Quyết định 1975/QĐ-TTg Kế hoạch thực hiện Kết luận 81-KL/TW 2020 Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến 2030
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 1975/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đang cập nhật |
Số hiệu: | 1975/QĐ-TTg |
Ngày đăng công báo: | Đang cập nhật |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 02/12/2020 |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Chính sách, Thực phẩm-Dược phẩm |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 02/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1975/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về "Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030".
Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch như sau: Quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng; Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường; Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để khi cần thiết có giải pháp phân phối, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi hiện đại, đồng bộ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Xem chi tiết Quyết định1975/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 1975/QĐ-TTg
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ________ Số: 1975/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _________________________ Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”
_________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, CN, NC, QHĐP, PL, ĐMDN; - Lưu: VT,NN(2). | THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _______________
| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc _______________________ |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
Thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
_______________
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 về “Bao đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” (Kết luận số 81-KL/TW). Để triển khai thực hiện Kết luận, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung của Kết luận số 81-KL/TW, từ Chính phủ đến các địa phương nhằm sớm phát huy hiệu quả chủ trương của Đảng về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và trong tình hình mới.
- Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, văn bản pháp luật và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận số 81-KL/TW; trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Quán triệt, nâng cao nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới, xem bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò và tâm quan trọng của việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, các địa phương và trên toàn quốc.
2. Tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông sản. Giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, thường xuyên đánh giá nhu cầu lương thực, thực phẩm cả trong nước và trên thế giới để có định hướng, chiến lược phù hợp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Thương hiệu gạo Việt Nam và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; tổ chức sản xuất lúa gạo theo vùng chuyên canh, phát triển các vùng trọng điểm lúa gạo ổn định ở các địa bàn có lợi thế sản xuất tập trung để đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ.
3. Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, trọng tâm là: Hệ thống giao thông, nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường; các công trình thủy lợi đa mục tiêu, hệ thống kho dự trữ quốc gia và hạ tầng phòng chống thiên tai đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh, dự trữ lương thực, thực phẩm. Tiếp tục phát triển hệ thống lưu thông lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống. Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm để khi cần thiết có giải pháp phân phối, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng.
4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, hợp tác, liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý điều hành hoạt dộng dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, thông minh. Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm. Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng, chống chịu dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh lương thực. Hoàn thiện hệ thống và mối liên hệ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong các cơ quan quản lý về an ninh lương thực. Tăng cường hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, an ninh lương thực đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thủy sản trước tình hình diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.
7. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Gắn kết chặt chẽ giữa đảm bảo an ninh lương thực với quy hoạch phát triển cả nước, các vùng, địa phương và với quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt đất trồng lúa. Bảo tồn quốc gia về nguồn gen quý cây trồng, vật nuôi. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động nông nghiệp phát sinh chất thải, nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác. Sử dụng hợp lý phân bón hóa học, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhằm bảo vệ môi trường đất và nước ngầm.
8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực. Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với các lĩnh vực mang tính khu vực và toàn cầu, xuyên quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy chuẩn với khu vực và quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu được phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch hành động này./.
Phụ lục
CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI KẾT LUẬN SỐ 81-KL/TW NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2020 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1975/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
____________________
TT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian hoàn thành | ||
I. CÔNG TÁC TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 81-KL/TW | ||||||
1 | Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Văn phòng Chính phủ; các bộ, cơ quan có liên quan | 30/10/2020 | ||
2 | Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ; các bộ, cơ quan có liên quan | 31/12/2020 | ||
3 | Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW và Nghị quyết của Chính phủ về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” (sau khi Nghị quyết được ban hành) | Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 01/3/2021 | ||
II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN | ||||||
1 | Tổ chức các hoạt động tuyên truyền với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng vùng, miền và từng nhóm đối tượng về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh lương thực; quán triệt nhận thức về an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới | Bộ Thông tin và Truyền thông | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, cơ quan có liên quan; các địa phương | Thường xuyên | ||
III. HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẢM BẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA | ||||||
1 | Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ nông dân, địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị | Các bộ, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các bộ, cơ quan có liên quan | 2021 -2022 | ||
2 | Hoàn thiện mô hình hệ thống các cơ quan và mối liên hệ, phối hợp quản lý nhà nước về an ninh lương thực; hệ thống tổ chức và hoạt động cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn ở cấp cơ sở đảm bảo thông suốt, hiệu lực, hiệu quả | Các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ, cơ quan có liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Quý IV/2021 | ||
3 | Hoàn thiện cơ chế phối hợp, quản lý giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia | Bộ Tài chính | Bộ Nội vụ; các bộ, cơ quan có liên quan | Quý IV/2021 | ||
4 | Nghiên cứu bổ sung, ban hành các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Y tế; các bộ, cơ quan có liên quan | Quý 11/2021 | ||
5 | Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 | Bộ Y tế | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan có liên quan | Quý III/2021 | ||
IV. PHÁT TRIỂN, TỔ CHỨC SẢN XUẤT ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG VÀ TÍNH SẴN CÓ CỦA LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM | ||||||
1 | Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; trong đó thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng lương thực thực phẩm trong mọi tình huống | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan có liên quan | Tháng 12/2020 | ||
2 | Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan có liên quan | Tháng 12/2020 | ||
3 | Đảm bảo an toàn thực phẩm, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định về mức giới hạn tối đa của các chỉ tiêu an toàn trong các nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm | Bộ Y tế | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Thường xuyên | ||
V. BẢO ĐẢM PHÂN PHỐI, NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM CHO NGƯỜI DÂN | ||||||
1 | Phát triển hệ thống lưu thông và dịch vụ thương mại lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống | Bộ Công Thương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
2 | Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường xuất khẩu, phát huy và tranh thủ lợi thế ngành hàng lúa gạo Việt Nam | Bộ Công Thương | Các Bộ: Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
3 | Đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm phát triển dịch vụ vận tải và logistics, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, tiện nghi, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải của đất nước, gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho người dân tiếp cận lương thực, thực phẩm | Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
4 | Đầu tư phát triển hệ thống kho dự trữ quốc gia | Bộ Tài chính | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan liên quan | Thường xuyên | ||
5 | Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi hiện đại, đồng bộ đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
6 | Phát triển hệ thống thông tin an ninh lương thực, dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông | Các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
VI. PHÁT TRIỂN CÁC YẾU TỐ ĐẦU VÀO PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM | ||||||
1 | Quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo quỹ đất phát triển sản xuất, trong đó có đất trồng lúa. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất NN | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
2 | Đảm bảo nguồn cung đầu vào, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm ổn định | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương | Các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
3 | Triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình KHCN cho lĩnh vực nông nghiệp | Bộ Khoa học và Công nghệ | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan có liên quan | Theo các Chương trình KHCN | ||
4 | Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Triển khai Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ưu tiên sản xuất giống chất lượng cao | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các bộ, cơ quan có liên quan | Theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 | ||
5 | Đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu sản xuất lương thực, thực phẩm hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội | Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan có liên quan | Thường xuyên | ||
VII. SƠ KẾT, TỔNG KẾT, KIỂM TRA, GIÁM SÁT THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 81-KL/TW | ||||||
1 | Phối hợp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW | Ban Kinh tế Trung ương (theo Kết luận số 81-KL/TW) | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ | Theo Kế hoạch của Ban Kinh tế Trung ương | ||
2 | Phối hợp vận động nhân dân thực hiện, giám sát việc thực hiện Kết luận số 81-KL/TW | Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (theo Kết luận số 81-KL/TW) | Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông | Theo Kế hoạch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chức chính trị - xã hội | ||
3 | Thường trực, tham mưu, theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Kết luận số 81-KL/TW | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Văn phòng Chính phủ; các bộ, cơ quan có liên quan | Ngày 20/12 hàng năm | ||
4 | Phối hợp sơ kết, tổng kết thực hiện Kết luận số 81-KL/TW báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư | Ban Kinh tế Trung ương (theo Kết luận số 81-KL/TW) | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ | Theo Kế hoạch của Ban Kinh tế Trung ương | ||
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây