Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Công ước Không số
Cơ quan ban hành: | Đang cập nhật |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | Không số |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Công ước |
Người ký: | Đang cập nhật |
Ngày ban hành: | 22/05/2001 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | Đang cập nhật |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Tài nguyên-Môi trường |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!
tải Công ước Không số
CÔNG ƯỚC STOCKHOLM
VỀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY (POP), 2001
Các Bên tham gia Công ước,
Công nhận các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có tính chất độc hại, khó phân hủy, tích lũy sinh học và được phát tán qua môi trường nước, không khí, bởi các loài động vật di cư, xuyên biên giới giữa các nước, rồi lắng đọng và tích lũy trong các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước ở những nơi xa nguồn phát thải chúng,
Nhận thức được các nguy cơ về sức khỏe, nhất là ở các nước đang phát triển, do việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là tác động đến phụ nữ và từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai,
Nhận định các hệ sinh thái Bắc cực và các cộng đồng bản địa đang đặc biệt đối mặt với nguy cơ do quá trình khuếch đại sinh học các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, cũng như sự nhiễm độc thức ăn truyền thống là một vấn đề y tế cộng đồng,
Ý thức được sự cần thiết phải có hành động toàn cầu đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,
Lưu ý quyết định 19/13 C, ngày 7-2-1997 của Hội đồng Quản trị Chương trình Môi trường Liêp hợp quốc phát động hành động quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng các biện pháp sẽ giảm thiểu và/hoặc loại trừ việc phát xả thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,
Nhắc lại các điều khoản thích hợp của những công ước quốc tế về môi trường có liên quan, đặc biệt là Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận có thông báo trước đối với một số hóa chất nguy hại và thuốc bảo vệ thực vật trong buôn bán quốc tế và Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và tiêu hủy các chất thải nguy hại, kể cả các hiệp định khu vực, được xây dựng theo khuôn khổ Điều 11 của Công ước Basel,
Đồng thời nhắc lại các điều khoản thích hợp của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển và Chương trình nghị sự 21,
Nhận định công tác phòng ngừa là tinh thần của Công ước này cũng như là nền tảng quan tâm của tất cả các Bên tham gia,
Thừa nhận rằng Công ước này và các hiệp định quốc tế khác về thương mại và môi trường sẽ hỗ trợ cho nhau,
Tái khẳng định rằng các quốc gia, căn cứ vào Hiến chương Liên hợp Quốc và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, đều có chủ quyền khai thác các nguồn tài nguyên trong nước sao cho phù hợp với các chính sách môi trường và phát triển của mình, và có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động đó thuộc quyền hạn hoặc phạm vi kiểm soát của mình, không gây hủy hoại đến môi trường của các nước khác hay các vùng nằm ngoài giới hạn tài phán quốc gia,
Xem xét hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển nhất và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, đặc biệt là nhu cầu nâng cao năng lực quốc gia về quản lý hóa chất, bao gồm việc chuyển giao công nghệ, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, cũng như tăng cường hợp tác giữa các Bên,
Xem xét toàn diện Chương trình Hành động Phát triển Bền vững của các Quốc gia Đảo nhỏ đang Phát triển, được thông qua tại Barbados, ngày 6-5-1994,
Lưu ý đến khả năng của từng nước phát triển và đang phát triển, cũng như các trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt của các Quốc gia được đặt ra trong Nguyên tắc số 7 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển,
Thừa nhận sự đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, trong việc giảm thiểu và/hoặc loại trừ sự phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nhà sản xuất các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phải chịu trách nhiệm giảm thiểu các tác động nguy hại do các sản phẩm của họ gây ra, cũng như cung cấp thông tin cho người sử dụng, cho chính quyền và dân chúng về các tính chất nguy hại của các hóa chất đó,
Nhận thức về yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa các tác động nguy hại do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ra, ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng,
Tái khẳng định Nguyên tắc 16 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển mà quy định nhà cầm quyền các quốc gia cần đẩy mạnh việc tính gộp chi phí môi trường và sử dụng các công cụ kinh tế, xem xét đến nguyên tắc người gây ô nhiễm sẽ phải chịu mọi chi phí ô nhiễm, với sự quan tâm đúng mức đến lợi ích cộng đồng mà không gây trở ngại đến đầu tư và thương mại quốc tế,
Khuyến khích các Bên chưa có các kế hoạch pháp chế và đánh giá đối với thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất công nghiệp để xây dựng các kế hoạch đó,
Thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng các quá trình và hóa chất thay thế hợp lý về mặt môi trường,
Kiên quyết bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước những tác động có hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy,
Đã nhất trí như sau:
Điều 1. Mục tiêu
Chú trọng đến phương pháp phòng ngừa quy định trong Nguyên tắc 15 của Tuyên ngôn Rio về Môi trường và Phát triển, mục tiêu của Công ước này là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Điều 2. Các định nghĩa
Trong khuôn khổ của Công ước này:
(a) "Bên" có nghĩa là một quốc gia, hoặc một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, đồng ý chịu sự ràng buộc theo Công ước này và Công ước có hiệu lực với quốc gia hoặc tổ chức đó;
(b) "Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực" có nghĩa là một tổ chức được các quốc gia có chủ quyền của một khu vực thành lập và trao thẩm quyền về các vấn đề thuộc sự quản lý của Công ước; có đủ thẩm quyền ký, phê chuẩn, công nhận hoặc tham gia Công ước này theo các thủ tục quy định nội bộ của tổ chức đó;
(c) "Các Bên có mặt và bỏ phiếu" là các Bên có mặt và bỏ phiếu thuận hoặc chống.
Điều 3. Các biện pháp giảm thiểu hoặc loại trừ những phát thải do sản xuất và sử dụng có chủ định
1. Mỗi Bên sẽ:
(a) Cấm và/hoặc áp dụng các biện pháp pháp lý và hành chính cần thiết để loại trừ:
(i) Việc sản xuất và sử dụng các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A theo đúng quy định trong phụ lục đó; và
(ii) Việc xuất nhập khẩu các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A theo đúng quy định của khoản 2; và
(b) Hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục B theo đúng quy định của phụ lục đó.
2. Mỗi Bên sẽ áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo:
(a) Nhập khẩu một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B khi và chỉ khi:
(i) Để tiêu hủy hợp lý về môi trường như đã đề ra trong khoản 1 (d) của Điều 6; hoặc
(ii) Để sử dụng hoặc phục vụ mục đích mà Bên nhập khẩu được phép theo Phụ lục A hoặc B;
(b) Xuất khẩu một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A có hiệu lực miễn trừ riêng biệt đối với bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng nào, hoặc một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục B có hiệu lực miễn trừ hoặc với mục đích được cho phép đối với bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng nào, có xét đến các điều khoản quy định trong các văn kiện quốc tế hiện hành về thỏa thuận có thông báo trước, khi và chỉ khi:
(i) Để tiêu hủy hợp lý với môi trường như đã đề ra trong khoản 1 (d) của Điều 6;
(ii) Cho một Bên được phép sử dụng hóa chất đó theo Phụ lục A hay Phụ lục B; hoặc
(iii) Cho một quốc gia không phải là một Bên tham gia Công ước này, nhưng hàng năm cấp giấy chứng nhận cho Bên xuất khẩu. Việc chứng nhận này phải chỉ rõ việc sử dụng có chủ định từng hóa chất và phải kèm theo một cam kết của quốc gia nhập khẩu đối với hóa chất đó để đảm bảo:
* Bảo vệ sức khỏe con người và môi trường bằng việc áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu, hoặc phòng ngừa các phát thải;
* Tuân thủ các quy định trong khoản 1 của Điều 6; và
* Tuân thủ các quy định trong khoản 2, Phần II của Phụ lục B nếu thích hợp.
Hồ sơ chứng nhận sẽ đi kèm với bất kỳ văn bản thích hợp nào, như luật, các văn kiện pháp lý, hoặc các hướng dẫn hành chính hay chính sách. Bên xuất khẩu sẽ phải gửi hồ sơ chứng nhận đó cho Ban Thư ký Công ước trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đó.
(c) Một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, nhưng không còn hiệu lực miễn trừ riêng biệt về sản xuất và sử dụng đối với bất kỳ Bên nào, thì Bên đó không được xuất khẩu, ngoại trừ trường hợp với mục đích tiêu hủy hợp lý về môi trường như đã đề ra trong khoản 1
(d) của Điều 6;
(d) Trong khuôn khổ của khoản này, cụm từ "Quốc gia không phải Bên tham gia Công ước" đối với một hóa chất cụ thể sẽ là một Quốc gia, hoặc một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, chưa chấp nhận sự rằng buộc của Công ước đối với hóa chất đó.
3. Mỗi Bên đã có một hay nhiều kế hoạch pháp lý và đánh giá các thuốc bảo vệ thực vật mới, hoặc các hóa chất công nghiệp mới, sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý nhằm mục đích ngăn ngừa việc sản xuất và sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật mới hoặc các hóa chất công nghiệp mới, có xét đến các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Phụ lục D, trình bày các đặc tính của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
4. Mỗi Bên đã có một hoặc nhiều kế hoạch pháp lý và đánh giá các thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất công nghiệp, sẽ xem xét việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, Phụ lục D trong các kế hoạch đó, khi tiến hành các đánh giá thuốc bảo vệ thực vật hoặc các hóa chất công nghiệp đang được sử dụng, nếu thích hợp.
5. Trừ khi có quy định khác trong Công ước này, các khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng đối với những lượng hóa chất sử dụng cho nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, hay dùng với tư cách là một chất đối chứng chuẩn.
6. Bất kỳ Bên nào có quyền miễn trừ riêng biệt theo Phụ lục A, hoặc quyền miễn trừ riêng biệt hay một mục đích được cho phép theo Phụ lục B, sẽ phải áp dụng các biện pháp thích hợp để đảm bảo việc tiến hành bất kỳ hoạt động sản xuất hay sử dụng dưới quyền miễn trừ hoặc mục đích được cho phép đó có sự ngăn ngừa hoặc giảm thiểu được sự nhiễm độc cho con người và phát thải vào môi trường. Đối với việc sử dụng có quyền miễn trừ hoặc với các mục đích được cho phép, nhưng phát thải có chủ định vào môi trường trong điều kiện sử dụng bình thường, thì mức độ phát thải chỉ được ở giới hạn tối thiểu cần thiết, có xem xét đến bất kỳ tiêu chuẩn và hướng dẫn nào thích hợp.
Điều 4. Đăng ký miễn trừ riêng biệt
1. Một sổ Đăng ký được thành lập với mục đích xác định các Bên có quyền miễn trừ riêng biệt cho các chất được liệt kê ở Phụ lục A hoặc Phụ lục B. Sổ đăng ký sẽ không xác định những Bên được áp dụng các quy định trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B mà tất cả các Bên đều được phép thực hiện. Sổ Đăng ký sẽ do Ban thư ký lưu trữ và sẵn sàng công bố cho cộng đồng.
2. Sổ đăng ký bao gồm:
(a) Một danh mục các miễn trừ riêng biệt trên cơ sở Phụ lục A và Phụ B;
(b) Một danh sách các Bên có quyền miễn trừ riêng biệt cho những chất được liệt kê theo Phụ lục A hoặc Phụ lục B; và
(c) Một danh mục thời gian hết hạn đối với từng miễn trừ riêng biệt đã đăng ký.
3. Bất kỳ Quốc gia nào sau khi trở thành một Bên tham gia, đều được phép dùng thông báo bằng văn bản cho Ban Thư ký để đăng ký một hoặc nhiều loại miễn trừ riêng biệt cho các chất liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B.
4. Trừ phi một Bên đưa ra thời hạn sớm hơn trong sổ Đăng ký, hoặc được phép gia hạn căn cứ theo khoản 7, còn không tất cả các đăng ký miễn trừ riêng biệt đều hết hạn trong vòng 5 năm, kể từ ngày Công ước có hiệu lực đối với một hóa chất cụ thể.
5. Tại cuộc họp đầu tiên, Hội nghị các Bên sẽ quyết định quy trình xét duyệt đối với các mục đăng ký trong sổ Đăng ký.
6. Trước khi xét duyệt một mục đăng ký trong sổ Đăng ký, Bên liên quan sẽ phải gửi cho Ban Thư ký một báo cáo giải trình nhu cầu tiếp tục của mình về sự đăng ký miễn trừ đó. Ban Thư ký sẽ chuyển báo cáo đó tới tất cả các Bên. Việc xét duyệt đăng ký sẽ được tiến hành trên cơ sở tất cả các thông tin hiện có. Sau đó, Hội nghị các Bên có thể đưa ra các kiến nghị cho Bên liên quan nếu thấy thích hợp.
7. Theo yêu cầu của Bên liên quan, Hội nghị các Bên có thể quyết định gia hạn thêm cho một miễn trừ riêng biệt tới 5 năm. Trong khi ra quyết định, Hội nghị các Bên sẽ xem xét ưu tiên cho hoàn cảnh đặc biệt của các Bên là các nước đang phát triển hoặc có nền kinh tế đang chuyển đổi.
8. Vào bất kỳ thời điểm nào, một Bên được phép thông báo bằng văn bản cho Ban Thư ký để xin rút lại một mục đăng ký cho một miễn trừ riêng biệt khỏi sổ Đăng ký. Việc hủy đăng ký này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ghi trong thông báo đó.
9. Khi không còn bất cứ Bên nào đăng ký một loại miễn trừ riêng biệt, có thể sẽ không có đăng ký mới nào liên quan đến loại quyền miễn trừ đó được thực hiện nữa.
Điều 5. Các biện pháp giảm thiểu hoặc loại trừ những phát thải hình thành không chủ định
Mỗi Bên sẽ phải áp dụng ít nhất là các biện pháp dưới đây, nhằm giảm tổng mức phát thải từ các nguồn do con người gây ra đối với từng hóa chất được liệt kê trong Phụ lục C, với mục tiêu giảm thiểu không ngừng và cuối cùng là để loại trừ, nếu khả thi:
(a) Xây dựng một kế hoạch hành động, hoặc kế hoạch hành động cấp khu vực hay tiểu khu vực nếu thích hợp, trong thời gian 2 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực đối với Bên đó, và sau đó thực hiện kế hoạch hành động đó như một phần của kế hoạch thực hiện nêu tại Điều 7, để nhận biết, xác định tính chất và giải quyết phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục C và tạo điều kiện thực hiện các mục từ (b) đến (e). Kế hoạch hành động phải bao gồm các yếu tố dưới đây:
(i) Đánh giá các phát thải trong hiện tại và dự kiến, bao gồm xây dựng và duy trì công tác kiểm kê tại nguồn và các ước lượng phát thải, có xem xét đến các nhóm loại nguồn thải được xác định trong Phụ lục C;
(ii) Đánh giá hiệu lực của các luật lệ và chính sách của Bên tham gia liên quan đến công tác quản lý các phát thải đó;
(iii) Các chiến lược đáp ứng những nghĩa vụ của mục này, có xem xét công tác đánh giá nêu ở (i) và (ii);
(iv) Các bước để triển khai giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức về các chiến lược đó;
(v) Kiểm điểm 5 năm một lần các chiến lược đó và thành tựu của chúng trong việc đáp ứng những nghĩa vụ của mục này; các kết quả kiểm điểm đó sẽ được đưa vào các báo cáo để trình chiểu theo Điều 15;
(vi) Một lộ trình cho việc thực hiện kế hoạch hành động, bao gồm các chiến lược và biện pháp đã được xác định trong đó;
(b) Khuyến khích áp dụng các biện pháp khả thi và thực tiễn hiện có, để có thể khẩn trương đạt được một mức độ giảm thiểu phát thải đáng kể và thực tế, hoặc loại trừ được nguồn phát thải;
(c) Khuyến khích phát triển và nếu thấy thích hợp thì yêu cầu sử dụng các chất, các sản phẩm và các quy trình sản xuất thay thế hay cải tiến, để ngăn ngừa quá trình hình thành và phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục C, có cân nhắc đến hướng dẫn chung về các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phát thải trong Phụ lục C và các hướng dẫn được thông qua bởi quyết định của Hội nghị các Bên;
(d) Khuyến khích và, chiểu theo lịch trình thực hiện kế hoạch hành động của mình, yêu cầu sử dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có đối với những nguồn thải mới thuộc các nhóm nguồn mà một Bên đã xác định chắc chắn là một hành động trong kế hoạch hành động của mình, với trọng tâm ban đầu là các nhóm nguồn thải được xác định trong Phần II của Phụ lục C. Trong mọi trường hợp, yêu cầu áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có đối với những nguồn thải mới thuộc các nhóm loại liệt kê trong Phần II của Phụ lục C phải được đưa vào kế hoạch ngay khi có thể, nhưng không chậm quá 4 năm sau ngày Công ước có hiệu lực với Bên đó. Đối với các nhóm loại đã xác định, các Bên phải thúc đẩy sử dụng các phương thức tốt nhất về môi trường. Khi áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có và phương thức tốt nhất về môi trường, các Bên cần cân nhắc đến hướng dẫn chung về các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phát thải trong Phụ lục đó, cũng như các hướng dẫn về kỹ thuật tốt nhất hiện có và phương thức tốt nhất về môi trường sẽ được thông qua bởi quyết định của Hội nghị các Bên;
(e) Chiểu theo kế hoạch hành động của mình, khuyến khích áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có và các phương thức tốt nhất về môi trường:
(i) Cho các nguồn hiện tại, thuộc những nhóm loại được liệt kê trong Phần II của Phụ lục C và thuộc các nhóm loại nguồn như các nhóm thuộc Phần III của Phụ lục C; và
(ii) Đối với các nguồn mới, thuộc các nhóm nguồn chẳng hạn như liệt kê trong Phần III của Phụ lục C mà một Bên chưa đề cập đến theo quy định của mục (d) ở trên.
Khi áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có và các phương thức tốt nhất về môi trường, các Bên cần phải cân nhắc đến hướng dẫn chung về các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu phát thải trong Phụ lục C và hướng dẫn về các kỹ thuật tốt nhất hiện có và các phương thức tốt nhất về môi trường, để được thông qua bởi quyết định của Hội nghị các Bên;
(f) Trong khuôn khổ của mục này và Phụ lục C:
(i) "Các kỹ thuật tốt nhất hiện có" có nghĩa là giai đoạn phát triển các hoạt động một cách hiệu quả và tiên tiến nhất và các phương pháp vận hành chúng mà chứng tỏ sự phù hợp mang tính thực tiễn của các kỹ thuật đặc thù làm cơ sở cho việc hạn chế phát thải để phòng ngừa và trong trường hợp không thể phòng ngừa thì nói chung phải giảm thiểu được phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phần I của Phụ lục C cũng như tác động của chúng đến môi trường nói chung. Về vấn đề này:
(ii) "Các kỹ thuật" bao gồm cả công nghệ áp dụng lẫn cách thức thiết kế, xây dựng, bảo trì, vận hành và đóng cửa một cơ sở sản xuất;
(iii) Các kỹ thuật "hiện có" có nghĩa là các kỹ thuật mà người vận hành có khả năng tiếp cận và được phát triển ở quy mô cho phép thực hiện được trong ngành công nghiệp liên quan, dưới các điều kiện khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật, có cân nhắc đến chi phí và các ưu điểm; và
(iv) "Tốt nhất" có nghĩa là có hiệu quả nhất trong việc đạt được mức độ cao về bảo vệ môi trường nói chung;
(v) "Các phương thức tốt nhất về môi trường" là việc áp dụng kết hợp các biện pháp và chiến lược kiểm soát môi trường thích hợp nhất;
(vi) "Nguồn thải mới" là bất kỳ nguồn thải nào mới bắt đầu xây dựng hoặc cải tiến phần lớn trong thời gian ít nhất là 1 năm, sau ngày:
- Công ước có hiệu lực đối với Bên liên quan; hay
- Việc sửa đổi bổ sung Phụ lục C có hiệu lực đối với một Bên liên quan có nguồn thải buộc phải tuân theo các điều khoản quy định của Công ước do việc sửa đổi bổ sung phụ lục đó.
(g) Một Bên được phép áp dụng các giới hạn phát thải hoặc các tiêu chuẩn vậnhành để hoàn thành các cam kết của mình đối với việc áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có quy định theo mục này.
Điều 6. Các biện pháp giảm thiểu hoặc loại trừ phát thải từ các tồn lưu và chất thải
1. Để đảm bảo rằng các tồn lưu mà bao gồm hay có chứa các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, hoặc Phụ lục B và các chất thải kể cả các sản phẩm và hàng hóa sẽ trở thành các chất thải mà bao gồm, có chứa hoặc bị ô nhiễm một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, B hay C, được quản lý sao cho bảo vệ được sức khỏe con người và môi trường, mỗi Bên phải:
(a) Xây dựng các chiến lược thích hợp nhằm xác định:
(i) Các tồn lưu mà bao gồm hay có chứa các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B; và
(ii) Các sản phẩm và hàng hóa đang sử dụng và các chất thải mà bao gồm, có chứa hay bị ô nhiễm một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, B hoặc C;
(b) Trong phạm vi có thể, xác định các tồn lưu mà bao gồm hay có chứa các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B trên cơ sở các chiến lược được nói đến trong mục (a);
(c) Quản lý thích hợp các tồn lưu một cách an toàn, hiệu quả và hợp lý về môi trường. Tồn lưu của các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B, sau khi hết phép sử dụng theo bất kỳ quyền miễn trừ riêng biệt nào nêu trong Phụ lục A, hoặc theo bất kỳ quyền miễn trừ riêng biệt hay mục đích được cho phép nào nêu trong Phụ lục B, ngoại trừ các tồn lưu được phép xuất khẩu theo khoản 2 của Điều 3, sẽ bị coi là chất thải và phải được quản lý theo quy định của mục (d);
(d) áp dụng các biện pháp thích hợp để các chất thải đó, kể cả các sản phẩm và các hàng hóa sẽ trở thành chất thải, được:
(i) Xử lý, thu gom, vận chuyển và lưu giữ một cách hợp lý với môi trường;
(ii) Tiêu hủy theo cách phân hủy hoặc chuyển hóa hoàn toàn hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, để các chất thải đó không còn có tính chất của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; hoặc được tiêu hủy theo cách khác hợp lý về môi trường khi việc phân hủy hay chuyển hóa hoàn toàn không hẳn là một giải pháp ưa chuộng về mặt môi trường, hoặc khi hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thấp, trong đó có xét đến các quy định, tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế, kể cả các quy định, tiêu chuẩn và hướng dẫn có thể được xây dựng căn cứ vào khoản 2, và các thể chế quản lý các chất thải nguy hại toàn cầu và khu vực có liên quan;
(iii) Cấm đưa vào những hoạt động tiêu hủy có thể dẫn đến việc thu hồi, tái chế, phục hồi, tái sử dụng trực tiếp, hoặc sử dụng thay thế các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; và
(iv) Cấm vận chuyển xuyên biên giới khi không xem xét các quy định, tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế có liên quan;
(e) Cố gắng xây dựng các chiến lược thích hợp để xác định các địa điểm bị ô nhiễm bởi các hóa chất được liệt kê trong Phụ lục A, B hoặc C; nếu tiến hành phục hồi các địa điểm đó, thì việc phục hồi phải được thực hiện một cách hợp lý về môi trường.
2. Hội nghị các Bên sẽ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức thích hợp của Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới và tiêu hủy các chất thải nguy hại, trong đó bao gồm các vấn đề sau:
(a) Thiết lập các mức độ phân hủy và chuyển hóa hoàn toàn cần thiết để đảm bảo các đặc tính của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như quy định trong khoản 1 của Phụ lục D không còn xuất hiện nữa;
(b) Xác định các phương pháp được xem là tạo ra được sự tiêu hủy hợp lý về môi trường như đã đề cập ở trên; và
(c) Nếu thích hợp, cùng làm việc để thiết lập các mức nồng độ của các hóa chất liệt kê trong các Phụ lục A, B và C, nhằm xác định mức hàm lượng thấp của chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như đã đề cập trong khoản 1 (d) (ii).
Điều 7. Kế hoạch thực hiện
1. Mỗi Bên sẽ phải:
(a) Xây dựng và nỗ lực triển khai kế hoạch thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của Công ước này;
(b) Gửi kế hoạch thực hiện của mình cho Hội nghị các Bên trong thời gian 2 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực đối với Bên đó; và
(c) Nếu thích hợp, tiến hành kiểm tra và cập nhật định kỳ kế hoạch thực hiện của mình theo quyết định của Hội nghị các Bên.
2. Tùy trường hợp, các Bên sẽ hợp tác trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực, và tư vấn với các bên-tham-gia/liên-quan1 trong nước, gồm cả các nhóm hội phụ nữ và những tổ chức tham gia vào công tác sức khỏe trẻ em, để tạo điều kiện xây dựng, thực hiện và cập nhật các kế hoạch thực hiện của mình.
3. Các Bên sẽ nỗ lực sử dụng, và nếu cần thiết xây dựng các công cụ để lồng ghép các kế hoạch thực hiện quốc gia về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy với các chiến lược phát triển bền vững của mình khi thích hợp.
Điều 8. Lập danh mục các hóa chất trong các Phụ lục A, B và C
1. Một Bên có thể gửi đề xuất tới Ban Thư ký về việc đưa một hóa chất vào danh mục trong các Phụ lục A, B và/hoặc C. Đề xuất đó sẽ bao gồm các thông tin theo quy định trong Phụ lục D. Trong khi xây dựng đề xuất của mình, một Bên có thể được các Bên khác và/hoặc Ban Thư ký hỗ trợ.
2. Ban Thư ký sẽ thẩm tra xem đề xuất đó có đủ các thông tin như quy định trong Phụ lục D hay không. Khi thỏa mãn rằng đề xuất có đủ các thông tin như quy định, Ban Thư ký sẽ gửi đề xuất đó lên ủy ban Xét duyệt các Chất ô nhiễm Hữu cơ Khó phân hủy.
3. Ủy ban này sẽ kiểm tra đề xuất đó và áp dụng các tiêu chí sàng lọc như quy định trong Phụ lục D một cách linh hoạt và minh bạch, trên cơ sở xem xét tất cả các thông tin được cung cấp một cách tổng hợp và cân đối.
4. Nếu ủy ban quyết định rằng:
(a) Đề xuất đó thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí sàng lọc, thì ủy ban sẽ thông qua Ban Thư ký để gửi cho tất cả các Bên và các quan sát viên đề xuất đó cũng như bản đánh giá của ủy ban, đồng thời đề nghị họ cung cấp những thông tin nêu ra Phụ lục E; hoặc
(b) Đề xuất đó chưa thỏa mãn đầy đủ các tiêu chí sàng lọc, thì ủy ban thông qua Ban Thư ký sẽ thông báo cho tất cả các Bên và quan sát viên, đồng thời cung cấp đề xuất đó và bản đánh giá của ủy ban cho tất cả các Bên, và đề xuất đó sẽ bị loại.
5. Bất kỳ Bên nào cũng đều được phép trình lại với ủy ban Xét duyệt đề xuất đã bị ủy ban loại theo quy định ở khoản 4. Đơn trình lại có thể bao gồm bất kỳ lợi ích nào của Bên đó trong việc trình lại, cũng như lý giải những vấn đề mà ủy ban cần xem xét bổ sung. Nếu sau thủ tục này mà đề xuất vẫn bị ủy ban loại, thì Bên trình lại được phép chất vấn quyết định của ủy ban và Hội nghị các Bên sẽ xem xét vấn đề đó tại phiên họp tiếp theo của họ. Hội nghị các Bên có thể quyết định tiếp tục xem xét đề xuất đó dựa trên các tiêu chí sàng lọc ở Phụ lục D và xét lại bản đánh giá của ủy ban, cũng như các thông tin do bất kỳ Bên nào hoặc quan sát viên nào cung cấp.
6. Trường hợp ủy ban Xét duyệt quyết định đề xuất đó đã đáp ứng được các tiêu chí sàng lọc, hoặc Hội nghị các Bên quyết định rằng đề xuất đó cần phải tiếp tục triển khai, thì ủy ban sẽ xem xét kỹ càng hơn đề xuất đó, cùng với việc xem xét mọi thông tin bổ sung có liên quan mà ủy ban nhận được, và sẽ soạn một dự thảo hồ sơ rủi ro theo quy định của Phụ lục E. Thông qua Ban Thư ký, ủy ban sẽ gửi bản dự thảo đó cho tất cả các Bên và quan sát viên để thu thập ý kiến và xem xét các ý kiến đó nhằm hoàn tất hồ sơ rủi ro.
7. Trên cơ sở hồ sơ rủi ro được thực hiện theo Phụ lục E, ủy ban Xét duyệt sẽ quyết định:
(a) Khi di chuyển tầm xa trong môi trường, nếu một hóa chất dễ có khả năng gây ra các ảnh hưởng có hại đến sức khỏe con người và/hoặc môi trường mà đòi hỏi phải có hành động toàn cầu, thì đề xuất đó cần được tiếp tục xem xét. Việc thiếu cơ sở khoa học vững chắc sẽ không cản trở việc xem xét đề xuất này. ủy ban thông qua Ban Thư ký đề nghị tất cả các Bên và các quan sát viên cung cấp thông tin liên quan đến việc xem xét như quy định ở Phụ lục F. Sau đó, ủy ban sẽ soạn thảo bản đánh giá quản lý rủi ro, trong đó phân tích các biện pháp kiểm soát khả thi đối với hóa chất đó theo quy định ở phụ lục F; hoặc
(b) Nếu đề xuất không được tiếp tục xem xét, thì ủy ban thông qua Ban Thư ký để gửi hồ sơ rủi ro đến tất cả các Bên và quan sát viên, và sẽ loại đề xuất đó.
8. Đối với bất kỳ đề xuất nào bị loại theo khoản 7 (b), một Bên được phép yêu cầu Hội nghị các Bên xem xét lại và chỉ thị cho ủy ban Xét duyệt phải đề nghị Bên có đề xuất và các Bên khác cung cấp thông tin bổ sung trong thời gian không quá một năm. Sau thời hạn đó, ủy ban sẽ xem xét lại đề xuất đó trên cơ sở mọi thông tin bổ sung nhận được như theo quy định ở khoản 6, với một mức độ ưu tiên sẽ do Hội nghị các Bên quyết định. Nếu sau quy trình thủ tục này mà ủy ban vẫn loại đề xuất đó, thì Bên liên quan được quyền chất vấn quyết định của ủy ban, và Hội nghị các Bên sẽ xem xét vấn đề đó tại phiên họp tiếp theo của mình. Trên cơ sở hồ sơ rủi ro được soạn thảo theo Phụ lục E cũng như việc xem xét bản đánh giá của ủy ban và tất cả thông tin bổ sung được bất kỳ Bên nào hay quan sát viên nào cung cấp, Hội nghị các Bên có thể quyết định tiếp tục xem xét đề xuất nữa hay dừng lại. Trong trường hợp Hội nghị các Bên quyết định cần xem xét tiếp đề xuất đó, thì ủy ban sẽ soạn thảo bản đánh giá quản lý rủi ro.
9. Trên cơ sở hồ sơ rủi ro được nêu tại khoản 6 và bản đánh giá quản lý rủi ro được đề cập ở khoản 7 (a) hoặc khoản 8, ủy ban Xét duyệt sẽ kiến nghị xem hóa chất đó có cần được Hội nghị các Bên xem xét để đưa vào danh mục trong các Phụ lục A, B và/hoặc C hay không. Sau khi xem xét xác đáng các kiến nghị của ủy ban thẩm định, kể cả các yếu tố thiếu chắc chắn về mặt khoa học, Hội nghị các Bên sẽ thận trọng quyết định xem có đưa hóa chất đó vào danh mục hay không, đồng thời quy định các biện pháp kiểm soát liên quan đến hóa chất đó trong các Phụ lục A, B và/hoặc C.
Điều 9. Trao đổi thông tin
1. Mỗi Bên phải tạo điều kiện hoặc cam kết trao đổi thông tin liên quan đến:
(a) Giảm thiểu và loại trừ việc sản xuất, sử dụng và phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; và
(b) Các giải pháp thay thế đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, kể cả thông tin liên quan đến các rủi ro, cũng như những chi phí về kinh tế và xã hội của các chất đó.
2. Các Bên phải trao đổi các thông tin nêu khoản 1 trực tiếp với nhau hoặc thông qua Ban Thư ký.
3. Mỗi Bên cần chỉ định một đầu mối quốc gia trong việc trao đổi các thông tin đó.
4. Ban Thư ký giữ vai trò như một cơ chế ngân hàng thông tin về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, gồm cả thông tin do các Bên các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ cung cấp.
5. Vì những mục tiêu của Công ước này, mọi thông tin về sức khỏe và an toàn của con người và môi trường không được coi là các thông tin mật. Các Bên trao đổi những thông tin khác chiểu theo Công ước này, sẽ phải bảo vệ bí mật cho bất kỳ thông tin nào theo thỏa thuận chung.
Điều 10. Thông tin, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng
1. Tùy khả năng của mình, mỗi Bên cần thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc:
(a) Nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách và quyết sách về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
(b) Cung cấp cho dân chúng tất cả các thông tin hiện có về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, có xem xét đến khoản 5, Điều 9;
(c) Xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em và người ít học về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, cũng như những ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường của chúng và các chất thay thế cho chúng;
(d) Tham gia của cộng đồng trong việc xác định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, cũng như xây dựng các biện pháp ứng phó thỏa đáng, bao gồm các cơ hội đóng góp vào việc thực hiện Công ước này ở cấp quốc gia;
(e) Đào tạo các công nhân, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các cán bộ kỹ thuật và quản lý;
(f) Xây dựng và trao đổi tài liệu giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng ở quy mô quốc gia và quốc tế;
(g) Xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục và đào tạo ở quy mô quốc gia và quốc tế.
2. Tùy theo khả năng của mình, mỗi Bên sẽ đảm bảo để cộng đồng có thể tiếp cận các thông tin chung như trong khoản 1 và các thông tin đó phải được cập nhật.
3. Tùy theo khả năng của mình, mỗi Bên sẽ khuyến khích ngành công nghiệp và người sử dụng chuyên nghiệp thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc cung cấp các thông tin được đề cập ở khoản 1, ở quy mô quốc gia, tiểu khu vực, khu vực và toàn cầu nếu thích hợp.
4. Khi cung cấp các thông tin về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các chất thay thế, các Bên có thể sử dụng bản dữ liệu an toàn, báo cáo, truyền thông đại chúng và các phương tiện thông tin khác, và có thể thành lập các trung tâm thông tin quốc gia và khu vực.
5. Mỗi Bên sẽ đồng lòng xem xét việc xây dựng các cơ chế, chẳng hạn các cơ sở đăng kiểm phát thải và chuyển giao chất ô nhiễm, nhằm thu thập và phổ biến thông tin về việc ước lượng khối lượng các hóa chất liệt kê trong Phụ lục A, B hoặc C đã phát thải hay được tiêu hủy hàng năm.
Điều 11. Nghiên cứu, phát triển và quan trắc
1. Tùy khả năng của mình ở quy mô quốc gia và quốc tế, các Bên sẽ khuyến khích và/hoặc đảm nhiệm nghiên cứu, phát triển, quan trắc và hợp tác thích hợp về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, và nếu thích hợp, về các chất thay thế và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy được đề xuất, bao gồm các vấn đề như:
(a) Các nguồn và mức phát thải của chúng ra môi trường;
(b) Sự hiện diện, mức độ và xu thế của chúng ở người và trong môi trường;
(c) Sự phát tán, số phận và chuyển hóa của chúng trong môi trường;
(d) Các ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người và môi trường;
(e) Các tác động của chúng đến kinh tế- xã hội và văn hóa;
(f) Các biện pháp giảm thiểu và/hoặc loại trừ phát thải của chúng; và
(g) Các phương pháp luận hài hòa để tiến hành kiểm kê các nguồn phát thải và các kỹ thuật phân tích trong định lượng phát thải.
2. Khi triển khai hành động theo khoản 1, tùy theo khả năng của mình, các Bên sẽ:
(a) Hỗ trợ và phát triển hơn nữa các chương trình, mạng lưới và các tổ chức quốc tế nhằm xác định, chỉ đạo, đánh giá và cấp vốn cho công tác nghiên cứu, thu thập dữ liệu và quan trắc, có xét đến yêu cầu giảm bớt các nỗ lực chồng chéo;
(b) Hỗ trợ các nỗ lực quốc gia và quốc tế trong việc nâng cao năng lực quốc gia về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, nhất là ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, cũng như tăng cường khả năng truy cập cũng như trao đổi số liệu và các kết quả phân tích;
(c) Xem xét các mối quan tâm và nhu cầu, nhất là về nguồn lực tài chính và kỹ thuật của các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, cũng như hợp tác để nâng cao khả năng tham gia của họ trong các hoạt động đề cập tại các mục (a) và (b);
(d) Xúc tiến công tác nghiên cứu hướng tới việc giảm thiểu những ảnh hưởng của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến sức khỏe sinh sản;
(e) Tạo điều kiện cho dân chúng được tiếp cận một cách thường xuyên và kịp thời với các kết quả nghiên cứu, phát triển và quan trắc được đề cập đến trong khoản này; và
(f) Khuyến khích và/hoặc xúc tiến hợp tác trong công tác lưu trữ và duy trì các thông tin thu được từ các hoạt động nghiên cứu, phát triển và quan trắc.
Điều 12. Hỗ trợ kỹ thuật
1. Các Bên thừa nhận rằng việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kịp thời và thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu của các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi là cần thiết để thực hiện thành công Công ước này.
2. Các Bên sẽ hợp tác trong việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật kịp thời và thích hợp để giúp các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, có xem xét các nhu cầu cụ thể của các Bên, trong việc xây dựng và tăng cường năng lực thực hiện các nghĩa vụ của họ theo quy định của Công ước này.
3. Về vấn đề này, hỗ trợ kỹ thuật, từ các Bên là các nước phát triển và các Bên khác theo khả năng của họ, sẽ bao gồm, một cách thích hợp và đúng thỏa thuận chung, cả các hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng năng lực liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Công ước. Hội nghị các Bên sẽ cung cấp những hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề này.
4. Nếu thích hợp, các Bên sẽ dàn xếp để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích chuyển giao công nghệ cho các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi trong việc thực hiện Công ước này. Sự dàn xếp đó bao gồm các trung tâm phát triển năng lực và chuyển giao công nghệ cấp khu vực và tiểu khu vực để giúp các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi hoàn thành các nghĩa vụ của mình theo quy định của Công ước. Hội nghị các Bên sẽ hướng dẫn chi tiết về vấn đề này.
5. Trong phạm vi của điều này, các Bên sẽ quan tâm thích đáng đến các nhu cầu đặc thù và tình hình đặc biệt của các nước kém phát triển và các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển trong các hành động của họ về vấn đề hỗ trợ kỹ thuật.
Điều 13. Các cơ cấu và nguồn tài chính
1. Mỗi Bên, tùy theo khả năng của mình, sẽ cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính và các biện pháp khuyến khích đối với các hoạt động quốc gia, nhằm đạt được mục tiêu của Công ước căn cứ theo các kế hoạch, các ưu tiên và các chương trình quốc gia.
2. Các Bên là các nước phát triển, sẽ cung cấp các nguồn tài chính mới và bổ sung để giúp các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi có khả năng đáp ứng đầy đủ các chi phí phát sinh đã được nhất trí trong việc thực hiện các biện pháp để hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định của Công ước, như đã thỏa thuận giữa Bên nhận với một tổ chức tham gia vào cơ cấu sẽ được mô tả trong khoản 6. Tùy theo khả năng, các Bên khác có thể cung cấp các nguồn tài chính đó trên cơ sở tự nguyện. Mọi đóng góp từ các nguồn khác cũng được khuyến khích. Việc thực hiện những cam kết đó sẽ xem xét đến yêu cầu về tính đầy đủ, khả năng dự đoán, tính kịp thời của tài trợ, cũng như tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng giữa các Bên đóng góp.
3. Các Bên là các nước phát triển và các Bên khác, tùy theo khả năng của mình và tùy theo các kế hoạch, ưu tiên và chương trình quốc gia của mình, có thể cung cấp tài chính, và các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi sẽ tranh thủ các nguồn tài chính để hỗ trợ quá trình thực hiện Công ước thông qua các nguồn hoặc các kênh song phương, khu vực và đa phương khác.
4. Phạm vi hiệu quả mà các Bên là các nước đang phát triển thực hiện các cam kết theo quy định của Công ước này sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện có hiệu quả các cam kết của các Bên là các nước phát triển theo quy định của Công ước, liên quan đến các nguồn lực tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Phát triển bền vững kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo là các ưu tiên hàng đầu và bao trùm của các Bên là các nước đang phát triển và thực tế này cần phải được quan tâm đầy đủ, trong đó cần phải chú ý đúng mức đến nhu cầu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
5. Các Bên sẽ quan tâm đầy đủ đến các nhu cầu đặc thù và tình hình đặc biệt của các nước kém phát triển, cũng như các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển trong các hành động của họ liên quan đến huy động tài chính.
6. Một cơ cấu cung cấp các nguồn tài chính đầy đủ và bền vững trên cơ sở viện trợ và tiền vay ưu đãi cho các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi để giúp họ thực hiện Công ước sẽ được xác định qua đây. Cơ cấu này sẽ thực hiện chức năng theo thẩm quyền và nếu thích hợp theo hướng dẫn, cũng như chịu trách nhiệm trước Hội nghị các Bên trong khuôn khổ của Công ước. Sự vận hành của cơ cấu sẽ được ủy thác cho một hoặc nhiều thực thể, gồm cả các tổ chức quốc tế hiện có, có thể do Hội nghị các Bên chỉ định. Đồng thời, cơ cấu này có thể bao gồm các thực thể cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đa phương, khu vực và song phương. Những đóng góp cho cơ cấu này sẽ là nguồn tài chính bổ sung cho các khoản chuyển giao tài chính cho các Bên là các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, như trình bày ở khoản 2 và chiểu theo quy định khoản 2.
7. Căn cứ vào các mục tiêu của Công ước và khoản 6, Hội nghị các Bên sẽ phê chuẩn một hướng dẫn thích hợp cho cơ cấu này tại cuộc họp đầu tiên của mình và sẽ thỏa thuận với một hay những thực thể tham gia vào cơ cấu tài chính về các dàn xếp để thêm vào đó mang lại hiệu quả. Hướng dẫn này sẽ đề cập những vấn đề sau:
(a) Quyết định các ưu tiên về chính sách, chiến lược và chương trình cũng như các tiêu chí và chỉ dẫn rõ ràng chi tiết về tư cách để hưởng và sử dụng các nguồn tài chính, gồm cả công tác quan trắc và đánh giá định kỳ việc sử dụng các nguồn tài chính đó;
(b) Việc báo cáo thường kỳ của một hay những thực thể cho Hội nghị các Bên về tính đầy đủ và bền vững của việc cấp vốn cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện Công ước này;
(c) Xúc tiến các cách tiếp cận, cơ cấu và sự dàn xếp của việc cấp vốn đa nguồn;
(d) Các phương thức xác định chắc chắn và chính xác lượng tiền tài trợ cần thiết hiện có để thực hiện Công ước, cần lưu ý rằng việc loại trừ dần các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có thể đòi hỏi việc cấp vốn lâu bền, và các điều kiện mà dựa vào đó lượng tiền này được thẩm tra định kỳ; và
(e) Các phương thức cung cấp các đánh giá về nhu cầu, thông tin về các nguồn quỹ hiện có và các mô hình tài trợ cho các Bên muốn tham gia hỗ trợ tài chính, nhằm tạo điều kiện cho sự hợp tác của các Bên.
8. Chậm nhất là vào cuộc họp thứ hai của Hội nghị các Bên và tiếp sau đó trên cơ sở định kỳ, Hội nghị các Bên phải thẩm tra tính hiệu lực của cơ cấu thiết lập theo Điều này, khả năng của nó trong việc giải quyết những nhu cầu đang biến đổi của các Bên là nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, các tiêu chí và chỉ dẫn nêu ở khoản 7, mức độ cấp vốn cũng như tính hiệu quả hoạt động của các cơ quan thể chế được ủy thác việc vận hành cơ cấu tài chính đó. Trên cơ sở thẩm tra này, Hội nghị các Bên sẽ tiến hành các hành động thích hợp khi cần thiết để nâng cao tính hiệu quả của cơ cấu, kể cả việc đưa ra các kiến nghị và hướng dẫn về các biện pháp nhằm đảm bảo việc cấp vốn đầy đủ và lâu bền nhằm đáp ứng các nhu cầu của các Bên.
Điều 14. Các dàn xếp tài chính tạm thời
Cơ cấu thể chế của Quỹ Môi trường Toàn cầu, hoạt động căn cứ vào Văn kiện Thành lập Quỹ Môi trường Toàn cầu tái Tổ chức, sẽ là thực thể chính được tạm thời ủy thác các hoạt động của cơ cấu tài chính như đã nêu tại Điều 13, trong thời gian từ ngày Công ước này có hiệu lực cho đến cuộc họp đầu tiên của Hội nghị các Bên, hoặc đến thời gian mà Hội nghị các Bên chỉ định được một cơ cấu thể chế để đảm nhiệm như theo quy định tại Điều 13. Cơ cấu thể chế của Quỹ Môi trường Toàn cầu sẽ thực hiện chức năng này bằng các biện pháp tác nghiệp có liên quan cụ thể đến các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, với lưu ý rằng các dàn xếp mới trong vấn đề này có thể sẽ cần thiết.
Điều 15. Công tác báo cáo
Mỗi Bên sẽ báo cáo cho Hội nghị các Bên về các biện pháp mà Bên đó áp dụng để thực hiện các điều khoản quy định của Công ước và tính hiệu lực của các biện pháp đó trong việc đáp ứng các mục tiêu của Công ước.
Mỗi Bên sẽ cung cấp cho Ban Thư ký:
(a) Số liệu thống kê về tổng lượng sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu của từng hóa chất liệt kê trong Phụ lục A và Phụ lục B hoặc ước tính hợp lý của các số liệu đó; và
(b) Trong phạm vi có thể, danh mục các quốc gia mà Bên đó đã nhập khẩu từng chất đó và các quốc gia mà Bên đó đã xuất khẩu từng chất đó.
Việc báo cáo này sẽ được thực hiện vào các thời gian định kỳ và theo biểu mẫu do Hội nghị các Bên quyết định tại cuộc họp đầu tiên của Hội nghị các Bên.
Điều 16. Đánh giá hiệu quả
1. Hội nghị các Bên sẽ bắt đầu đánh giá hiệu quả của Công ước này sau 4 năm, kể từ ngày Công ước có hiệu lực, và sau đó, sẽ tiếp tục đánh giá sau các khoảng thời gian định kỳ do Hội nghị các Bên quyết định.
2. Để tạo điều kiện cho việc đánh giá, Hội nghị các Bên tại cuộc họp đầu tiên của mình sẽ khởi xướng các dàn xếp để tự cung cấp cho mình số liệu quan trắc đối chiếu về sự hiện diện của các hóa chất được liệt kê trong các Phụ lục A, B và C, cũng như về sự phát tán của chúng trong môi trường khu vực và toàn cầu. Các dàn xếp đó:
(a) Phải do các Bên thực hiện trên tầm cỡ khu vực nơi thích hợp, tùy theo năng lực tài chính và kỹ thuật, cùng với việc sử dụng các chương trình và cơ chế quan trắc hiện có hết mức có thể và việc tăng cường hài hòa giữa các phương pháp tiếp cận;
(b) Có thể bổ sung nếu cần, có tính đến những khác biệt giữa các khu vực và năng lực của các khu vực trong việc thực hiện các hoạt động quan trắc; và
(c) Phải kèm theo các báo cáo gửi Hội nghị các Bên về các kết quả quan trắc trên qui mô khu vực và toàn cầu sau những khoảng thời gian do Hội nghị các Bên quy định cụ thể.
3. Công tác đánh giá nêu trong khoản 1 sẽ được triển khai trên cơ sở các thông tin khoa học, môi trường, kỹ thuật và kinh tế hiện có, bao gồm:
(a) Các báo cáo và thông tin quan trắc khác phải cung cấp theo đúng quy định ở khoản 2;
(b) Các báo cáo quốc gia được trình theo đúng quy định tại Điều 15; và
(c) Các thông tin về việc không tuân thủ phải cung cấp chiểu theo các thủ tục quy định tại Điều 17.
Điều 17. Không tuân thủ
Càng sớm càng tốt, Hội nghị các Bên sẽ xây dựng và phê duyệt các thủ tục và cơ cấu thể chế để xác định việc không tuân thủ các điều khoản quy định của Công ước và để xử lý các Bên được phát hiện là không tuân thủ.
Điều 18. Giải quyết bất đồng
1. Các Bên phải giải quyết bất kỳ bất đồng nào xảy ra giữa họ liên quan đến việc diễn dịch hay áp dụng Công ước thông qua thương lượng hay các giải pháp hòa bình khác theo sự lựa chọn riêng của họ.
2. Khi thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia Công ước, hoặc vào bất kỳ thời gian nào sau đó, một Bên không phải là một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, được phép gửi văn bản về bất kỳ một bất đồng nào liên quan đến việc diễn dịch hay áp dụng Công ước này cho Đầu mối Lưu chiểu của Công ước để tuyên bố thừa nhận một hay cả hai biện pháp giải quyết bất đồng sau đây có tính bắt buộc trong mối tương quan với một Bên nào đó cũng chấp nhận nghĩa vụ bắt buộc đó:
(a) Phân xử trọng tài càng sớm càng tốt theo các thủ tục được thông qua bởi Hội nghị các Bên trong một phụ lục;
(b) Đưa ra Tòa án Quốc tế.
3. Một Bên là một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực được phép đưa ra tuyên bố với ý định tương tự về phân xử trọng tài theo thủ tục quy định đã nêu ở khoản 2 (a).
4. Một một tuyên bố chiểu theo khoản 2 hoặc khoản 3 sẽ có hiệu lực cho đến khi tuyên bố đó hết hạn theo các điều kiện của tuyên bố, hoặc cho đến 3 tháng sau khi văn bản thông báo thu hồi tuyên bố đó được nộp cho Đầu mối Lưu chiểu.
5. Khi tuyên bố hết hạn, thông báo thu hồi hoặc tuyên bố mới sẽ không ảnh hưởng đến các thủ tục tố tụng dưới bất kỳ hình thức nào trước khi có phán quyết của tòa trọng tài hoặc Tòa án Quốc tế, trừ phi các Bên có bất đồng thỏa hiệp được theo một cách khác.
6. Khi các Bên liên quan đến một bất đồng chưa chấp nhận thủ tục tương tự hoặc bất kỳ thủ tục nào chiểu theo khoản 2, và nếu họ không có khả năng giải quyết bất đồng trong vòng 12 tháng kể từ khi một Bên thông báo cho bên kia về một bất đồng vẫn tồn tại giữa hai Bên, thì bất đồng đó sẽ được chuyển cho một ủy ban hòa giải theo yêu cầu của bất kỳ một Bên có bất đồng nào. ủy ban hòa giải sẽ đưa ra báo cáo với những kiến nghị. Các thủ tục bổ sung liên quan đến ủy ban hòa giải sẽ được đưa vào một phụ lục để cho Hội nghị các Bên thông qua chậm nhất là vào cuộc họp thứ 2 của mình.
Điều 19. Hội nghị các Bên
1. Hội nghị các Bên phải được tổ chức.
2. Cuộc họp đầu tiên của Hội nghị các Bên sẽ do Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc triệu tập, chậm nhất là một năm kể từ khi Công ước này có hiệu lực. Sau đó, các cuộc họp thường kỳ của Hội nghị các Bên sẽ được tổ chức vào những khoảng thời gian định kỳ do Hội nghị các Bên quyết định.
3. Các cuộc họp bất thường của Hội nghị các Bên sẽ được tổ chức vào những thời gian khi Hội nghị các Bên thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của bất kỳ một Bên nào đó với điều kiện được ít nhất là một phần ba số lượng các Bên ủng hộ.
4. Tại cuộc họp đầu tiên của mình, Hội nghị các Bên phải đồng lòng nhất trí để thông qua các quy định về thủ tục và quy định về tài chính của Hội nghị các Bên và của bất kỳ tổ chức trực thuộc nào, cũng như những khoản cung cấp tài chính cho các hoạt động của Ban Thư ký.
5. Hội nghị các Bên sẽ duy trì công tác xem xét và đánh giá việc thực hiện Công ước một cách thường xuyên liên tục. Hội nghị các Bên thực hiện các chức năng được Công ước giao và để hoàn thành chúng, Hội nghị các Bên sẽ:
(a) Ngoài các yêu cầu ở khoản 6, thành lập các cơ quan trực thuộc nếu Hội nghị các Bên thấy chúng cần thiết cho việc thực hiện Công ước;
(b) Nếu thích hợp, sẽ hợp tác với các tổ chức quốc tế có thẩm quyền và các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ; và
(c) Xét duyệt thường xuyên tất cả các thông tin được cung cấp cho các Bên theo quy định của Điều 15, kể cả việc xem xét tính hiệu lực của khoản 2 (b) (iii) của Điều 3;
(d) Cân nhắc tiến hành bất kỳ hành động bổ sung nào thấy cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu của Công ước.
6. Tại cuộc họp đầu tiên của mình, Hội nghị các Bên sẽ lập ra một cơ quan trực thuộc, gọi là ủy ban Xét duyệt các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy với mục đích thực hiện các chức năng được Công ước chỉ định cho ủy ban này. Về vấn đề này:
(a) Các thành viên của ủy ban Xét duyệt các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy sẽ do Hội nghị các Bên chỉ định. Thành viên của ủy ban sẽ bao gồm các chuyên gia đánh giá và quản lý hóa chất do Chính phủ chỉ định. Các thành viên của ủy ban sẽ được chỉ định trên cơ sở phân bổ đều theo địa lý;
(b) Hội nghị các Bên sẽ quyết định các quy định về chức năng nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của ủy ban Xét duyệt; và
(c) ủy ban Xét duyệt sẽ thực hiện mọi nỗ lực để đồng lòng nhất trí thông qua các kiến nghị của mình. Nếu mọi nỗ lực đều không có kết quả và không đạt được sự nhất trí, thì các kiến nghị đó cuối cùng sẽ được bỏ phiếu để thông qua với hai phần ba số phiếu của các thành viên có mặt và bỏ phiếu.
7. Tại cuộc họp lần thứ 3 của mình, Hội nghị các Bên sẽ đánh giá yêu cầu tiếp tục cho thủ tục nêu trong khoản 2 (b) của Điều 3 Hội nghị các Bên, xem xét cả tính hiệu lực của thủ tục đó.
8. Liên hợp Quốc, các cơ quan chuyên môn của Liên hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cũng như bất kỳ nước nào không phải là Bên tham gia Công ước, đều được phép gửi đại diện của mình đến các cuộc họp của Hội nghị các Bên với tư cách là quan sát viên. Bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, với tư cách quốc gia hay quốc tế, chính phủ hay phi chính phủ, mà có sự am hiểu các vấn đề mà Công ước đề cập và đã thông báo cho Ban Thư ký mong muốn được cử đại diện của mình đến cuộc họp của Hội nghị các Bên với tư cách là quan sát viên, đều có thể được chấp nhận, trừ phi có sự phản đối của ít nhất một phần ba số lượng các Bên có mặt. Việc chấp nhận và tham gia của các quan sát viên sẽ phải tuân theo các thủ tục quy định do Hội nghị các Bên thông qua.
Điều 20. Ban Thư ký
1. Như vậy, một Ban thư ký phải được thành lập.
2. Các chức năng của Ban Thư ký gồm:
(a) Bố trí các cuộc họp của Hội nghị các Bên và các tổ chức trực thuộc của Hội nghị các Bên, cũng như đảm bảo các dịch vụ cho những cuộc họp này khi cần;
(b) Tạo điều kiện hỗ trợ các Bên, nhất là các Bên là nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi trong việc thực hiện Công ước, khi có yêu cầu giúp đỡ;
(c) Đảm bảo sự phối hợp cần thiết với các ban thư ký của các tổ chức quốc tế liên quan khác;
(d) Sửa soạn và cung cấp các báo cáo định kỳ cho các Bên trên cơ sở các thông tin được nhận theo quy định của Điều 15 cũng như các thông tin khác sẵn có;
(e) Khi cần có thể tham gia thu xếp công tác hành chính và hợp đồng dưới sự hướng dẫn toàn diện của Hội nghị các Bên nhằm thực hiện có hiệu quả các chức năng của Ban Thư ký; và
(f) Thực hiện các chức năng khác của Ban Thư ký được quy định trong Công ước, cũng như các chức năng khác mà Hội nghị các Bên có thể quyết định.
3. Các chức năng của Ban Thư ký cho Công ước này sẽ được thực hiện bởi Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp Quốc, trừ phi Hội nghị các Bên quyết định ủy thác các chức năng của Ban thư ký cho một hoặc nhiều tổ chức quốc tế khác sau khi có 3/4 số các Bên có mặt và bỏ phiếu.
Điều 21. Sửa đổi bổ sung Công ước
1. Bất kỳ Bên nào cũng đều được phép đề xuất sửa đổi bổ sung Công ước.
2. Những sửa đổi bổ sung đối với Công ước này sẽ được thông qua tại cuộc họp của Hội nghị các Bên. Ban Thư ký sẽ gửi văn bản của bất kỳ đề xuất sửa đổi bổ sung nào tới tất cả các Bên, chậm nhất là 6 tháng trước khi tiến hành cuộc họp thông qua đề xuất sửa đổi bổ sung đó. Ban Thư ký cũng sẽ thông báo những đề xuất sửa đổi bổ sung tới các Bên ký kết Công ước này và thông báo cho Đầu mối Lưu chiểu.
3. Các Bên sẽ dành mọi nỗ lực để đạt được sự nhất trí về bất kỳ đề xuất sửa đổi bổ sung nào trong Công ước. Nếu tất cả các nỗi lực đó đều không mang lại kết quả và không đạt được sự nhất trí, thì cuối cùng đề xuất sửa đổi bổ sung đó phải được thông qua bằng số phiếu của 3/4 số các Bên có mặt và bỏ phiếu.
4. Đầu mối lưu chiểu sẽ thông báo việc sửa đổi bổ sung cho tất cả các Bên để thông qua, công nhận hay phê chuẩn.
5. Việc thông qua, công nhận hay phê chuẩn một sửa đổi bổ sung phải được thông báo bằng văn bản cho Đầu mối Lưu chiểu. Một sửa đổi bổ sung được xem xét theo khoản 3 sẽ có hiệu lực đối với các Bên đã chấp nhận sửa đổi bổ sung đó sau 90 ngày kể từ ngày nộp lưu chiểu các văn kiện thông qua, công nhận hay phê chuẩn của ít nhất 3/4 số các Bên. Sau đó, sửa đổi bổ sung đó sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Bên nào khác sau 90 ngày kể từ ngày Bên đó nộp lưu chiểu văn kiện thông qua, công nhận hay phê chuẩn của mình đối với sửa đổi bổ sung đó.
Điều 22. Thông qua và sửa đổi bổ sung các phụ lục
1. Các phụ lục kèm theo Công ước này sẽ là phần không thể tách rời của Công ước, và trừ phi có những trường hợp đặc biệt khác, một vấn đề liên quan tới Công ước này đồng thời cũng là vấn đề liên quan đối với bất kỳ phụ lục nào. 2. Bất kỳ phụ lục bổ sung nào cũng chỉ được giới hạn trong các vấn đề thủ tục, khoa học, kỹ thuật hoặc hành chính.
3. Thủ tục quy định dưới đây sẽ áp dụng đối với việc đề xuất, thông qua và đưa vào hiệu lực cho các phụ lục bổ sung kèm theo Công ước này:
(a) Các phụ lục bổ sung sẽ được đề xuất và thông qua theo thủ tục quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều 21;
(b) Bất kỳ Bên nào không thể chấp nhận một phụ lục bổ sung, thì phải thông báo cho Đầu mối Lưu chiểu bằng văn bản trong vòng một năm kể từ ngày Đầu mối Lưu chiểu thông báo về việc thông qua phụ lục bổ sung đó. Đầu mối lưu chiểu sẽ thông báo ngay lập tức cho tất cả các Bên về bất kỳ thông báo nào nhận được. Vào bất kỳ thời gian nào, một Bên được phép rút lại thông báo trước đây của mình về việc họ sẽ không tuân thủ một phụ lục bổ sung nào đó, và ngay sau đó, phụ lục đó sẽ có hiệu lực đối với Bên này theo quy định ở mục (c); và
(c) Khi hết hạn một năm kể từ ngày Đầu mối Lưu chiểu thông báo về việc thông qua một phụ lục bổ sung, phụ lục đó sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Bên chưa có thông báo theo các quy định tại mục (b).
4. Việc đề xuất, thông qua và đưa vào hiệu lực của các sửa đổi bổ sung đối với phụ lục A, B hay C phải tuân theo các thủ tục quy định tương tự như việc đề xuất, thông qua và đưa vào hiệu lực của các phụ lục bổ sung đối với Công ước này, ngoại trừ việc một sửa đổi bổ sung trong Phụ lục A, B hay C sẽ không có hiệu lực đối với bất kỳ Bên nào đã ra tuyên bố liên quan đến sửa đổi bổ sung các phụ lục đó như theo quy định tại khoản 4 của Điều 25, trong trường hợp này thì bất kỳ sửa đổi bổ sung nào như vậy đều sẽ có hiệu lực đối với Bên đó sau 90 ngày kể từ ngày Bên đó gửi cho Đầu mối Lưu chiểu văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hay tham gia liên quan đến sửa đổi bổ sung này.
5. Thủ tục quy định dưới đây sẽ áp dụng đối với việc đề xuất, thông qua và đưa vào hiệu lực của một sửa đổi bổ sung trong Phụ lục D, E hay F:
(a) Những sửa đổi bổ sung được đề xuất theo thủ tục quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều 21;
(b) Các Bên phải nhất trí quyết định về một sửa đổi bổ sung trong phụ lục D, E hay F; và
(c) Đầu mối lưu chiểu sẽ lập tức thông báo quyết định sửa đổi bổ sung Phụ lục D, E hoặc F cho các Bên. Sửa đổi bổ sung đó sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Bên vào ngày được ghi trong quyết định.
6. Nếu một phụ lục bổ sung hay một một sửa đổi trong một phụ lục có liên quan đến một sửa đổi bổ sung đối với Công ước này, thì phụ lục bổ sung đó hay sửa đổi đó sẽ không có hiệu lực cho đến khi sửa đổi bổ sung đối với Công ước có hiệu lực.
Điều 23. Quyền bỏ phiếu
1. Mỗi Bên tham gia Công ước sẽ có một lá phiếu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2.
2. Một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực, trong các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, sẽ thực hiện quyền bỏ phiếu với số phiếu tương đương với số các nước thành viên của tổ chức mà đồng thời là các Bên tham gia Công ước này. Tổ chức đó sẽ không được thực hiện quyền bỏ phiếu, nếu bất kỳ nước thành viên nào trong tổ chức thực hiện quyền bỏ phiếu, và ngược lại.
Điều 24. Ký kết
Công ước này sẽ để ngỏ để tất cả các quốc gia và các Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực ký tại Stockholm ngày 23 tháng 5 năm 2001, và tại Trụ sở Liên hợp Quốc ở New York từ ngày 24 tháng 5 năm 2001 đến 22 tháng 5 năm 2002.
Điều 25. Thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia
1. Công ước này bắt buộc phải được các nước và các Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực thông qua, công nhận hoặc phê chuẩn. Công ước sẽ được bỏ ngỏ để các nước và các Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực tham gia kể từ thời gian sau khi hết hạn ký kết Công ước. Các văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia sẽ được nộp cho Đầu mối Lưu chiểu.
2. Bất kỳ Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nào trở thành một Bên tham gia Công ước này mà không có bất kỳ một nước thành viên là một Bên, thì sẽ bị rằng buộc với tất cả các nghĩa vụ theo quy định của Công ước. Trường hợp những tổ chức như vậy có một hoặc nhiều nước thành viên là Bên tham gia Công ước này, thì tổ chức đó và các nước thành viên của nó sẽ quyết định từng trách nhiệm của họ để thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Công ước. Trong các trường hợp này, tổ chức đó và các nước thành viên của nó sẽ không được thực hiện các quyền theo quy định hiện hành của Công ước.
3. Trong các văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia, một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực sẽ tuyên bố phạm vi quyền hạn của mình đối với các vấn đề thuộc quản lý của Công ước. Đồng thời, bất kỳ tổ chức nào như vậy cũng đều phải thông báo cho Đầu mối Lưu chiểu, vốn làm trung gian thông báo tiếp cho các Bên, về bất cứ thay đổi trong phạm vi quyền hạn nào liên quan của tổ chức mình.
4. Trong các văn kiện thông qua, công nhận, tán phê chuẩn hoặc tham gia, bất kỳ một Bên nào cũng đều được phép tuyên bố bất kỳ sửa đổi bổ sung nào đối với phụ lục A, B hay C sẽ chỉ có hiệu lực đối với mình sau khi bên đó nộp lưu chiểu các văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia.
Điều 26. Đưa vào hiệu lực
1. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia thứ 50 được nộp lưu chiểu.
2. Đối với mỗi Quốc gia hay Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nào thông qua, công nhận hoặc phê chuẩn Công ước rồi tham gia sau khi văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia thứ 50 được nộp lưu chiểu, thì Công ước sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ ngày Quốc gia đó hay Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đó nộp lưu chiểu văn kiện thông qua, công nhận, phê chuẩn hoặc tham gia của mình.
3. Vì các mục đích nêu trong các khoản 1 và 2, bất kỳ văn kiện nào được một Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực nộp lưu chiểu, sẽ không được tính là văn kiện bổ sung cho các văn kiện được các nước thành viên của tổ chức đó đã nộp lưu chiểu.
Điều 27. Bảo lưu
Không có quyền bảo lưu nào được thực hiện đối với Công ước này.
Điều 28. Rút khỏi Công ước
1. Sau 3 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực đối với một Bên, thì Bên đó được phép rút khỏi Công ước vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi văn bản thông báo cho Đầu mối Lưu chiểu.
2. Bất kỳ việc rút khỏi Công ước nào đều có hiệu lực sau thời hạn 1 năm kể từ ngày Đầu mối Lưu chiểu nhận được thông báo rút khỏi Công ước, hoặc vào một thời điểm chậm hơn được đưa ra trong thông báo rút khỏi Công ước.
Điều 29. Đầu mối Lưu chiểu
Tổng Thư ký Liên hợp Quốc là Đầu mối Lưu chiểu của Công ước này.
Điều 30. Các nguyên bản chính thống
Nguyên bản chính thống của Công ước bao gồm các bản gốc bằng tiếng Arập, Trung, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, đều có giá trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên hợp Quốc.
ĐỂ LÀM CHỨNG, những người có đủ thẩm quyền dưới đây đã ký Công ước này. Thực hiện tại Stockholm ngày 22, tháng 5, 2001
PHỤ LỤC A
CÁC CHẤT PHẢI LOẠI TRỪ
Phần I
Hoá chất |
Hoạt động |
Miễn trừ riêng biệt |
Aldrin* |
Sản xuất |
Không |
CAS No: 309-00-2 |
Sử dụng |
Thuốc diệt sâu vàng lá địa phương |
Thuốc diệt côn trùng |
||
Chlordane* |
Sản xuất |
Chỉ cho phép các Bên có trong Danh sách đăng ký |
CAS No: 57-74-9 |
Sử dụng |
Thuốc diệt sâu vàng lá địa phương |
Thuốc diệt côn trùng |
||
Thuốc diệt mối |
||
Thuốc diệt mối nhà cửa và đê đập |
||
Thuốc diệt mối đường sá |
||
Phụ gia trong keo gỗ dán |
||
Dieldrin* |
Sản xuất |
Không |
CAS No: 60-57-1 |
Sử dụng |
Trong các hoạt động nông nghiệp |
Endrin* |
Sản xuất |
Không |
CAS No: 72-20-8 |
Sử dụng |
Không |
Heptachlor* |
Sản xuất |
Không |
CAS No: 76-44-8 |
Sử dụng |
Thuốc diệt mối |
Thuốc diệt mối trong kết cấu nhà |
||
Thuốc diệt mối (dưới đất) |
||
Xử lý gỗ |
||
Sử dụng trong các hộp cáp ngầm |
||
Hexachlorobenzene |
Sản xuất |
Chỉ cho phép các Bên có trong Danh sách đăng ký Chất trung gian |
CAS No: 118-74-1 |
Sử dụng |
Dung môi cho thuốc bảo vệ thực vật |
Chất trung gian hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín2 |
||
Mirex* |
Sản xuất |
Chỉ cho phép các Bên có trong Danh sách đăng ký |
CAS No: 2385-85-5 |
Sử dụng |
Thuốc diệt mối |
Toxaphene* |
Sản xuất |
Không |
CAS No: 8001-35-2 |
Sử dụng |
Không |
Polychlorinated |
Sản xuất |
Không |
Biphenyls (PCB)* |
Sử dụng |
Các hàng hoá sử dụng căn cứ theo các quy định của Phần II của Phụ lục A này |
Ghi chú:
(i) Trừ phi có các quy định khác trong Công ước này, lượng hóa chất phát sinh dưới dạng các chất ỗ nhiễm lượng vết không chủ định trong các sản phẩm và hàng hóa sẽ không được xem xét đưa vào Phụ lục này;
(ii) Ghi chú ngay sau đây sẽ không được coi là một mục miễn trừ riêng biệt trong sản xuất và sử dụng như đã nêu ở khoản 2 của Điều 3. Những khối lượng một hóa chất tìm thấy trong thành phần của các hàng hóa được sản xuất hoặc đã sử dụng trước hoặc đúng vào ngày một nghĩa vụ tương ứng với hóa chất đó có hiệu lực, thì sẽ không bị xem xét như liệt kê ở Phụ lục này, miễn là một Bên đã thông báo cho Ban Thư ký rằng loại hàng hóa đặc biệt đó vẫn đang được Bên đó sử dụng. Ban Thư ký phải công khai các thông báo đó;
(iii) Ghi chú ngay sau đây không áp dụng đối với một hóa chất có dấu sao (*) ghi ngay sau tên hóa chất trong cột hóa chất thuộc Phần I của Phụ lục, và sẽ không được coi là một miễn trừ riêng biệt cho việc sản xuất và sử dụng như đã nêu ở khoản 2 của Điều 3. Với điều kiện rằng không có một khối lượng đáng kể của một chất trung gian hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín có thể gây nhiễm cho con người và môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng nó, một Bên có quyền gửi thông báo tới Ban Thư ký để xin phép sử dụng và sản xuất một lượng xác định của một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục này dưới dạng chất trung gian hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín để sử dụng trong phản ứng hóa học tạo các hóa chất khác mà không biểu hiện tính chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như theo các tiêu chí ở khoản 1 của Phụ lục D. Thông báo này phải gồm các thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất đó, hoặc ước tính hợp lý cho các thông tin này và những thông tin liên quan đến bản chất của các quá trình hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín, bao gồm lượng ô nhiễm không thể chuyển hóa và ô nhiễm lượng vết không chủ ý bất kỳ của một chất bắt đầu trở thành chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong thành phẩm. Thủ tục này sẽ được áp dụng trừ trường hợp có quy định khác trong Phụ lục. Ban Thư ký sẽ cung cấp thông báo đó cho Hội nghị các Bên và cho cộng đồng. Việc sản xuất và sử dụng như vậy sẽ không được coi là một miễn trừ riêng biệt cho sản xuất và sử dụng. Việc sản xuất và sử dụng như vậy sẽ phải chấm dứt sau một giai đoạn là 10 năm, trừ phi một Bên có liên quan trình một thông báo mới cho Ban Thư ký, và khi đó thời gian sẽ gia hạn thêm 10 năm nếu Hội nghị các Bên không có quyết định khác sau khi thẩm định việc sản xuất và sử dụng. Thủ tục thông báo có thể được lặp lại;
(iv) Tất cả các mục miễn trừ riêng biệt trong Phụ lục này có thể được tiến hành bởi các Bên đã đăng ký các miễn trừ đó theo quy định của Điều 4 trừ trường hợp sử dụng PCB (polychlorinated biphenyls) trong các hàng hóa đang trong sử dụng theo quy định của Phần II của Phụ lục này mà vốn có thể được thực hiện bởi tất cả các Bên.
Phần II
POLYCHLORINATED BIPHENYLS (PCB)
Mỗi Bên sẽ:
(a) Thực hiện các hành động với mục đích loại trừ việc sử dụng polychlorinated biphenyls (PCB) trong các thiết bị (ví dụ máy biến thế, tụ điện hoặc các thiết bị dự trữ chất lỏng) vào năm 2025, dưới sự kiểm duyệt của Hội nghị các Bên, theo các cấp ưu tiên dưới đây:
(i) Quyết tâm nỗ lực để nhận dạng, dán nhãn và chấm dứt sử dụng các thiết bị có chứa hơn 10 % polychlorinated biphenyls và có thể tích lớn hơn 5 lít;
(ii) Quyết tâm nỗ lực để nhận dạng, dán nhãn và chấm dứt sử dụng các thiết bị có chứa hơn 0.05% polychlorinated biphenyls và có thể tích lớn hơn 5 lít;
(iii) Cố gắng xác định và chấm dứt sử dụng các thiết bị có chứa hơn 0,005% polychlorinated biphenyls và thể tích lớn hơn 0,05 lít;
(b) Nhất quán với các ưu tiên ở mục (a), đẩy mạnh các biện pháp dưới đây nhằm giảm khả năng gây nhiễm và rủi ro để kiểm soát việc sử dụng polychlorinated biphenyls:
(i) Chỉ sử dụng các thiết bị còn nguyên vẹn và không bị rò rỉ, và chỉ sử dụng ở những khu vực có khả năng giảm thiểu và phục hồi nhanh chóng rủi ro phát thải ra môi trường;
(ii) Không sử dụng các thiết bị ở các khu vực có liên quan đến sản xuất hoặc chế biến lương thực thực phẩm;
(iii) Khi sử dụng các thiết bị ở khu vực có người ở, kể cả trường học và bệnh viện, thì áp dụng mọi biện pháp phù hợp để bảo vệ những khu vực đó tránh khỏi các sự cố điện có thể gây ra hỏa hoạn, đồng thời thường xuyên kiểm tra rò rỉ thiết bị;
(c) Đảm bảo không xuất hoặc nhập khẩu các thiết bị có chứa polychlorinated biphenyls như được mô tả ở mục (a), bất kể những gì đã được quy định ở khoản 2 của Điều 3, nhưng trừ trường hợp xuất và nhập khẩu vì các mục đích quản lý chất thải một cách hợp lý về môi trường;
(d) Không được phép thu hồi các chất lỏng có hàm lượng polychlorinated biphenyls trên 0.005 % để phục vụ mục đích tái sử dụng cho các thiết bị khác, trừ phi dành cho các hoạt động bảo dưỡng và dịch vụ;
(e) Quyết tâm nỗ lực nhằm đạt được sự quản lý hợp lý về môi trường đối với các chất lỏng có chứa polychlorinated biphenyls và các thiết bị nhiễm polychlorinated biphenyls với hàm lượng trên 0,005% như theo quy định tại khoản 1 của Điều 6 càng sớm càng tốt, nhưng chậm nhất là vào năm 2028, dưới sự kiểm duyệt của Hội nghị các Bên;
(f) Cố gắng xác định các vật phẩm khác có chứa hơn 0,005 % polychlorinated biphenyls (ví dụ, lớp bảo vệ dây cáp, các vật được sơn hay trám bít bằng cao su lưu hóa) và quản lý chúng theo quy định ở Đoạn 1 của Điều 6, thay cho ghi chú (ii) trong Phần I của Phụ lục này;
(g) Lập báo cáo tiến độ của việc loại trừ polychlorinated biphenyls 5 năm một lần và gửi đến Hội nghị các Bên chiểu theo Điều 15;
(h) Các báo cáo được mô tả trong mục (g) sẽ được xem xét bởi Hội nghị các Bên tại các cuộc kiểm duyệt liên quan đến polychlorinated biphenyls của Hội nghị các Bên nếu thích hợp. Hội nghị các Bên sẽ kiểm tra tiến độ thực hiện việc loại trừ polychlorinated biphenyls, sau các khoảng thời gian 5 năm, hoặc vào thời gian khác nếu thích hợp, có xem xét đến những báo cáo nói trên.
PHỤ LỤC B
CÁC CHẤT CẦN HẠN CHẾ
Phần I
Hóa chất |
Hoạt động |
Mục đích được cho phép hoặc miễn trừ riêng biệt |
DDT (1,1,1-trichloro-2,2- (4-chlorophenyl) eth CAS No: 50-29-3 |
Sản xuất |
Mục đích được cho phép: Các chất diệt trừ sinh vật truyền bệnh theo Phần II của Phụ lục này Miễn trừ riêng biệt: Chất trung gian để sản xuất dicofol Chất trung gian |
Sử dụng |
Mục đích được cho phép: Diệt trừ sinh vật truyền bệnh theo Phần II của Phụ lục này Miễn trừ riêng biệt: Sản xuất hợp chất trung gian dicofol |
Ghi chú:
(i) Trừ phi có các quy định khác trong Công ước này, lượng hóa chất phát sinh dưới dạng các chất ỗ nhiễm lượng vết không chủ định trong các sản phẩm và hàng hóa sẽ không được xem xét đưa vào Phụ lục này;
(ii) Ghi chú ngay sau đây sẽ không được coi là một mục đích được cho phép hay một mục miễn trừ riêng biệt trong sản xuất và sử dụng như đã nêu khoản 2 của Điều 3. Lượng hóa chất tìm thấy trong thành phần của các hàng hóa được sản xuất hoặc đã sử dụng trước hoặc vào ngày một nghĩa vụ tương ứng với hóa chất đó có hiệu lực, thì sẽ không bị xem xét như liệt kê ở Phụ lục này, miễn là một Bên đã thông báo cho Ban Thư ký rằng loại hàng hóa đặc biệt đó vẫn đang được Bên đó sử dụng. Ban Thư ký phải công khai các thông báo đó
(iii) Ghi chú ngay sau đây sẽ không được coi là một mục miễn trừ riêng biệt trong sản xuất và sử dụng như đã nêu ở khoản 2 của Điều 3. Với điều kiện rằng không có một khối lượng đáng kể của một chất trung gian hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín3 có thể gây nhiễm cho con người và môi trường trong quá trình sản xuất và sử dụng nó, một Bên có quyền gửi thông báo tới Ban Thư ký để xin phép sử dụng và sản xuất những khối lượng của một hóa chất được liệt kê trong Phụ lục này làm chất trung gian hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín để sử dụng trong phản ứng hóa học tạo các hóa chất khác mà không biểu hiện tính chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như theo các tiêu chí ở khoản 1 của Phụ lục D. Thông báo này phải gồm các thông tin về toàn bộ quá trình sản xuất và sử dụng hóa chất đó, hoặc ước tính hợp lý cho các thông tin này và những thông tin liên quan đến bản chất của các quá trình hạn-chế-địa-điểm trong-hệ-thống-khép-kín, bao gồm lượng ô nhiễm không thể chuyển hóa và ô nhiễm lượng vết không chủ ý bất kỳ của một chất bắt đầu trở thành chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong thành phẩm. Thủ tục này sẽ được áp dụng trừ trường hợp có quy định khác trong Phụ lục. Ban Thư ký sẽ cung cấp thông báo đó cho Hội nghị các Bên và cho cộng đồng. Việc sản xuất và sử dụng như vậy sẽ không được coi là một miễn trừ riêng biệt cho sản xuất và sử dụng. Việc sản xuất và sử dụng như vậy sẽ phải chấm dứt sau một giai đoạn là 10 năm, trừ phi một Bên có liên quan trình một thông báo mới cho Ban Thư ký, và khi đó thời gian sẽ gia hạn thêm 10 năm nếu Hội nghị các Bên không có quyết định khác sau khi thẩm ddịnh việc sản xuất và sử dụng. Thủ tục thông báo có thể được lặp lại;
(iv) Tất cả các mục miễn trừ riêng biệt trong Phụ lục này có thể được tiến hành bởi các Bên đã đăng ký các miễn trừ đó theo quy định của Điều 4.
Phần II
DDT (1,1,1-TRICHLORO-2,2-BIS(4-CHLOROPHENYL) ETHANE)
1. Việc sản xuất và sử dụng DDT sẽ được loại trừ, ngoại trừ trường hợp các Bên đã thông báo cho Ban Thư ký về ý định sản xuất và/hoặc sử dụng DDT của mình. Do đó, một sổ Đăng ký chất DDT được lập và phổ biến cho cộng đồng. Ban Thư ký sẽ duy trì sổ Đăng ký DDT.
2. Khi tại địa phương không sẵn có các chất thay thế an toàn, hiệu quả với giá thành hợp lý, mỗi Bên sản xuất và/hoặc sử dụng DDT phải hạn chế sự sản xuất và/hoặc sử dụng để diệt trừ sinh vật truyền bệnh theo các kiến nghị và hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO về việc sử dụng DDT.
3. Trong trường hợp một Bên chưa được đưa vào sổ Đăng ký DDT, nhưng xác định cần phải có DDT để diệt trừ sinh vật truyền bệnh, thì Bên đó sẽ thông báo cho Ban thư ký càng sớm càng tốt để được bổ sung tên trong sổ Đăng ký DDT. Đồng thời, Bên đó sẽ thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới.
4. Mỗi Bên có sử dụng DDT phải cung cấp thông tin cho Ban Thư ký và Tổ chức Y tế Thế giới 3 năm một lần về số lượng đã sử dụng, các điều kiện sử dụng và sự hợp lý của chiến lược kiểm soát dịch bệnh của Bên đó theo mẫu biểu do Hội nghị các Bên quyết định với sự tư vấn của Tổ chức Y tế Thế giới.
5. Với mục đích giảm thiểu và loại trừ hoàn toàn việc sử dụng DDT, Hội nghị các Bên sẽ khuyến khích:
(a) Mỗi Bên có sử dụng DDT hãy xây dựng và thực hiện một kế hoạch hành động như một phần trong kế hoạch thực hiện được quy định cụ thể tại Điều 7. Kế hoạch hành động đó sẽ bao gồm:
(i) Xây dựng khung pháp lý và các cơ chế khác để đảm bảo việc hạn chế sử dụng DDT trong diệt trừ sinh vật truyền bệnh;
(ii) áp dụng các sản phẩm, phương pháp và chiến lược thay thế thích hợp, kể cả các chiến lược quản lý lâu dài nhằm đảm bảo hiệu lực liên tục của những thay thế đó;
(iii) Các biện pháp tăng cường công tác y tế và giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh.
(b) Theo khả năng của mình, các Bên đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển hóa chất thay thế an toàn và các sản phẩm, phương pháp và chiến lược không dùng hóa chất cho những Bên sử dụng DDT, phù hợp với các điều kiện của các nước đó và vì mục đích giảm bớt gánh năng bệnh tật về kinh tế và con người. Các yếu tố được chú trọng khi xem xét các giải pháp thay thế hoặc giải pháp thay thế kết hợp bao gồm rủi ro sức khỏe con người và các vấn đề môi trường của những giải pháp đó. Các chất thay thế khả thi cho DDT chỉ được gây rủi ro không đáng kể đến sức khỏe con người và môi trường, phải phù hợp với việc kiểm soát bệnh tật trong các điều kiện của các Bên liên quan, và phải được hỗ trợ bằng các số liệu quan trắc.
6. Bắt đầu từ cuộc họp lần thứ nhất và sau đó cứ ít nhất 3 năm một lần, Hội nghị các Bên, với sự tư vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, sẽ đánh giá nhu cầu tiếp tục sử dụng DDT để diệt trừ sinh vật truyền bệnh trên cơ sở các thông tin hiện có về khoa học, kỹ thuật, môi trường và kinh tế, gồm có:
(a) Việc sản xuất và sử dụng DDT cũng như các điều kiện được đề ra ở khoản 2;
(b) Khả năng sẵn có, sự phù hợp và việc thực hiện các thay thế cho DDT; và
(c) Tiến độ nâng cao năng lực của các nước để chuyển đổi an toàn sang các thay thế đó;.
7. Một Bên được phép rút tên của mình khỏi sổ Đăng ký DDT vào bất kỳ thời gian nào sau khi đã gửi thông báo bằng văn bản cho Ban Thư ký. Việc rút tên khỏi sổ Đăng ký sẽ có hiệu lực kể từ ngày được quy định cụ thể trong thông báo.
PHỤ LỤC C
CÁC CHẤT PHÁT SINH KHÔNG CHỦ ĐỊNH
Phần I
Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc quy định của Điều 5
Phụ lục này sẽ áp dụng cho các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy dưới đây khi hình thành và phát thải không chủ định từ các nguồn do con người:
Phần II
CÁC LOẠI NGUỒN PHÁT THẢI
Polychlorinated dibenzo-p-dioxins và dibenzofurans, hexachlorobenzene cũng như polychlorinated biphenyls là những chất được tạo ra và phát thải không có chủ định từ các quá trình nhiệt liên quan đến chất hữu cơ và clo, do đốt cháy không hoàn toàn hay do các phản ứng hóa học. Các nhóm loại nguồn công nghiệp dưới đây có tiềm năng hình thành và phát thải ra môi trường tương đối cao các hóa chất đó:
(a) Các lò thiêu hủy chất thải, kể cả các lò thiêu hủy chung cho chất thải đô thị, chất thải nguy hại hay y tế hoặc bùn cống;
(b) Các lò nung xi-măng kết hợp đốt chất thải nguy hại;
(c) Sản xuất bột giấy có sử dụng clo phân tử hoặc sử dụng các hóa chất phát sinh clo phân tử trong tẩy trắng;
(d) Các quá trình nhiệt trong công nghiệp luyện kim:
(i) Tinh luyện đồng;
(ii) Các xưởng nung quặng trong công nghiệp thép;
(iii) Tinh luyện nhôm;
(iv) Tinh luyện kẽm.
Phần III
CÁC LOẠI NGUỒN PHÁT THẢI
Polychlorinated dibenzo-p-dioxins và dibenzofurans, hexachlorobenzene cũng như polychlorinated biphenyls cũng có thể hình thành và phát thải không chủ định từ các nhóm loại nguồn sau đây:
(a) Đốt chất thải ngoài trời, kể cả tại các điểm chôn lấp;
(b) Các quá trình nhiệt trong ngành công nghiệp luyện kim chưa được đề cập trong Phần II của Phụ lục này;
(c) Các nguồn đốt gia đình;
(d) Các thiết bị đốt nhiên liệu hóa thạch và các nồi hơi công nghiệp;
(e) Các cơ sở đốt gỗ và các nhiên liệu sinh khối khác;
(f) Các quy trình sản xuất hóa chất đặc biệt có phát thải không chủ định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, đặc biệt là sản xuất chlorophenols và chloranil;
(g) Các lò hỏa táng;
(h) Các xe có động cơ, đặc biệt các xe có động cơ chạy bằng xăng pha chì;
(i) Thiêu hủy xác động vật;
(j) Dệt và nhuộm da (bằng chloranil) và hoàn thiện da (bằng chiết kiềm);
(k) Các nhà máy cắt nghiền để xử lý các xe cộ hết hạn sử dụng;
(l) Nung chảy cáp đồng;
(m) Các nhà máy tinh lọc dầu thải.
Phần IV
CÁC ĐỊNH NGHĨA
1. Trong khuôn khổ của Phụ lục này:
(a) "Polychlorinated biphenyls" là các hợp chất thơm được hình thành bằng cách là các nguyên tử hydro trong phân tử biphenyl (2 vòng benzene liên kết với nhau bằng một liên kết carbon-carbon duy nhất) bị thay thế bởi tối đa là 10 nguyên tử clo; và
(b) "Polychlorinated dibenzo-p-dioxins" và "polychlorinated dibenzofurans" là các hợp chất thơm 3 vòng, được hình thành bởi 2 vòng benzene liên kết bằng các nguyên tử ôxy trong polychlorinated dibenzo-p-dioxins và bởi 1 nguyên tử ôxy với một liên kết carboncarbon trong polychlorinated dibenzofurans, và các nguyên tử hydro trong đó bị thay thế bởi tối đa 8 nguyên tử clo.
2. Trong phụ lục này, độc tính của polychlorinated dibenzo-p-dioxins và dibenzofurans được biểu thị có sử dụng khái niệm đương lượng độc tính để đo hoạt tính độc tương đương với dioxin của các chất cùng loại polychlorinated dibenzo-p-dioxins và dibenzofurans và polychlorinated biphenyls đồng phẳng khác nhau, so với 2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin. Các giá trị của hệ số đương lượng độc tính được sử dụng trong khuôn khổ của Công ước này sẽ phải nhất quán với các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận, bắt đầu bằng hệ số đương lượng độc tính trên động vật có vú của Tổ chức Y tế Thế giới năm 1998 đối với polychlorinated dibenzo-p-dioxins và dibenzofurans và polychlorinated biphenyls đồng phẳng. Các mức nồng độ được biểu thị trên đương lượng độc tính.
Phần V
HƯỚNG DẪN CHUNG VỀ CÁC KỸ THUẬT TỐT NHẤT HIỆN CÓ VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TỐT NHẤT VỀ MÔI TRƯỜNG
Phần này sẽ quy định hướng dẫn chung cho các Bên về việc phòng ngừa hay giảm thiểu các mức phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phần I.
A. Các biện pháp phòng ngừa chung liên quan đến cả các kỹ thuật tốt nhất hiện có lẫn các phương thức tốt nhất về môi trường
Cần ưu tiên cân nhắc đến phương pháp ngăn ngừa việc hình thành và phát thải các hóa chất được liệt kê trong Phần I. Các biện pháp có thể hữu dụng bao gồm:
(a) Sử dụng công nghệ ít chất thải;
(b) Sử dụng các chất ít nguy hại hơn;
(c) Khuyến khích thu hồi và tái chế chất thải và các chất được phát sinh và sử dụng trong một quy trình;
(d) Thay thế các nguyên liệu là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc ở những nơi có mối liên hệ trực tiếp giữa những nguyên liệu này với sự phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ từ nguồn;
(e) Chế độ vệ sinh nhà xưởng tốt và các chương trình bảo trì mang tính phòng ngừa;
(f) Các cải tiến trong quản lý chất thải để chấm dứt việc đốt chất thải ngoài trời hoặc thiêu hủy chất thải không kiểm soát khác, kể cả việc đốt chất thải tại các điểm chôn lấp. Khi xem xét các đề án xây dựng cơ sở thiêu hủy chất thải mới cần phải cân nhắc đến các giải pháp thay thế như các hoạt động nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải đô thị và chất thải y tế, bao gồm việc thu hồi, tái sử dụng, tái chế tài nguyên, phân loại chất thải, cũng như khuyến khích các sản phẩm phát sinh ít chất thải. Trong cách tiếp cận này, cần phải cân nhắc cẩn thận các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng;
(g) Giảm thiểu các hóa chất gây tạp chất ô nhiễm trong các sản phẩm;
(h) Tránh sử dụng clo phân tử hoặc các hóa chất phát sinh clo phân tử trong tẩy trắng.
B. Các kỹ thuật tốt nhất hiện có
Khái niệm về các kỹ thuật tốt nhất hiện có không nhằm vào việc quy định bất kỳ một kỹ thuật hay công nghệ cụ thể nào, mà là để xem xét đến các đặc tính kỹ thuật của một cơ sở liên quan, vị trí địa lý của nó và các điều kiện môi trường địa phương. Nói chung, các kỹ thuật kiểm soát thích hợp để giảm thiểu phát thải những hóa chất liệt kê trong Phần I đều như nhau.
Để xác định các kỹ thuật tốt nhất hiện có cần phải xem xét đặc biệt đến các yếu tố dưới đây, nói trung hoặc nói riêng trong các trường hợp cụ thể, đồng thời lưu ý đến các chi phí và lợi ích có thể của một biện pháp và việc cân nhắc vấn đề cẩn tắc và phòng ngừa:
(a) Những yếu tố chung cần xem xét:
(i) Tính chất, ảnh hưởng và khối lượng của các phát thải liên quan: kỹ thuật có thể khác nhau tùy theo quy mô nguồn;
(ii) Các thời gian chạy rà các cơ sở mới hoặc các cơ sở hiện có;
(iii) Thời gian cần đưa vào áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có;
(iv) Mức tiêu thụ và tính chất của các nguyên liệu được sử dụng trong quy trình và hiệu năng của quy trình;
(v) Nhu cầu ngăn ngừa hay giảm thiểu toàn bộ tác động của các phát thải ra môi trường và các rủi ro đối với môi trường;
(vi) Nhu cầu phòng ngừa sự cố và giảm thiểu hậu quả của các sự cố đối với môi trường; (vii)Nhu cầu đảm bảo sức khỏe và an toàn nghề nghiệp tại nơi làm việc;
(viii) Các quy trình, các phương tiện hoặc các phương pháp vận hành đối chiếu đã được thử nghiệm thành công trên quy mô công nghiệp;
(ix) Các tiến bộ về công nghệ, những thay đổi về kiến thức và hiểu biết khoa học.
(b) Các biện pháp giảm thiểu phát thải chung: Khi cân nhắc những đề xuất xây dựng các cơ sở mới hoặc nâng cấp đáng kể các cơ sở hiện có với những quy trình gây phát thải các hóa chất liệt kê trong Phụ lục này, thì cần phải ưu tiên xem xét các quy trình, kỹ thuật hoặc phương thức thay thế có cùng tính năng sử dụng, nhưng tránh được việc hình thành và phát thải các hóa chất đó. Trong trường hợp các cơ sở loại đó được xây dựng hoặc nâng cấp đáng kể với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa trình bày trong mục A, Phần V của Phụ lục này, thì có thể cân nhắc đến các biện pháp giảm thiểu dưới đây khi xác định các kỹ thuật tốt nhất hiện có:
(i) Áp dụng các phương pháp cải tiến làm sạch khí xả như lọc bụi, hấp thụ, ô xy hóa bằng nhiệt hay chất xúc tác;
(ii) Xử lý các phế liệu, nước thải, chất thải và bùn cống bằng các quy trình như xử lý nhiệt, hóa trơ hay xử lý hóa học để khử độc tính;
(iii) Thay đổi quy trình để giảm thiểu hoặc loại trừ các phát thải, như chuyển sang sử dụng các hệ thống khép kín;
(iv) Cải tiến trong thiết kế quy trình để cải thiện quá trình đốt cháy và ngăn ngừa việc hình thành các hóa chất liệt kê trong Phụ lục này, bằng cách kiểm soát các thông số như nhiệt độ đốt hoặc thời gian lưu cháy.
C. Các phương thức môi trường tốt nhất Hội nghị các Bên có thể xây dựng hướng dẫn về các phương thức tốt nhất về môi trường.
PHỤ LỤC D
CÁC YÊU CẦU VỀ THÔNG TIN VÀ CÁC TIÊU CHÍ SÀNG LỌC
1. Một Bên khi trình một đề xuất để đưa một hóa chất vào danh mục trong Phụ lục A, B và/hoặc C, sẽ xác định hóa chất đó theo cách được quy định trong mục (a) và cung cấp các thông tin về hóa chất đó, cũng như các sản phẩm chuyển hóa của hóa chất đó nếu thích hợp, liên hệ với các tiêu chí sàng lọc được quy định trong các mục từ (b) đến (e):
(a) Đặc tính hóa học:
(i) Các tên, bao gồm tên nhãn hiệu, tên thương mại và tên đồng nghĩa, số Đăng ký Dịch vụ Thông tin Tóm tắt Hóa chất (CAS), tên đặt bởi Hiệp hội Quốc tế về Hóa học Thuần túy và ứng dụng (IUPAC); và
(ii) Cấu trúc, kể cả đặc tính của các chất đồng phân nếu có thể, và cấu trúc của nhóm hóa chất;
(b) Tính khó phân hủy:
(i) Bằng chứng về chu kỳ bán phân rã của một hóa chất trong nước lâu hơn hai tháng, hoặc bằng chứng về chu kỳ bán phân rã của nó đó trong đất lâu hơn 6 tháng, hoặc chu kỳ bán phân rã của nó trong trầm tích lâu hơn 6 tháng; hoặc
(ii) Bằng chứng rằng một hóa chất có tính khó phân hủy để được đưa vào xem xét trong phạm vi của Công ước này;
(c) Tích lũy sinh học:
(i) Bằng chứng về yếu tố tích lũy sinh học hoặc yếu tố tích lũy sinh học trong các loài dưới nước đối với một hóa chất lớn hơn 5,000, hoặc khi không có các dữ liệu đó thì hệ số lô ga Kow lớn hơn 5;
(ii) Bằng chứng rằng một hóa chất gây ra các lý do đáng ngại khác, như tích lũy sinh học cao ở các loài khác, độc tính hoặc độc tính sinh thải cao; hoặc
(iii) Các số liệu quan trắc trong sinh giới cho thấy tiềm năng tích lũy sinh học của hóa chất đó đủ để được xem xét trong phạm vi của Công ước này;
(d) Tiềm năng phát tán tầm xa trong môi trường:
(i) Nồng độ đo được của hóa chất tại những vị trí cách xa các nguồn phát thải hóa chất đó ở một mức độ đáng lo ngại tiềm tàng;
(ii) Các số liệu quan trắc cho thấy việc phát tán tầm xa trong môi trường của hóa chất đó, với tiềm năng di chuyển đến một môi trường tiếp nhận nó, có thể diễn ra qua đường không khí, nước hoặc các loài di cư; hoặc
(iii) Thực tế và/hoặc các kết quả mô hình cho thấy hóa chất đó có tiềm năng phát tán tầm xa trong môi trường qua đường không khí, nước hoặc các loài di cư, để có thể đến một môi trường tiếp nhận ở vị trí cách xa nguồn phát thải hóa chất đó. Đối với một hóa chất di chuyển đáng kể qua đường không khí, thì chu kỳ bán phân rã của hóa chất đó trong không khí phải lâu hơn 2 ngày; và
(e) Các ảnh hưởng có hại:
(i) Bằng chứng về các ảnh hưởng có hại đối với sức khỏe con người hoặc môi trường mà đủ lý giải việc xem xét hóa chất đó trong phạm vi của Công ước này; hoặc (ii) Các số liệu về độc tính hay độc tính sinh thái cho thấy tiềm năng hủy hoại sức khỏe con người hoặc môi trường.
2. Bên đề xuất sẽ đưa ra tuyến bố về các lý do đáng lo ngại, nếu có thể bao gồm việc so sánh các số liệu về độc tính hay độc tính sinh thái với các cấp độ được phát hiện hoặc dự báo của một hóa chất do việc phát tán tầm xa của nó trong môi trường, cũng như ra một tuyên bố ngắn gọn về yêu cầu kiểm soát toàn cầu.
3. Trong phạm vi có thể và xét các khả năng của mình, Bên đề xuất sẽ cung cấp thêm các thông tin để hỗ trợ việc thẩm định đề xuất được nói đến tại khoản 6 của Điều 8. Khi xây dựng đề xuất đó, một Bên có thể khai thác chuyên môn từ bất kỳ nguồn nào.
PHỤ LỤC E
YÊU CẦU VỀ THÔNG TIN CHO HỒ SƠ RỦI RO
Mục đích của công tác xét duyệt là để đánh giá xem một hóa chất phát tán tầm xa trong môi trường có khả năng dẫn đến những ảnh hưởng có hại đáng kể đến sức khỏe con người và/hoặc môi trường hay không, ở mức phải có hành động toàn cầu. Vì mục đích đó, hồ sơ rủi ro sẽ được xây dựng nhằm phân tích và đánh giá các thông tin được đề cập tại Phụ lục D, cùng với các loại thông tin dưới đây:
(a) Các nguồn thải, nếu thích hợp, bao gồm:
(i) Số liệu sản xuất, kể cả số lượng và địa điểm;
(ii) Việc sử dụng; và
(iii) Các phát thải, như nước thải, tổn hao và khí thải;
(b) Đánh giá nguy cơ đối với điểm cuối hoặc các điểm cuối liên quan, kể cả việc xem xét các mối tương tác độc học giữa nhiều hóa chất;
(c) Tình trạng trong môi trường, bao gồm các số liệu và thông tin về tính chất vật lý và hóa học của một hóa chất, cũng như sự bền vững của nó và vấn đề liên quan đến sự phát tán trong môi trường, sự dịch chuyển trong và giữa các thành phần môi trường, sự phân hủy và chuyển hóa thành các hóa chất khác. Việc xác định hệ số nồng độ sinh học hay hệ số tích lũy sinh học phải sẵn có trên cơ sở các giá trị đo đạc, trừ khi có các số liệu quan trắc được đánh giá là đã đáp ứng yêu cầu này;
(d) Các số liệu quan trắc;
(e) Khả năng ô nhiễm ở các khu vực địa phương và đặc biệt do sự phát tán tầm xa trong môi trường của hóa chất, bao gồm cả các thông tin về hiện trạng sinh học;
(f) Các đánh giá, dự báo hoặc hồ sơ rủi ro, các thông tin dán nhãn và phân cấp nguy hiểm ở cấp quốc gia và quốc tế nếu có; và
(g) Tình trạng của hóa chất đó theo các công ước quốc tế.
PHỤ LỤC F
CÁC THÔNG TIN CẦN CÂN NHẮC VỀ MẶT KINH TẾ - XÃ HỘI
Một đáng giá cần được tiến hành để xem xét đưa vào Công ước các biện pháp kiểm soát khả thi các hóa chất, chứa đựng đầy đủ các giải pháp, kể cả quản lý và loại trừ. Vì vậy, cần cung cấp các thông tin phù hợp về những phân tích kinh tế-xã hội liên quan đến các biện pháp kiểm soát khả thi để Hội nghị các Bên có khả năng đưa ra quyết định. Các thông tin đó phải thể hiện được mối quan tâm đúng mức đến khả năng và điều kiện khác nhau của các Bên và đồng thời cần phải có sự xem xét các mục được liệt kê dưới đây:
(a) Hiệu quả và hiệu lực của các biện pháp kiểm soát khả thi trong việc đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu rủi ro:
(i) Tính khả thi về kinh tế; và
(ii) Các chi phí, kể cả các chi phí môi trường và sức khỏe;
(b) Các giải pháp thay thế (sản phẩm và quy trình):
(i) Tính khả thi về kỹ thuật;
(ii) Các chi phí, kể cả các chi phí môi trường và sức khỏe;
(iii) Hiệu quả;
(iv) Rủi ro;
(v) Khả năng sẵn có; và
(vi) Khả năng tiếp cận;
(c) Các tác động tích cực và/hoặc tiêu cực đến xã hội khi thực hiện các biện pháp kiểm soát khả thi:
(i) Sức khỏe, bao gồm sức khỏe cộng đồng, môi trường và sức khỏe nghề nghiệp;
(ii) Nông nghiệp, kể cả ngư nghiệp và lâm nghiệp;
(iii) Sinh giới (đa dạng sinh học);
(iv) Các phương diện kinh tế;
(v) Vận động hướng tới phát triển bền vững; và
(vi) Các chi phí xã hội;
(d) Các vấn đề về chất thải và tiêu hủy (đặc biệt là các kho thuốc bảo vệ thực vật quá hạn và làm sạch các địa điểm bị ô nhiễm):
(i) Tính khả thi về kỹ thuật;
(ii) Chi phí;
(e) Khả năng tiếp cận thông tin và giáo dục cộng đồng;
(f) Hiện trạng về năng lực kiểm soát và quan trắc; và
(g) Bất kỳ hành động kiểm soát quốc gia hay khu vực nào đã được thực hiện, kể cả thông tin về các giải pháp thay thế và thông tin thích liên quan đến quản lý rủi ro.
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây