Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

thuộc tính Quyết định 1259/QĐ-TTg

Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:1259/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:26/07/2011
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh, trụ sở cơ quan Trung ương đặt tại Ba Đình 
Thủ đô Hà nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng trung tâm; đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh... trụ sở các cơ quan đầu não Trung ương đặt tại Ba Đình. 
Điều này được nêu trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011. 
Cũng trong Quy hoạch này, khu vực đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố và cả nước; đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. 
Bên cạnh đó, 05 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, mỗi đô thị có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ. Dự báo dân số ở 05 đô thị vệ tinh đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha và đến năm 2030 dân số đạt khoảng 1,3 - 1,4 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha. 
Về định hướng phát triển các khu chức năng chính, hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng, các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ được đặt tại khu vực Ba Đình, di rời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. 
Về định hướng phát triển nhà ở, đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30 m2 sàn sử dụng mỗi người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25 m2 sàn sử dụng mỗi người. Khu vực nội đô sẽ được cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. 
Ngoài ra, trong quy hoạch còn có định hướng phát triển hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hệ thống công trình văn hóa, công trình thể dục thể thao, hệ thống thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đất đai, về thoát nước mặt, phòng chống lũ lụt, cấp nước, điện và chiếu sáng đô thị, xử lý chất thải…

Xem chi tiết Quyết định1259/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------------------

Số: 1259/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2011

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030

VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

---------------------------

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

nhayQuy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 Khu vực cây xanh hồ Phương Trạch và đô thị tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội để thực hiện giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 dự án “Thành phố thông minh” tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ đã được điều chỉnh bởi Quyết định 528/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Theo quy định tại Điều 1)nhay
nhayQuy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, Hà Nội tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã được điều chỉnh bởi Quyết định 702/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 theo quy định tại Điều 1.nhay

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Phạm vi, thời hạn lập quy hoạch
Phạm vi: Gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội rộng khoảng 3.344,6km2.
Thời hạn quy hoạch: Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Tính chất và mục tiêu
a) Tính chất
Là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
b) Mục tiêu
Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
3. Các chỉ tiêu phát triển đô thị
a) Quy mô dân số
Dự báo dân số đến năm 2020, khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 58 - 60%. Dân số đến năm 2030, khoảng 9,0 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%. Đến năm 2050, dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 80%.
b) Quy mô đất đai
Đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 128.900 ha. Trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 73.000 ha (chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 160 m2/người, bao gồm: Đất dân dụng khoảng 34.200 ha, chỉ tiêu khoảng 70 - 75 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 38.800 ha.
Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 159.600ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 94.700 ha (chiếm khoảng 28,3% diện tích tự nhiên), chỉ tiêu khoảng 150 m2/người, bao gồm đất dân dụng khoảng 48.100 ha, chỉ tiêu khoảng 80 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 46.600 ha.
4. Định hướng tổ chức phát triển không gian
a) Mô hình phát triển không gian đô thị
Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
b) Định hướng phát triển hệ thống đô thị
- Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha; đất dân dụng khoảng 26.000 ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300 ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha; đất dân dụng khoảng 34.900 ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60 - 65 m2/người, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90 - 95 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300 ha. Gồm các khu vực sau:
+ Khu vực nội đô gồm:
Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ … Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.
Khu Nội đô mở rộng giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị. Dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 - 0,9 triệu người.
+ Khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các khu đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia. Dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 - 1,4 triệu người.
+ Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ, gồm 3 khu vực chính:
Khu đô thị Long Biên - Gia Lâm - Yên Viên: phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế … gắn với các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng các quốc lộ 5 và quốc lộ 1. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,7 triệu người.
Khu đô thị Đông Anh: Phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp và đầm Vân Trì; hình thành khu thể thao mới thành phố Hà Nội và Quốc Gia (phục vụ ASIAD), trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,55 triệu người.
Khu đô thị Mê Linh - Đông Anh: phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp sạch, kỹ thuật cao gắn với dịch vụ hàng không, sân bay Nội Bài, trung tâm trưng bày, hội chợ hoa và trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây cảnh. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,45 triệu người.
+ Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô. Khai thác, kế thừa Quy hoạch Cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (đã được Thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu) tiếp tục nghiên cứu phát triển đồng bộ hai bên đoạn tuyến chảy quan Thành phố, ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan văn hóa - đô thị Hồ Tây - Cổ Loa. Trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa.
- 5 đô thị vệ tinh gồm đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ … Dự báo dân số đến năm 2020 khoảng 0,7 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 24.300 ha, đất dân dụng khoảng 6.300 ha, chỉ tiêu khoảng 90m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 18.000 ha. Năm 2030 có dân số khoảng 1,3 - 1,4 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 35.200 ha; đất dân dụng khoảng 11.000 ha; chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 60 - 95 m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 24.200 ha. Dân số các đô thị vệ tinh từ nay đến năm 2030 phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn.
Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với hồ Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: Trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên đại lộ Thăng long và trục Hồ Tây - Ba Vì. Khu vực Hòa Lạc có khả năng dung nạp dân số khoảng 0,6 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.800 - 5.000 ha.
Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng trên quốc lộ 32 và đường Tây Thăng Long. Đến năm 2030 có dân số khoảng 0,18 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.000 ha, đất dân dụng khoảng 1.700 ha.
Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; Phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng …. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và Nam quốc lộ 6. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,22 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.500 ha, đất dân dụng khoảng 2.000 ha.
Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề … Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực. Là đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A: Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 0,12 - 0,13 triệu người, đất xây dựng đô thị 2.500 - 3.000 ha, đất dân dụng khoảng 900 ha.
Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài. Đến năm 2030, dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500 ha, đất dân dụng khoảng 1.900 ha.
- Các thị trấn
Xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn huyện lỵ hiện hữu như: Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới. Phát triển các thị trấn huyện lỵ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của các huyện, đầu mối về: hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, giao thông, vệ sinh môi trường), dịch vụ công cộng (hành chính, thương mại, giáo dục, y tế …), sản xuất (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chuyển giao công nghệ, thông tin, tài chính …) của thành phố. Dự báo đến năm 2020 có dân số khoảng 0,2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 3.400 - 3.500 ha, trong đó: đất dân dụng khoảng 1.900 ha, chỉ tiêu khoảng 95m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 1.500 - 1.600 ha. Đến năm 2030 có dân số khoảng 0,23 - 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.100 - 4.300 ha trong đó: đất dân dụng khoảng 2.100 - 2.200 ha, chỉ tiêu khoảng 90 - 95m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 2.000 - 2.100 ha. Phát triển 3 thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn thành các đô thị sinh thái.
c) Định hướng phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn Hà Nội theo mô hình “Nông thôn mới”. Tập trung phát triển giao thông nông thôn, nâng cấp các tuyến đường liên xã, liên thôn, tái định cư tại chỗ dân cư có tuyến đường mới hoặc mở rộng đi qua. Các trung tâm xã tiếp cận với làng xóm và các khu dịch vụ đô thị bằng hệ thống giao thông được nâng cấp và xây dựng mới. Bảo tồn các nghề truyền thống di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, cảnh quan thiên nhiên gắn với khai thác du lịch và giải trí. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (vùng lúa năng suất cao, vùng sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến, duy trì và mở rộng các vùng trồng rau, hoa quả truyền thống, vùng chăn nuôi tập trung …). Kiểm soát, hạn chế phát triển lấy đất nông nghiệp để xây dựng mới, mở rộng không theo quy hoạch. Xây dựng các khu sản xuất làng nghề tập trung ở ngoài khu dân cư làm xóm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đối với nhà ở nông thôn, khuyến khích phát huy phát triển giá trị kiến trúc, bảo tồn không gian làng xóm truyền thống.
d) Định hướng không gian xanh và mặt nước.
- Không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị.
Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp … được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.
Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía Nam sông Hồng.
Các nêm xanh là vùng đệm xanh cách các khu đô thị mới dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng.
Hệ thống công viên đô thị: Nâng cấp các không gian xanh hiện có, bổ sung thêm một phần quỹ đất các khu đất sau khi di dời các công sở, các cơ sở sản xuất công nghiệp …
Trong khu vực nội đô ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa. Xây dựng công viên giải trí và chuyên đề như: Công viên lịch sử Cổ Loa; công viên văn hóa giải trí Hồ Tây, vườn thú, công viên Thống Nhất, Yên Sở, Mễ Trì …; công viên sinh thái gắn với hoạt động thể thao, kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh tự nhiên tại các khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, Hương Tích và hệ thống sông hồ. Kiểm soát phát triển các làng xóm hiện hữu, xây dựng một số công trình công cộng ở quy mô nhỏ, thấp tầng gắn với đặc trưng sinh thái cây xanh và mặt nước Cổ Loa, sông Thiếp, đầm Vân Trì…
- Mặt nước: Giữ gìn và khôi phục hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí. Thiết lập các tuyến hành lang bảo vệ cho các sông, hồ, đập thủy lợi. Quy hoạch không gian cảnh quan sinh thái bảo vệ môi trường sinh học dọc các tuyến sông nối kết với các không gian xanh, các trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội lớn của thành phố và khu vực nội đô lịch sử để tạo ra các đặc trưng môi trường: Văn hóa, sinh thái, kiến trúc, mặt nước, cây xanh.
5. Định hướng phát triển các khu chức năng chính
a) Hệ thống cơ quan, công sở, an ninh quốc phòng
- Các cơ quan đầu não của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình.
- Rà soát và di dời trụ sở làm việc của một số cơ quan Trung ương ra ngoài nội đô đến khu vực Mễ Trì và Tây Hồ Tây. Ưu tiên vị trí tại khu vực Tây Hồ Tây để bố trí thêm trụ sở các cơ quan Trung ương làm việc, tạo điều kiện liên hệ thuận lợi với trụ sở của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.
- Trụ sở cơ quan Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố bố trí tại khu vực xung quanh Hồ Gươm. Trên cơ sở di chuyển trụ sở một số cơ quan bộ - ngành, bố trí trụ sở các Sở, ngành của Thành phố tại các vị trí phù hợp để liên hệ thuận lợi với trụ sở của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
- Sắp xếp, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang và giữ quỹ đất hiện trạng khu vực an ninh quốc phòng theo quy hoạch chuyên ngành an ninh quốc phòng.
b) Định hướng phát triển nhà ở
Đến năm 2030, diện tích bình quân nhà ở khu vực đô thị tối thiểu là 30m2 sàn sử dụng/người và nhà ở nông thôn tối thiểu là 25m2 sàn sử dụng/người. Khu vực nội đô, cải thiện điều kiện sống trong các khu ở, khu chung cư cũ, kiểm soát về mật độ xây dựng và tầng cao, bổ sung thêm các chức năng công cộng, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Kiểm soát quy hoạch và kiến trúc đối với nhà ở dân tự xây. Xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng trong các đô thị vệ tinh và các khu đô thị mới để giảm tải cho đô thị trung tâm.
c) Định hướng phát triển hệ thống giáo dục đào tạo.
- Các trường đào tạo đại học, cao đẳng:
Phân bố, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30 vạn sinh viên. Xây dựng mới 3.500 - 4.500 ha các khu, cụm đại học, gồm: Gia Lâm khoảng 200 - 250 ha (5 - 6 vạn sinh viên); Sóc Sơn khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Sơn Tây khoảng 300 - 350 ha (4 - 5 vạn sinh viên); Hòa Lạc khoảng 1.000 - 1.200 ha (12 - 15 vạn sinh viên); Xuân Mai khoảng 600 - 650 ha (8 - 10 vạn sinh viên); Phú Xuyên khoảng 100 - 120 ha (1,5 - 2 vạn sinh viên); Chúc Sơn khoảng 150 - 200 ha (2 - 3 vạn sinh viên). Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh trong vùng Thủ đô; quỹ đất sau khi di dời sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị.
- Hệ thống giáo dục phổ thông và mầm non: Khu vực nội đô, tăng diện tích xây dựng trường thông qua dự án tái đầu tư quỹ đất chuyển đổi chức năng các cơ sở khu cụm công nghiệp, các trụ sở cơ quan …. Đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa, chuẩn hóa các trường mầm non và phổ thông. Các đô thị mới, xây dựng đồng bộ hệ thống giáo dục phổ thông theo quy định hiện hành.
d) Định hướng phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao.
Đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, quốc gia, như: trung tâm đào tạo - khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược - trang thiết bị y tế và cơ sở 2 cho các bệnh viện Trung ương và Thành phố tại Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50 ha), Hòa Lạc (khoảng 200 ha); Sóc Sơn (khoảng 80 - 100 ha); Phú Xuyên (khoảng 200 ha), Sơn Tây (khoảng 50 ha). Các khu đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái và các thị trấn hiện hữu xây dựng hệ thống bệnh viện thành phố, quận huyện và phòng khám đa khoa theo tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
đ) Định hướng phát triển hệ thống công trình văn hóa.
Hoàn chỉnh mạng lưới công trình văn hóa theo tầng bậc ở các khu đô thị và các điểm dân cư nông thôn tại Hà Nội. Cải tạo chỉnh trang các trung tâm văn hóa hiện có của khu vực nội đô lịch sử và các khu dân cư hiện hữu. Xây dựng mới và tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát … gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây; Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội. Thiết lập hệ thống quảng trường văn hóa, các không gian giao lưu cộng đồng, các không gian đi bộ gắn với các công trình tượng đài, tượng đường phố, tranh tường nghệ thuật lớn … gắn kết với các khu cây xanh, công viên, cơ quan, công trình hành chính công cộng, cơ quan công sở, khu vui chơi giải trí.
e) Định hướng phát triển hệ thống công trình thể dục thể thao.
Xây dựng mới trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực tại phía Bắc sông Hồng phục vụ ASIAD (hoặc Olympic trong tương lai), trung tâm thể thao Hồ Tây, các trung tâm giải trí thể thao gắn với công viên giải trí lớn của Thủ đô như: Trung tâm thể thao địa hình, tổ hợp thể thao đa loại hình … Hoàn thiện trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình. Cải tạo và nâng cấp các cơ sở thể dục thể thao cũ trong thành phố. Xây dựng hoàn chỉnh các công trình thể thao trong các khu đô thị mới, khu dân cư cũ và các trường học.
g) Định hướng phát triển hệ thống dịch vụ thương mại.
- Khu vực đô thị trung tâm: xây dựng mới trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, quốc tế tại Mễ Trì và Đông Anh; trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế tại Tây Hồ Tây và Đông Anh; trung tâm dịch vụ thương mại tài chính ngân hàng tại các khu đô thị Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín - Thanh Trì và dọc tuyến đường vành đai 4. Xây dựng mới trung tâm thương mại tổng hợp của thành phố khoảng 10 - 15 ha/khu tại Thượng Đình, Vĩnh Tuy … trên đất các khu công nghiệp, công sở chuyển đổi; cải tạo và nâng cấp các công trình thương mại dịch vụ đã có theo tầng bậc phục vụ các cấp. Khuyến khích sử dụng không gian ngầm trong các công trình thương mại dịch vụ, nhà ga đầu mối để phát triển các dịch vụ thương mại.
- Tại các đô thị vệ tinh và các thị trấn: xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ … đồng bộ, hiện đại và các tuyến, trục phố thương mại.
- Tại khu vực nông thôn: cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống; phát triển mở rộng các chợ đầu mối thu mua nông sản, trung tâm mua sắm - thương mại dịch vụ tổng hợp vừa và nhỏ, chợ bán lẻ.
- Khu vực đầu mối giao thông: hình thành 02 khu dịch vụ, phân phối, trung chuyển hàng hóa tại Sóc Sơn và Phú Xuyên. Xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng khoảng 20 - 30 ha/chợ gắn với các vùng nông nghiệp lúa, rau, hoa quả, sản lượng cao tại 05 khu vực: Phía Bắc (Mê Linh), phía Nam (Phú Xuyên), phía Tây (Quốc Oai), phía Đông (Long Biên, Gia Lâm), phía Tây Bắc (Sơn Tây). Xây dựng mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng khoảng 20 ha/trung tâm gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên Vùng tại Sóc Sơn, Phú Xuyên, Hòa Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.
h) Định hướng phát triển du lịch
Xây dựng cụm du lịch lịch sử - văn hóa quốc gia Hồ Tây - Cổ Loa - Vân Trì, khu du lịch văn hóa sinh thái Đồng Quan núi Sóc; cụm du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì - Suối Hai; du lịch văn hóa tâm linh chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Trăm gian …; khu du lịch thể thao Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Hai, vườn Quốc gia Ba Vì … Hình thành khu du lịch thắng cảnh, văn hóa tâm linh Hương Sơn và các cụm sinh thái, nghỉ dưỡng Viên Nam. Hình thành cụm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề Hà Đông - Quan Sơn - Hương Sơn. Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan sinh thái núi, sông, hồ, đầm, nông - lâm nghiệp … và các khu khoa học nghệ thuật đặc sắc của Hà Nội. Phát triển du lịch đường thủy trên các sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích.
i) Định hướng phát triển công nghiệp.
Phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao; Di dời các cơ sở công nghiệp đã có trong các quận nội thành theo loại hình ngành nghề phù hợp. Quỹ đất công nghiệp sau khi di dời một phần dành để xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, cây xanh, bãi đỗ xe và dịch vụ công cộng …
Hình thành các khu công nghệ cao, khu cụm công nghệ khoảng 8.000 ha. Phía Bắc bao gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Từ Liêm khoảng 3.200 ha; Ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ôtô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may … Phía Nam thuộc Thường Tín, Phú Xuyên khoảng 1.500 ha: Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại với nguyên liệu đầu vào từ vùng phát triển nông nghiệp thuộc các tỉnh phía Nam Hà Nội; phát triển công nghiệp hỗ trợ (dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ôtô) … Phía Tây là Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn khoảng 1.800 ha: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo là công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, hóa dược - mỹ phẩm, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp …. Tại các thị trấn khoảng 1.400 - 1.500 ha: Ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao …
Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở sản xuất làng nghề hiện có trong vùng nông thôn: Kiểm tra các cơ sở sản xuất và các làng nghề hiện đang nằm đan xen trong các làng xóm và điểm dân cư nông thôn để có biện pháp quản lý chặt chẽ về môi trường và hạ tầng. Giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, những làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải được đưa vào khu, cụm công nghiệp tập trung. Phát triển giao thông kết nối giữa điểm sản xuất với các tuyến đường chính, xây dựng trung tâm dịch vụ hỗ trợ tại chỗ để phục vụ cho khách tham quan làng nghề và giới thiệu mua bán sản phẩm.
6. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật
a) Về hệ thống giao thông
- Định hướng chung:
Tăng cường phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của thành phố như: Xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị; xây dựng một số tuyến đường nhiều tầng từ vành đai 4 trở vào. Xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn. Tổ chức giao thông hợp lý tại các nút giao thông, các tuyến đường, đảm bảo lưu thông trong nội đô và tại các cửa ngõ của đô thị, góp phần giải quyết ách tắc và tai nạn giao thông.
Tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20% - 26% đất xây dựng đô thị. Vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 55%; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18% - 23% đất xây dựng đô thị, vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 26%; năm 2030 khoảng 43%; tỷ lệ đất giao thông các thị trấn chiếm 16% - 20%.
Liên kết khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng: đường sắt ngoại ô, BRT, ôtô buýt.
- Giao thông đối ngoại:
+ Giao thông đường bộ: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường cao tốc hướng tâm, bao gồm 7 tuyến: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Hòa Bình, Cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, Hà Nội - Ninh Bình - Thanh Hóa. Xây dựng mới và cải tạo đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4 và 5; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ hướng tâm: QL 1A, QL 6, QL 21B, QL32, QL2, QL3, QL5. Xây mới các trục giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh và các trục giao thông nội vùng: Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai, trục Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Đỗ Xá - Quan Sơn, trục kinh tế Bắc - Nam, Miếu Môn - Hương Sơn, trục kinh tế phía Nam, Lê Văn Lương kéo dài - Chúc Sơn và các tuyến tỉnh lộ hướng tâm quan trọng.
Trên các tuyến trục chính đô thị, quy hoạch các cụm tổ hợp công trình phục vụ công cộng, văn phòng, theo hướng không gian mở, kiến trúc hiện đại, tạo đặc trưng đô thị. Phát triển có kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan các trục không gian hướng tâm về nội đô Hà Nội.
Xây mới 8 cầu và hầm qua sông Hồng. Xây dựng mới 03 cầu, cải tạo và hoàn chỉnh 02 cầu qua sông Đuống; xây dựng mới 02 cầu qua sông Đà và cải tạo xây dựng hệ thống các bến, bãi đỗ xe liên tỉnh và đầu mối kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt.
+ Giao thông đường sắt: Xây dựng và cải tạo hệ thống đường sắt và ga đường sắt quốc gia và quốc tế: Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hạ Long, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên; xây dựng mới đường sắt vành đai dọc theo vành đai 4; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh; các tuyến đường sắt nội vùng: Hà Nội - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Dương, Hà Nội Hưng Yên, Hà Nội - Phủ Lý. Xây dựng các trung tâm tiếp vận nhằm phân phối và trung chuyển hành khách, hàng hóa giữa các loại hình vận tải đường sắt với đường bộ gắn với hệ thống ga đầu mối như: ga Ngọc Hồi, ga Bắc Hồng, ga Cổ Bi, ga Tây Hà Nội.
+ Giao thông đường hàng không: Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau năm 2030 đạt 50 triệu hành khách/năm; sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa tầm ngắn; sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn chủ yếu phục vụ quân sự, có thể phục vụ dân sự khi có nhu cầu, sân bay Bạch Mai là sân bay cứu hộ, trực thăng.
Giao thông đường thủy: Cải tạo nạo vét luồng tuyến, nâng cấp xây mới các cảng, bến thủy dọc sông sông Đà, sông Đuống, sông Hồng phục vụ giao thông thủy liên kết với mạng lưới toàn quốc. Cải tạo sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Cà Lồ phục vụ cho du lịch.
- Giao thông đô thị
+ Giao thông đường bộ:
Khu vực đô thị trung tâm: Tiếp tục, xây dựng, cải tạo, hoàn thiện liên thông các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm, các trục chính đô thị đồng bộ với các nút giao thông. Hoàn thiện và xây dựng đường tầng một phần của tuyến vành đai 2, vành đai 3 và một số tuyến hướng tâm.
Các đô thị vệ tinh: Hệ thống giao thông được quy hoạch thống nhất đồng bộ và hiện đại, phù hợp tính chất chức năng, quy mô và điều kiện đặc thù của các đô thị, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.
Các thị trấn: Mạng lưới đường phát triển trên cơ sở kết hợp giữa nâng cấp cải tạo hệ thống đường hiện có với xây dựng mới đồng bộ và hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên sinh thái đặc thù của các thị trấn, đảm bảo liên hệ nhanh chóng với đô thị trung tâm và các đô thị khác.
+ Giao thông tĩnh: Tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa, dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác trên cơ sở quỹ đất chuyển đổi các khu công nghiệp, trụ sở cơ quan, trường học trong nội đô.
+ Giao thông đường sắt:
Xây mới các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị theo các giai đoạn. Kết hợp xây dựng công trình dịch vụ, công cộng với xây dựng các ga đường sắt đô thị.
+ Giao thông đường thủy:
Cải tạo, bổ sung điều tiết nguồn nước vào mùa cạn cho các tuyến sông Cà Lồ, Sông Đáy, sông Tích, sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê, hệ thống sông Nhuệ - Tô Lịch phục vụ khai thác vận tải thủy du lịch, nghỉ ngơi bằng tàu nhỏ. Xây dựng các bến thuyền du lịch dọc các sông.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất đai
Quy hoạch san đắp nền phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch thoát nước mưa, phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lũ lụt, các tác động bất lợi của thiên nhiên và việc biến đổi khí hậu. Cao độ nền khống chế của từng đô thị được lựa chọn theo chế độ thủy văn của sông, suối ảnh hưởng trực tiếp tới đô thị; tuân thủ quy chuẩn hiện hành, mức độ quan trọng, không mâu thuẫn với các quy hoạch đã được duyệt và hài hòa với các khu vực đã xây dựng liền kề.
c) Về thoát nước mặt
Thoát nước mặt đô thị phù hợp với quy hoạch tiêu thủy lợi về phân chia 3 lưu vực chính Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Hướng thoát nước theo địa hình tự nhiên là chính và về các trạm bơm tiêu được xây dựng trong vùng.
Hệ thống hồ điều hòa phân bổ đều trên các lưu vực và đạt tỷ lệ 5% - 7% diện tích lưu vực. Khai thông, mở rộng, nạo vét các trục tiêu chính đi qua đô thị như: Sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích, sông Hang, kênh La Khê, kênh Vân Đình, sông Hoàng Giang - Ngũ Huyện Khê, sông Cà Lồ …
Xây dựng kè tất cả các đoạn sông xung yếu, các đoạn sông đi qua lòng đô thị để tránh sạt lở, đảm bảo mỹ quan và tránh lấn chiếm.
d) Về phòng chống lũ lụt
Tuân thủ mức đảm bảo phòng, chống lũ và chỉ giới thoát lũ theo các quy hoạch phòng chống lũ trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, quy hoạch phòng chống lũ của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội đã được phê duyệt. Các công trình phân lũ, chậm lũ sẽ thực hiện theo các quy định cụ thể của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội.
Chống lũ ngang khu vực Chương Mỹ, nâng cấp hai hồ chứa Đồng Sương và Văn Sơn, xây dựng tuyến mương hở phía Tây đường Hồ Chí Minh để gom lũ bảo đảm không tràn vào đô thị.
đ) Về cấp nước
Khai thác sử dụng hợp lý các nguồn nước, ưu tiên nước mặt và dần thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt từ sông Đà, sông Đuống và sông Hồng, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tăng tỷ lệ tái sử dụng nước trong công nghiệp, sinh hoạt, công cộng.
Các công trình đầu mối cấp nước chính: Nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà đạt 1.200.000 m3/ngày đêm; Xây dựng mới các nhà máy nước mặt sông Hồng đạt 450.000 m3/ngày đêm; sông Đuống đạt 600.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất các nhà máy nước ngầm đạt 475.000 m3/ngày đêm, các trạm cấp nước khu vực nông thôn khoảng 250.000 m3/ngày đêm. Xây dựng hệ thống đường ống truyền tải, phân phối, trạm bơm, bể chứa, công trình phụ trợ, hệ thống cấp nước chữa cháy.
e) Về cấp điện và chiếu sáng đô thị
Mở rộng nâng cấp trạm 500 kV Thường Tín, xây mới các trạm 500 kV Quốc Oai, Đông Anh, Đan Phượng và Hiệp Hòa (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) đến năm 2030 đạt tổng công suất là 11.700 MVA. Xây dựng mới tuyến 500 kV Thường Tín – Quốc Oai – Đan Phượng và đấu nối với tuyến 500 kV từ Sơn La đi Hiệp Hòa, tuyến 500 kV Hiệp Hòa – Đông Anh – Phố Nối. Cải tạo mở rộng 05 trạm 220 kV hiện có là Sóc Sơn, Mai Động, Chèm, Hà Đông, Xuân Mai và xây dựng mới 21 trạm khác với tổng công suất đến năm 2030 đạt 14.250 MVA.
Từng bước, ngầm hóa các đường dây 220 kV, 100 kV hiện có trong phạm vi đô thị trung tâm. Lưới điện xây dựng mới và cải tạo lại trong phạm vi đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh phải đi ngầm. Trạm điện trong khu vực đô thị sử dụng trạm kín, đồng bộ để tiết kiệm quỹ đất và đảm bảo cảnh quan.
Cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng đô thị phù hợp với tính chất chức năng của công trình và tiêu chuẩn quy định. Tỷ lệ 100% đường đô thị và trên 90% đường ngõ xóm được chiếu sáng hiệu suất cao. Hình thành nên trung tâm điều khiển chiếu sáng tập trung cho toàn bộ các khu vực đô thị.
g) Về thoát nước thải, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang
- Thoát nước thải:
Tỷ lệ thu gom nước thải đô thị đạt 100%. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống tại các khu vực nội thành, các khu đô thị cũ; khu đô thị mới phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, xử lý nước thải tập trung. Các trạm xử lý nước thải khu vực đô thị phải đảm bảo vệ sinh môi trường, có dây chuyền công nghệ hiện đại, hợp khối, tiết kiệm quỹ đất và giảm khoảng cách ly đến các khu dân cư. Khu vực nông thôn xây dựng hệ thống thoát nước chung, ưu tiên xử lý nước thải sinh học trong điều kiện tự nhiên. Các cơ sở y tế, công nghiệp phải thu gom nước thải riêng và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Chất thải rắn:
Tỷ lệ thu gom chất thải đô thị đạt 90 – 100%, vùng nông thôn đạt trên 85%, cần phân loại rác thải từ nguồn. Xây dựng mới và mở rộng 12 khu xử lý chất thải rắn tập trung có quy mô lớn tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sơn Tây và xây dựng mới khu xử lý chất thải rắn liên tỉnh tại Lương Sơn. Tổng nhu cầu đất xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 356 ha, trong đó diện tích xây dựng mới bổ sung khoảng 230 ha.
Các khu xử lý CTR có quy mô lớn chọn công nghệ hiện đại, tỷ lệ tái chế, đốt rác để sản xuất điện đạt 60 – 85%; chôn lấp hợp vệ sinh đạt 15 – 40%. Các khu xử lý quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn ưu tiên sử dụng công nghệ chôn lấp và tái chế phục vụ nông nghiệp. Trên địa bàn mỗi huyện cần xây dựng khu xử lý CTR phục vụ nhu cầu từng địa phương.
- Nghĩa trang:
Tỷ lệ hỏa táng dự kiến đạt trên 40%. Từng bước ngừng hung táng tại các nghĩa trang tập trung hiện có từ năm 2013: Vạn Phúc (Hà Đông); Xuân Đỉnh (Từ Liêm), Mai Dịch 1, Yên Kỳ 1. Nghĩa trang Văn Điển chỉ duy trì hỏa táng, cát táng. Đóng cửa các nghĩa trang phân tán đã lấp đầy trong khu vực nội đô và trồng cây xanh cách ly đảm bảo môi trường cảnh quan.
Mở rộng và xây dựng mới các nghĩa trang tập trung và xây dựng mới nhà hỏa táng để phục vụ đô thị tại các huyện ngoại thành; kết hợp sử dụng nghĩa trang công viên tại các tỉnh trong vùng Thủ đô. Trên địa bàn mỗi huyện cần xây dựng khu nghĩa trang phục vụ nhu cầu từng địa phương. Các nghĩa trang nhân dân nằm rải rác phải dành quỹ đất để trồng cây xanh ngăn cách.
h) Về thông tin liên lạc
Hệ thống thông tin liên lạc xây dựng theo công nghệ mới, hiện đại, hội tụ được các loại hình viễn thông, Internet, truyền hình và tiếp thu công nghệ mới của thế giới.
Nâng cấp mở rộng hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn toàn Thành phố. Triển khai đồng bộ mạng cáp ngầm theo hệ thống công trình ngầm đô thị. Đầu tư nâng cấp hạ tầng thông tin để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và làm cơ sở triển khai Chính phủ điện tử. Hoàn thành việc xây dựng mạng diện rộng của Thành phố phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa và quản lý phát triển đô thị của Thủ đô.
Quản lý và tối ưu hệ thống hạ tầng khung cho phát triển mạng thông tin di động, khai thác các vệ tinh viễn thông phát triển dịch vụ. Phát triển, nâng cao chất lượng mạng lưới bưu chính, kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội.
i) Định hướng bảo vệ môi trường.
- Định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giảm thiểu ô nhiễm bằng việc thiết lập hệ thống giao thông công cộng hiện đại kết hợp với sử dụng nhiên liệu hiệu quả trong hoạt động giao thông.
Di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm. Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học với 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải môi trường.
- Phân vùng kiểm soát, bảo vệ môi trường.
Vùng bảo tồn hạn chế phát triển gồm các khu phố cổ, phố cũ, đô thị Sơn Tây, Hương Sơn, các vùng di tích văn hóa, các khu vực bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan và phục hồi môi trường.
Vùng kiểm soát chất lượng môi trường tại khu vực đô thị trung tâm mới phát triển, dọc các đường vành đai 2, vành đai 3. Kiểm soát chất lượng môi trường không khí do hoạt động giao thông, chất lượng nước các sông hồ, cải thiện môi trường các khu ở cũ.
Kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm như: khu vực công nghiệp cũ phía Nam Hà Nội (Thượng Đình, Minh Khai, Pháp Vân, Văn Điển), Đức Giang, Long Biên, Đông Anh … Xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, phục hồi các kênh mương, hồ ô nhiễm, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
Kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp khu vực đô thị lõi mở rộng từ sông Nhuệ đến vành đai 4. Cải thiện môi trường làng nghề, giảm nhẹ tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tái định cư, kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp.
Khu vực đô thị mới Hòa Lạc, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Xuân Mai, Mê Linh – Đông Anh, Phú Xuyên giám sát ô nhiễm, phát triển nông nghiệp sinh thái, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Vùng phòng hộ môi trường dọc 2 bên sông Hồng, giảm nhẹ tác động lũ lụt, phòng ngừa sự cố, bảo vệ hệ sinh thái; Hành lang xanh 2 bên sông Nhuệ: Xử lý rác thải, nước thải, phục hồi môi trường sông Nhuệ, kiểm soát ô nhiễm, hình thành các hệ sinh thái ven sông, điều hòa vi khí hậu; Hành lang xanh thuộc vùng xả lũ sông Đáy và sông Tích: Giảm nhẹ tác động lũ lụt, xử lý rác thải, nước thải, cải thiện ô nhiễm làng nghề, cải tạo sông Đáy, xây dựng các mô hình làng sinh thái.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng đặc dụng, đất ngập nước: Khu vực Ba Vì, Đồng Mô, Suối Hai, Quan Sơn, Hồ Tây, Sóc Sơn, Hương Sơn. Bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Vùng kiểm soát môi trường nông thôn, làng nghề đối với các khu vực Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên. Bảo tồn giá trị văn hóa, kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động do tái định cư, thay đổi sử dụng đất.
Các nội dung định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được tiếp tục bổ sung, nghiên cứu, xác định cụ thể trong các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
7. Định hướng bảo tồn di sản văn hóa lịch sử và thiên nhiên
- Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa tại trung tâm Chính trị Ba Đình, di sản thế giới khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực ven hồ Tây, khu di tích thành Cổ Loa, thành cổ Sơn Tây, các làng nghề truyền thống, các cụm di tích và di tích đơn lẻ.
- Khu vực nội đô lịch sử hạn chế phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú, bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy các giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa – lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.
- Các di tích lịch sử, văn hóa, các thành cổ, làng cổ, di tích cách mạng, tôn giáo tín ngưỡng, … được khoanh vùng bảo vệ và có quy chế kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bảo tồn di tích, hoạt động xây dựng và hoạt động tham quan khác.
- Bảo tồn các vùng cảnh quan sinh thái đặc biệt quan trọng như vườn Quốc gia Ba Vì, Núi Sóc, Hồ Tây, hồ Đồng Mô, Hương Sơn, vùng ven sông Hồng, sông Đáy … Kiểm soát xây dựng, quản lý và khai thác nguồn lợi của các khu vực thiên nhiên, không được phát triển các khu dân cư, đô thị.
8. Các chương trình ưu tiên đầu tư.
a) Đầu tư xây dựng cải tạo phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế - xã hội chính.
- Cải tạo các khu chung cư cũ; Phát triển các khu đô thị mới phía Đông đường vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh – Đông Anh.
- Nhà ở xã hội và tái định cư; Công viên cây xanh và hồ điều tiết nước.
- Phát triển hệ thống trung tâm thương mại và văn hóa, thể thao; xây dựng trung tâm tài chính, triển lãm quốc tế và thể dục thể thao Đông Anh.
- Thực hiện việc di dời các cơ sở cao đẳng, đại học, y tế ở khu vực nội đô. Xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch.
- Chương trình, kế hoạch để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị.
b) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Giao thông:
Xây dựng và hoàn chỉnh các trục giao thông hướng tâm và vành đai: Nhật Tân – Nội Bài, Tây Thăng Long, Hồ Tây – Ba Vì, Đỗ Xá – Quan Sơn ….; đường vành đai 1; vành đai 2, vành đai 2,5; vành đai 3; vành đai 3,5; vành đai 4 các trục đường chính đô thị. Xây dựng hệ thống đường bộ nhiều tầng, nút giao khác mức, hệ thống bến, bãi đỗ xe. Nâng cấp giao thông nông thôn. Ưu tiên xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, BRT, xe buýt đáp ứng phần lớn nhu cầu giao thông vận tải công cộng của Thủ đô.
- Cấp nước: nâng công suất nhà máy nước mặt: sông Đà (600.000 m3/ngày đêm), sông Hồng (300.000 m3/ngày đêm), sông Đuống (300.000 m3/ngày đêm).
- Cấp điện: Xây mới các trạm 500 KV Quốc Oai, Hiệp Hòa, Đông Anh; cải tạo mở rộng trạm 500 KV Thường Tín, đường dây 500 KV từ Việt Trì qua Quốc Oai về Thường Tín; cải tạo 22 trạm biến áp 220KV (9000 MVA).
- Thoát nước thải: Xuất khẩu hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực đô thị trung tâm; xử lý nước thải cho khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, các KCN tập trung.
9. Cơ chế chính sách
- Cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và thực hiện quy hoạch, kiến trúc.
- Hoàn thiện, bổ sung và xây dựng mới những quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.
- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
- Xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, hướng dẫn việc triển khai không gian ngầm, khu vực bảo vệ các vùng cảnh quan.
- Xây dựng danh mục và giải pháp bảo vệ, tôn tạo các công trình có giá trị về văn hóa lịch sử và kiến trúc.
10. Quy định quản lý.
Việc quản lý thực hiện quy hoạch được quy định cụ thể trong “Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt này.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
a) Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội:
- Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập các đồ án quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành phù hợp với Quy hoạch quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt.
- Tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn, quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc, … phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy định của pháp luật và hoàn thành theo đúng thời hạn quy định tại Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị.
- Chỉ đạo việc rà soát, quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, phù hợp quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung được duyệt.
- Xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch theo tiến độ và trình tự ưu tiên.
- Chỉ đạo lập kế hoạch, chương trình cải tạo chỉnh trang đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội - kỹ thuật; quản lý chặt chẽ các quỹ đất dự kiến để phát triển các công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị theo đúng quy hoạch.
b) Giao Bộ Xây dựng:
- Chủ trì tổ chức công bố quy hoạch, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định.
- Kiểm tra việc thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội theo quy định chức năng, nhiệm vụ.
- Chủ trì tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội.
c) Giao các Bộ, ngành và địa phương có liên quan trên cơ sở quy hoạch được duyệt phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng của địa phương đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội;
- UBND các tỉnh trong vùng Thủ đô: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc;
- Ban Chỉ đạo QH và ĐTXD vùng Thủ đô Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, ĐP, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THE PRIME MINISTER
-------

No.: 1259/QD-TTg

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Hanoi, July 26, 2011

 

DECISION

APPROVING THE GENERAL PLANNING ON CONSTRUCTION OF HANOI CAPITAL UP TO 2030, WITH A VISION TOWARD 2050

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the Law on Organization of Government dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Construction dated November 26, 2003;

Pursuant to the Law on Urban Planning dated June 17, 2009;

Pursuant to the Resolution No. 15/2008/NQ-QH12 dated May 29, 2008 of the XII National Assembly on adjustment of administrative border of Hanoi city and a number of concerned provinces;

Pursuant to the Decision No. 490/QD-TTg dated May 05, 2008 of the Prime Minister on approving the planning on construction of Hanoi capital region up to 2020, with a vision toward 2050;

At the proposal of Minister of Construction,

DECIDES:

Article 1.To approve the general planning on construction of Hanoi capital up to 2030, with a vision toward 2050 with the main contents as follows:

1. Scope, duration of planning

Scope: including the entire area under administrative border of Hanoi capital is about 3,344.6 km2.

Duration of planning: Orientation up to 2030, a vision toward 2050.

2. The nature and objectives

a) The nature

As the capital of the Socialist Republic of Vietnam, the administrative, political nerve center of the whole country, the special type urban; the important center of culture, education and technical science of whole country; the one of centers of economy, tourism, trade and services in the Asia – Pacific region.

b) The objectives

To develop Hanoi capital for sustainable development, with infrastructure systems of synchronous and modern society and technology, harmonious development between culture, heritage conservation, historical relics with economic development, in which focus on the knowledge economy and environmental protection, to ensure national defense and security upon the direction of regional, national and international linking. To develop Hanoi capital to become a city of "Green - culture - civilization - Modern", the urban of highly competitive, efficient, dynamic development in domestic country, regional and international area; with good living and working environment, high quality activities and entertainment and with favorable investment opportunities.

3. Targets of urban development

a) Population size

The population is expected up to 2020, about 7.3 to 7.9 million people, the urbanization rate of about 58 to 60%. Population up to 2030 is about 9.0 to 9.2 million people, about 65 to 68% of urbanization rate. By 2050, the maximum population is about 10.8 million people, about 70 to 80% of the urbanization rate.

b) Land size

By 2020, total construction area of urban and rural areas is about 128,900 ha, including the urban construction land of about 73,000 ha (about 21.8% of natural area), the target of about 160 m2 per person, including about 34,200 ha of civil land, the target of about 70 to 75 m2 per person and outside civil land of about 38,800 ha.

By 2030, total construction area of urban and rural areas is about 159,600 ha, including urban construction land of about 94,700 ha (about 28.3% of natural area), the target of about 150 m2 per person, including about 48,100 ha of civil land, the target of about 80 m2 per person and outside civil land of about 46,600 ha.

4. Orientations for spatial development organization

a) Models of urban spatial development

Hanoi capital is oriented to develop by the model of the urban cluster including central urban area, five satellite towns, and the towns which are connected by transport systems of the ring road combining the centripetal axes, with a link with national and regional transportation network. The central urban is separated from the satellite urban, towns with green corridors (70% of natural area of the city).

b) The orientation of development of urban systems

- The central urban area is developed and extended from the inner capital areas to the West, South to the 4th Ring Road and to the north with the regions of Me Linh, Dong Anh; the East to the area of Gia Lam and Long Bien. As the center of administrative politic, economy, culture, history, services, health care, high quality training of Hanoi city and the whole country. The population is expected up to 2020 of about 3.7 million people, the urban construction land area is about 45,300 ha; civil land is about 26,000 ha, and targets of about 70m2/person and outside civil land of about 19,300 ha. The population up to 2030 is about 4.6 million people; the urban construction land area is about 55,200 ha; civil land is about 34,900 ha; targets of the construction land of inner capital area is about 60 to 65 m2/person, expanded area to the south of the Red River is about 90 to 95 m2/person; outside civil land is about 20,300 ha. Including the following areas:

+ Inner metropolitan area includes:

Historic inner capital area limited from the southern of the Red River to the ring road 2, is the conservation region of cultural heritage of Thang Long, the traditional values of Ha Noi people. To conserve and renovate architectural space and urban landscape and honoring cultural and historical traditions of the antique quarter, the old quarter, Hoan Kiem Lake, West Lake, old Citadel ... to adjust functions of using land, relocate outside the inconsistent production facilities, training facilities, health facilities. To add to improve social infrastructure systems, technical infrastructure, embellishment of urban architecture, landscape, enhance of trees, water and habitat protection, to limit the development of high-rise buildings and control the mechanical growth of population, reducing from 1.2 million people down to about 0.8 million people.

Inner capital area’s limitation extended from the ring road 2 to Nhue River is the development area of high-quality city-level new urban area, cultural centers, and services - commerce with modern architecture. To improve urban infrastructure synchronously, modern; embellish architecture of some residential areas and suburban villages in the process of urban expansion. The population up to 2030 is about 0.85 to 0.9 million people.

+ The southern extension area of the Red River from Nhue river to the 4 ring road includes a chain of urban areas: Dan Phuong, Hoai Duc, Ha Dong, Thanh Tri as synchronous and modern new residential development area, cultural centers, commercial services, finance of region, nation. The population up to 2030 is about 1.2 to 1.4 million people.

+ The northern extension area of the Red River, South Ca Lo River, includes three major areas: Urban area of Long Bien - Gia Lam - Yen Vien: to develop commercial services, education, health centers ... associated with high-tech industry in the direction of the Highway 5 and Highway 1. By 2030, population is bout 0.7 million people.

Dong Anh urban area: to develop international trade, high-tech industries, ecological tourism and entertainment associated with the conservation and promotion of traditional cultural values​​of the Co Loa ruins, Thiep river and Van Tri swamp; to form the new sport area of Hanoi city and the Nation (for ASIAD), Hanoi trade, exhibition center (EXPO) and the entertainment area of the city. By 2030, population is about 0.55 million people.

The urban area Me Linh – Dong Anh: to develop service and clean, hi-tech industries associated with air services, Noi Bai airport, exhibition center, flower fairs, and science and technology center specialized in flowers and plants. By 2030, population is about 0.45 million people.

+ The two banks area of the Red River is the spatial axis of landscape of the capital center, the place to locate the parks, major entertainment, and cultural projects to organize the significant events of the Capital. To exploit, inherit the basic planning of development of the Red River, the passing-through-Hanoi section (has been organized to research by Hanoi city) to continue the research and synchronous development of the two banks of the section flowing through the city, affecting the spatial axis of cultural landscape - urban West Lake - Co Loa. Along the Red River, parts of the line passing through Tu Lien are not built high-rise buildings affecting the spatial axis of landscape connecting the West Lake – Co Loa.

- Five satellite towns, including the towns of Hoa Lac, Son Tay, Xuan Mai, Phu Xuyen and Soc Son, each satellite town has its mixed function and private characteristic operates relatively independent to support and share with the central urban on housing, education, industry and services ... the population by 2020 is expected abound 0.7 million people; urban construction land is about 24,300 ha, civil land is about 6,300 hectares, target is about 90 m2/person and outside civil land is about 18,000 people ha. In 2030, population is about 1.3 to 1.4 million people, urban construction land is about 35,200 ha; civil land is about 11,000 ha; target for civil land is about 60 to 95 m2/person outside civil land is about 24,200 ha. Population of satellites towns between now and 2030 must conform to the requirements of economic – social development in each period.

Hoa Lac satellite town has the main function as technology science, and training. To invest in facilities that the focus one are the Hanoi national university and Hoa Lac high-tech zones; to continue to improve tourism cultural village of Vietnam races associated with Dong Mo - Ngai Son and the tourism area in Ba Vi - Vien Nam, to develop the system of modern urban infrastructure and synchronization, such as health centers, institutions of university education, the new urban projects such as Tien Xuan - Phu Man, Dong Xuan as the western gateway urban of Hanoi, associated with the central urban by the high-speed transport system on the Thang Long Highway and axis of West Lake - Ba Vi. The Hoa Lac Area has tolerated a number of population of about 0.6 million people, urban construction land of about 18,000 ha, civil land of about 4,800 to 5,000 ha.

Son Tay satellite town is the urban of historic culture, resort tourism; focus on the Son Tay Citadel preservation zone, Duong Lam ancient village and develop newly the center for tourism associated with Xuan Khanh lake, training services, health and the new urban. As the northwest gateway town of Hanoi, linked to the central town by public transportation system on the Highway 32 and the road of Thang Long West. By 2030, population is about 0.18 million people, urban construction land is about 4,000 ha, civil land is about 1,700 ha.

Xuan Mai satellite town is the urban of services - industries supporting the development of small industries and craft village systems; to develop the small industries zones, the service centers on commerce, university education, college.... as the southwest gateway city of Hanoi linked the central urban connected with the northwest mountainous provinces through Highway 6 and South Highway 6 corridor. By 2030, population is about 0.22 million people, the urban construction land is about 4,500 ha, civil land is about 2,000 ha.

Phu Xuyen satellite town is the urban of industry, transportation hubs, and transshipment of goods; to develop the industrial zones, clusters to relocate industrially from the inner capital area, Ha Tay area (old) and support the development of agriculture for the southern plains of the Red River. To form the service centers of goods transshipment, housing zones of workers and other urban facilities such as high-quality medical, training ... To build a system of large artificial generating lakes to serve drainage, consistent with low-lying characteristic of the region. As the southern gateway urban of Hanoi connected to the central city through the economic corridor North-South - Highway 1A: The population up to 2030 reaches 0.12 to 0.13 million people, urban construction land of 2,500 to 3,000 ha, about 900 ha of civil land.

Soc Son satellite town is the urban of development of industry and air services, eco- resort tourism, forming newly the Mai Dinh industrial zone and clean industrial zones; medical centers, focus universities zone. To exploit the potential of international airports of Noi Bai, Trans-Asia economic corridor of Con Minh - Hanoi - Quang Ninh and the landscape of mountain Soc and Mount Tam Dao, as the northern gateway of the capital, connected urban centers through the National Highway 3, Thang Long - Noi Bai and Nhat Tan - Noi Bai. By 2030, the population is about 0.25 million people, the urban construction land is about 5,500 ha, about 1,900 ha of civil land.

- The Townships

To build the townships according to the urban ecological model of low density, from the existing district townships like Phung, Tay Dang, Lien Quan, Kim Bai, Van Dinh, Dai Nghia, Thuong Tin, Phuc Tho, Quoc Oai, Chuc Son, and the new townships. To Develop the district townships to become economic - social centers of the districts, hubs of: infrastructure (supply of electricity, water, transport, and sanitation), public services (the administration, the commerce, education, health ...), and manufacturing (industry, small industry, technology transfer, information, finance ...) of the city. By 2020, population is expected about 0.2 million people, about 3,400 to 3,500 ha of urban construction land, about 1,900 ha of civil land, target of about 95m2/person and outside civil land of about 1,500 – 1,600 ha. By 2030, population is about 0.23 to 0.25 million people, about 4,100 to 4,300 ha of the urban construction land of which: civil land of about 2,100 to 2,200 ha, target of about 90 - 95m2/person and outside civil land of about 2,000 to 2,100 ha, develop three townships Phuc Tho, Quoc Oai, Chuc Son into the ecological urban areas.

c) Rural development orientation

To develop rural in Hanoi under the model "new rural", focus on developing rural roads, upgrading the inter-communal and inter-village roads, and relocate on site residents of places where the new or expanded road passing through. The commune centers approaching villages and urban service areas by the transport system to be upgraded and newly built. To preserve traditional craft villages, religious cultural historical relics, natural landscape associated with tourism and entertainment. To form the high-tech agricultural zones (high-yield rice, clean vegetable production areas by technological advances, maintaining and expanding the vegetables planting areas, traditional fruits planting areas, concentrated breeding areas ...). To control and restrict development that takes agricultural land to build newly, expand unplanned. To construct the concentrated craft village production areas outside the resident villages, reduce environmental pollution in craft villages. For rural housing, promote development of architectural value, conservation of traditional village space.

d) Orientation of green space and water.

- The city s green space, including green corridors, green belts along the Nhue River, green wedges and the urban parks.

Green Corridor, including rural areas, the system of lakes, mountains, natural forests, agricultural areas ... are strictly protected to become the logistics for urban areas, preserves landscape and ensure urban living environment. Green belt along the Nhue River is the buffer separating between the expanded inner capital areas with the southern expanded urban area of Red River.

The green wedges are the green buffer separating the new urban areas along the Eastern 4th Ring Road and the northern Red River.

Urban park system: to upgrade the existing green space, adding a portion of land fund the land zones after relocation of the offices, industrial production facilities ...In the inner capital areas, to prioritize the new construction and completion of the parks, flower gardens. To build the entertainment parks and topics such as historical park Co Loa; entertainment cultural park West Lake, zoological parks, Thong Nhat, Yen So, Me Tri parks...; ecological parks associated with the sports activities, roundabout connection with the natural systems of trees in the area of Soc Son, Ba Vi, Huong Tich and system of lakes. To control the development of existing villages, construct some public works in small size, low-rise associated with the ecological characteristics of trees and water surface Co Loa, Thiep River, Van Tri swamp…

- Water surface: to preserve and restore systems of river, lakes and ponds to balance the ecological environment, enhance the ability of urban drainage, promote water transportation and activities of tourism and entertainment. To set up the corridor to protect rivers, lakes, dams, and irrigation, to plan the space of ecological landscape, protect biological environment along the rivers connected to the green spaces, major cultural, economic, social centers of the cities and the historic inner capital areas to make the specific environment: culture, ecology, architecture, water face, and trees.

5. The development orientation of major functional areas

a) System of agencies, offices, security, and national defense

- The head offices of the Party, National Assembly, the State, and Government located in Ba Dinh area.

- To review and relocate the working offices of several central agencies outside the inner capital to the areas Me Tri and West Lake. Prioritize the location at the West Lake area to add the offices of central agencies, to create favorable connection conditions with the headquarters of the Central Party, the National Assembly, President, and the Government.

- Offices of the City Party Committee, People s Council, People s Committee of city located in the area around Hoan Kiem Lake. On the basis of moving offices of some agencies Ministries- branches, locating of Departments, branches of the city at the appropriate locations to conveniently contact with the headquarters of the city Party Committee, People s Council, the city People s Committee.

- To arrange, upgrade, renovate, refurbish and hold land fund, status of security and defense sector upon the planning of specialized security and defense.

b) Orientation of housing development

By 2030, the average housing area for urban areas is a minimum of 30m2 using floor/person and housing in rural areas is a minimum of 25m2 using floor/person. For the inner areas, improve living conditions in residential areas, old apartments, control building density, and height; to add public function, trees, and technical infrastructure. To control planning and architecture for houses that people build by themselves without permission. To build houses obtaining national standard in response to variety of using objects in the satellite cities and new urban areas to reduce load to the central urban.

c) The development orientation of education and training system.

- The education schools of universities and colleges:

To dispose and rearrange the system of universities and colleges, inner capital areas is controlled at 300 thousand students. To newly construct 3,500 to 4,500 ha of the zones, clusters of universities, including: Gia Lam of about 200 to 250 ha (50 to 60 thousand students), Soc Son of about 600 to 650 ha (80 to 100 thousand students), Son Tay of about 300-350 ha (40-50 thousand students), Hoa Lac of about 1,000-1,200 ha (15 to 20 thousand students), Xuan Mai about 600-650 ha (80 to 10 thousand students), Phu Xuyen 100 - 120 ha (15 to 20 thousand students); Chuc Son of about 150 to 200 ha (20 to 30 thousand students). To perform the relocation or construction of 2thfacility for some inner capital schools moving to the satellite towns or provinces in the Capital region; after-removal land fund is used for purposes of urban public service.

- The system of general and hope education: for the inner capital area, to increase the area of school construction through the projects of reinvestment of land fund of functions conversion of the industrial clusters, facilities, the offices.... To promote the programs of modernization, standardization of the general and hope schools, build synchronously the system of general education in the new urban areas according to current regulations.

d) The development orientation of the medical systems and community health care.

To upgrade the hospitals, medical facilities available in urban areas, exploit to serve community under the current regulations, standards; to move the medical establishments treating high level infectious, infectious diseases out of the inner capital, to reserve land for the facilities of research - training - health care of high quality.

To invest in construction of the combination of high-quality medical projects of international, national size, such as the centers of training - medical examination, treatment, rehabilitation, production of pharmaceuticals - medical equipment and 2thfacility for the central hospitals and the city in Gia Lam - Long Bien (about 50 ha), Hoa Lac (about 200 ha), Soc Son (about 80 to 100 ha), Phu Xuyen (about 200 ha), Son Tay (about 50 ha). For the expanded urban areas, satellite cities, ecology urban area and the existing townships, to build the districts, city hospital system, and general practice clinics under the standards and regulations of construction of Vietnam, to strengthen and improve the grassroots health network.

đ) The development orientation of the system of cultural projects.

To complete the network of hierarchical cultural works in the urban areas and rural residential places in Hanoi; to improve and embellish the existing cultural centers of the historic inner capital area and the existing residential areas, newly construct and continue to improve cultural tourism village of Vietnam ethnics, typical cultural buildings of the capital such as museums, theaters ... associated with the natural landscape of the Red River, West Lake; Co Loa, Thang Long royal citadel and on the main spatial roads, the large cultural center of Hanoi, to set up cultural squares system, the spaces for community exchange relation, the space for walking associated with the monuments, statues, large art mural paints... associated with the green tree parks, parks, agencies, public administrative works, the public offices, and entertainment zones.

e) The development orientation of system of sport works.

To build newly the sports center of international and regional size in the north area of the Red River for Asiad (or Olympic in the future), the sports center of West Lake, the recreation sports centers in association with the large entertainment parks of the capital such as topography sports centers, the sport combination of multi-types... To complete the My Dinh national sports center, improve and upgrade the old sports facilities in the city, to build completely the sports facilities in urban areas, old residential areas, and schools.

g) The development orientation of system of commercial services.

- The central urban area: to construct newly the centers of trade fairs and exhibitions of national, international level in Me Tri and Dong Anh; centers of finance, banks, international trade, services in West Lake and Dong Anh; centers of commercial service, bank and finance in the urban areas in Ha Dong, Dan Phuong, Hoai Duc, Thuong Tin - Thanh Tri and along the Ring Road 4, to construct newly general commercial center of the city of about 10 to 15 ha/area in Thuong Dinh, Vinh Tuy ... on the land of the industrial zones, offices moved; renovate and upgrade the existing service commercial works upon the hierarchical service; encourage the use of underground space in the commercial and service buildings, the hub station to develop commercial services.

- In the satellite cities and townships: to construct newly the trade centers, supermarkets, markets ... synchronously, modern and the routes or commercial streets axis.

- In rural areas: to improve and upgrade the traditional markets; develop the expansion of wholesale markets of agricultural products, the centers of shopping - commercial service of small and medium size, retail markets.

- Key transport areas: to form 02 areas of service, distribution, transshipment of goods in Soc Son and Phu Xuyen. To build a network of general agricultural products wholesale market of regional level of about 20 to 30 ha/market associated with the agricultural areas of rice, vegetables, fruits of high yields in 05 regions: North (Me Linh), South (Phu Xuyen), West (Quoc Oai), East (Long Bien, Gia Lam), Northwest (Son Tay). To build a network of centers of wholesale and procurement of regional level of about 20 ha/center associated with the central urban area, the satellite cities and the inter-regional traffic hub in Soc Son, Phu Xuyen, Hoa Lac, Chuc Son, Gia Lam.

h) Orientation of tourism development

To build clusters of tourism, history - the national culture of West Lake – Co Loa - Van Tri, ecological-cultural tourism zone Dong Quan - Mountain Soc; clusters of resort tourism Ba Vi - Suoi Hai; spiritual cultural tourism Thay Pagoda, Tay Phuong Pagoda, Tram Gian Pagoda ...; sports tourism zone Dong Mo - Ngai Son, Ao Vua, Khoang Xanh, Suoi Hai, Ba Vi National Park ... To form the cultural and spiritual landscape tourism zone Huong Son and clusters of ecology, resorts Vien Nam, form the cluster of cultural and spiritual tourism, craft villages Ha Dong - Quan Son - Huong Son. To develop agro-ecological tourism, ecological forests and craft villages associated with the protection and promotion of traditional cultural values, the historical relics, cultural heritage, mountainous ecological landscapes, rivers, lakes, swamp, agriculture - forestry ... and the excellent art science zones of Hanoi, to develop water tourism on the Rivers of Red, Nhue, Day, and Tich.

i) Industrial development orientation.

To develop less polluted, clean industry, high-tech zones; relocate industrial facilities in the districts in the form of appropriate lines. To devote the after-relocation industrial land for building the system of social infrastructure, trees, parking places and public services ...

To form the high-tech zones, technology cluster of around 8,000 ha. The North consists of Soc Son, Me Linh, Dong Anh, Long Bien, Gia Lam, Tu Liem of about 3,200 ha; prioritize the development of the electronic industry - information technology, mechanic, automobile production, new materials industry, pharmaceutical chemistry - cosmetics, textiles ... The South to be of Thuong Tin, Phu Xuyen of about 1,500 ha: prioritize the development of biological industries for agriculture (high technology agriculture), modern technology agro-processing with inputs from the agricultural development regions of the southern provinces of Hanoi: develop supporting industries (textiles, footwear, engineering mechanic, informatics electronic, manufacturing and assembly of automobiles) ... The West is Hoa Lac and Xuan Mai, Mieu Mon of about 1,800 ha: prioritize the development of key industries as biotechnology for agriculture, pharmaceutical chemistry - cosmetics, electronic technology, accuracy mechanic, new materials technology, nanotechnology, new energy technologies, building materials, high quality furniture .... In the townships of about 1,400 to 1,500 ha: prioritize the development of ecological industry, processing of agricultural product, food of high quality.

To plan the development of system of the existing craft village production facilities in rural areas: inspecting manufacturing facilities and the craft village that are interleaving in the villages and rural residential areas to take management measures to strictly control for environment and infrastructure. To preserve and develop traditional handicrafts, craft villages at risk of environmental pollution must be taken into zones, clusters of concentrated industry. To develop transport in connections between the productions with the main roads, build the service centers of on-site support to cater for visitors of craft villages and introduction to purchase products.

6. Orientation for technical infrastructure development

a) On transport system

- General orientation:

To enhance the development of transportation systems for public passenger to meet the major travel needs of cities such as Bus Rapid Transit (BRT), urban railway, build a number of multi-level routes from the belt route 4 back on, to build completely, synchronous the system of transport meeting the needs of the city s development in each stage, to organize reasonable traffic at intersections, roads to ensure the flow in the inner capital and at the gateway of the city, contributing to solve the congestion and traffic accidents.

Percentage of transport land for central urban sector occupies 20% - 26% of urban construction land. Public passenger transport in 2020 meets 35% of all passengers, about 55% in 2030 and the percentage of transport land for the satellite cities occupies 18% - 23% of urban construction land, public passenger transport in 2020 meets 26%; about 43% in 2030; and the ratio of transport land of the townships occupies 16% - 20%.

To link central urban areas with the satellite cities by means of public passenger transport: suburban railway, BRT, buses.

- External transport:

+ Road traffic: To build, improve the system of centripetal highways, including 7 routes: Ha Noi - Thai Nguyen, Hanoi - Lao Cai, Hanoi - Ha Long, Ha Noi - Hai Phong, Hanoi – Hoa Binh, Highway Tay Bac - Highway 5, Ha Noi - Ninh Binh - Thanh Hoa. To build newly and renovate Ho Chi Minh road phase 2. To complete the belt lines 3, 4 and 5; renovate and upgrade the centripetal highways: Highway 1A, 6, 21B, 32, 2, 3, 5. To build newly the roads connecting the central city and satellite towns with the inner regional transport axes: Ngoc Hoi - Phu Xuyen, Ha Dong - Xuan Mai, the axis of West Lake - Ba Vi, West Thang Long, Do Xa - Quan Son, axis of north-south economy, Mieu Mon - Huong Son, the southern economic axis, Le Van Luong - Chuc Son and the important centripetal provincial roads.

On the main axis lines of the urban, to plan the clusters of combination of works for public, office under the direction of open space, modern architecture, to create urban specific characteristic, to develop with control on architecture, landscape of the centripetal spatial axes to the inner capital of Hanoi.

To build newly 8 bridges and tunnel across the Red River, to build newly 03 bridges, and fully make 02 bridges across the Duong River; to build newly 02 bridges across the Da River and improve, construct the system of inter-provincial terminals, parking lots and the contact points in association with end-points of Buses.

+ Railway traffic: To build, improve the system of the national and international railways and railway stations: Hanoi-Ho Chi Minh city, Hanoi - Lao Cai, Ha Noi - Ha Long, Ha Noi - Hai Phong, Hanoi - Thai Nguyen; To build newly the belt railroads along the belt road 4; to research to build the high speed railways Hanoi - Vinh; the inner locality railway lines: Hanoi - Hoa Binh, Hanoi - Bac Giang, Ha Noi - Hai Duong, Hanoi - Hung Yen, Ha Noi - Phu Ly. To build the logistics centers to distribute and transship passengers and goods between the various types of railway transport with road associated with the hub stations such as Ngoc Hoi, Bac Hong, Co Bi, west Hanoi.

+ Airway traffic: to upgrade the Noi Bai international airport to reach 50 million passengers/year after the year of 2030; Gia Lam airport to serve short-range domestic and Hoa Lac, Mieu Mon airports mainly for military, can serve for civilian if needed, Bach Mai airport is the airport for rescue, helicopter.

Waterway traffic: To improve, dredge the ways, lines; upgrade and build newly ports, docks along the Da River, Duong River, and Red River for waterway linking with national networks, to improve Day River, Tich River, Nhue River, Ca Lo River for tourism.

- Urban Transport

+ Road Traffic:

The central urban area: Continue to build, renovate, improve, and complete the connection with the ring roads, the centripetal axes, the synchronized main urban axes with the traffic intersections. To complete and construct part of the belt roads 2, 3 and a number of centripetal routes.

The satellite cities: transportation system is planned synchronously and modernly, consistent with function, scope, and specific conditions of the urban areas, to ensure rapid contact with the central urban and other urban area.

The townships: road network developed based on a combination of upgrading the existing road system with new construction in sync and modernization, in accordance with specific ecological natural characteristics of the townships, to ensure rapid contact with the central urban and other urban area.

+ Static Traffic: To boost the underground parking system at the parks, gardens, under the combination of large-scale projects, to dispose the focus car parks combined with other functions of land use on the basis of land converted from industrial parks, offices, schools in the inter city.

+ Railway traffic:

To build newly urban railway lines connecting the central urban with the satellite towns, to build eight urban railways in the central urban upon the stages, in combination with the construction of public, service projects and the construction of urban railway stations.

+ Waterway:

To renovate and add the generation of water sources in the dry season for the Ca Lo River, Day River, Tich River, the Rivers Thiep - Ngu Huyen Khe, river system Nhue – To Lich for tourism waterway transport operation, vacation by boat, to construct the tourism wharf along the rivers.

b) On the technical preparation of land.

Ground filling planning must combine closely with the rain water drainage planning, required to ensure that it is not to be affected by flood, the adverse effects of nature and climate change. The controlled ground height of each urban is selected by the hydrological regime of rivers and streams directly affect urban; to comply with current standards, the importance, not contrary to the plan which was approved and in harmony with the areas which were built adjacent.

c) On surface-water drainage

Urban surface water drainage must be in accordance with irrigation planning on dividing the three main basins Ta Day, Huu Day, and north of Hanoi. Drainage direction under natural terrain is the main one and to the pump stations which were built in the area.

The lake systems are generated, distributed evenly over the basins and reaching the rate of 5% - 7% of the basin area. To clear, expand, dredge the main axis passing through the cities such as Red River, Day river, Nhue river, Tich river, Hang River, La Khe canal, Van Dinh canal, Hoang Giang River - Ngu Huyen Khe, Ca Lo River ...

To build embankments of all the crucial sections of the river, sections of the river passing through the urban to prevent landslides and ensure beauty and prevent encroachment.

d) On prevention and combat of flood

To Comply with the guarantee level for prevention and combat of flood and flood sewage boundaries according to the planning of prevention and combat of flood on the system of Red River and Thai Binh river, the planning of prevention and combat of flood for each river with dyke in Hanoi area approved. The works to divert or slow the flood will comply with the specific provisions of the Government, Ministry of Agriculture, and Rural Development and Hanoi city.

To combat flood across the Chuong My area, upgrade two reservoirs Dong Suong and Van Son, to construct the open ditches western Ho Chi Minh road to collect flood for guaranteeing that flood shall not overflow into the city.

e) On water supply

To exploit and use rationally water resources, prioritize surface water and gradually replace groundwater source by surface water from the Da river, Duong river and Red river, to use water economically, efficiently, and increase ratio of recycling water in public, living and industrial activities.

The key works of water supply: To improve capacity of the Song Da surface water plant to reach 1.2 million m3/day; to build new surface water plant on the Red River of about 450,000 m3/day; Duong river of about 600,000 m3/day. Total capacity of groundwater plants reach 475,000 m3/day; the water supply station in rural areas is about 250,000 m3/day, to build the pipeline system of transmission and distribution, pumping stations, tanks, support facilities, fire fighting water supply system.

e) On power and lighting supply of urban area

To expand and upgrade the Thuong Tin 500 kV station, to build newly the 500 kV station Quoc Oai, Dong Anh, Dan Phuong and Hoa Hiep (Bac Giang Province) up to 2030 reaching a total capacity of 11,700 MVA. To build newly the 500 kV line Thuong Tin - Quoc Oai - Dan Phuong and connect to the 500 kV line from Son La to Hoa Hiep, the 500 kV line Hiep Hoa - Dong Anh – Pho Noi. To renovate and expand 05 existing 220 kV stations as Soc Son, Mai Dong, Chem, Ha Dong, Xuan Mai and to build newly another 21 stations with total capacity of reaching 14,250 MVA by 2030.

Gradually, the lay underground the existing lines of 220 kV, 100 kV within the central urban. To build newly and renovate and lay underground the electricity net within the central urban, the satellite towns. For the power stations in urban areas, it must be used the close, synchronized stations in order to save land and ensure the landscape.

To renovate and complete the urban lighting system in accordance with the nature of the work function and the standards as prescribed. Rate of 100% on urban roads and more than 90% of alleys are lighted with high performance. To form the center of controlling lighting focused on the entire urban area.

g) On the drainage of waste water, solid waste disposal and cemeteries

- Drainage of waste water:

The rate of urban wastewater collection reaches 100%. To renovate and upgrade the sewer system in the inner capital, the old urban areas; it must build the own sewage systems for the new urban areas, waste water focus treatment. The wastewater treatment stations for the urban areas must be ensured environmental hygiene, with modern technological line, combined into block, saving land and reducing the distance to residential areas. For the rural areas, it must build the common drainage systems, prioritizing for biological wastewater treatment in natural conditions. The industrial, health facilities must be collected wastewater separately and treatment must meet the environmental standards.

- Solid waste:

The rate of urban waste collection reaches 90 to 100%, rural areas reaches 85%, it needs to sort waste from the source. To build newly and expand 12 concentrated solid waste treatment areas with a large-scale in the districts: Soc Son, Dong Anh, Gia Lam, Phu Xuyen, Thanh Oai, Chuong My, Thach That, Son Tay and build newly the inter-provincial solid waste treatment area in Lang Son. The total demand for land for construction of living solid waste disposal activities is about 356 ha, of which the construction area is about 230 hectares of new additions.

The solid waste treatment areas with large scale is selected modern technology; the rate of recycling, incineration for electricity reaches 60 to 85%, and sanitary landfills reaches 15 to 40%. The small-scale processing areas in rural areas are prioritized in use of landfill and recycling technology for agriculture. In each district’s area, it needs to be built a solid waste treatment area for demand of each locality.

- Cemetery:

Cremation rate is expected to reach over 40%. Gradually stop the temporary burial in the existing focus cemetery from 2013: Van Phuc (Ha Dong); Xuan Dinh (Tu Liem), Mai Dich 1, Yen Ky 1. Van Dien Cemetery is maintained only for cremation, final inhumation. To close the scattered cemeteries filled in the inner capital and plant trees to isolate to ensure environment, landscape, to expand and construct newly the concentrated cemeteries and construct newly the crematories for the suburban districts; to combine to use the park cemeteries of the provinces in the capital area. In each district’s area, it needs to be built cemeteries for demand of each locality. The people cemeteries scattered must be set aside land to plant trees for separation.

h) On communications

Communications system is required to build with modern and new technologies; to converge types of telecommunications, Internet, television; and to absorb new technologies of the world.

To upgrade and expand the transmission and switching systems across the whole city; to deploy synchronously the underground cable network upon the urban underground works; to invest in upgrading the information infrastructure to serve development of economy and society for use as a basis for deploying e-government; to complete construction of the City wide networks serving the economic - social - cultural activities and urban development management of the capital.

To manage and optimize the frame infrastructure systems for development of mobile communication networks; to operate the telecommunications satellite for service development; to develop, improve the quality of the postal network, combine to provide public-utility services with commercial services to meet the needs of social development.

i) On environmental protection orientation.

- Orientation to reduce environmental pollution.

To reduce environmental pollution by setting up a modern public transport system together with using efficient fuel in the transport activities.

To move the old industrial facilities, health facilities of treating the infectious diseases out of the inner capital aiming to reduce pressure on environmental pollution for the central urbans, to conserve the ecosystems and biodiversity, with 70% of the total natural land area for green corridors in order to keep the urban ecological balance, climate conditioning, pollution reducing, increase in the environmental carrying capacity.

- To partition to control, protect the environment.

Conservation areas restricted the development consist of the old towns, old town, Son Tay urban, Huong Son, the area of cultural relics, the heritage conservation area, landscape protection and environmental restoration.

Region of environmental quality control in the new central urban area develops along the Ring Road 2, 3; to control air environmental quality due to the transport operation, water quality in lakes and rivers; to improve the environment of the old residential quarters.

To control the polluting facilities such as southern old industrial zone of Hanoi (Thuong Dinh, Minh Khai, Phap Van, Van Dien), Duc Giang, Long Bien, Dong Anh ... To thoroughly handle the business, production facilities causing pollution; to restore the polluted canals, lakes; to improve drainage, reduce air and noise pollution.

To control the urban environment and core urban industrial zones expanded from the Nhue River to the spring road 4. To improve the village environment, mitigate the impact of changing land use, improve the quality of life, create jobs, resettle, and control industrial and urban environmental pollution.

To supervise pollution, develop ecological agriculture, thoroughly handle the environment polluting facilities the new urban areas of Hoa Lac, Gia Lam, Dong Anh, Soc Son, Xuan Mai, Linh - Dong Anh, Phu Xuyen.

Environmental protection areas along two sides of Red River: flood impact mitigation and prevention of incidents and protection of ecosystems; Green Corridor along two sides of the Nhue river: Disposal of garbage, waste water, Nhue river’s environment restoration, pollution control, establishment of riparian ecosystems, microclimates conditioning; Green Corridor of the flood discharge area of the Day and Tich rivers: flood impact mitigation, disposal of garbage, waste water, polluted villages improving, Day river rehabilitation and construction of eco-village models.

Strict protection areas of special-use forest ecosystems, wetlands: Locations: Ba Vi, Dong Mo, Suoi Hai, Quan Son, West Lake, Soc Son, Huong Son. To conserve Heritage, protect landscape of ecology, biodiversity, build infrastructure for environmental protection.

Environmentally controlled areas of rural, craft villages to areas of Thach That, Quoc Oai, Hoai Duc, Thanh Oai, Ung Hoa, Thuong Tin, Phu Xuyen. To preserve cultural values, control pollution, mitigate the impact of resettlement, changes in land use.

The orientation contents of planning of technical infrastructure system will be further supplemented, researched, determined specifically in the scheme of specialized planning of technical infrastructure, zoning planning and detailed planning.

7. Orientation of preserving cultural and historic heritage and nature

- To preserve and promote the cultural value of Thang Long – Hanoi; to manage architecture of urban landscape and conserve and cultural values​​at the center of politics Ba Dinh, the world heritage – center area of Thang Long Citadel, the antique quarter, the old quarter, the area along the West Lake, the Co Loa ruins, ancient city of Son Tay, the traditional craft villages, clusters of relics and relics alone.

- To limit the development of high-rise buildings, reduce building density and the density of residents, conserve features of old urban structures and protect and promote the value of landscape of the architectural works with values of culture - history - religion, typical architecture of the periods of development to build capital in the historic inner capital area.

- The historic, cultural relics, and ancient citadel, ancient villages, revolutionary relics, religious belief ... is zoned for protection and have regulations to strictly control the conservation activities of relics, construction activities and other sightseeing activities.

- To conserve the particularly important ecological landscape such as Ba Vi National Park, Mount Soc, West Lake, the Dong Mo lake, Huong Son, area along the Red River, Day River ... To control the construction, management and exploitation of benefit resource of natural areas, undeveloped residential areas, urban areas.

8. The prioritized program of investment.

a) Investment in construction and renovation of new urban development and the main economic – social facilities.

- To renovate the old apartments; develop the eastern new urban areas of the ring road 4, Dong Anh, Me Linh - Dong Anh.

- Social housing and resettlement, green tree park and lakes generating water.

- To develop the system of commercial centers and culture, sports; to build the financial centers, the Dong Anh international exhibitions and sports.

- To relocate the facilities of colleges, universities, health in the inner capital areas. To construct the clusters of new universities and the combination of multi-functional health as planned.

- To make programs and plans for training and improving professional capacity of officials of urban management.

b) Investment in building the technical infrastructure.

- Transportation:

To construct and complete the centripetal and belt transport axis: Nhat Tan - Noi Bai, west of Thang Long, West Lake - Ba Vi, Do Xa - Quan Son ....; Ring Roads 1; 2; 2.5; 3; 3.5; 4, the main urban roads. To develop the system of multi-tier roads, different level intersections, terminals and parking lots, to upgrade rural roads; to prioritize construction of the systems of urban railways, BRT, buses meeting the almost need for public transport of the capital.

- Water supply: to upgrade the capacity of surface water plants: Da River (600,000 m3/day), Red River (300,000 m3/day), Duong River (300,000 m3/day).

- Power supply: Construct newly the 500 KV stations Quoc Oai, Hiep Hoa, Dong Anh; renovate and expand the 500 KV Thuong Tin, the 500 KV transmission line from Viet Tri passing through Quoc Oai, Thuong Tin; to upgrade 22 substations of 220 KV (9,000 MVA).

- Waste water drainage: To export the system of wastewater collection and treatment in the central urban areas; to treat wastewater for the National University of Hanoi in Hoa Lac and concentrated industrial zones.

9. Mechanisms and policies

- To specify the legal documents relating to the management and implementation of planning and architecture.

- To complete, supplement, and make newly the legal regulations related to construction planning and management of urban development.

- To develop and complete mechanisms and policies; to mobilize the resources to invest in developing infrastructure in urban and rural areas.

- To develop mechanisms, policies and regulations; to guide the implementation of underground space, protection area of landscapes.

- To develop the list and measures to protect and embellish the works with value on culture and architecture, history.

10. Management regulations.

The management of the implementation of planning is specified in the "Regulations on management of the general planning scheme to build the capital up to 2030 with a vision toward 2050" attached to this approved decision.

Article 2. Organization of implementation

a) The People s Committee of Hanoi City:

- To coordinate with the Ministry of Construction to publicize, keeping the scheme records in accordance with provisions.

- To preside over and coordinate with the ministries, branches to make the planning scheme of the branch in accordance with the general planning which has been approved by the Prime Minister.

- To review, adjust, and supplement the contents of planning in the planning scheme and related management regulations issued in accordance with the planning managed by the scheme of general construction planning approved.

- To formulate and approve the zoning planning, detailed planning, urban design, construction planning of rural residential areas, regulations on management of architectural planning, ... in accordance with the general planning to build capital of Hanoi, the provisions of the law and complete within the time limit prescribed in the Decree No.37/ND-CP dated April 07, 2010 of the Government on the formulation, appraisal, approval and management of urban planning.

- To direct the review and management of high-rise projects in the city area under the specific conditions of each region, in accordance with provisions on management by the general planning scheme approved.

- To develop mechanisms and policies to implement the planning according to schedule and order of priority.

- To direct the planning, program of improvement and embellishment of urban, the urban development program, plans to invest in the construction of social - technical infrastructure; strictly manage the land fund expected for development of works, the important functional areas of the city as planned.

b) The Ministry of Construction:

- To preside over the organization of publication of planning, keeping the scheme records in accordance with provisions.

- To inspect the implementation of the general planning scheme to build Hanoi capital which has been approved; provisions of management by the general planning scheme to build Hanoi capital in accordance with the provisions of functions and duties.

- To preside over the implementation of adjustment of regional construction planning of the Hanoi capital.

c) To assign the concerned ministries, branches and localities on the basis of the approved planning to coordinate with Hanoi city for the implementation of sector planning, planning of local construction to ensure consistency and the unity.

Article 3.This Decision takes effect from the date of signing.

President of the People s Committee of Hanoi City, ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of governmental agencies and the presidents of the concerned Provincial People s Committees are responsible for the implementation of this Decision.

 

 

 

PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

 

 

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Bản dịch tham khảo
Decision 1259/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 2612/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung Quyết định 2010/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2024 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ kế hoạch và đầu tư thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính sách

Quyết định 2633/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tài chính-Ngân hàng, Chính sách

văn bản mới nhất