4 điều người thân làm sẽ "liên lụy" cán bộ, công chức

Không chỉ cán bộ, công chức mà người thân của họ cũng phải thực hiện nghiêm việc phòng chống tham nhũng. Dưới đây là 4 việc người thân cán bộ công chức không được làm.


1. Cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan

Theo khoản 6 Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, người thân hay người có quan hệ gia đình của cán bộ, công chức gồm: vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột.

Đồng thời, cũng tại Quy định này, Bộ Chính trị nhấn mạnh để thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương không được bố trí người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như:

- Bí thư, phó Bí thư, Trưởng ban tổ chức, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương;

- Thành viên trong cùng ban cán sự Đảng, Đảng đoàn;

- Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong trường hợp người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ thì phải tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo quản lý.

2. Làm một số công việc trong cơ quan của cán bộ, công chức

Không chỉ không được đảm nhiệm các chức danh liên quan đến cán bộ, công chức, người thân của nhóm đối tượng này còn không được làm một số công việc trong chính cơ quan, đơn vị cán bộ, công chức làm việc.

Cụ thể, khoản 3 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng có liệt kê một số quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người này không được bố trí người thân giữ một số chức vụ quản lý như:

- Tổ chức nhân sự;

- Kế toán;

- Thủ quỹ, thủ kho;

- Giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Như vậy, người thân của cán bộ, công chức là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức tuyệt đối không được làm các vị trí quản lý tổ chức nhân sự, kế toán, thủ kho, thủ quỹ…của chính cơ quan cán bộ, công chức đang làm việc.

Nếu vi phạm lần đầu, người đứng đầu, cấp phó của người này sẽ bị kỷ luật cảnh cáo (khoản 2 Điều 83 Nghị định 59 năm 2019); Nếu đã bị cảnh cáo mà tiếp tục vi phạm thì sẽ bị cách chức (khoản 3 Điều 83 Nghị định 59).

Tuyệt đối người thân cán bộ công chức không được làm 4 việc này (Ảnh minh họa)

3. Kinh doanh những ngành, nghề cán bộ, công chức quản lý

Một nội dung nữa cán bộ, công chức cũng phải “dặn kỹ” người thân không được thực hiện là kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do cán bộ, công chức đó trực tiếp quản lý.

Đây là một trong những quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn nhằm kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 29 Nghị định 59. Nếu vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị cách chức.

Tuy nhiên, lưu ý rằng, quy định này chỉ áp dụng với người thân là “vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con” của cán bộ, công chức chứ không bao gồm anh, chị, em ruột.

4. Tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình quản lý

Để tránh “ảnh hưởng” đến cán bộ, công chức là người có chức vụ, quyền hạn, người thân của người này còn không được ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp thuộc sở hữu của mình với cơ quan nơi cán bộ, công chức đó làm việc.

Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn còn không được để doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân mình tham dự các gói thầu của cơ quan người này khi được giao thực hiện giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ… cho cơ quan đó.

Đặc biệt, khoản 4 Điều 84 Nghị định 59 nêu rõ, nếu cán bộ, công chức vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị:

- Khiển trách nếu cán bộ, công chức vi phạm lần đầu;

- Cảnh cáo nếu đã bị khiển trách mà cán bộ, công chức tiếp tục tái phạm.

Ngoài ra, khi có thiệt hại thì những người liên quan còn phải khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, có thể thấy, cán bộ, công chức không chỉ phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng và chạy chức chạy quyền mà người thân của họ cũng phải hết sức lưu ý để không khiến cán bộ, công chức đó bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự.

>> Toàn văn điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Từng bị tạm giữ điều tra có được thi công chức?

Một trong những điều kiện quan trọng để công dân Việt Nam được thi công chức chính là phải có lý lịch rõ ràng và phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Vậy trường hợp đã từng bị tạm giữ điều tra có được thi công chức không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.

Tiền thưởng của công chức từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu?

Theo chính sách cải cách tiền lương của Ban chấp hành Trung ương, ngoài tiền lương cơ bản và phụ cấp thì công chức sẽ có thêm tiền thưởng. Hãy theo dõi bài viết để biết tiền thưởng của công chức từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu.