Quyết định 411/QĐ-TTg 2022 Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

thuộc tính Quyết định 411/QĐ-TTg

Quyết định 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:411/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Vũ Đức Đam
Ngày ban hành:31/03/2022
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Khoa học-Công nghệ, Chính sách

TÓM TẮT VĂN BẢN

Phấn đấu đến 2025, tỷ trọng kinh tế số nước ta đạt 20% GDP

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 411/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung quy định về các dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, hoạt động của nền tảng số, dữ liệu số, dịch vụ số trực tuyến, dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải từ 2022-2025 xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nghiên cứu xây dựng phát triển thị trường bảo hiểm an toàn thông tin mạng nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức phục hồi tài chính khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng; Bộ Công an cần xây dựng, trình ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử;...

Các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định này được đề ra nhằm phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và 30% GDP đến năm 2030.

Quyết định 411/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem chi tiết Quyết định411/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 411/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2022

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

_____________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.

2. Thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

a) Thể chế kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

b) Hạ tầng số đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh, theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ lõi.

c) Nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số và người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định cho phát triển kinh tế số, xã hội số Quốc gia.

d) Phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng.

đ) Tái cấu trúc, tối ưu hóa, gia tăng tỷ trọng và thẩm thấu kinh tế số trong toàn bộ nền kinh tế. Nhanh chóng chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phát triển các mô hình kinh doanh mới, mở ra không gian tăng trưởng mới.

3. Giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong phát triển kinh tế số và xã hội số.

a) Phát triển nhanh và bền vững. Với những mô hình đã chín muồi, đã chứng minh được hiệu quả thực tiễn thì nhanh chóng nhân rộng, đẩy mạnh triển khai. Với những mô hình mới chưa có quy định rõ ràng thì cho phép thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện mô hình trước khi triển khai nhân rộng.

b) Phát triển toàn diện và có trọng điểm. Phát triển toàn diện các yếu tố nền móng cho kinh tế số và xã hội số và xác định một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cần tập trung triển khai.

c) Đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ. Đảm bảo cân đối hài hòa giữa đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của Việt Nam.

d) Bảo vệ chủ quyền số quốc gia và hội nhập quốc tế. Phát triển kinh tế số và xã hội số gắn liền với xây dựng và củng cố chủ quyền số quốc gia. Chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường cân đối với phát triển sản xuất trong nước, thu hút nguồn lực đầu tư một cách chọn lọc, phù hợp với chiến lược quốc gia. Thu hút đội ngũ chuyên gia trên thế giới cùng tham gia giải quyết các bài toán của Việt Nam.

đ) Quản lý rủi ro trong quá trình chuyển đổi lên môi trường số, phát triển kinh tế số và xã hội số an toàn. Bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những nguy cơ, rủi ro, tác nhân xấu xâm hại tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng bảo vệ trẻ em và các đối tượng yếu thế trên môi trường mạng.

II. TẦM NHÌN

Phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Phát triển xã hội số giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

III. MỤC TIÊU

1. Phát triển kinh tế số

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.

Phát triển kinh tế số ICT với trọng tâm là doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam, hài hòa với thu hút FDI có chọn lọc, gia tăng hàm lượng xuất khẩu.

Phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực.

a) Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

- Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP;

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%;

- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%;

- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

b) Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

- Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP;

- Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;

- Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%;

- Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%;

- Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.

2. Phát triển xã hội số

Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.

Các đặc trưng cơ bản của xã hội số bao gồm: Công dân số, kết nối số và văn hóa số. Công dân số được đặc trưng bởi danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số. Kết nối số được đặc trưng bởi khả năng kết nối mạng của người dân, bao gồm tỷ lệ dân được phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng và tỷ lệ người dùng Internet. Văn hóa số được đặc trưng bởi mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mức độ sử dụng dịch vụ số trên mạng, mức độ sử dụng các dịch vụ y tế số, giáo dục số của người dân.

Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, đồng thời, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.

a) Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%;

- Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%;

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%;

- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%;

- Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%;

- Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%;

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%;

- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%;

- Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%;

- Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80%;

- Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.

b) Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%;

- Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%;

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%;

- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%;

- Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 100%;

- Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%.

- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%;

- Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%;

- Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%;

- Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%;

- Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%.

IV. PHÁT TRIỂN NỀN MÓNG KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ

1. Thể chế

Hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất, được lồng ghép trong tất các các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử; để việc thực hiện giao dịch điện t mang lại nhiều lợi ích hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn việc thực hiện giao dịch theo các phương thức truyền thống.

b) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động trong mỗi cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực.

c) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.

d) Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện chống độc quyền, chống mua bán, sáp nhập làm ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế số; tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; tổ chức giám sát thực thi pháp luật bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

đ) Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, pháp luật cho kinh tế số và xã hội số; quy định quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

2. Hạ tầng

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng số theo hướng hạ tầng phải đi trước, đi nhanh, Việt Nam làm chủ công nghệ.

b) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, lộ trình số hóa và thông minh hóa các lĩnh vực hạ tầng thiết yếu khác phục vụ kinh tế số và xã hội số gồm: hạ tầng bưu chính; hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng thương mại, công nghiệp và năng lượng; hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng khoa học và công nghệ; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch.

c) Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được phê duyệt tại các Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp và dịch vụ logistics Việt Nam.

d) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh trên cả nước; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số.

3. Nền tảng số

Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.

Điểm đột phá là nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Mỗi nền tảng số quốc gia có một cơ quan chủ quản là một bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc một doanh nghiệp để chủ trì điều phối, đặt hàng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và một số doanh nghiệp nòng cốt để thúc đẩy phát triển.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển. Xây dựng và triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia. Đẩy mạnh phát triển các nền tảng có khả năng kết nối liên thông, liên kết, tạo sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả triển khai, tránh trùng lặp, rời rạc.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể để phát triển nền tảng số quốc gia, bao gồm kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, kế hoạch của cơ quan chủ quản và kế hoạch của đơn vị phát triển nền tảng, trong đó xác định cụ thể cơ chế phối hợp hành động giữa cơ quan chủ quản với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phối hợp và đơn vị phát triển. Khuyến khích các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia.

c) Xây dựng, ban hành tiêu chí nền tảng số quốc gia và tổ chức đánh giá, công nhận, công bố nền tảng số quốc gia đáp ứng yêu cầu. Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu và xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số để cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số quốc gia; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nền tảng số quốc gia để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết và sử dụng.

d) Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nền tảng số quốc gia, xác định các nền tảng số quốc gia dùng chung trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

4. Dữ liệu số

Dữ liệu và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo nên huyết mạch quan trọng của kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu là nguyên liệu không tiêu hao, càng chia sẻ, khai thác, sử dụng thì càng phát huy giá trị. Việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu.

Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia.

b) Rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật.

c) Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu.

d) Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công nghiệp và thương mại, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng.

đ) Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu quốc gia và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp bộ, ngành, địa phương, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu trong ngành, lĩnh vực, địa phương vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

5. An toàn thông tin mạng và an ninh mạng

Phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia theo định hướng làm chủ công nghệ, bảo vệ chủ quyền số và sự thịnh vượng của quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm môi trường số an toàn, lành mạnh, phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

b) Đảm bảo yêu cầu an toàn thông tin mạng mặc định ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số; cung cấp dịch vụ số được bảo đảm sẵn về an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản.

c) Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam; đánh giá, công bố các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và ưu tiên sử dụng.

d) Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản giúp người dân phòng, tránh và tự bảo vệ mình trước những nguy cơ, rủi ro và sự cố mất an toàn thông tin mạng.

đ) Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng chuyên nghiệp giúp tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình bảo vệ 04 lớp.

e) Xây dựng và tổ chức triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng như một chỉ dẫn quan trọng, tạo niềm tin cho người dân trên môi trường số thông qua việc thực hiện đánh giá và dán nhãn tín nhiệm cho các trang, cổng thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng và các hệ thống thông tin khác đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin mạng.

g) Triển khai ký số từ xa theo hướng ưu tiên phổ cập việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện, an toàn và có giá sử dụng chữ ký phù hợp thu nhập của người dân.

h) Nghiên cứu xây dựng phát triển thị trường bảo hiểm an toàn thông tin mạng nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức phục hồi tài chính khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng.

i) Xây dựng, trình ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh làm nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

k) Bảo đảm, xác thực thông tin trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối để phục vụ việc xác nhận mức độ bảo đảm, xác thực của danh tính số của người dân.

l) Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

6. Nhân lực số

Phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng.

Điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Rà soát, sửa đổi các quy định, chính sách để khuyến khích tăng tối đa thời lượng và khối lượng đào tạo trực tuyến, bảo đảm tỷ lệ tối thiểu thời lượng và số lượng tín chỉ đào tạo trực tuyến trong tổng thời gian đào tạo; công nhận và cho phép chuyển đổi phù hợp một số văn bằng, chứng chỉ công nghệ thông tin, công nghệ số cấp bởi tổ chức, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước sang tín chỉ học của bộ môn tương ứng để rút ngắn thời gian đào tạo.

b) Xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án thí điểm mô hình đại học số đào tạo một số chuyên ngành như công nghệ thông tin, máy tính, điện tử - viễn thông, tự động hóa, kỹ thuật truyền thông, an toàn thông tin mạng, công nghệ số, kỹ thuật số và các chuyên ngành phù hợp khác. Ban hành bộ tiêu chí đại học số và các cơ chế đặc biệt áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học triển khai mô hình đại học số đạt tiêu chí.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động.

d) Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông. Chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên và trang bị đủ thiết bị, robotics, phần mềm. Khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng số, STEM/STEAM, robotic để triển khai.

đ) Xây dựng mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở cho phép học sinh, sinh viên truy cập trực tuyến miễn phí phục vụ học tập, tra cứu thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức của các đối tượng yếu thế trong xã hội, tiết kiệm chi phí in ấn hàng năm.

e) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng quản lý nội dung học tập, nền tảng quản lý học tập quốc gia dùng chung cho các cơ sở đào tạo tại các cấp phổ thông; xây dựng và chuẩn hóa học liệu số, giúp giáo viên dành được nhiều thời gian tương tác với học sinh, cải thiện chất lượng tiết học.

g) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng lưu trữ hồ sơ số trong suốt quá trình học tập, đào tạo và phục vụ học tập suốt đời của một công dân.

h) Tăng mạnh chỉ tiêu đào tạo các ngành công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tế ảo/thực tế tăng cường, chuỗi khối, in ba chiều. Các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ở các lĩnh vực ngành, nghề mở thêm chuyên ngành đào tạo về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực ngành, nghề của mình. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ tiến sĩ về các chuyên ngành công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.

i) Xây dựng và định kỳ hàng năm công bố báo cáo dự báo về nhu cầu thị trường nhân lực và tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng tại Việt Nam để có giải pháp đào tạo phù hợp; cập nhật xu thế, giới thiệu một số ngành, nghề mới yêu cầu các kỹ năng mới.

7. Kỹ năng số, công dân số và văn hóa số

Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.

Điểm đột phá của phổ cập kỹ năng số, văn hóa số toàn dân là phổ biến kỹ năng số, văn hóa số bằng chính việc sử dụng các nền tảng số quốc gia và thực hiện đào tạo, tập huấn kỹ năng số, văn hóa số thông qua nền tảng số.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai chuẩn kỹ năng số và khung kỹ năng số quốc gia, trong đó, xác định các kỹ năng cần thiết, trình độ đáp ứng, phù hợp theo từng đối tượng. Thiết lập và tổ chức triển khai nền tảng sát hạch trực tuyến đánh giá, đo lường kỹ năng số cho từng đối tượng lao động, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh phù hợp chuẩn kỹ năng số quốc gia.

b) Xây dựng nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) về kỹ năng số phù hợp với chuẩn kỹ năng số và khung kỹ năng số quốc gia, cho phép người dân truy cập để tự học các kỹ năng số, bồi dưỡng, phổ biến kỹ năng số rộng rãi cho lực lượng lao động, hướng tới phổ cập kỹ năng số trong toàn dân.

c) Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyên trách chuyển đổi số và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông.

d) Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số, và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ, phổ cập kết nối số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị IoT để quan trắc, giám sát phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

đ) Tổ chức triển khai các chương trình phát triển văn hóa số sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số. Phát triển nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân, tạo kênh độc lập thu thập, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội.

8. Doanh nghiệp số

Phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số. Điểm đột phá là đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên các nền tảng số, tạo hệ sinh thái doanh nghiệp số trong các ngành lĩnh vực.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm “Make in Việt Nam”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số.

b) Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: xây dựng và vận hành cổng thông tin Chương trình; đánh giá, lựa chọn, công bố các nền tảng số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp; khảo sát, phân nhóm các doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực và quy mô; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai các chiến dịch truyền thông cho Chương trình.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đánh giá, lựa chọn và công bố các nền tảng số, giải pháp số xuất sắc cho chuyển đổi số doanh nghiệp lớn. Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành trong chuyển đi số, phát triển và nhân rộng nền tảng số ngành, tạo hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực.

d) Xây dựng và triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp trên cả nước, kết quả đánh giá chỉ số mức độ chuyển đổi số là thước đo về hiệu quả của các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Xây dựng và vận hành Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số.

đ) Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp (Mạng lưới tư vấn) với tối thiểu 1000 chuyên gia và 500 đơn vị tư vấn được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và được tham gia các hoạt động chung nhằm duy trì và phát triển mạng lưới.

e) Xây dựng và triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng thiết bị IoT của Việt Nam.

9. Thanh toán số

Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

b) Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt.

c) Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Tổ chức triển khai hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Triển khai Chương trình thúc đẩy dịch vụ Mobile-Money, tập trung ưu tiên ở các vùng, miền có tỷ lệ phổ cập dịch vụ ngân hàng còn ở mức thấp. Hướng dẫn, triển khai Chương trình hỗ trợ bệnh viện, trường học thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số quản trị hoạt động của đơn vị.

e) Đổi mới công nghệ và nghiệp vụ hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thông lệ quốc tế; nâng cấp phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử, đáp ứng yêu cầu về số lượng giao dịch, đặc biệt là các giao dịch thanh toán vi mô, giá trị nhỏ dự kiến bùng nổ trong nền kinh tế số.

g) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

h) Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hóa đơn điện tử phù hợp với thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

i) Xây dựng nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử.

V. PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC

Phát triển kinh tế số và xã hội số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, cụ thể như sau:

1. Nông nghiệp và nông thôn

Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế số nông nghiệp; phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển các nền tảng số phục vụ nhu cầu của người nông dân; phát triển các dịch vụ bảo hiểm mùa vụ, phòng ngừa rủi ro cho nông dân.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt và người nông dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản; kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn, dự báo tình hình cho nông dân.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp để thu thập, dán nhãn dữ liệu theo hình thức đóng góp của cộng đồng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ phân tích, phát hiện sớm bệnh dịch cho cây trồng, vật nuôi để có phương án xử lý kịp thời.

d) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản cho phép kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của nông sản.

đ) Xây dựng, cập nhật bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí quốc gia về xóa đói giảm nghèo, đặc biệt cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có các tiêu chí về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tổ chức triển khai mô hình làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết phát triển thương mại điện tử với Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm.

e) Tổ chức triển khai phổ cập kỹ năng số cho người nông dân theo hướng tuyên truyền, phổ biến qua phương tiện truyền thông cơ sở; qua hệ thống hội nông dân các cấp; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và tham gia vào phát triển kinh tế số, xã hội số; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người nông dân thông qua các nền tảng số, đào tạo trực tuyến, liên tục phát triển kỹ năng và tri thức số cho người nông dân, ưu tiên nhóm kỹ năng về sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, nhận biết, phòng ngừa lừa đảo trên mạng.

g) Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Y tế

Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương tới cấp xã và với người dân. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách trong y tế để cơ sở khám, chữa bệnh có bộ phận chức năng và cung cấp dịch vụ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử; đơn thuốc điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ y tế số.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực y tế, thúc đẩy, khuyến khích bệnh viện lớn đồng thời cũng là doanh nghiệp công nghệ số về y tế; phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào y tế số; phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa kết nối bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, từ trung ương tới cơ sở, giúp giảm tải các cơ sở y tế, khám, chữa bệnh kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí.

d) Xây dựng và tổ chức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; triển khai nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước; phát triển các nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

đ) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng quản lý xét nghiệm thống nhất trên toàn quốc. Các kết quả xét nghiệm trong hồ sơ bệnh án điện tử được công nhận lẫn nhau giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.

e) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng thống nhất trên toàn quốc. Triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở trên toàn quốc. Phát triển nền tảng giám sát dịch bệnh để quản lý bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm trên toàn quốc.

g) Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng quản lý trạm y tế xã của tất cả các xã trên toàn quốc.

h) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân để hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh từ khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng đến điều trị. Hồ sơ sức khỏe điện tử được cập nhật thường xuyên, lưu lại thông tin về tình trạng sức khỏe người dân trong suốt cuộc đời.

i) Phát triển các nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến, kết nối người dân với bác sĩ tư vấn.

k) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các chuyên gia trong lĩnh vực y tế để thu thập, dán nhãn dữ liệu theo hình thức đóng góp của cộng đồng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ phân tích, chẩn đoán đề xuất liệu trình phù hợp. Phát triển nền tảng số về an toàn thực phẩm và nền tảng số quản lý môi trường y tế.

l) Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về y tế số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành y tế.

3. Giáo dục và Đào tạo

Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phong triển khai áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thúc đẩy, khuyến khích cơ sở giáo dục và đào tạo lớn, các trường đại học lớn đồng thời cũng là doanh nghiệp công nghệ số về giáo dục và đào tạo; phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo số.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác giảng dạy - học tập - thi cử cho học sinh, sinh viên, giáo viên, từ đó, hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc thi cử trực tuyến.

c) Tìm kiếm và ứng dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech) vào giảng dạy. Tạo cơ chế thí điểm các sản phẩm, dịch vụ mới đột phá, hỗ trợ đào tạo nhanh, hiệu quả.

d) Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về giáo dục và đào tạo số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành giáo dục và đào tạo.

4. Lao động, việc làm và an sinh xã hội

Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng đẩy nhanh tiến trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; tạo lập và duy trì cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật kịp thời về người lao động và đối tượng chính sách trên phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội; thúc đẩy, khuyến khích các hình thức giao dịch điện tử, chứng chỉ chứng nhận điện tử, chi trả an sinh xã hội trực tuyến hoặc trực tiếp tới đối tượng thụ hưởng, loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về lao động, việc làm và an sinh xã hội trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức sử dụng lao động đóng vai trò nòng cốt và người lao động, người dân tham gia tích cực trong thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phân tích, dự báo, công bố thông tin thị trường lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Hình thành nền tảng hợp đồng lao động điện tử và thúc đẩy người lao động và tổ chức sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động điện tử. Xây dựng và tổ chức triển khai sổ lao động điện tử cho người lao động.

c) Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về chuyển đổi số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành lao động, thương binh và xã hội.

5. Thương mại, công nghiệp và năng lượng

a) Thương mại

Phát triển kinh tế số và xã hội số trong thương mại theo hướng tinh gọn và tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng, góp phần hiện đại hóa chu trình kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

- Tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 đã được ban hành tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quản lý, giám sát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử; chống hàng gian, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững;

- Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển: hạ tầng logistics thuận lợi, có nhiều nông sản, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ độc đáo; tăng cường liên kết thương mại điện tử giữa các vùng miền;

- Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử để góp phần đưa mỗi một người dân thành một doanh nhân. Đào tạo kỹ năng số cho đồng bào dân tộc thiểu số, trao cơ hội tiếp cận với thương mại điện tử nhằm xóa đói giảm nghèo, thu hẹp chênh lệch về thu nhập; coi thương mại điện tử là biện pháp chủ yếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2022 - 2025;

- Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng;

- Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương;

- Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử;

- Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về thương mại điện tử tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành công thương.

b) Công nghiệp và năng lượng

Phát triển kinh tế số và xã hội số trong công nghiệp và năng lượng theo định hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển đi số trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hướng đến mô hình nhà máy thông minh, tăng trưởng xanh, bền vững và phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn;

- Xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; triển khai các dự án chuyển đi số mẫu có tính đại diện và khả thi, qua đó dẫn dắt phong trào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sản xuất;

- Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối doanh nghiệp sản xuất với các chuyên gia công nghệ và các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường liên kết kinh doanh theo mô hình hợp tác tiên tiến giữa các doanh nghiệp sản xuất với đối tác trong nước và quốc tế đế tạo ra các giá trị mới, chia sẻ mạng lưới dịch vụ và tài nguyên dữ liệu, thông tin;

- Xây dựng các chỉ tiêu thống kê và tổ chức khảo sát định kỳ đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp về chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh;

- Xây dựng và hình thành các trung tâm/viện nghiên cứu về công nghệ phục vụ sản xuất, chú trọng đến việc chuyển đi số đối với các công nghệ nguồn, công nghệ lõi của ngành sản xuất, chế biến chế tạo nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng của các ngành chế biến, chế tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, cho các sản phẩm công nghiệp sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước;

- Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực năng lượng;

- Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam;

- Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về sản xuất thông minh, chuyn đổi số trong lĩnh vực năng lượng tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành công thương.

6. Du lịch

Phát triển kinh tế số và xã hội số theo hướng cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch trước khi thực hiện chuyến đi và trong khi thực hiện chuyến đi theo thời gian thực. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực du lịch, mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư phục vụ du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung và cầu về du lịch.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số du lịch trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp du lịch đóng vai trò nòng cốt và khách du lịch tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ hoạch định chính sách, lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và đưa ra các gói ưu đãi cho khách du lịch. Điều tra, đánh giá, phân loại và số hóa tài nguyên du lịch, cập nhật thường xuyên thông tin, dữ liệu số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Việt Nam.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch, kết nối doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch trong nước với các nhà phân phối, đại lý du lịch trực tuyến và các sàn giao dịch du lịch trực tuyến lớn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh du lịch, tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; ứng dụng công nghệ hiện đại vào phát triển các phần mềm, tiện ích thông minh hỗ trợ công tác quản lý và phục vụ khách du lịch.

d) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số. Xây dựng mạng lưới hệ thống bảo tàng số, kết nối, chia sẻ tài nguyên tri thức từ hệ thống tư liệu tại các bảo tàng trên cả nước.

đ) Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.

7. Tài nguyên và Môi trường

a) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và carbon thấp, thân thiện với môi trường.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai quốc gia, bản đồ số quốc gia mở bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, hình thành các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khai thác hiệu quả hệ sinh thái số về tài nguyên và môi trường, đóng góp các nền tảng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

c) Xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035 làm định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số ngành tài nguyên và môi trường.

d) Mở mới, triển khai đào tạo chuyên ngành về khoa học dữ liệu, chuyển đổi số tài nguyên và môi trường tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành tài nguyên và môi trường.

8. Các ngành, lĩnh vực khác

Đối với các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, giao thông vận tải, logistics, xây dựng và bất động sản, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và các ngành, lĩnh vực khác: tập trung phát triển kinh tế số và xã hội số trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng thiết lập môi trường phù hợp cho đổi mới sáng tạo, tăng cường sự chỉ đạo chiến lược và khai thác linh hoạt nguồn lực tài chính cho hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái kinh tế số, xã hội số ngành, lĩnh vực. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:

a) Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong ngành, lĩnh vực, chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang kinh tế số ngành, chuyển đổi số mạnh mẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành, lĩnh vực; phát động và thu hút làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư phục vụ ngành, lĩnh vực; phát triển các nền tảng số ngành phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số ngành, lĩnh vực trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đóng vai trò nòng cốt và người dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực; kịp thời cung cấp thông tin, tư vấn, dự báo tình hình cho doanh nghiệp và người dân.

c) Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành; kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và chính phủ, giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo môi trường hình thành các dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện khai thác hiệu quả hệ sinh thái kinh doanh trên không gian mạng.

d) Tổ chức triển khai đào tạo kỹ năng schuyên ngành cho lực lượng lao động trong ngành, lĩnh vực; đào tạo công nghệ số chuyên ngành, chuyển đổi số chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực.

VI. GIẢI PHÁP

1. Tổ chức, bộ máy

a) Tổ chức hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực, thống nhất điều phối quốc gia một cách đồng bộ về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Kiện toàn và tổ chức hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do người đứng đầu làm Trưởng ban, cơ quan thường trực là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin/chuyển đổi số (đối với bộ, cơ quan trung ương) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông (đối với địa phương).

b) Tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương phù hợp với nội hàm quản lý, thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam, bảo đảm đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phát huy vai trò của các bên trong phát triển kinh tế số và xã hội số.

d) Tổ chức, phân công các đơn vị là đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm triển khai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Hợp tác trong nước

a) Hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và từng bộ, ngành liên quan, thành lập Nhóm công tác chung giữa hai bộ, xây dựng kế hoạch phối hợp hành động cụ thể theo từng năm để triển khai hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nền tảng số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực số trong từng ngành, lĩnh vực.

b) Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao.

c) Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số.

3. Hợp tác quốc tế

a) Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số vào Việt Nam phù hợp với nội dung Chiến lược.

b) Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về kinh tế số, xã hội số, xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số phù hợp với mục tiêu và lợi ích của Việt Nam, là thành viên có trách nhiệm trong xử lý và giải quyết các vấn đề, thách thức liên quan đến kết nối số, hài hòa hóa tiêu chuẩn, thúc đẩy thương mại số, nâng cao năng lực số và thu hẹp khoảng cách số, khuyến khích hoạt động doanh nghiệp trong môi trường số và bảo vệ người tiêu dùng.

c) Thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết liên quan đến kinh tế số, thương mại số và đặc biệt là trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (ASEAN + 1, FTAs, RCEP, CPTPP, EVFTA).

4. Nghiên cứu, phát triển

a) Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bản sao số, chuỗi khối, thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

b) Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ số mới để tạo ra những nền tảng, sản phẩm, dịch vụ số mang đặc thù Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

c) Tổ chức tìm kiếm, có chính sách hấp dẫn để chiêu mộ những chuyên gia hàng đầu về công nghệ số mới, công nghệ lõi, nền tảng số ở trong nước và nước ngoài về Việt Nam nghiên cứu phát triển, đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo về kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số nền tảng và kinh doanh trực tuyến trên toàn quốc.

d) Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ khoa học công nghệ và sử dụng Quỹ này để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số doanh nghiệp. Nới lỏng và đơn giản hóa các quy định về trích lập và chi tiêu Quỹ khoa học công nghệ cho mục tiêu chuyển đổi số doanh nghiệp.

đ) Xây dựng các khu nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp phát triển kinh tế số: hỗ trợ thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, ươm tạo, khởi nghiệp về kinh tế số; hình thành các trung tâm xúc tiến chuyển đổi số tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; thí điểm áp dụng các mô hình doanh nghiệp công nghệ chuyên ngành tham gia cung cấp các dịch vụ chuyên môn các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo; khảo sát, lập danh mục các doanh nghiệp có mô hình ngành nghề mới dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ số để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ phát triển.

e) Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới, mô hình mẫu về chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; thúc đẩy các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp hạt nhân đầu tư nghiên cứu, xây dựng các nền tảng số chuyên ngành, hỗ trợ chuyển giao cho các đối tác cùng ứng dụng, kết nối, chia sẻ, dẫn dắt chuyển đổi số chuỗi cung ứng, đưa chuỗi ngành nghề lên tầm cao mới; phối hợp đa ngành giữa doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp nền tảng, doanh nghiệp công nghệ tài chính để thiết lập nền tảng chuyển đổi số, kiến tạo hệ sinh thái mới.

5. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức

a) Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các sự kiện, triển lãm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam và kết quả thực hiện các nội dung của Chiến lược; lồng ghép nội dung về kinh tế số, xã hội số trong các sự kiện, triển lãm về phát triển kinh tế - xã hội, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn rộng khắp về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ trung ương đến cơ sở. Phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số.

c) Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi, trò chơi truyền hình xoay quanh chủ đề kinh tế số, xã hội số nhằm tuyên truyền, phổ biến, thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân. Tổ chức các cuộc thi tìm kiếm mô hình kinh doanh số, kinh tế số tiêu biểu, các giải pháp dùng công nghệ số để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội.

d) Thiết lập cổng thông tin kinh tế số và xã hội số Việt Nam để cung cấp thông tin triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, là nơi đăng tải các chủ trương, chính sách, thông tin liên quan và diễn tiến thực hiện Chiến lược, là nơi tích hợp các dữ liệu về phát triển kinh tế số và xã hội số Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia, với thông tin, dữ liệu được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau được phân loại theo chủ đề, danh mục phục vụ lưu trữ, truy xuất và cập nhật thông tin, cho phép người dùng tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Xây dựng diễn đàn kết nối chuyên gia, nhà khoa học với cá nhân, tổ chức nhằm gắn kết sức mạnh tri thức để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.

đ) Tổ chức các cuộc thi để khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các bài toán thực tế cần giải quyết bằng công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp số, nền tảng số giải quyết xuất sắc bài toán đặt ra.

6. Đo lường, giám sát triển khai

a) Định kỳ cập nhật các chỉ tiêu kinh tế số, xã hội số phù hợp thực tế phát triển, đảm bảo hệ thống chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số, xã hội số thống nhất, bao gồm các chỉ tiêu cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương.

b) Hàng năm thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số và các mục tiêu cơ bản về kinh tế số và xã hội số đặt ra tại Chiến lược này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.

c) Ban hành bộ tiêu chí đo lường về xã hội số, trong đó có nội dung đo lường về mức độ tham gia của người dân vào các hoạt động chính trị, xã hội trong xã hội số, có phân loại chi tiết theo giới tính, vùng miền; định kỳ hàng năm thực hiện điều tra, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường về xã hội số ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương.

7. Bảo đảm kinh phí

a) Kinh phí thực hiện Chiến lược này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược để phát triển kinh tế số và xã hội số.

b) Ưu tiên kinh phí từ ngân sách để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, dự án thuộc Chiến lược này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện. Phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới. Nghiên cứu rà soát sửa đổi bổ sung mục lục ngân sách riêng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

c) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chiến lược được giao cho các bộ, các cơ quan trung ương chủ trì và các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Chiến lược. Địa phương có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Chiến lược được giao cho các địa phương chủ trì. Trong đó:

- Nguồn kinh phí đầu tư chi để thực hiện các nhiệm vụ, dự án: đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin, nền tảng số, mua sắm phần cứng, phần mềm, công nghệ, trang thiết bị và xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số;

- Nguồn kinh phí thường xuyên chi để thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ: nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; điều tra, khảo sát, thống kê, đo lường, đánh giá chỉ số phát triển, ảnh hưởng tác động; thuê, mua sử dụng, thúc đẩy phát triển các nền tảng số; tạo lập, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ, sử dụng dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực số, kỹ năng số, công dân số, văn hóa số; hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp; thông tin, tuyên truyền; duy trì, vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng số; các nhiệm vụ khác thuộc Chiến lược có tính chất chi thường xuyên. Khuyến khích, ưu tiên sử dụng nguồn chi thường xuyên thuê, mua sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, hệ thống thông tin thay vì đầu tư xây dựng.

d) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, đào tạo bố trí kinh phí từ ngân sách tự chủ của mình để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao thuộc Chiến lược. Các đơn vị có nguồn kinh phí được để lại theo quy định ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện Chiến lược phù hợp quy định của pháp luật.

8. Giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số

a) Đánh giá tác động của phát triển kinh tế số, xã hội số ở quy mô quốc gia và từng địa phương; trong đó, trọng tâm là đánh giá ảnh hưởng của công nghệ đối với các ngành, nghề và triển vọng việc làm để đưa ra phương án chuyển đổi phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia và địa phương. Ưu tiên thực hiện chuyển đổi cho các đối tượng chịu nhiều tác động, có khả năng bị thay thế bởi máy móc nhất. Triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách và giảm tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số.

b) Đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; phát triển các Trung tâm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển trợ lý ảo để hỗ trợ người dân 24/7 mọi lúc, mọi nơi.

c) Phát triển các ứng dụng, nền tảng số đơn giản, dễ sử dụng để hỗ trợ người dân tự kiểm soát được hoạt động và mức độ sử dụng công nghệ; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào tự động kiểm soát truy cập và chặn lọc các trang web, tài nguyên Internet độc hại hướng tới một không gian số an toàn, lành mạnh cho người dân.

d) Hình thành các điểm thu gom sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông hư hỏng, hết hạn sử dụng, rác thải công nghệ, rác thải điện tử; đẩy mạnh áp dụng công nghệ xử lý phù hợp hướng tới một môi trường xanh và bảo vệ sức khỏe của người dân.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược này; hướng dẫn, đôn đốc, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nền tảng sổ quốc gia và kinh tế nền tảng; kiểm tra, giám sát, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chiến lược.

b) Năm 2023 tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược, đề xuất xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu và bổ sung, sửa đổi các nhiệm vụ, giải pháp (nếu cần thiết) và tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chiến lược vào năm 2025.

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, c, đ khoản 1 Mục IV; điểm a, b, d khoản 2 Mục IV; điểm a, c, d khoản 3 Mục IV; điểm a, b, d khoản 4 Mục IV; điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản 5 Mục IV; điểm b khoản 6 Mục IV; điểm a, b, c, d, đ khoản 7 Mục IV; điểm a, b, c, d, đ, e khoản 8 Mục IV; điểm đ khoản 9 Mục IV và các giải pháp tại điểm a khoản 1 Mục VI; điểm a khoản 2 Mục VI; điểm c, đ, e khoản 4 Mục VI; điểm a, b, d khoản 5 Mục VI; điểm c khoản 6 Mục VI; điểm c khoản 8 Mục VI theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

d) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 6, 7 Mục IV và khoản 3 Mục V theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp liên quan thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 3 Mục IV của Chiến lược; ban hành và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển; xây dựng Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia; phối hợp lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp nòng cốt phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số chuyên ngành.

e) Thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia đối với: nền tảng điện toán đám mây; nền tảng địa chỉ số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới; nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở (MOOCS); nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân; nền tảng trí tuệ nhân tạo; nền tảng thiết bị IoT; nền tảng mạng xã hội thế hệ mới; nền tảng quản trị tổng thể; nền tảng kế toán dịch vụ; nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); nền tảng trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); nền tảng trợ lý ảo; Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và tổ chức, doanh nghiệp liên quan thực hiện nhiệm vụ tại khoản 5 Mục IV theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

h) Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại các Phụ lục kèm theo và các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Tổng hợp, bố trí vốn chi đầu tư phát triển hàng năm theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chiến lược.

b) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ tại điểm b khoản 8 Mục IV và các giải pháp tại điểm c, đ, e khoản 4 Mục VI theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, b khoản 6 và khoản 7 Mục VI; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Bộ Tài chính

a) Chủ trì tổng hợp, bố trí vốn chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản liên quan để triển khai Chiến lược.

b) Thực hiện các giải pháp tại điểm c khoản 4 Mục IV, điểm h khoản 5 Mục IV, điểm h, i khoản 9 Mục IV, điểm d khoản 4 Mục VI, khoản 7 Mục VI; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng hóa đơn điện tử; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, b, c, d, e, g khoản 9 Mục IV; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ tại điểm c khoản 6 Mục IV theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, đ, e, g, i khoản 6 Mục IV; điểm a, b, c khoản 4 Mục V; các giải pháp tại điểm a, b khoản 8 Mục VI và tại các Phụ lục theo phân công và theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở đào tạo thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, b, d, đ, e, g, h khoản 6 Mục IV; điểm a, b, c, d khoản 3 Mục V; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ tại điểm c khoản 6 Mục IV và hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng đại học số; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

a) Căn cứ vào nội dung Chiến lược để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số.

b) Các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu, bổ sung vào chương trình đào tạo các bộ môn chuyên ngành, nội dung kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam trong 05 - 10 năm tới.

c) Huy động tối đa các nguồn lực hiện có, kết hợp với các chương trình, dự án khác, khai thác hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước để đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ sư thực hành, cử nhân thực hành về công nghệ số, kinh tế số và xã hội số.

d) Tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế.

đ) Tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện, tham gia xây dựng và triển khai thí điểm đại học số.

e) Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a, b, c, đ, g, h khoản 6 Mục IV; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng dạy, học trực tuyến; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tại các Phụ lục theo phân công.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại các điểm thuộc khoản 1 Mục V; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

9. Bộ Y tế chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại các điểm thuộc khoản 2 Mục V; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản lý tiêm chủng, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng trạm y tế xã; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

10. Bộ Công Thương chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại điểm d khoản 1 Mục IV; điểm c khoản 2 Mục IV; các điểm thuộc khoản 5 Mục V; phối hợp hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng sàn thương mại điện tử; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

11. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại các điểm thuộc khoản 6 Mục V; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng bảo tàng số, nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

12. Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện các giải pháp tại điểm c khoản 1 Mục VI; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tại các Phụ lục theo phân công và theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

13. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện các giải pháp tại các điểm a, b, c, d, đ, khoản 4 Mục VI; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tại các Phụ lục theo phân công và theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

14. Bộ Công an chủ trì triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại các điểm i khoản 5 Mục IV; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

15. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, xã hội số.

16. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại các điểm thuộc khoản 7 Mục V; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng bản đồ số; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

17. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chiến lược này để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt trong một số lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; đôn đốc, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; xây dựng kế hoạch hành động phát triển kinh tế số trong phạm vi các doanh nghiệp được giao quản lý theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thành các doanh nghiệp số, dẫn dắt phát triển các nền tảng số quốc gia và nền tảng số ngành, hình thành các hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.

18. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại: điểm b, c, d khoản 1 Mục IV; điểm b, d khoản 2 Mục IV; điểm b, d khoản 3 Mục IV; điểm b, d, đ khoản 4 Mục IV; điểm c, d, i khoản 6 Mục IV; điểm c, d, đ khoản 7 Mục IV; điểm b, c, d, e khoản 8 mục IV; điểm a, b, c, d khoản 8 Mục V; điểm a, b, d khoản 1 Mục VI; điểm b, c khoản 2 Mục VI; các điểm thuộc khoản 3 Mục VI; điểm a, b, đ, e khoản 4 Mục VI; điểm a, b khoản 5 Mục VI; điểm b khoản 6 Mục VI; các điểm thuộc khoản 7 Mục VI; điểm a, b, d khoản 8 Mục VI; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Phụ lục và các nhiệm vụ khác trong Chiến lược này phù hợp chức năng nhiệm vụ được giao.

b) Căn cứ nội dung Chiến lược này xây dựng và triển khai kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm phát triển kinh tế số và xã hội số; bổ sung, cập nhật, đồng bộ các nội dung của Chiến lược này và kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số với các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương mình.

c) Bảo đảm kinh phí (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) để thực hiện các nhiệm vụ, dự án phát triển kinh tế số, xã hội số của bộ, ngành, địa phương mình, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có giải pháp ưu tiên chi cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, bảo đảm tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử, chính phủ số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới.

d) Kiểm tra, đánh giá, báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình thực hiện Chiến lược về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

19. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí chủ trì, chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các ngành, các cấp và Nhân dân về nội dung Chiến lược này một cách thường xuyên, định kỳ hàng ngày, hàng tuần; thực hiện các giải pháp tại các điểm b, c, đ khoản 5 Mục VI; thực hiện nhiệm vụ Cơ quan chủ quản, hỗ trợ phát triển các nền tảng số quốc gia đối với nền tảng truyền hình số (trực tuyến), nền tảng phát thanh số (trực tuyến); thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ theo phân công tại Phụ lục và các nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp chức năng, nhiệm vụ được giao.

20. Khuyến khích Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo hệ thống tổ chức đoàn cơ sở các cấp cử đầu mối tới tận cấp xã, tham gia mạng lưới hỗ trợ triển khai chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối; chủ động phát động các chiến dịch đoàn viên thanh niên tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ trên môi trường số.

21. Khuyến khích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo hệ thống tổ chức thành viên chủ động tham gia phát triển và ứng dụng công nghệ số phục vụ kinh tế số và xã hội số.

22. Khuyến khích Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện Chiến lược. Hội, hiệp hội xã hội nghề nghiệp chủ động, tích cực trong việc tham mưu, phản biện chính sách, pháp luật; phát động hội viên, doanh nghiệp chủ động làm chủ công nghệ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ có chất lượng; tham gia cùng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, khảo sát, đánh giá mức độ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam; chủ động phát hiện, giới thiệu các nền tảng chuyển đổi số quốc gia trong ngành, lĩnh vực mình; tích cực tham gia cung cấp yêu cầu đầu vào để hỗ trợ xây dựng các nền tảng số; khuyến khích các doanh nghiệp thành viên tham gia kết nối, sử dụng các nền tảng số trong các hoạt động của hội, hiệp hội.

23. Các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp nhà nước

a) Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp bưu chính ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng số, hạ tầng bưu chính rộng khắp cả nước đáp ứng yêu cầu bùng nổ của phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, cùng với Nhà nước tham gia đào tạo, hướng dẫn người dân sử dụng các kỹ năng số.

b) Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khác chủ động tích cực tham gia triển khai Chiến lược; phát huy vai trò dẫn dắt phát triển và triển khai các nền tảng, giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số, hình thành các hệ sinh thái số, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực mình hoạt động; tích cực, tiên phong đầu tư phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; huy động, tập hợp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghệ số cùng tham gia phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

c) Các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tiên phong chuyển đi số, phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành; chuyển đổi thành các doanh nghiệp công nghệ số, hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số xung quanh mảng kinh doanh lõi.

d) Các doanh nghiệp công nghệ số chủ động phát triển các nền tảng số, tham gia Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia, giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng hệ sinh thái nội dung hấp dẫn, lành mạnh để tạo thói quen trực tuyến cho người dân.

đ) Các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp với đầu mối các bộ, ngành, các trường đại học, cao đẳng xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng theo hướng kết hợp giữa lý thuyết - thực tế; sẵn sàng triển khai các chương trình “Đào tạo từ làm việc thực tế”, đón sinh viên cao đẳng, đại học vào thực tập và tiếp xúc sớm với môi trường doanh nghiệp.

e) Các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ tại điểm b, c, d, đ khoản 5 Mục IV; thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, nội dung khác thuộc Chiến lược phù hợp ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

 

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

 

TT

Nhiệm vụ, giải pháp

Chủ trì

Thời gian

A

PHÁT TRIỂN NỀN MÓNG CHO KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ

I

Hoàn thiện thể chế

1

Xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử theo hướng bổ sung quy định về các dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử, hoạt động của nền tảng số, dữ liệu số, dịch vụ số trực tuyến, dịch vụ chia sẻ dữ liệu

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

2

Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, xây dựng nghị định quy định quản lý và phát triển kinh tế số nền tảng, hoạt động của các nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến. Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số và xã hội số

Bộ Thông tin và Truyền thông

2023 - 2025

3

Rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật chuyên ngành cho phù hợp với sự phát triển kinh tế số, xã hội số; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong từng ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa việc thúc đẩy giao dịch điện tử trong mọi mặt kinh tế - xã hội; xây dựng các chính sách để bảo đảm tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% tổng số hoạt động trong mỗi cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực

Các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2025

4

Xây dựng, ban hành, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ số trong từng ngành, lĩnh vực

Các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2025

5

Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) cho phép phát triển, cung cấp các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật, có thể giám sát được bằng công nghệ số, tại một số đô thị thông minh để hình thành một số trung tâm phát triển kinh tế số và xã hội số

Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương có đô thị thông minh

2022 - 2025

6

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để thực hiện chống độc quyền, chống lợi dụng vị thế chiếm lĩnh thị trường trong cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; tăng cường quy định để tránh các doanh nghiệp chi phối lạm dụng; tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nguyên tắc thực thi công bằng, trách nhiệm như nhau trước pháp luật đối với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam

Bộ Công Thương Các bộ, ngành

2022 - 2025

7

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để tránh gây tổn hại cho phát triển kinh tế số, làm ảnh hưởng tới cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh tế số, kinh tế nền tảng và cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng như bảo vệ dữ liệu của Việt Nam

Bộ Công Thương

2022 - 2025

8

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật đế chống các hình thức chuyển giá, chuyển thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế các nền tảng số, dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến nước ngoài, xuyên biên giới

Bộ Tài chính

2022 - 2024

II

Phát triển hạ tầng

1

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng số

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

2

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển hạ tầng bưu chính

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

3

Xây dựng, trình phê duyệt và tả chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng giao thông

Bộ Giao thông vận tải

2022 - 2025

4

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng cung cấp điện

Bộ Công Thương

2022 - 2025

5

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

6

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng đô thị

Bộ Xây dựng

2022 - 2025

7

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2022 - 2025

8

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng thương mại, công nghiệp và năng lượng

Bộ Công Thương

2022 - 2025

9

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng giáo dục và đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2025

10

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng khoa học và công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ

2022 - 2025

11

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng y tế

Bộ Y tế

2022 - 2025

12

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số, lộ trình số hóa và thông minh hóa lĩnh vực hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2022 - 2025

13

Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Bộ Công Thương

2022 - 2025

14

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân; phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng. Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số

Bộ Thông tin và Truyền thông; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2025

III

Phát triển nền tảng số

1

Xác định danh mục chi tiết và định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục các nền tảng số quốc gia ưu tiên phát triển; xây dựng và triển khai Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

2

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động cụ thể để phát triển từng nền tảng số quốc gia; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nền tảng số quốc gia

Cơ quan chủ quản nền tảng số quốc gia; Bộ TT&TT; các doanh nghiệp

2022 - 2030

3

Xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận nền tảng số quốc gia và tổ chức đánh giá, công bố nền tảng số quốc gia được công nhận đáp ứng yêu cầu

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

4

Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu và xây dựng, vận hành Cổng thông tin nền tảng số để cung cấp thông tin, thúc đẩy phát triển, hỗ trợ sử dụng các nền tảng số Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

5

Đề xuất các nền tảng số quốc gia phù hợp nhu cầu; tích cực phối hợp phát triển và đưa các nền số quốc gia vào sử dụng. Xác định các nền tảng số của ngành, lĩnh vực, địa phương và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để phát triển và thúc đẩy sử dụng các nền tảng số

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

6

Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cũng như xác định rõ địa vị pháp lý của các nền tảng số quốc gia trong ngành, lĩnh vực địa bàn được giao quản lý

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

IV

Phát triển dữ liệu số

1

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia

Bộ TT&TT

2022 - 2023

2

Rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua, bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật

Bộ TT&TT; Bộ Tài chính

2022 - 2025

3

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu

Bộ Tài chính

2022 - 2025

4

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển dữ liệu và phát triển nhân lực dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm. Bảo đảm dữ liệu được tạo lập tuân thủ theo định dạng máy đọc được, sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng

Các bộ, cơ quan quản lý các lĩnh vực trọng điểm tại điểm d, khoản 4, Mục IV

2022 - 2030

5

Xây dựng Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu quốc gia

Bộ TT&TT

2022 - 2025

6

Xây dựng Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp bộ, tỉnh

Các bộ, tỉnh, thành phố

2022 - 2025

V

Đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng

1

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2023

2

Đảm bảo yêu cầu An toàn thông tin mạng mặc định ngay từ khâu thiết kế, xây dựng khi phát triển các hạ tầng số, nền tảng số

Bộ TT&TT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

3

Phát triển hệ sinh thái sản phẩm An toàn thông tin mạng Việt Nam; đánh giá, công bố các sản phẩm, dịch vụ An toàn thông tin mạng Việt Nam đáp ứng được yêu cầu và ưu tiên sử dụng

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

4

Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản giúp người dân phòng, tránh và tự bảo vệ mình

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

5

Phát triển nền tảng và tổ chức triển khai dịch vụ an toàn thông tin mạng chuyên nghiệp giúp tổ chức, doanh nghiệp thực hiện mô hình bảo vệ 04 lớp

Bộ TT&TT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2025

6

Xây dựng và tổ chức triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng

Bộ TT&TT

2022 - 2023

7

Tổ chức triển khai ký số từ xa theo hướng ưu tiên phổ cập việc sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân; triển khai các giải pháp để hỗ trợ, miễn giảm giá sử dụng chữ ký số

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2023

8

Nghiên cứu xây dựng phát triển thị trường bảo hiểm an toàn thông tin mạng nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức phục hồi tài chính khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng

Bộ Tài chính

2022 - 2030

9

Hoàn thành Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia

Bộ Công an

2022 - 2025

10

Xây dựng, trình ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử

Bộ Công an

2022 - 2025

11

Xây dựng Hệ thống định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh làm nền tảng chuyển đổi số quốc gia

Bộ Công an

2022 - 2025

VI

Phát triển nhân lực số

1

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách để khuyến khích tăng tối đa thời lượng và khối lượng đào tạo trực tuyến, bảo đảm tỷ lệ tối thiểu thời lượng và số lượng tín chỉ đào tạo trực tuyến trong tổng thời gian đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2024

2

Xây dựng quy định cho phép chuyển đổi một số văn bản, chứng chỉ công nghệ thông tin cấp bởi tổ chức, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước sang tín chỉ học của bộ môn tương ứng để rút ngắn thời gian đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

2022 - 2023

3

Xây dựng, trình phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án thí điểm xây dựng Đại học số; xây dựng, ban hành hướng dẫn mô hình thí điểm đại học số, bộ tiêu chí đại học số; lựa chọn một số đại học phù hợp và tổ chức đầu tư xây dựng mô hình thí điểm đại học số; tổ chức đánh giá, công nhận các đại học đạt tiêu chuẩn đại học số

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

4

Ban hành và hướng dẫn cơ chế đặc biệt thí điểm cho các cơ sở giáo dục đại học đã được công nhận đạt tiêu chí đại học số được áp dụng chỉ tiêu số sinh viên chính quy trên 01 giáo viên quy đổi gấp 03 lần chỉ tiêu áp dụng với các cơ sở đào tạo đại học thông thường và được giảm một nửa chỉ tiêu diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo trên một sinh viên chính quy và các cơ chế đặc thù phù hợp khác

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2023

5

Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế”

Bộ GD&ĐT; Bộ LĐ-TB&XH

2022 - 2030

6

Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình dạy và học về kỹ năng số và STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông

Bộ GD&ĐT; Các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

2022 - 2030

7

Xây dựng mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa

2022 - 2025

8

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng quản lý nội dung học tập quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2025

9

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng quản lý học tập quốc gia

Bộ TT&TT; Bộ GD&ĐT

2022 - 2025

10

Mở thêm chuyên ngành đào tạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực, ngành, nghề tại các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học; đẩy mạnh đào tạo kỹ sư, cử nhân, cao đẳng các ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số

Bộ GD&ĐT; Bộ LĐ-TB & XH; các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng

2022 - 2030

11

Xây dựng và định kỳ hàng năm công bố báo cáo dự báo về tương lai nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin mạng tại Việt Nam để có giải pháp đào tạo phù hợp; cập nhật xu thế và giới thiệu về một số ngành, nghề mới yêu cầu các kỹ năng mới

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

VII

Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số

1

Xây dựng và triển khai Chuẩn kỹ năng số và Khung kỹ năng số quốc gia

Bộ TT&TT

2022 - 2023

2

Xây dựng và triển khai Nền tảng học trực tuyến mở (MOOC) về kỹ năng số

Bộ TT&TT

2022 - 2025

3

Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số cơ bản, kỹ năng số nâng cao, kỹ năng kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyên trách chuyển đổi số và công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đào tạo đạt chuẩn kỹ năng số cho sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông

Bộ TT&TT; các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

4

Xây dựng chuẩn kỹ năng số cho người sử dụng và nền tảng đánh giá sát hạch kỹ năng số. Hàng năm thực hiện sát hạch, đánh giá, công bố kỹ năng số của học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, và người lao động trong các doanh nghiệp, tiến tới toàn dân và có phương án đào tạo, nâng cao kỹ năng số ở cấp quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa phương

Bộ Thông tin và Truyền thông; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2025

5

Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp; khuyến khích mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, được trang bị phương tiện số; hỗ trợ triển khai đào tạo, tập huấn về kỹ năng số cho người dân. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị IoT để quan trắc, giám sát phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình

Bộ Thông tin và Truyền thông; các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

6

Triển khai các chương trình đẩy mạnh phát triển văn hóa số sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số

Bộ Thông tin và Truyền thông; các bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

7

Phát triển nền tảng truyền hình số (trực tuyến)

Đài Truyền hình Việt Nam

2022 - 2025

8

Phát triển nền tảng phát thanh số (trực tuyến)

Đài Tiếng nói Việt Nam

2022 - 2025

9

Phát triển nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân, tạo kênh độc lập thu thập, tổng hợp ý kiến phản ánh, đánh giá của người dân liên quan đến mọi vấn đề đời sống kinh tế, xã hội

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

VIII

Phát triển doanh nghiệp số

1

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2023

2

Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx)

Bộ TT&TT

2022 - 2030

3

Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Bộ TT&TT

2022 - 2030

4

Xây dựng và triển khai Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, Đề án xác định chỉ số chuyển đi số doanh nghiệp và Cổng thông tin chỉ số chuyển đi số doanh nghiệp phục vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

5

Sử dụng Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp để làm thước đo chuyển đổi số của doanh nghiệp và đánh giá hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Định kỳ tổ chức khảo sát đánh giá mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, địa bàn

Bộ TT&TT; Bộ KH&ĐT; UBQL VNN tại DN; các bộ, cơ quan ngang bộ; các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

6

Xây dựng và triển khai Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn; chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực, địa bàn tích cực tham gia. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số; nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp chậm chuyển đổi số

Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2022 - 2030

7

Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình phát triển Mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp. Phát triển mạng lưới tư vấn với tối thiểu 1.000 chuyên gia và 500 đơn vị tư vấn được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

8

Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

9

Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng thiết bị IoT của Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

IX

Phát triển thanh toán số

1

Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2022 - 2024

2

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí theo hướng loại bỏ các rào cản thanh toán không sử dụng tiền mặt, từ đó, khuyến khích người dân thực hiện các giao dịch không sử dụng tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2022 - 2024

3

Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia theo hướng thúc đẩy tài chính số, phát triển kinh tế số tài chính

Bộ Tài chính

2022 - 2025

4

Tổ chức triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2022 - 2025

5

Triển khai Chương trình thúc đẩy dịch vụ Mobile-Money

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

6

Triển khai Chương trình hỗ trợ bệnh viện, trường học thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số quản trị hoạt động của đơn vị

Bộ TT&TT; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2025

7

Đổi mới công nghệ và nghiệp vụ hệ thống thanh toán liên ngân hàng theo thông lệ quốc tế; nâng cấp phát triển hệ thống thanh toán bù trừ điện tử

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2022 - 2024

8

Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2022 - 2025

9

Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính

2022 - 2023

10

Xây dựng và đẩy mạnh triển khai Nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia

Bộ Tài chính

2022 - 2023

B

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC

I

Phát triển kinh tế số, xã hội số nông nghiệp và nông thôn

1

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; Nền tảng số kết nối người nông dân với chuyên gia nông nghiệp; Nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

3

Xây dựng, cập nhật bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tiêu chí quốc gia về xóa đói giảm nghèo có các tiêu chí về phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tổ chức triển khai mô hình làng chuyển đổi số, xã chuyển đổi số

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

4

Tổ chức triển khai sáng kiến phổ cập kỹ năng số cho người nông dân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

5

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng số và tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2022 - 2025

6

Xây dựng và tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp số trong các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2025

II

Phát triển kinh tế số, xã hội số trong y tế

1

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách trong y tế cho phù hợp phát triển kinh tế số, xã hội số trong y tế

Bộ Y tế

2022 - 2023

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong y tế

Bộ Y tế

2022 - 2025

3

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Bộ Y tế

2022 - 2025

4

Xây dựng và tổ chức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử

Bộ Y tế

2022 - 2025

5

Tổ chức triển khai Nền tảng quản lý xét nghiệm thống nhất trên toàn quốc

Bộ Y tế

2022 - 2025

6

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng quản lý tiêm chủng thống nhất trên toàn quốc

Bộ Y tế

2022 - 2025

7

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng quản lý trạm y tế xã của tất cả các xã trên toàn quốc

Bộ Y tế

2022 - 2025

8

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng hồ sơ sức khỏe cá nhân

Bộ Y tế

2022 - 2025

9

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến

Bộ Y tế

2022 - 2025

10

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng số kết nối các chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Phát triển nền tảng an toàn thực phẩm và nền tảng quản lý môi trường y tế

Bộ Y tế

2022 - 2025

11

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về y tế số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành y tế

Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2030

III

Phát triển kinh tế số, xã hội số trong giáo dục và đào tạo

1

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng số dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác giảng dạy - học tập - thi cử

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2025

3

Tìm kiếm và thúc đẩy ứng dụng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục (Edtech)

Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2025

4

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về giáo dục và đào tạo số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành giáo dục và đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2030

IV

Phát triển kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội

1

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số về lao động, việc làm và an sinh xã hội. Hình thành nền tảng hợp đồng lao động điện tử và thúc đẩy người lao động và tổ chức sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động điện tử. Xây dựng và tổ chức triển khai sổ lao động điện tử cho người lao động

Bộ LĐ - TB và XH

2022 - 2025

3

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về chuyển đổi số tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ LĐ - TB và XH; Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2030

V

Phát triển kinh tế số thương mại, công nghiệp và năng lượng

V.1

Thương mại

1

Tổ chức triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia theo các giai đoạn

Bộ Công Thương

2022 - 2025

2

Quản lý, giám sát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử; chống hàng gian, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử trực tuyến

Bộ Công Thương

2022 - 2025

3

Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy thương mại điện tử tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển dựa trên các nền tảng thương mại số của Việt Nam

Bộ Công Thương

2022 - 2030

4

Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử để mỗi một người dân là một doanh nhân

Bộ Công Thương; Bộ TT&TT

2022 - 2025

5

Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị

Bộ Công Thương

2022 - 2025

6

Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương

Bộ Công Thương

2022 - 2025

7

Tăng cường xây dựng hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử

Bộ Công Thương

2022 - 2025

8

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về thương mại điện tử tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành công thương

Bộ Công Thương; Bộ GD và ĐT

2022 - 2030

V.2

Công nghiệp và Năng lượng

1

Hoàn thiện hành lang, hệ thống pháp lý tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế số công nghiệp

Bộ Công Thương

2022 - 2024

2

Xây dựng và tổ chức triển khai cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Bộ Công Thương

2022 - 2025

3

Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối doanh nghiệp sản xuất với các chuyên gia công nghệ và các nhà cung cấp giải pháp chuyên nghiệp

Bộ Công Thương

2022 - 2025

4

Xây dựng các chỉ tiêu thống kê và tổ chức khảo sát định kỳ đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp công nghiệp về chuyển đổi số sang mô hình nhà máy thông minh

Bộ Công Thương

2022 - 2025

5

Xây dựng và hình thành các trung tâm/viện nghiên cứu về công nghệ phục vụ sản xuất, chú trọng đến việc chuyển đổi số đối với các công nghệ nguồn, công nghệ lõi của ngành sản xuất, chế biến chế tạo

Bộ Công Thương

2022 - 2025

6

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực năng lượng

Bộ Công Thương

2022 - 2024

7

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam

Bộ Công Thương

2022 - 2025

8

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành công thương

Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2030

VI

Phát triển kinh tế số văn hóa thể thao du lịch

1

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2022 - 2025

3

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2022 - 2025

4

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số, du lịch số

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

2022 - 2025

5

Tổ chức triển khai đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo

2022 - 2030

VII

Phát triển kinh tế số Tài nguyên và Môi trường

1

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai quốc gia, bản đồ số quốc gia

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2022 - 2025

3

Xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2022 - 2025

4

Mở mới, triển khai đào tạo chuyên ngành về khoa học dữ liệu, chuyển đổi số tài nguyên và môi trường tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành tài nguyên và môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

2022 - 2030

VIII

Phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương

1

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số trong ngành, lĩnh vực, địa phương

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2022 - 2025

2

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng dữ liệu số ngành, lĩnh vực, địa phương

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2025

3

Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng số chuyên ngành, nền tảng quản trị và kinh doanh theo từng lĩnh vực phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong ngành, lĩnh vực, địa phương

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2025

4

Tổ chức triển khai đào tạo kỹ năng số chuyên ngành cho lực lượng lao động trong ngành, lĩnh vực, địa bàn

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

2022 - 2030

C

CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ VÀ XÃ HỘI SỐ

I

Tổ chức, bộ máy, mạng lưới

1

Tổ chức hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực, thống nhất điều phối quốc gia một cách đồng bộ về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

2

Kiện toàn và tổ chức hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do người đứng đầu làm Trưởng ban, cơ quan thường trực là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin/chuyển đổi số (đối với Bộ, Cơ quan trung ương) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông (đối với địa phương)

Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương

2022 - 2023

3

Tổ chức các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

4

Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương phù hợp với nội hàm quản lý, thúc đẩy chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Bộ Nội vụ; Bộ TT&TT

2022 - 2024

5

Tổ chức, phân công đơn vị là đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm triển khai, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thực hiện Chiến lược

Các bộ, ngành

2022 - 2023

II

Hợp tác trong nước về phát triển kinh tế số, xã hội số

1

Đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và từng bộ, ngành liên quan

Bộ TT&TT

2022 - 2030

2

Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao

Các bộ, ngành

2022 - 2030

3

Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nền tảng số trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho người dân thông qua việc sử dụng nền tảng số

Các bộ, ngành

2022 - 2030

III

Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số

1

Hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số vào Việt Nam

Các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

2

Chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các sáng kiến về kinh tế số, xã hội số, xây dựng các khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ số

Các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

3

Thực thi nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết liên quan đến kinh tế số, thương mại số và đặc biệt là trong xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên

Các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

IV

Nghiên cứu, phát triển về kinh tế số và xã hội số

1

Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành

Bộ Khoa học và Công nghệ

2022 - 2030

2

Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ số mới để tạo ra những nền tảng, sản phẩm, dịch vụ số mang đặc thù Việt Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ

2022 - 2030

3

Tổ chức tìm kiếm, có chính sách hấp dẫn để chiêu mộ những chuyên gia hàng đầu về công nghệ số mới, công nghệ lõi, nền tảng số ở trong nước và nước ngoài về Việt Nam nghiên cứu phát triển, đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo về kinh tế số, đặc biệt là kinh tế số nền tảng và kinh doanh trực tuyến trên toàn quốc

Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ TT&TT; Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2022 - 2030

4

Rà soát, sửa đổi quy định, chính sách để khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trích lập 10% thu nhập tính thuế cho Quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời được phép sử dụng Quỹ này để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số doanh nghiệp

Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài chính

2022 - 2025

5

Xây dựng các khu nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp phát triển kinh tế số

Bộ KH&CN; Bộ KH&ĐT; Bộ TT&TT

2022 - 2025

6

Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới, mô hình mẫu về chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương

Bộ KH&CN; Bộ KH&ĐT; Bộ TT&TT

2022 - 2030

7

Thúc đẩy các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp hạt nhân đầu tư nghiên cứu, xây dựng các nền tảng số chuyên ngành, hỗ trợ chuyển giao cho các đối tác cùng ứng dụng, kết nối, chia sẻ, dẫn dắt chuyển đổi số chuỗi cung ứng; phối hợp đa ngành giữa doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp nền tảng, doanh nghiệp công nghệ tài chính đthiết lập nền tảng chuyển đổi số, kiến tạo hệ sinh thái mới

Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

V

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kinh tế số và xã hội số

1

Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các sự kiện, triển lãm trong nước và quốc tế về phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam và kết quả thực hiện các nội dung của Chiến lược; lồng ghép nội dung về kinh tế số, xã hội số trong các sự kiện, triển lãm kinh tế - xã hội trong nước và nước ngoài

Bộ TT&TT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

2

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các nền tảng số quốc gia, các mô hình kinh tế số, xã hội số điển hình trên hệ thống truyền thông từ trung ương đến cơ sở. Phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số, xã hội số, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số, sử dụng nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số

Bộ Thông tin và Truyền thông; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

3

Sản xuất các tin, bài, phóng sự, câu chuyện, phim tài liệu về kinh tế số, xã hội số trên phát thanh, truyền hình; tìm kiếm, phổ biến kinh nghiệm, câu chuyện thành công về phát triển kinh tế số và xã hội số; mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về kinh tế số và xã hội số trên các kênh có đông khán thính giả

Bộ TT&TT; bộ, ngành, địa phương; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các cơ quan thông tấn, báo chí

2022 - 2030

4

Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi, trò chơi truyền hình về kinh tế số, xã hội số. Tổ chức các cuộc thi tìm kiếm mô hình kinh doanh số, kinh tế số tiêu biểu, các giải pháp dùng công nghệ số để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các cơ quan thông tấn, báo chí

2022 - 2030

5

Thiết lập cổng thông tin kinh tế số và xã hội số Việt Nam để cung cấp thông tin triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia. Xây dựng diễn đàn kết nối chuyên gia, nhà khoa học với cá nhân, tổ chức nhằm gắn kết sức mạnh tri thức để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số.

Bộ Thông tin và Truyền thông

2022 - 2030

6

Tổ chức các cuộc thi để khuyến khích các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đưa ra các bài toán thực tế cần giải quyết bằng công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp số, nền tảng số giải quyết xuất sắc bài toán đặt ra

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các cơ quan thông tấn, báo chí

2022 - 2030

VI

Đo lường, giám sát triển khai

 

 

1

Định kỳ cập nhật các chỉ tiêu kinh tế số, xã hội số phù hợp thực tế phát triển, đảm bảo hệ thống chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số, xã hội số thống nhất, bao gồm các chỉ tiêu cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2022 - 2023

2

Hàng năm thực hiện điều tra, khảo sát, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số và các mục tiêu cơ bản về kinh tế số và xã hội số đặt ra tại Chiến lược này ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ TT&TT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

3

Ban hành bộ tiêu chí đo lường về xã hội số và định kỳ hàng năm thực hiện điều tra, thu thập, công bố kết quả thống kê, đo lường về xã hội số ở cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương

Bộ TT&TT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

VII

Bảo đảm kinh phí cho phát triển kinh tế số và xã hội số

1

Huy động tối đa các nguồn kinh phí để thực hiện Chiến lược này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác

Bộ Tài chính; Bộ KH&ĐT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

2

Ưu tiên kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số, phát triển kinh tế số và xã hội số ngành và lĩnh vực và các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Chiến lược này do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện

Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

3

Nghiên cứu rà soát sửa đổi bổ sung mục lục ngân sách riêng về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước

Bộ Tài chính

2022 - 2025

4

Ưu tiên phân bổ ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để các cơ quan, tổ chức thuê, mua sử dụng các nền tảng số

Bộ Tài chính

2022 - 2030

5

Hướng dẫn, ưu tiên chi cho chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyn đi số, phát triển kinh tế số, xã hội số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới

Bộ Tài chính; Bộ KH&ĐT; các bộ, ngành, địa phương

2022 - 2030

VIII

Giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số

1

Đánh giá tác động của phát triển kinh tế số, xã hội số ở quy mô quốc gia và từng địa phương và đề xuất các giải pháp chủ động giảm thiu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số. Triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách và giảm tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các địa phương

2022 - 2030

2

Đánh giá các tác động của công nghệ số đến xã hội để có các giải pháp chủ động giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ số; phát triển các Trung tâm giải đáp thắc mắc chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, tác động tiêu cực bởi công nghệ số

Bộ LĐ-TB&XH; Bộ TT&TT; các địa phương

2022 - 2030

 

 

Văn bản này có phụ lục đính kèm. Tải về để xem toàn bộ nội dung.
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem bản dịch TTXVN.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Công báo tiếng Anh
Decision 411/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Decision 411/QD-TTg PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất