Quyết định 3281/QÐ-BVHTTDL kế hoạch hội thảo Đào tạo nhân lực bảo vệ môi trường ĐBSCL
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 3281/QÐ-BVHTTDL
Cơ quan ban hành: | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 3281/QÐ-BVHTTDL |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Hoàng Đạo Cương |
Ngày ban hành: | 06/11/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường, Văn hóa-Thể thao-Du lịch |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 06/11/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định 3281/QÐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đó, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học vào ngày 04/12/2020. Kinh phí thực hiện là 200.000.000 đồng lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp về Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, nội dung của Hội thảo khoa học như sau: Tổ chức 02 đợt khảo sát công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện trong tháng 11/2020; Tổ chức hội thảo khoa học tập trung vào các nội dung gồm: Các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các kiến nghị, giải pháp;…
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định3281/QÐ-BVHTTDL tại đây
tải Quyết định 3281/QÐ-BVHTTDL
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH _________ Số: 3281/QĐ-BVHTTDL | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________ Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”
___________
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;
Căn cứ Quyết định số 4446/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nhiệm vụ thực hiện trong năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2052/QĐ-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 169/ĐHVH HCM ngày 18 tháng 9 năm 2020 về việc tổ chức khảo sát và Hội thảo khoa học và đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
1. Đơn vị chủ trì tổ chức: Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
2. Thời gian: Ngày 04 tháng 12 năm 2020.
3. Địa điểm: Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
4. Kinh phí thực hiện: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng chẵn), từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp về Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
5. Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, căn cứ mục tiêu, nội dung, tiến độ, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng Kế hoạch đã được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Như Điều 3; - Bộ trưởng (để báo cáo); - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương; - Lưu: VT, KHCNMT, TX.10. | KT. BỘ TRƯỞNG
Hoàng Đạo Cương |
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH _______________
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ________________________
|
KẾ HOẠCH
Tổ chức Hội thảo khoa học: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long
(Kèm theo Quyết định số: 3281/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
_____________________
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên nhiệm vụ: Tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
2. Thời gian tổ chức: Ngày 04 tháng 12 năm 2020.
3. Địa điểm: Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
4. Cơ quan chỉ đạo: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Đơn vị chủ trì thực hiện: Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
II. SỰ CẦN THIẾT
Sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các hoạt động phát triển năng lượng, lượng khí thải vào bầu khí quyển không ngừng tăng, đã và đang làm gia tăng hiệu ứng nhà kính từ đó làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Đây được xem là nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu (BĐKH) trên phạm vi toàn cầu. BĐKH và nước biển dâng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của một quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia có biển. BĐKH đã và đang gây ra những tác động tiêu cực tới các hệ thống tự nhiên, nhân tạo và con người trên toàn thế giới. Sự thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa đã gây ra nhiều tai biến, sự cố môi trường tự nhiên như sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt..., với cường độ tuần suất ngày một cao gây tác hại cho tài nguyên nước, tài nguyên đất, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây rủi ro lớn với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, BĐKH là tác nhân hoặc tiền ẩn nguy cơ dẫn đến sự biến mất của các giá trị văn hóa vật thể, cũng như phi vật thể của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia ven biển.
Trong những năm gần đây, thế giới phải hứng chịu những ảnh hưởng rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu: mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu cao nhất trong vòng 136 năm, đồng thời cũng là năm có phát thải khí nhà kính cao nhất; các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như hạn hán, bão, lũ lụt và những hệ lụy như nước biển dâng, xâm nhập mặn. Tổ chức Germanwatch đã công bố báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 tại Hội nghị lần thứ 24 diễn ra ở Ba Lan trong đó đánh giá Việt Nam đứng thứ 6 trên 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH. Kịch bản BĐKH và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy khí hậu Việt Nam có nhiều thay đổi theo hướng tiêu cực. Điển hình mùa khô năm 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn kéo dài do lượng mưa thiếu hụt 30% đến 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn bình thường 01 tháng ở các khu vực cửa sông đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nơi mặn đã vào sâu 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15 đến 20 km. Năm 2016 đã có 11 trên 13 tỉnh ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai, tổng diện tích canh tác bị ảnh hưởng là 635.000 ha (405.000 ha lúa, 8.146 ha hoa màu, 28.457 ha cây ăn trái và 194.163 ha thủy sản), ảnh hưởng đến đến 39.000 hộ dân và nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất vùng ven biển bị thiếu nước ngọt. Tổng thiệt hai do ảnh ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL nên tới 7.900 tỷ đồng.
Để góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH tới khu vực ĐBSCL, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đồng thời ứng phó với tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng đã, đang xảy ra nhanh hơn trên khu vực ĐBSCL. Một trong những văn bản có ý nghĩa quan trọng là Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với BĐKH (sau đây viết tắt là Nghị quyết 120). Một trong những nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết 120 là chú trọng chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khu vực ĐBSCL trong những năm tới đây đã được xác định là: Phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần giữ gìn bản sắc, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Chú ý khai thác lợi thế vùng ĐBSCL đẹp bởi vẻ sự mộc mạc và đặc trưng sông nước miệt vườn. Nổi trội của vùng hiện nay là du lịch tham quan sông nước, miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trải nghiệm đời sống cùng người dân. Cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững về môi trường, về văn hóa, kinh tế, trong đó việc phát huy hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt văn hóa ở các thiết chế văn hóa là góp phần tôn vinh nét đặc sắc văn hóa vùng, tạo điều kiện để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Trước các yêu cầu của thực tiễn về ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó chú trọng phát triển mạnh các loại hình du lịch sinh thái theo đặc thù của vùng (miệt vườn, sông nước), các tuyến du lịch vùng và quốc tế; quảng bá sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL ra thế giới; Bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng; giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa; xây dựng kế hoạch bảo tồn phát triển văn hóa - thông tin các dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long” là việc làm cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
III. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với Biến đổi khí hậu;
- Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;
- Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
- Quyết định số 4446/QĐ-BVHTTDL ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các nhiệm vụ thực hiện trong năm 2020.
IV. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
4.1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá khái quát hiện trang nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch cho vùng ĐBSCL trong những năm qua;
- Xác định nhu cầu nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch của vùng ĐBSCLnói chung và những yêu cầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH nói riêng trong những năm tới;
- Đề xuất giải pháp nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch cho vùng ĐBSCL.
4.2. Yêu cầu
- Việc tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long” phải đảm bảo nội dung chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Có sự phối hợp tham gia của chuyên gia khoa học, cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch cho vùng ĐBSCL;
- Đại biểu tham dự đúng thành phần;
- Hội thảo đảm bảo chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả;
- Có kết quả được ứng dụng thực tế trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
V. NỘI DUNG
5.1. Khảo sát công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch
Nhằm chuẩn bị báo cáo đánh giá khái quát hiện trạng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch của vùng ĐBSCL, bên cạnh việc thu thập, phân tích tổng hợp thông tin tư liệu có liên quan của các cơ sở đào tạo, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ dự kiến đi khảo sát tại một số địa phương trong vùng nhằm xây dựng báo cáo về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch của vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Các địa phương dự kiến khảo sát là:
- Đợt 1, bao gồm các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
- Đợt 2, bao gồm các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre.
- Thời gian: Trong tháng 11/2020.
- Thành phần tham gia khảo sát gồm các thành viên của Ban Tổ chức, Tổ Thư ký Hội thảo khoa học.
- Kết quả khảo sát: Báo cáo kết quả khảo sát dự kiến 20 đến 30 trang A4. Hình ảnh khảo sát minh họa. Báo cáo này được công bố, báo cáo trong hội thảo khoa học tổ chức tại Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
5.2. Tổ chức hội thảo khoa học tập trung
Mục đích của hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia khoa học, các nhà quản lý, đại diện các cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch vùng ĐBSCL trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm, chia sẻ hiện trạng, những khó khăn hạn chế trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hội thảo tập trung vào những nội dung trọng tâm sau đây:
- Thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực ĐBSCL;
- Các yếu tố ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực ĐBSCL;
- Yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ quản lý, người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của ĐBSCL;
- Vai trò của các cơ sở đào tạo trong đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực ĐBSCL hiện nay;
- Vai trò của cộng đồng địa phương với việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực ĐBSCL hiện nay;
- Đề xuất, kiến nghị các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại ĐBSCL;
- Đề xuất, định hướng chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực ĐBSCL.
VI. THÀNH PHẦN THAM DỰ
Hội thảo dự kiến có sự tham dự của 120 đại biểu với các thành phần như sau:
- Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Đại điện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Đại điện Vụ Đào tạo - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- Đại diện cơ quan quản lý văn hóa, thể thao và du lịch tại ĐBSCL;
- Đại điện các cơ sở đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch cho vùng ĐBSCL;
- Các nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu, quản lý và những người quan tâm.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
7.1. Thành lập Ban Tổ chức, Tổ Thư ký
Giao trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thành lập Ban Tổ chức, Tổ thư ký Hội thảo khoa học.
7.2. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ
TT | Nội dung | Thời gian hoàn thành |
1 | Xây dựng kế hoạch và lập dự toán trình phê duyệt | Tháng 10-11/2020 |
2 | Liên hệ chuyên gia viết và nhận báo cáo tham luận | Tháng 11/2020 |
3 | Tổ chức khảo sát, xây dưng báo cáo chuyên môn | Tháng 11/2020 |
4 | Thiết kế maket và in ấn kỷ yếu hội thảo | Tháng 11/2020 |
5 | Thiết kế, in ấn backdrop | Tháng 11/2020 |
6 | Gửi Giấy mời đại biểu và xác nhận số lượng | Tháng 11/2020 |
7 | Tổ chức Hội thảo | Tháng 12/2020 |
8 | Tổng kết đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện | Tháng 12/2020 |
9 | Quyết toán | Tháng 12/2020 |
7.3. Thực hiện nhiệm vụ cụ thể:
a) Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh:
- Xây dựng kế hoạch, lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo, quyết toán nhiệm vụ;
- Thành lập Ban Tổ chức, Tổ thư ký Hội thảo khoa học;
- Xây dựng nội dung chương trình và tổ chức hội thảo; đồng thời chủ trì, điều hành, tổng kết kết quả Hội thảo;
- Xây dựng báo cáo khái quát thực trạng nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch của vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH;
- Đặt bài tham luận một số chuyên gia; In ấn kỷ yếu Hội thảo;
- Lập danh sách khách mời; Gửi giấy mời đại biểu;
- Phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ VHTTDL chuẩn bị bài phát biểu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL (nếu có);
- Thiết kế market backdrop, bandroll Hội thảo;
- Đón tiếp đại biểu; Đưa tin, chụp ảnh tư liệu về Hội thảo;
- Đăng tải tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến Hội thảo khoa học, gửi Kỷ yếu Hội thảo tới các cơ quan có liên quan.
b) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường:
- Trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ;
- Phối hợp Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh thực hiện một số công việc liên quan.
VIII. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
- Kinh phí tổ chức Hội thảo khoa học là: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp về Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (dự toán chi tiết kèm theo Kế hoạch này).
- Kinh phí tham dự Hội thảo khoa học của đại biểu hưởng lương ngân sách sự nghiệp thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ mục tiêu, nội dung, phân công triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ./.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây