QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 78/TTG NGÀY 28-2-1994
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH CÔNG TÁC XUẤT - NHẬP KHẨU NĂM 1994.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ ý kiến kết luận của Chính phủ tại phiên họp ngày 13 tháng 1 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và của Bộ trưởng Bộ Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Năm 1994 là năm mở đầu của thời kỳ phát triển mới nhằm thúc đẩy nhanh hơn nhịp độ thực hiện những mục tiêu của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; do vậy, các chính sách, chủ trương và biện pháp quản lý và điều hành xuất nhập khẩu phải được nghiên cứu, giải quyết theo hướng khuyến khích tối đa việc phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông, tăng nhanh hơn nữa kim ngạch xuất khẩu; ưu tiên ưu đãi trong chính sách thuế đối với việc nhập khẩu để đầu tư công nghệ mới cũng như nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Bộ Thương mại cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành hữu quan xây dựng các mục tiêu và qui chế điều hành đối với từng ngành hàng xuất khẩu trong năm 1994, kể cả việc định hướng các liên doanh đầu tư với nước ngoài theo các mục tiêu sản xuất hàng xuất khẩu của nước ta.
Điều 2.- Đối với việc nhập khẩu, cần quản lý đúng hướng và chặt chẽ nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Việc nhập khẩu phải phục vụ tốt cân đối chung về tiền - hàng, cũng như quan hệ cung cầu đối với từng ngành hàng, không gây đột biến về giá cả.
Khi giải quyết cụ thể các nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp, Bộ Thương mại, hệ thống Ngân hàng và các ngành quản lý sản xuất phải nắm vững tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều 3.- Đối với những mặt hàng quan trọng, thiết yếu cần định hướng cho nhu cầu sản xuất và đời sống chung của cả nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính cùng Bộ Thương mại và các ngành sản xuất hữu quan, cân đối, quyết định danh mục hàng hoá và nhu cầu xuất, nhập để bảo đảm tốt quan hệ cung cầu của thị trường. Riêng đối với các mặt hàng gạo xuất khẩu, hạn mức gỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, ô tô, xe gắn máy, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi công bố thực hiện.
Điều 4.- Trên cơ sở các nhu cầu được Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cân đối, định hướng và các mặt hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu ở Điều 3, Bộ Thương mại là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, điều hành việc xuất khẩu, nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, ngoài nước; bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành hữu quan xây dựng quy chế điều hành nhằm bảo đảm các mục tiêu: không gây ách tắc trong lưu thông hàng hoá, tránh để xẩy ra các cơn sốt về giá cả và bảo vệ hợp lý được hàng hoá sản xuất trong nước.
Điều 5.- Thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 166-TB ngày 2 tháng 6 năm 1993, Bộ Thương mại phải xúc tiến nhanh hơn nữa trong việc xây dựng tổ chức, quy chế điều hành mạng lưới thương nghiệp để đáp ứng yêu cầu về quản lý và nắm bắt nhu cầu của các khu vực, thị trường trong nước; đặc biệt cần chú ý thị trường miền núi, vùng đồng bào dân tộc, tổ chức tốt việc tiêu thụ hàng sản xuất ra tại thị trường này và đưa hàng đến trực tiếp cho đồng bào dân tộc.
Điều 6.- Để đáp ứng yêu cầu khuyến khích xuất khẩu, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, quản lý chặt chẽ nhập khẩu và hỗ trợ việc sản xuất hàng hoá trong nước, giao Bộ Thương mại chủ trì cùng Bộ Tài chính và các ngành sản xuất hữu quan thường xuyên theo dõi và đề xuất để Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế và luật định.
Điều 7.- Việc quản lý buôn bán giữa nước ta với các nước có chung biên giới cần được chấn chỉnh, thực hiện đúng hiệp định thương mại đã ký với các nước và tập quán thương mại quốc tế, các hợp đồng thương mại giữa các tổ chức được phép kinh doanh xuất - nhập khẩu của ta và của các nước có chung biên giới với nước ta.
Bộ Thương mại bàn với các ngành hữu quan để ban hành quy chế quản lý buôn bán với các nước có chung biên giới với nước ta, khuyến khích tối đa việc xuất khẩu hàng hoá của ta, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu những hàng hoá có ảnh hưởng xấu đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Tổng Cục Hải quan cùng Bộ Tài chính triển khai quyết định của Chính phủ về việc tập trung thu thuế hàng hoá xuất, nhập vào một đầu mối của ngành Hải quan.
Điều 8.- Bộ Thương mại soát xét lại toàn bộ quy trình cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, cấp hạn ngạch và cấp giấy phép xuất, nhập khẩu hàng hoá để cải tiến các quy trình này theo hướng đơn giản, thuận lợi cho các ngành doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; chống các hiện tượng sách nhiễu và tiêu cực trong việc cấp giấy phép, nhằm thực hiện mục tiêu khuyến khích mạnh xuất khẩu, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu.
Điều 9.- Phê duyệt danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Thương mại trình tại công văn số 1040-TM/XNK ngày 1-2-1994 và Uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Thương mại cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công bố để thực hiện trong kế hoạch năm 1994.
Danh mục hàng hoá này được áp dụng đối với nhập khẩu theo đường mậu dịch cũng như nhập khẩu theo đường viện trợ, quà biếu, quà tặng.
Điều 10.- Bộ Thương mại công bố danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch được áp dụng đối với các mặt hàng mà Việt Nam có cam kết theo hiệp định thương mại với nước ngoài và do phía nước ngoài ấn định hạn ngạch; bàn với các Bộ hữu quan để có qui chế phân bổ, quản lý và điều hành một cách công khai, hợp lý và có điều chỉnh phù hợp với tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.
Điều 11.- Hàng quý, Bộ Thương mại phối hợp với Tổng cục Hải quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước) tình hình xuất khẩu, nhập khẩu và tình hình thị trường trong nước, ngoài nước, đặc biệt đối với những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu đã được cân đối, định hướng; đồng thời cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước kiến nghị việc điều chỉnh các chỉ tiêu, hạn mức và chính sách mặt hàng cho phù hợp tình hình sản xuất và cung cầu của thị trường.
Điều 12. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Quyết định này.