Chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 2/2024

Bài viết tổng hợp các chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 2/2024 theo quy định của pháp luật.

1. Điều kiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam

Theo quy định tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam từ ngày 02/02/2024 phải đáp ứng một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

- Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;

- Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 75% hoặc > 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

- Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại < 50% hoặc > 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

- Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.

Chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 2/2024 (Ảnh minh họa)

 

2. Thay đổi phương pháp tính khoản thu trái pháp luật về chứng khoán

Thông tư 73/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/02/2024 thay đổi một số quy định về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, khoản thu trái pháp luật đối với trường hợp trong thời kỳ thao túng thị trường chứng khoán có điều chỉnh về giá chứng khoán được tính bằng tổng khoản thu trái pháp luật trong các giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá (ngày giao dịch không hưởng quyền) và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá.

Khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn trước thời điểm điều chỉnh về giá và khoản thu trái pháp luật trong giai đoạn sau khi điều chỉnh về giá được tính theo công thức quy định tại khoản này.

Đối với trường hợp tổng khối lượng chứng khoán bán ra lớn hơn tổng khối lượng chứng khoán mua vào trong giai đoạn sau khi điều chỉnh giá, giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch là giá mua bình quân trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền được điều chỉnh giá theo công thức:

P’=(P+Pa*a-C)/(1+a+b)

Trong đó:

P’: giá của khối lượng chứng khoán chênh lệch.

P: giá mua bình quân cổ phiếu trong giai đoạn trước ngày giao dịch không hưởng quyền.

Pa: giá cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

a: tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm cho quyền mua ưu đãi.

b: tỷ lệ chia cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

C: cổ tức bằng tiền.

 

3. Danh mục người có chức vụ ngành ngân hàng không được thành lập doanh nghiệp

Thông tư 20/2023/TT-NHNN quy định 07 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi chức vụ từ ngày 12/02/2024, bao gồm:

- Cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng.

- Cấp phép hoặc đình chỉ hoạt động thanh toán của tổ chức tín dụng và tổ chức khác; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức không phải là ngân hàng; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thanh toán.

- Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối cho tổ chức tín dụng và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngoại hối.

- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh vàng.

- Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng...

- Lập danh sách cảnh báo tổ chức có rủi ro cao về rửa tiền; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phòng, chống rửa tiền.

- Thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.

Chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 2/2024 (Ảnh minh họa)

 

4. Điều kiện sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lĩnh vực tài chính

Thông tư 72/2023/TT-BTC quy định từ ngày 01/02/2024, việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính được thực hiện khi cơ quan, tổ chức có đơn vị sự nghiệp công lập khác phù hợp về chức năng, nhiệm vụ với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tài chính để sáp nhập, hợp nhất.

Đồng thời, đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tài chính đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

- 02 năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền hoặc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Không đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

- Không đảm bảo mức độ tự chủ từ 30% trở lên chi thường xuyên hoặc có 30% số lượng người làm việc trở lên được hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (đối với đơn vị thành lập trước 01/02/2024) hoặc không còn khả năng đảm bảo mức độ tự chủ (đối với đơn vị thành lập từ 01/02/2024).

- Không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).

Việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ tài chính như nhau đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có của các đơn vị.

Đơn vị sự nghiệp công lập hình thành sau khi sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

Trên đây là chính sách mới về tài chính - ngân hàng có hiệu lực tháng 2/2024, nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4

Trò chơi điện tử trên mạng đang trở nên ngày càng thịnh hành đối với mọi lứa tuổi. Do đó, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã ban hành các quy định dành riêng cho việc cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4 trên mạng cùng với mẫu đơn đề nghị cấp GCN cung cấp trò chơi điện tử G2 G3 G4.

Làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1?

Để đảm bảo cho việc cung cấp và sử dụng các trò chơi điện tử trên mạng được an toàn cho người dùng, Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến hoạt động này. Vậy làm thế nào để được cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng?

Mẫu đơn đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP đã được ban hành ngày 09/11/2024. Trong đó, đáng chú ý là các quy định chi tiết về cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Vậy để đề nghị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, doanh nghiệp phải sử dụng mẫu đơn nào?

Điều kiện cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là trang mạng điện tử rất phổ biến hiện nay. Vậy điều kiện để được cung cấp dịch vụ mạng xã hội là gì và những quy định nào doanh nghiệp cần biết khi cung cấp dịch vụ mạng xã hội?