Quyết định 952/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020

thuộc tính Quyết định 952/QĐ-TTg

Quyết định 952/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020
Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Số công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Số hiệu:952/QĐ-TTg
Ngày đăng công báo:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Loại văn bản:Quyết định
Người ký:Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành:23/06/2011
Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản để xem Ngày áp dụng. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Tình trạng hiệu lực:
Đã biết

Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây!

Lĩnh vực: Chính sách
 

TÓM TẮT VĂN BẢN

Phê duyệt quy hoạch Quảng Bình đến năm 2020 
Ngày 23/06/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 952/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 nhằm đưa Quảng Bình ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2015 và cơ bản trở thành Tỉnh phát triển trong vùng vào năm 2020. 
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn Tỉnh bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12 - 13%. Đến năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt 28 - 30 triệu đồng (khoảng 1.400 đến 1600 USD) và vào năm 2020 đạt khoảng 70 - 72 triệu đồng (khoảng 3.500 - 3.700 USD). 
Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 43%, 40,5% và 16,5%. Phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 155 - 165 triệu USD và vào năm 2020 đạt khoảng 260 - 270 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 17%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 18 - 18,5%. 
Về giáo dục, phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã phường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 45% trường mầm non, 85% trường trung học, 50% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020, theo các chỉ tiêu trên là 50%, 100% và 80 - 85%; đồng 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học. 
Phương hướng tổ chức không gian phát triển là đưa Thành phố Đồng Hời trở thành đô thị trung tâm hướng ra biển; xây dựng mạng lưới đô thị vệ tinh thành các trung tâm kinh tế, văn hóa của từng vùng. Phát triển các khu công nghiệp: Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Hòn La, Lý Trạch, Tây Bắc Quán Hàu, Cam Liên và KCN Bang. 
Dự kiến vốn đầu tư toàn xã hợi thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 147 - 149 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 47 - 48 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 100 - 101 nghìn tỷ đồng. 
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. 

Xem chi tiết Quyết định952/QĐ-TTg tại đây

LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------------------
Số: 952/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------
Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2011
 
 
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2020
-----------------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình,
 
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
 
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung và Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung Bộ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.
2. Khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xóa đói, giảm nghèo, đưa Quảng Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải miền Trung.
3. Tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội; giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đưa Quảng Bình ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo vào năm 2015 và cơ bản trở thành Tỉnh phát triển trong vùng vào năm 2020; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực trong từng giai đoạn; chủ động phòng chống bão, lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế
- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12 - 13%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13%. Đến năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt 28 - 30 triệu đồng (khoảng 1.400 - 1.600USD) và vào năm 2020 đạt khoảng 70 - 72 triệu đồng (khoảng 3.500 - 3.700USD);
- Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 43%, 40,5% và 16,5%; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế tương ứng là 44 - 45,0%, 41,0% và 14 - 15%;
- Phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 155 - 165 triệu USD và vào năm 2020 đạt khoảng 260 - 270 triệu USD;
- Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 17%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 18 - 18,5%.
b) Về xã hội
- Phấn đấu giảm dần việc tăng dân số để đến năm 2015 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1% và 0,9% vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hiện nay) bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3,5 - 4%, giai đoạn 2016-2020 khoảng 3 - 3,5%;
- Phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã phường hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; 45% trường mầm non, 85% trường trung học, 50% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020, theo các chỉ tiêu trên là 50%, 100% và 80 - 85%. Đến năm 2020 có 100% huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học;
- Đến năm 2015 có 80 - 85% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng khoảng 16 - 18%; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 100% và 10 - 12%; giải quyết việc làm hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt khoảng 3,1 - 3,3 vạn lao động; giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3,6 - 3,8 vạn lao động; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 60%, trong đó đào tạo nghề đạt 35 - 40%; tương ứng đến năm 2020 đạt 65% và 50%;
- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 25 - 27% và đến năm 2020 khoảng 30 - 35%. Đồng thời, đến năm 2015 có 78 - 80% số hộ, 45 - 50% làng, thôn, bản, tiểu khu và đến năm 2020 có 85% số hộ, 55 - 57% làng, thôn, bản, tiểu khu đạt chuẩn văn hóa, góp phần quan trọng đẩy lùi tệ nạn xã hội;
- Phấn đấu tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh ở vùng đô thị đạt đến năm 2015 khoảng 95% và 97% vào năm 2020; vùng nông thôn đến năm 2015 đạt 75 - 80% và 90% vào năm 2020. Đến năm 2015 có 20% số xã và năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
c) Về bảo vệ môi trường
- Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 68,5% vào năm 2015 và khoảng 70% vào năm 2020;
- Đến năm 2015 có 95% các cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dịch vụ du lịch có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường và tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2020.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 tăng 20 - 21%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 21 - 22%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 19 - 20%. Mục tiêu đến năm 2020 ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng góp 40 - 41% GDP, giải quyết việc làm cho 12,2% lao động xã hội. Trong đó:
- Phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đầu tư nâng cấp và phát triển các cơ sở công nghiệp hiện có để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp gắn với nhu cầu thị trường;
- Tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế như sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng cao cấp, thủy điện và nhiệt điện. Chú trọng phát triển công nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu; phát triển công nghệ mới, công nghệ sau thu hoạch; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Ưu tiên phát triển công nghiệp thu hút nhiều lao động như chế biến thủy, hải sản, chế biến nông lâm sản;
- Khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa; mở rộng sản xuất các mặt hàng truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, chế biến hải sản, hàng mây tre đan,…
2. Thương mại, dịch vụ
Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như dịch vụ vận tải biển, bưu chính viễn thông, khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và hoạt động xuất nhập khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12,5 - 13%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12 - 12,5%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13 - 13,5%.
- Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ để mở rộng thị trường nông thôn, thị trường trong và ngoài nước, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu;
- Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đa dạng hóa các loại hình du lịch để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phấn đấu đến năm 2015, thu hút 1,1 - 1,2 triệu khách du lịch, trong đó 60 - 70 ngàn khách quốc tế; đến năm 2020 có 1,4 - 1,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 90 - 100 ngàn lượt khách quốc tế;
- Từng bước hình thành các trung tâm du lịch: Phong Nha - Kẻ Bàng và Đá Nhảy (Bố Trạch); Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Trạch); Đồng Hới và khu vực phía Nam Tỉnh bao gồm Chùa Non, núi Thần Đinh - Suối Bang, Đền thờ - lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bàu Sen, Hải Ninh,… gắn với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế;
- Phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Đồng Hới, Hoàn Lão, Ba Đồn, Khu kinh tế Hòn La; chợ đầu mối nông sản ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch; chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và thành phố Đồng Hới; củng cố chợ tại các vùng nông thôn.
3. Về nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới
Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa bền vững, trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác có tỷ lệ cơ giới hóa cao từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân hàng năm 4 - 5%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,5 - 5%.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, hệ sinh thái,…) của từng vùng và nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chú trọng phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, hồ tiêu, lạc, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với kiểm soát phòng tránh, an toàn dịch bệnh;
- Phát triển kinh tế vùng gò đồi, kết hợp giữa phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp;
- Sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao chất lượng độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái;
- Đẩy mạnh khai thác thế mạnh về kinh tế biển; chú trọng đánh bắt xa bờ, giảm dần khai thác ven bờ để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; khuyến khích các hình thức dịch vụ hậu cần trên biển để giảm chi phí sản xuất;
- Chú trọng nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ sinh học, phát triển dịch vụ giống, thức ăn và phòng trừ dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản;
- Từng bước xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại phù hợp với bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
4. Phát triển các lĩnh vực xã hội
a) Về dân số, lao động, việc làm:
Ổn định quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 879.000 người, năm 2020 khoảng 906.000 người, trong đó dân số nông thôn đến năm 2015 chiếm khoảng 75%, đến năm 2020 xuống còn gần 70% dân số.
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ từ 41% năm 2015 lên 49% năm 2020, lao động nông nghiệp giảm từ 59% năm 2015, xuống còn 51% vào năm 2020.
Phấn đấu giảm tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2015 còn 1,3 - 1,4%, năm 2020 còn 1,2% so với lao động trong độ tuổi bằng việc đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án, các mô hình kinh tế, các loại hình dịch vụ; làm tốt công tác dịch vụ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để tham gia vào thị trường lao động.
Đảm bảo cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo.
b) Về giáo dục và đào tạo:
- Phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, nâng cao và đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp, bậc học;
- Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo, coi trọng chất lượng đào tạo; chú trọng đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
c) Về y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
- Nâng cao chất lượng và từng bước xã hội hóa các dịch vụ y tế tại bệnh việc tỉnh, huyện, thành phố gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân;
- Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở gắn với chương trình phát triển nông thôn và đô thị hóa; từng bước nâng cao năng lực chuyên môn và y đức của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, đẩy mạnh phòng chống các bệnh xã hội;
- Làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nâng cao chất lượng dân số bảo đảm cơ cấu dân số và phân bố dân cư phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
d) Về phát triển văn hóa, thể dục, thể thao:
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin cơ sở, nhất là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người. Khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống;
- Nghiên cứu lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để tôn tạo các nghĩa trang, đài tưởng niệm, các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, chú trọng phát huy di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng;
- Phát triển phong trào thể dục thể thao truyền thống và quần chúng; mở rộng chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao phù hợp với điều kiện của Tỉnh.
5. Về khoa học và công nghệ
- Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới; đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất và dịch vụ;
- Huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực. Hình thành đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có đủ điều kiện tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tỉnh;
- Phát triển hệ thống thông tin khoa học công nghệ, xây dựng và phát triển ngân hàng dữ liệu khoa học và công nghệ.
6. Về bảo vệ tài nguyên và môi trường
- Phấn đấu đến năm 2015 có 95% và đến năm 2020 có 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải;
- Khai thác hợp lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững;
- Phòng chống suy thoái, ngăn chặn, xử lý, khắc phục và tiến tới kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do các loại chất thải gây ra.
7. Về quốc phòng, an ninh
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, bảo đảm chính trị ổn định, an toàn xã hội được giữ vững;
- Xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ và dự bị động viên vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
8. Phát triển kết cấu hạ tầng
a) Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu
- Giao thông: Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Cụ thể:
+ Đối với các công trình giao thông thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh: Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để từng bước xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua Tỉnh; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 12A, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường tuần tra biên giới (đoạn qua địa bàn Tỉnh); xây dựng Cảng Hòn La theo quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam; nghiên cứu nâng cấp cảng hàng không Đồng Hới đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm phù hợp với nguồn lực và quy hoạch ngành;
+ Đối với các công trình giao thông thuộc địa phương quản lý: Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí hợp lý nguồn nhân lực trong từng giai đoạn để xây dựng đồng bộ các tuyến: đường ven biển từ Cảnh Dương đi Ngư Thủy, tuyến đường nối Khu công nghiệp xi măng Tuyên Hóa với cảng Hòn La; các tỉnh lộ 559, 558, 561, 562, 563, 564, 565; các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh; đường cứu hộ, cứu nạn, chống ngập lụt; hệ thống đường đô thị; đường trong khu kinh tế, khu công nghiệp; cầu vượt sông Nhật Lệ 2; nâng cấp dần các tuyến đường sông, nạo vét luồng lạch các tuyến sông Son, cửa Gianh, cửa Nhật Lệ và một số tuyến sông khác để tạo điều kiện phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và điều tiết mật độ giao thông.
- Hệ thống thủy lợi:
+ Nâng cấp, cải tạo để sớm hoàn thiện hệ thống thủy lợi Phú Vinh, Vực Tròn, An Mã, Rào Đá, Cẩm Ly, Mỹ Trung, Sông Thai, Vực Sanh, Tiên Lang, Thác Chuối, Vân Tiền, Vực Nồi,…; đầu tư gia cố, xây dựng hệ thống đê, kè chống xói lở bờ sông, biển, hạn chế thiệt hại do thiên tai, xói lở gây ra phù hợp với nguồn lực hiện có của địa phương.
+ Nghiên cứu xây dựng các hồ chứa vừa giải quyết mục tiêu tưới kết hợp với cắt, giảm lũ, cấp nước cải thiện môi trường sinh thái hồ Bang, hồ Khe Lau, Rào Nan, Cây Sến, Nước Nóng phù hợp với từng giai đoạn và nguồn lực của địa phương.
- Cấp thoát nước và vệ sinh môi trường:
+ Đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước hiện có tại Ba Đồn, Kiến Giang, Quán Hàu, Đồng Lê, Quy Đạt. Sớm hoàn thành các công trình cấp nước các xã vùng Nam huyện Quảng Trạch, cấp nước thị trấn Việt Trung, các xã vùng trũng huyện Quảng Ninh, khu trung tâm Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu kinh tế Hòn La, thị trấn Hoàn Lão. Tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư cấp nước cho thị trấn Nông trường Lệ Ninh và các cụm điểm dân cư khó khăn khác.
+ Xây dựng các công trình thoát nước, vệ sinh môi trường ở thành phố Đồng Hới, các huyện lỵ, các khu du lịch trọng điểm, khu công nghiệp, khu đô thị lớn, khu tập trung dân dư. Từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải và xử lý chất thải rắn.
- Cấp điện:
+ Phát triển nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia và Quy hoạch phát triển Điện lực Quảng Bình đã được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu phụ tải và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
+ Xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Khu kinh tế Hòn La công suất 2400-3000MW theo quy hoạch; nghiên cứu xây dựng các nhà máy điện gió ở các xã ven biển; xây dựng dự án thủy điện nhỏ và pin mặt trời cho các xã chưa có điện lưới.
- Thông tin và truyền thông:
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng mạng internet đến tất cả các đơn vị, cơ quan, các doanh nghiệp và hạ tầng viễn thông đến các vùng trong tỉnh; từng bước phát triển viễn thông với tốc độ cao, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc trong và ngoài nước.
b) Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư, phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung tâm công nghệ thông tin, các trường phổ thông và mầm non theo quy hoạch. Xây dựng cơ sở vật chất các trường, lớp học theo hướng kiên cố hóa gắn liền với chuẩn hóa, hiện đại hóa, chất lượng cao;
- Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị khám, chữa bệnh cho Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và các bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố. Nghiên cứu thành lập Bệnh viện nhi, Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng; trang thiết bị của trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố và các đơn vị mới thành lập phù hợp với nguồn lực từng giai đoạn. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng các bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao ở các đô thị;
- Bảo tồn, giữ gìn và phát huy Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các cơ sở tập luyện và thi đấu thể thao cho các lứa tuổi.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN
Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị văn minh, sạch đẹp và nông thôn mới toàn diện, bảo đảm phát triển hài hòa và bền vững giữa thành thị với nông thôn; thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trong Tỉnh.
1. Phát triển không gian đô thị và công nghiệp:
Phát triển thành phố Đồng Hới là đô thị trung tâm hướng ra biển; xây dựng mạng lưới đô thị vệ tinh thành các trung tâm kinh tế, văn hóa của từng vùng. Phấn đấu đến năm 2015 nâng cấp thành phố Đồng Hới lên đô thị loại 2, thị trấn Ba Đồn đạt các tiêu chí đô thị loại 4 và xây dựng Hoàn Lão trở thành đô thị loại 4 khi có đủ điều kiện theo quy định. Chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các thị trấn, trung tâm cụm xã. Nghiên cứu thành lập mới các thị trấn như Phong Nha, Tiến Hóa, Thanh Hà.
- Phát triển các khu công nghiệp:
Phát triển các khu công nghiệp (KCN): Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới; KCN cảng biển Hòn La và Hòn La 2 (Quảng Trạch); KCN Lý Trạch (Bố Trạch), KCN Tây Bắc Quán Hàu (Quảng Ninh), KCN Cam Liên và KCN Bang (Lệ Thủy) theo đúng quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Từng bước hình thành một số cụm công nghiệp có quy mô phù hợp ở một số huyện khi có đủ các điều kiện theo quy định.
2. Phát triển các hành lang kinh tế, khu kinh tế
- Phát triển Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo thành vùng động lực phát triển kinh tế phía Bắc và vùng biên giới phía Tây của Tỉnh.
- Các hành lang kinh tế:
+ Phát triển hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh:
Huy động tốt các nguồn lực, khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển các loại cây công nghiệp có tiềm năng vùng núi, gò đồi. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; tôn tạo các di tích lịch sử; phát triển các điểm du lịch mới dọc hành lang.
Chú trọng đầu tư các tuyến đường ngang nối từ quốc lộ, tỉnh lộ với đường Hồ Chí Minh để phát huy hiệu quả giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước phát triển các đô thị và các trung tâm cụm xã gắn với Quy hoạch nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống dọc hành lang kinh tế.
+ Phát triển hành lang quốc lộ 12A theo hướng mở, tạo ra mối liên hệ phát triển giữa kinh tế miền núi với ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại với Lào và Thái Lan. Phát triển hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung để từng bước phân bố lại dân cư, lao động và giải quyết việc làm, nâng cao mức sống dân cư vùng phía Bắc của Tỉnh.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU
1. Đẩy mạnh thu hút đầu tư:
Dự kiến vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 147 - 149 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 47 - 48 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 100 - 101 nghìn tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Tỉnh cần có các giải pháp cụ thể để huy động có hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển như:
- Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch xây dựng, nhất là các quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng và thu hút các dự án đầu tư;
- Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong các ngành, lĩnh vực nhằm thu hút các nguồn vốn cả trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển trên địa bàn;
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng có chọn lọc, phù hợp với từng địa bàn, loại hình doanh nghiệp; tuyên truyền, giới thiệu mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực quan trọng khác có lợi thế; nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư;
- Chủ động vận động, xúc tiến đầu tư trực tiếp đối với từng dự án, từng nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài nước;
- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước;
- Phát huy dân chủ cơ sở để người dân tham gia thực hiện giám sát hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
2. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính và công tác tư pháp
- Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư và người dân;
- Tăng cường công tác phân cấp, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính;
- Xây dựng mạng lưới các tổ chức dịch vụ pháp lý trên địa bàn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
3. Giải pháp khoa học và công nghệ
- Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, qua đó lựa chọn công nghệ tiên tiến và phù hợp để áp dụng tại địa phương;
- Có cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển khoa học công nghệ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học phát huy sáng tạo, tham gia vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội;
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần nghiên cứu đổi mới, cải tiến công nghệ và đào tạo cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao.
4. Bảo vệ môi trường
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên;
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích các loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải; mở rộng hợp tác điều tra cơ bản tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; làm tốt công tác quan trắc về môi trường;
- Lồng ghép có hiệu quả nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Chú trọng xây dựng hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường trong các cộng đồng dân cư.
5. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ nhất là cán bộ làm công tác quản lý. Phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức để quy hoạch đào tạo lâu dài;
- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cho các khu công nghiệp, khu kinh tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và phát triển dịch vụ giới thiệu việc làm;
- Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đủ khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học quản lý, công nghệ, thị trường để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
VI. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch
Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch.
2. Xây dựng chương trình hành động
- Cụ thể hóa các nội dung của Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn phát triển;
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Quy hoạch được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ giữa kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.
2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí các nguồn vốn một cách hợp lý.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b).
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2011-2020 TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

A
CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ
1
Đường dây và các trạm biến áp 22 KV, 35 KV, 110 KV, 220 KV
2
Mở rộng quốc lộ 1A đoạn 2 đầu thành phố Đồng Hới và thị trấn Ba Đồn
3
Dự án thủy lợi Hồ Bang
4
Dự án thiết bị Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.
B
CÁC DỰ ÁN DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ
1
Cầu Nhật Lệ 2
2
Đường ven biển từ Cảnh Dương - Ngư Thủy; đường nối đảo Hòn Cỏ - Hòn La; đường Nam Lý - Trung Trương
3
Đường từ Quốc lộ 1A (Bàu Sen) đi trung tâm xã Kim Thủy; đường từ xã Cao Quảng về xã Tân Hóa; đường và cầu về xã Văn Hóa; các đường tỉnh 562, 565; đường nối Khu Kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng Tiến - Châu - Văn Hóa
4
Hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn, chống ngập lụt; đường tuần tra và đường vào các đồng Biên phòng biên giới
5
Hạ tầng kỹ thuật nâng cấp đô thị Ba Đồn; hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu tái định cư
6
Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Hòn La; hạ tầng các khu công nghiệp
7
Hệ thống cấp nước các thị trấn, khu công nghiệp, vùng khó khăn về nguồn nước
8
Xây dựng hệ thống đê kè sông, biển; xây dựng, nâng cấp các hồ chứa, công trình thủy lợi
9
Xây dựng bệnh viện chuyên khoa cấp Tỉnh; cơ sở vật chất và các trang thiết bị y tế
10
Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục
11
Nhà thi đấu đa năng Đồng Hới
12
Hạ tầng công nghệ thông tin
13
Xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch
14
Dự án quản lý tổng hợp đới bờ toàn Tỉnh
C
CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT KINH DOANH KÊU GỌI ĐẦU TƯ
1
Dự án đầu tư vào các khu công nghiệp
2
Nhà máy nhiệt điện Hòn La
3
Các nhà máy thủy điện, phong điện
4
Các nhà máy xi măng cao cấp; xi măng Trường Thịnh; xi măng Sông Gianh (giai đoạn 2); xi măng Văn Hóa
5
Nhà máy chế biến cát Ba Đồn; sứ vệ sinh và dân dụng cao cấp
6
Các nhà máy xử lý nước thải, rác thải khu đô thị và khu công nghiệp
7
Xây dựng cảng Hòn La (giai đoạn 2)
8
Các dự án trồng rừng nguyên liệu; trồng cây cao su; nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
9
Dự án Trường dạy nghề
10
Dự án Bệnh viện đa khoa và Trung tâm chẩn đoán, điều trị bệnh chất lượng cao
11
Dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng
12
Xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ; các dự án xây dựng khu đô thị mới và các khu chung cư cao tầng.
Ghi chú: về vị trí, quy mô, diện tích chiếm đất, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các dự án nêu trên, sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực của từng giai đoạn./.
 
LuatVietnam.vn độc quyền cung cấp bản dịch chính thống Công báo tiếng Anh của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Tình trạng hiệu lực: Đã biết

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem bản dịch TTXVN.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Lược đồ

Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Văn bản này chưa có chỉ dẫn thay đổi
văn bản TIẾNG ANH
Công báo tiếng Anh
Decision 952/QD-TTg DOC (Word)
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

Decision 952/QD-TTg PDF
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiếng Anh hoặc Nâng cao để tải file.

Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây

* Lưu ý: Để đọc được văn bản tải trên Luatvietnam.vn, bạn cần cài phần mềm đọc file DOC, DOCX và phần mềm đọc file PDF.

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên

TẠI ĐÂY

văn bản cùng lĩnh vực
văn bản mới nhất