Quyết định 1598/QĐ-TTg 2017 Kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm về chất ô nhiễm hữu cơ

thuộc tính Quyết định 1598/QĐ-TTg

Quyết định 1598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:1598/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:Đang cập nhật
Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Trịnh Đình Dũng
Ngày ban hành:17/10/2017
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Tài nguyên-Môi trường

TÓM TẮT VĂN BẢN

Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm

Nhằm bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi là các chất POP), ngày 17/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg.
Đến nay, Công ước Stockholm đã công bố danh mục 28 nhóm chất POP cần quản lý, kiểm soát thuộc các lĩnh vực sử dụng chính gồm: Bảo vệ thực vật và diệt công trùng, y tế; Công nghiệp; Phát sinh không chủ định.
Theo Kế hoạch, dự án Xây dựng, bổ sung và tăng cường hiệu quả các quy định, chính sách và thể chế đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm sẽ được thực hiện từ 2018 - 2022. Các UBND cấp tỉnh thực hiện dự án Kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải và phục hồi môi trường tại các khu vực ô nhiễm POP từ 2018 - 2030.

Đồng thời, tiếp tục xử lý, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất da cam/dioxin; Thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng công nghệ và tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trong các chất POP và hóa chất nguy hại.Vào năm 2025, sẽ xử lý hoàn toàn các vật liệu, thiết bị và chất thải có chứa lượng polychlorinated biphenyl (PCB) từ 50 mg/kg.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký; thay thế Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg ngày 10/08/2006.

Xem chi tiết Quyết định1598/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
Số: 1598/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2017
 
 
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUỐC GIA THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC STOCKHOLM VỀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
---------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế ngày 09 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm
Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là Công ước Stockholm) được các nước ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (sau đây gọi tắt là các chất POP) gây ra và có hiệu lực vào năm 2004. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Thực hiện yêu cầu của Công ước Stockholm, ngày 10 tháng 8 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg trong đó tập trung quản lý 12 nhóm chất POP. Từ năm 2009 đến nay, Hội nghị các thành viên Công ước (COP) đã bổ sung 14 nhóm chất POP mới vào các Phụ lục A, B, C của Công ước, nâng số nhóm chất POP cần quản lý lên 28 nhóm chất với các lĩnh vực sử dụng chính gồm: Bảo vệ thực vật và diệt côn trùng, y tế (sau đây gọi tắt là POP-BVTV); công nghiệp (sau đây gọi tắt là POP-CN); phát sinh không chủ định (sau đây gọi tắt là UPOP). Danh sách các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định này.
Căn cứ vào yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe và kết quả đánh giá toàn diện về tác động kinh tế, xã hội và khả năng thay thế các chất POP, danh mục các chất POP sẽ liên tục được bổ sung vào Công ước Stockholm.
2. Trách nhiệm và quyền lợi của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Stockholm
Là một thành viên của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm và quyền lợi trong việc thực hiện các nội dung quy định tại Văn kiện Công ước và các quyết định của Công ước. Các nội dung chính gồm: Việt Nam có trách nhiệm xây dựng các quy định pháp luật, các chính sách, chiến lược và thực hiện các biện pháp quản lý để hạn chế, cấm và tiến tới loại trừ các chất POP. Các tổ chức, cá nhân liên quan tại Việt Nam có trách nhiệm quản lý an toàn, kiểm soát chất POP và vật liệu, sản phẩm, thiết bị, chất thải có chứa POP theo vòng đời, bao gồm kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, lưu giữ, phát thải, xử lý và tiêu hủy nhằm giảm tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người; rà soát, đánh giá việc quản lý, kiểm soát, giảm phát thải các chất POP; trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện Công ước Stockholm với các bên liên quan; định kỳ báo cáo hiện trạng và kết quả quản lý, giảm phát thải theo yêu cầu đối với từng chất POP.
Thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, theo quy định tại Điều 7 của Công ước Stockholm, Việt Nam có trách nhiệm cập nhật Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, gửi Ban thư ký Công ước và định kỳ báo cáo việc thực hiện Kế hoạch này.
3. Mục tiêu của Kế hoạch
a) Mục tiêu tổng quát
Quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stockholm về các chất POP, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tăng cường được năng lực thể chế, khung pháp lý và sự tham gia của các bên trong quản lý và thay thế các chất POP và hóa chất độc hại.
- Tăng cường được năng lực khoa học và công nghệ về quan trắc, xác định và quản lý các chất POP và hóa chất độc hại theo vòng đời với kiến thức, thông tin và hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
- Nâng cao được nhận thức của các bên liên quan về các chất POP, hóa chất độc hại, sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP và các phương án quản lý (hạn chế sử dụng, thay thế, loại bỏ, xử lý, tiêu hủy) các chất POP.
- Điều phối, kết hợp được việc thực hiện Công ước Stockholm với các thỏa thuận môi trường có liên quan và hướng tới đáp ứng các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép với việc quản lý hóa chất, chất thải và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.
- Kiểm soát các chất POP-BVTV đã bị cấm sử dụng và quản lý an toàn các loại hóa chất POP-BVTV theo quy định của Công ước Stockholm.
- Quản lý an toàn vật liệu, thiết bị có polychlorinated biphenyl (gọi tắt là PCB); chấm dứt sử dụng thiết bị có PCB nồng độ từ 50 mg/kg trở lên vào năm 2025.
- Kiểm soát, hạn chế sử dụng và quản lý an toàn các chất POP công nghiệp.
- Quản lý rủi ro, xử lý, phục hồi và quan trắc môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm dioxin từ chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
- Giảm liên tục lượng phát thải các chất UPOP từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dân sinh; quản lý rủi ro do các chất UPOP gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người.
- Xác định, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP.
4. Nguyên tắc thực hiện Kế hoạch
a) Ưu tiên hoạt động phòng ngừa, quản lý an toàn và quản lý rủi ro các chất POP đối với sức khỏe con người và môi trường với nhận thức rõ ràng rằng các chất POP là hiểm họa trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống. Các thông tin liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các thông tin về kết quả thực hiện và quan trắc môi trường.
b) Kế hoạch phải được thực hiện phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của quốc gia cũng như các chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động có liên quan và phải gắn kết, lồng ghép với các chương trình, hoạt động khác về bảo vệ môi trường, quản lý an toàn hóa chất, sản xuất và tiêu thụ bền vững nhằm tối ưu hóa các nguồn lực.
c) Kế hoạch phải được thực hiện với sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan và huy động sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng.
d) Việc thực hiện Kế hoạch dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, đồng thời phù hợp với năng lực thực tiễn của Việt Nam, phát huy nội lực quốc gia kết hợp với kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
5. Các nhiệm vụ để thực hiện Kế hoạch
a) Xây dựng, bổ sung và tăng cường hiệu quả các quy định, chính sách và thể chế để đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm và các yêu cầu tại Việt Nam.
- Xây dựng các quy định về quản lý an toàn và bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các chất POP, vật liệu, thiết bị, chất thải có chứa POP.
- Xây dựng các quy định về đánh giá, quản lý rủi ro, xử lý và cải thiện môi trường đối với các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, an toàn lao động, vệ sinh, y tế liên quan đến các chất POP.
- Xác định, bổ sung các quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý an toàn theo vòng đời các chất POP, vật liệu, thiết bị, chất thải có chứa POP và các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP.
- Xây dựng các quy định về đánh giá tác động sức khỏe và tác động môi trường liên quan đến việc tiếp xúc, phơi nhiễm các chất POP và các hóa chất nguy hại có liên quan trong điều kiện của Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ về đánh giá tác động môi trường, sức khỏe, xác định, cảnh báo, khắc phục hậu quả về sức khỏe cộng đồng do tác động của các chất POP và hóa chất nguy hại có liên quan.
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường của các chất POP được sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ và phát triển bền vững; khuyến khích thay thế các chất POP; chuyển giao công nghệ về xử lý ô nhiễm các chất POP; áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất (BAT/BEP) nhằm giảm việc sử dụng các chất POP, giảm phát thải UPOP từ các hoạt động công nghiệp và dân sinh, giảm thiểu phát thải và phơi nhiễm các chất POP.
- Xây dựng và lồng ghép các yêu cầu về kỹ thuật, nhân lực để quản lý an toàn các chất POP trong các chính sách về bảo vệ sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững.
- Xây dựng các chính sách về tăng cường năng lực trong việc quan trắc, quản lý rủi ro, quản lý và xử lý an toàn các vật liệu, sản phẩm, chất thải có chứa POP và các khu vực bị ô nhiễm các hóa chất nguy hại.
b) Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các loại hóa chất POP-BVTV (Phụ lục A, Phần I, Công ước Stockholm).
- Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng, lưu giữ, vận chuyển các hóa chất POP-BVTV theo quy định hiện hành và yêu cầu của Công ước Stockholm.
- Kiểm soát phát thải, thực hiện kiểm kê và quản lý an toàn các hóa chất POP-BVTV.
- Quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm và xử lý bao bì, hóa chất POP-BVTV hết hạn và sản phẩm thải bỏ, chất thải chứa hóa chất POP-BVTV.
- Đánh giá tác động của một số chất POP-BVTV mới đối với môi trường và sức khỏe con người tại Việt Nam.
- Đánh giá, xem xét đăng ký miễn trừ và sử dụng có mục đích một số hóa chất POP-BVTV mới được bổ sung vào Công ước Stockholm tại Việt Nam.
c) Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm PCB (Phụ lục A, Phần II, Công ước Stockholm).
- Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu vật liệu, thiết bị, phế liệu, chất thải có PCB vào Việt Nam.
- Kiểm kê toàn diện vật liệu, thiết bị, chất thải có PCB và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về vật liệu, thiết bị, chất thải có PCB.
- Kiểm soát và quản lý an toàn hoạt động sử dụng, kinh doanh, lưu giữ, vận chuyển, thải bỏ vật liệu, thiết bị, chất thải có PCB; loại bỏ việc sử dụng các thiết bị có chứa PCB ≥ 50 mg/kg vào năm 2025; xử lý hoàn toàn các vật liệu, thiết bị và chất thải có chứa PCB ≥ 50 mg/kg vào năm 2028.
- Tăng cường các biện pháp quản lý PCB dựa trên đánh giá, quản lý rủi ro của PCB đối với môi trường và sức khỏe; đánh giá, xác định và xử lý các khu vực bị ô nhiễm PCB.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá, chuyển giao và áp dụng các công nghệ xử lý vật liệu, thiết bị và chất thải có PCB; tổ chức thực hiện các biện pháp lưu giữ, xử lý hiệu quả, an toàn vật liệu, thiết bị, chất thải có PCB vào năm 2028.
d) Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các hóa chất thuộc nhóm hexabromodiphenyl ete, heptabromodiphenyl ete, tetrabromodiphenyl ete, pentabromodiphenyl ete và decabromodiphenyl ete (gọi tắt là nhóm POP- BDE) (Phụ lục A, Phần IV, V, Công ước Stockholm).
- Kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu các vật liệu, sản phẩm thuộc nhóm POP-BDE, tập trung vào các sản phẩm điện, điện tử, vật liệu chống cháy, phương tiện giao thông, đồ gia dụng.
- Đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh các vật liệu, sản phẩm thuộc nhóm POP-BDE và thực hiện kiểm kê hóa chất, vật liệu, sản phẩm, chất thải thuộc nhóm POP-BDE; định kỳ báo cáo theo yêu cầu của Công ước Stockholm.
- Áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý an toàn các vật liệu, chất thải có POP-BDE; kiểm soát việc tái chế và xử lý an toàn các hóa chất thuộc nhóm POP-BDE và đảm bảo không thu hồi POP-BDE để tái sử dụng; đánh giá và xem xét đăng ký miễn trừ và sử dụng có mục đích các vật liệu, sản phẩm chứa POP-BDE tại Việt Nam.
đ) Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các chất thuộc nhóm perluorooctane sulfonic, muối của chúng và perfluorooctane sulfonyl fluoride (gọi tắt là nhóm PFOS và PFOSF) (Phụ lục B, Phần III, Công ước Stockholm).
- Kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu, nhập khẩu các vật liệu, sản phẩm, thiết bị chứa PFOS, PFOSF; đánh giá hiện trạng sử dụng, lưu giữ, thải bỏ và thực hiện kiểm kê PFOS, PFOSF.
- Kiểm soát việc sử dụng và thải bỏ PFOS, PFOSF; đánh giá và xem xét đăng ký miễn trừ và sử dụng có mục đích cụ thể các vật liệu, sản phẩm, thiết bị chứa PFOS, PFOSF tại Việt Nam.
- Thúc đẩy việc thay thế PFOS, PFOSF trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế và loại bỏ PFOS, PFOSF trong các sản phẩm và hóa chất diệt côn trùng.
e) Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các hóa chất thuộc nhóm hóa chất hexabromobiphenyl; hexabromocyclododecane; hexachlorobutadiene; pentachlorophenol, muối của chúng và các este; polychlorinated naphthalene; các paraffin mạch ngắn chứa clo (Phụ lục A, Công ước Stockholm).
- Đánh giá và xác định các vật liệu, sản phẩm có hóa chất thuộc nhóm hexabromobiphenyl (gọi tắt là HBB); hexabromocyclododecane (HBCD); hexachlorobutadiene (HCBD); pentachlorophenol, muối của nó và các este (PCP); polychlorinated naphthalene (PCN); các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP).
- Kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu, sản phẩm, thiết bị chứa các hóa chất thuộc nhóm HBCD, HCBD, PCP, PCN, DBDE và SCCP; thực hiện kiểm kê các hóa chất thuộc nhóm HBCD, HCBD, PCP, PCN, DBDE và SCCP.
- Quản lý an toàn và giảm việc sử dụng các hóa chất thuộc nhóm HBCD, HCBD, PCP, PCN, DBDE và SCCP trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý an toàn các vật liệu, chất thải có HBCD, HCBD, PCP, PCN, DBDE và SCCP.
- Quan trắc các chất HBCD, HCBD, PCP, PCN, DBDE và SCCP trong môi trường, vật liệu, sản phẩm, chất thải và các khu vực bị ô nhiễm nhằm đánh giá rủi ro và thực hiện các biện pháp quản lý sức khỏe môi trường.
- Đánh giá, xem xét đăng ký miễn trừ và sử dụng có mục đích cụ thể hóa chất thuộc nhóm PCN, HBCD, DBDE và SCCP tại Việt Nam.
g) Tiếp tục xử lý, cải thiện và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất da cam/dioxin
- Đánh giá toàn diện phạm vi, mức độ tồn lưu, rủi ro và hậu quả lâu dài của chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người; thực hiện quan trắc sức khỏe môi trường tại các vùng ô nhiễm nặng dioxin đã, đang và sẽ được xử lý.
- Quản lý bền vững các khu vực trọng điểm bị ô nhiễm dioxin trong khi chờ xử lý.
- Tăng cường triển khai các chính sách và giải pháp nhằm xử lý các điểm ô nhiễm nặng dioxin có nguồn gốc chiến tranh, phục hồi môi trường và chăm sóc các nạn nhân chất da cam/dioxin.
- Nâng cao nhận thức, khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và quốc tế để tăng cường năng lực quan trắc, xử lý các khu vực bị ô nhiễm, hạn chế tác hại và khắc phục hậu quả của chất da cam/dioxin; kết hợp hài hòa việc triển khai các hoạt động của Công ước Stockholm với việc thực hiện các chính sách về khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin tại Việt Nam.
- Tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ xử lý triệt để tồn lưu chất da cam/dioxin, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
h) Kiểm soát và giảm phát thải UPOP từ các hoạt động kinh tế xã hội (Phụ lục C, Công ước Stockholm).
- Nghiên cứu, đánh giá mức độ phát thải UPOP và các hóa chất nguy hại có liên quan từ các cơ sở xử lý chất thải, các khu vực chôn lấp chất thải, các hoạt động nông nghiệp và dân sinh; đề xuất và thực hiện các biện pháp quản lý an toàn về môi trường và sức khỏe.
- Đánh giá, xác định mức độ phát thải UPOP và các hóa chất nguy hại có liên quan từ các nguồn công nghiệp lớn và tăng cường thực hiện các chính sách, quy định, giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất nhằm giảm phát thải UPOP vào môi trường.
- Đánh giá, quản lý rủi ro và thực hiện các biện pháp giảm phát thải UPOP từ các hoạt động đốt hở không có kiểm soát bao gồm đốt chất thải sinh hoạt, nông nghiệp, cháy rừng và các sự cố cháy nổ.
- Đánh giá phát thải và thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro do phát thải UPOP từ các hoạt động giao thông vận tải và các nguồn di động khác.
- Thực hiện kiểm kê quốc gia và xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý phát thải UPOP tại Việt Nam.
i) Kiểm soát ô nhiễm và xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP (Điều 6, Công ước Stockholm)
- Điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP và hóa chất nguy hại trên phạm vi toàn quốc; lập bản đồ ô nhiễm, cảnh báo rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý an toàn, quản lý tài nguyên phù hợp với chất lượng môi trường và mục đích sử dụng.
- Thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng công nghệ và tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các chất POP và hóa chất nguy hại.
- Quan trắc, giám sát tại các khu vực bị ô nhiễm do các chất POP và hóa chất nguy hại nhằm kiểm soát phát thải các chất POP.
k) Nâng cao nhận thức, đào tạo và giáo dục về nguy cơ do các chất POP và hóa chất nguy hại (Điều 10, Công ước Stockholm).
- Đánh giá hiện trạng về nhận thức, xác định ưu tiên và xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với các chương trình đào tạo, tập huấn theo từng nhóm đối tượng.
- Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, xử lý an toàn POP và các hóa chất nguy hại, các vấn đề độc học, môi trường, sinh thái, an toàn lao động liên quan đến POP cho các nhóm đối tượng liên quan.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức trên diện rộng cho cộng đồng về rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người do tiếp xúc, phơi nhiễm, hấp thụ và tích lũy các chất POP và hóa chất nguy hại.
- Chủ động cung cấp, trao đổi thông tin về rủi ro môi trường và sức khỏe của các chất POP; cảnh báo nguy cơ về sức khỏe môi trường; danh sách, chi phí và lợi ích của các hóa chất thay thế các chất POP; các giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất để giảm phát thải và tác động của các chất POP đối với môi trường và sức khỏe con người.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về sản xuất bền vững, tiêu thụ bền vững sản phẩm, vật liệu liên quan đến các chất POP.
l) Tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, quan trắc, quản lý rủi ro, quản lý và xử lý an toàn các vật liệu, sản phẩm, chất thải có chứa POP và các hóa chất nguy hại (Điều 11, Công ước Stockholm).
- Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng các hóa chất, vật liệu, sản phẩm, thiết bị mới để thay thế và giảm việc sử dụng các chất POP và vật liệu, sản phẩm, thiết bị có chứa POP.
- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các công nghệ xử lý an toàn các chất POP và vật liệu, thiết bị, chất thải có chứa POP.
- Tăng cường năng lực phòng thí nghiệm để phân tích, quan trắc và đánh giá rủi ro về môi trường và sức khỏe do các chất POP; lồng ghép nghiên cứu, quan trắc về POP với các nghiên cứu y tế và phơi nhiễm hóa chất.
- Tổ chức quan trắc hiện trạng môi trường quốc gia về POP và hóa chất nguy hại, lồng ghép với đánh giá tác động sức khỏe; tích hợp thông tin trong các báo cáo về hiện trạng môi trường của cấp tỉnh và quốc gia.
- Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế, xã hội và văn hóa do các chất POP sử dụng, thải bỏ và các chất thay thế.
m) Quản lý sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP (Điều 11, Công ước Stockholm).
- Xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc POP trong môi trường, vật liệu, sản phẩm, chất thải và các khu vực bị ô nhiễm nhằm đánh giá, cảnh báo rủi ro và tổ chức triển khai các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường; điều tra, nghiên cứu dịch tễ học, đánh giá quy mô, mức độ ảnh hưởng của các chất POP đối với sức khỏe cộng đồng.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể, triển khai các giải pháp can thiệp nhằm giảm thiểu mức độ và phạm vi phải chịu rủi ro về sức khỏe đối với người dân tại các điểm ô nhiễm POP và hóa chất nguy hại.
- Kiện toàn mạng lưới quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sức khỏe môi trường; xây dựng Hồ sơ sức khỏe môi trường quốc gia trong đó bao gồm các chất POP và hóa chất nguy hại.
- Xây dựng và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP và hóa chất nguy hại; tuyên truyền và cảnh báo về tác hại của các chất POP và hóa chất nguy hại đối với sức khỏe con người.
n) Trao đổi thông tin và báo cáo thực hiện Công ước Stockholm (Điều 9, 15, 16 Công ước Stockholm).
- Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện các nội dung chính sau đây: Chủ trì, phối hợp thu thập, tổng hợp, cập nhật và trao đổi thông tin với Công ước Stockholm theo quy định của Công ước; xây dựng các báo cáo về quản lý an toàn các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm; tổng hợp thông tin từ các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan; định kỳ báo cáo Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch; tổng hợp thông tin và thực hiện chế độ báo cáo quốc gia cho Hội nghị các bên và theo yêu cầu của Ban thư ký Công ước về các hoạt động quản lý POP tại Việt Nam; theo dõi, cập nhật, điều chỉnh các nội dung thực hiện Kế hoạch theo các yêu cầu mới của Công ước và điều kiện thực tế tại Việt Nam, khu vực và thế giới; tổng hợp thông tin, đánh giá rủi ro, tác động, tính khả thi để đề xuất hoặc chấp thuận đề xuất của các quốc gia khác về việc bổ sung các chất POP vào danh sách cần quản lý của Công ước Stockholm.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổng hợp và trao đổi, chia sẻ thông tin về: Kết quả kiểm kê và quản lý theo vòng đời các chất POP; kết quả đánh giá và quản lý rủi ro các chất POP, các nghiên cứu về POP và sản phẩm thay thế các chất POP; hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về POP.
6. Các chương trình, dự án ưu tiên
Để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch, giao các Bộ chủ trì xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án kèm theo tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này.
7. Nguồn lực thực hiện kế hoạch
a) Nguồn lực thực hiện Kế hoạch quốc gia được huy động và tối ưu hóa trên cơ sở thực hiện các nội dung sau đây:
- Phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, quản lý chất thải, các chương trình khoa học công nghệ và các chương trình, dự án, hoạt động có liên quan khác nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
- Huy động đa dạng các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, nguồn ODA không hoàn lại, vốn vay, nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.
- Khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đầu tư thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế, vay tín dụng ưu đãi, các hoạt động hợp tác công - tư trong quản lý các chất POP.
- Tranh thủ tối đa nguồn tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước như: vận động các nhà tài trợ để thu hút vốn cho Kế hoạch Quốc gia, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích tài trợ của quốc tế.
- Tăng cường hợp tác quốc tế cần được thực hiện ở nhiều lĩnh vực như: hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại cho xây dựng dự án, nâng cao năng lực, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ theo dự án, giải quyết các vấn đề sức khỏe và phúc lợi xã hội cho các đối tượng liên quan.
b) Bố trí kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án trong Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này được huy động từ các nguồn:
+ Vốn Ngân sách nhà nước (bao gồm vốn ODA), gồm: vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên (sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp môi trường, chi quản lý hành chính, vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật,...).
+ Vốn tài trợ, đầu tư hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, hoạt động không nằm trong Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quyết định này được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Căn cứ nội dung của Kế hoạch và danh mục các chương trình, dự án ban hành kèm theo Quyết định này, các Bộ, ngành và địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện theo cơ cấu nguồn kinh phí nêu trên; tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
8. Giám sát và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch
a) Việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Nội dung giám sát, đánh giá dựa trên các căn cứ sau:
- Kết quả thực hiện được đánh giá căn cứ trên các mục tiêu đạt được mà Kế hoạch đã đề ra;
- Tiến độ xây dựng và triển khai các chương trình, dự án;
- Kết quả triển khai các nội dung của Kế hoạch;
- Việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn của các chương trình, dự án.
c) Cơ chế giám sát, đánh giá:
- Việc giám sát, đánh giá được tiến hành định kỳ hàng năm, lồng ghép với quá trình tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của ngành; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Kết quả giám sát, đánh giá được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; được sử dụng làm tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng của ngành và địa phương.
9. Tổ chức thực hiện
Chính phủ thống nhất quản lý và chỉ đạo việc thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động theo phân công tại Kế hoạch này.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Công ước Stockholm và Kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức như sau:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, điều phối việc thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với Công ước Stockholm và nhiệm vụ phân công tại Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo Công ước Stockholm tại Việt Nam; tăng cường năng lực cho cơ quan chuyên trách theo dõi, tổng hợp việc thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công ước Stockholm về các kết quả thực hiện Kế hoạch quốc gia và Công ước Stockholm.
b) Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động kiểm kê, đánh giá các chất POP sử dụng trong các ngành công nghiệp; kiểm kê phát thải UPOP từ các ngành công nghiệp; áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thay thế và giảm phát thải các chất POP trong công nghiệp; cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng các chất POP để đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm; trước ngày 31 tháng 12 hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu các chất POP sử dụng trong nông nghiệp; kiểm kê, đánh giá việc sử dụng các hóa chất BVTV dạng POP và cung cấp thông tin cho Bộ Tài nguyên và Môi trường- để đăng ký miễn trừ theo quy định của Công ước Stockholm; trước ngày 31 tháng 12 hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu các chất POP sử dụng trong lĩnh vực y tế; trước ngày 31 tháng 12 hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và từ các nguồn vốn khác trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện có hiệu quả các nội dung, chương trình, dự án của Kế hoạch.
e) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Kế hoạch đã được phân công; trước ngày 31 tháng 12 hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
g) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của Kế hoạch đã được phân công; căn cứ vào nội dung của Kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện công tác quản lý và kiểm soát các chất POP và nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ nâng cao năng lực đánh giá và xử lý các chất POP trên địa bàn quản lý; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ban, ngành tại địa phương triển khai các hoạt động quản lý và kiểm soát các chất POP; trước ngày 31 tháng 12 hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
h) Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm, có trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm về kết quả thực hiện Kế hoạch.
i) Các đơn vị nghiên cứu, các hội và hiệp hội có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thay thế Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Lưu: VT, KGVX (2).KN
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng
 
PHỤ LỤC I
DANH SÁCH CÁC CHẤT POP THEO QUY ĐỊNH CỦA CÔNG ƯỚC STOCKHOLM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)
 

STT
Tên chất POP
Phụ lục
Thời điểm đưa vào Công ước Stockholm
Mục đích sử dụng chính, đặc điểm phát thải
Các chất POP ban đầu
1
Aldrin
A
2001
Bảo vệ thực vật và diệt côn trùng, sử dụng trong y tế (gọi tắt là POP-BVTV)
2
Chlordane
A
3
Dieldrin
A
4
Endrin
A
5
Heptachlor
A
6
Mirex
A
7
Toxaphene
A
8
1,1,1 -trichloro2,2-bis (4-chlorophenyl) ethane (DDT)
B
9
Hexachlorobenzene (HCB)
A, C
Công nghiệp, POP-BVTV, phát sinh không chủ định (gọi tắt là UPOP)
10
Polychlorinated biphenyl (PCB)
A, C
Công nghiệp, UPOP
11
Polychlorinated dibenzo-p-dioxin (PCDD)
C
UPOP
12
Polychlorinated dibenzofuran (PCDF)
C
Các chất POP mới bổ sung
13
Chlordecone
A
2009
POP-BVTV
14
Alpha hexachlorocyclohexane
A
15
Beta hexachlorocyclohexane
A
16
Lindane
A
17
Hexabromobiphenyl (HBB)
A
Công nghiệp
18
Hexabromodiphenyl ete và Heptabromodiphenyl ete (POP-BDE)
A
19
Tetrabromodiphenyl ete và Pentabromodiphenyl ete (POP-BDE)
A
20
Pentachlorobenzene (PeCB)
A, C
Công nghiệp, POP-BVTV, UPOP
21
Các axit Perfluorooctane sulfonic, muối của chúng (PFOS) và perfluorooctane sulfonyl fluoride (PFOSF)
B
Công nghiệp, POP-BVTV
22
Endosulfan kỹ thuật và các hóa chất liên quan
A
2011
POP-BVTV
23
Hexabromocyclododecane (HBCD)
A
2013
Công nghiệp
24
Pentachlorophenol (PCP), muối của nó và các este
A
2015
Công nghiệp, POP-BVTV
25
Polychlorinated naphthalene (PCN)
A, C
Công nghiệp, POP-BVTV, UPOP
26
Hexachlorobutadiene (HCBD)
A, C
27
Decabromodiphenyl ete (DBDE)
A
2017
Công nghiệp
28
Các paraffin mạch ngắn chứa clo (SCCP)
A
 
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)
 
 

STT
Tên chương trình, dự án
Thời gian thực hiện
Nguồn kinh phí
Cơ quan chủ trì thực hiện
Cơ quan phối hợp thực hiện
1
Xây dựng, bổ sung và tăng cường hiệu quả các quy định, chính sách và thể chế đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stockholm
2018 - 2022
Sự nghiệp môi trường, Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT)
Các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
2
Kiểm soát ô nhiễm, xử lý và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm POP- BVTV và các chất POP công nghiệp
2018 - 2030
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, ODA
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ TNMT
Các bộ, ngành có liên quan
3
Đánh giá, kiểm soát, xử lý các vùng ô nhiễm nặng chất da cam/dioxin do chiến tranh
2018 - 2025
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, ODA
Bộ Quốc phòng
Bộ TNMT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan
4
Quản lý an toàn, kiểm soát ô nhiễm và giảm tác động của PCB đối với môi trường và sức khỏe
2018 - 2030
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, ODA
Bộ TNMT
Các Bộ: Y tế; Công Thương; Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH); các đơn vị nghiên cứu
5
Kiểm kê quốc gia, kiểm soát và giảm phát thải UPOP tại Việt Nam
2018 - 2020
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, ODA
Bộ TNMT
Các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải (GTVT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT); các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các ngành công nghiệp
6
Xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý và cải thiện sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP
2018 - 2025
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, ODA
Bộ TNMT
Các Bộ: Y tế, LĐ-TB&XH, Công Thương, NNPTNT, Quốc phòng, các tổ chức xã hội, các đơn vị nghiên cứu
7
Giảm sử dụng các vật liệu, sản phẩm chứa các hóa chất thuộc nhóm POP-BDE, HBCD, PFOS và PFOSF tại Việt Nam và lựa chọn các giải pháp thay thế
2018 - 2025
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, ODA
Bộ Công Thương
Bộ TNMT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), các bộ liên quan, các ngành công nghiệp, các đơn vị nghiên cứu, các hiệp hội
8
Kiểm soát ô nhiễm và xử lý các vật liệu, chất thải chứa POP-BDE, PFOS, PFOSF, HBB, HBCD, HCBD, PCP.
2018 - 2030
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, ODA
Bộ TNMT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các Bộ: Công Thương, NNPTNT, Công an và các bộ và địa phương có liên quan.
9
Giáo dục, truyền thông về rủi ro của các chất POP đối với môi trường và sức khỏe con người
2018 - 2030
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp đào tạo, ODA
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Các Bộ: TNMT, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài chính, Công an, LĐTBXH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức xã hội, hiệp hội; các đơn vị nghiên cứu; các ngành công nghiệp
10
Nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan và cộng đồng về rủi ro đối với môi trường và sức khỏe con người do tiếp xúc, phơi nhiễm, hấp thụ và tích lũy các chất POP và hóa chất nguy hại
2017 - 2030
Sự nghiệp môi trường, ODA
Bộ TNMT
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Y tế, Tài chính, Công an, LĐTBXH, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức xã hội; các hiệp hội; các đơn vị nghiên cứu; các ngành công nghiệp.
11
Kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu và quản lý an toàn các hóa chất POP-BVTV
2018 - 2025
Sự nghiệp môi trường, ODA
Bộ NN&PTNT
Các Bộ: TNMT, Tài chính, Công an, Công Thương
12
Quản lý an toàn hóa chất, vật liệu, thiết bị và chất thải liên quan đến POP, thủy ngân phát sinh từ hoạt động y tế
2018 - 2022
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, ODA
Bộ Y tế
Các Bộ: TNMT, LĐ-TBXH, Công Thương, NN&PTNT, Xây dựng; các tổ chức xã hội; các đơn vị nghiên cứu
13
Nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các biện pháp an toàn cho người lao động tiếp xúc với các chất POP, vật liệu, sản phẩm có chứa POP
2018 - 2022
Sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học, ODA
Bộ LĐ-TB&XH
Các Bộ: Y tế, TNMT, Công Thương và các Bộ có liên quan khác; các tổ chức xã hội; các đơn vị nghiên cứu; các ngành công nghiệp
14
Tăng cường năng lực khoa học, công nghệ nhằm kiểm soát, thay thế và quản lý an toàn các chất POP
2018 - 2030
Vốn đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học, ODA
Bộ KHCN
Các Bộ: TNMT, Công an, Công Thương và các Bộ có liên quan; các đơn vị nghiên cứu
 

Để được hỗ trợ dịch thuật văn bản này, Quý khách vui lòng nhấp vào nút dưới đây:

*Lưu ý: Chỉ hỗ trợ dịch thuật cho tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực

Quyết định 3940/QĐ-BNN-KL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bãi bỏ Quyết định 4737/QĐ-BNN-TCLN ngày 02/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư không thuộc đối tượng quản lý như động vật hoang dã quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ

Tài nguyên-Môi trường, Nông nghiệp-Lâm nghiệp

văn bản mới nhất