of African hog cholera. Mull over solutions to remove the European Commission’s “yellow card” warning on Vietnamese fisheries sector. Effectively implement programs and plans on forestry protection and development; increase the existing natural forest areas and quickly restore coastal forest system.
Focus on improving the quality of services, especially tourist service, promote the values of cultural heritages, gradually develop national image and brand. Develop postal services and fast delivery services based on application of modern technologies. Cut costs and improve effectiveness of logistics services. Advance marine-based economy in association with formation and development of strong marine economic centers.
4. Effectively mobilize resources, speed up infrastructure development, promote role of key economic regions and mega urban areas
4.1. Accelerate progress of the North-South Expressway, promptly issue investment decision for Long Thanh International Airport and organize the implementation of urgent and important projects that create spill-over effects.
4.2. Focus on removing obstacles against key projects of the electricity sector to ensure sufficient power supply. Facilitate the deployment of power generation and transmission projects; advance development of renewable energy, especially solar power, in association with environmental protection.
4.3. Promote the role of mega urban areas, remove bottlenecks to further attract resources for the development of modern urban areas in association with rural development. Advance development of infrastructure for water supply-drainage and public transport in synchronicity with housing development based on a proper roadmap. Continue fixing traffic congestion and water logging situation in Ha Noi, Ho Chi Minh City and other cities.
4.4. Innovate and improve information and communication technology infrastructure, develop synchronous and modern digital infrastructure. Foster development of the Vietnamese digital eco-system; gradually master fundamental technologies that facilitate transformation to digital economy.
4.5. Continue reviewing and improving breakthrough mechanisms and policies, heighten quality of planning to spur development of key economic regions and region-to-region connectivity. Effectively implement the Law on Planning and other relevant laws, ordinances and resolutions, quickly develop national planning scheme, regional planning schemes, and provincial planning schemes for the 2021-2030 period, vision to 2050 and timely adjust the existing planning schemes in favor of socio-economic development.
5. Focus on improving quality of human resources in association with advancing innovation and development of science and technology
5.1. Focus on overcoming shortcomings and limitations to create fundamental changes in education and training. Develop a healthy, democratic and disciplined education environment; strengthen school security and safety; pay attention to physical education and skills for pupils and students. Review and rearrange education and training establishments; speed up university autonomy, provide effective support for scientific research, innovation and start-up at educational facilities; step up cooperation between vocational training facilities and businesses. Innovate and improve the quality of vocational training, increase the rate of trained labor, especially vocational training for rural residents. Effectively implement policies on training, attracting and using scientific labor force like excellent students and foreign prestigious researchers and scientists.
5.2. Develop sound mechanisms and policies to turn science, technology and innovation into a key driving force for growth and improvement of productivity, quality, efficiency and competitiveness of the economy. Restructure and implement national scientific and technological programs for the 2021-2025 in the direction of placing businesses into the center of the national innovation system. Develop the National Innovation Center and encourage mobilization of investment capital from the entire society for the development of science and technology and innovation and for establishment of research and development centers in Viet Nam. Strengthen scientific and technological capacity, focus on developing new and fundamental technologies of the 4th industrial revolution. Comprehensively develop eco-system for startup and innovation; enhance connectivity between domestic and foreign innovation networks. Develop breakthrough policies to spur development of products, services and new business models. Effectively deploy measures to support management and development of intellectual properties of enterprises. Strictly control import of technologies, especially used technologies while encourage import of high technologies.
6. Attach importance to cultural and social development, pursue social progress and equality, and improve material and spiritual life
6.1. Vigorously promote the values of Vietnamese culture and people; develop more specific policies and measures for cultural and social development, human development shall be harmonized with economic growth. Speed up the development of cultural industry. Well prepare for organization of major anniversaries. Preserve and promote the values of cultural heritages in association with sustainable development of tourism. Promote the achievements gained by sports sector over the past years and well prepare for the Tokyo Olympics 2020 and for hosting 31st SEA Games in Viet Nam in 2021.
6.2. Fully and effectively implement preferential policies for people with meritorious services to the revolution in an open and transparent.
6.3 Continue innovating social assistance work; develop an effective and sustainable social security system, provide assistance to vulnerable groups, especially disabled persons and people affected by natural disasters and epidemics. Strengthen information technology application in implementation of social security policies. Mobilize all resources and diversify community-based forms of assistance for vulnerable people. Accelerate the development of social housing, especially for workers and low-incomers, and ensure housing safety for people in flood-hit areas. Accelerate rebuilding of old apartment buildings.
6.4 Continue reviewing and improving mechanisms and policies on sustainable poverty reduction, spread effective poverty reduction models, and promote community-based poverty reduction initiatives. Effectively implement the National Target Program on sustainable poverty reduction and the campaign “All nation joins hands to support the poor” to leave no one behind; prioritize resources for implementation of policies to support disadvantaged, ethnic and mountainous areas in order to speed up poverty reduction; facilitate access to basic services by the poor, especially those who live in extremely poor areas. Conduct general census on poor and near poor households for 2021-2025 period.
6.5. Develop a comprehensive, transparent, competitive and sustainable labor market in association with enhancing and promoting the role of the State in management and regulation of the labor market for effective exploitation of the workforce. Continue increasing the coverage of social insurance and unemployment insurance. Improve the capacity and effectiveness of managing foreigners working in Viet Nam.
6.6. Improve the quality of population, counter child malnutrition, especially those in disadvantaged and mountainous areas, gradually reduce gender inequality at birth. Strengthen preventive medicine, improve physical strength of people prevent and control harms of tobacco and alcohol, and step up implementation of the Vietnamese people’s physical strength program. Reform financial mechanisms and operations of communal-level healthcare system to make sure that it serves as the first destination for disease prevention, healthcare, management and treatment of non-communicable diseases for local residents. Quickly complete construction of the facilities of central hospitals. Strengthen management of the quality of medicines. Continue raising healthcare insurance coverage rate.
6.7. Fully implement the International Convention on the Rights of the Child and recommendations of the United Nations Committee on the Rights of the Child. Comprehensively realize measures to build safe, friendly and healthy living environment for children. Fruitfully implement the National Action Program on prevention and control of home violence and child abuse. Take more measures to prevent child injuries; impose strict punishments on those who violate legal regulations on children. Speed up the building of communes and wards fit for children; consolidate and development child protection service system; provide assistance for protection and care for children in disadvantaged circumstances, rural, ethnic and mountainous areas in order to gradually reduce the gap of living conditions among regions and areas; improve the quality of live and create opportunities for equal development of all children.
6.8. Continue effective implementation of policies on caring and promoting the role of the elderly, promote gender equality and women’s progress in a practical and effective manner. Accelerate and diversify communication activities to improve awareness of gender equality.
6.9. Focus on effective implementation of ethnic and religious policies. Strive to fulfill the implementation of the National Target Program on new rural development and sustainable poverty reduction for the period 2016-2020; mull over the development of new policies for the next stage. Focus on deployment of the Master plan for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for 2020-2030 period that has been approved by the National Assembly.
6.10. Step up the fight against social evils, especially the evils of drug, superstition, manifestations and behaviors of morality degradation that cause negative impacts on the society.
7. Strengthen management of natural resources and environmental protection; actively adapt to climate change, and prevent natural calamities
7.1. Strictly administer planning and land use plans, fix obstacles to facilitate the development of land use right market, accumulation and concentration of land, and large-scale farming. Continue proper management decentralization, step up bidding for the rights to exploit mineral resources. Effectively monitor the exploitation and use of water resources; ensure quality of water sources for daily life; promote mechanisms for cross-border water sharing.
7.2. Mull over amendments to the regulations and criteria for environmental protection in line with regional and international standards. Fix obstacles related to site clearance for building waste collection and treatment plants. Reduce plastic waste and enhance international cooperation in handling marine plastic waste. Collect and recycle hard waste. Encourage and foster the environmental industry; gradually develop circular economy.
7.3. Strictly control sources of waste, especially in craft villages and rural areas; uphold the responsibilities of businesses and people. Strengthen inspection and examination in exploitation and use of land, sand, gravel, etc. and activities that cause pollution to the environment and water resources. Handle environmental, water and air pollution, especially in Ha No and other mega urban areas.
7.4. Enhance the capacity in forecasting and providing early warnings of natural disasters, especially for extreme weather phenomena. Actively cope with climate change, natural disasters, droughts and saltwater intrusion; accelerate the effective implementation of programs/projects on climate change adaptation, especially those related to sea level rise. Drastically implement measures for sustainable development of the Mekong Delta in adaptation with climate change.
8. Improve efficiency and effectiveness of State management, spur administrative reform, inspection, settlement of complaints and denunciations, and drastically combat corruption, waste and wrongdoings
8.1. Timely provide instructions for implementation of new policies on reforming and re-arranging the State apparatus, striving to reduce the State workforce by 10% in the 20150-2021 in accordance with the Resolution No. 39-NQ/TW; restructure and reduce the number of public employees in association with salary reform. Step up decentralization in association with improving governance capacity of all sectors and levels; strengthen administrative discipline, uphold the responsibility of leaders [at all levels]. Strive to realize the goal of re-arranging administrative units in the 2019-2021 period right this year. Heighten the sense of responsibility and morality of cadres and civil servants. Conduct review of the Master plan for administration reform for the 2011-2020 period and develop another Master plan for the 2021-2030 period.
8.2. Prioritize resources to effective realization of e-government development tasks; foster application of information technology and e-government development towards a digital Government, digital economy and digital society. Bolster handling of work online while strengthening connectivity between State administrative agencies and socio-political, occupational organizations and businesses. Effectively deploy online public service model; continue perfecting single-window information systems and connect online public service portals with the National Online Public Service Portal; enhance the accession to public services by disadvantaged groups. Focus on developing information systems serving performance of the Government, the Prime Minister, ministries, agencies and localities as well as information systems serving citizens and businesses. Drastically cut administrative procedures and business conditions; drastically reform specialized inspection, shifting to post-customs clearance inspection; reform customs procedures towards e-customs in line with international standards; eliminate unofficial costs for businesses.
8.3. Step up modernization of justice, develop civil status data, national data on handling of administrative violations in favor of citizens and businesses, contributing to improving the efficiency and effectiveness of State management in this domain and supporting operation of the justice sector. Employ preventive measures and handle complaints by investors.
8.4. Comprehensively implement measures to increase the effectiveness of citizen reception work and settlement of complaints and denunciations. Strengthen inspection and review and completely resolve pro-longed complaints and denunciations; ensure close coordination between the central and local levels in order to avoid emergence of new “hotspots” that may undermine social order and safety.
8.5. Comprehensively and drastically deploy measures to fight corruption and wastefulness. Strengthen inspection and examination of the performance of public duties. Speed up progress of investigation, prosecution and judgment enforcement of corruption cases and fully recover State assets. Drastically deal with wrongdoings and harassments.
8.6. Timely implement contents enshrined in the National action program on prevention and control of money laundering and terrorist financing for the 2019-2020 period. Actively make public information and documents proving the effectiveness of money laundering and terrorist financing work.
9. Consolidate and enhance national defense and security capacity, closely combine security-defense tasks with socio-economic development, improve effectiveness of diplomatic activities and international integration
9.1. Proactively monitor, analyze, evaluate the international and regional situations, timely propose solutions to firmly protect national independence, sovereignty and territorial integrity; firmly maintain political stability and national security, ensure social order and safety; firmly maintain peaceful and stable environment for national development. Domestically, timely detect and paralyze sabotaging activities of hostile forces; ensure cybersecurity, economic security, social security, and safety of strategic zones in all circumstances. Absolutely protect security and safety for party congresses all levels, the 13th National Party Congress, ASEAN meetings, and activities of the Party and State leaders and foreign delegations to Viet Nam.
9.2 Continue cracking down on crimes and social evils with a focus on organized crime, criminal crime involving in “black credit” activities, illegal human smuggling, high-tech crime, corruption etc. Take more measures to ensure traffic order and safety, reduce serious traffic accidents and congestions in mega urban areas.
9.3 Consistently pursue the foreign policy of independence, self-reliance, multilateralization and diversification of external relations and active international integration. Resolutely and consistently protect national sovereignty and sovereign rights; well handle emerging issues in the East Sea in line with international law to safeguard the legitimate interests of the nation. Continue consolidating and deepening cooperation with partners, strengthen trust and intertwinement of interests, consolidate cooperation mechanisms, especially with strategic, comprehensive and important partners. Actively participate in and make responsible contributions to multilateral forums. Fully utilize the role as ASEAN Chair 2020, AIPA Chair, and non-permanent member of the United Nations Security Council for the tenure 2020-2021 to further elevate Viet Nam’s global prestige and position and spur socio-economic development. Continue fostering economic diplomacy. Comprehensively deploy cultural diplomacy and protect Vietnamese abroad.
10. Promote information, press, and communication activities, take advantage of the consensus of people of all strata, improve the effectiveness of coordination among agencies, organizations, Fatherland Front Committees, mass organizations at all levels
10.1. Well implement the rights to access to information by citizens, especially those living in remote and ethnic minority areas. Ensure security and safety of information systems, press, and the Internet. Timely prevent and strictly deal with toxic information on social media.
10.2. Continue close and effective coordination between agencies, organizations, fatherland fronts, and mass organizations at all levels to promote the aggregate strength of the whole political system in realizing the socio-economic development and budget plan for 2020.
III. IMPLEMENTATION ORRGANIZATION
1. Ministers, heads of ministerial-level agencies, government-attached agencies, and Presidents of provincial/municipal People s Committees shall:
1.1. To thoroughly grasp the motto to maximize the positive aspects, the results achieved in 2019 and from the beginning of the term, urgently overcome the limitations and shortcomings. According to the assigned functions and tasks; seriously, fast, effectively and comprehensively implement tasks and solutions set out in the Conclusion No. 63-KL/TW dated October 18, 2019 of the 12thCentral Party s Executive Committee, the Resolution No. 85/2019/QH14 of the National Assembly on the Socio-Economic Development Plan 2020 and other resolutions of the Party, the National Assembly and tasks, solutions stated in this Resolution; actively implement specific tasks and solutions of their ministries, branches and localities, promptly handle arising problems, create clear changes right from the beginning of the year; take full responsibility to the Government and the Prime Minister for the implementation results of their ministries, branches and localities.
1.2. Before January 20, 2020, to develop and promulgate programs, action plans and specific documents to implement the Resolution; which clearly defines the objectives, tasks, implementation schedule and assignment of the host unit, sends it to the Ministry of Planning and Investment for summary and reporting at the Government s regular meeting in January 2020.
1.3. To regularly check and monitor the progress and results of implementation of assigned targets and tasks; quarterly summarize and evaluate the implementation of tasks in Appendix 4, send to the Ministry of Planning and Investment before the 20thof the last month of quarter to synthesize and report to the Government.
1.4. To regularly monitor, evaluate and update the growth scenarios in Appendix 2; the implementation of major targets in Appendix 1, specific targets of sectors and fields in Appendix 3; strive to reach and exceed the assigned targets.
1.5. To summarize and evaluate the implementation of the Resolution within the scope of its assigned functions and tasks, submitting it to the Prime Minister and concurrently to the Ministry of Planning and Investment before November 20, 2020 for summarizing and reporting to the Government at the Government meeting in December 2020.
2. Ministries, branches and industries, in charge of monitoring macro-economic fields, have to coordinate closely and effectively in advising and proposing specific solutions and measures for macroeconomic management, promptly report to the Government and the Prime Minister problems arising in the course of implementation. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility and coordinate with the Government Office and concerned agencies in urging, monitoring and inspecting the implementation of this Resolution.
3. The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility and coordinate with the Central Propaganda Department, the news agencies, the press, the ministries, central branches and localities in popularizing and widely propagating this Resolution./.
For the Government
The Prime Minister
Nguyen Xuan Phuc
* All Appendices are not translated herein.
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây