Quyết định 1194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 1194/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 1194/QĐ-TTg |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Hoàng Trung Hải |
Ngày ban hành: | 22/07/2014 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Trên cơ sở nhận định vùng Tây Nguyên (gồm 05 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại - du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông và vùng biển Đông; là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su và sản xuất rau hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu..., ngày 22/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1194/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030.
Tại Quyết định, Thủ tướng khẳng định sẽ phân cấp mạng lưới đô thị vùng Tây Nguyên thành đô thị trung tâm vùng; đô thị trung tâm tổng hợp cấp tỉnh và trung tâm cấp thiểu vùng, đô thị nhỏ trung tâm tổng hợp cấp huyện và đô thị dịch vụ chuyên ngành; đồng thời hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở dân cư hiện trạng và kế hoạch phân bố dân cư theo định hướng tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng; đảm bảo hạn chế tối đa tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng 02 trung tâm y tế lớn cấp vùng tại Thành phố Buôn Ma Thuột và Đà Lạt và thành lập trung tâm chuẩn đoán y khoa kỹ thuật cao, trung tâm y học hạt nhân và xạ trị khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Lâm Đồng...
Dự tính, đến năm 2020, vùng có 89 đô thị trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 62 đô thị hiện có, hình thành mới 27 đô thị và quy mô dân số toàn vùng hơn 06 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33,5%; đến năm 2030, toàn vùng có 22 nhà máy thủy điện đấu nối vào đường dây 220 kV và 500 kV với tổng công suất 4.540 MW; 100% các huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động hiệu quả, 90% xã phường có trung tâm học tập cộng đồng và 90 - 100% dân số đô thị được dùng nước sạch với tiêu chuẩn 100 - 150 lít/người/ngày đêm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định1194/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1194/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số: 1194/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TÂY NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030
----
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:
1. Phạm vi nghiên cứu: Gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tổng diện tích là 54.641,069 km2.
2. Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020, giai đoạn dài hạn: 2020 - 2030.
3. Tính chất:
- Có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.
- Là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại - du lịch của các nước tiểu vùng sông Mê Kông và vùng biển Đông; vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su và sản xuất rau hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu; vùng phát triển nông - lâm nghiệp, thủy điện - thủy lợi, khai thác chế biến bauxit.
- Là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực; vùng đệm an toàn sinh thái và cung cấp nước cho khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ.
- Là vùng bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng lâu đời của vùng Tây Nguyên; phát triển du lịch văn hóa nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế.
4. Các dự báo phát triển vùng:
a) Dự báo về dân số
Năm 2020 quy mô dân số toàn vùng khoảng 6.211.500 người, dân đô thị khoảng 2.081.800 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33,5%; năm 2030 quy mô dân số toàn vùng khoảng 7.390.600 người, dân số đô thị khoảng 3.095.600 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,7%.
b) Dự báo đất xây dựng đô thị
Đến năm 2020 khoảng 23.888 ha, bình quân 110 - 120 m2/người; đến năm 2030 khoảng 33.475 ha, bình quân 100 m2 - 120 m2/người.
5. Định hướng phát triển không gian vùng:
a) Định hướng phát triển chung
Hệ thống đô thị vùng Tây Nguyên đến năm 2030 phát triển theo từng giai đoạn phù hợp với Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; Quy hoạch xây dựng Vùng biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020, đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh và toàn vùng.
b) Định hướng phát triển không gian vùng Tây Nguyên
Căn cứ các yếu tố đặc thù về tự nhiên, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các lĩnh vực phát triển chuyên ngành và định hướng chiến lược phát triển chính của quốc gia... vùng Tây Nguyên được phân ra thành các tiểu vùng và dải hành lang phát triển kinh tế. Mỗi vùng không gian kinh tế được gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng, đô thị trung tâm các tiểu vùng và đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp.
c) Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên
Gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum tập trung phát triển công nghiệp thủy điện; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Ổn định phát triển các loại cây công nghiệp; thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
d) Tiểu vùng Trung Tây Nguyên
Gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk, tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê.
đ) Tiểu vùng Nam Tây Nguyên
Gồm 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao.
e) Các dải hành lang phát triển kinh tế - đô thị
- Dải kinh tế phía Đông: Gồm các huyện nằm phía Đông tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk là vùng phát triển nông lâm nghiệp. Tại những vùng địa hình đồng bằng và tương đối bằng phẳng phát triển cây lúa, mía; vùng núi cao duy trì và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng các cụm công nghiệp chế biến nông - lâm sản gắn với vùng trồng cây nguyên liệu; phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử gắn với các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.
- Dải kinh tế trung tâm (cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk) là vùng nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh. Trọng tâm phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu (cà phê, cao su, điều, tiêu...) phát triển các loại cây ăn trái phục vụ nội địa; cây lương thực và chăn nuôi gia súc gia cầm. Phát triển các đô thị lớn, vừa và nhỏ, các khu - cụm công nghiệp lớn gắn với đô thị và vùng nguyên liệu, các đầu mối giao thông liên vùng. Phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa, du lịch, đào tạo, y tế, văn hóa thể thao cấp vùng.
- Dải hành lang kinh tế phía Tây: Gồm toàn bộ vùng không gian phía Tây huyện Đắk Glây, Ngọc Hồi, Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Ea Súp, Buôn Đôn, Cư jút (tỉnh Đắk Lắk) và toàn bộ tỉnh Đắk Nông. Trọng tâm phát triển công nghiệp khai thác chế biến bauxit, luyện nhôm và năng lượng thủy điện; khu vực dọc biên giới hình thành các đô thị vừa và nhỏ, các khu kinh tế quốc phòng gắn với hệ thống cửa khẩu và chợ đường biên. Khu vực núi cao phát triển lâm nghiệp để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, nguồn nước, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn.
- Vùng kinh tế - Đô thị Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng): Gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng. Vùng chuyên canh rau, hoa ôn đới công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và nội địa; vùng trồng chè, dâu tằm, bông, cà phê, trái cây; vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, văn hóa, lễ hội. Vùng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai; trung tâm du lịch lớn cấp quốc gia và quốc tế tại thành phố Đà Lạt; trung tâm đào tạo đa ngành cấp vùng; trung tâm nghiên cứu hạt nhân, sinh học cấp quốc gia.
- Phát triển các khu và cụm công nghiệp lớn gắn với đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, Bảo Lộc và các đầu mối giao thông liên vùng, vùng nguyên liệu. Trọng tâm sản xuất công nghiệp chế biến nông - lâm sản, khai thác bauxit, luyện nhôm, sản xuất giấy, vật liệu xây dựng, hóa dược, phân bón, dệt, may, bánh kẹo, rượu, cơ khí, đồ gỗ gia dụng, vật liệu xây dựng; tiểu thủ công nghiệp - thủ công truyền thống (đan, dệt thổ cẩm, nấu rượu, chế biến mứt hoa quả...). Xây dựng trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa (logistic) tại đô thị lớn, đầu mối giao thông đa phương tiện (đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, thành phố Bảo Lộc); vùng phát triển các công trình thủy điện quan trọng.
6. Định hướng sử dụng đất của vùng:
- Duy trì, phát triển, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái; ưu tiên dành đất cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội vùng và quốc gia, đất sản xuất nông nghiệp gắn liền với nguồn nước và điều kiện khí hậu, đất cho mục đích quốc phòng an ninh và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
- Dự báo nhu cầu sử dụng các loại đất chính đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 33.470 ha; đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 68.720 ha; đất xây dựng khu và cụm công nghiệp khoảng 11.880 ha; đất nông nghiệp khoảng 4.035.320 ha; diện tích đất rừng khoảng 3.336.000 ha; đất xây dựng công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khoảng 3.690 ha.
7. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn:
a) Mạng lưới hệ thống đô thị
Mạng lưới đô thị vùng Tây Nguyên phân theo các cấp gồm: Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đô thị trung tâm tổng hợp cấp tỉnh và trung tâm cấp tiểu vùng, đô thị nhỏ trung tâm tổng hợp cấp huyện và đô thị dịch vụ chuyên ngành. Cụ thể: Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng Tây Nguyên; thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch cấp quốc gia và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên; thành phố Pleiku, Kon Tum, Gia Nghĩa là trung tâm tổng hợp cấp vùng tỉnh và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên; các đô thị Ngọc Hồi (Pleikần), Măng Đen - Kon Plông, Buôn Hồ, An Khê, Kiến Đức, Eaka, Đức Lập (Đắk Mil), Bảo Lộc là các đô thị trung tâm tiểu vùng; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh là đô thị động lực vùng biên giới; các thị trấn trung tâm huyện có vai trò là đô thị dịch vụ tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn huyện.
b) Phân bố hệ thống đô thị
Đến năm 2020 vùng Tây Nguyên có 89 đô thị trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 62 đô thị hiện có và hình thành mới 27 đô thị. Trong đó có 03 đô thị loại I, 02 đô thị loại II, 03 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV, 66 đô thị loại V.
Đến năm 2030 vùng Tây Nguyên có 117 đô thị trên cơ sở nâng cấp 89 đô thị hiện có và xây dựng mới 28 đô thị. Trong đó có: 03 đô thị loại I, 03 đô thị loại II, 07 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV, 83 đô thị loại V.
c. Định hướng phát triển điểm dân cư nông thôn
Hệ thống các điểm dân cư nông thôn được bố trí trên cơ sở dân cư hiện trạng và kế hoạch phân bố dân cư theo định hướng tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế toàn vùng; đảm bảo hạn chế tối đa tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; thuận tiện trong kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã, liên huyện, liên vùng; phù hợp với truyền thống văn hóa, tập quán sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân theo Tiêu chí nông thôn mới.
8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:
a) Định hướng phát triển dịch vụ - thương mại
Tại các đô thị lớn: Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Gia Nghĩa, Kon Tum, Bảo Lộc xây dựng các cơ sở dịch vụ hiện đại gồm các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm...; hệ thống đại lý phân phối, bảo hành sản phẩm; trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa (logistic)…
Tại các đô thị trung tâm tiểu vùng là Buôn Hồ, Ayunpa, An Khê, Chư Sê, Ngọc Hồi (Pleikần), Đắk Tô, Liên Nghĩa - Liên Khương, Phước An, Kiến Đức và các đô thị loại IV khác sẽ xây dựng siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, tổng kho bán buôn, chợ đầu mối cấp tiểu vùng...
Các thị trấn huyện lỵ, đô thị loại V khác sẽ xây dựng chợ trung tâm, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng bán buôn bán lẻ, các trạm thu mua nông sản; đại lý mua bán. Xây dựng chợ dân sinh cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối,…
b) Định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu và khu kinh tế
Đến năm 2030 vùng sẽ xây dựng 10 cửa khẩu, trong đó có 04 cửa khẩu quốc tế là: Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Bu Prăng (Đắk Nông), Đắk Ruê (Đắk Lắk); 01 cửa khẩu quốc gia là Đắk Per (Đắk Nông); 05 cửa khẩu phụ Tà Bộp, Tà Dạt, Mô Rai, Hồ Le (Kon Tum), Sa Thầy (Gia Lai). Xây dựng các cặp chợ đường biên cho nhân dân khu vực giáp biên giới.
Đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, là những khu có vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
c) Định hướng phát triển cơ sở y tế
Xây dựng hai trung tâm y tế lớn cấp vùng tại thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Đà Lạt. Tại thành phố Đà Lạt xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe cấp quốc tế, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Tại các đô thị trung tâm tỉnh: Xây dựng bệnh viện đa khoa cấp tỉnh và mạng lưới các trung tâm y tế phục vụ người dân.
Nâng cấp và xây dựng bệnh viện chuyên khoa tại các tỉnh. Thành lập trung tâm chuẩn đoán y khoa kỹ thuật cao, trung tâm y học hạt nhân và xạ trị khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Lâm Đồng.
Tại mỗi huyện xây dựng 01 bệnh viện đa khoa huyện, 01 trung tâm y tế dự phòng. Củng cố mạng lưới y tế xã phường, thôn bản. Nâng cấp và mở rộng trạm y tế xã cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế.
d) Định hướng phát triển cơ sở giáo dục đào tạo
Đến năm 2030 phấn đấu 100% các huyện, thị xã có trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động hiệu quả, 90% xã phường có trung tâm học tập cộng đồng.
Xây dựng 02 trung tâm đào tạo lớn cấp vùng tại các thành phố Buôn Ma Thuột, Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng; toàn vùng có 15 trường Đại học và cao đẳng, trong đó có 5 trường đại học, 10 trường cao đẳng.
đ) Định hướng phát triển thể dục thể thao - văn hóa
Bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu gắn với phục vụ giáo dục và phát triển du lịch. Duy trì và xây dựng không gian công cộng trong thôn bản dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với nhà rông, lễ hội cồng chiêng.
Nâng cấp các trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật. Thành lập trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk; xây dựng trung tâm văn hóa Đắk Nông, xây dựng trung tâm Hội nghị Tây Nguyên, bảo tàng các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Xây dựng Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là trung tâm thể thao trọng điểm, làm chức năng trung tâm vùng và Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại thành phố Đà Lạt
Duy trì Học viện bóng đá Hoàng Anh - Asenal tại thành phố Pleiku và trường Năng khiếu thể dục thể thao mang tính chất vùng tại Đắk Lắk và Gia Lai.
Xây dựng các trung tâm thể thao cấp tỉnh đặt tại đô thị tỉnh lỵ, đáp ứng yêu cầu huấn luyện vận động viên, tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao của địa phương và hỗ trợ thi đấu thể thao ở cấp quốc gia.
Trung tâm thể thao cấp tiểu vùng đặt tại các thị xã, thị trấn huyện lỵ với quy mô từ 6 - 7 ha; Trung tâm thể dục thể thao tại các xã có quy mô từ 1,5 - 3 ha và tại mỗi thôn xây dựng một sân thể thao.
e) Định hướng phát triển du lịch
Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng Tây Nguyên và Việt Nam. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh liên kết du lịch vùng Tây Nguyên với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
Xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch lớn của vùng tại thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt gắn với các khu du lịch Quốc gia, điểm du lịch Quốc gia và đô thị du lịch Đà Lạt.
Xây dựng các trung tâm dịch vụ du lịch khác tại các thành phố, thị xã và điểm dịch vụ du lịch đơn lẻ được gắn với cảnh quan thiên nhiên và làng văn hóa dân tộc, danh lam thắng cảnh và hồ thủy điện.
g) Định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp
Đến năm 2030, xây dựng 24 khu công nghiệp và 74 cụm công nghiệp, gồm các ngành: Công nghiệp chế biến nông lâm sản, năng lượng, sản xuất thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất phân vi sinh, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, may, da giày, cơ khí, sản xuất thiết bị chế biến, thiết bị giao thông, máy nông nghiệp, lắp ráp máy nông nghiệp. Các khu công nghiệp trọng điểm gồm: Hòa Bình, Sao Mai, Bờ Y, Trà Đa, Tây Pleiku, Hòa Phú, Ea H’leo, Tâm Thắng, Quảng Đức, Lộc Sơn, Phú Hội, Đại Lào, Tân Phú, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, chế biến bauxit tại khu vực Đăk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng.
Mỗi huyện hình thành từ 1 - 2 cụm hoặc điểm công nghiệp quy mô 20 - 50 ha chủ yếu là công nghiệp chế biến nông - lâm sản để phát triển kinh tế địa phương.
Phát triển cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, các ngành dịch vụ ở nông thôn.
9. Định hướng phát triển các vùng nông, lâm nghiệp:
a) Định hướng phát triển nông nghiệp
Gắn phát triển vùng sản xuất nông nghiệp với phát triển khu dân cư nông thôn. Hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng; mở rộng diện tích trồng cao su ở vùng biên giới kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh quốc phòng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Giảm diện tích trồng cà phê có năng suất thấp nhằm giảm khai thác nước ngầm. Tăng cường cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ lâm nông nghiệp.
b) Định hướng phát triển lâm nghiệp
Bảo vệ diện tích rừng hiện có, trồng lại diện tích rừng tạp bằng rừng nguyên liệu công nghiệp có giá trị kinh tế để tăng độ che phủ lên 61%.
Hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia, với quy mô đã được quy hoạch để bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên và giá trị khoa học - văn hóa - lịch sử đồng thời phát triển du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Phát triển hệ thống rừng phòng hộ có quy mô đáp ứng yêu cầu phòng hộ đầu nguồn, ven biên giới và các khu đô thị, khu công nghiệp để tạo ra các vành đai rừng chắn gió, cản lũ, chống sạt lở đất, điều tiết các tác động bất lợi của thiên nhiên.
Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu tại các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi - Kon Tum; các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.
Duy trì và phân bố đều vùng rừng nguyên sinh, rừng trồng ở các tỉnh, đặc biệt khu vực phía Tây gần biên giới Việt Nam - Campuchia và khu vực phía Đông giáp ranh với vùng Duyên hải miền Trung.
10. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng:
a) Định hướng phát triển giao thông
- Giao thông liên vùng
Giai đoạn đến năm 2030 từng bước xây dựng hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và vùng Tây Nguyên.
Nâng cấp hoàn thiện quốc lộ 29 theo tiêu chuẩn đường cao tốc; nâng cấp tuyến tỉnh lộ 721 (Lâm Đồng) nối với tuyến tỉnh lộ 713 (Bình Thuận) thành trục quốc lộ mới nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1A qua 3 tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng - Bình Thuận.
- Giao thông đô thị: Tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị phải đảm bảo chỉ tiêu 23 - 25% đối với các đô thị loại I; 21 - 23% đối với các đô thị loại II; 18 - 20% đối với các đô thị loại III; 16 - 18% đối với các đô thị loại IV, V.
- Giao thông nông thôn: Ưu tiên xây dựng đường ô tô đến tất cả các trung tâm xã, đảm bảo 100% đường huyện, đường xã được thông suốt vào mùa mưa lũ; đạt tiêu chuẩn đường từ cấp IV đến cấp V.
- Bến xe, trạm dừng nghỉ: Xây dựng hoàn chỉnh và đúng cấp kỹ thuật, đảm bảo mỗi huyện có tối thiểu một bến xe tại trung tâm huyện.
b) Định hướng chuẩn bị kỹ thuật
- Chọn đất xây dựng: Sử dụng những loại đất phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp kém hiệu quả và các vùng gò đồi, vùng đất hoang hóa để phát triển đô thị, khu công nghiệp. Không xây dựng khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp tại các khu vực có nguy cơ cao về các tai biến thiên nhiên, vùng lân cận các khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản...
- Định hướng thoát nước mưa:
Đến năm 2030 các đô thị trong vùng đạt 80 - 100% cống theo đường giao thông. Xây dựng đồng bộ, hoàn thiện hệ thống thoát nước cho các đô thị loại I, II và III, tiến tới toàn bộ các đô thị và điểm dân cư tập trung đều được xây dựng hệ thống thoát nước mưa vào giai đoạn 2020.
- Biện pháp phòng chống thiên tai, tai biến địa chất:
Xây dựng các công trình kè phòng chống sạt lở; xây dựng các công trình hồ thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn, tăng cường vai trò điều tiết nước mặt, cắt lũ, tưới tiêu và cung cấp điện.
Tăng cường quản lý và trồng rừng đầu nguồn; xây dựng các trạm quan trắc trên các lưu vực sông chính. Rà soát các khu dân cư vùng thường xuyên bị thiên tai để từng bước thực hiện các dự án di dời dân cư đến nơi an toàn, có phương án chủ động sơ tán khi cần thiết.
c) Định hướng cấp nước
Tiêu chuẩn cấp nước: Đến năm 2020 đảm bảo 80 ¸ 100% và đến năm 2030: 90 ¸ 100% dân số đô thị được dùng nước sạch với tiêu chuẩn: 100 ¸ 150 lít/người ngày đêm; tiêu chuẩn cấp nước nông thôn từ 80 ¸ 150 lít/người ngày đêm, đạt tỷ lệ cấp nước hợp vệ sinh 80 - 90% dân số.
- Tổng nhu cầu cấp nước sinh hoạt toàn vùng năm 2020: 660.200 m3/ngày đêm, năm 2030: 1.142.300 m3/ngày đêm. Tổng nhu cầu cấp nước công nghiệp toàn vùng: 222.600 m3/ngày đêm.
- Nguồn nước: Sử dụng nước mặt là chủ yếu, nước ngầm là nguồn nước bổ sung cho các đô thị khó khăn về nguồn nước mặt.
d) Định hướng cấp điện
Tổng nhu cầu công suất toàn vùng đến 2020 khoảng 490 MW, đến 2030 khoảng 1510 MW.
Đến năm 2030 xây dựng thêm 6 nhà máy thủy điện lớn. Toàn vùng sẽ có 22 nhà máy thủy điện đấu nối vào đường dây 220 kV và 500 kV với tổng công suất 4.540 MW.
Hệ thống trạm biến áp và đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV tuân thủ theo Quy hoạch điện VII. Hệ thống trạm biến áp và đường dây 110 kV trở xuống phát triển theo Quy hoạch phát triển điện lực của từng tỉnh.
Các tỉnh trong vùng nghiên cứu kỹ việc xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, xã hội.
đ) Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang
- Thoát nước thải:
Tổng nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt toàn vùng đến năm 2020 là khoảng 494.000 m3/ngày đêm và đến năm 2030 là 687.530 m3/ngày đêm. Tổng lượng nước thải công nghiệp cần xử lý: 220.770 m3/ngày đêm.
Quy hoạch hệ thống thoát nước riêng có trạm xử lý nước thải tập trung cho các thành phố lớn. Quy hoạch hệ thống thoát nước chung trong giai đoạn đầu và nửa riêng trong giai đoạn dài hạn, sử dụng hồ sinh học để xử lý nước thải sẽ áp dụng cho các thị trấn khác trong vùng.
Quy hoạch hệ thống thoát nước riêng cho các khu công nghiệp, khu kinh tế của các tỉnh.
Các thị tứ, cụm dân cư nông thôn: Quy hoạch hệ thống thoát nước chung. Nước thải được xử lý qua bể tự hoại đúng quy cách và đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Thu gom, xử lý chất thải rắn:
Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn vùng đến năm 2020 là 2968 tấn/ngày và đến năm 2030 là 3.840 tấn/ngày. Toàn vùng quy hoạch 01 khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh tại xã Cư Ebur, thành phố Buôn Ma Thuột (diện tích 150 - 200 ha); quy hoạch 24 khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh (tổng diện tích 1.120 ha).
Các thị tứ, trung tâm cụm xã bố trí bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, có thể kết hợp sử dụng khu xử lý chất thải rắn.
- Định hướng quy hoạch nghĩa trang:
Tổng nhu cầu đất nghĩa trang toàn vùng đến năm 2020 là 370 ha và đến năm 2030 là 450 ha. Các nghĩa trang cấp vùng tỉnh sử dụng công nghệ táng hiện đại (như hỏa táng), đảm bảo các quy chuẩn về bảo vệ môi trường.
Mỗi thành phố, thị xã, thị trấn huyện lỵ sẽ quy hoạch nghĩa trang tập trung riêng. Tại khu vực nông thôn, mỗi xã có quy hoạch nghĩa trang tập trung riêng.
e) Định hướng về bảo vệ môi trường
- Bảo vệ rừng: Tăng cường quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nghiêm ngặt các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên (Chư Mom Ray, Kon Cha Răng, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Tà Đùng, Cát Tiên, Bidoup...).
- Công nghiệp thủy điện: Các dự án phát triển thủy điện trên hệ thống sông Sê San (Gia Lai - Kon Tum); hệ thống sông Ba (Gia Lai); hệ thống sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) và hệ thống sông Đồng Nai (Đắk Nông và Lâm Đồng) đảm bảo giảm thiểu tối đa các rủi ro môi trường và các tác động về xã hội, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.
- Công nghiệp khai thác khoáng sản: Khai thác khoáng sản trong vùng như: Than bùn, than nâu, sét cao lanh... đặc biệt là bauxit tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Ưu tiên đầu tư công nghệ khai thác tiên tiến, hiệu quả thu hồi quặng cao.
- Bảo vệ tài nguyên nước: Xây dựng, cải tạo nâng cấp công trình thủy lợi (chủ yếu là các hồ chứa nước) để tích nước; khôi phục và phát triển các diện tích rừng, thảm thực vật... để bảo vệ bề mặt phủ của đất.
- Bảo vệ môi trường khu vực đô thị, các cơ sở công nghiệp và trung tâm du lịch: Ưu tiên xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn).
- Giảm thiểu rủi ro, thiên tai và sự cố môi trường: Quản lý và phát triển trồng rừng đầu nguồn để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng phòng hộ đầu nguồn trên các lưu vực sông chính.
11. Các chương trình dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020:
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông huyết mạch theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây, xây dựng đường hành lang biên giới, nâng cấp quốc lộ 24 đoạn Kon Tum - Quảng Ngãi; nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Gia Lai - Bình Định; nâng cấp các đường tỉnh nối ra các cửa khẩu quốc gia; nâng cấp và xây dựng mới các đường tuần tra biên giới; đường ra biên giới; nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với sân bay nội địa.
Đầu tư xây dựng các cơ sở kinh tế động lực, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế: Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh; các đô thị; các khu, cụm công nghiệp trong vùng.
Xây dựng các khu du lịch Măng Đen - Kon Plong, Hồ Tuyền Lâm; Đan Kia - Suối Vàng, khu văn hóa du lịch Langbian, khu du lịch Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà; khu du lịch sinh thái Buôn Đôn, khu du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia khu bảo tồn thiên nhiên, hồ thủy điện - thủy lợi, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh lớn.
Mở rộng Đại học Tây Nguyên; xây dựng Học viện Chính trị khu vực Tây Nguyên (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); xây dựng trường Đại học Giao thông - Vận tải Tây Nguyên; nâng cấp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk; Đại học Công nghệ thực hành khu vực Tây Nguyên.
Nâng cấp bệnh viện Đa Khoa của các tỉnh; xây dựng Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Kon Tum; bệnh viện Lao, bệnh phổi tỉnh Kon Tum và Gia Lai; xây dựng bệnh viện nhi, bệnh viện phụ sản và nâng cấp, mở rộng bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tỉnh Lâm Đồng.
12. Đề xuất cơ chế chính sách phát triển vùng:
Các tỉnh chủ động ban hành chính sách kiểm soát và cơ chế hợp tác thúc đẩy phát triển vùng, kiểm soát phân bố dân cư trên toàn lãnh thổ, kiểm soát việc hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, công nghiệp, du lịch dịch vụ... đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã lập; chính sách kiểm soát đất đai, kiểm soát đầu tư xây dựng; chính sách ưu đãi đầu tư cho từng khu vực đặc thù, tạo điều kiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và xã hội; chính sách tạo và phân bổ vốn, có chương trình đặc biệt thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên, xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật vùng (công trình xử lý rác thải, nguồn cung cấp nước,...)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Giao Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030; tổ chức việc thực hiện quy hoạch theo các quy định của pháp luật hiện hành.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các quy hoạch khác theo các nội dung của Quy hoạch xây dựng Tây Nguyên đến năm 2030 được phê duyệt.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây