Trường hợp nào ký hợp đồng đào tạo nghề?

Việc đào tạo nghề là một trong những vấn đề liên quan đến người lao động thường nhận được sự quan tâm. Theo quy định hiện hành, trường hợp nào ký hợp đồng đào tạo nghề? Cùng tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết sau.

1. Học nghề, đào tạo nghề là gì?

Học nghề, đào tạo nghề là hoạt động đào tạo để giúp người học nâng cao tay nghề hoặc có thể tự mình thực hiện công việc, nghề nghiệp sau khi được đào tạo. Học nghề, đào tạo nghề gồm các hình thức:

- Học nghề, tập nghề nhằm mục đích làm việc cho người sử dụng lao động (Điều 61 Bộ luật Lao động 45/2019/QH14). Trong đó:

Học nghề được hiểu là việc người sử dụng lao động tuyển người lao động vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc.

Tập nghề được hiểu là việc người sử dụng lao động tuyển người lao động vào để hướng dẫn thực hành công việc và tập làm nghề tùy theo vị trí việc làm được sắp xếp tại nơi làm việc.

- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề:

Người sử dụng lao động tiến hành đào tạo, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại cho người lao động về nghề đã đào tạo hoặc nghề khác để chuyển người lao động sang làm công việc mới tại doanh nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động (theo Điều 42, Điều 62 Bộ luật lao động 2019).

Hình thức này là một cách đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và là một hình thức đào tạo khá phổ biến hiện nay, được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.

2. Trường hợp nào phải ký hợp đồng đào tạo nghề?

Trường hợp nào ký hợp đồng đào tạo nghề? (Ảnh minh họa)

Căn cứ nội dung tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

“1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.”

Như vậy, hợp đồng đào tạo nghề được ký kết trong các trường hợp mà người lao động được đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước/nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động (có bao gồm cả kinh phí đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động).

3. Nội dung hợp đồng đào tạo nghề

Hợp đồng đào tạo nghề (Ảnh minh họa)

Căn cứ nội dung tại khoản 2 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nội dung hợp đồng đào tạo bao gồm những mục sau:

- Nghề đào tạo: Theo đó, hai bên phải thỏa thuận rõ là đào tạo nghề gì, nâng cao trình độ gì, nâng cao kỹ năng nghề gì.

- Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo.

- Thời hạn người lao động cam kết làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo. Thời hạn này hoàn toàn do 02 bên tự thỏa thuận.

- Chi phí đào tạo bao gồm chi phí cho việc đào tạo và những khoản mà doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong thời gian đi học.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật Lao động 2019 có quy định chi phí đào tạo bao gồm những khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, trường, lớp, máy, thiết bị, tài liệu học tập, vật liệu thực hành và những khoản chi phí khác hỗ trợ cho người học cùng với khoản tiền lương, tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian người này đi học.

Trong trường hợp người lao động mà được doanh nghiệp gửi đi đào tạo nghề tại nước ngoài thì tổng chi phí đào tạo còn gồm cả chi phí đi lại và chi phí sinh hoạt trong thời gian đi đào tạo.

- Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo theo thỏa thuận của hai bên.

- Trách nhiệm của người lao động có liên quan đến việc đào tạo nghề.

4. Trách nhiệm bồi hoàn chi phí đào tạo nghề

4.1 Các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo nghề

Căn cứ quy định hiện hành thì người lao động phải bồi thường chi phí đào tạo nếu thuộc vào một các trường hợp sau:

- Người lao động vi phạm nghĩa vụ làm việc có thời hạn (khoản 2 Điều 61 Luật Giáo dục nghề nghiệp 74/2014/QH13);

- Người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (khoản 3 Điều 40 Bộ luật lao động 2019);

- Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động đáp ứng các điều kiện theo luật định tuy nhiên thuộc trường hợp bồi hoàn theo thỏa thuận tại hợp đồng đào tạo nghề, thì người lao động vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn chi phí này cho người sử dụng lao động (khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động 2019).

4.2 Các loại chi phí đào tạo nghề

Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động 2019, chi phí đào tạo nghề mà người lao động có trách nhiệm phải bồi hoàn khi vi phạm hợp đồng đào tạo hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật bao gồm:

  • Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, trường, lớp, máy, thiết bị, tài liệu học tập, vật liệu thực hành

  • Những khoản chi phí khác hỗ trợ cho người học cùng với khoản tiền lương, tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian người này đi học.

Trong trường hợp người lao động mà được doanh nghiệp gửi đi đào tạo nghề tại nước ngoài thì tổng chi phí đào tạo còn gồm cả chi phí đi lại và chi phí sinh hoạt trong thời gian đi đào tạo.

Trên đây là thông tin về việc trường hợp nào ký hợp đồng đào tạo nghề?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục