Nghị quyết 50/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

thuộc tính Nghị quyết 50/NQ-CP

Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Cơ quan ban hành: Chính phủ
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:50/NQ-CP
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyết
Người ký:Phạm Minh Chính
Ngày ban hành:20/05/2021
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Cơ cấu tổ chức, Hành chính

TÓM TẮT VĂN BẢN

Đến 2030, môi trường kinh doanh VN được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu

Ngày 20/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó, nhiệm vụ trong Chương trình hành động được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết này là tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong đó phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu. Đồng thời, đa dạng hình thức tổ chức dạy học, chú trọng đến dạy và học trực tuyến qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng số, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm khác để tập trung phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội như: Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp;...

Xem chi tiết Nghị quyết50/NQ-CP tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

CHÍNH PHỦ

______

Số: 50/NQ-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2021

 

                                                     

NGHỊ QUYẾT

Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

___________

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09 tháng 3 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản số 2485/TTr-BKHĐT ngày 03 tháng 5 năm 2021, số 2617/BKHĐT-CLPT ngày 09 tháng 5 năm 2021 và ý kiến thảo luận thống nhất tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2021,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết Đại hội XIII), Chính phủ ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII thể hiện rõ những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để cụ thể hóa quan điểm, đường lối, định hướng và nội dung liên quan của Nghị quyết Đại hội XIII thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với tình hình trong nước, quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới.

2. Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ ở trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh xây dựng chương trình hành động của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương phải nghiêm túc quán triệt các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và các quan điểm chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XIII; trong đó đặc biệt chú trọng 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược; tăng cường xây dựng, chỉnh đôn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội

Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý nói chung và thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh nói riêng để thúc đẩy quá trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các loại thị trường và các yếu tố thị trường, nhất là các thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ, kinh tế số và thị trường số.

Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đồng hành với nhau đối với 3 chủ thể nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Rà soát hệ thống văn bản, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả.

Sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý và phân cấp ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; trong đó chú trọng phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nhất là trong việc bảo đảm nguồn lực đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu và phát triển liên kết vùng miền; đồng thời phát huy tính chủ động, đổi mới của ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho các cấp chính quyền địa phương linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các nguồn lực hợp pháp phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường.

2. Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trong đó tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách để hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm. Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tất cả các lĩnh vực, nhất là về khoa học, công nghệ. Tạo điều kiện tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp về tiếp thu, làm chủ và từng bước tham gia tạo ra công nghệ mới. Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ số thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tăng cường công tác đầu tư, quản lý sở hữu trí tuệ, công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và ứng dụng hiệu quả năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

3. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Tiếp tục đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.

Triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo trên cả nước đáp ứng nhu cầu học tập và học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, chú trọng các trường sư phạm đào tạo giáo viên và các trường đào tạo khối ngành sức khỏe; phát triển cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới, ưu tiên nguồn lực phát triển các trường công nghệ, hình thành các trường đại học chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và thành lập các mô hình doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo, nâng cao khả năng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học. Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận dịch vụ và giáo dục bình đẳng, có chất lượng và đảm bảo thực hiện công bằng xã hội.

Đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học, chú trọng đến dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; phát triển kỹ năng số, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; xếp hạng các trường đại học. Đẩy mạnh triển khai có chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng cường giáo dục kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nhằm tạo ra một nền tảng để học tập suốt đời. Thực hiện phân cấp quản lý, tăng cường tự chủ đối với đào tạo đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới và thí điểm cơ chế tự chủ đối với trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, liên thông, nhất là các trường cao đẳng chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo, thúc đẩy hình thành các khu giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Kết hợp giữa giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tạo ra sản phẩm trí tuệ, sáng tạo của Việt Nam.

4. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô

Xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm đồng bộ, khả thi, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; trong đó chú trọng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ các chính sách tài khoá, tiền tệ, đầu tư, thị trường, giá cả, thương mại và các chính sách khác để thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tập trung cho các đột phá chiến lược, nhất là hạ tầng chiến lược. Tăng cường phân cấp đi đôi với giám sát, kiểm tra và đổi mới toàn diện thể chế quản lý đầu tư công, thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư công. Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hợp tác công - tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội hiệu quả vào phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công. Xây dựng Chiến lược tài chính quốc gia phù hợp, hiệu quả, theo hướng tăng cho đầu tư phát triển, tiết kiệm, chống lãng phí, giảm chi thường xuyên, nhất là chi cho đầu tư có tính chất sự nghiệp và cho hành chính không cần thiết. Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, chú trọng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn những doanh nghiệp không có hiệu quả, thua lỗ; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước; cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, trong đó, chú trọng phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao có khả năng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

Thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp địa phương) và cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực, vùng; phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc. Cơ cấu lại ngành lúa gạo, tiếp tục bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; phát triển các cây công nghiệp chủ lực và các vùng sản xuất cây ăn quả, vùng sản xuất rau tập trung, an toàn thực phẩm. Phát triển chăn nuôi công nghiệp, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường. Phát triển nuôi trồng thủy sản cả trên biển và mặt nước nội địa theo hướng công nghiệp, quảng canh cải tiến, sinh thái; nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, phát triển đánh bắt đại dương bền vững; quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Nâng cao chất lượng rừng trồng, chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, lâm đặc sản, đáp ứng cơ bản nhu cầu lâm sản trong nước và chế biến xuất khẩu. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và công nghệ chế biến sau thu hoạch; cùng với đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng.

Tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn và dịch chuyển hợp lý lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Cải tiến hệ thống đổi mới sản xuất quốc gia theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm khai thác có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại; cơ cấu lại các ngành tiêu thụ nhiều tài nguyên và năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng; khuyến khích hài hòa, hợp lý, hiệu quả nhiều mặt để phát triển ngành công nghiệp môi trường, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các ngành công nghiệp tiêu thụ ít nguyên nhiên vật liệu và có hiệu quả về xã hội và môi trường. Tập trung phát triển một cách toàn diện các ngành công nghiệp nền tảng như điện, than, dầu khí, thép, cơ khí chế tạo, chế biến; công nghiệp hỗ trợ. Tái cấu trúc các khu công nghiệp để hình thành các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá dựa trên khả năng kết nối chuỗi giá trị và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp; hiện đại hóa sản xuất tiểu thủ công nghiệp địa phương.

Triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, du lịch, giáo dục - đào tạo, thông tin và truyền thông, an toàn, an ninh mạng, logistics và vận tải, phân phối... Áp dụng chuẩn mực quốc tế cho các hoạt động kế toán, kiểm toán, ngân hàng thương mại... Đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông thôn, chuyển đổi số doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistics. Nâng cao chất lượng xuất khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao và hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao gắn với mở rộng quy mô xuất khẩu nhằm khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Xây dựng và triển khai có hiệu quả các công cụ kiểm soát hoạt động nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm qua biên giới và các hành vi gian lận thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Thúc đẩy phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại gắn với tổ chức triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển du lịch. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

5. Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Phát triển kết cấu hạ tầng: Tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Xây dựng quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, Trung ương và địa phương cùng thực hiện và trên nguyên tắc đường đi qua tỉnh nào thì tỉnh đó phải bố trí vốn và giải phóng mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây lắp làm vốn mồi, để phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau ở những khu vực phát huy hiệu quả kinh tế cao, tập trung cho phát triển đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ đi Tây Nguyên; hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phấn đấu triển khai thực hiện toàn bộ 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, trong đó, ưu tiên hoàn thành đoạn ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; phát triển cảng biển, đường thủy nội địa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; triển khai nghiên cứu xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoàn thành xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Phát triển mạnh nguồn năng lượng hợp lý, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch một cách hợp lý. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hoá, xã hội. Xây dựng và đẩy mạnh triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia.

Phát triển kinh tế vùng: Xây dựng các quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, đa ngành, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới cơ chế quản lý, mô hình phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, khu công nghệ thông tin tập trung theo tinh thần phân cấp tối đa và tăng cường giám sát, kiểm tra gắn với đô thị hoá trở thành động lực phát triển vùng. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Phát triển kinh tế biển: Xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn xói lở bờ biển, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh. Rà soát và triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển. Xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia; phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển.

Phát triển đô thị: Hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ quản lý để kiểm soát quá trình đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn, theo quy hoạch và có kế hoạch. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển các đô thị trung tâm vùng; hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các vùng kinh tế trọng điểm. Nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp của khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng bao trùm, đô thị thông minh, đô thị xanh, văn minh, có bản sắc, dẫn dắt phát triển khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng vùng. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường. Phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ.

Xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá. Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải.

6. Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thẩn của nhân dân

Xây dựng môi trường văn hoá một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hoá thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hoá, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của người nghèo, đối tượng yếu thế so với bình quân chung của cả nước. Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Hoàn thành dứt điểm việc xóa nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố trên địa bàn cả nước.

Nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; có giải pháp khắc phục xu hướng già hóa dân số. Tăng cường thể lực của thanh niên. Phát triển mạnh thể dục, thể thao, kết hợp thể thao phong trào và thể thao thành tích cao, dân tộc và hiện đại. Xây dựng chính sách và cơ chế phù hợp để bồi dưỡng và phát triển tài năng, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao ở khu vực, từng bước tiếp cận với châu lục và thế giới ở những bộ môn Việt Nam có ưu thế. Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Tập trung phát triển một số trung tâm y tế chuyên sâu, xây dựng một số cơ sở khám, chữa bệnh có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thúc đẩy y tế thông minh trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nền tảng y tế số. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, chủ động sản xuất vắc-xin, thuốc sáng chế. Đổi mới mạnh mẽ công tác y tế cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương. Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dự báo nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động và chất lượng dịch vụ việc làm; có cơ chế, chính sách định hướng dịch chuyển lao động thông thoáng, phân bổ hợp lý lao động theo vùng. Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là cho những người yếu thế, người nghèo. Đổi mới cách tiếp cận, tăng cường phối hợp, lồng ghép, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực trợ giúp xã hội. Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn quyền của trẻ em. Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Nâng cao chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, báo chí, Internet, xuất bản; tăng cường năng lực quản lý không gian mạng, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Xây dựng các cơ quan báo chí, tổ hợp truyền thông đa phương tiện chủ lực đủ mạnh, làm chủ mặt trận thông tin. Đổi mới, sáng tạo trong thông tin đối ngoại, thúc đẩy truyền thông quảng bá tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia.

7. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh

Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia (đất, nước, khoáng sản) theo nguyên tắc thị trường. Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch. Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia và an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường hợp tác quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới. Xây dựng, triển khai hiệu quả quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia.

Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; thực hiện kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học. Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gồm xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; ứng dụng viễn thám trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch, giao thông vận tải, công thương. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, chú trọng môi trường biển và hải đảo. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; triển khai chủ trương trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thực hiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Xây dựng quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng trong nông nghiệp, thủy sản và phát triển rừng. Tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Chủ động ứng phó, giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khô hạn, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ ống, lũ quét. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng xây dựng quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

8. Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng vùng lãnh thổ, trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo, khu kinh tế - quốc phòng. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo xa bờ; xây dựng các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho việc phòng thủ, bảo vệ, kiểm soát và làm chú vùng biển. Bổ sung nội dung quốc phòng, an ninh trong quy hoạch các vùng, miền có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo. Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng, quy hoạch khu kinh tế - quốc phòng gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học - công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội. sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ và hậu quả chiến tranh; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức triển khai Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược an ninh mạng.

Chủ động đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội và an ninh con người. Xử lý hài hoà các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh thông tin. Tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tăng cường phòng chống tai nạn giao thông, cháy nổ. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

9. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; chú trọng nâng cao năng lực hội nhập, đặc biệt là cấp vùng và địa phương nâng cao năng lực, nguồn lực và các biện pháp phòng vệ thương mại quốc gia, giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư quốc tế. Tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để nâng cao năng lực hội nhập và mức độ hưởng lợi từ hội nhập.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, gắn chặt việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với tăng cường năng lực thể chế đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc và các khuôn khổ hợp tác ở Châu Á - Thái Bình Dương; trong đó tổng kết 30 năm Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN (1995 - 2025) và phương hướng tham gia hợp tác ASEAN những năm tiếp theo. Gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định trên biển; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.

Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế. Tăng cường và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại. Chủ động triển khai hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; triển khai mạnh mẽ công tác người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

10. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính

Coi trọng công tác Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt chức năng của Nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới.

Chú trọng quản lý phát triển xã hội; thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường. Tiếp tục sắp xếp, cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia. Triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và mô hình trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2021 -2025.

Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước 2021 - 2030 và hiện đại hoá nền hành chính quốc gia. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền các cấp gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng và tính chuyên nghiệp cao. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp. Phát triển dịch vụ pháp lý. Phát triển các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động này của Chính phủ, có trách nhiệm xây dựng, ban hành Chương trình hành động thuộc phạm vi quản lý, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, chương trình, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2021, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo theo quy định. Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của mình, từng bộ, cơ quan, địa phương cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hằng năm. Đối với những nhiệm vụ đã rõ, đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không cần phải xây dựng thêm đề án, các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai ngay, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả những nội dung liên quan trong Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương.

b) Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Chương trình hành động này của Chính phủ và Chương trình hành động của bộ, cơ quan, địa phương; trong đó đặc biệt lưu ý cần nghiêm túc quán triệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ gắn với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

c) Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này của Chính phủ và Chương trình hành động của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hằng năm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp theo quy định. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này của Chính phủ, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động này; bám sát các nội dung liên quan trong chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo theo thẩm quyền và quy định.

3. Căn cứ Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương:

a) Xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

b) Sau khi được Quốc hội thông qua, xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung một số đề án, nhiệm vụ công việc trong Phụ lục ban hành kèm theo Chương trình hành động này.

4. Chính phủ trân trọng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động này của Chính phủ và Chương trình hành động của các bộ, cơ quan, địa phương.

5. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;

- Lưu: VT, KTTH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Phạm Minh Chính

 

 

 

 

Phụ lục

PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

(Kèm theo Nghị quyết số: 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ)

__________________

 

TT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

Cấp trình/ Phê duyệt

A

Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội

 

 

 

 

1

Đề án sửa đổi cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025

Bộ TC

Các cơ quan liên quan

2021

Bộ Chính trị, Chính phủ

2

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số

Bộ TTTT

Bộ KHCN

Tháng

8/2021

TTgCP

3

Luật Giao dịch điện tử và Kinh tế số (sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005)

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2022

Quốc hội

4

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2022

Quốc hội

5

Luật Chính phủ số

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2022-2024

Quốc hội

6

Luật Công nghiệp công nghệ số

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2022-2025

Quốc hội

B

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

 

 

 

 

7

Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2030

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

8

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

9

Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

10

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

11

Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

12

Chương trình hành động quốc gia về phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

13

Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

14

Quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

C

Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế

 

 

 

 

15

Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn giai đoạn 2021-2030

Bộ YT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

16

Đề án phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030

Bộ GDĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

17

Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn

Bộ LĐTBXH

Bộ NNPTNT

2021

TTgCP

18

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

19

Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

20

Đề án Nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

21

Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030

Bộ GDĐT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

22

Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Bộ GDĐT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

23

Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

Bộ GDĐT

Các cơ quan liên quan

2021-2025

TTgCP

24

Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Bộ KHCN

Các cơ quan liên quan

2025

Chính phủ

25

Sửa đổi Luật Giáo dục

Bộ GDĐT

Các cơ quan liên quan

2026-2030

Quốc hội

D

Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; phát triển nền kinh tế số; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô

 

 

 

 

26

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

Chính phủ

27

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

28

Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp năm 2025, định hướng đến năm 2030

Bộ KHĐT

Bộ TTTT, các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

29

Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

30

Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025

NHNNVN

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

31

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025

NHNNVN

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

32

Đề án tái cơ cấu các ngành công nghiệp và thương mại giai đoạn 2021-2030

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

33

Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bộ TTTT

Bộ CT, Bộ KHĐT

2021

TTgCP

34

Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030

Bộ TC

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

35

Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

UBQL vốn NN tại DN

Bộ KHĐT,

Bộ TC

2021

TTgCP

36

Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

37

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

38

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2045

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

39

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

40

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

41

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia thời kỳ 2021-2030

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

42

Đề án sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

43

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

44

Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030

Bộ NNPTNT

Bộ CT

2021-2022

TTgCP

45

Đề án phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

46

Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

47

Đề án cơ cấu lại ngành lúa gạo đến năm 2030

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

48

Đề án sản xuất và tiêu thụ tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

49

Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030

Bộ TC

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

50

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ VHTTDL

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

51

Luật Công nghiệp hỗ trợ

Bộ CT

Các cơ quan liên quan

2021-2025

Quốc hội

52

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2022-2023

Quốc hội

Đ

Phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

 

 

 

 

53

Chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045

Bộ NNPTNT

Bộ XD

2021

TTgCP

54

Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

55

Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

56

Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021- 2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

57

Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

58

Các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian tới

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021

Chính phủ

59

Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

60

Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

61

Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

62

Chiến lược phát triển hạ tầng Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

63

Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

64

Đề án phát triển đội tàu điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển

Bộ TNMT

Bộ QP

2021

TTgCP

65

Đề án xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia đến năm 2030

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

66

Quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

Quốc hội

67

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

68

Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2021 - 2030

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

69

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

70

Quy hoạch mạng lưới giao thông: đường bộ, đường bộ cao tốc, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thủy nội địa đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Bộ GTVT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

71

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

72

Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

73

Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

74

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

75

Định hướng kiến trúc Việt Nam

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

76

Quy hoạch các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ

Bộ KHĐT

Các cơ quan liên quan

2021-2023

Chính phủ

77

Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

78

Chương trình thí điểm phát triển đô thị thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2021-2025

TTgCP

79

Luật Quản lý phát triển đô thị

Bộ XD

Các cơ quan liên quan

2022-2023

Quốc hội

E

Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

 

 

 

 

80

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

81

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040

Bộ YT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

82

Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030

Ủy ban Dân tộc

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

83

Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040

Bộ YT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

84

Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045

Bộ YT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

85

Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

86

Đề án phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

87

Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030

Bộ VHTTDL

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

88

Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Bộ VHTTDL

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

89

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ YT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

90

Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

91

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Bộ TTTT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

92

Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

93

Quy hoạch hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ LĐTBXH

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

94

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ VHTTDL

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

95

Xây dựng và triển khai chế độ tiền lương mới

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021-2025

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ

96

Đề án xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam thành cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh toàn diện

Đài Tiếng nói Việt Nam

Các cơ quan liên quan

2021-2025

TTgCP

97

Đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của Đài Truyền hình Việt Nam

Đài Truyền hình Việt Nam

Các cơ quan liên quan

2021-2030

Chính phủ

G

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và tác động của dịch bệnh

 

 

 

 

98

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030

Bộ KHĐT

Bộ TNMT và các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

99

Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ NNPTNT

Bộ TNMT

2021

TTgCP

100

Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

101

Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

102

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

Quốc hội

103

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

104

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

105

Chiến lược khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Bộ CT

2021

TTgCP

106

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

107

Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

108

Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

109

Đề án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

110

Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

111

Đề án ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Bộ TNMT

Các Bộ: NNPTNT, XD, GTVT, CT

2021

TTgCP

112

Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

113

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ NNPTNT

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

114

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

115

Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

116

Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Bộ CT

2022

TTgCP

117

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

118

Chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2022

TTgCP

119

Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bộ TNMT

Các cơ quan liên quan

2024

TTgCP

H

Củng cố, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia

 

 

 

 

120

Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bộ CA

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

121

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo

Bộ QP

Các cơ quan liên quan

2021 -2022

TTgCP

122

Cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2030

Bộ QP

Các cơ quan liên quan

2021 -2022

TTgCP

I

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế

 

 

 

 

123

Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030

Bộ NG

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

124

Chiến lược tổng thể hợp tác Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Bộ NG

Các cơ quan liên quan

2021

Bộ Chính trị

125

Chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ NG

Các cơ quan liên quan

2022

Bộ Chính trị

126

Đề án tổng kết 30 năm Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN (1995- 2025) và phương hướng tham gia hợp tác ASEAN những năm tiếp theo

Bộ NG

Các cơ quan liên quan

2025

TTgCP

K

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính

 

 

 

 

127

Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XV

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ

128

Chương trình tổng thể cải cách hành chính

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021

Chính phủ

129

Luật Thanh tra sửa đổi

Thanh tra CP

Các cơ quan liên quan

2021

Quốc hội

130

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng

Thanh tra CP

Các cơ quan liên quan

2021

TTgCP

131

Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030

Bộ TP

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

132

Đề án nghiên cứu thể chế hóa nội dung giám sát, dân thụ hưởng

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021-2022

TTgCP

133

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thí điểm đối với cấp tỉnh giai đoạn 2021-2026

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021-2025

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ

134

Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Bộ NV

Các cơ quan liên quan

2021-2025

Quốc hội

135

Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (phần nội dung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật)

Bộ TP

Các cơ quan liên quan

2022-2025

Ban Chấp hành TW

136

Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

Bộ TP

Các cơ quan liên quan

2022-2025

TTgCP

137

Đề án phát huy vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thanh tra CP

Các cơ quan liên quan

2023

TTgCP

138

Đề án phát huy vai trò của xã hội trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính

Thanh tra CP

Các cơ quan liên quan

2023

TTgCP

 

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE GOVERNMENT

______

No. 50/NQ-CP

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

________________________

Hanoi, May 20, 2021

 

RESOLUTION

On the Government’s Action Program to implement Resolution of 13th National Party Congress

___________

THE GOVERNMENT

 

Pursuant to Resolution of 13th National Congress of the Communist Party of Vietnam;

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015, and the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Law on Organization of the Government and the Law on Organization of Local Administration dated November 22, 2019;

Pursuant to the Political Bureau's Directive No. 01-CT/TW dated March 9, 2021, on research, study, thorough understanding, propaganda and implementation of the Resolution of the 13th National Party Congress;

At the proposal of the Minister of Planning and Investment in documents No. 2485/TTr-BKHDT dated May 3, 2021, No. 2617/BKHDT-CLPT dated May 9, 2021, and unanimous discussion opinions at the Government's regular meeting in April 2021,

 

RESOLVES:

 

To successfully implement the objectives of the Resolution of the 13th National Party Congress (hereinafter referred to as the 13th Congress’ Resolution), the Government issues an Action Program with the following contents:

I. OBJECTIVES AND REQUIREMENTS

1. The Government's action program to implement the 13th Congress’ Resolution clearly shows the main contents and tasks to concretize the viewpoints, guidelines, orientations and related contents of the 13th Congress’ Resolution within the Government's functions, tasks and powers, ensuring compliance with domestic and international situations while meeting the country's development requirements in the subsequent time.

2. The Government's action program shall be used as the basis for ministries, branches and agencies under the Government at the central level and local governments at the provincial level to develop action programs for each ministry, branch, agency as well as locality according to its assigned functions, tasks and powers. Such action program must be organized and implemented in a drastic, synchronous and effective manner, with the highest efforts to contribute to the successful implementation of the country development goals and tasks as set out the 13th Congress’ Resolution, in which:

- By 2025, the year of celebrating the 50th anniversary of complete liberation of the South and unification of the country: Vietnam will be a developing country with modern industry, surpassing the low average income level;

- By 2030, the 100th anniversary of the Party's founding: Vietnam will be a developing country with modern industry and high average income;

- By 2045, the 100th anniversary of the founding of the Democratic Republic of Vietnam, which is now the Socialist Republic of Vietnam: Vietnam will a developed, high-income country.

3. During implementing the Government's action program, ministries, branches, and agencies at the central and local levels are required to seriously grasp the Party's leadership principles and the motto of “Solidarity - Democracy - Discipline - Creativity - Development” and guiding viewpoints under to the 13th Congress’ Resolution; in which special attention is paid to 6 key tasks and 3 strategic breakthroughs; strengthen the building and rectification of the Party, improve the leadership capacity and fighting power of party organizations and party members; take people and enterprises as the center; build a streamlined State which operates effectively and efficiently associated with streamlining payrolls, improving quality and restructuring the team of cadres, civil servants and public employees throughout the state administrative system, contributing to successfully implement the general goals set out in the 13th Congress’ Resolution: “Improving the Party's leadership capacity, ruling capacity and fighting strength; building a clean and comprehensively strong Party and political system; consolidating and increasing people's trust in the Party, State, and socialist regime; arousing the desire to develop a prosperous and happy country, promoting the will and strength of great national unity combined with the strength of the times; comprehensively and synchronously promoting innovation, industrialization and modernization; as well as building and firmly protecting the Fatherland, maintaining a peaceful and stable environment; at the same time, striving that by the middle of the 21st century, Vietnam will become a developed country, following a socialist orientation.”

II. KEY TASKS

1. Focusing on perfecting and improving the quality of socialist-oriented market economy institutions, better solving the relationship between the State, market and society

Building and perfecting the legal framework in general and testing specific, outstanding and competitive mechanisms and policies in particular, in order to promote the process of development, application of science and technology, innovation and digital transformation, digital economy, developing new economic models, creative startups, providing public services, managing and protecting the environment. Continuing to improve institutions to develop various types of markets and market factors, especially markets for land use rights, science, technology, digital economy and digital markets.

Completely perfecting and synchronizing institutions on mobilization, allocation and effective use of resources, promoting investment, production and business. Developing and organizing the implementation of strategies, planning, plans, mechanisms, policies, and allocation of development resources according to market mechanisms. Perfecting and improving institutional quality in order to ensure responsibilities, obligations, and rights accompany each other for three subjects which are the state, people, and enterprises.

Reviewing the document system, removing barriers that limit business freedom, improving and enhancing the quality of the business environment, ensuring healthy competition, equality, transparency and protection of consumer rights. Organizing and effectively implementing the Program to reform regulations related to business activities for the 2020-2025 period. Striving to have Vietnam's business environment ranked among the top 30 countries by 2030.

Promoting the building of e-government, moving towards digital government, digital economy, and digital society in an appropriate, substantive and effective manner.

Amending and improving the state budget management and decentralization mechanism, ensuring publicity, transparency and accountability; which focuses on promoting the leading role of the central budget, especially in ensuring investment resources for developing key infrastructure projects and developing regional links. At the same time, promoting the initiative and innovation of local budgets, creating conditions for local authorities at all levels to be flexible and creative in using legal resources to serve socio-economic development tasks in localities. Continuing to restructure the state budget towards sustainability, increasing the proportion of investment spending, reducing the proportion of regular expenditures, and supporting the effective implementation of socio-economic development goals; strictly implementing the principle of only borrowing for development investment expenditure. Continuing to restructure public debt towards quality, efficiency and sustainability. Creating a stable and safe monetary and banking business environment, encouraging healthy competition, ensuring discipline, respect for the law and respect for market rules.

2. Strongly developing science, technology and innovation to create breakthroughs in improving productivity, quality, efficiency and competitiveness of the economy

Focusing on perfecting institutions, policies and laws in accordance with market mechanisms and international practices to develop science, technology and innovation, and promote the development of new business models, digital economy, digital society. Strongly promoting the development of social sciences and humanities to have a scientific basis to best serve the innovation, economic and social development. Promoting scientific research and technology development activities, focusing on developing priority technologies with high applicability. Developing and organizing the implementation of new policy testing mechanisms, promoting the deployment and application of new technology, digital technology and innovation. Promoting the development of high-quality science and technology human resources, focusing on developing a team of experts, leading scientists, and effective research groups to meet the requirements of the Fourth Industrial Revolution and suitable for Vietnamese conditions. Developing and improving the operational efficiency of the national innovation system, creative startup ecosystem, with enterprises at the center. Building institutions and policy mechanisms to form innovation centers and artificial intelligence centers in key regions. Strongly developing the science and technology market associated with building a national database in all fields, especially science and technology. Creating conditions to strengthen business links with research institutes and universities, focusing on improving enterprises' capacity to absorb, master and gradually participate in creating new technologies. Promoting the development of science and technology enterprises, high-tech enterprises, and digital technology enterprises that carry out design, creation and production in Vietnam. Encouraging foreign investment enterprises to form research, development and innovation centers in Vietnam. Strengthening investment, intellectual property management, quality measurement standards and effective application of atomic energy for peaceful purposes. Promoting international integration and cooperation in science, technology and innovation, actively attracting participation and contributions from the community of Vietnamese scientists abroad.

3. Developing human resources, providing education and training to meet the high-quality human resource requirements of the Fourth Industrial Revolution and international integration

Promoting the development of human resources, especially high-quality human resources, meeting the requirements of the Fourth Industrial Revolution and international integration. Developing a team of leading experts and scientists; focusing on technical human resources, technology management human resources, management human resources, and corporate governance; human resources for social management, life organization, and human care. Continuing to innovate the regime of recruiting, using and appreciating talents in management, state administration, science, technology and innovation. Developing a national strategy to attract and utilize talented people.

Effectively deploying the national education system; diversifying training methods based on the open education model, national qualifications framework, associated with socio-economic development requirements and preparing human resources for digital transformation for the purpose of digital society development.

Developing a network of educational and training institutions across the country to meet the needs of learning and lifelong learning, building a learning society. Developing a strategic framework for higher education development and planning a network of higher education institutions, focusing on teacher training schools and health sector training schools; developing high-quality higher education institutions according to regional and global standards, prioritizing resources to develop technology schools, forming high-quality universities to meet training needs and improve the quality of the country's human resources in the context of the Fourth Industrial Revolution. Promoting the formation of strong research groups and establish business models in training institutions, improving the ability to commercialize scientific research products of higher education institutions. Planning a system of specialized education institutions for people with disabilities and a system of centers supporting the development of inclusive education to create conditions for people with disabilities to access equal, quality and guaranteed services and education, ensuring the implementation of social justice.

Diversifying teaching organization forms, focusing on online teaching and learning, via the Internet, television, social activities, extracurricular activities, and scientific research; developing digital skills, implementing digital transformation in education, training and vocational training; innovation and entrepreneurship; school education combined with family education and social education.

Strengthening educational quality accreditation; ranking of universities. Promoting quality implementation of foreign language teaching at all educational levels and training degrees. Strengthening skills education, applying scientific and technical advances, information technology, and digital technology in education and training. Promoting digital transformation in education in order to create a foundation for lifelong learning. Implementing management decentralization, increasing autonomy for university training in line with the world's general trend and piloting autonomy mechanisms for high schools in large cities and places with favorable conditions. Developing the vocational education system in an open, flexible, modern and interconnected direction, especially high-quality colleges and key occupations. Strengthening international integration in education and training, promoting the formation of international education zones in Vietnam. Combining education and training with scientific research and technology transfer in order to create Vietnamese intellectual and creative products.

4. Promoting industrialization, modernization, and economic restructuring associated with innovating growth models, ensuring substance and efficiency; developing the digital economy; promoting rapid, sustainable growth on the basis of macroeconomic stability

Developing national master plans, national sector plans, regional plans, and provincial plans in order to ensure synchronization, feasibility, long-term vision, in accordance with the country's practical conditions to enhance self-reliance, adaptability and resilience of the economy. Promoting the development of a number of key economic sectors and fields with great potential, advantages to serve as a driving force for growth in the spirit of catching up, progressing together and surpassing in some areas in comparison with the region and the world.

Improving the effectiveness and efficiency of macroeconomic management; which focuses on closely, effectively and synchronously coordinating fiscal, monetary, investment, market, price, trade and other policies to consistently achieve the goal of controlling inflation, stabilize the macro economy, ensuring major balances of the economy, creating a foundation for rapid and sustainable development.

Effectively developing and organizing the implementation of the Plan to restructure the economy associated with innovating the growth model for the period 2021-2025. In which, continuing to restructure investment, focusing on public investment associated with improving the efficiency of capital use, focusing on strategic breakthroughs, especially strategic infrastructure. Strengthening decentralization and supervision, inspection and comprehensive innovation of public investment management institutions, appraisal, evaluation and selection of public investment projects. Improving institutions, promoting further and more effective public-private cooperation to effectively mobilize all social resources for infrastructure development and public service provision. Developing an appropriate and effective national financial strategy in the direction of increasing investment and development, saving, combating waste, and reducing regular expenses, especially unnecessary spendings on non-business and administrative investments. Continuing to restructure the system of credit institutions associated with non-performing loan handling. Supporting digital transformation for Vietnamese enterprises, focusing on small- and medium-sized enterprises.

Promote restructuring, equitization, and divestment of ineffective and loss-making enterprises; improving operational efficiency and capital use of state-owned enterprises; basically completing the reorganization of the state-owned enterprise sector. Consolidating and developing a number of large-scale State-owned economic groups, exercising autonomy, improving operational efficiency, with regional and international competitiveness in a number of key industries and economic fields. Innovating and improving the operational efficiency of collective economic organizations and cooperatives associated with promoting ownership, enhancing the benefits of members, and improving the ability to mobilize resources. Continuing to improve institutions to strongly develop the Vietnamese private economic sector in terms of quantity, quality, efficiency, and sustainability, truly becoming an important driving force in economic development. Supporting the private economy to innovate, modernize technology and develop human resources, improving labor productivity. Encouraging the formation and development of large private economic corporations with strong potential and regional and international competitiveness, with a focus on developing high-tech enterprises capable of meeting the requirements of the Fourth Industrial Revolution. Improving the effectiveness of foreign investment cooperation with focus, and selectivity, with priority given to attracting projects with advanced technology, new technology, high technology, modern management, and innovation capacity, connecting the global supply chain, with a spillover effect, closely and organically connected with the domestic economic sector.

Making a strong transition from agricultural production thinking to agricultural economic thinking. Exploiting and promoting the advantages of tropical agriculture, developing large-scale concentrated commodity agriculture in a modern direction, adapting to climate change. Promoting agricultural restructuring according to 3 key product groups (national, provincial and local levels) and restructuring production by field and region; developing areas specializing in high-quality agricultural products, associated with geographical indications and traceability. Restructuring the rice industry, continuing to firmly ensure national food security; developing key industrial crops and fruit production areas, concentrated vegetable production areas, and food safety. Developing industrial livestock farming, supporting the development of highly efficient, biosafe, and eco-friendly livestock farms and ranches. Developing aquaculture at sea and inland water in the direction of industry, improved extensive farming, and ecology; improving the efficiency of offshore seafood exploitation, developing sustainable ocean fishing; planning for protection and exploitation of aquatic resources. Improving the quality of planted forests with focus given on developing large timber forests and specialty forests to basically meet the needs of domestic forest products and export processing. Strengthening the application and transfer of science and technology, especially high technology and post-harvest processing technology; along with innovating forms of production organization in order to promote digital transformation, digital economy and circular economy in agriculture. Developing the market, promoting consumption of key and potential products.

Continuing to focus on restructuring the industry, shifting the structure within the industry to industries with high technology content, large export value and reasonably moving to stages with high added value in the value chain; linking production with industrial service development. Improving the national production innovation system towards improving technology levels, innovation and digital transformation to effectively exploit the Fourth Industrial Revolution and commercial advantages; restructuring industries that consume a lot of resources and energy, especially the foreign investment sector to reduce energy intensity; encouraging harmony, rationality, and multi-faceted efficiency to develop environmental industries, renewable energy, clean energy, and industries that consume less raw materials with socially and environmentally effect. Focusing on comprehensively developing foundation industries such as electricity, coal, oil and gas, steel, mechanical engineering, and processing; supporting industry. Restructuring industrial parks to form specialized industrial clusters based on the ability to connect value chains and competitiveness of industries; modernizing local handicraft production.

Implementing the overall strategy for developing Vietnam's service industries. Promoting the restructuring of service industries based on modern technology and digital technology, developing new types of services, and building service ecosystems in the fields of finance, banking, and insurance, legal, medical, tourism, education - training, information and communication, safety, cyber security, logistics and transportation, distribution, etc. Applying international standards to accounting, auditing, commercial banking activities, etc. Promoting the development of rural digital economy, digital transformation of postal, delivery and logistics enterprises. Improving export quality by increasing the export proportion of goods with deep processing content, high technology and goods with a high localization rate associated with expanding export scale for effective exploitation of signed free trade agreements. Developing and effectively deploying tools to control import activities to protect domestic production and consumer interests, limiting cross-border pollution and fraudulent trade practices in accordance with international commitments participated by Vietnam. Promoting the development of domestic trade in a modern direction associated with organizing and implementing programs to stimulate domestic consumption and the Program for Vietnamese people to prioritize using Vietnamese goods. Promoting trade promotion activities associated with national brand building. Promoting restructuring of the tourism industry, ensuring professionalism and modernity; strongly applying the achievements of the Fourth Industrial Revolution to tourism development. Focusing on linking the tourism industry with other industries and fields in the value chain to form tourism products so that tourism truly becomes a key economic sector.

5. Developing infrastructure, regional economy, marine economy, taking urban areas as the driving force for regional development and promoting new rural construction

Infrastructure development: Continuing to build a synchronous infrastructure system to implement a breakthrough in the country's socio-economic development strategy. Developing a development plan for infrastructure sectors in the 2021-2030 period, with a vision to 2050. Focusing on investing in large-scale national key infrastructure projects, especially in transportation and energy and digital infrastructure. Promoting public-private cooperation, in which the implementation at central and local levels are carried out together and on the principle that the province where the road passes through must arrange capital and site clearance, the State shall support construction costs as bait capital for in order to strive to basically complete the North-South Expressway in the East from Lang Son to Ca Mau by 2025 in areas that promote high economic efficiency, focusing on developing expressways in the Mekong Delta region, South Central region to Central Highlands; completing phase 1 of Long Thanh International Airport; striving to implement the entire 1,700 km coastal road from Quang Ninh to Ca Mau, with priority given to completing the coastal section in the Mekong Delta. By 2030, the country strives to have about 5,000 km of expressways; develop seaports and inland waterways in the Mekong Delta region; deploy research to build a number of North-South high-speed railway sections. Investing in improving the capacity of infrastructure systems to respond to climate change. Completing the construction and upgrading of key irrigation works and water reservoirs to ensure safety and security of water sources to serve production and people's lives. Strongly developing reasonable energy sources, promoting the development of renewable energy and clean energy in a reasonable manner. Making synchronous and modern development of cultural and social infrastructure. Developing and promoting the implementation of the National Strategy for developing the digital economy and digital society, and the National Data Strategy.

Regional economic development: Developing regional plans to 2030, with a vision to 2050 in an integrated, multi-sectoral direction, for the best promotion of the specific advantages of each region and locality, and strengthening connectivity intra-regionally and inter-regionally to participate in global value chains, creating new development space. Developing specific mechanisms and policies to promote regional development, regional linkages and strong enough regional economic development coordination institutions. Improving operational efficiency and innovate management mechanisms and development models of high-tech zones, economic zones, industrial zones, tourist zones, and centralized information technology zones in the spirit of maximum decentralization and strengthening supervision and inspection associated with urbanization to become a driving force for regional development. Selecting a number of locations, urban areas, and regions with special advantages to build economic and financial centers with specific institutions, mechanisms, and policies that are groundbreaking and highly internationally competitive.

Marine economic development: Developing the national maritime space planning, the overall planning on the exploitation and sustainable use of coastal resources. Completing the integrated and unified management mechanism of the sea as well as improving the effectiveness of law enforcement at sea.          Promoting the development of marine economic sectors, especially tourism, marine services, maritime economy, exploitation of oil and gas and other marine mineral resources, aquaculture and offshore seafood exploitation, coastal industry marine, renewable energy and new marine economic sectors. Effectively implementing measures to prevent and prevent coastal erosion, protect and develop mangrove forests, and limit the impact of high tides and saltwater intrusion. Organizing and implementing the Strategy for sustainable exploitation and use of resources and protection of the sea and island environment. Developing marine economic clusters associated with building strong marine economic centers. Reviewing and implementing the planning of the fishing port system and storm shelter areas for fishing vessels. Establishing new marine protected areas and restoring marine ecosystems. Building a national network of monitoring and supervision of marine resources and environment; developing a fleet of marine investigation, survey and research vessels.

Urban development: Perfecting institutions, policies and management tools to control the urbanization process closely linked with the process of industrialization, modernization and rural development, according to planning and plan. Developing mechanisms and policies to promote the development of a harmonious urban system, suitable to the potential and advantages of each region and locality; developing regional urban centers; forming a number of smart urban chains in key economic regions. Improving the efficiency of integrated development of urban areas towards inclusive growth, smart cities, green cities, civilized cities, with identities, leading the development of science and technology and innovation activities. Innovating and improving the quality of urban planning. Developing a synchronous and modern urban infrastructure system, closely linked with the regional infrastructure system. Developing a transparent mechanism for evaluating land and real estate values according to market mechanisms. Developing housing in the direction of improving quality, ensuring a living environment and synchronous infrastructure.

New rural construction: Promoting the development of industry, services and rural occupations, shifting economic structure and labor structure in rural areas. Strongly attracting enterprises to invest in rural areas. Continuing to implement the National Target Program on building new rural areas in the direction associated with urbanization, ensuring substance, depth, efficiency and sustainability; carrying out construction of advanced new rural areas, model new rural areas and construction of new rural areas at village and hamlet levels. Focusing on building a synchronous infrastructure system, closely connected with the process of industrialization and urbanization. Organizing the implementation of the National Strategy for clean water supply and rural environmental sanitation; building a bright - green - clean - beautiful and safe rural landscape; focusing on treating environmental pollution, especially waste and wastewater.

6. Developing culture and society, realizing progress and social justice; constantly improving the material and spiritual lives of the people

Building a comprehensive cultural environment in families, schools, communities, in party and state agencies, unions and businesses so that culture can truly be a driving force and breakthrough in socio-economic development. Building mechanisms to encourage and create conditions for all people to promote their creative freedom in economic and social life. Promoting the role of family, community and society. Paying attention to investing properly in cultural development, gradually narrowing the gap in cultural enjoyment between urban and rural areas, between regions and social classes. Promoting the development of a number of cultural industries to promote the image of the country and people of Vietnam and contribute positively to economic growth and job creation for people.

Continuing to implement the National Target Program for sustainable poverty reduction, supporting people to improve their quality of life, narrowing the gap in living standards and income of the poor and disadvantaged groups compared to the general average of the country. Focusing on basically solving housing needs for people, especially poor households, officials, civil servants, public employees, industrial park workers and social policy beneficiaries with housing-related difficulties. Completing the eradication of simple and unstable houses across the country.

Improving the health and stature of Vietnamese people, increasing life expectancy and improving the quality of the race; taking solutions to overcome the trend of population aging. Enhancing physical strength of young people. Strongly developing physical education and sports, combining movement sports and high-performance, ethnic and modern sports. Developing appropriate policies and mechanisms to foster and develop talent, bring Vietnamese sports to a high position in the region, and gradually approach the continent and the world in the subjects that Vietnam has advantages in. Shifting the focus of population policy from family planning to population and development. Focusing on developing a number of specialized medical centers, building a number of medical examination and treatment facilities of regional and international stature. Promoting smart health based on effective use of digital health platforms. Improving the quality of forecasting, monitoring, detecting, controlling and preventing effectively, preventing major epidemics from occurring, promptly responding to emergency issues and environmental incidents, and ensuring security medical. Developing medicinal materials, pharmaceutical industry and medical equipment; improving research capacity and proactively producing vaccines and patent drugs. Strongly innovating grassroots medical work and training medical human resources.

Carrying out overall, systematic and synchronous reform of wage policy in the direction of complying with the principle of distribution according to labor and the objective laws of the market economy, taking increased labor productivity as the basis for increasing wages. Deploying the Labor Market Development Support Program; perfecting the labor market information system, improving forecast quality to improve the effectiveness of connecting labor supply and demand and the quality of employment services; issuing mechanisms and policies to guide open labor movement and reasonable distribution of labor by region. Implementing reform of social insurance policy; increasing the proportion of working-age workers participating in social insurance and unemployment insurance.

Implementing well the preferential policy for people with meritorious services; promoting gratitude activities. Planning a system of nurturing and nursing facilities for people with meritorious services to the revolution. Continuing to well implement social security policies, especially for the weak and poor. Innovating approaches, strengthening coordination, integration, prioritize resources, and promoting socialization in the field of social assistance. Implementing synchronously and comprehensively solutions for youth development, gender equality and the advancement of women. Creating a safe, friendly and healthy living environment for children to develop comprehensively, ensuring better implementation of children's rights. Providing protection and care for, and promoting the role of the elderly.

Implementing well the goal of religious unity and great national unity. Ensuring everyone's right to freedom of belief and religion in accordance with law. Organizing the effective implementation of the Ethnic Affairs Strategy for the 2021-2030 period, the National Target Program for socio-economic development in ethnic minority and mountainous areas for the 2021-2030 period.

Improving quality, ensuring security and safety of information, press, Internet and publishing systems; strengthening cyberspace management capacity and maintain national sovereignty in cyberspace. Building key press agencies and multimedia communications complexes that are strong enough to master the information front. Innovating and creating in foreign information, promoting communications to increase national image rankings.

7. Performing effective management and use of resources; strengthening environmental protection and responding to climate change; preventing, combating and mitigating natural disasters and impacts of epidemics

Exploiting and using effectively and sustainably national resources (land, water, minerals) according to market principles. Developing the market, promoting the commercialization of land use rights, increasing land use rights registration and applying market-based land valuation to ensure openness and transparency. Ensuring national water source security and safety of dams and reservoirs; strengthening international cooperation on the use of cross-border water resources. Developing and effectively implementing the national geological basic investigation plan for minerals.

Strictly implementing and improving the quality of environmental and strategic environmental impact assessments. Preventing and controlling sources of environmental pollution. Significantly improving environmental pollution in urban areas, industrial clusters, craft villages, river basins, and rural areas. Developing national biodiversity conservation planning; carrying out inventory, monitoring, reporting and building a biodiversity database. Applying remote sensing to serve socio-economic development, including building a national remote sensing image database; applying remote sensing in agriculture and rural development, construction planning and development management according to planning, transportation, industry and trade. Organizing and implementing national environmental protection strategies and planning, focusing on the marine and island environment. Organizing and implementing the National Strategy on Green Growth and the National Strategy on Biodiversity; deploying the policy of planting 1 billion trees in the next 5 years. Implementing the Carbon Market Development Project in Vietnam. Developing a national environmental monitoring master plan; national hydro-meteorological station network master plan.

Proactively monitoring and responding effectively to climate change; green economic development, less waste, mitigation of greenhouse gas emissions, low carbon; encouraging the development of circular economic models for integrated and efficient use of output from the production process. Improving the resilience and ability to adapt to climate change of the infrastructure system and the economy; taking smart solutions for adaptation in agriculture, fisheries and forest development. Focusing on upgrading infrastructure and improving natural disaster prevention and control capacity. Proactively responding and minimizing risks caused by climate change, especially drought, saltwater intrusion, riverbank and coastal erosion, floods, and flash floods. Continuing to implement drastically, synchronously and effectively Resolution No. 120/NQ-CP on sustainable and climate-resilient development of the Mekong River delta. Focusing on building planning for natural disaster prevention and control and irrigation; implementing well the national strategy on natural disaster prevention and control, the national natural disaster prevention and control master program, and the national strategy on climate change.

8. Consolidating and strengthening national defense, ensuring national security, maintaining social order and safety; resolutely and persistently fighting to firmly protect national independence, sovereignty, unity and territorial integrity

Closely combining economic, cultural and social development with consolidating and strengthening national defense and security in each territory, in strategic areas, borders, seas, islands, and international economic-defense zones. Implementing programs and plans to develop the marine economy and coastal areas in association with ensuring national defense and security, strengthening the construction of economic and defense zones at sea and offshore islands; developing programs to support fishermen in the sea and offshore fishing, creating conditions for defense, protection, control and protection of the sea. Supplementing defense and security content in the planning of regions and regions of strategic importance to national defense and security.

Combining economics with defense and security in managing and protecting sovereignty over sea and island borders. Implementing the overall master plan for national defense arrangement and economic and defense zone planning associated with socio-economic development. Promoting the development of defense and security industry in a dual-use direction, becoming increasingly modern, with high levels of science and technology, becoming an important part and becoming a spearhead of national industry; restructuring, innovating and improving the efficiency of military enterprises. Be ready to effectively respond to traditional and non-traditional security challenges, ensuring the prevention, response, and overcoming of consequences of natural disasters, catastrophes, and consequences of war; strengthening fire and explosion prevention and fighting and search and rescue. Organizing and implementing the national security protection strategy and cyber security strategy.

Actively fighting against "peaceful evolution", "riots and overthrow", preventing manifestations of "self-evolution" and "self-transformation" internally; ensuring economic security, information and communication security, network security, social security and human security. Harmoniously handling ethnic, religious, and social issues, avoiding information security "hot spots" from occurring. Strengthening prevention and promptly fighting and effectively suppressing all types of crimes; ensuring social order and safety; strengthening prevention of traffic accidents, fires and explosions. Strengthening international cooperation on defense and security, and effectively performing the task of participating in peacekeeping of the United Nations.

9. Improving the effectiveness of foreign affairs, integration and Vietnam's position and reputation in the international arena

Proactively participating, actively contributing, and enhancing Vietnam's role in building and shaping multilateral institutions. Making the most of the opportunities brought by the integration process, especially signed free trade agreements; focusing on improving integration capacity, especially at regional and local levels, enhancing capacity, resources and national trade defense measures, resolving international trade and investment disputes. Taking advantage of the favorable international environment to improve integration capacity and the level of benefits from integration.

Improving the effectiveness of foreign affairs, closely associating proactive and positive international integration with strengthening synchronous and modern institutional capacity. Promoting and elevating multilateral diplomacy, closely combining it with bilateral diplomacy, and effectively carrying out international responsibilities, especially in ASEAN, the United Nations and cooperation frameworks in the Asia-Pacific; which summarizes 30 years of Vietnam participating in ASEAN cooperation (1995-2025) and directions for participating in ASEAN cooperation in the following years. Maintaining a peaceful and stable environment at sea; resolving disputes by peaceful means on the basis of international law, the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea. Resolving remaining issues related to land borders with neighboring countries.

Building economic diplomacy to serve development, taking people, localities and enterprises as the service center. Protecting the legitimate interests of the State, enterprises and people of Vietnam in international economic, trade and investment disputes. Strengthening and improving the effectiveness of applying new communication technology and social networks in foreign information. Proactively and effectively deploying the protection of Vietnamese citizens abroad; strongly deploying the work of Vietnamese people abroad to actively contribute to the cause of building and developing the country.

10. Continuing to promote Party building and rectification; building a socialist rule-of-law state that creates development, integrity, and action; promoting prevention and combat of corruption, practice thrift, combating waste, and creating breakthroughs in administrative reform

Appreciating Party work, improving leadership capacity and fighting power of each party organization. Building a streamlined government apparatus that operates effectively and efficiently.

Accelerating the promulgation of laws to directly implement the 2013 Constitution. Clearly defining the roles, positions, functions, tasks and powers of state agencies, and effectively performing the functions of the State, properly resolving the relationship between the State and the market. Promoting the improvement of the law in association with improving the effectiveness and efficiency of law enforcement, building a unified, synchronous, feasible, open, transparent, stable and powerful legal system with international competition, taking the legitimate rights and interests of the people as the center, promoting innovation, ensuring the requirements of sustainable economic, social, defense and security development in new situations.

Focusing on social development management; improving social security and social welfare, protecting and assisting vulnerable people in the market economy. Continuing to arrange, reform and widely deploy the autonomy and self-responsibility mechanism of public service units; promoting the provision of public administrative services according to the market mechanism, promoting the socialization of public administrative services. Promoting the development of the public service market and strongly attracting all types of economic participation. Effectively deploying the innovation project to implement the single window, inter-agency single-window mechanism and the public administrative service center model in handling administrative procedures in the 2021-2025 period.

Developing and effectively implementing the State Administrative Reform Master Program for 2021-2030 and modernizing the national administration. Perfecting the organization of the government apparatus at all levels associated with streamlining payrolls, improving quality, and restructuring the team of civil servants and public employees to ensure effective and efficient operations. Promoting and improving the mechanism of decentralization, decentralization, and authorization, ensuring unified management, effectiveness, and operational efficiency. At the same time, promoting initiative, creativity, and promoting the sense of responsibility of each level and each sector associated with the power control mechanism. Expanding democracy with strengthening discipline.

Building a team of officials, civil servants and public employees with good moral qualities, strong political courage and high professionalism. Clearly defining and promoting the responsibilities of the leader; taking a mechanism to encourage and arouse the spirit of dedication to the country, creating motivation and pressure for all carders, civil servants and public employees to best complete their assigned tasks and wholeheartedly serve the people; taking a mechanism to protect cadres who are innovative, creative, dare to think, dare to do, dare to make breakthroughs, and dare to take responsibility for the common good. Fundamentally reforming the salary regime of cadres, civil servants and public employees.

Carrying out persistently, resolutely and effectively the fight against corruption, especially "petty corruption", practicing thrift and combating waste. Innovating inspection organization and activities. Improving the effectiveness of inspection, examination, and resolution of complaints and denunciations, ensuring the effectiveness and efficiency of state management, protecting the interests of the State, the legitimate rights and interests of agencies, organizations and individuals. Not criminalizing economic, administrative, and civil relationships. Implementing the National Strategy on preventing and combating corruption and the plan to implement the United Nations Convention against Corruption. Continuing to promote the role of the Fatherland Front, socio-political organizations, people's organizations and mass media agencies in detecting and fighting against corruption and waste.

Strengthening the ability of citizens and enterprises to access the law. Developing legal services. Developing institutions to resolve disputes outside of court. Promoting legal support for small and medium-sized enterprises.

III. IMPLEMENTATION ORGANIZATION

1. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Government-attached agencies, Chairpersons of People's Committees of provinces and centrally run cities shall:

a) Based on the assigned functions, tasks, powers and specific tasks in this Action Program of the Government, develop and promulgate an Action Program within the scope of management, which must be expressed in projects, programs, solutions, tasks, implementation roadmaps and specific responsibilities assigned, report to the Prime Minister in the second quarter of 2021, and concurrently send it to the Ministry of Planning and Investment for summarization and report according to regulations. Based on the Government's Action Program and their own Action Programs, each ministry, agency and locality shall concretize tasks in the annual work plan. For specific tasks withwritten directives from the Government and the Prime Minister, additional projects are not required. Ministries, agencies and localities shall immediately organize and implement them, ensuring timely and effectively implement relevant contents in the Government's Action Program and Action Programs of ministries, agencies and localities.

b) Focus on directing the drastic, synchronous and effective implementation of the 13th Congress’ Resolution, the Government's Action Program and Action Programs of ministries, agencies and localities. In which, special attention should be paid to thoroughly grasping and strictly implementing the Party's organizational principles, operations and leadership methods. Strengthen solidarity, promote democracy associated with strict discipline; continue to strongly innovate thinking; with high political determination. Accurately and timely forecast developments of the situation; proactively respond promptly to all situations; make further efforts to continue to comprehensively and synchronously promote innovation in all fields according to assigned functions, tasks and powers; mobilize and effectively use all resources; while determining to successfully and comprehensively implement the set goals and tasks.

c) Strengthen inspection, urging and supervision of the implementation of the Government's Action Program and the Action Program of each ministry, agency and locality. On an annual basis, evaluate the situation and results of implementation, report to the Prime Minister, and send to the Ministry of Planning and Investment for monitoring and synthesis according to regulations. During the process of organizing the implementation of the Government's Action Program, in case it is necessary to amend or supplement specific tasks, ministries, agencies and localities shall proactively propose and send them to the Ministry of Planning and Investment for summarization and report to the Prime Minister for consideration and decision.

2. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, agencies and localities in, monitoring and urging the implementation of this Action Program, periodically reporting and proposing to the Government and Prime Minister The Government necessary measures to ensure synchronous and effective implementation of this Action Program; closely follow relevant contents in the working program of the Political Bureau, Secretariat, Party Central Committee, National Assembly Standing Committee and National Assembly to organize implementation and report according to competence and regulations.

3. Based on the 13th Congress’ Resolution, especially the directions and tasks for socio-economic development in the 5 years of 2021-2025 as approved by the 13th Congress, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministries, agencies, localities in:

a) Developing a draft 5-year socio-economic development plan for 2021-2025, reporting to competent authorities, and submitting to the National Assembly for consideration and decision.

b) After being approved by the National Assembly, developing the Government's Action Program to implement the National Assembly's Resolution on the 5-year socio-economic development plan for 2021-2025. If necessary, reporting to the Prime Minister to allow amendments and supplements to a number of projects and work tasks in the Appendix to this Action Program.

4. The Government shall respectfully request the Party's agencies, the National Assembly and its agencies, the People's Councils at all levels, the judicial agencies, the Vietnam Fatherland Front and its member organizations, socio-political organizations and people's organizations to strengthen supervision and close coordination with agencies in the state administrative system from central to local levels in organizing and implementing the Government’s Action Program and the Action Programs of ministries, agencies and localities.

5. The Ministry of Information and Communications shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment, the Central Committee of Propaganda and Education, Party agencies, the National Assembly, the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front and ministries, agencies and localities in, effectively communicating, propagandizing, creating social consensus, promoting the spirit of effort of sectors, levels, enterprise communities and people to strive to successfully implement the goals and tasks of national development set out in the Resolution of the 13th National Congress of the Party./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT

THE PRIME MINISTER

 

 

Pham Minh Chinh

 

* All Appendices are not translated herein.

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch LuatVietnam
Resolution 50/NQ-CP DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Resolution 50/NQ-CP PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất