Nghị định 14/2010/NĐ-CP nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Nghị định 14/2010/NĐ-CP
Cơ quan ban hành: | Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 14/2010/NĐ-CP |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Nghị định |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 27/02/2010 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Cơ cấu tổ chức, Hành chính, Tài nguyên-Môi trường |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương ngày 27/02/2010.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đôn đốc, chỉ đạo điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương gồm các thành viên sau: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban; Một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban thường trực; Một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó trưởng ban; Một Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Phó trưởng ban; Các ủy viên gồm đại diện là lãnh đạo các Bộ Công an, Tài chính, Công Thương,…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/4/2010.
Xem chi tiết Nghị định14/2010/NĐ-CP tại đây
tải Nghị định 14/2010/NĐ-CP
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 14/2010/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM 2010
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP
CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG,
BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương; cơ chế phối hợp vận hành trong ứng phó các tình huống thiên tai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ và các vùng biển, đảo của Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Thiên tai quy định trong nghị định này bao gồm: mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, giông, lốc, sét, sạt lở do mưa lũ, nước dâng, động đất, sóng thần.
2. Tình huống thiên tai là giai đoạn kể từ khi một hoặc một số thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3, bắt đầu xuất hiện và có khả năng gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước, nhân dân và các hoạt động kinh tế, xã hội trên lãnh thổ, các vùng biển, đảo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi không còn khả năng gây ảnh hưởng đến Việt Nam.
Chương II. TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG, BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đôn đốc, chỉ đạo điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên phạm vi cả nước.
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương gồm các thành viên sau:
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban:
Một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban thường trực;
Một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó trưởng ban;
Một Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Phó trưởng ban;
Các ủy viên gồm đại diện là lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Lao động – Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Căn cứ yêu cầu công tác, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương quyết định bổ sung lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban phân công.
Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương do Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương quyết định trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương được sử dụng dấu quốc huy để thực hiện các nhiệm vụ của Ban.
Ban có Văn phòng thường trực do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão kiêm nhiệm. Trụ sở chính của Văn phòng thường trực đặt tại Hà Nội, có hai đại diện vùng là Trung tâm phòng, chống lụt, bão đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Văn phòng thường trực được cấp kinh phí và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động.
Điều 5. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp địa phương
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ huy điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi địa phương.
1. Thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương gồm:
Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban;
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh;
Thủ trưởng cơ quan quân sự địa phương, Thủ trưởng cơ quan Biên phòng địa phương đối với các địa phương có biên giới làm Phó trưởng ban;
Các ủy viên là lãnh đạo các cơ quan liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương;
Đối với cấp xã, thành viên là các cán bộ chuyên môn phụ trách các lĩnh vực liên quan làm ủy viên.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Ban có Văn phòng thường trực, được sử dụng cơ quan quản lý về đê điều, thủy lợi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, có con dấu, được cấp kinh phí và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động.
3. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định phòng chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Văn phòng thường trực và được cấp kinh phí để hoạt động.
4. Trụ sở của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. Ban sử dụng một số cán bộ chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp xã làm bộ phận thường trực.
5. Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
6. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương do Trưởng ban phân công.
Điều 6. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành Trung ương
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành do Thủ trưởng các Bộ, ngành thành lập, tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành trong công tác đôn đốc, chỉ đạo điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
1. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành gồm các thành viên: một lãnh đạo Bộ, ngành làm Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ, ngành. Căn cứ cơ cấu tổ chức của từng Bộ, ngành, Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành quyết định về số lượng, cơ cấu, nhiệm vụ các thành viên của Ban cho phù hợp.
2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và yêu cầu công tác phòng, chống, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành quyết định việc thành lập Văn phòng thường trực phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn. Văn phòng thường trực có con dấu, được cấp kinh phí và mở tài khoản để hoạt động.
3. Trụ sở của Ban đặt tại cơ quan Bộ, ngành.
Điều 7. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương
Thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000 và quy chế phòng, chống động đất, sóng thần đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 8. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương
Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo, điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 9. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành
Tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành thực hiện trách nhiệm của Bộ, ngành cơ quan trung ương quy định tại các khoản từ 2 đến 20 Điều 11 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000 và quy chế phòng, chống động đất, sóng thần; các quyết định về công tác tìm kiếm cứu nạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành.
Chương III. QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG; BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 10. Quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương
1. Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin khí tượng thủy văn; yêu cầu Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về động đất, cảnh báo sóng thần theo quy định.
2. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện của các tổ chức cá nhân để ứng cứu, cứu trợ kịp thời những tình huống cấp bách vượt quá khả năng xử lý của địa phương.
4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 11. Quyền hạn của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương:
1. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn cùng cấp và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp dưới xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện và dự trữ nhu yếu phẩm thiết yếu cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
2. Yêu cầu cơ quan dự báo khí tượng thủy văn địa phương cung cấp kịp thời các thông tin dự báo về thời tiết, thủy văn nguy hiểm.
3. Quyết định theo thẩm quyền huy động nhân lực, vật tư, phương tiện của các tổ chức, cá nhân để ứng cứu, cứu trợ kịp thời các tình huống cấp bách xảy ra trên địa bàn.
4. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định và chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an toàn các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển bao gồm việc cho phép hoặc không cho phép tàu thuyền ra khơi khi có bão, áp thấp nhiệt đới, có khả năng gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
5. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định việc cho học sinh nghỉ học trong tình huống bão, lũ và thiên tai nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
6. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp quyết định và tổ chức thực hiện việc sơ tán dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
7. Quyết định các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai ở địa phương yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền về thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ.
Điều 12. Quyền hạn của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành bao gồm:
1. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn hàng năm bảo vệ người, tài sản, công trình phòng, chống lụt, bão và cơ sở kinh tế - xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
2. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc cung cấp kịp thời nhân lực, vật tư, kỹ thuật, phương tiện đáp ứng yêu cầu huy động cho công tác cứu hộ, cứu trợ khi cần thiết.
3. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc đánh giá, tổng hợp tình hình thiệt hại sau thiên tai báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức khắc phục hậu quả.
Chương IV. PHỐI HỢP ỨNG PHÓ CÁC TÌNH HUỐNG THIÊN TAI
Điều 13. Nguyên tắc phối hợp
1. Chỉ đạo ứng phó các tình huống thiên tai phải đảm bảo nguyên tắc chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế tình huống thiên tai.
2. Khi có nhiều lực lượng cùng tham gia ứng phó tình huống thiên tai trên một địa bàn, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cao nhất của địa phương hoặc người được Trưởng ban ủy quyền là người chỉ huy ứng phó.
3. Thiên tai xảy ra và có khả năng ảnh hưởng đến địa phương nào, địa bàn nào, chính quyền và các lực lượng tại địa phương đó, địa bàn đó phải chủ động triển khai ứng phó ngay theo phương châm “4 tại chỗ”.
Điều 14. Phối hợp trong dự báo, cảnh báo và chỉ đạo phòng tránh thiên tai
1. Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương thực hiện dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ trên phạm vi cả nước; các Đài khí tượng thủy văn khu vực, các Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh thực hiện dự báo chi tiết và phân phối tin dự báo đối với khu vực được phân công phụ trách; Viện Vật lý địa cầu phát tin động đất, cảnh báo sóng thần theo quy định.
2. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương quyết định cảnh báo và chỉ đạo phòng tránh, ứng phó với tình huống thiên tai trên phạm vi cả nước; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương quyết định cảnh báo và chỉ đạo các biện pháp ứng phó với thiên tai trên phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.
Điều 15. Phối hợp phát tin dự báo, cảnh báo và chỉ đạo phòng tránh thiên tai
1. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty Thông tin Hàng Hải, Bộ đội biên phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương là các cơ quan thực hiện phát tin chính thống về dự báo, cảnh báo và chỉ đạo phòng tránh thiên tai.
2. Các cơ quan thực hiện phát tin chính thống quy định tại khoản 1 Điều này chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng thời lượng, tần suất đưa tin kịp thời phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
3. Việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai thực hiện qua sóng phát thanh truyền hình, hệ thống truyền thanh, thông tin hữu tuyến và vô tuyến, các phương tiện thông tin liên lạc như internet, loa tay và các phương tiện truyền tin truyền thống khác.
Điều 16. Phối hợp chỉ đạo ứng phó thiên tai
1. Tình huống khi có bão, áp thấp nhiệt đới
a) Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chỉ đạo các biện pháp chung ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới.
b) Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng địa phương chủ động kiểm đếm người và tàu thuyền hoạt động trên biển, quyết định và tổ chức thực hiện việc thông tin, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi an toàn để trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới.
c) Cơ quan quân sự, Biên phòng và Công an địa phương huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân trong việc sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, sắp xếp vị trí neo đậu cho tàu thuyền, bảo vệ trật tự xã hội và tham gia cứu hộ, bảo vệ các công trình phòng, chống lụt, bão theo sự phân công của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương.
d) Chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển giữ liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, đồn Biên phòng, cơ quan thủy sản địa phương để thông báo về vị trí, tình trạng kỹ thuật của phương tiện, số người trên tàu và chủ động thoát khỏi khu vực ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.
đ) Cộng đồng trên đất liền, hải đảo triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động chằng chống nhà ở hoặc sơ tán để đảm bảo an toàn; tham gia các hoạt động phòng chống bão theo huy động của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương.
2. Tình huống khi có lũ lớn, lũ quét và sạt lở
a) Quản lý giao thông
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương quyết định huy động và chỉ đạo các lực lượng cảnh sát, các cơ quan quản lý giao thông và lực lượng thanh niên tình nguyện địa phương thực hiện các biện pháp, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn các hoạt động giao thông triển khai lực lượng ứng trực tại các bến đò ngang và các địa bàn xung yếu.
b) Tuần tra canh gác đê theo cấp báo động
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng tuần tra canh gác đê triển khai tuần tra, canh gác đê điều theo cấp báo động; huy động lực lượng xử lý sự cố ngay từ giờ đầu.
c) Tổ chức ứng phó lũ quét, sạt lở
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương, đặc biệt là cấp xã, phải tăng cường cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn, thanh niên tình nguyện, phương tiện cứu hộ cứu nạn, thông tin liên lạc, vật tư và nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng tại các địa bàn xung yếu, vùng có nguy cơ cao, dễ bị chia cắt.
d) Tổ chức sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương quyết định, chỉ đạo và triển khai việc sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy cơ ngập lũ, lũ quét và sạt lở đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
đ) Vận hành và triển khai bảo vệ công trình hồ chứa nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chỉ đạo việc vận hành liên hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và các hồ khác theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện chỉ đạo các cơ quan quản lý hồ chứa vận hành công trình theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động huy động vật tư, phương tiện lực lượng xử lý các sự cố đảm bảo an toàn hồ chứa.
3. Tình huống khi có tin cảnh báo sóng thần
Khi nhận được tin cảnh báo sóng thần, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ thông tin, tổ chức ứng phó, sơ tán dân, theo Quy chế Phòng, chống động đất sóng thần được ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Cộng đồng nhân dân chủ động khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn ngay khi nhận được tin cảnh báo sóng thần.
4. Tình huống khi có tin động đất
Trường hợp xảy ra động đất, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện chế độ thông tin, tổ chức ứng phó, sơ tán dân, theo Quy chế Phòng, chống động đất, sóng thần ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Cộng đồng nhân dân chủ động thông báo với người có thẩm quyền các thông tin về nạn nhân còn bị kẹt, bị vùi lấp.
Điều 17. Phối hợp trong cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn
1. Cứu hộ đê và công trình phòng chống lũ
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, các lực lượng của các tổ chức; cá nhân, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn để thực hiện việc cứu hộ; sẵn sàng nguồn lực, vật tư, phương tiện để hỗ trợ các địa bàn lân cận khi có yêu cầu.
Tình huống vượt quá khả năng của địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương báo cáo kịp thời lên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp cao hơn đề nghị hỗ trợ.
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, phối hợp với các lực lượng vũ trang cứu hộ đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão khi xảy ra sự cố lớn vượt quá khả năng xử lý của địa phương.
2. Tìm kiếm cứu nạn trên biển
Việc tìm kiếm cứu nạn trên biển thực hiện theo Quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển ban hành theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Tìm kiếm cứu nạn trên đất liền
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn chủ động thực hiện tìm kiếm, cứu nạn.
Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương báo cáo kịp thời lên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp cao hơn hoặc Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ.
Khi nhận được yêu cầu hỗ trợ, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Ủy ban, của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 18. Phối hợp trong cứu trợ khẩn cấp, khôi phục và tái thiết
1. Cứu trợ khẩn cấp
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tiến hành xác định, đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp trên địa bàn; huy động nguồn lực dự phòng và nguồn khác tại địa phương để thực hiện công tác cứu trợ kịp thời.
Trong trường hợp nhu cầu cứu trợ vượt quá khả năng xử lý của địa phương, phải tổng hợp báo cáo cấp cao hơn để đề nghị hỗ trợ.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp tỉnh và Bộ, ngành chỉ đạo đánh giá tổng hợp thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ trong phạm vi địa phương và Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương phối hợp với các Bộ liên quan tổng hợp, đề xuất biện pháp xử lý, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp xảy ra thiên tai nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
2. Khôi phục tái thiết sau thiên tai
Khi kết thúc đợt thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá thiệt hại, xác định ưu tiên và xây dựng phương án khôi phục và tái thiết, huy động nguồn lực tại địa phương, Bộ, ngành bao gồm nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và nhân dân tổ chức khôi phục và tái thiết.
Trường hợp nhu cầu vượt quá khả năng nguồn lực của địa phương và Bộ, ngành, Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ. Trường hợp trong năm tài chính không đủ nguồn kinh phí khôi phục, tái thiết, các Bộ, ngành, địa phương bố trí vào kế hoạch tài chính năm sau để xử lý khôi phục và tái thiết.
Chương V. TÀI CHÍNH BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG; BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 19. Ngân sách nhà nước đảm bảo cho các hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương để chi cho những nội dung sau:
1. Tổ chức hội họp; công tác phí; trực tiếp đi chỉ đạo tại nơi xảy ra thiên tai; dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin liên lạc; thu thập số liệu phục vụ phòng chống thiên tai.
2. Trực ban phòng, chống lụt, bão tại văn phòng thường trực.
3. Tập huấn, huấn luyện, đào tạo, diễn tập về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
4. Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật và kiến thức thiên tai hằng năm.
5. Bồi thường và thanh toán vật tư, phương tiện, nhiên liệu và chi trả thù lao cho cá nhân, tổ chức được huy động tham gia xử lý các tình huống khẩn cấp về phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
6. Chi cho các hoạt động khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
Điều 20. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, Văn phòng hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương hàng năm lập dự toán ngân sách chi cho các nội dung quy định tại Điều 19 Nghị định này, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách.
Chương VI. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các nội dung quy định tại Nghị định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định này thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2010, thay thế Nghị định số 168- HĐBT ngày 19 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp và các ngành. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 24. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp địa phương, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
THE GOVERNMENT
------- No.: 14/2010/ND-CP
|
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence– Freedom – Happiness --------------- Hanoi, February 27, 2010
|
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây