Thông tư 15-TC/VT của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với các nguồn tiền và hàng viện trợ quốc tế

thuộc tính Thông tư 15-TC/VT

Thông tư 15-TC/VT của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với các nguồn tiền và hàng viện trợ quốc tế
Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:15-TC/VT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Phạm Văn Trọng
Ngày ban hành:15/08/1991
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài chính-Ngân hàng

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Thông tư 15-TC/VT

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 15-TC/VT NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1991
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC NGUỒN TIỀN VÀ HÀNG VIỆN TRỢ QUỐC TẾ

 

Thi hành quyết định số 142/HĐBT ngày 10-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, để thực hiện chức năng quản lý tài chính Nhà nước đối với các nguồn viện trợ (bằng tiền tệ và bằng hàng hoá) của các tổ chức quốc tế (gồm viện trợ của các Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức Liên hiệp quốc, các tổ chức phi Chính phủ và các khoản viện trợ khác); Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính đối với các nguồn viện trợ đó như sau:

 

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

1. Tất cả thiết bị, vật tư, hàng hoá và tiền (ngoại tệ và đồng Việt Nam) do nước ngoài viện trợ cho nước ta từ mọi nguồn đều là tài sản của Nhà nước và chịu sự quản lý thống nhất như mọi tài sản khác của Nhà nước theo chế độ hiện hành.

2. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý tài chính Nhà nước đối với tất cả các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, các hội, đoàn thể quần chúng, các cơ sở kinh tế trong và ngoài quốc doanh (dưới đây gọi tắt là các đơn vị) có nhận và sử dụng viện trợ quốc tế.

- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quản lý các nguồn viện trợ do nước ngoài trực tiếp viện trợ cho địa phương và do các Bộ, ngành Trung ương phân phối về địa phương.

- Mọi hành vi nhận viện trợ quốc tế (gồm tiền tệ và hàng hoá) không qua Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế đều coi là trốn tránh sự quản lý của Tài chính Nhà nước và đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

3. Hàng năm, các đơn vị lập kế hoạch thu, chi về viện trợ quốc tế (có phân theo từng quý trong năm) cùng với kế hoạch kinh tế, tài chính của đơn vị gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và cơ quan tài chính đồng cấp để tổng hợp cân đối trong kế hoạch kinh tế và Ngân sách Nhà nước.

Kế hoạch thu, chi viện trợ quốc tế của các đơn vị phải thuyết minh đầy đủ những nội dung chính sau đây:

- Kế hoạch giá trị các nguồn viện trợ quy ra đồng Việt Nam đối với từng loại hàng hoá và tiền tệ được viện trợ và phân theo mục đích, đối tượng sử dụng.

- Kế hoạch về vốn trong nước tham gia vào dự án (nếu có).

- Chi phí quản lý dự án (gồm chi về tiếp nhận hàng hoá, thiết bị, vận chuyển, lưu kho, quản lý điều hành dự án...) và nguồn vốn để chi cho công tác này (vốn tự có, Ngân sách Nhà nước cấp, vốn trích từ tiền hàng viện trợ nếu được phép).

- Sở tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương sau khi tổng hợp kế hoạch phải báo cáo về Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế).

4. Thủ trưởng các đơn vị là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về quản lý và kết quả sử dụng nguồn viện trợ đã tiếp nhận.

Về nguyên tắc, viện trợ quốc tế phải được sử dụng đúng cam kết đã ghi trong các chương trình và dự án. Trường hợp cần sử dụng, điều hoà viện trợ quốc tế phải được phép bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc của cơ quan được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền.

Tuyệt đối không được trích ngoại tệ, hàng hoá từ các nguồn viện trợ để lập quỹ riêng dưới bất cứ hình thức nào nếu không được Hội đồng Bộ trưởng cho phép bằng văn bản.

5. Giá thanh toán hàng viện trợ ghi vào Ngân sách Nhà nước là trị giá ngoại tệ, hàng hoá được chuyển đổi thành đồng tiền Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố tại thời điểm nhận hàng.

6. Các đơn vị nhận, sử dụng viện trợ quốc tế phải chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh Kế toán và thống kê do Hội đồng Nhà nước công bố (số 06-LCT/HĐNN ngày 20-5-1988) và Điều lệ Tổ chức kế toán ban hành theo Nghị định số 25/HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng cũng như chế độ hạch toán kế toán được hướng dẫn trong thông tư số 46-TC/CĐKT ngày 15-8-1991 của Bộ Tài chính.

 

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

A- ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

 

1. Viện trợ là hàng tiêu dùng và vật tư, nguyên liệu như:

Lương thực, thực phẩm, quần áo may sẵn, hàng bách hoá các loại, thuốc tân dược, dược liệu, thiết bị văn phòng v.v... các đơn vị nhận và sử dụng phải coi như một nguồn kinh phí của Ngân sách Nhà nước cấp. Vì vậy, các đơn vị phải có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản và sử dụng đúng mục đích như đã thoả thuận trong các cam kết với tổ chức viện trợ, triệt để tiết kiệm và chống mọi tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng số hàng hoá được tiếp nhận.

Trường hợp bán hàng viện trợ thu tiền (nếu được phép), đơn vị phải báo cáo cơ quan tài chính đồng cấp để điều chỉnh kế hoạch kinh phí của đơn vị.

Chi phí tiếp nhận và quản lý trong nước (nếu cần) phải được cơ quan tài chính đồng cấp bố trí và tổng hợp hơn trong kế hoạch của Ngân sách Nhà nước. Nghiêm cấm việc trích thu dưới mọi hình thức đối với các khoản viện trợ quốc tế để trang trải chi phí nếu không được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

2. Viện trợ là thiết bị, phụ tùng như: thiết bị toàn bộ, thiết bị công nghệ lẻ, phụ tùng vật tư đi theo thiết bị toàn bộ dùng cho các công trình XDCB...; các đơn vị nhận và sử dụng loại hàng hoá này phải quản lý và sử dụng theo đúng mục đích, đối tượng và quy chế quản lý đầu tư XDCB hiện hành của Nhà nước.

Căn cứ vào tính chất hàng hoá và cam kết giữa Nhà nước ta với tổ chức viện trợ quy định cho từng dự án, cơ quan tài chính đồng cấp xem xét để ghi vào kế hoạch thu, chi bằng nguồn vốn viện trợ vào kế hoạch ngân sách hàng năm của đơn vị phù hợp với kế hoạch Nhà nước.

3. Viện trợ là tiền tệ (tiền mặt, séc các loại):

a) Các khoản viện trợ trực tiếp bằng ngoại tệ của nước ngoài (đài thọ cho hội nghị, hội thảo khoa học, tham quan, khảo sát trong và ngoài nước, chi chuyên gia, mua sắm vật tư thiết bị trong nước...) của tất cả các đơn vị đều phải chấp hành đúng quy định về quản lý ngoại tệ của Nhà nước tại Nghị định số 161/HĐBT ngày 18-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư số 27-TC/KBNN ngày 27-5-1991 của Bộ Tài chính.

b) Toàn bộ số ngoại tệ viện trợ của các đơn vị (không kể số ngoại tệ do các tổ chức viện trợ chi trực tiếp cho chuyên gia nước ngoài để thực hiện dự án và chi trực tiếp cho cán bộ đi học tập, tham quan, khảo sát ở nước ngoài ...) phải được bán cho quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố tại thời điểm bán, đơn vị chỉ dùng tiền Việt Nam thu được để sử dụng trong nước.

Trường hợp cần thiết phải sử dụng ngoại tệ, đơn vị phải báo cáo Bộ Tài chính để xem xét, nếu nhu cầu đó là chính đáng, đơn vị sẽ được mua lại ngoại tệ, nhưng không vượt quá số lượng ngoại tệ đã bán.

c) Nguồn ngoại tệ viện trợ phát triển (ODA) để mua hàng hoá của nước ngoài theo cam kết với từng nước được quản lý như sau:

- Ngoại tệ để mua hàng viện trợ dùng cho đầu tư XDCB được gọi là "phần cứng" thì Bộ Tài chính sẽ quản lý qua Ngân hàng đầu tư và phát triển để làm các thủ tục, cấp phát cho các đơn vị mua hàng ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 17-TC/ĐT ngày 19-3-1991 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp ngoại tệ dùng để mua thiết bị bổ sung không thuộc công trình đầu tư XDCB và chi cho "phần mềm" dùng để hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, hội thảo, tham quan, chuyên gia... do Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) trực tiếp làm thủ tục cho các đơn vị.

 

B- ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT KINH DOANH
(BAO GỒM CẢ CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH)

 

1. Viện trợ là vật tư nguyên liệu và hàng tiêu dùng:

Các đơn vị nhận viện trợ phải sử dụng nguồn vốn hợp pháp của mình (vốn tự có hoặc vay Ngân hàng) để thanh toán toàn bộ trị giá ngoại tệ của số hàng viện trợ với Ngân sách Nhà nước theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố tại thời điểm nhận hàng.

Trường hợp đặc biệt, trị giá ngoại tệ của hàng viện trợ quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố cao hoặc thấp hơn so với giá cả của các mặt hàng tương đương trong nước (giá bán lẻ thị trường chấp nhận), thì đơn vị thanh toán với mức giá của các mặt hàng tương đương trong nước sau khi có sự kiểm tra, xem xét và chấp thuận của cơ quan tài chính đồng cấp.

Trường hợp hàng viện trợ không có giá nguyên tệ (hoặc không có giá cả của các mặt hàng tương đương trong nước) thì giá của hàng viện trợ phải do Hội đồng định giá (gồm đại diện Uỷ ban Vật giá Nhà nước và cơ quan tài chính đồng cấp, Bộ chủ quản và đơn vị nhận hàng) quy định. Đơn vị thanh toán với Ngân sách Nhà nước theo giá được Hội đồng định giá xác định bằng văn bản.

2. Viện trợ là thiết bị, phụ tùng như thiết bị toàn bộ, thiết bị công nghệ lẻ, phụ tùng vật tư đi theo thiết bị toàn bộ... các đơn vị nhận viện trợ phải sử dụng nguồn vốn hợp pháp của mình (vốn tự có hoặc vay Ngân hàng) để thanh toán toàn bộ trị giá ngoại tệ của số hàng viện trợ này với Ngân sách Nhà nước theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng công bố tại thời điểm nhận hàng.

Trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận hàng viện trợ (hàng hoá các loại), đơn vị phải thanh toán toàn bộ giá trị của số hàng viện trợ với Ngân sách Nhà nước.

- Các đơn vị thuộc Trung ương quản lý chuyển toàn bộ giá trị hàng viện trợ đã nhận vào tài khoản 01-383-017 của Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế theo dõi để nộp ngay vào Ngân sách Nhà nước và để kiểm điểm kết quả chuyển giao viện trợ với tổ chức viện trợ tương ứng.

- Các đơn vị thuộc địa phương quản lý, Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ về các khoản viện trợ của đơn vị cho Sở Tài chính - Vật giá để Sở Tài chính - Vật giá đôn đốc thu nộp vào ngân sách theo chế độ phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Quá thời hạn trên (kể từ ngày thứ 31 trở đi), nếu đơn vị chưa nộp ngân sách trị giá hàng viện trợ (hoặc nộp thiếu) thì Ngân hàng phục vụ đơn vị sẽ trích từ tài khoản tiền gửi của đơn vị tại Ngân hàng để nộp cho Ngân sách Nhà nước và nộp phạt theo đề nghị của cơ quan tài chính đồng cấp. Mức phạt nộp chậm mỗi ngày (tính từ ngày thứ 31 trở đi) là 0,5% (năm phần nghìn) trên số tiền chậm nộp và trừ vào phần lợi nhuận để lại của đơn vị.

Tuỳ theo mục đích sử dụng hàng viện trợ (thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ dùng trong XDCB; nguyên nhiên liệu dùng trong sản xuất kinh doanh...) các đơn vị nhận và sử dụng phải thực hiện nghiêm túc các chế độ quản lý hiện hành nhằm chống mất mát, hư hao tổn thất, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các nguồn hàng viện trợ này.

3. Viện trợ là ngoại tệ (tiền mặt, séc các loại):

Toàn bộ số ngoại tệ viện trợ được nộp vào quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước. Khi cần sử dụng, các đơn vị được mua lại số ngoại tệ đã nộp bằng nguồn vốn hợp pháp của mình (vốn tự có hoặc vay Ngân hàng).

4. Ngoại tệ viện trợ của các Chính phủ (viện trợ song phương) cho nước ta theo chương trình, dự án đã ký kết, Nhà nước sẽ thực hiện theo cơ chế bán cho các đơn vị kinh tế hoặc cho vay theo lãi suất ưu đãi. Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn riêng.

 

III- THỦ TỤC THANH TOÁN QUA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

 

A- ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC VÀ NGUYÊN TẮC THANH TOÁN

 

1. Đối tượng và hình thức thanh toán:

Tất cả các đơn vị nhận và sử dụng viện trợ quốc tế đều phải thực hiện thanh toán qua Ngân sách Nhà nước.

- Các đơn vị hành chính sự nghiệp (được Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí): khi nhận viện trợ sẽ áp dụng hình thức thanh toán ghi thu, ghi chi qua ngân sách các cấp.

- Các đơn vị sản xuất kinh doanh (không được Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí): khi nhận viện trợ đơn vị phải nộp trực tiếp giá trị nguồn viện trợ vào ngân sách các cấp theo mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.

2. Nguyên tắc thanh toán:

Thực hiện Nghị quyết số 186/HĐBT ngày 27-11-1989 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 57-TC/NSNN ngày 12-12-1989 của Bộ Tài chính về phân cấp quản lý ngân sách thì nguồn viện trợ quốc tế cho các đơn vị thuộc ngân sách cấp nào quản lý được thanh toán qua ngân sách cấp đó, cụ thể:

- Các đơn vị thuộc ngân sách Trung ương quản lý - thanh toán tại Bộ Tài chính.

- Các đơn vị thuộc ngân sách địa phương quản lý - thanh toán tại các Sở Tài chính - Vật giá.

 

B- CĂN CỨ THANH TOÁN

 

1. Các đơn vị nhận và sử dụng viện trợ, khi có giấy báo hàng ngoại tệ viện trợ, phải đến Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) hoặc Ban đại diện quản lý và tiếp nhận tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện tiếp nhận viện trợ tại Đà Nẵng xác nhận là hàng, ngoại tệ viện trợ theo mẫu quy định của Bộ Tài chính (công văn số 2058-TC/VT ngày 21-12-1990) để làm các thủ tục nhận hàng, rút tiền và thanh toán với ngân sách các cấp.

2. Giấy xác nhận hàng, ngoại tệ viện trợ do đơn vị kê khai là chứng từ thanh toán qua ngân sách các cấp.

Trường hợp hàng hoá nhận tại cảng, sân bay có phát sinh chênh lệch thừa, thiếu, mất mát, không đúng chủng loại và giá cả... so với kê khai hoặc số tiền thực nhận tại Ngân hàng có thay đổi (tăng hoặc giảm) so với số tiền đã xác nhận thì:

- Đơn vị nhận hàng phải gửi biên bản giám định đến Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế.

- Đơn vị nhận tiền phải báo cáo kết quả nhận tiền với Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế.

Ban quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế xem xét, điều chỉnh giấy xác nhận theo kết quả hàng hoá (hoặc tiền) thực nhận cho đơn vị.

Sau 15 ngày, kể từ khi nhận hàng, ngoại tệ viện trợ, đơn vị không có báo cáo kết quả nhận tiền hoặc biên bản giám định hàng hoá gửi đến Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế, thì giấy xác nhận do đơn vị kê khai theo vận đơn nói trên được coi là chứng từ hợp lệ để thanh toán với ngân sách các cấp.

 

IV- CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA

A- NỘI DUNG BÁO CÁO

 

Hàng quý, hàng năm và khi kết thúc dự án các đơn vị nhận và sử dụng tiền, hàng viện trợ phải có báo cáo tổng hợp tình hình tiếp nhận, sử dụng và quyết toán tiền, hàng viện trợ. Báo cáo phải thể hiện được các nội dung sau:

a) Tình hình và kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hàng viện trợ.

b) Tình hình sử dụng tiền, hàng viện trợ (báo cáo chi tiết nội dung sử dụng tiền, hàng viện trợ cho từng đối tượng và công việc cụ thể).

c) Các khoản chi phí tiếp nhận và quản lý tiền hàng viện trợ phát sinh từ khâu giao nhận đến nơi sử dụng.

đ) Các chi phí tham gia thực hiện dự án (nếu có).

e) Những vấn đề khó khăn và những kiến nghị đối với cơ quan chủ quản, các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng tiền hàng viện trợ.

g) Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tiền, hàng viện trợ.

 

B- TRÌNH TỰ BÁO CÁO, DUYỆT QUYẾT TOÁN

 

a) Các đơn vị thuộc Trung ương quản lý (kể cả các Bộ làm chủ dự án nhận và phân phối hàng viện trợ cho các địa phương sử dụng) báo cáo tình hình sử dụng và quyết toán tiền hàng viện trợ với Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế).

Bộ Tài chính tham gia và phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản trong việc duyệt quyết toán tiền, hàng viện trợ của các đơn vị này.

b) Các đơn vị thuộc địa phương quản lý báo cáo tình hình sử dụng và quyết toán tiền, hàng viện trợ với Sở Tài chính.

Sở Tài chính tham gia và phối hợp với các Sở chủ quản trong việc duyệt quyết toán tiền hàng viện trợ của các đơn vị này, đồng thời tổng hợp toàn bộ tình hình sử dụng và quyết toán toàn bộ tiền hàng, hàng viện trợ thuộc địa phương gửi Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế).

c) Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) chịu trách nhiệm tổng hợp toàn bộ tình hình nhận, phân phối, sử dụng và thanh toán với Ngân sách Nhà nước về các nguồn tiền, hàng viện trợ để báo cáo với Nhà nước, đồng thời báo cáo với các tổ chức viện trợ quốc tế.

 

C- CHẾ ĐỘ KIỂM TRA

 

Để nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn tiền, hàng viện trợ quốc tế; hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị giải quyết các tranh chấp quốc tế phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án viện trợ; đồng thời phát hiện và kiến nghị biện pháp xử lý các vi phạm trong việc quản lý, phân phối và sử dụng tiền hàng viện trợ. Các cơ quan chủ quản và tài chính các cấp phải thường xuyên kiểm tra đối với các đơn vị nhận và sử dụng viện trợ.

Nội dung kiểm tra:

- Kiểm tra việc phân phối và sử dụng tiền, hàng viện trợ đúng mục đích, đúng cam kết và có hiệu quả.

- Kiểm tra việc chấp hành các chế độ quản lý hiện hành của Nhà nước đối với tiền, hàng viện trợ.

- Kiểm tra chi phí quản lý tiền, hàng viện trợ.

- Kiểm tra công tác hạch toán kế toán, thống kê và việc chấp hành chế độ báo cáo thống kê, kế toán định kỳ của Nhà nước.

 

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

1. Các đơn vị nhận sử dụng tiền và hàng viện trợ quốc tế có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những quy định tại Thông tư này.

2. Đề nghị UBKHNN, NHNN, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan khác phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) trong việc thực hiện quản lý tài chính Nhà nước đối với các nguồn tiền, hàng viện trợ quốc tế.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Những quy định về chế độ quản lý tài chính trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn vướng mắc, đề nghị các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phản ánh về Bộ Tài chính (Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ quốc tế) để nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi.

 

 

 

 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản tiếng việt
văn bản TIẾNG ANH
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất

Quyết định 3514/QĐ-BYT của Bộ Y tế bãi bỏ Quyết định 5086/QĐ-BYT ngày 04/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục dùng chung mã hãng sản xuất vật tư y tế (Đợt 1) và nguyên tắc mã hóa vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và Quyết định 2807/QĐ-BYT ngày 13/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung Quyết định 5086/QĐ-BYT

Y tế-Sức khỏe