Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ

thuộc tính Nghị định 15/2003/NĐ-CP

Nghị định 15/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:15/2003/NĐ-CP
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Nghị định
Người ký:Phan Văn Khải
Ngày ban hành:19/02/2003
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: An ninh trật tự, Vi phạm hành chính, Giao thông

TÓM TẮT VĂN BẢN

Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

tải Nghị định 15/2003/NĐ-CP

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/2003/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 02 NĂM 2003
QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Chính phủ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 6 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 06 tháng 7 năm 1995;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Công an,

Nghị định:

 

CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông đường bộ, các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ và các hành vi vi phạm khác về giao thông đường bộ.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam bị xử phạt theo Nghị định này, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đó.

 

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khác.

1. Mọi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải thực hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, các quy định của Nghị định này và phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để. Mọi hậu quả do hành vi vi phạm gây ra phải được khắc phục theo đúng pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định này.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ phải do người có thẩm quyền được quy định tại các điều 41, 42, 43 và 44 của Nghị định này tiến hành.

4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu hình thức xử phạt là phạt tiền thì được cộng lại thành mức phạt chung và chỉ ra một quyết định xử phạt.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân của người vi phạm và những tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, căn cứ hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định này để quyết định hình thức, biện pháp xử lý thích hợp.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

7. Việc "đánh dấu số lần vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ trên giấy phép lái xe" là biện pháp được quy định tại Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông nhằm quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 3 lần vi phạm thì hết giá trị sử dụng, nếu bị đánh dấu 2 lần thì phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe. Sau đây biện pháp này gọi tắt là: đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 4. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp phạt tiền thì thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

2. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

 

Điều 5. Mức phạt tiền

Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

 

Điều 6. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu qúa thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Trong thời hạn một năm, cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính mới về giao thông đường bộ hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hạn xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

 

Điều 7. Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt

Người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xử phạt đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật; nếu lạm dụng quyền hạn dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá quyền hạn quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Điều 8. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ phải tuân thủ quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ mà có hành vi ngăn cản, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hoặc xử lý vi phạm của người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

CHƯƠNG II. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 9. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng đối với người điều khiển xe, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.

2. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm d, điểm đ, điểm m khoản 3, điểm b khoản 4, điểm b, điểm c khoản 5 Điều này thì bị xử phạt theo các điểm, khoản đó;

c) Khi chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

d) Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;

đ) Dùng đèn chiếu xa khi tránh nhau về ban đêm;

e) Không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp.

3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, của người kiểm soát giao thông;

b) Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước;

c) Không có báo hiệu trước khi vượt; chuyển hướng đột ngột ngay trước đầu xe khác;

d) Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, đường ngầm, đường hẹp, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất;

đ) Lùi xe ở đường một chiều, ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, nơi đường bộ giao cắt đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, nơi cấm quay đầu xe;

e) Tránh xe không đúng quy định; không nhường đường theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;

g) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không đúng vị trí quy định ở những đoạn đường đã có bố trí nơi dừng xe, đỗ xe; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị trái quy định; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện; dừng xe, đỗ xe trên cầu; đỗ xe trên đường dốc không chèn bánh; hoặc các hành vi dừng xe, đỗ xe khác không đúng quy định;

h) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

i) Rời vị trí lái khi dừng xe; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn;

k) Không có báo hiệu trước khi dừng xe, đỗ xe;

l) Không gắn biển báo hiệu ở phía trước xe kéo hoặc phía sau xe được kéo; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau;

m) Đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

n) Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư khi xếp dỡ hàng trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

o) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông;

p) Không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước theo quy định khi xe chạy trên đường cao tốc;

q) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính hoặc ngược lại;

r) Xe kéo rơ moóc không có biển báo hiệu theo quy định hoặc có tổng trọng lượng nhỏ hơn tổng trọng lượng của rơ moóc khi hệ thống hãm không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

4. Phạt tiền từ 140.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép;

b) Vượt tại nơi cấm vượt;

c) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

d) Để người ngồi trên buồng lái quá số lượng quy định;

đ) Không sử dụng đủ đèn chiếu sáng về ban đêm.

5. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên;

b) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; không tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu khi chạy trên đường cao tốc; dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;

c) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đủ đèn chiếu sáng; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định;

d) Chở người trên xe được kéo, trừ người điều khiển;

đ) Xe ô tô kéo theo từ hai xe ô tô khác trở lên; xe ô tô đẩy xe khác; xe ô tô kéo xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy hoặc kéo lê vật trên đường; xe kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kéo theo rơ moóc hoặc xe khác;

e) Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe ô tô bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt;

g) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên; xe được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên không đúng quy định;

h) Không chấp hành yêu cầu của người kiểm soát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của rượu, bia hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

i) Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

k) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt.

6. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chạy quá tốc độ quy định đến 20%;

b) Dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;

c) Dừng xe, đỗ xe, mở cửa xe không bảo đảm an toàn gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chạy quá tốc độ quy định trên 20%;

b) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

c) Khi xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện liên quan không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường; bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Chạy quá tốc độ quy định, vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến10.000.000 đồng đối với hành vi lạng lách, đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong hoặc ngoài đô thị.

9. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều này mà gây tai nạn hoặc không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn buộc phải áp dụng các biện pháp bổ sung và biện pháp khác sau đây:

a) Bị tịch thu còi, cờ, đèn trái quy định nếu vi phạm điểm g khoản 5 Điều này; vi phạm khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe;

b) Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 (chín mươi) ngày và bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe nếu vi phạm khoản 7 Điều này;

 

c) Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 180 (một trăm tám mươi) ngày và bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe nếu vi phạm khoản 8 Điều này;

d) Vi phạm khoản 9 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.

 

Điều 10. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm trên đường quy định phải đội mũ bảo hiểm.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người điều khiển vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không điều khiển xe đi bên phải theo chiều đi của mình; không đi đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên vỉa hè;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định ở điểm b khoản 3, điểm c khoản 4 Điều này thì bị xử phạt theo các điểm, khoản đó;

c) Không báo hiệu trước khi xin vượt; vượt ở nơi cấm vượt; vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

d) Khi chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc cho người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

đ) Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;

e) Không sử dụng đèn chiếu sáng về ban đêm hoặc dùng đèn chiếu xa khi tránh nhau về ban đêm;

g) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

h) Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu;

i) Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động; người ngồi trên xe sử dụng ô;

k) Tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trên cầu;

l) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; dừng xe, đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện; dừng xe, đỗ xe trên cầu hoặc các hành vi dừng xe, đỗ xe khác không đúng quy định; không tuân thủ các quy định dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

m) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

n) Chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người phạm tội;

o) Điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên;

p) Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau;

q) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông;

r) Không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình theo quy định khi xe chạy trên đường cao tốc.

3. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; của người kiểm soát giao thông;

b) Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;

c) Tránh xe, vượt xe không đúng quy định. Không nhường đường theo quy định tại các nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật;

d) Bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau; sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;

đ) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ ra đường chính hoặc ngược lại;

e) Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe kéo theo xe khác hoặc vật khác hoặc đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác, chở vật cồng kềnh; người điều khiển và người ngồi trên xe được kéo, được đẩy.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xe không được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên; xe được quyền ưu tiên sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn của xe ưu tiên không đúng quy định;

b) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên;

c) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc, không tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu khi chạy trên đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc;

d) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ.

5. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chạy quá tốc độ quy định đến 20%;

b) Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy thành đoàn gây cản trở giao thông;

c) Không chấp hành yêu cầu của người kiểm soát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của rượu, bia hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm.

6. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chạy quá tốc độ quy định trên 20%;

b) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

c) Khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện liên quan không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;

d) Điều khiển xe vượt ngay trước đầu xe khác hoặc chuyển hướng đột ngột;

đ) Chạy quá tốc độ quy định, vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

7. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy;

b) Sử dụng xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên trái quy định.

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường bộ trong, ngoài đô thị;

b) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

c) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; đứng trên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy;

d) Điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định.

9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm khoản 8 Điều này mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn buộc phải áp dụng các biện pháp bổ sung và biện pháp khác sau đây:

a) Tịch thu còi, cờ, đèn khi vi phạm điểm a khoản 4 Điều này.

b) Bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe khi vi phạm khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này; vi phạm điểm a, điểm b, điểm đ khoản 6 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.

c) Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tạm giữ xe 60 (sáu mươi) ngày nếu vi phạm khoản 8, khoản 9 Điều này; bị tịch thu xe nếu tái phạm.

 

Điều 11. Xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình; không đi đúng phần đường quy định;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

 

c) Khi chuyển hướng không nhường đường cho người đi bộ tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường hoặc cho người điều khiển xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho họ;

d) Lùi xe không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;

đ) Không sử dụng đèn chiếu sáng vào ban đêm hoặc dùng đèn chiếu xa khi tránh nhau vào ban đêm;

e) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

g) Không dừng xe, đỗ xe sát mép đường nơi có lề đường hẹp.

2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, của người kiểm soát giao thông;

b) Quay đầu xe không đúng nơi được phép;

c) Lùi xe ở khu vực cấm dừng hoặc ở đường ngược chiều;

d) Không tránh về bên phải theo chiều xe chạy của mình;

đ) Không nhường đường theo quy định tại nơi đường hẹp, đường dốc, nơi có chướng ngại vật khi tránh nhau;

e) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định trên đường ngoài đô thị đã có nơi đỗ xe; đỗ xe trên đường dốc không chèn bánh; dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện; dừng xe, đỗ xe trên cầu; dừng xe, đỗ xe không báo hiệu trước; dừng xe, đỗ xe tại vị trí cấm dừng đỗ xe;

g) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều;

h) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông;

i) Không giảm tốc độ và nhường đường khi điều khiển xe từ đường nhánh ra đường chính hoặc ngược lại.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xe chạy quá tốc độ quy định;

b) Không thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định khi xe máy chuyên dùng bị hư hỏng trên đoạn đường bộ giao cắt đường sắt;

c) Không chấp hành yêu cầu của người kiểm soát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

d) Chạy xe trong hầm đường bộ không sử dụng đèn sáng; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ;

đ) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt.

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn quá quy định hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm;

b) Khi xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện liên quan không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng 60 (sáu mươi) ngày.

 

Điều 12. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đi bên phải theo chiều đi của mình, không đi đúng phần đường quy định;

b) Dừng xe đột ngột, chuyển hướng không báo hiệu trước;

c) Không tuân thủ quy tắc, hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc khi ùn tắc giao thông;

d) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

đ) Xe vượt bên phải trong các trường hợp không được phép;

e) Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị có lề đường;

g) Để xe ở lòng đường, hè phố trái quy định;

h) Xe chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phản quang; dừng xe, đỗ xe trong hầm không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

i) Xe đạp đi dàn hàng ngang từ ba xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ hai xe trở lên;

k) Người điều khiển xe đạp sử dụng ô, điện thoại di động, người ngồi trên xe đạp mang vác vật cồng kềnh, sử dụng ô;

l) Xe thô sơ đi ban đêm không có báo hiệu bằng đèn hoặc vật phản quang;

m) Xe đạp, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;

n) Hàng xếp trên xe không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông; che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; của người kiểm soát giao thông;

b) Đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;

 

c) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao cắt đường sắt;

d) Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều đường của đường một chiều;

đ) Không nhường đường hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên;

e) Người điều khiển hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác; mang vác, chở vật cồng kềnh;

g) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường trái quy định, gây cản trở giao thông;

h) Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau.

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe đạp buông cả hai tay, rẽ đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp;

b) Gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường;

c) Điều khiển xe không có đăng ký, không gắn biển số nếu địa phương có quy định phải đăng ký, gắn biển số.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển xe đạp, xe thô sơ lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường;

b) Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, đi xe bằng hai bánh đối với xe ba bánh.

 

Điều 13. Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông;

b) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

c) Trèo qua giải phân cách khi đi ngang qua đường;

d) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

 

Điều 14. Xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

 

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;

c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông;

d) Để súc vật đi giữa đường, để súc vật đi qua đường không bảo đảm an toàn, dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;

đ) Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, vỉa hè.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào phần đường của xe cơ giới;

b) Thả rông súc vật trên đường bộ;

c) Đi dàn hàng ngang từ hai xe trở lên;

d) Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;

đ) Không có báo hiệu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xếp hàng trên xe vượt quá giới hạn quy định;

b) Gây ồn ào hoặc tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh tại các khu dân cư khi xếp dỡ hàng trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau.

 

Điều 15. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản, các vật khác trên đường bộ;

b) Đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng nơi quy định;

c) Xây, đặt bục bệ trái phép trên hè phố hoặc lòng đường;

d) Lấn chiếm vỉa hè, đường giao thông để họp chợ, bầy bán hàng;

đ) Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, mời chào hàng, sửa chữa xe đạp, làm mái che, các hoạt động dịch vụ khác gây cản trở giao thông hoặc làm mất mỹ quan đường phố;

e) Tập trung đông người trái phép; nằm, ngồi trên đường gây cản trở giao thông;

g) Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trên đường giao thông.

2. Phạt tiền từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng một trong các hành vi sau đây:

a) Để vật liệu, phế thải, vật chướng ngại trên đường bộ gây cản trở giao thông;

b) Để vật che khuất biển báo, đèn tín hiệu giao thông.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, diễu hành, lễ hội;

b) Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

c) Tự ý tháo, mở nắp cống trên đường giao thông;

d) Ném gạch, đất đá hoặc bất cứ vật gì khác vào người hoặc phương tiện đang tham gia giao thông;

đ) Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy, sửa xe, làm nơi trông giữ xe trái phép.

4. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đặt, treo biển quảng cáo trên đất của đường bộ hoặc trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông;

b) Rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác; chăng dây qua đường; đổ dầu nhờn trên đường bộ.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1, khoản 2, các điểm b, điểm c, điểm đ khoản 3, khoản 4 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

 

CHƯƠNG III. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 16. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông;

b) Trồng cây trong phạm vi đất của đường bộ hoặc đất hành lang an toàn đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Mở đường nhánh trái phép nối vào đường chính;

b) Dựng lều quán trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng nhà tạm, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng nhà, công trình kiên cố khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này còn buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng, di dời cây trồng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

 

Điều 17. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về thi công, bảo trì công trình trên đường bộ đang khai thác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thi công công trình trên đường bộ đang khai thác không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp mà đã thi công;

b) Thi công trên đường bộ không bố trí đủ biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn theo quy định; không đặt đèn đỏ vào ban đêm tại hai đầu đoạn đường thi công; không có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông thông suốt;

c) Không bố trí người hướng dẫn, điều khiển giao thông khi thi công ở chỗ đường hẹp hoặc ở hai đầu cầu, cống, đường ngầm đang thi công;

d) Để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông;

đ) Thi công công trình trên đường đô thị không thực hiện theo phương án hoặc thời gian quy định;

e) Không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định để xảy ra tai nạn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Trường hợp không thực hiện được thì bị buộc đình chỉ thi công.

 

Điều 18. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm về xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, nơi đỗ xe

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo đúng quy mô thiết kế đã được duyệt.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch đã được phê duyệt.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm các quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

 

Điều 19. Xử phạt cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chăn dắt súc vật ở mái đường; buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ;

b) Tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu.

2. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 60.000 đồng đối với hành vi be bờ, tát nước qua mặt đường giao thông.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ;

b) Tự ý tháo dỡ, di chuyển hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, mốc chỉ giới, cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tự ý đốt lửa trên cầu, dưới gầm cầu; neo đậu tầu thuyền trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi di chuyển chậm trễ các công trình, nhà, lều quán hoặc cố tình trì hoãn việc di chuyển gây cản trở cho việc giải phóng mặt bằng để xây dựng, cải tạo, mở rộng và bảo vệ công trình đường bộ khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khoan, đào, xẻ đường trái phép;

b) Tự ý phá dải phân cách nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Nổ mìn hoặc khai thác cát, đá, sỏi trái phép làm ảnh hưởng đến công trình đường bộ.

7. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, các điểm a, điểm b khoản 6 Điều này còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

 

CHƯƠNG IV. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 20. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe ô tô không có kính chắn gió; kính chắn gió, kính cửa không phải là loại kính an toàn.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thứ đó nhưng không có tác dụng hoặc lắp thêm đèn chiếu sáng xa phía sau xe;

b) Không có còi hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn về âm lượng;

c) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật;

d) Không gắn đủ biển số hoặc không kẻ số theo quy định, gắn biển số không đúng vị trí; biển số mờ, biển số bị bẻ cong, biển số bị che lấp, biển số hỏng;

đ) Tự ý lắp kính mờ hoặc dán giấy bóng mờ.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

b) Hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

c) Sử dụng bánh lốp không đúng kích cỡ hoặc không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung hoặc số máy; giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; biển số không đúng với giấy đăng ký xe;

d) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

đ) Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn hoặc có nhưng không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

e) Tẩy xoá hoặc sửa chữa giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng xe có tay lái bên phải mà không được phép; xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông;

c) Tự ý đục lại số khung; số máy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước, mầu sơn của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe.

6. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe có kết cấu tương tự xe ô tô, máy kéo vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ đèn chiếu sáng hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Không có còi hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn về âm lượng;

c) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

7. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe có kết cấu tương tự xe ô tô, máy kéo vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;

b) Hệ thống chuyển hướng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật.

8. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển các loại xe có kết cấu tương tự xe ô tô, máy kéo vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy đăng ký theo quy định, không có biển số hoặc biển số không đúng với giấy chứng nhận đăng ký (nếu có quy định phải đăng ký, lắp biển số);

b) Không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định).

9. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp.

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự vi phạm còn buộc phải áp dụng các biện pháp bổ sung và các biện pháp khác sau đây: có hành vi vi phạm khoản 2 Điều này buộc phải lắp đầy đủ hoặc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; vi phạm điểm b khoản 4 Điều này còn bị thu hồi giấy đăng ký xe; vi phạm điểm c khoản 4 Điều này bị tịch thu biển số; vi phạm khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 (chín mươi) ngày; bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe nếu vi phạm khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều này; vi phạm khoản 9 Điều này bị tịch thu xe, bị tước giấy phép lái xe không thời hạn (nếu người vi phạm có).

 

Điều 21. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có còi, đèn chiếu sáng gần, xa; đèn soi biển số; đèn báo hãm; đèn tín hiệu, gương chiếu hậu hoặc có những thứ đó nhưng không có tác dụng;

b) Không gắn biển số; gắn biển số không đúng quy định; biển số mờ, biển số bị bẻ cong, biển số bị che lấp, biển số bị hỏng.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

 

b) Không chuyển quyền sở hữu xe theo quy định;

c) Tự ý thay đổi nhãn hiệu của xe.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng còi ô tô hoặc còi vượt quá âm lượng quy định;

b) Không có bộ phận giảm thanh hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

4. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Sử dụng giấy đăng ký xe đã bị tẩy xoá; sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xoá hoặc sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, màu sơn của xe;

d) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

đ) Điều khiển xe tự sản xuất, lắp ráp.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự còn buộc phải áp dụng các biện pháp bổ sung và các biện pháp khác sau đây: vi phạm điểm a khoản 3 Điều này còn bị tịch thu còi; vi phạm điểm b khoản 4 Điều này bị tịch thu giấy đăng ký xe; vi phạm điểm c khoản 4 Điều này bị tịch thu biển số; vi phạm điểm a, điểm c, điểm d khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm điểm c khoản 2, điểm c khoản 5 Điều này buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; vi phạm điểm đ khoản 5 Điều này bị tịch thu xe, bị tước giấy phép lái xe không thời hạn (nếu người vi phạm có); vi phạm khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 22. Xử phạt người điều khiển xe thô sơ vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với hành vi không có đăng ký, không gắn biển số (nếu địa phương có quy định đăng ký và gắn biển số).

2. Phạt tiền từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng;

b) Xe thô sơ chở khách, chở hàng không bảo đảm tiêu chuẩn về tiện nghi và vệ sinh theo quy định của địa phương.

 

Điều 23. Xử phạt người điều khiển xe máy chuyên dùng vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không có đèn chiếu sáng; không có bộ phận giảm thanh theo thiết kế.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đăng ký; không gắn biển số đúng vị trí quy định; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Hệ thống hãm hoặc hệ thống chuyển hướng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật;

c) Các bộ phận chuyên dùng không được lắp đặt đúng vị trí; không bảo đảm chắc chắn khi di chuyển;

d) Hoạt động không đúng phạm vi quy định;

đ) Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe máy chuyên dùng tự sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm khoản 3 Điều này buộc phải đình chỉ hoạt động.

 

Điều 24. Xử phạt người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe bẩn đi vào thành phố, thị xã.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi thải khói quá giới hạn, mùi hôi thối vào không khí.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thải dầu nhờn, hoá chất độc hại xuống đường bộ.

4. Ngoài việc bị phạt tiền người vi phạm khoản 1, khoản 3 Điều này còn buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

 

CHƯƠNG V. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 25. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người lái xe cơ giới

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe gắn máy, xe mô tô.

 

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe; không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy phép lái xe.

3. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy phép lái xe;

b) Sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá;

c) Không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

5. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe có kết cấu tương tự.

6. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe có kết cấu tương tự.

7. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Người từ đủ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; xe taxi khách; xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên;

b) Người từ đủ 18 tuổi đến dưới 25 tuổi điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;

c) Người trên 55 tuổi đối với nam hoặc người trên 50 tuổi đối với nữ điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;

d) Người điều khiển xe ô tô có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn; có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

8. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy phép lái xe;

b) Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép lái xe bị tẩy xoá.

9. Ngoài bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp bổ sung và biện pháp khác sau đây: vi phạm khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 5, điểm a, điểm b, điểm c khoản 7, vi phạm điểm a khoản 3 Điều này bị tạm giữ xe 15 (mười lăm) ngày; vi phạm điểm b khoản 3 Điều này bị tịch thu giấy phép lái xe và tạm giữ xe 15 (mười lăm) ngày; vi phạm điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm khoản 4, khoản 7 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe; vi phạm khoản 8 Điều này bị tạm giữ xe 30 (ba mươi) ngày và bị tịch thu giấy phép lái xe (nếu có).

 

Điều 26. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe máy chuyên dùng

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không đúng độ tuổi, không phù hợp với ngành nghề theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng không có bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ.

 

Điều 27. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với giáo viên dạy thực hành có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để học viên không có giấy phép tập lái lái xe tập lái;

b) Chở người, hàng trên xe tập lái trái quy định;

c) Chạy sai tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép tập lái.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bố trí giáo viên dạy thực hành ngồi bên cạnh người tập lái xe;

b) Xe không có biển "Tập lái" theo quy định;

c) Xe tập lái không trang bị thêm bộ phận hãm phụ.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe không có giấy phép hoạt động; không có đủ điều kiện theo quy định; không thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo;

b) Trung tâm sát hạch lái xe không đủ điều kiện hoạt động.

4. Ngoài việc bị phạt tiền cơ sở đào tạo lái xe vi phạm điểm a khoản 3 và trung tâm sát hạch lái xe vi phạm điểm b khoản 3 Điều này còn bị buộc đình chỉ hoạt động và tước quyền sử dụng giấy phép.

 

CHƯƠNG VI. XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ

 

Điều 28. Xử phạt người điều khiển xe ô tô khách

 

1. Phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không hướng dẫn khách ngồi trong xe đúng nơi quy định.

2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy;

b) Để khách ngồi trên xe khi xe lên, xuống phà, cầu phao hoặc khi xe đang ở trên phà, trừ người già yếu, người bệnh, người tàn tật;

c) Sắp xếp chằng buộc hành lý, hàng không bảo đảm an toàn; để rơi hàng trên xe xuống đường.

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đón, trả khách không đúng nơi quy định;

b) Để khách lên, xuống xe khi xe đang chạy;

c) Đón, trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất.

4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chạy đúng tuyến, lịch trình, hành trình vận tải quy định;

b) Để người ngồi trên mui hoặc đu bám ở cửa xe, bên ngoài thành xe khi xe đang chạy;

c) Sang khách, nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được khách đồng ý;

d) Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền;

đ) Chở khách quá 1 người đối với xe 4 chỗ ngồi; chở quá 2 người đối với xe 9 chỗ ngồi; chở quá 3 người đối với xe trên 9 chỗ ngồi; chở quá 4 người đối với xe từ 30 chỗ ngồi trở lên;

e) Chở hàng vượt quá trọng tải theo thiết kế của xe hoặc quá kích thước bao ngoài của xe; để hàng trong khoang chở khách;

g) Vận chuyển hàng có mùi hôi thối, súc vật hoặc hàng có ảnh hưởng tới sức khoẻ của khách;

h) Xếp hàng trên mui xe khách làm lệch xe;

i) Xe vận chuyển khách hợp đồng không có biển "Xe hợp đồng";

k) Vận chuyển khách theo tuyến cố định không có sổ nhật trình chạy xe.

5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đối với hành vi vận chuyển hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ trên xe khách.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp bổ sung và các biện pháp khác sau đây: vi phạm điểm đ khoản 4 Điều này còn phải bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 90 (chín mươi) ngày; vi phạm khoản 4, khoản 5 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 29. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi chở hàng rời, chất phế thải dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế hoặc quá kích thước giới hạn cho phép của xe;

b) Chở người trên thùng xe trái quy định.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng trái pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm các quy định ở Điều này còn bị áp dụng các biện pháp bổ sung và các biện pháp khác sau:

a) Vi phạm khoản 1 Điều này phải khắc phục ngay hậu quả do hành vi vi phạm gây ra;

b) Vi phạm điểm b khoản 3, khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày; vi phạm khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 30. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không thực hiện đúng quy định trong giấy lưu hành; không có báo hiệu kích thước của hàng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy lưu hành theo quy định.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 31. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư, công trình quan trọng hoặc nơi dễ xảy ra nguy hiểm.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 32. Xử phạt người điều khiển xe buýt, xe vệ sinh, xe chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác có các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị

Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe buýt không chạy đúng tuyến đường, không đúng lịch trình; dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; tranh giành khách; không đưa vé cho khách, thu tiền vé cao hơn quy định; người điều khiển xe vệ sinh công cộng, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác không chạy đúng tuyến, phạm vi thời gian quy định.

 

Điều 33. Xử phạt người điều khiển xe taxi

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng loại xe trên 9 chỗ ngồi kể cả người lái làm xe taxi;

b) Xe không có hộp đèn taxi hoặc đồng hồ tính tiền theo quy định;

c) Mầu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp, số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký;

d) Không có chứng chỉ tập huấn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi có hành vi tranh giành khách.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe chở khách theo hình thức taxi mà không có đăng ký kinh doanh taxi.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc phải áp dụng các biện pháp bổ sung và các biện pháp khác sau đây: vi phạm khoản 3 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

CHƯƠNG VII. XỬ PHẠT CÁC VI PHẠM KHÁC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
 

Điều 34. Xử phạt người sản xuất, người bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất biển số không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này buộc phải bị tịch thu biển số và đình chỉ hoạt động.

Điều 35. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định về điều kiện an toàn giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc thu hồi giấy đăng ký xe; biển số xe của xe ô tô, xe máy chuyên dùng và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi đi kiểm định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cải tạo các loại xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

 

Điều 36. Xử phạt khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với những khách đi xe có một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành nội quy đi xe;

b) Gây mất trật tự trên xe;

c) Đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ hoặc xâm phạm tài sản của người khác đi xe nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên nóc xe; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi mang hàng trái pháp luật trên xe khách nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 37. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng xe khi có tín hiệu yêu cầu kiểm tra tải trọng xe.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng với tổng trọng lượng của xe (gồm trọng lượng bản thân xe và trọng lượng hàng), tải trọng trục xe sau khi trừ sai số cho phép mà vượt quá tải trọng của cầu, đường từ 1 đến 2% .

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ;

b) Không có giấy lưu hành; giấy lưu hành quá hạn hoặc có nhưng không đi đúng tuyến đường, đoạn đường được phép;

c) Chở hàng với tổng trọng lượng của xe (gồm trọng lượng bản thân xe và trọng lượng hàng), tải trọng trục xe sau khi trừ sai số cho phép mà vượt quá tải trọng của cầu, đường trên 2%;

d) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy lưu hành.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện có hành vi vi phạm quy định khoản 2, khoản 3 Điều này còn bị buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ hoặc đình chỉ lưu hành; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều này còn bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

Điều 38. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;

b) Đua xe đạp, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, đua súc vật trái phép.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô, mô tô, xe gắn máy trái phép mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy mà chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Tổ chức đua xe trái phép nhưng chưa đến mức truy cứu tránh nhiệm hình sự.

5. Ngoài bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe.

 

Điều 39. Xử phạt người vi phạm có hành vi cản trở hoặc đưa tiền cho người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở việc tiến hành kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ;

b) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm ở điểm b khoản 1 Điều này còn bị tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

 

Điều 40. Xử phạt người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm Hiệp định vận tải giữa Việt Nam với nước ngoài

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định;

b) Hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động;

c) Điều khiển phương tiện không có giấy phép liên vận; không có phù hiệu liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng;

d) Vận chuyển khách hoặc hàng không đúng với Hiệp định vận tải đường bộ, Nghị định thư đã ký kết hoặc xuất nhập cảnh không đúng cửa khẩu.

2. Ngoài việc bị phạt tiền người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm điểm a, điểm c, điểm d khoản 1 Điều này còn bị tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam; vi phạm khoản 1 Điều này bị đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe.

 

CHƯƠNG VIII. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI VI PHẠM VỀ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
 

 

Điều 41. Xác định thẩm quyền xử phạt hành chính

 

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

2. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị đối với người và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ được quy định trong Nghị định này.

3. Lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điểm e khoản 2; điểm g, điểm h khoản 3; điểm k khoản 5; điểm b khoản 6 Điều 9;

b) Điểm g, điểm l khoản 2; điểm b khoản 5; khoản 8; khoản 9 Điều 10;

c) Điểm g khoản 1; điểm e, điểm g khoản 2, điểm đ khoản 4 Điều 11;

d) Điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, điểm g khoản 2 Điều 12;

đ) Điểm b, điểm c khoản 2 Điều 13;

e) Điều 14;

g) Điểm e, điểm g khoản 1; điểm a, điểm d khoản 3 Điều15;

h) Điều 22;

i) Điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 36;

k) Điều 38; Điều 39.

4. Lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông tại các điểm giao thông tĩnh quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này như sau:

a) Điểm a, điểm g, điểm h, điểm o khoản 3, điểm b khoản 6 Điều 9;

b) Điểm g, điểm q khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 10;

c) Điểm e, điểm g khoản 1, điểm a, điểm e, điểm h khoản 2 Điều 11;

d) Điểm c, điểm e, điểm g khoản 1, điểm a, điểm b khoản 2 Điều 12;

đ) Điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2; điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ khoản 3 Điều 15;

e) Điều 16; Điều17; Điều 18; Điều 19; điểm a, điểm đ khoản 4, điểm b khoản 5, điểm b khoản 8 Điều 20; Điều 23; điểm d khoản 7, khoản 8 Điều 25; Điều 26; Điều 27;

g) Khoản 1; điểm b, điểm c khoản 2; điểm a, điểm c khoản 3; điểm a, điểm i, điểm e, điểm h, điểm k khoản 4 Điều 28; khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 29.

h) Điều 30; Điều 32; Điều 33; Điều 37.

 

Điều 42. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

 

Điều 43. Thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân

1. Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Đội trưởng, trạm trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

3. Trưởng công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 42 của Nghị định này.

4. Trưởng công an cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

5. Trưởng phòng cảnh sát giao thông, Trưởng phòng cảnh sát trật tự, Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng đơn vị đặc nhiệm, Thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập có thẩm quyền xử phạt như Trưởng công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều này.

7. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 Điều này.

 

Điều 44. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông đường bộ

1. Thanh tra viên giao thông đường bộ đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ cấp Sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

3. Chánh Thanh tra giao thông đường bộ cấp Bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

 

Điều 45. Thu, nộp tiền phạt

1. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về giao thông đường bộ bị phạt tiền thì phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật.

2. Việc thu, nộp tiền xử phạt tuân theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

 

Điều 46. Trình tự, thủ tục xử phạt

Trình tự, thủ tục xử phạt phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

 

Điều 47. Chấp hành quyết định xử phạt hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Quá thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều này mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành.

 

Điều 48. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng các biện pháp sau đây:

 

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản tại ngân hàng;

b) Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Các biện pháp cưỡng chế khác để thực hiện tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

2. Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế.

3. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

4. Việc cưỡng chế bằng các biện pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này phải được thông báo bằng văn bản trước khi thi hành cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế để phối hợp thực hiện.

5. Các cơ quan chức năng của Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp theo sự phân công của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân.

6. Lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan khác của Nhà nước khi được các cơ quan đó yêu cầu.

 

Điều 49. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Công dân có quyền tố cáo những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân và những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt hành chính với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

CHƯƠNG IX. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 50. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Nghị định số 39/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2001 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị; bãi bỏ Điều 39, Điều 40 của Nghị định số 172/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ.

 

Điều 51. Tổ chức thực hiện

 

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức thực hiện Nghị định này.

 

Điều 52. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 15/2003/ND-CP

Hanoi, February 19, 2003

 

DECREE

PRESCRIBING THE SANCTIONING OF ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN LAND-ROAD TRAFFIC

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the June 29, 2001 Law on Land-Road Traffic;

Pursuant to the July 2, 2002 Ordinance on Handling of Administrative Violations;

Pursuant to the January 28, 1989 Ordinance on Vietnam People’s Police Force and the July 6, 1995 Ordinance Amending Article 6 of the Ordinance on Vietnam People’s Police Force;

Pursuant to the Government’s Resolution No. 13/2002/NQ-CP of November 19, 2002 on solutions to control the rise in and proceed to gradually reduce traffic accidents and congestion;

Pursuant to the Government’s Decree No. 14/2003/ND-CP of February 19, 2003 detailing the implementation of a number of articles of the Land-Road Traffic Law;

At the proposals of the Minister of Communications and Transport and the Minister of Public Security,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Regulation scope

This Decree prescribes the sanctioning of administrative violations regarding acts of violating the regulations on land-road traffic rules, the conditions to ensure traffic safety of land-road traffic infrastructure, means and people joining in land-road traffic, land-road transport activities and other acts of land-road traffic violation.

Article 2.- Application objects

1. Vietnamese individuals and organizations that commit acts of administrative violations regarding land-road traffic shall be administratively sanctioned under the provisions of this Decree.

2. Foreign individuals and organizations that commit acts of administrative violations regarding land-road traffic in the Vietnamese territory shall be sanctioned under this Decree, except for cases where the international agreements which Vietnam has signed or acceded to provide otherwise, then such international agreements shall apply.

Article 3.- Principles for the sanctioning of administrative violations and the application of other measures

1. All administrative violations regarding land-road traffic must be detected in time and immediately stopped. The sanctioning must comply with the provisions of the Ordinance on Handling of Administrative Violations, the provisions of this Decree and must be effected swiftly, fairly and resolutely. All the consequences caused by acts of violation must be overcome in strict accordance with law.

2. Individuals and organizations shall be administratively sanctioned only when they commit the administrative violations prescribed in this Decree.

3. The sanctioning of administrative violations regarding land-road traffic must be effected by competent persons defined in Articles 41, 42, 43 and 44 of this Decree.

4. An administrative violation act shall be sanctioned only once.

A person committing many acts of administrative violation shall be sanctioned for every act of violation. If the sanctioning is in form of fines, the fines shall be added up into the common fine level and only one sanctioning decision shall be issued.

If many persons commit one act of administrative violation, each of the violators shall be sanctioned.

5. When deciding to sanction administrative violations, competent persons must base themselves on the nature and seriousness of the violations, the personal identity of violators and the alleviating circumstances as well as aggravating circumstances prescribed in the Ordinance on Handling of Administrative Violations, on acts of violation, the sanctioning forms and levels prescribed in this Decree to decide appropriate handling forms and measures.

6. Not to sanction administrative violations in cases of emergency, legitimate self-defense and sudden events, or administrative violations committed by people suffering from mental diseases or other ailments which deprive them of the capacity to cognize or to control their acts.

7. The "marking of the times of violating the legislation on land road traffic on driving licenses" is a measure prescribed in the Government’s Resolution No.13/2002/NQ-CP of November 19, 2002 on solutions to check the rise in and proceed to gradually reduce traffic accidents and congestion in order to manage the operators of land-road motorized traffic means: if the driving licenses are marked with three times of violation, they shall become invalid; if they are marked twice, the violators shall have to re-sit for examination on Land-Road Traffic Law when changing their driving licenses. Hereinafter this measure is called: marking the violation times on driving licenses for short.

Article 4.- Principles for determining competence to sanction administrative violations

1. The competence to sanction administrative violations under the provisions of this Decree means the competence applicable to one act of administrative violation. In case of fine, the sanctioning competence shall be determined on the basis of the maximum level of the fine bracket, prescribed for every specific act of violation.

2. In case of sanctioning one person for committing many acts of administrative violation, the sanctioning competence shall be determined according to the following principles:

a) If the sanctioning form and level prescribed for each act all fall under the sanctioning person’s competence, the sanctioning competence also belongs to such person;

b) If the sanctioning form and level prescribed for one of the violation acts are beyond the competence of the sanctioning person, such person shall have to transfer the cases of violation to the authorities competent to sanction;

c) Where an administrative violation falls under the sanctioning competence of many persons, the sanctioning shall be effected by the person who receives and processes the case first.

Article 5.- Fine levels

When the form of fine is applied, the specific fine level for an act of administrative violation shall be the average of the fine bracket prescribed for such act; if the violation involves extenuating circumstances, the fine level can be reduced to below the average level but must not be lower than the minimum level of the fine bracket; if the violation involves aggravating circumstances, the fine level may be higher than the average level but must not exceed the maximum level of the fine bracket.

Article 6.- Statute of limitations for sanctioning administrative violations

1. The statute of limitations for sanctioning an administrative violation regarding land-road traffic shall be one year counting from the date the administrative violation is committed. Past the above-mentioned time limit, sanction shall not be imposed, but measures shall be applied to overcome the consequences thereof as provided for at Points a and b of Clause 3, Article 12 of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

2. If within one year, the violating individuals or organizations again commit new acts of administrative violation regarding land-road traffic or deliberately evade or obstruct the sanctioning, the statute of limitations prescribed in Clause 1 of this Article shall not apply. The time limit for sanctioning administrative violations shall be recalculated, counting from the time of committing new acts of administrative violation or the time of terminating acts of evading or obstructing the sanctioning.

Article 7.- Responsibilities of persons competent to sanction

Persons competent to impose administrative sanctions must sanction the right persons, the right acts of violation, according to the right competence and to law; if abusing the powers to tolerate, cover up, not to sanction or sanction not in time, not according to the right level or sanction ultra vires the administrative violations, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability; if causing material damage, they must pay compensations therefor according to law provisions.

Article 8.- Responsibilities of violating individuals and organizations

1. Individuals and organizations committing acts of violating the regulations on land-road traffic must strictly abide by the sanctioning decisions of competent persons as prescribed by law.

2. Individuals and organizations that have committed acts of violating the regulations on land-road traffic but then obstruct and/or resist persons on official duty or use tricks or bribery to evade the inspection, control or handling of violations by persons on official duty, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be handled according to law provisions.

Chapter II

ADMINISTRATIVE SANCTIONING OF ACTS OF VIOLATING LAND-ROAD TRAFFIC RULES

Article 9.- Sanctioning operators of automobiles and vehicles of similar structures for violating land-road traffic rules

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 30,000 on vehicle operators and persons sitting on front seats equipped with safety belts for failure to put on the safety belts while the vehicles are running.

2. A fine of between VND 40,000 and 80,000 for one of the following acts:

a) Failing to operate the vehicles to the right along their traveling directions; failing to keep vehicles on prescribed road sections or lanes;

b) Failing to comply with the traffic lights, signs, painted lines on roads, except for violation acts prescribed at Points d, e and m of Clause 3, Point b of Clause 4, Points b and c of Clause 5 of this Article which shall be sanctioned according to those Points and Clauses;

c) When making turns, failing to give way to pedestrians crossing streets at painted line places reserved for them or to operators of rudimentary vehicles who are travelling on the road sections reserved for them;

d) Reversing vehicles without making observations or giving advance signals;

e) Using high-beam headlights when crossing opposite vehicles in the nighttime;

f) Failing to stop or park vehicles close to roadsides at places where roadsides are narrow.

3. A fine of between VND 80,000 and 120,000 for one of the following acts:

a) Failing to abide by the orders of traffic conductors or traffic controllers;

b) Changing lanes at places where such is not permitted or without giving advance signals;

c) Failing to signal before overtaking front vehicles; making sudden turns in front of other vehicles;

d) Making U-turns at road sections reserved for pedestrians, on bridges, at bridge heads, under bridges, on narrow roads, at curved road sections with obstructed vision;

e) Reversing vehicles on one-way roads, in areas where stops are not allowed, on road sections reserved for pedestrians, at road intersections, at road-railway intersections, at places with obstructed visions and places where U-turn is not permitted;

f) Making ways for other vehicles in contravention of regulations; refusing to give way as prescribed at narrow road sections, on slopes and at places with obstacles;

g) Stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run at suburban road sections where pavements are large; stopping or parking vehicles not at the right places on road sections where stop and parking places have been already arranged; stopping or parking vehicles on thoroughfare beds in contravention of regulations; stopping or parking vehicles on tramways; stopping or parking vehicles on bridges; parking vehicles on slopes without chocking the wheels; or other acts of stopping or parking vehicles in contravention of regulations;

h) Leaving vehicles on road beds or pavements against the regulations;

i) Leaving the driving wheels when stopping vehicles; opening vehicle doors or leaving vehicle doors open without ensuring safety;

j) Failing to give advance signals when stopping or parking vehicles;

k) Failing to fix signal boards in front of towing vehicles or at the rear of the towed vehicles; failing to firmly and safely tie up towing vehicles to towed vehicles when they are on the run;

l) Driving on restricted road, restricted areas, driving from the opposite direction on one-way roads, except for priority vehicles being on urgent missions as prescribed;

m) Blowing horns or pressing accelerator pedals continuously; blowing horns or causing noises or big noises, thus disturbing quietness in urban centers or populated quarters when loading and/or unloading cargoes during the period between 22.00 hrs and 05.00 hrs of the following day; blowing hooters and/or using high-beam headlights in urban centers, populous regions, except for priority vehicles being on official missions as prescribed;

n) Failing to abide by the rules, guidance of traffic conductors when on ferries, pontoon bridges or crossing places hit by traffic jams;

o) Failing to keep the safe distance with the front running vehicle as prescribed for vehicles running on express ways;

p) Failing to speed down and give way when driving vehicles from alleys or branch roads into main roads or vice versa;

q) Trailer vehicles having no signal boards as prescribed or having the total weight smaller than the total weight of the trailers when the brake systems are not up to the technical safety standards.

4. A fine of between VND 140,000 and 300,000 for one of the following acts:

a) Overtaking other vehicles to the right when not so permitted;

b) Overtaking other vehicles at places where such is not allowed;

c) Failing to give way to vehicles asking to overtake when safety conditions permit; failing to give way to vehicles running on priority roads, main roads from any direction to road junctions;

d) Letting people sit in cabins beyond the prescribed numbers;

e) Failing to use enough headlights in the nighttime.

5. A fine of between VND 300,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Failing to give way to or obstructing priority vehicles;

b) Failing to observe the regulations when entering or leaving express ways; failing to observe the regulations on maximum speeds and minimum speeds when running on express ways; stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run on express ways; making U turns or reversals on express ways; changing lanes at wrong places where u-turns are not permitted or without giving advance signals when running on express ways;

c) Failing to use high-beam headlights when driving in land-road tunnels; making reversals or U turns in land-road tunnels; stopping or parking vehicles not at the right places in land-road tunnels;

d) Carrying people on towed vehicles, excluding drivers;

e) Pulling two or more vehicles by one vehicle; pushing other vehicle by one vehicle; pulling rudimentary vehicles, motorbikes, mopeds or dragging things on roads by vehicles; trailer or semi-trailer vehicles pulling other trailers or other vehicles;

f) Failing to apply measures to ensure safety as prescribed when vehicles break down at road-railway junctions;

g) Using signal horns, pennants and/or lamps of priority vehicles by non-priority vehicles; using priority horn, pennants and/or lamp signals by priority vehicles in contravention of regulations;

h) Failing to abide by the requests of traffic controllers to check alcoholic degrees or other stimulants banned by law;

i) Making U turns at road-railway junctions;

j) Failing to observe the regulations on stopping and parking vehicles at road-railway junctions.

6. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Driving at speeds exceeding the prescribed speed by up to 20%;

b) Stopping or parking vehicles in contravention of regulations, thus causing traffic congestion;

c) Stopping or parking vehicles, opening vehicle doors without ensuring safety, thus causing accidents but not to the extent of being examined for penal liability.

7. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for one of the following acts:

a) Driving at speeds exceeding the prescribed speeds by more than 20%;

b) Drinking liquor, beer with alcoholic contents in blood or breath in excess of the prescribed levels or using other stimulants banned by law;

c) When causing traffic accidents, the means operators fail to stop, fail to keep intact the scenes; fleeing away without going to competent agencies to present themselves, failing to participate in giving first-aid to the victims;

d) Driving at speeds exceeding the prescribed speeds, overtaking other vehicles or changing lanes in contravention of regulations, thus causing accidents but not seriously enough to be examined for penal liability.

8. A fine of between VND 5,000,000 and 10,000,000 for acts of zigzagging, weaving one’s way or chasing one another on roads inside or outside urban centers.

9. A fine of between VND 10,000,000 and 20,000,000 for acts of violation prescribed in Clause 8 of this Article but causing accidents or failing to abide by the order to stop the vehicles of the persons on official duty or resisting persons on official duty, but not seriously enough to be examined for penal liability.

10. In addition to fines, the violating vehicle operators shall be also subject to additional measures and the following measures:

a) Having illegally used horns, pennants and/or lamps confiscated if violating the provisions at Point g, Clause 5 of this Article; having their driving licenses marked with the violation times if violating the provisions in Clauses 4, 5 and 6 of this Article;

b) Being deprived of the right to use driving licenses for 90 days and subject to marking of violation times on their driving licenses if breaching Clause 7 of this Article;

c) Being deprived of the right to use driving licenses for 180 days and subject to marking of violation times on driving licenses if breaching Clause 8 of this Article;

d) Being deprived of the right to use driving licenses indefinitely if violating Clause 9 of this Article.

Article 10.- Sanctioning persons who operate or sit on motorbikes, mopeds or other vehicles with similar structures, and violate land-road traffic rules

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 20,000 on persons who operate or sit on motorbikes or mopeds without wearing crash helmets when traveling on roads where crash helmet wearing is compulsory.

2. A fine of between VND 20,000 and 60,000 on means operators for one of the following acts:

a) Failing to keep their vehicles to the right along the direction of their traveling;

b) Failing to abide by the traffic lights, road signs, painted lines, except for acts of violating the provisions at Point b, Clause 3, Point c, Clause 4, of this Article, which shall be subject to sanctions prescribed at those points and clauses;

c) Failing to signal before asking to overtake; overtaking other vehicles at places where such is prohibited; overtaking to the right in cases where such is not allowed;

d) When making turns, failing to give way to pedestrians at places painted with lines reserved for pedestrians to cross the roads, or to operators of rudimentary means who are traveling on road sections reserved for them;

e) Reversing three-wheeled motorbikes without making observations or giving advance signals;

f) Failing to use headlights during the nighttime or using high-beam headlights when crossing vehicles from the opposite direction in the nighttime;

g) Leaving vehicles on roadbeds or pavements in contravention of regulations;

h) Making U turns at places where U turns are prohibited;

i) Using umbrellas or mobile phones when driving vehicles; using umbrellas by persons sitting on vehicles;

j) Rallying three or more vehicles on roadbeds, bridges;

k) Stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run at suburban sections with pavements; stopping or parking vehicles on urban roadbeds thus obstructing traffic; stopping or parking vehicles at places with no-stop or no-park signboards; stopping or parking vehicles on tramways; stopping or parking vehicles on bridges or other acts of stopping or parking vehicles in contravention of regulations; failing to observe regulations on stopping or parking vehicles at road-railways intersections;

l) Driving on restricted roads, restricted areas; driving from the opposite direction on one-way roads, except for cases where priority vehicles are on urgent missions as provided for;

m) Carrying people in excess of the prescribed number, except for cases of carrying sick persons for emergency treatment, escorting criminals;

n) Driving three or more vehicles abreast;

o) Declining to give way to vehicles which ask to overtake when the safety conditions permit; refusing to give way to vehicles running on priority roads or main roads from any direction to road intersections;

p) Failing to abide by the rules, guidance of traffic conductors when crossing on ferries, pontoon bridges or places hit by traffic congestion;

q) Failing to keep a safe distance from front running vehicles as provided for when driving on express ways.

3. A fine of between VND 60,000 and 100,000 for one of the following acts:

a) Failing to abide by the orders of traffic conductors and/or traffic controllers;

b) Changing lanes not at the right places or without giving advance signals;

c) Crossing or overtaking other vehicles in contravention of regulations. Declining to give way to other vehicles as prescribed at places where roads are narrow, sloping or where exist obstacles;

d) Blowing horns and/or pressing accelerator pedals continuously during the period of between 22.00 hrs and 05.00 hrs on the following day; using high-beam headlights in urban centers, populated areas, except for priority vehicles being on official missions as prescribed;

e) Failing to speed down and give way when driving vehicles from alleys into main roads or vice versa;

f) Persons operating or sitting on vehicles and towing other vehicles or things or pushing other vehicles or objects, leading animals or carrying on shoulders or vehicles bulky objects; persons operating and/or sitting on towed or pushed vehicles.

4. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for one of the following acts:

a) Using signal horns, pennants and/or lamps of priority vehicles by non-priority vehicles; using priority signal horns, pennants and/or lamps in contravention of regulations by priority vehicles;

b) Declining to give way to or obstructing priority vehicles;

c) Failing to observe regulations when entering or leaving expressways, failing to observe regulations on maximum speeds and minimum speeds when driving on expressways; stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run on expressways; making U turns or reversals on expressways; changing lanes not at the right places or without giving advance signals when driving on expressways;

d) Driving in land-road tunnels without using headlights; stopping or parking vehicles in land-road tunnels not at the right places; making U turns in land-road tunnels.

5. A fine of between VND 200,000 and 300,000 for one of the following acts:

a) Driving at speeds exceeding the prescribed speeds by up to 20%;

b) Operating motorbikes, mopeds in processions, thus obstructing traffic;

c) Declining to obey the requests of traffic controllers for examination of liquor or beer degrees or other stimulants banned by law.

6. A fine of between VND 300,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Driving at speeds exceeding the prescribed speeds by more than 20%;

b) Drinking liquor or beer with alcoholic contents in blood or breath exceeding the prescribed levels or using other stimulants banned by law;

c) When causing accidents, the concerned means operators fail to stop, fail to keep intact the scenes, flee away without presenting themselves to competent agencies, fail to participate in giving the first-aid treatment to victims;

d) Overtaking other vehicles right at the latter’s head or making sudden turns;

e) Driving at speeds exceeding the prescribed ones, overtaking other vehicles or changing lanes in contravention of regulations, thus causing accidents, but not seriously enough to be examined for penal liability.

7. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Applying stands or other objects against road surface when driving;

b) Using motorbikes of cylinder capacity of 175 cm3 or higher in contravention of regulations.

8. A fine of between VND 4,000,000 and 6,000,000 for one of the following acts:

a) Driving vehicles in zigzags or to weave one’s way or chase one another on roads inside and outside urban centers;

b) Driving vehicles on one wheel, for two-wheelers, or on two wheels, for three-wheelers;

c) Taking both hands off when driving vehicles; using feet to drive vehicles; Sitting on one side to drive vehicles; lying on vehicle saddles to drive the vehicles; standing on vehicles to operate them; changing operators when vehicles are running;

d) Driving vehicles in groups of two or more at speeds exceeding the prescribed speeds.

9. A fine of between VND 6,000,000 and 14,000,000 for acts of violating Clause 8 of this Article but failing to obey orders to stop vehicles of the persons on official duty or resisting persons on official duty or causing accidents, but not to the extent of being examined for penal liability.

10. In addition to fines, the violating means operators shall be also subject to additional measures and the following measures:

a) The confiscation of horns, pennants and/or lamps when breaching Point a, Clause 4 of this Article;

b) The marking of violation times on their driving licenses when violating Clauses 4, 5, 6 and 7 of this Article; also the deprivation of the right to use driving licenses for 60 days if violating Points a, b and e of Clause 6 of this Article;

c) The indefinite deprivation of the right to use driving licenses and temporary seizure of vehicles for 60 days if breaching Clauses 8 and 9 of this Article; and confiscation of vehicles if repeating the violations.

Article 11.- Sanctioning operators of special-use vehicular machinery for violations of land road traffic rules

1. A fine of between VND 40,000 and 60,000 for one of the following acts:

a) Failing to keep to the right along the direction of their travel; failing to keep on the prescribed road sections;

b) Failing to abide by the signal lights, roadsigns, painted lines;

c) When making turns, failing to give way to pedestrians at places painted with lines, reserved for them to cross roads, or to operators of rudimentary vehicles being on the road sections reserved for them;

d) Reversing vehicles without making observations or giving advance signals;

e) Failing to use headlights during the nighttime or using high-beam headlines when crossing vehicles from the opposite direction during the nighttime;

f) Leaving vehicles on roadbeds or pavements in contravention of regulations;

g) Failing to stop or park vehicles close to the road sides at places where roadsides are narrow.

2. A fine of between VND 60,000 and 100,000 for one of the following acts:

a) Failing to abide by the order of traffic conductors or traffic controllers;

b) Making U turns not at the right places;

c) Reversing vehicles in areas where stops are not allowed or on one-way roads;

d) Failing to make way to the right along the direction of one’s running vehicles;

e) Failing to give way as prescribed when avoiding other vehicles at places where roads are narrow, sloping or where exist obstacles;

f) Stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run at suburban sections with wide pavements; stopping or parking vehicles not at the right places on urban roads where exist the parking places; parking vehicles on slopes without chocking the wheels; stopping or parking vehicles on urban roadbeds thus obstructing traffic; stopping or parking vehicles on tramways; stopping or parking vehicles on bridges; stopping or parking vehicles without giving advance signals; stopping or parking vehicles at places where such are prohibited;

g) Driving on restricted roads or in restricted areas; driving on one-way roads from the opposite direction;

h) Failing to abide by the rules, direction of traffic conductors when crossing on ferries, pontoon bridges or places hit by traffic congestion;

i) Failing to speed down and give way when driving vehicles from branch roads into main roads or vice versa.

3. A fine of between VND 100,000 and 300,000 for acts of failing to give way to or obstructing priority vehicles.

4. A fine of between VND 300,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Driving vehicles at speeds exceeding the prescribed speeds;

b) Failing to apply measures to ensure safety as prescribed when special-use vehicular machinery break down at road-railway intersections;

c) Failing to obey the requests of traffic controllers for check of alcoholic contents or other stimulants banned by law;

d) Driving vehicles in underground tunnels without using headlights; stopping or parking vehicles in underground tunnels not at the right places; making reversals or U turns in underground tunnels;

e) Failing to observe the regulations on stopping or parking vehicles at road-railways intersection.

5. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for one of the following acts:

a) Drinking liquors, beer with alcoholic contents in blood or breath exceeding the prescribed level or using other stimulants banned by law;

b) When causing accidents, the concerned vehicle operators fail to stop, fail to keep intact the scenes, flee away without presenting themselves to competent agencies, fail to participate in giving first aid to victims.

6. In addition to fines, the vehicle operators violating Clause 5 of this Article shall be deprived of the right to use driving licenses or certificates of operating special-use vehicular machinery for 60 days.

Article 12.- Sanctioning persons who operate or sit on bicycles and persons who operate other rudimentary vehicles for violating land-road traffic rules

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 20,000 for one of the following acts:

a) Failing to keep to the right along their traveling direction, failing to keep for the prescribed road sections;

b) Stopping vehicles suddenly, making turns without giving advance signals;

c) Failing to observe rules, instructions of traffic conductors when crossing on ferries, pontoon bridges or when traffic congestion occurs;

d) Failing to abide by the traffic lights, road signs, painted lines;

e) Overtaking other vehicles to the right in cases where such is not allowed;

f) Stopping or parking vehicles on road sections where vehicles run at suburban road sections with pavements;

g) Leaving vehicles on roadbeds, pavements in contravention of regulations;

h) Driving vehicles in underground tunnels without using headlights or light- reflecting objects; stopping or parking vehicles in underground tunnels not at right places; making U-turns in underground tunnels;

i) Riding three or more bicycles abreast; operating two or more other rudimentary vehicles abreast;

j) Using umbrella or mobile phones by bicycle riders; carrying bulky objects or using umbrellas by persons sitting on bicycles;

k) Operating rudimentary vehicles during the nighttime without using signal lamps or light-reflecting objects;

l) Carrying persons in excess of the prescribed numbers on bicycles or cyclos, except for cases of carrying sick persons for emergency treatment;

m) Goods loaded on vehicles fail to ensure safety, obstruct traffic and/or block the vision of the operators.

2. A fine of between VND 20,000 and 40,000 for one of the following acts:

a) Failing to obey the orders of traffic conductors and/or traffic controllers;

b) Parking vehicles on urban thoroughfares thus obstructing traffic, parking vehicles on tramways, parking vehicles on bridges, thus obstructing traffic;

c) Failing to observe regulations on stopping and parking vehicles at road-railways intersections;

d) Driving into restricted roads, restricted areas; driving from the opposite direction on one-way roads;

e) Failing to give way to or obstructing other vehicles which ask to overtake; obstructing priority vehicles;

f) Clinging to, pulling or pushing other vehicles or objects, or carrying on shoulder or transporting bulky objects by persons who operate or sit on vehicles;

g) Using trolleys as mobile goods stalls on roads in contravention of regulations, thus obstructing traffic;

h) Declining to give way to vehicles on priority roads or main roads from any direction at road intersections.

3. A fine of between VND 40,000 and 80,000 for one of the following acts:

a) Riding bicycles with both hands taken off, making sudden turns in front of running motorized vehicles; driving bicycles with feet;

b) Failing to stop, to keep intact the scene when causing accidents;

c) Operating vehicles without registration, without number plates if the registration and number plates are required in localities.

4. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for one of the following acts:

a) Operating bicycles, rudimentary vehicles in zigzags, to weave one’s way or to chase one another;

b) Riding bicycles on one wheel or tricycles on two wheels.

Article 13.- Sanctioning pedestrians who violate land road traffic rules

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 20,000 for one of the following acts:

a) Failing to walk on the prescribed road sections;

b) Failing to abide by the traffic lights, roadsigns, painted lines on roads.

2. A fine of between VND 20,000 and 40,000 for one of the following acts:

a) Failing to obey the orders of traffic conductors and/or traffic controllers;

b) Carrying bulky objects, thus obstructing traffic;

c) Climbing over median strips when crossing roads;

d) Clinging to running traffic means.

Article 14.- Sanctioning persons who direct and walk animals, animal-drawn cart operators for violating land-road traffic rules

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 20,000 for one of the following acts:

a) Failing to keep on the prescribed road sections, entering restricted roads, restricted areas, failing to give way as prescribed, failing to give hand signals when making turns;

b) Failing to comply with the traffic lights, road signs, painted lines on roads;

c) Failing to comply with the orders of traffic conductors, traffic controllers;

d) Letting animals walk in the middle of roads, unsafely cross the roads, running animals while operating or sitting on land-road traffic means;

e) Not having enough containers to store animals’ wastes or failing to clean animal wastes dropped on roads, pavements.

2. A fine of between VND 20,000 and 40,000 for one of the following acts:

a) Directing or walking animals into road sections reserved for motorized vehicles;

b) Leaving animals unbridled on land roads;

c) Operating two or more animal-drawn carts abreast;

d) Letting animal-drawn carts run without persons to direct them;

e) Having no signals as prescribed.

3. A fine of between VND 40,000 and 80,000 for one of the following acts:

a) Loading commodities onto vehicles beyond the prescribed dimensions;

b) Causing noises or big noises, thus affecting the quietness in population quarters when loading and/or unloading cargoes during the time from 22.00 hrs to 05.00 hrs of the following day.

Article 15.- Sanctioning other acts of violating land-road traffic rules

1. A fine of between VND 20,000 and 40,000 for one of the following acts:

a) Sun-drying rice, paddy, straw, farm produce and/or other objects on roads;

b) Dumping garbage, wastes on roads not at the prescribed places;

c) Illegally building or placing platforms, decks on pavements or roadbeds;

d) Occupying pavements, traffic routes to hold markets, display goods for sale;

e) Occupying pavements, roadbeds for placement of signboards, peddlery, sale offers, bicycle repair, making pent-roofs, conducting other service activities thus obstructing traffic or affecting streets’ beautiful looks;

f) Illegally rallying people; lying or sitting on roads, thus obstructing traffic;

g) Playing soccer, shuttle kicking, badminton or other sport games on traffic routes.

2. A fine of between VND 40,000 and 100,000 for one of the following acts:

a) Leaving materials, discarded stuffs, obstacles on land roads, thus obstructing traffic;

b) Letting things hide road signs, traffic lights.

3. A fine of between VND 100,000 and 300,000 for one of the following acts:

a) Using roads in contravention of regulations to organize cultural and/or sport activities, processions, rituals;

b) Erecting welcome arches or other shielding objects within the land areas reserved for roads, thus affecting land-road traffic order and safety;

c) Removing or opening sewage lids on traffic roads without permission;

d) Throwing bricks, earth, stones or any objects at people or means joining in traffic;

e) Occupying pavements and/or roadbeds for automobile, motorbike or moped repair, vehicle washing, illegal vehicle watch.

4. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Placing or hanging advertisement billboards on road land or within land-road safety corridors, thus affecting traffic order and safety;

b) Spreading nails or other sharp or pointed objects on, stretching wires or ropes across, or pouring lubricating oil on, roads.

5. In addition to fines, the persons who commit acts of violation prescribed at Points a, b, c, d and e of Clause 1, Clause 2, Points b, c and e of Clause 3, and Clause 4 of this Article shall still be compelled to dismantle illegally constructed works, restore the original state altered due to the administrative violations.

Chapter III

ADMINISTRATIVE SANCTIONING OF ACTS OF VIOLATING THE REGULATIONS ON LAND-ROAD INFRASTRUCTURE

Article 16.- Sanctioning individuals and organizations that commit acts of violation regarding the use and exploitation of land areas reserved for roads

1. A fine of between VND 50,000 and 200,000 for one of the following acts:

a) Temporarily using, exploiting land areas of road safety corridors for the purposes of agricultural farming, thus affecting the works’ safety and traffic safety;

b) Planting trees within land areas reserved for roads or land areas of road safety corridors, thus concealing the vision of traffic means operators.

2. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Illegally opening branch roads linking with main roads;

b) Illegally erecting huts, food and/or drink stalls within land areas reserved for roads.

3. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of illegally building makeshifts or other temporary works within land areas reserved for roads.

4. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 for acts of illegally building houses or other solid works within land areas reserved for roads.

5. In addition to fines, individuals and organizations that commit acts of violating the regulations in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article shall still be compelled to dismantle the constructions, remove illegally planted trees and restore the original state altered due to such administrative violations.

Article 17.- Sanctioning individuals and organizations that commit acts of violating the regulations on project construction or maintenance on land roads being under exploitation

1. A fine of between VND 1,000,000 and 3,000,000 for one of the following acts:

a) Building projects on land roads being under exploitation without permits or with permits but failing to notify such in writing to the road-managing body before carrying out the construction;

b) Carrying out construction on land roads without adequate signal boards, mobile marker posts, barricades as provided for; failing to put up red lights during the nighttime at both ends of the road sections being under construction; failing to take measures to ensure smooth and safe traffic;

c) Failing to arrange persons to guide and conduct traffic when carrying out construction at narrow road sections or at both ends of bridges, sluices, tunnels, which are under construction;

d) Leaving building materials, earth, stones, construction means outside the construction sites, thus obstructing traffic;

e) Building projects on urban thoroughfares without complying with the prescribed plans or timetables;

f) Failing to remove signal boards, barricades, construction means and other materials or failing to restore the road sections to their original state upon the completion of construction.

2. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 for acts of carrying out construction on being-exploited roads without taking adequate measures to ensure traffic safety as prescribed, thus causing accidents, but not seriously enough to be examined for penal liability.

3. In addition to fines, individuals and organizations that violate the regulations at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article shall be compelled to take immediate measures to ensure traffic safety as provided for, to restore the original state altered due to the administrative violations. In cases where they cannot do all these, they shall be forced to suspend the construction.

Article 18.- Sanctioning individuals and organizations that commit acts of violation regarding the construction of car stations, parking yards, parking lots

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of building car stations, parking yards incompliant with the approved designing scale.

2. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 for acts of building or establishing car stations, parking yards incompliant with the approved plannings.

3. In addition to fines, the persons who commit acts of violating the regulations in Clauses 1 and 2 of this Article shall still be compelled to dismantle illegally constructed projects and restore the original state altered due to the administrative violations.

Article 19.- Sanctioning individuals and organiza-tions that commit acts of violating the regulations on protection of land-road traffic infrastructure

1. Warning or a fine of between VND 10,000 and 20,000 for one of the following acts:

a) Tending or walking cattle on road taluses; tying cattle to trees on both sides of roads, or to marker posts, road signs, barriers, land-road traffic support works;

b) Climbing on bridge abutments, piers or beams without permission.

2. A fine of between VND 20,000 and 60,000 for acts of building mud embankments and scooping water over road surfaces.

3. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for one of the following acts:

a) Damaging or deactivating water drainage system for land roads;

b) Dismantling, removing or falsifying at one’s own will signal boards, traffic lights, barriers, marker posts, milestones, road-painted lines, boundary markers, structures and auxiliaries of land-road works, but not to the extent of being examined for penal liability.

4. A fine of between VND 200,000 and 300,000 for acts of building fires on bridges, under bridges at one’s own will; anchoring vessels within land-road safety corridors.

5. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for acts of late removing works, houses, huts, food and drink stalls or deliberately delaying the removal thereof, thus obstructing the ground clearance for construction, renovation, expansion and protection of road works when competent State bodies issue decisions thereon.

6. A fine of between VND 2,000,000 and 5,000,000 for one of the following acts:

a) Drilling, digging or cutting roads without permission;

b) Destroying median strips at one’s own will, but not seriously enough to be examined for penal liability;

c) Exploding mines or exploiting sand, rocks, cobble stones without permission, thus affecting land-road works.

7. In addition to fines, the persons who commit acts of violation prescribed in Clauses 2,3 and 4, Points a and b of Clause 6, of this Article shall also be compelled to restore the original state altered due to the administrative violations.

Chapter IV

ADMINISTRATIVE SANCTIONING OF ACTS OF VIOLATING THE REGULATIONS ON MEANS JOINING IN LAND-ROAD TRAFFIC

Article 20.- Sanctioning operators of automobiles and vehicles of similar structure for violating regulations on conditions of means for joining in traffic

1. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for acts of operating automobiles without windscreens; with windscreens and car doors made of unsafety glass.

2. A fine of between VND 100,000 and 200,000 on automobile drivers for committing one of the following acts:

a) Having not enough headlamps, number-plate lamps, stop lamps, signal lamps, windscreen wipers, rear-view mirrors, speedometers, or having such things which, however, have no effect, or additionally fixing high-beam lights at the rears of automobiles;

b) Having no horns or having horns not up to the volume standards;

c) Having no silencers or having silencers not up to the technical standards;

d) Failing to adequately fix the number plates or to paint numbers as prescribed; fixing number plates at wrong possitions; the number plates are dim, bent, shielded off or damaged;

e) Insetting opaque glass or sticking wax paper at their own will.

3. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 on automobile drivers for committing one of the following acts:

a) Having not enough brake systems or having brake systems not up to the technical safety standards;

b) Having the steering systems being not up to the technical safety standards;

c) Using rubber tires being of wrong sizes or below the technical standards.

4. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on automobile drivers for committing one of the following acts:

a) Having no automobile registration papers as prescribed;

b) Using registration papers inscribed with wrong frame numbers or engine numbers; registration papers issued not by competent bodies;

c) Using number plates granted not by competent bodies; number plates being incompatible with registration papers;

d) Failing to transfer the ownership over the means according to regulations;

e) Having no certificates or stamps of technical safety and environmental protection inspection or having such certificates or stamps but they have expired or been issued not by competent bodies (including trailers and semi-trailers);

f) Erasing or modifying registration papers, registration dossiers, certificates or stamps of technical safety and environmental protection expertise or other papers on the means, but not seriously enough to be examined for penal liability.

5. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 for one of the following acts:

a) Using automobiles of right-hand drive without permission; driving automobiles registered for temporary operations beyond the permitted scope and/or time;

b) Operating automobiles with expired use duration for participating in traffic;

c) Re-chiseling frame numbers and/or engine numbers without permission, but not seriously enough to be examined for penal liability;

d) Changing without permission the general frame structure; the total engine structure; modifying without permission the structures, shapes, dimensions, paint colors of automobiles against the manufacturers’ designs or the modification designs already approved by competent bodies; changing without permission automobiles’ utility properties.

6. A fine of between VND 100,000 and 200,000 on operators of vehicles with structures similar to automobile structures, tractors, for committing one of the following acts:

a) Having not enough headlamps or having headlamps which are, however, ineffective;

b) Having no horns or having horns but not up to the volume standards;

c) Having no silencers or having them but not up to the technical standards.

7. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 on operators of vehicles with automobile-like structures, tractors for committing one of the following acts:

a) Having not enough brake systems or having enough but they are not up to the technical safety standards;

b) The steering systems are not up to the technical safety standards.

8. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on operators of vehicles of automobile-like structure or tractors for committing one of the following acts:

a) Having no registration papers as prescribed, having no number plates or having the number plates incompatible with registration papers (if the registration and fixture of number plates are required);

b) Having no certificates or stamps of technical safety and environmental protection expertise (if the expertise is required).

9. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 on operators of self-manufactured or –assembled vehicles.

10. In addition to fines, the operators of automobiles or vehicles of automobile-like structure shall still be subject to additional measures and the following measures: being compelled to fully install such things or to restore the original state altered due to the administrative violations, for acts of violating regulations in Clause 2 of this Article; having the vehicle registration papers withdrawn, for violating regulations at Point b, Clause 4 of this Article; having the number plates confiscated, for violating the regulations at Point c, Clause 4 of this Article; being deprived of the right to use driving licenses for 90 days, for violating regulations in Clause 5 of this Article; having the driving licenses marked with violation times, for violating the regulations in Clauses 3, 4, 5, 6, 7 and 8 of this Article; having the vehicles confiscated and being deprived of driving licenses for an indefinite time (if the violators have them), for violating Clause 9 of this Article.

Article 21.- Sanctioning operators of motorbikes, mopeds and vehicles of similar structures for violating the regulations on conditions of vehicles when they participate in traffic

1. A fine of between VND 20,000 and 50,000 for one of the following acts:

a) Having no horns, low-beam and high-beam headlights; number-plate lamps; stop lamps; signal lamps, rear-view mirrors, or having such things which are, however, ineffective;

b) Failing to fix number plates; fixing number plates in contravention of regulations; number plates are dim, bent, hidden, damaged.

2. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for one of the following acts:

a) Having no brake systems or having brake systems which are, however, not up to the technical standards;

b) Failing to transfer the ownership over vehicles as prescribed;

c) Changing vehicles’ labels at one’s own will.

3. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for one of the following acts:

a) Using automobile horns or horns with volumes exceeding the prescribed levels;

b) Having no silencers or having silencers which are, however, not up to the technical standards.

4. A fine of between VND 200,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Having no vehicle registration papers as prescribed;

b) Using vehicle registration papers which have been erased; using vehicle registration papers with wrong numbers of vehicle frames and/or engines, or registration papers not issued by competent bodies;

c) Fixing number plates with numerals or letters being not compatible with those inscribed in the registration papers; number plates not granted by competent bodies.

5. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Re-chiseling frame numbers and/or engine numbers without permission;

b) Erasing, amending or forging vehicle registration dossiers;

c) Changing at one’s own will frames, engines, shapes, dimensions and/or colors of vehicles;

d) Operating vehicles which are registered for temporary operation beyond the permitted scope and/or time;

e) Operating self-manufactured or self-assembled vehicles.

6. In addition to fines, the operators of motorbikes, mopeds or similar vehicles shall be also subject to the application of additional measures and the following measures: confiscation of horns, for breaching Point a, Clause 3 of this Article; confiscation of vehicle registration papers, for violating Point b, Clause 4 of this Article; confiscation of number plates, for violating Point c, Clause 4 of this Article; deprivation of the right to use driving licenses for 30 days, for violating Points a, c and d, Clause 5 of this Article; forced restoration of the original state altered due to administrative violations, for violating Point c of Clause 2, Point c of Clause 5, of this Article; confiscation of vehicles, deprivation of driving licenses (if the violators have them) for indefinite period of time, for violating Point e, Clause 5 of this Article; marking of the violation times on driving licenses, for violating Clauses 3, 4 and 5 of this Article.

Article 22.- Sanctioning operators of rudimentary vehicles for violating the regulations on conditions of vehicles participating in traffic

1. A fine of between VND 10,000 and 20,000 for acts of having no registration papers, having not fixed number plates (if the registration and number plate fixture are stipulated by localities).

2. A fine of between VND 10,000 and 30,000 for one of the following acts:

a) Having no brake systems or having brake systems which are, however, ineffective;

b) Failing to ensure the comfort and hygiene requirements as stipulated by localities, for passenger rudimentary vehicles.

Article 23.- Sanctioning operators of special use vehicular machinery for violating the regulations on conditions of means participating in traffic

1. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for acts of having no headlights, having no silencers as designed.

2. A fine of between VND 100,000 and 300,000 for one of the following acts:

a) Having no registration papers; having fixed number plates not at the right places; having fixed number plates not granted by competent bodies;

b) The brake systems or the steering systems fail to satisfy the technical standards;

c) Special-use parts have been installed not at the right places; fail to ensure firmness when being on the move;

d) Operating beyond the prescribed scope;

e) Having no certificates of technical safety and environmental protection inspection, or having such certificates which have, however, expired.

3. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for acts of operating self-made, self-assembled or modified special-use vehicular machinery.

4. Apart from fines, the persons violating Clause 3 of this Article shall also be compelled to stop operation.

Article 24.- Sanctioning automobile operators for violating the regulations on environmental protection while joining in traffic

1. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for acts of operating dirty vehicles into cities, provincial towns.

2. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for acts of discharging smokes beyond the prescribed limits, stinking smells into the air.

3. A fine of between VND 200,000 and 300,000 for acts of discharging lubricating oil, toxic chemicals on roads.

4. In addition to fines, the persons who violate the regulations in Clauses 1 and/or 3 of this Article shall also be compelled to overcome the consequences caused by their administrative violations.

Chapter V

ADMINISTRATIVE SANCTIONING OF ACTS OF VIOLATING THE REGULATIONS ON MEANS OPERATORS JOINING IN LAND-ROAD TRAFFIC

Article 25.- Sanctioning acts of violating the regulations on conditions of motorized vehicle drivers

1. Warning shall be imposed on persons aged between full 14 and under 16 for operating mopeds or motorbikes.

2. Warning or a fine of between VND 20,000 and 50,000 for one of the following acts:

a) Persons aged between full 16 and under 18, who operate motorbikes of a cylinder capacity of 50 cm3 or over;

b) Failing to carry along vehicle registration papers and valid certificates of motorized vehicle owners’ civil liability insurance, by motorbike or moped operators;

c) Failing to carry along driving licenses by motorbike operators.

3. A fine of between VND 50,000 and 100,000 on motorbike operators for committing one of the following acts:

a) Having no driving licenses;

b) Using driving licenses not issued by competent bodies; erased driving licenses;

c) Having no valid certificates of motorized vehicle owners’ civil liability insurance.

4. A fine of between VND 100,000 and 200,000 on automobile operators for failing to carry along vehicle registration papers, driving licenses, certificates of inspection of technical safety and environmental protection; failing to carry along valid certificates of motorized vehicle owners’ civil liability insurance.

5. Warning against persons aged between full 14 and under 16 for operating automobiles, tractors or vehicles of similar structures.

6. A fine of between VND 200,000 and 300,000 on persons aged between full 16 and under 18 for operating automobiles, tractors or vehicles of similar structures.

7. A fine of between VND 300,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Operating automobiles, tractors of a tonnage of 3,500 kg or over; passenger taxis; passenger cars of 10 seats or more by persons aged between full 18 and under 21;

b) Operating passenger cars of over 30 seats by persons aged between full 18 and under 25;

c) Operating passenger cars of over 30 seats by men aged over 55 or women aged over 50;

d) Operating automobiles with expired driving licenses; with driving licenses incompatible with the types of vehicles being operated; having no valid certificates of motorized vehicle owners’ civil liability insurance.

8. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on automobile operators for committing one of the following acts:

a) Having no driving licenses;

b) Having driving licenses not issued by competent bodies; driving licenses which have been erased.

9. In addition to fines, the violators shall also be subject to the application of additional measures and the following measures: temporary seizure of vehicles for 15 days, for acts of violating Clause 1, Point a of Clause 2, Clause 5, Points a, b and c of Clause 7, Point a of Clause 3 of this Article; confiscation of driving licenses and temporary seizure of vehicles for 15 days, for violating Point b, Clause 3 of this Article; deprivation of the right to use driving licenses for 30 days, for violating Points a, b and c, Clause 7 of this Article; the marking of violation times on driving licenses, for violating Clauses 4 and/or 7 of this Article; temporary seizure of vehicles for 30 days and confiscation of driving licenses (if any), for violating Clause 8 of this Article.

Article 26.- Administrative sanctioning of acts of violating the regulations on conditions of special-use vehicular machinery operators

1. A fine of between VND 100,000 and 200,000 on special-use vehicular machinery operators not at the prescribed ages, not compliance with the prescribed production lines.

2. A fine of between VND 200,000 and 300,000 on special-use vehicular machinery operators for having no driving licenses or certificates of land-road traffic legislation knowledge fostering.

Article 27.- Sanctioning acts of violating the regulations on training and testing of drivers

1. A fine of between VND 200,000 and 400,000 on driving practice trainers for committing one of the following acts:

a) Letting trainees who have not driving practice permits to practice driving;

b) Carrying people, cargoes on driving practice vehicles;

c) Driving not on the routes and/or not at the time prescribed in driving practice permits.

2. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 on drivers- training establishments for committing one of the following acts:

a) Failing to arrange driving practice instructors to sit by the side of driving trainees;

b) Having no signboard " Tap lai" (driving practice) as provided for;

c) Failing to equip driving practice vehicles with additional brakes.

3. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 on drivers- training establishments, drivers-testing centers for committing one of the following acts:

a) Having no operation permits; failing to meet all prescribed conditions; failing to comply with training contents and programs, for drivers- training establishments;

b) Failing to fully meet conditions for operation, for drivers-testing centers.

4. In addition to fines, the drivers- training establishments which violate Point a, Clause 3, and drivers-testing centers which violate Point b, Clause 3, of this Article, shall also be compelled to suspend their operation and deprived of the right to use licenses.

Chapter VI

ADMINISTRATIVE SANCTIONING OF ACTS OF VIOLATING THE REGULATIONS ON LAND-ROAD TRANSPORT

Article 28.- Sanctioning passenger car operators

1. A fine of between VND 20,000 and 50,000 for acts of failing to guide passengers to sit at the prescribed places in cars.

2. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for one of the following acts:

a) Failing to close the car doors when cars are running;

b) Letting passengers sit in cars when the cars embark or disembark ferries, run on pontoon bridges or when the cars are on ferries, excluding aged people, sick persons, disabled persons;

c) Tying luggage, cargoes unsafely; letting cargoes drop on roads.

3. A fine of between VND 100,000 and 300,000 for one of the following acts:

a) Taking, releasing passengers not at the prescribed places;

b) Letting passengers get on or get down when the cars are running;

c) Taking, releasing passengers at places where stop and/or parking are not allowed, at curved road sections where vision is blocked.

4. A fine of between VND 300,000 and 500,000 for one of the following acts:

a) Failing to run on the prescribed routes, according to the prescribed schedules and/or transport itineraries;

b) Letting people sit on roofs or cling to car doors or sides when the cars are running;

c) Transferring passengers midway onto other cars without their consents;

d) Dropping passengers to escape inspection and control by competent persons;

e) Carrying in excess 1 person for four-seat cars; 2 persons for 9-seat cars; 3 persons for cars of more than 9 seats; 4 persons for cars of 30 or more seats;

f) Carrying cargoes in excess of the vehicles’ designed tonnage or outside dimensions; arranging cargoes in passengers compartments;

g) Transporting goods with stinking smells, animals or commodities, which affect passengers’ health;

h) Arranging commodities on passenger-car roofs, thus tilting the cars;

i) Cars carrying passengers under contracts without bearing the signboard "Xe hop dong" (contractual car);

j) Carrying passengers on fixed routes without itinerary books.

5. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of transporting hazardous goods, flammable or explosion-prone goods on passenger cars.

6. In addition to fines, the violators shall also be subject to additional measures and the following measures: deprivation of the right to use driving licenses for 30 days, for violating Point e, Clause 4 of this Article; deprivation of the right to use driving licenses for 90 days, for violating Clause 5 of this Article; marking of violation times on driving licenses, for violating Clauses 4 and 5 of this Article.

Article 29.- Sanctioning truck drivers

1. A fine of between VND 50,000 and 100,000 for acts of carrying unpacked goods, wastes without roofs, covers or with roofs, covers, but still letting them drop on roads.

2. A fine of between VND 100,000 and 500,000 for acts of failing to firmly tie up commodities which need to be firmly tied up when being loaded on lorries; loading cargoes on cabin roofs; loading cargoes thus canting trucks.

3. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Carrying cargoes in excess of the designed tonnage or in excess of dimensions prescribed for vehicles;

b) Carrying persons on vehicle trunks in contravention of regulations.

4. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of illegally transporting commodities, but not to the extent of being examined for penal liability.

5. In addition to fines, the persons who commit acts of violating the regulations in this Article shall also be subject to the application of additional measures and the following measures:

a) Overcoming the consequences caused by acts of violation, for violating Clause 1 of this Article;

b) Deprivation of the right to use driving licenses for 90 days, for violating Point b, Clause 3, Clause 4 of this Article; marking of violation times on driving licenses, for violating Clauses 2, 3 and 4 of this Article.

Article 30.- Sanctioning automobile operators for committing acts of violating the regulations on transportation of super-long, super-heavy cargoes.

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of carrying super-long and/or super-heavy cargoes without complying with the regulations in the circulation papers; without signaling dimensions of the cargoes.

2. A fine of between VND 2,000,000 and 3,000,000 for acts of carrying super-long and/or super-heavy cargoes without circulation papers as provided for.

3. In addition to fines, the persons committing acts of violation prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article shall also be subject to the marking of violation times on their driving licenses.

Article 31.- Sanctioning automobile operators for acts of committing the regulations on transportation of dangerous goods

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of transporting dangerous goods, but stopping or parking vehicles at crowded places, population quarters, important works or at places where danger may easily occur.

2. A fine of between VND 2,000,000 and 3,000,000 for acts of transporting dangerous goods without permits or with permits but failing to comply with the regulations therein.

3. In addition to fines, the persons who commit acts of violating Clauses 1 and/or 2 of this Article shall also be subject to the marking of violation times in driving licenses.

Article 32.- Sanctioning operators of buses, sanitation vehicles, trucks carrying wastes, unpacked materials and other lorries for acts of violating the regulations on transport activities within urban centers

A fine of between VND 50,000 and 100,000 on bus drivers for failing to keep the right routes, to comply with itinerary, stopping or parking buses not at the prescribed places, competing for passengers, failing to hand tickets to passengers, collecting fares higher than prescribed; operators of public sanitation vehicles, trucks carrying wastes, unpacked materials or other lorries, for failing to keep on the right routes, within the prescribed scope and time.

Article 33.- Sanctioning taxi drivers

1. A fine of between VND 100,000 and 200,000 on taxi drivers for committing one of the following acts:

a) Using cars of over 9 seats including driver’s as taxi;

b) Having no taxi lamp boxes or meters as provided for;

c) The vehicle’s paint color, enterprises’ logos, transaction telephone numbers inscribed on vehicles are not compatible with registration;

d) Having no training certificates as provided for.

2. A fine of between VND 200,000 and 300,000 on taxi drivers for acts of competing for passengers.

3. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on persons who operate passenger cars in form of taxi but without taxi business registration.

4. In addition to fines, the violators shall also be subject to the application of additional measures and the following measures: Deprivation of the right to use driving licenses for 30 days, for violating Clause 3 of this Article; the marking of violation times on driving licenses, for violating Clauses 2 and/or 3 of this Article.

Chapter VII

SANCTIONING OTHER VIOLATIONS RELATED TO LAND-ROAD TRAFFIC

Article 34.- Sanctioning persons who illegally manufacture, sell number plates of land-road traffic means

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of selling number plates of land-road traffic means other than the number plates manufactured by competent State bodies, or without permission of competent State bodies, but not seriously enough to be examined for penal liability.

2. A fine of between VND 3,000,000 and 5,000,000 for acts of manufacturing number plates without permission of competent State bodies.

3. In addition to fines, the persons committing acts of violation prescribed in Clause 1 and/or 2 of this Article shall also be subject to confiscation of the number plates and suspension of operation.

Article 35.- Sanctioning means owners for violating the regulations on land-road traffic safety conditions

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts of failing to abide by the withdrawal of vehicle registration papers; the number plates of automobiles, special-use vehicular machinery and those of similar structures according to regulations.

2. A fine of between VND 2,000,000 and 3,000,000 for acts of renting, borrowing components and/or accessories of automobiles when taking automobiles for inspection.

3. A fine of between VND 5,000,000 and 10,000,000 for acts of modifying automobiles of other types into passenger cars.

Article 36.- Sanctioning passengers for violating the regulations on traffic order and safety

1. A fine of between VND 50,000 and 100,000 on passengers for committing one of the following acts:

a) Failing to observe the car-travel rules;

b) Causing disorder in cars;

c) Threatening the life and health or infringing upon the property of other passengers in cars, but not seriously enough for being examined for penal liability;

d) Hanging onto, clinging to cars’ sides; standing, sitting or lying on cars’ roofs; opening at one’s own will car doors or committing other unsafe acts when cars are running.

2. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for acts of illegally carrying goods onto passenger cars, but not seriously enough for being examined for penal liability.

Article 37.- Sanctioning operators of caterpillars, vehicles with tonnage or dimensions exceeding the capacities or sizes of bridges or roads

1. A fine of between VND 100,000 and 200,000 for acts of failing to obey the tonnage inspectors’ signals requesting the inspection of vehicle’s tonnage.

2. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 for acts transporting cargoes with the total tonnage of the vehicles (including the deadweight tonnage of vehicles and cargoes’ weight), the vehicle axes’ load, after subtracting the permitted errors, exceeding the bridges’ or roads’ load capacity by between 1 and 2%.

3. A fine of between VND 3,000,000 and 4,000,000 for one of the following acts:

a) Transshipping goods or employing other tricks to escape the detection of overloaded or oversized vehicles;

b) Having no circulation papers; expired circulation papers; or failing to keep on the permitted routes or road sections though having circulation papers;

c) Carrying goods with the total tonnage of vehicle (the dead weight of vehicle’s body and goods tonnage), load of vehicle’s axes, after subtracting the permitted errors, exceeding of the load capacity of bridges or roads by over 2%;

d) Carrying goods with dimensions beyond the limit sizes of bridges or roads, inscribed in the circulation papers.

4. In addition to fines, the means operators or means owners who commit acts of violation prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article shall also be compelled to unload the excessive weight, dismantle the oversized sections or suspend the circulation; if causing damage to bridges or roads, they must restore them to their original state altered by their administrative violations; who commit acts of violation prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article shall also be subject to the marking of violation times on their driving licenses.

Article 38.- Sanctioning illegal vehicle racers, illegal race stimulators

1.A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Rallying to stimulate, incite acts of driving vehicles beyond the prescribed speeds, in zigzag, way-weaving, in chase of one another on roads or illegally racing;

b) Taking part in illegal bicycle races, cyclo races, animal-drawn cart races, animal races.

2. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on persons who stimulate or incite illegal vehicle races and obstruct or resist the persons performing official duty.

3. A fine of between VND 10,000,000 and 20,000,000 on illegal automobile, motorbike or moped racers, but not seriously enough for being examined for penal liability.

4. A fine of between VND 20,000,000 and 30,000,000 for one of the following acts:

a) Resisting persons on official duty by automobile, motorbike, moped racers, but not seriously enough for being examined for penal liability;

b) Organizing illegal vehicle races, but not seriously enough for being examined for penal liability.

5. In addition to fines, the persons who commit acts of violating Clause 3, Point a of Clause 4, of this Article shall also be deprived of the right to use driving licenses for indefinite time and have their vehicles confiscated.

Article 39.- Sanctioning violators who commit acts of obstructing or giving money to persons on official duty

1. A fine of between VND 500,000 and 1,000,000 for one of the following acts:

a) Obstructing the inspection and control by persons being on official duty;

b) Giving money, assets or other material benefits to persons who perform their official duty in order to shirk the handling of administrative violations, but not seriously enough for being examined for penal liability.

2. In addition to fines, the persons who commit acts of violation prescribed at Point b of Clause 1 of this Article shall also be subject to the confiscation of money, assets or other material benefits.

Article 40.- Sanctioning operators of motorized land-road vehicles affixed with foreign number plates, who violate the transport agreements signed between Vietnam and foreign countries

1. A fine of between VND 1,000,000 and 2,000,000 on operators of motorized vehicles affixed with foreign number plates for committing one of the following acts:

a) Circulating means on the Vietnamese territory beyond the prescribed time limits;

b) Operating beyond the permitted scope of operation;

c) Operating vehicles without transnational licenses; without transnational badges or with expired ones;

d) Carrying passengers or commodities in contravention of the land-road transport agreements or protocols, which have been signed, or exiting or entering not at the right border-gates.

2. In addition to fines, the operators of land-road vehicles affixed with foreign number plates shall have their vehicles re-exported out of Vietnam, if violating Points a, c, d, Clause 1 of this Article, or be subject to the marking of violation times on their driving licenses if violating Clause 1 of this Article.

Chapter VIII

COMPETENCE TO ADMINISTRATIVELY SANCTION ACTS OF VIOLATION REGARDING LAND-ROAD TRAFFIC

Article 41.- Determining competence to impose administrative sanctions

1. Presidents of the People’s Committees of all levels are competent to sanction acts of violating the provisions of this Decree within the scope of their localities’ management.

2. The land-road traffic police are competent to sanction acts of violating land-road traffic order and safety as well as urban traffic order and safety on persons and means joining in land-road traffic, prescribed in this Decree.

3. The order-maintaining police, force, the police force in charge of administrative management of social order are competent to sanction acts of violation prescribed at points, clauses and articles of this Decree as follows:

a) Point f of Clause 2; Points g and h of Clause 3; Point k of Clause 5; Point b of Clause 6 of Article 9;

b) Point g, Points l of Clause 2; Point b of Clause 5; Clause 8; Clause 9 of Article 10;

c) Point g of Clause 1; Points f, g of Clause 2, Point e of Clause 4 of Article 11;

d) Points b, c, d, f, g, Clause 2, Article 12;

e) Points b and c, Clause 2 of Article 13;

f) Article 14;

g) Points f and g of Clause 1; Points a and d, Clause 3, Article 15;

h) Article 22;

i) Points a, b and c of Clause 1, Article 36;

j) Articles 38 and 39

4. The land-road traffic inspection forces are competent to sanction acts of violation by persons and means participating in traffic at static traffic points prescribed at points, clauses and articles of this Decree as follows:

a) Points a, g, h and o of Clause 3, Point b of Clause 6, of Article 9;

b) Points g, q of Clause 2, Point a, Clause 3 of Article 10;

c) Points f and g of Clause 1; Points a, f and h of Clause 2 of Article 11;

d) Points c, f and g, Clause 1, Points a and b of Clause 2, Article 12;

e) Points a, b, c, e of Clause 1; Points a and b of Clause 2; Points a, b, c and e of Clause 3, Article 15;

f) Articles 16, 17, 18 and 19; Points a and e of Clause 4, Point b of Clause 5, Point b of Clause 8 of Article 20; Article 23; Point d of Clause 7, Clause 8 of Article 25; Article 26; Article 27;

g) Clause 1, Points b, c of Clause 2; Point a, c and of Clause 3; Points a, i, f, h and j of Clause 4, Article 28; Clause 1, Point a of Clause 3, Article 29.

h) Articles 30, 32, 33 and 37.

Article 42.- Sanctioning competence of the presidents of People’s Committees at all levels

1. The commune-level People’s Committee presidents are competent:

a) To impose warning;

b) To impose fines of up to VND 500,000;

c) To confiscate material evidences, means used for administrative violations, valued at up to VND 500,000;

d) To force the restoration of the original state altered due to administrative violations committed, or force the dismantlement of illegally constructed works.

2. The district-level People’s Committee presidents shall have the rights:

a) To impose warning;

b) To impose fines of up to VND 20,000,000;

c) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

d) To deprive the right to use driving licenses, practice certificates, which falls under their jurisdiction;

e) To force the restoration of the original state altered due to administrative violations or force the dismantlement of illegally built works.

3. The provincial-level People’s Committee presidents shall have the rights:

a) To impose warning;

b) To impose a fine of up to VND 30,000,000;

c) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

d) To deprive the right to use licenses practice, certificates, which falls under their jurisdiction;

e) To force the restoration of the orgiginal state altered due to administrative violations or the dismantlement of illegally constructed works.

Article 43.- Sanctioning competent of people’s police

1. People’s police being on official duty shall have the right:

a) To imposing warning;

b) To impose fines of up to VND 100,000.

2. Team leaders and station heads of the people’s police force, prescribed in Clause 1 of this Article, shall have the rights:

a) To impose warning;

b) To impose fines of up to VND 200,000.

3. The commune-level police chiefs shall apply forms of administrative handling prescribed in Clause 1, Article 42 of this Decree.

4. The district-level police chiefs shall have the rights:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to 10,000,000;

c) To deprive the right to use licenses, practice certificates, which falls under their jurisdiction;

d) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

e) To force the restoration of the original state altered due to the administrative violations or force the dismantlement of illegally constructed works.

5. The heads of the traffic police sections, the heads of social order police section, the heads of the social order management police section of the provincial/municipal Police Departments; the heads of the special task-force units, the heads of the mobile police units of the company or higher levels, operating independently shall have the sanctioning competence like the police chiefs of district, provincial-town- level, prescribed in Clause 4 of this Article.

6. The directors of the provincial-level Police Departments shall have the right:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to VND 20,000,000;

c) To apply additional sanctioning forms and consequence-overcoming measures specified in Clause 4 of this Article.

7. The director of the Land-Road and Railways Traffic Police Department and the director of the Police Department for Administrative Management of Social Order shall have the rights:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to VND 30,000, 000;

c) To deprive the right to use licenses, practice certificates, which falls under their jurisdiction;

d) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

e) To apply additional sanctioning forms and consequence-overcoming measures specified in Clause 4 of this Article.

Article 44.- Sanctioning competence of land-road traffic inspectors

1. The land-road traffic inspectors being on official duty shall have the rights:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to VND 200,000;

c) To confiscate material evidences, means used for administrative violations with value of up to VND 2,000,000;

d) To force the restoration of original state altered due to administrative violations or force the dismantlement of illegally constructed works.

2. The land-road traffic chief inspectors of the provincial/municipal level shall have the rights:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to VND 20,000,000;

c) To deprive the right to use licenses, practice certificates, which falls under their jurisdiction;

d) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

e) To force the restoration of the original state altered due to the administrative violations or to force the dismantlement of illegally constructed works.

3. The land-road traffic chief inspectors of the ministerial level shall have the rights:

a) To serve warning;

b) To impose fines of up to VND 30,000,000;

c) To strip of the right to use licenses, practice certificates, which falls under their jurisdiction;

d) To confiscate material evidences, means used for administrative violations;

e) To force the restoration of the original state altered due to the administrative violations or force the dismantlement of illegally constructed works.

Article 45.- Fine collection and payment

1. Individuals and organizations committing administrative violations regarding land-road traffic and being fined shall have to pay fines according to law provisions.

2. The collection and payment of fines shall comply with the provisions of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

Article 46.- Sanctioning order and procedures

The sanctioning order and procedures must comply with the provisions of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

Article 47.- Abiding by decisions on administrative sanctions

1. Individuals and organizations being sanctioned for administrative violations regarding land-road traffic must abide by the sanctioning decisions within ten days as from the date the sanctioning decisions are handed to them, except otherwise provided for by law.

2. If past the time limit prescribed in Clause 1 of this Article the individuals and/or organizations being sanctioned for administrative violations fail to voluntarily abide by the sanctioning decisions, they shall be coerced to do so.

Article 48.- Coercive enforcement of decisions to sanction administrative violations

1. Administratively sanctioned individuals and organizations that fail to abide by the sanctioning decisions shall be forced to implement them through the following measures:

a) Deducting parts of their wages or incomes, making deductions from deposits in their bank accounts;

b) Inventorying part of assets with value corresponding to the fine amount for auction;

c) Other coercive measures to confiscate material evidences, means used for administrative violations, to force the restoration of the original stage altered due to the administrative violations or force the dismantlement of illegally constructed works.

2. Individuals and organizations that receive the coercion decisions must strictly abide by them.

3. The coerced individuals and organizations must bear all expenses for organization of the implementation of coercive measures.

4. The coercion through measures specified at Points b and c, Clause 1 of this Article must be notified in writing before the implementation thereof to the commune-level People’s Committees of the localities where the coercion shall be effected for coordinated implementation.

5. The functional bodies of the People’s Committees shall have to enforce the coercion decisions of the presidents of the People’s Committees of the same level under the latter’s assignment.

6. The people’s police force shall have to ensure order and safety in the process of enforcing the coercion decisions of the presidents of the People’s Committees of the same level or the coercion decisions of other State bodies when so requested by the latter.

Article 49.- Complaint and denunciation

1. Administratively sanctioned individuals and organizations or their lawful representatives are entitled to complain about sanctioning decisions under the provisions of the Ordinance on Handling of Administrative Violations.

2. Citizens may denounce the administrative violations committed by organizations or individuals and the violations committed by persons who are competent to impose administrative sanctions to competent State bodies.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 50.- Implementation effect

This Decree takes implementation effect 15 days after its publication on the Official Gazette. To annul the Government’s Decree No.39/2001/ND-CP of July 13, 2001 prescribing the administrative sanctions against violations of land-road traffic order and safety as well urban traffic order and safety; to annul Articles 39 and 40 of the Government’s Decree No.172/1999/ND-CP of December 7, 1999 detailing the implementation of the Ordinance on Protection of Traffic Works regarding land-road traffic works.

Article 51.- Implementation organization

The Ministers of Public Security, the Minister of Communications and Transport and the Minister of Finance shall organize the implementation of this Decree.

Article 52.- Implementation responsibilities

The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the People’s Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decree.

 

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decree 15/2003/ND-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Thông tư 55/2024/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 141/2020/TT-BCA ngày 23/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân; Thông tư 150/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; Thông tư 82/2021/TT-BCA ngày 06/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Thông tư 06/2022/TT-BCA ngày 17/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân

An ninh trật tự, Hành chính

văn bản mới nhất