Quyết định 1315/QĐ-BGTVT Văn kiện hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế

thuộc tính Quyết định 1315/QĐ-BGTVT

Quyết định 1315/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Hợp phần B - Chương trình Aus4Transport
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tải
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:1315/QĐ-BGTVT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Ngọc Đông
Ngày ban hành:16/07/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giao thông, Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp

TÓM TẮT VĂN BẢN

Phê duyệt Dự án HTKT Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế

Ngày 16/7/2021, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 1315/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Hợp phần B - Chương trình Aus4Transport.

Cụ thể, dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về rừng do Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quản chủ quản, được tài trợ bởi Chính phủ Ốt-xtrây-li-a thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại. Dự án được thực hiện trong vòng 04 tháng từ tháng 07/2021-11/2021 tại khu vực Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Bên cạnh đó, mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Dự án thông qua bổ sung vào thiết kế kỹ thuật Dự án và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của ADB và quy định của Chính phủ; giảm thiểu rủi ro môi trường liên quan đến Dự án; nâng cao năng lực Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh có dự án đi qua trong công tác thiết kế và thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế các dự án đầu tư đường bộ trong tương lai.

Tổng kinh phí của Dự án là 66.000 USD (tương đương 90.000AUD và 1.509,860 triệu đồng) không bao gồm thuế VAT, để chi trả thù lao cho công ty tư vấn và các chi phí liên quan khác. Ban Quản lý Dự án 2 có trách nhiệm phối hợp với Nhà tài trợ, Tư vấn PMC giám sát tiến độ và chất lượng, khai thác và sử dụng có hiệu quả đầu ta của Dự án hỗ trợ kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của Nhà tài trợ và quy định của pháp luật Việt Nam;…

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định1315/QĐ-BGTVT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

________

Số: 1315/QĐ-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

                                                        

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Hợp phần B - Chương trình Aus4Transport

_______________

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

 

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/05/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 07/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a (gọi tắt là Chương trình Aus4Transport);

Căn cứ Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Ốt-xtrây-li-a tài trợ;

Căn cứ Thỏa thuận bổ sung giữa Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Chính phủ Việt Nam về chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành giao thông vận tải ký ngày 09/02/2018;

Căn cứ Quyết định số 2130/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt đầu tư Chương trình Aus4Transport;

Căn cứ các Quyết định số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 và số 1630/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt Dự án đầu tư Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB và Chính phủ Úc tài trợ;

Xét đề nghị của Ban QLDA2 tại Tờ trình số 159/TTr-BQLDA2-PID5 ngày 21/6/2021 và văn bản số 895/BQLDA2-PID5 ngày 15/6/2021 về việc xin phê duyệt Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về rừng Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc Hợp phần B - Chương trình Aus4Transport;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 741/KHĐT ngày 12/7/2021.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế và Chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng (gọi tắt Dự án HTKT), Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (gọi tắt là Dự án) thuộc Hợp phần B “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a” (kèm theo Văn kiện dự án) với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án HTKT: Lập kế hoạch trồng rừng thay thế và chiến dịch nâng cao nhận thức về rừng (Northern Mountain Provinces Transport Connectivity Project - Preparation of Replacement Afforestation Plan - Public Awareness Campaign on Forest Protection).

2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án:

- Cơ quan chủ quản: Bộ Giao thông vận tải.

- Đơn vị đề xuất/chủ dự án: Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA2).

3. Nhà tài trợ: Chính phủ Ốt-xtrây-li-a, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT)

4. Thời gian thực hiện dự án: 04 tháng, từ tháng 07/2021 - 11/2021.

5. Địa điểm thực hiện dự án: Tại khu vực Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

6. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án:

6.1. Mục tiêu của dự án:

- Mục tiêu chung: Mục tiêu chiến lược của Hoạt động là hỗ trợ Bộ GTVT hoàn thiện và phê duyệt thiết kế kỹ thuật (TKKT) Dự án, nhằm thực hiện Dự án để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, đảm bảo vấn đề tác động môi trường và tính bền vững từ bước lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

- Mục tiêu cụ thể: Hoạt động này nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Dự án thông qua (i) Bổ sung vào TKKT Dự án và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của ADB và quy định của Chính phủ; (ii) Giảm thiểu rủi ro môi trường liên quan đến Dự án; (iii) Nâng cao năng lực Bộ GTVT và các tỉnh có dự án đi qua trong công tác thiết kế và thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế các dự án đầu tư đường bộ trong tương lai.

6.2. Sản phẩm, kết quả chủ yếu của dự án: Sản phẩm đầu ra của hoạt động đề xuất bao gồm:

- Ba (03) Kế hoạch trồng rừng thay thế tại 03 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt;

- Cập nhật các hợp phần liên quan đến rừng của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2018;

- Hỗ trợ cập nhật các kế hoạch môi trường liên quan của TKKT như: Kế hoạch quản lý môi trường (EMP); Kế hoạch quản lý môi trường nhà thầu (CEMPs), Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (EMDP);

- Tham gia/tham vấn với các bên liên quan của Dự án ở cấp trung ương, địa phương và cộng đồng;

- Lập song song với kế hoạch trồng rừng thay thế về Chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng được thực hiện trước khi bắt đầu giai đoạn xây dựng Dự án.

7. Tổng kinh phí và nguồn vốn của dự án:

- Tổng kinh phí dự án là 66.000USD (Sáu mươi sáu nghìn đô la Mỹ) tương đương 90.000AUD với tỷ giá AUD/USD=0,73; (tương đương 1.509,860 triệu đồng), không bao gồm thuế VAT, để chi trả thù lao cho công ty tư vấn và các chi phí liên quan khác. Kinh phí này được giải ngân trực tiếp từ Nhà tài trợ không thông qua ngân sách nhà nước.

- Để thực hiện Dự án, Ban QLDA2 có trách nhiệm bố trí nhân sự đối tác phối hợp với Tư vấn quản lý Chương trình Aus4Transport (Tư vấn PMC) thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án; Công ty tư vấn được Tư vấn PMC tuyển dụng, quản lý và trả thù lao. Công tác triển khai và kết quả đầu ra của Tư vấn sẽ chịu sự giám sát và đánh giá của Tư vấn PMC, có tham vấn ý kiến của Ban QLDA2.

8. Cơ chế tài chính, hình thức tổ chức quản lý dự án, giải ngân vốn ODA theo Quyết định số 2130/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc phê duyệt đầu tư Chương trình Aus4Transport.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Ban QLDA2 có trách nhiệm:

- Căn cứ vào nội dung Văn kiện dự án, thống nhất với Tư vấn PMC về đề cương nhiệm vụ tư vấn làm cơ sở thực hiện.

- Phối hợp với Nhà tài trợ, Tư vấn PMC giám sát tiến độ và chất lượng, khai thác và sử dụng có hiệu quả đầu ra của Dự án HTKT theo đúng hướng dẫn của Nhà tài trợ và quy định của pháp luật của Việt Nam.

- Có trách nhiệm phối hợp với Vụ Môi trường và các đơn vị liên quan để triển khai Dự án HTKT đạt mục tiêu và hiệu quả đề ra.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

2. Vụ Môi trường có trách nhiệm hỗ trợ Ban QLDA2, Tư vấn PMC trong quá trình thực hiện và sử dụng sản phẩm đầu ra của Dự án HTKT.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Ban QLDA2 và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Bộ trưởng (để b/cáo);

- ĐSQ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam;

- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Ngoại giao;

- Tư vấn quản lý Chương trình Aus4Transport;

- Lưu VT, KHĐT (3 bản)HaiNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Nguyễn Ngọc Đông

 

 

VĂN KIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA KHÔNG HOÀN LẠI

 Thuộc hợp phần B “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017- 2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtray-lia”
(Kèm theo Quyết định số 1315/QĐ-BGTVT ngày 16/7/2021 của Bộ GTVT)

 

I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án: Lập kế hoạch trồng rừng thay thế và Chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng (gọi tắt là Dự án HTKT), Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc. (Northern Mountain Provinces Transport Connectivity Project - Preparation of Replacement Afforestation Plan - Public Awareness Campaign on Forest Protection) (gọi tắt là Dự án)

2. Cơ quan chủ quản, đơn vị đề xuất và chủ dự án:

- Cơ quan chủ quản: Bộ Giao thông vận tải

Địa chỉ: 80 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội

Điện thoại: (84-24) 39424531               Fax: (84-24) 39423291/39422386

- Đơn vị đề xuất và dự kiến là chủ dự án: Ban Quản lý dự án 2

Địa chỉ: số 18 Phạm Hùng, phường Mai Dịch, Q. Cầu Giấy, Tp. Hà Nội.

Điện thoại: (84-24) 37680063 Fax: (84-24) 376 800 73

3. Nhà tài trợ: Chính phủ Ốt-xtray-lia, thông qua Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT)

4. Thời gian kinh phí dự kiến thực hiện dự án:

- Dự án dự kiến thực hiện trong 04 tháng, bắt đầu vào tháng 07/2021 và hoàn thành vào tháng 11/2021.

- Kinh phí thực hiện dự kiến: sử dụng viện trợ không hoàn lại (ODA) của Chính phủ Ốt-xtray-lia trong khuôn khổ Hợp phần B “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 (Aus4Transport)”.

5. Địa điểm thực hiện dự án: Tại khu vực Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc thuộc địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

II. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN

2.1. Sự phù hợp và các đóng góp của dự án vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, quy hoạch phát triển ngành, vùng và địa phương.

- Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 01/8/2018, Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 và Quyết định số 1630/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2019 với nội dung cơ bản như sau.

- Mục tiêu dự án: Dự án nhằm xây dựng hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giúp hoàn chỉnh thêm mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng kết nối khu vực, đảm bảo giao thông trong trường hợp mưa lũ xảy ra cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc thực hiện dự án sẽ phát huy được hiệu quả tối đa của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đồng thời kích thích tăng trưởng kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và công nghiệp trong khu vực nơi có mạng lưới giao thông đi qua.

- Quy mô đầu tư: Cải tạo nâng cấp 02 đoạn tuyến quốc lộ và tỉnh lộ với tổng chiều dài khoảng 199,33km gồm (i) Tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài -Lào Cai dài 146,6 km, đi trùng với đường cũ QL279, QL32 và ĐT136, qua địa bàn các tỉnh Lào Cai và Lai Châu, quy mô đường cấp III miền núi. (ii) Tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài -Lào Cai dài 52,73 km, chủ yếu đi trùng với ĐT175 qua địa bàn tỉnh Yên Bái (các huyện Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ), quy mô đường cấp IV miền núi.

- Nguồn vốn đầu tư: Dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho công tác xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm toán; Viện trợ không hoàn lại (KHL) của Chính phủ Ốt-xtray-lia thông qua Chương trình Aus4Transport cho công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán và lập hồ sơ mời thầu và vốn đối ứng từ Ngân sách nhà nước (NSNN) cho công tác GPMB, quản lý dự án...

- Bộ GTVT là chủ quản đầu tư và chủ đầu tư, Ban QLDA2 là đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án.

- Dự án được triển khai sẽ đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc nói chung, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành GTVT nói riêng. Dự án HTKT đề xuất việc thực hiện nhiệm vụ thiết kế, lập và phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế và cập nhật báo cáo tác động môi trường, tác động về rừng, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng. Nhiệm vụ này được thực hiện trước hoặc bắt đầu giai đoạn xây dựng (khởi công) Dự án. Dự án HTKT triển khai sẽ bổ sung cho thiết kế kỹ thuật (TKKT) của dự án, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ ADB cũng như các quy định của Việt Nam.

2.2. Mối quan hệ với các chương trình, dự án khác nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của chương trình, dự án:

Tác động môi trường của Dự án được xếp loại A theo Chính sách An toàn của ADB (SPS-2009). Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được lập và công bố trên trang web của ADB tại https://www.adb.org/sites/default/files/linked-documents/50098-002-eiaab.pdf, vào tháng 9/2018. Theo ĐTM năm 2018, Kế hoạch trồng rừng thay thế phải được lập và trình Sở NN&PTNT (DARD) thẩm định và UBND Tỉnh phê duyệt như một phần của TKKT đang được Tư vấn TKKT lập trong khuôn khổ tài trợ của Aus4Transport.

Kế hoạch trồng rừng thay thế (RAP) lẽ ra là một phần việc của báo cáo ĐTM cập nhật, do tư vấn TKKT thực hiện. Tuy nhiên, đề cương nhiệm vụ (TOR) tư vấn TKKT được ADB, Bộ GTVT và Tư vấn PMC thông qua, không yêu cầu tư vấn TKKT lập RAP. Hoạt động đề xuất thuộc Hợp phần B này sẽ: (i) khắc phục thiếu sót của các bên khi phát hành TOR dịch vụ tư vấn TKKT và (ii) đảm bảo nguồn vốn lập RAP lẽ ra được cấp thông qua bổ sung hợp đồng cho tư vấn TKKT nhưng không khả thi do vượt trần gói thầu tư vấn TKKT.

Việc mở rộng và xây dựng các đoạn đường mới sẽ xâm phạm tới các khu rừng khác nhau gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Tác động thực tế chưa thể xác định được cho đến khi hướng tuyến cuối cùng và khổ đường được xác nhận bởi TKKT do Bộ GTVT phê duyệt.

Theo Luật Lâm nghiệp (2017) và Thông tư 13/2019/TT-BNNPTNT&PTNT ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tác động của Dự án đối với nguồn tài nguyên rừng phải được đền bù toàn bộ. Theo Thông tư này, việc chuyển đổi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chỉ có thể thực hiện được khi kế hoạch thay thế rừng đã được lập và UBND tỉnh phê duyệt. Dự án dự tính sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên rừng tại nhiều tỉnh nên phải lập các kế hoạch thay thế rừng riêng và phải được thực hiện tại 03 tỉnh bị ảnh hưởng là Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái.

Để đáp ứng các mục tiêu toàn diện của Chương trình Aus4Transport cũng như yêu cầu của ADB và Chính phủ Việt Nam, việc chuẩn bị và thực hiện RAP cần được cấp vốn và hoàn thành kịp thời, với cơ chế tổ chức thực hiện được thống nhất giữa ADB, Bộ GTVT, DFAT, Tư vấn Quản lý chương trình Aus4Transport (Tư vấn PMC) và các địa phương.

2.3. Sự cần thiết của Dự án và nhu cầu HTKT bằng viện trợ KHL từ Chương trình Aus4Transport:

Hiện nay, công tác TKKT Dự án sử dụng viện trợ KHL từ Chương trình Aus4Transport đang được triển khai khẩn trương, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào ngày 15/8/2021. Hiện nay tiến độ TKKT các gói thầu như sau: Đã phê duyệt Hồ sơ TKKT được 02/11 gói thầu ưu tiên khởi công (XL08, XL09), công tác đấu thầu xây lắp các gói thầu ưu tiên sẽ bắt đầu từ quý III/2021 (Gói thầu XL08, XL09), ký hợp đồng và dự kiến huy động nhà thầu sớm nhất vào đầu quý IV/2021. Các gói thầu còn lại dự kiến phê duyệt Hồ sơ TKKT kết thúc trong tháng 08/2021, hoàn thành các thủ tục đấu thầu và khởi công vào cuối quý IV/2021. Nhiệm vụ Lập và phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế và cập nhật báo cáo tác động môi trường, tác động về rừng cần phải được tiến hành theo tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở cam kết tại Hiệp định vay ADB và các quy định của Việt Nam. Vì vậy nhiệm vụ Lập và phê duyệt kế hoạch trồng rừng thay thế và cập nhật báo cáo tác động môi trường, tác động về rừng là cần thiết và phải bắt đầu ngay trên cơ sở các thông tin liên quan ban đầu có được từ TKKT đang triển khai.

Trong quá trình phối hợp quản lý gói thầu tư vấn TKKT, Ban QLDA2 đã làm việc thống nhất với Tư vấn PMC về nội dung và tài liệu văn kiện dự án HTKT để trình DFAT và Bộ GTVT chấp thuận cho sử dụng vốn từ Chương trình Aus4Transport.

III. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI

Các căn cứ đề xuất:

Căn cứ Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 07/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a;

Căn cứ Quyết định số 949/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do ADB và Chính phủ Úc tài trợ;

Căn cứ thỏa thuận bổ sung giữa Chính phủ Ốt-xtray-li-a và Chính phủ Việt Nam về chương trình hỗ trợ ngành giao thông vận tải ký ngày 09/2/2018 và Biên bản ghi nhớ ký ngày 08/4/2020;

Căn cứ Quyết định số 2130/QĐ-BGTVT ngày 20/7/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt đầu tư Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành GTVT giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a;

Căn cứ Quyết định số 2034/QĐ-BGTVT ngày 17/9/2018 và số 1630/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Dự án đầu tư Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ.

IV. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

4.1. Mục tiêu chung:

Mục tiêu chiến lược của Hoạt động là hỗ trợ Bộ GTVT hoàn thiện và phê duyệt thiết kế kỹ thuật (TKKT) Dự án, nhằm thực hiện Dự án để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng thời, đảm bảo vấn đề tác động môi trường và tính bền vững từ bước lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện các dự án hạ tầng giao thông.

4.2. Mục tiêu cụ thể:

Hoạt động này nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Dự án thông qua (i) Bổ sung vào TKKT Dự án và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của ADB quy định của Chính phủ; (ii) Giảm thiểu rủi ro môi trường liên quan đến Dự án; (iii) Nâng cao năng lực Bộ GTVT và các tỉnh có dự án đi qua trong công tác thiết kế và thực hiện RAP các dự án đầu tư đường bộ trong tương lai.

4.3. Kết quả đầu ra của dự án:

Sản phẩm đầu ra của dự án là:

- Ba (03) Kế hoạch trồng rừng thay thế tại 03 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt;

- Cập nhật các hợp phần liên quan đến rừng của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2018;

- Hỗ trợ cập nhật các kế hoạch môi trường liên quan của TKKT như: Kế hoạch quản lý môi trường (EMP); Kế hoạch quản lý môi trường nhà thầu (CEMPs), Kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số (EMDP);

- Tham gia/tham vấn với các bên liên quan của Dự án ở cấp trung ương, địa phương và cộng đồng;

- Lập song song với kế hoạch trồng rừng thay thế về Chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng được thực hiện trước hoặc bắt đầu giai đoạn xây dựng của Dự án.

V. MÔ TDỰ ÁN

Hoạt động sẽ được triển khai thực hiện bởi một Công ty tư vấn trong nước.

Công ty tư vấn trong nước với yêu cầu nhân sự gồm: (i) Tư vấn trưởng/Chuyên gia về rừng hoặc quản lý môi trường (4 tháng công), (ii) 06 kỹ sư lâm nghiệp (15 tháng công) và (ii) 06 công nhân khảo sát rừng (12 tháng công).

Công ty tư vấn thực hiện một số nhiệm vụ chính như sau (i) Hỗ trợ Ban QLDA2 xem xét và cập nhật ĐTM về các vấn đề liên quan đến rừng thông qua cung cấp đầu vào cho TKKT để tránh hoặc giảm thiểu các tác động có thể xảy ra đối với tài sản rừng trong khu vực Dự án; (ii) Lập Kế hoạch trồng rừng thay thế cho 03 tỉnh bị ảnh hưởng của Dự án là Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái, và hỗ trợ quá trình UBND phê duyệt các Kế hoạch trồng rừng thay thế này. (iii) Hỗ trợ cập nhật các kế hoạch Môi trường liên quan đến TKKT như EMP, CEMP, EMDP tham gia/ tham vấn các bên liên quan ở cấp quốc gia, địa phương và cộng đồng, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội; và (iv) xây dựng và thực hiện một chiến dịch vận động về tầm quan trọng của việc giải quyết các tác động đến rừng trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm vào các Sở GTVT, cộng đồng địa phương, đặc biệt chú ý đến người dân tộc thiểu số sống dọc khu vực dự án, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội liên quan (NGO, CBO), với sự tham gia của các Cục, Vụ thuộc Bộ GTVT PMU2.

Công ty Tư vấn được Tư vấn PMC tuyển dụng, quản lý và trả thù lao. Công tác triển khai và kết quả đầu ra của Tư vấn sẽ chịu sự giám sát và đánh giá của Tư vấn PMC, tham vấn ý kiến của Ban QLDA2.

VI. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG

Đơn vị thụ hưởng chính của dự án HTKT là Bộ GTVT, Ban QLDA2, các tỉnh thuộc phạm vi dự án, cụ thể:

- Đối tượng thụ hưởng trực tiếp: Bộ GTVT Ban QLDA2 có nguồn tài trợ (về tài chính và kỹ thuật) cho công tác lập và phê duyệt kế hoạch (phương án) trồng rừng thay thế và cập nhật báo cáo tác động môi trường, tác động về rừng, chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng nhằm đáp ứng yêu cầu đã thống nhất trong Hiệp định vay ADB và yêu cầu của địa phương trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.

- Đối tượng thụ hưởng gián tiếp: Người sử dụng đường và người dân các tỉnh trên địa bàn dự án đầu tư Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, nhà thầu xây lắp,...

VII. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

Dự án HTKT này có quy mô nhỏ, chủ yếu là dịch vụ tư vấn và được triển khai trong thời gian ngắn (4 tháng) bắt đầu khoảng tháng 7/2021. Ban QLDA2 sẽ phối hợp với Tư vấn quản lý Chương trình Aus4Transport lập kế hoạch triển khai tuân thủ trình tự thủ tục của Chương trình cũng như quy định của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý sử dụng ODA, cụ thể như sau:

Lập văn kiện dự án HTKT theo mẫu của Chương trình và Nghị định 56/2020/NĐ-CP

Tháng 6/2021

Hoàn thiện văn kiện dự án HTKT trình Bộ GTVT phê duyệt

Tháng 7/2021

Phối hợp Tư vấn quản lý Chương trình tuyển chọn các tư vấn cá nhân

Tháng 7/2021

Tư vấn triển khai hoàn thành dự án HTKT

Tháng 7 - 11/2021

Giám sát đánh giá dự án:

Theo quy định của Chương trình, Tư vấn quản lý Chương trình sẽ chủ trì, phối hợp với Ban QLDA2 thực hiện công tác giám sát đánh giá trên cơ sở Khung theo dõi đánh giá đã được xác định chi tiết ngay trong văn kiện dự án theo quy định của Chương trình và đáp ứng quy định của Việt Nam, cụ thể là:

Thành công sẽ như thế nào?

Chúng ta sẽ thấy được gì?

Kết quả sẽ được đo đếm bằng cách nào?

Ai sẽ đo đếm và báo cáo?

Các KH trồng rừng thay thế, bao gồm cả ước tính kinh phí, tổ chức thực hiện, theo dõi đánh giá được phê duyệt để thực hiện

• UBND các tỉnh phê duyệt các KH trồng rừng thay thế.

• Bộ GTVT phê duyệt TKKT và chi phí trồng rừng thay thế.

• Thông qua các cuộc họp với các bên liên quan và khẳng định việc phê duyệt của các UBND và Bộ GTVT.

PMU2 và

Aus4Transport

Các tác động liên quan đến rừng trong Báo cáo ĐTM được Bộ Tài nguyên Môi trường/ADB chấp thuận.

• PMU2 cung cấp văn bản chấp thuận.

• Thông qua các cuộc họp với các bên liên quan và PMU2 khẳng định sự chấp thuận.

• Aus4Transprt

Các KH trồng rừng thay thế được lập phù hợp với sự tham gia tích cực của PMU2/Sở NN&PTNT các tỉnh.

• Các biên bản cuộc họp, số lượng hội thảo/cuộc họp và kế hoạch hành động.

• Danh sách dự họp/hội thảo, các kế hoạch hành động,...

• Biên bản làm việc ghi nhận các quyết định giữa PMU2 và Sở NN&PTNT các tỉnh

• PMU2 và Aus4Transprt

Các KH được trình nộp đúng hạn, không làm chậm việc chấp thuận hợp đồng các gói thầu xây lắp.

• Tiêu chí về sự sẵn sàng.

• Thời gian trình nộp thực tế so với chấp thuận hợp đồng.

• PMU2 và

Aus4Transprt

Thiết kế chiến dịch nâng cao nhận thức được PMC chấp thuận

• PMC và PMU2 chấp thuận chiến dịch nâng cao nhận thức

• Thông qua các cuộc họp với các bên liên quan và PMC/PMU2 khẳng định sự chấp thuận

• Aus4Transport

Triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức không muộn hơn thời điểm chấp thuận các hợp đồng xây lắp

• Nếu sản phẩm trình nộp dường như bị chậm bởi bất kỳ bên tham gia nào

• Thời gian trình nộp thực tế so với chấp thuận hợp đồng

• PMU2 và Aus4Transport

 

VIII. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN

8.1. Hình thức tổ chức quản lý thực hiện và cơ chế phối hợp:

Cơ chế làm việc và quan hệ giữa các cơ quan để quản lý thực hiện dự án phù hợp với quy định của Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn ODA và quy định cụ thể của Chương trình Aus4Transport sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc. Hình thức quản lý dự án cụ thể là:

- Bộ GTVT là cơ quan chủ quản.

- Ban QLDA2 là cơ quan đề xuất, chủ dự án và cơ quan triển khai dự án, có trách nhiệm phối hợp với Tư vấn quản lý Chương trình trong việc tổ chức các cuộc họp và tham vấn; hỗ trợ tư vấn làm việc với các cơ quan chức năng cấp tỉnh, huyện và xã liên quan.

- Tư vấn PMC có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban QLDA2 tuyển chọn và ký hợp đồng với các tổ chức tư vấn, quản lý việc triển khai thực hiện của các tổ chức tư vấn này nhằm đảm bảo trình nộp sản phẩm đầu ra đúng tiến độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu của đề cương nhiệm vụ đã được xác định trong văn kiện dự án HTKT (theo mẫu của Chương trình Aus4Transport).

8.2. Năng lực của Ban QLDA 2 trong quản lý thực hiện dự án:

Ban QLDA2 được thành lập tại Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 31/5/2017 trên cơ sở sát nhập Ban QLDA2 và Ban QLDA An toàn giao thông. Ban QLDA2 có bề dày kinh nghiệm liên tục từ trước năm 2000 đến nay trong việc quản lý nhiều dự án ODA quy mô lớn, nhiều dự án HTKT chuẩn bị dự án bằng nguồn vốn vay hoặc vốn viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ đa phương và song phương. Ban QLDA2 hiện đang phối hợp quản lý Chương trình Aus4Transport với Tư vấn PMC theo Quyết định phê duyệt văn kiện Chương trình số 2130/QĐ-BGTVT ngày 20/07/2017 của Bộ GTVT và đang là đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án sử dụng vốn vay ADB và viện trợ không hoàn lại từ Chương trình Aus4Transport nên Ban QLDA2 có đầy đủ năng lực và phù hợp trong vai trò chủ dự án và cơ quan thực hiện Dự án HTKT.

IX. TỔNG VỐN DỰ ÁN

Vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 66,000USD (Sáu mươi sáu nghìn đô la Mỹ) tương đương 1.509,860 triệu đồng, (tương đương khoảng 90.000AUD với tỷ giá AUD/USD=0,73); không bao gồm thuế VAT, để chi trả thù lao cho các tư vấn cá nhân, chi phí các cuộc họp tư vấn và hội thảo.

Vốn đối ứng: Chính phủ không bố trí vốn từ NSNN cho Chương trình Aus4Transpot. Để thực hiện dự án, Ban QLDA2 có trách nhiệm bố trí nhân sự đối tác phối hợp với Tư vấn PMC thực hiện trong toàn bộ quá trình chuẩn bị và triển khai dự án, bố trí phòng làm việc, nhân sự cùng các điều kiện thiết yếu đi kèm, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị Tư vấn làm việc với các cơ quan liên quan và địa phương trong suốt quá trình triển khai dự án.

X. ĐIỀU KIỆN RÀNG BUỘC VỀ SỬ DỤNG VỐN ODA CỦA NHÀ TÀI TRỢ NƯỚC NGOÀI

Đây là khoản viện trợ không hoàn lại không có ràng buộc.

XI. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI DỰ ÁN

Nguồn vốn sử dụng để thực hiện dự án HTKT này là nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a thông qua Chương trình Aus4Transport, được quản lý thực hiện theo quy định của Chương trình và phù hợp với Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 07/6/2017, nguồn vốn này được cấp phát cho Bộ GTVT.

Theo quy định của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a, Nhà tài trợ cấp viện trợ không hoàn lại, trực tiếp tổ chức lựa chọn Tư vấn, giải ngân qua dự án, không giải ngân qua ngân sách nhà nước.

XII. CÁC HOẠT ĐỘNG THỰC HIỆN TRƯỚC

Ban QLDA2 cử cán bộ phù hợp để phối hợp với Tư vấn PMC lập văn kiện dự án HTKT theo quy định của Chương trình và phù hợp Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ đệ trình Bộ GTVT phê duyệt./.

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất