Thông tư 14/2010/TT-BGTVT quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô

thuộc tính Thông tư 14/2010/TT-BGTVT

Thông tư 14/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô
Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông Vận tải
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:14/2010/TT-BGTVT
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Thông tư
Người ký:Hồ Nghĩa Dũng
Ngày ban hành:24/06/2010
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Giao thông

TÓM TẮT VĂN BẢN

 Quy định mới về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô - Kể từ ngày 08/8/2010, hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, yêu cầu chung đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là phải bảo đảm luôn có số ngày xe tốt tối thiểu bằng 110% số ngày xe vận doanh theo phương án kinh doanh (áp dụng đối với vận tải hành khách tuyến cố định); có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông.
 Cũng theo Thông tư này, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định được đăng ký mở tuyến mới; tuyến mới là tuyến khi có ít nhất một trong ba tiêu chí bao gồm: bến đi, bến đến hoặc hành trình không trùng với các tuyến đã công bố. Phải thanh toán lại tối thiểu 70% tiền vé đối với hành khách đã mua vé từ chối chuyến đi chậm nhất trước khi xe khởi hành 30 phút. Phương tiện hoạt động trên các tuyến có cự ly trên 300 km trên hành trình phải dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ và bảo đảm thời gian làm việc của lái xe theo quy định và phải áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phương tiện trên hành trình nhằm thực hiện quy định về việc đón trả hành khách tại bến xe, không đón trả hành khách dọc đường.
 Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định: số 16/2007/QĐ-BGTVT, 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung; số 34/2006/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các tuyến cố định liên tỉnh có cự ly từ 300 km trở lên đang xuất phát và kết thúc tại các bến xe không phải là bến xe loại IV, III, II và loại I được hoạt động đến hết thời gian cho phép nhưng không quá ngày 31/12/2010.

Xem chi tiết Thông tư14/2010/TT-BGTVT tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

Số: 14/2010/TT-BGTVT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2010

 

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô;

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số quy định về việc tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc có liên quan đến kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Hành trình chạy xe: được xác định cụ thể điểm đi, điểm đến và các điểm dừng, đỗ theo tuyến đường nhất định.

2. Lịch trình chạy xe: là thời gian được xác định cho một hành trình từ khi xe xuất phát đến khi kết thúc.

3. Biểu đồ chạy xe: là tổng hợp các hành trình, lịch trình chạy xe của các chuyến xe trong một chu kỳ thời gian nhất định.

4. Thời gian biểu chạy xe: là tổng hợp thời điểm xuất bến của xe trong một khoảng thời gian do cơ quan quản lý tuyến xây dựng theo một chu kỳ thời gian nhất định và công bố để các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia.

5. Điểm dừng xe buýt: là những vị trí xe buýt phải dừng để đón, trả hành khách theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 4. Quy định chung

1. Đối với đơn vị kinh doanh vận tải:

a) Bảo đảm luôn có số ngày xe tốt tối thiểu bằng 110% số ngày xe vận doanh theo phương án kinh doanh (chỉ áp dụng với vận tải hành khách tuyến cố định);

b) Có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có các nội dung tối thiểu được quy định tại Phụ lục 1;

c) Có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với những loại hình yêu cầu phải có Giấy phép. Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được quy định tại Phụ lục 2; Mẫu Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định tại Phụ lục 3.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông để thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Theo dõi, tổng hợp phân tích tình hình chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông;

b) Kiểm tra đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi xe tham gia hoạt động;

c) Quản lý các thông tin: hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, số lần đóng hoặc mở cửa xe (trừ xe công-ten-nơ), thời gian lái xe trong ngày của từng lái xe từ thiết bị giám sát hành trình của xe (sau đây gọi tắt là thông tin bắt buộc).

Điều 5. Lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe

1. Yêu cầu đối với thiết bị giám sát hành trình của xe:

a) Phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định theo quy định;

b) Phải cập nhật liên tục, lưu trữ đầy đủ các thông tin bắt buộc.

2. Đơn vị kinh doanh chịu trách nhiệm:

a) Lắp đặt, khai thác, quản lý thông tin trên thiết bị giám sát hành trình của xe đối với các phương tiện theo quy định;

b) Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải;

c) Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc tối thiểu 01 (một) năm;

d) Cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin bắt buộc cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Điều 6. Đăng ký, niêm yết chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi

1. Nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải:

a) Đối với phương tiện vận tải gồm: nhãn hiệu xe, số ghế, năm sản xuất, trang thiết bị phục vụ hành khách trên xe;

b) Đối với lái xe, nhân viên phục vụ: hoàn thành chương trình tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về vận tải hành khách và an toàn giao thông, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ hành khách do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức;

c) Phương án tổ chức vận tải: việc chấp hành phương án hoạt động trên tuyến, hành trình chạy xe, công tác bảo đảm an toàn giao thông;

d) Các quyền lợi của hành khách gồm: bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước;

e) Quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của hành khách và phản ánh của thông tin đại chúng, tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách;

g) Các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.

2. Hồ sơ đăng ký:

a) Giấy Đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải theo mẫu được quy định tại Phụ lục 4;

b) Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy chứng nhận quản lý chất lượng dịch vụ theo hệ thống quản lý chất lượng ISO thì gửi kèm bản sao Giấy chứng nhận quản lý chất lượng dịch vụ theo hệ thống quản lý chất lượng ISO.

3. Quy trình tiếp nhận hồ sơ:

a) Cơ quan quản lý tuyến tiếp nhận 01 (một) bộ hồ sơ do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, xác nhận cho doanh nghiệp, hợp tác xã;

b) Cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm theo dõi và kiểm tra việc niêm yết của doanh nghiệp, hợp tác xã và thực hiện những nội dung doanh nghiệp, hợp tác xã đã cam kết.

4. Niêm yết:

a) Niêm yết trên phương tiện: giá cước, nội dung chính dịch vụ theo điểm g khoản 1 Điều này, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp, hợp tác xã;

b) Niêm yết tại bến xe, tại quầy bán vé (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định): thời gian xuất bến, số chuyến lượt, loại xe, giá vé, hành trình chạy xe (bao gồm cả các điểm dừng nghỉ, thời gian dừng, nghỉ), dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, bảo hiểm hành khách, hành lý miễn cước, số điện thoại nhận thông tin phản ánh của hành khách.

Chương 2.

KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ

 

MỤC I. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE Ô TÔ THEO TUYẾN CỐ ĐỊNH

Điều 7. Tiêu chí thiết lập tuyến

1. Có hệ thống đường bộ bảo đảm an toàn, thông suốt cho xe vận chuyển hành khách thực hiện hành trình và lịch trình vận tải.

2. Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu đưa vào khai thác.

3. Có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia khai thác vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định.

Điều 8. Quy định đối với xe tham gia khai thác

1. Ghi tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc mặt ngoài hai bên cánh cửa xe.

2. Ghế ngồi trong xe phải được đánh số thứ tự.

3. Trong cùng một thời điểm mỗi xe chỉ được đăng ký khai thác tối đa 02 (hai) tuyến vận tải hành khách cố định.

Điều 9. Mở tuyến

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đăng ký mở tuyến mới.

2. Tuyến mới là tuyến khi có ít nhất một trong ba tiêu chí bao gồm: bến đi, bến đến hoặc hành trình không trùng với các tuyến đã công bố.

3. Đối với tuyến mới có hành trình trùng dưới 70% so với tuyến đã công bố thì thực hiện thủ tục khai thác thử theo quy định tại các khoản 5, 6, 7, 8, 9 của Điều này.

4. Đối với tuyến mới có hành trình trùng từ 70% trở lên so với tuyến đã công bố, doanh nghiệp, hợp tác xã có giấy đề nghị công bố tuyến tại Phụ lục 8 và lập hồ sơ đăng ký khai thác theo quy định tại khoản 5 Điều này và gửi cơ quan quản lý tuyến.

5. Hồ sơ đăng ký mở tuyến gồm:

a) Giấy đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục 5;

b) Phương án hoạt động vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô theo mẫu tại Phụ lục 6;

c) Bản phô tô kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao giấy đăng ký xe ô tô của những xe tham gia khai thác tuyến (trừ những xe đã có trong danh sách khi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký cấp giấy phép);

d) Bản phô tô kèm bản chính để đối chiếu của Hợp đồng và Bản nghiệm thu việc gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (trừ những xe đã có trong danh sách khi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký cấp giấy phép).

6. Quy định về xử lý hồ sơ:

a) Hồ sơ đăng ký mở tuyến mới gửi đến cơ quan quản lý tuyến theo phân cấp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan quản lý tuyến thông báo bằng văn bản nội dung cần bổ sung, sửa đổi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ;

b) Đối với các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên 1000 (một nghìn) ki lô mét:

Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để lấy ý kiến;

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Sở Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên coi như Sở Giao thông vận tải đã đồng ý;

Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện các quy định về chấp thuận khai thác thử và công bố với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 9. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Đối với các tuyến cố định nội tỉnh, tuyến vận tải hành khách cố định từ 1000 (một nghìn) ki lô mét trở xuống: Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Hồ sơ tới Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh; trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải xem xét có văn bản chấp thuận sau khi lấy ý kiến của Sở Giao thông vận tải đầu kia của tuyến. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm thông báo công khai văn bản chấp thuận khai thác thử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách khác.

8. Thẩm quyền chấp thuận khai thác thử:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện quy trình chấp thuận khai thác thử đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trên 1000 (một nghìn) ki lô mét;

b Sở Giao thông vận tải thực hiện quy trình chấp thuận khai thác thử đối với các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, tuyến cố định liên tỉnh có cự ly từ 1000 (một nghìn) ki lô mét trở xuống; sau khi chấp thuận phải thông báo bằng văn bản tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ 1000 (một nghìn) ki lô mét trở xuống;

9. Sau 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận khai thác thử, doanh nghiệp, hợp tác xã không tổ chức khai thác thử thì văn bản chấp thuận khai thác thử sẽ không còn giá trị.

Điều 10. Công bố tuyến

1. Đối với tuyến mới có hành trình trùng dưới 70% so với tuyến đã công bố, hết thời hạn khai thác thử, cơ quan quản lý tuyến căn cứ tiêu chí thiết lập tuyến để công bố tuyến theo mẫu quy định tại Phụ lục 9. Chỉ những doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia khai thác thử liên tục từ 04 (bốn) tháng trở lên mới được tiếp tục khai thác trong 12 (mười hai) tháng tiếp theo kể từ ngày công bố tuyến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã khác chỉ được khai thác sau 12 (mười hai) tháng kể từ ngày công bố tuyến.

2. Đối với tuyến mới có hành trình trùng từ 70% trở lên với tuyến đã công bố khi có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký mở tuyến mới thì cơ quan quản lý tuyến phải thực hiện công bố tuyến và khai thác theo quy định nhưng không thực hiện quy định khai thác thử.

3. Nội dung công bố tuyến vận tải hành khách cố định:

a) Bến xe nơi đi, bến xe nơi đến;

b) Hành trình chạy xe;

c) Cự ly vận chuyển;

d) Mã số tuyến.

4. Quản lý mã số tuyến: mã số tuyến là dãy số được đánh theo trình tự: mã số địa phương nơi xuất phát, mã số địa phương nơi đến, mã số bến xe nơi xuất phát, mã số bến xe nơi đến; đối với các tuyến có nơi xuất phát, nơi kết thúc trùng nhau nhưng khác nhau về hành trình thì thêm số thứ tự ở cuối dãy số.

5. Thẩm quyền công bố tuyến:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố hệ thống tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh;

b) Sở Giao thông vận tải công bố tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.

Điều 11. Đăng ký khai thác tuyến

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã được đăng ký tham gia khai thác tuyến vận tải hành khách cố định khi hệ số có khách bình quân trên tuyến đạt trên 50%.

2. Hệ số có khách được xác định bằng tổng lượng hành khách xuất phát ở hai đầu bến của các chuyến xe trên tuyến trong 06 (sáu) tháng liên tục cho đến thời điểm có doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký chia cho tổng số ghế xe của các chuyến xe thực hiện trong thời gian đó.

3. Hồ sơ đăng ký khai thác theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư này.

4. Hồ sơ đăng ký khai thác được gửi đến cơ quan quản lý tuyến theo quy định sau:

a) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với các tuyến trên 1000 (một nghìn) ki lô mét;

b) Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh đối với các tuyến từ 1000 (một nghìn) ki lô mét trở xuống.

5. Quy định về xử lý hồ sơ:

a) Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc không hợp lệ, cơ quan quản lý tuyến thông báo bằng văn bản nội dung còn thiếu cần bổ sung, sửa đổi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ;

b) Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: đối với các tuyến trên 1000 (một nghìn) ki lô mét, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản phối hợp với Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến để lấy ý kiến. Đối với các tuyến do hai Sở Giao thông vận tải đồng quản lý, Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký trụ sở chính hoặc chi nhánh đăng ký khai thác tuyến có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải đầu tuyến phía bên kia để lấy ý kiến trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, Sở Giao thông vận tải phải có văn bản trả lời. Hết thời hạn trên coi như Sở Giao thông vận tải đã đồng ý với việc đăng ký khai thác;

d) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý tuyến nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký có văn bản chấp thuận khai thác tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô. Trường hợp không chấp thuận khai thác tuyến phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày được chấp thuận khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã không tổ chức khai thác thì văn bản chấp thuận sẽ không còn giá trị.

7. Văn bản chấp thuận không có thời hạn và chỉ có giá trị khi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn hiệu lực.

Điều 12. Bổ sung xe khai thác tuyến

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên tuyến được quyền bổ sung xe. Trường hợp bổ sung xe làm tăng tuyến số chuyến xe trên tuyến mà doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác chỉ được thực hiện khi hệ số có khách bình quân trên tuyến của doanh nghiệp, hợp tác xã đạt trên 50%.

2. Hệ số có khách bình quân được xác định bằng tổng lượng hành khách xuất phát ở hai đầu bến của các chuyến xe của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 06 (sáu) tháng liên tục cho đến thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã có đăng ký chia cho tổng số ghế xe của các chuyến xe thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện trong khoảng thời gian đó.

3. Hồ sơ đăng ký bổ sung xe theo quy định tại điểm b, c, d khoản 5 Điều 9 Thông tư này. Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc không hợp lệ, cơ quan quản lý tuyến thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.

4. Trình tự, thủ tục chấp thuận bổ sung xe đối với trường hợp bổ sung xe làm tăng số chuyến xe trên tuyến được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

Điều 13. Thay thế xe khai thác tuyến vận tải hành khách cố định

Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định được thay thế xe có tên trong danh sách phương tiện của doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến. Trường hợp xe thay thế chưa có phù hiệu chạy trên tuyến thì làm thủ tục đề nghị cấp phù hiệu theo quy định tại Điều 11, Điều 41, Điều 42 của Thông tư này, mẫu phù hiệu xe chạy tuyến cố định quy định tại Phụ lục 10.

Điều 14. Ngừng hoạt động tuyến, ngừng hoạt động của phương tiện

1. Cơ quan công bố tuyến có trách nhiệm công bố ngừng hoạt động tuyến bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 7 khi không còn thỏa mãn một trong các tiêu chí thiết lập tuyến theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác trên tuyến vận tải hành khách cố định khi không có nhu cầu khai thác hoặc giảm số chuyến xe đang khai thác trên tuyến phải thông báo cho cơ quan quản lý tuyến trước 10 (mười) ngày.

3. Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, cơ quan quản lý tuyến thông báo công khai để các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đăng ký khai thác.

Điều 15. Sổ nhật trình chạy xe

1. Sổ nhật trình chạy xe bao gồm các nội dung chủ yếu sau: bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình chạy xe, ngày, giờ xuất bến, số lượng hành khách, biển kiểm soát phương tiện, số Giấy chứng nhận kiểm định An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thời hạn kiểm định, họ tên lái xe, số giấy phép lái xe, họ tên nhân viên phục vụ trên xe.

2. Sổ nhật trình chạy xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 và do Sở Giao thông vận tải địa phương cấp theo phương tiện đã được chấp thuận khai thác.

3. Chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin trong Sổ nhật trình chạy xe:

a) Bến xe: bến xe nơi đi, nơi đến, giờ xuất bến thực tế, số lượng hành khách;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải: các nội dung thông tin còn lại.

Điều 16. Quy định về việc xây dựng, điều chỉnh, tổ chức thực hiện thời gian biểu chạy xe

1. Cơ quan quản lý tuyến có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện, rà soát điều chỉnh, bổ sung, công bố công khai thời gian biểu chạy xe trên tuyến đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý, nhu cầu đi lại của hành khách.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động vận tải trên cơ sở thời gian biểu chạy xe do cơ quan quản lý tuyến ban hành theo các nguyên tắc sau đây:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký trước sẽ được lựa chọn đăng ký thời gian trống còn lại của biểu đồ chạy xe;

b) Trường hợp nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến đủ điều kiện để tăng xe theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 của Thông tư này, tùy theo tình hình thực tế về lưu lượng hành khách, cơ quan quản lý tuyến có thể điều chỉnh biểu đồ theo nguyên tắc bổ sung thêm chuyến vào giữa thời gian của các chuyến xe có lượng hành khách đi lại cao hoặc bổ sung thêm chuyến vào thời gian ngoài biểu đồ hiện hành.

Điều 17. Thu hồi chấp thuận khai thác tuyến

1. Cơ quan quản lý tuyến ra văn bản chấp thuận có trách nhiệm thu hồi văn bản của mình khi doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm các hành vi được quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi văn bản chấp thuận khai thác thử, chấp thuận khai thác tuyến khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu từ 30% trở lên;

b) Thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được duyệt trong một tháng.

Điều 18. Quyền hạn và trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã

1. Phải thanh toán lại tối thiểu 70% tiền vé với hành khách đã mua vé từ chối chuyến đi chậm nhất trước khi xe khởi hành 30 phút.

2. Phương tiện hoạt động trên các tuyến có cự ly trên 300 ki lô mét trên hành trình phải dừng nghỉ tại các trạm dừng nghỉ và bảo đảm thời gian làm việc của lái xe theo quy định.

3. Áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phương tiện trên hành trình nhằm thực hiện quy định về việc đón trả hành khách tại bến xe, không đón trả hành khách dọc đường.

Điều 19. Quyền hạn và trách nhiệm của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe

1. Lái xe thực hiện đúng biểu đồ vận hành đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; thực hiện đúng hành trình, lịch trình, đón hành khách tại bến xe nơi đi, trả hành khách tại bến xe nơi đến, không đón trả hành khách dọc đường.

2. Nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm hướng dẫn hành khách các quy định khi đi xe, giúp đỡ hành khách là người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ.

Điều 20. Quyền hạn và trách nhiệm của hành khách đi xe

1. Được yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp dịch vụ theo cam kết chất lượng dịch vụ đã niêm yết.

2. Được nhận lại số tiền vé theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư này.

3. Bắt đầu hành trình tại bến xe nơi đi, kết thúc hành trình tại bến xe nơi đến.

MỤC II. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT

Điều 21. Niêm yết thông tin trên xe buýt

1. Bên ngoài xe phải niêm yết:

a) Số hiệu tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến lên phía trên kính trước;

b) Giá vé và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã ở hai bên thành xe.

2. Bên trong xe phải niêm yết:

a) Hành trình của tuyến xe buýt;

b) Trách nhiệm của hành khách đi xe buýt;

c) Một số nội dung chính cam kết chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 22. Đăng ký mầu sơn đặc trưng

1. Trước khi đưa xe vào khai thác doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký mầu sơn đặc trưng theo mẫu quy định tại Phụ lục 15.

2. Đăng ký gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở Giao thông vận tải chỉ tiếp nhận, xác nhận đăng ký và có trách nhiệm thông báo công khai việc đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 23. Điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng và nhà chờ xe buýt

1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt:

a) Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải bảo đảm đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe chờ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

b) Tại điểm đầu, điểm cuối tuyến phải có bảng thông tin về tuyến: tên tuyến, số hiệu tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Có nhà chờ và các công trình phụ trợ khác.

2. Điểm dừng xe buýt:

a) Phạm vi dừng xe buýt đón trả hành khách phải sơn vạch phản quang;

b) Tại vị trí mỗi điểm dừng phải có biển báo hiệu điểm dừng xe buýt theo quy định; Trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu, tên tuyến (điểm đầu – điểm cuối), lộ trình của tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó;

c) Tại các vị trí điểm dừng xe buýt: trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 1,5 m trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt;

d) Tại các điểm dừng có phục vụ người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải xây dựng lối lên xuống và các hạng mục công trình phụ trợ thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng.

3. Nhà chờ xe buýt:

a) Mẫu nhà chờ theo quy định thống nhất của Sở Giao thông vận tải;

b) Trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết tối thiểu các thông tin: số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến;

c) Đối với những nhà chờ có phục vụ người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải xây dựng lối lên xuống và các hạng mục công trình phụ trợ thuận tiện cho người khuyết tật.

Điều 24. Quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Hệ thống điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ xe buýt, điểm trung chuyển, đường dành riêng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

2. Nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy tu kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt do nhà nước đầu tư hoặc xã hội hóa.

3. Sở Giao thông vận tải địa phương có trách nhiệm tổ chức quản lý và duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt gồm: điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ, điểm trung chuyển và các công trình phụ trợ cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt.

Điều 25. Công bố mở tuyến

1. Sở Giao thông vận tải công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương theo quy hoạch mạng lưới tuyến đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Đối với tuyến xe buýt giữa hai tỉnh liền kề, việc công bố mở tuyến do Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến thực hiện sau khi có văn bản đồng ý của hai Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền.

2. Nội dung công bố khi mở tuyến xe buýt:

a) Số hiệu tuyến, điểm đầu, điểm cuối;

b) Hành trình tuyến;

c) Tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến;

d) Tổng số lượt xe/ngày;

e) Giá vé.

3. Cơ quan quản lý tuyến phải công bố trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất trước 30 (ba mươi) ngày trước khi mở tuyến xe buýt.

Điều 26. Nội dung quản lý và khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Đấu thầu khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt;

a) Sở Giao thông vận tải quyết định việc khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt của các doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc chỉ định thầu khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt.

2. Quản lý điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt:

a) Sở Giao thông vận tải phê duyệt và công bố biểu đồ chạy xe bao gồm các nội dung chủ yếu: đơn vị khai thác tuyến xe buýt, tần suất xe chạy, lộ trình tuyến xe buýt, số điểm dừng, đón trả hành khách trên tuyến, thời gian một lượt xe, thời gian hoạt động của tuyến trong ngày. Thời gian hoạt động trong ngày của tuyến xe buýt được xác định trên cơ sở bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân nơi tuyến xe buýt đi qua nhưng không dưới 12 (mười hai) giờ/ngày;

b) Doanh nghiệp, hợp tác xã có trách nhiệm cung cấp, quản lý lệnh vận chuyển khi xe buýt hoạt động. Lệnh vận chuyển bao gồm các nội dung chủ yếu sau: ngày, giờ xe hoạt động theo biểu đồ, số vé bán, số hiệu tuyến, biển số xe, họ và tên lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Điều 27. Điều chỉnh hành trình tuyến, tần suất xe chạy

1. Sở Giao thông vận tải điều chỉnh hành trình tuyến xe buýt, tần suất xe chạy trên cơ sở bảo đảm các lợi ích chính trị, xã hội và kinh tế đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 (mười) ngày trước khi thực hiện.

2. Đối với tuyến xe buýt giữa hai tỉnh liền kề, việc điều chỉnh hành trình, tần suất xe chạy do Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến thực hiện sau khi có văn bản đồng ý của hai Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 28. Ngừng hoạt động tuyến

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã trước khi ngừng khai thác trên tuyến phải có văn bản đề nghị gửi Sở Giao thông vận tải và chỉ được ngừng khai thác tuyến sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Giao thông vận tải trên cơ sở có ý kiến đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Sở Giao thông vận tải địa phương có trách nhiệm công bố trên thông tin đại chúng chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi ngừng hoạt động tuyến xe buýt.

3. Doanh nghiệp, hợp tác xã tự ý ngừng khai thác tuyến sẽ bị tước quyền khai thác các tuyến xe buýt khác trên địa bàn và xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 29. Bổ sung xe, thay thế xe khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Đối với tuyến xe buýt nội tỉnh, Sở Giao thông vận tải quyết định việc bổ sung, thay thế xe khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã.

2. Đối với tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề, hai Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến xem xét thống nhất bằng văn bản trước khi quyết định việc bổ sung, thay thế xe khai thác trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã với Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.

Điều 30. Quyền hạn, trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt

1. Đeo thẻ tên, mặc đồng phục theo quy định của Sở Giao thông vận tải.

2. Nhân viên phục vụ trên xe buýt có trách nhiệm cung cấp thông tin về hành trình tuyến, các điểm dừng trên tuyến khi hành khách yêu cầu; hướng dẫn cho hành khách tại các điểm dừng để hành khách lên, xuống xe an toàn; giúp đỡ người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ khi lên, xuống xe buýt.

Điều 31. Quyền hạn, trách nhiệm của hành khách đi xe buýt

1. Được mang theo hành lý xách tay nặng không quá 10 (mười) ki lô gam và kích thước không quá (30x40x60) xăng ti mét.

2. Giúp đỡ và nhường chỗ cho hành khách là người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ.

MỤC III. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI

Điều 32. Yêu cầu đối với xe taxi

1. Ghi tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã ở mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe.

2. Có phù hiệu “XE TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 14.

3. Có đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Đăng ký mầu sơn, biểu trưng (logo)

1. Trước khi đưa xe vào khai thác doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký một mầu sơn thống nhất giữa các xe của doanh nghiệp, hợp tác xã, biểu trưng (logo) theo mẫu quy định tại Phụ lục 15.

2. Hồ sơ đăng ký gửi đến Sở Giao thông vận tải nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Sở Giao thông vận tải chỉ tiếp nhận, xác nhận và có trách nhiệm thông báo công khai việc đăng ký của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Điều 34. Hồ sơ lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc

Hồ sơ lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc giữa trung tâm điều hành và các xe taxi gồm:

1. Đăng ký và được sử dụng hợp pháp tần số vô tuyến điện.

2. Biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc.

Điều 35. Điểm đỗ xe taxi

1. Điểm đỗ xe taxi được chia làm 2 loại:

a) Điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp taxi tổ chức và quản lý;

b) Điểm đỗ xe taxi công cộng do cơ quan quản lý Nhà nước địa phương tổ chức và quản lý;

2. Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi:

Bảo đảm an toàn và trật tự giao thông đô thị, không làm cản trở việc lưu thông bình thường của người và phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất tổ chức và quản lý điểm đỗ xe taxi công cộng phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải và yêu cầu đặc thù của địa phương.

MỤC IV. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE HỢP ĐỒNG

Điều 36. Yêu cầu đối với xe ô tô hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng

1. Xe ô tô thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; có phù hiệu theo quy định tại Phụ lục 12.

2. Ghi tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe.

3. Xe vận tải hành khách với cự ly từ trên 100 (một trăm) ki lô mét phải có danh sách hành khách theo mẫu tại Phụ lục 13.

Điều 37. Hợp đồng vận chuyển hành khách

Văn bản hợp đồng vận chuyển hành khách phải có ít nhất các nội dung sau: thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, địa chỉ nơi đến, hành trình chạy xe, số lượng hành khách.

MỤC V. KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH DU LỊCH BẰNG XE Ô TÔ

Điều 38. Yêu cầu đối với xe ô tô hoạt động vận tải hành khách du lịch

1. Thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách du lịch; Xe ô tô vận tải hành khách du lịch phải có biển hiệu theo quy định.

2. Ghi tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân hoặc hai bên cánh cửa xe.

Điều 39. Hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành

Văn bản hợp đồng vận chuyển hành khách du lịch hoặc hợp đồng lữ hành có ít nhất các nội dung sau: thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, địa chỉ nơi đến, hành trình chạy xe, số lượng hành khách.

MỤC VI. PHÙ HIỆU VÀ BIỂN HIỆU

Điều 40. Quy định chung về quản lý, sử dụng tài liệu

1. Trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, xe chạy tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe taxi phải có phù hiệu; xe vận chuyển khách du lịch phải có biển hiệu.

2. Phù hiệu và biển hiệu, không được tẩy xóa hoặc sửa chữa các thông tin và được gắn trên kính chắn gió phía bên phải người lái xe.

3. Phù hiệu và biển hiệu có giá trị 12 (mười hai) tháng.

Điều 41. Quy định về việc cấp, đổi phù hiệu, biển hiệu

1. Đơn vị kinh doanh gửi Hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu, biển hiệu tới Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp phù hiệu, biển hiệu của đơn vị kinh doanh vận tải;

b) Bản photo giấy đăng ký của những xe đề nghị cấp phù hiệu (trừ trường hợp xe chạy tuyến cố định đề nghị cấp phù hiệu lần đầu);

c) Đối với trường hợp cấp lại phù hiệu, biển hiệu phải kèm theo báo cáo: việc thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông, chất lượng dịch vụ đã đăng ký (đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đăng ký chất lượng dịch vụ), việc chấp hành biểu đồ chạy xe tuyến cố định của các phương tiện trong thời gian sử dụng phù hiệu, biển hiệu đã cấp.

2. Đối với trường hợp đổi phù hiệu, biển hiệu do mờ hoặc hỏng thì hồ sơ đề nghị đổi lại được miễn các nội dung nêu tại điểm b, c khoản 1 điều này.

3. Thời gian cấp phù hiệu, biển hiệu tối đa 01 (một) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ phù hiệu, biển hiệu không sử dụng trước khi cấp phù hiệu, biển hiệu mới, lưu trữ trong thời hạn 06 (sáu) tháng.

Điều 42. Phù hiệu xe chạy tuyến cố định

Sở Giao thông vận tải căn cứ các văn bản: chấp thuận khai thác thử, chấp thuận khai thác tuyến, chấp thuận bổ sung xe hoặc thay thế xe hoặc hồ sơ đề nghị cấp lại phù hiệu của doanh nghiệp, hợp tác xã để cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định.

Điều 43. Phù hiệu xe hợp đồng

Đơn vị kinh doanh khi được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho những xe ô tô trong danh sách do đơn vị kinh doanh đề nghị và được đổi phù hiệu khi hết thời hạn theo quy định.

Xe đã tham gia khai thác vận tải hành khách tuyến cố định, nếu có nhu cầu vận chuyển hành khách theo hợp đồng thì doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản gửi cơ quan quản lý tuyến chứng minh về việc đảm bảo chấp hành tốt biểu đồ chạy xe trên tuyến cố định.

Điều 44. Biển hiệu xe vận chuyển khách du lịch

Đơn vị kinh doanh khi được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được Sở Giao thông vận tải cấp biển hiệu sau khi đã được cơ quan thuộc ngành Văn hóa thể thao và Du lịch chứng nhận bằng văn bản đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch.

Điều 45. Phù hiệu xe taxi

Doanh nghiệp, hợp tác xã khi được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô taxi được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe taxi.

Điều 46. Thu hồi phù hiệu, biển hiệu

1. Cơ quan cấp có trách nhiệm thu hồi phù hiệu, biển hiệu do mình cấp khi đơn vị kinh doanh vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đơn vị kinh doanh bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi vi phạm một trong các trường hợp sau:

a) Sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu đã cấp cho xe;

b) Phương tiện hoạt động không có hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, chương trình du lịch và danh sách hành khách theo quy định;

c) Xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch bán vé cho hành khách đi xe hoặc đón thêm hành khách ngoài danh sách;

d) Xe chạy tuyến cố định, xe taxi, xe buýt không thực hiện từ 03 (ba) Nội dung trở lên trong cam kết chất lượng dịch vụ hoặc không thực hiện niêm yết cam kết chất lượng dịch vụ trên xe.

e) Xe chạy tuyến cố định không đưa xe vào khai thác trên tuyến từ 03 (ba) chuyến liên tục trở lên hoặc không có Sổ nhật trình chạy xe hoặc không ghi, ghi không chính xác các nội dung trong Sổ nhật trình chạy xe;

g) Xe taxi không có đồng hồ tính tiền hoặc không có hộp đèn trên nóc xe theo quy định hoặc có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền;

h) Đưa xe không đúng biển kiểm soát đã đăng ký vào khai thác tuyến, trừ trường hợp thay thế xe đột xuất.

Chương 3.

KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HÓA BẰNG XE Ô TÔ

 

Điều 47. Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa

Phải niêm yết tên, số điện thoại đơn vị kinh doanh, tự trọng của xe, tải trọng được phép chở ở mặt ngoài hai bên cánh cửa buồng lái. Xe taxi tải phải niêm yết giá cước vận tải hai bên thành xe.

Điều 48. Hợp đồng vận tải, giấy vận tải và phiếu xuất hàng

1. Hợp đồng vận tải phải bao gồm các thông tin sau: tên đơn vị vận tải, tên đơn vị, người thuê vận chuyển, loại và khối lượng hàng hóa, hành trình, địa chỉ và thời gian giao hàng, nhận hàng, giá cước vận tải, hình thức thanh toán, các điều khoản thỏa thuận khi giao hàng, bồi thường, giao nhận giấy tờ liên quan đến hàng hóa và các vấn đề khác có liên quan đến quá trình vận tải.

2. Giấy vận tải bao gồm các thông tin sau: tên đơn vị vận tải, tên người thuê vận chuyển, hành trình, số hợp đồng (nếu có), ngày tháng ký, loại hàng và khối lượng hàng được vận chuyển trên xe, thời gian nhận hàng, thời gian giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải. Giấy vận tải do đơn vị kinh doanh cấp cho lái xe phải được đóng dấu xác nhận của đơn vị; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào giấy vận tải.

3. Ngoài hợp đồng vận tải hoặc giấy vận tải và các giấy tờ của xe theo quy định, lái xe phải mang theo phiếu xuất hàng cho mỗi chuyến xe (chỉ áp dụng với trường hợp xuất hàng tại kho) do người thuê vận tải hoặc chủ hàng phát hành phù hợp với loại hàng hóa đang vận chuyển trên xe. Phiếu xuất hàng phải ghi rõ các thông tin sau: đơn vị xuất hàng, tên hàng hóa, trọng lượng hàng hóa, địa điểm xuất hàng, địa điểm giao hàng.

Điều 49. Quản lý kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

1. Đơn vị kinh doanh có đủ các điều kiện theo quy định, trước khi đưa phương tiện vào kinh doanh vận tải hàng hóa phải thông báo bằng văn bản đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh có trụ sở hoặc trụ sở chi nhánh. Nội dung thông báo gồm:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của đơn vị kinh doanh;

b) Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa;

c) Số lượng phương tiện, loại phương tiện, niên hạn sử dụng.

2. Công văn thông báo gửi tới Sở Giao thông vận tải địa phương. Sở Giao thông vận tải chỉ tiếp nhận thông báo để quản lý, theo dõi đồng thời xác nhận việc nhận thông báo cho đơn vị kinh doanh.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

 

Điều 50. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

1. Quản lý theo thẩm quyền hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong phạm vi cả nước, trực tiếp quản lý đối với các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly trên 1000 (một nghìn) ki lô mét.

2. Công bố mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh.

3. Thống nhất in, phát hành Giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”, phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”, phù hiệu “XE TAXI”, biển hiệu “XE DU LỊCH”.

4. Biên soạn giáo trình, hướng dẫn các quy định cụ thể về việc tập huấn hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải hành khách, an toàn giao thông cho lái xe taxi, lái xe buýt, nhân viên phục vụ trên xe.

5. Khai thác (định kỳ, đột xuất) thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc từ cơ sở dữ liệu tại máy chủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

6. Lập trang thông tin điện tử tổng hợp về quản lý, khai thác hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

7. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

Điều 51. Sở Giao thông vận tải

1. Quản lý hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong phạm vi địa phương.

2. Công bố mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, mạng lưới tuyến xe buýt.

3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt:

a) Quy hoạch chung mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt. Bao gồm cả: tỷ lệ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và kế hoạch thực hiện đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật;

b) Các chính sách ưu đãi của nhà nước áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn;

c) Định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt;

d) Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn căn cứ vào đặc thù, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân đồng thời hạn chế và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.

4. Quyết định mở, ngừng hoạt động đối với các tuyến xe buýt, bổ sung, thay thế xe, điều chỉnh hành trình, khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Quyết định phê duyệt biểu đồ chạy xe buýt.

6. Quyết định giao kế hoạch cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương.

7. Trực tiếp quản lý các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly từ 1000 (một nghìn) ki lô mét trở xuống, các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, các tuyến xe buýt.

8. Khai thác (định kỳ, đột xuất) thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của xe hoặc từ cơ sở dữ liệu tại máy chủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

9. Lập trang thông tin điện tử về quản lý, khai thác hoạt động vận tải bằng xe ô tô của địa phương.

10. Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công ten nơ trên địa bàn.

11. In ấn, cấp phát và quản lý sổ nhật trình chạy xe theo quy định.

12. Quản lý, cấp các loại phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

13. Thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.

 

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH

 

Điều 52. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng quý trước ngày 20 của tháng đầu tiên quý sau, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh về Sở Giao thông vận tải. Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo Phụ lục 16. Mẫu báo cáo kết quả hoạt động vận chuyển hàng hóa theo Phụ lục 17.

2. Định kỳ vào tháng 01 hàng năm, Sở Giao thông vận tải tổng hợp báo cáo hoạt động vận tải của địa phương để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước tháng 02 hàng năm. Mẫu báo cáo tình hình hoạt động vận tải theo Phụ lục 18.

Điều 53. Kiểm tra hoạt động vận tải bằng xe ô tô

Cơ quan chức năng có liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền của mình có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các Quyết định sau:

a) Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 26 tháng 3 năm 2007 ban hành quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô;

b) Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 26 tháng 3 năm 2007 ban hành quy định về vận tải khách bằng taxi;

c) Quyết định số 34/2006/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 16 tháng 10 năm 2006 ban hành quy định về quản lý vận tải khách công cộng bằng xe buýt;

d) Quyết định số 07/2008/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 29 tháng 4 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô” ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 3 năm 2007; “Quy định về vận tải khách bằng taxi” ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 3 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Các loại phù hiệu, sổ nhật trình theo các quyết định hiện hành được sử dụng đến hết thời hạn được ghi nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2010.

3. Các tuyến cố định liên tỉnh có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên đang xuất phát và kết thúc tại các bến xe không phải là bến xe loại IV, III, II và loại I được hoạt động đến hết thời gian cho phép nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm 2010.

Điều 55. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong ngành giao thông vận tải chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi thực hiện các quy định của Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 55;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ; Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, V. Tải (246)

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

PHỤ LỤC 1

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

PHƯƠNG ÁN
KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

I. Tổ chức quản lý hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã:

- Cơ cấu tổ chức: mô hình, chức năng nhiệm vụ các phòng ban.

- Người điều hành hoạt động vận tải: họ tên, trình độ chuyên ngành.

- Phương án tổ chức bộ phận an toàn của đơn vị vận tải (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi).

II. Phương án kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã

1. Phương án kinh doanh vận tải hành khách

a. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt.

- Phương tiện: số lượng chính thức và dự phòng, chất lượng phương tiện, gắn thiết bị giám sát hành trình.

- Tuyến khai thác, số chuyến, giá vé, hình thức triển khai bán vé.

- Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe: danh sách, giấy phép lái xe, tập huấn nghiệp vụ.

- Dịch vụ phục vụ hành khách đi xe.

- Nơi đỗ xe của doanh nghiệp, hợp tác xã: địa điểm, diện tích.

- Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa.

- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.

b. Phương án kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch.

- Phương tiện: số lượng, chất lượng, gắn thiết bị giám sát hành trình.

- Nơi đỗ xe của doanh nghiệp, hợp tác xã: địa điểm, diện tích.

- Các dịch vụ phục vụ hành khách đi xe.

- Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa.

- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.

c. Phương án kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi:

- Màu sơn đăng ký

- Vị trí gắn hộp đèn taxi, nội dung thông tin ghi phía ngoài xe: Số điện thoại, tên doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Hệ thống điều hành: Địa chỉ trung tâm điều hành, số lượng nhân viên điều hành, trang thiết bị liên lạc.

- Lái xe taxi: số lượng lái xe, hạng giấy phép lái xe, trình độ, đồng phục, thực hiện quy định về tập huấn nghiệp vụ.

- Chế độ bảo dưỡng và sửa chữa.

- Giá cước: thực hiện các quy định có liên quan.

2. Phương án kinh doanh vận tải hàng hóa

- Đối với kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ thì nêu rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tổ chức bộ phận theo dõi về an toàn giao thông.

- Lái xe: số lượng lái xe, trình độ, hạng giấy phép lái xe, thâm niên công tác.

 

 

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 2

Tên đơn vị kinh doanh: …….
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

GIẤY ĐỀ NGHỊ CẤP
GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

Kính gửi: Sở GTVT …………………………….

1. Tên đơn vị kinh doanh: ..........................................................................................

2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có): ..............................................................................

3. Địa chỉ trụ sở: .......................................................................................................

4. Số điện thoại (Fax): ...............................................................................................

5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: ...............................................................

do ………………………………….. cấp ngày ……… tháng …….. năm ...........................

6. Họ và tên người đại diện hợp pháp: ......................................................................

7. Xin cấp phép kinh doanh các loại hình vận tải:

- ...............................................................................................................................

- ...............................................................................................................................

Đơn vị kinh doanh vận tải cam kết những nội dung đăng ký đúng với thực tế tại đơn vị kinh doanh.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu

Đại diện đơn vị kinh doanh
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 3

MẪU GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

1. Hình minh họa:

Cơ quan cấp phép (1)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

 

GIẤY PHÉP
KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ

Số: ………… Cấp lần thứ: ………………..

(Cấp lần đầu: Số ……. ngày …… tháng …. năm …… nơi cấp …………………)

 

1. Cấp cho đơn vị:................................................................................................................

2. Địa chỉ:.............................................................................................................................

3. Số điện thoại:....................................................................................................................

4. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số …….. ngày … tháng … năm.................................

cơ quan cấp.........................................................................................................................

5. Họ và tên người đại diện hợp pháp:...................................................................................

6. Được phép kinh doanh các loại hình vận tải bằng xe ô tô:

-...........................................................................................................................................

-...........................................................................................................................................

-...........................................................................................................................................

- ……………………

Giấy phép có giá trị đến ngày ………../………………/……………..

 

Cơ quan cấp phép
(Ký tên, đóng dấu)

 

2. Kích thước, kiểu chữ, cỡ chữ và màu sắc:

- Giấy phép được in trên khổ giấy A4, nền màu hồng có vân hoa.

- Kiểu chữ, cỡ chữ và màu chữ:

+ Dòng “GIẤY PHÉP” và dòng “KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ” in phông chữ Times New Roman, chữ in hoa màu đỏ đậm, cỡ chữ từ 14 – 18

+ Các dòng chữ khác in font Times New Roman cỡ chữ 14 – 16, màu xanh đen

 

PHỤ LỤC 4

Tên đơn vị kinh doanh: …….
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

GIẤY ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN TẢI

Kính gửi: ……….. (cơ quan quản lý tuyến) …………….

1. Tên đơn vị kinh doanh: ..........................................................................................

2. Địa chỉ: .................................................................................................................

3. Số điện thoại (Fax): ...............................................................................................

4. Số Giấy Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô …….. ngày ….. tháng … năm ……….., nơi cấp

5. Nội dung đăng ký

a) Chất lượng phương tiện vận tải:

- Nhãn hiệu xe: ……………, năm sản xuất: ……………….., số ghế: ..............................

- Trang thiết bị phục vụ hành khách trên xe: ................................................................

.................................................................................................................................

b) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lái xe, nhân viên phục vụ:

Số người đã qua lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã về vận tải khách và an toàn giao thông: ………..

c) Phương án tổ chức vận tải: việc chấp hành phương án hoạt động trên tuyến, hành trình chạy xe, công tác bảo đảm an toàn giao thông.

d) Các quyền lợi của hành khách gồm: bảo hiểm, số lượng hành lý mang theo được miễn cước, quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của hành khách và phản ánh của thông tin đại chúng, số điện thoại tiếp nhận thông tin phản ảnh của hành khách.

e) Các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình gồm: nước uống, khăn mặt, dịch vụ y tế và các dịch vụ khi dừng nghỉ.

Đơn vị kinh doanh cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung đã đăng ký.

 

 

Đại diện đơn vị kinh doanh
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 5

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

GIẤY ĐĂNG KÝ ……(1) ……. TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH

Kính gửi: ……….. (cơ quan quản lý tuyến) …………….

1. Tên doanh nghiệp, hợp tác xã:  ..............................................................................

2. Địa chỉ: .................................................................................................................

3. Số điện thoại (Fax): ...............................................................................................

4. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số: ……….. ngày ……./……./.................

cơ quan cấp..............................................................................................................

5. Đăng ký …….. (Mở tuyến/khai thác thử/khai thác/bổ sung xe/ngừng hoạt động của xe) …. tuyến: (1)

Tỉnh đi …………………………………… Tỉnh đến: ……………………………………..

Bến đi: …………………………………... Bến đến: ………………………………………

Cư ly vận chuyển: …………………….. km

Hành trình chạy xe: ……………………………………………………………………….

6. Danh sách xe:

TT

BKS xe

Tên đăng ký sở hữu xe

Loại xe

Số ghế

Năm SX

Tuyến được chấp thuận khai thác (2)

1

 

 

 

 

 

Bến đi: ……...... - Bến đến …….......

2

 

 

 

 

 

Bến đi: ……...... - Bến đến …….......

 

 

 

 

 

Bến đi: ……...... - Bến đến …….......

7. Công văn chấp thuận của cơ quan quản lý tuyến số: …………/……………ngày ……./…../………….. (3)

 

 

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

Hướng dẫn ghi:

(1) Ghi một trong các nội dung đăng ký sau: Mở tuyến/khai thác thử/hoặc bổ sung xe, thay thế xe/ngừng hoạt động của xe.

(2) Ghi tuyến khác mà phương tiện đang tham gia khai thác, gồm các nội dung: Bến đi, bến đến

(3) Đối với hồ sơ bổ sung xe, thay thế xe, ngừng hoạt động của xe ghi số công văn chấp thuận.

 

PHỤ LỤC 6

Tên doanh nghiệp, HTX: …….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

PHƯƠNG ÁN

HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH BẰNG XE Ô TÔ

1. Đặc điểm tuyến:

Tên tuyến: ……………………… đi …………………………………… và ngược lại

Bến đi: ……………………………………..

Bến đến: …………………………………..

Cự ly vận chuyển: ……………………. km

Lộ trình: ....................................................................................................................

2. Biểu đồ chạy xe:

Số chuyến tài (nốt) trong ……… ngày, (hoặc tuần, tháng)

a. Tại bến lượt đi: bến xe: ………………………………

Hàng ngày có ……………. nốt (tài) xuất bến như sau:

+ Tài (nốt) 1 xuất bến lúc …………… giờ

+ Tài (nốt) 2 xuất bến lúc …………… giờ

+ …………….

b. Tại bến lượt về: bến xe ………………………………..

Hàng ngày có ……………. nốt (tài) xuất bến như sau:

+ Tài (nốt) 1 xuất bến lúc …………… giờ

+ Tài (nốt) 2 xuất bến lúc …………… giờ

+ …………….

c. Thời gian thực hiện một hành trình chạy xe ….. giờ.

3. Lái xe, nhân viên phục vụ trên xe

TT

Nốt (Tài)

Số lái xe, nhân viên phục vụ

Thời gian làm việc trên hành trình (Diễn tả thời gian làm việc trong ngày của từng lái xe)

Đồng phục (màu sắc)

Ghi chú

1

……giờ…..

Lái xe 1

Lái xe 2

Lái xe …

 

 

 

Nhân viên phục vụ 1

Nhân viên phục vụ …

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4. Các dịch vụ khác

TT

Nốt (tài)

Số lượng bữa ăn chính

Số lượng bữa ăn phụ

Dịch vụ khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5. Giá vé

a) Giá vé:

- Giá vé suốt tuyến: ……………. đồng/HK

- Giá vé chặng (nếu có): …………………. đồng/HK

Giá vé

đồng/HK

Trong đó:

- Giá vé (*)

 

đồng/HK

- Chi phí các bữa ăn chính

đồng/HK

- Chi phí các bữa ăn phụ

đồng/HK

- Phục vụ khác: khăn, nước ….

đồng/HK

(*) Giá vé đã bao gồm bảo hiểm HK, phí cầu phà và các dịch vụ bến bãi.

b) Hình thức bán vé

- Bán vé tại quầy ở bến xe: ………………….

- Bán vé tại đại lý: …………….. (ghi rõ tên đại lý, địa chỉ, điện thoại)

- Bán vé qua mạng: ………………. (địa chỉ trang web)

 

 

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

Tên doanh nghiệp, HTX: …….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

LỊCH TRÌNH CHẠY XE

(Kèm theo phương án hoạt động vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô)

1. Chiều đi: xuất bến tại: ………..

a) Tài (nốt) 1: Giờ xuất bến: ………………

TT

Tên điểm dừng nghỉ

Họ tên đại diện trạm dừng nghỉ

Điện thoại

Địa chỉ

Thời gian đến

Thời gian dừng (phút)

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

b) Tài (nốt) 2: Giờ xuất bến: ………………

TT lần nghỉ

Tên điểm dừng nghỉ

Họ tên đại diện trạm dừng nghỉ

Điện thoại

Địa chỉ

Thời gian đến

Thời gian dừng (phút)

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

c) Tài (nốt) …….: Giờ xuất bến: ………………

2. Chiều về: xuất bến tại: …………….

a) Tài (nốt) 1: Giờ xuất bến: ………………

TT lần nghỉ

Tên điểm dừng nghỉ

Họ tên đại diện trạm dừng nghỉ

Điện thoại

Địa chỉ

Thời gian đến

Thời gian dừng (phút)

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

b) Tài (nốt) 2: Giờ xuất bến: ………………

TT lần nghỉ

Tên điểm dừng nghỉ

Họ tên đại diện trạm dừng nghỉ

Điện thoại

Địa chỉ

Thời gian đến

Thời gian dừng (phút)

1.

 

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

c) Tài (nốt) …….: Giờ xuất bến: ………………

 

 

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 7

Cơ quan quản lý tuyến
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

CHẤP THUẬN
……..(1)………. TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CỐ ĐỊNH
BẰNG XE Ô TÔ

Kính gửi: ……….. (Tên doanh nghiệp, HTX gửi hồ sơ đăng ký) …………….

Căn cứ các quy định hiện hành về quản lý và khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô:

……………. (cơ quan quản lý tuyến) ……………………. chấp thuận:

Tên doanh nghiệp khai thác tuyến: .............................................................................

Tên tuyến: …….. (tỉnh đi) …….. đi ……. (tỉnh đến) ……….. và ngược lại;

Bến đi: Bến xe ………………… (thuộc tỉnh (TP) ……… (tỉnh đi) ………….)

Bến đến: Bến xe ………………… (thuộc tỉnh (TP) ……… (tỉnh đến) ………….)

Cự ly vận chuyển: ……………………. km

Hành trình chạy xe: ...................................................................................................

Mã số tuyến: .............................................................................................................

Thời hạn khai thác/khai thác thử/ngừng hoạt động của xe trên tuyến của ……………… (tên doanh nghiệp, HTX) …………… là ….. (2) ….. năm/tháng kể từ ngày ký văn bản này.

Danh sách xe tham gia khai thác/ngừng hoạt động: ...................................................

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở GTVT 2 đầu tuyến;
- Bến xe hai đầu tuyến;
- Lưu;

Cơ quan quản lý tuyến
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ghi chú: (1) Ghi một trong các nội dung sau: khai thác thử/khai thác/hoặc bổ sung xe, thay thế xe/ngừng hoạt động của xe.

(2) Nếu là khai thác thử thời hạn là 6 tháng; nếu là chấp thuận thời hạn chấp thuận còn lại của giấy phép kinh doanh vận tải được cấp cho DN, HTX; nếu ngừng hoạt động của xe không ghi.

 

PHỤ LỤC 8

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……../………..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., Ngày … tháng … năm ….

 

GIẤY ĐỀ NGHỊ CÔNG BỐ TUYẾN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH LIÊN TỈNH

(Dùng cho doanh nghiệp, HTX đề nghị công bố các tuyến hết thời gian khai thác thử)

Kính gửi: ……….. (cơ quan quản lý tuyến) …………….

1. Tên doanh nghiệp, hợp tác xã:  ..............................................................................

2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có): ..............................................................................

3. Địa chỉ: .................................................................................................................

4. Số điện thoại (Fax): ...............................................................................................

5. Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số: ……….. ngày ……./……./.................

cơ quan cấp..............................................................................................................

6. Thông tin về tuyến:

Tỉnh đi …………………………………… Tỉnh đến: ……………………………………..

Bến đi: …………………………………... Bến đến: ………………………………………

Cư ly vận chuyển: …………………….. km

Mã số tuyến: ……………………

Hành trình chạy xe: ……………………………………………………………………….

7. Danh sách xe:

TT

Biển số xe

Tên đăng ký sở hữu xe

Số ghế

Năm SX

Tuyến khác mà xe đó được chấp thuận khai thác (2)

1

 

 

 

 

Bến đi: …… - Bến đến ……

2

 

 

 

 

Bến đi: …… - Bến đến ……

 

 

 

 

Bến đi: …… - Bến đến ……

8. Công văn chấp thuận khai thác thử số …………/….. ngày …./…../……………….

Doanh nghiệp/Hợp tác xã đề nghị cơ quan quản lý tuyến công bố tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo quy định.

 

 

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

………, ngày … tháng … năm …
Xác nhận của bến xe nơi đi

……., ngày … tháng … năm ….
Xác nhận của bến xe nơi đến

 

PHỤ LỤC 9

Cơ quan quản lý tuyến: ……
Số:          /           

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

………., ngày … tháng … năm ….

 

CÔNG BỐ TUYẾN VẬN TẢI HÀNH
KHÁCH LIÊN TỈNH CỐ ĐỊNH BẰNG Ô TÔ

Kính gửi: ................................………..…………….(1)

……………. (Cơ quan ra văn bản mở tuyến) ……………………. đã có văn bản số ……../…… ngày …./…./…… mở tuyến vận tải khách liên tỉnh và chấp thuận ……………… (tên doanh nghiệp, HTX) …………. khai thác thử tuyến, nay căn cứ kết quả khai thác thử tại văn bản đề nghị công bố tuyến của ………..(1) ………………….. (cơ quan quản lý tuyến …..) công bố tuyến chính thức tuyến trong danh mục tuyến vận tải khách liên tỉnh như sau:

Mã số tuyến: ……………………..

Tên tuyến …………… đi …………………. và ngược lại.

Bến đi: Bến xe …………………….. (thuộc tỉnh ……………………..);

Bến đến: Bến xe …………………. (thuộc tỉnh ……………………..)

Cự ly vận chuyển: …………km

Hành trình chạy xe: …………………….

Đồng thời chấp thuận ………………. (tên doanh nghiệp, HTX) ………………… chính thức khai thác tuyến nói trên. Thời gian tham gia khai thác ………. năm tính từ ngày ký văn bản này.

Danh sách xe tham gia khai thác tuyến: ...............................................................

(Đối với các tuyến có cự ly từ 1000 km trở xuống, doanh nghiệp, HTX làm thủ tục đăng ký xe với Sở GTVT nơi đi).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bến xe nơi đi;
- Bến xe nơi đến;
- Lưu.

Cơ quan quản lý tuyến
(Ký tên, đóng dấu)

 

(1) Tên DN, HTX đề nghị khai thác thử

Đối với tuyến liên tỉnh: Gửi Sở GTVT hai đầu tuyến;

Đối với tuyến liền kề: Gửi Sở đối lưu và Tổng Cục ĐBVN (để báo cáo);

Đối với tuyến nội tỉnh: Gửi doanh nghiệp/HTX khai thác tuyến

 

PHỤ LỤC 10

PHÙ HIỆU “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”

1. Hình minh họa:

2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:

Nội dung

Kiểu chữ

Chiều cao chữ (chưa có dấu)

Chiều rộng chữ

“Số ………./………”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

“XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”

Times New Roman (in hoa)

20mm ± 3mm

15mm ± 3mm

“Cấp cho:”

“Biển số xe:”

“Phạm vi hoạt động”

“Có giá trị đến”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

3. Kích thước phù hiệu:

Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm

Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15 mm

4. Màu sắc của các loại phù hiệu:

a. Viền màu đỏ nhạt, chữ màu đỏ đậm, nền màu xanh nhạt có in chìm hình chiếc xe ô tô khách sử dụng cho xe khách tuyến cố định hoạt động ở cự ly lớn hơn 300km.

b. Viền màu xanh nhạt chữ màu xanh đậm nền màu hồng nhạt có in chìm hình chiếc xe ô tô khách tuyến cố định hoạt động ở cự ly từ 300 km trở xuống.

 

PHỤ LỤC 11

SỔ NHẬT TRÌNH CHẠY XE

1. Trang bìa trước

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

Số: ……..

 

SỔ NHẬT TRÌNH CHẠY XE

(Dùng cho xe ô tô vận chuyển khách tuyến cố định)

 

Biển số đăng ký xe:.............................................................................

Loại xe:............................................................................

Số ghế: ...........................................................................

 

 

Tên doanh nghiệp, hợp tác xã:.............................................................

Địa chỉ:................................................................................................

Điện thoại:...........................................................................................

 

2. Trang bìa sau

HƯỚNG DẪN CÁCH GHI SỔ

1. Sổ nhật trình chạy xe có kích thước 130mm x 190 mm, gồm 100 trang.

2. Thời hạn sử dụng theo quy định của doanh nghiệp, hợp tác xã.

3. Nội dung do cơ quan cấp sổ ghi:

□ Tuyến vận chuyển: Ghi đúng tên tuyến tại văn bản chấp thuận.

□ Mã số tuyến: Ghi đúng mã số tuyến được công bố tại danh mục tuyến quốc gia.

□ Bến đi, Bến đến: Ghi đúng tên bến đi, bến đến tại văn bản chấp thuận.

□ Biển số đăng ký xe ô tô, loại xe: Ghi đúng số xe tại văn bản chấp thuận.

□ Tên doanh nghiệp, HTX: Ghi theo đăng ký kinh doanh

□ Địa chỉ: Ghi địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp, HTX hoặc chi nhánh.

□ Số điện thoại: Ghi số điện thoại trụ sở của doanh nghiệp, HTX.

4. Nội dung do bến xe ghi:

□ Số khách đi xe tại bến: Ghi đúng số lượng khách lên xe tại bến.

□ Giờ xuất bến: Ghi đúng giờ xe xuất bến

□ Giờ đến bến: Ghi đúng giờ đến bến của xe

□ Bến xe xác nhận và đóng dấu

NỘI DUNG CÁC TRANG

Ngày ….. tháng …. năm …….., điều động:

1. Tuyến: …………………………………… Mã số: ....................................................................

2. Bến đi: …………………………….., bến đến: …………………….

3. Họ và tên lái xe: ……………………. GPLX hạng: …………… Có giá trị đến: ..........................

…………………………………………… GPLX hạng: …………… Có giá trị đến: ..........................

…………………………………………… GPLX hạng: …………… Có giá trị đến: ..........................

4. Họ và tên nhân viên phục vụ trên xe: ..................................................................................

5. Giờ xuất bến: ....................................................................................................................

6. Số Giấy chứng nhận kiểm định ATKT & BVMT ………….., thời hạn còn hiệu lực:...................

 

 

Ngày … tháng … năm …….
Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

Ngày … tháng … năm …….

1. Giờ xuất bến thực tế ………….

2. Số khách đi xe tại bến ……….. người

Bến xe nơi đi
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ngày … tháng … năm …….

Giờ đến bến thực tế .................

Bến xe nơi đến
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 12

PHÙ HIỆU “XE HỢP ĐỒNG”

1. Hình minh họa:

2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:

Nội dung

Kiểu chữ

Chiều cao chữ (chưa có dấu)

Chiều rộng chữ

“Số ………./………”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

“XE HỢP ĐỒNG”

Times New Roman (in hoa)

20mm ± 3mm

15mm ± 3mm

“Đơn vị:”

“Biển đăng ký:”

“Có giá trị đến:”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

3. Kích thước phù hiệu:

Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm

Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm

4. Màu sắc của phù hiệu: Viền màu đỏ nhạt, nền màu xanh nhạt có in hình chiếc xe ô tô khách. Đối với phù hiệu cấp cho xe chạy trên 300km chữ màu đỏ đậm; cấp cho xe chạy từ 300km trở xuống chữ màu xanh đậm.

 

PHỤ LỤC 13

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……./………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

……………., Ngày … tháng … năm …….

 

DANH SÁCH HÀNH KHÁCH

(Kèm theo hợp đồng kinh tế số ……../………… ngày … tháng … năm ……)

STT

Họ tên hành khách

Năm sinh

Ghi chú

1.

 

 

 

2.

 

 

 

3.

 

 

 

….

 

 

 

 

Tổng số: ………người

 

 

 

Doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

Đại diện tổ chức, cá nhân
bên thuê vận tải
(Ký tên, đóng dấu (nếu có))

 

Ghi chú: Doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ký tên, đóng dấu treo vào tất cả các trang của danh sách.

 

PHỤ LỤC 14

PHÙ HIỆU “XE TAXI”

1. Hình minh họa:

2. Kiểu (phông) chữ và cỡ chữ:

Nội dung

Kiểu chữ

Chiều cao chữ (chưa có dấu)

Chiều rộng chữ

“Số ………./………”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

“XE TAXI”

Times New Roman (in hoa) kéo dãn

20mm ± 3mm

15mm ± 3mm

“Đơn vị:”

“Biển đăng ký:”

“Có giá trị đến”

Times New Roman

Cỡ chữ 16 ± 18

3. Kích thước phù hiệu:

Chiều dài: Ddài = 200mm ± 20mm

Chiều cao: Ccao = 100mm ± 15mm

4. Màu sắc của phù hiệu: chữ bên trong màu xanh đậm, khung viền cùng màu chữ, nền hoa văn của biển hiệu màu hồng nhạt in chìm hình 1 chiếc ô tô 5 chỗ ở chính giữa phù hiệu.

 

PHỤ LỤC 15

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……./………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

……………., Ngày … tháng … năm …….

 

ĐĂNG KÝ MÀU SƠN, BIỂU TRƯNG (LOGO)
CỦA XE TAXI, MÀU SƠN CỦA XE BUÝT

Kính gửi: Sở GTVT ……………………….....................................

1. Tên doanh nghiệp/hợp tác xã: ...........................................................................................

2. Tên giao dịch quốc tế (nếu có) ...........................................................................................

3. Trụ sở: .............................................................................................................................

4. Số điện thoại (Fax): ...........................................................................................................

5. Giấy phép kinh doanh vận tải số: …………. do ................................................................ …

cấp ngày ……… tháng …….. năm ................

6. Số xe đăng ký: ………………….. xe (danh sách xe kèm theo)

TT

Biển số xe

Tên đăng ký sở hữu phương tiện

Loại xe

Số ghế

Năm SX

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số: ……………….. (xe)

7. Màu sơn: …………………………….

8. Biểu trưng (logo) (chỉ áp dụng với xe taxi): .........................................................................

(Tên doanh nghiệp/HTX) đăng ký màu sơn xe … (buýt/taxi) … và cam kết thực hiện theo quy định.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu

Đại diện doanh nghiệp, HTX
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 16

Tên doanh nghiệp, HTX: …….
Số: ……./………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

……………., Ngày … tháng … năm …….

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

Kính gửi: Sở Giao thông vận tải …………….

1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định:

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Số tuyến tham gia khai thác

Tuyến

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

2

Phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

3

Lượt xe thực hiện

Lượt xe

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch

%

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

Lượt xe

 

 

 

 

 

Tỷ lệ thực hiện/kế hoạch

%

 

 

 

 

4

Sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

2. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe buýt:

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Số tuyến tham gia khai thác

Tuyến

 

 

 

 

 

- Số tuyến có trợ giá

-nt-

 

 

 

 

2

Phương tiện

xe

 

 

 

 

3

Lượt xe thực hiện

Lượt xe

 

 

 

 

4

Sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

 

- Sản lượng khách vé lượt

HK

 

 

 

 

 

- Sản lượng khách vé tháng

HK

 

 

 

 

5

Trợ giá

1000đ

 

 

 

 

3. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe taxi:

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Phương tiện

xe

 

 

 

 

2

Lượt xe thực hiện

lượt

 

 

 

 

3

Sản lượng khách vận chuyển

khách

 

 

 

 

4. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng:

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Sức chứa dưới 25 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ 25 – 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ trên 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

2

Lượt xe thực hiện

Lượt

 

 

 

 

3

Sản lượng khách vận chuyển

khách

 

 

 

 

5. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe du lịch

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Phương tiện

xe

 

 

 

 

2

Lượt xe thực hiện

Lượt

 

 

 

 

3

Sản lượng khách vận chuyển

khách

 

 

 

 

6. Thuận lợi, khó khăn

7. Đề xuất, kiến nghị.

 

 

Đại diện doanh nghiệp/Hợp tác xã
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 17

Tên Đơn vị kinh doanh
Số: ……./………

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

 

……………., Ngày … tháng … năm …….

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA

Kính gửi: Sở Giao thông vận tải …………….

1. Kết quả hoạt động vận chuyển hàng hóa

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Xe công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

2

Sản lượng hàng hóa vận chuyển

Tấn

 

 

 

 

 

- Xe công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

4

Sản lượng hàng hóa luân chuyển

T.km

 

 

 

 

 

- Xe công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

2. Thuận lợi, khó khăn

3. Đề xuất, kiến nghị.

 

 

Đại diện đơn vị kinh doanh
(Ký tên, đóng dấu(nếu có))

 

PHỤ LỤC 18

ĐƠN VỊ BÁO CÁO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------

Số: ……./………

……………., Ngày … tháng … năm …….

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI

Kính gửi: …………..…………….

1. Kết quả hoạt động vận chuyển hành khách

a) Vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Tổng số đơn vị tham gia

Đơn vị

 

 

 

 

 

- Doanh nghiệp

-nt-

 

 

 

 

 

- Hợp tác xã

-nt-

 

 

 

 

2

Tổng số tuyến

Tuyến

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

3

Tổng số phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

4

Tổng lượt xe thực hiện

Lượt xe

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

Lượt xe

 

 

 

 

5

Tổng sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

 

- Tuyến nội tỉnh

-nt-

 

 

 

 

 

- Tuyến liên tỉnh

-nt-

 

 

 

 

* Ghi chú: Chỉ tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, HTX có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh tại địa phương.

b) Vận chuyển hành khách theo hợp đồng

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Tổng số đơn vị tham gia

Đơn vị

 

 

 

 

 

- Doanh nghiệp

-nt-

 

 

 

 

 

- Hợp tác xã

-nt-

 

 

 

 

 

- Cá nhân

-nt-

 

 

 

 

2

Tổng số phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Sức chứa dưới 25 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ 25 – 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ trên 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

3

Tổng lượt xe thực hiện

Lượt

 

 

 

 

4

Tổng sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

c) Vận chuyển hành khách bằng xe du lịch

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Tổng số đơn vị tham gia

Đơn vị

 

 

 

 

 

- Doanh nghiệp

-nt-

 

 

 

 

 

- Hợp tác xã

-nt-

 

 

 

 

 

- Cá nhân

-nt-

 

 

 

 

2

Tổng số phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Sức chứa dưới 25 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ 25 – 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

 

- Sức chứa từ trên 38 chỗ

-nt-

 

 

 

 

3

Tổng lượt xe thực hiện

Lượt

 

 

 

 

4

Tổng sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

c) Vận chuyển hành khách bằng xe buýt

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Tổng số tuyến

Tuyến

 

 

 

 

 

- Số tuyến có trợ giá

-nt-

 

 

 

 

2

Tổng phương tiện

xe

 

 

 

 

3

Tổng lượt xe thực hiện

Lượt xe

 

 

 

 

4

Tổng sản lượng khách vận chuyển

HK

 

 

 

 

 

- Sản lượng khách vé lượt

HK

 

 

 

 

 

- Sản lượng khách vé tháng

HK

 

 

 

 

5

Tổng trợ giá (nếu có)

Tr.đ

 

 

 

 

2. Kết quả hoạt động vận tải hàng hóa

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Tháng …

Tháng …

Tháng …

Tổng quý …

1

Tổng phương tiện

xe

 

 

 

 

 

- Xe Công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

2

Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển

Tấn

 

 

 

 

 

- Xe Công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

4

Tổng sản lượng hàng hóa luân chuyển

T.km

 

 

 

 

 

- Xe Công ten nơ

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe taxi tải

-nt-

 

 

 

 

 

- Xe tải khác

-nt-

 

 

 

 

3. Thuận lợi, khó khăn

4. Đề xuất, kiến nghị.

 

 

ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ BÁO CÁO
(Ký tên, đóng dấu)

 

 

 

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE MINISTRY OF TRANSPORT

-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness

---------

No. 14/2010/TT-BGTVT

Hanoi, June 24, 2010

 

 

CIRCULAR

PROVIDING FOR ORGANIZATION AND MANAGEMENT OF TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE

 

THE MINISTRY OF TRANSPORT

 

Pursuant to the November 13, 2008 Law on Road Traffic;

Pursuant to the Government's Decree No. 91/ 2009/ND-CP of October 21, 2009, on road transport business and business conditions;

Pursuant to the Government's Decree No. 51/ 2008/ND-CP of April 28, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Transport;

The Ministry of Transport provides for organization and management of transportation by automobile as follows:

 

Chapter I GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Circular guides provisions on organization and management of passenger and cargo transportation by automobile.

Article 2. Subjects of application

This Circular applies to agencies, organizations and individuals that conduct or are involved in the commercial transportation by automobile.

Article 3. Interpretation of terms

In this Circular, the terms below are construed as follows:

1. Transportation itinerary means a given route which specifically indicates the place of departure, the place of arrival, stops and stopovers.

2. Transportation schedule means a period of time fixed for an itinerary from the time of departure to the time of arrival.

3. Transportation chart means a plan showing transportation itineraries and schedules of different trips within a certain time cycle.

4. Transportation timetable means a table showing times of departure from a terminal of different trips during a given period of time drawn up by a route management agency for a certain time cycle and notified to enterprises and cooperatives for participation registration.

5. Bus stop means a place at which buses must stop to discharge and take on passengers as designated by a competent agency.

Article 4. General requirements

1. For transportation business units:

a/ Ensuring that the number of days on which good vehicles are available is always equal to at least 110% of the number of days when vehicles are used for transportation business under their business plans (applicable only to passenger transportation on fixed routes);

b/ Having business plans on transportation by automobile which have at least the contents specified in Appendix 1 to this Circular (not printed herein);

c/ Having business licenses for transportation by automobile for types of transportation subject to licensing. Applications for these licenses shall be made and these licenses shall be issued according to forms provided in Appendices 2 and 3 to this Circular (not printed herein).

2. Enterprises and cooperatives conducting transportation by automobile on fixed routes or bus or container cargo transportation must have sections to manage and monitor the traffic safety conditions which have the following tasks:

a/ Supervising, summarizing and analyzing the observance of regulations on traffic order and safety;

b/ Inspecting vehicles' conditions on technical safety and environmental protection before they are operated;

c/ Managing information on itineraries, operation speeds, number and time of stops, number of times of opening or closing doors (except container trucks), daily driving time of each driver counted by the vehicle tracking device (below referred to as compulsory information).

Article 5. Installation and management of, and reference to information from, vehicle tracking devices

1. Requirements on vehicle tracking devices:

a/ Having been inspected by the register office under regulations;

b/ Being constantly updated and capable of storing all compulsory information.

2. Business units shall:

a/ Install, exploit and manage information on vehicle tracking devices installed on their vehicles under regulations;

b/ Maintain good technical conditions throughout the course of transportation business;

c/ Update compulsory information and store it in a systematic manner for at least 1 (one) year;

d/ Provide compulsory information in a timely and adequate manner to competent state management agencies upon request.

Article 6. Registration and public notification of service quality by enterprises or cooperatives conducting passenger transportation on fixed routes, by bus or taxi

1. Contents of transportation service quality registration:

a/ For vehicles: vehicle brand (model), number of seats, year of manufacture, equipment and devices for passenger attendance;

b/ For drivers and conductors: completion of training courses on passenger transportation and traffic safety, communication and passenger attendance skills held by enterprises or cooperatives;

c/ Transportation organization plan: implementation of the operation plan on the transportation route or itinerary, and assurance of traffic safety;

d/Benefits of passengers, including insurance and quantity of luggage carried along free of freight;

e/ Process of receiving and processing of feedbacks of passengers and reports of the mass media, and receipt of such feedbacks:

f/ Passenger services provided en route.

2. Registration dossier:

a/ A written registration of transportation service quality, made according to a form provided in Appendix 4 to this Circular (not printed herein);

b/ A copy of a certificate of service quality management under the ISO system, for enterprises or cooperatives possessing such certificate.

3. Process of receiving dossier, the route management agency shall:

a/ Receive 1 (one) dossier set registered by an enterprise or a cooperative, and give certification thereon;

b/ Monitor and inspect the posting by enterprises or cooperatives and fulfillment of their commitments.


4. Posting:

a/ Posting on vehicles: fare rate, available services specified at Point g. Clause 1 of this Article, hotline number of the enterprise or cooperative;

b/ Posting at terminals or ticket offices (applicable only to enterprises or cooperatives conducting passenger transportation on fixed routes): time of departure from the terminal, number of trips, type of vehicles, fare rate, transportation itinerary (including stops and stopovers and stoppage duration), passenger services provided en route, passenger insurance, freight-free luggage, and telephone number for receiving passenger feedbacks.

 

Chapter II

PASSENGER TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE

 

Section I. PASSENGER TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE ON FIXED ROUTES

Article 7. Conditions for establishing a route

1. There is a system of roads which are safe and open for operating passenger vehicles according to a transportation itinerary and schedule.

2. There are terminals of departure and arrival already inspected by competent agencies for operation.

3. There are enterprises or cooperatives registering to conduct passenger transportation by automobile on a fixed route.

Article 8. Requirements on vehicles used for transportation

1. Displaying the name and telephone numbers of the enterprise or cooperative on the front parts of both outer sides of their bodies or doors.

2. Having numbered seats.

3. At a time, each vehicle may be registered for use on no more than 2 (two) fixed routes of passenger transportation.

Article 9. Opening of routes

1. Enterprises or cooperatives already licensed to conduct transportation by automobile may register for opening new routes.

2. A new route is the one that has any of the following elements not the same with that of a notified route: terminal of departure, terminal of arrival or itinerary.

3. For a new route with less than 70% of its itinerary identical to that of a publicly notified route, procedures for trial operation shall be carried out under Clauses 5 thru 9 of this Article.

4. For a new route with 70% or more of its itinerary identical to that of a publicly notified route, the route-opening enterprise or cooperative shall make a written request for public notification of the route according to Appendix 8 (not printed herein) and a dossier for registration of route operation under Article 5 of this Article and send them to the route management agency.

5. A dossier for registration of route opening comprises:

a/ A written registration, made according to a form provided in Appendix 5 (not printed herein);

b/ A plan on passenger transportation by automobile on a fixed route, made according to a form provided in Appendix 6 (not printed herein);

c/ Copies of written registrations of vehicles to be used for transportation on the route (except vehicles already listed upon registration by the enterprise or cooperative for a license), enclosed with their originals for comparison;

d/ Copies of the contract and the written record of takeover test of vehicle tracking devices installed on vehicles (except vehicles already listed upon license registration by the enterprise or cooperative), enclosed with their originals for comparison.

6. Processing of dossiers:

a/ Dossiers for registration of opening of new routes shall be sent to the route management agency decentralized to manage registrants. For an invalid-dossier, the route management agency shall, within 5 (five) days after receiving the dossier, notify in writing the enterprise or cooperative of contents which need to be modified^ supplemented;

b/ For inter-provincial passenger transportation routes covering a distance of over 1,000 (one-thousand) km:

Within 05 (five) working days after receiving a complete and valid dossier, the Directorate for Roads of Vietnam shall send a written request to the provincial-level Transport Departments of the localities with the starting and ending points of the route & their comments;

Within 10 (ten) working days after receiving the written request, these provincial-level Transport Departments shall give their written comments. Past that time limit, if no written comments are given, these provincial-level Transport Departments will be regarded as having agreed;

Within 20 (twenty) working days after receiving complete and valid dossier, the Directorate for Roads of Vietnam shall approve the trial operation and make public notification of the inter-provincial passenger transportation route according to a form provided in Appendix 9 (not printed herein). In case of disapproval, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

c/ For provincial fixed routes or fixed passenger transportation routes covering a distance of up to 1,000 km: The enterprise or cooperative shall submit a dossier to the provincial-level Transport Department of the locality in which it is headquartered or its branch is based. Within 5 (five) working days after receiving a complete and valid dossier, the provincial-level Transport Department shall consider and give written approval after consulting the provincial-level Transport Department in the locality of the other end of the route. In case of disapproval, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

7. The route management agency shall publicly notify the written approval of trial operation of a route to other passenger transportation enterprises or cooperatives.

8. Competence to approve trial operation:

a/ The Directorate for Roads of Vietnam shall carry out procedures for approving trial operation of inter-provincial passenger transportation fixed routes covering a distance of over 1,000 (one thousand) km;

b/ Provincial-level Transport Departments shall carry out procedures for approving trial operation of provincial passenger transportation fixed routes or inter-provincial fixed routes covering a distance of up to 1.000 (one thousand) km. After giving approval, they shall notify in writing the Directorate for Roads of Vietnam of inter-provincial passenger transportation fixed routes covering a distance of up to 1,000 (one thousand) km;

9. If enterprises or cooperatives fail to organize the trial operation 60 (sixty) days after obtaining written approvals of trial operation, these written approvals will no longer be valid.

Article 10. Public notification of routes

1. For a new route with less than 70% of its itinerary identical to that of a publicly notified route, at the end of the trial operation duration, the route management agency shall, pursuant to the criteria for establishing routes, publicly notify the new route according to a form provided in Appendix 9 (not printed herein). Only enterprises or cooperatives that have joined in the trial operation of a route for at least 4 (four) consecutive months may continue operating the route for 12 (twelve) months following the public notification of the route. Other enterprises or cooperatives may only register for operation of the route 12 (twelve) months after the public notification of the route.

2. For a new route with 70% or more of its itinerary identical to that of a publicly notified route, upon registration for opening of a new route by an enterprise or a cooperative, the route management agency shall publicly notify the route for operation under regulations but will not require trial operation of the route.

3. A public notification of a fixed route of passenger transportation contains the following details:

a/ Terminal of departure and terminal of arrival;

b/ Transportation itinerary;

c/ Distance of transportation;

d/ Route code.

4. Management of route codes: Route code means a sequence of numerals arranged in the following order: code of the locality of departure, code of the locality of arrival, code of the terminal of departure and code of the terminal of arrival. For routes with the same place of departure or arrival but with different itineraries, an ordinal number shall be added at the end of the sequence.

5. Competence to publicly notify routes:

a/ The Directorate for Roads of Vietnam shall publicly notify inter-provincial passenger transportation fixed routes covering a distance of over 1,000 (one thousand) km;

b/ Provincial-level Transport Departments shall publicly notify inter-provincial passenger transportation fixed routes covering a distance of up to 1,000 (one thousand) km and provincial passenger transportation fixed routes.

Article 11. Registration of route operation

1. Enterprises or cooperatives may register for joining in the operation of a fixed route of passenger transportation only when they achieve an average passenger seat occupancy rate of over 50% on the route.

2. The passenger seat occupancy rate of an enterprise or a cooperative is determined by dividing the total number of passenger departing from both terminals of departure and arrival in all trips in the last 6 (six) consecutive Months by the date of registration for route operation by the total number of passenger seats of vehicle trips during this period.       

3. Dossiers of operation registration shall be made according to Clause 5. Article 9 of this Circular.

4. Dossiers of operation registration shall be addressed to:

a/ The Directorate for Roads of Vietnam, for routes covering a distance of over 1.000 (one
thousand) km;  

b/ Provincial-level Transport Departments in localities in which enterprises or cooperatives are headquartered or base their branches.*for routes covering a distance of up to 1,000 (one thousand)

5. Processing of dossiers:

a/ For an incomplete or invalid dossier, the route management agency shall, within 5 (five) working days after receiving the dossier, notify the concerned enterprise or cooperative of contents which need to be supplemented or modified;

b/ Within 5 (five) working days after receiving a complete and valid dossier: For routes covering a distance of over 1,000 (one thousand) km, the Directorate for Roads of Vietnam shall send a written request to the provincial-level Transport Departments in the localities of the starting and ending points of the routes for their comments. For a route jointly managed by provincial-level Transport Departments in the localities of the starting and ending points, the provincial-level Transport Department in the locality in which the enterprise or cooperative which registers for route operation is headquartered or bases its branch shall send a written request to the other provincial-level Transport Department for comment as requested by the enterprise or cooperative;

c/ Within 10 (ten) working days after receiving a written request, the provincial-level Transport Department shall give its comments. Past that time limit, the provincial-level Transport Department is regarded as having agreed with the operation registration;

d/ Within 20 (twenty) working days after receiving a complete and valid dossier, the route management agency with which the enterprise or cooperative has registered shall give written approval of operation of the inter-provincial fixed route of passenger transportation by automobile. In case of disapproval, it shall reply in writing, clearly stating the reason.

6. If enterprise or cooperative fails to organize the route operation 30 (thirty) days after obtaining-ite approval of route operation, such approval will no longer be valid.

7. A written approval is valid for an indefinite time and only when the relevant license for transportation by automobile remains valid.

Article 12. Addition of vehicles for use in route operation

1. An enterprise or cooperative currently operating a route may add vehicles for operation on the route. The addition of vehicles which will result in an increase in the number of trips on a route currently operated by an enterprise or cooperative may be made only when its average passenger seat occupancy rate on the route surpasses 50%.

2. An average passenger seat occupancy rate of an enterprise or a cooperative is determined by dividing to the total number of passengers departing from both terminals of departure and arrival in all trips in the last 6 (six) consecutive months by the date of registration by the total number of passenger seats of vehicle trips during this period.

3. Dossiers for registration of vehicle addition shall be made under Points b, c and d, Clause 5. Article 9 of this Circular. For an incomplete or invalid dossier, the route management agency shall notify such in writing to the registering enterprise or cooperative within 2 (two) days after receiving the dossier.

4. The order and procedures for approving vehicle addition resulting in an increase of trips on a route comply with Article 11 of this Circular.

Article 13. Replacement of vehicles operating on passenger transportation fixed routes

Enterprises or cooperatives currently operating passenger transportation fixed routes may replace vehicles on their lists of vehicles already registered with the route management agency. In case replacing vehicles have no badges for running on the route, they shall carry out procedures to apply for badges, made according to a form provided in Appendix 10 (not printed herein), under Articles 41 and 42 of this Circular.

Article 14. Termination of operation of routes or vehicles

1. The agency that has publicly notified a route shall make publicly notify the termination of operation of that route according to a form provided in Appendix 7 (not printed herein) when any of the criteria for establishing a route specified in Article 7 of this Circular is no longer satisfied.

2. When enterprises or cooperatives currently operating a passenger transportation fixed route no longer need to operate the route or reduce the number of trips currently operated on the route, they shall notify such to the route management agency 10 (ten) days in advance.

3. Within 2 (two) working days after receiving a written request for route operation termination, the route management agency shall publicly notify such to other enterprises or cooperatives for operation registration.

Article 15. Daily log books

1. A daily log book contains the following details: terminal of departure, terminal of arrival, trip itinerary, date and time of departure from the terminal, number of passengers, vehicle plate number, serial number of the certificate of technical safety and environment protection inspection, inspection duration, full name of the driver, number of the driver license, full names of attendants on the vehicle.

2. Daily log books shall be made according to a form provided in Appendix 11 (not printed herein) and issued by provincial-level Transport Departments for vehicles approved for use for operation.

3. The following entities shall take responsibility for information in a log book:

a/ Terminal management: for terminal of departure, terminal of arrival, actual time of departure from the terminal and number of passengers;

b/ Transportation enterprise or cooperative: for other information details.

Article 16. Elaboration, adjustment and implementation of transportation timetables

1. The route management agency shall elaborate, implement, revise or publicly notify timetable of transportation on routes to meet management requirements and travel needs of passengers.

2. Enterprises or cooperatives shall conduct transportation business on the basis of transportation timetables issued by the route management agency on the following principles:

a/ Enterprises or cooperatives registering earlier will be selected for registration of operation in the remaining unregistered time in the transportation chart;

b/ In case travel needs of passengers on the route are sufficient for addition of vehicles under Clauses 1 and 2, Article 12 of this Circular, depending on the actual passenger flow, the route management agency may adjust the chart by adding trips either in between current trips with large numbers of passengers or at extra time in the current chart.

Article 17. Withdrawal of approvals of route operation

1. The route management agency that has issued a written approval of route operation shall withdraw such approval when the enterprise or cooperative operating the route commits a breach specified in Clause 2 of this Article.

2. An enterprise or a cooperative will have written approval of trial operation or route operation withdrawn when any of the following breaches occurs:

a/ Vehicles operating on the route whose badges are withdrawn account for 30% or more of the total number of vehicles;

b/ Only under 70% of trips indicated in the approved transportation chart for a month are performed.

Article 18. Rights and responsibilities of enterprises or cooperatives


1. To refund at least 70% of fare amounts to passengers who have purchased fares but refuse to take the trip at least 30 minutes before the vehicle departs from the terminal.

2. To ensure that their vehicles operating on routes covering a distance of over 300 km stop at stopovers en route and their drivers' driving time comply with regulations.

3. To apply measures to inspect and supervise their vehicles en route in observing regulations on discharging and taking on passengers at terminals, and prevent these vehicles from picking up or discharging passengers not at terminals.

Article 19. Rights and responsibilities of drivers and conductors

1. Drivers shall strictly observe operation charts already approved by the route management agency and realize set itineraries and schedules, take on passengers at terminals of departure and discharge passengers at terminals of arrival and refrain from picking up and discharging passengers not at terminals or stops en route.

2. Conductors shall guide trip rules to passengers and help passengers who are disabled, the elderly, pregnant women or women with small children.

Article 20. Rights and responsibilities of passengers on vehicles

1. To request enterprises or cooperatives to provide services according to their publicly notified service quality commitments.

2. To be refunded fare amounts under Clause 1, Article 18 of this Circular.

3. To start their trips at terminals of departure and end their trips at terminals of arrival.

 

Section II. PASSENGER TRANSPORTATION BY BUS

Article 21. Posting up of information on buses

1. The following information must be posted up on the outer sides of a bus:

a/ Identification number, starting and ending points of the route, on the upper part of the windshield;

b/ Fare rate and telephone number of the enterprise or cooperative, on both sides of the bus body.

2. The following information must be posted up on the inner sides of a bus:

a/ Itinerary of the bus route;

b/ Responsibilities of bus passengers;

c/ Some principal contents of the service quality commitment of the enterprise or cooperative.

Article 22. Registration of typical paint colors

1. Before putting its buses into operation, an enterprise or a cooperative shall register a typical paint color according to a form provided in Appendix 15 (not printed herein).

2. Registration of a typical paint color shall be sent to the provincial-level Transport Department of the locality in which the enterprise or cooperative is headquartered or bases its branch. The provincial-level Transport Department shall only receive and certify these registrations of enterprises or cooperatives and publicly notify them.

Article 23. Starting and ending points of bus routes, stops and bus shelters

1. Starting and ending points of a bus route:

a/ Starting and ending points of a bus route must ensure an enough space for buses to make a U-turn or park and conditions for traffic order and safety;

b/At starting and ending points of a bus route there must be an information board showing the following details of the route: the name, identification number, itinerary and daily operation time of the route; trip frequency; telephone numbers of the managing agency and the enterprise or cooperative;

c/ There must be bus shelters and other auxiliary works.

2. Bus stops:

a/ The area of a bus stop for passengers to board or leave must be marked with painted lines;

b/ At each bus stop there must be a signboard put up under regulations. A bus stop signboard must show identification numbers, names (starting and ending points) and itineraries of bus routes running through such stop;

c/ At a bus stop with a pavement width of 4 m or more in urban centers or a roadside of 1.5 m or more in suburban areas there must be a shelter;

d/At bus stops with an access for the disabled there must be a ramp and auxiliary work items convenient for the disabled.

3. Bus shelters:

a/ Model bus shelters shall be uniformly provided by provincial-level Transport Departments;

b/ The following minimum information must be posted up in bus shelters: identification number, itinerary and daily operation duration of the route, trip frequency, telephone number of the agency or unit directly managing the route, map or plan of the route network;

c/ For bus shelters accessible to the disabled, there must be ramps and auxiliary work items convenient for the disabled.

Article 24. Management of investment in building of infrastructure facilities for passenger transportation by bus

1. The system of starting points, ending points, stops, signboards, bus shelters, interchanges and lanes exclusively for buses shall be built according to current standards and regulations.

2. Funds for building and maintenance of infrastructure facilities for passenger transportation by bus come from the state budget or socialized sources.

3. Provincial-level Transport Departments shall organize the management and maintenance of the infrastructure system for operation of buses, including starting points, ending points, stops, signboards, shelters, interchanges and auxiliary work items for passenger transportation by bus.

Article 25. Public notification of opening of routes

1. Provincial-level Transport Departments shall publicly notify the opening of routes of passenger transportation by bus in their localities according to route network master plans approved by provincial-level People's
Committees.

The opening of a bus route linking two adjacent provinces shall be publicly notified by the Transport Departments of these provinces after obtaining written approvals of People's Committees of these provinces or their authorized agencies.

2. Contents of public notification of opening of a route:

a/ Identification number, starting point and ending point;

b/ Route itinerary;

c/ Trip frequency and daily operation time of the route;

d/ Total number of trips per day;

e/ Fare rate.

3. The route management agency shall publicly notify a new bus route in the mass media at least 30 (thirty) days before opening it.


Article 26. Contents of management and operation of passenger transportation by bus

1. Bidding for operation of a route of passenger transportation by bus:

a/ Provincial-level Transport Departments shall decide on operation of routes of passenger transportation by bus by enterprises or cooperatives under law;

b/ Enterprises or cooperatives with licenses for passenger transportation by automobile may register for bidding participation or be appointed as contractors for operation of routes of passenger transportation by bus.

2. Management and administration of passenger transportation by bus:

a/ Provincial-level Transport Departments shall approve and publicly notify transportation charts, covering the following principal contents: the unit(s) operating the bus route, trip frequency, bus route itinerary, number of stops for passengers to board and leave, duration of a trip and daily route operation time. The daily route operation time shall be determined on the basis of travel needs of inhabitants in localities though which the bus route runs but must be at least 12 (twelve) hours per day;

b/ Enterprises or cooperatives shall provide and manage transportation orders while their buses are operating. A transportation order contains the following principal details: date and time of bus operation according to a chart, number of fares sold, identification number of the route, plate number of the bus, full names of the bus driver(s) and conductors.

Article 27. Adjustment of route itineraries and trip frequencies

1. Provincial-level Transport Departments shall adjust bus route itineraries and trip frequencies, ensuring the achievement of political, social and economic benefits and concurrently guaranteeing the lawful rights and interests of enterprises or cooperatives currently operating the routes and publicly notify adjustments in the mass media at least 10 (ten) days before effecting them.

2. For a bus route linking two adjacent provinces, the adjustment of the route and trip frequency shall be made by the Transport Departments of these provinces after obtaining written approvals of the People’s Committees of these provinces.

Article 28. Termination of operation of routes

1. Before terminating the operation of a route, an enterprise or a cooperative shall send a written request to the provincial-level Transport Department and may terminate the route operation only after obtaining a written approval of the provincial-level Transport Department based on the agreement of the provincial-level People's Committee.

2. The provincial-level Transport Department shall publicly notify the termination of operation of a bus route in the mass media at least 15 (fifteen) days before it is effected.

3. An enterprise or a cooperative that terminates the operation of a bus route without approval shall be deprived of the right to operate other bus routes in the locality and handled under current regulations on handling of administrative violations in road traffic and relevant laws.

Article 29. Addition or replacement of buses for use for operation of routes of passenger transportation by bus

1. For a provincial bus route, the provincial-level Transport Department shall decide on addition or replacement of buses for use for passenger transportation at the request of the concerned enterprise or cooperative.

2. For a bus route linking two adjacent provinces, the Transport Departments of these provinces shall consider and reach a written agreement with the provincial-level Transport Department of the locality in which the concerned enterprise or cooperative is headquartered or bases its branch before deciding on the addition or replacement of buses for use in the route at the request of the enterprise or cooperative.

Article 30. Rights and responsibilities of bus drivers and conductors

1. To wear name cards and uniforms as prescribed by provincial-level Transport Departments.

2. Conductors shall provide information on route itinerary and stops on the route to passengers upon request; guide passengers at stops for their safe boarding and leaving; help the disabled, the elderly, children, pregnant women or women with small children when they get on or leave the bus.

Article 31. Rights and obligations of bus passengers

1. To carry along hand luggage weighing no more than 10 (ten) kg and measuring no more than 30 x 40 x 60 cm.

2. To help, and give their seats to. other passengers who are the disabled, the elderly, pregnant women or women with small children.

 

Section III. PASSENGER TRANSPORTATION BY TAXI

Article 32. Requirements on taxis

1. Bearing names and telephone numbers of their enterprises or cooperatives on the outer sides of their bodies or their doors.

2. Having a "TAXI" badge made according to the form provided in Appendix 14 to this Circular (not printed herein).

3. Possessing all papers prescribed by law.

Article 33. Registration of paint colors and logos

1. Before putting its vehicles into operation, an enterprise or a cooperative shall register a uniform paint color for all these vehicles and its logo according to a form provided in Appendix 15 to this Circular (not printed herein).

2. A registration dossier shall be sent to the provincial-level Transport Department of the locality in which the enterprise or cooperative is headquartered or bases its branch. Provincial-level Transport Departments shall only receive and give certification on dossiers and shall publicly notify the registration of enterprises or cooperatives.

Article 34. Dossiers for installation of communication devices

A dossier for installation of devices for communication between the control center and a taxi comprises:

1. Registration of and permission for lawful use of a radio frequency.

2. A written record of takeover test of installed communication devices.

Article 35. Taxi parks

1. Taxi parks are classified into:

a/ Taxi parks organized and managed by taxi enterprises; and,

b/ Public taxi parks organized and managed by local state management agencies.

2. Requirements on taxi parks:

Taxi parks must ensure urban traffic safety and order, causing no obstruction to normal movement of people and vehicles on the road, and satisfy requirements of fire and explosion prevention and fighting and environmental sanitation.

3. Provincial-level People's Committees shall uniformly organize and manage public taxi parks in conformity with transport network development master plans and particular requirements of their localities.

 

Section IV. PASSENGER TRANSPORTATION UNDER CONTRACTS

Article 36. Requirements on automobiles used for passenger transportation under contracts

1. Being under the lawful ownership or use right of business units licensed to transport passengers* under contracts and having badges provided4ri Appendix 12 to this Circular (not printed herein).

2. Bearing names and telephone numbers of their business units on the front part of the outer sides of their bodies or their doors.

3. For passenger transportation distances of over 100 (one hundred) km, having a passenger list made according to a form provided in Appendi.v+3 to this Circular (not printed herein).

Article 37. Passenger transportation contracts

A written passenger transportation contract must contain the following principal details: contract performance duration, address of departure address of arrival, itinerary and number of passengers.

 

Section V TOURIST TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE

Article 38. Requirements on automobiles used for tourist transportation

1. Being under the lawful ownership or use right of business units already licensed to transport tourists and having signboards as prescribed.

2. Bearing names and telephone numbers of their business units on the front part of the outer sides of their bodies or their doors.

Article 39. Tourist transportation contracts or travel contracts

A written tourist transportation contract or travel contract must contain the following principal details: contract performance duration, address of departure, address of arrival, itinerary and number of passengers.

 

Section VI. BADGES AND SIGNBOARDS

Article 40. General provisions on management and use of badges

1. In the course of passenger transportation, vehicles running on fixed routes, vehicles for passenger transportation under contracts and taxis must display badges while tourist transportation vehicles must have signboards.

2. Badges or signboards must contain no erased or modified information and be affixed on the windshield to the right of the driver.

3. Badges and signboards are valid for 12 (twelve) months.

Article 41. Grant and renewal of badges and signboards

1. A business unit shall send a dossier of application for a badge or signboard to the provincial-level Transport Department of the locality in which it is headquartered or bases its branch. Such a dossier comprises:

a/ An application for a badge or signboard:

b/ Photocopies of registrations of vehicles for which a badge is applied for (except vehicles running on fixed routes for which badges are applied for the first time);

c/ For case of re-grant of a badge or signboard, there must be reports on observance of regulations on traffic order and safety, assurance of registered service quality (for enterprises or cooperatives that have registered service quality), and observance of the chart of vehicle operation on a fixed route during the period of use of the granted badge or signboard.

2. A dossier of application for renewal of a faded or damaged badge or signboard is not required to have documents specified at Points b and c, Clause 1 of this Article.

3. The time Limit for the grant of a badge or signboard is 1 (one) day after receiving a complete and valid dossier. Before granting new badges or signboards, provincial-level Transport Departments shall withdraw unused ones and keep them for 6 (six months) before destroying them.

Article 42. Badges of vehicles running on fixed routes

Provincial-level Transport Departments shall base themselves on written approvals of trial operation or route operation or addition or replacement of vehicles, or dossiers of enterprises or cooperatives for re-grant of badges to grant badges for vehicles running on fixed routes.

Article 43. Badges of vehicles for passenger transportation under contracts

Business units licensed for passenger transportation under contracts will be granted badges for their vehicles on lists they have submitted and have these badges renewed by provincial-level Transport Departments after a prescribed duration.

If wishing to use vehicles already used for passenger transportation on fixed routes for passenger transportation under contracts, enterprises or cooperatives shall send to the route management agency a document evidencing their proper observance of charts for vehicle operation on fixed routes.

Article 44. Signboards of tourist transportation vehicles

Business units licensed for passenger transportation by automobile will be granted signboards for their vehicles by provincial-level Transport Departments after obtaining written certification by a culture, sports and tourism agency of their eligibility for tourist transportation.

Article 45. Taxi signboards

Enterprises or cooperatives licensed for transportation by taxi will be granted signboards for their taxis by provincial-level Transport Departments.

Article 46. Withdrawal of badges or signboards

1. Agencies that have granted badges or signboards to business units shall withdraw these badges or signboards when these business units commit a violation specified in Clause 2 of this Article.

A business unit will have its badge or signboard withdrawn when committing any of the following violations:

a/ It uses the badge or signboard in contravention of regulations or intentionally falsifying information inscribed in the badge or signboard granted for its vehicles;

b/ Its vehicles operate without transportation contracts or travel contracts, a tourist program and a list of passengers as prescribed.

c/ Its vehicles for passenger transportation under contracts or tourist transportation ell fares
to passengers or pick up passengers outside the list of passengers;

d/ Its vehicles running on a fixed routes, taxis or buses fail to fulfill 3 (three) or more contents of the service quality commitment or fail to publish the service quality commitment;

e/ It fails to put vehicles intended for running on a fixed route into operation on such route for 3 (three) consecutive trips or fails to keep daily log books or fails to fill in or improperly fills in such log book;


f/ Its taxis have no fare meter or light box on the roof as prescribed or its taxi drivers cheat in reading fare meters;

g/ It puts vehicles with plate numbers inconsistent with registered ones into operation, except the case of unexpected replacement of vehicles.

 

Chapter III

TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE

Article 47. Vehicles used for cargo transportation

Vehicle's used for cargo transportation must bear names and telephone numbers of their business units, their own weights and permitted cargo tonnage on the outer sides of their cabin doors. Taxi trucks must have freight rates posted up on both sides of their bodies.

Article 48. Transportation contracts, bills of lading awl ex-warehousing bills

1. A transportation contract must contain the following details: name of the carrier, name of the transportation hirer, category and weight of cargo, itinerary, address and time of cargo delivery Sid receipt, freight rate, mode of freight payment, agreed terms upon cargo delivery, compensation, handover and receipt of papers related t©4he cargo and other matters related to the process of transportation.

2. A bill of lading must contain the following details: name of the carrier, name of the transportation hirer, itinerary, number of the contract (if any), date of contract signing, category and weight of cargo transported on the vehicle, time of cargo receipt, time of cargo delivery and other matters related to the process of transportation. Bills of lading issued by a business unit to drivers must be appended with the unit's seal. For business households, household heads shall sign and write their full names on bills of lading.

3. In addition to a transportation contract or bill of lading and vehicle papers as prescribed, a driver shall carry along an ex-warehousing bill for each trip (applicable only to case of ex-warehousing a cargo) issued by the transportation hirer or the cargo owner suitable to the category of the transported cargo. An ex-warehousing bill must contain the following details: the unit ex-warehousing the cargo, name and weight of the cargo, place of cargo ex-warehousing and place of delivery.

Article 49. Management of cargo transportation by automobile

1. Before putting vehicles into use for cargo transportation, business units that satisfy all the specified conditions shall send written notices to provincial-level Transport Departments of localities in which they are headquartered or base their branches. Such a notice must contain the following details:

a/ Name, address, contact telephone number of the business unit;

b/ Serial number of the business registration certificate; cargo transportation business form;

c/ Number, type and lifetime of vehicles.

2. Written notices shall be sent to provincial-level Transport Departments, which shall only receive these notices for management and monitoring and concurrently certify the receipt of notices for business units.

 

Chapter IV

RESPONSIBILITIES OF STATE MANAGEMENT AGENCIES FOR TRANSPORTATION BY AUTOMOBILE

 

Article 50. The Directorate for Roads of Vietnam

1. To manage according to its competence transportation by automobile nationwide and directly manage inter-provincial fixed routes of passenger transportation covering a distance of over 1,000 (one thousand) km.

2. To summarize and announce contents for public notification of the network of inter-provincial fixed routes of passenger transportation.

3. To uniformly print and issue transportation business licenses, "vehicle running on a fixed route," "vehicle for transportation under contracts" or "taxi" badges and "vehicle for tourist transportation" signboards.

4. To compile training materials and issue specific regulations on professional training in or guidance on passenger transportation or traffic safety for taxi drivers and bus drivers and conductors.

5. To update periodically or irregularly compulsory information from vehicle tracking devices or server-cached databases for the state management of transportation and assurance of traffic order and safety.

6. To build a website on management and operation of transportation by automobile.

7. To examine, inspect, and handle according to its competence and under law violations of regulations on road transportation by automobile.

Article 51. Provincial-level Transport Departments

1. To manage road transportation by automobile in their localities.

2. To report to the Directorate for Roads of Vietnam on the public notification of inter-provincial fixed routes of passenger transportation according to powers decentralized to them; to publicly notify the network of routes.

3. To propose to provincial-level People's Committees for approval;

a/ Master plans on networks of passenger transportation by bus, which indicate the ratio of mass transit by bus and implementation plans to meet travel needs of the disabled;

b/ The State's incentives for enterprises or cooperatives conducting passenger transportation by bus in their localities;

c/ Econo-technical norms and unit rates applicable to passenger transportation by bus;

d/ Master plans on development of passenger transportation by taxi in their localities based on characteristics and travel needs of local people and for the purpose of curbing and ending traffic congestion.

4. To decide to open or terminate operation of bus routes, addition or replacement of vehicles, or adjustment of itineraries after obtaining approval of provincial-level People's Committees.

5. To approve bus transportation charts.

6. To assign plans to enterprises or cooperatives to operate local routes of passenger transportation by bus.

7. To directly manage inter-provincial fixed routes of passenger transportation covering a distance of up to 1,000 (one thousand) km, provincial fixed routes of passenger transportation and bus routes.

8. To periodically or irregularly update compulsory information from vehicle tracking devices or server-cached databases for the state management of transportation and assurance of traffic order and safety.

9. To build websites on management and operation of transportation by automobile in their localities.

10. To grant licenses for transportation by automobile to units conducting passenger transportation and enterprises or cooperatives conducting container cargo transportation in their localities.

11. To print, issue and manage daily log books under regulations.

12. To manage and grant badges and signboards of all kinds under regulations.

13. To examine, inspect, and handle according to its competence and under law violations of regulations on transportation by automobile.

 

Chapter V

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION AND EFFECT

 

Article 52. Reporting regime

Before the 20th of the first month of a quarter, transportation business units shall report on their business operations in the previous quarter to provincial-level Transport Departments. Reports on results of passenger transportation and reports on results of cargo transportation shall be made according to forms provided in Appendices 16 and 17 to this Circular (not printed herein).

In January every year, provincial-level Transport Departments shall summarize reports on transportation in their localities for reporting to the Directorate for Roads of Vietnam. The Directorate for Roads of Vietnam shall summarize and report on transportation to the Transport Ministry before February every year. Reports on transportation shall be made according to a form provided in Appendix 18 to this Circular (not printed herein).

Article 53. Inspection of transportation by automobile

Concerned functional bodies of the Transport Ministry, the Directorate for Roads of Vietnam and provincial-level Transport Departments shall urge and inspect according to their competence the observance of regulations on commercial transportation by automobile.

Article 54. Effect

1. This Circular takes effect 45 (forty five) days from the date of its signing. To annul the following decisions:

a/ The Transport Minister's Decision No. 16/ 2007/QD-BGTVT of March 26, 2007, promulgating the Regulation on passenger transportation by automobile on fixed routes or under contracts and tourist transportation by automobile;

b/The Transport Minister's Decision No. 17/ 2007/QD-BGTVT of March 26, 2007, promulgating the Regulation on passenger transportation by taxi;

c/The Transport Minister's Decision No. 34/ 2006/QD-BGTVT of October 16, 2006, promulgating the Regulation on management of mass transit by bus;

d/ The Transport Minister's Decision No. 07/ 2008/QD-BGTVT of April 29, 2008, amending and supplementing a number of articles of the Regulation on passenger transportation by automobile on fixed routes or under contracts and tourist transportation by automobile, promulgated together with the Transport Minister's Decision No. 16/2007/QD-BGTVT of March 26,2007, and the Regulation on passenger transportation by taxi, promulgated together with the Transport Minister's Decision No. 17/2007/ QD-BGTVT of March 26, 2007.

2. Badges and daily log books granted under current regulations may be used until their validity duration expires but no later than December 31, 2010.

3. Inter-provincial fixed routes covering a distance of 300 km or longer with starting and ending points at terminals not of grade IV, III, II or I may be operated until their permitted operation duration expires but no later than December 31, 2010.

Article 55. Implementation responsibility

1. The Director of the Directorate for Roads of Vietnam shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in the transport sector in, directing, urging and monitoring the implementation of this Circular.

2. The Chief of the Office, the Chief Inspector, directors of the Divisions, directors of provincial-level Transport Departments, heads of concerned agencies, and relevant organizations and individuals shall implement this Circular. –

 

 

MINISTER OF TRANSPORT

 

 

HO NGHIA DUNG

 

 

 

 

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Circular 14/2010/TT-BGTVT DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất