Thông tư liên tịch 02/2016 về phối hợp trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

thuộc tính Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tư liên tịch
Người ký:Tống Anh Hào; Nguyễn Thị Thủy Khiêm
Ngày ban hành:31/08/2016
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Dân sự

TÓM TẮT VĂN BẢN

Phối hợp giữa VKSND và TAND trong thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự

Ngày 31/08/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Theo quy định tại Thông tư này, Viện trưởng Viện kiểm sát được quyết định thực hiện các quyền, yêu cầu, quyền kiến nghị tại các khoản 3, 6 và 8 Điều 58, khoản 4 Điều 236, điểm c khoản 1 Điều 254, Điều 255, Điều 258 Bộ luật Tố tụng dân sự; yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự theo quy định; yêu cầu tòa án cho sao chụp bản sao đơn kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; Yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều 329, Điều 357 Bộ luật Tố tụng dân sự; Kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa; Kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo khoản 1 Điều 194, khoản 3 Điều 364 Bộ luật Tố tụng dân sự…
Trường hợp Viện kiểm sát cần xem xét kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc sau khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/10/2016.

Xem chi tiết Thông tư liên tịch02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

Số: 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2016

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP GIỮA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN VÀ TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG VIỆC THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS).

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án trong kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự; tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án; chuyển hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, gửi văn bản tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự.
Điều 2. Ký quyết định kháng nghị
Chánh án, Viện trưởng đã quyết định kháng nghị trực tiếp ký quyết định kháng nghị hoặc phân công Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị. Phó Chánh án, Phó Viện trưởng ký quyết định kháng nghị phải ghi rõ là “ký thay Chánh án” hoặc “ký thay Viện trưởng”.
Điều 3. Trách nhiệm của Viện kiểm sát trong trường hợp Tòa án khởi tố vụ án hình sự
Sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội do Tòa án gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 497 BLTTDS, Viện kiểm sát gửi quyết định khởi tố vụ án và tài liệu, chứng cứ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra và thông báo cho Tòa án biết. Trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án trên một cấp.
Việc điều tra vụ án hình sự hoặc giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương II
CHUYỂN HỒ SƠ, TÀI LIỆU, CHỨNG CỨ, GỬI VĂN BẢN TỐ TỤNG GIỮA TÒA ÁN VÀ VIỆN KIỂM SÁT
Điều 4. Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Đối với phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, việc chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 220, Điều 292, khoản 3 Điều 318, khoản 2 Điều 323, khoản 2 Điều 336, Điều 357 BLTTDS.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thì quyết định kháng nghị cùng hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Tòa án nhân dân cấp cao. Sau khi thụ lý vụ án để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để nghiên cứu, tham gia phiên tòa. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
2. Đối với phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa án.
3. Đối với phiên họp phúc thẩm xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
4. Đối với phiên họp xét đơn yêu cầu, phiên họp xét kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Tòa án gửi hồ sơ cùng quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 15 ngày trước ngày mở phiên họp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Tòa án.
5. Đối với phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt, phiên họp giải quyết việc dân sự thì việc chuyển hồ sơ vụ án, việc dân sự cho Viện kiểm sát được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 359, khoản 3 Điều 366, khoản 3 Điều 373 BLTTDS.
Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó cùng hồ sơ vụ án trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị.
6. Trường hợp Viện kiểm sát đã nhận được hồ sơ để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xem xét kiến nghị theo thủ tục đặc biệt thì Tòa án không phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đó để tham gia phiên tòa, phiên họp mà chỉ gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát theo quy định của BLTTDS và Thông tư liên tịch này.
Điều 5. Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để Viện kiểm sát xem xét việc kháng nghị
1. Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, xem xét kháng nghị quyết định của Tòa án trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
Sau khi nhận được một trong các quyết định quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 437, khoản 5 Điều 438, khoản 3 Điều 446, khoản 1 Điều 449, khoản 2 và khoản 3 Điều 457, khoản 5 Điều 458 BLTTDS mà Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ để xem xét việc kháng nghị thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.
c) Chậm nhất là ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 280, khoản 2 Điều 322, khoản 2 Điều 372, khoản 2 Điều 442, khoản 3 Điều 446, Điều 450, khoản 2 Điều 461 BLTTDS, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
2. Khi Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự được thực hiện như sau:
a) Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ việc dân sự đó cho Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ việc dân sự đó cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án, Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hoặc trong trường hợp thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn lại không quá 06 tháng thì ngay sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 334 hoặc Điều 355 BLTTDS, Tòa án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
b) Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm hoặc kháng nghị tái thẩm thì Viện kiểm sát chuyển ngay hồ sơ vụ việc cùng quyết định kháng nghị cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 336 hoặc Điều 357 BLTTDS; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát biết.
3. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát cùng có yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cùng nhận được văn bản yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát hoặc trường hợp đã nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát trước nhưng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho Viện kiểm sát mà lại nhận được yêu cầu của Tòa án, thì Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ cho Tòa án có yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có yêu cầu biết.
b) Trường hợp Tòa án hoặc Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước thì trong thời hạn 03 tháng (đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì thời hạn không quá 06 tháng) kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu Tòa án, Viện kiểm sát không kháng nghị thì việc chuyển hồ sơ được thực hiện như sau:
b1) Trường hợp Tòa án là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Tòa án không kháng nghị, nếu Viện kiểm sát vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Viện kiểm sát đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này, Viện kiểm sát có yêu cầu đã nhận được hồ sơ nhưng không kháng nghị thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
b2) Trường hợp Viện kiểm sát là cơ quan nhận hồ sơ trước nhưng trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này mà Viện kiểm sát không kháng nghị, nếu Tòa án vẫn tiếp tục có yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án đã có yêu cầu và thông báo ngay cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình biết; nếu Tòa án đã có yêu cầu không tiếp tục yêu cầu chuyển hồ sơ thì Viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
Trong thời hạn được hướng dẫn tại điểm b khoản này, Tòa án có yêu cầu đã nhận được hồ sơ nhưng không kháng nghị thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án đã chuyển hồ sơ ban đầu.
c) Trường hợp Tòa án đang quản lý hồ sơ nhận được yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát trước mà không có yêu cầu hoãn thi hành án, nếu trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, hồ sơ chưa được chuyển cho cơ quan đó, thì Tòa án chuyển hồ sơ cho Tòa án hoặc Viện kiểm sát đã có yêu cầu hoãn thi hành án và thông báo cho cơ quan không được chuyển hồ sơ biết.
d) Tòa án và Viện kiểm sát phối hợp trong việc chuyển hồ sơ vụ án để bảo đảm cho việc xem xét kháng nghị khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
d1) Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm còn lại không quá 06 tháng;
d2) Sau khi Tòa án đã chuyển hồ sơ cho Tòa án hoặc Viện kiểm sát có yêu cầu nhưng không có yêu cầu hoãn thi hành án mới nhận được yêu cầu chuyển hồ sơ của Tòa án hoặc Viện kiểm sát có yêu cầu hoãn thi hành án;
d3) Để phục vụ hoạt động giám sát của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
Điều 6. Chuyển hồ sơ để xem xét việc kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Khi Tòa án, Viện kiểm sát xét thấy cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì việc chuyển hồ sơ vụ án được thực hiện như sau:
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi văn bản yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ, Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trả hồ sơ cho Tòa án đã chuyển hồ sơ cho mình.
2. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuyển ngay hồ sơ vụ án cùng với kiến nghị cho Tòa án nhân dân tối cao; đồng thời thông báo cho Tòa án đã chuyển hồ sơ biết.
Điều 7. Phương thức chuyển hồ sơ
Việc chuyển hồ sơ vụ việc dân sự có thể được thực hiện bằng đường bưu chính hoặc chuyển trực tiếp.
Tất cả tài liệu có trong hồ sơ vụ việc dân sự (bao gồm tài liệu cũ và tài liệu mới bổ sung, nếu có) đều phải được đánh số, sắp xếp theo quy định tại khoản 2 Điều 204 BLTTDS và có bản kê danh mục tài liệu. Trước khi chuyển hồ sơ vụ việc dân sự từ Tòa án sang Viện kiểm sát hoặc ngược lại, cơ quan chuyển hồ sơ phải kiểm tra đầy đủ tài liệu trong hồ sơ vụ việc dân sự.
Trường hợp gửi hồ sơ theo đường bưu chính thì người trực tiếp nhận hồ sơ đầu tiên của Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải kiểm tra niêm phong; nếu niêm phong không còn nguyên vẹn thì phải lập biên bản ngay xác nhận tình trạng hồ sơ, có xác nhận của nhân viên bưu chính và báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan chuyển hồ sơ để phối hợp giải quyết. Trường hợp niêm phong còn nguyên vẹn nhưng tài liệu có trong hồ sơ bị thiếu so với bản kê danh mục tài liệu thì phải báo cáo lãnh đạo đơn vị trực tiếp phụ trách để lập biên bản ngay và thông báo cho cơ quan chuyển hồ sơ biết để phối hợp giải quyết. Ngày nhận hồ sơ là ngày cơ quan nhận hồ sơ tiếp nhận hồ sơ tại trụ sở của mình.
Trường hợp hồ sơ vụ việc dân sự được chuyển trực tiếp thì thủ tục giao nhận hồ sơ do Tòa án chuyển cho Viện kiểm sát được thực hiện tại trụ sở Viện kiểm sát; thủ tục giao nhận hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển trả cho Tòa án được thực hiện tại trụ sở Tòa án. Người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê danh mục tài liệu với tài liệu đã được đánh số trong hồ sơ. Việc giao nhận phải được lập biên bản, ghi rõ thời gian, địa điểm giao nhận hồ sơ, tình trạng hồ sơ, có chữ ký và họ tên của những người tiến hành giao nhận hồ sơ.
Điều 8. Chuyển giao tài liệu, chứng cứ được cung cấp, thu thập bổ sung cho Viện kiểm sát
Trước khi mở phiên tòa, phiên họp, nếu hồ sơ vụ việc dân sự đã được chuyển cho Viện kiểm sát mà có tài liệu, chứng cứ do đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập bổ sung thì Tòa án chuyển ngay cho Viện kiểm sát bản sao tài liệu, chứng cứ đó.
Điều 9. Thông báo, chuyển tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát thu thập
Tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát thu thập theo quy định tại khoản 6 Điều 97, khoản 2 Điều 330 BLTTDS được thông báo cho đương sự theo khoản 5 Điều 97 BLTTDS, được chuyển cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ việc dân sự và bảo quản tại Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 107 BLTTDS.
Điều 10. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác quy định tại khoản 1 Điều 41 BLTTDS được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 11. Gửi văn bản thông báo về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời
Văn bản thông báo của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 133, Điều 137, khoản 3 Điều 138 BLTTDS được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 12. Gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; văn bản thông báo ngày mở phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị; quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
1. Việc gửi văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 192, khoản 2 Điều 364 BLTTDS được thực hiện theo từng vụ, việc.
2. Tòa án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về ngày mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu ngay sau khi quyết định mở phiên họp.
3. Quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị của Thẩm phán quy định tại khoản 4 Điều 194, khoản 3 Điều 364 BLTTDS được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định tại khoản 7 Điều 194, khoản 3 Điều 364 BLTTDS được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Điều 13. Gửi văn bản thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa sau khi hoãn, việc tiếp tục tạm ngừng phiên tòa
1. Việc thông báo về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 233 BLTTDS được thực hiện bằng văn bản.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa và thời hạn tạm ngừng dưới 01 tháng; hết thời hạn này mà Tòa án quyết định tiếp tục tạm ngừng phiên tòa vì lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Tòa án thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc tiếp tục tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tối đa của việc tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Điều 14. Gửi văn bản thông báo về việc kháng cáo, thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo
1. Tòa án cấp sơ thẩm gửi ngay văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc kháng cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTDS. Việc gửi văn bản thông báo về việc kháng cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp được thực hiện theo từng vụ án. Trường hợp trong một vụ án có nhiều người kháng cáo thì Tòa án có thể thông báo trong một văn bản về việc kháng cáo của những người kháng cáo trong vụ án đó.
2. Trước khi mở phiên tòa mà người kháng cáo thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm gửi ngay văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 284 BLTTDS. Trường hợp trong một vụ án có nhiều người thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo thì Tòa án có thể thông báo trong một văn bản về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo của những người kháng cáo trong vụ án đó.
Điều 15. Gửi văn bản thông báo, quyết định về việc xem xét kháng cáo quá hạn
1. Tòa án cấp phúc thẩm gửi văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian mở phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 2 Điều 275 BLTTDS. Trường hợp hoãn phiên họp thì thông báo thời gian mở lại phiên họp sau khi hoãn.
2. Tòa án cấp phúc thẩm gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn, quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn quy định tại khoản 3 Điều 275 BLTTDS trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Điều 16. Gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn
Trường hợp tính đến ngày, tháng, năm ghi trên quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà đã quá thời hạn kháng nghị theo quy định tại các điều 280, 322, 372, 442, 446, 450 và 461 BLTTDS thì Tòa án cấp sơ thẩm nhận được kháng nghị có văn bản yêu cầu Viện kiểm sát đã kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn.
Văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 17. Gửi quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, văn bản thông báo về thời gian mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
1. Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án quy định tại khoản 2 Điều 335 BLTTDS.
Quyết định rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 2 Điều 335 BLTTDS được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm.
2. Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm gửi văn bản thông báo cho Viện kiểm sát về thời gian mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm; trường hợp hoãn phiên tòa thì thông báo thời gian mở lại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm sau khi hoãn. Việc thông báo được thực hiện chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa.
Điều 18. Gửi quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao xét kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 4 Điều 443, khoản 3 Điều 446, Điều 450 và khoản 6 Điều 462 BLTTDS được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Điều 19. Gửi quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo
1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, kết luận nội dung tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần hai cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại.
Chương III
VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ QUYỀN YÊU CẦU, QUYỀN KIẾN NGHỊ CỦA VIỆN KIỂM SÁT
Điều 20. Quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên
1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại BLTTDS và Thông tư liên tịch này.
2. Kiểm sát viên quyết định thực hiện các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị sau đây:
a) Các quyền yêu cầu, quyền kiến nghị quy định tại các khoản 3, 6 và 8 Điều 58, khoản 4 Điều 236, điểm c khoản 1 Điều 254, Điều 255, Điều 258 BLTTDS;
b) Yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự theo các điều 4, 5 và 6 Thông tư liên tịch này;
c) Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo Điều 21 Thông tư liên tịch này;
d) Yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo khoản 2 Điều 329, Điều 357 BLTTDS;
đ) Yêu cầu Tòa án, cơ quan khác, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo Điều 515 BLTTDS và khoản 3 Điều 34 Thông tư liên tịch này;
e) Kiến nghị quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc việc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa;
g) Kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo khoản 1 Điều 194, khoản 3 Điều 364 BLTTDS.
Điều 21. Yêu cầu Tòa án cho sao chụp bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ trong trường hợp trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
1. Trường hợp Viện kiểm sát cần xem xét kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc sau khi nhận được thông báo mở phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì Viện kiểm sát gửi văn bản yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ bản sao đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án giao cho Viện kiểm sát văn bản cần sao chụp theo yêu cầu tại trụ sở Tòa án. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được văn bản cần sao chụp, Viện kiểm sát phải trả lại văn bản cho Tòa án.
Điều 22. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ
1. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu Kiểm sát viên xét thấy cần xác minh, thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật thì Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 BLTTDS.
2. Trước khi mở phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Tòa án gửi cho Kiểm sát viên bản sao tài liệu, chứng cứ ngay sau khi Tòa án thu thập được. Nếu tại phiên tòa, phiên họp, Tòa án mới nhận được tài liệu, chứng cứ đó thì Tòa án công bố tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 254, khoản 1 Điều 303 BLTTDS.
Trường hợp việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được hoặc Tòa án xét thấy không cần thiết thì chậm nhất là đến ngày hết thời hạn mở phiên tòa, phiên họp theo quyết định của Tòa án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó. Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS, Thẩm phán, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên. Trường hợp Thẩm phán, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên thì phải nêu rõ lý do, Kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp. Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp và việc Thẩm phán, Hội đồng chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên phải được ghi vào biên bản phiên tòa, phiên họp.
Trường hợp đã tạm ngừng phiên tòa, phiên họp nhưng việc xác minh, thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Kiểm sát viên là không thể thực hiện được thì trước ngày Tòa án tiếp tục xét xử vụ án, Tòa án thông báo cho Kiểm sát viên bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 23. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa, phiên họp
Sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên có quyền xem biên bản phiên tòa, phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Yêu cầu của Kiểm sát viên được thực hiện ngay và Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 236 BLTTDS.
Chương IV
VIỆN KIỂM SÁT THAM GIA PHIÊN TÒA, PHIÊN HỌP
Điều 24. Thông báo Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Đối với vụ việc dân sự thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa, phiên họp thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ việc dân sự theo quy định tại các điều 196, 285 và 365 BLTTDS, thụ lý hồ sơ theo quy định tại Điều 436, khoản 3 Điều 446, khoản 1 Điều 449 và Điều 455 BLTTDS, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.
Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu Viện kiểm sát phát hiện vụ án dân sự thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm mà đã hết thời hạn Viện kiểm sát phải gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa quy định tại khoản này thì Viện kiểm sát gửi ngay cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Tòa án gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát nghiên cứu, tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch này.
2. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp phúc thẩm giải quyết việc dân sự, phiên họp xét lại quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở phiên họp của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp.
3. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, phiên họp phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, phiên họp xét kháng cáo quá hạn, xét lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp ngay sau khi nhận được thông báo của Tòa án về thời gian mở phiên họp.
4. Trường hợp vụ án phức tạp hoặc xét thấy cần thiết thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thể phân công Kiểm sát viên dự khuyết.
Quyết định phân công Kiểm sát viên tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này phải nêu rõ họ tên của Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có).
Điều 25. Thông báo thay đổi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp
1. Sau khi đã gửi cho Tòa án quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp, nếu thay đổi Kiểm sát viên đó thì Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Trong quyết định thay đổi phải ghi đầy đủ họ tên của Kiểm sát viên thay thế.
2. Trước khi mở phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, nếu Tòa án nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên thì Tòa án chuyển ngay đơn yêu cầu đó cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 62, khoản 3 Điều 368 BLTTDS. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên hoặc chậm nhất là 01 ngày trước ngày mở phiên tòa, phiên họp trong trường hợp tính đến ngày mở phiên tòa, phiên họp theo ấn định của Tòa án, thời gian còn lại không quá 07 ngày, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên hoặc văn bản thông báo không thay đổi Kiểm sát viên, có nêu rõ lý do.
Trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị, nếu nhận được đơn yêu cầu thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa, phiên họp nhưng tính đến ngày mở phiên tòa, phiên họp theo ấn định của Tòa án, thời gian còn lại không quá 07 ngày mà Viện kiểm sát chưa phân công được Kiểm sát viên khác thay thế thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án. Trường hợp thay đổi Kiểm sát viên thì Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Trường hợp không thay đổi Kiểm sát viên thì Viện kiểm sát thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Nếu tại phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định thay đổi Kiểm sát viên và ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp thì Tòa án gửi ngay quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 62, khoản 3 Điều 368 BLTTDS.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoãn phiên tòa, phiên họp, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án quyết định thay đổi Kiểm sát viên.
Điều 26. Viện kiểm sát tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
1. Kiểm sát viên được phân công có nhiệm vụ tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kiến nghị.
2. Tại phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại của người khởi kiện, người yêu cầu, Kiểm sát viên phát biểu về các vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của khiếu nại;
b) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng trong việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu;
c) Tính có căn cứ và hợp pháp của việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; quan điểm của Viện kiểm sát về việc giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc nhận lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
3. Tại phiên họp xem xét, giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về các vấn đề sau đây:
a) Nội dung kiến nghị và căn cứ của việc kiến nghị; có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kiến nghị của Viện kiểm sát về việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Nội dung hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc nhận lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.
4. Trường hợp vừa có khiếu nại của người khởi kiện, người yêu cầu, vừa có kiến nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2, khoản 3 Điều này.
Điều 27. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm
Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn) đối với những vụ án dân sự sau đây:
1. Vụ án dân sự do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 và các điều 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 và 106 BLTTDS.
2. Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng:
a) Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật.
Ví dụ: Vụ án dân sự tranh chấp về tài sản của một cơ quan nhà nước mà tài sản đó được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
b) Lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư.
Ví dụ: Vụ án dân sự mà người khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường.
3. Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, bao gồm:
a) Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất hoặc ai là người có quyền sở hữu nhà ở.
Ví dụ: A và B tranh chấp với nhau về quyền sử dụng đất đối với một thửa đất có diện tích là 500 m2 hiện do B đang quản lý, sử dụng. A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để buộc B phải trả lại thửa đất đó cho A. Trong trường hợp này, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.
b) Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở (gồm: tranh chấp về hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất; tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà ở; tranh chấp về hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở; tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng tặng cho nhà ở; tranh chấp về hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng giá trị nhà ở…).
Đối với tranh chấp về hợp đồng có liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc nhà ở nhưng quyền sử dụng đất hoặc nhà ở đó không phải là đối tượng của hợp đồng thì không thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
Ví dụ: A vay ngân hàng B số tiền là 500 triệu đồng, đồng thời thế chấp cho ngân hàng một ngôi nhà và quyền sử dụng đất giá trị 01 tỷ đồng. Đến thời hạn trả nợ, A không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng không xử lý được vì khu đất này đang trong diện quy hoạch, không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng. Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc A phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong vụ án dân sự này, đối tượng tranh chấp là khoản tiền A vay ngân hàng, không phải là quyền sử dụng đất và nhà ở A dùng để thế chấp, do đó, không thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
c) Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế nhà ở;
d) Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất hoặc đòi lại nhà ở đang cho mượn, cho sử dụng nhờ;
đ) Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở trong thời kỳ hôn nhân;
e) Tranh chấp về chia tài sản là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở khi ly hôn, sau khi ly hôn;
g) Tranh chấp trong các giao dịch dân sự khác có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở.
4. Vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, cụ thể như sau:
a) Người mất năng lực hành vi dân sự là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
b) Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
c) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Vụ án dân sự chưa có điều luật để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS.
Điều 28. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm
1. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn), sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về những vấn đề sau đây:
a) Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu; trường hợp không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận của Hội đồng xét xử được thảo luận và thông qua tại phòng xử án và được ghi vào biên bản phiên tòa.
b) Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án;
c) Về việc giải quyết vụ án như sau:
c1) Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung tranh chấp và các tình tiết của vụ án;
c2) Đánh giá, nhận định về tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án;
c3) Nêu rõ căn cứ pháp luật hoặc các căn cứ quy định tại Điều 45 BLTTDS được áp dụng để giải quyết vụ án; đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có);
c4) Nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, đề nghị của nguyên đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
2. Tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về những vấn đề sau đây:
a) Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng giải quyết việc dân sự, Thư ký phiên họp kể từ khi thụ lý việc dân sự cho đến trước thời điểm Thẩm phán, Hội đồng ra quyết định giải quyết việc dân sự;
Trường hợp Kiểm sát viên yêu cầu Thẩm phán, Hội đồng khắc phục vi phạm về thủ tục tố tụng thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này.
b) Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý việc dân sự cho đến trước thời điểm Thẩm phán, Hội đồng ra quyết định giải quyết việc dân sự;
c) Về việc giải quyết việc dân sự như sau:
c1) Tính có căn cứ và hợp pháp của yêu cầu giải quyết việc dân sự;
c2) Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung sự việc, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ;
c3) Nêu rõ căn cứ pháp luật hoặc các căn cứ quy định tại Điều 45 BLTTDS được áp dụng để giải quyết việc dân sự; đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có);
c4) Nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.
Điều 29. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn
Tại phiên họp xét kháng cáo quá hạn, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn cho đến trước thời điểm Hội đồng xét kháng cáo quá hạn ra quyết định; phát biểu quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, phân tích làm rõ quan điểm của Viện kiểm sát.
Điều 30. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm
1. Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thì tại phiên tòa phúc thẩm (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn), phiên họp phúc thẩm, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định sơ thẩm;
b) Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự phát biểu về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu;
c) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm;
d) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị.
2. Trường hợp chỉ có kháng cáo của đương sự thì Kiểm sát viên phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng cáo;
b) Các nội dung hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo.
3. Trường hợp vừa có kháng cáo của đương sự, vừa có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau đây:
a) Về kháng cáo của đương sự theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Về kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu trong trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều này;
d) Về các nội dung hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều này;
đ) Quan điểm về việc giải quyết đối với bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
4. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.
Điều 31. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
1. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về những vấn đề sau đây:
a) Nội dung kháng nghị và căn cứ của việc kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
b) Trường hợp đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác được Tòa án triệu tập đến phiên tòa trình bày ý kiến về kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về những vấn đề mà đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác đã nêu;
c) Quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án kháng nghị thì tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày, phát biểu về những vấn đề sau đây:
a) Tính có căn cứ và hợp pháp của kháng nghị, nêu rõ lý do nhất trí hoặc không nhất trí với quan điểm kháng nghị của Chánh án Tòa án;
b) Quan điểm về việc giải quyết vụ việc dân sự.
3. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
Điều 32. Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xét đơn yêu cầu trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài
Tại phiên họp xét đơn yêu cầu trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 28 Thông tư liên tịch này.
Điều 33. Kiểm sát viên tham gia phiên họp xét kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài
1. Kiểm sát viên vắng mặt tại phiên họp xét quyết định bị kháng cáo, kháng nghị trong thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị.
2. Tại phiên họp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại các khoản 1, 2 hoặc 3 Điều 30 Thông tư liên tịch này.
Chương V
KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 34. Quyền yêu cầu của Viện kiểm sát đối với Tòa án
1. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương XLI BLTTDS khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định;
b) Viện kiểm sát có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này, Tòa án được yêu cầu phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã yêu cầu biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án cấp mình và Tòa án cấp dưới khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật trong khi giải quyết;
c) Viện kiểm sát có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi giải quyết.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản này, Tòa án được yêu cầu phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã yêu cầu biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
3. Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Viện kiểm sát đã yêu cầu theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát;
c) Đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người khiếu nại vẫn tiếp tục khiếu nại;
d) Khi Viện kiểm sát cần xem xét hồ sơ, tài liệu để quyết định việc kiến nghị.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát trong trường hợp theo hướng dẫn tại các điểm a, b, c và d khoản này, Tòa án gửi hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát đã yêu cầu.
Điều 35. Quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với Tòa án
1. Trường hợp có căn cứ xác định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án, người có thẩm quyền không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án cùng cấp và Tòa án cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu theo quy định tại Điều 34 của Thông tư liên tịch này hoặc có kiến nghị theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án cấp trên.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã kiến nghị biết. Trường hợp vụ việc phức tạp, cần có thêm thời gian thì Tòa án có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết và trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 36. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 10 năm 2016.
2. Các quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm đối với vụ án có đương sự là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 có hiệu lực thi hành).
Điều 37. Quy định chuyển tiếp
Áp dụng quy định của Thông tư liên tịch này đối với những vụ việc dân sự đã được thụ lý, giải quyết trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành như sau:
1. Đối với những vụ việc dân sự đã được Tòa án thụ lý giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, thì không áp dụng quy định của Thông tư liên tịch này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
2. Đối với những vụ án dân sự thuộc các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS và được hướng dẫn tại Điều 27 của Thông tư liên tịch này mà đã được Tòa án thụ lý trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành và Tòa án chưa chuyển hồ sơ vụ án dân sự đó cho Viện kiểm sát nghiên cứu, tham gia phiên tòa, nhưng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định của Thông tư liên tịch này.
3. Đối với vụ án dân sự được xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành, nhưng kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị Tòa án cấp có thẩm quyền giám đốc thẩm hoặc tái thẩm tuyên hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì việc Viện kiểm sát tham gia phiên tòa được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch này.
Điều 38. Về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, quyết định./.

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH ÁN




Tống Anh Hào

KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thủy Khiêm

 

Nơi nhận:
- Ủy ban tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban pháp luật của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo CCTPTW;
- Ban Nội chính trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Công báo (02 bản);
- Lưu: VT TANDTC, VKSNDTC (4).

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE SUPREME PEOPLE’S PROCURACY - THE SUPREME PEOPLE’S COURT
_________

No. 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
____________

Hanoi, August 31, 2016

JOINT CIRCULAR

Regulations on coordination between the people's procuracies and the people's courts in the implementation of a number of provisions of the Civil Procedure Code

 

Pursuant to the Law on Organization of People’s Procuracies dated November 24, 2014;

Pursuant to the Law on Organization of People’s Courts dated November 24, 2014;

Pursuant to the Civil Procedure Code dated November 25, 2015;

Pursuant to the Law on Promulgation of Legal Documents dated June 22, 2015;

The Prosecutor General of the Supreme People’s Procuracy and the Chief Justice of the Supreme People’s Court promulgate the Joint Circular providing regulations on coordination between the people's procuracies and the people's courts in the implementation of a number of provisions of the Civil Procedure Code (hereinafter referred to as CPC).

 

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

 

Article 1. Scope of regulation

This Joint Circular regulates the coordination in implementing a number of tasks, powers and responsibilities of the Procuracy and Court in supervising the settlement of a civil case or matter; participating in court hearings and meetings of the Court; sending files, documents and evidence, sending procedural documents; supervising the settlement of complaints and denunciations and exercising the procuracy's rights to request, recommend or protest in civil procedures.

Article 2. Signing of the protest decision

A chief justice or chief procurator who has decided to protest shall directly sign the protest decision or assign a deputy chief justice or a deputy chief procurator to sign the protest decision. A deputy chief justice or a deputy chief procurator signing the protest decision must clearly state "sign on behalf of the chief justice" or "sign on behalf of the chief procurator".

Article 3. Responsibilities of the court and procuracy in case the court institutes a criminal case

After receiving the decision to institute a criminal case, documents and evidence proving the criminal act sent by the court as prescribed in Clause 1, Article 497 of the CPC, the procuracy shall send the decision to institute criminal cases, documents and evidence to the competent investigative agency to conduct the investigation and notify the court. If the court's decision to institute a criminal case is groundless, the procuracy shall protest to a higher court.

The investigation of a criminal case or the settlement of a protest by the procuracy shall comply with the provisions of the Criminal Procedure Code and other relevant laws.

 

Chapter II

SENDING FILES, DOCUMENTS, EVIDENCE AND PROCEDURAL DOCUMENTS BETWEEN COURTS AND PROCURACIES

 

Article 4. The court shall send the civil case files to the procuracy to participate in the court hearing or meeting

1. For a first-instance court hearing, appeal court hearing, cassation court hearing, reopening court hearing, the sending of a civil case file to the procuracy shall comply with Clause 2 Article 220, Article 292, Clause 3 Article 318, Clause 2 Article 323, Clause 2 Article 336, Article 357 of the CPC.

In case the Prosecutor General of the Supreme People’s Procuracy or the Chief Justice of the Supreme People’s Court protests through cassation or reopening procedures against legally effective judgments or decisions of provincial-level and district-level people’s courts, the decision to protest together with the case file shall be immediately sent to the superior people's court. After accepting a civil case for cassation or reopening trial, the superior people's court shall immediately send the case dossier to the superior people’s procuracy for study and participation in the trial. Within 15 days after receiving the file, the superior people’s procuracy shall return it to the superior people's court.

2. For a meeting to consider the overdue appeal, the appeal court shall forward the overdue appeal petition, the appellant’s written explanation of the reason for late filing of the appeal, documents and evidence (if any) to the same-level procuracy. Within 5 days after receiving an overdue appeal petition, documents and evidence, the procuracy shall return it to the court.

3. For an appellate meeting to consider the first-instance court's decision which is appealed or protested against, the appeal court shall send the case file to the same-level procuracy. Within 15 days after receiving the file, the procuracy shall return it to people's court.

4. For a meeting to consider the petition or a meeting to consider the appeal or protest in the procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts which are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards, the court shall send the file together with the decision to open a meeting to the same-level procuracy within 15 days before the date of opening the meeting. Within 15 days after receiving the file, the procuracy shall return it to people's court.

5. For a meeting to review a decision of the Judicial Council of the Supreme People’s Court according to special procedures or a meeting to settle a civil matter, the sending of a civil case or matter file to the procuracy shall comply with Clauses 1 and 5 Article 359, Clause 3 Article 366, and Clause 3 Article 373 of the CPC.

In case there is a request from the National Assembly Standing Committee, a recommendation from the Judicial Committee of the National Assembly or a proposal from the Chief Justice of the Supreme People’s Court on reconsidering the decision of the Judicial Council of Supreme People’s Court, the Supreme People’s Court shall send to the Supreme People's Procuracy a copy of such written request, recommendation or proposal together with the case file within 5 days from the date of receipt of such request, recommendation or proposal.

6. In case the procuracy has received files for consideration and protest according to appeal, cessation, reopening procedures or consideration of petitions according to special procedures, the court is not required to send the file to that procuracy to participate in the court hearing or meeting, but only sends the decision to bring the case to trial and the decision to open a meeting to the procuracy in accordance with the CPC and this Joint Circular.

Article 5. Sending of a civil case file from the court to the procuracy to consider the protest

1. The sending of a civil case or matter file to the procuracy to consider the protest according to appellate procedures, considering and protesting against court decisions in the procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts which are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards shall be implemented as follows:

a) After receiving the judgment or decision of the first-instance court that has not yet taken legal effect, if the same-level procuracy or the immediate higher-level procuracy deems it necessary to study the civil case or matter file to consider the protest according to appellate procedures, the procuracies shall send a written request to the first-instance court to send the file to the procuracies.

After receiving one of the decisions specified in Clauses 4 and 5 of Article 437, Clause 5 Article 438, Clause 3 Article 446, Clause 1 Article 449, Clauses 2 and 3 Article 457, and Clause 5 Article 458 of the CPC, if the provincial-level people’s procuracy or superior people’s procuracy deems it necessary to study the file to consider the protest, the procuracy shall send a written request to the court managing the file to send the file to the procuracy.

b) Within 3 working days from the date of receiving the request, the court shall transfer the file to the procuracy as requested in writing.

c) Immediately after the expiration of the time limit for protest specified in Clauses 1 and 2 Article 280, Clause 2 Article 322, Clause 2 Article 372, Clause 2 Article 442, Clause 3 Article 446, Article 450, and Clause 2 Article 461 of the CPC, the procuracy shall return the file to the court that has sent such file to it.

2. When a competent Court or Procuracy deems it necessary to study the civil case or matter file to consider a protest according to cassation or reopening procedures, the sending of the civil case or matter file shall be carried out as follows:

a) The superior people's court, the superior people's procuracy shall send a written request to the provincial-level people's court or the district-level people's court which has issued the legally effective judgment or decision to transfer such case or matter file to the superior people's court, the superior people's procuracy. The Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy shall send a written request to the court managing such file to send such civil case or matter file to the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy.

Within 7 working days after receiving the written request for sending of the file, the court shall send the civil case or matter file to the court and the procuracy as requested in writing.

Within 6 months from the date of receipt of the file or in case the remaining time limit for protest according to cassation or reopening procedures is not more than 6 months, immediately after the expiration of the protest time limit specified in Article 334 or Article 355 of the CPC, the court and the procuracy shall return the file to the court that has sent the file to them.

b) In case the Prosecutor General of the Supreme People’s Procuracy or the chief procurator of a superior people’s procuracy protests against cassation or reopening, the procuracy shall immediately transfer the case or matter file together with the protest decision to the court with cassation or reopening competence in accordance with Clause 3 Article 336 or Article 357 of the CPC; and notify the court that has sent the file to the procuracy.

3. In case both the court and the procuracy request the sending of civil case or matter file for consideration and protest according to cassation or reopening procedures, the sending shall be carried out as follows:

a) In case of receiving the same written request from both the court and the procuracy or in case the procuracy’s written request arrived first but within 7 working days from the date of receipt of the request, the court's request arrives while the file has not been sent to the procuracy, the court managing the file shall send the file to the requesting court and notify in writing the requesting procuracy.

b) In case the court or the procuracy is the agency that receives the file first, within 3 months (or not exceeding 6 months for complex cases or objective obstacles) from the date of receiving the file, if the court or procuracy does not protest, the sending of the file shall be carried out as follows:

b1) In case the requesting court is the agency that receives the file first, but fails to protest within the time limit guided at Point b of this Clause, if the procuracy continues to request the sending of the file, the requesting court shall send the file to the procuracy that has made the request and immediately notify the court that has sent the file; if the procuracy has made a request not to continue the file sending request, the court shall return the file to the court that has sent the file.

Within the time limit guided at Point b of this Clause, if the requesting procuracy receives the file but fails to protest, the procuracy shall send the civil case or matter file to the court that has initially sent the file.

b2) In case the requesting procuracy is the agency that receives the file first, but fails to protest within the time limit guided at Point b of this Clause, if the court continues to request the sending of the file, the procuracy shall send the file to the court that has made the request and immediately notify the court that has initially sent the file; if the court has made a request not to continue file sending request, the procuracy shall return the file to the court that has initially sent the file.

Within the time limit guided at Point b of this Clause, if the requesting court receives the file but fails to protest, the court shall send the civil case or matter file to the court that has initially sent the file.

c) In case where the court managing the files received a request from a court or a procuracy first and at this time there is no request for postponement of the enforcement of judgment, if within 7 days from the date of receipt of the request, the file has not been sent to that agency, the managing court shall transfer the file to the court or the procuracy that requested the postponement and notify the agency of the not sending of the file .

d) The Court and the Procuracy shall cooperate in sending the case file to ensure the consideration of the protest in one of the following cases:

d1) The remaining time limit for protest according to cassation or reopening procedures is not exceed 6 months;

d2) After the court has transferred the file to the requesting court or procuracy without receiving a request for postponement of the enforcement of judgment, it receives a request to send the file from the court or procuracy requesting the postponement of the enforcement of judgment.

d3) For the purpose of serving the supervision activities of competent agencies, organizations and persons.

Article 6. Sending of files for consideration of petitions or request for reconsideration of decisions of the Judicial Council of Supreme People’s Court

When a court or procuracy deems it necessary to study the case file to consider the petition or request for reconsideration of the decision of the Judicial Council of the Supreme People's Court, the sending of the case file shall be carried out as follows:

1. The Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy shall send a written request to the court managing the file to send the case file to the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy.

Within 7 working days after receiving the written request for sending of the file, the court managing the file shall send the case file to the Supreme People’s Court and the Supreme People’s Procuracy.

Within 6 months from the date of receipt of the file, the Supreme People's Court and the Supreme People's Procuracy shall return the file to the court that has sent the file to them.

2. In case the Prosecutor General of the Supreme People’s Procuracy proposes to review the decision of the Judicial Council of the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy shall immediately send the case file together with the petition to the Supreme People's Court; and notify the Court that has sent the file.

Article 7. Modes of sending files

The sending of civil case or matter files shall be carried out by post or in person.

All documents included in the civil case or matter file (including old documents and newly added documents, if any) must be numbered and arranged in accordance with the provisions of Clause 2 Article 204 of the CPC and a list of documents must be attached. Before sending the civil case or matter file from the court to the procuracy or vice versa, the sending agency must fully inspect the documents in the civil case or matter file.

In case the file is sent by post, the first person who directly receives the file of the procuracy or the court shall check the seal of the file; if the seal is no longer intact, a written record must be immediately made to confirm the status of the file, with confirmation from the postal staff, and a report shall be sent to the leader of the unit directly in charge, and a notice shall be immediately sent to the sending agency for coordination in handling. In case the seal is intact but the documents contained in the file are missing compared to the list of documents, it must be reported to the leader of the unit directly in charge to make a written record immediately and notify the sending agency for coordination in handling. The date of receipt of the file is the date the file-receiving agency receives the file at its head office.

In case the civil case file is directly sent, the procedures for handing over and receiving the file from the court to the procuracy shall be carried out at the head office of the procuracy; the procedures for handing over and receiving the file from the procuracy to the court shall be carried out at the head office of the court. Recipients must compare the list of documents with the numbered documents in the file. The handing over and receiving must be recorded in writing, clearly stating the time, place of handover and receipt of the file, the status of the file, and the signatures and full names of the persons conducting the handover and receipt of the file.

Article 8. Transfer of documents and evidence additionally provided and collected to the procuracy

Before opening a court hearing or meeting, if the civil case or matter file has been sent to the procuracy but there are documents and evidence provided to the court by involved parties, individuals, agencies or organizations, or additionally collected by the court, the court shall immediately send to the procuracy copies of such documents and evidence.

Article 9. Notification and sending of documents and evidence collected by the procuracy

Documents and evidence collected by the procuracy under Clause 6 Article 97 and Clause 2 Article 330 of the CPC shall be notified to involved parties in accordance with Clause 5 Article 97 of the CPC, and sent to the court for inclusion in the civil case or matter file and preserved at the court under Clause 1 Article 107 of the CPC.

Article 10. Sending decisions on settlement of complaints and petitions about the transfer of a civil case or matter to another court

Decisions on settlement of complaints and petitions about the transfer of a civil case or matter to another court specified in Clause 1 Article 41 of the CPC shall be immediately sent to the same-level procuracy.

Article 11. Sending of a written notice of the refusal to issue a decision to apply, change or cancel the provisional urgent measure

The judge's written notice of refusal to issue a decision to apply, change or cancel the provisional urgent measures specified at Point a Clause 2 and Clause 3 Article 133, Article 137 and Clause 3 Article 138 of the CPC shall be immediately sent to the same-level procuracy.

Article 12. Sending of written return of lawsuit petition or written request; written notice of the opening date of the meeting to settle complaints and recommendations; decision on settlement of complaints and recommendations on the return of lawsuit petition or written request

1. The sending of written return of lawsuit petition or written request to the same-level procuracy as prescribed in Clause 2 Article 192 and Clause 2 Article 364 of the CPC shall be carried out on a case-by-case basis.

2. The court shall notify in writing the same-level procuracy of the date of opening a meeting to consider and settle complaints and recommendations about the return of lawsuit petition or written request immediately after deciding to open the meeting.

3. The judge's decision to respond to complaints and recommendations specified in Clause 4 Article 194, Clause 3 Article 364 of the CPC shall be immediately sent to the same-level procuracies. The decision on the settlement of complaints and recommendations of the chief justice of a superior people’s court or the Chief Justice of the Supreme People’s Court as prescribed in Clause 7 Article 194, Clause 3 Article 364 of the CPC shall be sent to the same-level procuracy and the procuracy that have made the recommendations within 3 working days from the date of issuance of the decision.

Article 13. Sending of a written notice of the time and place to re-open the court hearing after the postponement and the continuation of adjournment of a court hearing

1. The notification of the time and place to re-open the court hearing as prescribed in Clause 4 Article 233 of the CPC shall be made in writing.

2. If the trial panel has decided to suspend the court hearing for a period of less than one month; upon the expiration of this period, if the court decides to continue suspending the court hearing because the reason for the suspension of the court hearing has not been remedied, the court shall immediately notify in writing the same-level procuracy of the continuation of the adjournment. The time limit for adjournment of a court hearing is 1 month, counting from the date the trial panel decides to suspend the court hearing.

Article 14. Sending of a written notice of an appeal, change or addition of an appeal and withdrawal of an appeal

1. The first-instance court shall immediately send a written notice to the same-level procuracy about the appeal as prescribed in Clause 1 Article 277 of the CPC. The sending of a written notice of an appeal to the same-level procuracy shall be carried out on a case-by-case basis. Where in a case there are many appellants, the court may notify the appeal of such appellants in one written notice.

2. Before opening a court hearing, if the appellant changes, supplements or withdraws his/her appeal, the appeal court shall immediately send a written notice to the same-level procuracy of the change, supplementation or withdrawal of the appeal according to Clause 4 Article 284 of the CPC. Where in a case there are many appellants change, supplement or withdraw their appeal, the court may notify the appellants’ change, supplementation or withdrawal of the appeal in one written notice.

Article 15. Sending of a written notice, decision on consideration of an overdue appeal

1. The appeal court shall send a written notice the same-level procuracy about of the time to open the meeting to consider the overdue appeal specified in Clause 2 Article 275 of the CPC. In case of postponement of a meeting, the court shall notify the time of reopening of the meeting after the postponement.

2. The appeal court shall send to the same-level procuracy the decision to accept the overdue appeal or the decision not to accept the overdue appeal specified in Clause 3 Article 275 of the CPC within 5 working days from the date of issuance of the decision.

Article 16. Sending of a written explanation of the reason for an overdue protest

In cases where the date, month, year indicated on the protest decision of the procuracy has exceeded the time limit for protest as prescribed in Articles 280, 322, 372, 442, 446, 450 and 461 of the CPC, the first-instance court receiving the protest shall send a written request to the procuracy that protested to explain the reason for the overdue protest.

The procuracy's written explanation of the reason for the overdue protest shall be sent to the court within 5 working days from the date of receipt of the request.

Article 17. Sending of the decision to withdraw the protest according to cassation or reopening procedures, and written notice of the time of opening the cassation or reopening court hearing

1. The court competent to hear the case according to cassation or reopening procedures shall immediately send to the same-level procuracy the decision to withdraw the protest according to cassation or reopening procedures of the chief justice specified in Clause 2 Article 335 of the CPC.

The decision to withdraw the protest according to cassation or reopening procedures of the chief procurator specified in Clause 2 Article 335 of the CPC shall be immediately sent to the court competent to hear the case according to cassation or reopening procedures.

2. The court competent to hear the case according to cassation or reopening procedures shall send written notices to the procuracy of the time of opening the cassation or reopening court hearings. In case of postponement, the time for reopening the cassation or reopening court hearings after postponement shall be notified. The notification shall be made at least 7 days before the date of opening the court hearing.

Article 18. Sending of the decision of the superior people’s court to consider an appeal or a protest in the procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts which are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards

The decision of the superior people’s court to consider the appealed or protested decision in the procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts which are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards under Clause 4 Article 443, Clause 3 Article 446, Article 450 and Clause 6 Article 462 of the CPC, shall be send to the same-level procuracy within 15 days from the date of issuance of the decisions.

Article 19. Sending of the decision on settlement of a complaint and conclusion on denunciation contents

1. The court competent to settle complaints and denunciations shall send the first-time complaint settlement decision and conclusion on denunciation contents to the same-level procuracy within 3 working days from the date of issuance of the decision on settlement of a complaint and conclusion on denunciation contents.

2. The court competent to settle complaints shall send the second-time complaint settlement decision to the same-level procuracy within 7 days from the date of issuance of the decision on settlement of a complaint.

 

Chapter III

IMPLEMENTATION OF SOME RIGHTS TO REQUEST AND MAKE RECOMMENDATIONS OF THE PROCURACIES

 

Article 20. The rights to request and make recommendations of chief procurators and procurators

1. The chief procurators shall decide to exercise the rights to request and make recommendations specified in the CPC and this Joint Circular.

2. The procurator shall decide to exercise the following rights to request and make recommendations:

a) The rights to request and make recommendations specified in Clauses 3, 6 and 8 Article 58, Clause 4 Article 236, Point c Clause 1 Article 254, Article 255 and Article 258 of the CPC;

b) Request the court to send the civil case or matter file according to Articles 4, 5 and 6 of this Joint Circular;

c) Request the court to allow to copy the lawsuit petition or written request and documents and evidence in case of the return of the lawsuit petition or written request according to Article 21 of this Joint Circular;

d) Request the petitioner to amend and supplement the petition for review of a court’s legally effective judgment or decision according to cassation or reopening procedures under Clause 2 Article 329, Article 357 of the CPC;

dd) Request the court, other agencies, organizations and individuals to provide dossiers and documents on the settlement of complaints and denunciations according to Article 515 of the CPC and Clause 3 Article 34 of this Joint Circular;

e) Recommendations about the decision on application, change or cancellation or non-application, non-change or non-cancellation of a provisional urgent measure at court hearings;

g) Recommendations about the return of the lawsuit petition or written request to the court that returned the lawsuit petition or written request under Clause 1 Article 194, Clause 3 Article 364 of the CPC.

Article 21. Requesting the court to allow to copy the lawsuit petition, written request, documents and evidence in case of the return of the lawsuit petition or written request

1. In case the procuracy needs to consider and recommend the return of a lawsuit petition or a written request or after receiving the notice of opening a meeting to settle complaints about the return of the lawsuit petition or the written request, the procuracy shall send a written request to the court to allow to copy some or all of the copies of the lawsuit petition, written request, documents and evidence.

2. Within 24 hours after receiving the procuracy's request, the court shall send to the procuracy the documents to be copied upon request at the court's headquarters. Within 24 hours after receiving the documents to be copied, the procuracy must return the documents to the court.

Article 22. Requesting the court to verify and collect evidence

1. During the settlement of a civil case or matter, if the procurator deems it necessary to verify and collect more evidence to ensure the timely and lawful settlement of the civil case or matter, the procurator shall send a written request to request the court to verify and collect evidence as prescribed in Clause 3 Article 58 of the CPC.

2. Before opening a court hearing or meeting, the procurator shall send a written request to the court to verify and collect evidence to the court currently settling the civil case or matter. The written request must clearly state the evidence to be verified and collected, the reasons for the verification and collection of such evidence. The court shall send the procurator copies of documents and evidence as soon as they are collected by the court. If the court receives the documents and evidence during the court hearing or meeting, the Court shall publicize such documents and evidence in accordance with Point c Clause 1 Article 254 and Clause 1 Article 303 of the CPC.

If it is impossible to conduct the verification and collection of evidence at the request of the procurator, or if the court deems it unnecessary to conduct the verification and collection, no later than the date of expiration of the time limit for opening the court hearing or meeting under the court decision, the court shall notify the procurator in writing and clearly state the reasons thereof.

3. At the court hearing or meeting, the procurator who requests the court to verify and collect evidence must clearly state the evidence to be verified and collected, and the reasons for the verification and collection of such evidence. Pursuant to the provisions of Point c Clause 1 Article 259 of the CPC, the judge or trial panel shall decide to accept or reject the procurator's request. If the judge or trial panel rejects the procurator's request, the reason must be clearly stated and the procurator shall continue to participate in the court hearing or meeting. Request the court to verify and collect evidence of the procurator at the court hearing or meeting, and the judge's or council's acceptance or rejection of the procurator's request must be recorded in the minutes of the court hearing or meeting.

In case the court hearing or meeting has been suspended but the verification and collection of evidence at the request of the procurator are impossible to perform, the court shall notify the procurator in writing and state the reasons before the court resumes the trial.

Article 23. Request for amendment and supplementation of minutes of a court hearing and meeting

At the end of a court hearing, the procurator has the right to read the minutes of the court hearing or meeting, and to request revisions and additions to the minutes. The procurator's request shall be immediately executed and the procurator shall sign for certification of the amended and supplemented contents as prescribed in Clause 4 Article 236 of the CPC.

 

Chapter IV

PROCURACIES’ PARTICIPATION IN COURT HEARINGS OR MEETINGS

 

Article 24. Notification of a procurator to participate in a court hearing or meeting

1. For a civil case or matter in which the procuracy must participate in a court hearing or meeting, within 10 days from the date of receipt of the court's written notice of acceptance of the civil case or matter as prescribed in Articles 196, 285 and 365 of the CPC, acceptance of a case file as prescribed in Article 436, Clause 3 Article 446, Clause 1 Article 449 and Article 455 of the CPC, the procuracy shall send to the court the decision on assignment of procurator to participate in the court hearing or meeting.

Before a decision to bring a case to trial is issued, if the procuracy discovers that the civil case falls into the case that the procuracy must participate in the first-instance court hearing, which has expired, the procuracy shall immediately send to the court the decision on assignment of procurator to participate in the court hearing. The court shall send the case file to the procuracy for study and participation in the first-instance court hearing as prescribed in Clause 1 Article 4 of this Joint Circular.

2. In case the procuracy participates in an appellate meeting to settle a civil matter or the meeting to review the appealed or protested decision in the procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts which are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards, the procuracy shall send to the court the decision on assignment of procurator to participate in the meeting within 7 days from the date of receipt of the court's decision to open the meeting.

3. In case the procuracy participates in a meeting to consider and settle complaints or recommendations about the return of a lawsuit petition, written request or an appellate meeting of a first-instance court’s decision which is appealed or protested against or a meeting to consider an overdue appeal or a meeting to consider reasons for late submission of the receipt of the appeal court fee advance, the procuracy shall send to the court the decision on assignment of procurator to participate in the meeting immediately after receiving the court's notification of the time to open the meeting.

4. If the case is complicated or deems it necessary, the chief procurator may assign an alternate procurator.

The full name of the procurator and alternate procurator (if any) in the decision on assignment of procurator in Clauses 1, 2 and 3 of this Article must be clearly stated.

Article 25. Notification of replacement of a procurator participating in a court hearing or meeting

1. After sending to the court a decision on assignment of a procurator to participate in a court hearing or meeting, if there is a change in the assigned prosecutor, the procuracy shall send to the court a decision on replacement of the procurator. The full name of the alternate procurator shall be written in the decision on replacement.

2. Before opening a court hearing or meeting to settle a civil case or matter, if the court receives a written request for replacement of a procurator, the court shall immediately send such written request to a chief procurator competent to consider and decide under Clause 1 Article 62 and Clause 3 Article 368 of the CPC. Within 7 days from the date of receipt of the written request for replacement of the procurator or at least 1 day before the date of opening the court hearing or meeting as determined by the court, with the remaining time not exceeding 7 days, the procuracy shall send to the court the decision on replacement of the procurator or the written notice that there is no change of the procurator, clearly stating the reason.

In case the procuracy makes a protest, if a written request for replacement of the assigned prosecutor is received before the opening of the court hearing or meeting, but by the date of the opening of the court hearing or meeting as determined by the court, the remaining time is not more than 7 days, and the procuracy has not yet assigned another alternate procurator, the procuracy shall notify the court. In case of replacement of a procurator, the procuracy shall send to the court a decision on replacement of the procurator. If there is no change in the assigned prosecutor, the procuracy shall notify the court in writing, clearly stating the reasons.

3. If during the court hearing or meeting to settle a civil case or matter, a judge, trial panel or council for settlement of the civil matter decides to change the procurator and issues a decision to postpone the court hearing or meeting, the court shall immediately send the decision to postpone the court session or meeting to the chief procurator of the competent procuracy specified in Clause 2 Article 62 and Clause 3 Article 368 of the CPC.

Within 3 working days after postponing a court hearing or meeting, the procuracy shall send to the court a decision on replacement of the procurator.

Article 26. Procuracy's participation in a meeting to consider and settle complaints and recommendations about the return of a lawsuit petition and written request

1. The procurator assigned to participate in the meeting shall consider and settle complaints and recommendations about the return of lawsuit petitions and written requests. In case the procurator is absent, the judge shall still conduct the meeting, unless the procuracy makes a recommendation.

2. At the meeting to consider and settle the complaint of the suer or petitioner/requester, the procurator shall present on the following issues:

a) The groundedness and lawfulness of the protest;

b) The observance of law of proceeding-conducting persons in return of lawsuit petitions or written requests;

c) The groundedness and lawfulness of the return of lawsuit petitions or written requests; the procuracy's view on maintaining the return of lawsuit petitions or written requests or receiving back lawsuit petitions or written requests.

3. At the meeting to consider and settle the procuracy's recommendations, the procurator shall present the following issues:

a) Contents and grounds for the recommendation; the procurator has the right to present additional documents and evidence (if any) and analysis to clarify the procuracy's views on the return of the lawsuit petition;

b) Contents guided at Point b Clause 2 of this Article;

c) The procuracy's view on maintaining the return of lawsuit petitions or written requests or receiving back lawsuit petitions or written requests.

4. In case there is both a complaint of the suer, petitioner/requester and a recommendation of the procuracy, the procurator shall present according to the guidance at Point a Clause 2, and Clause 3 of this Article.

Article 27. The procuracy’s participation in first-instance court hearings

The procuracy shall participate in first-instance court hearings (according to general procedures or summary procedures) of the following civil cases:

1. Civil cases in which the evidence is collected by the court as specified by Clause 2 Article 97 and Articles 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 and 106 of CPC.

2. Civil cases in which disputed objects are public properties or public interests:

a) Public properties mean properties under ownership by the entire people with the State acting as the owner’s representative and performing the unified management in accordance with the Civil Code and other law.

For example: A civil case of dispute over a state agency’s property that is procured from the state budget.

b) Public interests mean material or spiritual benefits related to the society or residential community.

For example: A civil case in which the suer requests an enterprise to pay compensation for damage caused by the environmental pollution.

3. Civil cases in which disputed objects are houses or land use rights, including:

a) Disputes about the persons who have the land use rights or house ownership rights.

For example: Dispute between A and B over the land use rights of a land parcel of 500 m2 currently managed and used by B. A initiates a lawsuit to request the court’s settlement to force B to return the land parcel to A. In such case, the disputed object is the land use rights, subject to the procuracy’s participation in the first-instance court hearing.

b) Disputes over contracts with subjects of the contracts being houses or land use rights (including: Disputes over contracts on exchange of land use rights; disputes over contracts on transfer of land use rights or contracts on purchase of house; disputes over contracts on lease or sublease of land use rights or contracts on lease of house; disputes over contracts on donation of land use rights or contracts on donation of house; disputes over contracts on contribution of value of land use rights as capital or contracts on contribution of value of house as capital, etc.).

Disputes over contracts relating to houses or land use rights that are not the subjects of the contracts shall not require the procuracy’s participation in first-instance court hearings.

For example: A takes out a loan of VND 500 million from the bank B, and at the same time mortgages a house and land use rights worth VND 1 billion in the bank. On the due date of debt repayment, A fails to fulfill the payment obligation, the bank realizes the mortgaged property for debt collection but cannot carry out such realization because the land is subject to planning and not allowed to be exchanged or transferred. The bank initiates a lawsuit to request the court’s settlement to force A to perform the debt repayment obligation. In such civil case, the disputed object is the amount A borrowed from the bank, not the mortgaged house and land use rights, the procuracy’s participation in the first-instance court hearing is, therefore, not required.

c) Disputes over inheritance of land use rights or inheritance of houses;

d) Disputes over reclamation of land use rights or houses lent or given for free stay;

dd) Disputes over division of spousal common property being houses or land use rights during the marital period;

e) Disputes over division of property being houses or land use rights upon divorce or after divorce;

g) Disputes over other civil transactions with transaction subject being houses or land use rights.

4. Civil cases in which the parties are minors, persons who have lost their civil act capacity, persons with a limited civil act capacity or persons with difficulty in perceiving and controlling their acts, specifically:

a) A person who has lost his/her civil act capacity means a person having the court’s legally effective decision to declare that such person has lost his/her civil act capacity under the Civil Code;

b) A person with a limited civil act capacity means a person having the court’s legally effective decision to declare that such person has a limited civil act capacity under the Civil Code;

c) A person with difficulty in perceiving and controlling his/her acts means a person having the court’s legally effective decision to declare that such person has difficulty in perceiving and controlling his/her acts under the Civil Code.

5. Civil cases for which applicable law does not exist shall comply with Clause 2 Article 4 of CPC.

Article 28. Opinions of procurators in first-instance court hearings or meetings

1. In a first-instance court hearing for trial of a civil case (according to general procedures or summary procedures), after the proceeding participants present their arguments and responses, the procurator shall present the procuracy's opinions on the following matters:

a) The observance of the procedural law by the judge, the trial panel and the court clerk from the time the case is accepted for handling to the time before the trial panel deliberates a judgment.

In case the procurator requests the trial panel to redress violations of the procedural law, the trial panel shall consider and decide to accept or reject the request; for cases of refusal, the reason must be clearly stated. The trial panel’s decision on acceptance or rejection shall be discussed and adopted in the courtroom and recorded in the minutes of the court hearing.

b) The observance of the law by civil proceeding participants from the time the case is accepted for handling to the time before the trial panel deliberates a judgment;

c) The settlement of the case, specifically:

c1) Analyze and assess the dispute’s content and the case’s details;

c2) Assess documents and evidence in the case file;

c3) Clearly state legal bases or grounds specified in Article 45 of CPC applied for case settlement; request the court to propose amendments, supplements or annulment of legal documents related to the settlement of the civil case showing signs of contravention of the Constitution, laws or legal documents of superior state agencies (if any);

c4) Give the opinions on acceptance or rejection of the lawsuit, requests of the plaintiff, agencies, organizations, individuals; counter-claim, requests of the defendant; independent claim, requests of persons with related interests or obligations.

2. In a first-instance meeting for settlement of a civil matter, the procurator shall present the procuracy’s opinions on the following matters:

a) The observance of the procedural law by the judge, civil matter settlement panel, court clerk from the time the civil matter is accepted for handling to the time before the judge or the panel issues a decision on settlement of the civil matter;

For cases where the procurator requests the judge or the panel to remedy the violations of the procedural law, to comply with Point a Clause 1 of this Article.

b) The observance of the law by civil proceeding participants from the time the civil matter is accepted for handling to the time before the judge or the panel issues a decision on settlement of the civil matter;

c) The settlement of the civil matter, specifically:

c1) Provide groundedness and lawfulness of the request for settlement of the civil matter;

c2) Analyze and assess the matter’s content, documents and evidence in the file;

c3) Clearly state legal bases or grounds specified in Article 45 of CPC applied for civil matter settlement; request the court to propose amendments, supplements or annulment of legal documents related to the settlement of the civil matter showing signs of contravention of the Constitution, laws or legal documents of superior state agencies (if any);

c4) Give the opinions on acceptance or rejection of requests of the requester for settlement of the civil matter and persons with related interests or obligations.

3. The procurator’s written opinions must be signed by the procurator participating in the court hearing or meeting.

Article 29. Opinions of procurators in meetings to consider the overdue appeal

In a meeting to consider the overdue appeal, the procurator shall present his/her opinions on the observance of the procedural law by the appeal court, from the date of receiving an overdue appeal petition to the time before the panel considering the overdue appeal issues a decision; present his/her opinions on acceptance or rejection of the overdue appeal, and give the analysis to clarify such opinions.

Article 30. Presentations and opinions of procurators in appellate court hearings or meetings

1. In case only the chief procurator of the procuracy makes a protest, in the appellate court hearing (according to general procedures or summary procedures), or in the appellate meeting, the procurator shall present his/her opinions about the following matters:

a) The protest’s content and grounds for the protest; additionally produced documents and evidence (if any); analysis for clarifying the procuracy’s protest opinion for the first-instance judgment or decision;

b) In case the parties or defense counsels of lawful rights and interests of the parties present their opinions about lawfulness and groundedness of the protest, the procurator shall give his/her opinions about such given matters;

c) The observance of the law by proceeding-conducting persons and proceeding participants in the process of settlement of the case at the appellate trial stage;

d) Opinions on settlement of the first-instance judgment or decision or part thereof which is protested against.

2. In case only the parties make an appeal, the procurator shall present his/her opinions about the following matters:

a) Groundedness and lawfulness of the appeal;

b) Contents as guided at Point c Clause 1 of this Article;

c) Opinions on settlement of the first-instance judgment or decision or part thereof which is appealed against.

3. In case the parties make an appeal and the chief procurator of the procuracy makes a protest at the same time, the procurator shall present his/her opinions as follows:

a) For the appeal of the parties, to comply with Point a Clause 2 of this Article;

b) For the protest of the chief procurator of the procuracy, to comply with Point a Clause 1 of this Article;

c) Give opinions about the matters given by the parties or defense counsels of lawful rights and interests of the parties, for cases specified at Point b Clause 1 of this Article;

d) Give opinions about the contents as guided at Point c Clause 1 of this Article;

dd) Give opinions on settlement of the first-instance judgment or decision or part thereof which is appealed or protested against.

4. The procurator’s written opinions must be signed by the procurator participating in the court hearing or meeting.

Article 31. Presentations and opinions of procurators in court hearings of cassation or reopening

1. In case the chief procurator of the procuracy make a protest, the procurator shall present his/her opinions about the following matters in the court hearing:

a) The protest’s content and grounds for the protest; additionally produced documents and evidence (if any); analysis for clarifying the procuracy’s protest opinion for the legally effective judgment or decision or newly found details which may basically change the content of the legally effective judgment or decision;

b) In case the parties, lawful representatives, defense counsels of lawful rights and interests of the parties and other proceeding participants summoned by the court to the court hearing give opinions about the protest, the procurator shall present his/her opinions on such given matters;

c) Opinions on the settlement of the civil case or matter.

2. In case the chief justice of the court makes a protest, the procurator shall present his/her opinions about the following matters in the court hearing:

a) Groundedness and lawfulness of the protest, the reasons of agreeing or disagreeing with the protest opinion of the chief justice of the court;

b) Opinions on the settlement of the civil case or matter.

3. The procurator’s written opinions must be signed by the procurator participating in the court hearing.

Article 32. Opinions of procurators in meetings to consider the written requests in procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of foreign courts’ civil judgments or decisions that are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards

In a meeting to consider the written request in procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of foreign courts’ civil judgments or decisions that are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards, the procurator shall present the procuracy's opinions in accordance with Clause 2 Article 28 of this Joint Circular.

Article 33. Procurators’ participation in meetings to consider the appeals or protests in procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of foreign courts’ civil judgments or decisions that are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards

1. In case the procurator is absent in a meeting to consider a appealed or protested decision in procedures for recognition and enforcement in Vietnam or non-recognition of civil judgments or decisions of foreign courts; non-recognition of foreign courts’ civil judgments or decisions that are not requested to be enforced in Vietnam; recognition and enforcement in Vietnam of foreign arbitral awards, the court shall still conduct the meeting, unless the protest is made by the procuracy.

2. In a meeting, the procurator shall present the procuracy’s opinions in accordance with Clause 1, 2 or 3 Article 30 of this Joint Circular.

 

Chapter V

SUPERVISION OF THE SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS

 

Article 34. The procuracy’s right to make requests to the court

1. The procuracy shall request the court of the same level and the court of the lower level to issue a document on settlement of complaints and denunciations in accordance with Chapter XLI of CPC in one of the following cases:

a) The procuracy receives a written complaint or denunciation that the court or the person competent to settle complaints or denunciations fails to issue a document on settlement of complaints or denunciations within the time limit prescribed;

b) The procuracy has grounds to believe that the court or the person competent to settle complaints or denunciations fails to issue a document on settlement of complaints or denunciations within the time limit prescribed.

Within 7 days from the date of receiving the procuracy’s request in cases as guided at Points a and b of this Clause, such court must consider, handle it and notify the request-making procuracy in writing. In a complicated case requiring more time, the court must notify the procuracy in writing of the reason and reply to the procuracy within 15 days from the date of receiving the request.

2. The procuracy shall request the court of the same level to examine the settlement of complaints and denunciations of itself and the court of the lower level in one of the following cases:

a) The procuracy receives a request by a competent agency;

b) The procuracy receives a written complaint or denunciation that the court or the person competent to settle complaints or denunciations commits violations of law during the settlement;

c) The procuracy has grounds to believe that the court or the person competent to settle complaints or denunciations shows signs of violation of law during the settlement.

Within 15 days from the date of receiving the procuracy’s request in cases as guided at Points a, b and c of this Clause, such court must consider, handle it and notify the request-making procuracy in writing. For a complicated case requiring more time, the court must notify the procuracy in writing of the reason and reply to the procuracy within 30 days from the date of receiving the request.

3. The procuracy shall request the court of the same level and the court of the lower level to provide dossiers, documents about the settlement of complaints and denunciations in the following cases:

a) The procuracy receives a request by a competent agency;

b) The procuracy has made a request under Clause 1 or Clause 2 of this Article but the court fails to perform or fails to fully perform the procuracy's request;

c) The decision on second-time settlement of a complaint has been issued but the complainant continues to make complaint;

d) The procuracy needs to consider dossiers and documents to decide on the proposal.

Within 07 days from the date of receiving the procuracy’s request in cases as guided at Points a, b, c and d of this Clause, the court shall send the dossiers, documents relating to the settlement of complaints or denunciations to the request-making procuracy.

Article 35. The procuracy’s right to make proposals to the court

1. If there are grounds to believe that the settlement of complaints or denunciations by a competent court or persons does not comply with the law, the procuracy shall propose to the court of the same level and the court of the lower level to remedy such law violations.

2. In case the procuracy makes a request as prescribed in Article 34 of this Joint Circular or makes a proposal under Clause 1 of this Article, but the court fails to perform or fails to fully perform the procuracy’s request or proposal, the procuracy has the right to make a proposal to the superior court.

3. Within 15 days from the date of receiving a proposal by the procuracy under Clauses 1 and 2 of this Article, the court must consider and reply in writing to the proposal-making procuracy. For a complicated case requiring more time, the court must notify the procuracy in writing of the reason and reply to the procuracy within 30 days from the date of receiving the proposal.

 

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

 

Article 36. Effect

1. This Joint Circular takes effect on October 18, 2016.

2. Regulations on the procuracy’s participation in first-instance court hearings or first-instance meetings in cases with parties being persons with difficulty in perceiving and controlling their acts and in civil cases and matters for which applicable law does not exist take effect on January 01, 2017 (the effective date of the Civil Code No. 91/2015/QH13).

Article 37. Transitional provisions

The application of this Joint Circular for civil cases and matters that have been accepted and settled before the effective date of this Joint Circular shall be as follows:

1. For civil cases and matters that are accepted for settlement by the court with the court’s judgments or decisions legally effective before the effective date of this Joint Circular, this Joint Circular shall not apply to conduct the protest according to cassation procedure.

2. For civil cases subject to the procuracy's participation in first-instance court hearings specified in Clause 2 Article 21 of the CPC and as guided in Article 27 of this Joint Circular that are accepted by the court before the effective date of this Joint Circular and of which the files have not been transferred by the court to the procuracy for research and participation in the court hearings, but the decisions to bring the cases for first-instance trial are issued from the effective date of this Joint Circular onwards, the court shall transfer such case files to the procuracy for participation in the first-instance court hearings under this Joint Circular.

3. For civil cases of which the first-instance or appellate trial has been undergone before the effective date of this Joint Circular, but of which the legally effective judgments or decisions are canceled from the effective date of this Joint Circular onwards by the court competent to conduct cassation or reopening procedure for re-trial according to first-instance procedure, the procuracy’s participation in the court hearing shall comply with this Joint Circular.

Article 38. Amendment and supplementation of the Joint Circular

Any problem arising in the course of implementation that need to be guided, amended or supplemented should be promptly reported to the Supreme People’s Procuracy and the Supreme People’s Court for consideration and decision./.

 

FOR THE CHIEF JUSTICE OF THE SUPREME PEOPLE’S COURT
DEPUTY CHIEF JUSTICE


Tong Anh Hao

FOR PROSECUTOR GENERAL OF THE SUPREME PEOPLE’S PROCURACY
DEPUTY PROSECUTOR GENERAL


Nguyen Thi Thuy Khiem

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Joint Circular 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Joint Circular 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất