Quyết định 171/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ
- Tổng hợp lại tất cả các quy định pháp luật còn hiệu lực áp dụng từ văn bản gốc và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đính chính…
- Khách hàng chỉ cần xem Nội dung MIX, có thể nắm bắt toàn bộ quy định pháp luật hiện hành còn áp dụng, cho dù văn bản gốc đã qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung.
thuộc tính Quyết định 171/2004/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành: | Thủ tướng Chính phủ |
Số công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Số công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Số hiệu: | 171/2004/QĐ-TTg |
Ngày đăng công báo: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày đăng công báo. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Loại văn bản: | Quyết định |
Người ký: | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành: | 28/09/2004 |
Ngày hết hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Ngày hết hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Áp dụng: | |
Tình trạng hiệu lực: | Đã biết Vui lòng đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Tình trạng hiệu lực. Nếu chưa có tài khoản Quý khách đăng ký tại đây! |
Lĩnh vực: | Khoa học-Công nghệ |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Xem chi tiết Quyết định171/2004/QĐ-TTg tại đây
tải Quyết định 171/2004/QĐ-TTg
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 171/2004/QĐ-TTG
NGÀY 28 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 22 tháng 6 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ" kèm theo quyết định này.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
Hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về tình hình thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ của cơ quan và địa phương mình tới Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
ĐỀ ÁN
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 171/2004/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)
MỞ ĐẦU
Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã sớm xác định vai trò then chốt của cách mạng khoa học và kỹ thuật. Trong thời gian qua, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nhiều văn bản quan trọng về định hướng chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ đã được ban hành: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII (1996); Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 khoá IX (2002); Luật Khoa học và Công nghệ (2000); Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 (2003); và nhiều chính sách cụ thể khác về xây dựng tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ đã có bước chuyển biến, đạt được một số tiến bộ và kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế tri thức trên thế giới. Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của hoạt động khoa học và công nghệ hiện nay là: "Chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội; chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được; trình độ khoa học và công nghệ của ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh; năng lực tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn. Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm được sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp. Các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các trường đại học chưa gắn kết với nhau. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu tập trung và dứt điểm cho từng mục tiêu. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tuy còn ít, song chưa được sử dụng tốt."
Mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 là: "Tập trung xây dựng nền khoa học và công nghệ nước ta theo hướng hiện đại và hội nhập, phấn đấu đạt trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực vào năm 2010, đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước."
Để đạt được mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ nước ta đến năm 2010, phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, tạo bước chuyển biến căn bản trong quản lý khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường và sử dụng có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ.
Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ tập trung vào các giải pháp chủ yếu: (1) Hoàn thiện cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; (2) Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ; (3) Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ; (4) Đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học và công nghệ; (5) Phát triển thị trường công nghệ; (6) Hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
I. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ QUẢN LÝ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HIỆN NAY
Cùng với quá trình đổi mới cơ chế kinh tế, trong những năm qua, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới và đạt được một số kết quả bước đầu.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, đề tài Nhà nước được bố trí tập trung hơn, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải, cân đối hơn giữa khoa học tự nhiên và công nghệ với khoa học xã hội và nhân văn. Cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nguyên tắc cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng và công khai bước đầu được áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Cơ chế quản lý các tổ chức khoa học và công nghệ đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hoá và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ. Phạm vi hoạt động của các tổ chức này được mở rộng từ nghiên cứu, đào tạo, đến sản xuất và dịch vụ khoa học và công nghệ. Đã xuất hiện nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ngoài nhà nước, nhiều cơ sở sản xuất trong các viện nghiên cứu, trường đại học, góp phần đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Cơ chế, chính sách tài chính cho khoa học và công nghệ đã được đổi mới theo hướng tăng dần tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trong tổng chi ngân sách nhà nước và đa dạng hoá nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Việc cấp kinh phí đến nhà khoa học đã được cải tiến một bước trên cơ sở tuyển chọn theo nguyên tắc cạnh tranh và giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết. Quyền tự chủ về tài chính bước đầu được triển khai áp dụng đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Cơ chế quản lý nhân lực được đổi mới theo hướng mở rộng hơn quyền chủ động cho cán bộ khoa học và công nghệ trong việc ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong hoạt động kiêm nhiệm và hoạt động hợp tác quốc tế. Chế độ hợp đồng lao động đã được mở rộng hơn đối với các tổ chức khoa học và công nghệ. Đã áp dụng một số hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cán bộ khoa học và công nghệ.
Các thể chế hỗ trợ cho phát triển thị trường công nghệ đã bước đầu được hình thành. Các quy định pháp lý về hợp đồng khoa học và công nghệ, hoạt động chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ đã được ban hành tạo điều kiện cho việc thương mại hoá các thành quả khoa học và công nghệ. Chợ công nghệ - thiết bị đã được tổ chức ở nhiều địa phương và ở phạm vi quốc gia, hình thành kênh giao dịch thị trường thúc đẩy hoạt động mua bán thiết bị và các sản phẩm khoa học và công nghệ.
Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đã được cải tiến một bước thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Những kết quả đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ vừa qua đã góp phần tạo nên thành tựu chung của nền khoa học và công nghệ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đánh giá "... khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ chuyển biến tích cực, gắn bó hơn với phát triển kinh tế, xã hội."
2. Những yếu kém và nguyên nhân
Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay còn chưa được đổi mới cơ bản, còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự xuất phát từ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chưa định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thiếu cơ chế hữu hiệu khắc phục tình trạng trùng lặp nhiệm vụ khoa học và công nghệ giữa các ngành, các cấp, các địa phương. Tiêu chuẩn lựa chọn và việc lựa chọn chuyên gia tham gia các hội đồng tư vấn để xác định, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đánh giá kết quả nghiên cứu còn bất cập. Công tác đánh giá kết quả nghiên cứu chưa tương hợp với chuẩn mực quốc tế.
Cơ chế quản lý các tổ chức khoa học và công nghệ chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thiếu quy hoạch các tổ chức khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo và gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Chưa xây dựng được các tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng và hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ nói chung và các tổ chức khoa học và công nghệ nói riêng.
Cơ chế, chính sách tài chính chưa tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Cơ chế tài chính còn chưa tạo ra sự tự chủ cao đối với các tổ chức khoa học và công nghệ. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ còn dàn trải, thiếu tập trung cho các lĩnh vực, công trình trọng điểm. Thiếu biện pháp hữu hiệu để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ. Thiếu các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
Cơ chế quản lý cán bộ khoa học và công nghệ chưa tạo động lực để phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ khoa học và công nghệ. Chậm chuyển đổi từ chế độ công chức sang chế độ viên chức và hợp đồng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển và đổi mới cán bộ. Thiếu cơ chế, biện pháp cụ thể xây dựng và nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành và các tập thể khoa học và công nghệ mạnh. Chế độ tiền lương còn bất hợp lý, không khuyến khích cán bộ toàn tâm với sự nghiệp khoa học và công nghệ. Chưa có các chính sách cụ thể khuyến khích mạnh lực lượng khoa học và công nghệ ngoài nước tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Thị trường công nghệ còn nhỏ bé, chậm phát triển. Hoạt động mua, bán công nghệ và lưu thông các kết quả nghiên cứu còn rất hạn chế do thiếu nhiều tác nhân quan trọng, các yếu tố cấu thành thị trường và các quy định pháp lý cần thiết.
Phần lớn các kết quả nghiên cứu còn dừng ở phạm vi phòng thí nghiệm, chưa tạo ra được nhiều công nghệ hoàn chỉnh có thể thương mại hoá. Chưa chú trọng việc mua sáng chế công nghệ của các nước tiên tiến để đổi mới công nghệ.
Quy định về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ chưa khuyến khích các tổ chức thực hiện nghiên cứu quan tâm khai thác, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ thấp. Năng lực của các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ còn yếu chưa thật sự đáp ứng vai trò cầu nối giữa cung và cầu.
Quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ còn chưa đổi mới kịp với yêu cầu chuyển sang kinh tế thị trường. Thiếu cơ chế cụ thể để điều phối hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, lạc hậu so với thực tiễn, nhiều quy định không khả thi. Thiếu phân công, phân cấp rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm giữa các Bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương.
Những yếu kém nêu trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Một là, quan điểm khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực phát triển đất nước đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng, nhưng chưa được quán triệt đầy đủ để chuyển thành hành động thực tế của các cấp chính quyền, các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ chậm được thể chế hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng nhu cầu đổi mới trong thực tiễn; lãnh đạo các cấp thiếu kiên trì, kiên quyết trong tổ chức và chỉ đạo thực hiện đổi mới quản lý khoa học và công nghệ.
Hai là, chậm đổi mới tư duy, phương pháp quản lý khoa học và công nghệ trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Chưa làm rõ trách nhiệm của Nhà nước về đầu tư phát triển đối với một số hoạt động khoa học và công nghệ như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu mang tính công ích, nghiên cứu chiến lược, chính sách phát triển v.v...; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp đối với các hoạt động khoa học và công nghệ cần và có thể vận dụng cơ chế thị trường như hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ.
Chưa tách biệt quản lý hành chính nhà nước với hoạt động sự nghiệp dẫn đến tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thiếu cơ chế hữu hiệu về thanh tra, kiểm tra và quy định trách nhiệm rõ ràng trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Ba là, chưa coi trọng tổng kết thực tiễn các điển hình tiên tiến. Trong những năm gần đây, với sự năng động sáng tạo của các tổ chức khoa học và công nghệ, đã xuất hiện nhiều điển hình tốt về gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất, nhưng chưa được tổng kết kịp thời để nhân rộng.
Bốn là, cơ chế quản lý kinh tế hiện nay còn duy trì sự bao cấp gián tiếp của Nhà nước thông qua các ưu đãi, độc quyền trong nhiều lĩnh vực, khiến cho các doanh nghiệp nhà nước ít quan tâm đến nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Năng lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn bất cập, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp làm cầu nối cho ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Hệ thống tài chính, tiền tệ kém phát triển cũng không tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự huy động được nguồn vốn để đầu tư cho khoa học và công nghệ.
II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC TIẾP TỤC
ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
Từ nay đến năm 2010, tiếp tục đổi mới, tạo bước chuyển biến cơ bản trong quản lý khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao rõ rệt chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển bền vững với tốc độ nhanh của đất nước.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
- Hoàn thiện cơ chế xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ dựa trên tiêu chuẩn chất lượng khoa học và hiệu quả kinh tế - xã hội.
- Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; hoàn thành việc thí điểm và tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng việc chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
- Phấn đấu đạt tỷ lệ 50/50 giữa kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và nguồn ngoài ngân sách nhà nước trên cơ sở áp dụng các biện pháp hữu hiệu đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; đổi mới cơ bản cơ chế tài chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
- Hoàn thành cơ bản các thể chế hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy mua bán, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
- Thực hiện các chính sách trọng dụng, tôn vinh nhân tài trong hoạt động khoa học và công nghệ.
- Thực hiện cải cách hành chính, phân công, phân cấp và nâng cao vai trò điều phối của Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
2. Quan điểm
Việc đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ cần thực hiện theo các quan điểm sau đây:
a) Chuyển mạnh quản lý khoa học và công nghệ từ cơ chế hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường; tách biệt quản lý giữa khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp trong hệ thống khoa học và công nghệ.
b) Đẩy mạnh xã hội hoá, tạo môi trường bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
c) Gắn kết chặt chẽ sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, đào tạo; doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ.
d) Phát huy dân chủ, nâng cao tính sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong khoa học xã hội và nhân văn.
đ) Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế hoạt động khoa học và công nghệ, tiếp thu có chọn lọc tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển khoa học và công nghệ.
3. Nguyên tắc
Việc đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ trong thời gian tới phải đảm bảo các nguyên tắc chủ yếu sau:
a) Bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xã hội.
b) Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách rõ ràng và nhất quán, bảo đảm sự điều hoà, phối hợp, phân công, phân cấp và quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
c) Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực mạnh mẽ về vật chất và tinh thần cho các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường.
d) Lấy chất lượng khoa học - công nghệ và hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ; tiến tới các tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế.
đ) Bảo đảm tính khả thi, coi trọng tổng kết thực tiễn trong quá trình thực hiện.
III. CÁC GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Hoàn thiện cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, của các ngành, địa phương ở mỗi thời kỳ.
a) Phân công, phân cấp rõ ràng trong xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Chính phủ quyết định các định hướng phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm làm cơ sở xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, có tầm quan trọng quốc gia, mang tính liên ngành và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quyết định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ trực tiếp cho sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này, lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp mục tiêu phát triển của mình, không trùng lặp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước. Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu mang tính ứng dụng, phục vụ trực tiếp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của địa phương.
Các tổ chức khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước, tự chủ trong việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức mình.
Tăng cường sự điều phối của Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để tránh sự chồng chéo và trùng lặp. Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ tổ chức thực hiện việc điều phối này.
b) Hoàn thiện cơ chế xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước
Xác định rõ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên ở các cấp. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp tổ chức việc trao đổi giữa các viện, trường, doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách để xác định các nhiệm vụ ưu tiên.
Đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính ứng dụng, xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm, thực hiện cơ chế liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với cơ sở áp dụng kết quả nghiên cứu trong toàn bộ quá trình từ xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện, đánh giá và đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Áp dụng rộng rãi phương thức tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo cơ chế cạnh tranh, công khai, dân chủ. Việc giao trực tiếp cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải được thực hiện công khai dựa trên các tiêu chí lựa chọn rõ ràng. Hoàn thiện quy chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Đổi mới căn bản công tác đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể, phù hợp với từng loại hình nghiên cứu: đối với nghiên cứu cơ bản phải đánh giá bằng chất lượng khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế; đối với nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội của việc ứng dụng trong thực tiễn làm tiêu chuẩn chủ yếu.
Hoàn thiện các quy định về thành lập và hoạt động của các hội đồng tư vấn xác định, tuyển chọn và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bảo đảm tính độc lập và khách quan của hội đồng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia đánh giá, tiêu chuẩn thành viên và cơ cấu hội đồng phù hợp với từng loại hình nghiên cứu.
c) Đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống
Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ các cấp có trách nhiệm xây dựng và bảo đảm thực hiện cơ chế đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ áp dụng vào thực tiễn. Tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thực hiện các quy định về lưu giữ, bảo mật, phổ biến và sử dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có trách nhiệm đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đổi mới công nghệ.
2. Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng một số tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010; tăng cường mối liên kết giữa nghiên cứu - đào tạo - sản xuất.
a) Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược và chính sách, nghiên cứu các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm và một số lĩnh vực khác do Nhà nước quy định
Tự chủ về hoạt động khoa học và công nghệ: các tổ chức khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ Nhà nước giao; đồng thời tự chủ tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ khác theo quy định của pháp luật (liên kết, hợp tác, ký hợp đồng nghiên cứu và dịch vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ v.v...).
Tự chủ về tài chính: Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo phương thức khoán chi quỹ lương, hoạt động bộ máy và kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các tổ chức này được tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu khác từ hợp đồng khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài.
Tự chủ về quản lý nhân sự: thực hiện phân cấp và trao quyền tự chủ nhân sự cho tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước trên cơ sở thực hiện chế độ viên chức và hợp đồng lao động đối với cán bộ khoa học và công nghệ. Cơ chế tự chủ về quản lý nhân sự được quy định cụ thể trong mục 4 "Đổi mới quản lý nhân lực khoa học và công nghệ" dưới đây.
Tự chủ về quan hệ hợp tác quốc tế: phân cấp mạnh hơn nữa cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc cử cán bộ khoa học và công nghệ ra nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện nghiên cứu, đào tạo, tư vấn khoa học và công nghệ và đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực do Nhà nước quy định.
Nhà nước giao cho người đứng đầu các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức.
b) Chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp
Chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo một trong các hình thức sau: doanh nghiệp khoa học và công nghệ; doanh nghiệp; tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quyền và nghĩa vụ sau đây:
Về chức năng nhiệm vụ:
- Thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm mới, dịch vụ khoa học công nghệ dựa trên kết quả nghiên cứu và phát triển theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước.
Về tổ chức:
Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tổ chức theo loại hình Công ty có nhiều hình thức sở hữu (nhà nước, tập thể, tư nhân) hoặc theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, với cơ cấu gồm:
- Các đơn vị nghiên cứu và phát triển có chức năng nghiên cứu phát triển công nghệ; tiếp nhận, thích nghi công nghệ mới và tổ chức chuyển giao công nghệ này vào các đơn vị sản xuất - kinh doanh bên trong hoặc bên ngoài doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Giá trị sáng chế và giá trị công nghệ chuyển giao của các đơn vị nghiên cứu và phát triển được tính vào vốn điều lệ khi thành lập các đơn vị sản xuất - kinh doanh hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Các đơn vị sản xuất - kinh doanh được tổ chức dưới dạng các loại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ máy tổ chức và cơ chế quản lý của doanh nghiệp khoa học và công nghệ được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của loại hình doanh nghiệp này.
Về quản lý tài sản và tài chính:
- Nhà nước giao quyền sử dụng và quản lý toàn bộ tài sản cho các doanh nghiệp khoa học và công nghệ chuyển đổi từ các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ theo quy định hiện hành của pháp luật về giao tài sản cho doanh nghiệp nhà nước.
- Doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải trích ít nhất 2% doanh thu để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, kể từ khi có thu nhập và được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật. Nhà nước hỗ trợ một phần quỹ lương và hoạt động bộ máy trong 3 năm kể từ khi có quyết định chuyển đổi; hỗ trợ một phần vốn cố định và lưu động khi thành lập các công ty sản xuất - kinh doanh trực thuộc; có chính sách hỗ trợ cán bộ khoa học và công nghệ, viên chức trong khi chờ việc, thuyên chuyển, đào tạo lại, thôi việc v.v...
Về quản lý nhân lực và quan hệ hợp tác, liên kết:
- Tự chủ trong việc ký kết hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức theo Luật Lao động, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.
- Chủ động thực hiện các quan hệ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, kinh tế, thương mại theo quy định của pháp luật.
Tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chuyển sang hình thức doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí:
Tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chuyển sang hình thức doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp. Các tổ chức chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp được giao tài sản như đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hưởng các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí và các ưu đãi khác như đối với doanh nghiệp mới thành lập.
Tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ. Các tổ chức chuyển đổi này được Nhà nước giao toàn bộ tài sản, được hỗ trợ quỹ lương và hoạt động bộ máy kể từ khi có quyết định chuyển đổi. Mức và thời gian hỗ trợ quỹ lương và hoạt động bộ máy được căn cứ vào kết quả đánh giá của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ có thẩm quyền về chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức chuyển đổi này.
Việc chuyển đổi các tổ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí phải được tiến hành từng bước, có thí điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
c) Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao là doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng các điều kiện do Nhà nước định kỳ công bố.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức khoa học và công nghệ, tập thể và cá nhân nhà khoa học thành lập, liên doanh với doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư hạ tầng cơ sở.
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao được áp dụng các ưu đãi như đối với các doanh nghiệp công nghệ cao tại khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
d) Thực hiện đánh giá định kỳ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước
Nhà nước quy định chế độ tự đánh giá và bên ngoài đánh giá định kỳ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước theo các tiêu chuẩn phù hợp với chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí đầu tư.
Nghiên cứu hình thành loại hình tổ chức đánh giá khoa học và công nghệ độc lập có chức năng nghiên cứu phương pháp và tổ chức thực hiện việc đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ, đánh giá các tổ chức khoa học và công nghệ, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và quản lý khoa học và công nghệ và bảo đảm tính khách quan trong việc đánh giá.
đ) Phát huy chức năng và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ của các trường đại học
Nhà nước tăng đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các trường đại học: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, tăng kinh phí nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng.
Quy định định mức nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu được công bố đối với cán bộ giảng dạy của các trường đại học phù hợp với chức danh.
Xây dựng cơ chế liên kết giữa trường đại học và tổ chức nghiên cứu và phát triển: xây dựng và thực hiện các quy chế về kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo và chuyên môn đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các trường đại học, về khuyến khích cán bộ nghiên cứu thuộc các tổ chức nghiên cứu và phát triển tham gia giảng dạy, về dùng chung phòng thí nghiệm và thiết bị phục vụ nghiên cứu và giảng dạy.
Đẩy mạnh liên kết giữa trường đại học đối với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp: các trường đại học thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước và ký kết hợp đồng khoa học và công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu với các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học công nghệ thực hiện nhiệm vụ ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ để sớm hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
3. Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ
Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính nhằm: tăng nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ; tạo động lực cho tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.
a) Đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh:
- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế và chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ quy định trong Nghị định số 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ.
- Khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ đổi mới công nghệ và sản phẩm; doanh nghiệp được khấu hao nhanh đối với tài sản, thiết bị, máy móc; được vay vốn với lãi xuất ưu đãi tại Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Khuyến khích thành lập các loại quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
Nhanh chóng đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia vào hoạt động; triển khai thành lập các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển khoa học và công nghệ:
- Nhà nước tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức khoa học và công nghệ khai thác nguồn vốn ngoài nước từ hoạt động hợp tác quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau: hợp tác nghiên cứu, đào tạo song phương, đa phương; khuyến khích tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam dưới nhiều hình thức (hợp tác, liên kết giữa bên Việt Nam và các bên nước ngoài; các tổ chức khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài…).
- Ưu tiên nguồn vốn ODA đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia, như: các tổ chức nghiên cứu và phát triển trọng điểm, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu công nghệ cao.
b) Đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ
Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm được xác định trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách và những lĩnh vực công ích do Nhà nước quy định. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tăng đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.
Nhà nước tập trung đầu tư đồng bộ giữa hạ tầng cơ sở, trang thiết bị với đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ, đối với việc xây dựng một số tổ chức nghiên cứu và phát triển đạt trình độ hiện đại, tiên tiến; đồng thời áp dụng chế độ ưu đãi đặc biệt (về nhà ở, điều kiện làm việc, chế độ thu nhập, xuất nhập cảnh thuận lợi…) để thu hút chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài tới làm việc tại các tổ chức này.
Dành kinh phí cần thiết cho các khâu hình thành, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án; kiểm tra và đánh giá định kỳ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ; đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu và hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn để đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan thống nhất việc xây dựng cơ cấu phân bổ ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, trình Chính phủ phê duyệt.
c) Hoàn thiện cơ chế sử dụng nguồn tài chính tạo động lực cho hoạt động khoa học và công nghệ
Điều chỉnh những điểm bất hợp lý về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong quá trình thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Không giới hạn mức thu nhập của cán bộ, viên chức trong các tổ chức khoa học và công nghệ. Ban hành cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước có mức thu thấp hoặc không có thu.
Áp dụng cơ chế khoán đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cơ sở thẩm định kỹ về nội dung, sản phẩm nghiên cứu và dự toán kinh phí thực hiện. Việc thanh, quyết toán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ phải căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm nghiên cứu là chủ yếu; bãi bỏ các thủ tục thanh, quyết toán không còn phù hợp trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Quy định về việc trích lập Quỹ khen thưởng từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ để khen thưởng thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Nhà nước dành một khoản kinh phí hỗ trợ đăng ký bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam; kinh phí để mua sáng chế công nghệ từ các nước phát triển.
Tăng đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế -xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
4. Đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học và công nghệ
Đổi mới cơ chế quản lý nhân lực khoa học và công nghệ nhằm phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; tạo động lực vật chất và tinh thần, thực hiện chế độ thù lao, đãi ngộ theo mức độ cống hiến và các chính sách khuyến khích khác đối với cán bộ khoa học và công nghệ.
a) Tăng quyền tự chủ về quản lý nhân lực của các tổ chức khoa học và công nghệ
Triển khai thực hiện chế độ viên chức, chế độ hợp đồng theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003 và Nghị định số 116/2003/NĐ-CP. Kịp thời điều chỉnh những điểm bất hợp lý trong quá trình thực hiện nghị định này.
Tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức khoa học và công nghệ trong quản lý nhân lực khoa học và công nghệ: quyền tuyển dụng, đào tạo, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc, xếp lương, đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức. Thực hiện cơ chế giám sát việc thực thi quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ.
Ban hành chế độ quản lý nhân lực đối với các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí; chế độ bảo hiểm thôi việc đối với cán bộ khoa học và công nghệ.
Ban hành chính sách trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ tài năng; sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ giỏi; khuyến khích và thu hút người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. áp dụng mức thu nhập đặc biệt đối với cán bộ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tầm quan trọng đặc biệt trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ, năng lực chuyên môn ngang bằng chuyên gia nước ngoài, cùng vị trí công tác trong các dự án hợp tác, được hưởng mức thu nhập tương đương với mức thu nhập bình quân do các tổ chức quốc tế, nước ngoài trả cho người Việt Nam.
Ban hành tiêu chuẩn và quy chế bổ nhiệm chức vụ khoa học và công nghệ đối với cán bộ khoa học và công nghệ và điều chỉnh chế độ lương phù hợp với chức vụ khoa học và công nghệ.
Ban hành tiêu chuẩn và chế độ đánh giá định kỳ đối với cán bộ khoa học và công nghệ. Thực hiện nâng lương trước thời hạn đối với cán bộ khoa học hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ.
Dành một khoản kinh phí thích đáng để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao, kỹ thuật viên lành nghề phục vụ cho các ngành kinh tế trọng điểm và các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài; định kỳ đào tạo lại cho cán bộ khoa học và công nghệ để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến; có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả cán bộ khoa học và công nghệ sau khi đào tạo.
Tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích mở các trường đại học, viện nghiên cứu quốc tế hoặc khu vực tại Việt Nam. Thu hút các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín của nước ngoài liên kết hoặc mở phân viện, phân hiệu hoặc tổ chức các chương trình đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Ban hành chính sách thu hút chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam tham gia công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn, giữ các chức vụ quản lý nghiên cứu khoa học và công nghệ.
5. Phát triển thị trường công nghệ
a) Gắn kết đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, xã hội với thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống
Xây dựng chương trình liên kết giữa khoa học và công nghệ với đào tạo và sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, hiện đại hoá, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện việc lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học đối với chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Xây dựng cơ chế lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ với các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước theo hướng đẩy mạnh quá trình cổ phần hoá, không áp dụng các biện pháp khoanh nợ, dãn nợ đối với doanh nghiệp. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm thực sự đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và xem xét hiệu quả khi lựa chọn công nghệ. Ban hành các chính sách về kiểm soát độc quyền, giải thể, phá sản doanh nghiệp đồng thời đẩy nhanh quá trình chủ động hội nhập quốc tế tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, đổi mới sản phẩm.
b) Nâng cao chất lượng và khả năng thương mại hoá của các sản phẩm khoa học và công nghệ
Dành tỷ lệ thích đáng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá. Xây dựng cơ chế đánh giá sau nghiệm thu và cơ chế hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Hình thành các tổ chức tư vấn, giám định về chất lượng và giá cả của công nghệ trước khi chuyển giao hoặc bán cho sản xuất công nghiệp.
c) Phát triển các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ
Phát triển các tổ chức môi giới công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, các tổ chức cung cấp thông tin thị trường công nghệ; hình thành các tổ chức xúc tiến thị trưường công nghệ; tổ chức các chợ công nghệ - thiết bị.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các dịch vụ môi giới về thị trường công nghệ.
d) Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Hoàn thiện hệ thống pháp luật cho thị trường công nghệ. Rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan tới sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Sớm ban hành hai luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và về chuyển giao công nghệ.
Quy định rõ cơ chế khuyến khích chuyển giao kết quả nghiên cứu có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước theo hướng trao quyền sử dụng cho tổ chức thực hiện nghiên cứu trong một thời gian hợp lý để khai thác, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định rõ về thời hạn sử dụng, nghĩa vụ và lợi ích của tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng, đặc biệt khi kết quả nghiên cứu có giá trị kinh tế, xã hội lớn. Sau thời hạn quy định, nếu kết quả nghiên cứu không được áp dụng thực tiễn hoặc thương mại hoá, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền sử dụng dưới dạng hàng hoá, dịch vụ công.
Thể chế hoá việc các tổ chức và cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ góp vốn cho doanh nghiệp bằng bản quyền đối với kết quả nghiên cứu hoặc các hình thức sở hữu trí tuệ khác.
Các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ hỗ trợ tổ chức, cá nhân người Việt Nam về thủ tục, lệ phí đăng ký bằng phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ ở trong nước và bảo hộ ở nước ngoài; thành lập các văn phòng tư vấn hỗ trợ về đăng ký và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các tổ chức khoa học và công nghệ có năng lực về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và trong nhân dân. Quy định khung hình phạt có hiệu lực để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
6. Hoàn thiện cơ chế hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ
Thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo hướng tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, tách nhiệm vụ sự nghiệp ra khỏi cơ quan hành chính, tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.
Tăng cường sự điều phối của Chính phủ để tạo sự gắn kết các hoạt động khoa học và công nghệ với các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Thực hiện sự phân công, phân cấp rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm về quản lý khoa học và công nghệ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ:
a) Chính phủ: thông qua chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, các định hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ từng thời kỳ, xác định những nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Nhà nước; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ về khoa học và công nghệ; trình Quốc hội thông qua ngân sách dành cho khoa học và công nghệ hàng năm.
b) Bộ Khoa học và Công nghệ: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ để trình Chính phủ; tổng hợp và cung cấp thông tin về các định hướng, xu thế phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới và của Việt Nam cho các Bộ, ngành và địa phương; cân đối và phân bổ phần ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ; quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia và áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; tổ chức đánh giá tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ của đất nước; thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khoa học và công nghệ.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ thành một nội dung của kế hoạch định kỳ phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, cơ quan và địa phương; dự báo, cân đối các nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kể cả nguồn vốn ODA và nguồn vốn huy động khác ngoài nhà nước; cân đối tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ phân bổ vốn cho các công trình xây dựng cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.
d) Bộ Tài chính: chịu trách nhiệm cân đối ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ trong tổng dự toán ngân sách nhà nước; đảm bảo cấp phát đủ, đúng tiến độ ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ đã được phê duyệt; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình Chính phủ quyết định kế hoạch và các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ và tăng cường công tác nghiên cứu trong các trường đại học.
e) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách liên quan tới nhân lực khoa học và công nghệ và hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ.
g) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực mình.
h) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương; cụ thể hoá và vận dụng cơ chế, chính sách, định hướng phát triển khoa học và công nghệ chung của đất nước phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
i) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và hoạt động khoa học và công nghệ thuộc phạm vi được phân công, phân cấp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, định kỳ 1 năm một lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Từ nay đến cuối năm 2005, các Bộ và cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan soạn thảo:
- Đề án phát triển thị trường công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2004).
- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đánh giá các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các tổ chức khoa học và công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ qúy I năm 2005).
- Nghị định của Chính phủ về đổi mới công tác kế hoạch hoá khoa học và công nghệ (trình Chính phủ qúy II năm 2005).
- Đề án chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (trình Thủ tướng Chính phủ qúy II năm 2005).
- Đề án phát triển các tổ chức trung gian, môi giới công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị, sàn giao dịch công nghệ ở cấp địa phưương và quy mô cả nước (trình Thủ tướng Chính phủ qúy III năm 2005).
b) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo:
- Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập (trình Chính phủ qúy IV năm 2004).
- Đề án về chính sách khen thưởng, đãi ngộ, trọng dụng và tôn vinh nhân tài khoa học và công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ qúy I năm 2005).
- Đề án về chính sách thu hút chuyên gia giỏi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài phục vụ phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam (trình Thủ tướng Chính phủ qúy II năm 2005).
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo:
- Thông tư liên tịch về áp dụng cơ chế khoán chi tài chính cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (qúy II năm 2005).
- Đề án thành lập Quỹ đầu tưư mạo hiểm hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao (trình Thủ tướng Chính phủ quý III năm 2005).
d) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo:
Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới khoa học và công nghệ để kiến nghị, bổ sung, sửa đổi và bãi bỏ phù hợp với những nội dung của Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ qúy I năm 2005).
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Xây dựng Chương trình liên kết khoa học và công nghệ với đào tạo và sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, hiện đại hoá, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế (trình Thủ tướng Chính phủ qúy IV năm 2004).
- Tiến hành phân loại, xây dựng danh mục, kế hoạch với lộ trình cụ thể để chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ trực thuộc sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (báo cáo Thủ tướng Chính phủ qúy IV năm 2004).
3. Từ năm 2006 đến 2010:
Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các Đề án nói trên; đến năm 2007 tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và kiến nghị phương hướng đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ trong những năm tiếp theo; đến năm 2010 tổng kết việc thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
4. Kinh phí để thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn khác. Hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cân đối kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện Đề án.
THE PRIME MINISTER OF GOVERNMENT | SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 171/2004/QD-TTg | Hanoi, September 28, 2004 |
DECISION
APPROVING THE SCHEME ON RENEWAL OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MANAGEMENT MECHANISM
THE PRIME MINISTER
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 22, 2000 Law on Science and Technology;
At the proposal of the Minister of Science and Technology,
DECIDES:
Article 1.- To approve the "Scheme on renewal of science and technology management mechanism" issued together with this Decision.
Article 2.- Implementation organization
The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies, the People's Committees of the provinces or centrally-run cities in, organizing the implementation of the Scheme on renewal of science and technology management mechanism.
Annually, the ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies, the provincial/municipal People's Committees send their reports on the situation of renewing the science and technology management mechanism in their respective agencies or localities to the Ministry of Science and Technology for sum-up and report to the Prime Minister.
Article 3.- This Decision takes implementation effect 15 days after its publication in the Official Gazette.
Article 4.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the Government-attached agencies, the presidents of the provincial/municipal People's Committees shall have to implement this Decision.
| PRIME MINISTER |
SCHEME
ON RENEWAL OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MANAGEMENT MECHANISM
(Issued together with the Prime Minister's Decision No. 171/2004/QD-TTg of September 28, 2004)
INTRODUCTION
Science and technology constitute the foundation and motive force for accelerated industrialization and modernization as well as sustainable development of the country. Our Party and State have early determined the key role of the scientific and technological revolution. Over the recent past, particularly in the renewal period, many important documents on strategic orientations, mechanisms and policies for scientific and technological development were promulgated: The Resolution of the second plenum of the Party Central Committee, the VIIIth Congress (1996); the Conclusions of the sixth plenum of the Party Central Committee, the IXth Congress (2002); the Law on Science and Technology (2000); the Strategy for development of Vietnam's science and technology till 2010 (2003); and many other specific policies on building up potentials and renewing mechanisms for science and technology management.
With the concern of the Party and the State and particularly the efforts of the contingent of science and technology officials, scientific and technological activities have seen steps of development, progress and certain results, positively contributing to socio-economic development, the assurance of national security and defense.
However, our country's scientific and technological activities at present still fail to meet the requirements of the cause of national industrialization and modernization, especially in the trend of international economic integration and development of the knowledge-based economy in the world. The IXth National Party Congress pointed out the basic limitations of the current scientific and technological activities that they "have not yet been really associated with the requirements and activities of various socio-economic branches; the research outcomes have been late to be applied; our scientific and technological levels remain low as compared to nearby countries; the capability to create new technologies remains very limited. The scientific research agencies have been late to be reorganized, being left scattered, non-coordinative and inefficient. The research institutes and enterprises as well as universities have not yet been associated with one another. The investment in the construction of material and technical foundations has not been concentrated. Highly qualified science and technology cadres, though in small number, have not yet been well employed."
The objectives of the Strategy on development of Vietnam's science and technology till 2010 are: "To concentrate efforts on building our country's science and technology along the direction of modernization and integration, striving to achieve the average advanced level in the region by 2010, making science and technology really the foundation and motive force for acceleration of national industrialization and modernization."
In order to achieve the development objectives of our country's science and technology till 2010, we must vigorously renew the science and technology management mechanism, creating steps of substantial improvement in the management of science and technology along the direction of conformity with the socialist-oriented market mechanism, with the particularities of scientific and technological activities, with the requirements of active international economic integration, aiming to markedly raise the quality and efficiency of scientific and technological activities; enhancing and efficiently using the scientific and technological potentials.
The scheme on renewal of science and technology management mechanism shall focus on the following major solutions: (1) Perfecting the mechanism for formulation and performance of scientific and technological tasks; (2) Renewing the mechanism for management and operation of scientific and technological organizations; (3) Renewing mechanisms and policies on financial investment in scientific and technological activities; (4) Renewing the mechanism for management of scientific and technological personnel; (5) Developing the technology market; (6) Perfecting the mechanism for operation of the science and technology State management apparatus.
I. THE ACTUAL STATE OF THE CURRENT SCIENCE AND TECHNOLOGY MANAGEMENT MECHANISM
1. Initial steps of renewal
Together with the process of renewing the economic mechanism, over the recent years, the science and technology management mechanism has been step by step renovated and crowned with some initial results.
The formulation and implementation of scientific and technological tasks have been renewed along the direction of determining central tasks, focal tasks, linking them more closely to socio-economic development tasks. The State's programs and subjects have been concentrated, thus avoiding the scatteredness and achieving better balance between natural sciences as well as technologies and social sciences as well as humanities. The mechanism for selection of organizations, individuals for performance of scientific and technological tasks has been initially applied on the principles of competition, democracy, equality and publicity, thus contributing to raising the quality of performance of scientific and technological tasks.
The mechanism for management of scientific and technological organizations has been step by step renovated along the direction of socialization and their linkage with production and business. Organizations and individuals of all economic sectors have the right to set up scientific and technological organizations. The scope of operation of these organizations has been expanded to cover from research and training to production, scientific and technological services. There have appeared many non-State scientific and technological organizations, many production establishments in research institutes or universities, contributing to quickly introducing research results into production.
The financial mechanism and policies for science and technology have been renovated along the direction of gradually increasing expenditures on science and technology in the total State budget expenditure and diversifying sources of investment in scientific and technological development. The allocation of funding to scientists has been further improved on the basis of recruitment on the principles of competition and reduction of unnecessary intermediaries. The financial autonomy has been initially applied to public scientific and technological organizations.
The personnel management mechanism has been renewed along the direction of expanding autonomy for science and technology cadres in signing contracts on scientific research and technological development, in part-time activities and international cooperation. The labor- contract regime has been broadened for scientific and technological organizations. Some forms of honoring and commending science and technology cadres have been applied.
Various institutions in support of technology market development have been initially established. Law provisions on scientific and technological contracts, technology transfer and intellectual property have been promulgated, thus creating conditions for commercialization of scientific and technological results. The technology-equipment markets have been organized in many localities and on national scale, formulating a market transaction channel to promote activities of buying and selling equipments and scientific as well as technological products.
The assignment and decentralization of the State management over science and technology have been improved one step through consolidating the organizational apparatuses and defining the functions, tasks and responsibilities of the ministries, ministerial-level agencies and the provincial/municipal People's Committees.
The results of the recent renewal of science and technology management mechanism have contributed to the general achievements of sciences and technologies as assessed by the IXth National Party Congress that "...social sciences and humanities, natural sciences and technologies have seen positive changes and been associated more closely with social and economic development."
2. Weaknesses and their causes
Despite certain progresses, the current science and technology management mechanism in our country has not yet been substantially renovated, being incompatible with the socialist-oriented market mechanism and with the particularities of scientific and technological activities in the trend of globalization and international economic integration.
The determination and organization of performance of scientific and technological tasks have yet really stemmed from the socio-economic development tasks. The powers and responsibilities of branches and levels in determining scientific and technological tasks have yet been clearly defined. There still lacks an effective mechanism to overcome the scientific and technological task overlapping among branches, levels and localities. The selection criteria and the selection of specialists to join advisory councils for determination and selection of organizations and/or individuals for the performance of scientific and technological tasks or the evaluation of research results have proved insufficient. The research result evaluation work remains incompatible with international standards.
The mechanism for management of scientific and technological organizations has proved unsuitable to the particularities of the creative labor and socialist-oriented market economy mechanism. There still lacks a planning on scientific and technological organizations meeting the development requirements of various key scientific and technological branches and fields as well as socio-economic development demands. The State-run scientific and technological organizations have not yet been given full autonomy in terms of plan, finance, personnel and international cooperation to promote their dynamism, creativity and the association between research, training and production as well as business. Specific criteria have not yet been elaborated for evaluation of quality and efficiency of scientific and technological activities in general and scientific and technological organizations in particular.
The financial mechanism and policies have failed to create motive forces and favorable conditions for organizations and individuals engaged in scientific and technological activities. The financial mechanism has yet created high autonomy for scientific and technological organizations. The state budget investment in sciences and technologies has spread evenly without concentration on key domains, works. There still lack effective measures to mobilize non-State budget capital sources for science and technology. There has been the shortage of risk investment capital sources to encourage hi-tech research, application to production and business.
The scientific and technological personnel management mechanism has yet created a driving force for promoting the creativity of science and technology workers. The shift from the regime of public servants to the regime of officialdom and contract has been slow, failing to create favorable conditions for personnel rotation and renewal. There still lack specific mechanism and measures to build up and heighten the role of the contingent of outstanding scientists and technologists as well as strong scientific and technological collectives. The salary regime remains irrational, failing to encourage officials to fully devote themselves to the scientific and technological cause. There still lack specific policies to strongly encourage the scientific and technological forces overseas to contribute to the cause of national development.
The technology market remains small and underdeveloped. Activities of technology purchase, sale and circulation of research results are still very limited due to the absence of many important factors, market components and necessary law provisions.
Most research results have just stopped at laboratories and failed to create many comprehensive technologies, which can be commercialized. Importance has yet been attached to the purchase of technological patents of advanced countries for technological renewal.
The regulations on intellectual property right and technology transfer have not yet encouraged research institutions to care for the exploitation and commercialization of research results created with the State budget. The enforcement of intellectual property legislation has been of low effect. The capabilities of technological intermediary and brokerage organizations remain weak, failing to play the role as bridge between supply and demand.
The renewal of State management over science and technology has failed to keep pace with the shift to market economy. There still lack specific mechanisms to regulate the State management over science and technology. The system of legal documents on the State management over scientific and technological activities has been inadequate, unspecific, asynchronous and outdated as compared with realities; many provisions are unfeasible. The assignment and decentralization of powers and responsibilities among ministries, branches as well as between the central government and localities have not been clearly defined.
The above-mentioned weaknesses have been attributed to the following major causes:
First, the view that science and technology constitute the foundation and motive force for national development, which has been confirmed in various resolutions of the Party, has not been thoroughly grasped for conversion into practical deeds of the administrations at different levels, the ministries, branches and localities in formulating and organizing the implementation of socio-economic development tasks. Many undertakings and policies of the Party and the Government on scientific and technological development were slow to be institutionalized in legal documents to meet the practical renewal demands; leaderships at various levels were not persistent and resolute in organizing and directing the renewal of management of science and technology.
Second, the thinking and methods of managing science and technology are slow to renovate under the circumstances of the shift to the socialist-oriented market economy and the international economic integration. The State's responsibility for development investment in a number of scientific and technological activities such as basic research, public-utility research, development strategy and policy research, etc. has not yet been clarified. There still lack appropriate mechanisms and policies for necessary scientific and technological activities where the market mechanism can be applied, such as activities of research into technological application and development, scientific and technological services.
The State administrative management has not yet been separated from non-business activities, thus leading to the situation that State management bodies have directly performed the tasks of scientific research and technological development. There still lack the effective mechanisms for inspection, examination and clear definition of responsibility in scientific and technological activities.
Third, importance has not been attached to the review of realities of good models. Over the recent years, with dynamism and creativity of scientific and technological organizations, there have appeared many good models in linking scientific research with production, which were, however, not reviewed in time for wide application.
Fourth, the current economic management mechanism still maintains the State's indirect subsidies through preferences and monopolies in various domains, thus making State enterprises pay less attention to technological research, application and renewal in order to raise their competitiveness. The enterprises' scientific and technological capabilities remain inadequate, lacking the contingent of science and technology workers acting as bridge for application of research results to production. The financial and monetary system has been underdeveloped, failing to create conditions for enterprises to mobilize by themselves capital sources for investment in science and technology.
II. OBJECTIVES, VIEWPOINTS AND PRINCIPLES OF CONTINUED RENEWAL OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MANAGEMENT MECHANISM
1. Objectives
a) The overall objectives:
From now till 2010, to continue the renewal, creating the substantial improvement in science and technology management suitable to the socialist-oriented market mechanism, to the requirements of active international economic integration and the particularities of scientific and technological activities so as to markedly raise the quality and efficiency of activities and enhance the scientific and technological potentials, actively serving the cause of sustainable national development at high rates.
b) Specific objectives:
- To perfect the system of legal documents on renewal of science and technology management mechanism.
- To perfect the mechanism for determining and organizing the implementation of scientific and technological tasks in association with the socio-economic development demands and the mechanism for evaluating scientific and technological activities on the basis of quality standards of science and socio-economic efficiency.
- To apply the mechanism of autonomy and self-responsibility to the public scientific and technological organizations; to complete the experiment and sum up experiences in shifting technological application and development research organizations to operate under the enterprise mechanism for wide application.
- To strive to achieve the 50/50 ratio between the State budget funding and the non-State budget funding invested in science and technology on the basis of applying effective measures to diversify sources of investment capital for scientific and technological activities; to substantially renew the financial mechanism so as to create favorable conditions for organizations and individuals engaged in scientific and technological activities.
- To basically complete institutions supporting the development of technology market, promoting the purchase, sale, transfer and renewal of technologies.
- To implement policies of honoring and putting scientific and technological talents in important positions.
- To carry on the administrative reform, responsibility assignment and decentralization and raise the Government's coordinating role with a view to raising the operation efficiency of the apparatus of State management over science and technology.
2. Viewpoints
The renewal of science and technology management mechanism should be conducted on the following viewpoints:
a) To vigorously shift the science and technology management from the administrative and subsidized mechanism to the market mechanism; to separate the management of the administrative sector from the management of the non-business sector in the scientific and technological system.
b) To step up the socialization of, and create an equal environment for all organizations and individuals to participate in, scientific and technological activities.
c) To closely associate production and business with research and training; enterprises shall play the central role in technological application and renewal.
d) To promote democracy and creativity in scientific research, especially research in social sciences and humanities.
e) To step up international integration and cooperation in scientific and technological activities, selectively absorbing scientific knowledge, technological transfer, attracting foreign resources for scientific and technological development.
3. Principles
The renewal of science and technology management mechanism in the coming period must ensure the following major principles:
a) To ensure synchronism between the renewal of science and technology management mechanism and the renewal of socio-economic management mechanism.
b) To formulate a system of clear-cut and consistent mechanisms as well as policies, ensuring the regulation, coordination, assignment as well as decentralization and clearly defining the responsibilities and powers of the ministries, branches and localities in performing the State management over science and technology.
c) To promote autonomy, self-responsibility, cooperation and healthy competition, creating strong material and spiritual motive force for organizations and individuals engaged in scientific and technological activities under the conditions of the market economy.
d) To take scientific-technological quality and socio-economic efficiency as the major standards for evaluation of scientific and technological activities; to proceed to reach the international evaluation standards.
e) To ensure the feasibility, attach importance to the review of practical situation in the course of implementation.
III. SOLUTIONS TO RENEWAL OF SCIENCE AND TECHNOLOGY MANAGEMENT MECHANISM
1. To perfect the mechanism for formulating and organizing the implementation of scientific and technological tasks
The perfection of the mechanism for formulating and organizing the implementation of scientific and technological tasks must stem from the socio-economic development tasks of the country, branches and localities in each period.
a) Definite assignment and decentralization of responsibility for formulating and organizing the implementation of scientific and technological tasks
The Government shall decide on key scientific and technological development orientations for use as basis for determining scientific and technological tasks of State level, national importance, inter-branch and long-term nature, which serve socio-economic development, security and national defense and enhance the national scientific and technological capabilities. The Prime Minister shall decide on key scientific and technological tasks of State level, scientific and technological tasks in direct service of the Government's direction and administration. The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the ministries, branches, provincial/municipal People's Committees and concerned agencies in, formulating and organizing the implementation of these scientific and technological tasks, incorporating them in socio-economic development programs.
The ministries, ministerial-level agencies and Government-attached agencies shall decide on scientific and technological tasks in direct service of their respective development objectives, which do not coincide with State-level scientific and technological tasks. The science and technology management bodies of the ministries, ministerial-level agencies or Government-attached agencies shall assist their ministers or heads of such agencies in formulating and organizing the implementation of the scientific and technological tasks within their management scope.
The provincial/municipal People's Committees shall decide on scientific and technological tasks of applied nature, in direct service of socio-economic development objectives of their respective localities. The science and technology management bodies of the provinces or centrally-run cities shall assist the People's Committee presidents in formulating and organizing the implementation of scientific and technological tasks of their respective localities.
Scientific and technological organizations, enterprises and social organizations of all economic sectors shall participate in the formulation and implementation of scientific and technological tasks of the State, enjoy autonomy in determining their respective scientific and technological tasks.
To enhance the Government's coordination in formulating and organizing the implementation of scientific and technological tasks in order to avoid overlapping and coincidence. The Ministry of Science and Technology shall assist the Government in organizing such coordination.
b) To perfect the mechanism for formulating and organizing the implementation of the State's scientific and technological tasks
To clearly define the priority scientific and technological tasks at all levels. The science and technology State management agencies at all levels shall organize the exchanges of opinions between institutes, schools, enterprises and policy-making bodies in order to determine the priority tasks.
For scientific and technological tasks of applied nature, prompted by the requirements of raising the quality, efficiency and competitiveness of products, to apply the mechanism of association between scientific and technological organizations and establishments in applying research results throughout the entire process from the determination of tasks, implementation organization, evaluation to the application of research results to reality.
To widely apply the mode of recruiting organizations and individuals for performance of scientific and technological tasks according to the mechanism of competition, publicity, democracy. The direct assignment of scientific and technological tasks to organizations and/or individuals for performance must be conducted publicly on the basis of clear selection criteria. To perfect the regulation on recruitment of organizations and individuals for performance of scientific and technological tasks.
To substantially renew the work of evaluation of scientific and technological activities on the basis of clear and specific standards suitable to each form of research: for basic research, it must be evaluated with scientific quality compatible with international standards; for the research into technological application and development, the socio-economic efficiency of the application to reality must be taken as the major criterion for evaluation.
To perfect the regulations on establishment and operation of advisory councils for determining, selecting and evaluating the results of performance of scientific and technological tasks, ensuring their independence and impartiality. To build databases on evaluation experts, council members' criteria and councils' composition, suitable to different forms of research.
c) To quickly apply results of scientific and technological research to practical production and life
The science and technology management agencies at all levels shall have to build up and implement the mechanism for quick application of scientific and technological research results to reality. Organizations and individuals performing scientific and technological tasks shall have to observe the regulations on archival, confidentiality, dissemination, use and transfer of scientific and technological research results. Enterprises of all economic sectors shall have to invest in technological research and renewal in order to raise the quality of their products and/or services as well as their competitiveness. The State shall adopt policies to encourage enterprises of all economic sectors to renew technologies.
2. To renew the mechanism for management and operation of scientific and technological organizations
The renewal of mechanism for management and operation of scientific and technological organizations aims to create favorable conditions for promoting to the utmost the activeness, creativity and raising the operation efficiency of organizations and individuals engaged in scientific and technological activities; to build a number of State-run scientific and technological organizations being up to the advanced level in the region in key domains determined in the strategy on scientific and technological development till 2010; to enhance the research-training-production linkage.
a) To apply the mechanism of autonomy and self-responsibility to State-run scientific and technological organizations conducting basic research, strategy and policy research, key sciences and technologies research and a number of other domains prescribed by the State
Autonomy in scientific and technological activities: The scientific and technological organizations shall have to well perform the State-assigned tasks, and at the same time independently conduct other scientific and technological activities according to law provisions (association, cooperation, signing of contracts for scientific and technological research and services, technological transfer,...).
Financial autonomy: The State ensures operation funding for the performance of State-assigned tasks by mode of providing in package wage fund, operation funding and funding for performance of scientific and technological tasks. These organizations shall enjoy autonomy in using other revenue sources from scientific and technological contracts with organizations and/or individuals of all economic sectors at home and abroad.
Personnel management autonomy: To decentralize and give the personnel autonomy to State-run scientific and technological organizations on the basis of implementing the regime of public servants and labor contracts for science and technology cadres. The personnel management autonomy mechanism is specified in Section 4 "Renewal of management of scientific and technological personnel" below.
International cooperation autonomy: To further decentralize to scientific and technological organizations the sending of science and technology cadres abroad, the hiring of foreign experts to conduct research, training, to provide scientific and technological consultancy or undertake managerial positions in scientific and technological organizations in the domains prescribed by the State.
The State shall assign the heads of scientific and technological organizations to exercise the right to autonomy and to take responsibility for all activities of their organizations.
b) To shift technological application and development research organizations to operate under enterprise mechanism
To shift organizations conducting research into technological application and development and having products associated to market to operate in one of the following forms: scientific and technological enterprises; enterprises; self-financing scientific and technological organizations.
The scientific and technological enterprises shall have the following rights and obligations:
Regarding their functions and tasks:
- To conduct scientific and technological activities, training of scientific and technological personnel under the provisions of the Law on Science and Technology, the Education Law and other relevant law provisions.
- To organize the production of, and trading in, new products, provision of scientific and technological services based on research and development results according to the Enterprise Law, the State Enterprise Law.
Regarding organization:
The scientific and technological enterprises shall be organized in form of companies with different forms of ownership (State, collective, private) or after the model of parent company- affiliate company composed of:
- Research and development units with the function of researching into technological development; receiving, adapting new technologies and organizing the transfer of such technologies to production-business units inside or outside scientific and technological enterprises. The value of invention and the value of the transferred technologies of research and development units shall be calculated into the charter capital upon the establishment of production-business units or joint ventures, associations with domestic and/or foreign organizations and individuals.
- The production-business units shall be organized in form of enterprises of all economic sectors, operating under current law provisions.
The organizational apparatus and managerial mechanism of scientific and technological enterprises shall be determined as compatible with the functions and tasks of enterprises of this type.
Regarding financial and property management:
- The State shall assign the right to use and manage the entire assets to scientific and technological enterprises transformed from technological application and development research organizations according to the current law provisions on assignment of assets to State enterprises.
- The scientific and technological enterprises must deduct at least 2% of their revenues for investment in scientific and technological activities after the generation of their incomes and enjoy preferences as provided for by law. The State shall partially support the wage fund and apparatus operation for three years after the issuance of transformation decisions; partially support fixed and working capital upon the establishment of attached production-business companies and adopt policies of providing support for scientific and technological personnel pending their employment, transfer, re-training, severance, etc.
Regarding the management of personnel and the relations of cooperation, association:
- To enjoy autonomy in signing labor contracts with officials and employees according to the Labor Code, the Science and Technology Law, the State Enterprise Law, the Enterprise Law and relevant law provisions.
- To take initiative in undertaking international scientific, technological, economic and trade cooperation according to law provisions.
Technological application and development research organizations which are transformed into enterprises, self-financing scientific and technological organizations:
Technological application and development research organizations transformed into enterprises shall operate under the State Enterprise Law, the Enterprise Law. Organizations transformed into enterprises shall be assigned assets like scientific and technological enterprises and enjoy tax, charge, fee and other preferences like newly established enterprises.
The self-financing scientific and technological organizations shall operate under the Law on Science and Technology. These transformed organizations shall be assigned all assets, supported in wage fund and operation apparatus by the State after the issuance of transformation decisions. The level and duration of wage fund and operation apparatus support shall be based on the results of evaluation by competent science and technology management agencies of the quality and efficiency of operation of these transformed organizations.
The transformation of technological application and development research organizations into scientific and technological enterprises, enterprises or self-financing scientific and technological organizations must be carried out experimentally step by step with the final review thereof and the drawing of experiences therefrom for wide application.
c) To step up the formation and development of scientific and hi-tech enterprises
Scientific and hi-tech enterprises are scientific and technological enterprises operating in the field of high technologies, meeting the conditions announced periodically by the State.
The State encourages scientific and technological organizations, scientific collectives and scientists to set up, or join enterprises in setting up, scientific and hi-tech enterprises through tax and credit preference policies, establishment of risk investment fund, investment in infrastructure.
The scientific and hi-tech enterprises shall enjoy preferences like hi-tech enterprises in hi-tech parks according to law provisions.
d) To make periodical evaluation of scientific and technological organizations using the State budget funding
The State shall prescribe the regime of self-evaluation and periodical external evaluation of scientific and technological organizations using the State budget funding according to standards compatible with international standards so as to raise the efficiency of using the investment funding.
To study the formation of independent scientific and technological evaluation organizations with functions of studying the evaluating methods and organizing the evaluation of scientific and technological activities and the evaluation of scientific and technological organizations, serving the requirements of raising the quality and efficiency of scientific and technological activities and management and ensuring the objectivity in the evaluation.
e) To promote the function and raise the efficiency of scientific and technological research activities of universities
The State shall increase investment in scientific and technological research for universities: invest in the construction of scientific and technological infrastructure, increase funding for research and development, particularly application-oriented basic research.
To prescribe norms of scientific research and publicized research results for university lecturers, which are commensurate to their respective positions and titles.
To build up the mechanism of association between universities and research and development organizations: To elaborate and implement the regulations on part-time assumption of leading and professional positions applicable to research and development organizations as well as universities, on encouraging researchers of research and development organizations to participate in lecturing, on the joint use of laboratories and equipment in service of research and lecturing.
To step up the association between universities and production establishments as well as enterprises: Universities perform the State's scientific and technological tasks and sign scientific and technological contracts with, transfer research results to, domestic and foreign organizations of all economic sectors according to law provisions.
To formulate mechanism and policies to support technology universities in performing the tasks of technological nursery and enterprise nursery, particularly scientific and technological enterprises, in order to early form small- and medium-sized enterprises applying scientific and technological research results to production and business.
3. To renew mechanism, policies on financial investment in scientific and technological activities
To renew the financial mechanism and policies with a view to increasing the non-State budget financial sources for scientific and technological development; to raise the efficiency of the State's investment in science and technology; to create driving forces for organizations and individuals engaged in scientific and technological activities.
a) To diversify investment capital sources for science and technology
To encourage enterprises to invest in renewal of technologies, renewal of products, to raise their competitiveness:
- To continue perfecting financial mechanisms and policies to encourage enterprises to invest in scientific and technological activities prescribed in the Government's Decree No. 119/1999/ND-CP.
- To encourage enterprises to set up scientific and technological development funds for research and application of research results in service of renewal of technologies and products; the enterprises shall be entitled to fast amortization of assets, equipment and machinery, to borrow capital at preferential interest rates from the national fund for scientific and technological development, the scientific and technological development funds of ministries, provinces and/or centrally-run cities for technological research, application and renewal.
To encourage the setting up of assorted scientific and technological development funds:
To quickly put the national fund for scientific and technological development into operation; to deploy the setting up of scientific and technological development funds of the ministries, provinces, centrally-run cities; to encourage domestic and foreign organizations and individuals to set up scientific and technological development funds, risk investment funds in the scientific and technological domains.
To intensify the exploitation of capital sources from international cooperation for scientific and technological development:
- The State shall create legal bases for scientific and technological organizations to exploit foreign capital sources from international cooperation in various forms: bilateral or multilateral cooperation on research, training; to encourage foreign organizations and individuals to invest in or set up scientific and technological organizations in Vietnam in various forms (cooperation, association between the Vietnamese party and foreign parties; scientific and technological organizations with 100% foreign capital...).
- To prioritize ODA capital sources for investment in development of scientific and technological potentials, particularly in the national key scientific and technological domains such as key research and development organizations, key laboratories, hi-tech parks.
b) To renew the investment policies and mechanism of State budget allocation for scientific and technological activities
State budget shall be concentrated on investment in the key domains determined in the scientific and technological development strategy, in basic research, strategy and policy research and the public-utility domains prescribed by the State. To encourage all economic sectors, particularly the enterprise sector, to increase investment in the domains of technological research, development and renewal.
The State shall concentrate to synchronize investment between infrastructure, equipment and scientific as well as technological personnel training, the building of a number of research and development organizations up to the modern and advanced standards; and at the same time apply special preference regimes (on dwelling houses, working conditions, income, convenient entry and exit procedures,...) in order to attract qualified domestic and foreign experts to work in these organizations.
To reserve necessary funding for the formulation and determination of scientific and technological tasks; the recruitment of organizations and individuals for performance of research subjects, projects; the periodical examination and evaluation of results of scientific and technological activities; the evaluation for pre-acceptance test of research results and support for application of research results to reality in order to ensure the quality and efficiency of scientific and technological activities.
The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and the concerned agencies in, unanimously building the mechanism for allocation of State budget for science and technology and submitting it to the Government for approval.
c) To perfect the mechanism for using financial resources to create motive force for scientific and technological activities
To adjust irrationalities in the financial regime applicable to non-business units with revenues in the scientific and technological domains in the course of implementing the Government’s Decree No. 10/2002/ND-CP. Not to put a cap on the income levels of officials and employees in scientific and technological organizations. To promulgate the mechanism of autonomy and self-responsibility for State-run scientific and technological organizations with low or no revenues.
To apply the mechanism of contracting scientific and technological subjects and projects in some scientific and technological domains on the basis of thorough appraisal of research contents, products and estimated funding for implementation. The payment and settlement of funding for execution of scientific and technological subjects and projects must be based mainly on the results of evaluation of the research product quality; to abolish irrational payment and settlement procedures in the performance of scientific and technological tasks.
To stipulate the deduction of scientific and technological non-business funding for setting up the reward fund so as to satisfactorily reward organizations and individuals having research results widely applied with high socio-economic efficiency.
The State shall set aside a funding to support the registration of invention patents, utility solutions by Vietnamese individuals; and a funding for purchase of technological patents from developed countries.
To increase investment in scientific and technological activities for socio-economic development in mountainous, deep-lying, remote regions as well as areas exposed to exceptionally difficult conditions.
4. To renew the mechanism for scientific and technological personnel management
The renewal of the mechanism for scientific and technological personnel management aims to bring to the fullest play the creativity potentials of the contingent of science and technology workers; to create material and spiritual motive forces, applying the regime of contribution-based remuneration and preferential treatment as well as other incentive policies for science and technology cadres.
a) To increase autonomy in personnel management to scientific and technological organizations
To implement the regime of officialdom and the contract regime under the Ordinance Amending and Supplementing a Number of Articles of the 2003 Ordinance on Officials and Public Servants and Decree No. 116/2003/ND-CP. To promptly adjust irrationalities in the course of implementing this Decree.
To increase powers and responsibility of the heads of scientific and technological organizations in the management of scientific and technological personnel: the rights to recruit, train, arrange, appoint, relieve from duty, dismiss, pay wages, preferentially treat their officials and employees. To implement the mechanism for supervision of the performance of powers and responsibilities of the heads of scientific and technological organizations.
To promulgate the personnel management regime for technological application and development research organizations which are transformed to operate under the mechanism applicable to scientific and technological enterprises, self-financing scientific and technological organizations; the severance insurance regime for science and technology cadres.
b) To formulate mechanisms and policies to create motive force for science and technology workers
To promulgate the policies of honoring and putting talented scientists and technologists in important positions; to employ skillful science and technology workers; to encourage and attract overseas Vietnamese to participate in scientific and technological development in the country. To apply special income levels for officials assuming the prime responsibility for performing scientific and technological tasks of special importance in the fields of national defense, security and socio-economic development. Science and technology workers with professional levels and qualifications being on the par with those of foreign experts, assuming the same working positions in cooperation projects may enjoy the income levels equivalent to the average income level paid by international or foreign organizations to Vietnamese.
To promulgate criteria for and regulations on appointment of science and technology workers to hold scientific and technological posts and adjust the wage regime suitable to the scientific and technological posts.
To promulgate criteria and regime for periodical evaluation of science and technology workers. To raise salaries ahead of schedule for science and technology workers who splendidly fulfill their tasks, record achievements in scientific and technological research and application.
c) To intensify training and re-training of scientific and technological personnel
To put aside a satisfactory portion of funding for training and fostering talents, high-level science and technology cadres, skilled technicians in service of key economic branches and hi-tech domains, meeting the demands of national industrialization and modernization and attracting foreign investment; to periodically re-train science and technology workers in order to update them with new knowledge and skills. To step up the training of science and technology workers in overseas training establishments with advanced scientific and technological levels; to work out mechanisms and policies to efficiently employ science and technology cadres after their training.
To create favorable conditions for and encourage the opening of international or regional universities and research institutes in Vietnam. To attract prestigious foreign research institutes and/or universities to cooperate or open sub-institutes, branches or to organize scientific and technological personnel training programs in Vietnam. To encourage various economic sectors to participate directly in the process of training scientific and technological personnel, particularly the private economic sector and the foreign-invested economic sector.
d) To attract foreign experts to serve the scientific and technological development
To promulgate the policies of attracting talented experts being overseas Vietnamese and foreign experts to come to Vietnam for participation in training of researchers, to lecture, provide consultancy, to hold posts of management of scientific and technological research.
5. To develop the technology market
a) To associate the renewal of mechanism and socio-economic policies with the promotion of scientific and technological progress and the application of scientific and technological achievements to production and daily life.
To formulate programs on association between science and technology with training, production as well as business in order to support enterprises in raising their managerial capabilities, to modernize and renew technologies, to raise capability for competition and international economic integration.
To gather scientists' criticism of undertakings, policies, investment projects, socio-economic development programs. To formulate the mechanism for integrating scientific and technological tasks with investment projects, socio-economic development programs.
To vigorously reform State enterprises along the direction of stepping up the equitization, not applying the measures of debt freezing, debt rescheduling for enterprises. To create a fair competition environment with a view to stimulating enterprises to attach importance to production and business efficiency and considering efficiency when selecting technologies. To promulgate policies on monopoly control, dissolution and bankruptcy of enterprises while accelerating the process of active international integration in order to create pressure to bear upon enterprises to apply scientific and technological achievements, renew products.
b) To raise the quality and commercialization of scientific and technological products
To reserve a satisfactory portion of State budget funding for supporting the perfection of research products which can be commercialized. To formulate mechanism for post-acceptance evaluation and mechanism on funding support for perfection and commercialization of research products.
To form organizations for consultancy and expertise of technological quality and prices before such technologies are transferred or sold to industrial production establishments.
c) To develop technological intermediate, brokerage organizations
To develop technological brokerage and/or technology transfer consultancy organizations, technology market information-supplying organizations; to form technology market promotion organizations; to organize technology-equipment markets.
To encourage all economic sectors to participate in dealing in technology market brokerage services.
d) To perfect and raise the effect of legislation on intellectual property and technology transfer
To perfect the system of legislation on the technology market. To revise, supplement, amend and perfect current legal documents on intellectual property and technology transfer. To early promulgate two specialized laws on intellectual property and technology transfer.
To clearly prescribe the mechanism of encouraging the transfer of State budget-funded research results along the direction of assigning the use right to the research-conducting organizations for a reasonable period of time for exploitation and commercialization of research results. To clearly define the use duration, obligations and interests of organizations and/or individuals given the use right, particularly when the research results have great social and economic value. After the prescribed duration, if the research results are neither applied to reality nor commercialized, the science and technology State management agencies may use them in form of commodity or public service.
To institutionalize the contribution of capital with copyright over research results or other forms of intellectual property to enterprises by organizations and individuals engaged in scientific and technological activities.
The science and technology management bodies shall support Vietnamese organizations and individuals in the procedures and fees for registration of inventions, utility solutions for scientific and technological research results in the country and protection overseas; set up consultancy offices to provide support on registration and enforcement of intellectual property right at scientific and technological organizations capable of scientific research and technological development.
To propagate and widely disseminate the legislation on intellectual property to organizations and individuals engaged in scientific and technological activities as well as among population. To prescribe the effective penalty bracket in order to prevent and strictly handle acts of infringing upon the intellectual property rights.
6. To perfect the operation mechanism of the science and technology State management apparatus
To conduct the administrative reform within the science and technology State management agencies along the direction of concentrating on the State management tasks, separating the non-business tasks from the administrative agencies, enhancing the supervision and examination functions. To step up training and fostering to raise the qualifications and capability of the contingent of personnel performing the State management over science and technology.
To intensify the Government's coordination so as to create the cohesion of scientific and technological activities with economic, social, defense and security activities. To clearly assign and decentralize tasks, powers and responsibilities for science and technology management among ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, provincial/municipal People's Committees.
To clearly define the functions and tasks of the science and technology State management agencies:
a) The Government: To adopt the scientific and technological development strategies, priority orientations for scientific and technological development in each period, define key scientific and technological tasks of the State; to promulgate legal documents on science and technology according to its competence; to submit to the National Assembly for approval the annual State budgets reserved for science and technology.
b) The Ministry of Science and Technology: To assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, branches and localities in, formulating strategies, mechanisms and policies to boost scientific and technological development for submission to the Government; to sum up and supply information on scientific and technological development orientations and trends in the world and Vietnam to the ministries, branches and localities; to balance and distribute State budget reserved for scientific and technological activities; to manage key national scientific and technological tasks and apply research results to reality; to organize the evaluation of the scientific and technological potentials and levels of the country; to inspect, examine and supervise scientific and technological activities.
c) The Ministry of Planning and Investment: To guide ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, provincial/municipal People's Committees in making their respective scientific and technological development plans a content of their periodical socio-economic development plans; to forecast and include investment resources for scientific and technological development in socio-economic development plans, including ODA sources and other mobilized sources than the State's sources; to balance the total investment for capital construction from the State budget for scientific and technological development; to coordinate with the Ministry of Science and Technology in allocating capital for capital construction projects in the scientific and technological domain.
d) The Finance Ministry: To be responsible for balancing the State budget for science and technology in the total State budget estimate; to ensure adequate and timely allocation of the approved State budget investment in science and technology; to assume the prime responsibility for, or participate in, formulating specific financial mechanisms and policies for scientific and technological activities.
e) The Ministry of Education and Training: To assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in, working out and submitting to the Government for decision plans, mechanisms and policies on training and fostering of scientific and technological personnel and intensifying the research work in universities.
f) The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Science and Technology in, formulating and submitting to the Government for promulgation the mechanisms and policies related to scientific and technological personnel and the system of scientific and technological organizations.
g) The ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies: To be responsible for the State management over science and technology in the branches or domains assigned to their charge; to formulate and organize the performance of scientific and technological tasks in service of development of their branches, domains.
h) The provincial/municipal People's Committees: To be responsible for the State management over science and technology in their respective localities; to concretize and apply mechanisms, policies and orientations for scientific and technological development of the country to the specific situation of their respective localities in order to step up scientific and technological research and application in service of socio-economic development.
i) The ministers, the heads of ministerial-level agencies, the heads of Government-attached agencies, the presidents of the provincial/municipal People's Committees shall be answerable for the investment efficiency and scientific and technological activities within their assigned and decentralized scope.
IV. IMPLEMENTATION ORGANIZATION
1. The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and provincial/municipal People's Committees in, organizing the implementation of the scheme on renewal of science and technology management mechanism, and report once a year thereon to the Prime Minister.
2. From now till the end of 2005, the ministries and concerned agencies shall have to fulfill the following tasks:
a) The Ministry of Science and Technology shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the ministries, branches, localities and the concerned agencies in, drafting:
- The scheme on development of technology market (to be submitted to the Prime Minister by the end of 2004).
- The Prime Minister's decision promulgating the Regulation on evaluation of scientific and technological tasks, scientific and technological organizations (to be submitted to the Prime Minister in the first quarter of 2005).
- The Government's decree on renewal of science and technology planning (to be submitted to the Government in the second quarter of 2005).
- The scheme on transformation of technological application and development research organizations to operate under the enterprise mechanism (to be submitted to the Prime Minister in the second quarter of 2005).
- The scheme on development of technological intermediate and brokerage organizations, technology-equipment market, the technology trading floors at the local level and on the national scale (to be submitted to the Prime Minister in the third quarter of 2005).
b) The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in, drafting:
- The Government's decree on autonomy and self-responsibility mechanism for public scientific and technological organizations (to be submitted to the Government in the fourth quarter of 2004).
- The scheme on policies of commending and rewarding, preferentially treating, honoring and putting in important positions scientific and technological talents (for submission to the Prime Minister in the first quarter of 2005).
- The scheme on policies to attract talented experts being overseas Vietnamese or foreigners in service of scientific and technological development in Vietnam (for submission to the Prime Minister in the second quarter of 2005).
c) The Finance Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in, drafting:
- The joint circular on application of mechanism of contracting financial expenditures for State budget-funded scientific and technological tasks (in the second quarter of 2005).
- The scheme on setting up the risk investment funds in support of technological nursery, scientific and hi-tech enterprise nursery (for submission to the Prime Minister in the third quarter of 2005).
d) The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology and concerned branches in, revising legal documents on science and technology in order to propose appropriate supplements, amendments or cancellations to conform with the contents of the scheme on renewal of science and technology management mechanism (for submission to the Prime Minister in the first quarter of 2005).
e) The ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, provincial/municipal People's Committees shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Science and Technology in:
- Formulating programs on associating science and technology with training, production and business in order to support enterprises in raising their managerial capabilities, to modernize and renew their technologies, raise their capabilities for competition and international economic integration (for submission to the Prime Minister in the fourth quarter of 2004).
- Classifying, drawing up lists of, and plans with specific roadmaps to transform, their attached technological application and development research organizations to operate under the enterprise mechanism; the Ministry of Science and Technology shall sum up and report thereon to the Prime Minister (in the fourth quarter of 2004).
3. From 2006 to 2010:
To implement the above-mentioned legal documents and schemes; by 2007, to organize preliminary review of the situation, drawing experiences and proposing orientations for renewal of the science and technology management mechanism in the subsequent years; by 2010, to organize the final review of the implementation of the scheme on renewal of science and technology management mechanism.
4. The funding for implementation of the scheme on renewal of science and technology management mechanism shall come from the science and technology non-business budget and other sources. Annually, the Ministry of Science and Technology, the Finance Ministry, the Ministry of Planning and Investment shall reach agreement on balancing funding from science and technology non-business budget for the implementation of the scheme.
| PRIME MINISTER |
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Nâng cao để xem đầy đủ bản dịch.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Lược đồ
Vui lòng Đăng nhập tài khoản gói Tiêu chuẩn hoặc Nâng cao để xem Lược đồ.
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây
Chưa có tài khoản? Đăng ký tại đây