THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ------- Số: 1748/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG KHU ĐẠI HỌC NAM CAO TỈNH HÀ NAM
------------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009 và Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 06 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) tỉnh Hà Nam;
Xét đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam, với nội dung chính sau đây:
1. Tên đề án: Xây dựng Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam.
2. Địa điểm và quy mô sử dụng đất:
- Địa điểm: Tại huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: Phía Đông giáp đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, phía Tây giáp đường QL1A, phía Nam giáp QL21B, phía Bắc giáp đường N1;
- Quy mô sử dụng đất: Khoảng 754 ha, trong đó diện tích đất cho cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoảng 388ha, diện tích đất cho các khu ở đô thị khoảng 181ha, diện tích đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật khoảng 185 ha.
3. Mục tiêu:
- Đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Góp phần điều chỉnh mạng lưới trường đại học, cao đẳng cho vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và việc di dời một số trường đại học, cao đẳng từ nội thành thành phố Hà Nội đến các khu quy hoạch, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, Quy hoạch xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
- Xác lập mô hình tiên tiến về tổ chức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với đô thị. Tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tập trung, hiện đại hóa theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Đặt tiền đề thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các tài nguyên và nguồn lực cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
4. Tính chất:
- Khu đại học gồm tổ hợp các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng.
- Khu Đại học Nam Cao gồm nhiều pháp nhân khác nhau được đầu tư xây dựng trong không gian quy hoạch thống nhất, bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại; được khai thác hệ thống hạ tầng và các tiện ích chung, đồng thời tự chủ trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu phát triển hoạt động của mình, phù hợp với quy hoạch xây dựng Khu Đại học đã được phê duyệt.
5. Cơ cấu:
a) Cơ cấu chức năng
- Các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quy hoạch di chuyển toàn bộ hoặc một bộ phận của các trường và các cơ sở được thành lập mới theo quy định;
- Các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hợp tác được thành lập theo hình thức hợp tác đầu tư, liên kết với nước ngoài.
b) Cơ cấu quy hoạch khu các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gồm:
- Khu xây dựng các trường đại học, cao đẳng và cơ sở nghiên cứu phát triển công nghệ;
- Khu trung tâm gồm: Trung tâm điều hành, khu ký túc xá sinh viên tập trung, thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ công cộng, dịch vụ thương mại và một số cơ sở hỗn hợp đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng;
- Khu dân cư gồm: Các khu dân cư hiện có được cải tạo, chỉnh trang và khu dân cư xây dựng mới theo quy hoạch đô thị.
6. Vốn và nguồn vốn đầu tư:
a) Kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung dự kiến khoảng 6.750 tỷ đồng, trong đó:
- Kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân có đất bị thu hồi khoảng 945 tỷ đồng;
- Kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 5.805 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bao gồm: Vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương, vốn đầu tư phát triển của địa phương, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư theo hình thức BCC, BOT, BTO, BT.
b) Kinh phí xây dựng các dự án đầu tư xây dựng các công trình phục vụ chung của Khu Đại học khoảng 3.235 tỷ đồng, trong đó:
- Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình điều hành phục vụ Khu Đại học khoảng 900 tỷ đồng;
- Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình sân bãi thể dục thể thao, trung tâm nghiên cứu khoảng 246 tỷ đồng;
- Kinh phí đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ công thương mại khoảng 713 tỷ đồng;
- Kinh phí đầu tư xây dựng khu ký túc xá tập trung khoảng 1.375 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bao gồm: Vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách Trung ương, vốn đầu tư phát triển của địa phương, nguồn vốn huy động xã hội (xã hội hóa), vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư theo hình thức BCC, BOT, BTO, BT.
c) Kinh phí xây dựng các dự án đầu tư các cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu phát triển khoảng 9.110 tỷ đồng, trong đó:
- Kinh phí xây dựng các cơ sở đào tạo khoảng 7.080 tỷ đồng;
- Kinh phí xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoảng 2.030 tỷ đồng.
Vốn đầu tư của các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; vốn của các nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA được Nhà nước cân đối); Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
7. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2013 đến năm 2025.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Đề án được chia thành 3 giai đoạn triển khai thực hiện như sau:
- Giai đoạn I (2013-2015): Lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thực hiện một số dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật; một số công trình hoạt động chung cho khoảng 250ha (gồm 200ha đất xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50ha đất hạ tầng kỹ thuật); Thu hút các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi công xây dựng một số cơ sở đào tạo.
- Giai đoạn II (2016 - 2020): Hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung Khu đại học, một số công trình phục vụ chung và một số cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Giai đoạn III (2021 - 2025): Hoàn thành về cơ bản các dự án đầu tư xây dựng trong Khu đại học. Triển khai công tác chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư chiều sâu, phát triển hạ tầng Khu đại học theo hướng hiện đại, tiện nghi cao.
2. Quản lý, đầu tư xây dựng và vận hành Khu Đại học Nam Cao.
a) Cơ quan chủ quản đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam.
b) Cơ quan chủ đầu tư: Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao.
Ban Quản lý Khu Đại học là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Đại học; tổ chức và quản lý các hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến đầu tư xây dựng và hoạt động của Khu Đại học.
Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt quy chế hoạt động trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Bộ Nội vụ; có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy và tài khoản riêng; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và vốn hợp pháp khác.
c) Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao có một số nhiệm vụ chính sau:
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển Khu Đại học;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Tiếp nhận đăng ký dự án đầu tư, tổ chức thẩm tra, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư;
- Tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Đại học; lựa chọn thuê tư vấn có đủ năng lực, kể cả tư vấn nước ngoài; trình cơ quan chủ quản đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng;
- Lựa chọn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu Khu Đại học; quản lý, kiểm tra giám sát xây dựng theo quy hoạch và theo tiến độ được duyệt của các dự án hạ tầng thành phần, quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo vệ môi trường theo quy định;
- Thành lập Ban Quản lý dự án giúp chủ đầu tư làm đầu mối quản lý các dự án hạ tầng thành phần sử dụng vốn có tính chất ngân sách nhà nước (Vốn vay ưu đãi, vốn ODA, vốn hỗ trợ có mục tiêu của trung ương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác);
- Thực hiện các quy định về chính sách xã hội, lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong Khu Đại học;
- Xây dựng tiêu chí, điều kiện để lựa chọn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu vào Khu Đại học trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức tiếp nhận, quản lý xây dựng, hoạt động của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phù hợp với quy hoạch và các quy định của Khu Đại học;
- Ban hành các quy định, và quản lý hoạt động kinh doanh các dịch vụ phát triển hạ tầng, dịch vụ dân sinh thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, kinh doanh và cung ứng các dịch vụ trong Khu Đại học.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam:
- Thực hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tạo việc làm, thực hiện chính sách đối với các hộ dân có đất bị thu hồi, đảm bảo an ninh trật tự xã hội;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao và phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Khu Đại học;
- Chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng, tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng Khu Đại học trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí, điều kiện của các cơ sở giáo dục Đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào Khu Đại học;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đề xuất kế hoạch cân đối vốn hỗ trợ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng Khu Đại học, phù hợp với tiến độ;
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư Khu Đại học; ưu đãi, khuyến khích đối với cán bộ, giảng viên các cơ sở đào tạo và nghiên cứu - phát triển khi về làm việc tại Khu Đại học.
4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam trong việc ban hành tiêu chí, điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học chuyển vào Khu Đại học Nam Cao;
- Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền về công tác quản lý nhà nước về giáo dục tại Khu Đại học; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thành lập mới và di chuyển về Khu Đại học;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cần thiết, phục vụ cho Khu Đại học và các cơ chế, chính sách phát triển Khu Đại học;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Chủ trì đề xuất và tổ chức huy động các nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở đào tạo công lập và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam huy động các nguồn vốn thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách, cơ chế, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, vận động nguồn vốn ODA, thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ xây dựng và phát triển Khu Đại học Nam Cao.
c) Bộ Xây dựng:
Hướng dẫn việc lập quy hoạch xây dựng Khu Đại học và có ý kiến thỏa thuận về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trước khi cơ quan chủ quản đầu tư phê duyệt.
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc lập dự án cải tạo và bảo vệ môi trường; hướng dẫn hoặc ban hành bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách đất đai, quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường liên quan đến Khu Đại học.
đ) Bộ Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban quản lý Khu Đại học Nam Cao và Quy chế hoạt động của Khu Đại học; phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, quyết định vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Ban quản lý Khu Đại học Nam Cao.
e) Các Bộ, ngành khác liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện Đề án, bảo đảm tiến độ, hiệu quả của Đề án.
5. Cơ chế, chính sách ưu đãi:
Khu Đại học Nam Cao được áp dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi theo các quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục đại học tại các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Giáo dục và các quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế văn hóa, thể thao, môi trường; về cơ chế thí điểm đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội để cho các đơn vị ngoài công lập thuê dài hạn; về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê.
Điều 3.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương Đảng; - Ban Tuyên giáo Trung ương; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; - Ngân hàng Chính sách Xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Cổng TTĐT; - Lưu: Văn thư, KGVX (3b). | KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Nguyễn Thiện Nhân |