An toàn giao thông là gì? Vi phạm an toàn giao thông bị phạt thế nào?

Tại Việt Nam, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gây tử vong do tai nạn thương tích. Do đó, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đến người luôn được các địa phương đẩy mạnh. Vậy an toàn giao thông là gì mà ai cũng cần phải biết?


1. An toàn giao thông là gì?

Hiện nay không có văn bản pháp luật nào định nghĩa “an toàn giao thông là gì?” nhưng có thể đơn giản là việc đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khỏi những sự cố, tai nạn có thể dẫn đến bị thương hay tử vong. Thuật ngữ an toàn giao thông được sử dụng phổ biến trong cả lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Sự an toàn trong giao thông được đảm bảo bằng hành vi, văn hóa khi tham gia giao thông, trong đó bao gồm sự hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông.

Cá nhân tham gia giao thông có thể lựa chọn cách xử sự cho an toàn với bản thân và những người tham gia giao thông khác. Mặc dù, pháp luật đã đưa ra rất nhiều quy định cấm, các quy định bắt buộc phải chấp hành cùng các chế tài xử phạt nhưng vẫn có số lượng lớn người tham gia giao thông chưa tuân thủ các quy định này dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông.


2. Nguyên nhân gây mất an toàn giao thông là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, đơn cử có thể kể đến các nguyên nhân sau đây:

- Nguyên nhân chủ quan:

  • Có thể do sự thiếu hiểu biết về các quy định của luật giao thông của một bộ phận người dân chưa nhiều, đặc biệt ở những khó khăn.
  • Sự thiếu ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông, đã biết về các quy định pháp luật về an toàn giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm: phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không đội mủ bảo hiểm, lấn làn, đã uống rượu nhưng vẫn lái xe,…

- Nguyên nhân khách quan:

  • Do các sự cố bất ngờ xảy ra với phương tiện.
  • Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông xuống cấp hoặc sau khi công trình giao thông đang tu sửa làm xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi trên đường dễ gây tai nạn giao thông.
  • Sự phân bố các biển báo giao thông còn chưa hợp lý và thống nhất.
  • Các chế tài xử phạt vi phạm luật giao thông chưa đủ để răn đe.



3. Đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của ai?

Việc đảm bảo an toàn giao thông không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của cả cộng đồng. Bởi khoản 4 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ,  việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo đó không chỉ cá nhân và cả các cơ quan, tổ chức cũng cần phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông. Bất cứ ai tham gia giao thông cũng phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy mà mọi người dân cần phải nâng cao ý thức cũng như các cơ quan chức năng cần phải tích cực tuyên truyền, kịp thời phát hiện và xử phạt những trường hợp vi phạm an toàn giao thông nhằm răn đe.


4. Tác dụng của việc đảm bảo an toàn giao thông

Vấn đề an toàn về sức khỏe, tính mạng và tài sản của cá nhân luôn được quan tâm, chính vì vậy, mà yêu cầu về việc đảm bảo an toàn giao thông luôn được ưu tiên hàng đầu.

Mục đích của việc ban hành các quy định hướng dẫn, các chế tài xử phạt cũng hướng đến việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cố gắng giảm tỉ lệ tại nạn giao thông đến mức thấp nhất.

Việc đảm bảo an toàn giao thông sẽ đem đến rất nhiều lợi ích như:

- Đảm bảo sức khỏe, tính mạng của con người, giảm tỷ lệ thương tật, thiệt mạng do tai nạn giao thông.

- Giảm thiệt hại về kinh tế bao gồm tiền chạy chữa cho người bị nạn, tiền sữa chữa xe cộ, sửa chữa cơ sở hạ tầng, tránh ùn tắt giao thông và nhiều vấn đề khác.


5. Vi phạm an toàn giao thông bị phạt thế nào?

Các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông mà bị lực lượng chức năng phát hiện thì bị xử lý theo quy định. Tùy vào mức độ vi phạm mà người tham gia giao thông có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Xử phạt hành chính:

Theo Điều 21 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt như sau:

  • Cảnh cáo.
  • Phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và 150 triệu đồng đối với tổ chức.
  • Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy phép hành nghề.
  • Bị tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm.

- Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Người vi phạm có thể bị xử lý về một trong các tội được quy định tại Mục 1 Chương XXI của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ; Tội cản trở giao thông đường bộ; Tội đua xe trái phép,…

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi: “An toàn giao thông là gì?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Dự kiến: Năm 2025, tăng nặng mức phạt khi vượt đèn đỏ!

Mới đây, Bộ Công an đã công bố bản dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó có đề xuất đáng chú ý về việc tăng nặng mức phạt vượt đèn đỏ và đèn vàng.