Hợp đồng gia công và 4 nội dung cần biết về loại hợp đồng này

Cùng với sự phát triển của kinh tế, mở cửa thị trường, hoạt động gia công hàng hóa ngày càng được chú trọng. Việc thuê, đặt gia công hàng hóa được thực hiện thông qua hợp đồng gia công. Trong bài viết dưới đây, LuatVietnam sẽ cung cấp những vấn đề có liên quan đến hợp đồng gia công.

1. Hợp đồng gia công là gì? Ví dụ về hợp đồng gia công

Theo quy định tại Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gia công là văn bản trong đó ghi nhận sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện các công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công. Còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Về đối tượng của hợp đồng gia công, theo Điều 543 Bộ luật Dân sự 2015, đối tượng hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ví dụ về một số loại hợp đồng gia công thường gặp:

- Hợp đồng gia công cơ khí;

- Hợp đồng gia công hàng hóa;

- Hợp đồng gia công may mặc;

- Hợp đồng gia công phần mềm...

Hợp đồng gia công và 4 nội dung cần biết về loại hợp đồng này (Ảnh minh họa)

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công thế nào?

2.1 Bên đặt gia công

Theo quy định tại Điều 544 và Điều 545 Bộ luật Dân sự 2015, quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công như sau:

- Bên đặt gia công có các nghĩa vụ:

+ Cung cấp nguyên vật liệu đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công;

+ Cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công;

+ Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.

+ Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.

- Bên đặt gia công có các quyền:

+ Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.

+ Có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận.

2.2 Bên nhận gia công

- Bên nhận gia công có các nghĩa vụ:

+ Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.

+ Trường hợp nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng, báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác; nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội thì từ chối thực hiện gia công.

+ Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, phương thức, chất lượng, thời hạn và địa điểm theo thoả thuận.

+ Giữ bí mật thông tin quy trình gia công và sản phẩm.

+ Chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.

+ Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.

- Bên nhận gia công có các quyền:

+ Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng số lượng, chất lượng, địa điểm và thời hạn đã thoả thuận.

+ Từ chối sự chỉ dẫn của bên đặt gia công nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.

+ Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận.

+ Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng phương thức, thời hạn đã thoả thuận.

3. Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công ra sao?

Trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ khó tránh khỏi những rủi ro xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc xảy ra rủi ro sẽ dễ dàng phát sinh các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm chịu rủi ro. Nắm rõ điều này, tại Điều 548 Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có quy định riêng về trách nhiệm chịu rủi ro khi thực hiện hợp đồng gia công. Theo đó:

- Cho đến thời điểm giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, ngay cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

4. Được đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công trong trường hợp nào?

Theo quy định tại Điều 551 Bộ luật Dân sự 2015, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công được quy định như sau:

- Trong trường hợp nhận thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, các bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo biết cho bên kia trước một thời gian hợp lý;

- Trường hợp bên đơn phương chấm dứt hợp đồng là bên đặt gia công thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Trên đây là những vấn đề pháp lý liên quan đến Hợp đồng gia công. Nếu có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn và giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Thủ tục thành lập khu công nghệ cao [mới nhất]

Việc thành lập khu công nghệ cao không chỉ đóng vai trò trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập khu công nghệ cao.