Bệnh bạch hầu: Biểu hiện, cách phòng tránh khi mắc?

Thời gian gần đây xuất hiện nạn nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Vậy cần biết gì về căn bệnh này? Các dấu hiệu và cách chữa trị, phòng tránh như thế nào? Cùng theo dõi chi tiết ở bài viết dưới đây.
 

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B ban hành kèm Quyết định 3593/QĐ-BYT. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp và có khả năng gây dịch. Bệnh này thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa tiêm vắc xin đầy đủ.

Thông thường, vi khuẩn thường trú và làm thương tổn đường hô hấp mũi, họng, thanh quản và nặng có thể sinh ra độc tố gây nhiễm trùng đôc toàn thân như tim, thận, thần kinh và có nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.

Đặc biệt, vi khuẩn này có thể tồn tại ở nhiều địa phương và chịu được khô lạnh:

  • Sống trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối: 30 ngày.
  • Trên cốc, chén, thìa… vài ngày.
  • Trong sữa, nước uống: 20 ngày…

Hiện nay, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể dưới mức bảo vệ.

 

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu mới nhất

Dưới đây là dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu nêu tại Quyết định 3593/QĐ-BYT gồm:

  • Sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi. Trong thành sau họng/mũi có các điểm màu trắng ngà/xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu hoặc ở amidan.
  • Khàn tiếng, khó thở thanh quản
  • Có hạch góc hàm sưng to (dấu hiệu cổ bạnh, cổ bò)
  • Có vết loét trên da
  • Có biểu hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân (mệt mỏi, da xanh tái).

Trong đó, các đối tượng dưới đây có thể coi là người tiếp xúc gần với ca bệnh bạch hầu:

  • Sống cùng nhà, hộ gia đình;
  • Nhóm học sinh cùng trường, lớp, nhóm học tập;
  • Nhóm trẻ hàng xóm, anh em họ hàng cùng chơi với nhau;
  • Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc;
  • Những người ăn, ngủ cùng nhau, dùng chung đồ vật ăn uống sinh hoạt trong bất cứ tình huống nào;
  • Người ngồi cùng hàng và trước/sau hai hàng ghế trên tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thuỷ...;
  • Người chăm sóc bệnh nhân, cán bộ y tế không sử dụng trang phục phòng chống lây nhiễm khi khám, điều trị, điều tra, chăm sóc, lấy mẫu bệnh phẩm;
  • Tất cả các trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định/người lành mang trùng trong các trường hợp khác như hôn nhau, quan hệ tình dục...

3. Biểu hiện khi mắc bệnh bạch hầu là gì?

3.1 Biểu hiện khi mắc bệnh

Căn cứ Quyết định 2957/QĐ-BYT, mỗi loại bệnh bạch hầu sẽ có thời gian khác nhau. Cụ thể, biểu hiện và thời gian ủ bệnh, khởi phát và toàn phát khi mắc bệnh như sau:

Bệnh

Ủ bệnh

Khởi phát

Toàn phát

Bạch hầu họng

- Từ 02 - 05 ngày,

- Không có triệu chứng.

- Sốt 37,5 - 38 độ,

- Đau họng,

- Khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh,

- Sổ mũi có thể lẫn máu,

- Họng hơi đỏ, amidan có điểm trắng mờ dạng giả mạc 01 bên,

- Sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Vào ngày thứ 2-3 của bệnh

- Sốt 38 - 38,5o độ,

- Nuốt đau, da xanh tái, mệt nhiều, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp hơi hạ,

- Giả mạc lan tràn ở 01 bên/cả 02 bên amidan; nếu nặng có thể trùm lưỡi gà và màn hầu,

- Giả mạc lúc đầu trắng ngà, sau hơi vàng nhạt, dính chặt vào niêm mạc, bóc tách gây chảy máu, nếu bóc tách thì vài giờ sau mọc lại rất nhanh, dai, không tan trong nước, niêm mạc quanh giả mạc bình thường.

- Hạch góc hàm sưng đau,

- Sổ mũi nhiều, nước mũi trắng/lẫn mủ.

Bạch hầu ác tính

- Có thể xuất hiện sớm ngày 03 - 07 ngày đầu của bệnh,

- Sốt cao 39 - 40 độ, giả mạc lan rộng, khắp hầu họng và môi,

- Hạch cổ sưng to biến dạng dẫn đến cổ bạnh,

- Có biến chứng sớm như viêm cơ tim, suy thận, tổn thương thần kinh.

Bạch hầu thanh quản

- Ít gặp,

- Viêm thanh quản cấp như ho ông ổng, khàn tiếng, khó thở chậm thì hít vào, có tiếng rít thanh quản, có thể dẫn đến ngạt thở.

3.2 Tiêu chuẩn xuất viện

- Sau điều trị, bệnh nhân sẽ ổn định sau 02 - 03 tuần.

- Hai lần âm tính, không biến chứng sau khi soi cấy kiểm tra.

- Sau khi xuất viện phải tiêm phòng bạch hầu.

- Theo dõi ngoại trú đủ 60 - 70 ngày.

Tiêm vắc xin bạch hầu là biện pháp tối ưu và thông dụng (Ảnh minh họa)

4. Ai phải tiêm vắc xin bạch hầu? Tiêm như thế nào?

Biện pháp thông dụng nhất là tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiên chủng mở rộng.

Cụ thể:

- Trẻ em < 01 tuổi: Bắt đầu được tiêm chủng với các mũi cơ bản và mũi nhắc lại gồm:

  • Mũi cơ bản: Tiêm 03 mũi chứa thành phần bạch hầu nguyên liều (kết hợp vắc xin 5 trong 01 hoặc 06 trong 01) với hình thức mũi thứ nhất tiêm khi 02 tháng tuổi; mũi thứ hai khi 03 tháng tuổi và mũi thứ ba khi 04 tháng tuổi.

Đặc biệt, nên hoàn thành mũi thứ ba trước 06 tháng tuổi, đảm bảo tỷ lệ trên 95% ở tất cả các xã, phường.

  • Mũi nhắc lại gồm 03 mũi theo các giai đoạn: Mũi 04 khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi; mũi 05 khi 04 - 07 tuổi và mũi 06 khi trẻ 09 - 15 tuổi.

- Trẻ > 01 tuổi và người lớn chưa tiêm trước đây, không nhớ đã từng tiêm chủng chưa:

  • Mũi cơ bản: Cũng tiêm 03 mũi cơ bản theo hàm lượng phù hợp lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất với mũi đầu tiên thì tiêm càng sớm càng tốt; mũi 02 cách mũi đầu tiên tối thiểu 04 tuần; mũi thứ ba cách mũi thứ hai ít nhất 06 tháng.
  • Mũi nhắc lại: Tiêm 02 mũi vắc xin bạch hầu hàm lượng phù hợp lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong đó, các mũi nhắc lại cách nhau tối thiểu 01 năm.

5. Làm sao để không bị mắc bạch hầu?

Để giảm khả năng bị bệnh bạch hầu, người dân cần phải thực hiện những công việc phòng bệnh bạch hầu sau đây:

- Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch;

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho/hắt hơi, giữ vệ sinh mũi, họng, thân thể hằng ngày;

- Hạn chế tiếp xúc người nghi ngờ/mắc bệnh;

- Vệ sinh tốt nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng, đủ ánh sáng;

- Ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ;

- Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì báo ngay cơ sở y tế để cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời…

6. Bị bạch hầu thì phải làm gì?

6.1 Với người bệnh

Ngay sau khi nghi ngờ thì phải thực hiện theo các bước:

Bước 1: Khi nghi ngờ mắc bệnh thì phải ngay lập tức đeo khẩu trang và cách ly. Đồng thời, khi chưa có kết quả xét nghiệm thì vẫn phải tiến hành điều trị đặc hiệu ngay.

Với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu xảy ra ở trường học mà tất cả học sinh đều sốt, đau họng hoặc triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và đưa đến bệnh viện để quản lý, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm.

Bước 2: Lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán chính xác trước khi sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân.

Bước 3: Đeo khẩu trang, cách ly, điều trị cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kể cả người lành mang trùng.

Bị bạch hầu có phải cách ly không? (Ảnh minh họa)

6.2 Với người tiếp xúc gần

Với đối tượng này, cần thực hiện các bước dưới đây:

Bước 1: Lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần.

Bước 2: Cách ly tại nhà, theo dõi tình trạng sức khỏe người tiếp xúc gần trong 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối với ca bệnh trong đó người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.

Bước 3: Lấy mẫu bệnh phẩm.

Bước 4: Khử trùng môi trường xung quanh

  • Nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh; nhà trẻ, lớp học, cơ quan, đơn vị ... với số lần theo tình trạng ô nhiễm thực tế tại ổ dịch; mở cửa sổ, cửa chính đảm bảo thông khí…
  • Phơi quần áo, chăn, màn, ga, gối, đệm của bệnh nhân.
  • Bát, đũa, thìa, cốc, đồ chơi phải dùng riêng, tốt nhất luộc nước sôi/phơi nắng sau khi dùng…

Bước 5: Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh phải đưa vào viện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 02 lần âm tính; mỗi mẫu lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi uống kháng sinh.

Nếu không xét nghiệm thì phải cách ly sau 14 ngày điều trị kháng sinh.

Trên đây là thông tin mới nhất về bệnh bạch hầu và các vấn đề liên quan gồm dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu và cách phòng chữa bệnh bạch hầu.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Lợi ích của bằng IELTS - Cánh cửa mở ra thành công toàn cầu

Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc thông thạo tiếng Anh không chỉ là một kỹ năng quan trọng mà còn là lợi thế cạnh tranh để vươn xa hơn trong học tập và sự nghiệp. Trong số các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS (International English Language Testing System) nổi bật như một tiêu chuẩn vàng được công nhận toàn cầu.