Xin ông cho biết ý kiến của doanh nghiệp được đưa ra trong cuộc họp hôm qua?
Cuộc họp lần này có sự tham gia của Tổng công ty điện tử tin học, Sony Việt Nam, JVC Việt Nam, LG Việt Nam, Panasonic Việt Nam, Samsung Vina, Toshiba Việt Nam và một số đại diện khác. Ý kiến chung từ phía doanh nghiệp là đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện điện tử xuống mức 0%.
Lý do các doanh nghiệp này đưa ra là theo lộ trình thực hiện Hiệp định CEPT/AFTA, năm 2005, thuế suất của các sản phẩm điện tử sẽ giảm xuống 5% và đến năm 2006 sẽ giảm xuống 0%. Nếu không có sự điều chỉnh về thuế nhập khẩu linh kiện điện tử thì các doanh nghiệp này sẽ phải dừng sản xuất.
Đề nghị trên không phải là không có lý bởi họ cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp linh kiện, phụ tùng điện tử vì đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và liên tục thay đổi, do vậy khi thực hiện cắt giảm thuế theo lộ trình CEPT và bỏ chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hóa thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Việc duy trì mức thuế bảo hộ cho sản xuất linh kiện điện tử trong nước là không cần thiết.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phản ánh rằng việc có được C/O mẫu D đối với sản phẩm điện tử hoàn chỉnh thường dễ hơn nhiều so với linh kiện điện tử. Đối với sản phẩm hoàn chỉnh chỉ cần một C/O, trong khi đó đối với linh kiện lại phải có C/O cho tất cả các chi tiết – có thể vài trăm giấy C/O). Như vậy kinh phí để có đươck C/O cho các linh kiện thường rất tốn kém. Đặc biệt là đối với nhiều linh kiện có giá trị nhỏ thì chi phí để lấy được C/O còn lớn hơn so với sự chênh lệch giữa thuế suất MFN và CEPT.
Vậy định hướng điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện điện tử của Bộ Tài chính như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi phải đứng trên quan điểm chung và vĩ mô để điều chỉnh cho phù hợp. Nguyên tắc xử lý của Bộ trong vấn đề này là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm điện tử, đồng thời vẫn có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng điện tử mà Việt Nam có khả năng sản xuất, có lợi thế cạnh tranh và hạn chế ảnh hưởng bất lợi đến việc đàm phán gia nhập WTO.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến sẽ xử lý theo 4 nhóm.
Nhóm linh kiện, phụ tùng hiện đang có mức thuế suất MFN từ 5% trở xuống. Mức thuế của nhóm này dự kiến sẽ giữ nguyên vì thuế suất CEPT của các linh kiện, phụ tùng trên là 5% vào năm 2005, bằng với mức thuế suất MFN hiện hành.
Nhóm linh kiện trong nước đã sản xuất được nhưng vẫn phải nhập khẩu. Thuế suất hiện hành của nhóm này là từ 15% - 30%. Bộ dự kiến giảm xuống mức từ 5% - 20% vì đây là nhóm các linh kiện quan trọng trong nước đã có đầu tư, nếu không có chính sách bảo hộ hợp lý thì ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam sẽ chỉ dừng lại ở công đoạn nhập khẩu linh kiện để lắp ráp. Trong đó, mặt hàng đèn hình, Bộ dự kiến giảm từ 20% xuống còn 10% đối với đèn hình phẳng và từ 30% xuống 20% đối với đèn hình cong vì mặt hàng đèn hình sản xuất trong nước đã được bảo hộ trong thời gian dài, cần phải giảm thuế để tăng sức cạnh tranh về giá, giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất ti vi. Tuy nhiên, cũng không thể giảm xuống thấp bằng hoặc gần bằng với mức thuế suất CEPT để tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Nhóm linh kiện phụ trợ đi kèm trong nước đã sản xuất được và có lợi thế cạnh tranh với hàng ngoại nhập như thùng, hộp carton, nỉ xốp, keo dán, pin... Bộ dự kiến giữ nguyên mức thuế hiện hành của nhóm này, không nên giảm xuống quá thấp như đề nghị của doanh nghiệp vì tỷ trọng của các mặt hàng này trong sản phẩm điện tử không lớn, đồng thời đây là sản phẩm đầu ra của nhiều ngành sản xuất và về mặt kỹ thuật biểu thuế không thể chi tiết riêng cho ngành điện tử.
Cuối cùng là nhóm các linh kiện hiện chưa sản xuất tại Việt Nam nhưng có thể phát triển trong tương lai. Bộ dự kiến giữ nguyên mức thuế suất từ 5% - 15% như hiện hành để khuyến khích đầu tư sản xuất trong nước. Mặt khác, các mặt hàng trên được phân loại chung với các sản phẩm của các ngành khác, nếu giảm thuế phải tách Biểu thuế và về mặt kỹ thuật biểu thuế là khó thực hiện.
Với nhóm linh kiện khó có khả năng sản xuất hoặc có sản xuất nhưng không có lợi thế so sánh, Bộ dự kiến điều chỉnh là 5%, bằng với thuế suất CEPT của năm 2005.
Những điều chỉnh trên sẽ gặp những khó khăn gì và dự kiến bao giờ thì có quyết định chính thức?
Việc điều chỉnh thuế không thể theo các trường hợp cá biệt được. Đặc biệt là với thuế xuất nhập khẩu, khi điều chỉnh bao giờ cũng ảnh hưởng đến hai đối tượng là người tiêu dùng và nhà sản xuất. Nếu thuế thấp thì lợi cho người tiêu dùng, thuế cao thì bảo hộ quyền lợi cho các nhà sản xuất trong nước. Đây là một mâu thuẫn khi điều chỉnh thuế.
Mặt khác, nếu để thuế cao thì bảo hộ được sản xuất trong nước nhưng lại hạn chế việc tiếp thu công nghệ, đặc biệt là khi tuổi đời của công nghệ điện tử rất ngắn và vốn đầu tư lớn... Ngoài ra chúng ta đang trong quá trình hội nhập và phải đáp ứng được các yêu cầu mà quá trình này đặt ra. Đó cũng là một khó khăn. Vì vậy, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện điện tử phải đảm bảo được sự dung hòa các lợi ích nói trên và đảm bảo được các yêu cầu trong hội nhập, nhất là trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.
Qua cuộc họp sáng 8/3, các doanh nghiệp cũng đã cơ bản thống nhất hướng xử lý theo bốn nhóm nói trên của Bộ Tài chính. Vấn đề còn lại phải sắp xếp lại các nhóm hàng, các mức thuế cụ thể. Đây là vẫn đề mang tính kỹ thuật, kỹ thuật về xác định các mặt hàng và kỹ thuật sắp xếp trong biểu thuế theo Công ước HS quốc tế về biểu thuế chung.
Hiện tại, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp đang cố gắng giải quyết những vướng mắc còn lại, có thể là trong một hai tuần tới để có thể ký ban hành ngay trong tháng này. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong đầu tư và sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
(Minh Đức và Quang Phúc - VietNam Economy)