Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia với trường mầm non

thuộc tính Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT

Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non
Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:19/2018/TT-BGDĐT
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Nguyễn Thị Nghĩa
Ngày ban hành:22/08/2018
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

TÓM TẮT VĂN BẢN

Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non mức 4: Có phòng tư vấn tâm lý

Đây là một trong những nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non ngày 22/08/2018.

Theo đó, trường mầm non được công nhận chuẩn quốc gia theo các mức độ từ 1 đến 4. Để đạt mức 4, trường mầm non phải đảm bảo đạt mức 3 và các quy định sau:

- Ít nhất 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá, trong đó ít nhất 40% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; đối với trường thuộc vùng khó khăn có ít nhất 80% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 30% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt;

- 100% các công trình của nhà trường được xây dựng kiên cố, có phòng tư vấn tâm lý. Có khu vực dành riêng để phát triển vận động cho trẻ, trong đó tổ chức được hai môn thể thao phù hợp với trẻ ở lứa tuổi mầm non;

- Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, nhà trường có 02 năm đạt kết quả giáo dục và các hoạt động khác vượt trội so với các trường có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, được các cấp có thẩm quyền và cộng đồng ghi nhận…

Thông tư này có hiệu lực từ 10/10/2018.

Xem chi tiết Thông tư19/2018/TT-BGDĐT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

Số: 19/2018/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2018

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ CÔNG NHẬN ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA ĐỐI VỚI TRƯỜNG MẦM NON

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2018.
Thông tư này thay thế Thông tư số 25/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo TƯ;
- UBVHGDTNTNNĐ của QH;
- Cục KTrVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục QLCL, Vụ GDMN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

QUY ĐỊNH

VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VÀ CÔNG NHẬN ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA ĐỐI VỚI TRƯỜNG MẦM NON
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non; quy trình đánh giá trường mầm non; công nhận và cấp chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; công nhận và cấp bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
2. Văn bản này áp dụng đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ (sau đây gọi chung là trường mầm non) trong hệ thống giáo dục quốc dân; tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chất lượng giáo dục trường mầm non là sự đáp ứng mục tiêu của trường mầm non, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
2. Tự đánh giá là quá trình trường mầm non dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tự xem xét, đánh giá thực trạng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; cơ sở vật chất, các vấn đề liên quan khác của nhà trường để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non.
3. Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường mầm non để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non là các yêu cầu đối với trường mầm non nhằm đảm bảo chất lượng các hoạt động. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của trường mầm non; trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí. Tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non có 4 mức (từ Mức 1 đến Mức 4) với yêu cầu tăng dần.
Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao.
5. Tiêu chí đánh giá trường mầm non là yêu cầu đối với trường mầm non trong một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí có các chỉ báo.
6. Chỉ báo đánh giá trường mầm non là yêu cầu đối với trường mầm non trong một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chí.
Điều 3. Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non
1. Kiểm định chất lượng giáo dục nhằm xác định trường mầm non đạt mức đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn; lập kế hoạch cải tiến chất lượng, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường; thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng của trường mầm non; để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định Chất lượng giáo dục.
2. Công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường mầm non không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Điều 4. Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non
Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non được thực hiện theo các bước:
1. Tự đánh giá.
2. Đánh giá ngoài.
3. Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Điều 5. Chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục và thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non
1. Chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục và thời hạn công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non là 05 năm.
2. Trường mầm non được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Quy định này, sau ít nhất 02 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp độ cao hơn.
3. Trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 sau ít nhất 02 năm kể từ ngày được công nhận, được đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.
Điều 6. Các mức đánh giá trường mầm non
1. Trường mầm non được đánh giá theo các mức sau:
a) Mức 1: Đáp ứng quy định tại Mục 1 Chương II của Quy định này;
b) Mức 2: Đáp ứng quy định tại Mục 2 Chương II của Quy định này;
c) Mức 3: Đáp ứng quy định tại Mục 3 Chương II của Quy định này;
d) Mức 4: Đáp ứng quy định tại Mục 4 Chương II của Quy định này.
2. Tiêu chí đánh giá trường mầm non được công nhận đạt khi tất cả các chỉ báo trong tiêu chí đạt yêu cầu. Chỉ báo được công nhận đạt khi tất cả các nội hàm của chỉ báo đạt yêu cầu.
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON
Mục 1. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON MỨC 1
Điều 7. Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
1. Tiêu chí 1.1: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường
a) Phù hợp với mục tiêu giáo dục mầm non được quy định tại Luật giáo dục, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn và các nguồn lực của nhà trường;
b) Được xác định bằng văn bản và cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Được công bố công khai bằng hình thức niêm yết tại nhà trường hoặc đăng tải trên trang thông tin điện tử của nhà trường (nếu có) hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, trang thông tin điện tử của phòng giáo dục và đào tạo.
2. Tiêu chí 1.2: Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các hội đồng khác
a) Được thành lập theo quy định;
b) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định;
c) Các hoạt động được định kỳ rà soát, đánh giá.
3. Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường
a) Các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường có cơ cấu tổ chức theo quy định;
b) Hoạt động theo quy định;
c) Hằng năm, các hoạt động được rà soát, đánh giá.
4. Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng
a) Có hiệu trưởng, số lượng phó hiệu trưởng theo quy định;
b) Tổ chuyên môn và tổ văn phòng có cơ cấu tổ chức theo quy định;
c) Tổ chuyên môn, tổ văn phòng có kế hoạch hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
5. Tiêu chí 1.5: Tổ chức nhóm trẻ và lớp mẫu giáo
a) Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được phân chia theo độ tuổi; trong trường hợp số lượng trẻ trong mỗi nhóm, lớp không đủ 50% so với số trẻ tối đa quy định tại Điều lệ trường mầm non thì được tổ chức thành nhóm trẻ ghép hoặc lớp mẫu giáo ghép;
b) Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tổ chức học 02 buổi trên ngày;
c) Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có không quá 02 (hai) trẻ cùng một dạng khuyết tật.
6. Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản
a) Hệ thống hồ sơ của nhà trường được lưu trữ theo quy định;
b) Lập dự toán, thực hiện thu chi, quyết toán, thống kê, báo cáo tài chính và tài sản; công khai và định kỳ tự kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định quy chế chi tiêu nội bộ được bổ sung, cập nhật phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành;
c) Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đúng mục đích và có hiệu quả để phục vụ các hoạt động giáo dục.
7. Tiêu chí 1.7: Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên
a) Có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên;
b) Phân công, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên rõ ràng, hợp lý, đảm bảo hiệu quả hoạt động của nhà trường;
c) Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đảm bảo các quyền theo quy định.
8. Tiêu chí 1.8: Quản lý các hoạt động giáo dục
a) Kế hoạch giáo dục phù hợp với quy định hiện hành, điều kiện thực tế địa phương và điều kiện của nhà trường;
b) Kế hoạch giáo dục được thực hiện đầy đủ;
c) Kế hoạch giáo dục được rà soát, đánh giá, điều chỉnh kịp thời.
9. Tiêu chí 1.9: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
a) Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy định, quy chế liên quan đến các hoạt động của nhà trường;
b) Các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (nếu có) thuộc thẩm quyền xử lý của nhà trường được giải quyết đúng pháp luật;
c) Hằng năm, có báo cáo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
10. Tiêu chí 1.10: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học
a) Có phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực trong nhà trường; những trường có tổ chức bếp ăn cho trẻ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
b) Có hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân; đảm bảo an toàn cho cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên và trẻ trong nhà trường;
c) Không có hiện tượng kỳ thị, hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong nhà trường.
Điều 8. Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
1. Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
a) Đạt tiêu chuẩn theo quy định;
b) Được đánh giá đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên;
c) Được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý giáo dục theo quy định.
2. Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên
a) Có đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quy định;
b) 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định;
nhayNgưng hiệu lực đối với Điểm b khoản 2 Điều 8 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT từ ngày 20/10/2021 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non theo quy định tại Khoản 8 Điều 1Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 29/2021/TT-BGDĐT.nhay
c) Có ít nhất 95% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên.
3. Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên
a) Có nhân viên hoặc giáo viên kiêm nhiệm để đảm nhiệm các nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công;
b) Được phân công công việc phù hợp, hợp lý theo năng lực;
c) Hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Điều 9. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
1. Tiêu chí 3.1: Diện tích, khuôn viên và sân vườn
a) Diện tích khu đất xây dựng hoặc diện tích sàn xây dựng bình quân tối thiểu cho một trẻ đảm bảo theo quy định;
b) Có cổng, biển tên trường, tường hoặc hàng rào bao quanh; khuôn viên đảm bảo vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện và an toàn cho trẻ;
c) Có sân chơi, hiên chơi, hành lang của nhóm, lớp; sân chơi chung; sân chơi - cây xanh bố trí phù hợp với điều kiện của nhà trường, an toàn, đảm bảo cho tất cả trẻ được sử dụng.
2. Tiêu chí 3.2: Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và khối phòng phục vụ học tập
a) Số phòng của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tương ứng với số nhóm lớp theo độ tuổi;
b) Có phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ (có thể dùng phòng sinh hoạt chung làm phòng ngủ đối với lớp mẫu giáo); có phòng để tổ chức hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tối thiểu hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;
c) Có hệ thống đèn, hệ thống quạt (ở nơi có điện); có tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.
3. Tiêu chí 3.3: Khối phòng hành chính - quản trị
a) Có các loại phòng theo quy định;
b) Có trang thiết bị tối thiểu tại các phòng;
c) Khu để xe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được bố trí hợp lý đảm bảo an toàn, trật tự.
4. Tiêu chí 3.4: Khối phòng tổ chức ăn
a) Bếp ăn được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố;
b) Kho thực phẩm được phân chia thành khu vực để các loại thực phẩm riêng biệt, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm;
c) Có tủ lạnh lưu mẫu thức ăn,
5. Tiêu chí 3.5: Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi
a) Có các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;
b) Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tự làm hoặc ngoài danh mục quy định phải đảm bảo tính giáo dục, an toàn, phù hợp với trẻ;
c) Hằng năm các thiết bị được kiểm kê, sửa chữa.
6. Tiêu chí 3.6: Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước
a) Phòng vệ sinh cho trẻ, khu vệ sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên đảm bảo không ô nhiễm môi trường; phòng vệ sinh đảm bảo sử dụng thuận lợi cho trẻ khuyết tật;
b) Có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường; hệ thống nước sạch đảm bảo nước uống và nước sinh hoạt cho giáo viên, nhân viên và trẻ;
c) Thu gom rác và xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 10. Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
1. Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ trẻ
a) Được thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh;
b) Có kế hoạch hoạt động theo năm học;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động đúng tiến độ.
2. Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường;
a) Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường;
b) Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục, về mục tiêu, nội dung và kế hoạch giáo dục của nhà trường;
c) Huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đúng quy định.
Điều 11. Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
1. Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non
a) Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo kế hoạch
b) Nhà trường phát triển Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phù hợp quy định về chuyên môn của cơ quan quản lý giáo dục, với điều kiện nhà trường;
c) Định kỳ rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và có điều chỉnh kịp thời, phù hợp.
2. Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ
a) Thực hiện linh hoạt các phương pháp, đảm bảo phù hợp với mục tiêu nội dung giáo dục, phù hợp với trẻ mầm non và điều kiện nhà trường;
b) Tổ chức môi trường giáo dục theo hướng tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm;
c) Tổ chức các hoạt động giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế.
3. Tiêu chí 5.3: Kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ
a) Nhà trường phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ;
b) 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng, đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định;
c) Ít nhất 80% trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì được can thiệp bằng những biện pháp phù hợp, tình trạng dinh dưỡng của trẻ cải thiện so với đầu năm học.
4. Tiêu chí 5.4: Kết quả giáo dục
a) Tỷ lệ chuyên cần đạt ít nhất 90% đối với trẻ 5 tuổi, 85% đối với trẻ dưới 5 tuổi; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 85% đối với trẻ 5 tuổi 80% đối với trẻ dưới 5 tuổi;
b) Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 85%; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 80%;
c) Trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được nhà trường quan tâm giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân.
Mục 2. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON MỨC 2
Trường mầm non đạt Mức 2 khi đảm bảo các quy định tại Mục 1 Chương này và các quy định sau:
Điều 12. Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
1. Tiêu chí 1.1: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường
Nhà trường có các giải pháp giám sát việc thực hiện phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển.
2. Tiêu chí 1.2: Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các hội đồng khác
Hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ của nhà trường.
3. Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường
a) Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ cấu tổ chức và hoạt động theo quy định; trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 01 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các năm còn lại hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
b) Các đoàn thể, tổ chức khác có đóng góp tích cực cho các hoạt động của nhà trường.
4. Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng
a) Hằng năm, tổ chuyên môn đề xuất và thực hiện được ít nhất 01 (một) chuyên đề chuyên môn có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục
b) Hoạt động của tổ chuyên môn và tổ văn phòng được định kỳ rà soát đánh giá, điều chỉnh.
5. Tiêu chí 1.5: Tổ chức nhóm trẻ và lớp mẫu giáo
Số trẻ trong các nhóm trẻ và lớp mẫu giáo không vượt quá quy định và được phân chia theo độ tuổi.
6. Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản
a) Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong công tác quản lý hành chính, tài chính và tài sản của nhà trường;
b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có vi phạm liên quan đến việc quản lý hành chính, tài chính và tài sản theo kết luận của thanh tra, kiểm toán.
7. Tiêu chí 1.7: Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên
Có biện pháp để phát huy được năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên trong việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
8. Tiêu chí 1.8: Quản lý các hoạt động giáo dục
Các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá của nhà trường đối với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, được cơ quan quản lý đánh giá đạt hiệu quả.
9. Tiêu chí 1.9. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
Các biện pháp và cơ chế giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
10. Tiêu chí 1.10: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học
a) Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ được phổ biến, hướng dẫn thực hiện phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy nổ; an toàn phòng, chống thảm họa thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực trong nhà trường;
b) Nhà trường thường xuyên kiểm tra, thu thập, đánh giá, xử lý các thông tin, biểu hiện liên quan đến bạo lực học đường, an ninh trật tự và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Điều 13. Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
1. Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
a) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 02 năm được đánh giá đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức khá trở lên;
b) Được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị theo quy định; được giáo viên, nhân viên trong trường tín nhiệm.
2. Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên
a) Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 55%; đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 40%; trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn trình độ đào tạo được duy trì ổn định và tăng dần theo lộ trình phù hợp;
nhayNgưng hiệu lực đối với Điểm a khoản 2 Điều 13 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT từ ngày 20/10/2021 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non theo quy định tại Khoản 8 Điều 1Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 29/2021/TT-BGDĐT.nhay
b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên, trong đó có ít nhất 60% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên và ít nhất 50% ở mức khá trở lên đối với trường thuộc vùng khó khăn;
c) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có giáo viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
3. Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên
a) Số lượng và cơ cấu nhân viên đảm bảo theo quy định;
b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có nhân viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Điều 14. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
1. Tiêu chí 3.1: Diện tích, khuôn viên và sân vườn
a) Diện tích xây dựng công trình và diện tích sân vườn đảm bảo theo quy định;
b) Khuôn viên có tường bao ngăn cách với bên ngoài; có sân chơi của nhóm, lớp; có nhiều cây xanh tạo bóng mát sân trường, thường xuyên được chăm sóc, cắt tỉa đẹp; có vườn cây dành riêng cho trẻ chăm sóc, bảo vệ và tạo cơ hội cho trẻ khám phá, học tập;
c) Khu vực trẻ chơi có đủ thiết bị và đồ chơi ngoài trời theo quy định; có rào chắn an toàn ngăn cách với ao, hồ (nếu có).
2. Tiêu chí 3.2: Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và khối phòng phục vụ học tập
a) Phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng giáo dục thể chất, phòng giáo dục nghệ thuật hoặc phòng đa chức năng đảm bảo đạt chuẩn theo quy định
b) Hệ thống tủ, kệ, giá đựng đồ chơi, đồ dùng, tài liệu đảm bảo đủ theo quy định, được sắp xếp hợp lý, an toàn, thuận tiện khi sử dụng.
3. Tiêu chí 3.3: Khối phòng hành chính - quản trị
a) Đảm bảo diện tích theo quy định;
b) Khu để xe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có mái che đảm bảo an toàn, tiện lợi.
4. Tiêu chí 3.4: Khối phòng tổ chức ăn
Bếp ăn đảm bảo theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
5. Tiêu chí 3.5: Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi
a) Hệ thống máy tính được kết nối Internet phục vụ công tác quản lý hoạt động dạy học;
b) Có đủ thiết bị dạy học theo quy định;
c) Hằng năm, được bổ sung các thiết bị dạy học, thiết bị dạy học tự làm.
6. Tiêu chí 3.6: Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước
a) Phòng vệ sinh cho trẻ, khu vệ sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên thuận tiện, được xây dựng phù hợp với cảnh quan và theo quy định
b) Hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Điều 15. Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
1. Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ trẻ
Phối hợp có hiệu quả với nhà trường trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ trẻ.
2. Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường
a) Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền để tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển;
b) Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân để tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện theo kế hoạch, phù hợp với truyền thống của địa phương.
Điều 16. Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
1. Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non
a) Tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non đảm bảo chất lượng;
b) Nhà trường phát triển Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phù hợp với văn hóa địa phương, đáp ứng khả năng và nhu cầu của trẻ.
2. Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ
Tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và điều kiện thực tế.
3. Tiêu chí 5.3: Kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ
a) Nhà trường tổ chức tư vấn cho cha mẹ trẻ hoặc người giám hộ về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần của trẻ;
b) Chế độ dinh dưỡng của trẻ tại trường được đảm bảo cân đối đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo theo quy định;
c) 100% trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì được can thiệp bằng những biện pháp phù hợp, tình trạng dinh dưỡng của trẻ cải thiện so với đầu năm học.
4. Tiêu chí 5.4: Kết quả giáo dục
a) Tỷ lệ chuyên cần đạt ít nhất 95% đối với trẻ 5 tuổi, 90% đối với trẻ dưới 5 tuổi; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 90% đối với trẻ 5 tuổi 85% đối với trẻ dưới 5 tuổi;
b) Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 95%; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 90%;
c) Trẻ khuyết tật học hòa nhập (nếu có) được đánh giá có tiến bộ đạt ít nhất 80%.
Mục 3. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON MỨC 3
Trường mầm non đạt Mức 3 khi đảm bảo các quy định tại Mục 2 Chương này và các quy định sau:
Điều 17. Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
1. Tiêu chí 1.1: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường
Định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển. Tổ chức xây dựng phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển có sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục), cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ trẻ và cộng đồng.
2. Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường
a) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam có ít nhất 02 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các năm còn lại hoàn thành nhiệm vụ trở lên;
b) Các đoàn thể, tổ chức khác đóng góp hiệu quả cho các hoạt động của nhà trường và cộng đồng.
3. Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng
a) Hoạt động của tổ chuyên môn và tổ văn phòng có đóng góp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường;
b) Tổ chuyên môn thực hiện hiệu quả các chuyên đề chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
4. Tiêu chí 1.5: Tổ chức nhóm trẻ và lớp mẫu giáo
Nhà trường có không quá 20 (hai mươi) nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
5. Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản
Có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để tạo ra các nguồn tài chính hợp pháp phù hợp với điều kiện nhà trường, thực tế địa phương.
Điều 18. Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
1. Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng
Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 01 năm đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức tốt.
2. Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên
a) Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn trình độ đào tạo đạt ít nhất 65%, đối với các trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 50%;
nhayNgưng hiệu lực đối với Điểm a khoản 2 Điều 18 về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT từ ngày 20/10/2021 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non theo quy định tại Khoản 8 Điều 1Khoản 2 Điều 2 của Thông tư 29/2021/TT-BGDĐT.nhay
b) Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 30% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; đối với trường thuộc vùng khó khăn có ít nhất 70% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 20% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt.
3. Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên
a) Có trình độ đào tạo đáp ứng được vị trí việc làm;
b) Hằng năm, được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm.
Điều 19. Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
1. Tiêu chí 3.1: Diện tích, khuôn viên và sân vườn
Sân vườn có khu vực riêng để thực hiện các hoạt động giáo dục phát triển vận động, có đủ các loại thiết bị và đồ chơi ngoài trời theo Danh mục thiết bị và đồ chơi ngoài trời cho giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và có bổ sung thiết bị đồ chơi ngoài Danh mục phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn cho trẻ.
2. Tiêu chí 3.2: Khối phòng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo và khối phòng phục vụ học tập
Có phòng riêng để tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, tin học và âm nhạc.
3. Tiêu chí 3.3: Khối phòng hành chính - quản trị
Có đủ các phòng, đảm bảo theo Tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế trường mầm non.
4. Tiêu chí 3.4: Khối phòng tổ chức ăn
Bếp ăn đảm bảo theo Tiêu chuẩn quốc gia về yêu cầu thiết kế trường mầm non.
5. Tiêu chí 3.5: Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi
Các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tự làm hoặc ngoài danh mục quy định được khai thác và sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Điều 20. Tiêu chuẩn 4. Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
1. Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ trẻ
Phối hợp có hiệu quả với nhà trường, xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
2. Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường
Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp có hiệu quả với các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà trường trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục của địa phương.
Điều 21. Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
1. Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục mầm non
a) Nhà trường phát triển Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trên cơ sở tham khảo chương trình giáo dục của các nước trong khu vực và thế giới đúng quy định, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của trường, địa phương;
b) Hằng năm, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, từ đó điều chỉnh, cải tiến nội dung, phương pháp giáo dục để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
2. Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ
Tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học phù hợp với nhu cầu, khả năng của trẻ, kích thích hứng thú, tạo cơ hội cho trẻ tham gia hoạt động vui chơi, trải nghiệm theo phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”.
3. Tiêu chí 5.3: Kết quả nuôi dưỡng và chăm sóc sức khoẻ
Có ít nhất 95% trẻ khỏe mạnh, chiều cao, cân nặng phát triển bình thường.
4. Tiêu chí 5.4: Kết quả giáo dục
a) Tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 97%; trường thuộc vùng khó khăn đạt ít nhất 95%;
b) Trẻ khuyết tật học hòa nhập (nếu có) được đánh giá có tiến bộ đạt ít nhất 85%.
Mục 4. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON MỨC 4
Điều 22. Tiêu chuẩn đánh giá đối với trương mầm non đạt Mức 4
Trường mầm non đạt Mức 4 khi đảm bảo các quy định tại Mục 3 Chương này và các quy định sau:
1. Nhà trường phát triển Chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở tham khảo, áp dụng hiệu quả mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; chương trình giáo dục thúc đẩy được sự phát triển toàn diện của trẻ, phù hợp với độ tuổi và điều kiện của nhà trường, văn hóa địa phương.
2. Ít nhất 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá, trong đó ít nhất 40% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt; đối với trường thuộc vùng khó khăn có ít nhất 80% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 30% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức tốt. Chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng được phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
3. Sân vườn và khu vực cho trẻ chơi có diện tích đạt chuẩn hoặc trên chuẩn theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam về yêu cầu thiết kế trường mầm non; có các góc chơi, khu vực hoạt động trong và ngoài nhóm lớp tạo cơ hội cho trẻ được khám phá, trải nghiệm, giúp trẻ phát triển toàn diện.
4. 100% các công trình của nhà trường được xây dựng kiên cố. Có phòng tư vấn tâm lý. Có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Có khu vực dành riêng để phát triển vận động cho trẻ, trong đó tổ chức được 02 (hai) môn thể thao phù hợp với trẻ lứa tuổi mầm non.
5. Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, nhà trường hoàn thành tất cả các mục tiêu theo phương hướng, chiến lược phát triển nhà trường.
6. Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, nhà trường có 02 năm đạt kết quả giáo dục và các hoạt động khác vượt trội so với các trường có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, được các cấp có thẩm quyền và cộng đồng ghi nhận.
Chương III
QUY TRÌNH ĐÁNH GIÁ TRƯỜNG MẦM NON
Mục 1. TỰ ĐÁNH GIÁ
Điều 23. Quy trình tự đánh giá
Quy trình tự đánh giá của trường mầm non gồm các bước sau:
1. Thành lập hội đồng tự đánh giá.
2. Lập kế hoạch tự đánh giá.
3. Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
4. Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí.
5. Viết báo cáo tự đánh giá.
6. Công bố báo cáo tự đánh giá.
7. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.
Điều 24. Hội đồng tự đánh giá
1. Hiệu trưởng ra quyết định thành lập hội đồng tự đánh giá. Hội đồng có ít nhất 07 (bảy) thành viên.
2. Thành phần của hội đồng tự đánh giá:
a) Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng;
b) Phó chủ tịch hội đồng là phó hiệu trưởng;
c) Thư ký hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ văn phòng hoặc giáo viên có năng lực của nhà trường;
d) Các ủy viên hội đồng: Đại diện Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục); tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng; đại diện cấp ủy đảng và các tổ chức đoàn thể; đại diện giáo viên.
Điều 25. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng tự đánh giá
1. Nhiệm vụ của hội đồng
a) Chủ tịch hội đồng điều hành các hoạt động của hội đồng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; phê duyệt kế hoạch tự đánh giá; thành lập nhóm thư ký và các nhóm công tác để triển khai hoạt động tự đánh giá; chỉ đạo quá trình thu thập, xử lý, phân tích minh chứng; hoàn thiện báo cáo tự đánh giá; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai tự đánh giá;
b) Phó chủ tịch hội đồng thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch hội đồng phân công, điều hành hội đồng khi được chủ tịch hội đồng ủy quyền;
c) Thư ký hội đồng, các ủy viên hội đồng thực hiện công việc do chủ tịch hội đồng phân công và chịu trách nhiệm về công việc được giao.
2. Quyền hạn của hội đồng
a) Tổ chức triển khai hoạt động tự đánh giá và tư vấn cho hiệu trưởng các biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường;
b) Lập kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng; viết báo cáo tự đánh giá; bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá khi cơ quan quản lý trực tiếp yêu cầu; công bố báo cáo tự đánh giá; lưu trữ cơ sở dữ liệu về tự đánh giá của nhà trường;
c) Được đề nghị hiệu trưởng thuê chuyên gia tư vấn để giúp hội đồng triển khai tự đánh giá. Chuyên gia tư vấn phải có hiểu biết sâu về đánh giá chất lượng và các kỹ thuật tự đánh giá.
Mục 2. ĐÁNH GIÁ NGOÀI
Điều 26. Hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài
1. Công văn đăng ký đánh giá ngoài, trong đó có nêu rõ nguyện vọng đánh giá ngoài trường mầm non để được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục hoặc công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đồng thời công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia.
2. Báo cáo tự đánh giá: 02 (hai) bản.
Điều 27. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài
1. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài của trường mầm non trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, thông tin cho trường mầm non biết hồ sơ được chấp nhận hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện;
b) Gửi hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài của trường mầm non đã được chấp nhận về sở giáo dục và đào tạo.
2. Sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài từ các phòng giáo dục và đào tạo; thông tin cho phòng giáo dục và đào tạo biết hồ sơ được chấp nhận để đánh giá ngoài hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện;
b) Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký đánh giá ngoài từ các trường mầm non trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, thông tin cho trường mầm non biết hồ sơ đã được chấp nhận để đánh giá ngoài hoặc yêu cầu tiếp tục hoàn thiện;
c) Thực hiện việc thành lập đoàn đánh giá ngoài hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) thành lập đoàn đánh giá ngoài theo quy định tại Điều 29, Điều 30 và triển khai các bước trong quy trình đánh giá ngoài được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 của Quy định này trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày thông tin cho phòng giáo dục và đào tạo hoặc trường mầm non biết hồ sơ đã được chấp nhận để đánh giá ngoài.
Điều 28. Quy trình đánh giá ngoài
Quy trình đánh giá ngoài gồm các bước sau:
1. Nghiên cứu hồ sơ đánh giá.
2. Khảo sát sơ bộ tại trường mầm non.
3. Khảo sát chính thức tại trường mầm non.
4. Dự thảo báo cáo đánh giá ngoài.
5. Lấy ý kiến phản hồi của trường mầm non về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài.
6. Hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài.
Điều 29. Thành lập đoàn đánh giá ngoài
1. Trong trường hợp trường mầm non đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài gồm các thành viên trong ngành giáo dục. Đoàn đánh giá ngoài có từ 05 (năm) đến 07 (bảy) thành viên, bao gồm:
a) Trưởng đoàn là lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo; hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo; hoặc trưởng khoa, phó trưởng khoa của cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên mầm non thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoặc hiệu trưởng trường mầm non.
b) Thư ký là lãnh đạo hoặc chuyên viên các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; hoặc đại diện công đoàn ngành giáo dục; hoặc trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên, giáo viên của cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên mầm non thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoặc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn trường mầm non.
c) Các thành viên là đại diện công đoàn ngành giáo dục; những người đã hoặc đang là: lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; đại diện công đoàn ngành giáo dục; trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên, giáo viên của cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên mầm non thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường mầm non.
2. Trong trường hợp trường mầm non đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đồng thời đề nghị công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc sở giáo dục và đào tạo được ủy quyền quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài. Đoàn đánh giá ngoài có ít nhất 07 (bảy) thành viên, bao gồm:
a) Trưởng đoàn là lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo; hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo; hoặc trưởng phòng, phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo;
b) Thư ký là lãnh đạo hoặc chuyên viên các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo; hoặc lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo; hoặc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tổ trưởng tổ chuyên môn trường mầm non;
c) Các thành viên khác là đại diện một số sở, ban, ngành có liên quan; đại diện công đoàn ngành giáo dục; những người đã hoặc đang là lãnh đạo, chuyên viên các phòng chức năng của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên, giáo viên của cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên mầm non thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên trường mầm non.
Điều 30. Tiêu chuẩn của các thành viên đoàn đánh giá ngoài
1. Đối với các thành viên đã hoặc đang công tác trong ngành giáo dục: chưa từng làm việc tại trường mầm non được đánh giá ngoài; có ít nhất 05 năm công tác trong ngành giáo dục; đã hoàn thành chương trình đào tạo, tập huấn về đánh giá ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và được bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ liên quan.
2. Đối với các thành viên thuộc các sở, ban, ngành có liên quan: đang phụ trách lĩnh vực công tác liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Điều 31. Nhiệm vụ của đoàn đánh giá ngoài
1. Đoàn đánh giá ngoài có nhiệm vụ khảo sát, đánh giá để xác định mức đạt tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tư vấn, khuyến nghị các biện pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường; đề nghị công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia.
2. Trưởng đoàn điều hành các hoạt động của đoàn đánh giá ngoài theo quy trình đánh giá ngoài.
3. Thư ký và các thành viên còn lại thực hiện nhiệm vụ do trưởng đoàn phân công và chịu trách nhiệm về công việc được giao.
4. Đoàn đánh giá ngoài phải giữ bí mật các thông tin liên quan đến nội dung công việc và kết quả đánh giá trước khi thông báo kết quả đánh giá ngoài cho trường mầm non.
Điều 32. Chế độ của các thành viên đoàn đánh giá ngoài
Thành viên đoàn đánh giá ngoài được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.
Điều 33. Thông báo kết quả đánh giá ngoài
1. Sau khi thống nhất trong đoàn đánh giá ngoài, đoàn đánh giá ngoài gửi dự thảo báo cáo đánh giá ngoài cho trường mầm non để lấy ý kiến phản hồi.
2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường mầm non có trách nhiệm gửi công văn cho đoàn đánh giá ngoài nêu rõ ý kiến nhất trí hoặc không nhất trí với bản dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường hợp không nhất trí với dự thảo báo cáo đánh giá ngoài phải nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến phản hồi của trường mầm non, đoàn đánh giá ngoài phải thông báo bằng văn bản cho trường mầm non biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu, trường hợp bảo lưu ý kiến phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày làm việc tiếp theo, kể từ ngày có văn bản thông báo cho trường mầm non biết những ý kiến tiếp thu hoặc bảo lưu đoàn đánh giá ngoài hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài, gửi đến sở giáo dục và đào tạo và trường mầm non.
3. Trường hợp quá thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, trường mầm non không có ý kiến phản hồi thì xem như đã đồng ý với dự thảo báo cáo đánh giá ngoài. Trong thời hạn 10 ngày làm việc tiếp theo, đoàn đánh giá ngoài hoàn thiện báo cáo đánh giá ngoài gửi đến sở giáo dục và đào tạo và trường mầm non.
Chương IV
CÔNG NHẬN VÀ CẤP CHỨNG NHẬN TRƯỜNG ĐẠT KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Điều 34. Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục
1. Điều kiện công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục:
a) Hoạt động giáo dục ít nhất 05 năm;
b) Có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 1 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.
2. Cấp độ công nhận:
a) Cấp độ 1: Đạt Mức 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này;
b) Cấp độ 2: Đạt Mức 2 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này;
c) Cấp độ 3: Đạt Mức 3 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này;
d) Cấp độ 4: Đạt Mức 4 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.
Điều 35. Cấp Chứng nhận chất lượng giáo dục và công bố kết quả kiểm định chất lượng giáo dục
1. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn đánh giá ngoài, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định cấp Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục theo cấp độ trường mầm non đạt được (Mẫu Chứng nhận theo Phụ lục I).
2. Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục có giá trị 05 năm. Ít nhất 05 tháng trước thời hạn hết giá trị của Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường mầm non phải thực hiện xong quy trình tự đánh giá theo quy định tại Điều 23 và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định tại Điều 26 của Quy định này để được công nhận lại. Việc công nhận lại thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Quy định này.
3. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của trường mầm non được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.
Điều 36. Thu hồi Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục
1. Trường hợp Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục còn thời hạn mà trường mầm non không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá thì Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục bị thu hồi.
2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ khi có kết luận của sở giáo dục và đào tạo về việc trường mầm non không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ra quyết định thu hồi Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
3. Quyết định thu hồi Chứng nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục của trường mầm non được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.
Chương V
CÔNG NHẬN VÀ CẤP BẰNG CÔNG NHẬN TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
Điều 37. Công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
1. Điều kiện công nhận:
Trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia khi đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 34 và có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.
2. Mức độ công nhận:
a) Mức độ 1: Đạt Mức 2 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này;
b) Mức độ 2: Đạt Mức 3 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.
Điều 38. Cấp Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
1. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn đánh giá ngoài, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho trường mầm non (Mẫu Bằng công nhận theo Phụ lục II).
2. Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có giá trị 05 năm. Nếu có nhu cầu được công nhận lại, ít nhất 05 tháng trước thời hạn hết giá trị của Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non phải thực hiện xong quy trình tự đánh giá theo quy định tại Điều 23 và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định tại Điều 26 của Quy định này để được công nhận lại. Việc công nhận lại thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Quy định này.
3. Kết quả trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.
Điều 39. Thu hồi Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia
1. Trường hợp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia còn thời hạn mà trường mầm non không còn đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Chương II của Quy định này thì Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia bị thu hồi.
2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ khi có kết luận của sở giáo dục và đào tạo về việc trường mầm non không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá Giám đốc sở giáo dục và đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
3. Quyết định thu hồi Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.
Chương VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 40. Điều khoản chuyển tiếp và công nhận tương đương
1. Các trường mầm non đang thực hiện đánh giá, công nhận đạt chuẩn quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT) thì được thực hiện tiếp quy trình kiểm tra, thẩm định và cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018. Trong đó, việc tự kiểm tra và đề nghị thẩm định kết quả chỉ thực hiện cho đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành.
2. Các trường mầm non đang thực hiện đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục ban hành kèm theo Thông tư số 25/2014/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non (Thông tư số 25/2014/TT-BGDĐT) thì được thực hiện tiếp quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018. Trong đó việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài chỉ thực hiện cho đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Các trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 theo Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT tương đương trường mầm non đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 của Quy định này; các trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2 theo Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT tương đương trường mầm non đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2 của Quy định này.
4. Các trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 cấp độ 2 và Cấp độ 3 theo Thông tư số 25/2014/TT-BGDĐT tương đương trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3 của Quy định này.
Điều 41. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục; lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các phòng giáo dục và đào tạo các trường mầm non trực thuộc (nếu có) triển khai công tác kiểm định Chất lượng giáo dục và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
2. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
3. Giám sát, chỉ đạo các trường mầm non trực thuộc (nếu có) thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng.
4. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra.
Điều 42. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo
1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục; lập kế hoạch xây dựng, đầu tư cho các trường mầm non trên địa bàn để đạt chuẩn quốc gia; hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các trường mầm non trên địa bàn triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định.
2. Giám sát, chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng.
3. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở giáo dục và đào tạo để được hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, thanh tra.
Điều 43. Trách nhiệm của trường mầm non
1. Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lập kế hoạch xây dựng và phát triển, phấn đấu trong từng giai đoạn để trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia.
2. Tổ chức tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia khi xét thấy đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá trường mầm non tại Quy định này.
3. Căn cứ kết quả đánh giá ngoài, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng đã đề ra trong báo cáo tự đánh giá các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và chỉ đạo của cơ quan quản lý. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện cải tiến chất lượng đối với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.
4. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan đến các hoạt động của nhà trường, các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác đánh giá ngoài; phản hồi ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài đúng thời hạn.
5. Duy trì, phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng./.

PHỤ LỤC I

MẪU CHỨNG NHẬN TRƯỜNG ĐẠT KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non

PHỤ LỤC II

MẪU BẰNG CÔNG NHẬN TRƯỜNG MẦM NON ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
(Ban hanh kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING

Circular No. 19/2018/TT-BGDDT dated August 22, 2018 of the Ministry of Education and Training promulgating regulations on preschool accreditation and recognition of national standard preschools

Pursuant to the Law on Education dated June 14, 2005; the Law on amendments to the former Law dated November 25, 2009;

Pursuant to Decree No.69/2017/ND-CP dated May 25, 2017 of the Government on functions, duties, rights and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

Pursuant to Decree No.75/2006/ND-CP dated August 02, 2006 of the Government on guidelines for enforcement of a number of articles of the Law on Education; Decree No.31/2011/ND-CP dated May 11, 2011 of the Government on amendments to Decree No.75/2006/ND-CP; Decree No.07/2013/ND-CP dated January 09, 2013 of the Government amending Point b Clause 13 Article 1 of Decree No.31/2011/ND-CP;

At the request of Directors of the Department of Education Quality Assurance and Department of Preschool Education,

Minister of Education and Training promulgates a Circular on regulations on preschool accreditation and recognition of national standard preschools.

Article 1.ThisCircular is promulgated together with the Regulation on preschool accreditation and recognition of national standard preschool.

Article 2. ThisCircular takes effect on October 10, 2018.

This Circular will replace Circular No.25/2014/TT-BGDDT dated August 07, 2014 of the Minister of Education and Training on regulations on education quality assessment standards and process and period of preschool accreditation, Circular No.02/2014/TT-BGDDT dated February 08, 2014 of the Minister of Education and Training providing for regulations on recognition of national standard preschools.

Article 3.Chief Office, Directors of Department of Education Quality Assurance and Department of Preschool Education, Directors of relevant entities affiliated to theMinistry of Education and Training, Chairpersons of People s Committees of provinces and centrally-affiliated cities shall take responsibility to implement this Circular./.

For the Minister

Deputy Minister

Nguyen Thi Nghia


REGULATION

ON PRESCHOOL ACCREDITATION AND RECOGNITION OF NATIONAL STANDARD PRESCHOOL
(Issued together withCircular No.19/2018/TT-BGDDT dated August 22, 2018 of the Minister of Education and Training)

Chapter I

GENERAL REGULATIONS

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

1. This document provides for preschool accreditation and recognition of national standard preschools, including preschool assessment standards and process; recognition and grant of certificates of accredited preschools and recognition and grant of certificates of national standard preschools.

2. This document applies to preschools and kindergartens (hereinafter referred to as "preschools") in the national education system; relevant organizations and individuals.

Article 2. Definition

For the purposes of this document, the terms below shall be construed as follows:

1.“Preschool quality”refers to fulfillment of preschool objectives and requirements for education goals specified in the Law on Education suitable for socio-economic development in local authorities and throughout the country.

2.“Self-assessment”refers to the process of self-assessment by preschools based upon assessment standards issued by the Ministry of Education and Training, including self-assessment of quality of children nurture and education; material facilities and other relevant matters in order to adjust resources and implementation with the aim of meeting preschool assessment standards.

3.“External assessment”refers to the process of survey and assessment by preschool state management agencies for the purpose of determining the degree to which a preschool satisfy preschool assessment standards provided by theMinistry of Education and Training.

4. “Preschool assessment standards” refer to requirements for preschools for the purpose of preschool operation quality assurance. Each standard shall apply to a single operating field of a preschool and consists of multiple criteria. There are four levels of preschool assessment standards (from Level 1 to 4) with increasing requirements.

Where, the latter include all requirements of the former and advanced requirements.

5.“Preschool assessment criteria"refers to any requirement for a preschool provided in each specific assessment standard.Each criteria consists of indicators.

6.“Preschool assessment indicator”refers to any requirement for preschools included in each specific assessment criteria.

Article 3. Purposes of preschool accreditation and recognition of national standard preschools

1. Preschool accreditation is aimed at determining the level to which the preschool achieves the education goal in each specific period; preparing plans for maintenance and enhancement of school’s operation quality; notifying preschool quality to the community and state management agencies for the purpose of preschool assessment, recognition or non-recognition of accredited preschools.

2. Recognition of national standard preschools is aimed at promoting investment in and mobilizing resources for education to enable preschools to keep enhancing their education quality and efficiency.

Article 4. Process of preschool accreditation and recognition of national standard preschools

Preschool accreditation and recognition of national standard preschools shall be carried out following the steps below:

1. Self-assessment

2. External assessment

3. Recognition of accredited preschools and recognition of national standard preschools.

Article 5. Preschool accreditation period and duration for recognition of national standard preschools

1. Preschool accreditation and recognition of national standard preschools shall be conducted once every 5 years.

2. The preschool recognized to be accredited as specified in Clause 2 Article 34 hereof may apply for registration of external assessment and ask for recognition of accredited preschool at a higher level at least 2 years after the recognition date.

3. The preschool recognized as Level 1 national standard preschool may apply for registration of external assessment and ask for recognition of Level 2 national standard preschool at least 2 years after the recognition date.

Article 6. Levels of preschool assessment

1. Every preschool is assessed according to the following levels:

a) Level 1: The school meets requirements specified in Section 1 Chapter II hereof;

b) Level 2: The school meets requirements specified in Section 2 Chapter II hereof;

c) Level 3: The school meets requirements specified in Section 3 Chapter II hereof;

d) Level 4: The school meets requirements specified in Section 4 Chapter II hereof;

2. A preschool shall be considered to satisfy preschool assessment criteria if meeting all requirements of the indicators included in such criteria.  An indicator shall be considered to be satisfied if all of its requirements are fulfilled.

Chapter II

PRESCHOOL ASSESSMENT STANDARDS

Section 1. LEVEL 1 PRESCHOOL ASSESSMENT STANDARDS

Article 7. Standard 1: School organization and management

1. Criteria 1.1: Policies and strategies on preschool construction and development

a) Conform to the preschool education goals specified in the Law on Education and orientation of local socio-economic development in each specific period depending on the school’s resources;

b) Be recorded in writing and approved by a competent authority;

c) Be posted at the school or on its website (if any) or published on local mass media and the website of the division of education and training.

2. Criteria 1.2: School’s board (Board of Directors for private schools) and other councils:

a) Are established as regulated;

b) Perform functions, duties and exercise rights as regulated;

c) Undergo periodical review and assessment.

3. Criteria 1.3: Internal organizations of Communist Party of Vietnam, other internal unions and organizations of the school

a) Other internal unions and organizations of the school are structured as regulated;

b) Operations of the aforesaid unions and organizations are carried out as regulated;

c) Such operations are annually reviewed and assessed.

4. Criteria 1.4: Principal, deputy principal, educational departments and administration departments

a) The principal and the quantity of deputy principals are conformable;

b) The educational departments and administration departments are structured as regulated;

c) The educational departments and administration departments prepare plans and perform their duties as regulated.

5. Criteria 1.5: Organization of classrooms

a) The classrooms are organized according to the children s age; in case the number of children in a classroom is less than 50% of the maximum number specified in the preschool charter, the children will be moved to other classrooms.

b) Two teaching sessions per day are provided for each classroom;

c) A classroom has no more than 2 children suffering the same disability.

6.Criteria 1.6: Administrative, financial and asset management

a) The school’s document system is archived as regulated;

b) It is required to make cost estimate, record revenues and expenditures, prepare final statements and statistical reports on the school’s finance and assets; publish and periodically check the finance and assets as specified in the internal spending regulations updated according to current regulations and the reality;

c) The school’s finance and assets are used and managed in an efficient manner to serve educational purposes.

7. Criteria 1.7: Management of teachers and education managers and staff members

a) There is a plan for provision of advanced training for teachers, education managers and staff members;

b) Teachers, education managers and staff members are logically assigned in order to ensure efficiency in the school’s operations;

c) Teachers, education managers and staff members have their rights protected as regulated.

8. Criteria 1.8: Management of educational activities

a) The education plan is prepared in conformity with current regulations and suitable to the local area and the school s conditions;

b) The education plan is fully implemented;

c) The education plan is promptly reviewed, assessed and adjusted.

9. Criteria 1.9: Compliance with local democracy regulations

a) Teachers, education managers and staff are allowed to discuss and express their opinions on preparation of plans, internal principles and regulations related to the school s operations;

b) Complaints, denunciations and proposals and reports (if any) under the school s power are handled as per law provisions;

c) The report on compliance with local democracy regulations is prepared every year.

10. Criteria 1.10: Assurance of order, security and safety in schools

a) There is a plan for ensuring order and security; food safety and hygiene; accident and injury preventing; fire safety; natural disaster, disease, social evil and school violence preventing; the school having their own kitchen must be granted a certificate of eligibility for food safety;

b) A suggestion box, hotline or other form of communication shall be provided in order to receive and deal with people s reports for ensuring safety of the school s teachers, education managers, staff members and students;

c) No discrimination, violence or violation against regulations on gender equality is found in the school.

Article 8. Standard 2: Education managers, teachers and staff members

1. Criteria 2.1: Principal and deputy principal

a) Meet the required standards;

b) Be assessed to satisfy at least principal standards;

c) Receive training and advanced training in professional skills in education management as regulated.

2. Criteria 2.2: Teachers

a) There are sufficient teachers with logical structure to run the preschool education program as regulated;

b) 100% of teachers reach the required training level;

c) At least 95% of teachers are rated good according to professional standards for teachers.

3. Criteria 2.3: Staff members

a) There are staff members or teachers to perform tasks given by the principal;

b) The tasks are suitable for the staff s capacity;

c) Staff members must fulfill all tasks assigned.

Article 9. Standard 3: Material facilities and teaching equipment

1. Criteria 3.1: School s area, premises and school yard

a) The average land area or floor area per student must comply with the regulations;

b) School gate, signboard, walls or protective fences are available; the school premises are constructed suitably for surrounding landscape and must be friendly environmental and safe for the children;

c) The playground and corridor of each class; general playground and green must conform to the school s conditions and must be safe and accessible to all children.

2. Criteria 3.2: Classrooms and learning classrooms

a) The number of classroom depends on the number of groups of children classified based upon the children s age;

b) The common room, bedrooms (the common room may be used as the bedroom in classrooms of older children); rooms for physical activities education or artistic education or multi-function room must satisfy basic demand for children nurture and education.

c) The lighting system, ventilation system (in area where electricity is supplied), cabinets and teaching equipment are available.

3. Criteria 3.3: Administration offices

a) There are all types of rooms required;

b) Mandatory equipment of every room is available;

c) The parking lot for education managers, teachers and staff members are constructed logically to ensure school order and security.

4. Criteria 3.4: Dining hall

a) The kitchen is solid or semi-solid construction;

b) The food warehouse is divided into separate areas for different food to meet requirements for food safety and hygiene;

c) There are refrigerators to store food samples,

5. Criteria 3.5: Equipment, appliances and toys

a) School’s equipment, appliances and toys must meet the basic demand for children nurture and education;

b) Equipment, appliances and toys that are internally made by the school or not on the required list must be educational and safe for children;

c) Stocktaking and repair of equipment are done every year.

6. Criteria 3.6: Sanitary area and water supply-drainage system

a) The restrooms for children and education managers, teachers and staff members shall not contaminate the environment and must be accessible to the disabled children.

b) The water drainage system must ensure environment hygiene and there is a clean water system to provide drinking water and domestic water for teachers, staff members and students;

c) Garbage collection and waste treatment ensure the environment hygiene.

Article 10. Standard 4: Relationship between the school, families and society

1. Criteria 4.1: Representative board of student s parents

a) The representative board of student’s parents is established and operated in accordance with regulations in the Charter of representative board of student’s parents;

b) The plan for operations of the board is prepared according to the school year;

c) The representative board s operation plan is implemented on schedule.

2. Criteria 4.2: Asking advice from the Communist Party executive committees, local government authorities and cooperating with school s organizations and individuals;

a) Ask for advice of the Parry executive committees and local government authorities in order to implement the school’s education plan;

b) Disseminate to raise the community’s awareness about policies of the Party and State on education, the school’s education goals and plans;

c) Mobilize and use legal resources of organizations and individuals in conformity with the regulations.

Article 11. Standard 5: Educational and nurturing activities and results thereof

1. Criteria 5.1: Running the preschool education program

a) The preschool education program is run according to the plan.

b) The school shall develop the preschool education program issued by the Ministry of Education and Training in conformity with regulations on professional skills of education state management agencies and the school s conditions;

c) Implementation of the preschool education program shall undergo periodic assessment to be promptly adjusted.

2. Criteria 5.2: Organization of educational and nurturing activities

a) Adopt methods in a flexible manner appropriate to preschool students and the school’s facilities in order to achieve the education goals;

b) Create an educational environment with the aim of enabling the students to play and experience;

c) Carry out educational activities in multiple forms suitable for the student’s age and the reality.

3. Criteria 5.3: Results of caring and nurturing activities

a) The school cooperates with local health facilities in providing healthcare services for the students;

b) 100% of students undergo health examination, height and weight assessment and nutritional status assessment by the growth chart as regulated;

c) At least 80% of underweight, overweight and obese students are treated with appropriate methods and their nutritional status is improved compared to that at the beginning of the school year.

4. Criteria 5.4: Education results

a) At least 90% of 5-year-old students and 85% of students under 5 attend the school; this ratio will be 85% for 5-year-old students and 80% for students under 5 in disadvantaged areas;

b) At least 85% of 5-year-old students complete the preschool education program and this ratio will be 80% for students in schools in disadvantaged areas;

c) Inclusive education is provided for disabled children and disadvantaged children receive school s care and education according to the personal education plan.

Section 2. LEVEL 2 PRESCHOOL ASSESSMENT STANDARDS

A preschool is considered to meet preschool assessment standards at level 2 if fulfilling all requirements specified in Section 1 this Chapter and requirements below:

Article 12. Standard 1: School organization and management

1. Criteria 1.1: Policies and strategies on school construction and development

The school works out methods for monitoring implementation of policies and strategies on school construction and development.

2. Criteria 1.2: School’s board (Board of Directors for private schools) and other boards

These boards must operate in an efficient manner in order to enhance the quality of children nurture and education.

3. Criteria 1.3 Internal organizations of Communist Party of Vietnam, other internal unions and organizations of the school

a) The internal organizations of Communist Party of Vietnam are organized and operated as regulated; During 5 consecutive year until the assessment date, there must be at least 1 year in which the organization perfectly fulfill its duties and perform other tasks in addition to the ones assigned in the other years;

b) Other internal unions and organizations make positive contributions to the school’s operations.

4. Criteria 1.4: Principal, deputy principal, educational departments and administration departments

a) The educational departments propose and carry out at least 1 specialized scheme that contributes to enhancement of education quality and efficiency every year.

b) Operations of the educational departments and administration departments undergo periodic assessment and adjustment.

5. Criteria 1.5: Organization of classrooms

The number of children in a classroom does not exceed the specified number and is arranged suitably to the children s age.

6. Criteria 1.6: Administrative, financial and asset management

a) Information technology is efficiently applied in administrative, financial and asset management of the school;

b) No violation against regulations on administrative, financial and asset management is found as claimed by the inspector and auditor during 5 consecutive years until the assessment date.

7. Criteria 1.7: Management of teachers, education managers and staff members

There are methods for developing the capacity for enhancing the school s education quality of education managers, teachers and staff members.

8. Criteria 1.8: Management of educational activities

Measures to provide guidelines for, check and assess nurturing and educational activities are claimed to be taken in an efficient manner by the school s supervisory authority.

9. Criteria 1.9: Compliance with local democracy regulations

Methods for and supervision of compliance with democracy regulations by the school are carried out in a public, transparent and efficient manner.

10. Criteria 1.10: Assurance of order, security and safety in schools

a) Education managers, teachers, staff members and students are provided with instructions for implementing plans for ensuring order and security; food safety and hygiene; fire safety, preventing accidents, injuries, natural disasters, diseases, social evils and school violence;

b) The school must check, collect, assess and process information or deal with acts related to school violence, order and security in a regular manner and work out measure to timely and efficiently prevent such acts.

Article 13. Standard 2: Education managers, teachers and staff members

1. Criteria 2.1: Principal and deputy principal

a) During 5 consecutive years to the assessment date, there are at least 2 years in which the school s principal meets principal standards at fairly good level or higher.

b) Principal and deputy principal are trained in political theory as regulated and gain trust of the school’s teachers and staff members.

2. Criteria 2.2: Teachers

a) At least 55% of teachers meet the standard for training level; this ratio will be 40% for teachers of schools in disadvantaged areas; and such ratio shall be maintained and increased properly as scheduled during 5 consecutive years to the assessment date;

b) During 5 consecutive years to the assessment date, 100% of teachers meet professional standards for teachers, at least 60% of which are rated fairly good and this ratio will be 50% for teachers in disadvantaged areas;

c) No teacher is given a warning or faces heavier penalties during 5 consecutive years until the assessment date.

3. Criteria 2.3: Staff members

a) The number and structure of staff members comply with regulations;

b) No staff is given a warning or faces more serious penalty during 5 consecutive years until the assessment date.

Article 14. Standard 3: Material facilities and teaching equipment

1. Criteria 3.1: School s area, premises and school yard

a) The land area for construction of school’s facilities and school s yard are conformable to regulations;

b) The school premises are separated from the outside world by walls; the students are provided with a general playground and green for shade which is regularly cared and well pruned and separate garden for them to care for and protect and are enabled to learn and discover new things;

c) The student playground area is fully equipped with outdoor toys as regulated and separated from ponds or lakes (if any) by fences.

2. Criteria 3.2: Classrooms and learning classrooms

a) The common room, bedrooms, room used for physical education and artistic education and multi-function room meet the required standards.

b) The system of cabinet and shelf used for carrying toys, appliances and documents is available and arranged logically and safe for children‘s use.

3. Criteria 3.3: Administration offices

a) The area for administration offices complies with the regulations;

b) The parking lot for education manager, teachers and staff members is covered for safety assurance.

4. Criteria 3.4: Dining hall

The kitchen is conformable with regulations provided in the preschool charters.

5. Criteria 3.5: Equipment, appliances and toys

a) The computer system is connected to the Internet serving management of teaching activities;

b) Teaching equipment is fully available as regulated;

c) Additional teaching equipment and internal school-made teaching equipment are provided every year.

6. Criteria 3.6: Sanitary area and water supply-drainage system

a) The restrooms for children and education managers, teachers and staff members are constructed appropriate to the surrounding scenery as regulated.

b) The system for clean water supply, water drainage and waste collection and treatment shall comply with regulations issued by the Ministry of Education and Training and Ministry of Health.

Article 15. Standard 4: Relationship between the school, families and society

1. Criteria 4.1: Representative board of student s parents

Cooperate with the school in performing duties specified in the school year and educational activities in an efficient manner; provide guidelines for and disseminate laws and policies on education for the student s parents.

2. Criteria 4.2: Asking advice from the Communist Party executive committees, local government authorities and cooperating with school s organizations and individuals

a) Ask for advice from the Communist Party executive committees and local government authorities in order to enable the school to implement the construction and development policy and strategy.

b) Cooperate with organizations, unions and individuals in organizing festivals and events according to the plan in consistent with the local tradition.

Article 16. Standard 5: Educational and nurturing activities and results thereof

1. Criteria 5.1: Running the preschool education program

a) The preschool education program is run in an efficient manner for quality assurance purpose;

b) The school shall develop the preschool education program issued by the Ministry of Education and Training in conformity with the local tradition meeting the student s capability and demand.

2. Criteria 5.2: Organization of educational and nurturing activities

Organize practice activities for the students to experience or explore surrounding environment for the purpose of satisfying their demand and interest according to the reality.

3. Criteria 5.3: Results of educational and nurturing activities

a) The school give advice to students parents or guardians about the student s health and development of their mental and physical;

b) The student s diet in school is balanced to meet the nutritious demand as regulated;

c) 100% of underweight, overweight and obese students are treated with appropriate methods and their nutritional status is improved compared to that at the beginning of the school year.

4. Criteria 5.4: Education results

a) At least 95% of 5-year-old students and 90% of students under 5 attend school; this ratio will be 90% for 5-year-old students and 85% for students under 5 in disadvantaged areas;

b) At least 95% of 5-year-old students complete the preschool education program and this ratio will be 90% for students in schools in disadvantaged areas;

c) At least 80% of disabled students provided with inclusive education (if any) make their progress in study.

Section 3. LEVEL 3 PRESCHOOL ASSESSMENT STANDARDS

A preschool is considered to meet preschool assessment standards at level 3 if fulfilling all requirements specified in Section 2 this Chapter and requirements below:

Article 17. Standard 1: School organization and management

1. Criteria 1.1: Policies and strategies on school construction and development

Carry out periodic review and amendments to the construction and development policy and strategy.  Formulate the school construction and development policy and strategy with the participation of members of the school s board (board of directors for private schools), education managers, teachers, staff members, student‘s parents and the community.

2. Criteria 1.3: Internal organizations of the Communist Party of Vietnam, other internal unions and organizations of the school

a) During 5 consecutive years until the assessment date, there must be at least 1 year in which the internal organizations of Communist Party of Vietnam perfectly fulfill their duties and perform other tasks in addition to the ones assigned in the other years;

b) Other internal unions and organizations make efficient contributions to the school’s operations and to the community.

3. Criteria 1.4: Principal, deputy principal, educational departments and administration departments

a) Operations of the educational departments and administration departments make efficient contributions to enhancement of quality of the school s operations;

b) The educational departments efficiently carry out specialized schemes contributing to enhancement of quality of children nurture and education.

4. Criteria 1.5: Organization of classrooms

The school has no more than 20 classrooms.

5. Criteria 1.6: Administrative, financial and asset management

Prepare short-term, mid-term and long-term plans for creating legal finance sources suitable for real conditions of the school and local authority.

Article 18. Standard 2: Education managers, teachers and staff members

1. Criteria 2.1: Principal and deputy principal

Meet principal standards at fairly good level during 5 consecutive years to the assessment date, including one year in which the school s principal and deputy principle are rated good according to the standards for principals.

2. Criteria 2.2: Teachers

a) At least 65% of teachers reach the training level higher than that required and this ratio will be 50% for teachers in disadvantaged areas;

b) During 5 consecutive years to the assessment date, at least 80% of teachers meet professional standards for teachers at fairly good level or higher, 30% of which are rated good; at least 70% of teachers in disadvantaged areas are rated fairly good according to professional standards for teachers and 20% of which are rated good.

3. Criteria 2.3: Staff members

a) Have the training level meeting the job’s requirements;

b) Participate in annual practice and refresh courses suitable for their job s position.

Article 19. Standard 3: Material facilities and teaching equipment

1. Criteria 3.1: School s area, premises and school yard

The school’s yard has a separate area for physical education activities and is equipped with outdoor toys according to the list of preschool equipment and outdoor toys issued by the Ministry of Education and Training and provided with additional equipment and toys not on the aforesaid list which are safe for children s use according to the reality.

2. Criteria 3.2: Classrooms and learning classrooms

There is a separate room for activities that help the students get access to foreign languages, informatics and music.

3. Criteria 3.3: Administration offices

There are sufficient rooms meeting national standards for preschool design.

4. Criteria 3.4: Dining hall

The kitchen meets national standards for preschool design.

5. Criteria 3.5: Equipment, appliances and toys

School-made equipment and toys or those not on the specified list must be used in an efficient manner in order to meet requirements for renovation to teaching programs and methods and enhancement of quality of children nurture and education.

Article 20. Standard 4: Relationship between the school, families and society

1. Criteria 4.1: Representative board of student s parents

Cooperate with the school and the society in performing duties specified in the Charter for representative boards of student s parents in an efficient manner.

2. Criteria 4.2: Asking for advice from the Communist Party executive committees, local government authorities and cooperating with school s organizations and individuals

Ask for advice of the Communist Party executive committees and local government authorities and efficiently cooperate with school’s organizations and individuals in developing the school into a local culture and education center.

Article 21. Standard 5: Educational and nurturing activities and results thereof

1. Criteria 5.1: Running the preschool education program

a) The school shall develop the preschool education program issued by the Ministry of Education and Training upon consideration of education programs of countries in the region and in the world in an efficient manner as regulated suitable for real conditions of the school and local authority;

b) The education program shall undergo annual review and assessment for adjustments to teaching methods with the aim of enhancing the quality of children nurture and education.

2. Criteria 5.2: Organization of educational and nurturing activities

Create an educational environment inside and outside the classrooms meeting the student s demand and capability which stimulates their interest and enables them to participate in recreational activities adhering to the principle “play to learn and learn by play”.

3. Criteria 5.3: Results of educational and nurturing activities

At least 95% of students are healthy and have usual height and weight.

4. Criteria 5.4: Education results

a) At least 97% of 5-year-old students complete the preschool education program and this ratio will be 95% for students in disadvantaged areas;

b) At least 85% of disabled students provided with inclusive education (if any) make their progress in study.

Section 4. LEVEL 4 PRESCHOOL ASSESSMENT STANDARDS

Article 22. Level 4 preschool assessment standards

A preschool is considered to meet preschool assessment standards at level 4 if fulfilling all requirements specified in Section 3 this Chapter and requirements below:

1. The school shall develop the preschool education program issued by the Ministry of Education and Training upon consideration of advanced education methods and models of countries in the region and in the world; the education program promotes children’s full development suitable for the student’s age and real conditions of the school and local tradition.

2. At least 90% of teachers meet professional standards for teachers at fairly good level and 40% of which are rated good; at least 80% of teachers of schools in disadvantaged areas are rated fairly good according to professional standards for teachers and 30% of which are rated good. Teacher’s quality meets requirements of the policy and strategy on school construction and development.

3. The area of school’s yard and student s playground meets the required standards or is larger than the one specified in national standards for preschool design; there are areas for leisure activities and indoor and outdoor activities which enable students to explore and learn new things for the purpose of full development.

4. 100% of school facilities are solid construction.  There is a psychological consulting office in school.  There are adequate modern equipment used for children nurture and education.  There are places used for children s exercise activities including 2 sports appropriate to preschool students.

5. The school successfully achieves all objectives specified in the school construction and development policy and strategy during 5 consecutive years to the assessment date.

6. There are 2 in 5 consecutive years until the assessment date in which the school records outstanding achievements in education and other activities compared to those of schools with the same socio-economic conditions which are recognized by competent authorities and the community.

Chapter III

PRESCHOOL ASSESSMENT PROCESS

Section 1. SELF-ASSESSMENT

Article 23. Self-assessment process

Self-assessment shall be conducted following the steps below:

1. Establishing a self-assessment council

2. Preparing a self-assessment plan

3. Collecting, processing and analyzing evidence

4. Assessing the degree to which each criteria is satisfied

5. Preparing a self-assessment report

6. Publishing the self-assessment report

7. Carrying out activities after finishing the self-assessment report

Article 24. Self-assessment council

1. The principal shall decide to establish the self-assessment council.  The council shall consist of at least 7 members.

2. The council’s components include:

a) A council’s chairperson that is the school’s principal;

b) A vice chairperson that is the school s deputy principal;

c) A secretary who is the head of the educational department or administration department or qualified teacher of the school;

d) Members including the representative of the school’s board (board of directors for private schools); head of the educational department and administration department; representatives of the Communist Party executive committee and school’s unions and teachers’ representatives.

Article 25. Duties and rights of the self-assessment council

1. Council s duties

a) The council’s chairperson shall manage the council s activities, give tasks to each council s member; approve the self-assessment plan; establish a secretariat and working departments in order to carry out the self-assessment; provide guidelines for collection, processing and analysis of evidence; finish the self-assessment report and deal with problems arising during self-assessment process.

b) The council s vice chairperson shall perform tasks given by the council’s chairperson and manage the council’s operations as authorized by the chairperson;

c) The council s secretary and members shall perform tasks given by the council’s chairperson and take responsibility for such tasks.

2. Council s rights

a) Carry out self-assessment and provide advice for the principal about methods for maintaining and enhancing quality of the school’s operations;

b) Prepare the self-assessment plan; collect, process and analyze evidence; prepare the self-assessment report; amend and finish the self-assessment report as required by the school’s supervisory authority; publish such self-assessment report and store a database of self-assessment performed by the school;

c) Recommend the principal to hire consulting experts to assist the council in conducting the self-assessment.  Consulting experts shall have a deep insight into quality assessment and self-assessment techniques.

Section 2. EXTERNAL ASSESSMENT

Article 26. Applications for registration of external assessment

1. An application form for registration of external assessment which specifies the desire for preschool external assessment with the aim of recognition of accredited preschool or recognition of national standard preschool or both.

2. Self-assessment report: 2 copies

Article 27. Receiving and verifying applications for registration of external assessment

1. The Division of Education and Training shall:

a) Receive and verify applications for registration of external assessment submitted by preschools in the area under management and notify to such preschools whether their application is satisfactory or needed to be completed;

b) Send the satisfactory applications to the Department of Education and Training:

2. The Department of Education and Training shall:

a) Receive and verify applications for registration of external assessment sent by the division of education and training and notify such division whether those applications are approved or needed to be completed;

b) Receive and verify applications for registration of external assessment submitted by preschools in the area under management and notify to such preschools whether the applications are approved or needed to be completed;

c) Establish or request the Chairperson of People s Committees of provinces and centrally-affiliated cities (hereinafter referred to as "provincial") to establish an external assessment delegation as prescribed in Article 29 and 30 and take external assessment steps specified in Clause 1, 2, 4 and 5 Article 28 hereof within 3 months from the day on which the approved application is notified to the division of education and training or the preschool.

Article 28. External assessment process

External assessment shall be conducted following the steps below:

1. Analyzing the assessment dossier

2. Carry out preliminary survey into the preschool

3. Carry out official survey into the preschool

4. Drafting an external assessment report

5. Collecting the preschool s opinions on the external assessment report

6. Finishing the external assessment report

Article 29. Establishing external assessment delegation

1. In case the preschool applies for recognition of accredited preschool, the Director of Department of Education and Training shall decide to establish an external assessment delegation including members working in the education industry.  The external assessment delegation shall have from 5 to 7 members including:

a) Head of the delegation who is the lead of the Department of Education and Training or head or deputy of functional divisions in such Department; or head or deputy of the Division of Education and Training; or dean or deputy dean of the provincial educational institution providing training for preschool teachers; or preschool s principal.

b) A secretary who is the head or expert of functional divisions of the Department or Division of Education and Training; or representative of the provincial preschool teacher training institution; or principal/deputy principal, head of the educational department of the preschool.

c) Other members who are representatives of educational labor union; former or current heads or experts of functional divisions of the Department or Division of Education and Training; representatives of education labor union; dean, deputy dean, lecturers or teachers of the provincial preschool teacher training institution; preschool’s principal, deputy principal or teacher.

2. If the preschool applies for recognition of national standard preschool only or recognition of both accredited preschool and national standard preschool, Chairperson of the provincial People’s Committee or Director of Department of Education and Training shall be authorized to decide to establish an external assessment delegation (hereinafter referred to as “the delegation”).  The delegation shall have at least 7 members including:

a) A delegation s head who is the lead of the Department of Education and Training or head or deputy of functional divisions in such Department; or head or deputy of the Division of Education and Training;

b) A secretary who is the head or expert of functional divisions of the Department of Education and Training or Division of Education and Training; or principal/deputy principal, head of the educational department of the preschool;

c) Other members who are representatives of relevant departments; representatives of educational labor union; former or current heads or experts of functional divisions of the Department or Division of Education and Training; dean, deputy dean, lecturers or teachers of the provincial preschool teacher training institution; preschool’s principal, deputy principal or teachers.

Article 30. Standards applied to delegation s members

1. The former or current staffs working in the education industry who have never worked in the preschool undergoing an external assessment shall have at least 5 years working in the education industry and have completed the external assessment training course offered by the Ministry of Education and Training and provided with modern knowledge and relevant skills and techniques.

2. Members of relevant departments shall undertake tasks related to education and training.

Article 31. Delegation s duties

1. The delegation shall conduct a survey and assessment in order to determine the degree to which the preschool meet the standards regulated by the Ministry of Education and Training; give advice and recommendations on methods for maintaining and enhancing the school’s education quality; ask for recognition or non-recognition of accredited preschool and national standard preschool.

2. The head shall manage delegation s operations following the external assessment steps.

3. The secretary and other members shall perform tasks given by the head and take responsibility for such tasks.

4. The delegation shall keep information concerning the external assessment and results thereof as confidential before such results are notified to the preschool.

Article 32. Benefits of delegation s members

The delegation’s members shall enjoy benefits under current regulations.

Article 33. Notifying results of external assessment

1. If all of the delegation’s members are unanimous in the draft external assessment report, it shall be sent to the preschool for response.

2. The preschool shall send a document which specifies unanimous or dissenting opinions on such draft report to the delegation and provides explanation in case of dissent from the draft report within 10 working days from the day on which such draft report is received.

The delegation shall notify in writing to the preschool of its consent to the school’s opinions or reservations and provide explanations in case of reservations within 10 working days from the day on which the preschool’s responses are received.  The delegation shall finish the external assessment report and send it to the Department of Education and Training and the preschool within the next 10 working days from the day on which the delegation s notification is received.

3. The preschool shall be considered to consent to the draft external assessment report if failing to sent its response within 10 working days from the day on which such draft report is received.  The delegation shall finish the external assessment report and send it to the preschool and Department of Education and Training within the next 10 working days.

Chapter IV

RECOGNITION AND GRANT OF CERTIFICATES OF ACCREDITED SCHOOL

Article 34. Recognition of accredited school

1. Every preschool is recognized as accredited school if it:

a) Has provided educational services for at least 5 years;

b) Has its external assessment results rated as level 1 or higher as prescribed in Clause 1 Article 6 hereof.

2. Levels of recognition:

a) Level 1: The school satisfies level 1 requirements mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

b) Level 2: The school satisfies level 2 requirements mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

c) Level 3: The school satisfies level 3 requirements mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

d) Level 4: The school satisfies level 4 requirements mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

Article 35. Grant of certificates of accredited school and disclosure of education accreditation results

1. The Director of the Department of Education and Training shall decide to issue the certificate of accredited school according to the level of recognition of the preschool (the certificate specimen is provided in Appendix I) within 20 working days from the day on which the external assessment report is received.

2. The certificate of accredited school shall expire after 5 years.  The preschool shall conduct self-assessment as specified in Article 23 and register for external assessment as prescribed in Article 26 hereof at least 5 months before the expiry date of the certificate of accredited school if asking for re-recognition.  Re-recognition shall be given under regulations in Article 34 hereof.

3. The preschool accreditation s result shall be posted on the website of the preschool and the Department of Education and Training.

Article 36. Revocation of certificates of accredited school

1. The preschool that no longer meets assessment standards for preschools shall have its certificate of accredited school revoked although such certificate remains unexpired.

2. The Director of the Department of Education and Training shall decide to revoke the certificate of accredited school within 20 working days from the day on which preschool is claimed not to satisfy the assessment standard any longer.

3. The decision on revocation of certificate of accredited school given to the preschool shall be posted on the website of the Department of Education and Training.

Chapter V

RECOGNITION AND GRANT OF CERTIFICATES OF NATIONAL STANDARD PRESCHOOL

Article 37. Recognition of national standard preschool

1. Conditions for recognition:

Every preschool shall be recognized as national standard preschool if it meets all requirements specified in Point a Clause1 Article 34 and has its external assessment result rated as level 2 or higher as prescribed in Clause 1 Article 6 hereof.

2. Levels of recognition:

a) Level 1: The school satisfies level 2 requirements mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

b) Level 2: The school satisfies requirements for level 3 or higher mentioned in Clause 1 Article 6 hereof;

Article 38. Grant of certificates of national standard preschool

1. The Director of the Department of Education and Training shall request the Chairperson of provincial People’s Committee to issue a decision on grant of certificate of national standard preschool (the certificate specimen is provided in Appendix II) within 20 working days from the day on which the external assessment report is received.

2. The certificate of national standard preschool shall expire after 5 years.  If demanding to be re-recognized, the preschool shall conduct self-assessment as specified in Article 23 and register for external assessment as prescribed in Article 26 hereof at least 5 months before the expiry date of the certificate of national standard preschool.  Re-recognition shall be given under regulations in Article 37 hereof.

3. The result of recognition of national standard preschool shall be posted on the website of the Department of Education and Training.

Article 39. Revocation of certificates of national standard preschool

1. The preschool that no longer meets standards specified in Chapter II hereof shall have its certificate of national standard preschool revoked although such certificate remains unexpired.

2. The Director of the Department of Education and Training shall request the Chairperson of provincial People’s Committee to issue a decision on revocation of the certificate of national standard preschool within 20 working days from the day on which the preschool is claimed not to satisfy the assessment standards any longer by the Department of Education and Training.

3. The decision on revocation of the certificate of national standard preschool shall be posted on the website of the Department of Education and Training.

Chapter VI

IMPLEMENTATION

Article 40. Transfer provisions and equivalent recognition

1. Preschools undergoing assessment for recognition of national standard preschools as specified in Circular No.02/2014/TT-BGDDT dated February 08, 2014 of the Minister of Education and Training on regulations on recognition of national standard preschools (Circular No.02/2014/TT-BGDDT) may continue to undergo inspection and assessment and may be granted certificates of national standard preschools under previous regulations until the end of December 31, 2018. Where, the self-assessment and request for verification of self-assessment results shall be made until the effective date of this Circular.

2. Preschools undergoing assessment for recognition of accredited preschools as specified in Circular No.25/2014/TT-BGDDT dated August 07, 2014 of the Minister of Education and Training on regulations on education quality assessment standards; process and period of preschool accreditation (Circular No.25/2014/TT-BGDDT) may continue to undergo education accreditation a under previous regulations until the end of December 31, 2018. Where, self-assessment and registration of external assessment shall be conducted until the effective date of this Circular.

3. Preschools recognized as national standard preschools at level 1 under regulations in Circular No.02/2014/TT-BGDDT shall share the same quality of that of level 1 national standard preschools prescribed herein and preschools recognized as national standard preschools at level 2 according to Circular No.02/2014/TT-BGDDT shall have the same quality of that of level 2 national standard preschools specified herein.

4. Preschools recognized as accredited schools at level 1, 2 and 3 according to Circular No.25/2014/TT-BGDDT shall have the same quality of that of Level 1, 2 or 3 accredited schools specified herein.

Article 41. Responsibilities of Department of Education and Training

1. Ask for advice of provincial People’s Committees about preparation of the education accreditation plan; prepare plans and planning on construction of national standard preschools; provide guidelines for, check and supervise preschool accreditation and construction of national standard preschools performed by affiliated Divisions of Education and Training (if any) as regulated.

2. Provide training in professional knowledge and skills for entities in charge of education accreditation and construction of national standard preschools.

3. Supervise and instruct affiliated preschools (if any) to implement the quality enhancement plan in order to maintain and improve education quality.

4. Carry out annual preliminary and general review of education accreditation and construction of national standard preschools; send reports to provincial People’s Committees and Ministry of Education and Training for further instructions.

Article 42. Responsibilities of Divisions of Education and Training

1. Ask for advice of commune-level People’s Committees about preparation of the education accreditation plan; prepare plans for investment in preschools under management to develop them into national standard preschools; provide guidelines for, check and supervise education accreditation and construction of national standard preschools performed by preschools in the areas under management as regulated.

2. Supervise and instruct preschools in the area under management to implement the quality enhancement plan in order to maintain and improve education quality.

3. Carry out annual preliminary and general review of education accreditation and construction of national standard preschools; send reports to commune-level People’s Committees and Department of Education and Training for further instructions.

Article 43. Preschools responsibilities

1. Ask for advice of the Party executive committees and local government authorities about preparation of the construction and development plan in each specific period and strive to become accredited and national standard preschools.

2. Carry out self-assessment and register for external assessment; request the competent authority to recognize accredited preschools and national standard preschools if such preschools satisfy preschool assessment standards specified herein.

3. Amend and finish the self-assessment report according to the external assessment report and implement the quality improvement plan specified in the self-assessment report upon recommendations of the external assessment delegation under the guidance of their supervisory authority.  Send annual reports on quality improvement to their supervisory authority for further instructions.

4. Prepare all documents relating to the preschool’s operations and other necessary facilities serving external assessment and give opinions on the draft external assessment report on schedule.

5. Maintain and develop the education accreditation results and results of construction of national standard preschools in order to keep enhancing education quality./


APPENDIX I

SPECIMEN OF CERTIFICATE OF ACCREDITED SCHOOL
(Issued together withCircular No.19/2018/TT-BGDDT dated August 22, 2018 of the Minister of Education and Training)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


APPENDIX II

SPECIMEN OF CERTIFICATE OF NATIONAL STANDARD PRESCHOOL
(Issued together withCircular No.19/2018/TT-BGDDT dated August 22, 2018 of the Minister of Education and Training)

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Circular 19/2018/TT-BGDDT DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất