Hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương
Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH sửa đổi bổ sung Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và 14/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 114/2002/NĐ-CP về tiền lương. Theo đó, khoảng cách giữa các bậc lương phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, phát triển các tài năng; chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề thấp nhất bằng 5%...
Tùy trình độ và tính chất của công việc mà mức lương cũng được tính khác nhau. Lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Với lao động làm việc trong nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của nghề, công việc có điều kiện lao động bình thường…
Bên cạnh đó, các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định phải đăng ký cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đăng ký hệ thống thang, bảng lương với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trước khi công bố áp dụng.
Đối với doanh nghiệp mới thành lập, sau 6 tháng kể từ ngày bắt đầu hoạt động phải xây dựng và đăng ký hệ thống thang, bảng lương. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động đã có thang, bảng lương thì trong thời hạn 3 tháng, tính từ 01/01/2008, phải thực hiện đăng ký hoặc tiến hành sửa đổi, bổ sung và đăng ký lại hệ thống thang, bảng lương…
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng
Thông tư số 29/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với công ty nhà nước và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo đó, việc tính mức lương và phụ cấp được thực hiện như sau: lấy hệ số lương cấp bậc theo chức danh nghề, công việc; hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ; hệ số lương chức vụ được xếp, phụ cấp lương, hệ số chênh lọêc bảo lưu (nếu có) nhân với mức lương tối thiểu chung 540.000 đồng/tháng.
Đối với lao động dôi dư thì trợ cấp mất việc làm cho thời gian làm việc trong khu vực nhà nước từ ngày 01/01/2008 trở đi và trợ cấp đi tìm việc làm được tính theo mức 540.000 đồng/tháng...
Tiền lương trả cho người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp công ty có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì tính bình quân gia quyền mức lương tối thiểu vùng và số lao động của các địa bàn đó.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2008.
Lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng các đơn vị thuê mướn lao động
Thông tư số 30/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê muớn lao động. Thông tư quy định: doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ được pháp luật quy định như tiền lương trả khi làm thêm giờ; tiền lương làm việc vào ban đêm; tiền lương hoặc phụ cấp làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại…
Lao động làm nghề, công việc đòi hỏi qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng. Các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương phải đăng ký cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2008.
. (Luật Việt Nam)