THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 124/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------------------- Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIẾP TỤC CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ
VÙNG TÂY NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2014 – 2020
----------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Kết luận số 12-KL/TW ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH
Vùng Tây Nguyên trong Đề án bao gồm 05 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và 21 huyện miền núi giáp Tây Nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước (Phụ lục kèm theo).
II. MỤC TIÊU
Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực quản lý, điều hành; phát huy dân chủ và quyền chủ động của cơ sở nhằm tăng cường và thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền cơ sở với nhân dân, góp phần xây dựng Tây Nguyên vững mạnh toàn diện.
1. Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành:
a) Chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định về vị trí việc làm và biết tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức người Kinh công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
b) Chính sách hỗ trợ việc thực hiện quy hoạch tạo nguồn cán bộ cơ sở, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu về cán bộ, công chức ở cơ sở đạt chuẩn cho nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những năm tiếp theo.
c) Chính sách đối với cán bộ, công chức được tăng cường về cơ sở khó khăn của các địa phương vùng Tây Nguyên, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường có thời hạn cán bộ, công chức về các huyện, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn:
a) Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2020:
- 85% trở lên cán bộ chuyên trách và 95% trở lên công chức cấp xã đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên;
- 85% trở lên cán bộ chuyên trách đạt trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên và 60% trở lên công chức đạt trình độ từ sơ cấp lý luận chính trị trở lên;
- 85% trở lên cán bộ, công chức người Kinh công tác tại vùng dân tộc thiểu số sử dụng được một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác;
- 80% trở lên cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước và kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng.
b) Xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định về vị trí việc làm.
c) Hỗ trợ cơ sở vật chất và trang thiết bị:
Tăng cường cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt cho hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã; đến năm 2020, cơ bản các xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên có trụ sở làm việc được kiên cố hóa và các trang thiết bị làm việc cần thiết theo quy định.
3. Các giải pháp:
Từ năm 2014 đến năm 2020, tiếp tục thực hiện một số nội dung chủ yếu đã được quy định tại Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002 - 2010, cụ thể như sau:
a) Đào tạo, bồi dưỡng trình độ văn hóa trung học phổ thông cho cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho khoảng 2.500 lượt người; đào tạo cán bộ, công chức cơ sở để đạt chuẩn (trình độ trung cấp) về chuyên môn cho khoảng 3.500 lượt người; đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho khoảng 5.500 lượt người; đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho khoảng 3.000 lượt người. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước, kiến thức quốc phòng, an ninh, tin học văn phòng cho khoảng 15.000 lượt người.
b) Trợ cấp cho cán bộ, công chức cơ sở được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn: Trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng được hưởng 100% tiền lương và phụ cấp; được cấp 100% tiền học phí và tài liệu của khóa học; được hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê nhà ở, tiền xăng xe đi, về cho mỗi kỳ học của khóa đào tạo trong trường hợp nơi đào tạo ở cách xa nhà (trên 20 km).
c) Lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở theo quy định tại Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức và Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
d) Thực hiện chế độ cử tuyển và thu hút học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học. Chế độ, chính sách đối với các đối tượng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống chính trị cơ sở và giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 và Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên.
đ) Tiếp tục thực hiện việc tăng cường cán bộ, công chức về các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm về an ninh chính trị thuộc vùng Tây Nguyên nhằm hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của những người được cử đi đào tạo; chế độ, chính sách đối với các đối tượng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 56/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
e) Kết hợp nguồn vốn của Trung ương và ngân sách địa phương để tiếp tục thực hiện Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư trụ sở cấp xã bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các xã, phường, thị trấn vùng Tây Nguyên có trụ sở làm việc được kiên cố hóa, bảo đảm mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị cấp xã có phòng làm việc riêng và được trang bị máy vi tính để làm việc.
g) Khuyến khích các tỉnh vùng Tây Nguyên hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ nguồn ngân sách của địa phương đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; đồng thời khuyến khích các cơ quan Trung ương hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý cho các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều 2. Kinh phí thực hiện
1. Ngân sách trung ương thực hiện hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương khoảng 70% nhu cầu đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở từ nguồn chi sự nghiệp đào tạo của ngân sách trung ương; đồng thời, lồng ghép từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định số 18/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện quy hoạch tạo nguồn cán bộ, công chức cơ sở hằng năm và hỗ trợ trang bị máy vi tính cho các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
3. Kết hợp nguồn kinh phí từ các Chương trình, Đề án, Dự án quốc gia liên quan đang triển khai thực hiện trên địa bàn vùng Tây Nguyên.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương vùng Tây Nguyên xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện hằng năm và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; lập dự toán kinh phí và phân kỳ từng năm để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước; kiểm tra, đôn đốc, sơ kết hằng năm và tổng kết vào năm 2020 kết quả thực hiện Đồ án của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và dự kiến phân bố nguồn vốn này thuộc Đề án cho từng địa phương, hạng mục của Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản.
3. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện Đề án và tổng hợp, quyết toán kinh phí Đề án ở các địa phương.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung một số chính sách đặc thù đối với Trường Dân tộc nội trú, chế độ cử tuyển, liên kết đào tạo nhằm thu hút học sinh dân tộc thiểu số học bậc trung học phổ thông để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ.
5. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương vùng Tây Nguyên triển khai thực hiện các nội dung về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cơ sở là người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
6. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan các địa phương vùng Tây Nguyên tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh đối với đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; tập trung xây dựng lực lượng công an cơ sở và dân quân tự vệ vững mạnh là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân ở cơ sở khu vực Tây Nguyên.
7. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong vùng triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan năm tình hình, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.
8. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn việc tăng thời lượng phát sóng tiếng dân tộc trên sóng phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương.
9. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia và Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở vùng Tây Nguyên.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên: Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của tỉnh (Sở Nội vụ là cơ quan thường trực); xây dựng Kế hoạch của tỉnh thực hiện các nội dung của Đề án. Hằng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ, cơ quan liên quan tình hình và kết quả thực hiện Đề án.
Ủy ban nhân dân các tỉnh có huyện miền núi giáp Tây Nguyên: xây dựng Kế hoạch đối với các huyện thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án. Hằng năm báo cáo Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ, cơ quan liên quan tình hình và kết quả thực hiện Đề án.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TTKHĐGD, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo; - Lưu: Văn thư, TCCV (3b). | THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
PHỤ LỤC
DANH SÁCH CÁC HUYỆN MIỀN NÚI GIÁP CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
Số TT | Tỉnh | Huyện |
1 | Quảng Nam | Phước Sơn, Nam Trà My |
2 | Quảng Ngãi | Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ |
3 | Bình Định | An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn |
4 | Phú Yên | Sông Hinh, Sơn Hà, Đồng Xuân |
5 | Khánh Hòa | Khánh Vĩnh |
6 | Ninh Thuận | Bác Ái |
7 | Bình Thuận | Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Bắc Bình, Tánh Linh |
8 | Đồng Nai | Tân Phú |
9 | Bình Phước | Bù Đăng, Bù Gia Mập |