Quyết định 08/QĐ-VKSTC Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động ngành KSND

thuộc tính Quyết định 08/QĐ-VKSTC

Quyết định 08/QĐ-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân
Cơ quan ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Số công báo:Đang cập nhật
Số hiệu:08/QĐ-VKSTC
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Lê Minh Trí
Ngày ban hành:16/01/2020
Ngày hết hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Cán bộ-Công chức-Viên chức, Tư pháp-Hộ tịch

TÓM TẮT VĂN BẢN

VKSNDTC ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân

Ngày 16/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định 08/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, công chức, viên chức và người lao động phải mặc trang phục, đi giày hoặc dép có quai hậu, đeo biển tên, phù hiệu, cấp hiệu theo quy định; có thái độ lịch sự, hòa nhã, khi được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án phải thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của Kiếm sát viên;…

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin về công tác của Viện Kiểm sát với các cơ quan thông tấn, báo chí khi được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phân công theo quy định.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định08/QĐ-VKSTC tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

_______

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________

Số: 08/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

 và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân

_____________________

 

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức năm 2010;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018;

Căn cứ Kế hoạch số 93/KH-VKSTC ngày 15/5/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 trong ngành Kiểm sát nhân dân;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 296/2008/QĐ-VKSTC ngày 18/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Ban CĐTW về Phòng, chống tham nhũng;
- Trang tin điện tử VKSNDTC;
- Lưu: VT, V15.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

 

 

 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO

_______

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

__________________

 

QUY TẮC ỨNG XỬ

của cán bộ, công chức, viên chức

 và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-VKSTC

 ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

_____________________

 

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy tắc này quy định các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, trong nội bộ cơ quan, trong quan hệ xã hội và trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy tắc này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; khuyến khích áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

2. Quy tắc này không áp dụng đối với Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 3. Mục đích

1. Bảo đảm sự liêm chính, văn minh, chuyên nghiệp, phù hợp với nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Bảo đảm việc công khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân để nhân dân giám sát.

3. Là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tu dưỡng, rèn luyện bản thân; nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

4. Là cơ sở để thực hiện việc giám sát, đánh giá về đạo đức, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và là một trong những căn cứ để cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.

 

Chương II. NỘI DUNG QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

 

Điều 4. Quy tắc ứng xử chung

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tiếp công dân, các văn bản pháp luật khác có liên quan và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 5. Ứng xử trong thi hành nhiệm vụ, công vụ

1. Những việc phải làm:

1.1. Đối với công chức, viên chức và người lao động:

a) Khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ phải mặc trang phục, đi giày hoặc dép có quai hậu, đeo biển tên, phù hiệu, cấp hiệu theo đúng quy định của Ngành;

b) Giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp;

c) Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về thời gian làm việc; nơi làm việc phải ngăn nắp, gọn gàng;

d) Có thái độ lịch sự, hòa nhã, tôn trọng, lắng nghe giải thích, hướng dẫn rô ràng, cụ thể các quy định liên quan đến việc giải quyết công việc khi giao tiếp với công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Khi được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp của Tòa án, phải thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án theo quy định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

1.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thực hiện các việc quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này và các việc sau:

a) Nghiêm túc thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thi hành nhiệm vụ, công vụ;

b) Gương mẫu trong lối sống, trong công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, đạo đức, tác phong, văn hóa trong đơn vị; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn của công chức, viên chức và người lao động.

2. Những việc không được làm:

2.1. Đối với công chức, viên chức và người lao động:

a) Lợi dụng ảnh hưởng của mình can thiệp, tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc; mạo danh cá nhân để giải quyết công việc; lợi dụng danh nghĩa tổ chức để giải quyết công việc của cá nhân;

b) Có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

c) Làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghiệp vụ; làm mất, hư hỏng hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu của vụ án, vụ việc khi được giao giải quyết;

d) Dùng lời lẽ có tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với những người là đối tượng thi hành nhiệm vụ, công vụ hoặc gợi ý; đe dọa, bức ép, bắt buộc họ phải chấp nhận hay khai báo không khách quan, sai sự thật;

đ) Từ chối các yêu cầu đúng pháp luật, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao;

e) Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, lợi ích tinh thần từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực thi công vụ;

g) Mở nhạc, chơi điện tử và sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; truy cập các trang mạng có nội dung không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; làm việc riêng trong thực thi nhiệm vụ, công tác;

h) Để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình tham gia bào chữa hoặc tư vấn pháp lý trong những vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết.

2.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được làm những việc quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều này và các việc sau:

a) Bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức cán bộ, kế toán, tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, đơn vị hoặc mua bán vật tư, hàng hóa, giao dịch, ký kết hợp đồng phục vụ cho hoạt động của cơ quan, đơn vị nơi mình giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

b) Sử dụng kinh phí, tài sản khác của Nhà nước, cơ quan, đơn vị làm quà tặng trái quy định của pháp luật;

c) Bao che hoặc làm ngơ cho công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi tham nhũng hoặc vi phạm khác.

Điều 6. Ứng xử trong nội bộ cơ quan, đơn vị

1. Những việc phải làm:

1.1. Đối với công chức, viên chức và người lao động:

a) Chấp hành quyết định của người lãnh đạo, quản lý; trong giao tiếp và khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cấp dưới phải có thái độ lịch sự, tôn trọng, trung thực với cấp trên, đúng nguyên tắc chế độ thủ trưởng và theo cấp bậc;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;

c) Tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị;

d) Ứng xử có văn hóa với đồng nghiệp, tôn trọng giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; góp ý chân thành, không xúc phạm uy tín danh dự của đồng nghiệp; thân thiện, hợp tác, tôn trọng giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị;

đ) Thường xuyên giữ gìn, bảo vệ và sử dụng đúng công năng của tài sản, trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

1.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, phải thực hiện các việc quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này và những việc sau:

a) Xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, đạo đức và văn hóa công vụ trong cơ quan, đơn vị; tôn trọng và phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sự sáng tạo của công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện nhiệm vụ; có trách nhiệm làm rõ đúng, sai rõ ràng đối với công chức, viên chức, người lao động khi có phản ánh, tố cáo mà chưa được xác minh, làm rõ;

b) Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Những việc không được làm:

2.1. Đối với công chức, viên chức và người lao động:

a) Thực hiện không đúng thẩm quyền, lạm quyền, vượt quyền; đùn đẩy trách nhiệm cho người khác;

b) Vi phạm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;

c) Có đơn thư nặc danh hoặc tố cáo không đúng sự thật gây mất đoàn kết nội bộ; trù dập, lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động;

d) Làm việc riêng, gây mất trật tự trong giờ làm việc; thờ cúng hoặc thực hiện hoạt động mê tín dị đoan khác trong phòng làm việc; hút thuốc lá tại cơ quan, phòng làm việc; sử dụng đồ uống có cồn ngay trước hoặc trong giờ làm việc; đánh bạc, tham gia các tệ nạn xã hội;

đ) Sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác vào mục đích cá nhân dưới mọi hình thức.

2.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được làm những việc quy định tại điểm 2.1 khoản 2 Điều này và những việc sau:

a) Tặng quà, nhận quà tặng để thực hiện các hành vi trái pháp luật;

b) Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, đơn vị vì vụ lợi;

c) Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan, đơn vị.

Điều 7. Ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác

Ứng xử có văn hoá, tôn trọng danh dự, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác; chân thành, có tinh thần hợp tác, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có quan hệ công tác có thái độ, hành vi, phát ngôn không phù hợp thì phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt xử lý phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao và vị trí của Viện kiểm sát trong quan hệ công tác.

Điều 8. Ứng xử với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành Kiểm sát nhân dân về tiếp xúc, quan hệ, làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và thực hiện chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế.

2. Tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa của người nước ngoài, trên cơ sở phù hợp với pháp luật Việt Nam.

3. Không có lời nói, hành động làm tổn hại đến lợi ích, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; truyền thống, danh dự, uy tín của ngành Kiểm sát nhân dân.

4. Không được lợi dụng các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Điều 9. Ứng xử trong gia đình

1. Vận động, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nơi cư trú.

2. Nêu gương trong sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; xây dựng lối sống lành mạnh, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, không có hành vi bạo lực gia đình. Không tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.

Điều 10. Ứng xử nơi cư trú

1. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia sinh hoạt và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ ở nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; gần gũi, đoàn kết, giúp đỡ mọi người xung quanh.

2. Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến nhân dân. Tích cực phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội khác.

3. Không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú.

Điều 11. Ứng xử nơi công cộng

1. Gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện;

2. Không có lời nói, cử chỉ, hành động gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân.

3. Ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng; giữ gìn, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên “Xanh - Sạch - Đẹp”.

4. Kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật; không được lợi dụng chức danh của mình để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội; không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức.

Điều 12. Ứng xử, giao tiếp qua điện thoại

Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải xưng tên, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu, âm lượng vừa đủ nghe; không trao đổi nội dung bí mật công tác, bí mật Nhà nước qua điện thoại.

Điều 13. Ứng xử với cơ quan thông tấn, báo chí

Chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin về công tác của Viện kiểm sát với các cơ quan thông tấn, báo chí khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành.

Cán bộ, công chức, viên chức có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học, nhưng không được làm lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác hoặc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát.

 

Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Quy tắc ứng xử này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Những nội dung đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định của Ngành mà không có trong Quy tắc ứng xử này thì thực hiện theo quy định của các văn bản đó.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức quán triệt nghiêm túc Quy tắc ứng xử này cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; đưa tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào hoạt động đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai Quy tắc ứng xử này tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị.

3. Người đứng đầu của cơ quan, đơn vị có công chức, viên chức và người lao động vi phạm Quy tắc ứng xử này sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật.

4. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện Quy tắc ứng xử này.

Điều 16. Khen thưởng, kỷ luật

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt Quy tắc ứng xử này được xem xét, biểu dương, khen thưởng theo quy định.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành.

Điều 17. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc những vấn đề mới cần bổ sung, đề nghị phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản đã hết hiệu lực. Quý khách vui lòng tham khảo Văn bản thay thế tại mục Hiệu lực và Lược đồ.
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất